NHỮng chữ viết tắT



tải về 497.83 Kb.
trang1/5
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích497.83 Kb.
#13373
  1   2   3   4   5


Gm Phêrô Trần đình Tứ

PHỤNG VỤ BÍ TÍCH(2)

HAI BÍ TÍCH CHỮA LÀNH

Sám hối giao hòa

Xức dầu bệnh nhân

Đại chủng viện thánh Giuse

thành phố Hồ chí Minh

1 9 9 6
NHỮNG CHỮ VIẾT TẮT

AAS Acta Apostolicae Sedis, Roma, và sau, Città del Vaticano, 1909

BPV Phụng vụ, Tạp chí nghiên cứu Phụng vụ, Thánh nhạc, Nghệ thuật tôn giáo, do Đức Cha Giuse Phạm văn Thiên làm Chủ nhiệm, linh mục Giacôbê Nguyễn văn Vi làm Chủ bút, Saigon, 1970-1975

DS DENZINGER-SCHONMETZER, Enchiridion symbolorum definitio-num et declarationum de rebus fidei et morum, editio XXXV, Herder. 1973 EP

EM BỘ LỄ NGHI, Eucharisticum mysterium, 25.3.1967, AAS 57(1967)539-573

EP A.G. MARTIMORT, L’Eglise en prière, introduction à la Liturgie, ấn bản mới, Desclée 1984.

GL Giáo Luật Roma, Bộ luật 1983

GM CĐ VAT. II, Sắc lệnh về nhiệm vụ mục vụ của các Giám Mục trong Giáo Hội (Christus Dominus)

GNK ỦY BAN GIÁM MỤC VỀ PHỤNG VỤ, Nghi thức gia nhập Kitô giáo của người lớn, Saigon 1974

HT CĐ VAT. II, Hiến chế tín lý về Hội Thánh. (Lumen Gentium)

IOE BỘ NGHI LỄ, Huấn thị về việc thi hành đúng Hiến chế về Phụng vụ, 26.9.1964, AAS 56(1964)877-900 (Inter Oecumenici).

LMD La Maison-Dieu, Revue de pastorale liturgique, du Cerf, 1945

MV CĐ. VAT. II, Hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay (Gaudium et Spes)

NTPC BỘ PHỤNG TỰ VÀ KỶ LUẬT BÍ TÍCH, Nghi thức phong chức Giám Mục, linh mục và phó tế, Bản dịch theo bản mẫu 1990 và được Hội Nghị Giám Mục Việt Nam năm 1991 cho phép tạm dùng, Lâm Đồng 1991.

NTTP ỦY BAN GIÁM MỤC VỀ PHỤNG VỤ, Nghi thức tấn phong Giám Mục, Saigon 1974

NTBTV ỦY BAN GIÁM MỤC VỀ PHỤNG VỤ, Nghi thức ban tác vụ đọc sách và giúp lễ - tiếp nhận vào số các thỉnh nguyện viên sẽ lên chức phó tế và linh mục - phong chức phó tế và linh mục, Saigon 1974

NTTN Nghi thức tiếp nhận vào số ứng viên lên chức thánh, trong NTPC trang 218-226

NTTS ỦY BAN GIÁM MỤC VỀ PHỤNG VỤ, Nghi thức bí tích thêm sức, Saigon 1973

OCM Ordo celebrandi matrimonium, editio typica altera, Typis polyglottis Vaticanis, 1991

OP Ordo Poenitentiae, Ed. typica, Typis polyglottis Vaticanis, 1973

PG J.P. MIGNE, Patrologiae cursus completus, Series groeca, Paris-Montrouge, 1857-1866, 161 cuốn.

PL J.P. MIGNE, Patrologiae cursus completus, Series latina, Paris-Montrouge, 1844-1864, 221 cuốn.

PM PHAOLÔ VI, Tự Sắc về một số năng quyền và đặc ân dành cho các Giám mục, 30.11.1963, AAS 56(1964)5-12 (Pastorale munus)

PV CĐ VATICANO II, Hiến chế về Phụng vụ ( Sacrosanctum Concilium)

RTTN ỦY BAN GIÁM MỤC VỀ PHỤNG VỤ, Nghi lễ rửa tội trẻ nhỏ và xức dầu bệnh nhân, Saigon 1970 (Đây là bản dịch của ấn bản mẫu I, 1969. Năm 1973, Nhà in Vaticanô đã phát hành ấn bản II và có sửa đổi đôi chút)

SLR Sách lễ Roma, được thực hiện theo nghị quyết của Thánh Công Đồng Va-ti-ca-nô II và được Đức Thánh Cha Phaolô VI công bố, ấn bản mẫu thứ hai, do ỦY BAN PHỤNG TỰ/HĐGMVN phiên dịch và xuất bản, Tp Hồ chí Minh, 1992

SGL Sách giáo lý của Giáo Hội Công giáo (Cathéchisme de l’Église catholique, Mame/Plon, 1992).

TG CĐ VATICANO II, Sắc lệnh về Truyền giáo (Ad Gentes)

TQKT Những điều tổng quát cần biết trước về khai tâm Kitô giáo (Bản dịch của Nguyễn Thượng Sơn), BPV 1, tr. 27-35

TTVNL ỦY BAN GIÁM MỤC VỀ PHỤNG VỤ, Thừa tác viên ngoại lệ cho rước lễ, in lần II, Saigon 1971

XD ỦY BAN GIÁM MỤC VỀ PHỤNG VỤ, Nghi thức xức dầu bệnh nhân và việc săn sóc họ theo mục vụ.



thiên v
bí tích sám hối giao hòa
thư mỤC tổng quát

PIERRE JOUNEL La liturgie de la Réconciliation, lmd 117(1974)7-37. Nên coi các bài khác trong số báo này.

M.P. BERROUARD La Pénitence publique durant les six premiers siècles, LMD 118(1974)92-130

E. LIPINSKI La liturgie pénitencielle dans la Bible, Cerf (Coll Lectio divina 52), Paris, 1969

J. RAMOS-REGIDOR, Il sacramento della Penitenza, Reflessione teologica, biblico-storico pastorale alle luce del Vaticano II, ELLE DI CI, Torino-Leumann, 1971

F. SOTTOCORNOLA, Il nuovo “Ordo Paenitentiae”, Notitiae 90(1974)62-79. NHT dịch với tựa đề: Giải thích quyền Nghi thức Sám hối mới, BPV 21(1974)55-66.



La Pénitence, sous le signe de réconciliation, Trong: J. GELINEAU, Dans vos Assemblée, II, Desclée, Paris, 1971, tr. 533-551

HOÀNG ĐỨC TOÀN, Cử hành Sám hối, BPV 12(1972)24-42

QUANG TRUNG, Bí tích giải tội qua các thời đại, BPV 19(1973)41-45

TRẦN CÔNG HẠNH, Những điều cần biết trước trong nghi thức Sám hối (dịch), BPV 21(1974)55-66

P.M.GY La Pénitence et la réconciliation, trong: EP, Tập III, tr. 114-131

Les bases de la pénitence moderne, trong: LMD 117(1974)63-85

Le sacremaent de Pénitence d’après le rituel romain de la pénitence de 1974, LMD 139(1979)125-137

C. VOGEL La discipline pénitencielle en Gaule des origienes à la fin du VIIè siècle, Letouzey, 1952. Đặc biệtcác trang 182-197



Le pécheur et la pénitence dans l’Eglise ancienne, Ed. Du Cerf, 1966 (tái bản năm 1982)

Le pécheur et la pénitence dans l’Eglise au moyen âge, Ed. Du Cerf, 1996 (tái bản năm 1982)

LA MAISON-DIEU số 55 và 56 năm 1958; số 90 năm 1967



chƯƠNG I: NHỮNG KHÁI NIỆM TỔNG QUÁT

i. quá trình SOẠN THẢO CUỐN nghi THỨC sám HỐI 1973

Trong Hiến chế về Phụng vụ , Công đồng Vaticano II đã truyền duyệt lại toàn bộ các nghi thức bí tích và phụ tích (số 21). Khi đề cập đến bí tích sám hối, Hiến chế chỉ ghi lại một câu hết sức vắn tắt: Phải duyệt lại nghi thức và công thức của bí tích sám hối, để diễn tả rõ ràng hơn bản tính và hiệu quả của bí tích này (PV 72).

Hiến chế về Phụng vụ thánh được ban hành ngày 04.12.1963, và gần 10 năm sau, nghi thức bí tích sám hối mới được công bố. Đây là nghi thức bí tích cuối cùng trong loạt các nghi thức bí tích đã được canh tân.


  1. Quá trình soạn thảo

Nhóm Nghiên Cứu đầu tiên để duyệt lại các nghi thức sám hối được thành lập vào tháng 12.1966 bên cạnh Hội đồng thực thi Hiến chế về phụng vụ, và bản dự thảo công tác thứ nhất cũng được trình lên các Nghị phụ của Hội đồng vào ngày 04.04.1967 để xin các ngài cho một số hướng dẫn cần thiết cho công tác soạn thảo

Một năm sau, tức tháng 04.1968, nhóm nghiên cứu đã trình lên các Nghị phụ của Hội đồng bản lược đồ đầy đủ về các nghi thức mới của bí tích sám hối. Trong bản lược đồ này, ngoài việc trình bày những tiêu chuẩn đã theo để duyệt lại nghi thức sám hối và bản tóm lược lịch sử bí tích sám hối tại Giáo Hội Đông Phương cũng như Tây Phương, nhóm còn đề nghị 3 nghi thức cử hành bí tích sám hối: Nghi thức giao hòa từng hối nhân; Nghi thức giao hòa nhiều hối nhân với việc xưng tội và giải tội riêng từng người; Nghi thức giao hòa nhiều hối nhân với việc giải tội chung mà không buộc phải xưng tội riêng trước (để sử dụng trong những trường hợp đặc biệt xưa nay vốn thông dụng và các văn kiện của Huấn quyền đã cho phép). Hơn nữa, còn dự liệu một công thức giải tội mới để nói lên rõ ràng hơn hiệu quả và ơn riêng của bí tích sám hối.

Trong khóa họp XI, tháng 10.1968, Hội Đồng đã nghiên cứu và chấp thuận Những điểu cần biết trước. Sau hết, vào tháng 10.1969, Hội Đồng đã thảo luận về việc có thể đưa ra nhiều công thức giải tội để các Hội đồng Giám mục quyết định và cho phép sử dụng. Như vậy công việc của nhóm 23bis Về bí tích Sám hối được coi như là hoàn tất. Tuy nhiên, văn kiện do nhóm soạn thảo còn nêu lên những nghi vấn cần được Bộ giáo lý đức tin nghiên cứu giải quyết. Công việc nghiên cứu kéo dài tới 16.07.1972, tức tới ngày ban hành Những qui luật mục vụ về việc ban bí tích giải tội tập thể.

Sau hơn hai năm ngưng hoạt động để chờ phúc đáp của Bộ giáo lý đức tin, giờ đây để có thể công bố các nghi thức mới về bí tích sám hối, cần phải duyệt lại lần cuối cho ăn khớp với những quyết định của Bộ giáo lý đức tin; cho phần dẫn nhập, tức Những điều cần biết trước có kiểu nói và cách trình bày đồng nhất với các sách phụng vụ bí tích mới xuất bản; đồng thời làm phong phú thêm chính những nghi thức mà nhóm nghiên cứu đầu tiên chỉ mới phác thảo ra những nét chính. Để làm tất cả những công việc đó, một nhóm nghiên cứu mới được thành lập vào tháng 07.19721. Văn bản sửa chữa đã được trình lên các vị cố vấn của Bộ phụng tự trong phiên họp từ 8-10 tháng 11, rồi lên các Nghị phụ của các Bộ này trong phiên họp khoáng đại ngày 22.11.1972. Văn bản lại được tu sửa theo những chỉ thị mới và được gởi tới không những các vị cố vấn và các Nghị phụ của Bộ phụng tự, mà còn cho các Bộ có liên hệ tới bí tích sám hối. Hơn 300 ý kiến đã được gởi lại cho nhóm nghiên cứu, giúp nhóm này sửa lại nhiều chỗ và nhiều điểm quan trọng. Văn bản cuối cùng đã được xét duyệt trong phiên họp của các vị cố vấn Bộ phụng tự từ 1-3 tháng 3 năm 1973, và sau khi được Đức Thánh Cha phê chuẩn, đã được công bố ngày 02.12.1973.

Nhìn lại quá trình soạn thảo nghi thức mới của bí tích sám hối, chúng ta đừng lầm tưởng rằng công việc đã được thực hiện chỉ do những phiên hội học của các nhóm nghiên cứu, cũng như do những quyết định từ trên xuống. Trái lại, chính hai nhóm nghiên cứu này đã được thừa hưởng kết quả của bao công trình nghiên cứu của các nhóm khác về thần học, mục vụ, cũng như những sáng kiến đó đây trong sinh hoạt của các Giáo Hội địa phương. Ngoài ra còn phải kể đến những sách vở, những bài báo nói về vấn đề này trong suốt 10 năm sau Công đồng. Có thể nói, kinh nghiệm sống và thực hành bí tích sám hối trong toàn thể Giáo Hội sau Công đồng đã góp phần tích cực vào việc hình thành cuốn Nghi thức bí tích sám hối mới.


  1. Tiêu chuẩn hướng dẫn việc duyệt lại Nghi thức bí tích sám hối.

Công đồng Vaticano II không những kêu gọi duyệt lại nghi thức bí tích sám hối (PV 72) mà còn nêu lên đó đây trong các tài liệu những chỉ dẫn quí báu để canh tân nghi thức này (x. HT 11; LM 5; PV 109) Dựa vào các văn bản mà Công đồng Vaticano II đề cập đến bí tích sám hối, người ta ghi nhận các điểm sau đây :

* Tội lỗi, cách chung là xúc phạm đến Chúa và làm cho thân thể của Giáo Hội bị thương tích.

* Trong bí tích sám hối, tội nhân giao hòa với Thiên Chúa và với Giáo Hội.

* Toàn thể Giáo Hội đều cộng tác trong việc trở về và trong việc giao hòa của người anh em đã phạm tội.

Ngoài khía cạnh nền tảng này của bí tích sám hối, còn những điểm khác cũng cần phải lưu ý trong nghi thức canh tân, đặc biệt là những yếu tố sau đây :

a. Tầm quan trọng của Kinh thánh và việc đọc Kinh thánh trong khi cử hành bí tích sám hối (PV 24,33,35). Trong thực tế, cho đến ngày nay, chúng ta thấy thiếu việc công bố hoặc đọc Lời Chúa khi cử hành bí tích sám hối.

b. Tính cách cộng đồng của phụng vụ, đặc biệt là của các bí tích (PV 26,27). Vậy người ta cần phải nghiên cứu để có thể trả lại cho bí tích sám hối những hình thức cử hành mang tính Giáo Hội như ở các thế kỷ đầu.

c. Nghi lễ phải đơn sơ trang nhã (PV 34), đồng thời phải thanh cao hoặc trang trọng. Nghi thức bí tích sám hối trước hết sức nghèo nàn; việc lặp đi lặp lại công thức trong nhiều giờ, do cùng một cha giải tội phải giải tội cho nhiều người thường làm cho việc cử hành gia tăng tốc độ có hại cho tinh thần cầu nguyện; ngoài ra cũng không còn thấy cử chỉ tha tội qua việc đặt tay v.v... Vì thế cần phải làm cho việc cử hành trở nên phong phú, vì nó rất quan trọng cho đời sống của cộng đồng Kitô hữu và của mỗi tín hữu. Đồng thời cũng cần giữ lại tính cách đơn giản và vắn tắt của nghi thức để làm cho việc cử hành trở nên thực tế và dễ dàng.

Sau cùng cần phải lưu tâm đến các khuynh hướng thần học hiện nay muốn làm nổi bật vai trò trung tâm của mầu nhiệm Phục sinh, làm nổi bật tác động của Chúa Thánh Thần trong đời sống Giáo Hội, nêu rõ tình yêu và lòng từ bi của Chúa Cha, như nền tảng ơn cứu độ thế giới. Những yếu tố này không được trình bày đầy đủ trong kinh nguyện của bí tích sám hối trước.


  1. Tên gọi của bí tích

Tên gọi của bí tích là điều rất quan trọng. Qua tên đó người ta có thể nhận diện được bí tích, và bằng cách này hay cách khác, nó có thể cho ta biết nội dung của bí tích ấy.

Tại Việt Nam, ta thường gọi bí tích này là bí tích ‘Giải tội’ và khi lãnh nhận bí tích người ta lại gọi là xưng tội. Nhưng tên chính thức đã được các Công đồng Firenze, Trento, rồi Vaticano II thừa nhận, gọi là bí tích sám hối (Sacramentum Paenitentiae).

Sám hối, chính ra có nghĩa là trở về (conversio) là thay đổi lối sống tận gốc rễ (metanoia), nhưng ngày nay trong nhiều ngôn ngữ, nó đồng nghĩa với việc đền tội (paenitentiae). Vì thế, để nói lên đúng ý nghĩa của bí tích này, ngày nay tuy vẫn giữ tên truyền thống Bí tích sám hối, nhưng lại cần phải nhấn mạnh tới ý tưởng giao hòa (Reconciliatio). Sách Giáo lý Công giáo gọi bí tích này là Bí tích sám hối và giao hòa, đồng thời cũng nêu lên những tên khác mà các văn kiện của Giáo Hội đã gán cho nó như Bí tích của sự trở lại, Bí tích của ơn tha thứ.

Quả thực , hiệu quả của bí tích sám hối là giao hòa hối nhân với Thiên Chúa, với Hội thánh. Từ ‘Giao hòa’ không những được dùng để chỉ ba nghi thức chính: Nghi thức giao hòa từng hối nhân; Nghi thức giao hòa nhiều hối nhân; Nghi thức giao hòa tập thể; nó còn là những tựa đề chính trong phần giáo lý như: Mầu nhiệm giao hòa trong lịch sử cứu độ; việc giao hòa các hối nhân trong đời sống của Giáo Hội; những phần việc và tác vụ trong việc giao hòa các hối nhân. Ngay nghị định công bố cuốn nghi thức sám hối mới cũng bắt đầu bằng từ Giao hòa (Reconciliationem).

Từ Giao hòa hay Hòa giải có nguồn gốc trong Thánh Kinh, Thánh Mathêu dùng nó để chỉ việc anh em phải tha thứ cho nhau (Mt 5,23-24); Trong các thư của thánh Phaolô, có khi nó chỉ việc Thiên Chúa liên kết người ta lại với nhau (Eph 2,14-16), có khi nó chỉ việc Thiên Chúa kết buộc người ta lại với Ngài (Cl 1,20; Rm 5,10). Có một đoạn thư rất súc tích, trong đó thánh Phaolô dùng từ ‘giao hòa’ rất nhiều lần, và qui chiếu nó vào cả tác vụ của vị tông đồ là người hành động nhân danh Thiên Chúa. Đây là nguyên văn :

Mọi sự đều do bởi Thiên Chúa, là Đấng đã nhờ Đức Kitô mà cho chúng ta được giao hòa (hòa giải) với Người, và trao cho chúng tôi đây chức vụ giao hòa (hòa giải). Thật vậy, trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã cho thế gian được giao hòa (hòa giải) với Người. Người không còn chấp tội nhân loại nữa, và trao cho chúng tôi công bố lời giao hòa. Vì thế, chúng tôi là sứ giả thay mặt Đức Kitô, như thể chính Thiên Chúa dùng chúng tôi mà khuyên dạy. Vậy nhân danh Đức Kitô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hòa với Thiên Chúa (2Cr 5,18-20).

Từ này cũng rất quan trọng với Phụng vụ Roma cổ xưa. Sách lễ Gelasiano dùng từ giao hòa để chỉ việc tha tội cho các hối nhân, và liên kết họ lại với cộng đoàn.

Về mặt thần học, có lẽ từ giao hòa nói rõ hơn hoạt động của Thiên Chúa, trong khi từ sám hối nhấn mạnh tới hoạt động của con người, và như vậy, từ giao hòa thích hợp hơn với kiểu nói của Kinh thánh.

Sau hết , từ giao hòa còn diễn tả được quan hệ song phương của việc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người, thường được thể hiện qua các bí tích. Thực vậy, trong nhiệm cục bí tích, Thiên Chúa mời gọi con người đến gặp gỡ Ngài bằng cách ban cho họ hồng ân cứu độ, nhờ Đức Kitô, Đấng luôn hoạt động trong Hội thánh. Cũng trong chính Hội thánh này, và cũng nhờ Đức Kitô, con người lấy đức tin mà lãnh nhận hồng ân cứu độ của Thiên Chúa.



  1. Nội dung cuốn Nghi thức bí tích sám hối 1973.

Sách dầy 120 trang, bắt đầu bằng Nghị định công bố mang chử ký của Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Gioan Villot, vì lúc đó Bộ phụng tự chưa có Tổng Trưởng, sau đó là phần Những điều cần biết trước dài 40 số. Tiếp theo là 3 chương về việc cử hành bí tích:

Ch. I : Nghi thức giao hòa từng hối nhân (số 41-47).

Ch.II: Nghi thức giao hòa nhiều hối nhân, nhưng xưng tội và giải tội từng người (số 48-59).

Ch. III: Nghi thức giao hòa nhiều hối nhân: thú tội và lãnh phép giải tội chung (số 60-66).

Ch.IV: Các bản văn dùng trong các cử hành giao hòa
(số 67-214).

Sách còn có 3 phụ lục :

Phụ lục I : Công thức giải vạ và chuẩn bất hợp luật.

Phụ lục II: Những mẫu cử hành sám hối

1. Trong Mùa Chay;

2. Trong Mùa Vọng;

3. Các cử hành sám hối chung;

4. Cho trẻ em;

5. Cho giới trẻ;

6. Cho bệnh nhân

Phụ lục III: Mẫu xét mình

ii. khái NIỆM THẦN HỌC VÀ MỤC VỤ VỀ BÍ TÍCH SÁM HỐI

Mầu nhiệm giao hòa trong lịch sử cứu độ

Chúa Cha đã bày tỏ lòng từ bi của Ngài giao hòa thế gian với chính mình trong Đức Kitô, khi Ngài dùng máu Đức Kitô đổ ra trên thập giá mà ban bình an cho mọi loài dưới đất cũng như trên trời (x. 2Cr 5,18vs; Cl 1,20). Con Thiên Chúa làm người đã sống giữa loài người để giải thoát họ khỏi ách nô lệ tội lỗi (x. Ga 8,34-36), và kêu gọi họ từ bóng tối ra ánh sáng huyền diệu của Ngài (x. 1Pr 2,9). Vì thế, Con Thiên Chúa đã bắt đầu sứ mạng của Người ở trần gian bằng cách rao giảng sự sám hối khi Người tuyên bố: Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng (Mc 1,15).

Đây là lời mời gọi sám hối các tiên tri đã loan báo: Chính Gioan Baotixita cũng đã rao giảng phép rửa tội sám hối để cầu ơn tha tội (Mc 1,4). Lời mời gọi này đã chuẩn bị tâm hồn nhân loại đón nhận Nước Thiên Chúa sẽ đến.

Tuy nhiên, Đức Giêsu không những khuyên bảo loài người từ bỏ tội lỗi và thật lòng trở về cùng Thiên Chúa (x. Lc 15), mà còn giao hòa tội nhân với Chúa Cha khi Người tiếp nhận họ (x. Lc 5,20; 27-32). Ngoài ra Người còn thuyên chữa các bệnh nhân để bày tỏ cho thấy Người có quyền tha tội (x. Mt 9,28). Đặc biệt, chính Người đã chịu chết vì tội lỗi chúng ta, và đã sống lại để công chính hóa chúng ta (x. Rm 4,25). Vì thế, trong đêm Người bị nộp, khi bắt đầu sinh ơn cứu độ, Người đã thiết lập lễ hy tế của Tân ước trong Máu Người để ban ơn tha thứ tội lỗi (x. Mt 26,28), và sau khi sống lại, Người đã sai Thánh Thần của Người đến với các Tông đồ để các ông được quyền tha thứ hay cầm buộc tội lỗi (x. Ga 20,19-23), và để các ông lãnh nhận sứ mạng nhân danh Người mà rao giảng sự sám hối hay ơn tha thứ tội lỗi cho tất cả các dân tộc (x. Lc 24,47).

Thừa lệnh Chúa, Thánh Phêrô, là người mà Chúa đã phán: Thầy sẽ trao cho con chìa khóa Nước Trời. Sự gì con cầm buộc dưói đất trên trời cũng cầm buộc, và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở (Mt 16,19), ngày lễ Ngũ Tuần đã rao giảng ơn tha thứ tội lỗi qua Bí tích rửa tội: Anh em hãy sám hối và mỗi người trong anh em hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô để được tha tội (Cv 2,38). Từ đó trở đi, Giáo Hội không khi nào chểnh mảng sứ mạng kêu gọi mọi người hãy từ bỏ tội lỗi, trở về cùng Thiên Chúa, và công bố cuộc chiến thắng của Chúa Kitô trên tội lỗi nhờ cử hành việc sám hối.

Cuộc chiến thắng trên tội lỗi này trước tiên được thể hiện trong bí tích rửa tội, nhờ đó con người cũ chịu đóng đinh trên thập giá cùng với Đức Kitô, để con người tội lỗi bị hủy diệt và chúng ta không còn làm nô lệ tội lỗi nữa, nhưng khi sống lại cùng với Đức Kitô, từ đó chúng ta sẽ sống cho Thiên Chúa (x. Rm 6,4-10). Vì thế, Giáo Hội tuyên xưng đức tin có một phép rửa để tha tội.

Trong hy tế Thánh Thể, cuộc khổ nạn của Đức Kitô được diễn lại, và thân xác Người bị nộp vì chúng ta và Máu Người đã đổ ra để tha thứ tội lỗi chúng ta, lại được Giáo Hội hiến dâng lên Chúa Cha để cầu xin ơn cứu độ cho tất cả thế gian. Vì chưng, trong bí tích Thánh Thể, Đức Kitô hiện diện và được hiến dâng làm của lễ hòa giải chúng ta (Kinh Tạ ơn III), và để nhờ Thánh Thần Người, chúng ta được hợp nhất cùng nhau (Kinh Tạ ơn II).

Ngoài ra, khi Đấng cứu độ chúng ta là Đức Giêsu Kitô ban quyền tha tội cho các Tông đồ và những đấng kế vị các ngài, Người đã thiết lập bí tích sám hối trong Giáo Hội, để các tín hữu phạm tội sau khi lãnh bí tích rửa tội, nhờ ơn tái sinh được hòa giải với Thiên Chúa2. Vì chưng, Giáo Hội có nước lã và nước mắt: nước lã rửa tội, và nước mắt sám hối3



  1. Giao hòa các hối nhân trong đời sống Giáo Hội

Giáo Hội dầu thánh thiện, nhưng cũng cần được thanh tẩy. Đức Kitô đã yêu thương Giáo Hội và đã phó mình vì Giáo Hội để thánh hóa Giáo Hội (Ep 5,25-26), và kết hiệp với Giáo Hội như hiền thê của người (x. Kh 19,7); Người ban tràn đầy hồng ân linh thiêng cho Giáo Hội là Thân Thể và sự sung mãn của Người (Ep 1,22; GH 11), và qua Giáo Hội, Người tuôn đổ chân lý và ơn thánh đến mọi người.

Nhưng các chi thể của Giáo Hội còn bị cám dỗ và thường sa ngã phạm tội cách thảm hại. Vì thế, mặc dầu Đức Kitô là Đấng thánh thiện, vô tội, tinh tuyền (Dt 7,26), không hề biết đến tội (2Cr 5,21) nhưng Người đã đến để đền tội của nhân gian (Dt 2,m17), thì khi Giáo Hội ấp ủ các tội nhân vào lòng, Giáo Hội vốn thánh thiện, nhưng đồng thời vẫn cần được thanh tẩy, vẫn liên tục theo đuổi việc sám hối và công cuộc canh tân (GH 8)



  1. Việc sám hối trong đời sống và phụng vụ của GH

Bằng nhiều phương cách khác nhau, dân Thiên Chúa thực hiện và chu toàn việc sám hối liên tục ấy. Vì khi thông phần vào cuộc khổ nạn của Đức Kitô nhờ sự nhẫn nhục chịu đựng (x. 1Pr 4,13), khi thực thi các công việc từ thiện bác ái (x. 1Pr 4,13), và mỗi ngày sống theo Phúc âm Chúa Kitô hơn, dân Chúa trở nên dấu chỉ sự trở lại cùng Thiên Chúa trong thế gian. Đó là điều Giáo Hội vẫn tỏ ra qua cuộc sống, và cử hành trong phụng vụ, khi các tín hữu xưng mình là kẻ có tội và xin Thiên Chúa và anh chị em tha thứ tội lỗi cho mình, như trong các cuộc cử hành sám hối, khi công bố Lời Chúa, khi cầu nguyện và trong các phần sám hối khi cử hành bí tích Thánh Thể 4

  1. Giao hòa với Thiên Chúa và Giáo Hội

Vì tội lỗi xúc phạm tới Thiên Chúa, cắt đứt tình bằng hữu với Ngài nên cần phải sám hối, để chúng ta tha thiết yêu mến Thiên Chúa, và hoàn toàn phó mình cho Ngài5. Vậy, kẻ tội lỗi, nhờ ơn Thiên Chúa thương xót, tiến vào con đường sám hối, trở về cùng Chúa Cha là Đấng “đã yêu thương chúng ta trước” (1Ga 4,19), trở về cùng Chúa Kitô là Đấng đã nộp mình vì chúng ta (x. Gl 2,20), và trở về cùng Chúa Thánh Thần là Đấng đã được thông ban đầy tràn trong chúng ta (x. Tt 3,6).

Nhưng do mầu nhiệm huyền diệu và nhân hậu trong việc ban phát các ơn, loài người được liên kết với nhau bằng một thứ tình yêu siêu nhiên, nên tội lỗi của người này cũng làm tổn thương đến người nọ,cũng như sự thánh thiện của người này mang lại lợi ích cho người kia6 Cũng thế, việc sám hối luôn luôn giao hòa với anh em mà tội lỗi thường làm thương tổn.

Ngoài ra, loài người cũng thường hành động liên kết với nhau trong việc thực hiện những điều bất chính. Cũng thế, họ trợ giúp lẫn nhau trong việc thực thi sám hối, để khi đã được giải thoát khỏi tội lỗi nhờ ân sủng Đức Kitô, họ sẽ cùng với tất cả mọi người thiện tâm thực hiện nền công chính và hòa bình trong dân gian ... (OP 1-5).


  1. Bí tích sám hối

Chính Thiên Chúa đã có sáng kiến giao hòa, vì chính Người kêu gọi tội nhân trở về.Tuy nhiên, tội nhân cần phải nói lên lời đáp trả bằng cách dấn thân vào một cuộc cải tạo toàn diện: thay đôi lối suy nghĩ, cách phán đoán, cách sống. Toàn thể con người tội nhân cần được thấm nhuần hồng ân trở về: lòng, trí và thân xác; tri thức và cả vô thức nữa.

Ân sủng của bí tích sám hối cần phải thực hiện một cuộc chữa trị và một sự soi sáng từ bên trong, phải tái lập cuộc sống trong Chúa. Cuộc sống này sẽ biến đổi hối nhân không ngừng. Trước tiên nó khơi lên lòng thống hối chân thật. Đây không phải là sự hối tiếc xuông, nhưng là sự tái sinh trong cố gắng liên tục để nên giống Chúa Kitô. Tiếp đến là việc thú tội. Việc này đòi hối nhân cởi mở tâm hồn với Thiên Chúa, với thừa tác viên của Người, như dấu hữu hình của lòng thống hối bên trong. Nghe hối nhân thứ tội, thừa tác viên hành động nhân danh Chúa Kitô, dùng quyền tha thứ hoặc cầm buộc tội lỗi mà tuyên án trong việc xét xử thiêng liêng này ! Thừa tác viên cần có sự hiểu biết thiêng liêng để có thể phân biệt tội lỗi của hối nhân, rọi lên trong họ những ánh sáng, chỉ cho họ việc đền tội thích hợp, có sức canh tân trật tự mà họ đã gây xáo trộn và trở nên phương thuốc phản công thuyên chữa con bệnh họ đang mắc phải. Cuối cùng, Thiên Chúa dùng dấu chỉ giải tội mà ban ơn tha thứ cho tội nhân. Việc này hoàn tất bí tích sám hối.

Trên đây là bốn yếu tố của bí tích sám hối. Thống hối (ăn năn), thú tội (xưng tội) và đền tội là hoạt động của con người. Hai yếu tố sau là sự diễn tả ra bên ngoài, là dấu chỉ của lòng thống hối bên trong. Hoạt động của Thiên Chúa ban ơn tha tội, được thể hiện qua tác vụ của thừa tác viên Giáo Hội. Liên kết 4 yếu tố trên lại với nhau là cử hành bí tích sám hối.

Việc thành tâm trở về này bao gồm việc ăn năn tội và dốc lòng sống cuộc sống mới, được thể hiện qua việc xưng tội cùng Hội thánh, việc đền tội và sửa đổi cuộc đời. Còn Thiên Chúa thì ban ơn tha thứ tội lỗi qua Hội thánh, và Hội thánh hoạt động nhờ tác vụ của linh mục (OP 6, x. DS 1673)

Việc cử hành này không chỉ thu gọn lại trong lúc dọn mình và xưng tội, nhưng cần phải trải dài suốt cuộc sống. Vì đời người là một cuộc ‘trở về nhà Cha’, trong đó tinh thần thống hối được diễn tả qua cách sống khiêm nhượng, nghèo khó, qua việc thú nhận sự sai sót yếu đuối của mình và việc đón nhận mọi hoàn cảnh Chúa gởi đến để đền tội, để canh tân, để đồng hóa với Chúa Kitô. Hoạt động của Thiên Chúa cũng là một hoạt động liên tục: Chúa Cha đón nhận người con trở về; Đức Kitô vác trên vai con chiên lạc và đưa về chuồng chiên; Chúa Thánh Thần tái thánh hóa đền thờ của Ngài, hoặc vào cư ngụ nơi đó cách sung mãn hơn.



  1. Cần thiết và lợi ích

Những ai phạm tội trọng mà lìa xa cộng đoàn bác ái của Thiên Chúa, thì do bí tích sám hối, họ được kêu mời trở lại sự sống mà họ đã đánh mất. Còn kẻ nào phạm tội nhẹ, mỗi ngày cảm thấy mình yếu đuối, thì nhờ năng lãnh bí tích sám hối, họ nhận được sức mạnh để đạt được sự tự do sung mãn của con cái Thiên Chúa (OP 7).

Vì chưng việc sử dụng bí tích này không phải chỉ là lặp lại một nghi lễ hay một sự thao luyện tâm lý, nhưng là một sự cố gắng liên tục để làm cho ơn bí tích rửa tội thêm hoàn hảo, ngõ hầu khi chúng ta mang lấy trong chúng ta sự chết của Đức Kitô, thì dần dần sự sống của Đức Kitô được hiển hiện lên trong chúng ta (OP 7b).

Như vậy, nhờ việc năng lãnh nhận bí tích sám hối, chúng ta không chỉ được ơn để chừa một tội riêng nào đó, nhưng được ơn để giao chiến với chính trạng thái tội lỗi, sự ươn hèn của con người. Nhờ nó, người tín hữu kiện toàn hình ảnh Chúa Kitô nơi bản thân mình, và mở rộng tâm hồn để Chúa Thánh Thần tự do hoạt động, đồng thời họ cũng sẵn sàng dấn thân hơn trong việc phục vụ anh em đồng loại.

Quả thực, dù trong trường hợp cần thiết phải xưng tội, dù trong trường hợp việc xưng tội chỉ mang thêm lợi ích, thì việc cử hành bí tích giao hòa luôn phải là dịp để Giáo Hội tuyên xưng đức tin và tạ ơn Chúa vì sự tự do mà Chúa Kitô đã giải thoát chúng ta và hiến dâng mạng sống mình làm hy tế thiêng liêng để ca tụng vinh quang Thiên Chú (Ib. 7).


  1. Phận sự và tác vụ trong việc giao hòa các hối nhân

Vì là dân tư tế, nên toàn thể cộng đồng đều phải hợp tác vào việc giao hòa các hối nhân Quả thực không những Hội thánh kêu gọi hối nhân ăn năn sám hối bằng việc rao giảng Lời Chúa, mà còn cầu nguyện cho hối nhân, lấy lòng từ mẫu săn sóc lo lắng giúp đỡ để họ nhận biết và xưng thú tội mình ra, cũng như đón nhận lòng từ bi của Thiên Chúa (OP 8). Bởi vậy, các tín hữu phải ý thức trách nhiệm của mình đối với những anh em cần lãnh nhận bí tích này.

Hội thánh thi hành tác vụ giao hòa qua các Giám mục và linh mục. Khi thi hành tác vụ này, các linh mục hành động trong sự hiệp thông với Giám mục và tham dự vào quyền bính cũng như nhiệm vụ của ngài là vị điều hành kỷ luật sám hối (OP 9a; HT 26)...

Đức Giáo Hoàng, các Hồng Y được quyền giải tội cho mọi tín hữu ở khắp mọi nơi. Các Giám mục cũng được quyền như vậy, trừ trường hợp cụ thể bị Giám mục sở tại phản đối (GL đ 967§1).

Linh mục được quyền giải tội thường xuyên, hoặc do chức vụ, hoặc do bản quyền sở tại nơi mình nhập tịch hay nơi mình cư trú, ban cấp, thì có thể sử dụng quyền ấy ở mọi nơi, trừ khi bị bản quyền sở tại nơi mình giải tội phản đối trong một trường hợp cụ thể nào đó (GL đ. 967§2).

Các linh mục phải nhớ rằng: khi giải tội, ngài vừa đóng vai thẩm phán vừa đóng vai y sĩ, đồng thời được đặt làm thừa tác viên của Thiên Chúa vừa công bình vừa nhân ái. Vì thế, ngài vừa phải để ý tới vinh danh Thiên Chúa, nhưng cũng phải lo cho phần rỗi của các linh hồn (GL đ. 978§1).

Để chu toàn những vai trò đó, linh mục phải có những kiến thức sâu rộng, và cần phải được cập nhật hóa thường xuyên; nhưng nhất là cần phải có sự phân biệt các tâm hồn (discernement des esprits). Và đây là một hồng ân của Chúa Thánh Linh, cũng như kết quả của đức ái (Pl 1,9-10). Vì thế, cần phải nghiên cứu học hỏi, nhưng nhất là phải siêng năng cầu nguyện, và luôn tận tụy với các linh hồn. Dĩ nhiên, vì là thừa tác viên của Giáo Hội, linh mục phải gắn bó, trung thành với giáo huấn của Giáo Hội và các qui luật do nhà chức trách có thẩm quyền ban hành (GL đ. 978§2).



Khi đón nhận người tội lỗi ăn năn sám hối và dẫn dắt họ đến ánh sáng chân lý, cha giải tội thi hành nhiệm vụ của người cha, nên phải tỏ ra cho mọi người thấy tấm lòng của Chúa Cha và mang lấy hình ảnh Đức Kitô là mục tử (OP 10c; PV 7).

Cha giải tội ý thức rằng, mình đã biết được những điều bí mật trong lương tâm anh chị em mình, với tư cách là thừa tác viên của Thiên Chúa, nên theo chức vụ, bắt buộc phải giữ kín ấn tín bí tích (OP 10d; GL đ. 983§1).

Riêng với hối nhân, phận vụ của họ trong việc cử hành bí tích sám hối thật là quan trọng (OP 11). Họ không những tham dự vào việc cử hành bằng nghe Lời Chúa, bằng cầu nguyện chung, nhưng một cách nào đó, có thể nói họ đồng cử hành bí tích với linh mục. Vì việc họ xưng các tội lỗi mình được liên kết với việc đọc công thức tha tội của linh mục, là những yếu tố thiết yếu làm nên bí tích.



Như thế, đang khi người tín hữu tiếp nhận và công bố lòng từ bi của Thiên Chúa trong đời sống mình, cùng với linh mục, họ cử hành phụng vụ của Hội thánh luôn luôn đổi mới (Ib.)

iii. đôi dòng LỊCH SỬ VỀ bí tích sám HỐI

  1. Thời kỳ đền tội công khai (tk 1-6)

Phương thức đền tội và giao hòa của thời kỳ này được mệnh danh là công khai, vì việc đền tội và xét xử đều được thực hiện trước mặt cộng đồng tín hữu. Khi đến xin nhập đoàn những người trở lại (conversi), hối nhân thú tội trước mặt Đức Giám mục. Họ thú tội làm sao, thì không có tài liệu nào ghi chép lại. Thông thường đầu mùa Chay, Đức Giám mục làm lễ thu nhận những người xin trở lại. Trong thời gian đền tội, những người này được dành cho một chỗ riêng, tách biệt với chỗ dành cho tín hữu thường. Trong khi cử hành nghi thức phụng vụ, Đức Giám mục kêu gọi các tín hữu cầu nguyện cho họ, rồi đến thứ Năm Tuần Thánh, trong một nghi thức phụng vụ đặc biệt, Đức Giám mục giao hòa họ lại với cộng đoàn.

Theo thủ tục thời ấy, khi gia nhập những người trở lại, hối nhân không được thông công trong bàn tiệc thánh, cũng bị cấm không được tham dự nhiều sinh hoạt khác của cộng đoàn. Cũng theo thủ tục này, thì hối nhân chỉ được tha tội một lần, vì các tín hữu bấy giờ quan niệm là nếu chỉ được rửa tội một lần, thì cũng chỉ được tha tội một lần. Ngoài ra, sau khi được giao hòa, hối nhân vẫn bị cấm cưới vợ, lấy chồng, và nếu đang sống trong bậc đôi bạn, thì không được ăn nằm với nhau, cũng không được đảm nhiệm một công vụ, không được ra tòa làm nhân chứng hay lãnh chức phó tế và linh mục. Những người đã được giao hòa mà tái phạm, thì người ta chỉ khuyên làm việc đền tội tư riêng và cậy nhờ vào lòng thương xót của Chúa.

Tuy nhiên, không ai bị bó buộc phải gia nhập cộng đoàn những người trở lại. Hơn nữa, nếu là những người đang sống ở bậc đôi bạn, thì còn đòi sự ưng thuận của người phối ngẫu. Các tu sĩ cũng không buộc phải đền tội công khai như giáo dân, vì thế nếu có ai sa ngã, thường họ bị đuổi về thế gian. Nếu thực tình sám hối, họ có thể dựng những túp lều bên cạnh nhà dòng, ăn chay đền tội, đọc kinh cầu nguyện và phó trót mình cho tình lân mẫn của Thiên Chúa định đoạt.

Chính vì những khắt khe kể trên, nên nhiều người đợi tới tuổi già, tới lúc các tình dục lắng dịu, họ mới dám xin gia nhập vào số những người ‘trở lại’.



  1. Thời kỳ giao hòa và đền tội theo giá mục

Tính chất nghiêm ngặt của việc đền tội công khai, đặc biệt là sự kiện chỉ được tha có một lần, đã làm nhiều người thất vọng. Đàng khác, vì số người tòng giáo mỗi ngày thêm đông, họ thuộc những dân tộc kém văn minh, có đời sống luân lý thấp, không thể kham nổi kỷ luật quá ngặt nghèo như vậy. Tất cả những yếu tố đó thúc giục người ta phải tìm ra những phương thức đền tội mới. Đó là phương thức đền tội theo giá mục.

Gọi là đền tội theo giá mục, vì người ta soạn ra những quyển sách trong đó có bảng xếp hạng các thứ tội, và bên cạnh mỗi thứ tội, đều có kê khai sẵn những việc đền tội. Chính nhờ những bảng giá mục này, mà hối nhân có thể tự ý đến xưng thú tội lỗi với một linh mục, để vị này theo bảng đó mà ra việc đền tội. Khi đền tội xong, họ đến xin linh mục tha tội, tức giao hòa với cộng đồng tín hữu. Cũng có những trường hợp hối nhân đến thú tội với một giáo dân thường để được dẫn dắt trên đường nhân đức.

Người ta không rõ phương thức đền tội này đã phát xuất từ đâu, nhưng theo ý kiến chung, thì có lẽ phát xuất từ các dân tộc Anglo-Saxons, đặc biệt là tại Ái-nhĩ-Lan và Celtes. Ở những nơi này, người ta không biết đến phương thức đền tội công khai.

Bắt đầu, Giáo Hội không chấp nhận phương thức đền tội mới này, nhưng dần dà, vì nó đã được phổ biến sâu rộng, và vì rất ít người kham được cách đền tội công khai, nên Giáo Hội đã chấp nhận.

Theo phương thức này, hối nhân không buộc phải trình diện với Giám mục, nhưng chỉ xưng thú với linh mục là đủ. Các việc xét xử cũng không còn tính chất công khai, mà là riêng tư, giữa linh mục và hối nhân. Việc xưng tội cũng trở thành quan trọng hơn việc đền tội, theo quan niệm là xưng tội không những để linh mục biết rõ tình trạng linh hồn của hối nhân, mà còn có mục đích đền tội, do sự ưng thuận chịu xấu hổ khi xưng thú tội lỗi mình ra với linh mục. Cũng chính vì thế, khi hối nhân đến lãnh bí tích này, người ta gọi là “đi xưng tội”, còn linh mục ban bí tích thì gọi là giải tội. Lúc đầu, hối nhân còn buộc phải làm việc đền tội xong rồi mới được giải tội, nhưng sau, vì nhiều trường hợp hối nhân không thể trở lại gặp linh mục được nữa, nên linh mục đã ban phép giải tội cho ngay sau khi xưng tội, và việc đền tội có thể làm sau.


  1. Phương thức xưng tội và giải tội sau Cđ.Trento

Cách thức xưng tội và giải tội hiện nay là do Công đồng Trento qui định (1551). Các điều khoản về bí tích sám hối nói riêng, và về các bí tích nói chung, đều mang nặng tính chất chống lại giáo thuyết Tin Lành trong thời kỳ đó.

Thực vậy, năm 1520, trong cuốn Sự lưu đầy của Giáo Hội tại Babylon, Luterô tuy còn nhìn nhận bí tích giải tội, nhưng ông đã chối giá trị bí tích đích thực của nó. Theo ông, người ta được khỏi tội là nhờ đức tin vào Lời Thiên Chúa đã hứa. Phép giải tội chỉ có mục đích củng cố đức tin ấy; chỉ là cơ hội để lòng tin ấy trở thành hiện thực. Vì vậy, theo ông, việc xưng tội không còn cần thiết phải liên kết với việc ban phép giải tội, và ban phép giải tội chẳng qua chỉ là để làm thức tỉnh và củng cố lòng tin ấy mà thôi.

Qua năm 1530, thái độ của ông càng trở nên cứng rắn hơn. Trong cuốn Confession d’Ausbourg, tuy không lên án việc xưng tội, nhưng đối với ông, trong khi xưng tội chỉ cần xưng trống mình là kẻ có tội, chứ không buộc phải kê khai từng tội đã phạm. Ông kịch liệt đả kích luật buộc xưng tất cả mọi tội trọng, kể cả tội bề trong lỗi điều răn 6 và 9. Vì thế ông lên án: “Việc xưng tội là một sự độc ác và làm khó dễ các lương tâm”.

Trên đây là mấy nét chính về quá trình của bí tích sám hối. Trong mỗi phương thức, ta đều nhận thấy hai yếu tố chính: sự thành tâm hối lỗi của tội nhân, và sự can thiệp của thừa tác viên, hành động nhân danh Giáo Hội, nhân danh Thiên Chúa để giao hòa tội nhân với Thiên Chúa và Giáo Hội. Còn những phương thức khác nhau được sử dụng mỗi thời kỳ là những cái phụ thuộc, và do đó, thuộc quyền ấn định của Giáo Hội. Như vậy, ta thấy những yếu tố thiết yếu của bí tích không bao giờ thay đổi, trái lại, những gì là phụ thuộc, thì Giáo Hội có thể sửa đổi cho hợp với hoàn cảnh xã hội và tâm trạng của con người thuộc mỗi thời đại.



ChƯƠNG. ii : CỬ hành bí tích sám hỐI

i. nơi, THỜI gian, y PHỤC CỬ hành bÍ tÍCH sám HỐI

  1. Nơi cử hành bí tích sám hối

NĐCBT số 12 có ghi: ‘Bí tích sám hối được cử hành tại nơi và tòa do luật qui định’.

Khi công bố cuốn nghi thức bí tích sám hối thì Bộ giáo luật 1917 vẫn còn giá trị. Theo đó, nơi (dành) riêng để cử hành bí tích này là nhà thờ, nhà nguyện công hay bán công (c. 908).

Bộ giáo luật mới (1983) vẫn còn giữ qui định này, tuy không còn phân biệt nhà nguyện công và bán công nữa (GL đ 964§1)

Về tòa giải tội, luật 1917 buộc phải sử dụng tòa có vách ngăn giữa hối nhân và cha giải tội, đồng thời phải được đặt nơi trống trải, dễ thấy. Không được giải tội cho phụ nữ ngoài tòa, trừ trường hợp đau yếu hay khi thực sự cần thiết (c. 909-910).

Sách nghi thức mới không nhắc tới tòa có vách ngăn, nhưng để cho Hội đồng Giám mục quyết định tùy theo tập tục và khuynh hướng mục vụ địa phương (OP 38b).

Bộ luật mới (1983) vẫn dành quyền qui định về tòa giải tội cho HĐGM nhưng đồng thời cững đòi luôn luôn phải đặt những tòa giải tội có vách ngăn ở nơi trống trải, ngõ hầu những ai muốn thú tội theo cách truyền thống được tự do sử dụng loại tòa giải tội kiểu này (GL đ 9642). Luật mới cũng không cho phép nghe thú tội ngoài tòa, bất kể hối nhân là nam hay nữ, trừ khi có lý do chính đáng (GL đ 9643).

Tìm hiểu lịch sử tòa giải tội có vách ngăn, ta thấy nó chỉ xuất hiện từ hậu bán thế kỷ 16, dưới ảnh hưởng của thánh Carôlô Bôrômêô, vị đã ra lệnh cấm giải tội cho phụ nữ ngoài tòa, và tòa giải tội cho nữ giới phải có vách ngăn7

Trong ít thập niên gần đây nhiều nơi đã có sáng kiến lập những kiểu tòa giải tội khác nhau, hoặc giải tội ngoài tòa. Có những chỗ đã cố gắng cải tiến nơi tiếp nhận các hối nhân cho đượm mầu nhân bản hơn, giúp cho việc đối thoại dễ dàng hơn, và cũng cho phép cả linh mục lẫn hối nhân có thể lúc đứng, lúc ngồi, lúc quì. Các tòa giải tội tại đền thánh Pontmain, thuộc giáo phận Laval đã được thiết kế theo kiểu này8. Nghi thức mới của bí tích sám hối cũng giả thiết khả năng đứng, ngồi, quì của cả linh mục lẫn hối nhân. Thực vậy, khi tiếp nhận hối nhân, linh mục sẽ đứng chào hỏi hối nhân, sau đó sẽ mời họ ngồi để nghe hoặc đọc Lời Chúa, nghe hối nhân thú tội và trao đổi về việc linh hồn; cuối cùng, linh mục có thể mời hối nhân quì gối, còn ngài sẽ đứng lên, giang tay trên họ để đọc lời tha tội.

Cũng trong đường hướng thích nghi với tâm tình của địa phương, Hội đồng Giám mục Mỹ, năm 1974, đã đưa ra quyết định sau: “Nên có những nơi hoặc những phòng dành riêng để cử hành bí tích giao hòa, trong đó hối nhân có thể chọn lựa cách thú tội diện đối diện với linh mục, ngõ hầu việc trao đổi thiêng liêng được thực hiện cách thích hợp hơn ... Nhưng những nơi hoặc những phòng giao hòa này cũng nên được trang bị sao để hối nhân có thể chọn cách quì xưng tội ở những tòa có cách ngăn theo kiểu truyền thống. Làm sao, trong mọi trường hợp, luôn tôn trọng sự tự do chọn lựa của hối nhân”9.

Như vậy, theo giáo luật mới, buộc phải đặt tòa có vách ngăn tại nơi trống trải, và thông thường phải nghe thú tội tại đó. Tuy nhiên, nếu hối nhân muốn xưng tội diện đối diện để dễ bề trao đổi việc thiêng liêng, thì cũng coi là lý do chính đáng để làm như vậy10



  1. Thời gian cử hành bí tích sám hối

Có thể cử hành bí tích sám hối vào bất cứ thời gian nào và bất cứ ngày nào. Tuy nhiên, cần phải thông báo cho giáo dân biết ngày giờ qui định để cử hành bí tích này. Cũng cần tập cho giáo dân đi xưng tội ngoài giờ cử hành Thánh lễ và vào những ngày ấn định (EM 35).

Mùa Chay là thời gian thuận tiện nhất để cử hành bí tích này, vì ngay từ đầu mùa, lúc xức tro, Giáo Hội đã kêu mời mọi người: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Chính vì thế, cần phải tổ chức nhiều cuộc cử hành sám hối trong mùa Chay để các tín hữu có dịp giao hòa với Thiên Chúa và với anh em, đồng thời có thể cử hành mầu nhiệm Vượt Qua trong Tam Nhật Thánh với tâm hồn đổi mới (OP 13).



  1. Y phục cử hành Bí tích sám hối

Cả sách nghi thức lẫn Bộ giáo luật mới không ấn định gì về y phục linh mục phải mặc khi cử hành bí tích sám hối, nhưng dành quyền quyết định cho vị Thường quyền địa phương.

Dĩ nhiên, cần phân biệt y phục mặc khi giao hòa một hối nhân hay một nhóm nhỏ hối nhân, với y phục khi cử hành nghi thức sám hối chung cho cả cộng đoàn trong nhà thờ.



ii. NGHI THỨC giao hòa TỪNG HỐI NHÂN

  1. Nghi thức cũ so với nghi thức mới

Nghi thức giao hòa cũ chứa đựng nhiều yếu tố lấy từ những nguồn khác nhau, bắt đầu từ thời Trung cổ được ghi lại trong Sách các phép (Rituale) phát hành năm 1614, đặc biệt dựa theo cuốn Liber sacerdotalis của Costellano (1523) và cuốn Sách các phép của Đức Hồng Y Santori (1584).

Các kinh đọc trong nghi thức cũ có nhiều chỗ lặp lại và không diễn tả rõ mầu nhiệm được cử hành, như mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô, tác động của Chúa Thánh Thần và vai trò trung gian của Giáo Hội. Việc đặt tay là dấu chỉ đặc biệt của nghi thức giao hòa cổ thời, được lấy lại trong Sách các phép 1614, cũng ít được chú ý tớì11

Cấu trúc của nghi thức sám hối mới đã được canh tân đáng kể so với nghi thức cũ. Sau đây là bảng đối chiếu:


Nghi thức 1973

Nghi thức 1952

1. Tiếp nhận hối nhân

Làm dấu thánh giá

Kêu mới tin tưởng vào Chúa


1. Tiếp nhận hối nhân

Làm dấu thánh giá



2. Đọc lời Chúa (Tự do)

2.

3. Công thức cáo mình chung (tự do) và xưng tội riêng từng người.

3. Công thức cáo mình chung (ít là công thức vằn) và xưng tội riêng từng người.

4. Hối nhân tỏ bày lòng ăn năn

4.

5. Kinh tha tội (Lm giơ hai tay hoặc ít là tay phải trên đầu hối nhân đang khi đọc kinh tha tội, và hối nhân thưa Amen.

5. Linh mục giơ tay về phí hối nhân và đọc các kinh đang khi hối nhân đọc kinh ăn năn tội.

6. Ca tụng lòng từ bi Chúa

6.

7. Cho hối nhân ra về

7.


tải về 497.83 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương