Đánh giá việc thực hiện Chính sách thuốc quốc gia giai đoạn 1996 -2011, Chiến lược phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn 2002 -2011



tải về 1.54 Mb.
trang13/17
Chuyển đổi dữ liệu24.07.2016
Kích1.54 Mb.
#3204
1   ...   9   10   11   12   13   14   15   16   17

3. Kiến nghị:


Cần nhanh chóng ban hành Chính sách quốc gia về dược cho giai đoạn mới phù hợp với tình hình thực tế, nhằm định hướng cho Ngành Dược Việt Nam phát triển bền vững, đảm bảo khả năng cung ứng đủ thuốc trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trong giai đoạn mới. Chính sách quốc gia về dược giai đoạn đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 cần bao trùm cả Chiến lược phát triển ngành Dược Việt Nam, Quy hoạch hệ thống lưu thông, cung ứng thuốc, Quy hoạch phát triển công nghiệp dược Việt Nam. Đồng thời, việc triển khai Chính sách quốc gia về Dược cần được thực hiện theo một kế hoạch hành động xây dựng ngay sau khi có CSTQG đảm bảo nguồn lực và chiến lược theo dõi, đánh giá việc thực hiện các mục tiêu của CSTQG.

PHẦN II: CHÍNH SÁCH QUỐC GIA VỀ DƯỢC GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
  Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, chỉ đạo xây dựng Ngành Dược Việt Nam phát triển một cách bền vững, đảm bảo cung ứng nguồn thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho nhân dân. Phát triển Ngành Dược Việt Nam đúng hướng là một yếu tố quan trọng để đảm bảo an ninh y tế và an sinh xã hội trong giai đoạn trước mắt cũng như về lâu dài.

Trong những năm qua, Ngành Dược Việt Nam đã có những tiến bộ nhanh và hết sức cơ bản. Ngành Dược đã cung ứng đủ thuốc cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh của nhân dân, thuốc sản xuất trong nước đã chiếm gần 50% thị phần dược phẩm. Từ những cơ sở sản xuất, cung ứng nhỏ bé, đến nay Ngành Dược đã xây dựng được một hệ thống tương đối hoàn chỉnh từ sản xuất, xuất nhập khẩu, lưu thông phân phối thuốc tới tận người bệnh. Những thay đổi trong hệ thống cung ứng thuốc đã tạo điều kiện cho thầy thuốc và người bệnh được tiếp cận nhanh chóng với những thành tựu của nhân loại, được sử dụng những loại thuốc mới phát minh, những thuốc chuyên khoa đặc trị dùng để chẩn đoán và chữa trị những bệnh nan y. Thị trường dược phẩm đã được vận hành trong nền kinh tế thị trường có sự định hướng và quản lý của Nhà nước, dựa trên nền tảng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng được pháp quy hóa theo hướng tuân thủ và đồng bộ với pháp luật quốc gia, hòa hợp khu vực và cam kết hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, Ngành Dược Việt Nam cũng đang đứng trước những thách thức to lớn, đang phải đối diện với những hạn chế do cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Trình độ sản xuất, phân phối dược phẩm mặc dù đã tuân thủ những quy chuẩn quốc tế cơ bản nhưng do nguồn vốn và quy mô đầu tư chưa đủ lớn đã làm cho nền công nghiệp dược phẩm Việt Nam phát triển chậm hơn so với yêu cầu, nếu không kịp thời khắc phục sẽ dần dần trở nên tụt hậu so với sự phát triển không ngừng của các nước khác trên thế giới. Hệ thống và phương pháp đào tạo chậm đổi mới tạo ra nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu mới của xã hội, nhất là trong giai đoạn hội nhập với thế giới. Sự yếu kém về nghiên cứu và ứng dụng không chỉ làm mất đi lợi thế về nguồn lực trong nước, làm giảm khả năng cạnh tranh mà còn làm cho Ngành Dược Việt Nam mất dần nhân tố phát triển bền vững và lệ thuộc nhiều hơn vào nguồn nguyên liệu nước ngoài. Việc sử dụng thuốc chưa thực sự hợp lý, tình trạng dễ dãi, lạm dụng trong kê đơn thuốc, thực hiện chưa nghiêm túc những quy định về kê đơn và bán thuốc theo đơn vừa ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị, vừa gây lãng phí cho xã hội, gây khó khăn cho bộ phận nhân dân lao động có thu nhập thấp.

Ngành Dược Việt Nam trong giai đoạn tới nằm trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế tiếp tục phát triển về quy mô, mức độ và hình thức biểu hiện với những tác động tích cực và tiêu cực, cơ hội và thách thức đan xen lẫn nhau. Quá trình quốc tế hóa sản xuất và phân công lao động diễn ra ngày càng sâu rộng; sự tùy thuộc lẫn nhau, hội nhập, cạnh tranh và hợp tác giữa các nền kinh tế ngày càng mạnh mẽ và quyết liệt. Các hãng dược phẩm đa quốc gia, với lợi thế về phát minh thuốc mới và công nghệ phân phối hiện đại ngày càng tác động và có ảnh hưởng nhiều tới đội ngũ thầy thuốc và người tiêu dùng thuốc nước ta.

Việc triển khai thực hiện Chính sách Quốc gia về thuốc giai đoạn 1996-2010, đã giúp cho Ngành Dược đã đạt được những thành tựu nhất định, song cần thiết phải xây dựng Chính sách Quốc gia về dược phù hợp với sự phát triển và yêu cầu thực tiễn trong thời gian tới. Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định ban hành Chính sách Quốc gia về dược giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, nhằm định hướng cho Ngành Dược Việt Nam phát triển một cách bền vững, góp phần quan trọng vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân với những nội dung dưới đây.

II. QUAN ĐIỂM

1. Quan điểm chung

1.1. Thuốc là một loại hàng hóa đặc biệt, là một trong những phương tiện chủ yếu để bảo vệ và chăm sóc sức khỏe. Nhà nước đảm bảo có đủ thuốc thiết yếu cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh của nhân dân. Đảm bảo các đối tượng thuộc diện chính sách xã hội, dân tộc ít người, vùng sâu, vùng xa, người nghèo, bà mẹ, trẻ em, người già có đủ thuốc chữa bệnh theo thẻ bảo hiểm y tế hoặc miễn phí do ngân sách Nhà nước chi trả. Đảm bảo cung ứng đủ thuốc và kịp thời cho các yêu cầu an ninh, quốc phòng, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh và các nhu cầu khẩn cấp khác.

1.2. Xây dựng một nền công nghiệp dược nội địa đủ mạnh, tập trung đầu tư cho sản xuất thuốc thành phẩm mang tên gốc (thuốc generic) có chất lượng tốt và giá thành hợp lý, là nguồn cung ứng chủ yếu cho nhu cầu của nhân dân thay thế thuốc nhập khẩu; chỉ nhập khẩu những thuốc mới phát minh, thuốc chuyên khoa đặc trị và các thuốc mà nước ta chưa có khả năng sản xuất hoặc sản xuất chưa đủ cho nhu cầu điều trị.

1.3. Phát huy thế mạnh và tiềm năng để phát triển dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa có hiệu quả cao về kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường sinh thái bền vững, giảm dần tỷ lệ nhập khẩu dược liệu, tăng tỷ trọng xuất khẩu dược liệu và thuốc từ dược liệu.

1.4. Đảm bảo vai trò quản lý, chỉ đạo của cơ quan quản lý Nhà nước về dược, thực hiện công bằng giữa các thành phần kinh tế trong hoạt động kinh doanh dược phẩm. Đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng thuốc, quản lý giá thuốc hợp lý và chất lượng thuốc tốt, đảm bảo sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, ưu tiên sử dụng thuốc sản xuất trong nước.

2. Quan điểm phát triển ngành dược

2.1. Phát triển ngành dược theo hướng đồng bộ, phù hợp với sự phát triển chung của kinh tế- xã hội, hòa nhập và hội nhập với khu vực và thế giới để hoàn thành tốt sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân.

2.2. Đẩy mạnh công nghiệp bào chế thuốc trong nước, phát triển công nghiệp hóa dược, phát triển và bảo tồn các nguồn gen dược liệu quý, sử dụng có hiệu quả thế mạnh của nguồn nguyên liệu dược liệu; phát triển sản xuất thuốc từ dược liệu; phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ công nghệ bào chế: công nghiệp bao bì, công nghiệp trang thiết bị phục vụ ngành dược.

2.3. Tổ chức lại hệ thống phân phối và cung ứng thuốc bao gồm mạng lưới bán buôn thuốc, bán lẻ thuốc và cung cấp thuốc trong cơ sở dịch vụ y tế để chủ động điều tiết ổn định thị trường thuốc, đáp ứng đủ thuốc thiết yếu, thuốc chủ yếu cung cấp cho bệnh viện có chất lượng, giá cả hợp lý một cách đầy đủ, kịp thời đặc biệt trong các trường hợp khẩn cấp như các bệnh dịch nguy hiểm, thiên tai,…

2.4. Đẩy mạnh công tác dược lâm sàng, cảnh giác dược và công tác dược bệnh viện. Có chính sách đẩy mạnh kê đơn và sử dụng thuốc generic trong điều trị. Đảm bảo sử dụng thuốc hợp lý, an toàn và hiệu quả góp phần nâng cao sức khỏe nhân dân.

3. Quan điểm quy hoạch

1. Quy hoạch ngành công nghiệp dược và hệ thống phân phối- cung ứng thuốc phù hợp với các quy luật khách quan của nền kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền tự chủ, tự do kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng giữa các chủ thể trong môi trường pháp lý ngày càng hoàn thiện và có sự điều tiết vĩ mô của Nhà nước.

2. Đáp ứng mục tiêu cung ứng đủ thuốc có chất lượng và giá cả hợp lý phục vụ tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân; chủ động điều tiết ổn định thị trường thuốc; đảm bảo sử dụng thuốc hợp lý, an toàn và hiệu quả góp phần nâng cao sức khỏe nhân dân, giảm chi phí xã hội.

4. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế cùng tham gia đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất thuốc, tham gia phân phối và cung ứng thuốc. Nhà nước hỗ trợ các thành phần kinh tế ngoài công lập thông qua các cơ chế chính sách ưu đãi phù hợp. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dược trong nước phát triển hệ thống phân phối thuốc đặc biệt xây dựng các Trung tâm phân phối thuốc khu vực, Chuỗi nhà thuốc hoạt động trên phạm vi cả nước nhằm chiếm lĩnh thị trường, có đủ năng lực để cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài khi Việt Nam mở cửa thị trường phân phối thuốc.



III. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Phát triển ngành dược theo định hướng hiện đại hóa, chuyên môn hóa có cơ cấu phù hợp với nhu cầu phát triển của xã hội, có khả năng cạnh tranh cao và từng bước tham gia vào chuỗi giá trị dược phẩm trong khu vực và các nước trên thế giới.

Xây dựng hệ thống cung ứng và phân phối thuốc từ trung ương đến địa phương nhằm chủ động điều tiết ổn định thị trường thuốc, đáp ứng đủ thuốc có chất lượng và giá cả hợp lý cho nhu cầu phòng và chữa bệnh của nhân dân; từng bước hiện đại hóa hướng tới việc cung ứng thuốc công bằng và chuyên nghiệp.

Sắp xếp lại công nghiệp bào chế thuốc, định hướng để các doanh nghiệp sản xuất thuốc phù hợp với mô hình bệnh tật và nhu cầu của người dân. Nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm thiểu những mặt hàng chồng chéo, tránh gây ra dư thừa, lãng phí, đồng thời chú trọng sản xuất những loại thuốc còn phải nhập khẩu.

Đến năm 2020, Ngành dược Việt Nam phát triển với trình độ công nghệ tương đương với các nước tiên tiến trong khu vực Đông- Nam Á; tầm nhìn đến năm 2030, Ngành Dược Việt Nam đạt được những tiêu chuẩn của các nước phát triển trên thế giới trong lĩnh vực dược.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Đảm bảo luôn sẵn có, đầy đủ các loại thuốc đáp ứng kịp mô hình, cơ cấu bệnh tật tương ứng từng giai đoạn phát triển kinh tế- xã hội với giá thuốc hợp lý;

2.2. Đảm bảo chất lượng thuốc trong toàn bộ quá trình sản xuất, tồn trữ, lưu thông bằng hệ thống quản lý toàn diện chất lượng thuốc theo các tiêu chuẩn thực hành tốt (GP’s)

2.3. Thầy thuốc và nhân dân được hướng dẫn và thông tin đầy đủ về thuốc nhằm đảm bảo kê đơn và sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả trong các cơ sở điều trị và tại cộng đồng. Chuẩn hóa và nâng cao chất lượng kê đơn thuốc, chỉ kê đơn và sử dụng thuốc nhập khẩu nếu thuốc sản xuất trong nước không đáp ứng yêu cầu điều trị.

2.4. Sản xuất thuốc trong nước đáp ứng được 70% giá trị tiền thuốc vào năm 2020, 75% vào năm 2030; sản xuất bao bì dược phẩm trong nước đáp ứng được 50% vào năm 2020 và đến năm 2030 tự chủ được đối với nhu cầu sử dụng các loại bao bì cơ bản; đáp ứng 50% nhu cầu về trang thiết bị phục vụ ngành Công nghiệp Dược vào năm 2020 và đạt 60% vào năm 2030. Riêng vắc xin, bảo đảm đến năm 2020 đáp ứng được 100% nhu cầu sử dụng vắc xin phục vụ công tác tiêm chủng mở rộng.

2.5. Bảo đảm tiền thuốc bình quân đạt 45 USD/người/năm vào năm 2015 và 100 USD/người/năm vào năm 2020.

IV. ĐỊNH HƯỚNG QUY HOẠCH

1. Định hướng quy hoạch hệ thống lưu thông, cung ứng thuốc

Phát triển hệ thống cung ứng thuốc gồm mạng lưới bán buôn thuốc, bán lẻ thuốc và cung cấp thuốc cho các cơ sở dịch vụ y tế; có khả năng cung ứng đủ thuốc có chất lượng và giá cả hợp lý phục vụ tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân; chủ động điều tiết ổn định thị trường thuốc, theo định hướng hcinhs dưới đây:

- Phát triển hệ thống cung ứng thuốc thành một ngành dịch vụ theo hướng hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa.

- Đảm bảo độ bao phủ và chất lượng cung cấp thuốc của hệ thống cung ứng thuốc, đến năm 2015 tất cả các cơ sở cung ứng thuốc tại nội thành của các thành phố trực thuộc trung ương và các thành phố trực thuộc tỉnh đạt tiêu chuẩn thực hành tốt.

- Cung ứng đủ thuốc và có chất lượng, không để thiếu các thuốc thuộc danh mục thuốc thiết yếu, thuốc cho các chương trình, mục tiêu y tế quốc gia, thuốc bảo hiểm y tế, thuốc phòng chống thiên tai, thảm họa. Chú trọng đảm bảo cung ứng thuốc cho nhân dân các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

- Bảo đảm sử dụng thuốc hợp lý, an toàn và hiệu quả trên cơ sở thực hành tốt kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn.



2. Định hướng quy hoạch công nghiệp dược Việt Nam

2.1. Phát triển và ổn định sản xuất trong nước, xây dựng ngành công nghiệp bào chế có cơ cấu sản phẩm hợp lý, đảm bảo đáp ứng các mục tiêu, chỉ tiêu của ngành đặc biệt là các thuốc thiết yếu, thuốc phục vụ các chương trình y tế quốc gia trong từng giai đoạn phát triển cho phù hợp với mô hình bệnh tật của Việt Nam. Khắc phục sự chồng chéo trong cơ cấu sản phẩm của từng nhóm dược lý, đồng thời phát triển thêm những nhóm sản phẩm mới, nhasatd là những loại thuốc vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu. Chú trọng việc khai thác hết công suất của các dây chuyền tại các nhà máy rồi mới đầu tư xây dựng nhà máy mới.

2.2. Xây dựng quy hoạch, trong đó chỉ ra những vùng miền đặt nhà máy, công nghệ bào chế, dạng bào chế, nhóm tác dụng dược lý sẽ được nhà nước cam kết hỗ trợ về chính sách, cơ chế ưu đãi vay vốn đầu tư, nộp thuế, xúc tiến thương mại và sử dụng dụng sản phẩm.

2.3. Quy hoạch công nghiệp dược gắn liền với việc đảm bảo thực hiện quản lý chất lượng đồng bộ dựa trên việc triển khai các nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt” đối với sản xuất kể cả vắc xin sinh phẩm, bao bì dược, triển khai ISO đối với các doanh nghiệp sản xuất trang thiết bị phục vụ ngành dược.

2.4. Phát triển công nghiệp dược theo hướng khuyến khích nghiên cứu khoa học, tập trung nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu triển khai và sản xuất thử nghiệm. Gắn kết hiệu quả quá trình nghiên cứu vào sản xuất thực tế đặc biệt đối với thuốc công nghệ cao, vắc xin sinh phẩm, bao bì và trang thiết bị hiện đại.

Đẩy mạnh việc sản xuất thử sản phẩm, chuyển giao, tiếp nhận, làm chủ công nghệ mới, sản phẩm mới và ứng dụng mạnh mẽ vào sản xuất để tạo ra những nguyên liệu hóa dược có chất lượng cao phục vụ sản xuất thuốc thiết yếu ở trong nước, góp phần phát triển mạnh ngành công nghiệp hóa dược ở nước ta.




tải về 1.54 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   9   10   11   12   13   14   15   16   17




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương