Nayan Chanda hoànglonghải



tải về 1.97 Mb.
trang32/35
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích1.97 Mb.
#13140
1   ...   27   28   29   30   31   32   33   34   35

Sihanouk như củ khoai nóng ở trong tay bộ ngoại giao Hoa Kỳ. Trong khi có rất nhiều người mến chuộng ông hoàng vì những nổi gian truân mà ông đã gánh chịu ở Kampuchia, Vance và Holbrooke lo rằng việc đào thoát của ông ta sẽ làm cho không khí chính trị Kampuchia mất đi thần tượng lãnh đạo và đoàn kết. Một điều phía Mỹ quan tâm là hậu quả băng giá khi thuận cho Sihanouk tị nạn chính trị tại Mỹ, có ảnh hưởng tới quan hệ Hoa-Mỹ vừa mới gầy dựng xong. Chính do đề nghị của người Tàu và họ gánh chịu mọi đài thọ để lôi ông hoàng ra khỏi Phnom Pênh trước khi quân Việt Nam vào thành phố nầy và đưa ông ta tới Nữu Ước để làm đại diện cho chế độ Pol Pot không được mấy ai tin tưởng. Rõ ràng Bắc Kinh muốn dùng cái dáng vóc quốc tế của ông hoàng để kêu gọi quốc tế chống Việt Nam. Phó thủ tướng Đặng Tiểu Bình đi thăm Hoa Kỳ hai tuần lễ và việc Hoa Kỳ cho Sihanouk quyền tỵ nạn chính trị ngay trước lúc cuộc viếng thăm của Đặng bắt đầu thì điều đó được coi như là lăng nhục Trung Hoa. Roger Sullivan, Holbrooke, phụ tá ngoại trưởng về vấn đề Trung Hoa được đánh thức vào lúc nửa đêm để tới bộ Ngoaị giao theo dõi công việc trong Phòng Điều hành. Công việc của họ là báo cho phía Trung Hoa biết. Vào 4 giờ sáng, Holbrooke gọi Han Xu, trưởng văn phòng liên lạc của Trung Hoa ở Hoa Thạnh Đốn, báo cho ông nầy biết Sihanouk đã bị kiệt sức và được đưa vào bệnh viện. Sullivan thuật lại: “Hàn Xu kinh ngạc, nhưng ông ta lấy lại bình tĩnh, và trả lời một cách hãnh tiến: “Được rồi, nếu ông ta muốn thế thì chúng tôi đồng ý vậy.”

Khi phía chân trời sông Đông (East river) hừng sáng, ông hoàng được đưa vào bệnh viện Lenox Hill trên đaị lộ Park. Sáng hôm sau, vợ ông ta, bà hoàng Monique cũng được đưa vào phòng ở tầng số 9 cùng với ông hoàng. Đây là hành động trì hoãn của bộ ngoại giao Mỹ. Họ kết luận nên để ông hoàng sống trong một khung cảnh cách biệt để ông có thì giờ suy nghĩ lại yêu cầu của ông hơn là vội vàng chấp thuận cho ông tỵ nạn chính trị. Một bản thông báo phát hành nói rằng “vì bị chấn động và kiệt sức” thái tử Sihanouk đã được đưa vào bệnh viện. Phát ngôn nhân bộ ngoại giao của Pháp, Frank Tatu, người nầy đã sống nhiều năm ở Kampuchia, được phái đi thăm ông hoàng. Tatu trấn an ông hoàng rằng không phải ông ta bị giam. Người ta bảo vệ an ninh cho ông và dành cho ông thì giờ để ông suy nghĩ. Sau đó, Young đến thăm ông hoàng. Cái ý chính của phía Mỹ là: “Nếu ông muốn đi thoát thì ông cứ làm, nhưng tại sao ông không dành chút thì giờ để suy nghĩ lại? Một khi người ta đã đào thoát thì người ta mất đi chính con người mình, mất đi sự hữu dụng của một nhà lãnh đạo chính trị.” Holbrooke thuật lại: “Chúng tôi cũng hỏi ông ta: Ai sẽ hỗ trợ ông? Ông đào thoát ra khỏi cái gì? Ông đào thoát ra khỏi Khmer Đỏ phải không? Ai cũng biết rằng họ đã loaị trừ ông. Ông đào thoát ra khỏi đất nước ông mà ông không có cách trở lại bây giờ được phải không?” Ngày 18 tháng Giêng, Vance đích thân tới thăm ông ta tại bệnh viện và nói với ông hoàng rằng ông là “một vị khách của chính phủ Hoa Kỳ và ông ta có thể ở lại đây bao lâu cũng được, nhưng ông ta phải tránh nói tới việc tỵ nạn chính trị.” (5)

Ông hoàng cảm thấy phấn chấn khi ông thoát ra khỏi sự kềm tỏa của Khmer Đỏ và lại trở thành một người tự do, nhưng những khó khăn của ông không giống như những nhà lãnh đạo trong Thế giới thứ Ba vì vị cựu vương nầy chẳng có tiền bạc gì gởi ở các ngân hàng ngoại quốc. Bệnh viện Lenox Hill thấy e ngại khi được Tatu báo cho biết bệnh nhân của họ chẳng có bảo hiểm sức khỏa nào hết, cả bên phía Khmer Đỏ cũng như Trung Hoa -có thể yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ trả bệnh phí 15 ngàn đôla cho ông hoàng. Nhưng sau chuyến thăm Sihanouk của Vance, kết luận là Hoa Kỳ không thuận cho ông ta tỵ nạn chính trị. Sihanouk chán nãn vội vàng yêu cầu đại sứ Pháp ở Liên Hợp Quốc thuận cho ông ta và vợ chiếu khán qua Pháp sống trong một biệt thự nhỏ ở Mougins do mẹ ông ta làm sở hữu chủ. Do đó, Sihanouk viết một bức thư cho bộ Ngoaị giao Hoa Kỳ trấn an họ rằng ông ta sẽ qua sống ở Pháp. Tuy nhiên, về phía Pháp, thuận cho ông tỵ nạn chính trị với điều kiện Sihanouk không được hoạt đông chính trị, ngay cả những cuộc phỏng vấn. Monique, cha là người Pháp, có thể có chiếu khán nhưng ông hoàng thì không. Tình trạng ông hoàng bây giờ rất nan giải: không có một đồng xu dính túi, một người bị lưu đày ra khỏi đất nước hay sung sướng làm đại diện cho một chế độ giết người. Chẳng bao lâu, thêm một điều chọn lựa đến với ông hoàng, nhưng điều nầy kém hấp dẫn: Qua một đại sứ, Hà Nội gởi cho ông hoàng bức thư mời ông về lại Phnom Pênh để đứng đầu chế độ do họ dựng nên.

Cuối cùng, Đặng Tiểu Bình thực hiện điều chọn lựa cho ông ta. Đặng hết sức quan ngại về những lời Sihanouk phát biểu chống lại Khmer Đỏ và dự tính của ông ta qua sống ở phương Tây. Với sự hợp tác của người Mỹ, Đặng thực hiện một cuộc họp với Sihanouk hôm 31 tháng Giêng. Có bốn nhân viên an ninh bộ ngoại giao đi kèm, Sihanouk và vợ được đưa từ Nữu Ước xuống Blair House, một nhà khách của Mỹ, nơi Đặng đang cư trú -để tham dự một bữa ăn tối không được công bố.

Trong bữa ăn sang trọng nấu theo kiểu Tàu, Đặng khuyến khích ông hoàng: “Samdech Sihanouk, ông là nhà yêu nưóc vĩ đại. Ông không thể bỏ quê cha đất tổ, ông không thể bỏ nước Kampuchia Dân chủ.” Sihanouk đáp lại ngay: “Chỉ là Cambodia, không phải là Kampuchia Dân chủ. Tôi không phải chính là người dân chủ, tôi là một ông hoàng phong kiến.” Đặng phản ứng quyết liệt, nói rằng quả thật không phải là một ông hoàng dân chủ, và nói thêm: “Người Trung Hoa chúng tôi thú thật chúng tôi không đồng ý về một vài vấn đề trong chính sách của Pol Pot. Anh ta là người hết sức bướng bỉnh.” Ông ta nói Trung Hoa đã cố làm cho Pol Pot mềm mỏng hơn. Ông hoàng ngờ vực hỏi lại với giọng cười nôn nóng: “Thật không? Ông nghĩ rằng có thể biến con cọp thành con mèo con?” Đặng xác nhận rằng Trung Hoa chẳng thể làm được điều đó nhưng cố đẩy Pol Pot ra khỏi Khmer Đỏ. Dùng lòng biết ơn của ông hoàng với Trung Hoa, Đặng nói rằng Trung Hoa là người bạn cũ và là quê hưong thứ hai của ông hoàng kể từ khi ông bị lật đổ hồi năm 1970. Nếu ông hoàng không trở về sinh sống ở Bắc Kinh, điều đó làm cho Bắc Kinh mất mặt. Ông ta bảo đảm Trung Hoa không buộc ông hoàng cọng tác với Kmer Đỏ và không gây áp lực buộc ông hoàng liên minh với Khmer Đỏ. Trung Hoa cũng không buộc ông ta phải đi tới nơi nào trái ý ông. Đặng cũng biểu văn phòng của ông thúc đẩy Khmer Đỏ tìm kiếm các con cái, cháu chắt và thân nhân của ông hoàng bị mất tích. Đặng nồng nhiệt mời ông hoàng và hứa để ông ta hoàn toàn tự do. Hai tuần lễ tấn thối lưỡng nan của ông hoàng coi như được giải quyết. Bắc Kinh lại trở thành nơi ông cư ngụ cho đến lúc có những cơ hội chính trị chỉ dấu cho ông ta hoạt động cho nền độc lập của Kampuchia.(6)

Sự lạc quan của Sihanouk đối với việc cư trú ở Trung Hoa dĩ nhiên là điều lầm lẫn. Ông ta hết sức mau lẹ trở thành một đối tượng chịu sức ép, dụ dỗ và ve vãn của nhièu đảng phái liên kết với nhau trong một cuộc đấu tranh mới cho nước Kampuchia lại bắt đầu đứng lên sau khi Việt Nam chiếm đóng nước nầy. Khuôn mặt quốc tế và uy tín vô cùng to lớn của ông trong dân chúng Kampuchia, một lần nữa làm cho ông liên lụy tới vai trò chính yếu trong tấn thảm kịch ở Kampuchia. So với năm 1970, khi ông bị truất khỏi ngôi vị quốc trưởng, đẩy ông ta đi với Khmer Đỏ và những người trong bọn họ được Việt Nam và Trung Hoa ủng hộ, ngoại diện còn cao hơn nhiều. Việc Việt Nam chiếm đóng Kampuchia không phải là một thách thức đối với Trung Hoa. Nó chính là sự phiền lụy đang phát triển đối với các nước Đông Nam Á. Quan trọng hơn, nó dẹp bỏ mất tấm đệm đã có từ lâu nằm giữa hai nưóc Thái Lan và kẻ cựu thù của Thái Lan là Việt Nam. Sự xung đột nảy sinh giữa Việt Nam và Trung hoa, và Kampuchia do Trung Hoa bảo hộ, giờ đây một cuộc xung đột có tính cách lịch sử lại nổi lên -Thái Lan và Việt Nam về việc kiểm soát các vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trong khi cuộc chiến tranh mới tạo ra nhiều cơ hội tốt lành nhưng không dự liệu truớc cho đội quân tiền phong Liên Xô ở Thái Bình Dương, các nước liên minh với Thái Lan ở trong khu vực và các nước bạn hữu Tây phương của họ cũng bị lôi kéo vào cuộc xung đột, làm cho Kampuchia trở thành một điểm nóng khác cho cuộc đối đầu ở Viễn Đông. Chính vì cuộc xung đột lịch sử nầy đang âm ỉ cháy mà các bạn hữu và đồng minh mà kẻ chủ mưu gặt hái được lợi ích có tính cách chiến lược, số phận của nước Kampuchia ở trong vị thế cân bằng.

Ba quốc gia, một dòng trôi

Khi quân đội Việt Nam tràn vào Phnom Pênh rồi tiến tới biên giới Thái Lan truy kích Khmer Đỏ thì ở Bangkok kinh hoảng lên. Quân Việt Nam sẽ ngừng lại ở đâu? Liệu “nước Nga ở Á châu” nầy truy kích tàn quân Pol Pot vào trong lãnh thổ Thái Lan? Liệu họ có cho xe tăng lăn xích vào thủ đô Thái Lan?

Trong hàng trăm làng Kampuchia, quân Việt Nam được hoan hô vui mừng nhưng thiếu tin tưởng. Cán bộ và dân quân Khmer Đỏ đã bỏ chạy rồi. Dân chúng bây giờ được tự do sống theo từng gia đình, yên tâm đi ngủ mà không sợ ngày hôm sau. Ba trăm ngàn người ở các tỉnh phía Tây và thủ đô Phnom Pênh buộc phải theo chân Khmer Đỏ rút vào rừng. Số còn lại coi như thoát nạn. Dân chúng lấy hết thóc trong vựa và giết heo gà để lo cho bữa ăn ngon lành đầu tiên sau nhiều năm đói khát. Hàng trăm ngàn người lên đường trở về quê. Đàn ông, đàn bà ăn mặc rách rưới mang theo ít đồ dùng đẩy trên xe cải tiến, kẻ đi qua, người đi lại giống như đàn kiến vậy. Sau cuộc xâm lăng của Việt Nam sáu tháng, khi tôi tới thăm lại Kampuchia, người dân tìm đường trở về vẫn còn lang thang trên đường. Mệt nhoài và đói khổ sau khi đi bộ hàng trăm dặm, họ tìm về nơi chốn cuối cùng. Một điệp khúc tôi thường nghe nói ở cửa miệng những người sống sót là “Nếu quân Viêt Nam không tới thì chúng tôi chết hết.” Tuy nhiên, điều bày tỏ biết ơn ấy lại kèm thêm một nỗi lo lắng khác vì Việt Nam là kẻ thù truyền thống. - Có thể Việt Nam sát nhập Kampuchia vào nước họ. Một người nguyên là thầy giáo nói nhỏ vào tai tôi khi ông ta đang trên con đường dài trở về làng cũ: “Tôi sợ họ (Việt Nam) ở lại đây ăn hết lúa gạo chúng tôi.”

Chắc chắn Việt Nam chẳng cần nuôi dưỡng niềm tin. Ba tháng sau khi chiếm Phnom Pênh, họ cướp phá thành phố nầy một cách có hệ thống. Từng đoàn xe tải chở tủ lạnh, máy điều hòa không khí, dụng cụ điện, tủ bàn, máy móc và các tượng điêu khắc quí giá hướng về thánh phố Hồ chí Minh. Những loại hàng nầy dân chúng phải bỏ lại sau cuộc xua đuổi tàn bạo dân chúng ra khỏi thành phố năm 1975 và bọn Khmer Đỏ cũng không đụng tới. Họ ghét những thứ hàng của bọn tiểu tư sản đồi bại. Những chiến lợi phẩm từ Phnom Pênh có thể đem lại cho Hà Nội ít tiền nhưng để lại một vết hằn sâu trong tâm khảm người Khmer, nó làm gia tăng sự thương tổn về tiếng Youn mà người ta không ưa. Nó cũng để lại một vết dơ lớn cho vai trò “người cứu mạng” của nhân dân Kampuchia.

Tháng Bảy/ 1979, khi tôi tới Phnom Pênh thì đó là thành phố ma, hoàn toàn trơ trụi, công việc liều lĩnh nhất của những người trở về là dựng những căn chòi sơ sài để chờ bên ngoài thành phố. Những người nầy họ tìm cách lẽn vào thành phố săn tìm những gì có thể mang đi được. Đi dọc theo đại lộ Monivong, tôi có thể nghe tiếng dội dị thường bước chân tôi đi. Khu dịch vụ Trung Hoa một thời nhộn nhịp ở Phnom Pênh trông giống như cảnh trạng sau cơn bão lớn. Nhà cửa, quán tiệm đều bị lục soát, chỉ còn lại tủ bàn gảy gọng và dụng cụ gia đình móp méo quăng lây lất trên đường. Nệm bị cắt xé và bao gối nằm giữa đất. Rõ ràng bọn cướp bóc đã vào nhà lục lọi tìm vàng hay nữ trang người ta dấu lại.

Nếu Việt Nam không nghĩ tới sức kháng cự Khmer Đỏ sụp đổ mau lẹ thì họ cũng không chuẩn bị đầy đủ cho những gì đang chờ đợi ở trong nưóc cũng như những khó khăn quốc tế nghiêm trọng. Nó không hẵn chỉ là một quốc gia không có tiền tệ, chợ búa, bưu điện. Những người sống sót mất tinh thần và gầy yếu đang phải đối đầu với nạn đói. Thay vì được hoan hô vì đánh đuổi được một chế độ đáng nguyền rủa thì họ lại phải đối đầu với những lời phê phán của thế giới.

Kampuchia do đảng Nhân dân Cách mạng Kampuchia cai trị, đảng nầy được dựng lên một cách vội vã khi quân Việt Nam tiến vào thành phố Phnom Pênh. Đảng có hai trăm đảng viên, gồm đám nguời chạy loạn và đào thoát khỏi hàng ngủ Khmer Đỏ và không có kinh nghiệm gì cả, họp thành Ủy ban Cách mạng cũng không phải nắm giữ nhiệm vụ phục hồi đất nước và duy trì cuộc sống bình thường của dân chúng sau cơn ác mộng. Điều quan trọng nhứt là họ không thể hy vọng gìn giữ chế độ mới chống lại lực lượng vũ trang Khmer Đỏ. Sự giết hại những người thuộc giai cấp có nghề chuyên môn ở Kampuchia và sự miễn cưỡng của những người sống sót phục vụ cho một chế độ Cọng sản khác làm cho công việc xây dựng lại đất nước thêm phần khó khăn.

Hàng ngàn chuyên viên và kỷ thuật viên Việt Nam được lệnh đi Kampuchia để bảo trì nguồn tiếp tế nước và nhà máy điện của thành phố Phnom Pênh, cho xe lửa hoạt động trở lại, mở lại các bệnh viện đơn sơ có các bác sĩ Việt Nam, điều dưỡng viên và nhóm nhỏ các bác sĩ Kampuchia. Chính quyền được thành lập với sự điều hành của cố vấn Việt Nam núp ở đằng sau. Hàng trăm người Kampuchia được đưa qua học những lớp cấp tốc y tế, giáo dục, ngân hàng, ngoại thương và an ninh.

Sau một thời gian không có tiền tệ, trong thời gian đầu chợ búa hồi sinh trao đổi bằng lúa gạo và vàng, năm 1980, giấy bạc được lưu hành. Nhờ sự buôn lậu lớn qua biên giới Thái Lan, chợ búa lại dồi dào hàng hóa. Sự viện trợ to lớn của quốc tế đánh đuổi được nạn đói. Trẻ em lại đến trường. Thuốc về nhiều trong các kệ bệnh viện mà trước kia trống rỗng. Kampuchia hồi sinh như tôi đã chứng kiến trong một thời kỳ dài hơn sáu năm. Đó là phép lạ, như con phượng hoàng trỗi dậy từ đống tro tàn. Dù Việt Nam cung cấp hạ tầng cơ sở đáng kể, sự viện trợ quốc tế quả là cao thượng, nhưng trên tất cả là sự toàn thắng nhờ sức chịu đựng và lòng kiên trì của người dân Kampuchia.

Tuy nhiên, việc giải cứu Kampuchia còn dễ hơn giải quyết những vấn đề chính trị tương lai. Như những người dân Kampuchia đang trên đường tái tạo cuộc sống, những cố gắng lớn của Hà Nội là tập trung đoàn kết toàn quốc, tạo ra một quốc gia Kmer mới, có chính quyền và định chế đảng phái.

“Nếu Phnom Pênh sụp đổ,

Saigon sẽ sụp đổ theo.”

Mùa xuân năm 1981, môt bản hiến pháp mới được thông qua sau khi có cuộc tổng tuyẻn cử toàn quốc chọn 117 người trong 148 ứng cử viên. Ứng cử viên là những người Khmer Đỏ cũ, Khmer Issarak, và những trí thức còn sống sót từ chế độ cũ mà họ đã đoàn kết chống lại Pol Pot. Về cuộc tuyển cử, bộ trưởng ngoại giao Hun Sen giải thích: “Chúng tôi chọn những người có hay không hoạt động trong lãnh vực chính trị. Đặc biệt, chúng tôi chọn những người từng hoạt động chính trị và đã có hy sinh xương máu.” (17) Chẳng có gì ngạc nhiên, tất cả những người cương quyết của chế độ mới được chọn với số phiếu 99 phần trăm.

Sau cuộc tuyển cử, đại hội đảng chính thức tiết lộ một đảng được tổ chức lại ở Mimot hồi tháng Giêng/1979. Đảng mới nầy, được đặt tên lại là đảng Nhân dân Cách mạng Kampuchia (Kapuchean People's Revolutionary Party -KPRP) có tám trăm đảng viên, làm sống lại phe thân Việt Nam của đảng Cọng sản Kampuchia hầu như đã bị Pol Pot tiêu diệt hoàn toàn. (8) Tổng bí thư của đảng là Pen Sovan, một người cứng rắn, má hóp thuộc nhóm Khmer Issarak trước lưu vong ở Hà Nội.

Đảng mới phục hồi sự đoàn kết Đông Dương trước kia đã bị Pol Pot phá vỡ. Pol pot từ khước Việt Nam như là một đảng đàn anh của Cọng sản Kampuchia. Pen Sovan thừa nhận đảng Nhân dân Cách mạng mang cái hào quang truyền thống của Hồ Chí Minh - người sáng lập đảng Cọng Sản Đông Dương. Một trong những cố gắng chính của Việt Nam ở Kampuchia là giáo dục đảng Nhân dân Cách mạng, đặc biệt với những thành viên mới về sự nguy hiểm của “chủ nghĩa quốc gia hẹp hòi” , phá vỡ tình đoàn kết Đông Dương. Để giữ gìn sự trong sáng của đảng, các cố vấn Việt Nam (ở cấp tỉnh) phủ quyết những người có thể là đảng viên và chọn ứng viên được gởi đi Việt Nam để học tập chính trị. (9)

Về mặt quân sự, Kampuchia được đặt dưới trách nhiệm của Quân đoàn 4 của Việt Nam, Quân đoàn nầy đảm trách các tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long. Trong khi bộ Quốc phòng Kampuchia đang được thành lập, tới 1983, ba sư đoàn quân đội Khmer được nâng lên (10) vai trò hỗ trợ thì 180 ngàn quân Việt Nam của Quân đoàn 4 do tướng Lê Đức Anh chỉ huy tạo thành một cái mộc che cho chế độ còn non yếu.

Ba tổ chức, như cái bóng, kiểm soát nước Cọng hòa Nhân dân Kamppuchia, tên của chế độ. Tổ chức cao nhất là một bộ phận có tên gọi là A- 40 gồm một số chuyên viên lấy từ Ủy ban Trung ương đảng Cọng sản Việt Nam. Họ duy trì quan hệ giữa hai đảng Kampuchia và Việt Nam và đưa ra mọi khuyến cáo quan trọng. Một bộ phận khác gọi là B-68 do Trần xuân Bách lãnh đạo, một thành viên ban bí thư đảng và gồm thêm những chuyên viên cấp trung ương làm việc với các cơ quan cấp bộ khác nhau, tham gia các quyết đinh hằng ngày. Bộ phận thứ ba gồm các cố vấn gọi là A-50, gồm những người làm việc ở cấp tỉnh. (11)

Tại nông thôn, các cố vấn dân sự từ các tỉnh “kết nghĩa” (sister) ở Việt Nam qua làm việc trong các văn phòng tỉnh. Bên dưới cấp tỉnh các là toán đặc biệt do quân đội Việt Nam phái tới có một đại úy chỉ huy. (12)

Những năm sau khi Việt Nam CS xâm lược và chiếm đóng Kampuchia, Việt Nam CS muốn chỉnh đốn lại liên minh Đông Dương và nâng lên mức độ luật pháp tự nhiên bất dịch -một thứ luật pháp do trong quá trình lịch sử và địa lý mà có. Tướng Lê Đức Anh viết trong một bài báo lớn: “Qua nhiều thế kỷ, ba nước (Lào, Kampuchia và Việt Nam) đã chia xẻ số phận nạn nhân do phong kiến Trung Hoa, đế quốc và những thế lực phản động quốc tế xâm lược.” Chia cắt nước nầy khỏi nước kia, dùng nước nầy như một bàn đạp để sát nhập nước kia, rồi sát nhập cả ba nước làm một đã trở thành “một định luật của mọi cuộc chiến tranh xâm lược từ bên ngoài.” Anh cho rằng kết quả xây dựng “một liên minh chiến đấu và chiến lược giữa ba nước Đông Dương sẽ tạo nên sức sống còn và phát triển cho mỗi quốc gia cũng như cho cả Đông đương vậy.” (13)

Binh lính Việt Nam phục vụ ở Kampuchia, chết vì bệnh sốt rét, bị tàn tật hay bị giết trong các cuộc phục kích của Khmer Đỏ, chính là đóng góp phần của họ vào cái “luật” đó theo phương cách căn bản nhất. “Nếu Phnom Pênh sụp đổ, Saigon sụp đổ theo. Nếu chúng tôi chiến đấu và chết thì phải chết ở đây chứ không phải chết ở Việt Nam. Đó là phương cách các sĩ quan Việt Nam giải thích lý do tại sao họ phải có mặt ở Kampuchia.(14)

Hợp tác thì vâng, làm nước đệm thì không.

Bước tiến công khai đầu tiên để tiến tới hình thức liên minh Đông Dương được thực hiện hồi tháng Giêng/1980, khi các bộ trưởng ngoại giao của ba nước họp ở Phnom Pênh, tuyên bố tình đoàn kết của họ để giải quyết vấn đề Kampuchia và những vấn đề quốc tế khác. Từ đó về sau, cứ hai năm một lần họ lại họp với nhau như thế để cho thế giới thấy Hà Nội đóng vai trò lãnh đạo cho toàn thể nhóm các nước Đông Dương. Với vai trò hợp tác của Lào và Kampuchia, Hà Nội không những nắm lấy ngôi vị chủ đạo đối với từng nước mà còn tìm cách chính thức hóa chế độ Phnom Penh, tạo thành một ý niệm không thể lay chuyển được cho liên minh mới hình thành của họ. Từ năm 1980, Hà Nội cố phát triển một ý niệm về hai khối ở Đông Nam Á: Khối Đông Dương và Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) và thẳng thừng bác bỏ ý kiến cho rằng Kampuchia nên trở thành một nước đệm giữa hai khối. Bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch của Việt Nam nói với bộ trưởng ngoại giao Thái, Sitthi Sawetila hồi tháng Năm/1980: “Tôi không cho rằng Đông Nam Á cần có một quốc gia đệm. Tại sao các ông lại muốn có một quốc gia đệm bên trong các nước Đông Dương.” (15)

Điều Hà Nội tìm kiếm không chỉ là một khối an ninh chính trị mà còn là một khối hợp tác kinh tế toàn diện, qua đó “dần dần phân bố bổ túc lao động, bảo đảm thành quả lao động và khả năng tiềm tàng đất đai của tổ quốc.”(16) Với sáu triệu hếcta đất đai canh tác được và với dân số 60 triệu người (1985), Việt Nam rõ ràng thấy Kampuchia đất rộng người thưa (Dân số 7 triệu), với 1 triệu rưởi hếcta đất đai canh tác được và nguồn lợi thủy sản lớn lao.(17)

Viêc theo đuổi chính sách nầy bắt đầu từ thỏa hiệp Lào-Việt ký năm 1977, tất cả các tỉnh của Lào và Kampuchia đều kết nghĩa với các tỉnh của Việt Nam. Cố vấn Việt Nam, chuyên viên kỷ thuật, bác sĩ từ các tỉnh kết nghĩa bên phía Việt Nam được phái tới các tỉnh kết nghĩa ở Lào và Kampuchia để tham gia các dự án nhỏ và xây dựng liên kết đặc biệt của Đông Dương.

Tiếp theo cuộc họp cao cấp của ba nước Đông Dương tại Việt Nam hồi tháng Hai/1983, một Ủy ban hổn hợp Kinh Tế Việt-Lào-Kampuchia được thành lập. Từ đó, cơ quan nầy, gồm bộ trưởng kế hoạch của mỗi nước họp hai năm một lần, để “gia tăng hợp tác kinh tế và điều hòa kế hoạch hợp tác quốc dân”(18) Mạc dù Ủy ban quốc gia về hợp tác văn hóa và kinh tế đã được thành lập trong mỗi nước, ban đầu chỉ gia tăng về mặt tư vấn, chẳng bao lâu sau Hà Nội làm sáng tỏ cho thấy đó là “mục tiêu lâu dài để đưa ba nước gần lại với nhau và đạt được thành quả hợp tác kinh tế.” (19)

Sự thực là trước cuộc đảo chính năm 1970 đã có năm ngàn người Việt sinh sống ở Kampuchia, tất cả họ đều bị giết trong chính sách chống Việt nam của Lon Nol và Pol Pot hoặc bị trục xuất về Việt Nam là tiêu biểu cho chính sách quay trở lại của họ. Những người trở lại nầy cũng như người mới đến định cư có thể trở thành yếu tố quan trọng cho sự hợp tác kinh tế toàn diện và lâu dài. Một hội đồng chỉ đạo của các bộ trưởng Kampuchia nói rằng “những người Việt Nam đến Kampuchia từ năm 1979 đã tham gia việc phục hồi công cuộc định cư và phát triển kinh tế như nông nghiệp, ngư nghiệp, thủ công nghiệp và làm muối có thể đưọc xem xét cho ở lại và tiếp tục làm việc.” (20)

Mặc dù Việt Nam quan tâm tới làn sóng người Việt Nam ồ ạt tiến vào Kampuchia có thể làm gia tăng tính thù địch của người Khmer và tạo ra căng thẳng, họ cũng thấy người Việt Nam ở đây kiếm được công ăn việc làm và nắm giữ nhiều vai trò then chốt trong nền kinh tế nước nầy. Dù chính sách của Hà Nội đưa ra có mục đích định cư người Việt ở Kampuchia, như đối phương tố cáo, thì đó chỉ là tiếp nối sinh hoạt tự nhiên trong quá khứ của người Việt Nam đối với những vùng ít cư dân, hậu quả là gia tăng sự có mặt của người Việt Nam trên toàn quốc. Theo các nhà nghiên cứu xã hội, tới năm 1985, hơn 175 ngàn người Việt, -gồm dân sự, cựu cư dân ở Kampuchia, những người đi tìm đất mới, thương nhân và binh lính giải ngũ - định cư ở Kampuchia. (21) Theo vài số liệu dự đoán khác thì cao lên tới sáu trăm ngàn người. (24)

Trong khi quân đội Việt Nam và các cố vấn dân sự cố gắng củng cố chế độ Kampuchia mới thì toàn bộ nỗ lực của Hà Nội là tìm kiếm sự công nhận của quốc tế với chế độ Cọng Hòa Nhân dân Kampuchia. Sự lên án của thế giới đối với việc Việt Nam can thiệp và cấm vận kinh tế tiếp theo sau những cố gắng của Việt nam nhằm hợp thức hóa chế độ Kampuchia mới là quan tâm lớn nhất của chính sách ngoại giao của Hà Nội. Mục đích của nó là củng cố chế độ, xóa bỏ Kampuchia Dân chủ của Pol Pot hơn là nói lên tính công hiệu của chế độ do Hà Nội mới dựng nên.

Trên hình thức, việc công nhận nước Dân Chủ Cọng hòa Kampuchia là từ các nước trong khối Liên Xô và mười một nước thân Liên Xô cũng như 88 thành viên của khối Không Liên Kết. (NAM) Trong khi bạn bè của Hà Nội trong tổ chức nầy chưa trục xuất Kampuchia Dân chủ ra khỏi phong trào nầy thì ít ra, về mặt ngoại giao Hà Nội cũng thành công trong việc khóa miệng Khmer Đỏ trong các buổi hội nghị. Tại một cuộc họp của tổ chức không liên kết nầy ở Colombo hồi tháng Sáu/1979, lời đề nghị của Hà Nội dành cho Hunsen, đại biểu trẻ của Cọng hòa Nhân dân Kampuchia một ghế đã bị bác bỏ và đồng ý cho đại biểu thù địch của Hun Sen, Ieng Sary của nuớc Kampuchia Dân chủ giành lấy ghế đại biểu nầy với một điều kiện. Ông ta hiện diện ở đó nhưng không được phát biểu trên diễn đàn. Tháng Chín/1979, tại hội nghị tối cao các nước không liên kết họp ở Havana (Cuba), tân chủ tịch của phong trào là chủ tịch Phidel Castro của Cuba, đã có một hành động ơn huệ. Mặc dù Khiêu Sampan, chủ tịch của chế độ mới bị sụp đổ, nhận được chiếu khán cho vào Cuba, đoàn đại biểu của Khiêu cư trú tại một khách sạn cách nơi hội nghị hai mươi dặm, nhưng họ bị tước đoạt phương tiện di chuyển và thẻ nhận dạng để vào hội nghị. Mặc dù đại biểu các nước trong khối ASEAN phản kháng mạnh mẽ, ghế đại biểu của Kampuchia vẫn bị bỏ trống, và từ đó vẫn cứ bị bỏ trống như vậy.

Những thứ mưu mẹo như thế và ngay cả quyền phủ quyết của cường quốc Liên xô đã không thành công ở Liên Hợp Quốc. Trong suốt thời gian họp Đại Hội đồng hồi tháng 9/1979, cố gắng của Việt Nam trục xuất Kampuchia Dân chủ ra khỏi tổ chức thế giới nầy bị thất bại.


Каталог: upload
upload -> -
upload -> 1. Most doctors and nurses have to work on a once or twice a week at the hospital
upload -> TrầnTrang EnglishTheory Phonetics
upload -> BỘ khoa học và CÔng nghệ TÀi liệu hưỚng dẫN
upload -> TÀi liệu hưỚng dẫn sử DỤng dịch vụ HỘi nghị truyền hình trực tuyếN
upload -> BỘ thông tin truyềN thông thuyết minh đỀ TÀi xây dựng quy chuẩn kỹ thuật thiết bị giải mã truyền hình số MẶT ĐẤt set – top box (stb)
upload -> CHỦ TỊch nưỚC
upload -> CHỦ TỊch nưỚC
upload -> Kính gửi Qu‎ý doanh nghiệp
upload -> VIỆn chăn nuôi trịnh hồng sơn khả NĂng sản xuất và giá trị giống của dòng lợN ĐỰc vcn03 luậN Án tiến sĩ NÔng nghiệp hà NỘI 2014

tải về 1.97 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   27   28   29   30   31   32   33   34   35




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương