Nayan Chanda hoànglonghải



tải về 1.97 Mb.
trang29/35
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích1.97 Mb.
#13140
1   ...   25   26   27   28   29   30   31   32   ...   35

Trong khi Vance đang trên đường trở về Hoa thạnh Đốn để trình bày việc công bố, Carter đang phấn khởi và Brzezinski bỗng nhiên cảm thấy lạnh giò. Không biết rằng việc thúc đẩy mau lẹ quan hệ bình thường với Trung Hoa thích hợp một cách toàn hảo với kế hoạch quân sự của người Tàu. Họ ngạc nhiên không hiểu tại sao Đặng mau lẹ đồng ý, là hậu quả việc hiểu lầm vị thế của Hoa Kỳ với Đài Loan. Woodcock nhắc lại một bức điện khẩn Carter gửi cho ông ta vào buổi sáng ngày 15 tháng Chạp (buổi tối ngày 14 ở Hoa Thạnh Đốn) ra lệnh cho ông ta tìm gặp Đặng để bảo đảm rằng Đặng biết Hoa Kỳ sẽ tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan sau một năm diên kỳ. Woodcock xem lại bản dịch cuộc nói chuyện của ông ta với Đặng vào ngày hôm trước. Chẳng có sự hiểu lầm nào cả. Tuy nhiên trong một bức điện khác thì Carter yêu cầu ông ta đến gặp Đặng một lần nữa. Bằng một sự dễ dãi bất thường, chỉ trong vòng một giờ để hẹn cuộc gặp. Woodcock cùng với phụ tá phái bộ Mỹ, Stapleton Roy trên đường đến Đại Sãnh Đường Nhân dân để gặp Đặng lần thứ ba chỉ trong vòng 24 giờ đồng hồ.

Đặng chẳng có gì khác trước. Khi Woodcock nhắc lại với ông ta việc Hoa Kỳ tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan, ông ta nổi đóa: “Tại sao ông lại đem chuyện bán võ khí ra nói lần nữa?” Woodcock không nắm chắc tại sao lại có cuộc họp nầy nhưng ông ta cũng cố gắng giải thích Hoa Kỳ có quyền cung cấp vũ khí phòng vệ cho Đài Loan là việc cần thiết. Woodcock kể lại, như sống lại với kinh nghiệm: “Đặng đổ gánh nặng lên cho tôi. Ông ta đánh qua đầu tôi. Ông ta cay đắng.” Đặng cương quyết nhắc lại rằng Trung Hoa xem Đài Loan là một tỉnh của họ, Đài Loan không thể có quan hệ vũ trang độc lập với Hoa Kỳ sau khi đã có quan hệ ngoại giao hoàn toàn. Cuối cùng Đặng tuyên bố: “Chúng tôi không bao giờ thỏa thuận như thế.” Woodcock nói rằng ông ta không tìm kiếm thỏa thuận của Trung Hoa về vấn đề ấy, ông ta theo đuổi việc bình thường hóa quan hệ. Một khi việc nầy đã đạt được, mọi sự sẽ bắt đầu thay đổi. Woodcock nói: “Quan hệ giữa lục địa và Đài Loan bắt đầu thay đổi, quan hệ của chúng tôi với Đài Loan cũng thay đổi. Mọi việc tưỏng như không giải quyết được thì bây giờ nó trở thành một vấn đề dễ giải quyết.” (27)

Đặng trầm tỉnh lại một chút. Ông ta hỏi: “Chúng ta sẽ làm gì đây?” Woodcock nói: “Tôi mong ước được đề nghị, thưa ông Phó thủ tướng, chúng ta thi hành thỏa ước đã đạt được.” Với lời trấn an của Woodcock, Đặng nói “Okay”. Vấn đề bán vũ khí cho Đài Loan được xếp lại đó, về sau làm hại cho quan hệ giữa hai nước. Tuy nhiên, vào lúc đó người hùng họ Đặng của Trung Hoa đang muốn đạt được thắng lợi trong cuộc chạy đua thầm lặng giữa Trung Hoa và Việt Nam, cố giành giựt cho được hữu nghị của Hoa Kỳ.

Sẵn sàng hành động cuối cùng

Việc chuẩn bị quân sự của Bắc Kinh ở biên giới phía Nam không làm người Mỹ chú ý. Việc Việt Nam chuẩn bị quân sự dọc theo biên giới Kampuchia đã được thực hiện. Tới ngày 12 tháng Mười, nhiều sư đoàn quân đội Việt Nam, bao gồm cả vài đơn vị tinh nhuệ (đặc công- nd) được triển khai ở tỉnh Đạc Lắc, Tây Ninh và An Giang dọc theo biên giới Kampuchia. Hồi tháng Sáu họ dùng máy bay lấy được ở miền Nam do Mỹ chế tạo như oanh tạc cơ A-37 và F.5 đánh phá Khmer Đỏ. Cuối cùng, vì không có đủ cơ phận thay thế, họ bắt đầu dùng máy bay do Liên Xô chế tạo như Mig-19s và Mig-21s từ miền Bắc đưa vào những căn cứ ở phía Nam như Chu Lai, Biên Hòa và Cần Thơ.

Công việc chuẩn bị của Việt Nam CS bao gồm cả biện pháp chống lại đe dọa từ phía Kampuchia. Họ rất lưu tâm đến khả năng có thể Kampuchia tấn công thành phố Hồ Chí Minh bằng không quân. -Từ Phnom Pênh tới chưa đầy nửa giờ bay. Hồi tháng Mười một, một viên chức Liên Hiệp Quốc thường xuyên lui tới Nam Việt Nam vì công tác, ngạc nhiên khi thấy vùng ngoại ô thành phố Hồ Chí Minh tạm thời thiết trí các đơn vị phòng không cùng hỏa tiễn hướng về phía Tây. Hầm trốn không tạc được đào bên cạnh những trung tâm quan trọng của thành phố này. Một phần, việc chuẩn bị nầy nhằm lôi kéo dân chúng đứng sau lưng chính quyền để chống lại Kampuchia, tuy nhiên các nhà thiết lập kế hoạch quân sự Việt Nam cũng thấy được đe dọa của hai gọng kềm tấn công: Cuộc tấn công của Khmer Đỏ do Trung Hoa hỗ trợ dọc theo biên giới tây nam và cuộc tấn công trực tiếp của Trung Hoa ở phía bắc. Mối lo sợ đó căn cứ trên những tin tình báo thu thập được từ mùa xuân năm 1978, cho biết Trung Hoa không chỉ gia tăng viện trợ chiến xa, xe thiết giáp, Mig-19s cho Kampuchia mà còn gia tăng công việc ở một phi trường mới mở rộng ở tỉnh Kompong Chnang. Phía Việt Nam cũng tin rằng khoảng vài chục ngàn binh lính Trung Hoa, cố vấn và kỷ thuật viên, mau lẹ tham gia việc xây dựng quân đội Kampuchia để thực hiện các cuộc chiến đấu ở nam Việt Nam. (28)

Tình hình ngoại giao và chính trị phát triển mau lẹ cũng làm tăng thêm tình trạng khẩn trương mới cho kế hoạch quân sự của Việt Nam. Như về sau Việt Nam cho thấy rõ, họ quan tâm đến những dấu hiệu rõ ràng cho thấy nỗ lực hòa bình của Khmer Đỏ đối với thế giới. Mùa thu năm 1978, do Trung Hoa thúc đẩy, Kampuchia thoát khỏi tình trạng cô lập, chính sách đóng cửa bài ngoại và bắt đầu cải thiện hình ảnh đẫm máu của họ. Trong suốt mùa hè và mùa thu, Kampuchia đón tiếp nhiều phái đoàn ngoại quốc đếm thăm thân hữu -từ những nhóm nhỏ người Mỹ theo chủ nghĩa Mác-Lê, nhóm người Bỉ thân Mao và Nhật Bản thiên xã hội chủ nghĩa. Vài du khách trở về ca ngợi những”tiến bộ” đạt được ở Kampuchia và lên án những bài tường thuật của giới báo chí về việc giết người, coi đó là trò tuyên truyền. Một du khách Mỹ viết trên tờ New-York Times, trừ vài trường hợp quá độ, ở Kampuchia, cũng là nơi cách mạng không thể tránh được, “huyền thoại về diệt chủng chỉ là sản phẩm” được ngụy tạo ở Bangkok do những phần tử khích động, những người đã “trả 50 đô la một lần cho một số người tỵ nạn để kể những câu chuyện kinh hoàng cho người ngoại quốc nghe.” (29)

Phó thủ tướng Kampuchia Ieng Sary thực hiện chuyến đi thăm các nước Đông Nam Á, kêu gọi thắt chặt liên hệ, đặc biệt với các ngoại trưởng Thái Lan, Mã Lai và mời họ đến thăm Kampuchia. Trong một cuộc họp báo ở Nữu Ước, chính Ieng Sary đề nghị những cuộc thăm viếng Kampuchia: “Chúng tôi muốn quí vị tự mình đến xem xét nhân quyền có bị vi phạm hay không.” Để chứng tỏ Kampuchia không quan tâm đến những lời lên án của thế giới, họ đưa ra lời mời Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Kurt Waldheim đến thăm nước họ và xem xét các hồ sơ lưu trữ về nhân quyền. Ông ta dự trù đến thăm Kampuchia vào tháng Hai/1979. Vào tháng Mười một, Kampuchia cho phép một hãng du lịch Thái, - Chủ nhân là Chatchai Choohavan, cựu bộ trưởng ngoại giao Thái Lan và cũng là một bạn thân của Bắc Kinh -, mở những chuyến du lịch dài một ngày tới thăm Đế Thiên Đế Thích. Chỉ có công dân của những nước như Việt Nam, Do Thái, Nam Triều Tiên, Đài Loan và Nam Phi bị cấm tham gia các chuyến du lịch nầy. Theo dự trù công việc sẽ bắt đầu vào tháng Giêng. (30) Chatchai nói với tôi: “Tôi không quan tâm tới lợi nhuận. Tôi chỉ muốn Kampuchia mở cửa. Trung Hoa họ cũng muốn như vậy.” (31)

Ông hoàng của mọi mùa

Về mặt chính trị, đó là một vấn đề lớn hơn những gì Việt Nam quan tâm, cho thấy Khmer Đỏ cuối cùng tiến tới việc phục hưng thái tử Sihanouk. Hồi tháng Mười, khi đến trụ sở Liên Hợp Quốc, Ieng Sary phân phát những tấm hình thái tử chụp trong một buổi “dạ tiệc thân hữu để vinh danh những nhà ái quốc” tổ chức ở Phnom Pênh hồi tháng Chín. (32)

Việt Nam CS không những chỉ sợ việc phục hồi ngôi vị thái tử Sihanouk, việc nầy làm cho bộ mặt Khmer Đỏ kém bị ghét bỏ; điều đó còn đối nghịch với kế hoạch của Hà Nội là dùng danh nghĩa của ông hoàng để giành sự hỗ trợ ở trong nước cũng như ngoại quốc cho công cuộc kháng chiến chống Pol Pot. Hồi đầu tháng Mười năm 1978, một đại diện Việt Nam trong tổ chức UNESCO ở Paris bí mật đến một thành phố ở vùng French-Midi thăm một nhân vật sáng giá nhất trong các con của Sihanouk -thái tử Norodom Ranarith. Ông nầy đang dạy luật ở trường đại học Aix-en-Provence. Với cái đầu tròn, đôi mắt to tròn và rất hay cười, ông hoàng nầy chính là hình ảnh của thân phụ ông ta. Theo ông ta kể lại, người khách đến mang theo một bức thư của một người bạn chung Việt Nam và tự nhận mình là một phái viên đặc biệt của Việt Nam CS. Ông ta ca ngợi vai trò của Sihanouk trong việc xây dựng một nước Kampuchia hiện đại và tỏ ý rằng Việt Nam muốn “giải thoát” Sihanouk khỏi tay Khmer Đỏ để ông ta nắm vai trò lãnh đạo cuộc kháng chiến chống chế độ Pol Pot. Người Việt Nam nầy nói với ông ta: “Chúng tôi muốn ông hợp tác với phong trào kháng chiến mới của Kampuchia, đại diện cho Samdech Sihanouk”. Ranarith hết lời cám ơn vị khách Việt Nam vì những quan tâm của Việt Nam đối với thân phụ ông ta nhưng từ chối không tham gia bất cứ một sự hợp tác nào. Về sau, Ranarith nói với tôi, giải thích việc từ khước của ông: “Tôi không rõ tình trạng cha tôi đang bị giam giữ như thế nào và thực sự tôi cũng không biết Việt Nam muốn tạo dựng cái gì đây.” Ông ta có một ý tưởng hay hơn đối với việc nầy khi người khách đó đến thăm ông ta một lần nữa, vào giữa tháng Chạp. Ông ta kể lại: “Khoảng một tuần hay mười ngày trước lễ Giáng sinh, vì lúc ấy tôi đang dựng cây Noel và kết đèn thì ông ta tới. Lần nầy người khách Việt nam yêu cầu tôi chấp thuận giữ vai trò đại biểu cho Mặt trận Cứu nguy Quốc gia vừa mới công bố. Tôi lại từ chối một lần nữa.” (33)

Sự thất bại trong việc tìm hỗ trợ trong đám hậu duệ của Sihanouk hay bất cứ một khuôn mặt Kampuchia nào không phải là Cọng sản, để mượn uy danh của họ cho Mặt trận Kháng chiến do Hà Nội hỗ trợ hoặc những người có liên quan đến việc chống Phnom Pênh cho thấy Hà Nội không có nhiều cơ may. Thời gian dành cho Việt Nam can thiệp vào Kampuchia có thể được thế giới hay kẻ cùng âm mưu hỗ trợ trôi qua rất nhanh. Mặc dù Waldheim (TTK/LHQ) không nhận lời mời đến thăm, việc Kampuchia mở rộng cửa và hình ảnh ghê tởm của họ có phai mờ đi đôi chút, giờ đây vẫn còn đe dọa cho kế hoạch của Hà Nội. Nếu Việt Nam tiến hành việc thành lập một chính phủ cho lực lượng du kích, theo Hà Nội tính toán, thì phải thực hiện ngay bây giờ hoặc không bao giờ có thể làm việc đó được cả.

Liên minh quân sự và ngoại giao với Moscow xong rồi, Việt Nam chú tâm vào việc chuẩn bị lần cuối để tấn công Kampuchia. Tình hình tiến nhanh hơn cả những điều các nhà lãnh đạo ở Hà Nội tiên liệu. Mấy trăm cán bộ Khmer Đỏ trước kia nay đang được Hà Nội huấn luyện ở Miền Nam Việt Nam quyết định chống lại chế độ Pol Pot, nhưng họ chưa dàn xếp ổn thỏa với nhau về dị biệt chính trị, có thể dựng nên một đảng Cọng sản Kampuchia mới để lãnh đạo công cuộc chiến đấu. Thời gian thì thúc ép. Việt Nam thì chưa thuận tiện mở cuôc họp mà phải chờ đến khi có đại hội đảng được triệu tập và một ban lãnh đạo đảng mới được thành lập. Ngay cả khi không có đảng, Mặt trận Giải phóng Kampuchia cũng đã được công bố cho toàn thế giới biết trước khi quân đội Việt Nam mở cuộc tấn công.

Vấn đề học thuyết chính trị và huấn luyện quân sự cho người Khmer bắt đầu năm 1978 và hiện tại đang ở mức căng thẳng. Một khuynh hướng thì muốn loại bỏ mọi trở ngại do tình trạng ngôn ngữ tạo ra, khuynh hướng nầy đưọc sự hỗ trợ của thiểu số người Khmer Krom -tức là người Việt gốc Miên sống ở vùng đồng bằng sông Cửu Long và người Miên ở phía Nam Kampuchia. Dưới con mắt của các nhà lãnh đạo Hà Nội, những người Việt gốc Miên nầy thường bị nghi ngờ vì họ có khả năng nói được cả hai thứ tiếng Việt và Miên và rất hữu ích trong vai trò trợ thủ một khi quân đội Việt Nam tiến vào lãnh thổ Kampuchia. Thiếu tá Say Pak, một người cọng sản Miên sống ở Hà Nội từ năm 1954, tới Bặc Liêu hồi tháng Mười một năm 1978 để tuyển mộ thanh niên Việt gốc Miên. Mỗi tuần, ông ta mở những cuộc họp với thanh niên trong một ngôi chùa để thúc đẩy họ tham gia Mặt trận Giải phóng Kampuchia. Ông ta hứa với họ là sau khi giải phóng Kampuchia rồi “các bạn sẽ có một địa vị quan trọng trong chính quyền Kampuchia”. Sau khi làm lễ qui nạp, năm trăm thanh niên được gởi tới Cà Mau để được huấn luyện quân sự. Tháng Giêng năm 1979, đám nầy đi theo quân đội Việt Nam tiến vào tỉnh Tà-Keo bên Kampuchia.

Cánh cửa hậu để vào mặt trận

Một điều thích thú ở đằng sau việc Việt Nam mở cuộc tấn công vào Kampuchia là do Đinh Cẩn (hay Căn- nd) kể lại. Ông ta là cựu sĩ quan công binh của quân đội Miền Nam Việt Nam trước kia. Tính ra, ông ta được xem là “nhẹ tội” hơn những sĩ quan chế độ cũ đang bị Hà Nội giam giữ trong các trại “cải tạo.” Hà Nội đang cần những chuyên viên do Mỹ huấn luyện để bổ sung cho Sư đoàn Công binh 476 xây dựng cầu đường tại tỉnh Darlac, Sông Bé và Tây Ninh là những tỉnh nằm dọc theo biên giới Việt Miên. Ông ta đồ chừng Việt Nam đang có kế hoạch gì đó trong lãnh thổ Kampuchia và công việc nầy được bắt đầu từ mùa hè năm 1978, khi có lệnh sửa gấp những con đường dẫn tới Kampuchia. Từ tháng Mười, quân đội Việt Nam CS đã chiếm đóng một dãi đất chạy dọc theo biên giới hai nước. Tới giữa tháng Muời một thì Việt Nam mở cuộc tấn công lớn vào tỉnh Kratie của Kampuchia dọc theo quốc lộ 13. Một trận đánh đẫm máu xảy ra, tiêu diệt một sư đoàn Khmer Đỏ và chiếm một vùng được xem là “khu giải phóng”. Tuy nhiên, đối với Đinh Cẩn (Căn), việc đó chưa rõ ràng lắm. Mãi đến cuối tháng đó, ông ta thấy một chiếc trực thăng đáp xuống giữa đám bụi đỏ quay tròn tại bộ chỉ huy của đơn vị ông ta gần biên giới hai nước. Ông ta ngạc nhiên khi thấy các vị khách không ai khác hơn là Lê Đức Thọ và tướng Đồng Văn Cống, phó tư lệnh quân khu 7 của Việt Nam CS. Họ tới để giám sát việc thành lập tổ chức kháng chiến Kampuchia và việc thành lập bộ chỉ huy tiền phương của quân đội Việt Nam CS.

Địa điểm nầy được chọn để cho thế giới biết Mặt trận Giải phóng Kampuchia mới được thành lập (The Kampuchean National United Front for National Salvation - Mặt trận Đoàn kết Quốc gia Cứu quốc -viết tắt là KNUFNS) nằm sâu trong nội địa Kampuchia khoảng hai dặm. Nơi nầy là một khoảng đất trống giữa một đồn điền cao su ở phía đông Kampuchia, gần thị trấn Snoul. Cẩn lái một chiếc xe ủi đất vào đây để ủi mặt bằng. Các binh lính của đơn vị 476 dựng khán đài và hệ thống loa truyền thanh. Buổi sáng ngày 2 tháng Chạp 1978, vài ngàn người Khmer tập trung ở đây dưới ánh mặt trời chói chang để chứng kiến lễ ra mắt “Mặt trận Đoàn kết Quốc gia Cứu Quốc”. Hầu hết đàn ông và đàn bà tập trung về đây là những người đang sống trong các trại tỵ nạn ở Viêt Nam và được xe vận tải chở tới. Vài trăm binh sĩ, gồm cả những người đào ngủ khỏi Khmer Đỏ cũng như những người được huấn luyện tại Việt Nam cũng được tập trung về đây, hân hoan trong bộ quần áo và mũ màu xanh lá cây. Một bài quốc ca mới được hát lên trong khi một chục lá cờ mới màu đỏ và vàng của mặt trận bay phất phới trong cơn gió nhẹ.

Hết người nầy đến người khác, 14 thành viên trong Ủy ban Trung ương được choàng vòng hoa khi họ được giới thiệu giữa tiếng hoan hô vang dậy. Chủ tịch Mặt trận là Heng Samring, đọc chương trình của Mặt trận trong khi đám đông đưa nắm tay lên hoan hô. Sau cuộc họp, Heng Samring tới cám ơn Lê Đức Thọ đang đứng xa xa để nhìn như gà mẹ nhìn đàn gà con. Samring tươi cười nói với Thọ: “Tôi không ngờ Ngài tổ chức việc nầy hoàn hảo đến như vậy.”

Sau cuộc “mít tin”, các đơn vị quân kháng chiến và các nhà lãnh đaọ Mặt trận đến thăm các làng dọc biên giới, nơi những đơn vị Khmer Đỏ đã rút lui. Họ giải thích cho dân chúng chương trình mười một điểm của Mặt trận để lật đổ chế độ Pol Pot và bảo tồn đời sống gia đình, chợ búa, tiền bạc và tôn giáo và chấm dứt chiến tranh biên giới với Việt Nam.(35) Một đài phát thanh đặt ở thành phố Hồ Chí Minh mệnh danh là “Tiếng Nói Nhân Dân Kampuchia” bắt đầu phát thanh chương trình của Mặt trận và các bài tường thuật về cuộc đấu tranh của họ. Hàng ngàn truyền đơn được thả xuống các tỉnh dọc theo biên giới Kampuchia, kêu gọi nhân dân đứng lên lật đổ chế độ hiện tại ở Phnom Pênh.

Việc xây dựng Mặt trận trông giống như một cuốn phim cũ đem chiếu lại. Hai mươi tám năm sau khi Việt Nam giúp đỡ để xây dựng tổ chức đầu tiên giải phóng quốc gia - Mặt trận Issarak Đoàn kết - để chống lại chế độ thực dân Pháp và tám năm sau khi tay bắt tay chống Mỹ, Mặt trận Đoàn Kết Quốc gia Kampuchia do Việt Nam đỡ đầu khơi dậy một cuộc đấu tranh “giải phóng quốc gia” khác ở một nước láng giềng. (36) Chính Lê Đức Thọ, nhà lãnh đạo Việt Nam chịu trách nhiệm việc huấn luyện cán bộ kháng chiến Khmer, là người đã dựng nên Mặt trận Issarak Đoàn kết và lãnh trách nhiệm bộ Chính trị đặc biệt cho Kampuchia từ năm 1966. Tuy nhiên, kẻ thù lúc nầy không phải là thực dân Pháp, cũng không phải là Đế quốc Mỹ mà chính là những người một thời họ là liên minh của Cọng sản Hà Nội.

Một biểu tượng đấu tranh, tượng trưng cho truyền thống liên minh Việt Nam-Kampuchia cũ, là ngọn cờ mới: Năm ngọn tháp màu vàng trên nền đỏ. Lá cờ nầy khởi nguyên từ Khmer Issarak hồi thập niên 1950 đã bị nhóm Pol Pot loại bỏ năm 1975 khi nước Kampuchia Dân chủ chọn lá cờ ba ngọn tháp màu đỏ.

Tuy nhiên, tính biểu tượng đã bị người dân Kampuchia bỏ mất vì quan tâm chính của họ là sự còn mất của gia đình và bạn bè họ vẫn còn nằm trong sự kiểm soát của Khmer Đỏ. Đó là sự thù ghét có tính cách chung đối với chế độ Pol Pot, đã đưa họ tới đặt mình dưới sự chỉ dẫn của Việt Nam CS, tập họp rời rạc những người sống sót -những người tỵ nạn thuộc giai cấp trung lưu trốn thoát được, những người đào thoát khỏi Khmer Đỏ. Những người Khmer được tập họp lại là những người đã bị thất tán gia đình và số đông họ nghi ngờ về lý do bí mật của Việt Nam. Tuy nhiên, họ không có sự chọn lựa nào khác ngoài trợ giúp của Việt Nam CS để chống lại một chế độ giết người đang đe dọa cả nước Kampuchia. Mười bốn thành viên Ủy ban Trung ương trình diện trong cuộc “mít tin” là những người đại diện cho một sự tập hợp không có gì chặt chẽ. Sáu người trong số họ, gồm cả chủ tịch Heng Samring là những cán bộ cũ của Khmer Đỏ, bốn người là đảng viên đảng Cọng sản Kampuchia thân Hà Nội (Khmer Issarak). Những người khác thuộc thành phần trí thức thành thị và một nhà sư. (38)

Trong khi cuộc “mít tin” đang diễn tiến, các đơn vị quân đội thường trực Việt Nam CS bọc theo vòng ngoài khu vực và những tay súng phòng không mắt hờm sẵn về phía chân trời. Sau khi lễ ra mắt hoàn tất, Đinh Cẩn (Căn) và những người trong nhóm ông ta được lệnh khai hoang một khu rừng gỗ nằm xa hơn một dặm trong lãnh thổ Kampuchia, thuộc tỉnh Kratié dùng để đặt bộ chỉ huy tiền phương của quân đội Việt Nam CS. Các bồn chứa bằng nhôm, -của quân đội Mỹ trước kia xử dụng ở Việt Nam-, chở tới. Các ngôi nhà bằng tranh được dựng lên và các công sự chiến đấu xây đắp. Máy điện, máy truyền tin đặt dưới các tàng cây to. Bộ chỉ huy, được gọi là “Tiền Phong” hay “Vanguard” chẳng bao lâu tạo nên bão táp trên lãnh thổ Kampuchia.

Chiến dịch bắt đầu

Tuy nhiên phát súng lệnh của chiến dịch quân sự được bắn ra ở Ban Mê Thuột, một thành phố nằm ở trung tâm Cao nguyên. Việc chiếm được thành phố nầy đã là một cuộc tấn công ngạc nhiên hồi tháng Ba/1975, đánh dấu việc mở đầu chiến dịch Hồ Chí Minh, chấm dứt bằng việc chiếm đóng Saigon. Thành phố có tính chiến lược nầy, lại một lần nữa được chọn làm nơi tự hào cho lịch sử quân sự Việt Nam. Nửa đêm ngày 24 tháng Chạp, khi tiếng chuông nhà thờ ngân vang, tướng Chu Huy Mân, chính ủy Quân ủy trung ương Quân đội Nhân dân Việt Nam (VPA) rút súng bắn lên không phát súng lệnh để chính thức mở đầu chiến dịch. Tướng Chu Huy Mân từ Hà Nội tới để làm lễ xuất quân cho đạo quân do tướng Hoàng Cầm chỉ huy. Về sau, một quan chức Việt Nam nói với tôi: “Tướng Hoàng Cầm biết rõ vùng phía đông Kampuchia như biết rõ lòng bàn tay ông ta vì ông ta đã chỉ huy những chiến dịch quân sự chống Lon Nol hồi thập niên 1970”. Dưới bầu trời lạnh và đầy sao, những đoàn chiến xa T-54 và những xe vận tải chở đầy binh lính bắt đầu tiến theo quốc lộ 14, hướng tới biên giới Kampuchia. Trong vòng 5 ngày, quân đội Việt Nam đánh tan các đồn binh Khmer Đỏ và chiếm thủ phủ tỉnh Kratie. (39)

Kratie là một thành phố mà người Việt Nam biết rất rõ. Sau khi “giải phóng” thành phố nầy khỏi tay Lon Nol hồi thập niên 1970, Việt Nam CS đã thiết lập một trường quân sự ở đây để huấn luyện hàng trăm cán bộ Khmer Đỏ. Giờ đây, chín năm sau, Việt Nam CS lại chộp lấy thành phố nầy khỏi tay những người học trò cũ để giao lại cho đồng minh Khmer mới.

Tháng Giêng/ 1979, từ Lào, lực lượng quân sự Việt Nam tiến dọc theo sông Mêkông xuống chiếm đóng thành phố thứ hai, tỉnh lỵ Stung Treng. Chiếm được hai thành phố lớn trên sông Mêkông, quân Việt Nam đã cắt đứt liên lạc bốn tỉnh phía đông bắc với các tỉnh còn lại của Kampuchia. Mặc dù các tỉnh nầy có dân cư thượng du thưa thớt, với nhiều ngọn đồi và rừng rậm bao phủ vùng đông bắc, hồi thập niên 70 là căn cứ chống Lon Nol, giờ đây trở thành “khu giải phóng” cho mặt trận Khmer mới.

Trong khi đó, các sư đoàn quân Việt Nam thuộc Quân khu 7 và Quân khu 9, dưới quyền chỉ huy tổng quát của tướng Lê Đức Anh bắt đầu mở cuộc tấn công lớn theo quốc lộ 1 và quốc lộ 7, cả hai đạo quân nầy đều nhắm tới sông Mêkông. Gần một tuần lễ trước khi mở chiến dịch có xe tăng dẫn đầu nầy, lực lượng không quân Việt Nam gia tăng đánh phá các vị trí Khmer Đỏ. Vì tập trung gần ba chục ngàn binh sĩ -một nửa quân đội thường trực Khmer Đỏ-, trong một vùng đất có hình vòng cung dọc theo khu vực có tên gọi là Mỏ Vẹt và Lưỡi Câu gần biên giới Việt Nam, Pol Pot đã làm cho số quân nầy bị tiêu diệt dễ dàng. Đạo quân nầy bị tàn sát vì đại pháo và không tập sau khi bị không thám phát hiện. Đáng ngạc nhiên là sức kháng cự của lực lượng dân quân Pol Pot, những người được biết là giết người bằng dao và mã tấu, không có thì giờ để được huấn luyện lái máy bay hay dùng súng phòng không. Hầu hết các cố vấn Trung Hoa và chuyên viên quân sự vội vàng rút ra phía biển, để lại các toán quân của Pol Pot chưa được huấn luyện nầy tự bảo vệ lấy họ. Hàng mấy dãy máy bay Mig-19 mới toanh sơn màu cờ Kampuchia Dân chủ nằm im ở phi trường Pochentong, nhiều chiếc nệm ghế còn bọc nylông khi quân Việt Nam tiến chiếm Phnom Pênh và rồi Việt Nam tuyên bố thắng trận.

Mặc dù đã có không tập, cuộc tấn công trên bộ cũng không dễ dàng. Đại tá Bùi Tín, quan sát từ trên trực thăng và chụp hình, nói với tôi trận đánh nặng nhất của chiến cuộc nầy trước khi chiếm Phnom Pênh là trận ở khu vực Lưỡi Câu. Trận đánh kéo dài khốc liệt hai ngày khi quân đội Việt Nam CS cố gắng vượt qua tuyến phòng ngự dọc theo các kinh đào và các bãi mìn. Khi vượt qua được tuyến phòng ngự nầy rồi, quân đội Việt Nam CS tiến nhanh tới sông Mêkông, đối diện với tỉnh lỵ Kompong Cham. Hai trận đánh lớn khác là trận Neak Luong, bến phà trên quốc lộ 1 và trận Tani, (tỉnh Takeo) trên quốc lộ 3 dẫn ra biển. (40) Một lực lượng biệt kích Việt Nam CS cố tiến tới bờ sông Tonle Sap, đối diện với Phnom Penh. Buổi sáng ngày 2 tháng Giêng họ cố gắng vượt qua sông để “giải thoát” thái tử Sihanouk khỏi nơi ông cư trú đang bị canh gác chặt chẽ. Tuy nhiên, họ thất bại. Sihanouk nói với tôi trong tiếng thở dài tiếc rẽ: “Họ cố vượt qua sông để bắt cóc tôi nhưng họ đã bị giết hết. Vào lúc đó tôi chẳng biết tại sao bất thần buổi tối đó (2/ tháng Giêng) Khiêu Samphan đến nói với tôi: “Ngài có 15 phút để chuẩn bị rời khỏi nơi nầy. Sau đó họ đưa tôi đi Battambang rồi Sisophon.” (41)

Đến ngày 4 tháng Giêng, quân Việt Nam kiểm soát toàn bộ khu phía đông sông Mêkông gồm 7 tỉnh nhưng viễn tượng đưa ông hoàng Sihanouk lên làm lãnh đạo Mặt trận Cứu nguy kiểm soát “vùng giải phóng” nầy coi như tan biến.

Sau một ngày tình hình lắng dịu, lệnh cuối cùng của bộ chính trị ban ra ngày 4 tháng Giêng: “Tiến tới Phnom Pênh.” Ngày 6 tháng Giêng, các đơn vị quân đội Việt Nam vượt sông Mêkông ở bến phà Neak Luong và phía bắc tỉnh Kompong Cham. Cầu nổi do Liên xô chế tạo và những chiếc phà lớn do Mỹ sản xuất được đưa từ Việt Nam tới để đưa xe tăng và quân lính vượt sông. Chẳng bao lâu, 9 trong số 12 sư đoàn quân Việt Nam với ba trung đoàn đi tiên phong từ phía tây nam và hướng bắc tiến vào Phnom Pênh. Buổi sáng ngày 7 tháng Giêng, pháo binh bắt đầu bắn vào ngoại ô Phnom Pênh. Hai con đường quan trọng tiến tới thủ đô -quốc lộ 1 và 7 đã bị khóa chặt vì các đoàn quân Việt Nam đang tiến vào thủ đô.

Tiệc tùng chấm dứt

Quan sát mọi mặt, khung cảnh ngày cuối cùng của thành phố Phnom Pênh trông giống như trong một cuốn phim của Fellini. Độc nhứt chỉ còn bệnh viện hoạt động đầy đặc thương binh từ mặt trận chuyển về. Hàng trăm người nằm trong sân và trên những con đường chung quanh bệnh viện, đầy máu và ruồi. Họ kêu la hấp hối. Các nơi khác trong thành phố lúc nầy người ta tiệc tùng kỷ niệm. Mùa cá truyền thống bắt đầu từ cuối tháng Chạp và đầu tháng Giêng khi các đăng lưới cá đặt trên sống Tonle Sap thu hàng tấn cá. Buổi sáng ngày 6 tháng Giêng hai chiếc xe tải đầy cá được chở tới trại “Bar 30”, một khu trại của các cán bộ trẻ và gia đình họ. Đối với những người dân gần chết đói cả tháng nay, hình ảnh những chiếc xe chở đầy cá như thế làm họ phấn khởi. Tức thì không khí hội hè diễn ra. Mọi người bận rộn lo làm cá kẻo sợ ươn. Các người trong trại lo ăn trưa rồi chuẩn bị cá cho buổi tối và để dành cho những tháng sắp tới. Nhưng bất thình lình tiệc tùng chấm dứt. Lệnh ban ra là phải di tản tức khắc. “Đi ngay tức khắc”. Một người đàn bà chưa tin hỏi: “Còn cá của chúng tôi thì sao?” Một đống cá cao tới mấy “fít” đang nằm trong nhà bếp cộng đồng lấp lánh dưới ánh đèn dầu hôi mờ mờ, như nỗi kinh hoàng của những người trong trại. (42)


Каталог: upload
upload -> -
upload -> 1. Most doctors and nurses have to work on a once or twice a week at the hospital
upload -> TrầnTrang EnglishTheory Phonetics
upload -> BỘ khoa học và CÔng nghệ TÀi liệu hưỚng dẫN
upload -> TÀi liệu hưỚng dẫn sử DỤng dịch vụ HỘi nghị truyền hình trực tuyếN
upload -> BỘ thông tin truyềN thông thuyết minh đỀ TÀi xây dựng quy chuẩn kỹ thuật thiết bị giải mã truyền hình số MẶT ĐẤt set – top box (stb)
upload -> CHỦ TỊch nưỚC
upload -> CHỦ TỊch nưỚC
upload -> Kính gửi Qu‎ý doanh nghiệp
upload -> VIỆn chăn nuôi trịnh hồng sơn khả NĂng sản xuất và giá trị giống của dòng lợN ĐỰc vcn03 luậN Án tiến sĩ NÔng nghiệp hà NỘI 2014

tải về 1.97 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   25   26   27   28   29   30   31   32   ...   35




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương