Luận Giải Kinh Chánh Tri Kiến



tải về 2.55 Mb.
trang5/22
Chuyển đổi dữ liệu07.07.2016
Kích2.55 Mb.
#1510
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   22

- Bị trộm đạo.

- Bị vua, quan chiếm đoạt.

- Bị người thừa tự phá hủy.

Sự trộm cắp sẽ có tội nặng khi đồ vật có giá trị cao, có tội nhẹ khi đồ vật có giá trị thấp.

Nếu đồ vật có giá trị ngang nhau, lấy của người có đức lớn sẽ có tội nặng so với lấy của người có đức kém. Nghĩa là lấy vật của bậc Alahán tội nặng hơn lấy vật của bậc Anahàm....

Tiền thân Ngài Losaka là vị trụ trì, do ganh tỵ với vị Thánh Alahán, đổ bỏ vật thực của một cận sự nam dâng đến vị Thánh Tăng Alahán này, hành động đổ bỏ vật thực của vị trụ trì đã rơi vào nghiệp trộm cắp vì phạm đủ năm chi.

Trong thời Đức Phật, vị trụ trì tái sinh là Ngài Losaka, quả ác nghiệp còn dư sót, khiến Ngài luôn đói và chỉ no lòng vào ngày cuối cùng khi sắp viên tịch.

Trong Sớ giải kinh Pháp cú cũng có câu chuyện “ngạ quỷ trăn”, đây là hậu thân của người đốt liêu thất của Đức Độc giác Phật.(2)

Trộm cắp có tội nặng nhất là trộm cắp đồ vật của Tăng chúng (là đồ vật của tập thể Tăng) .

3- Giải về “tà hạnh trong dục lạc” (kāmesu micchācāra).



a- Giải từ.

Kāmesu là “trong dục”, là trong sắc, thinh, hương, vị và xúc.

Micchācāra = micchā (sái quấy) + cāra (làm, hành động).

Kāmesu micchācāra là “thực hành sái quấy trong dục lạc”.

Theo nghĩa thường dùng thì kāmesu micchācāra là “hành dâm dục sái quấy (tà dâm).

Ở đây ý nghĩa này không thích hợp lắm, vì đối tượng thuyết giảng kinh Chánh tri kiến là chư Tỳkhưu.

Chư Tỳkhưu không được quan hệ tình dục bất cứ hình thức nào, với bất cứ hữu tình nào, cho dù đó là người nam, thú cái, thú đực hay nữ ngạ quỷ (có loại ngạ quỷ gọi là vemānika, ban ngày khổ như ngạ quỷ, ban đêm xinh đẹp và an lạc như chư thiên hoặc ngược lại. Hay chúng có nửa tháng khổ như ngạ quỷ, nửa tháng thì an lạc như chư thiên) ...

Đời sống của Tỳkhưu thường được gọi là “đời sống phạm hạnh ”, như chúng ta thường gặp trong kinh văn: “Vị Tỳkhưu sống đời sống phạm hạnh (brahmacariya) trong giáo pháp này.”



b- Thế nào là phạm hạnh.

*-Brahmacariya theo nghĩa ngữ là “hạnh (của vị) phạm thiên”, nên brahmacariya thường được dịch là phạm hạnh (1).

Vị Phạm thi1ên không có sắc nam tính hay sắc nữ tính nên không có quan hệ tình dục.

Và chữ phạm hạnh, thường được hiểu là “không hành dâm”.

Nữ cư sĩ Migasāla có bạch hỏi Trưởng lão Ānanda rằng:

“Kathaṃ kathaṃ nāmāyaṃ, bhante Ānanda, Bhagavātā dhammo desito aññeyyo, yatra hināma brahmacārī ca abrahmacārī ca ubho samasamagatikā bhavissanti abhisamparāyaṃ.

Như thế nào, thưa Tôn giả Ānanda, cần phải hiểu pháp này do Thế Tôn tuyên thuyết (nói rằng): “Cả hai sống phạm hạnh và không phạm hạnh đều đồng đẳng về sinh thái trong tương lai?

Pitā me , bhante, Purāṇo brahmacārī ahosi ārācārī virato medhunā gāmadhammā. So kālaṅkato Bhagavātā byākato sakadāgāmisatto, Tusitaṃ kāyaṃ upapannoti

Purāṇa cha của con, thưa Tôn giả, sống phạm hạnh, sống biệt lập, tránh xa dâm dục hạ liệt khi mệnh chung được Đức Thế Tôn trả lời: “là bậc Dự lưu sanh với thân ở Tusita (Đẩusuất).

Petteyyopi me, bhante, Isidatto abrahmacārī ahosi sadārassantuṭṭho. Sopi kālaṅkato Bhagavātā byākato sakadāgāmipatto Tusitaṃ kāyaṃ



Còn Isidatta cậu của con, thưa Tôn giả sống không phạm hạnh, tự bằng lòng với vợ mình, sau khi mệnh chung, được Đức Thế Tôn trả lời: “là bậc Dự lưu sanh với thân ở Tusita”..(2)

Đoạn kinh văn trên cho chúng ta hiểu ý nghĩa của phạm hạnh và không phạm hạnh.

Và Đức Phật đã mở rộng ý nghĩa “phạm hạnh”, tức là ngoài ý nghĩa thông thường là “không hành dâm”, Ngài còn định nghĩa: “Đời sống phạm hạnh là sự tu tập bát chánh đạo”.

“Katamañca, bhikkhave, brahmaññaṃ ? Ayameva ariyo aṭṭhaṅgiko maggo, seyyathidaṃ - Sammādiṭṭhi, sammāsaṅkappo, sammāvācā, sammākammanto, sammā-ājīvo, sammāvāyāmo, sammāsati, sammāsamādhi. Idam, vuccati, bhikkhave, brahmaññaṃ



Và này các Tỳkhưu, thế nào là phạm hạnh? Chính là Thánh đạo tám ngành này. Tức là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Này các Tỳkhưu, đây gọi là Phạm hạnh...(3)

Hay là:


“Pañcannaṃ bhikkhave, macchariyānaṃ pahānaya samucchedāya brahmacariyaṃ vuccati.

Này các Tỳkhưu, do đoạn tận, cắt đứt năm pháp bỏn xẻn (maccchāriyā), phạm hạnh được thực hiện” (1).

Năm bỏn xẻn là: Bỏn xẻn trú xứ, bỏn xẻn gia đình, bỏn xẻn lợi dưỡng, bỏn xẻn tán thán và bỏn xẻn pháp.

Như vậy, phạm hạnh bao hàm những ý nghĩa:

- Không quan hệ tình dục.

- Tu tập theo bát chánh đạo.

- Đoạn trừ 5 pháp bỏn xẻn.

c- Tà hạnh (micchācārā).

Tà hạnh là “làm sái quấy”, chữ kāmesu micchācārā theo ngữ nghĩa là “làm sái quấy trong dục”.

Làm sai trong dục”, đối với cư sĩ thường mang ý nghĩa “quan hệ tình dục sai quấy”, nhưng đối với Tỳkhưu mang ý nghĩa rộng hơn, nhưng không ám chỉ “quan hệ tình dục”.

Tuy đồng ngữ, nhưng tùy theo đối tượng mà nghĩa khác nhau. Như nói: “Học giới (sikkhāpadā)”, nếu là cư sĩ, sẽ hiểu đó là năm giới hoặc tám giới; nếu là Sadi, sẽ hiểu là mười giới; nếu là Tỳkhưu, sẽ hiểu là hơn 150 điều học được Đức Thế Tôn chế định cho chư Tỳkhưu.

“Sādhikamidaṃ, bhikkhave, diyaḍḍhasikkhāpadasataṃ anvaddhamāsaṃ uddesaṃ āgacchati...

Này các Tỳkhưu, bản đọc tụng này, gồm hơn 150 giới cần phải đọc nửa tháng một lần.... (2)

(Học giới nếu theo nghĩa rộng, chung cho cả bậc xuất gia lẫn tại gia, thì đó là ba chi phần : Chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng).

Lại nữa, Đức Phật có dạy:

“Pañcahi, bhikkhave, dhammehi samannāgato bhikkhu yathābhataṃ nikkhitto evaṃ niraye. Katamehi pañcahi?

Pāṇātipātī hoti, adinnādāyī hoti, abrahmacārī hoti, musāvādī hoti, surāmerayamajjapāmādatthāyi hoti.

Này các Tỳkhưu, thành tựu năm pháp, Tỳkhưu như vậy tương xứng bị rơi vào địa ngục”. Thế nào là năm?

Sát sanh, lấy của không cho, sống không phạm hạnh, nói láo, đắm say rượu men, rượu nấu” (3).

Và:


“Pañcahi, bhikkhave, dhammehi samannāgato upāsako sārajjaṃ okkanto hoti. Katamehi pañcahi?

Pāṇātipātī hoti, adinnādāyī hoti, kāmesumicchācārī hoti, musāvādī hoti, surāmerayamajjapāmādatthāyi hoti.

Này các Tỳkhưu, thành tựu năm pháp, nam cư sĩ tương xứng rơi vào địa ngục. Thế nào là năm?

Sát sanh, lấy của không cho, tà hạnh trong các dục, nói láo, đắm say rượu men, rượu nấu. (1)

So sánh hai đoạn kinh văn trên, chúng ta thấy “Tỳkhưu chỉ quan hệ tình dục” đủ tương xứng rơi vào địa ngục, còn nam cư sĩ thì phải “quan hệ tình dục sái quấy” mới tương xứng rơi vào địa ngục.

Như vậy, “làm sái quấy trong dục lạc” đối với Tỳkhưu, không ám chỉ quan hệ tình dục, trái lại mang ý nghĩa rộng hơn.



*- Tà hạnh trong dục lạc đối với Tỳkhưu.

Đễ hiểu rõ ý nghĩa này, chúng ta tìm thấy trong tạng Luật, Bộ Đại phân tích Tỳkhưu giới, một vài trường hợp điển hình cho “làm sái quấy trong dục lạc”, như:

- “Vị Tỳkhưu cố ý di tinh, có tội Tăng tàn (saṅghadisesa) (sđd - điều Tăng tàn thứ nhất)”.

- Vị Tỳkhưu bị chi phối với tâm quấy (là tâm bị ái dục chế ngự), cảm hưởng xúc thân với nữ nhân, là sự cầm tay, hoặc nắm vuốt tóc, tay rờ chạm bất cứ chi thể nào (của nữ nhân), thì có tội Tăng tàn (sđd: điều Tăng tàn thứ hai)...”.

Hàng động sái quấy trong dục lại ở đây là “thân đắm nhiễm trong dục lạc”, hay “thân thụ hưởng dục lạc sái quấy”.

Đối với Tỳkhưu “làm sái quấy trong dục lạc”, mang ý nghĩa là “phạm hạnh bị khuyết điểm, bị bể vụn, bị ô nhiễm”.

Bàlamôn Jānussoṇi có hỏi Đức Phật:

“Kiṃ pana bho Gotama, brahmacariyassa khaṇḍampi chiḍḍampi sabalampi kammāsampī’ti?

- Thưa Tôn giả Gotama, như thế nào phạm hạnh bị bể vụn, bị khuyết phạm, bị nhiễm ô, bị điểm chấm?.

Đức Phật trả lời:

- Ở đây, này Bàlamôn, có Sa môn hay Bàlamôn, tự xem mình sống phạm hạnh một cách chân chánh, tuy không có hành dâm với nữ nhân, nhưng hưởng thụ được nữ nhân thoa bóp, tắm sức dầu. Vị ấy thích thú, ước muốn, bị kích thích (vittiṇ apajjati) bởi nữ nhân. Này Bàlamôn, đây gọi là phạm hạnh không thanh tịnh, bị liên hệ, bị hệ lụy với dâm dục; không giải thoát khỏi sanh, già, chết, sầu bi, khổ, ưu não. Ta nói rằng không thoát khỏi khổ.

Tiếp theo Đức Thế Tôn tuần tự nêu ra những trường hợp phạm hạnh bị bể vụn, bị khuyết phạm, bị nhiễm ô, bị điểm chấm như:

- Tuy không có hành dâm với nữ nhân, không có hưởng thụ được nữ nhân thoa bóp, tắm, sức dầu. Nhưng cười giỡn (sañjagghati), chơi đùa, vui chơi với nữ nhân... (Phạm hạnh bị khuyết điểm- Ns).

- Tuy không cười giỡn, chơi đùa, vui chơi với nữ nhân, nhưng mắt nhìn mắt (upanijjhāyati), liếc mắt nhìn (theo) nữ nhân... (Phạm hạnh bị lấm nhơ – Ns).

- Tuy không lấy mắt nhìn mắt, liếc mắt nhìn (theo) nữ nhân, nhưng lắng nghe tiếng cười, tiếng hát, tiếng khóc (của nữ nhân) ngang qua vách, ngang qua hàng rào...

- Tuy không lắng nghe tiếng cười, tiếng hát, tiếng khóc (của nữ nhân) ... nhưng nhớ đến tiếng cười, tiếng nói, tiếng đùa giỡn trước kia đã có với nữ nhân...

- Tuy không nhớ đến tiếng cười..., nhưng xem gia chủ hay con gia chủ thọ hưởng, thưởng thức thích thú trong năm dục tăng trưởng (kāmaguṇa)...

- Tuy không xem gia chủ hay con gia chủ thọ hưởng, thưởng thức, thích thú trong năm dục trưởng dưỡng. Nhưng sống phạm hạnh với tâm nguyện hướng đến một thân chư thiên, nguyện rằng: “với giới này hay giới cấm này, ta sẽ thành một thiên nhân này hay một thiên nhân khác”. (Phạm hạnh bị điểm chấm- Ns). (1)

Lại nữa, làm hư hoại đời sống phạm hạnh, phần lớn nữ nhân là đối tượng chính, nên kāmesu micchācāra (hành sái quấy trong dục lạc) có liên quan nhiều đến nữ nhân.

“Nāhaṃ bhikkhave, aññan, ekarūpampi yaṃ evaṃ purisassa cittaṃ pariyādāya tiṭṭhati yatthayidaṃ, bhikkhave itthirūpaṃ.

Itthirūpaṃ, bhikkhave, purisassa cittaṃ pariyādāya tiṭṭhatī ’ti....

Này các Tỳkhưu, ta không thấy một sắc nào khác, xâm chiếm và ngự trị tâm (cittaṃ pariyādāya tiṭṭhati) người nam nhưsắc người nữ.



Này các Tỳkhưu, sắc người nữ xâm chiếm và ngự trị tâm người nam”.(2)

(Bài kinh trên bao gồm cả người tại gia lẫn bậc xuất gia).

Dĩ nhiên, nam nhân cũng là đối tượng làm hư hoại đời sống phạm hạnh của nữ nhân, quyến rũ nữ nhân rơi vào tà hạnh, nhưng kinh văn chỉ đề cập đến những hạng nữ nhân không nên quan hệ tình dục bất chánh, nhằm mục đích ngăn ngừa sự tai hại cho nữ nhân, đồng thời cảnh báo đối với nam nhân.

Mặt khác, trong lãnh vực này, nếu người nam không muốn quan hệ tình dục thì nữ nhân đành chịu, còn khi nữ nhân không muốn vẫn bị cưỡng bức, do ảnh hưởng sức mạnh từ thân.

Như Ngài Anuruddha bị các cô thiên nữ quấy nhiểu, Ngài vẫn an nhiên bất động, trái lại vị Thánh nữ Upālavaṇṇā lại bị thanh niên Nanda cưỡng bức.

Câu chuyện sau đây minh họa cho trường hợp nam nhân quyến rũ nữ nhân, làm hoại đời sống phạm hạnh của nữ nhân, tóm lược như sau:



Nữ khổ hạnh Saccatapāvī.(3)

Tương truyền, ngày xưa có một nữ tu khổ hạnh là Saccatapāvī, nàng ở trong một thảo am nơi nghĩa địa, gần thành Bāraṇasī (Balanại), mỗi ngày nàng dùng có một bữa trong số 5 bữa ăn.

Danh tiếng của nữ đạo sĩ lan rộng khắp kinh thành, đến nỗi khi vấp ngã hay hắt hơi, họ đều gọi “cầu phúc cho Saccatapāvī”.

Vào một lễ hội, một người thợ kim hoàn say rượu, lúc nôn tháo đã kêu lên “cầu phúc cho Saccatapāvī”. Một người thợ kim hoàn khác cho rằng:

- Anh thật mù quáng khi tôn trọng một nữ nhân có tính khí bất thường.

- Này anh, chớ nói như vậy, nói như vậy sẽ rơi vào địa ngục đấy.

Thế là, họ tranh cải nhau và người thợ kim hoàn khôn ngoan đánh cuộc ngàn đồng tiền vàng với người kia, “trong vòng 7 ngày y sẽ quyến rũ được nữ đạo sĩ Saccatapāvī”.

Và y giả dạng một vị đạo sĩ khổ hạnh, đi đến nơi trú ngụ của nữ đạo sĩ Saccatapāvī, vào ngày thứ bảy y đã quyến rũ được nữ đạo sĩ hoàn tục, trở thành vợ của y.



*-Tà hạnh trong dục lạc đối với cư sĩ.

Với nam cư sĩ, kāmesu micchācāra được hiểu là “quan hệ tình dục bất chánh (là quan hệ tình dục với nữ nhân khác ngoài vợ nhà)”.

Người nam không nên quan hệ bất chánh đến hai mươi hạng người nữ là:

Mười hạng nữ nhân (chưa có chồng).

1- Nữ nhân được mẹ gìn giữ (māturakkhitā).

2-Nữ nhân được cha gìn giữ (piturakkhitā).

3- Nữ nhân được mẹ, cha gìn giữ (mātāpiturakkhitā).

4- Nữ nhân được anh gìn giữ (bhāturakkhitā).

5- Nữ nhân được chị gìn giữ (bhaginīrakkhitā).

6- Nữ nhân được thân tộc gìn giữ (ñātirakkhitā).

7- Nữ nhân được dòng tộc gìn giữ (gottarakkhitā).

8-Nữ nhân được pháp bảo hộ (dhammarakkhitā).

9- Nữ nhân có hôn ước (sārakkhā).

10- Nữ nhân đang thụ án (đang bị tù tội) (saparidaṇḍā).

Như kinh văn có ghi nhận:

“Kāmesumicchācārī hoti. Yātā māturakkhitā piturakkhitā mātāpiturakkhitā bhāturakkhitā bhaginirakkhitā ñātirakkhitā gottarakkhitā dhammarakkhitā.

Này Cunda!... người ấy sống tà hạnh đối với các dục, tà hạnh với các hạng nữ nhân có mẹ che chở, có cha che chở, có mẹ cha che chở, có anh che chở, có chị gìn giữ, có bà con gìn giữ, có pháp gìn giữ (dhammarakkhita)” (1).



Mười hạng vợ (của người khác), không nên quan hệ tình dục với họ là:

1- Vợ được mua bằng tiền (dhanakkitā).

2- Vợ được tác thành do thương yêu nhau (chandavāsinī).

3- Cho tài sản đến nữ nhân, rồi nữ nhân ấy thành vợ (bhogavāsinī).

4-Do cho y phục rồi nữ nhân ấy thành vợ (paṭavāsinī).

5- Vợ do rải nước (odapattagginī).

Đây là một trong những phong tục xưa của người Ấn cổ, phong tục này hiện còn ở Tích Lan.

Như khi Bồtát Vessantara hành pháp đại thí, vua trời Đế Thích giả dạng một Bàlamôn đến xin vợ Ngài là nàng Maddī, Ngài cho vợ đến người xin bằng cách rải nước vào tay hai người (1).

Trong bài kinh Bàlamôn Doṇa, Đức Phật cũng giảng cho Bàlamôn Doṇa sự đi tìm vợ đúng pháp của các Bàlamôn thuở xưa, đó là “người vợ” không phải do mua, không phải do bán, chỉ với một nữ Bàlamôn đã được nước tưới lên. (2)

Gia chủ Ugga có cho vợ mình đến người đàn ông mà vợ gia chủ Ugga mong muốn. Gia chủ Ugga cho mời người ấy lại, “với tay trái tôi (gia chủ Ugga – Ns) cầm người vợ, với tay phải tôi cầm bình nước (bhiṅgāraṃ) rồi tôi rửa sạch người ấy...(3).

6- Lấy khăn trùm đầu rồi tác thành vợ (obhatasumbattā).

Đây là một phong tục xưa, một nhà có nhiều cô gái độc thân, một người nam cầu hôn. Các cô trùm kín đầu để người nam không nhận diện mặt, sau đó, người nam ấy chọn cô nào, cô ấy sẽ là vợ của nam nhân đó.

7- Vợ là nữ nô tỳ (dāsībhariyā).

8- Vợ là người làm công (kammakārībhariyā).

9- Vợ là nữ tù binh bắt được (bhaṇāhatā).

10- Vợ tạm thời trong thời gian ngắn (muhuttikā).

Như những nàng kỹ nữ bằng lòng sống với người nam trong khoảng thời gian ngắn với sự thỏa thuận bằng một số tiền nào đó, đây cũng là loại vợ “được mua bằng tiền”, nhưng khác chút ít là “có thời gian qui định”, còn vợ mua bằng tiền thì vĩnh viễn.

Nàng Uttarā, con gái ông Trưởng giả Puṇṇa được cha cho mười lăm ngàn đồng tiền vàng, cô thuê nàng kỹ nữ Sirimā phục vụ cho chồng trong mười lăm ngày, để nàng rảnh rang cúng dường đến Đức Phật và chư Tăng (4).

Đây là vợ mua bằng tiền trong thời gian ngắn.

Hoặc, một người vợ vô sinh, vì muốn chồng có người nối dõi, nên thuê một nữ nhân làm vợ cho chồng. Sau khi sinh được đứa con, nữ nhân kia phải giao con cho lại cho nhà chồng rồi ra đi. Đây cũng là vợ tạm thời.

Lại nữa, người nam không nên giao du thân mật với mười hai hạng người nữ là: Mười hạng vợ, nữ nhân có hôn ước và nữ nhân đang thụ nhục hình (nữ tù nhân).

Đối với 10 hạng vợ và nữ nhân có hôn ước, tuy không có quan hệ tình dục bất chính, nhưng những người chồng (hay hôn phu) sẽ nghi ngờ, ghen tương dẫn đến những tai hại cho nam nhân giao du thân mật với các đối tượng ấy.

Về nữ nhân đang thụ hình, không nên giao du thân mật, vì sẽ dẫn đến nghi ngờ là “đồng lõa trong một nghi án nào đó”, hay bị kẻ đang có hiềm thù, cáo gian là “đồng lõa với tội phạm”, thế là dẫn đến tai họa “bị bắt giữ, bị tra khảo...”.

Đối với 8 trong 10 hạng nữ nhân chưa có chồng (ngoại trừ nữ nhân có hôn ước, nữ nhân đang thụ hình), tức là thân họ chưa có chủ, họ có quyền đối với thân của họ, khi thích người nam nào sẽ giao thân cho người nam ấy, nếu người nam ấy cũng độc thân như họ, hành động này không sai phạm trong điều tà hạnh (riêng người nam thì rơi vào tà hạnh trong dục).

Đối với 12 hạng nữ nhân còn lại cho dù là vợ tạm thời (muhuttikā) cũng xem như có chồng, nếu họ giao thân cho người nam khác, xem như phạm giới tà hạnh trong dục.

Đức Phật có dạy trong kinh Pháp cú:

“Cattāri ṭhānāṇi naro pamatto. Āpajjati paradārūpasevī.

Apuññalābhaṃ na nikāmaseyyaṃ. Nindaṃ tatiyaṃ nirayaṃ catutthaṃ.

Bốn điều bất hạnh đến với người bất cẩn, có hành động tà dâm: Gặt hái tội khổ, ngũ không yên giấc, ba là bị khiển trách và bốn là ở khổ cảnh.

“Apuññalābho ca gatī ca pāpikā. Bhītassa bhītāya ratī ca thokikā

Rājā ca daṇḍaṃ garukaṃ paṇeti. Tasmā naro paradāraṃ na seve.

Có sự gặt hái tội khổ, cũng như có số phận bất hạnh. Hỷ lạc của người đàn ông và người đàn bà đang run sợ quả thật ngắn ngủi. Vua lại ban hành hình phạt nặng nề. Do đó không nên lân la với vợ người. (1)

Đối với nữ nhân có pháp luật gìn giữ, như Tỳkhưu ni, nữ đạo sĩ... không nên quan hệ tình dục, cho dù có sự đồng tình của nữ nhân.

Sadi khi hành dâm với một nữ nhân, bị trục xuất khỏi phẩm mạo sadi, sau đó có thể được xuất gia lại và thọ giới Tỳkhưu.

Nhưng nếu hành dâm với Tỳkhưu ni thì vĩnh viễn không được xuất gia trong Giáo pháp này (vì Tỳkhưu ni là nữ nhân được pháp luật bảo hộ).

Riêng Tỳkhưu, dù hành dâm với bất cứ đối tượng nào: nam, nữ, thú cái, nữ ngạ quỷ... đều bị tội triệt khai, không còn phẩm mạo Tỳkhưu, phải xuống phẩm mạo sadi hay hoàn tục. (2)

Trong điều tà hạnh trong dục lạc, xem ra chỉ đề cập nhiều đến nam nhân, còn nữ nhân ra sao?

Xét ra, nếu người nam không nên quan hệ tình dục bất chánh đến hạng nữ nhân nào, thì nữ nhân cũng không nên quan hệ tình dục đối với các hạng nam nhân ấy như thế.

Mặt khác, nữ cư sĩ khi ngoại tình, xem như phạm vào tà dâm (kāmesumicchācārā), đồng thời là một nhơ uế:

mal ’ itthiyā duccaritaṃ:



Tà hạnh uế nữ nhân”(1).

Xét ra, nữ nhân ngoại tình mang tính nghiêm trọng hơn nam nhân.



c- Việc tà dâm có bốn chi.

1- Người nên kiêng tránh (agamanīyaṭṭhānaṃ).

2- Có ý (muốn) dâm dục với người nên kiêng tránh (tasmiṃ sevanācittaṃ).

3- Rán sức tà dâm (upakkamo).

4- Đã tà dâm (maggena maggappaṭipādanaṃ).

Về sự vi phạm chỉ có một điều là “tự mình làm”.

Ngoài những đối tượng là những nữ nhân kiêng tránh, có một số trường hợp đối với vợ nhà cũng phải kiêng tránh, nếu vi phạm xem như “làm sái quấy trong dục lạc”, đó là:

- Tuy chính thức là vợ chồng, nhưng ở những nơi tôn nghiêm như: Nơi thờ tự, đền miếu, tháp, chùa... Quan hệ tình dục ở những nơi như thế, xem như tà dâm.

- Người vợ trong thời không thể giao hợp, như: Đang bịnh, đang có thai nhi (gần sinh nở), đang bị nguyệt kỳ... quan hệ tình dục xem như tà dâm.

Quan niệm cổ sơ của Bàlamôn giáo rất nghiêm túc về sự quan hệ tình dục.

- Nghiêm túc do quan niệm về “huyết thống thanh tịnh”, huyết thống thanh tịnh là một trong những đặc điểm để được gọi là Bàlamôn thanh tịnh.

- Nghiêm túc vì giao hợp với mục đích duy trì nòi giống, không phải để vui thú trong dục lạc.

Đức Phật có giảng cho Bàlamôn Doṇa. (2)

- Các Bàlamôn thuở xưa không đi đến giao hợp (khi) người nữ có mang (nếu đi đến trong thời người nữ có mang, thời đứa bé trai hay gái được sinh ra bị ô uế (atimiḷhajo).

- Không đi đến giao hợp khi nữ nhân đang trong thời kỳ cho con bú (đứa bé trai hay gái sẽ bị ô uế, (vì sữa mẹ) không được tinh khiết).

- Nam Bàlamôn không đi đến với nữ Bàlamôn trong thời kỳ không thể thụ thai.

“Kasmā ca, Doṇa, brāhmaṇo na anutuniṃ gacchati?

Sace, Doṇa, brāhmaṇo anutuniṃ gacchati. Tassa sā hoti brāhmaṇī kāmatthā davatthā ratatthā pajatthāva brāhmaṇassa brāmaṇo hoti.

Này, Doṇa, vì sao Bàlamôn không đến (với nữ Bàlamôn) trong thời không thụ thai?.



Này Doṇa, nếu vị Bàlamôn đến (nữ Bàlamôn) trong thời không thể thụ thai, thời nữBàlamôn ấy trở thành một phương tiện để thỏa lòng dục (kāmatthā), để vui đùa (devatthā), để thỏa thích(ratatthā)”. (sđd).

d- Quả của tà hạnh trong dục.

Nghiệp tà hạnh trong dục cho quả là tái sanh vào khổ cảnh. Nếu được sinh làm người, sẽ là người bị người khác oán thù.

Đức Phật có dạy:

“Kāmesumicchācāro, bhikkhave, asevito bhāvito bahulīkato nirayasaṃvattanikaṃ tiracchanayonisaṃvattaniko pettivisayasaṃvattaniko.

Yo sabbalahuso kāmesumicchācārassa vipāko, manussabhūtassa sapattavera saṃvattaniko hoti.

Này các Tỳ khưu, tà hạnh trong các dục được thực hiện, được tiến hành (bhāvita), được làm cho sung mãn, đưa đến địa ngục, đưa đến loài bàng sanh, đưa đến cõi ngạ quỷ.



Quả dị thục hết sức nhẹ của tà hạnh trong các dục, là được làm người, với sự oán thù của kẻ địch (sappattavera saṃvattaniko)” (1).

B- Lời nói bất thiện có bốn điều: Nói dối, nói đâm thọc, nói thô ác, nói phù phiếm.

  1. Về nói dối (musāvāda).

a- Giải từ.

Phân tích musāvāda được: musā + vāda

Chữ musā nghĩa là “chuyện không đúng, không thật”. Đồng thời musā còn có nghĩa “làm mất lợi ích (đến người khác) bằng sự không đúng sự thật”.

Vāda là “lời nói”.

Với ý muốn cho người khác hiểu sai sự thật bằng lời nói (hay bằng thân) gọi là musāvāda.

Ngôn ngữ là điều không thể thiếu trong cuộc sống, là phương tiện giao tiếp, truyền đạt, thông tri ý nghĩa với nhau. Do đó, cẩn trọng trong lời nói là việc làm tốt đẹp và thiết yếu.

Dù là không có ý hại người, nhưng nói dối để vui đùa vẫn có tội tuy rằng nhẹ. Còn khi nói với ý muốn “khiến cho người hiểu lầm” và gây ra tác hại lớn, có tội nặng.

Nghĩa là: “Nói dối có tội nhẹ khi mang lại tác hại nhỏ, sẽ có tội nặng khi mang lại tác hại lớn”.

Đức Phật có dạy:

“Tasmātiha te Rāhula: hassā pi na musā bhaṇissāmīti.

Evaṃ hi te Rāhula sikkhitabbaṃ.

Do vậy này Rāhula, ta quyết không nói dối, dầu nói để mà chơi.



Như vậy, này Rāhula, ngươi phải học tập” (2).

Người nói dối để vui đùa tuy không mang đến hậu quả xấu, nhưng cũng tập thành một thói quen xấu (phóng dật), đồng thời nói lên tính chất “không hổ thẹn tội lỗi (ahiri), không ghê sợ tội lỗi (anottappa)”.

“Musāvādo, bhikkhave, asevito bhāvito bahulīkato nirayasaṃvattanikaṃ tiracchanayonisaṃvattaniko pettivisayasaṃvattaniko.

Yo sabbalahuso musāvādassa vipāko, manussabhūtassa abhūtabbhakkhānasaṃvattaniko hoti.



Này các Tỳkhưu, nói dối được thực hành, được tiến hành, được làm cho sung mãn, đưa đến địa ngục, đưa đến bàng sanh, đưa đến cõi ngạ quỷ.

Quả dị thục rất là nhẹ của nói dối là được làm người bị vu cáo không đúng sự thật.” ( 1) .

“Ekam dhammaṃ atītassa. Musāvādissa jantuno



Vitiṇnaparalokassa. Natthi pāpaṃ akāriyam,

Không có điều ác nào mà người vọng ngữ vi phạm định luật (chơn thật), và dững dưng trước thế giới bên kia, không làm được”. (2)

Nói dối được thực hiện do vì mình hay do vì người, hay vì một vài lợi ích vật chất nhỏ, Đức Phật gọi “lời nói như phân” (3).

Trong các lời nói dối, nói vu khống cho người là tệ hại hơn cả, vì mang ác ý làm mất lợi ích, có hại đến người bị vu khống.

Vu khống người có giới hạnh kém thì tội ít, vu khống cho người có giới hạnh cao thì tội nặng.

Như nàng Ciñcā vu khống Đức Phật, nên nàng bị đất rút, bà Hoàng Mallikā tuy là một nữ cư sĩ tịnh tín nơi Tam bảo, nhưng ray rứt về lời nói dối của mình đối với vua Pasenadi (Batưnặc), sau khi mệnh chung rơi vào địa ngục bảy ngày (4).

Đức Phật dạy:

“Abhūtavādī nirayaṃ upoti. Yo c’āpi katvā na karotī’ti c’āha

Ubho’pi te pecca samā bhavanti. Nihina kammā mannujā parattha.

Người nói điều không thật (rơi) vào cảnh khổ. Và người đã làm một việc, rồi nói “tôi không có làm”, cũng vậy. Sau khi chết cả hai đều như nhau, người có hành động ti tiện trong thế giới khác” . (5)

Và:

“Aṭṭhime bhikkhave, anariyavohārā. Katame aṭṭha?



Adiṭṭhe diṭṭhavāditā, asute sutavāditā, amute mutavāditā, aviññāte viññātavāditā.

Diṭṭhe adiṭṭhavāditā, sutte asuttavāditā, mutte amutāvāditā, viññate aviññatavāditā.

Ime kho, bikkhave, aṭṭha anariyavohārā’ti.

Này các Tỳkhưu, có tám phi thánh ngôn (anariyavohāra). Thế nào là tám:



- Không thấy nói thấy, không nghe nói nghe, không nghĩ nói nghĩ, không biết nói biết.

- Thấy nói không thấy, nghe nói không nghe, nghĩ nói không nghĩ, biết nói không biết”.

Này các Tỳ khưu, đây là tám phi thánh ngôn” (6).

b- Nói dối có bốn chi.

1- Điều không thật (atattaṃ vatthu).

2-Tính nói dối (visaṃvādanacittaṃ).

3-Rán sức nói dối (tajjo vāyāmo).



  1. Đã làm cho người tin chắc lời nói dối ấy (parassa tadatthavijānanaṃ).

Sự nói dối được thực hiện bằng hai cách là thân và ngữ.

Dối trá có tính chất “làm người khác hiểu sai sự thật”, nếu lừa gạt người khác qua những cử chỉ về thân (của người muốn đánh lừa), gọi là “nói dối bằng thân”, như viết thư cáo gian người khác.... Hoặc như câu truyện sau:



Tu sĩ giả hiệu.

Một vị tu khổ hạnh chứng đắc được 5 thắng trí, Ngài trú ngụ trong một chòi lá tại một khu rừng, gần một ngôi làng nơi biên địa, dân làng rất kính trọng Ngài.

Bấy giờ Bồtát sinh làm một con cắc kè chúa, sống trong gò mối cuối đường kinh hành của vị ấy, hằng ngày thường đến viếng thăm vị đạo sĩ khổ hạnh hai ba lần, nghe pháp từ vị này (khi vị ấy gỉảng pháp cho dân làng nghe), rồi đảnh lễ Ngài trở về nơi ở của mình.

Về sau, vị ấn sĩ thanh tịnh ra đi nơi khác, một vị tu khổ hạnh giả dối khác đến trú nơi am thất ấy. Bồtát nghĩ “đây là vị có giới hạnh”, nên cũng đi đến đảnh lễ vị ấy như từng thực hành.

Một hôm dân làng dâng cho vị tu sĩ món thịt cắc kè rất ngon ngọt, vị ấy hỏi:

- Món thịt ngon ngọt này là thịt gì?.

- Bạch Ngài, là thịt cắc kè.

Vì tham đắm vị ngon vật thực, vị ấy sanh ác ý muốn giết cắc kè chúa (Bồtát), y cầm chày vồ, dùng tay áo che lại, rồi ngồi chờ Bốtát đến.

Vào buổi chiều, Bồtát đi đến đảnh lễ vị tu sĩ, khi đang đi đến, Bồtát thấy sắc diện của vị tu sĩ thay đối, Ngài cảnh giác và vì đứng dưới gió Bồtát ngửi được mùi thịt cắc kè nên không đến gần vị tu sĩ giả hiệu.

Thấy thế, tu sĩ giả hiệu ném chày vồ vào Bồtát, nhưng chỉ trúng đuôi mà thôi.(1)

Đây là sự giả dối được thực hiện bằng thân, nên Đức Phật có dạy:

“Kiṃ te jaṭāhi dummedha. Kiṃ te ajinasāṭiyā.

Abbhantaraṃ te gahaṇaṃ. Bāhiraṃ parimajjasi.

Kẻ ngu có ích gì. Bện tóc với da dê



Nội tâm toàn phiền não. Ngoài mặt đánh bóng suông.” (2)

Lại nữa, sự im lặng để “đánh lừa tri kiến người khác, khiến người khác hiểu sai sự thật” cũng là “nói dối bằng thân”.

Vì rằng, khi nghe người khác nói điều tốt đẹp về mình, sự im lặng là “mặc nhiên công nhận”.

Có lần Tôn giả Savittha vấn pháp nơi Tôn giả Musila, sau đó Tôn giả Savittha đã tán thán Tôn giả Musila rằng:

Như vậy, Tôn giả Musila là bậc Alahán, đã đoạn tận các lậu hoặc”.

Khi nghe như vậy, Tôn giả Musila đã im lặng .

Nghe vậy, Tôn giả Narada nói với Tôn giã Sāvittha:

Này hiền giả Savittha, lành thay nếu tôi được hỏi những câu này. Hãy hỏi tôi những câu này và tôi sẽ trả lời hiền giả những câu này.

Vả những câu hỏi được lập lại, sau đó Tôn giả Sāvittha tán thán tôn giả Narada:

Như vậy Tôn giả Narada là bậc Alahán, đã đoạn tận các lậu hoặc”.

Và Tôn giả Narada đã nói:

Này hiền giả, do “Hữu diệt là Nípbàn”, tôi khéo thấy như chơn nhờ chánh trí tuệ. Nhưng tôi không phải là vị Alahán đã đoạn tận các lậu hoặc.

Ví như trên con đường hoang vắng có một giếng nước. Tại đấy không có giây, không có gàu nước. Rồi có một người đi đến, bị nóng bức bách, bị nóng áp đảo, mệt mõi run rẩy, khát nước. Người ấy ngó xuống giếng và biết được: “Giếng này có nước”, nhưng đứng chịu, thân thể không chạm nước...(1)

Trước những điều không đúng sự thật, im lặng để đánh lừa tri kiến người khác, xem như nói dối bằng thân.

Nói dối bằng lời, điều này cũng dễ hiểu, những lời ngụy biện cũng xem như nói dối.

Cũng nên ghi nhận: bốn chi phần của nói dối, chi phần thứ tư (đã làm cho người khác nghe tin chắc) chỉ trong phạm trù giới. Tức là “khi người khác tin” thì đứt giới nói dối, đồng thời mang nghiệp nói dối.

Cả hai chi phần đầu:

- Lời không thật.

- Cố ý nói.

Đã kết thành nghiệp nói dối, chi phần thứ ba (rán sức nói) làm cho ác quả nói dối trở thành nặng do sự cố gắng ấy (càng cố gắng nhiều thì ác quả càng nặng).

c- Có bốn cách thức (payoga) nói dối.

- Tự mình nói dối (sahatthika).

- Khiến người khác nói dối (anatthika).

- Tạo cạm bẩy dối trá (nissaggiya), như viết thư phao vu rồi quăng bỏ cho người khác đọc, gây chia rẻ giữa hai người.

Hay ngụy tạo những chứng cứ không thật để đánh lừa người khác.

- Phổ biến (thāvara) dối trá: Như viết những điều hư ngụy in thành sách rồi cho loan truyền rộng rải để lừa mị người, hoặc phao tin nhãm nhí rộng rãi... .

Cũng nên ghi nhận: Bồtát cũng có nói dối, nhưng loại nói dối nào khiến người khác hiểu sai phát sinh sự hư hỏng Bồtát không nói. Loại nói dối nào người nghe hiểu sai nhưng không phát sinh hư hỏng, Bồ tát có nói loại nói dối này.

Trong Bổn sanh Hārita (1) có ghi:

“Bodhisattassa hi ekaccesu thānesu pāṇātipāto, adinnādānaṃ, kāmesu micchācāro, surāmerayamajjappāmampi hoti.

Yeva atthabheda kavisaṃ vādanaṃ purakkhitvā musāvādo nāma na hoti”.

Một đôi khi vị Bồtát có thể sát sanh, lấy của không cho, tà hạnh trong dục lạc, uống rượu và chất say.

Nhưng nói dối làm hư hoại lợi ích người nghe, điều này không hề có”.

Nhưng dù sao cũng là nói dối, chính từ điểm này đã xác nhận “Bồtát tuy tốt đẹp hơn người thường, nhưng Ngài vẫn là phàm nhân”.

Nguy hại nhất có lẽ là những luận thư đề cao những tà thuyết, vì nó đánh lạc tri kiến chân thật, khiến người đọc rơi vào tà kiến và sự giải thoát khỏi luân hồi trở thành thiên nan, vạn nan.

2- Lời đâm thọc - Pisuṇā vācā.

a- Giải từ.

Chữ pisuṇa theo nghĩa gốc là: “nghiền nát, làm vỡ nát”.

Pisuṇā vācā có hai tính chất:

- Lời nói nào khiến người nghe thương mình và ghét người khác.

- Lời nói nào gây chia rẽ, gây bất hòa, gây hiềm khích giữa hai người.

Có hai loại lời đâm thọc, là “lời nói dối” và “lời nói thật”.

-Lời nói dối ngoài tính chất “đánh lừa tri kiến người nghe”, nếu kèm theo một trong hai mục đích nêu trên, được xem là lời đâm thọc.

Nói cách khác “lời nói dối này thành tựu hai ác nghiệp: nói dối và nói đâm thọc”, còn chỉ với mục đích “đánh lừa tri kiến người nghe” thì chỉ thành tựu ác nghiệp nói dối.

- Lời nói thật với một trong hai mục đích nêu trên, gọi là lời thật có tính đâm thọc.

Có câu hỏi rằng: “Lời nói thật là do có tâm thiện điều sử, vì sao lại là lời đâm thọc?”

Đáp: Nếu là tâm thiện, thì không có một trong hai mục đích nêu trên, khi có một trong hai mục đích trên, không thể gọi là tâm thiện, còn lời nói chỉ là phương tiện để thực hiện mục đích trên (tức là ngữ biểu tri – vacī viññatti).

Lời nói (vācā) có bốn loại :

- Saddavācā: Lời nói chỉ là âm thanh, như tiếng rên rỉ, tiếng kêu gào, tiếng than khóc kể lể....

- Virativācā: Lời nói có tính ngăn trừ ác, bất thiện.

- Cetanāvācā: Lời nói do có ý. Nghĩa là có ý làm sanh khởi ngữ biểu tri.

- Capanavācā: Lời nói có khả năng làm cho người khác hiểu được ý của mình.

Lời nói (tuy thật) chỉ là sắc cảnh thinh, khi có cetanā bất thiện lời nói ấy không thể gọi là thiện được.

Do đó, bậc trí thường cẩn trọng lời nói, có những lời thật phải tùy thời, tùy đối tượng để tỏ bày.

Như một Tỳkhưu biết vị Tỳkhưu khác phạm giới, nói lên điều vi phạm của vị ấy với mục đích làm mất lợi ích cho vị kia, thì rơi vào bất thiện, còn như tâm muốn vị ấy không rơi vào tội lỗi, thì đó là thiện.

Trưởng lão Sāriputta có dạy rằng:

Này các hiền giả, khi vị Tỳkhưu muốn buộc tội người khác, hãy an trú năm pháp trong nội tâm rồi hãy buộc tội. Thế nào là năm?

- Tôi sẽ nói đúng thời, không nói phi thời.

- Tôi sẽ nói chơn thật, không nói hư ngụy.

- Tôi sẽ nói nhu hòa, không nói thô bạo.

- Tôi sẽ nói liên hệ đến lợi ích, không phải không liên hệ đến lợi ích.

-Tôi sẽ nói với từ tâm, không phải nói với sân tâm (1).

Và Đức Thế Tôn có dạy thêm là:

“... Này Sāriputta, những thiện nam tử vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình sống không gia đình ... không câm ngọng; hãy nói chuyện với những người này. Hãy giáo giới các vị đồng phạm hạnh, hãy giảng dạy.

Này Sāriputta, các vị đồng phạm hạnh nghĩ rằng: “Sau khi giúp (các vị đồng phạm hạnh) ra khỏi phi diệu pháp, tôi an trú các vị đồng phạm hạnh trong diệu pháp”, này Sāriputta hãy như vậy học tập (sđd).

b- Lời nói dâm thọc có bốn chi:


  • Người bị tổn hại (bị đâm thọc) (bhinditabbo paro)

  • Có ý gây chia rẽ (bhedanla purekkhāratā).

  • Rán sức với cố ý ấy (tajjo vāyāmo).

  • Người khác hiểu được ý nghĩa đó (tassa tadatthavijjananaṃ).

Giải:

- Người bị tổn hại, chia rẽ.

Chữ bhindi là bất định từ (aorist) của động từ bhindati, nghĩa là: chia ra, làm bể.

Người bị tổn hại là:

1- Người bị người khác cách ly.

2- Bị người khác ghét

- Cố ý gây chia rẽ.

Mục đích gây chia rẽ này có hai:

- Muốn người khác quý mến mình và ghét người mình không ưa.

- Ly gián hai người đang thân thiết với nhau.

- Người khác hiểu được ý nghĩa ấy.

Tức là người nghe đã rơi vào một trong hai mục đích mà người nói lời đâm thọc đang hướng đến.

Tóm lại, người có tâm uế nhiễm dùng thân hay ngữ để làm hại người - lợi mình, gọi là pisuṇā vācā - lời hai lưỡi.

c- Có hai cách thức nói chia rẽ.

- Bằng lời,

- Bằng thân, như viết thư gây ly gián.

d- Quả của nói đâm thọc.

Quả của nói đâm thọc thường đưa xuống khổ cảnh, nếu may mắn làm người, sẽ là người cô độc, không có bạn.

“Pisuṇā, bhikkhave, vācā āsevitā bhāvitā bahulīkatā nirayasaṃvattanikā tiracchānayonisaṃvattaniko pettivisayasaṃvattanikā.

Yo sabbalahuso pisuṇāya vācāya vipāko, manussabhūtassa mittehi bhedasaṃvattaniko hoti.

Này các Tỳkhưu, nói hai lưỡi được thực hiện, được tiến hành, được làm cho sung mãn, đưa đến địa ngục, đưa đến bàng sanh, đưa đến cõi ngạ quỷ.

Quả dị thục rất là nhẹ của nói dối là được làm người với bạn bè bị đổ vỡ.” (sđd–A.iv. 247).

Đối tượng bị hại kém giới đức thì có tội nhẹ, đối tượng bị hại là bậc có giới đức thì có tội nặng.




tải về 2.55 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   22




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương