Luận Giải Kinh Chánh Tri Kiến


Chỉ trích và tán thán. An lạc và đau khổ



tải về 2.55 Mb.
trang3/22
Chuyển đổi dữ liệu07.07.2016
Kích2.55 Mb.
#1510
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   22

Chỉ trích và tán thán. An lạc và đau khổ.


Những pháp (manayesa) này vô thường.

Không thường hằng, biến diệt

Biết chúng, giữ chánh niệm.

Bậc trí quán biến diệt

Pháp khả ái, không động (na mattahenti).

Không khả ái, không sân

Các pháp thuận (anurodhavirodhā) hay nghịch.

Được tiêu tan (vidhūpitā) không còn

Sau khi biết con đường, không trần cấu, không sầu

Chân chánh biết sanh hữu, đi đến bờ bên kia. (2)

Tám pháp này làm lay chuyển thế gian (anuparivattanti).

Với kẻ phàm phu không nghe pháp của bậc Thánh, của bậc Chân nhân, khi có lợi dưỡng, danh vọng, tán thán, an lạc khởi lên, kẻ ấy không suy nghĩ rằng: “Những pháp này là vô thường, khổ, biến hoại” nên tâm rơi vào đắm nhiễm, sanh khởi kiêu mạn.

Còn những pháp như: mất lợi, mất danh vọng, bị chỉ trích, đau khổ khởi lên, kẻ ấy rơi vào sầu khổ, tâm rơi vào phẩn uất.

Với vị Thánh đệ tử có nghe pháp của bậc Thánh, hiểu pháp bậc Thánh, khi một trong tám pháp ấy khởi lên, vị ấy suy nghĩ: “Các pháp này là vô thường, khổ, biến hoại”, do vậy tâm không bị ái hay sân chi phối như kẻ phàm phu thường tình.

Như vậy, cho dù là hạnh phúc hay đau khổ, bậc có ý chánh trực không rơi vào một trong hai cực đoan ấy, tâm hướng đến trung đạo (1).

Các vị Luận sư có giải thích:

Phẩn uất nương sinh từ sự mất lợi, mất danh tiếng, bị chỉ trích, đau khổ”, chúng được đoạn trừ bằng Thánh đạo Anahàm.

Tham ái nương sinh từ sự được lợi, được danh tiếng, được tán thán, được an lạc”, chúng được đoạn trừ bằng Thánh đạo Alahán.

Một số Giáo thọ sư cho rằng:

“Tham ái nương sinh từ được lợi, được an lạc”, chúng được đoạn trừ bằng Thánh đạo Anahàm.

“Tham ái nương sinh từ được danh tiếng, được tán thán”, chúng được đoạn trừ bằng Thánh đạo Alahán.(2)



2’- Lợi dưỡng thù thắng là: Thành tựu thiền Sắc giới hay thiền Vô sắc giới.

Cho dù có thành tựu được như thế, bậc có ý chánh trực cũng không thích thú ái luyến các tầng thiền này.



Về hai loại khổ hạnh.

Có loại khổ hạnh đưa xuống khổ cảnh, có loại khổ hạnh dẫn tái sinh lên nhàn cảnh, như Đức Thế Tôn có dạy cho lõa thể Kassapa:

“Idhāhaṃ, Kassapa ekacca tapassiṃ lūkhājīviṃ passāmi, dibbena cakkhunā visuddhena atikkanta mānusakena… kāyassa bhedā paraṃ maraṇā apāyaṃ duggatiṃ vinipātaṃ nirayaṃ uppannaṃ.

Này Kassapa, với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, ta thấy một số người tu khổ hạnh, sống khắc khổ… Sau khi thân hoại mệnh chung, phải sinh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

Idhā panāhaṃ, Kassapa ekacca tapassiṃ lūkhājīviṃ passāmi, dibbena cakkhunā visuddhena atikkanta mānusakena… kāyassa bhedā paraṃ maraṇā sugatiṃ saggaṃ lokaṃ uppannaṃ.

Này Kassapa, với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, ta thấy một số người tu khổ hạnh, sống khắc khổ... Sau khi thân hoại mệnh chung được sinh vào cõi lành, thế giới chư thiên(3).

Cho dù là “khổ hạnh dẫn đến thiên giới”, vị có tri kiến chánh trực cũng không dính mắc vào chúng.

“Sace vo bhikkhave, aññatitthiyā paribbājakā evaṃ puccheyyuṃ - devalokūpapattiyā, āvuso, samaṇe Gotame brahmacariyaṃ vussathā’ti.

Nanu tumhe, bhikkhave, evaṃ puṭṭhā aṭṭiyeyyātha harāyeyyātha jigiccheyyāthā’ti.

Evaṃ, bhante.

Này các Tỳkhưu, nếu các du sĩ ngoại đạo hỏi các ngươi như sau: “Chư hiền, có phải Samôn Gotama sống phạm hạnh để được sinh lên cõi trời?”



Này các Tỳkhưu, được hỏi như vậy, các ngươi có bực phiền (aṭṭiyeyyātha), tủi nhục (harāyeyyātha), chán ngấy (jiguccheyyātha) hay không?

- Thưa có, bạch Thế Tôn.(1)

Ví như người phải băng qua sa mạc hoang vu để đến vùng đất an toàn, người ấy phải có hành trang, có lương thực, phải nương vào con đường, cho dù đi trên con đường bằng phẳng tốt đẹp, đầy kỳ hoa dị thảo, nhưng nếu dừng chân trên con đường, người này sẽ không thể đến nơi cần đến, cần phải đi mút con đường.

Cũng vậy, hành giả là người tầm cầu sự giải thoát khỏi sinh tử luân hồi, thiện nghiệp là việc cần phải làm (ví như hành trang, lương thực) nhưng không đắm nhiễm vào các quả an lạc hữu vi, cho dù những thiện nghiệp ấy cho tái sinh về Thiên giới, cho tái sinh về các tầng thiền Sắc hoặc Vô sắc.

Một khi đắm nhiễm, dính mắc vào những cảnh an lạc thù diệu này hành giả sẽ không thoát khỏi sinh tử luân hồi.

Và con đường cần phải đi đó là Bát chánh đạo, con đường không nghiêng về hưởng thụ cũng không rơi vào khổ hạnh.

Ví như người bắn cung thiện xảo, chỉ nhắm vào mục tiêu để bắn tên, không ngắm nhìn chung quanh. Cũng vậy, tri kiến chánh trực là hướng tâm đến mục tiêu thoát khổ (là chứng đắc Nípbàn), không nghĩ đến các cảnh giới tái sinh, cho dù đó là những cảnh giới an lạc trong thế gian.

“Seyyathāpi, bhikkhave, sālisūkaṃ vā yavasūkaṃ vā sammāpaṇihitaṃ hatthena vā pādena vā akkantaṃ hatthaṃ vā pādaṃ vā bhindissati, lohitaṃ vā uppādessatīti - ṭhānametaṃ vijjati. Taṃ kissa hetu?

Sammāpaṇihitattā, bhikkhave sūkassa.

Này các Tỳkhưu, ví như sợi râu của lúa mì hay sợi râu của lúa mạch được đặt đúng hướng, khi bị tay hay chân đè vào, có thể đâm thủng tay hay chân, hay có thể làm cho đổ máu, sự tình này có thể xảy ra. Vì cớ sao?

Này các Tỳkhưu, vì sợi râu được đặt đúng hướng.

“Evameva kho, bhikkhave, so vata bhikkhu sammāpaṇihitāya diṭṭhiyā sammāpaṇihitāya maggabhāvanāya avijjā bhindissati, vijjaṃ uppādessati, nibbānaṃ sacchikarissatīti - ṭhānametaṃ vijjati. Taṃ kissa hetu?

Sammāpaṇihitattā, bhikkhave , diṭṭhiyā.

Cũng vậy này các Tỳkhưu, kiến được đặt đúng hướng, con đường tu tập được đặt đúng hướng có thể xuyên thủng vô minh, làm minh sanh khởi, có thể chứng đạt Nípbàn, sự tình này có xảy ra. Vì cớ sao?

Này các Tỳkhưu, vì kiến được đặt đúng hướng” (1).

C- Có lòng tin pháp tuyệt đối.

Là thấy rõ, biết rõ các pháp hữu vi là vô thường, khổ, vô ngã nên có lòng tin pháp tuyệt đối.

Có câu hỏi rằng: “Phàm nhân chưa chứng đạt Nípbàn, chưa thấy được tam tướng, phải đặt niềm tin vào những pháp nào để thực hành? Những pháp nào là của Đấng Đạo sư thuyết giảng?”.

Đáp rằng: Bà di mẫu Gotamī có bạch hỏi Đức Thế Tôn về vấn đề này, Đức Phật dạy:

Này Gotamī, những pháp nào người biết rằng:

1- “Những pháp này đưa đến ly tham, không đưa đến tham dục.

2- Đưa đến ly hệ phược, không đưa đến hệ phược.

3- Đưa đến không tích tập, không đưa đến tích tập.

4- Đưa đến ít dục, không đưa đến nhiều dục.

5- Đưa đến biết đủ, không đưa đến không biết đủ.

6- Đưa đến tịnh cư, không đưa đến tụ hội.

7- Đưa đến tinh tấn, không đưa đến biếng nhác.

8- Đưa đến dễ nuôi, không đưa đến khó nuôi”.

Này Gotamī, hãy thọ trì nhất hướng rằng: “Đó là pháp, đó là luật, đó là lời dạy của bậc Đạo sư” (2).

Lại nữa, có lần Đức Anuruddha sống ở giữa dân chúng Ceti, tại Pācineramsadāya, trong khi độc cư thiền tịnh, khởi lên ý nghĩ như sau:

1- Pháp này để cho người ít dục, không phải để cho người nhiều dục.

2- Pháp này để cho người biết đủ, không phải để cho người không biết đủ.

3- Pháp này để cho người sống thanh vắng, không phải để cho người ưa hội chúng.

4- Pháp này để cho người tinh cần, không phải để cho người biếng nhác.

5- Pháp này để cho người trú niệm, không phải để cho người thất niệm.

6- Pháp này để cho người thiền định, không phải để cho người không thiền định.

7- Pháp này để cho người trí tuệ, không phải để cho người ác tuệ.

Và Đức Thế Tôn với tâm mình hiểu được tâm tư của Đức Anuruddha, Ngài xuất hiện trước mặt Đức Anuruddha, ngồi vào chỗ đã được soạn sẵn.

Rồi Đức Thế Tôn dạy thêm điều thứ tám là:

8- Pháp này để cho người không ưa hý luận (nippapancārāma), không thích hý luận. Pháp này không phải để cho người ưa hý luận, thích hý luận (1).

Lời dạy của Đức Thế Tôn về điều thứ tám rất có ý nghĩa, đó là “pháp cần phải thấy hiểu qua thực chứng” chẳng phải hiểu do suy luận, sự suy luận có thể nảy sinh những vấn đề không có thực, chúng trở thành những vấn đề thuộc về ảo kiến (papañca)”, để rồi bàn cải, tranh luận về những vấn đề không có thực, chẳng khác nào người bàn luận về “lông rùa, sừng thỏ”.

Với vị Thánh Hữu học, khi đã chứng đạt Nípbàn, có lòng tin pháp tuyệt đối, đó là điều dễ hiểu.

Riêng về phàm phu có chánh kiến, những tiêu đề trên là mẫu mực để đặt lòng tin vào, để tin chắc rằng: “Đây là Pháp, là Luật của Đức Thế Tôn thuyết giảng”.

Đồng thời những pháp như: ít ham muốn, biết đủ, sống nơi thanh vắng, tinh tấn, trú niệm, thiền định, là những pháp cơ bản cho trí thấy được tam tướng, giúp cho “lòng tin pháp tuyệt đối sinh lên và tăng trưởng”.



D- Thành tựu diệu pháp này.

Chữ saddhamma = saṃ (tốt đẹp)+ dhamma, saddhamma được dịch là diệu pháp.

Diệu pháp chỉ cho:

- 37 pháp dẫn đến chứng đạt Nípbàn, đó là: Tứ niệm xứ, tứ chánh cần, tứ như ý, ngũ quyền, ngũ lực, thất giác chi và bát chánh đạo.

- Chỉ cho Tạng Thắng pháp (Abhidhammapiṭaka). Ngoài ra:

“Sattime bikkhabe, saddhammā. Katame satta?

Saddho hoti, hirimā hoti, ottappi hoti, bahussutto hoti, āraddhaviriyo hoti, satimā hoti, paññavā hoti. Ime ko bhikkhave, satta saddhammā’ti.

Có bảy diệu pháp, này các Tỳkhưu. Thế nào là bảy



- Tín, xấu hổ, sợ hãi, nghe nhiều, tinh tấn, chánh niệm, có trí tuệ. Này các Tỳkhưu, có bảy diệu pháp này” (2).

Lại nữa, diệu pháp còn nói đến bảy lực (bala) như kinh văn sau:

“Imāni kho, bhikkhave, sattabalānīti.

Saddhābalaṃ viriyañca, hiri ottappapiyaṃ balaṃ

Satibalaṃ samādhi ca, paññā ve sattamaṃ balaṃ

Etehi balavā bhikkhu, sukhaṃ jīvati paṇḍito.

“Yoniso vicine dhammaṃ, paññāyatthaṃ vipassati;

Pajjotasseva nibbānaṃ, vimokkho hoti cetaso’ti.

Này các Tỳkhưu, có bảy sức mạnh này:

Tín lực và tấn lực, tàm lực và quý lực

Niệm lực và định lực, tuệ lực là thứ bảy

Tỳkhưu với lực này, sống hiền trí an lạc

Như lý suy tư pháp, quán rõ đích trí tuệ



Như ngọn lửa tàn diệt, với tâm được giải thoát”. (1)

Thành tựu bảy sức mạnh này tâm được giải thoát, nên bảy sức mạnh này được xem là diệu pháp.

Lại nữa, thành tựu diệu pháp là thành tựu được 7 loại tài sản của bậc Thánh, là: “tín tài sản, giới tài sản, tàm (hổ thẹn tội lỗi) tài sản, quý (ghê sợ tội lỗi) tài sản, văn (nghe nhiều) tài sản, thí (dứt bỏ - cāga) tài sản và tuệ tài sản”.

Dứt phần duyên khởi.

Tiếp theo Đức Sāriputta thuyết giảng 16 pháp môn, nhờ đó vị Thánh hữu học thành tựu diệu pháp này.



Phần II.

Mười sáu tiêu đề.

0-0-0-0-0.

Tiêu đề 1. a- Trí biết rõ bất thiện và gốc rễ của bất thiện

b- trí biết rõ thiện và gốc rễ của thiện.

Chánh kinh.

Chư Hiền, thế nào là bất thiện? Thế nào là gốc rễ bất thiện (katamaṃ akusalaṃ mūlaṃ). Thế nào là thiện? Thế nào là gốc rễ thiện?”



Chư Hiền, sát sanh là bất thiện (pāṇātipāto akusalaṃ), lấy của không cho là bất thiện (adinnādānaṃ akusalaṃ), làm sái quấy trong dục là bất thiện (kāmesu micchācāro akusalaṃ), nói dối là bất thiện (musāvādo akusalaṃ), nói hai lưỡi là bất thiện (pisuṇā vācā akusalaṃ), nói ác là bất thiện (pharusā vācā akusalaṃ), nói vô ích là bất thiện (samphappalāpo akusalaṃ), tham đắm là bất thiện (abhijjhā akusalaṃ), sân độc là bất thiện (byāpādo akusalaṃ), tà kiến là bất thiện (micchādiṭṭhi akusalaṃ).

Và chư Hiền, thế nào là căn bản (mūla) bất thiện? Tham (lobha) là căn bản bất thiện, sân (doso) là căn bản bất thiện, si (moho) là căn bản bất thiện. Chư Hiền, như vậy là căn bản bất thiện.

Và này chư Hiền, thế nào là thiện? Từ bỏ sát sanh là thiện (pāṇātipātā veramaṇī kusalaṃ), từ bỏ lấy của không cho là thiện ( adinnādānā veramaṇī kusalaṃ), từ bỏ tà hạnh trong dục lạc là thiện (kāmesu micchācārā veramaṇī kusalaṃ), từ bỏ nói dối là thiện (musāvādā veramaṇī kusalaṃ), từ bỏ nói hai lưỡi là thiện (pisunāya vācāya veramaṇī kusalaṃ), từ bỏ nói ác là thiện (pharusāya vācāya veramaṇī kusalaṃ), từ bỏ nói vô ích là thiện (samphappalāpā veramaṇī kusalaṃ), không tham đắm là thiện (anabhijjhā kusalaṃ), không hiềm hận là thiện (abyāpādo kusalaṃ), có chánh kiến là thiện (sammādiṭṭhi kusalaṃ). Chư Hiền, như vậy gọi là thiện.

Chư Hiền, thế nào là căn bản của thiện:Vô tham (alobha) là căn bản thiện, vô sân (adosa) là căn bản thiện, vô si (amoha) là căn bản thiện.

Chư Hiền, khi nào vị Thánh đệ tử biết bất thiện như vậy, biết căn bản bất thiện như vậy, biết thiện như vậy, biết căn bản thiện như vậy, khi ấy, vị ấy đoạn trừ tất cả tham tùy miên (rāgānusayaṃ pahāya), tẩy sạch sân tùy miên (paṭighānusaya), nhổ tận gốc ngã- hữu, kiến - mạn tùy miên (paṭivinodetvā asmīti diṭṭhimānānusayaṃ samūhanitvā), đoạn trừ vô minh (avijjhā pahāya), khiến minh sinh khởi (vijjā uppādetvā), diệt tận khổ đau ngay trong hiện tại...”

Giải:

A- Trí hiểu rõ bất thiện và căn bản bất thiện.

Chữ bất thiện (akusala) ở đây, bao gồm cả ác giới lẫn ác nghiệp.

Kinh văn ghi rằng: “Pāṇātipāto akusalaṃ: sát sanh là bất thiện. Adinnādānaṃ akusalaṃ: lấy của không cho là bất thiện ...”.

Rõ ràng, bất thiện ở đây chỉ cho ác giới lẫn ác nghiệp.

Một người dùng thân với ý sát hại chúng sinh khác, người này đã vi phạm vào giới sát lẫn ý nghiệp sát.

Nếu chúng sinh ấy chết, người này đứt giới sát sanh và tạo nghiệp sát sanh, nếu chúng sinh ấy chưa chết (hay không chết), giới sát sinh tuy chưa đứt (hay không đứt) nhưng nghiệp sát sinh đã có.

Đức Phật có dạy:

Cetanāhaṃ bhikkhave kammaṃ vadāmi:



Này các Tỳkhưu, Ta nói sự cố ý (cetanā) là nghiệp”.

Mặt khác, bất thiện khi được mở rộng ý nghĩa thì: Tuy không có ý sát hại nhưng hành hạ chúng sinh khác, hành động này là bất thiện, bất thiện tăng trưởng trở thành ác.

Trong Tạng Luật có ghi:

Trong cuộc tranh chấp của nhóm Tỳkhưu Lục Sư và nhóm Tỳkhưu Thập thất sư, nhóm Tỳkhưu Lục Sư đông hơn đã dùng gậy gộc đe dọa nhóm Tỳkhưu Thập thất sư, khiến các vị ấy kinh hoàng kêu khóc.

Nhân cớ ấy, Đức Phật chế định học giới: “Vị Tỳkhưu đánh vị khác phạm ưng đối trị (pacittiya)”, rồi Ngài dạy kệ ngôn:

“Sabbe tasanti daṇḍassa. Sabbe bhāyanti maccuno

Attānaṃ upamaṃ katvā. Na haneyya na ghātaye.

Ai cũng run sợ trước gậy gộc. Tất cả đều sợ chết. Hãy lấy ta suy ra người. Không nên giết cũng không xúi giết.(1)

Rõ ràng chư Tỳkhưu Lục sư không có ý sát hại bậc đồng phạm hạnh, chỉ đe dọa cho sợ thôi, nhưng đó cũng là bất thiện rồi.

A- Thân bất thiện có ba: Sát sanh, lấy của không cho, tà hạnh trong dục lạc.

1- Giải về sát sinh - Pāṇātipāta.

a- Theo từ ngữ.

Pāṇātipāta = pāṇa + atipāta.

Pāṇa là “đời sống, chúng sinh”, atipāta xuất phát từ động từ atipāteti nghĩa là “sát hại, giết chết”.

Chữ pāṇa theo nghĩa thường dùng là “chúng sinh có mạng sống”.

Pāṇātipāta là “hủy diệt sự sống (của) chúng sinh khác”.

Gọi là “chúng sinh có mạng sống” vì có sắc mạng quyền (jīvitarūpa) hay danh mạng quyền (jīvitanāma).

Ở cõi Vô sắc chỉ có danh mạng quyền, cõi Vô tưởng (asaññībhūmi) chỉ có sắc mạng quyền, cõi năm uẩn (cõi Dục giới và cõi Sắc giới hữu tâm) thì có đủ hai loại mạng quyền.

Do đó, người Vô tưởng, người Vô sắc cũng được gọi là chúng sinh.

Như vậy, theo chế định thì pāṇa chỉ cho chúng sinh, còn theo chơn đế (paramatthasacca) thì pāṇa chỉ cho danh - sắc mạng quyền.

Trong phạm vi kinh này, pāṇa chỉ cho cả hai loại mạng quyền hiện hữu từ cõi Tứ Đại vương trở xuống, từ cõi Tứ đại vương trở lên sự sát hại chúng sinh không hề có.

Những dạ xoa là đồ chúng của Tứ đại vương, tuy chúng sát hại những sinh vật khác nhưng đó là do chúng nương sống ở địa cầu, như dạ xoa Āḷāvaka chẳng hạn. Hoặc có những thiên nhân sát hại chúng sinh khác, đó cũng là những chư thiên địa cầu.

Một Tỳkhưu ở thành Āḷavī muốn cất một liêu thất cho mình, thấy một thân cây thích hợp, nên đốn cây ấy.

Cây này là nơi trú của một nữ thần cây (rukkhadevī), bà hiện ra năn nỉ vị Tỳkhưu đừng phá nơi ngụ của mình, vị Tỳkhưu cương quyết đốn cây.

Nữ thiên nhân suy nghĩ: “Nếu Ngài thấy con ta, chắc mở lòng thương xót, sẽ không đốn cây này”.

Bà đặt đứa bé (là con bà) lên nhánh cây mà vị Tỳkhưu đang đốn, vị Tỳkhưu ngừng tay rìu không kịp, đã chặt đứt cánh tay đứa bé.

Nữ thiên nhân nỗi giận vươn đôi tay định vặn chết vị Tỳkhưu, nhưng bà chợt nghĩ: “Vị Tỳkhưu này là bậc hiền thiện, nếu ta giết vị ấy ta sẽ rơi xuống địa ngục, hơn nữa, các vị thần cây khác sẽ theo gương ta, giết các vị Samôn khi bị phá hoại trú xứ. Vị Tỳkhưu này có thầy, ta sẽ trình lên thầy của vị ấy”.

Rồi vừa đi vừa khóc, bà đến đảnh lễ Đức Thế Tôn, trình bạch lên Ngài câu truyện trên, Đức Phật khen ngợi nữ thiên nhân rằng:

- Lành thay, lành thay ! Ngươi đã hành xử rất tốt khi kềm hãm cơn giận, như người đánh xe thiện xảo kềm hãm được chiếc xe đang lao nhanh.

Rồi Ngài thuyết lên kệ ngôn:

Yo ve uppatitaṃ kodhaṃ. Rathaṃ bhantaṃ’va dhāraye

Taṃ ahaṃ sārathiṃ brūmi. Rasmiggaho itaro jano.

Ai chận được phẫn nộ. Như dừng xe đang lăn.



Ta gọi người đánh xe. Kẻ khác cầm cương hờ.” (1)

Nghe xong kệ ngôn, nữ thiên nhân chứng quả Dự lưu, và Đức Phật ban cho bà chỗ ngụ là cây đại thọ ở trước cỗng Jetavihāra (Kỳviên tinh xá).

Cũng do nhân việc này, Đức Đạo sư chế định học giới: “Vị Tỳkhưu không được đốn cây, vị nào đốn cây phạm vào ưng đối trị”.

Thế thì cuộc chiến giữa Asura (Atula) và chư thiên cõi Ba mươi ba ra sao?. Có sự sát hại nhau không?.

Tuy giữa chư thiên cõi Ba mươi ba (Tāvatiṃsa) và Asura có những trận chiến diễn ra. Nhưng “cuộc chiến ở cõi trời không có chết chóc và đau đớn thương vong, tương tự như hình nộm đấu với hình nộm.

Nếu bên nào chống cự không lại vì ít quân hơn, liền bỏ chạy trở vào thành đóng cửa lại, bên chiến thắng đành phải rút về, vì không thể nào phá cửa thành vào được” (1).

Trong Tăng chi bộ kinh có ghi nhận cuộc chiến giữa chư thiên cõi Ba mươi ba và Asurā rằng:

“Có lúc chư thiên thua phải chạy vào thành phố chư thiên đóng cửa lại, thế là các Asurā phải kéo về.

Có lúc chư thiên thắng, các Asurā thua chạy về thành phố Asurā đóng cửa thành lại, chư thiên đành phải kéo về” (2).

Do đó, cả hai thành đều có tên là Ajujjhāpūranagata (thành Bất khả bại), nên nói rằng: “Cõi chư thiên không có sát sanh”.

Bàn về mạng quyền (jīvitindriya).

Có hai loại mạng quyền là danh mạng quyền và sắc mạng quyền.

Danh mạng quyền là tâm sở Mạng quyền (jīvitindriyacetasika). Sắc mạng quyền gồm hai loại:

- Loại sắc mạng quyền bảo tồn tuổi thọ của một chúng sanh.

- Loại sắc mạng quyền bảo tồn đời sống của một bộ phận do nghiệp tạo như: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân...

Theo luận Atỳđàm (abhidhamma), sắc do nghiệp tạo gồm chín đoàn:

Đoàn nhãn, đoàn nhĩ, đoàn tỷ, đoàn thiệt, đoàn thân, đoàn tâm (hadayavatthu), đoàn nữ tính, đoàn nam tính và đoàn mạng quyền.

Sắc mạng quyền theo nghĩa rộng chỉ cho hai loại sắc mạng quyền này, theo nghĩa hẹp chỉ cho đoàn mạng quyền (loại mạng quyền duy trì tuổi thọ của một chúng sanh).

Một người tàn hại mắt, tai, mũi, lưỡi, tay, chân... của người khác có thể liệt vào sát sanh không?

Có thể được nhưng bất định, vì rõ ràng đó là hành động của thân ác. Cụ thể là loại ác hay bất thiện nghiệp nào?

Hành động ác của thân theo cách này không thể gọi là “tà hạnh trong dục lạc”, chỉ có thể là trộm cắp (vì làm mất lợi ích của người khác) hay sát sanh.

Nếu chúng sinh ấy chết do những vết thương ấy, thì phạm vào sát sanh. Nếu không chết thì phạm vào trộm cắp.

Đức Phật có dạy:

“Idha, maṇava, ekacco itthī vā puriso vā sattānaṃ viheṭhakajātiko hoti pāpiṇā vā leḍḍunā vā daṇḍena vā satthena vā.

So tena kammena evaṃ samattena evaṃ samādiṇṇena kāyassa bhedā paraṃ maraṇā apāyaṃ duggatiṃ vinipātaṃ nirayaṃ uppajjati.

No ce kāyassa bhedā paraṃ maraṇā apāyaṃ duggatiṃ vinipātaṃ nirayaṃ uppajjati; sace manussattaṃ āgacchati yattha yattha paccājāyati bavhābādho hoti.

Ở đây, này thanh niên (thanh niên này là trưởng giả Subha Todeyya – Ns), có người nữ hay người nam tánh hay não hại các loại hữu tình với tay hay cục đất, hay với gậy hay với cây đao.

Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mệnh chung nó sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

Nếu sau khi thân hoại mệnh chung, nó không sinh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục; nếu nó đi đến loài người, chỗ nào nó sinh ra, nó phải chịu nhiều bịnh hoạn.” (1)

Và:


Ahimsaka ye munayo. Niccaṃ kāyena saṃvutā...

Bậc trí không hại ai. Thân thường được chế ngự...(2)

Tuy nhiên, có một tử tội bị dẫn đi hành hình, người tử tội van xin đao phủ thủ tha chết, động lòng trắc ẩn, người đao phủ chỉ chặt chân hay tay người tử tội rồi tha y.

Hành động ấy không kể là ác hay bất thiện, ngược lại là thiện vì cho mạng sống (jīvitadāna kusala), như Đức Nāgasena (Natiên) có thuyết:

Na kiñci apuññaṃ āpajjeyya: Điều ấy không đi vào vô phúc.”

Tuy vậy, hành động này không gọi “hoàn toàn thiện”. Bồtát thuở xưa khởi lòng từ, ngăn cản con bò đang khát, không cho bò uống nước bẩn, đem bò về nhà cho uống nước trong mát, khiến con bò chịu khát thêm một thời gian.

Khi Bồtát thành Phật Chánh giác, vào lúc sắp viên tịch Ngài bị bịnh kiết lỵ rất khát nước.

Đức Ānanda đi tìm nước cho Ngài dùng, thấy có vũng nước đã bị 500 cổ xe đi qua làm vấy đục, Đức Ānanda cũng vì thương Đức Phật nên không múc nước về, Đức Phật dạy Đức Ānanda múc nước ấy cho Ngài dùng, nước đã trở nên trong sạch và Đức Phật phải chịu khát thêm một thời gian.(3)

Do đó hành động hủy hoại thân thể của người khác, gọi là bất định, ác -bất thiện hay thiện đều xuất phát từ cetanā.

Đừng nhầm lẫn “vị lương y thấy bịnh nhân quá đau khổ nên sát hại bịnh nhân, giúp cho người bịnh thoát khổ là thiện”, vì rằng “vị lương y đã có ý muốn giết”, khác với trường hợp người đao phủ tha chết cho tội nhân ở trên.

Pānātipāta là biết chúng sinh có thức tánh (mạng quyền, hay sự sống), có ý muốn giết, cố gắng để giết chúng sinh ấy bằng thân hay bằng lời nói, nên pāṇātipāta gọi là sát sanh.

Sát hại chúng sinh khác bằng thân, điều này dễ hiểu.



Thế nào là sát sanh bằng lời?

Như Đức vua ra lịnh cho một vị quan phải tự sát, vị quan đã làm theo lịnh vua, đó là sát sinh bằng lời nói. Hay xúi bảo người khác sát sanh....

Trong luật tạng, bộ Đại Phân Tích (Mahāvibhaṅga) về giới Tỳkhưu, ở điều triệt khai (pārājika) thứ ba có ghi rằng:

Vào thuở nọ, có vị Tỳkhưu bị bịnh, các vị Tỳkhưu khác đã ca ngợi công hạnh sự chết bởi lòng bi mẫn, vị Tỳkhưu kia đã chết. Các vị ấy có sự áy náy rằng: “Phải chăng, chúng ta đã phạm tội triệt khai rồi?”

Chư Tỳkhưu ấy bạch trình lên Đức Thế Tôn vấn đề này, Đức Thế Tôn dạy rằng:

- Này các Tỳkhưu, các ngươi đã phạm tội triệt khai. (1)



b- Năm chi phần của giới sát sanh là:

- Chúng sinh có mạng sống (pāṇo).

- Biết chúng sinh có mạng sống (pāṇāsaññitā).

- Có ý giết (vaddhakacittaṃ).

- Rán sức giết (upakkamo).

- Chúng sanh ấy chết do sự cố gắng ấy (tena maranaṃ).

Một thợ săn cố ý giết thú rừng, bắn trúng con mồi, con mồi chạy thoát. Khi con mồi không chết, người thợ săn chưa đứt giới sát sanh, nhưng đã phạm nghiệp sát sanh.

Nếu con mồi chết, người thợ săn vừa đứt giới sát sanh đồng thời phạm nghiệp sát sanh và quả của nghiệp sát sanh này nặng hơn quả của nghiệp sát sanh khi con vật không chết.



c- Quả của nghiệp sát sinh.

Sát sinh có quả là rơi vào khổ cảnh, nếu may mắn làm người sẽ là người có tuổi thọ ngắn.(2) Ngoài ra, khi so sánh tội nặng hay nhẹ phải xem xét các phương diện là:



Về sự cố ý (cetanā).

- Có sự cố ý mạnh thì tội nặng, cố ý không mạnh hay vô ý thì tội nhẹ.



Về đối tượng sát hại.

- Sát hại chúng sinh có tuổi thọ ngắn (như ruồi, muỗi...) tội nhẹ, so với sát hại chúng sinh có tuổi thọ dài (như chó mèo, rùa...), tội nặng.

-Sát hại chúng sinh có thân hình lớn như voi, bò, ngựa.. có tội nặng so với sát hại chúng sinh có thân hình nhỏ như gà, vịt...

Sở dĩ sát hại chúng sinh có thân hình lớn có tội nặng, vì phải đầu tư nhiều phương tiện sát hại hay phải cố gắng nhiều.

Nếu phương tiện sát hại giống nhau, sự cố ý mạnh sẽ có tội nặng, nếu cả hai như nhau thì sát hại chúnh sinh có thân lớn tội nặng hơn so với chúng sinh có thân nhỏ.

- Sát hại chúng sinh không có lợi ích có tội nhẹ, (so với) sát hại chúng sinh có nhiều lợi ích, như sát hại quạ, những loài chim ăn sâu bọ ... tuy chúng có thân hình nhỏ so với những con vật lớn khác như heo, gà, vịt... nhưng chúng có lợi ích hơn .

- Sát hại chúng sinh nhiều phước có tội nặng, (so với) sát hại chúng sinh ít phước có tội nhẹ.

Nếu chúng sinh có phước và thân thể lớn như nhau, sẽ có tội nặng nếu tâm sân mạnh.



d- Có sáu cách thức (payoga) giết.

1- Tự tay giết (sāhatthikapayoga).

2- Bảo người khác giết (āṇathikapayoga – không tự tay).

3- Giết bằng cách phóng hoặc bắn vũ khí (nissaggiyapayoga).

4- Giết bằng cách đặt bẩy (thāvarapayoga).

5- Giết bằng chú thuật (vijjāmayapayoga).

6- Giết bằng thần lực (iddhimayapayoga).

- Tự tay giết: Là dùng tay xiết cổ hay đánh đập chúng sinh cho đến chết. Hoặc giả tay cầm vũ khí sát hại chúng sinh, nhưng không buông rời vũ khí.

- Bảo người khác giết: Như chủ nhân sai gia nhân giết những chúng sinh (gà, vịt, heo...) để làm tiệc... (đây cũng là cách sát hại bằng lời).

- Giết bằng cách phóng hoặc bắn vũ khí : Như bắn tên, phóng lao... ngoài ra sự đầu độc chúng sanh khác bằng độc dược cũng liệt kê vào phần này.

Có một phụ nữ nọ, chồng ở xa, có mang thai với gã tình nhân, nàng ấy đã bạch với vị Tỳkhưu năng lui tới gia đình như sau:

- Bạch Ngài, xin hãy cho biết thuốc phá thai.

- Tốt thôi, này cô!

Vị ấy đã cho thuốc phá thai đến nàng ấy. Thai nhi đã chết, vị ấy có sự áy náy rằng: “Phải chăng ta đã phạm tội triệt khai rồi?”.

Bấy giờ, vị Tỳkhưu ấy đã bạch trình sự việc đến Đức Thế Tôn, Ngài dạy rằng: “Này Tỳkhưu, ngươi đã phạm tội triệt khai (sđd, số 215)”.

- Giết bằng cách đặt bẩy: Như thợ săn đặt những bẩy rập bắt thú và con thú bị chết do rơi vào bẩy, hoặc đặt những cơ quan trong phòng, trong mộ... để sát hại kẻ gian xâm nhập vào trộm đồ....

- Giết bằng chú thuật: Là dùng những năng lực chú thuật (manta) để sát hại chúng sanh khác.

Có vị Tỳkhưu giỏi chú thuật, dùng chú thuật để đoạt mạng một con quỷ dạ xoa. Vị ấy có sự áy náy rằng: “Phải chăng ta đã phạm tội triệt khai rồi?”.

Vị Tỳkhưu ấy đã bạch trình sự việc đến Đức Thế Tôn, Ngài dạy rằng: “Này Tỳkhưu, không phạm tội triệt khai (pārajikā apatti) nhưng phạm trọng tội (thullaccaya apatti). (1)

Nên ghi nhận: Về giới triệt khai thứ ba của Tỳkhưu là: “Vị Tỳkhưu giết người sẽ bị trục xuất khỏi Tăng đoàn”, đối tượng giết chết ở đây là “người", còn dạ xoa là phi nhân, nên vị ấy không bị trục xuất khỏi Tăng đoàn, nhưng nghiệp sát sanh đã thành hình.

Kinh văn có ghi : “... Dùng bùa chú để phá thai; dùng bùa chú làm cóng lưỡi; dùng bùa chú khiến quai hàm không cử động; dùng bùa chú khiến người khác phải bỏ tay xuống; dùng bùa chú khiến cho tai bị điếc ...” (1).



Dùng bùa chú để phá thai là sát sanh bằng chú thuật. Khi dùng bùa chú khiến người hay con vật bất động, rồi tiến hảnh sát hại, cũng gọi là “giết bằng chú thuật phối hợp với bằng tay hay phóng vũ khí...”.

- Giết bằng thần lực: Có ba loại: Thần lực do phước, thần lực do sinh chủng và thần lực do tu tập.

*- Giết bằng thần lực do phước, như các thiên nhân địa cầu hủy diệt hai vương quốc.


tải về 2.55 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   22




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương