Luận Giải Kinh Chánh Tri Kiến


Hiểm họa của bốn vật thực



tải về 2.55 Mb.
trang7/22
Chuyển đổi dữ liệu07.07.2016
Kích2.55 Mb.
#1510
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   ...   22

Hiểm họa của bốn vật thực.


a- Hiểm họa của đoàn thực là ái luyến sắc thân.

Vật thực nuôi dưỡng thân, thân được xinh tốt là do vật thực có nhiều dưỡng tố, đồng thời chính vị chất của dưỡng tố làm tâm đắm nhiễm.

Vật thực là một nhu cầu không thể thiếu được của chúng sinh trong cõi Dục.

Chính vì nhu cầu này nên chúng sanh phải đi tìm kiếm (ngoại trừ những chúng sanh có nhiều quả lành như Chư thiên).

Sự tìm kiếm vật thực không phải dễ dàng, loài người phải làm việc vất vả mới có được.

Chính vì vật thực mà người ta có thể tạo ra những ác bất thiện pháp như sát sanh, trộm cắp, lừa dối, giết hại lẫn nhau…

Ngay cả loài thú cũng vì miếng ăn, đôi khi chúng phải đổ máu, mang thương tật hay bị thiệt mạng.

Nhiều tai nạn, bất trắc, ác bất thiện pháp nảy sinh từ miếng ăn, đây là hiểm họa của vật thực.

Đói khát là sự sợ hãi lớn, hằng đè nặng tâm của chúng sinh, đói khát là một chứng bịnh trầm kha không bao giờ dứt.

Thông thường, khi đau ốm người ta dùng những dược chất thích hợp để trị, bịnh sẽ thuyên giảm rồi dứt hẳn, nhưng bịnh đói thì bất trị, hễ ăn no rồi sau đó lại đói.

“Jighachā paramā rogā: Đói là chứng bịnh tối trọng”. (1)

Trong Trung bộ kinh II, bài kinh Catuma, có nêu lên:

“Ví như người lội xuống nước có bốn điều sợ hãi chờ đợi là: Sợ hãi về sóng, sợ hãi về cá sấu, sợ hãi về nước xoáy, sợ hãi về cá dữ. Cũng vậy, bậc xuất gia cũng có bốn điều sợ hãi chờ đợi là: Sợ hãi về sóng, sợ hãi về cá sấu, sợ hãi về nước xoáy và sợ hãi về cá dữ.

Sợ hãi về cá sấu là sợ đói, không kham nhẫn trong vật thực vị Tỳkhưu có thể vì đói khát mà hoàn tục, hoặc do đắm nhiễm trong vị ngon của vật thực phải trở về với đời sống thế gia. Câu truyện sau đây là minh chứng.

Tôn giả Cūlapiṇḍapatika Tissa.

Thanh niên Tissa là con độc nhất của một gia đình giàu có trong thành Vương xá.

Một hôm được nghe pháp từ Đức Thế Tôn, vị ấy suy nghĩ: “Theo lời dạy của Đức Thế Tôn thì đời sống tại gia, giới hạnh không được bóng sáng như vỏ ốc xa cừ được đánh bóng. Vậy ta hãy xuất gia”.

Thế rồi, Tissa về nhà xin với cha mẹ cho phép chàng xuất gia, cha mẹ chàng không đồng ý, Tissa bỏ ăn 7 ngày như công tử Ratthapāla (Kinh Trung bộ, số 83) và chàng được xuất gia.

Sau khi xuất gia, Tôn giả Tissa đi đến thành Sāvatthī (Xávệ) trú ngụ nơi Jetavanavihāra (Tinh xá Kỳviên), thực hành hạnh đầu đà “đi khất thực ăn”, nên Ngài được gọi là Cullapiṇḍapatika Tissa.

Tại thành Vương xá (Rājagaha), nhân một ngày lễ hội, cha mẹ của Tissa lấy đồ trang sức của Tissa thường dùng bỏ vào trong hộp bạc, cầm hộp bạc đặt trên ngực mình than khóc:

- Trong những ngày lễ hội, con ta thường mang những trang sức này. Sa môn Gotama mang đứa con yêu quý nhất của chúng ta đến thành Xávệ. Nay con chúng ta ngồi ở đâu? Đứng ở đâu?

Một kỹ nữ xinh đẹp đi ngang qua, thấy bà trưởng giả than khóc, liền hỏi vì sao bà than khóc. Bà trưởng giả kể lại câu chuyện, nàng kỹ nữ hỏi thăm:

- Thưa bà, con trai bà ưa thích gì?

- Nó ưa thích thứ này, thứ này…

- Nếu bà cho con chủ quyền hoàn toàn trong gia đình này. Con sẽ đem con trai bà về.

Bà trưởng giả đồng ý lời đề nghị của nàng kỹ nữ, cho tiền phí tổn đến nàng bảo rằng:

-Hãy đi và dùng sức mạnh của nữ nhân đem con trai ta về.

Nàng kỹ nữ đi đến thành Sāvatthī (Xávệ), thuê căn nhà có 7 tầng lầu trên đường Ngài Cullapiṇḍapatika Tissa đi khất thực.

Khi Tôn giả đi khất thực ngang qua nhà nàng, nàng cúng dường vật thực loại thượng vị vào bát Tôn giả.

Vài ngày sau nàng cho tiền bọn trẻ, bảo bọn trẻ tung bụi lên khi nàng cúng dường vật thực cho Tôn giả Cullapiṇḍapatika Tissa. Bọn trẻ làm theo lời dặn, nàng bạch với Tôn giả:

- Thưa Ngài, bọn trẻ quấy rối quá, xin Ngài hãy ngự vào trong nhà.

Tôn giả đi vào trong nhà nhận vật thực, vài ngày sau nàng lại cho tiền bọn trẻ, bảo chúng hãy ném gạch đá vào nhà, rồi nàng thỉnh Tôn giả ngự lên lầu một.

Theo cách thức ấy, nàng đưa Tôn giả đến lầu bảy.

Tôn giả Cullapiṇḍapatika Tissa vì tham vị chất ngon ngọt, đã rơi vào bẩy của nàng kỹ nữ. Khi lên đến lầu bảy nàng khêu gọi dục tình của Tôn giả Cullapiṇḍapatika Tissa và Tôn giả đã phá hoại giới cấm, từ bỏ đời sống xuất gia trở về đời sống thế tục. (1)

Trong chú giải kinh Pháp cú cũng có mẫu truyện tương tự, chỉ khác là Tôn giả Sundarasamudda (Mỹ Hải), thoát ra cạm bẩy của nàng kỹ nữ nhờ sự trợ giúp của Đức Thế Tôn, Ngài phóng quang ảnh đến trước mặt Tôn giả Sundarasamudda, nói lên kệ ngôn:

Yo’dha kāme pahatvāna. Anāgāro paribbaje.

Kāmabhava parikkhīṇaṃ. Taṃ ahaṃ brūmi brāhmanaṃ.

Ai ở đời, đoạn dục. Bỏ nhà sống xuất gia


Dục hữu được đoạn tận. Ta gọi Bàlamôn.(2)

Nghe được kệ ngôn, Tôn giả Sundarasamudda đình chỉ dục vọng, đưa tâm quán xét chứng quả Alahán, Ngài dùng thần thông xuyên qua nóc nhà cô kỹ nữ về đến Jetavanavihāra (Tinh xá Kỳviên), đảnh lễ Đức Thế Tôn.

Lại nữa, một người dùng vật thực nhiều dưỡng tố và đầy đủ, xác thân sẽ tươi nhuận xinh đẹp, trái lại do thiếu vật thực, thân xác gầy guộc, xấu xí…

Do thân thể xinh đẹp, người này có thể rơi vào ái luyến thân của mình, từ đó dẫn đến tham đắm các mỹ phẩm sắc, hương, cùng các vật trang điểm khác để tô điểm thân xác này thêm xinh đẹp.

Thế là tâm đắm chìm trong dục (kāma) dẫn đến luân hồi trong cõi dục, đây là một trong những hiểm họa của đoàn thực.

Điển hình là nàng Abhirūpanandā (em gái Ngài Nanda, con của bà Pajāpati Gotamī) thuộc gìòng Thích ca, được xuất gia trong Pháp luật này, chỉ vì ái luyến thân xinh đẹp của mình nên không chịu đi nghe Pháp từ Đức Thế Tôn.

Tuy nhiên, khi duyên lành hội tụ, Tỳkhưu ni Abhirūpananda đến nghe Pháp từ Đức Thế Tôn, Đức Phật dùng thần thông hóa ra một nữ nhân xinh đẹp đứng quạt hầu Ngài.

Nữ nhân này nhan sắc rất diễm lệ, sắc đẹp của nàng Abhirūpananda so với sắc đẹp của nàng chẳng khác nào con quạ đen so với con công.

Khi tâm trí nàng Abhirūpanandā chỉ còn biết lặng ngắm nữ nhân xinh đẹp, Đức Thế Tôn khiến thiếu nữ phát triển từ từ, có một con, 2 con … rồi già, bịnh, chết.

Tấm thân xinh đẹp trước đây, khi ấy chỉ còn là một khối sình thối, rữa nát... Nàng chợt tỉnh ngộ, tiếp theo Đức Phật dạy kệ ngôn:

Aṭṭhinaṃ nagaraṃ kataṃ. Maṇsalohitalepanaṃ.

Yattha jarā ca macu ca. Māno makkho ca ohito.

Thành trì (này) dựng lên bằng xương, đấp thịt và máu bên ngoài, trong đó tích trữ bịnh tật, chết chóc, ngã mạn và phỉ báng. (1)

Nghe xong bà chứng quả Alahán trở thành vị nữ Thánh nữ Alahán

Câu truyện của bà Hoàng Khemā cũng tương tự như vậy (kệ ngôn tiếp dẫn của của Đức Đạo sư có khác) và bà trở thành vị Thánh nữ Alahán đệ nhất trí tuệ của Đức Thế Tôn…

Đức Phật có dạy:

“Upādāniyesu, bhikkhave, dhammesu assādānupassino viharato taṅhā pavaḍḍhati.

Này các Tỳkhưu, ai sống thấy vị ngọt trong các pháp được chấp thủ (upādāniya dhammā), ái được tăng trưởng” (2).

Hay : “Saṃyojaniyesu dhammesu assādānupassitā:

Thấy vị ngọt trong các pháp, có thể khởi lên giây trói buộc”. (3)

Trong Tương ưng kinh, Đức Phật có dạy:

“Cattārome, bhikkhave, āhārā bhūtānaṃ vā sattānaṃ ṭhitiyā sambhavesīnaṃ vā anuggahāya

Này các Tỳkhưu, bốn loại đồ ăn này đưa đến sự tồn tại hay sự chấp thủ tái sinh cho các hữu tình hay các loài chúng sinh” (4).

Và Đức Thế Tôn dạy chư Tỳkhưu nên quán xét đoàn thực ví như người phải ăn thịt chính con của mình.

Đoạn kinh văn miêu tả như sau: Ví như hai vợ chồng cùng với đứa con khả ái, thương mến, họ mang theo một ít lương thực, đi qua một quảng đường hoang vu.

Thế rồi, lương thực hết quảng đường còn dài, khi đứa con chết hai vợ chồng đành dùng thịt con mình làm lương thực, để vượt qua vùng hoang dã.

“Taṃ kiṃ maññatha, bhikkhave, api nu te davāya vā āhāraṃ āhāreyyuṃ, madāya vā āhāraṃ āhāreyyuṃ, maṇḍanāya vā āhāraṃ āhāreyyuṃ, vibhūsanāya vā āhāraṃ āhāreyyun’ti?

– No hetaṃ, bhante.

Này các Tỳkhưu, các ngươi nghĩ thế nào? Chúng ăn món ăn có phải để vui chơi? Hay chúng ăn món ăn để tham đắm? Hay chúng ăn món ăn để trang điểm (thân)? Hay chúng ăn để được béo tốt? “



- Thưa không phải vậy, bạch Thế Tôn.

- Nanu te, bhikkhave, yāvadeva kantārassa nittharaṇatthāyaāhāraṃ āhāreyyun’ti?

- Evaṃ, bhante.

- Có phải chúng ăn món ăn chỉ với mục đích vượt qua vùng hoang vu.

- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

- Evameva khvāhaṃ, bhikkhave, kabaḷīkāro āhārodaṭṭhappo’ti vadāmi.

Kabaḷīkāre, bhikkhave, āhāre pariññāte pañcakāmaguṇiko rāgo pariññāto hoti.

Pañcakāmaguṇike rāge pariññāte natthi taṃ saṃyojanaṃyena; saṃyojanena saṃyutto ariyasāvako puna imaṃ lokaṃ āgaccheyya.



- Cũng vậy, này các Tỳkhưu, Ta nói, đoàn thực cần phải nhận xét như vậy.

Này các Tỳkhưu, khi đoàn thực được hiểu biết, thời lòng tham đối với năm dục trưởng dưỡng được hiểu biết.

Khi lòng tham đối với năm dục trưởng dưỡng được hiểu biết, thời không còn kiết sử(1), do kiết sử này một vị Thánh đệ tử bị trói buộc để phải sanh lại đời này” (sđd).

Sách Thanh Tịnh Đạo có giải thích (2).

- Không phải để vui chơi.

Là dùng vật thực không phải với mục đích để vui đùa như những thanh niên nam nữ.



Không phải để vui chơi “ám chỉ từ bỏ si, làm cho si không tăng trưởng”.

- Không phải để tham đắm.

Là dùng vật thực không phải với mục đích say mê, như võ sĩ say mê với sức mạnh.

Lẽ thường, những võ sĩ tìm những loại thức ăn thích hợp để tăng cường sức mạnh. Cũng vậy, vị Tỳkhưu không đi tìm những loại thức ăn hợp khẩu vị theo mong muốn, vị Tỳkhưu không đòi hỏi “thức ăn này phải như vầy... như vầy...”, để tăng cường sức lực cho thân.

Đức Phật có dạy: “Vị xuất gia cần phải nên quán sát: Sự sống của ta tùy thuộc vào người khác nên bậc xuất gia phải là người dễ nuôi dưỡng (3)”, không đòi hỏi những loại vật thực thích hợp với khẩu vị.

Câu “không phải tham đắm” là từ bỏ sân, không làm cho sân tăng trưởng.

Vì sao? Vì khi nhận những loại vật thực không theo ý sẽ làm sân sinh khởi, nhận nhiều lần loại vật thực không ưng ý khiến sân tăng trưởng.

- Không phải để trang sức.

Là dùng vật thực không phải với mục đích làm cho thân thể có vóc dáng xinh đẹp như những vũ nữ của Đức vua, những kỹ nữ... những người này dùng vật thực với mục đích “làm cho thân thể trở nên hấp dẫn người khác”.

Vị Tỳkhưu dùng vật thực không phải với mục đích “có được thân thể xinh đẹp, tươi tốt”.

- Không phải để béo tốt.

Là không dùng vật thực với mục đích làm cho thân thể được tăng trưởng nhiều thịt, nhiều mở.

Không phải để trang sức” và “không phải để béo tốt” là từ bỏ tham, không làm tham tăng trưởng.

Bản sớ giải kinh Chánh tri kiến (1) có nêu lên chín thứ thịt đáng nhờm gớm là:

1- Thịt của bản thân mình.

2- Thịt của quyến thuộc.

3- Thịt của con mình.

4- Thịt của người yêu quý.

5- Thịt của trẻ nhỏ.

6- Thịt sống.

7- Thịt không phải đễ ăn.

8- Thịt phải ăn khi không muốn ăn.

9- Thịt không được nướng chín.

Do đó, khi dùng vật thực nên quán tưởng “loại vật thực đang dùng là một trong 9 thứ thịt đã nêu”.

Lại nữa, “quán tưởng thức ăn” là một trong mười đề mục tùy niệm (anussati).

Sách Thanh Tịnh đạo có mô tả “vị Tỳkhưu quán xét sự không trong sạch của vật thực”(2).

Tóm lược vài nét như sau:

- Vật thực tìm được dù có vẻ tốt đẹp bên ngoài, nhưng khi đưa từng miếng vào miệng, bị răng nghiền nát, vẻ đẹp ban đầu không còn, rồi bị nước bọt tẩm ướt, nước bọt ấy hòa lẫn chất bẩn nơi chân răng chỗ tăm không xỉa đến được và vật thực ấy trở nên dơ bẩn.

- Khi nuốt vào bao tử, đối với phàm nhân có bốn thứ rỉ ra, thấm vào thức ăn là: mật, đàm, mủ, máu (Độc Giác Phật và Chuyển Luân Vương chỉ có một trong bốn chất trên rỉ ra, thấm vào vật thực, không thấy sách Thanh Tịnh đạo đề cập đến Đức Chánh Đẳng Giác và bậc Alahán, không rõ vì sao? Có lẽ hai bậc này cũng tương tự, nhất là vị Alahán. Tức là từ khi trở thành bậc Alahán, các Ngài chỉ có 1 trong bốn thứ rỉ ra, còn bậc Chánh giác chất rỉ ra giồng như vua Chuyển Luân).

Khi thức ăn được mật rỉ ra nhiều thấm vào, nó có mùi buồn nôn, khi được đàm tiết ra nhiều thấm vào, nó có mùi tanh tưởi của đàm, khi được mủ tiết ra nhiều thấm vào, nó có mùi hôi thối như sữa chua thối rữa, khi được máu rỉ ra nhiều thấm vào, nó như được nhuộm hoàn toàn với màu máu đáng ghê tỡm ...

Do quán tưởng vật thực bất tịnh như thế, tâm hành giả không còn tham đắm trong vị chất của vật thực. Và quán thấy đoàn thực như thịt đứa con mình, sẽ chế ngự được sự ham muốn khi thọ dụng vật thực thô hay tế.

“Kabaḷīkāre ce, bhikkhave, āhāre atthi rāgo atthi nandī atthi taṅhā, patiṭṭhitaṃ tattha viññāṇaṃ viruḷhaṃ.

Này các Tỳkhưu, nếu đối với đoàn thực, có tham, có hỷ, có ái, chỗ ấy thức được an trú, tăng trưởng.

Yattha patiṭṭhitaṃ viññāṇaṃ viruḷhaṃ, atthi tattha nāmarūpassa avakkanti.



Chỗ nào thức được an trú, tăng trưởng, chỗ ấy có danh sắc sanh.

Yattha atthi nāmarūpassa avakkanti, atthi tattha saṅkhārānaṃ vuddhi.



Chỗ nào có danh sắc sanh, chỗ ấy có các hành tăng trưởng.

Yattha atthi saṅkhārānaṃ vuddhi atthi tattha āyatiṃ punabbhavābhinibbatti.



Chỗ nào có các hành tăng trưởng, chỗ ấy hữu được tái sinh trong tương lai.

Yattha atthi āyatiṃ punabbhavābhinibbatti, atthi tattha āyatiṃ jātijarāmaranaṃ.



Chỗ nào hữu được tái sinh trong tương lai, chỗ ấy có sanh, già, chết trong tương lai.

Yattha atthi āyatiṃ jātijarāmaranaṃ, sasokaṃ taṃ, bhikkhave sadaraṃ sa upāyāsanti



Chỗ nào có sanh, già, chết trong tương lai, này các Tỳ khưu, Ta nói chỗ ấy có sầu, có não.”(1)

Đoạn kinh trên cho thấy: “Đoàn thực mang đến sự tồn tại chúng sinh trong tương lai”. Và đó là hiểm họa cao nhất của đoàn thực.



b- Hiểm họa của Xúc thực là dính mắc.

Xúc làm duyên cho thọ sinh lên. Thọ có ba là: Khổ thọ, lạc thọ và xả thọ.

Khổ thọ dẫn đến dính mắc với sân, lạc thọ dẫn đến dính mắc với tham, xả thọ dẫn đến dính mắc với si.

Lẽ thường chúng sinh không hài lòng với khổ thọ hay xả thọ, chỉ thích thú đối với lạc thọ. Và lạc thọ chỉ khởi lên do có xúc.

Người uống rượu thích thú khi thấy rượu (nhãn xúc), người đam mê âm nhạc sẽ hài lòng khi nghe bản nhạc y tâm đắc (nhĩ xúc), người thích thụ hưởng cảm thấy an lạc khi nằm trên giường nệm êm ái (thân xúc) ….

Một khi có sự tiếp xúc với cảnh nghịch ý (cảnh xấu) thì có cảm giác khó chịu, bấy giờ tâm đã dính mắc với sân. Người nghiện rượu không hài lòng khi nghe ai khuyên họ bỏ rượu (nhĩ xúc), người đam mê âm nhạc sẽ khó chịu khi nghe bản nhạc tồi tệ, nằm trên đất, trên cỏ là sự khó chịu đối với người thích thụ hưởng nệm êm chăn ấm..…

Khi dính mắc với lạc thọ qua xúc chạm với cảnh khả ý, cảnh đáng hài lòng, một khi đối tượng ấy mất, chúng sinh này cảm thấy đau khổ, cố tìm lại đối tượng đã mất.

Thế là, chúng sinh ấy có thể rơi vào những ác bất thiện pháp, bị tù tội, bị hành phạt ngay trong hiện tại, đời sau cũng đau khổ do nhân ác ấy. Như một người mất số tiền họ cố tìm lại số tiền ấy, bằng cách lừa gạt người khác, trộm cắp của người …

Do vậy, sự dính mắc trong xúc chạm đáng hài lòng được xem là một hiểm họa.

Để ngăn trừ sự dính mắc trong xúc thực, Đức Phật dạy xúc thực cần phải nhận xét như con bò cái bị lột da.

Lớp da bao bên ngoài thịt đã bị lột ra, khi ấy chạm bất cứ nơi nào trên thân đều đau nhức, rát buốt. Cũng vậy, xúc thực đối với bất kỳ đối tượng (cảnh) nào cũng chỉ mang lại đau khổ.

“Seyyathāpi, bhikkhave, gāvī niccammā kuṭṭaṃ ce nissāya tiṭṭheyya, ye kuṭṭa nissitā pāṇā te naṃ khādeyyuṃ.

Rukkhaṃ ce nissāya tiṭṭheyya, ye rukkhanissitā pāṇā te naṃ khādeyyuṃ.

Udakaṃ ce nissāya tiṭṭheyya, ye udakanissitā pāṇā te naṃ khādeyyuṃ.

Ākāsaṃ ce nissāya tiṭṭheyya, ye ākāsanissitā pāṇā te naṃ khādeyyuṃ.

Yaṃ yadeva hisā, bhikkhave, gāvī niccammā nissāya tiṭṭheyya, ye tanniṭṭhitā pāṇā te naṃ khādeyyuṃ.

Ví như này các Tỳkhưu, một con bò cái bị lột da, nếu nó đứng dựa vào tường thì các sinh vật sống ở tường cắn nó.

Nếu nó dựa vào cây, thời các sinh vật sống ở cây cắn nó.

Nếu nó đứng ở trong nước, thời các sinh vật sống ở trong nước cắn nó.

Nếu nó đứng giữa hư không, thời các sinh vật sống giữa hư không cắn nó.

Này các Tỳkhưu, con bò cái ấy đứng dựa chỗ nào, thời các sinh vật trong chỗ ấy cắn nó…”(1)

Vị Tỳkhưu quán thấy xúc thực này giống như con bò bị lột da, đụng chạm vào bất cứ cảnh nào: xấu, tốt, không xấu không tốt cũng đều mang lại đau khổ, nhờ vậy sẽ chế ngự ham muốn trong xúc chạm với đối tượng (cảnh) đáng hài lòng, chế ngự phẩn nộ, khó chịu khi xúc chạm cảnh không hài lòng.

Vì sao? Vì xúc duyên cho thọ, thọ duyên cho ái.

“Phasse, bhikkhave āhāre pariññāte tisso vedanā pariññātā honti.

Tisu vedanāsu pariññātāsu ariyasāvakassa natthi kiñci uttarikaraṇīyanti.

Này các Tỳkhưu, khi xúc thực được hiểu biết, thời ba cảm thọ (2) được hiểu biết.



Khi ba cảm thọ được hiểu biết thời Ta nói rằng vị Thánh đệ tử không có gì cần phải làm thêm nữa” (sđd).

Và:


“Phassa ce, bhikkhave, āhāre atthi rāgo atthi nandī atthi taṅhā, patiṭṭhitaṃ tattha viññāṇaṃ viruḷhaṃ.

Yattha patiṭṭhitaṃ viññāṇaṃ viruḷhaṃ, atthi tattha nāmarūpassa avakkanti.

Yattha atthi nāmarūpassa avakkanti, atthi tattha saṅkhārānaṃ vuddhi.

Yattha atthi saṅkhārānaṃ vuddhi atthi tattha āyatiṃ punabbhavābhinibbatti.

Yattha atthi āyatiṃ punabbhavābhinibbatti, atthi tattha jātijarāmaranaṃ.

Yattha atthi āyatiṃ jātijarāmaranaṃ, sasokaṃ taṃ, bhikkhave sadaraṃ sa upāyāsanti

Này các Tỳkhưu, nếu đối với xúc thực có tham, có hỷ, có ái, chỗ ấy thức được an trú, tăng trưởng.

Chỗ nào thức được an trú, tăng trưởng, chỗ ấy có danh sắc sanh.

Chỗ nào có danh sắc sanh, chỗ ấy có các hành tăng trưởng.

Chỗ nào có các hành tăng trưởng, chỗ ấy hữu được tái sinh trong tương lai.

Chỗ nào hữu được tái sinh trong tương lai, chỗ ấy có sanh, già, chết trong tương lai.

Chỗ nào có sanh, già, chết trong tương lai, Ta nói chỗ ấy có sầu, có não.”(1)

Xúc thực làm sinh khởi thọ, thọ dẫn đến ái. Ái dẫn đến sinh tử luân hồi, đây là hiểm họa cao nhất của xúc thực.



c- Hiểm họa của Tư niệm thực là huân tập.

Khi chúng sinh tạo ra những nghiệp bất thiện hay những nghiệp thiện hữu lậu, những nghiệp này dẫn chúng sinh trôi lăn trong ba cõi.

Có một số người không tin luân hồi, không tin nghiệp báo, hạng người này không từ chối bất kỳ ác nghiệp nào, họ thực hiện các ác nghiệp để phục vụ cho sự an lạc nhất thời của mình, đó là huân tập ác nghiệp. Truyện đồ tể Cunda là điển hình.



tải về 2.55 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   ...   22




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương