LỜi nhà xuất bản nghiên cứu về SỰ phát triển con ngưỜI



trang14/72
Chuyển đổi dữ liệu07.01.2018
Kích5 Mb.
#35951
1   ...   10   11   12   13   14   15   16   17   ...   72

NGỬI VÀ NẾM

Trẻ sơ sinh khứu giác rất nhạy. Đứa trẻ phản ứng tích cực đối với các mùi dễ chịu nhưng tiêu cực đối với các mùi khó chịu. Đứa trẻ có sự thể hiện trên nét mặt thư giãn, trông có vẻ hài lòng khi ngửi mùi mật ong hoặc sô-cô-la nhưng nhăn mặt, cau mày, hoặc ngoảnh đi khi ngửi mùi trứng thối hoặc nước tiểu (Maurer & Maurer, 1988). Đứa trẻ cũng dùng mùi để nhận biết mẹ. Chẳng hạn đứa trẻ 2 tuần tuổi nhìn theo hướng bông gòn tẩm mùi lây từ vú mẹ. Đứa trẻ cũng nhìn theo hướng bông gòn tẩm nước hoa của mẹ (Porter và người khác, 1991; Schleidt & Genzel, 1990).

Trẻ cũng có vị giác phát triển. Trẻ con phân biệt vị mặn, chua, đắng và ngọt (Crook, 1987). Hầu hết trẻ sơ sinh trông có vẻ có "răng ngọt" - trẻ con phản ứng với các chất ngọt bằng cách mỉm cười, bú mút và liếm môi. Trái lại, bạn có thể đoán đứa trẻ trong ảnh (bên trên) nếm được vị gì! Nhăn mặt là điều thường gặp khi trẻ con ăn chất đắng hoặc chua (Kaijura, Copwart, & Beauchamp, 1992). Trẻ con cũng nhạy cảm với các thay đổi khi nếm sữa mẹ thể hiện chế độ ăn uống của mẹ. Trẻ con sẽ bú nhiều hơn sau khi mẹ ăn nhiều chất ngọt như vanilla (Mennella & Beauchamp, 1996).

Tính nhạy cảm ban đầu này đối với mùi và vị rất đáng giá đối với trẻ. Nuôi trẻ được đơn giản hóa vì trẻ con thích mùi và vị đi kèm với thức ăn và tính nhạy cảm đối với mùi và vị giúp trẻ con nhận biết mẹ.



SỜ VÀ ĐAU

Trẻ sơ sinh rất nhạy cảm với sự va chạm. Như bạn nhớ lại từ phần đầu của chương này, nhiều vùng trên cơ thể của trẻ sơ sinh phản ứng theo kiểu phản xạ khi người khác chạm tay vào. Chạm tay vào gò má, miệng, bàn tay hoặc bàn chân của trẻ con tạo ra cử động phản xạ cho thấy trẻ con nhận biết xúc giác.

Nếu đứa trẻ phản ứng với sự chạm tay thì điều này có nghĩa là đứa trẻ ấy biết đau phải không? Thật khó trả lời vì đau có một yếu tố chủ quan. Cùng một kích thích gợi đau khiến một số người lớn hơi khó chịu nhưng làm một số người khác nổi cơn thịnh nộ. Dĩ nhiên, trẻ con không thể bày tỏ cảm giác đau trực tiếp với chúng ta, vì thế kết luận của chúng ta về cảm giác đau của trẻ con dựa trên chứng cứ gián tiếp.

Hệ thần kinh của trẻ con chắc chắn có khả năng truyền thông tin đau: Thụ quan đau trong da ở trẻ con có rất nhiều giống như ở người lớn (Anand & Hickey, 1987). Ngoài ra, hành vi của trẻ khi phản ứng với các kích thích gợi đau cũng cho thấy trẻ có cảm giác đau. Chẳng hạn hãy quan sát trẻ trong ảnh (trang 138) đang được tiêm chủng. Chân mày kéo xuống, môi phình ra, miệng mở to để khóc. Mặc dù không thể nghe trẻ con khóc nhưng âm thanh trong tiếng khóc này có lẽ là mẫu độc đáo đi kèm với cảm giác đau. Tiếng khóc diễn ra thật nhanh, âm sắc cao, khó dỗ nín. Đứa trẻ bồn chồn, cử động hai bàn tay, cánh tay và chân (Craig & colleagues, 1993). Những dấu hiệu này kết hợp lại cho thấy chắc chắn trẻ có cảm giác đau.

Tính nhạy cảm đối với sự chạm tay và đau như thế thật có ích khi duy trì sự tiếp xúc với người chăm sóc, nhất là mẹ và trong việc giúp trẻ tránh kích thích nguy hiểm.

NGHE

Bạn có nhớ trong chương 2, các bà mẹ đọc to chuyện The Cat in the Hat khi gần sinh hay không? Nghiên cứu này chứng minh rằng thai có thể nghe được vào khoảng 7 hoặc 8 tháng sau khi thụ thai. Theo bạn nghĩ từ những kết quả này, trẻ sơ sinh thường phản ứng với âm thanh trong môi trường xung quanh. Nếu bố mẹ đang làm thinh, rồi ho, trẻ sẽ giật mình, nháy mắt, chân tay cử động. Những phản ứng này trông có vẻ tự nhiên nhưng thật ra cho biết trẻ nhạy cảm với âm thanh.

Nói chung, người lớn nghe rõ hơn trẻ. Người lớn có thể nghe một số âm thanh rất khẽ mà trẻ không nghe được. Thú vị hơn, trẻ con nghe rõ âm thanh có âm sắc trong dải tiếng nói của con người - âm sắc không quá cao cũng không quá thấp. Trẻ con có thể phân biệt âm thanh trong lời nói chẳng hạn nguyên âm với phụ âm và khoảng 4 1/2 tháng, trẻ con nhận biết tên mình (Mandel, Jusczyk, & Pisoni, 1995; Jusczyk, 1995).

Ngoài việc mang thông tin bằng từ ngữ hoặc âm nhạc, âm thanh còn tiết lộ nhiều về nguồn gốc. Khi chúng ta nghe một người nói chuyện, âm sắc trong lời nói có thể dùng để đánh giá độ tuổi và giới tính của người nói, nếu lời nói có âm thanh âm sắc tương đối thấp thì người nói có thể là nam. Âm lượng trong lời nói cho chúng ta biết về khoảng cách của người nói, nếu không thể nghe được thì người nói đang ở rất xa. Sự khác biệt về thời gian mà âm thanh cần đến để đi đến tai trái và tai phải cho chúng ta biết vị trí của người nói, nếu âm thanh đến cùng lúc thật chính xác thì người nói phải ở ngay phía trên hoặc ngay phía sau chúng ta.

Thậm chí trẻ con có thể lọc lấy nhiều thông tin này trong âm thanh. Trẻ con có thể phân biệt nhiều âm thanh có âm sắc khác nhau, trẻ con 6 tháng tuổi phân biệt chính xác như người lớn (Spetner & Olsho, 1990). Trẻ con cũng có khả năng phân biệt âm thanh trong lời nói, chẳng hạn âm thanh nguyên âm và phụ âm khác nhau (chủ đề chúng ta khảo sát chi tiết hơn trong Chương 4).

Như người lớn, trẻ con dùng âm thanh để định vị đồ vật, hướng về nguồn tạo ra âm thanh (Morrongiello, Fenwick, & Chance, 1990). Trẻ con cũng dùng âm thanh để xác định đồ vật ở gần hay xa. Trong một nghiên cứu (Clifton, Perris, & Bullinger, 1991), trẻ con 7 tháng tuổi được cho nhìn thấy lục lạc. Kế đến, những người làm thí nghiệm tắt đèn, rung lục lạc, cách đứa trẻ 6 inch hoặc khoảng 2 feet. Trẻ con thường với tay về phía lục lạc trong phòng tối khi lục lạc cách trẻ 6 inch, nhưng không với tay khi lục lạc cách đứa trẻ 2 feet. Những trẻ 7 tháng tuổi này hoàn toàn có khả năng sử dụng âm thanh để ước lượng khoảng cách - trong trường hợp này, đứa trẻ không thể phân biệt đồ chơi mình có thể với đến.

Vì thế, khoảng 6 tháng tuổi, trẻ con phản ứng với phần lớn thông tin được cung cấp bằng âm thanh. Trong chương 4, chúng ta sẽ có cùng kết luận khi khảo sát nhận thức âm thanh liên quan ngôn ngữ.

NHÌN

Nếu bạn đã từng quan sát trẻ con, có lẽ bạn nhận thấy phần lớn thời gian trẻ con thức là để quan sát xung quanh. Đôi khi trông có vẻ nó đảo mắt nhìn quanh môi trường và đôi khi trông có vẻ tập trung nhìn đồ vật gần bên. Kết quả đứa trẻ ấy nhìn thấy gì? Có lẽ thế giới thị giác của trẻ con là một biển đốm màu xám lẫn lộn. Hoặc có thể đứa trẻ ấy nhìn thế giới giống như người lớn. Thật ra, không có mô tả nào hoàn toàn chính xác, nhưng mô tả thứ hai gần đúng hơn.

Các yếu tố khác nhau trong hệ thống thị giác - mắt, tế bào thần kinh thị giác và não - tương đối phát triển tốt khi mới sinh. Trẻ sơ sinh phản ứng với ánh sáng và có thể bằng mắt nhìn theo đồ vật đang di chuyển. Trẻ con nhìn thấy tốt ra sao? Sự thấy rõ gọi là độ tinh thị giác được định nghĩa như mẫu nhỏ nhất có thể phân biệt đáng tin cậy. Chắc chắn bạn đánh giá độ tinh của mình có lẽ khi được yêu cầu đọc các hàng chữ hoặc con số nhỏ dần trong biểu đồ (bên dưới). Người ta sử dụng tiếp cận này để đánh giá độ tinh của trẻ sơ sinh điều chỉnh để bù trừ cho việc chúng ta không thể sử dụng từ ngữ để giải thích làm những gì chúng ta mong muốn. Hầu hết trẻ con nhìn vào một kích thích theo mẫu thay vì kích thích không theo mẫu, đơn giản (Snow, 1998). Chẳng hạn, nếu chúng ta phải cho một đứa trẻ tiếp xúc với hai kích thích này thì hầu hết cháu nhìn vào mẫu sọc lâu hơn mẫu xám. Khi chúng ta làm cho các đường kẽ hẹp hơn (cùng với khoảng cách giữa chúng), sẽ có một điểm ở đó các sọc trắng đen mịn đến nỗi chúng hoàn toàn hòa vào nhau và có màu xám - giống như mẫu khác.

Để phỏng đoán độ tinh của trẻ con, chúng ta xếp thành cặp ô vuông xám với các ô vuông có chiều rộng các đường sọc khác nhau như thế này: khi trẻ cùng nhìn vào 2 kích thích như nhau thì điều này cho biết trẻ không thể phân biệt các sọc trong kích thích theo mẫu nữa. Bằng cách đo chiều rộng của các sọc và khoảng cách so với mắt trẻ, chúng ta có thể đánh giá độ tinh, phát hiện các đường sọc mảnh hơn biểu thị độ tinh tốt hơn. Đánh giá loại này cho biết trẻ sơ sinh và trẻ một tháng tuổi nhìn thấy ở khoảng cách 20 feet những gì mà người lớn bình thường nhìn thấy ở khoảng cách 200 - 400 feet. Khi 1 tuổi độ tinh của trẻ về cơ bản giống như độ tinh của người lớn có thị lực bình thường (Banks & Dannemiller, 1987).

Lúc này chúng ta biết rằng đứa trẻ nhìn thấy, một câu hỏi kế tiếp là "Đứa trẻ nhìn gì? " Băng video quay mắt đứa trẻ khi nó nhìn lướt qua đồ vật cho thấy trẻ sơ sinh và trẻ 1 tháng tuổi thường chăm chú nhìn một số đặc điểm đáng chú ý của đồ vật, chẳng hạn như cạnh (Bronson, 1991). Bắt đầu khoảng 2 hoặc 3 tháng, trẻ con bắt đầu tìm hiểu bên trong đồ vật (Aslin, 1987).

Chuỗi chung này cũng áp dụng giải thích cách trẻ con nhìn khuôn mặt. Trẻ sơ sinh và trẻ 1 tháng tuổi thường chăm chú nhìn các đường viền ngoài của khuôn mặt và nhìn vào mắt có lẽ vì trẻ con thích thú với vật di chuyển (mắt) và vật có độ tương phản sáng tối (đường viền khuôn mặt), khi 3 tháng tuổi, đứa trẻ nhận biết đặc điểm khuôn mặt như một cấu hình yếu tố độc đáo (Aslin, 1987). Bạn có thể nhìn thấy trong biểu đồ (bên trên), khi trẻ 3 tháng tuổi nhìn vào một khuôn mặt thì trẻ tập trung nhìn mắt và mũi.

Vì thế, trước ngày thôi nôi rất lâu, trẻ đã nhìn thấy hết đồ vật. Kỹ năng của trẻ con giúp nó nhận biết một số đặc điểm thường trùng hợp, hình thành các vật quen thuộc.

Màu sắc

Theo tiêu chuẩn hiện nay, truyền hình màu thế hệ đầu tiên thuộc về thời nguyên thủy. Cần chỉnh màu sắc đúng sao cho người ta không thấy màu xanh lục chẳng hạn là cực kỳ khó. Tuy nhiên, những truyền hình này rất phổ biến (khi người ta mua chúng), vì việc thêm màu làm cho vật thể to hơn, vui hơn và đẹp hơn. Nhưng màu sắc thú vị hơn, mang tính chức năng hơn. Màu sắc giúp chúng ta nhận biết đồ vật và con người, và cảnh báo sự nguy hiểm đối với chúng ta.

Chúng ta nhận thức màu sắc ra sao? Bước sóng ánh sáng là cơ sở nhận thức màu sắc. Trong sơ đồ (bên dưới), ánh sáng chúng ta nhìn thấy là màu đỏ có bước sóng dài tương đối trong khi màu tím ở đầu kia trong quang phổ màu có bước sóng ngắn hơn nhiều. Tập trung vào phần phía sau mắt, dọc võng mạc là những tế bào thần kinh chuyên môn hóa gọi là tế bào hình nón. Một số tế bào hình nón đặc biệt nhạy cảm với ánh sáng có bước sóng ngắn (xanh trời và tím). Các tế bào hình nón khác nhạy cảm với ánh sáng bước sóng trung bình (xanh lục và vàng), các tế bào hình nón khác nhạy cảm với ánh sáng bước sóng dài (màu đỏ và vàng cam). Những loại tế bào hình nón khác nhau này được liên kết bằng mạng tế bào thần kinh phức tạp, và mạng này giúp chúng ta có khả năng nhìn thấy thế giới bằng màu sắc.

Những mạch này bắt đầu hoạt động chức năng dần dần trong một vài tháng đầu sau khi sinh (Adams, 1995). Rõ ràng, trẻ sơ sinh nhìn thấy một vài màu. Tuy nhiên, trẻ con 1 tháng tuổi có thể phân biệt màu xanh trời với màu xám, có nghĩa là mạch bước sóng ngắn đang hoạt động chức năng (Maurer & Adams, 1987). Ở tuổi này, trẻ con có thể phân biệt màu đỏ với màu xanh lục, nhưng không phân biệt màu vàng với màu xanh lục hoặc màu vàng với màu đỏ. Rõ ràng, mạch bước sóng trung bình và ngắn đang hoạt động chức năng (vì trẻ con phân biệt được màu đỏ và xanh lục) nhưng không hoàn toàn chính xác (vì trẻ con không thể phân biệt màu vàng). Tuy nhiên, trẻ con 3 và 4 tháng tuổi nhận thức màu sắc giống hệt như người lớn, cho dù độ tinh thị giác của trẻ chưa phát triển hoàn toàn (Adams & Courage, 1995).



Chiều sâu

Con người nhìn thấy vật thể như có đủ 3 chiều: cao, rộng và sâu. Võng mạc của mắt phẳng, vì thế chiều cao và chiều rộng có thể thể hiện trực tiếp trên bề mặt 2 chiều. Nhưng chiều thứ 3, chiều sâu, không thể thể hiện trực tiếp trên bề mặt phẳng này, vì thế làm cách nào chúng ta nhận thức chiều sâu? Chúng ta sử dụng xử lý nhận thức để suy luận chiều sâu.

Nhận thức chiều sâu cho chúng ta biết đồ vật ở gần hay xa, là cơ sở cho một số nghiên cứu kinh điển của Eleanor Gibson và Richard Walk (1960) về nguồn gốc nhận thức chiều sâu. Trong công trình nghiên cứu của họ, trẻ con được đặt lên sàn phủ kính như trong ảnh (bên phải), một công cụ gọi là vách thị giác. Trên một cạnh sàn, mẫu ô cờ xuất hiện ngay dưới kính, ở cạnh khác mẫu xuất hiện phía dưới kính một vài feet. Kết quả là cạnh thứ nhất trông có vẻ nông nhưng cạnh kia trông có vẻ sâu giống như vách núi.

Các bà mẹ đứng trên mỗi cạnh vách thị giác và cố khuyến khích con mình băng qua cạnh sâu hoặc cạnh nông. Hầu hết trẻ con sẵn sàng bò về phía mẹ khi mẹ đứng ở cạnh nông. Trái lại hầu hết trẻ con không chịu bò qua cạnh sâu cho dù mẹ luôn gọi tên và cầm đồ chơi hấp dẫn lôi kéo. Rõ ràng, trẻ con có thể nhận thức chiều sâu vào lúc biết bò.

Thế còn trẻ con chưa biết bò thì sao? Khi trẻ 1 1/2 tháng tuổi được đặt vào vách thị giác thì tim đập chậm hơn khi được đặt vào cạnh sâu của vách. Nhịp tim thường giảm khi người ta nhận thấy có điều gì đó thú vị, vì thế điều này cho thấy trẻ 1 1/2 tháng tuổi nhận biết cạnh sâu là khác. Khi 7 tháng, nhịp tim của đứa trẻ tăng, dấu hiệu sợ hãi. Vì thế, mặc dù trẻ con biết được sự khác nhau giữa cạnh nông và sâu của vách thị giác thì chỉ có trẻ lớn hơn, biết bò mới sợ cạnh sâu (Campos và người khác, 1978).

Trẻ con suy luận chiều sâu ra sao? Trẻ con dựa vào nhiều nguồn thông tin. Một nguồn là sự chênh lệch võng mạc: khi một người nhìn đồ vật thì hình ảnh võng mạc ở mắt trái và phải khác nhau. Khi vật ở xa, hình ảnh võng mạc gần như giống hệt nhau, khi vật ở gần, hình ảnh khác nhau. Vì thế, sự chênh lệch nhiều hơn trong hình ảnh võng mạc cho biết vật ở gần. Khi 4 - 6 tháng tuổi, trẻ con dùng sự chênh lệch võng mạc làm gợi ý chiều sâu, suy luận chính xác rằng vật ở gần khi có sự chênh lệch lớn (Yonas & Owsley, 1987).

Di chuyển cũng cung cấp thông tin về chiều sâu. Khi một vật chẳng hạn như một người hoặc xe đang rời xa thì trông có vẻ nhỏ hơn. Biết rằng thực ra vật không nhỏ hơn, chúng ta giải thích sự thay đổi mang ý nghĩa rằng vật đang ở xa hơn. Vật đang di chuyển thường đi qua phía trước hoặc phía sau vật khác. Khi một vật bị vật khác che mờ một phần thì chúng ta suy luận rằng vật bị mờ xa hơn vật không bị mờ. Khi 5 tháng tuổi, trẻ con sử dụng cả hai gợi ý di chuyển này để suy diễn chiều sâu (Craton & Yonas, 1988).

Không những trẻ con sử dụng gợi ý hình ảnh để đón chiều sâu mà còn sử dụng âm thanh. Nên nhớ trẻ con đón chính xác vật yên tĩnh hơn ở xa hơn vật có tiếng ồn. Dựa vào cách phân loại gợi ý, không có gì ngạc nhiên khi trẻ con đánh giá chiều sâu chính xác như thế.

Chúng ta nhận thấy trẻ con sử dụng cả thông tin thính giác lẫn thị giác để đoán khoảng cách. Điều này tượng trưng một quá trình quan trọng trong nhận thức - kết hợp thông tin từ các giác quan khác nhau. Chúng ta hãy khảo sát điều này chi tiết hơn.

VẤN ĐỀ CẦN SUY NGHĨCác nhà tâm lý học thường ám chỉ "kỹ năng vận động nhận thức" ngụ ý cả hai liên quan mật thiết. Dựa vào những gì bạn biết được trong chương này, kỹ năng vận động có thể ảnh hưởng đến nhận thức ra sao? Nhận thức ảnh hưởng đến kỹ năng vận động ra sao? KẾT HỢP THÔNG TIN NHẬN CẢM

Chúng ta mô tả hệ thống nhận cảm của trẻ con một cách riêng biệt, nhưng kinh nghiệm của trẻ con thường là "sự kiện đa phương tiện". Một bà mẹ đang nuôi con cung cấp gợi ý thị giác và vị giác cho con. Lục lạc kích thích việc nhìn, nghe và sờ.

Từ kinh nghiệm như thế này, trẻ con học cách kết hợp thông tin do nhiều giác quan khác nhau cung cấp. Trẻ con có thể kết hợp thông tin từ nhìn và sờ. Chẳng hạn, nếu trẻ con 6 tháng tuổi được phép cảm nhận đồ chơi xa lạ nhưng không thể nhìn thấy thì sau này khi nhìn những đồ chơi này lâu hơn đồ chơi xa lạ mà đứa trẻ không cảm nhận trước đây. Trẻ con tìm hiểu đồ vật bằng xúc giác và sau này nhận biết đồ vật bằng thị giác (Rose, 1994).

Trẻ con cũng kết hợp nhìn và nghe. Chẳng hạn, khi 1 tuổi, đứa trẻ liên kết âm thanh đặc trưng trong giọng nói của phái nam và nữ với vẻ mặt đặc trưng của hai phái (Poulin-Dubois và người khác, 1994). Minh họa kết hợp khác từ nhìn và nghe, đánh giá khoảng cách là chủ đề trong phần Nghiên cứu nổi bật.



NGHIÊN CỨU NỔI BẬT: KẾT HỢP NHÌN VÀ NGHE

Ai là nhà điều tra, và mục đích của nghiên cứu là gì? Chúng ta đã biết đứa trẻ lớn sử dụng nhìn và nghe một cách độc lập để đánh giá khoảng cách (trang 138, 140 - 141) nhưng trẻ con ở tuổi ẵm ngửa kết hợp những hệ thống nhận cảm khác nhau hay không? Trẻ con biết rằng một vật đang đến gần trông có vẻ to hơn và âm thanh lớn hơn trong khi một vật đang rời xa trông có vẻ nhỏ hơn và âm thanh khẽ hơn hay không? Jeffrey Pickens (1994) tiến hành nghiên cứu để trả lời những câu hỏi này.

Nhà điều tra đánh giá chủ đề quan tâm như thế nào? Pickens tạo ra bối cảnh như trong sơ đồ (bên trên). Ông trình chiếu từng đôi băng video dài 25 giây trên hai màn hình video đặt cạnh nhau. Trong một đôi, màn hình đầu tiên chiếu một đoàn tàu hỏa đồ chơi xuất hiện đang chạy hướng về phía người xem, màn hình thứ hai chiếu cảnh đoàn tàu đang rời xa người xem. Trình chiếu cùng lúc những băng video này tám lần. Trong số bốn lần trình chiếu, âm thanh có tiếng động cơ nghe lớn hơn, trong bốn lần trình chiếu khác, tiếng động cơ nghe nhỏ hơn. Phụ tá nghiên cứu đeo headphone (sao cho không thể nghe được âm thanh) ghi chép trẻ đang xem băng video nào.

Trẻ 5 tháng tuổi làm gì khi xem những băng video này? Nếu trẻ hiểu qui luật

Gần hơn = to hơn và lớn hơn

Rời xa = nhỏ hơn và khẽ hơn

thì sau đó đứa trẻ nhìn vào băng video để khớp với âm thanh: đứa trẻ xem băng video chiếu đoàn tàu đang đến khi tiếng động cơ nghe to hơn đoàn tàu rời xa tiếng động cơ khẽ hơn. Trẻ cũng làm ngược lại - quan sát âm thanh không khớp nhau - vì chúng mới lạ. Trong cả hai trường hợp, có sự liên kết mạnh giữa những gì chúng nghe và nơi chúng nhìn. Trái lại, nếu đứa trẻ không hiểu những qui luật này thì âm thanh không ảnh hưởng những gì đứa trẻ xem: đứa trẻ xem hai băng như nhau.

Pickens cũng thực hiện một điều kiện khác với hai cuốn băng video khác nhau. Một chiếu đoàn tàu di chuyển từ phía trên màn hình video xuống phía dưới, một chiếu đoàn tàu di chuyển từ phía dưới lên phía trên. Âm thanh như nhau như trong điều kiện thứ nhất - âm thanh động cơ to hơn trong một số lần thử và khẽ hơn trong một số lần thử khác. Không có băng video nào tương ứng với âm thanh vì đoàn tàu vẫn cách xa người xem một khoảng cách không đổi. Do đó, nếu đứa trẻ hiểu qui luật kết hợp nhìn và nghe với khoảng cách thì đứa trẻ sẽ xem hai cuốn băng.

Đứa trẻ trong nghiên cứu là ai? Pickens kiểm tra 64 trẻ 5 tháng tuổi.

Thiết kế của nghiên cứu là gì? Nghiên cứu này mang tính thử nghiệm. Biến số độc lập là loại video mà đứa trẻ đã xem. Biến số phụ thuộc là lượng thời gian mà đứa trẻ quan sát mỗi màn hình video. Nghiên cứu tập trung vào một độ tuổi duy nhất, vì thế không mang tính phát triển (không phải nghiên cứu theo chiều dọc hoặc cắt ngang).

Có quan tâm đạo đức trong nghiên cứu hay không? Không. Hầu hết trẻ trông có vẻ thích thú khi xem băng. Tât cả bố mẹ đồng ý cho con tham gia.

Kết quả ra sao? Thanh trên cùng của biểu đồ (trang 144), với tên gọi tiếp cận/rút lui, thể hiện kết quả đối với các băng video trong đó xe lửa đến gần và rời xa. Biến số thể hiện trong biểu đồ là tỉ lệ phần trăm thời gian mà những trẻ 5 tháng tuổi này xem băng video tương ứng với âm thanh. Bạn có thể nhìn thấy trẻ con dành 2/3 thời gian để xem băng video có âm thanh phù hợp, rõ ràng trẻ con hiểu qui luật kết hợp gợi ý nghe nhìn với khoảng cách. Thanh thứ hai trong biểu đồ là từ điều kiện kiểm soát trong đó hai băng video chiếu cảnh xe lửa di chuyển từ trên xuống và từ dưới lên. Trong điều kiện này, đứa trẻ xem hai băng video như nhau, kết quả đáng mong đợi vì không có băng video nào hợp với âm thanh.

Nhà điều tra có kết luận gì? Khi 5 tháng, trẻ kết hợp nghe nhìn để xác định khoảng cách và hướng di chuyển của vật. Nghĩa là, trẻ biết khi vật đến gần sẽ to hơn, âm thanh lớn hơn, khi vật đi xa, trông có vẻ nhỏ hơn và âm thanh khẽ hơn.

Sự kết hợp nghe nhìn khéo léo là dấu hiệu chỉ báo khác cho biết trẻ con có kỹ năng nhận thức phi thường. Trẻ con nhận thức thế giới với sự chính xác ấn tượng trong từng hệ thống nhận cảm mà chúng ta vừa nghiên cứu. Con gái của Darla có thể ngửi, nếm và có cảm giác đau, cháu bé có thể phân biệt âm thanh, trong một vài tháng, cháu bé sẽ sử dụng âm thanh để định vị đồ vật. Thị lực của cháu bé hiện nay chưa rõ nhưng nhanh chóng được cải thiện, trong một vài tháng, cháu bé nhìn thấy một dải rộng màu sắc và nhận thức chiều sâu. Tóm lại, con gái của Darla, như hầu hết các trẻ khác, được chuẩn bị rất tốt để bắt đầu cảm nhận môi trường của mình.



TỰ KIỂM TRA

1. Nếm và … là các giác quan hóa học

2. Trẻ con phản ứng tiêu cực với các chất có vị chua hoặc …

3. Trẻ con phản ứng với … bằng tiếng khóc âm sắc cao khó dỗ nín.

4. Nếu đứa trẻ được đặt ngồi trong căn phòng tối đen nghe tiếng lục lạc ưa thích gần mình thì nó sẽ với tay lấy, điều này mô tả …

5. Ở tuổi …, độ tinh của trẻ giống như độ tinh của người lớn có thị lực bình thường.

6. … là tế bào thần kinh chuyên môn hóa trong võng mạc nhạy cảm với màu sắc.

7. Từ … ám chỉ hình ảnh của vật trong mắt trái và phải khác nhau đối với vật ở gần.

8. Trẻ con kết hợp thông tin giữa nhìn và sờ và giữa nhìn và …

9. Đặc điểm gì trong kỹ năng nhận thức của trẻ thể hiện ảnh hưởng của tự nhiên? Đặc điểm nào thể hiện ảnh hưởng của nuôi dưỡng?

Trả lời: (1) ngửi, (2) đắng, (3) đau, (4) sử dụng âm thanh để đánh giá khoảng cách, (5) một, (6) tế bào hình nón, (7) sự chênh lệch võng mạc, (8) âm thanh.


V. TỰ NHẬN THỨC

NGHIÊN CỨU VỀ SỰ PHÁT TRIỂN CON NGƯỜI

Phần 1. SỰ PHÁT TRIỂN TRƯỚC KHI SINH, THỜI ẴM NGỬA VÀ ĐẦU TUỔI THƠ ẤU

Chương 3. CÔNG CỤ TÌM HIỂU THẾ GIỚI


Mục tiêu nghiên cứu

- Trẻ con bắt đầu nhận thức mình tồn tại khi nào?

- Trẻ con biết đi chập chững và trẻ con trước độ tuổi đến trường có khái niệm cái tôi ra sao?

- Trẻ con trước độ tuổi đến trường bắt đầu hiểu thuyết trí tuệ khi nào?



Tự nhận thức

Nguồn gốc khái niệm cái tôi

Thuyết trí tuệ

Khi XIMENA đánh răng, cô đặt đứa con trai Christof 20 tháng tuổi của mình trên ghế nhìn vào gương nhà tắm. Cô làm như thế cả tháng trời và Christof luôn có vẻ thích thú khi nhìn thấy hình ảnh trong gương. Sau này, trông có vẻ cậu bé đặc biệt chú ý đến hình ảnh phản chiếu của mình. Ximena nghĩ rằng đôi khi Christof cau mày hoặc cười to khi nhìn thấy hình ảnh của mình. Có thể Ximena ngạc nhiên hoặc chỉ hoàn toàn do trí tưởng tượng của mình hay không?

Khi kỹ năng cơ thể, vận động và nhận thức của trẻ con phát triển, trẻ con hiểu thế giới xung quanh mình ngày càng nhiều. Như một phần của sự tìm hiểu này, trẻ tuổi ẵm ngửa và trẻ biết đi chập chững bắt đầu nhận biết mình đang tồn tại độc lập so với người khác và vật khác trong môi trường và sự tồn tại của trẻ con tiếp tục qua thời gian. Trong phần cuối của chương 3, bạn sẽ hiểu được trẻ con nhận thức ra sao và hiểu được Christof biết điều gì về bản thân.

NGUỒN GỐC KHÁI NIỆM CÁI TÔI

Khi nào đứa trẻ bắt đầu hiểu rằng mình đang tồn tại? Đánh giá sự khởi đầu nhận thức này không phải dễ. Rõ ràng, chúng ta không thể hỏi bé 3 tuổi "hãy cho cô ấy biết khi nào con nhận biết mình đang tồn tại và không phải là một phần của bàn ghế?" Một tiếp cận ít trực tiếp hơn là cần thiết, ảnh (bên dưới) cho thấy con đường mà nhiều nhà điều tra đã chọn. Như Christof, trẻ 9 tháng tuổi trong ảnh chụp đang mỉm cười khi nhìn thấy mình trong gương. Trẻ con ở độ tuổi này đôi khi áp sát mặt vào gương hoặc vẫy tay trước gương, nhưng không có hành vi nào của nó cho biết nó nhận biết mình trong gương. Thay vào đó, nó hành động như thể khuôn mặt trong gương đơn thuần là một kích thích rất lý thú.

Làm cách nào chúng ta biết rằng đứa trẻ nhận ra mình trong gương? Một tiếp cận thông minh là yêu cầu các bà mẹ chấm dấu đỏ lên mũi con mình, họ lén làm điều này trong khi lau mặt đứa trẻ. Sau đó đứa trẻ được đưa trở lại gương. Nhiều đứa trẻ một tuổi sờ tay vào dấu đỏ trong gương cho thấy đứa trẻ để ý dấu trên khuôn mặt trong gương. Tuy nhiên, khi 15 tháng, một thay đổi quan trọng diễn ra: đứa trẻ nhìn thấy dấu đỏ trong gương, sau đó đến gần sờ vào mũi mình. Khi 2 tuổi, hầu như đứa trẻ nào cũng làm như thế (Bullock & Liitkenhaus, 1990; Lewis & Brooks-Gunn, 1979). Khi những đứa trẻ này để ý dấu đỏ trong gương thì nó hiểu rằng cái mũi trông ngộ nghĩnh trong gương là mũi của mình!

Chúng ta không cần dựa vào nghiên cứu qua gương để hiểu rằng nhận thức về cái tôi bắt đầu từ tháng thứ 18 đến tháng thứ 24. Trong cùng thời gian này, đứa trẻ biết đi chập chững nhìn vào ảnh chụp của mình nhiều hơn ảnh chụp số đứa trẻ khác. Trẻ con cũng tự gọi mình bằng tên hoặc bằng đại từ nhân xưng như "tôi", đôi khi nó biết giới tính và độ tuổi của mình. Những thay đổi này cho thấy nhận thức cái tôi được xác lập ở hầu hết trẻ con lên 2 (Lewis, 1987).

Khi sự tìm hiểu trí tuệ của trẻ con bắt đầu tinh vi hơn thì trẻ con bắt đầu có khái niệm cái tôi. Nghĩa là, một khi đứa trẻ hoàn toàn hiểu rằng mình đang tồn tại thì đứa trẻ bắt đầu tự hỏi mình là ai. Trẻ con muốn định nghĩa chính mình.

Một số hiểu biết các giai đoạn khái niệm cái tôi đầu tiên phát xuất từ Levine (1983), nghiên cứu các đứa trẻ từ 20 đến 28 tháng tuổi. Đây là độ tuổi trẻ con chỉ bắt đầu nhận thức cái tôi. Trẻ con được kiểm tra một số phương pháp đánh giá khái niệm cái tôi bao gồm nghiên cứu nhận biết mình trước gương vừa mô tả ở trên. Trẻ con cũng được quan sát khi tương tác với một bạn đồng tuổi không quen biết trong phòng đầy ắp đồ chơi. Chứng cứ quan trọng là trẻ con nhận biết mình rất có khả năng nói "của tôi!" trong khi chơi đồ chơi nhiều hơn những đứa trẻ khác không tự nhận biết. Có thể bạn nghĩ số trẻ con tự nhận biết này đối đầu khi nói "của tôi" như trong câu "ô tô này của tôi, đừng hòng nghĩ đến chuyện lấy nó". Nhưng không phải thế. Thật ra, trẻ con tự nhận biết rất có thể nói những câu tích cực trong khi tương tác với bạn đồng tuổi. Levine lập luận rằng "việc khẳng định đồ chơi không phải là hành vi tiêu cực hoặc gây cấn, nhưng có vẻ là một phần quan trọng trong định nghĩa chính mình của đứa trẻ trong thế giới xã hội". Nói cách khác, bé gái bên trái trong ảnh (bên dưới) nói "của tôi!" không phải từ chối không đưa búp bê cho bạn, bé chỉ nói rằng chơi chung với búp bê đồ chơi là một phần cho biết bé là ai.

Trong suốt những năm trước tuổi đến trường, quyền sở hữu tiếp tục trở thành một trong những cách trong đó trẻ con tự định nghĩa mình. Trẻ con trước tuổi đến trường cũng đề cập đặc điểm cơ thể ("tôi có màu mắt xanh"), sở thích của mình ("tôi thích ăn mì ống") và năng lực ("tôi có thể đếm đến số 50"). Những đặc điểm này có điểm chung là tiêu điểm nhắm vào đặc điểm có thể quan sát và cụ thể của trẻ con (Damon & Hart, 1988).

Khi trẻ con đi học, khái niệm cái tôi của chúng tinh vi hơn (Harter, 1994), thay đổi mà chúng ta khảo sát trong chương 8.



Каталог: sachviet -> Y-Hoc-Tong-Hop


Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   10   11   12   13   14   15   16   17   ...   72




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương