LỊch sử triết học phưƠng tâY


Người sáng lập phái biện thuyết là Protagoras, (480 - 410 TCN)



tải về 353.36 Kb.
trang4/5
Chuyển đổi dữ liệu15.08.2016
Kích353.36 Kb.
#20145
1   2   3   4   5

Người sáng lập phái biện thuyết là Protagoras, (480 - 410 TCN), sinh tại Apđerơ, đồng hương với Democrites. Ông là thầy dạy chuyên nghiệp môn tu từ học và thuật tranh biện. Ông không ở cố định một nơi nào, mà lang thang khắp Hy Lạp, hay trên đường phố Athen, từng bị kết án tử hình do thái độ hoài nghi đối với tôn giáo và trật tự hiện hành, sau được tha, bị trục xuất trục xuất ra khỏi Athen nhờ sự can thiệp của Pêricles, nhưng bị chết đói trên đường từ Nam Ý sang Xixin.

Tư tưởng của Protagoras khác hẳn bản thể luận truyền thống. Ông cũng cho rằng các hành chất là nguyên nhân đầu tiên của vạn vật, nhưng không phải thực tại khách quan, mà từ bản chất: tính biến đổi mới là thuộc tính của nó. Chính tính biến đổi, hay “tuôn chảy” của vạn vật đã đẫn Protagoras đến nhận định rằng nếu trong sự vật tồn tại hai mặt đối lập nhau, thì trong con người có thể tồn tại hai ý kiến trái ngược nhau về sự vật, và “cả hai đều đúng”. Trong trường hợp đó sức mạnh của phán quyết phụ thuộc nhiều vào nghệ thuật biến hóa ngôn từ. Trong Những ngôn từ lật đổ Protagoras viết:”Con người - thước đo của vạn vật”. Luận điểm chủ đạo đó hàm chứa ý nghĩa nhân văn sâu xa. Có thể tìm thấy ở đây tinh thần đề cao tự do và năng lực cá nhân. Nếu con người là thước đo của vạn vật, thì thiết chế do con người xác lập là thước đo của sự công bằng. Protagoras vẫn xem dân chủ là hình thức nhà nước ưu việt nhất trong thế giới cổ đại, vì theo ông, nó mở ra khả năng đối thoại bình đẳng giữa các công dân và chính quyền. Protagoras vận dụng chủ nghĩa tương đối vào việc lý giải các chuẩn mực đạo đức và các quan hệ xã hội. Tiêu chuẩn của chân lý là lợi ích. Cái tốt và cái xấu, cái thiện và cái ác mang tính chất tương đối, vì phụ thuộc vào cách xem xét và đánh giá của mỗi cá nhân. Tôi chiến thắng, nghĩa là tôi đúng, chứ không phải tôi đúng, nên tôi chiến thắng.



Đại biểu lớn thứ hai của phái biện thuyết là Goócgiát (Gorgias, 483 - 375 TCN), Nếu Protagoras thiên về vấn đề nhận thức, thì Goócgiát chú trọng đến bản thể luận, mặc dù bản thế luận của ông hết sức đặc biệt. Nếu trong chủ nghĩa tương đối Protagoras khẳng định “mọi thứ đều đúng”, thì Goócgiát lại tuyên bố “mọi thứ đều sai”, sử dụng các apôria của Zenon như con dao hai lưỡi, bác bỏ luận điểm nền tảng của trường phái Elee về chân lý và tồn tại. Quan điểm triết học của Goócgiát có thể tóm gọn trong một câu: “Không có gì tồn tại cả”.

Tư tưởng triết học bị mất đi tính nghiêm túc vốn có của nó, hơn nữa rơi vào chủ nghĩa hoài nghi, bất khả tri. Cả Platon và Aristote đều xem biện thuyết như trò lừa bịp, biến con người thành nô lệ của ngôn từ, dùng ba tất lưỡi bẽ cong chân lý. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ khác có thể thấy rằng chính các nhà biện thuyết thông qua sự triển khai tư tưởng của mình đã cho thấy sự huyền diệu của ngôn ngữ, sức mạnh của nghệ thuật hùng biện, một nghệ thuật rất cần trong ứng xử, giao tiếp, quan hệ công việc.



b. Socrates - từ triết học tự nhiên sang triêt lý học đạo đức

Socrates (469-399 TCN) sinh tại Athen, trong một gia đình mà cha làm nghề điêu khắc, mẹ là bà đỡ. Thời trẻ Socrates theo phái biện thuyết, tuy nhiên sau đó ông rời bỏ trường phái này để tránh sa vào những cuộc tranh luận vô bổ. Socrates vừa là nhân chứng, vừa là nạn nhân của nền dân chủ Athen. Năm 399 TCN ông bị chính quyền Athen kết án tử hình vì ba tội - bài xích thần linh, chống đối chế độ và hủ hóa giới trẻ, buộc uống thuốc độc tại nhà tù.

Triết học, theo Socrates không phải là sự nghiên cứu tự nhiên một cách tư biện, mà là học thuyết dạy con người sống tốt và sống đẹp. Con người chỉ có thể nhận biết những gì nằm trong quyền hạn của mình, tức linh hồn mình. “Hãy nhận biết chính mình”, nghĩa là nhận biết mình như thực thể xã hội và thực thể đạo đức. Ông phê phán triết học tự nhiên vì nó không xem con người là đối tượng, mà hướng đến nghiên cứu cái cao siêu, “xúc phạm đến thần linh” nhưng lại xa lạ với con người, do đó rơi vào bế tắc.

Sự quan tâm đến con người có thể được xem như bước ngoặt từ triết học tự nhiên sang triết học đạo đức, từ nguyên lý vũ trụ sang nguyên lý nhân sinh, Ciceron cho rằng Socrates đã đưa triết học từ trên trời xuống dưới đất. Ở Socrates triết học được quy về đạo đức học duy lý. Theo Socrates, triết học là tri thức về con người. Thiện và ác không phải là hai căn nguyên tách biệt nhau, mà tùy thuộc vào tri thức. Tuyên bố đó làm nên nội dung cơ bản của đạo đức học duy lý. Nhưng đó cũng là đạo đức học hướng đến cái lý tưởng, chứ không xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, với những biến thái phức tạp của nó.



Phẩm hạnh (đức hạnh) cũng chính là cách diễn đạt khác của tri thức về chính trị. Vì lẽ đó Socrates muốn duy lý hóa nhà nước, muốn những người điều hành công việc quốc gia phải có tri thức, hiểu biết. Phương pháp của đạo đức học duy lý được gọi chung là phương pháp đỡ đẻ.

Xuất phát điểm của phương pháp đó là thái độ hoài nghi tích cực, sự tự tra vấn và cầu thị: “Tôi biết rằng tôi không biết gì cả”. Từ điểm “không” này đến chân lý trải qua 4 bước: 1) mỉa mai (thể hiện tinh thần đối thọai tích cực và khoáng đạt); 2) đỡ đẻ (người thầy không chỉ “mỉa mai” về sự kém hiểu biết của học trò, mà như một bà đỡ giúp học trò “đẻ” ra đứa con tinh thần của mình, tức tri thức về cái Thiện); 3) quy nạp, nghĩa là tri thức được thẩm định bởi cuộc sống, được sàng lọc, tổng hợp, khái quát hóa; 4) xác định, hay định nghĩa (xác định đúng bản chất sự vật. định danh, chỉ ra vị trí để hành xử tốt theo quy luật của cái Thiện).

Là nhà duy tâm, Socrates khẳng định quan điểm linh hồn bất tử. Socrates lý giải nguồn gốc linh hồn (ý thức) theo các thứ bậc của linh hồn vũ trụ - cái siêu việt, lý tưởng, vượt lên trên tồn tại hữu hạn của con người. Linh hồn sau khi thoát khỏi thể xác sẽ cư ngụ ở dinh thự của thần Hađết (Hades).

c. Trường phái Socrates Sau khi Socrates bị xử tử tại nhiều nơi đã hình thành các trường phái triết học nhỏ, triển khai tư tưởng Socrates theo những hướng khác nhau, trong đó có trường phái khuyến nho (Cynics), Mêga, trường phái Elít, trường phái Eretơri, trong đó nổi lên trường phái Athen, do Antixten sáng lập, và trường phái Xiren, do Arixtíp đứng đầu.

5. Bản thể luận, nhận thức luận, tư tưởng đạo đức, chính trị - xã hội và quan điểm thẩm mỹ của Platôn

a) Bản thể luận - học thuyết về ý niệm

Platôn (Platon, Plato. 427 - 347 TCN) tên thật là Arixtôclét (Aristokles) sinh tại Eginơ (Egine) một hòn đảo không xa Athen, trong gia đình thuộc dòng dõi quý tộc. Thời trai trẻ Platon là con người vừa thông minh, vừa khoẻ mạnh, từng hai lần đạt danh hiệu vô địch điền kinh của thị quốc, được người đời đặt cho cái tên Platon, tức “vạm vỡ”, “vai rộng”. Thời thanh niên (409 - 400) Platon chịu Ảnh hưởng trực tiếp của Socrates. Ông từng chu du khắp nơi, từ Ai Cập đến Phênixi, Ba Tư, BaBilon. Năm 389 TCN Platon tham gia làm cố vấn chính trị cho bạo chúa Đênít (Denys), vua xứ Xiracút (Syracuse), nhưng sau một thời gian bị chính Đênít bán làm nô lệ do mâu thuẫn cá nhân. Sau đó được giải phóng. Thời chín muồi về tư tưởng, hay thời Viện hàn lâm, được đánh dấu bằng việc thành lập trường phái riêng tại bắc Athen. Trong gần 50 năm sáng tác Platôn để lại một di sản đồ sộ, nhưng việc tập hợp và sàng lọc thật khó khăn, vì ngoài những tác phẩm được thừa nhận do ông viết, vẫn còn một số là giả mạo.

Hạt nhân bản thể luận của Platôn là học thuyết về ý niệm (idea). Trong học thuyết này Platôn không những nâng tư tưởng duy tâm về tồn tại lên thành hệ thống, mà còn khẳng định tính tất yếu của sự đối đầu duy vật - duy tâm (lẽ cố nhiên lúc ấy chưa xuất hiện thuật ngữ “chủ nghĩa duy vật” và “chủ nghĩa duy tâm”).

Nội dung cơ bản trong bản thể luận của Platôn là vấn đề tồn tại. Ông đặt ra và giải quyết hàng loạt câu hỏi: Thế nào là tồn tại đích thực? Thế nào là cái bóng của sự tồn tại đích thực, và thế nào là “tồn tại khác”? Mối quan hệ giữa chúng với nhau nên được hiểu như thế nào?

Tồn tại đích thực phải là tồn tại vĩnh cửu, bất biến, tự thân đồng nhất, bền vững, siêu cảm tính, bất khả phân, vĩnh cửu. “Cái bóng” của tồn tại đích thực là sự sinh thành, tính nhất thời, khả biến, có khả năng trở thành cái khác (không đồng nhất tự thân), luôn chịu sự quy định của điều kiện không - thời gian, cảm tính, khả phân, khả hủy.

Tồn tại đích thực được Platon quy về thế giới các ý niệm, còn “cái bóng của tồn tại” là thế giới các sự vật. Một bên là thế giới bản chất, được lý trí nhận thức, bên kia là thế giới hiện tượng, tác động lên các giác quan con người; một bên là thế giới lý tưởng, cái thiện, lợi ích, bên kia là thế giới pha tạp, phân hủy.

Ý niệm về cái thiện, hay lợi ích, hạnh phúc, do đó, trở thành “ý niệm của mọi ý niệm”. “Cái thiện, - Platôn viết,- không phải là bản chất, mà xét về đặc tính và phẩm hạnh thì nó đứng cao hơn những bản chất”12 Sự khác nhau giữa hai thế giới được Platôn mô tả bằng phép ẩn dụ qua huyền thoại về cái hang: triết gia khác với đại chúng là ở chỗ biết phân biệt đâu là cuộc sống đích thực, đâu là cái bóng mờ nhạt, dơn điệu của nó, chỉ có triết gia mới vượt lên ý thức đời thường, vươn đến chân lý, đồng thời chỉ ra sự khác nhau giữa hai thế giới ấy. Theo ông, ý niệm đóng vai trò vừa là khuôn mẫu của các sự vật, vừa là mục đích mà các sự vật hướng đến, vừa là khái niệm về cơ sở chung của các sự vật trong thế giới cảm tính. Thế giới các sự vật - sự sinh thành - là kết quả của thế giới ý niệm

Ngoài vật chất như trung gian giữa ý niệm và thế giới các sự vật cảm tính còn có một linh hồn vũ trụ như sinh lực năng động và sáng tạo, nguồn gốc của vận động, sự sống và nhận thức.

Chủ nghĩa duy tâm Platôn là một trong những biểu hiện điển hình của triết học duy tâm trong lịch sử.



b)Tâm lý học - học thuyết về linh hồn

Linh hồn con người cũng tương tự như linh hồn vũ trụ, nghĩa là có chức năng vận hành thân xác, làm cho thân xác trở nên sống động, hoạt động. Thân xác khả tử, linh hồn bất tử. Thân xác được tạo thành từ các hành chất vũ trụ. Chúng trở về vũ trụ sau khi thân xác phân rã. Platôn đã cụ thể hóa sự phân chia ba phần của linh hồn, theo đó phần hạ đẳng, hay dục vọng, gắn với bản năng, là nơi xuất phát những ước muốn hạ đẳng. Phần tiết độ là Phẩm hạnh cần có để chế ngự bản năng thấp hèn. Phẩm hạnh cao quý nhất của mỗi cá nhân trong quan hệ xã hội là công bằng. Linh hồn vũ trụ sai khiến những linh hồn vật vờ, bị giằng xé trong xung đột triền miên giữa thần tính và thú tính trở về với thế giới siêu việt. Vì lẽ đó chết không có nghĩa là chấm dứt sự tồn tại, mà là hóa thân, trở về với vĩnh hằng. Nêu ra huyền thoại ấy, Platôn dành trọn tình cảm của mình cho người thầy bất hạnh Socrates



  1. Nhận thức luận và lôgíc học

Theo Platôn, nhận thức là quá trình linh hồn tìm về suối nguồn vĩnh cửu - thế giới các ý niệm, hay thế giới lý tưởng. Đó là quá trình hồi tưởng (anamnèsis): linh hồn hồi tưởng lại những gì mình có được trước đây, nhưng quên đi vào thời điểm gia nhập vào thân xác của đứa trẻ vừa sinh ra. Với cách lý giải như thế tri thức là một kết quả được xây dựng trên nền tảng của thực tại, thể hiện mối quan hệ có tính lôgíc, tính quy luật của những hình ảnh diễn ra ở đó. Platon nhấn mạnh: “Hãy tìm kiếm tri thức nơi mình - điều đó có nghĩa là hồi tưởng”. Chất xúc tác chủ yếu của phương pháp hồi tưởng (anamnesis) là nghệ thuật phán đoán lôgíc, đối thoại triết học, hỏi và đáp là phép biện chứng theo cách hiểu của Socrates và Platôn. Biện chứng còn được hiểu là tìm hiểu các khái niệm, phân biệt chúng theo tiểu loại, liên kết các tiểu loại thành những khái niệm chủng loại. Có thể đơn giản gọi phép biện chứng của Platôn là lôgíc học, khoa học nghiên cứu sự hoạt động của tư duy. Phép biện chứng được Platôn xem như khoa học tối thượng, đi từ mâu thuẫn và sự thiếu nhất quán trong tư duy đến nhận thức thực tại chân lý. Phép biện chứng chủ quan của Platôn, có thể gọi như vậy, là giai đoạn quan trọng trong sự phát triển của lý luận nhận thức và lôgíc học.

d) Triết học xã hội - mô hình nhà nước lý tưởng

Cũng như Socrates, mối quan tâm hàng đầu của Platôn trong triết học xã hội là vấn đề phẩm hạnh. Bốn phẩm hạnh thường xuyên được nhắc đến là tiết độ, can đảm (gan dạ), khôn ngoan, công bằng, dựa theo cách phân tầng linh hồn, phân tầng xã hội và quan hệ giữa người với người.

Platôn đưa ra các kiểu thị quốc Hy Lạp cổ đại sau đây:

Có thể phân chia theo ba nhóm và các hình thức tương ứng với chúng: 1) quân chủ, gồm có quyền lực của nhà thông thái (hay quý tộc), hoặc quyền lực của kẻ độc tài (tyrannia); 2) quả đầu, hay quyền lực chính trị của những nhóm, tập đoàn nhất định, gồm có phú hào (tymokratia), quả đầu (oligarchea), và cộng hòa; 3) dân chủ (demokratia). Điều đặc biệt là Platôn không nêu lên hình thức xuyên tạc của dân chủ, mà cho rằng bản thân nó, một nền dân chủ “thuần tuý”, đã là hình thức cai trị tồi tệ nhất từ tất cả các hình thức hiện có.13 (Platôn. Tác phẩm chọn lọc T. 4, M, 1994, tr. 74). Tất cả những hình thức nhà nước tốt đẹp nhất trong lịch sử vẫn chưa phải là những nhà nước công bằng lý tưởng.

Thế nào là một nhà nước công bằng lý tưởng?

Trước hết nhà nước đó phải được xây dựng từ những thành tố công dân khác nhau, chiếm những địa vị xã hội khác nhau, thực hiện đúng những chức phận của mình tùy theo năng lực cá nhân. Công bằng không có nghĩa là cào bằng, mà “phù hợp với trật tự tự nhiên” của sự vật. Sự xác định các đẳng cấp của xã hội dựa trên sự phân chia cơ cấu linh hồn: a) các triết gia - cai trị gia, hay đẳng cấp vàng, tương ứng với phần lý trí của linh hồn; b) các chiến binh, hay đẳng cấp bạc, tương ứng với phần ý chí của linh hồn; c) những người lao động chân tay và buôn bán, hay đẳng cấp đồng và sắt, tương ứng với phần dục vọng của linh hồn. Sự phân chia đẳng cấp không chỉ dựa trên phẩm chất đạo đức, trí tuệ, mà còn nhất trí với sự phân công lao động - nền tảng của đời sống xã hội. Trong nhà nước lý tưởng quyền lực tập trung vào tay “những bậc thông thái”, những người đại diện cho trí tuệ của cộng đồng. Tính bền vững của nhà nước đạt được “khi bằng thuyết phục, khi bằng gươm đao”. Luật pháp đưa các vĩ nhân vào bộ máy quyền lực “không phải để dành cho họ đặc quyền muốn đi đâu làm gì tuỳ thích, mà để sử dụng họ cho công cuộc kiến thiết nhà nước”14 Về tổ chưc đời sống xã hội, trong nhà nước lý tưởng mọi người sống có kỷ luật, các chiến binh tập trung trong các doanh trại, tách phụ nữ và trẻ em ra riêng. Gia đình theo nghĩa truyền thống không còn, mà chỉ là sự liên kết nhất thời giữa nam và nữ để sinh con Mọi tài sản của các chiến binh đều là của chung, không có tư hữu. Chiến binh chỉ có quyền sử dụng những gì thiết yếu nhất cho cuộc sống, sức khỏe và sự hoàn thành tốt nhất các chức năng của họ trong nhà nước. Họ không có nhà cửa riêng, không tài sản, không của quý. Platôn lập luận rằng, nếu chiến binh có được nhiều tiền của, họ sẽ bị cuốn theo cơn lốc của sự tư lợi, khó hoàn thành nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc; Về giáo dục, Platôn chủ trương một nền giáo dục có tính định hướng nghiêm túc, tính sàng lọc, toàn diện và liên tục, hướng con người đến lẽ công bằng và cái thiện tối cao. Giáo dục bắt đầu ngay từ lúc trẻ biết nói đến trên ba mươi tuổi. Từ ba đến sáu tuổi trẻ được giáo dục bằng những câu chuyện thần thoại, nhằm đánh thức tính tò mò, tính hiếu động, sáng tạo. Từ bảy đến mười tuổi - thể thao, từ mười một đến mười ba tuổi - tập đọc, tập viết, từ mười bốn đến mười sáu tuổi - thi ca, âm nhạc, từ mười sáu đến mười tám tuổi - toán học, từ mười tám đến hai mươi tuổi - quân sự, từ hai mươi đến ba mươi tuổi - tuyển chọn lần thứ nhất; một số thực sự có năng khiếu cầm quân được đào tạo thành các tướng lĩnh, một số khác có tư chất thông minh được đào tạo làm nhà cai trị, đồng thời tiếp tục học tập và nghiên cứu khoa học. Từ ba mươi tuổi trở đi - tuyển chọn lần thứ hai trong số những người làm khoa học. Một số không xuất sắc lắm thì an phận làm viên chức, một số khác được đào tạo tiếp, đặc biệt môn biện chứng và môn đạo đức để thấm nhuần tinh thần triết lý và cái thiện.

Như vậy nhà nước lý tưởng mà Platon hình dung là một tổ chức đạo đức - chính trị hoàn hảo, giải quyết các nhiệm vụ cơ bản như đảm bảo an ninh xã hội và chủ quyền thị quốc, các nhu cầu vật chất thiết yếu và phúc lợi cho xã hội, định hướng hoạt động giáo dục và nghiên cứu khoa học. Nguyên lý của nhà nước lý tưởng là Công bằng, mục tiêu của nó - cái thiện, phương tiện của nó - giáo dục. Platôn chủ trương một nền văn hóa đề cao cái đẹp tinh thần, lý tưởng. Có thể nhận thấy trong nhà nước lý tưởng của Platon tư tưởng nhân văn - khai sáng đan xen với một số yếu tố của chủ nghĩa cộng sản không tưởng ngây thơ và chủ nghĩa quý tộc thượng lưu.

e) Tư tưởng thẩm mỹ - nghệ thuật

Đề cao lý trí và sức mạnh sáng tạo của con người đã trở thành truyền thống trong triết học Hy Lạp cổ đại. Platôn có thể thủ tiêu con người cá nhân, nhưng không hạ thấp hình ảnh con người sáng tạo.

Tư tưởng thẩm mỹ của Platôn thể hiện trong quan niệm về nghệ thuật. Thẩm mỹ học Platôn là bản thể luận đã được huyền thoại hóa về cái Đẹp, tức học thuyết về tồn tại của cái Đẹp, chứ không phải triết học nghệ thuật theo đúng nghĩa của từ đó. Cái Đẹp vượt khỏi khuôn khổ của nghệ thuật, đứng cao hơn cả nghệ thuật - trong lĩnh vực của tồn tại bên ngoài thế giới. Quan điểm nghệ thuật của Platôn có ý nghĩa chính trị - xã hội quan trọng. Nghệ thuật được xem như phương tiện giúp xây dựng hình Ảnh con người kiểu mẫu, nơi đạo đức và thẩm mỹ, phẩm hạnh và cái Đẹp liên hệ hữu cơ với nhau. Nghệ thuật không đem đến tri thức chân lý, nhưng tác động lên tình cảm và hành vi con người. Trong mô hình nhà nước lý tưởng do Platôn xác lập các hoạt động nghệ thuật phải được đặt dưới sự kiểm soát khắt khe của chính quyền, nhằm tránh cho trẻ thơ sớm bị sa ngã “theo gương những vị thần láu cá, độc ác, tàn bạo, dối trá” (xem Platôn: Nhà nước, quyển X, 601b).

6. Arixtốt - bộ óc bách khoa của nền triết học Hy Lạp cổ đại

a. Phân loại khoa học

Arixtốt (Aristoteles, 384 - 322 TCN) - học trò xuất sắc của Platôn - sinh tại Xtagirơ (Stagire)cách Aten về phía bắc 300km, một thuộc địa của xứ Maxêđônia (Macedonia). Sự nghiệp sáng tác của ông trải qua ba thời kỳ chính: thời kỳ Aten lần thứ nhất, hay thời kỳ Hàn lâm viện (367 - 347 TCN), chịu Ảnh hưởng trực tiếp của Platôn; thời kỳ viễn du (những năm 40 - đầu 30 TCN), phê phán một số luận điểm nền tảng trong triết học Platôn, nhất là học thuyết về tồn tại; thời kỳ Aten lần thứ hai (những năm cuối đời), mở trường phái triết học ở Lixê (Lycei), được gọi là phái Tiêu dao (Peripatetic school).

Sự nghiệp sáng tác của Arixtốt thật đồ sộ. Ngoài triết học ông còn thâm nhập hầu như vào tất cả các ngành khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, để lại nhiều công trình có giá trị.

Có thể phân loại di sản triết học của Arixtốt theo ba nhóm, căn cứ vào đối tượng nghiên cứu và tính hoàn thiện về tri thức. Nhóm thứ nhất là các khoa học lý thuyết, lấy tri thức làm đối tượng (siêu hình học, tức triết học thứ nhất, vật lý học, tức triết học thứ hai, toán học, lôgíc học). Đốií tượng của siêu hình học (metaphysics) là những gì tồn tại “đằng sau” (meta) tự nhiên hữu hình. Tự nhiên ở Arixtốt không đồng nhất với thực tại. Thực tại, hay cái đang tồn tại, được Arixtốt diễn đạt bằng từ “on”, “onta”, để phân biệt với tồn tại (“to einai”). Thực tại rộng hơn tự nhiêntự nhiên chỉ là một phần thực tại. Vì đi sâu bản chất phi cảm tính, vĩnh cửu, nên triết học thứ nhất, tức siêu hình học, được nâng lên cấp độ khoa học về thần, nhưng rộng hơn cả thần học, vì nó bao quát toàn bộ nguyên nhân và bản chất của thực tại.

Nhóm tiếp theo là các khoa học thực hành, lấy hành động làm đối tượng (đạo đức học, chính trị học, kinh tế học). Trên thực tế ba khoa học “thực hành” vừa nêu không được Arixtốt phân tích riêng biệt, mà gắn kết với nhau trong cùng hệ thống.

Nhóm cuối cùng là các khoa học sáng tạo, lấy những gì hữu ích và gây ấn tượng do con người sáng tạo ra làm đối tượng (nghệ thuật, thi ca, các khoa học ngôn ngữ, các hoạt động kỹ thuật).

Trong trình tự nghiên cứu của triết học Arixtốt đầu tiên là lôgíc học (ông gọi khoa học này là “phép phân tích”, hoặc organon, tức công cụ của tri thức, nhưng thuật ngữ lôgíc học lại do các nhàn triết học Khắc kỷ nêu ra muộn hơn) như nhập môn vào các khoa học khác, tiếp theo là vật lý học (kể cả sinh vật học, tâm lý học), tìm hiểu tự nhiên vô cơ và đời sống sinh thể từ bậc thấp nhất đến loài người, thứ ba là siêu hình học, nghiên cứu bản chất của tồn tại, cuối cùng là đạo đức học, kinh tế học, chính trị học và các khoa học ngôn ngữ, văn chương, nghệ thuật.



b. Bản thể luận - nhị nguyên vật chất - mô thức

Ngoài chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm như hai khuynh hướng, hay hai đường lối cơ bản, hình thành và phát triển trong cuộc tranh luận về nguyên nhân, cơ sở của tồn tại, trong triết học Hy Lạp còn hình thành phương án thứ ba - nhị nguyên luận (dualism xuất phát từ tiếng la tinh dualis là tính hai mặt, phân đôi). Đại diện cho phương án này làArixtốt.



Trong chương 9, quyền 1, các chương 4 và 5, quyển 13 của Siêu hình học Arixtốt phê phán Platôn vì đã tuyệt đối hóa ý niệm, xem nó như một thế giới lý tưởng, tồn tại độc lập (xem Arixtốt: Siêu hình học, quyển 1, chương 9, 10; quyển 13, chương 4; quyển 14, chương 1). Nhằm vượt qua Platôn, Arixtốt xây dựng quan niệm mới về tồn tại trên cơ sở thừa nhận tính tuyệt đối, tính phổ biến và tính đơn nhất của nó. Tồn tại, theo Arixtốt, là cái bao hàm những đặc tính tạo nên bản chất của sự vật. Khi ta nói cái gì đó có, ta nói trước hết đến các thuộc tính tạo nên nó. Đó là tồn tại đơn nhất, có cá tính. Tồn tại cũng được xác định theo tính phổ biến, nghĩa là trong vô số các sự vật khác nhau thuộc một hoặc nhiều chủng loại, ta vẫn tìm ra những nét tương đồng của chúng. “Tồn tại, - Arixtốt viết, - tự nó quy cho tất cả những gì được xác định thông qua những hình thức diễn đạt của các phạm trù, bởi lẽ những diễn đạt ấy được tạo ra bằng bao nhiêu cách thức, thì tồn tại được xác định trong bấy nhiêu ý nghĩa. Do chỗ một số diễn đạt quy định bản tính sự vật, một số khác - chất, một số khác nữa - lượng, một số khác nữa - quan hệ, một số khác nữa - vận động hay chịu tác động, một số khác nữa - “ở đâu” (vị trí), một số khác nữa - “khi nào” (thời gian), nên tương tự mỗi thứ trong số chúng đều hàm nghĩa tồn tại” (Arixtốt, sđd, quyển 5, chương 7, 1017a 23 - 27). Đó là tồn tại phổ biến, bao hàm những đặc tính chung nhất của sự vật. Ngoài hai đặc tính vừa nêu Arixtốt dành nhiều quan tâm đến tồn tại thuần túy tự thân, tuyệt đối, tách khỏi vậ chất, nghĩa là tồn tại như một bản thể siêu việt, vượt khỏi thế giới khả giác hữu hình, hay Thượng đế. Vấn đề này được làm sáng tỏ thêm trong học thuếyt về tồn tại như sự thống nhất tiềm thể, hay khả năng (vật chất, hay thể chất) và hiện thể, hay hiện thực phi vật chất (hình thức, hay mô thức). Cùng với hai mặt đối lập ấy Arixtốt còn đưa ra yếu tố thứ ba, một thể nền (hypokeimenon) mà trên đó các quá trình sinh thành, biến đổi diễn ra từ sự tương tác của các mặt đối lập. Như vậy có thể hình dung một cấu trúc gồm ba thành tố:cái hiện hữu, cái đối lập với hiện hữu, cái mà từ đó một cái khác xuất hiện. Cái hiện hữu bao giờ cũng là cái được xác định, nghĩa là mang một diện mạo, dáng vẻ cụ thể. Sự khiếm khuyết diện mạo có thể xem là mặt đối lập của nó. Cái làm cơ sở cho sự xuất hiện chính là vật chất (thể chất). Arixtôt gọi ba bản nguyên này lần lượt là mô thức (morphè), khiếm khuyết (steresis) và thể chất (hyle). Vật chất là khả năng tồn tại (tiềm thể). Khối đồng trở thành bức tượng bằng đồng là nhờ có một mô thức (hình Ảnh bức tượng) khoác lên vật chất ấy (khối đồng), giúp nó có được diện mạo đặc trưng. Pho tượng, quả cầu, hình vuông, hình tam giác, hình thoi … có thể phổ biến cho nhiều chất liệu - đất, đá, sắt, đồng, gang …Điều này chứng tỏ tính năng động của mô thức, khác với tính thụ động của vật chất, cái chỉ trở thành một hiện hữu xác định khi tiếp nhận một mô thức nào đó. Mô thức được Arixtốt quy về bản chất, hiện thực. Nguyên nhân đích thực, sơ khởi của tồn tại không phải là những yếu tố vật chất, mà là cái đem lại một thiết định cho sự vật để sự vật là chính nó (xem Arixtốt, sđd, quyển 7, chương 17, 1041a7 - 30, 1041b3 - 20). Nhưng, theo Arixtốt, vật chất xét trong những trường hợp khác nhau vừa là khả năng, vừa là hiện thức. Chẳng hạn, việc xem khối đồng là “vật chất” của quả cầu chưa phải là cách xem xét duy nhất. Có thể nói đơn giản “khối đồng là một hiện thực”, còn các phân tử đồng là “vật chất” hợp nhất thành “khối”. Theo trình tự đó có thể truy đến kỳ cùng, đến chỗ bản thân các hành chất cơ bản của vũ trụ (đất, nước, lửa khí) cũng là những hiện thực (mô thức) đặc biệt, kết hợp với “thể chất”, tức vật chất đặc biệt nào đó. “Vật chất” với tính cách là nguồn gốc tự nhiên của bốn hành chất - vật chất đầu tiên - có lẽ là hỗn mang không xác định, thứ “khả năng” thuần tuý, tự nó chưa thể trở thành hiện thực.

Vật chất cũng vĩnh cửu như mô thức. Tất cả những gì tồn tại trong tự nhiên đều được tạo thành từ vật chất và mô thức. Không có vật chất sẽ không có tự nhiên và sự vật. Sự vật xuất hiện là nhờ có một mô thức được đưa vào vật chất. Vật chất và mô thức là cơ sở của các sự vật đơn nhất, ban cho chúng một chủng loại, một hình thức đặc trưng. Khác với mô thức, vật chất là nguồn gốc của tính nhất thời, khả biến của vạn vật; chính nhờ nó có đặc tính đứng ở ngưỡng cửa của tồn tại và không tồn tại, mà sự vật cũng có khả năng “tồn tại hay không tồn tại”. Thế giới các sự vật do sự kết hợp vật chất - mô thức tạo ra là thế giới vận động. Nhưng đâu là nguồn gốc của vận động? Theo Arixtốt, sự tồn tại vĩnh cửu của thế giới và sự vận động vĩnh cửu tất yếu đưa đến sự thiết định về nguyên nhân vĩnh cửu, tối hậu của thế giới. Theo trật tự nhân quả cần truy tìm nguyên hnân đầu tiên của dòng chuyển biến vạn vật theo thời gian. Trong chu kỳ nối tiếp nhau con gà - quả trứng - con gà vẫn có thể hình dung con gà đầu tiên không sinh không diệt. Đó là hình Ảnh Động cơ đầu tiên mà thiều nó sẽ không có bất kỳ động cơ nào khác, vận động nào khác.

Động cơ đầu tiên được phân tích từ ba khía cạnh: thứ nhất, Động cơ đầu tiên không chịu sự tác động của bất kỳ yếu tố bên ngoài nào; nó vừa là nguyên nhân đầu tiên, vừa là tồn tại đầu tiên. Thứ hai, Động cơ đầu tiên là cái bất động, vì nó đã ngự ở đỉnh chóp, trở thành nguyên lý tối cao của mọi sự chuyển dịch, biến đổi. Thứ ba, Động cơ đầu tiên là tồn tại tối thượng, tự thân, phi vật chất, siêu tự nhiên, là trí tuệ thuần túy, mô thức thuần túy, mô thức của những mô thức, khởi động và chi phối các quá trình vũ trụ. Như vậy nhị nguyên luận dẫn đến chủ nghĩa duy tâm khách quan. Điểm xuất phát là sự phê phán chủ nghĩa duy tâm Platôn trong học thuyết về ý niệm như cơ sở, khuôn mẫu cũa thế giới các sự vật, điểm kết thúc lại là một thứ chủ nghĩa duy tâm không triệt để dưới hình thức nhị nguyên vật chất - mô thức.

c. Vật lý học và vũ trụ luận

Quan điểm nhị nguyên vật chất - mô thức là cơ sở để xác lập học thuyết về bốn nguyên nhân cơ bản của vận động và biến đổi trong thế giới, đó là nguyên nhân vật chất, nguyên nhân mô thức, nguyên nhân vận động, nguyên nhân, ục đích. Arixtốt viết:”Nguyên nhân được gọi là: 1)cái hàm chứa bên trong sự vật, cái mà từ đó nó xuất hiện, chẳng hạn đồng là nguyên nhân của pho tượng, bạc là nguyên nhân của cái đĩa, 2) mô thức, hay khuôn mẫu, cái xác định bản chất sự vật, 3) cái mà từ đó bắt đầu sự thay đổi hay chuyển hóa vào trạng thái cân bằng, chẳng hạn người thầy là nguyên nhân (của học trò tốt), người cha - nguyên nhân của đứa con; nói chung cái tạo ra là nguyên nhân của cái được tạo ra, cái làm biến đổi - nguyên nhân của cái biến đổi, 4) mục đích, nghĩa là cái-vì-nó, chẳng hạn mục đích của đi dạo là sức khỏe. Do đâu con người đi dạo? Vì muốn được khỏe mạnh. Hẳn khi nói như thế chúng ta nghĩ rằng mình đã chỉ ra nguyên nhân” (Arixtốt, sđd, quyển 5, chương 2 1043a 28 - 35).



Nguyên nhân mô thức: mọi vật trong thế giới có thể vận động là nhờ mô thức của chúng; do mô thức là tính quy định căn bản của tồn tại, nên nó là nguyên nhân quan trọng nhất.

Nguyên nhân vật chất: vật chất là cội nguồn của thế giới các sự vật. Trong uan hệ giữa vật chất, hay tiềm thể (dynamis), và mô thức, hay hiện thể (energeia) vận động đóng vai trò cái làm chosự thống nhất các mặt đối lập thành hiện thực.

Nguyên nhân mục đích: tính mục đích vừa đồng nhất với tính tất yếu, vừa được xem như vận động hướng tới mục đích tối cao là cái Thiện, hạnh phúc, và theo nghĩa đó nó bao trùm toàn thể vũ trụ lẫn đời sống con người, chi phối tất cả các sự vật, các hiện tượng và các quá trình diễn ra trong thế giới.

Nguyên nhân vận động: Arixtốt không thừa nhận sự tự vận đông, mà xem vận động là do sự tác động của vật này lên vật khác. Arixtốt nhấn mạnh:”Dưới mọi sự biến đổi một cái gì đó biến đổi nhờ một cái gì đó và vào một cái gì đó” (Arixtốt, sđd, quyển 12, chương 3 1070a 1 - 2). Sau cùng ông hướng đến Động cơ đầu tiên như nguồn gốc và nguyên nhân vận động.

Học thuyết về bốn nguyên nhân được Arixtốt phân thành bốn nhóm, trong đó nhóm nguyên nhân vật chất tách riêng, còn nhóm nguyên nhân mô thức - mục đích - vận động chỉ là một. Trong quan niệm về vật chất vận động Arixtốt đến gần với chủ nghĩa duy vật.

Trong Bảng phân loại khoa học vật lý học được xem như khoa học về các hiện tượng của tự nhiên. Tự nhiên ở Arixtốt là thứ tự nhiên có hai mặt - vật chất và mô thức, vì thế ắt phải đặt ra câu hỏi: vật chất có thể được xem là tự nhiên trong chừng mực nào? Trả lời: nó trở thành tự nhiên chỉ khi nào có thể được xác định thông qua bản chất. Tự nhiên theo nghĩa đầu tiên và riêng có của nó là bản chất, mà chính là bản chất của cái có khởi nguyên vận động tự thân. Vật chất được gọi là tự nhiên vì nó có khả năng đạt tới bản chất này” (Arixtốt, sđd, quyển 5, chương 4, 1015a 14 - 15). Như vậy có thể nói tự nhiên là nguồn lực bên trong của sự tự vận động và phát triển của các sự vật.

Arixtốt trình bày học thuyết về vận độnt (kinèsis) cả trong Siêu hình học lẫn Vật lý học. Trong Siêu hình học Arixtốt chỉ ra bốn dạng vận động có thể là: 1) tăng và giảm; 2) biến đổi về chất, hay chuyển hóa; 3) xuất hiện và diệt vong; 4) chuyển dịch vị trí trong không gian (vận động cơ học). Trong bốn hình thức đó Arixtốt xem vận động trong không gian là hình thức chủ yếu, điều kiện của tất cả các hình thức vận động còn lại. Arixtốt chia vận động cơ học như thế thành vận động theo vòng tròn, vận động thẳng, sự kết hợp vận động vòng tròn và vận động thẳng, theo đó vận động theo vòng tròn là vận động có tính liên tục, còn vận động thẳng có tính gián đoạn.

Sau khi định nghĩa và phân loại vận động Arixtốt tìm hiểu các khái niệm khác của vật lý học.

Không gian theo cách hiểu của Arixtốt đồng nghĩa với vị trí - giới hạn của vật thể. Đai thiên cầu không có vị trí, không nằm ở đâu cả, vì không có cái gì vây bọc nó. Vị trí không phải là mô thức lẫn vật chất, vì cả hai không thể đứng tách biệt với đối tượng, còn vị trí thì có thể (Arixtốt, Vật lý học, quyển 4, 209b 20 - 32). Vị trí cũng không phải là sự vật đơn nhất, vì nếu nói như vậy ta phải chấp nhận trong một vị trí có hai vị trí. Vị trí là bể chứa các vật thể.

Khác với không gian, thời gian không liên kết với các vật thể, mà với vận động. Thời gian không phải là vận động, nhưng nó không tồn tại thiếu vận động, bởi lẽ nó là “số lượng vận động xét theo quan hệ với quá khứ và tương lai”, là sự tuôn chảy. Vị trí thế giới là hữu hạn, một khi nó được giới hạn bởi bầu trời, do đó có thể có vận động tuyệt đối và đứng im tuyệt đối, có trên tuyệt đối và dưới tuyệt đối. Thời gian thì vô hạn, vì nếu như tất cả các quá trình đơn nhất đều hữu hạn, và độ dài lâu của chúng được đánh giá bằng thời gian, thì thế giới thống nhất và vĩnh cửu phải có độ dài lâu vô hạn. Thời gian không phải là vận động, vì vận động thì có vận động nhanh, vận động chậm, còn thời gian thì đâu đâu cũng vậy. Nhờ đặt tính ấy mà thời gian là thước đo của vận động. Ngược lại vận động cũng đo lường được thời gian, khác chăng ở đây là không phải bất kỳ vận động nào, mà chỉ vận động cân bằng theo vòng tròn của Đại thiên cầu mới là thước đo thời gian, “vòng thời gian”. Thời gian là số lượng vận động liên tục; thời gian “trở thành vận động chỉ bởi vì vận động có số lượng” (xem Arixtốt, sđd, quyển 4, 223a, 223b).

Arixtốt không nhất trí với Platôn vì đã quy các yếu tố tự nhiên về những dạng thức hình học. Giả thiết ấy, theo Arixtốt, không thể lý giải trọng lượng của các hiện tượng vật lý, do đó khó tìm ra nguyên nhân vận động của chúng. Ông thay phương án dạng thức hình học bằng phương án xác định vị trí. Nếu vật thể nằm ở vị trí cố hữu tự nhiên của mình thì nó đứng im; nếu bị đẩy sang vị trí khác không tương xứng, thì nhất định nó phải chuyển dịch trở về vị trí tương xứng tự nhiên ban đầu. Trái đất đứng im vì tọa lạc ở vị trí tự nhiên của mình, tức ở trung tâm Đại thiên cầu. Nếu ném hòn đất lên trên, nó sẽ rơi trở lại, tức hướng về vị trí tự nhiên.

Quan niệm về vận động của các hành chất tự nhiên ở Arixtốt có những cải biến nhất định. Bốn hành chất truyền thống - đất, nước, lửa, khí - đều vận động theo đường thẳng: đất, nước - từ trên xuống, hướng về tâm; lửa, khí - từ dưới lên, hướng ra ngoại diên. Thế giới được tạo nên từ sự kết hợp các hành chất ấy. Arixtốt còn đưa ra hành chất thứ băm - ête (aither), có đặc tính bất biến, hình thành nên nhữnh vật thể bầu trời.

Vật lý học và vũ trụ luận của Arixtốt chứa đựng yếu tố mục đích luận. Toàn bộ tự nhiên là một cơ thể sống động thống nhất, nơi mà “cái này xuất hiện vì cái kia””Do chỗ tự nhiên có tính chất hai mặt: một đằng nó là vật chất, đằng khác - như mô thức, mà mô thức lại là mục đích, mà toàn bộ những gì khác đều tồn tại vì mục đích, nên nó (mô thức) cũng sẽ là nguyên nhân của sự “vì cái gì” (Arixtốt, Vật lý học, quyển 2, 199a 30 - 32). Bên cạnh đó Arixtốt cũng phân biệt tính mục đích và tính tất yếu, mặc dù chưa rõ ràng.

d. Lý luận nhận thức - sự “sửa chữa” lại Platôn

Trước hết Arixtốt phân biệt tri thức với kinh nghiệm và thường kiến. Tri thức khác với kinh nghiệm, bởi lẽ tri thức có tính phổ biến và tính tất yếu, còn kinh nghiệm, nhất là thường nghiệm, có tính đơn nhất và tính ngẫu nhiên. Nhưng kinh nghiệm là khởi điểm của cả tri thức lẫn nghệ thuật (xem Arixtốt, Siêu hình học, quyển 1, chương 1, 980b - 981ạ25). Tri thức khác với thường kiến như cái xác thực khác với cái xác suất, cái chắc chắn khác với cái phỏng đoán.

Sự khác nhau căn bản giữa Arixtốt và Platôn trong lý luận nhận thứclà ở chỗ nếu Platôn xuất phát từ sự tồn tại của tri thức, thì Arixtốt xuất phát từ sự tồn tại của đối tượng tri thức.

Nhận thức luận của Arixtốt là sự sửa chữa lại nhận thức luận của Platôn. Nhận thức được Arixtốt xem xét như một quá trình từ cảm tính đến lý tính, từ nhận thức cái đơn nhất đến nhận thức các tiểu loại, chủng loại. Platôn cũng nói đến điều đó, nhưng triển khai theo hướng đi xuống: lý tính - giác tính - niềm tin - mô phỏng, trong đó hai nấc thang đầu thuộc về hoạt động tư duy, hai nấc thang sau - thường kiến. Sự liên kết bốn nấc thang nhận thức, theo Platôn, tạo nên một quá trình nhận thức thống nhất, mà cơ sở của nó là tồn tại đích thức, thế giới các ý niệm. Bác bỏ Platôn, Arixtốt cho rằng, khoa học lấy cái phổ biến làm đối tượng, nhưng cái phổ biến là sự trừu tượng hóa từ thực tại cụ thể cảm tính, nên trước hết cần nhận thức những cái đơn nhất, thế giới các sự vật cảm tính. . Nhận thức cảm tính, theo nghĩa đó, là nấc thang đầu tiên, cần thiết của quá trình nhận thức. Tri thức phổ biến xuất phát từ kinh nghiệm và được trừu tượng hóa ở tư duy, là sự khái quát tri thức về những cái đơn nhất. Tri thức về cái phổ biến hình thành trong linh hồn lý tính, thứ linh hồn đặc biệt, chỉ có ở con người, tồn tại không lệ thuộc vào thân xác. Linh hồn là nguyên nhân và khởi đầu của vơ thể sống, trong đó phần siêu việt nhất thuộc về lý tính, nhưng ngay ở lý tính lại có phần lý tính siêu việt thuần túy - siêu việt của những siêu việt. Về phần mình lý tính siêu việt phân thành lý tính tích cực (năng động) và lý tính thụ động. Arixtốt đặt lý tính siêu việt tích cực ở đỉnh chóp bảng phân tầng linh hồn và xem nó như lý tính sáng tạo. Lý tính ấy trong khi suy niệm về sự vật cũng đồng thời sắp xếp các sự vật. Lý tính thụ động, thu nhận, là sự đi tìm những mô thức, hay khả năng đạt tới những mô thức. Tri thức về cái phổ biến được đặt vào lý tính thụ động dưới dạng khả năng. Để khả năng tri thức trở thành tri thức thực sự cần có cả lý tính tích cực (diễn đạt theo ngôn ngữ hiện đại: tính tích cực của ý thức) lẫn sự tác động của thế giới khách quan lên linh hồn.



e. Lôgíc học

Arixtốt là người sáng lập lôgíc học như khoa học về các hình thức và các quy luật của tư duy. Tuy nhiên thuật ngữ logikè (như danh từ) không do Arixtốt khởi xướng; ông chỉ biết đến logikos (như tính từ) hoặc aloga. Bản thân Arixtốt gọi khoa học về tư duy là phép phân tích (analytika), trình bày nó trong Phép phân tích thứ nhất Phép phân tíchthứ hai. Sau này các nhà nghiên cứu gọi chung các công trình bàn về lôgíc của Arixtốt là organon, tức công cụ của tri thức. Ngoài hai quyển Phân tích vừa nêu, vấn đề lôgíc còn được Arixtốt trình bày trong Các phạm trù, Phương pháp luận đề (Topika), Phản bác các nhà biện thuyết, một phần trong Siêu hình học, Đạo đức học.

Arixtốt không xem chính trị như một khoa học riêng rẽ, tách rời khỏi đạo đức, mà chỉ là một thành tố trong tổng thể các hoạt đông xã hội, mà mục tiêu là hạnh phúc của con người. Nhà nước là sự phát triển từ gia đình thông qua cộng đồng. Nói khác đi, nhà nước là một tổ chức thuộc về đạo đức th7c5 sự tiến bộ, phát triển con người (xem Aristote, www. interactive. fr/gc/fr/math)

V. Đánh giá tổng quát về triết học Hy Lạp - La Mã cổ đại

Với gần một thiên niên kỷ tồn tại, triết học phương Tây đã để lại những dấu ấn đậm nét trên con đường phát triển của tư duy triết học nhân loại, tạo nên một trong những thời đại sôi động và bi kịch nhất, thể hiện khát vọng của con người vươn lên làm chủ tự nhiên, cải biến xã hội và chính bản thân mình.

Có thể thâu tóm ba chủ đề chính của triết học phương Tây cổ đại, từ thời kỳ hình thành các thị quốc đầu tiên đến khi trường phái triết học cuối cùng bị đóng cửa vào đầu thế kỷ VI. Trước hết là tìm hiểu tự nhiên. Câu hỏi “thế giới bắt đầu từ đâu và quay về đâu?”, “bản tính của thế giới là gì?” cho thấy nỗ lực của các triết gia mong muốn vượt qua Ảnh hưởng của thế giới quan thần thoại, đem đến lời giải đáp hợp lý về thế giới xung quanh và về tác động của nó đến đời sống con người.

Chủ đề tiếp theo là nhận thức. Bắt đầu từ Thales và Pithagoras con người không chỉ được xem như một thành viên của vũ trụ, mà còn luôn chứng tỏ vị thế của mình trước vũ trụ ấy. Bản thân thuật ngữ “philosophia” cũng nhấn mạnh đến khát vọng tìm kiếm và khám phá chân lý. Triết học - đó là con đường hướng tới chân lý. Các nhà triết học ngay từ cổ đại đã tập trung tranh luận về khả năng và giới hạn của nhận thức, về các phương pháp và phương tiện nhận thức, về nguồn gốc, cơ sở và tiêu chuẩn của chân lý. Bên cạnh việc đề cao lý trí, óc khám phá sáng tạo của con người, vẫn còn một số triết gia đứng trước những diễn biến phức tạp, phi tất định của của đời sống xã hội, đã chủ trương “treo lửng phán quyết”, rơi vào chủ nghĩa hoài nghi.

Chủ đề thứ ba là con người, xã hội loài người với tất cả những biểu hiện phong phú và phức tạp của nó. Từ Socrates trở đi con người trở thành một trong những điểm nóng của các cuộc tranh luận triết học. Con người vừa là chủ thể, vừa là đối tượng nghiên cứu.

- Đặc điểm thứ nhất của triết học phương Tây cổ đại, nhất là triết học Hy Lạp ở những thế kỷ đầu tiên, là tính chất phác, sơ khai của nó, mối liên hệ của nó với thần thoại và tôn giáo nguyên thủy, đan xen với những mầm mống của tri thức khoa học, phản ánh trình độ nhận thức chung của xã hội. Sự ra đời của triết học không có nghĩa kỷ nguyên thần thoại đã hoàn toàn kết thúc. Ở mức độ nhất định, xét theo cội nguồn, triết học ra đời như nỗ lực “tái thiết lại thần thoại bằng phương tiện của lý trí” Với thời gian, cùng với sự phát triển xã hội, sự phổ biến tri thức khoa học, những câu chuyện thần thoại dần dần được sử dụng vào mục đích thể hiện một nhân sinh quan, một triết lý sống. Những khái niệm triết học có nguồn gốc thần thọai đều được cải biến, duy lý hóa để àm sáng tỏ thêm tư tưởng của các triết gia, Trong thời kỳ đầu tiên các nhà triết học vẫn cần đến một giá đỡ thần linh để chuyển tải ý tưởng mới lạ của mình mà không quá xa cách với trình độ nhận thức chung của thời đại.15

- Đặc điểm thứ hai thể hiện ở tính chất bao trùm về mặt lý luận của triết học đối với tất cả lĩnh vực của nhận thức.

Vì ra đời trong bối cảnh trình độ nhận thức của con người còn tương đối thấp, tri thức về mọi mặt chưa phát triển bao nhiêu, nên triết học đóng vai trò là dạng nhận t hức lý luận hầu như duy nhất, hy vọng lý giải những vấn đề lý luận của các khoa học cụ thể mà vào thời kỳ này còn đang nằm trong tình trạng tản mạn, sơ khai, mang nặng tính chất trực quan, thực nghiệm. Triết học được xem như “khoa học của các khoa học”, còn các triết gia thì được tôn vinh thành nhữn nhà thông thái, đại diện cho trí tuệ xã hội. Song điều đó lại đưa đến chỗ đối với các nhà triết học nhận thức lý luận là cái vượt lên trên hoạt động thực tiễn, biến thành “nhận thức tự thân”, “nhậnt hức để nhận thức”. Triết lý trở thành đặc quyền của một số ít nhà thông thái, “nhận thức tự thân” đối lập với thực tiễn, với ý thức đời thường.



tải về 353.36 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương