Kinh tì-kheo na-tiên càn Long Đại Tạng Kinh Quyển 108, trang 706-753 Thiện Nhựt phỏng dịch và tìm hiểu Nguồn


Quyển Trung 042.- Ba loại cảm-thọ: vui, khổ, chẳng vui chẳng khổ



tải về 1.4 Mb.
trang14/59
Chuyển đổi dữ liệu14.08.2016
Kích1.4 Mb.
#19794
1   ...   10   11   12   13   14   15   16   17   ...   59


Quyển Trung

042.- Ba loại cảm-thọ: vui, khổ, chẳng vui chẳng khổ.


Vương hỏi Na-tiên:

- Con người cảm thấy vui, thì thiện hay là bất-thiện? Con người cảm thấy khổ, thì thiện hay bất-thiện? Đức Phật há chẳng có nói, có vui hoặc có khổ. Nếu như khiến cho có mà làm ra chẳng có, thì khổ hay không?

Na-Tiên hỏi lại Vương:

- Như thanh sắt nung đỏ, có người tay cầm lấy thì bị phỏng chăng; lại cầm một hòn băng trong tay, băng đó có làm phỏng tay người chăng?

- Dĩ nhiên, cả hai tay đều bị phỏng.

- Như thế, trong hai tay đều nóng cả chăng?

- Chẳng nóng cả hai.

- Hoặc cả hai đều lạnh hết chăng?

- Chẳng lạnh cả hai.

Na-Tiên bảo: ''Cả hai tay đều nóng cả. Tôi muốn hỏi kỹ Đại-Vương, hai lần trước, sau, cả hai đều nóng, thì nên nói cả hai đều nóng; cả hai đều lạnh thì nên nói cả hai đều lạnh, cớ sao Vương lại bảo chung, một nóng, một lạnh mà cùng làm cho tay người bị phỏng?

Vương nói: ''Trí-óc Ta còn thiển-cận quá, chẳng đủ sức để hiểu kịp việc khó nầy. Nguyện Na-Tiên vì Ta mà giải-thích cho.

Na-Tiên nói:

- Kinh Phật có nói đến việc đó: thường có sáu việc khiến con người mừng bên trong; có sáu việc khiến con người rầu bên trong; lại cũng có sáu việc khiến con người chẳng mừng cũng chẳng rầu; và bên ngoài lại cũng có sáu việc khiến con người buồn rầu.

a.- Sáu việc khiến vui trong lòng .

- Thế nào là sáu việc khiến con người vui bên trong?

- Một là mắt có chỗ thấy, rồi lại có chỗ mong-cầu, cho nên khiến cho con người vui trong lòng. Hai là tai nghe tiếng tốt lại có chỗ mong cầu, cho nên khiến con người vui trong lòng. Ba là mũi ngửi mùi thơm lại có chỗ mong-cầu, cho nên khiến con người vui trong lòng. Bốn là lưỡi được món ngon lại có chỗ mong-cầu, cho nên khiến con người vui trong lòng. Năm là thân đụng chạm đến chỗ trơn láng lại có chỗ mong-cầu, cho nên khiến con người vui trong lòng. Sáu là tâm được cảm-thọ vui lại có chỗ mong-cầu, cho nên khiến con người vui trong lòng. Như thế, đó là sáu việc khiến cho con người vui trong lòng.

b.- Sáu việc bên ngoài khiến vui.

- Thế nào là sáu việc bên ngoài khiến con người được vui?

- Một là mắt thấy sắc đẹp, nhớ lại điều đó chẳng thể thường được, nên phải dứt bỏ đi, tự suy-nghĩ hiểu-biết đó là vô-thường, cho nên khiến con người vui về bên ngoài. Hai là tai nghe tiếng tốt, nhớ lại điều đó chẳng thể thường được, nên phải dứt bỏ đi, cho nên khiến con người vui về bên ngoài. Ba là mũi ngửi mùi thơm, nhớ lại điều đó chẳng thể thường được, nên phải dứt bỏ đi, cho nên khiến con người vui về bên ngoài. Bốn là miệng được món ngon, nhớ lại điều đó chẳng thể thường được, nên phải dứt bỏ đi, cho nên khiến con người vui về bên ngoài. Năm là thân đụng chạm chỗ trơn láng, nhớ lại điều đó chẳng thể thường được, nên phải dứt bỏ đi, cho nên khiến con người vui về bên ngoài. Sáu là tâm nhớ nghĩ đến điều thương-muốn, suy-nghĩ đến điều đó là vô-thường, nên dứt bỏ cả, sau khi nhớ nghĩ như vậy liền khởi lên vui. Đó là sáu sự-việc khiến cho con người vui về bên ngoài.

c.- Sáu việc bên trong khiến buồn.

- Thế nào là sáu sự-việc bên trong khiến cho lòng người rầu?

- Một là mắt phải nhìn vào chỗ chẳng muốn thấy, khiến cho bên trong buồn. Hai là tai phải nghe điều chẳng muốn được nghe, khiến buồn lòng. Ba là mũi chẳng ưa chỗ thúi mà phải ngửi mùi hôi, khiến cho bụng buồn-bã. Bốn là miệng chẳng muốn nếm món đó mà phải nếm khiến cho bụng chẳng vui. Năm là thân chẳng muốn đụng đến vật đó mà phải chạm lấy khiến lòng rầu-rĩ. Sáu là tâm chẳng được điều vui mà phải nghĩ đến khiến cho dạ sầu. Đó là sáu sự-việc khiến cho bên trong lòng người buồn-rầu.

d.- Sáu việc bên ngoài khiến chẳng vui.

- Thế nào là sáu sự-việc khiến cho người chẳng mừng?

- Một là mắt thấy sắc xấu-ác khiến lòng chẳng vui. Hai là tai nghe tiếng ác-độc khiến lòng chẳng vui. Ba là mũi ngửi mùi hôi-thúi khiến lòng chẳng vui. Bốn là lưỡi nếm vị cay đắng khiến lòng chẳng vui. Năm là thân mặc đồ thô cứng khiến lòng chẳng vui. Sáu là tâm có điều oán ghét khiến lòng chẳng vui. Đó là sáu sự-việc bên ngoài khiến lòng người chẳng vui mừng.

e.- Sáu việc khiến chẳng vui chẳng buồn.

- Thế nào là sáu việc khiến lòng người chẳng buồn, mà cũng chẳng vui?

- Một là mắt nhìn thấy điều chẳng buồn lại chẳng vui. Hai là tai nghe tiếng chẳng buồn cũng chẳng vui. Ba là mũi ngửi mùi chẳng buồn cũng chẳng vui. Bốn là miệng nếm vị chẳng buồn cũng chẳng vui. Năm là thân có chỗ đụng-chạm chẳng buồn cũng chẳng vui. Sáu là tâm nghĩ đến việc chẳng buồn mà chẳng vui. Đó là sáu sự-việc bên trong khiến cho lòng người chẳng buồn mà cũng chẳng vui.

f.- Sáu việc bên ngoài khiến cho buồn lòng.

- Thế nào là sáu việc bên ngoài khiến cho người buồn?

- Một là khi mắt thấy cái chết, lòng tự nghĩ là thân người cùng vạn-vật đều vô-thường, kẻ ấy tự nghĩ, mình đã có được ý-niệm đó mà sao còn chưa đắc đạo, đó là nguyên-nhân bên ngoài gây ra sầu. Hai là khi tai nghe tiếng tốt, lòng chẳng mừng; kẻ ấy tự nghĩ, mình đã có được ý-niệm đó cớ sao còn chưa đắc-đạo, đó là nguyên-nhân bên ngoài gây ra sầu. Ba là mũi chẳng vui buồn với mùi thơm mùi thúi; kẻ ấy tự nghĩ, mình đã có ý-niệm đó cớ sao còn chưa đắc-đạo, đó là nguyên-nhân bên ngoài gây ra sầu. Bốn là miệng chẳng nếm đắng ngọt; kẻ ấy tự nghĩ, mình đã có ý-niệm đó cớ sao còn chưa đắc-đạo, đó là nguyên-nhân bên ngoài gây ra sầu. Năm là thân chẳng ham-thích chỗ trơn-láng cũng chẳng bất-mãn với chỗ thô-cứng; kẻ ấy tự nghĩ, mình đã có được ý-niệm ấy cớ sao còn chưa đắc-đạo, đó là nguyên-nhân bên ngoài gây ra sầu. Sáu là tâm chẳng vui với sự ham-muốn; kẻ ấy tự nghĩ, mình đã có ý-niệm đó cớ sao còn chưa đắc-đạo, đó là nguyên-nhân bên ngoài gây ra sầu. Đấy là sáu sự-việc bên ngoài khiến lòng người trở nên sầu.

Vương khen ngợi: ''Lành thay! Lành thay!''

*

043.- Khi chết rồi, ai sanh trở lại?


Vương lại hỏi Na-Tiên:

- Con người chết rồi, khi sanh lại ở đời sau là ai vậy?

- Danh (= tâm-thần) và Thân (= thân-thể ) sanh lại ở đời sau.

- Danh cũ và Thân cũ của người ấy sanh lại chăng?

- Chẳng phải như vậy. Chẳng phải Danh cũ, cũng chẳng phải Thân cũ đã giữ lấy thân-tâm nầy ở đời nay làm điều thiện ác cho đến đời sau, mà sanh ra lại đâu.

- Như khiến dùng thân-tâm nầy làm điều thiện, điều ác ở đời nầy rồi đời sau chẳng sanh lại, thì cứ hết sức làm điều thiện, điều ác cũng được thoát hết, chẳng phải chịu khổ lại nữa hay sao?

- Nơi đời nầy làm điều thiện, thì đời sau chẳng sanh lại nữa, liền được giải-thoát. Còn người chẳng ngừng làm điều thiện, điều ác thì phải sanh lại về sau, cho nên chẳng được giải-thoát. Thí-dụ như có người ăn trộm trái dưa; người chủ bị mất trộm bắt kẻ ấy đem lại trình với Vương: ''Anh nầy lấy trộm trái của tôi.'' Anh ăn trộm cãi lại: ''Tôi đâu có lấy trộm trái của anh. Chỗ anh trồng là trồng cây nhỏ, vốn đâu phải là anh đã trồng trái dưa; tôi hái trái dưa thì làm gì là ăn trộm; tôi chẳng hề trộm dưa của anh ta, thì có tội gì?'' Hai người tranh-cãi như thế, thì ai phải, ai quấy?

- Người trồng cây, phải; vì vốn đã tạo ra cây trồng; người trộm trái thì quấy, chẳng cãi được, phải chịu tội.

- Vì sao anh ăn trộm có tội?

- Sở dĩ tên trộm có tội là vì căn-bản là người trồng cây, có cây thì mới sanh ra trái chớ.

- Đời người cũng lại như thế. Người đời nay dùng thân-tâm nầy làm điều thiện, điều ác, cho đến khi sanh lại vào đời sau, thì thân-tâm làm thiện-ác ở đời nầy là căn-bản vậy. Lại ví như có người trộm lúa thóc của người khác; người chủ bắt, liền nói: ''Anh ăn trộm thóc luá của tôi.'' Kẻ trộm thóc nói: ''Tôi chẳng trộm thóc của anh. Anh tự trồng lúa; tôi tự gặt thóc, tôi làm gì mà phạm tội trộm.'' Hai người liền dẫn nhau đến trình Vương. Như thế, ai phải ai quấy?

- Người trồng lúa, phải; còn kẻ trộm thóc thì quấy.

- Sao lại biết kẻ trộm thóc là quấy?

- Người trồng lúa thì phải, vì trồng lúa là căn-bản, nếu chẳng trồng lúa, thì làm sao mà có ra thóc được.

- Đời người cũng lại như thế. Người đời nay dùng thân-tâm nầy làm điều thiện-ác cho đến khi sanh lại vào đời sau, thì do thân nầy làm căn-bản vậy. Lại thí-dụ nữa, như vào mùa đông lạnh-lẽo, người kia đốt lửa lên sưởi cho ấm, rồi lần lần bỏ đó mà đi. Lửa bắt cháy vách, tường rồi lan sang lầu nhà người khác. Chủ nhà nầy lôi người đốt lửa kia lại trình Vương: ''Anh nầy đốt lửa để cháy sang lầu nhà tôi.'' Kẻ đốt lửa cãi: ''Tôi đốt lửa nhỏ-nhỏ để sưởi ấm; tôi đâu có thiêu đốt nhà lầu.'' Đại-Vương xử ai phải, ai quấy?

- Kẻ đốt lửa, quấy; vốn do căn-bản đốt lửa mới sanh cháy nhà.

- Đời người cũng lại như thế, người đời nay dùng thân-tâm nầy làm điều thiện-ác cho đến đời sau sanh lại thì thân-tâm nầy chính là căn-bản vậy. Lại còn thí-dụ khác nữa, như ban đêm một người đốt đuốc sáng lên, gần vách, để ăn cơm; đuốc từ từ cháy lan lên vách rồi gặp tre trúc cây gỗ liền thiêu cả ngôi nhà; lửa bừng lên cháy to thiêu hủy cả thành-phố. Dân chúng trong thành cùng la-hét người đốt đuốc: ''Cớ gì mà mày lại đốt cháy cả thành-phố như vầy?'' Người kia nói: ''Tôi chỉ đốt ngọn đuốc nhỏ để có ánh-sáng mà ăn cơm; thành cháy là tại lửa lớn kia, chớ nào phải lửa của tôi.'' Như thế họ tranh-cãi nhau, đưa nhau đến trước đền vua. Đại-Vương xử ai phải, ai quấy?

- Kẻ đốt đuốc có tội.

- Vì sao biết kẻ ấy có tội?

- Căn-bản lửa sanh cháy to là do tên nầy ăn cơm xong chẳng dập tắt đuốc, khiến lửa bùng lên cháy rụi cả thành.

- Đời người cũng lại như thế, người đời nay dùng thân-tâm nầy làm các điều thiện-ác cho đến đời sau sanh lại, thì thân-tâm nầy chính là căn-bản của sự tái-sanh; con người còn chưa hiểu lẽ đó, làm điều thiện-ác, cho nên chẳng được độ-thoát. Lại thêm một thí-dụ khác nữa, như có người dùng tiền cầu cưới một đứa con gái nhỏ sau nầy về làm vợ. Về sau, cô gái lớn lên, lại có người khác dùng tiền xin cưới, liền được vợ. Người cầu hôn khi trước lại nhà trách: ''Anh tới sau sao lại cưới tranh vợ tôi?'' Người kia bảo: ''Anh tự lúc nhỏ cầu hôn với đứa bé gái; tôi cưới vợ vào lúc nàng lớn lên, nào tôi có giành vợ với anh đâu.'' Cả hai tranh-cãi, dẫn nhau đến đền vua, Đại-Vương xử ai phải, ai quấy?

- Người cầu hôn trước, phải.

- Sao Đại-Vương biết?

- Người con gái ấy vốn là từ nhỏ lớn lên lần lần, cho nên biết đó là vợ của người đã cầu-hôn trước.

- Đời người cũng ví như thế đó. Người đời nay dùng thân-tâm nầy làm các điều thiện-ác cho đến đời sau sanh lại, thì thân-tâm đời nầy chính làm căn-bản cho việc tái-sanh đó. Lại còn một thí-dụ khác nữa, như có người mang bình đi mua sữa của kẻ nuôi bò. Mua sữa rồi, gởi lại cho chủ và nói: ''Chẳng bao lâu nữa, tôi sẽ trở lại lấy.'' Người gởi sữa ít lâu sau trở lại lấy bình sữa, sữa chuyển thành sữa chua. Anh ta trách: ''Tôi gởi sữa trong bình cho anh, sao anh lại đổi thành sữa chua vậy?'' Người chủ bò cãi lại: ''Đấy là sữa cũ của anh gởi, nay tự nó chuyển thành sữa chua.'' Hai người tranh-cãi với nhau, dẫn nhau đến đền vua. Đại-Vương thấy ai phải?

- Người chủ bỏ, phải.

- Sao Đại-Vương biết?

- Kẻ kia mua sữa gởi lại lâu, sữa tự chuyển thành sữa chua, người chủ bò nào có lỗi gì.

- Đời người cũng ví như thế đó. Người đời nay dùng thân-tâm nầy làm các điều thiện-ác cho đến đời sau sanh lại, thì thân-tâm làm thiện-ác đời nầy chính là căn-bản cho việc tái-sanh ấy vậy.

*



tải về 1.4 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   10   11   12   13   14   15   16   17   ...   59




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương