Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương Sớ Sao



tải về 0.56 Mb.
trang8/10
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích0.56 Mb.
#30913
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10

Sao: Từ chữ “Ức” trở đi, như trong Duy Thức nói: “Sao gọi là niệm? Đối với cảnh từng quen, lấy tâm nhớ rõ chẳng quên làm tánh, dựa chắc vào đó để làm nghiệp. Tức là nhiều lần nhớ giữ cảnh đã từng được cảm nhận chẳng để quên mất thì có thể dẫn đến Định. Đối với cảnh chưa từng nhận lãnh hoàn toàn chẳng khởi niệm. Nếu đã từng nhận lãnh mà chẳng thể nhớ rõ thì niệm cũng chẳng sanh”.

Ngài Từ Vân Sám Chủ nói: “Phàm trải qua các duyên, sự việc, mà trong tâm chẳng quên Phật thì gọi là Ức Niệm. Ví như người đời tâm gắn chặt nơi chuyện gì đó, dù nói năng, đến, đi, ngồi, nằm, làm lụng các thứ vẫn chẳng gây trở ngại cho sự thầm nhớ”. Việc trên đây (tức Ức Niệm) cũng giống hệt như vậy. Cái tâm niệm Phật cũng phải nên giống như thế. Nếu như quên mất, hãy nhiều lần gom tâm trở lại. Lâu ngày sẽ thành tánh, tùy ý thường nhớ. Lại nữa, nhận biết tâm vừa dấy lên đôi chút ác niệm liền nghĩ ngay đến Phật, do bởi Phật lực, ác niệm sẽ tự dứt. Nếu thấy người khác chịu khổ, do tâm niệm Phật liền thương xót họ, nguyện họ được lìa khổ. Buộc lòng niệm Phật liên tục như thế sẽ có thể hoàn thành hết thảy công đức Tịnh Độ.

Từ chữ “nếu là Sự Ức Niệm” trở đi, lời Sớ hàm ý: Chuyên tâm ức niệm trong đoạn này cũng như đoạn “thâu nhiếp các căn tịnh niệm” trong phần sau của kinh văn chính là nói tới “nhất tâm bất loạn” hoặc “nhất hướng chuyên niệm” (một mực chuyên niệm) trong kinh Di Ðà, hoặc “nhất tâm hệ niệm” trong Quán kinh, đều bao gồm cả Sự lẫn Lý. Sự là có thể đối với mọi thứ mình đã trải qua luôn [nghĩ nhớ] phân minh đức Phật ở trong tâm. Chỉ một niệm này, không có niệm nào khác, niệm niệm liên tục sẽ thành tựu công phu Định lực. Khởi Tín Luận viết: “Dùng nhân duyên để chuyên dốc ý niệm Phật” là nói về ý này vậy. Về Lý thì Năng và Sở như một, tâm và Phật chẳng hai; chỉ có một duyên này, chẳng có chuyên nào khác. Duyên tâm tự tại, thành tựu huệ lực, như Khởi Tín Luận đã nói: “Tuy niệm nhưng vẫn chẳng có người niệm thì mới là niệm’.

Lại như Phổ Môn Sớ có câu: “Nếu dụng tâm giữ sao cho niệm chẳng gián đoạn thì gọi là Sự Nhất Tâm. Nếu hiểu được niệm tâm ấy bốn tánh chẳng sanh thì gọi là Lý Nhất Tâm”. Ðối với bốn thứ hay năm cách niệm Phật nói trong phần trước, mỗi một thứ đều có đủ cả hai cách niệm Sự và Lý này.

Hỏi: Bốn cách và năm môn niệm Phật ở phần trước cùng với Sự và Lý ở đây đều ước theo nghĩa năng niệm thì có gì khác nhau đâu?

Ðáp: Bốn hay năm cách [niệm Phật] đã nói trong phần trước là nhằm thuật bày pháp môn [Niệm Phật] có lắm phương tiện [để tu tập]; còn Lý, Sự ở đây là ước theo hành nhân dụng tâm sai khác [như thế nào]. Do vậy trong bốn cách hay trong năm môn Niệm Phật, ắt trọn đủ hai tâm. Trong hai tâm, ắt bao gồm bốn cách, năm môn chẳng hỗn độn vậy.

Hỏi: Lý, Sự trong phần này so với bốn cách, năm môn Niệm Phật ở phần trước, nếu phán định Sự quán, Lý quán thì sai khác ra sao?

Ðáp: Trong phần trước là phán định riêng biệt. Bốn cách lẫn năm môn Niệm Phật đều thuộc về cả Sự lẫn Lý. Còn ở đây là phán định chung, mỗi một môn trong bốn cách hay năm môn ấy đều có đủ Sự lẫn Lý. Nếu so sánh thì phần trên là giải thích đại lược, ở đây giảng chi tiết, cho nên chẳng giống nhau. Đối với hai cách niệm này (tức Sự niệm và Lý niệm) tuy chẳng được khuyết cách nào, nhưng vẫn có bậc thượng trí chuyên Lý niệm hoặc kẻ độn căn chuyên Sự niệm, hoặc người bậc trung kiêm cả Sự niệm lẫn Lý niệm, đều là thuận theo căn cơ đáng nên tu tập như thế nào để chẳng bị trở ngại. Hễ được thấy Phật thì lợi ích vẫn như nhau.

Đối với câu “Phật cũng có hai nghĩa...” có lời gạn rằng: Vì sao Pháp Thân trong ba thân, Trí Không Thân trong mười thân cũng bị gọi là Sự?

Ðáp: Do thuộc về số lượng (ba và mười là con số), do thuộc về Phật thân vậy (thân tướng chính là Sự).

Hỏi: Khởi Tín Luận viết: “Nếu ai chuyên niệm Di Ðà Phật thì do căn lành đã tu liền được thấy Phật”, há chẳng phải là Sự niệm hay sao? Luận còn viết rằng: “Nếu quán Chân Như Pháp Thân của đức Phật ấy, thường siêng tu tập, chắc chắn được vãng sanh”, há chẳng phải là Lý niệm hay sao? Nay sao lại bảo rằng Pháp Thân chẳng thuộc Lý niệm?

Ðáp: Ðối với Báo Thân, Hóa Thân để luận thì Pháp Thân thuộc về Lý niệm. Nay đem so với Nhất Chân thì Pháp Thân lại thuộc về Sự. Bởi vậy, trong kinh Văn Thù Bát Nhã khi giảng về Nhất Hạnh Niệm Phật tam-muội, trước hết giảng về pháp giới bất động, buộc duyên nơi pháp giới v.v... Ðại Sớ cũng giảng: “Nhất pháp giới hạnh cũng không có một thứ gì”.

Hỏi: Mười thân Phật xuất phát từ kinh Hoa Nghiêm, các kinh khác không có. Sao nay lại dạy niệm [mười thân ấy]?

Ðáp: Chư Phật nói ra giáo pháp tuy khác nhưng ba thân, mười thân đều giống nhau. Quán Kinh dạy: “Chư Phật Như Lai là thân pháp giới”. Như ngài Ðức Vân [trong kinh Hoa Nghiêm] chỉ niệm mười thân Phật. Thanh Lương Sớ Sao cũng giảng: “Niệm Phật tam-muội ấy xét về Tổng tướng là một, nhưng Biệt tướng thì chia thành ba thân hay mười thân, tu quán đều khác”. Ba thân là nói niệm Pháp Thân, Báo Thân, Hóa Thân Phật. Trong ba thân mỗi thân đều có y báo, chánh báo, nên lại thành ra sáu phép Quán. Tức là niệm pháp tánh, thân, cõi nước là y báo và chánh báo của Pháp Thân. Niệm Báo Thân, cõi Hoa Tạng v.v... là y báo, mười thân tướng hải v.v... là chánh báo. Niệm những sự như tịnh độ, nước, chim, cây cối, đều là chỗ nương tựa (y báo) của Hóa Thân, ba mươi hai tướng v.v… là chánh báo của Hóa Thân. Mười thân là “Niệm, Nguyện, Trí, Pháp, Lực, Trì, Ý Sanh, Hóa, Oai Thế và Bồ Đề”, thân phước đức, tướng hảo trang nghiêm. Các thứ như thế tạo thành cảnh Đế võng45 liền nhập môn Niệm Phật của Phổ Hiền. Điều này đã được giảng rõ trong cuốn sáu mươi hai [của bộ Bát Thập Hoa Nghiêm].

Hạnh Bố” là tu dần dần theo thứ tự vậy. “Viên dung” là [tu trọn mọi hạnh] trong một niệm. Bậc lợi căn thì viên dung; còn kẻ hạ căn, ngu độn thì phải lần lượt thực hành, hạng trung căn thì không nhất định. Hơn nữa, hoặc là bậc lợi căn tu tập trước Lý sau Sự, kẻ độn căn thì trước Sự sau Lý, đều là nhằm thích hợp căn cơ, chứ chẳng có một tướng nhất định.

Nói “trước hết là Không” là ước theo Tam Như Lai Tạng46 tâm minh trong quyển bốn kinh Lăng Nghiêm. Nếu xét theo pháp giới của cái Lý đang được niệm thì nên nói: Trước hết là niệm đức Phật trong Vô Vi Lý pháp giới, kế đến là niệm đức Phật trong Hữu Vi Sự pháp giới, sau đấy là niệm đức Phật trong Lý Sự Vô Chướng Ngại pháp giới, bởi pháp giới và Như Lai Tạng đều cùng là một tâm vậy, chỉ nói trước hay sau mà thôi. Từ chữ “Hỏi: Nếu” trở đi là lời gạn chung. Trước hết, giải thích trong hai niệm, tùy ý dùng một thứ, chẳng cần phải kiêm trọn cả hai cho khó. Kế đó là giải thích giữa “tâm chính là Phật” và “Phật chính là tâm”, niệm thứ nào cũng được, chẳng bắt buộc phải tu hết cho khó khăn. Ba là giải thích: Niệm “tâm chính là Phật, Phật chính là tâm” để thành hai thứ tâm và Phật cùng giữ được sẽ khó khăn.

Trong Định được thấy” là như trong quyển bốn mươi sáu của kinh Hoa Nghiêm đã dạy: “Nếu có chúng sanh chuyên tâm ức niệm thì Phật hiện trước mặt họ”. Quyển sáu mươi hai chép: “Trụ trong Tự Tại Tâm Niệm Phật môn, tùy theo ý mình ưa thích mà [Phật] hiện hình tượng vậy. Trụ trong Nhất Thiết Cảnh Niệm Phật môn sẽ thấy Phật hiện trong khắp các cảnh”. Kinh Lăng Già dạy: “Chư Phật có hai thứ gia trì, tức là khiến cho [chúng sanh] nhập tam-muội và hiện thân quán đảnh. Các hàng Bồ Tát được hai thứ gia trì này sẽ có thể đích thân thấy hết thảy chư Phật”. Quán kinh dạy: “Vô Lượng Thọ Phật, tướng hảo, quang minh, trọn khắp mười phương cõi, nhiếp thủ chúng sanh niệm Phật chẳng bỏ nên trong Thiền Quán [hành nhân niệm Phật] đều được thấy”.

Trong mộng được thấy” là như kinh Pháp Hoa chép: “Hoặc ở trong mộng thấy các đức Như Lai ngồi trên tòa sư tử thuyết pháp giữa [thính chúng] vây quanh”. Phần kinh văn nói về Bậc Hạ Vãng Sanh trong kinh [Đại] Di Đà (Vô Lượng Thọ Kinh) có chép: “Người ấy lúc lâm chung mộng thấy đức Phật ấy cũng được vãng sanh”.

Khi báo thân chấm dứt sẽ thấy Phật” là như kinh Xưng Dương Công Ðức Chư Phật đã dạy: “Nếu được nghe danh hiệu Di Ðà, nhất tâm tin ưa, khi người ấy mạng chung, A Di Ðà Phật sẽ ở trước mặt người ấy”. Cổ Âm Vương Kinh47 chép: “Nếu có người thọ trì danh hiệu đức Phật ấy, khi lâm chung, A Di Ðà Phật liền cùng đại chúng ở trước mặt kẻ ấy khiến cho kẻ ấy được thấy”.

Trong hoa được thấy” là như trong phần Hạ Phẩm Trung Sanh của Quán Kinh đã nói: “[Gió] thổi các hoa trời, trên mỗi hoa đều có hóa Phật, Bồ Tát, nghênh tiếp người ấy, như trong khoảng một niệm liền sanh trong hoa sen. Trải qua sáu kiếp, hoa sen mới nở, được Quán Âm, Thế Chí giảng kinh điển cho”.

Hỏi: Nay có kẻ chuyên tâm niệm Phật, trong Định hoặc trong mộng cũng chẳng thấy Phật. Lại có người suốt đời niệm Phật, nhưng đến lúc lâm chung cũng chẳng sanh về Tây phương, là vì sao vậy?

Ðáp: Chuyên tâm niệm Phật nhưng trong Định lẫn trong mộng vẫn chẳng thấy Phật là do nghiệp chướng quá khứ nặng nề, thiện lực trong hiện tại yếu kém. Hơn nữa, Phật có hai thứ gia bị:

1) Một là đối với kẻ không có nghiệp chướng liền gia bị rõ ràng khiến cho kẻ ấy đích thân được thấy.

2) Hai là đối với kẻ chướng nặng liền ngầm gia bị, khiến cho kẻ ấy ngấm ngầm được lợi ích. Do vậy, Phổ Hiền Bồ Tát nói: “Có những chúng sanh trong tâm phát khởi, tỏa rạng hạnh Phổ Hiền, khi ấy những phân thân của ta đều đến chỗ người ấy. Nếu như người ấy do nghiệp chướng sâu đậm chẳng thấy ta, ta bèn thầm xoa đỉnh đầu người ấy, ủng hộ cho người ấy được thành tựu”.

Suốt đời niệm Phật nhưng chẳng sanh về Tây Phương là do niệm Phật chẳng tinh thành, sanh lòng ngờ vực, chẳng dốc trọn lòng tin, chẳng nguyện vãng sanh, chẳng thể đoạn tham, ái.

Hỏi: Thiện căn trong hiện tại cạn mỏng thì có thể tu tập để tăng thêm; nghiệp chướng trong quá khứ sâu nặng thì làm sao biết được để đối trị?

Ðáp: Có hai cách chọn lựa:

1) Nếu trong tam-muội thấy có căn lành hiện tướng thì biết trong quá khứ đã gieo các nhân lành. Làm thế nào để điều thiện được phát khởi? Phân chia đại lược thành bốn thứ như sau:

a. Một là niệm Hóa Phật, thiện căn sẽ phát hiện. Trong Niệm Phật tam-muội, đột nhiên nhớ tới Phật tu Lục Độ vạn hạnh, thành tựu ba mươi hai tướng, thân có tướng hảo, quang minh, tâm có trí huệ, thuyết pháp lợi sanh, hàng phục ma oán. Lúc nghĩ như thế liền sanh lòng kính yêu, tam-muội được mở mang, phát khởi, tăng tấn Phật hạnh. Hoặc là trong Định thấy thân tướng của Phật, tâm liền tin hiểu trong sạch. Hoặc là trong mộng nghe Phật thuyết pháp liền giác ngộ Phật tâm.

b. Hai là niệm Báo Thân Phật, thiện căn sẽ phát hiện. Trong lúc niệm Phật, chợt nhớ tới đến thân quả báo viên mãn của Phật đều là do công đức vô lậu thành tựu. Tướng hảo, quang minh, mỗi mỗi đều vô lượng, thần thông, trí huệ tràn ngập pháp giới, luôn vắng lặng thanh tịnh đến cùng tột đời vị lai. Lúc nghĩ như thế, huệ giải phân minh, quyết định an ổn, thiện niệm liên tục. Hoặc là trong Định nghe nói cảnh giới Phật pháp chẳng thể nghĩ bàn, liền phát sanh vô lượng pháp môn trí huệ. Hoặc là trong mộng, thấy tám vạn bốn ngàn các tướng tốt lành mầu nhiệm liền nẩy sanh vô lượng nguyện hạnh công đức.

c. Ba là do niệm Pháp Thân Phật, thiện căn sẽ phát hiện. Trong tam-muội, chợt nhớ tới thân Chân Thật Tánh của Phật, thanh tịnh vô tướng dường như hư không. Chỉ là Đệ Nhất Nghĩa Đế, chẳng có cảnh giới Thế Đế, lìa sanh, rời diệt, vô tác, vô vi, chẳng đến, chẳng đi, chẳng giảm, chẳng tăng. Lúc nghĩ như thế, thiện tâm dấy lên, nhập Định an vui, thông đạt vô lượng pháp môn, hiện khởi vô biên cảnh Phật. Hoặc là trong Định do thấy Phật có Pháp Thân vi diệu trọn đủ các tướng tốt liền được giác ngộ, tuy xa lìa thường và vô thường, nhưng lại biến hiện thường và vô thường. Duy Thức giảng: “Pháp Thân lấy năm pháp để làm tánh chứ không phải chỉ riêng tịnh pháp giới gọi là Pháp Thân”. Lúc ngộ như thế, mở mang, phát khởi Thật Trí, ba thời hiện tiền. Hoặc là trong mộng, thấy Phật dùng các pháp như nghĩa để làm thân, liền được giác ngộ, coi Chân Như là Phật, không cảnh gì chẳng phải là Phật. Ðại Phẩm48 chép: “Các pháp như Thật Tướng. Chư pháp như thật chính là Phật. Lìa ngoài điều ấy, chẳng có Phật nào khác”. Lúc ngộ như thế sẽ thanh tịnh sáu căn, pháp tánh hiện tiền.

d. Bốn là niệm mười thân của Phật, thiện căn phát hiện. Ở trong Thiền Quán, chợt nhớ đến mây pháp giới thân Phật, y báo, chánh báo viên dung, Chân và Ứng vô ngại, một và nhiều nhập vào nhau, lớn, nhỏ, ẩn, hiện, vừa là Lý, vừa là Sự, vừa là người, vừa là pháp, vừa là đây, vừa là kia, vừa là nhân, vừa là quả, cũng là chín pháp giới, cũng là Phật giới, cũng là ba thân, cũng là mười thân. Lúc nghĩ như thế, mở mang phát khởi vô tận thiện tâm, sanh ra vô tận tam-muội, diệt các thứ phiền não, hiển hiện tầng tầng pháp tánh. Hoặc là trong Định, thấy Phật vô chướng ngại, trong mỗi cõi, mỗi vi trần Phật đều hiện thân thuyết pháp, liền chứng biết môn Niệm Phật của ngài Ðức Vân, xuất sanh hai mươi mốt môn Niệm Phật. Sau khi biết như thế rồi liền phát nguyện Phổ Hiền, hành hạnh Phổ Hiền. Hoặc là trong mộng thấy vô tận thân Phật thuyết pháp lợi sanh, liền được nhập Oai Quang Niệm Phật tam-muội, thống nhiếp vô tận tam-muội. Sau khi ngộ như thế, phát khởi [Tỳ Lô] Giá Na trí, trở thành cảnh của đức Tỳ Lô Giá Na Phật.

Các căn lành trên đây đều là [do đã gieo trồng] trong quá khứ, nay phát sanh, là tướng trạng của quả báo đạt được do tu tập niệm Phật vậy (Thấy các tướng hảo đều là do quả báo mà tướng phát hiện. Phát các thiện tâm đều là do cái nhân tu tập mà điều lành được phát hiện).

2) Nếu trong tam-muội thấy có tướng nghiệp chướng phát hiện liền biết trong quá khứ chẳng gieo trồng thiện căn. Nghiệp chướng phát hiện ra sao? Cũng chia ra bốn thứ:

a. Một là nghiệp chướng biến hiện thành tướng hôn trầm, tối tăm che lấp. Tức là lúc niệm Phật liền bị mê ngủ, trầm ám, trì trệ, không thể nhớ rõ ràng khiến cho các thứ Thiền Quán chẳng thể khai phát được.

b. Hai là nghiệp chướng biến hiện thành tướng vọng niệm tán loạn. Lúc muốn tu Quán, tuy chẳng hôn trầm, nhưng sanh tà tưởng, muốn làm các chuyện Tứ Trọng, Ngũ Nghịch, Thập Ác, hủy phá giới cấm v.v... [những ý tưởng tà vạy ấy] cứ lần lượt nối tiếp nhau phát sanh, không lúc nào tạm ngừng. Do vậy, tam-muội chẳng thể hiện tiền được.

c. Ba là nghiệp chướng biến hiện thành tướng cảnh ác bức bách. Lúc sắp nhập Định, tuy không có vọng niệm, nhưng lại có cảnh ác, hoặc thấy lửa cháy, nước chìm, hoặc nghe chấn động, hoặc không có đầu, không có tay, hoặc từ núi té xuống, hoặc rơi xuống biển. Các thứ bức bách như thế khiến cho [người tu Định] hoảng sợ, đạo tâm đã phát liền bị chướng ngại chẳng thể khởi được.

d. Bốn là nghiệp chướng biến hiện thành tướng bệnh tật, hay sự việc khổ não. Lúc đang niệm Phật, tuy không có những cảnh [bức bách như đã nói] trong phần trên đây, nhưng thân chợt sanh ra các thứ bệnh tật, khổ não trăm chiều, hoặc bị các thứ sự vụ thế gian lôi kéo chẳng dứt. Do vậy, chẳng vãng sanh, chẳng thể chứng nhập được!

Những nghiệp chướng như vừa kể trên đây đều là tướng biến hiện của quả báo do những nhân chẳng lành trong quá khứ cảm thành. Do vì hai pháp lành và ác này hiện tướng sẽ liền có thể suy nghiệm căn tánh của chính mình là thiện hay ác, và cũng biết được chính mình trong đời trước đã trồng thiện hay không, đã làm ác hay không làm ác. Thấy như thế xong, hễ thiện thì tu thêm để được viên mãn, còn ác thì đối trị cho trừ diệt. Làm thế nào để đối trị thì cũng chia ra thành bốn môn:

1) Một là trị diệt Hôn Trầm Chướng: Hãy nên dạy hành nhân niệm ba mươi hai tướng của Hóa Phật, tùy ý chọn lấy một tướng, hoặc chọn lấy tướng Bạch Hào để nhắm mắt tự quán. Nếu tâm ám độn, tưởng lơ lửng chẳng thành, hãy nên đối trước một bức tượng Phật đoan nghiêm để nương theo đó nhập quán. Nếu chẳng quán thấy rõ ràng, liền mở mắt quán, rồi lại nhắm mắt. Lúc tưởng như thế, tâm nhãn mở toang sẽ phá được chướng ấy, không còn bị hôn trầm nữa!

2) Hai là trị diệt Vọng Niệm Chướng: Hãy nên dạy hành nhân quán Báo Thân Phật vốn sẵn có mười công đức, bốn Vô Sở Úy49, mười tám pháp Bất Cộng, tam-muội, giải thoát, Nhất Thiết Chủng Trí, vô lượng công đức chẳng thể nghĩ bàn, hiện khắp các sắc thân để lợi ích hết thảy. Thần thông biến hóa, dẹp tan ma vương, ngoại đạo. Niệm pháp lành công đức của Phật như thế thì hết thảy những tà ác, những pháp thuộc về Tâm Số50 trong Tâm sẽ tự nhiên tiêu diệt.

3) Ba là trị diệt Ác Cảnh Chướng: Hãy nên dạy hành nhân niệm Pháp Thân Phật. Pháp Thân Phật chính là pháp tánh bình đẳng, không tịch, vô vi, chẳng có hình tướng. Ðã không hình tướng thì làm sao có cảnh giới bức bách nữa? Do cảnh giới là Không, cho nên trị diệt được chướng ấy.

4) Bốn là trị diệt Bệnh Sự Chướng: Hãy nên dạy hành nhân niệm mười thân của Phật. Nương theo oai thế, lực trì, bổn nguyện, công đức, Bồ Đề của Phật, chẳng bị sự việc thế gian lôi kéo, bó buộc, nương vào phước đức, tướng hảo trang nghiêm nơi tướng Ý Sanh Thân51 của Phật để chẳng bị hết thảy bệnh khổ gây phiền não. Niệm Pháp Thân của Phật dường như hư không, theo trí lực ứng hóa hết thảy, chẳng giống như chúng sanh phiền não lấp thân, tám khổ cùng nung đốt, chuyện đời ràng buộc như tằm kéo kén, chẳng có ngày ngoi đầu ra được. Lúc niệm như thế, chướng này liền diệt. Nên biết bền lòng niệm Phật công đức rộng lớn không chi chẳng thành, nghiệp chướng sâu nặng không chi chẳng diệt.

Hỏi: Niệm Phật thì Phật hiện, nhưng cũng có thể là ma hiện hay chăng? Căn lành do niệm Phật phát sanh cũng có thể là do ma biến hiện hay chăng?

Ðáp: Phật có sức thần thông, sức oai đức, sức bổn nguyện, ở trong đại quang minh ắt chẳng có ma sự. Nếu có kẻ nào túc chướng sâu dày và chẳng khéo dụng tâm thì mới có ma dấy lên. Hãy nên hiểu biết rõ ràng! Kinh luận nói có hai thứ:

1) Tướng tốt hiện ra không phù hợp với kinh thì là ma sự.

2) Hai là sự chẳng hợp với sự tu hành của chính mình thì là ma sự.

Còn như đối với thiện căn phát hiện, muốn phân biệt là do ma biến hiện hay chẳng phải do ma biến hiện thì cũng có hai cách sau đây:

1) Một là ước theo tâm cảnh lâu hay mau. Tức là các sự như thấy Phật, nghe pháp v.v... nếu là do thiện căn phát khởi thì [lại có hai trường hợp]:

a. Nếu cảnh tướng do thiện căn làm cái nhân [cảm thành] quả báo thì [cảnh lành] tạm hiện rồi liền mất.

b. Còn như do thiện tâm tu tập cảm thành thì [cảnh lành ấy] sẽ liên tục chẳng dứt.

Nếu là cảnh do ma tạo thì [cũng có hai trường hợp]:

a. Nếu là cảnh tướng do quả báo làm nhân thì sẽ lâu dài chẳng dứt, hoặc biến đi lại hiện ra, gây nhiễu loạn.

b. Nếu là do tâm lành tu tập đã lâu thì [cảnh lành] tạm hiện ra liền mất, hoặc trong giây lát liền biến thành ác niệm.

2) Hai là ước theo phiền não nặng hay nhẹ. Tức là lúc thấy tướng lành phát sanh, tâm thức bị động loạn, phiền não nặng thêm, nhiều thứ gây trở ngại chẳng có lợi cho Định tâm thì [cảnh lành ấy] chắc chắn do ma biến hiện. Nếu thấy tướng lành hiện ra, tuy chưa chứng Thiền Định mà thân tâm sáng suốt, an tịnh, thiện niệm dấy lên, phiền não nhẹ mỏng, hoặc tam-muội khai thông, thân tâm vui sướng, trong ngoài an ổn, khí sắc tươi nhuận, phiền não vắng lặng, công đức vòi vọi, đấy chính là tướng được phát khởi bởi thiện căn.

Nếu tà chánh chẳng hiểu rõ, hãy nên dùng hai pháp để đối trị:

1) Một là Chỉ pháp, tức là thâm nhập tam-muội, nhất tâm niệm Phật. Đối với tướng hiện ra, biết là hư dối, chỉ giữ tâm bình tĩnh trụ trong Định, chẳng chấp lấy, chẳng buông bỏ. Lúc lắng lòng, lặng lẽ chẳng khởi phân biệt như thế, nếu là thánh cảnh thì Định lực càng sâu, tướng lành sẽ đúng với pháp. Nếu là cảnh ma, chẳng lâu sau tướng được biến hiện ấy sẽ tự mất. Nếu nó có dấy lên thì cũng chẳng đúng với pháp.

2) Hai là Quán pháp, tức là quán Chân Không pháp giới, niệm Pháp Thân Phật giống như hư không để suy nghiệm tướng đã biến hiện ấy, chẳng thấy chỗ sanh. Vì tướng không tịch nên tâm niệm cũng tịch, biết Ma Giới Như chính là Phật Giới Như, lìa ngoài Chân Như sẽ không có một pháp tướng nào. Quán niệm như thế, Phật pháp tự sẽ hiện tiền, ma cảnh tự nhiên tiêu diệt.

Nhưng niệm Phật mà gặp ma cũng là trong một vạn trường hợp mới có được một! Ấy là vì người tu Tịnh nghiệp trọn đủ ba thứ lực: Một là niệm lực, hai là bổn hữu Phật tánh lực (sức của Phật tánh sẵn có trong tự tâm), ba là Phật nhiếp thủ lực (sức nhiếp thủ của Phật) thì làm sao tà ma có dịp nhiễu hại? Do vậy, kinh Xưng Dương Công Ðức Chư Phật dạy rằng: “Nếu có ai được nghe danh hiệu A Di Ðà thì A Di Ðà Phật liền ở ngay trước mặt người đó, ma chẳng thể phá hoại tâm Chánh Giác của người ấy được”. Vì thế chỉ nên nhất tâm niệm Phật, đừng ngờ vực, lo lắng gì!

Từ chữ “nói nhất định” trở đi chính là lời giải đáp cho câu cật vấn. Do gạn rằng: “Như Lai là không từ đâu đến, cũng không đi về đâu, làm sao có Phật hiện tiền?” nên ở đây nói chung rằng: Do có hai ý nên chắc chắn thấy Phật.

1) Một là ước theo Tha Phật. Nghĩa là Pháp Thân chân Phật vốn không sanh diệt, do từ Chân mà khởi lên sự ứng hiện nên đến đi chẳng trở ngại gì! Do vậy, tâm tịnh Phật hiện, tâm nhơ Phật diệt. Ví như nước trong lặng, trăng liền hiện bóng; nước đục, ánh trăng liền mất.

2) Hai là ước theo Tự Phật (Phật ở trong tự tâm của chính mình), tức là đức Phật trong cái tâm Bổn Giác vốn chẳng đến đi, chỉ do giác hay không giác [mà nhận biết đức Phật ấy], hiện ra hay mất đi chẳng trở ngại gì. Do vậy, hễ tâm mê thì Phật ẩn, tâm ngộ thì Phật hiển hiện. Ví như gương đóng bụi thì tối tăm, gương sạch bèn tỏa sáng.

Từ chữ “đoạn này” trở đi cũng nhằm giải thích điều nghi. Gạn rằng: “Hai thứ thí dụ trong phần trước đều hàm ý Như Lai niệm chúng sanh, [trong thí dụ này] sao chẳng nhắc đến chuyện Phật niệm [chúng sanh] vậy?’ Bởi vậy, giải đáp rằng: Do chúng sanh chẳng có tín nguyện nên ở đây đôi ba lần khuyên lơn [chúng sanh niệm Phật], còn Phật nghĩ tới chúng sanh chính là do Phật tự nguyện, cần gì phải nói tới nữa!
---o0o---

2.5.2.1.2.2.2. Chứng quả
Gồm hai phần:

- Thuyết pháp

- Dùng thí dụ để giảng rõ
---o0o---

2.5.2.1.2.2.2.1. Thuyết pháp
Chánh kinh:

Khứ Phật bất viễn, bất giả phương tiện, tự đắc tâm khai.

(Cách Phật chẳng xa, chẳng cần phương tiện, tâm tự được mở mang)


Sớ: Câu thứ nhất tóm ý tu nhân đã nói trong phần trên. Câu thứ hai giảng rõ về quả tướng (tướng trạng của cái quả do tu nhân) vậy.

Bất viễn” (chẳng xa): [Gồm hai cái thấy]:

1) Nếu hiện tiền thấy Phật thì đối với Sự niệm (niệm Phật theo mặt Sự) sẽ thấy Tha Phật, trước hết thấy đức Phật bằng cái thân sắc tướng, sau đấy thấy được đức Phật thật sự nơi Pháp Thân. Nếu là Lý niệm sẽ thấy Tự Phật (đức Phật ở trong tự tâm của chính mình), trước hết sẽ thấy Phật bằng Phần Chứng Giác, sau đấy thấy được Phật bằng Cứu Cánh Giác (sự giác ngộ rốt ráo).

2) Nếu là tương lai thấy Phật thì đối với Sự niệm sẽ thấy Tha Phật, tức là trước hết thấy Hóa Thân Phật rồi sau đấy sẽ thấy Báo Thân Phật. Nếu là Lý niệm sẽ thấy Tự Phật, trước hết thấy được Bổn Giác Phật, sau đấy thấy Diệu Giác Phật. Do vậy, nói: “Khứ Phật bất viễn” (Cách Phật chẳng xa).

Bất giả phương tiện” (Chẳng cần tới phương tiện): Nếu ước theo Sự thì pháp môn Niệm Phật là phương tiện thù thắng, dễ dàng, chẳng cần phải nhờ đến phương tiện nào khác để giúp hiển lộ bổn tánh của chính mình. Nếu ước theo Lý, niệm Phật chính là niệm tâm. Tâm và Phật không khác, ta lẫn người chẳng hai. Há có cần rời lìa đức Phật chỉ ở ngay trong tự tâm để cậy vào đức Phật nào khác ở ngoài tâm nữa hòng làm phương tiện hay sao?

Tự đắc tâm khai” (tâm tự được mở mang) là do tâm niệm Phật mà nhập tri kiến của Phật, viên mãn Bồ Đề, trở về vô sở đắc. Xét theo mặt Sự thì là thành tựu, chứng đắc Phật quả. Xét theo Lý thì chính là giác thể viên mãn hiển lộ. Ấy gọi là “chỉ thấy Phật Di Ðà, lo chi chẳng khai ngộ?”



Sao: Từ chữ “câu thứ nhất” trở đi là phần nêu vấn đề sơ lược. Từ chữ “chẳng xa” trở đi là phần giải thích chữ “hiện tiền” v.v...

Gạn rằng: Ở trên đã nói “thấy Phật”, nay sao lại nói “cách Phật chẳng xa?” Do vậy, ở đây bèn giải thích: “Thấy Phật” được nói trong đoạn trước chỉ là phần sắc tướng được hóa hiện (Hóa Thân) từ Bổn (Pháp Thân); còn “cách Phật” được nói trong đoạn này chính là Pháp Thân rốt ráo và Báo Thân mầu nhiệm nên ý nghĩa chẳng bị mâu thuẫn. Cũng có thể giải thích như sau: Do thấy Phật nên chúng sanh và Phật ở cùng một chỗ, ví như hình với bóng chẳng hề tách rời, mâu thuẫn nhau.

---o0o---

2.5.2.1.2.2.2.2. Dùng thí dụ để giảng rõ
Chánh kinh:

Như nhiễm hương nhân, thân hữu hương khí. Thử tắc danh viết Hương Quang Trang Nghiêm.

(Như người nhiễm hương, thân có mùi thơm. Đấy gọi là Hương Quang Trang Nghiêm).



Sớ: Hai câu đầu nêu thí dụ. Trong phần Pháp [vừa được nói trong đoạn trên đây] thì do thân gần gũi với thân Phật, tâm sẽ được mở mang, phát khởi thành tâm của Phật. [Trong đoạn này, lại đem phần Pháp] hợp với phần Dụ “người được thấm đượm hương thì thân cũng có mùi thơm”. Hai câu kế đó là nêu tên [của tam-muội và pháp môn], tức là dùng hương quang (mùi thơm và ánh sáng) nơi Pháp Thân của Như Lai để trang nghiêm Bổn Giác Như Lai trong tự tâm. Như kinh Hoa Nghiêm dùng Chiên Đàn, trầm thủy hương v.v... để sánh ví Bồ Đề tâm; nay kinh này cũng dùng những loại danh hương của trời người để sánh ví hương thơm công đức nơi Pháp Thân của Như Lai vậy.
Sao: Từ chữ “trong phần Pháp” trở đi, nếu ước theo Pháp mà nói thì do sử dụng loại danh hương Niệm Phật, gần gũi với thân hương của Phật, nên khơi mở được tâm hương của Phật. [Trong phẩm Nhập Pháp Giới của kinh Hoa Nghiêm], Chúc Hương trưởng giả nói tới loại hương “phát tâm niệm Phật” chính là nhằm diễn tả ý này.

Từ chữ “hợp với phần Dụ” trở đi là như luận Khởi Tín đã nói: “Như y phục của thế gian quả thật không có mùi thơm. Nếu người ta dùng hương để xông ướp liền có mùi thơm. Vô minh nhiễm pháp quả thật không tịnh nghiệp, chỉ dùng Chân Như để xông ướp thì sẽ có tịnh dụng (tác dụng thanh tịnh)”. Vô minh nhiễm hương chính là Bổn Giác Phật sẵn có trong cái tâm bị ẩn giấu trong cái vỏ vô minh. Luận ấy (tức luận Khởi Tín) bàn về Như Lai Tạng tâm còn đang bị phiền não vây bủa; nay kinh này nêu thí dụ để chỉ cho Như Lai Tạng tâm đã thoát khỏi triền phược, nên nói là “tâm khai”, tức là do tâm mở mang nên thành Phật bởi đã gần với Phật vậy. Như thân sạch sẽ trở thành thơm tho là vì dùng hương bôi lên. Nếu dựa theo Tướng tông để phán định thì nên nói như sau: Niệm Phật là pháp Có, do tâm Phật được mở mang. Luận về Nhân thì nói “cách Phật chẳng xa”; giống như trong thí dụ người nhiễm hương52. [Tương tự], hương và người là pháp Có, thân có hương quang trang nghiêm. Luận về Nhân thì nói “nhiễm hương”, về phần Dụ thì giống như trong đoạn “nói về người niệm Phật”.

Hai câu kế đó là nêu tên” chính là nêu tên của tam-muội, đây cũng là tên của pháp môn. Từ chữ “như kinh Hoa Nghiêm” trở đi là như trong quyển bảy mươi tám của kinh ấy có nói:

Như hương Bạch Chiên Đàn nếu dùng để bôi thân sẽ trừ được nhiệt não, khiến cho được thanh lương; Bồ đề tâm hương có thể trừ nhiệt não tham, sân, si v.v... khiến cho đầy đủ trí huệ thanh lương.



Lại như hương Hắc Chiên Đàn cõi trời, nếu đốt một thù53 sẽ xông khắp ngàn cõi; một niệm công đức của Bồ Đề tâm hương xông khắp pháp giới.

Lại như Chuyển Luân vương có món báu trầm hương tên là Tượng Tạng, nếu đốt hương này, bốn loại binh của vua đều bay lên không; Bồ Đề tâm hương nếu vừa được phát khởi sẽ khiến cho hết thảy thiện căn [được phát sanh], mãi mãi lìa khỏi ba cõi.

Lại như cây Ba Lợi Chất Đa La54, hết thảy hoa hương chẳng thể sánh bằng mùi hương của vỏ cây ấy; cây Bồ Đề tâm phát ra mùi thơm đại nguyện công đức, hết thảy ngũ phận pháp hương của Nhị Thừa đều chẳng sánh bằng.

Lại như đem hoa Ba Lợi để xông ướp y một ngày, dẫu đem các thứ hoa như Chiêm Bặc v.v... để xông ướp ngàn năm vẫn chẳng sánh bằng! Hương công đức vô lậu của Nhị Thừa dẫu xông ướp trong trăm ngàn kiếp vẫn chẳng sánh được bằng hương công đức của Bồ Đề tâm hoa chỉ xông ướp trong một đời”.

Hương của trời người” là như kinh Hoa Nghiêm đã chép:

Trong nhân gian có loại hương tên là Tượng Tạng, do rồng đánh nhau mà sanh ra. Nếu thiêu một hoàn, trời sẽ mưa hương bảy ngày. Nếu ai đeo hương ấy [thân] liền thành sắc vàng ròng. Chúng sanh ngửi được [mùi hương ấy] sẽ vui sướng bảy ngày, chẳng có các bịnh.

Núi Ma La Da sanh ra một loại hương Chiên Đàn tên là Ngưu Ðầu, nếu bôi lên thân, lửa chẳng thể đốt được.

Trong biển có một loại hương tên là Vô Năng Thắng, nếu bôi vào ốc (tù và), trống, lúc [những thứ ấy] phát ra tiếng, địch quân đều tan vỡ.

Bên bờ ao A Na Bà Ðạt Ða sanh ra một loại Trầm Thủy hương tên là Liên Hoa Tạng; nếu thiêu một hoàn, xông khắp cõi Diêm Phù, kẻ ngửi thấy sẽ lìa tội, giới phẩm thanh tịnh.

Núi Tuyết có loại hương tên A Lô Na, nếu có ai ngửi được sẽ lìa các cấu nhiễm.

Trong cõi La Sát có loại hương tên là Hải Tạng, lúc Luân Vương đốt lên, vua cùng bốn đạo quân đều bay lên hư không.

Trong cõi trời Thiện Pháp có loại hương tên là Tịnh Trang Nghiêm. Nếu đốt một hoàn để xông sẽ khiến cho khắp mọi chư thiên tâm niệm đức Phật.

Trời Tu Dạ Ma có loại hương tên Tịnh Tạng, nếu đốt lên để xông thì Dạ Ma thiên chúng tụ họp ở chỗ thiên vương để cùng nhau nghe pháp.

Trong trời Ðâu Suất có loại hương tên là Tiên Ðà Bà, nếu đốt một hoàn, sẽ mưa khắp hết thảy các thứ vật cúng để cúng dường chư Phật, Bồ Tát.

Cõi trời Phổ Biến Hóa có loại hương tên là Ðoạt Ý, nếu thiêu một hoàn thì trong bảy ngày sẽ mưa khắp hết thảy những món đồ trang nghiêm”.

Thanh Lương Sớ Sao giải thích đoạn kinh trên như sau:

Ðầu tiên là thí dụ Bồ Đề Tâm hương, tiếp đó là Nhẫn hương, lửa sân chẳng bốc cháy. Thứ ba là Tinh Tấn hương, ma quân lui tan. Loại thứ năm cũng như loại hương kế tiếp đó chính là Ngũ Phận Pháp Thân hương và Tứ Giới hương, có thể nhận biết dễ dàng. Loại hương thứ năm chính là Định hương, đắc Ly Cấu tam-muội, loại thứ sáu là Huệ hương. Vua cùng bốn đạo binh đều bay lên không là do Huệ mà chứng Không vậy. Loại thứ bảy là Giải Thoát hương, tâm niệm nơi Phật, thoát được Ngũ Dục. Loại thứ tám là Tri Kiến hương, nhóm họp giống như mây để nghe pháp chính là tri kiến vậy. Loại thứ chín là Xứng Pháp Giới hương. Tiên Ðà Bà55 còn có tên khác là Tứ Thật. Ở đây nên hiểu [Tiên Ðà Bà] nghĩa là muối, hương giống như vậy. Loại thứ mười là hương mất hết cả Năng lẫn Sở nên gọi là Đoạt Ý”. Nay hương Pháp Thân của Phật có đủ các công đức cũng giống như thế đó.

---o0o---



2.5.2.2. Lược thuật sự tu hành của chính mình
Gồm hai phần:

1. Tự lợi

2. Lợi tha.
---o0o---

2.5.2.2.1. Tự lợi
Chánh kinh:

Ngã bổn nhân địa, dĩ niệm Phật tâm nhập Vô Sanh Nhẫn.

(Lúc con tu nhân vốn là dùng tâm niệm Phật để nhập Vô Sanh Nhẫn)


Sớ: “Bổn nhân” chính là nhân, Vô Sanh là quả. Câu kế tiếp bóc trần cái quả để phô bày cái nhân. [Bồ Tát dùng chữ] “tâm’ để thuật rõ chính mình niệm Phật chẳng dùng ý thức phân biệt để niệm mà là nhiếp trọn sáu căn, nhất tâm bất loạn để niệm. “Nhập” là chứng. “Nhẫn” là trí.

Vô Sanh”: Ước theo Lý tánh để nói thì do huệ tâm an trụ trong Lý vô sanh, nên gọi là Vô Sanh Nhẫn. Thanh Lương Sớ giảng: “Nếu ước theo Nhẫn thì lý vô sanh chính là Vô Sanh Nhẫn. Nếu ước theo trí vô sanh và phiền não chẳng sanh thì Vô Sanh chính là Nhẫn”. Vô sanh pháp tánh từ đầu đến cuối chẳng khác, nhưng chứng nhập Pháp Nhẫn thì địa vị chẳng giống nhau. Lăng Nghiêm Kinh quyển thứ ba chép: “Người ấy liền đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn”. Tín Lực Nhập Ấn Ðộ Kinh56 chép: “Pháp Vô Sanh Nhẫn chính là địa vị Quán Hỷ thanh tịnh thứ nhất, đạt được chỗ đại an ổn vô úy, tức là Bồ Tát sanh tâm như thế này: Ta đã trụ được trong Vô Sanh Nhẫn nên sanh tâm an ổn, vì làm cho người khác trụ Vô Sanh Nhẫn nên lòng được an ủi”. Nhân Vương Kinh nói: “Vô Sanh Nhẫn Bồ Tát chính là các Bồ Tát thuộc những địa vị Viễn, Bất Động, Quán Huệ”. Viễn chính là địa vị thứ bảy, tức Viễn Hành Địa (trong phẩm vị Thập Địa Bồ Tát). Bất Động chính là địa vị thứ tám, tức Bất Động địa. Quán Huệ chính là địa thứ chín, tức Thiện Huệ địa. Do vậy, biết Nhẫn bắt đầu là từ ba địa vị ấy mà tiến dần lên, đến cuối cùng là địa vị Đẳng Giác bởi lẽ ngài Thế Chí thuộc địa vị Bổ Xứ vậy.

Câu trên (tức câu “dùng tâm niệm Phật”) là tu chứng, còn câu này (tức câu “để nhập Vô Sanh Nhẫn”) chính là cái được Ngài ngộ chứng. Nghĩa là dùng tịnh niệm chân chánh trừ diệt vọng tưởng nhơ đục, tà vạy, nội tưởng chẳng khởi, ngoại cảnh tự vắng lặng, nội pháp lẫn ngoại pháp đều là Không, hết thảy vô sanh. Nhân Vương Kinh nói: “Hết thảy pháp là Không nên đắc Vô Sanh Nhẫn”. Hơn nữa, Vô Sanh Nhẫn còn gọi là Vô Diệt Nhẫn, hoặc Vô Trụ Nhẫn. Kinh Hoa Nghiêm dạy: “Vô Sanh Nhẫn là chẳng thấy có chút pháp nào sanh, mà cũng chẳng thấy chút pháp nào diệt. Vì cớ sao? Nếu vô sanh sẽ vô diệt. Nếu không sanh diệt sẽ không có trụ xứ”. Nay niệm Hóa Thân Phật, chứng đắc Không Như Lai Tạng trí thì gọi là “nhập Vô Sanh Pháp Nhẫn”. Niệm Báo Thân Phật, chứng đắc Bất Không Như Lai Tạng trí thì gọi là “nhập Vô Diệt Pháp Nhẫn”. Niệm Pháp Thân Phật, chứng đắc Không Bất Không Như Lai Tạng trí thì gọi là “nhập Vô Trụ Pháp Nhẫn”.

Ðây cũng là nêu lên một pháp để gồm thâu các pháp khác. Nếu chỉ nhẫn được Vô Sanh thì bậc thánh nhân bên Tiểu Thừa cũng có, há đủ để coi là Nhẫn sâu mầu của bậc Đẳng Giác hay sao?


Sao: “Nhiếp trọn sáu căn” là xoay ngược trở về một, sáu công dụng [của sáu căn] đều chẳng hiện hành. “Nhất tâm bất loạn” là nương vào một tạng tâm nên các niệm khác chẳng sanh. Niệm nghĩa là tâm làm chủ thể để niệm, Phật là đối tượng được niệm. Niệm bao gồm cả Năng lẫn Sở. “Nhẫn tức là trí” [ý nghĩa đã rõ rệt nên] chẳng lập lại ý tưởng trong lời Sớ.

Từ chữ “Thanh Lương Sớ” trở đi, bèn có lời Sao như sau: Vô Sanh Nhẫn có hai nghĩa:

1. Một là cùng nói về Lý lẫn Trí.

2. Hai là chỉ nói riêng về Trí.

Lại có hai nghĩa:

1. Một là trí chẳng sanh, tức Vô Phân Biệt trí, bản thể của nó không có những ý niệm suy lường.

2. Hai là phiền não chẳng sanh do vọng tưởng chẳng dấy động.

Từ chữ “Vô Sanh pháp” trở đi là phán định địa vị. Từ chữ “câu trên” trở đi, nêu duyên do đắc Nhẫn. Từ chữ “Hơn nữa, Vô Sanh Nhẫn” trở đi là ước theo nghĩa Biệt tướng để giải thích [Vô Sanh Nhẫn]. Câu “Nếu vô sanh sẽ vô diệt…” nếu nói đầy đủ sẽ như sau:

Nếu vô sanh sẽ vô diệt. Nếu vô diệt sẽ vô tận. Nếu vô tận sẽ lìa cấu, nếu lìa cấu sẽ không sai biệt. Nếu không sai biệt sẽ không có xứ sở. Nếu không có xứ sở sẽ tịch tĩnh. Nếu tịch tĩnh sẽ ly dục. Nếu ly dục sẽ vô tác. Nếu vô tác sẽ vô nguyện. Nếu vô nguyện sẽ vô trụ. Nếu vô trụ sẽ không đến không đi. Vô sanh, chẳng đến, lìa dục, vô tác, vô nguyện là Không. Vô diệt, vô tận, chẳng đi là Bất Không. Lìa cấu, vô sai biệt, không xứ sở, tịch tĩnh, vô trụ là Không Bất Không. Từ chữ “nay niệm Hóa Thân Phật’ trở đi, nếu đem phối hợp với ý trên đây sẽ hiểu được ý nghĩa.

Từ chữ “đây cũng là” trở đi là lời đáp cho câu vấn nạn. Nạn rằng: “Nếu đã có các pháp như Vô Diệt Nhẫn v.v... cớ sao chỉ nói một mình Vô Sanh Nhẫn?” Ðáp rằng: Ở đây có hai ý:

1) Một là nêu cái chung để bao gồm những cái riêng, nên chỉ nói Vô Sanh.

2) Hai là dùng cái ban đầu để kể gộp những cái về sau nên chỉ nói tới Vô Sanh, chứ thật ra đúng lý là trọn đủ các Nhẫn.

Từ chữ “nếu chỉ” trở đi cũng là lời đáp cho câu vấn nạn. Nạn rằng: Chỉ ước theo Lý của pháp Vô Sanh, chẳng bao gồm các pháp như Vô Diệt Nhẫn v.v... sẽ phạm lỗi gì? Ðáp rằng: Nhẫn của bậc Đẳng Giác thuộc về những pháp như Vô Diệt Nhẫn v.v... nên chẳng phải là nông cạn, gần gũi. Nếu [Nhẫn của bậc Đẳng Giác] chỉ là Vô Sanh thì Tiểu Thừa cũng chứng được, sao đủ để coi là sâu xa, huyền diệu!
---o0o---

2.5.2.2.2. Lợi Tha
Chánh kinh:

Kim ư thử giới, nhiếp niệm Phật nhân, quy ư Tịnh Độ.

(Nay con ở trong thế giới này nhiếp người niệm Phật quay về Tịnh Ðộ).


Sớ: “Thử giới” (cõi này) chính là thế giới Sa Bà khổ sở, “Tịnh Độ” là cõi An Dưỡng vui sướng. “Nhiếp” là gìn giữ, tiếp dẫn. Lúc còn sống thì dùng oai lực để gia trì khiến cho [người niệm Phật] chẳng lui sụt sự niệm Phật ấy. Lúc lâm chung, dùng nguyện lực tiếp dẫn cho kẻ ấy được vãng sanh. “Quy” là trở về. Cõi này là chỗ quán trọ, cõi kia là quê nhà. Ví như có người vì có việc phải đi xa, chưa quay về được, nay gặp bạn thân chỉ cho đường nẻo, mau chóng trở về quê nhà. Người nhiếp là đức Thế Chí, kẻ được nhiếp là hành nhân. Nhiếp bao gồm cả Năng lẫn Sở, ý nghĩa của chữ Quy cũng như thế. Người quay về là hành nhân, chỗ để quay về là Tịnh Độ. Quy bao gồm cả Năng lẫn Sở, đấy là pháp Niệm Phật. Có năm pháp môn để thấy được đức Phật trong năm cõi, tức là:

1) Ức tưởng ngoại cảnh niệm Phật thì sanh về cõi biến hóa (hóa độ), thấy thân biến hóa (tức Hóa Thân) của đức Phật.

2) Thâu nhiếp cảnh quy về tâm để niệm Phật thì sanh vào Liệt Thọ Dụng Độ (cõi có thân Tha Thọ Dụng bậc kém), thấy thân Thọ Dụng bậc kém của đức Phật.

3) Tâm lẫn cảnh dung thông niệm Phật sẽ sanh về cõi Thắng Thọ Dụng độ, thấy được thân Thọ Dụng thù thắng của Phật.

4) Tâm lẫn cảnh đều mất mà niệm Phật sẽ sanh vào Pháp Tánh độ, thấy thân pháp tánh của đức Phật.

5) Viên thông vô tận niệm Phật sẽ sanh về cõi pháp giới vô chướng ngại, thấy thân pháp giới vô chướng ngại của đức Phật.

Chữ “người’ [trong câu “nhiếp người quay về Tịnh Độ”] chỉ cho căn cơ. Có đủ ba diệu huệ Văn, Tư, Tu, có ba tư lương Tín, Hạnh, Nguyện thì được gọi là “người niệm Phật”.

Hỏi: Nếu làm hạnh Ngũ Nghịch, Thập Ác, nhưng cũng có đầy đủ ba món tư lương và diệu huệ thì có được sanh về cõi ấy hay chăng?

Ðáp: Tuy phạm các lầm lỗi, nhưng hễ có Tín - Nguyện - Hạnh đối với cõi Phật ấy thì cũng gọi là pháp khí; như trong Tam Bối (ba bậc vãng sanh) hoặc chín phẩm vãng sanh thì Hạ Bối Hạ Phẩm chính loại này.

Hỏi: Niệm Phật bao lâu mới được thấy Phật sanh về Tây phương?

Ðáp: Tùy theo căn cơ, chẳng nhất định! Có người trì suốt đời, hoặc có người trì trong chín mươi ngày, hoặc bốn mươi chín ngày, hoặc bảy ngày, hoặc mười ngày, hoặc mười niệm, hoặc một niệm. Chỉ cần xưng danh, ắt được thấy Phật. Huống hồ còn có bổn nguyện của Phật Di Ðà, lại được đức Thế Chí nhiếp thọ, há có kẻ niệm Phật nào mà chẳng sanh về Tây Phương ư?
Sao: “Cõi này khổ sở, Tịnh Độ vui sướng”, tức là cõi này có đủ tám nỗi khổ: Sanh thì ở trong thai ngục, tuổi già ngán ngẩm chân tay run rẩy, mắc bịnh trầm kha, chết thì đau xót bởi chia lìa, yêu thương muốn tụ họp thì lại bị chia phôi, oán ghét muốn trốn tránh mà cứ phải gặp gỡ, mong cầu hễ muốn được lại bị mất, cho đến năm Ấm lẫy lừng. Còn trong cõi Cực Lạc: Hóa sanh trong hoa sen nên không bị khổ sở khi sanh; do lạnh nóng chẳng thay đổi nên không bị khổ vì già; thân xa lìa Phần Đoạn57 nên không bị bịnh khổ; do thọ mạng vô lượng nên không khổ vì chết; không có cha, mẹ, vợ con nên không khổ sở vì yêu thương bị chia lìa; thượng thiện nhân tụ hội nên không khổ vì oán ghét mà cứ phải gặp gỡ; mong gì đều tự có nên không khổ vì cầu chẳng được; quán chiếu không tịch nên không khổ vì Ngũ Ấm lừng lẫy.

Từ Vân sám chủ nói: “Chẳng gặp Phật, chẳng nghe pháp, bạn ác buộc ràng, lũ ma não loạn, hứng chịu luân hồi, đọa trong nẻo ác, trần duyên chướng đạo, thọ mạng ngắn ngủi, tu hành lui sụt, dẫu trải nhiều kiếp như bụi trần vẫn khó thể thành tựu. Đây chính là mười sự khổ trong cõi Ta Bà. Thường thấy Phật, luôn nghe pháp, thánh hiền tụ hội, rời lìa ma sự, dứt luân hồi, không ác đạo, duyên thù thắng trợ đạo, thọ mạng vô lượng, nhập Chánh Định Tụ, hạnh viên mãn trong một đời. Ðây chính là mười thứ vui cõi An Dưỡng vậy”.

Từ “nghĩa của chữ Quy” trở đi, Thanh Lương Trinh Nguyên Sớ58 có đoạn: “Hỏi: Chẳng sanh vào Hoa Tạng mà sanh về Cực Lạc, là vì sao vậy? Ðáp: Có bốn ý:

1. Một là do có duyên. Đức Di Ðà nguyện sâu nặng, chuyên tiếp độ người Sa Bà.

2. Hai là khiến cho chúng sanh quy hướng tình thức về một mối. Nếu nói mười phương đều tốt đẹp, kẻ sơ tâm sẽ bối rối, không có chỗ để dựa nương.

3. Ba là do [Cực Lạc] chẳng rời khỏi Hoa Tạng. Cực Lạc cách đây mười vạn ức cõi, tức là thuộc tầng mười ba của Hoa Tạng thế giới, chưa ra ngoài sát chủng59.

4. Bốn là vì [A Di Đà Phật] chính là Bổn Sư [Thích Ca Mâu Ni Phật]. Kinh chép: ‘Hoặc có kẻ thấy Vô Lượng Thọ Phật được Quán Tự Tại v.v... vây quanh, đã khen ngợi đức hạnh của bổn tôn [Tỳ Lô] Giá Na như thế’. Há chẳng phải là đức Bổn Sư đã dùng tên khác để hóa độ ư? Về Sự thì là từ cõi này sanh về cõi kia, thấy đức Di Ðà ở trong Cực Lạc; nhưng trong Lý thì chỉ là bỏ cái Bất Giác, trở về với Bổn Giác, thấy tự tánh, trụ trong duy tâm!”

Hỏi: Ðã là vạn pháp duy tâm, sao lại thấy cõi này vui, cõi kia khổ? Chúng sanh và Phật có đến và đi vậy?

Ðáp: Cõi có khổ hay vui, tức là tâm tướng nhơ hay sạch. Chúng sanh có đến hay đi là do tâm mê hay ngộ. Nhơ, sạch, mê, ngộ như thế trọn chẳng rời lìa pháp giới! Cho nên nói: “Ngoài tâm không có pháp”. Kinh Lăng Già cũng dạy: “Nếu hết thảy đều là tâm, thế gian không có trụ xứ, cớ sao lại thấy đại địa, chúng sanh có đến đi? (đây là lời vấn nạn) Như chim bay (ví cho chúng sanh) trên hư không (ví cho tự tâm) tùy khả năng mà bay đi (ví như thức phân biệt. Nghĩa là trong hư không tự tâm về sau lại hiện ra chim chúng sanh. Những con chim chúng sanh ấy lại ở trong hư không tự tâm, thuận theo cái thức phân biệt mà đến đi, qua lại), không nương cũng không trụ giống như đi trên đất (nghĩa là hư không tự tâm tuy không có chỗ để nương tựa, ở, đậu, nhưng lại có thể khiến cho chim chúng sanh giống như đi trên đất bằng, dường như có chỗ để nương tựa, ở đậu). Chúng sanh cũng giống như vậy, tùy theo phân biệt hư vọng mà đi lại trong tự tâm giống như chim lượn trên hư không” (lời đáp chính là lời giải thích. Bốn câu trước là thí dụ, ba câu sau là Hợp).

Văn, Tư, Tu”: Nghe nói danh hiệu của Phật là Văn Huệ. Nhớ tưởng trong lòng là Tư Huệ, trì niệm chẳng quên là Tu Huệ. Phật Ðịa Luận chép: “Bồ Tát mang dép Tam Diệu Huệ trở về Tịnh Độ”. Giải rằng: Do Văn, Tư, Tu mà được vào Tịnh Độ, cho nên người niệm Phật cần phải trọn đủ ba Huệ.

Tín, Hạnh, Nguyện”: Nghe nói môn Niệm Phật tâm chẳng nghi ngờ thì là Tín. Tin rồi hiểu biết, dấy lòng ưa muốn thì gọi là Nguyện. Nguyện xong liền niệm, tâm siêng năng tinh tấn thì gọi là Hạnh. Kinh Di Ðà dạy: “Nếu có kẻ nào tin tưởng, hãy nên phát nguyện, chấp trì danh hiệu”.

Tuy phạm các lỗi” là như Quán Kinh Sao đã giảng: “Kẻ phàm phu sát đất trong cõi này thuộc Tà Định Tụ. Kẻ phát tâm tu hành, chưa được Bất Thoái thì thuộc Bất Định Tụ. Ðã được Bất Thoái thì thuộc Chánh Định Tụ. Nếu sanh về An Dưỡng sẽ chẳng luận cao hay thấp. Vì cớ sao vậy? Kẻ phạm tội Ngũ Nghịch, lâm chung mười niệm, được vãng sanh thì cũng được Bất Thoái, trở thành Chánh Định Tụ”. Dựa theo đây, biết là tội nhân niệm được mười niệm liền được coi là pháp khí, trái ngược với người đời, tuy hành các điều thiện nhưng đối với cõi Phật chẳng có Tín - Nguyện - Hạnh kia thì vẫn chẳng được gọi là pháp khí vậy.

Tam bối, chín phẩm”:

- Nếu phát Bồ Đề tâm, tin sâu nhân quả, chẳng hủy báng Tam Bảo, tu công đức lớn lao, chuyên niệm Di Ðà, nguyện sanh về cõi kia thì Chân Phật sẽ đến đón, ngồi trên hoa sen bảy báu, trụ Bất Thoái Chuyển, trí huệ dũng mãnh, thần thông tự tại. Đấy gọi là Thượng Bối, kiêm thêm hạnh Lợi Tha.

- Nếu phát Bồ Đề tâm, tin sâu nhân quả, chẳng hủy báng chánh pháp, tu chút công đức, chuyên niệm danh hiệu Phật, hồi hướng nguyện vãng sanh thì Hóa Phật đến đón, ngồi trong hoa sen, sanh về cõi kia, trụ Bất Thoái Chuyển, công đức trí huệ. Đây gọi là Trung Bối, chỉ có hạnh tự lợi.

- Nếu phát Bồ Đề tâm, cũng tin nhân quả, chẳng hủy báng chánh pháp, chẳng tạo tội Ngũ Nghịch, tuy không có công đức, chuyên niệm danh hiệu Phật mười tiếng hoặc một tiếng. Lúc lâm chung, mộng thấy đức Phật kia cũng được vãng sanh, công đức trí huệ. Ðây gọi là Hạ Bối.

- Chẳng khuyết hai lợi hạnh (tự lợi và lợi tha), nếu bảy ngày bảy đêm lễ niệm danh hiệu Phật, tam tâm (chí thành tâm, thâm tâm, hồi hướng tâm) sáu niệm (niệm Phật, pháp, tăng, thiên, thí, giới), đọc kinh hiểu nghĩa, tin sâu nhân quả, trì giới, lợi sanh, phát tâm phát nguyện, hồi hướng cầu vãng sanh (đây là nhân), Chân Phật cùng Hóa Phật đến đón, ngồi đài kim cang, hoa sen liền nở, thấy Phật, nghe pháp, ngộ Vô Sanh Nhẫn, chư Phật thọ ký (đây là quả). Ðấy gọi là Thượng Phẩm Thượng Sanh.

- Nếu năm ngày năm đêm, chuyên dốc lòng niệm Phật, chẳng hủy báng Tam Bảo, khéo hiểu nghĩa lý, phương hướng, tin sâu nhân quả, trì giới, hoằng pháp, phát đại tâm nguyện, hồi hướng cầu sanh (đây là nhân), chân Phật và hóa Phật đến đón, ngồi đài tử kim, qua một đêm hoa nở, thấy Phật, nghe pháp. Bảy ngày sau chẳng lui sụt Bồ Đề. Trong một tiểu kiếp, đắc Nhẫn, được Phật thọ ký (đấy là quả). Ðây gọi là Thượng Phẩm Trung Sanh.

- Nếu bảy ngày hoặc năm đêm, chí tâm niệm Phật, chẳng hủy báng Tam Bảo, tin sâu nhân quả, trì giới, lợi sanh, phát đại đạo tâm, hồi hướng cầu vãng sanh (đây là nhân), Chân Phật cùng Hóa Phật đến đón, ngồi tòa sen vàng, qua một ngày một đêm hoa nở, trong vòng bảy ngày sẽ thấy Phật, hai mươi mốt ngày sau được nghe pháp. Sau ba tiểu kiếp mới trụ Hoan Hỷ địa (đấy là quả). Ðây gọi là Thượng Phẩm Hạ Sanh.

Ba phẩm như thế thuộc về Thượng Bối như đã nói trong phần trên, đều kiêm hạnh lợi tha.

- Nếu ba ngày ba đêm, lễ niệm danh hiệu Phật, giữ các trai giới, phát tâm, phát nguyện, hồi hướng cầu vãng sanh (đây là nhân), Chân Phật đến tiếp dẫn, ngồi đài hoa sen, vãng sanh Tịnh Độ. Hoa sen liền nở, nghe pháp Tứ Đế, đắc quả La Hán (đấy là quả). Ðây gọi là Trung Phẩm Thượng Sanh.

- Nếu một ngày một đêm, xưng niệm Di Ðà, giữ tám giới hay mười giới, phát tâm, phát nguyện, hồi hướng cầu vãng sanh (đây là nhân), Chân Phật đến tiếp dẫn, ngồi trên hoa sen bảy báu. Qua bảy ngày hoa nở, đắc quả Tu Ðà Hoàn. Sau nửa kiếp mới thành quả La Hán (đấy là quả). Ðây gọi là Trung Phẩm Trung Sanh vậy.

- Nếu một ngày một đêm chuyên dốc lòng niệm Phật, hiếu dưỡng, nhân từ, lâm chung gặp thiện tri thức chỉ bày pháp môn Tịnh Độ (đây là nhân), mạng hết liền ngồi trên hoa sen sanh sang cõi kia. Bảy ngày sau nghe pháp, đắc quả Tu Đà Hoàn. Qua một tiểu kiếp, thành A La Hán (đấy là quả). Ðây gọi là Trung Phẩm Hạ Sanh.

Ba phẩm như thế thuộc về Trung Bối đã nói trong phần trước, chỉ làm hạnh tự lợi.

- Nếu chẳng báng chánh pháp, cũng làm các điều ác, lúc mạng chung nghe tên kinh, xưng niệm Di Ðà, cho đến nửa ngày hoặc nửa đêm (đây là nhân), Hóa Phật đến tiếp dẫn, ngồi trên hoa sen báu, qua bốn mươi chín ngày hoa nở, nghe pháp, phát tâm Bồ Đề, qua mười tiểu kiếp được nhập Sơ Ðịa (đấy là quả). Ðây gọi là Hạ Phẩm Thượng Sanh.

- Nếu phá giới, trộm cắp, nhưng chẳng báng Tam Bảo, lúc lâm chung nghe pháp Tịnh Độ, xưng niệm danh hiệu Phật qua một thời một khắc (đây là nhân), Hóa Phật đến tiếp dẫn, ngồi trên hoa sen, qua sáu kiếp sau hoa sen mới nở, nghe pháp, phát tâm (đấy là quả). Đây gọi là Hạ Phẩm Trung Sanh vậy.

- Nếu tạo Ngũ Nghịch, Thập Ác, cũng chẳng báng chánh pháp, lâm chung nghe biết Phật, chí tâm mười niệm thậm chí một niệm (đây là nhân), lâm chung thấy hoa sen vàng. Trọn hết mười hai đại kiếp, hoa sen mới nở, nghe pháp Thật Tướng, phát tâm vô thượng (đấy là quả). Ðây gọi là Hạ Phẩm Hạ Sanh.

Ba phẩm như vậy thuộc về Hạ Bối như trong phần trên đã nói, không có hai lợi hạnh.

Hỏi: Kinh Ðại Bổn nói: “Chỉ trừ Ngũ Nghịch”, Quán kinh nói: “Ngũ nghịch được vãng sanh”. Hai nghĩa ấy như thế nào?

Ðáp: Kinh Ðại Bổn nói: “Chỉ trừ Ngũ Nghịch, phỉ báng chánh pháp” cho nên biết là nếu đã phạm tội Ngũ Nghịch lại còn kèm thêm báng pháp thì bị loại ra. Nếu chẳng kèm thêm báng pháp thì cũng chưa bị loại trừ. Bởi lẽ, hễ báng thì chẳng tin, chẳng tin sẽ chẳng vãng sanh; tức là: “Hễ nghi, hoa chẳng nở”. Quán Kinh chỉ nói Ngũ Nghịch, chẳng nói tới báng pháp nên biết là tuy phạm đủ tội Ngũ Nghịch, nhưng chẳng báng pháp ắt vẫn nhất định được vãng sanh. Nếu như kiêm cả báng pháp thì cũng chẳng được vãng sanh. Ấy là vì hễ tin thì không báng, chẳng báng thì hoa nở. Như câu nói: “Tin thì quyết định được sanh” chính là ý này vậy. “Hạ bối, hạ phẩm” là nói hạ phẩm trong Hạ Bối, chẳng phải là Thượng hay Trung.

Hỏi: Đối với Tam Bối, kinh Ðại Bổn thuần nêu thiện hạnh, chẳng nhắc tới kẻ ác, chỉ bằng với sáu phẩm trước trong Quán kinh, cớ sao nay lại đem Hạ Bối ghép với Hạ Phẩm?

Ðáp: Có ba ý:

1) Một là ước theo hạnh, nhân, thiện, ác tuy khác, nhưng địa vị, thứ tự trong Bối và Phẩm đều giống nhau (ba lần ba là chín). Nay ở đây chỉ xét về địa vị, chẳng xét tới hạnh.

2) Hai là Hạ Bối và Hạ Phẩm có hạnh mười niệm giống nhau.

3) Ba là Ngũ Nghịch, Thập Ác nhưng chẳng báng pháp thì cũng kể như người lành trong Hạ Bối vậy. Kinh Ðại Bổn dạy: “Ðịa ngục, ngạ quỉ, súc sanh cũng sanh trong cõi ta”. Ðọa địa ngục chẳng phải là kẻ Ngũ Nghịch hay sao? Nếu chẳng gộp vào Hạ Bối thì nên đặt trong bối nào?

Trì suốt đời” là như kinh Ðại Bổn dạy: “Một mực chuyên niệm Vô Lượng Thọ Phật” nên biết là trì suốt đời. “Chín mươi ngày” là như kinh Bát Châu Tam Muội nói: “Trong chín mươi ngày, thường đi, thường đứng, nhất tâm hệ niệm, ở trong tam-muội, được thấy Di Ðà”. Kinh Văn Thù Bát Nhã nói: “Trong chín mươi ngày, ngồi ngay ngắn hướng về phương Tây, chuyên niệm đức Phật, liền thành tam-muội”. “Bốn mươi chín ngày” là như trong kinh Ðại Tập dạy: “Nếu chuyên niệm Phật tới bốn mươi chín ngày, thân hiện tại sẽ thấy Phật”. “Bảy ngày” là như trong kinh Di Ðà và Quán Kinh đều nói một ngày cho đến bảy ngày liền được vãng sanh. “Mười ngày” là như kinh Cổ Âm Vương nói: “Thọ trì Phật hiệu mười ngày mười đêm, trừ bỏ tán loạn, ắt được thấy Phật”. Kinh Ðại Bổn nói: “Nhất tâm thường niệm, mười ngày đêm chẳng dứt, khi mạng chung ắt được sanh về cõi ta”. “Một ngày” là như kinh Ðại Bổn nói: “Nhất tâm hệ niệm nơi ta, dẫu chỉ một ngày đêm chẳng dứt, ắt sanh về cõi ta”. “Mười niệm” là như Quán kinh nói: “Người bị sự khổ bức bách, chẳng thể niệm Phật, xưng danh hiệu Phật mười tiếng liền được vãng sanh”. “Một niệm” là như kinh Ðại Bổn nói: “Tin ưa, chẳng ngờ vực, thậm chí một niệm, niệm đức Phật ấy, cũng được vãng sanh”.

Hỏi: Vì sao niệm đức Phật ấy một niệm mà cũng được vãng sanh cõi nước ấy? Một câu Di Ðà có thể diệt tội trong tám mươi ức kiếp sanh tử ư?

Ðáp: Nhất tâm niệm rõ ràng, vọng tưởng chất chứa liền mau chóng tan biến. Ví như một ngọn đèn tiêu diệt bóng tối ngàn năm trong nhà; một ngọn lửa có thể thiêu cháy trăm cỗ xe củi. Huống là nương theo bổn nguyện công đức của Như Lai, há có thể nghĩ bàn được sao? Do vậy, kinh Pháp Hoa nói: “Xưng nam-mô Phật một tiếng, đều được thành Phật đạo”. Kinh Phật Danh nói: “Nghe danh hiệu Phật một lần, diệt tội trong vô lượng kiếp sanh tử”. Kinh Ðại Bi nói: “Một lần xưng danh Phật thì do thiện căn ấy sẽ nhập cõi Niết Bàn chẳng thể cùng tận”. Ðại Trang Nghiêm Kinh Luận chép: “Trong thời đức Phật tại thế, một ông già đến xin xuất gia, các vị như Xá Lợi Phất v.v… đều chẳng ưng thuận thế độ, do quán thấy ông ta trong nhiều kiếp chẳng có căn lành. Đức Phật tự độ ông ta, liền chứng đạo quả. Nhân đấy, bảo đại chúng: ‘Trong vô lượng kiếp trước, ông này làm người đẵn củi, bị mãnh hổ đuổi riết, quá hoảng hốt trèo lên cây, xưng ‘nam-mô Phật’. Do bởi căn lành ấy nên gặp ta liền đắc độ”.

Từ chữ “huống hồ còn có” trở đi: Trong đoạn trên là nói về tự lực, còn câu này nói về tha lực. Tự lực lại có hai thứ: Một là do sức xưng niệm đức Phật lực ấy giống như buồm và bánh lái. Hai là sức Phật tánh vốn sẵn có giống như thuyền bè. Tha lực tức là sức nhiếp thủ của Phật nguyện giống như thuận gió. Ba sự cùng trọn đủ, chắc chắn sanh về Tịnh Độ.

Hỏi: Phật liền tự đến tiếp dẫn, sao lại phải nhọc công bao nhiêu Hóa Phật đưa tay tiếp dẫn nữa?

Ðáp: Điều này nhằm hiển thị công hạnh người ấy sâu hay cạn. Như ngài Thiện Ðạo, một ngàn câu niệm liền phóng ra ngàn tia sáng, ngài Thiếu Khang niệm mười tiếng bay ra mười đức Phật. Trong kinh Hoa Nghiêm, Ly Cấu Tràng Bồ Tát nói kệ rằng: “Dùng Phật làm cảnh giới, chuyên niệm chẳng buông bỏ, người này được thấy Phật, số ấy bằng với tâm”.
---o0o---

2.5.3. Kết luận để đáp câu hỏi về pháp Viên Thông:
Chánh kinh:

Phật vấn viên thông, ngã vô tuyển trạch, đô nhiếp lục căn, tịnh niệm tương kế, đắc tam-ma-địa, tư vi đệ nhất.

(Phật hỏi pháp nào viên thông, con chẳng chọn lựa. Nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối, đắc Tam Ma Ðịa, đấy là bậc nhất.)


Sớ: Câu đầu tiên nhắc lại lời hỏi. Bao hàm các thứ mầu nhiệm gọi là Viên. Vào khắp các cõi gọi là Thông. Lại bao gồm chung muôn sự hóa độ, chẳng đình trệ một chỗ, gọi là Viên. Gộp chung hết thảy chúng sanh, chẳng có gián đoạn, cách ngăn thì gọi là Thông. Năm câu kế dùng để kết luận lời đáp. Từ chữ “con chẳng” trở đi là nêu bổn nhân (nhân địa của chính mình). Trước hết là sự tu nhân.

Vô tuyển trạch” (Không chọn lựa):

1. Một là sự chọn lựa của ngài Thế Chí chẳng phải là pháp tu Nhãn Căn của ngài A Na Luật60, không sanh khởi ý chọn lựa.

2. Hai là phía ngoài chẳng chọn lấy tướng của sáu căn (hai tướng trong sạch và thù thắng của các căn), trong chẳng chọn lấy tánh của sáu căn (tánh thấy, nghe, hay biết).

Đô nhiếp lục căn” (Nhiếp trọn sáu căn) là để đối ứng ý trên, cũng có hai nghĩa:

1. Một là mắt chẳng chấp vào Sắc, cho đến ý chẳng duyên nơi Pháp.

2. Hai là chỉ y vào một tâm tinh minh61, công dụng của sáu căn chẳng hiện hành.

Các niệm khác chẳng sanh thì gọi là Tịnh bởi lẽ niệm mà vô niệm. Nhất tâm buộc ý nơi Phật thì gọi là Niệm vì vô niệm mà niệm vậy. “Tuơng kế” (Tiếp nối): Nếu nói về Sự thì là ức niệm chẳng ngơi, về Lý thì là chiếu soi trọn vẹn không gián đoạn.

Từ chữ “đắc Tam-ma-địa” trở đi là chứng quả. Tiếng Phạn “Tam-ma-địa” (Samādhi) được cõi này dịch là Ðẳng Chí. Ðẳng tức là cân bằng, không hôn trầm hay lao chao; Chí là đạt đến, tức đạt đến Định thù thắng vậy. [Tam-ma-địa] còn dịch là Ðẳng Trì, tức là giữ cái tâm bình đẳng hướng đến một cảnh. Tuy thông với nhân quả, nhưng điều này cũng chứa đựng một nghĩa là “công dụng thuần thục” cho nên gọi là “đắc”. Về Sự là thành tựu Niệm Phật tam-muội, về Lý là hiển thị bổn tánh Như Lai. Câu “tư vi” (đấy là) chính là lời khen ngợi sự thù thắng.

Hỏi: Kinh Ðại Bổn Di Ðà nói: “Cực Lạc thanh tịnh chỉ kém Nê Hoàn62”. Nay trong phần chọn lựa Viên Thông của kinh này, ngài Thế Chí chọn pháp Niệm Phật, sau đó ngài Quán Âm lại chọn pháp Phản Văn thì làm sao gọi là đệ nhất được?

Ðáp: Xét theo kinh Lăng Nghiêm, có ba ý:

1. Một là vì đức Văn Thù nói tới tánh của niệm là sanh diệt, nhân quả chiêu cảm khác nhau nên là đệ nhị; còn ngài Thế Chí nói tới “nhất tâm tịnh niệm, thấy tự Phật (đức Phật trong tự tánh) ngay trong hiện tại” nên là đệ nhất.

2. Hai là A Nan dõi theo âm thanh nên Phản Văn xứng hợp căn cơ của đương nhân (tức ngài A Nan) trong pháp hội Lăng Nghiêm; còn pháp Niệm Phật chẳng dành cho căn cơ của đương nhân trong pháp hội. Do nhìn từ phương diện thánh tánh thì hai pháp đều không, trở về nguồn cội, hai pháp này chẳng hai, cho nên đức Phật khen ngợi [pháp Viên Thông của] Quán Âm và Thế Chí đều không hơn kém.

3. Ba là do giáo thể của phương này trọng tại sự nghe âm thanh nên [ngài Văn Thù] chọn pháp Nhĩ Căn Viên Thông. Do vậy, nếu xét theo căn cơ của phương này, pháp Viên Thông của ngài Thế Chí ở bậc thứ, nhưng đối với pháp môn trong mười phương, Niệm Phật lại là bậc nhất. Bởi vậy, đối với căn cơ trong mười phương thì pháp Niệm Phật viên thông bằng với pháp Viên Thông của đức Quán Âm.

Ước theo pháp môn Niệm Phật, nếu là dùng Sự niệm để niệm Tha Phật nhằm giúp hiển lộ đức Phật trong tánh Bổn Giác thì thua kém Nê Hoàn, khác với Quán Âm. Chứ nếu dùng Lý niệm để niệm Tự Phật, hiển lộ trực tiếp đức Phật trong cái tâm Niết Bàn thì bằng với Nê Hoàn, giống như Quán Âm vậy. Nói: “Bất giả phương tiện, tực đắc tâm khai” (Chẳng nhọc phương tiện, tâm tự được mở mang) chính là nhằm diễn tả ý này. Pháp môn Niệm Phật như thế chẳng gọi là đệ nhất, thì gọi là gì? Người tu tâm cớ sao lại coi thường nó vậy?
Sao: “Nhắc lại lời hỏi”: Kinh Lăng Nghiêm quyển năm chép [lời Phật hỏi đại chúng]: “Ta nay hỏi các ông lúc phát tâm ban đầu, ngộ mười tám giới63, những gì là viên thông? Từ phương tiện nào nhập tam-ma-địa?” nên ở đây nhắc lại [câu hỏi ấy] bằng cách nói “Phật hỏi pháp nào Viên Thông”. Từ chữ “bao hàm” trở đi, ước theo nghĩa bao trùm, trọn khắp để giải thích chữ Viên Thông. Từ chữ “lại” trở đi, ước theo phương diện nhiếp thủ chúng sanh để giải thích chữ Viên Thông. Hơn nữa, do nhiều môn vào trong một môn, một môn chứa đựng nhiều môn nên gọi là Viên. Như hạt châu treo trên không, chiếu ra năm màu. Một nhập nhiều môn, nhiều môn chứa đựng trong một nên gọi là Thông, như suối chảy ngầm, xoi thủng mười phương.

Từ chữ “nhiếp trọn các căn” trở đi thì Phật là năng nhiếp (tức dùng danh hiệu Phật để thâu nhiếp các căn), Căn là sở nhiếp (cái được thâu nhiếp bởi danh hiệu Phật). Lời Sớ giải thích chữ “nhiếp” bao gồm hai nghĩa. Trong hai nghĩa ấy, nghĩa trước dựa theo Sự niệm, nghĩa sau dựa theo Lý niệm. Hai nghĩa “không chọn lựa” được nói trong đoạn Sớ trước đó cũng dựa theo cách phán định ở đây để hiểu.

Từ chữ “Ðẳng Chí” trở đi: Viên Giác Sớ64 dịch chữ Tam-ma-địa là Ðẳng Chí. “Ðẳng” tức là bình đẳng trụ trì (gìn giữ bình đẳng), cùng xa lìa hai thứ hôn trầm và lao chao. “Chí” là có thể đạt đến Định thù thắng và đạt đến địa vị thù thắng. Từ chữ “Ðẳng Trì” trở đi là lời giải thích [ý nghĩa chữ Tam-ma-địa] theo Hội Huyền Ký65: Xét về Sự thì thành Đẳng Chí, xét theo Lý thời thành Đẳng Trì, cho nên lập ra hai nghĩa ấy.

Từ chữ “Hỏi” trở xuống là đáp lời gạn. Sư Huệ Giác nói: “Nếu có kẻ nói Tịnh Độ là phương tiện quyền biến của thánh nhân nhằm tiếp độ kẻ độn căn, hóa độ căn khí phàm phu. Nếu vượt lên, vào thẳng địa vị Như Lai, cần gì phải nhờ vào sức bên ngoài? Ðáp rằng: Các vị Bồ Tát Mã Minh, Long Thọ, Thiên Thân v.v... đều phát nguyện vãng sanh, hết thảy các vị ấy có phải là độn căn hay chăng? Trong kinh Ðại Bảo Tích, đức Phật Thích Ca khuyên phụ vương Tịnh Phạn và sáu vạn người họ Thích đều cầu sanh về Tịnh Độ, há có phải hết thảy bọn họ đều là căn khí phàm phu hay chăng? Một phen khởi tâm niệm Phật liền thấy tánh thành Phật, há chẳng phải là một phen siêu việt, trực nhập hay chăng?” Thanh Thảo Ðường thân sau làm Tăng Lỗ Công, Giới Thiền Sư thân sau làm Tô Ðông Pha, thân sau của Chân Như Triết Công66 nhiều nỗi sầu khổ, thân sau của Thái Bình cổ lão đắm trong phú quý, thiền sư Hải Ấn Tín sanh làm con gái nhà Châu Phòng Ngự, há còn có thể một gậy tự lực được chăng? Nếu coi pháp môn này là Quyền thì cái gì mới là Thật? Kẻ khinh rẻ pháp Niệm Phật chẳng thể không cẩn thận vậy thay!

Từ chữ “nếu là” trở xuống là kết luận những điều đã được trình bày trong lời Sớ. Nếu nói do một môn Niệm Phật sanh ra pháp thế gian lẫn pháp xuất thế gian thì:

1. Vì Ngũ Dục phát tâm niệm Phật thì là địa ngục giới.

2. Vì danh lợi phát tâm niệm Phật là ngạ quỷ giới.

3. Vì quyến thuộc phát tâm niệm Phật là súc sanh giới.

4. Vì trỗi vượt người khác liền phát tâm niệm Phật là Tu-la giới.

5. Vì sợ ác đạo nên phát tâm niệm Phật là nhân pháp giới.

6. Vì cầu sự vui cõi trời nên phát tâm niệm Phật là thiên pháp giới.

7. Thích sự vui Niết Bàn phát tâm niệm Phật là Thanh Văn giới.

8. Vì hâm mộ Vô Sanh nên phát tâm niệm Phật là Duyên Giác giới.

9. Vì muốn độ người nên phát tâm niệm Phật là Bồ Tát giới.

10. Vì mong thành Phật nên phát tâm niệm Phật là Phật pháp giới.

11. Vững lòng niệm Phật là Địa đại.

12. Tâm vui mừng niệm Phật là Thủy đại.

13. Tâm thành thục niệm Phật là Hỏa đại.

14. Tâm siêng năng niệm Phật là Phong đại.

15. Trống lòng niệm Phật là Không đại.

16. Tâm linh thông niệm Phật là Căn đại.

17. Tưởng tâm niệm Phật là Thức đại.

18. Niệm Phật xoay chuyển được cái Nhìn là Nhãn căn.

19. Niệm Phật xoay chuyển cái Nghe là Nhĩ căn.

20. Niệm Phật chuyển cái Ngửi là Tỵ căn.

21. Niệm Phật xoay lại cái Nếm là Thiệt căn.

22. Niệm Phật thâu nhiếp sự cảm nhận là Thân căn.

23. Niệm Phật xoay ngược cái Biết là Ý căn.

24. Niệm Phật quán tượng là Sắc trần.

25. Niệm Phật nghe danh hiệu là Thanh trần.

26. Niệm Phật nhiễm hương là Hương trần.

27. Niệm Phật có mùi vị là Vị trần.

28. Niệm Phật được trang nghiêm bởi ánh sáng là Xúc trần.

29. Niệm Phật quán tưởng là Pháp trần.

30. Nhãn căn chẳng phân biệt Sắc là Nhãn thức niệm Phật.

31. Tai chẳng phân biệt Thanh là Nhĩ thức niệm Phật.

32. Mũi chẳng phân biệt Hương là Tỵ thức niệm Phật.

33. Lưỡi chẳng phân biệt Vị là Thiệt thức niệm Phật.

34. Thân chẳng phân biệt Xúc là Thân thức niệm Phật.

35. Ý chẳng phân biệt Pháp là Ý thức niệm Phật.

36. Sợ sanh tử khổ là Khổ Đế niệm Phật.

37. Dứt các Hoặc nghiệp là Tập Đế niệm Phật.

38. Tu Giới Định Huệ là Đạo Đế niệm Phật.

39. Chứng Lý tịch diệt là Diệt Đế niệm Phật.

40. Phiền não chẳng sanh là Vô Minh duyên niệm Phật.

41. Chẳng tạo các nghiệp là Hành duyên niệm Phật.

42. Chẳng nương gá vào thai mẹ là Thức duyên niệm Phật.

43. Sắc, tâm đoạn diệt là Danh Sắc duyên niệm Phật.

44. Các căn đều nguội lạnh, mất hết là Lục Nhập duyên niệm Phật.

45. Lìa Căn, Trần, Thức là Xúc duyên niệm Phật.

46. Chẳng nhận lãnh Tiền Cảnh là Thọ duyên niệm Phật.

47. Chẳng tham tài sắc là Ái duyên niệm Phật.

48. Chẳng cầu những dục lạc trong cõi trần là Thủ duyên niệm Phật.

49. Nghiệp chẳng có thành là Hữu duyên niệm Phật.

50. Chẳng thọ Hậu Ấm là Sanh duyên niệm Phật.

51. Trống rỗng, không có chín muồi, hư hoại là Lão Tử duyên niệm Phật.

52. Nhất tâm niệm Phật, vạn duyên tự bỏ là Thí độ.

53. Nhất tâm niệm Phật, các ác tự dứt là Giới độ.

54. Nhất tâm niệm Phật, tâm tự nhu thuận là Nhẫn độ.

55. Nhất tâm niệm Phật vĩnh viễn chẳng thoái chuyển là Tấn độ.

56. Nhất tâm niệm Phật, các tưởng khác chẳng sanh là Thiền độ.

57. Nhất tâm niệm Phật, chánh trí phân minh, là Trí độ.

58. Nhất tâm niệm Phật, thành Chánh Biến Tri là Bồ Đề.

59. Nhất tâm niệm Phật thường lạc ngã tịnh là Niết Bàn.

60. Tịch tĩnh niệm Phật là Không Như Lai Tạng.

61. Tưởng đến hình tượng để niệm Phật là Bất Không Như Lai Tạng.

62. Viên thông niệm Phật là Không Bất Không Như Lai Tạng.

63. Mặt trời mọc niệm Phật là trước hết chiếu thời (xét soi thời khắc).

64. Khi ăn niệm Phật là chuyển chiếu sơ (xoay lại xét soi lúc ban đầu).

65. Giữa trưa niệm Phật là chuyển chiếu trung (xoay lại xét soi chặng giữa).

66. Buổi chiều niệm Phật là chuyển chiếu vào chặng sau.

67. Mặt trời lặn niệm Phật là hoàn chiếu thời (trở lại xét soi thời gian).

68. Niệm đức Phật ở ngoài cái tâm là Tiểu Giáo.

69. Niệm đức Phật trong tâm là Thỉ Giáo

70. Niệm đức Phật chính là tâm thì là Chung Giáo.

71. Niệm Phật chẳng phải là tâm thì là Đốn Giáo.

72. Niệm đức Phật viên dung trọn khắp là Viên Giáo.

73. Có Phật, có tâm, tịnh niệm liên tục là Sự pháp giới.

74. Không Phật, không tâm, chẳng cần tới phương tiện là Lý pháp giới.

75. Niệm Phật, niệm tâm, nhập Vô Sanh Nhẫn là Sự Lý Vô Ngại pháp giới.

76. Dù Phật hay tâm đều chứa đựng khắp vô tận là Sự Sự Vô Ngại pháp giới.

77. Một môn Niệm Phật gồm vô tận nghĩa là Tổng Tướng.

78. Có bốn hay năm nghĩa môn, chẳng phải chỉ có một cách niệm Phật, là Biệt Tướng.

79. Mười sáu pháp quán v.v… cùng thành Niệm Phật là Đồng Tướng.

80. Y báo thanh tịnh, chẳng phải là chánh báo trang nghiêm, chính là Dị Tướng.

81. Một môn niệm Phật bao quát các nghĩa thành tựu là Thành Tướng.

82. Bốn thứ hay năm thứ, mỗi thứ đều trụ trong địa vị của mình là Hoại Tướng.

83. Công đức của y báo lẫn chánh báo do niệm Phật liền trọn vẹn, đồng thời đầy đủ, đấy là Tương Ứng môn.

84. Các pháp trọn khắp chẳng rời niệm Phật, rộng hẹp tự tại là Vô Ngại môn.

85. Một căn niệm Phật, sáu căn đều nhiếp là môn “một và nhiều dung chứa nhau chẳng đồng”.

86. Niệm Phật tam-muội tức là hết thảy pháp là môn “các pháp tương tức tự tại”.

87. Lúc đang niệm Phật, các môn khác chẳng hiện, đấy chính là môn “bí mật ẩn hiển đều thành”.

88. Môn niệm Phật này đều nhiếp hết thảy chính là môn “vi tế tương dung an lập”.

89. Năm thứ niệm Phật nhiếp lẫn nhau trùng trùng là môn “cảnh giới lưới của Nhân Ðà La (Indra: Ðế Thích)”.

90. Thấy môn Niệm Phật liền thấy vô tận, chính là môn “mượn Sự tỏ rõ pháp để sanh lòng hiểu biết”.

91. Trước sau niệm Phật chẳng khác với đương niệm là môn “thập thế cách pháp dị thành”.

92. Một pháp Niệm Phật mang vô tận pháp là môn “chủ bạn viên minh đầy đủ công đức”67.

93. Niệm đức Phật của tự tâm là Bổn Giác.

94. Niệm Phật tâm tin tưởng chính là Danh Tự trong Thỉ Giác.

95. Niệm Phật hiểu được tâm là Tương Tự trong Thỉ Giác.

96. Niệm Phật chứng tâm là Phần Chứng trong Thỉ Giác.

97. Niệm Phật thành Phật là Cứu Cánh Giác.

98. Lúc đang niệm Phật tịch mịch vô vi là Pháp Thân Phật.

99. Lúc đương niệm Phật không đức gì chẳng đủ là Báo Thân Phật.

100. Lúc đương niệm Phật, phàm thánh cùng vui là Hóa Thân Phật.

Do vậy biết một pháp Niệm Phật nhiếp sạch hết thảy các pháp vậy.

---o0o---



tải về 0.56 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương