Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương Sớ Sao


Giải thích tường tận ý nghĩa kinh văn



tải về 0.56 Mb.
trang4/10
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích0.56 Mb.
#30913
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10

2. Giải thích tường tận ý nghĩa kinh văn


Gồm năm phần:

- Giáo hưng (nguyên nhân phát khởi giáo pháp)

- Tạng nhiếp (phán định kinh văn thuộc về tạng nào)

- Tông thú (tông chỉ, chỗ quy hướng của kinh)

- Giải thích đề mục kinh

- Giải thích kinh văn

---o0o---

2.1. Giáo hưng


Sớ: Thứ nhất, nhơn duyên khởi giáo. Trí Ðộ Luận chép: “Như núi Tu Di, chẳng phải là không có nhân duyên, chẳng phải là do nhân duyên ít ỏi mà có thể lay động nó được”. Giáo pháp Niệm Phật được khởi lên cũng giống như thế, phải hội đủ nhiều nhân duyên:

a. Một là chỉ ra con đường tu hành nhanh tắt.

b. Hai là nhằm chỉ bày trực tiếp vào đức Phật trong tự tâm của đương nhân (người được giáo hóa hoặc đối tượng nghe pháp này).

c. Ba là nhằm làm cho họ ngộ nhập tâm tánh của Phật.

d. Bốn là hiển thị tâm, chúng sanh, và Phật không sai biệt.

e. Năm là độ thoát phàm phu, ngoại đạo được vượt thoát khỏi ba cõi theo chiều ngang (hoành siêu).

f. Sáu là tiếp dẫn Quyền, Tiểu viên thành Phật quả.

g. Bảy là khiến cho ba bậc vãng sanh được trọn đủ, chẳng còn nghi ngờ, hối hận.

h. Tám là tạo lợi ích cho đời này, đời sau, bao hàm trọn khắp vô tận.

i. Chín là mau chóng thâu nhiếp sáu căn chứng cảnh Viên Thông.

j. Mười là mau sạch hết phiền não, quyết định sanh sang nước Phật.

Sao: Câu đầu tiên trong lời Sớ là câu dẫn khởi. Từ chữ “Trí Ðộ Luận” trở đi là lời giải thích ý nghĩa [vì sao pháp môn Niệm Phật được hưng khởi], gồm hai ý:

1. Trước hết là dẫn chứng. Câu “như núi Tu Di” là thí dụ.

2. Từ chữ “niệm Phật” trở đi là Hợp (tức là dựa vào ví dụ để nêu lên luận điểm của mình).

Từ chữ “một là” trở đi chính là phần giải thích chánh thức. Kinh Lăng Nghiêm dạy: “Sơ tâm nhập tam-muội, lâu mau chẳng giống nhau”. Do vậy, biết là: Học đạo nơi các pháp môn khác quanh co, hiểm trở, gian nan, ví như tổ kiến; còn môn Niệm Phật, từ xưa đã gọi là “đường tắt” thì rất giống như gió và nước. Tổ Thiện Ðạo nói: “Chỉ có đường tắt tu hành, chỉ niệm A Di Ðà Phật. Huống chi nay lại trì danh, đấy lại là đường tắt nhất trong các đường tắt. Nếu muốn thành tựu trong một đời hãy nên lưu tâm nơi pháp này”.

Từ chữ “hai là” trở đi, như Quán Kinh dạy: “Tâm này làm Phật, tâm này là Phật. Biển Chánh Biến Tri của chư Phật từ tâm tưởng sanh”. Vì thế, dạy cho con người niệm Phật chính là dạy họ niệm đức Phật trong tự tâm vậy.

Câu “ba là” giảng về tâm tánh của Phật. Kinh Lăng Nghiêm nói: “Ta do bất diệt bất sanh mà hợp với Như Lai Tạng, nhưng Như Lai Tạng chỉ là diệu giác minh, chiếu trọn vẹn pháp giới”. Vô Sai Biệt Luận giảng: “Tâm tánh này sáng sạch, có cùng một Thể với pháp giới. Như Lai dựa vào tâm này để nói ra pháp chẳng thể nghĩ bàn”. Do vậy, biết: Đức Phật lấy pháp tánh thanh tịnh nơi Như Lai Tạng để làm tâm vậy.

Làm cho họ ngộ nhập”: Luận Khởi Tín chép: “Tướng tự thể của Chân Như ở phàm phu hay chư Phật đều chẳng tăng, giảm”. Trong kinh Lăng Nghiêm, ngài Phú Lâu Na nói: “Cái tâm trong sạch, chân thật, mầu nhiệm, quí báu, giác ngộ, tròn đủ, trong sáng của con và Như Lai đều viên mãn không hai”. Quán Kinh dạy: “Lúc tâm các ông tưởng Phật thì tâm ấy chính là ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp tùy hình”. Vì thế, lúc chúng sanh niệm đức Phật trong tâm liền có thể ngộ nhập tâm tánh của Phật.

Đối với câu “bốn là”, Vô Sai Biệt Luận giảng: “Chúng sanh giới chẳng khác Pháp Thân, Pháp Thân chính là chúng sanh giới”. Quán Kinh dạy: “Chư Phật Như Lai là thân pháp giới vào trong tâm tưởng của hết thảy chúng sanh”.Trong đoạn sau, chương kinh Lăng Nghiêm này lại dạy: “Nếu tâm chúng sanh nhớ Phật, hiện tiền nhất định thấy Phật”, tức là pháp môn này có thể tỏ lộ rõ ràng tâm, Phật, chúng sanh ba thứ vô sai biệt vậy.

Trong câu “năm là”, phàm phu ngoại đạo do Kiến Tư Hoặc mà khởi nghiệp, cảm báo, luân chuyển chẳng ngơi. Nếu nương theo các pháp khác để tu thì phải cho đến khi hết Hoặc mới được xuất ly, nên gọi là “vượt thoát tam giới theo chiều dọc” (Thụ Xuất). Chỉ có pháp môn Niệm Phật là có thể mang theo [Kiến Tư] Hoặc để vãng sanh, nên gọi là “vượt thoát tam giới theo chiều ngang” (Hoành Siêu). Như con sâu ở trong cây tre nếu đục thủng từng đốt theo chiều dọc sẽ khó thoát ra được, còn đục ngang lóng thì trong chốc lát sẽ thoát ra. Pháp sư Ðồng Giang nói: “Thụ Xuất là nương theo Tứ Đế, nhân duyên, các Độ, trải qua các địa vị, như muốn đỗ đạt phải có tài học. Như để được lần lượt thăng chức trong quan trường, phải có công lao. Hoành Siêu là pháp môn Niệm Phật, giống như người được tập ấm28, do công của tổ phụ, do sức của người khác, bất luận có học vấn hay không. Lại như bầy tôi được vua ban ân phong chức cho tổ phụ nhiều đời, công do quốc vương, chẳng cần biết làm quan lâu hay mau”.

Trong câu “sáu là”, sáu thứ tâm của Bồ Tát khiến họ đọa vào địa vị Thanh Văn, trải qua kiếp số nhiều như vi trần chẳng hồi phục được tâm Đại Thừa. Ví như hoa Yêm La (hoa xoài), như cá con, về mặt nhân tuy có thật nhiều, nhưng kết quả thật ít. Nếu có thể niệm Phật, phát ra ba tâm viên mãn (tức chí thành tâm, thâm tâm, hồi hướng phát nguyện tâm), tự nhiên sẽ chuyển Quyền thành Thật, hồi Tiểu hướng Đại, như kẻ áo trắng chợt trở thành quý hiển, từ đất bằng lên tiên vậy. Do đó, kinh Ðại Bổn (Vô Lượng Thọ Kinh) dạy: “Bồ Tát muốn làm cho chúng sanh mau chóng an trụ nơi Vô Thượng Bồ Đề thì hãy nên dấy lên sức tinh tấn nghe pháp môn này”. Hơn nữa, mười địa vị thuộc bậc Thập Địa trong kinh Hoa Nghiêm, trước sau chẳng ra ngoài pháp Niệm Phật. Bậc Đăng Địa29 trong Viên Giáo còn phải như thế, huống là những người thuộc hạng Quyền, Tiểu, Sơ Tâm ư?

Câu “bảy là” ngụ ý: Thượng phẩm lợi căn nghe giáo pháp Tiểu Thừa liền hối tiếc, hạ phẩm độn căn nghe giáo pháp Đại Thừa liền nghi. Do vậy, trong hội Hoa Nghiêm, hàng Thanh Văn tuyệt chẳng có phần. Trong thời A Hàm, Bồ Tát chẳng dự. Nay một pháp Niệm Phật đây, như Vạn Ứng Cao (tức thuốc A Già Đà), bệnh ngặt đều khỏi; như mưa đúng thời, cỏ cây đều tươi tốt. Thế nên, pháp này thâu nhiếp trọn vẹn lợi căn lẫn độn căn, gồm thâu thượng phẩm lẫn hạ phẩm.

Trong câu “tám là”, “lợi ích cho đời này” nghĩa là trong hiện tại, đức Phật giảng dạy phù hợp cơ nghi, “lợi ích cho mai sau” chính là tạo lợi ích cho kẻ thấy nghe ngay cả khi đức Phật đã diệt độ. Như trong phần sau của chương kinh này đã dạy: “Nay ở trong cõi này, nhiếp thọ người niệm Phật quay về Tịnh Độ”. Quán kinh chép: “Nay đức Như Lai vì hết thảy chúng sanh bị giặc phiền não làm hại trong đời vị lai mà nói nghiệp thanh tịnh”. Do vậy, pháp Niệm Phật giống như Như Ý Châu, lợi lạc trọn khắp vô tận vậy.

Câu “chín là” ngụ ý: Hết thảy chúng sanh do mê mất cái tâm thường trụ nên khởi lên các thứ vọng tưởng, mắc vào sắc, thanh, trái nghịch cảnh viên thông. Nay niệm Phật sẽ nhiếp trọn sáu căn, giữ được chân thường, thường quang hiện tiền, cảnh Viên Thông dấy lên, dẫu chẳng muốn chứng cũng không thể được. Bởi vậy, trong kinh Hoa Nghiêm, trưởng giả Giải Thoát nói: “Biết hết thảy Phật giống như ảnh, hình tượng, tự tâm giống như nước. Hễ nước trong lặng, trăng sẽ hiện toàn thể”. Lại còn nói kệ như sau:

Bồ Tát giống như trăng trong mát,

Thường dạo chơi nơi Tất Cánh Không30.

Do tâm chúng sanh nhơ hay sạch,

Mà Bồ Tát hiện bóng hay không.

Cho nên biết rằng: Chúng sanh tịnh niệm, Di Ðà quyết định phóng quang minh. Hễ tâm thủy chẳng tịnh, cảnh trăng Viên Thông của Bồ Tát cũng chẳng hiện.

Câu “mười là” ý nói: Đời Mạt Pháp tu hành có nhiều thứ chướng nạn, tà ma nhiễu loạn, Phật đạo khó thành. Nay tu Niệm Phật tam-muội, nương vào nguyện lực oai thần của Phật, mau trừ được phiền não, nhanh chóng phá vô minh, ma Ngũ Uẩn tiêu tan, ba thân Phật sẽ hiện, sẽ sanh về cõi Phật Cực Lạc, thành tựu hai quả Chân và Ứng vậy. Như ngọn đèn sáng lớn thắp ở trong nhà, không những xóa tan bóng tối ngàn năm mà còn soi tỏ các vật.

Nhưng mười nguyên nhân này lại sanh khởi theo thứ tự:

- Trước hết, để nhập đạo thì có nhiều môn, nhưng sự khó - dễ trong mỗi môn đều khác, chỉ ra pháp Niệm Phật là đường tắt nhất.

- Thứ hai, đây là đường tắt vì niệm đức Phật trong tự tâm.

- Ba là do niệm đức Phật ở trong tâm nên mới có thể thành tựu cái tâm của Phật.

- Bốn là nếu khế hợp Phật tâm thì chúng sanh và Phật đồng thể, chẳng có hai.

- Năm là nếu đã chẳng phải hai, há còn có phàm phu, ngoại đạo nào chẳng được độ thoát ư?

- Sáu là chẳng tiếp độ riêng mình phàm phu, ngoại đạo, mà còn tiếp độ những người thuộc hạng Quyền, Tiểu.

- Bảy là chẳng chỉ Ngũ Thừa mà còn độ trọn khắp hết thảy chúng sanh dù thiện hay ác.

- Tám là chẳng chỉ lợi lạc trong hiện tại mà còn lợi khắp đời vị lai chẳng cùng tận.

- Chín là tế độ rộng lớn như thế chính là viên thông.

- Mười là hễ tu nơi Hữu Tác31 thì cuối cùng sẽ thành bại hoại. Nay đã viên thông, ắt sẽ thấy Phật sanh về Tịnh Độ.

Lại nữa, do quyết định sanh sang cõi Phật, cho nên chỉ ra pháp môn đường nẻo nhanh tắt là nhằm muốn cho hành nhân tu hành mau được thành Phật. Trước sau liên hoàn như thế, giống như các mắt xích móc vào nhau. Giáo pháp này được hưng khởi chẳng phải là không có nguyên nhân vậy!

---o0o---




tải về 0.56 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương