Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương Sớ Sao



tải về 0.56 Mb.
trang7/10
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích0.56 Mb.
#30913
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10

Sao: Từ chữ “nói tới niệm Phật”’ trở đi, lời Sớ giải thích hai chữ Niệm Phật. Từ chữ “Niệm Phật có bốn pháp” trở đi giảng rõ ràng về pháp môn Niệm Phật.

Xưng danh” là như kinh Văn Thù Bát Nhã đã dạy: “Chúng sanh ngu độn chẳng thể hiểu được Quán, chỉ làm sao cho tiếng niệm Phật liên tục sẽ tự được vãng sanh”, kinh Di Ðà dạy: “Nghe nói A Di Ðà Phật, chấp trì danh hiệu”.

Pháp quán tượng gồm hai loại:

- Một là quán tướng hảo, quang minh của đức Phật hiện tại như kinh Pháp Hoa chép: “Ðứng dậy, chắp tay, nhất tâm quán Phật”.

- Hai là quán tượng Phật vẽ vời, khắc, đắp, tô đúc như vua Ưu Ðiền dùng Chiên Đàn làm tượng Phật vậy.

Quán tưởng” là như Thập Lục Quán Kinh đã dạy: “Chư Phật Như Lai là pháp giới thân vào trong tâm tưởng hết thảy chúng sanh. Vì thế, lúc tâm tưởng Phật, tâm này chính là ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp phụ”.

Thật tướng” là như kinh Quán Phật Tam Muội chép: “Đức Phật bảo A Nan: Trụ nơi niệm Phật thì tâm ấn chẳng hoại”. Nghĩa là: Biết rõ đúng thật tự tâm thì gọi là niệm Phật. Như như bất động thì gọi là chẳng hoại. [Trong kinh Hoa Nghiêm] trưởng giả Giải Thoát41 nói: “Ta muốn thấy A Di Ðà Phật trong Cực Lạc thế giới, tùy ý liền thấy” chính là nói về ý này.

Từ chữ “pháp thứ nhất, pháp thứ hai” trở đi là phân định bốn cách niệm Phật dựa theo từng pháp quán vậy. Nếu dựa trên sáu căn thì Xưng Danh thuộc về tai và lưỡi, Quán Tượng thuộc mắt và thân, Quán Tưởng thuộc mũi và ý, Thật Tướng gồm trọn sáu căn. Do vậy, một môn Niệm Phật tam-muội đối với sáu căn không căn nào chẳng thâu nhiếp.

Từ chữ “thêm nữa, ngài Thanh Lương” trở đi, dẫn lời cổ nhân để giảng rõ năm môn. “Duyên cảnh”: Xưng Danh lẫn Quán Tượng đều thuộc ngoại cảnh. “Duy tâm”: Tướng tốt của y báo lẫn chánh báo đều chỉ là do tâm tạo ra. “Vô ngại”: Chiếu soi cả Sự lẫn Lý. “Ðều tuyệt diệt”: Lìa tướng giống như hư không. “Vô tận”: Trong hết thảy thời, xứ, cảnh, niệm, thấy trọn khắp mười thân của Như Lai.

Từ chữ “nay phối hợp với ý tưởng này” trở đi là phối hợp cách giải thích của cổ đức với cách giải thích hiện thời. Hơn nữa, Ðại Sớ giảng: “Cổ nhân đã có năm môn:



1) Môn xưng danh vãng sanh niệm Phật.

2) Môn quán tượng diệt tội niệm Phật.

3) Môn nhiếp cảnh duy tâm niệm Phật.

4) Môn tâm cảnh vô ngại niệm Phật.

5) Môn duyên khởi viên thông niệm Phật”.

Năm môn này tuy tên hay tuyệt, nhưng phần giải thích ý nghĩa chẳng trọn vẹn nên nay tôi thay đổi. Nếu muốn thấu hiểu cặn kẽ thì môn thứ nhất và môn thứ hai thuộc vào hai môn Duyên Cảnh, Vô Ngại, đồng thời cũng thuộc môn “đều tuyệt diệt” của ngài Thanh Lương. Môn [duyên khởi] viên thông [trong Đại Sớ] chính là môn [viên thông] vô tận [của ngài Thanh Lương]. Nói Tiểu Giáo v.v... là ước theo bốn pháp niệm Phật trong phần trước (tức Trì Danh, Quán Tưởng, Quán Tượng, Thật Tướng) để nói, đấy là căn cứ theo pháp Quán; còn năm môn này (tức xưng danh, quán tượng, nhiếp cảnh, tâm cảnh vô ngại và duyên khởi viên thông) là ước theo Giáo. Hai cách giải thích này soi rọi lẫn nhau, cứ suy ra sẽ biết.

Từ chữ “nay trong kinh văn này” trở đi chính là ước theo bốn cách niệm Phật và năm môn niệm Phật [như vừa mới nói trong phần trên] để phán định kinh này. “Lời Phật dạy” chính là lời dạy của mười hai vị Như Lai. “Bao gồm cả môn thứ tư và thứ năm” là như trong đoạn sau sẽ giải thích: Nhớ Phật, niệm Phật không thuộc riêng một môn nào. Từ ngữ “căn cơ nhận lãnh” chỉ ngài Thế Chí. “Hạn cục trong Trì Danh”: Trong phần kinh văn “Phật hỏi pháp Viên Thông” sẽ được giảng trong phần sau mới nói tới “tịnh niệm tiếp nối”, tức là nhằm chỉ ra pháp [của Đại Thế Chí Bồ Tát sẽ dạy trong chương kinh này là pháp] Trì Danh; do vậy mới hỏi: Vì sao ngài Thế Chí chẳng chỉ dạy chung các pháp Niệm Phật, [mà lại chỉ dạy riêng một pháp Trì Danh]?

Ðáp: Tuy Niệm Phật tam-muội được cổ đức gọi là đường tắt, nhưng pháp Trì Danh lại là con đường tắt nhất trong những đường tắt. Cớ sao? Bởi lẽ, Quán Tượng thì nếu bỏ tượng đi sẽ lại trở thành không [quán được], do vậy trở thành gián đoạn. Quán Tưởng thì tâm thô, cảnh tế, pháp Quán mầu nhiệm khó thành. Đối với Thật Tướng Niệm Phật thì chúng sanh chướng nặng, giải ngộ ít ỏi, đối với chỗ vô tận thì cảnh giới sâu rộng, làm sao gánh vác được? Chỉ có pháp Trì Danh này là giản tiện, nhanh chóng nhất. Chỉ cần niệm được liên tục liền có thể vãng sanh. Như ngựa Ký phi nước đại (chỉ các môn Niệm Phật khác) tuy bỏ xa các loài ngựa khác (tức các môn tu hành khác) vẫn chẳng bằng rồng bay (tức pháp Trì Danh Niệm Phật). Như chim hạc (tức các pháp Niệm Phật) bay bổng tuy đã vượt xa các loài chim tầm thường (tức các pháp môn khác), vẫn chẳng bằng đại bàng (tức pháp môn Trì Danh Niệm Phật) bay vút lên. Vì thế, ngài Long Thọ viết trong Tỳ Bà Sa Luận: “Phật pháp có vô lượng môn giống như đường đi trong thế gian có khó, có dễ. Ví như người thọt chân, đi đường bộ thì khổ sở, một ngày chẳng đi hơn vài dặm, nếu theo đường thủy ngồi thuyền thì vui vẻ, trong khoảnh khắc đã vượt ngàn dặm. Dễ đi mau đến, hãy nên niệm Phật, xưng danh hiệu Ngài là vì Phật đã có bổn nguyện như thế”.

Hỏi: Phật có vô lượng công đức, một danh hiệu khó thể bao gồm hết, huống chi Thật Tướng đã lìa tướng danh tự, sao lại chuyên xưng danh?

Ðáp: Đối với y báo, chánh báo của cõi Cực Lạc, hễ nói đến Phật liền trọn khắp. Đối với biển công đức của Phật, chỉ cần nêu danh hiệu đã trọn gồm. Kinh dạy: “Lời lẽ để ứng xử trong thế gian đều chẳng trái nghịch Thật Tướng”. Há lẽ nào vạn đức hồng danh chẳng chính là Thật Tướng hay sao?

Từ chữ “nhưng pháp Trì Danh này” trở đi, lời Sớ minh thị một lần nữa: Pháp Trì Danh bao quát giáo pháp Tiểu Thừa lẫn Đại Thừa! Bất luận lợi căn hay độn căn đều có thể y theo pháp này để tu hành.

Từ ngữ “Chánh Định” hàm ý phân định: Ngoại trừ Niệm Phật ra, những thứ khác đều gọi là Tà Định.

Chánh Tư”: Đối với cảnh được niệm, chánh trực suy xét. Chánh là chọn lựa, tìm cầu. Tư là suy nghĩ để phân biệt đâu là hôn trầm.

Chánh Tâm Hành Xứ” chính là cảnh để tâm Chánh Định duyên vào, khác với cảnh được nhận lãnh tà vạy bởi vô minh. [Chánh Tâm Hành Xứ] còn gọi là Điều Trực Định. [Gọi là Điều Trực Định nhằm ngụ ý] do chúng sanh cong vạy tán loạn nên đức Phật dùng các môn tam-muội sửa cho ngay cái cong vạy, uốn nắn cho đúng cái tán loạn đó.

Nói “tên chung của Thiền Quán” là vì như trong Trí Ðộ Luận đã giảng: “Hết thảy Thiền Định nhiếp tâm đều gọi tam-muội”.

Có hai cách giải thích câu “tên riêng của một hạnh”:

1) Một là nói tới một hạnh trong vạn hạnh, như trong các kinh hoặc gọi Chân Như Hải Ấn Đức Tạng là tam-muội, hoặc coi Như Huyễn Ngữ Ngôn Pháp Giới là tam-muội, hoặc hiểu là hữu duyên, hữu tướng, vô đắc, vô tranh v.v...

2) Hai là chỉ Niệm Phật tam-muội. Kinh Văn Thù Bát Nhã chép: “Phật bảo Văn Thù: Muốn nhập Nhất Hạnh tam-muội, nên ở chốn thanh vắng, bỏ các loạn ý, chẳng giữ lấy tướng mạo, buộc tâm vào một vị Phật, chuyên xưng danh hiệu của Ngài, tùy theo Ngài ở phương vị nào bèn ngồi ngay ngắn hướng thẳng về đó. Nếu có thể đối với một đức Phật, niệm niệm tiếp nối thì ngay trong niệm ấy sẽ có thể thấy được quá khứ, vị lai, hiện tại chư Phật. Niệm công đức của một đức Phật chẳng khác gì niệm công đức của vô lượng chư Phật”. Nếu đắc Nhất Hạnh tam-muội thì đối với các pháp môn trong hết thảy các kinh đều hiểu rõ.

Hỏi: Ở đây dạy niệm Phật là niệm mười phương Phật hay là niệm A Di Ðà Phật?

Ðáp: Chỉ niệm A Di Ðà Phật. Do mười hai vị Như Lai có cùng tên với A Di Ðà Phật. Trong đoạn sau của chánh kinh có nói: “Nhiếp người niệm Phật, quy về Tịnh Độ”. Hơn nữa, ngài Phổ Quảng hỏi Phật: “Trong mười phương đều có cõi Phật, sao lại chỉ khen mình cõi Tây phương?” Phật dạy: “Người Diêm Phù Ðề tâm nhiều tán loạn, dạy họ chuyên tâm một cảnh họ sẽ được vãng sanh. Nếu niệm mười phương chư Phật, cảnh nhiều, tâm tán, tam-muội chẳng thành”. Huống chi, chư Phật có cùng một Pháp Thân, niệm một vị Phật tức là niệm hết thảy chư Phật vậy.

Hỏi: Vì sao mười hai đức Phật đều dạy ngài Thế Chí niệm danh hiệu của chính mình?

Ðáp: Một là do bổn nguyện của mười hai đức Như Lai là như thế. Như trong hiện tại, ngài Pháp Tạng nguyện rằng: “[Chúng sanh nào] nghe danh hiệu của tôi, dẫu chỉ mười niệm mà nếu chẳng được vãng sanh, sẽ chẳng giữ ngôi Chánh Giác”. Hai là dạy niệm danh hiệu của mười hai vị Phật chính là dạy niệm mười hai biệt hiệu của cổ Phật Di Ðà. Giống như nay Pháp Tạng dạy niệm Vô Lượng Thọ Phật tức là dạy niệm từ Vô Lượng Quang cho đến Siêu Nhật Nguyệt Quang.

Từ chữ “cũng gọi là” trở đi, lời sớ nêu các tên khác [của Niệm Phật tam-muội], ước theo ý nghĩa phối hợp với giáo [để đặt tên]. Niệm Phật là Tiểu Giáo. Bát Nhã là Thỉ Giáo. Phật Hiện là Chung Giáo, Nhất Hạnh là Đốn Giáo, Phổ Đẳng là Viên Giáo. Cứ theo đúng lý mà suy ra.

Lăng Nghiêm Kinh Thế Chí Niệm Phật Viên Thông Chương Sớ Sao, Quyển Thượng hết

---o0o---

Quyển Hạ
2.5.2.1.2.2. Giải thích ý nghĩa
Gồm hai phần

1. Tu nhân

2. Chứng quả
---o0o---

2.5.2.1.2.2.1. Tu nhân
Gồm hai phần:

1. Nêu thí dụ

2. Hợp lại để giảng pháp
---o0o---

2.5.2.1.2.2.1.1. Nêu thí dụ:
Gồm hai phần:

1. Thí dụ về hai người

2. Thí dụ về mẹ con
---o0o---

2.5.2.1.2.2.1.1.1. Thí dụ về hai người
Chánh kinh:

Thí như hữu nhân, nhất chuyên vi ức, nhất nhân chuyên vong. Như thị nhị nhân, nhược phùng bất phùng, hoặc kiến phi kiến. Nhị nhân tương ức, nhị ức niệm thâm. Như thị nãi chí tùng sanh chí sanh, đồng ư hình ảnh, bất tương quai dị.

(Ví như có người, một người chuyên nhớ, một người chuyên quên. Hai người như thế dù gặp mà như chẳng gặp, hoặc có thấy nhau cũng như không thấy. Hai người nhớ nhau, hai cái nhớ ấy càng sâu. Như thế cho đến từ đời này sang đời khác như hình với bóng chẳng hề trái nghịch, sai khác nhau)


Sớ: Trước hết thí dụ chỉ có một người nhớ thì sẽ có sự chia lìa. “Hữu nhân”: Chúng sanh và Phật được ví như hai người. “Nhất chuyên vi ức” (Một người chuyên nhớ): Ví như Phật nghĩ tới chúng sanh. “Nhất nhân chuyên vong” (một người chuyên quên) ví cho chúng sanh chẳng niệm Phật. “Nhược phùng bất phùng, hoặc kiến phi kiến” (Dù gặp mà như chẳng gặp, hoặc có thấy nhau cũng như không thấy): Do Phật chuyên nghĩ tới chúng sanh, chẳng lúc nào không ở trước chúng sanh mà nay [chúng sanh] chợt gặp, chợt thấy, nên nói “hoặc phùng, hoặc kiến” (hoặc gặp, hoặc thấy). Chúng sanh chuyên chẳng niệm Phật, tuy Phật ở ngay trước mặt chúng sanh mà vẫn bỏ qua chẳng thấy, nên nói “bất phùng, phi kiến” (cũng như chẳng thấy, chẳng gặp).

Từ chữ “nhị nhân” trở đi là thí dụ kế tiếp: Hai người cùng nhớ thì chẳng chia lìa. “Nhị nhân tương ức” (Hai người nhớ nhau): Ví như chúng sanh và Phật cùng niệm. “Nhị ức niệm thâm” (Hai cái nhớ ấy càng sâu): Sánh ví sự nghĩ nhớ ấy dẫu lâu ngày vẫn chẳng quên. “Như thị” là từ ngữ dùng để kết thúc thí dụ. “Nãi chí” (cho đến) là từ ngữ nói tóm lược, tức là nói: Nếu có thể niệm như thế chắc chắn sẽ thường thấy nhau trong mọi lúc. “Tùng sanh chí sanh... bất tương quai dị” (Từ đời này qua đời khác... chẳng sai khác nhau): Ví von đời đời chẳng lìa nhau vậy. “Đồng ư hình ảnh” (Như hình với bóng): Chúng sanh và Phật đời đời chẳng bỏ lìa nhau, ví như hình và bóng không hề chống đối, khác biệt nhau!


Sao: Nói “Phật chuyên nhớ” là gồm hai ý:

1) Một là Phật có nguyện đại bi.

2) Hai là lúc Phật còn tu nhân, tự quả (quả vị của chính mình) còn chưa viên mãn mà đã niệm niệm chẳng bỏ chúng sanh, huống là sau khi Ngài đã đắc quả, há còn nghĩ chuyện gì khác hay sao? Như vậy thì Phật nghĩ tới chúng sanh ân cần, khẩn thiết, không chi hơn được nữa!

Chúng sanh chuyên quên” cũng có hai nghĩa:

1) Một là chúng sanh chẳng có Tín, Hạnh, Nguyện.

2) Hai là chúng sanh còn đang mê, bị khổ sở vì Hoặc nghiệp trói buộc, Nhân quả cõi trời, cõi người còn chưa thể tu được, huống là Phật quả mà dễ đạt được ư? Như vậy là cái tâm niệm Phật bị vùi lấp, ẩn mất, chẳng thể phát ra.

Hoặc phùng” (chợt gặp gỡ’) là chư Phật, Bồ Tát chẳng trái bổn nguyện, dạo trong cõi Sa Bà hóa độ khiến cho chúng sanh ngẫu nhiên được gặp gỡ, mà chúng sanh vẫn để lỡ dịp. Như gặp ngài Văn Thù chỉ thấy là một ông già hay bà già nghèo khổ v.v… Hoặc thấy được tướng mạo thật sự của Ngài cũng chẳng đạt được lợi ích nơi pháp. Đấy là vì bị Hoặc nghiệp chướng ngại, che lấp liền lầm lẫn thấy tướng hèn kém. Như kẻ phước mỏng trông thấy vật báu, cho là rắn, là ếch, huống chi thánh hiền cố ý vờ ẩn giấu tướng thật ư? “Chúng sanh và Phật cùng niệm”: Chúng sanh niệm Phật giống như Phật nghĩ tới chúng sanh. “Nhớ lâu chẳng quên” là trong mỗi thời khắc luôn giữ trong lòng, tuy trải qua nhiều năm lắm tháng cho tới khi chết đi vẫn chẳng quên vậy.

Kết thúc phần thí dụ” thì [thí dụ] chỉ cho sự nhớ nghĩ nhau sâu xa trong phần trên. “Từ ngữ tóm lược” nghĩa là không chỉ riêng trong một kiếp này thường được thấy Phật, mà cho đến những kiếp khác, đến cùng tột đời vị lai vẫn thường được thấy Phật. “Chống đối” là trái nghịch, “khác biệt” là rời lìa.

Hình với bóng”: Nêu đại lược một việc để sánh ví sự chẳng lìa. [Nói chi tiết hơn thì] như âm thanh và tiếng vọng, nước và sóng, gương và hình, đều chẳng thể rời lìa nhau. Hơn nữa, hình và bóng này, gần thì để đối ứng với thí dụ trong đoạn kinh tiếp theo cho phù hợp với ý nghĩa của đoạn kinh văn nhằm chỉ rõ sự lợi ích do được thấy Phật; xa là đối ứng với ý chứng quả của đoạn kinh văn trong phần sau nhằm minh thị hai sự lợi ích: Thấy Phật và thành Phật (Trong hiện tại và tương lai thấy Phật là một lợi ích; tâm mở mang, phát khởi giống như nhiễm mùi hương là lợi ích thứ hai).

Do vậy, ứng theo ý này, có thể giải thích như sau: Nhất tâm niệm Phật như thế thì tâm đồng với Phật. Tâm đồng thì hình cũng đồng. Hình đồng thì bóng cũng đồng. Chẳng phải chỉ trong đời này mà trong đời đời kiếp kiếp, hình và bóng đều đồng. Kinh Lăng Nghiêm dạy: “Dung mạo giống như Phật, tâm tướng cũng đồng. Thân tâm hợp thành, nên gọi là Pháp Vương Tử”. Do ý này chẳng trái nghịch ý của chánh kinh nên lời Sớ không giải thích.

---o0o---

2.5.2.1.2.2.1.1.2. Thí dụ về hai mẹ con:
Chánh kinh:

Thập phương Như Lai, lân niệm chúng sanh như mẫu ức tử. Nhược tử đào thệ, tuy ức hà vi? Tử nhược ức mẫu, như mẫu ức thời. Mẫu tử lịch sanh, bất tương vi viễn.

(Mười phương Như Lai thương nhớ chúng sanh như mẹ nhớ con. Nếu con bỏ trốn dẫu nhớ cũng chẳng làm gì được! Nếu con nhớ mẹ như khi mẹ nhớ con thì mẹ con trải qua nhiều đời chẳng xa cách nhau)



Sớ: Thí dụ về hai người trong phần trên là phiếm chỉ về thân hữu, vẫn cảm thấy còn lỏng lẻo, chưa sát sao; nên ở đây lại đem tình mẹ con thân thiết nhất để làm thí dụ nhằm khiến cho người nghe dấy lên tín hạnh vậy. Trong phần này cũng có hai điều:

1) Một là thí dụ chỉ có một người nhớ sẽ có xa lìa. Ba câu đầu (tức Thập phương Như Lai, lân niệm chúng sanh” (Mười phương Như Lai thương nhớ chúng sanh như mẹ nhớ con)) tương ứng với thí dụ “một người chuyên nhớ” ở phần trên. Hai câu kế tiếp (tức câu “Nhược tử đào thệ, tuy ức hà vi” (Nếu con bỏ trốn, dẫu nhớ cũng chẳng làm gì được?)) ứng với thí dụ “một người chuyên quên” ở phần trên. Như Lai là mẹ; chúng sanh là con. Trong những tình thương yêu bao dung nhất trong thế gian, không gì bằng tình mẹ. Nếu con ngỗ nghịch, vong ân bội nghĩa, có lẽ lòng mẹ sẽ bớt nghĩ tới, tâm sanh lòng hối tiếc; nhưng Phật nghĩ tới chúng sanh còn hơn cả mẹ. Kẻ nghịch ác nặng nề, đức Phật càng nghĩ đến kẻ ấy sâu đậm hơn. Thậm chí Phật vào trong địa ngục A Tỳ chịu khổ vô lượng thay cho chúng sanh ấy. Hơn nữa, mẹ nhớ con lòng từ ái chỉ được một đời, còn Phật nghĩ tới chúng sanh, tâm Từ vô tận, đời đời theo chúng sanh, chẳng hề lui sụt, thay đổi! Vì vậy, nói: “Phật nghĩ tới chúng sanh như mẹ nhớ con”. “Nhược tử đào thệ” (Nếu con bỏ trốn): Ví như chúng sanh chẳng niệm Phật, đọa vào ác đạo chịu khổ. “Tuy ức hà vi” (Dẫu nhớ cũng chẳng làm gì được) là thí dụ nhằm ngụ ý: Chỉ riêng mình Như Lai nhớ tới chúng sanh thì vô ích.

2) Từ chữ “nhược tử” (nếu con) trở đi chính là thí dụ sau: Hai người cùng nhớ nhau sẽ chẳng xa lìa. Hai câu đầu [trong đoạn này] tương ứng với “nhớ nghĩ sâu xa” ở phần trên. Hai câu cuối tương ứng với “đời đời chẳng khác biệt” ở phần trước. Tức là chúng sanh trong sáu đường kính mộ nghĩ nhớ Như Lai giống hệt như Như Lai xót nghĩ chúng sanh thì mới có thể cảm ứng đạo giao, chúng sanh và Phật chẳng hai vậy. Do vậy, vào đời Cao Tề42, hòa thượng Đại Hạnh nói: “Tôn sùng niệm Phật, bốn chữ dạy răn. Tức là hai chữ Tin, Nhớ chẳng lìa trong tâm; hai chữ Xưng, Kính chẳng lìa cửa miệng. Tùy lòng sớm tối, trọn chẳng còn trụ vào pháp Sa Bà nữa. Ðấy gọi là yếu quyết bậc nhất để niệm Phật vậy”.

Sao: Chữ “phiếm chỉ” hàm ý thầy trò, vua tôi, đều gộp trong ấy. Tiếp theo là phần giải thích từ chữ “Như Lai” trở đi:

Hỏi: Trong phần trước nói “niệm Phật là chỉ niệm Di Ðà, chẳng niệm chư Phật”, sao ở đây lại nói mười phương Như Lai?

Ðáp: Có hai ý:

1) Một là chỉ Di Ðà Phật, vì trong mười phương ba đời có vô lượng Phật Di Ðà. Quán Kinh dạy: “Từ phương dưới cõi của Kim Quang Phật cho tới phương trên là cõi của Quang Minh Vương Phật, trong khoảng giữa ấy, có vô lượng phân thân Vô Lượng Thọ Phật nhiều như số vi trần”.

2) Hai là chỉ chung mười phương chư Phật, tức là chẳng phải riêng mình đức Phật Di Ðà của chúng ta có bi nguyện như thế mà mười phương chư Phật cũng đều nghĩ thương chúng sanh như vậy. Điều này tỏ rõ sự thật “Phật Phật đạo đồng”. Trong phẩm Vấn Minh của kinh Hoa Nghiêm có chép: “Các đức Như Lai trong mười phương có cùng chung một Pháp Thân, một tâm, một trí huệ, sức vô úy cũng vậy”. Kinh Lăng Già, quyển thứ tư chép rằng: “Hết thảy chư Phật có bốn thứ bình đẳng, ấy là: tự bình đẳng, ngữ bình đẳng, thân bình đẳng, pháp bình đẳng43”. Quán kinh dạy: “Thấy Vô Lượng Thọ Phật tức là thấy mười phương vô lượng chư Phật”.

Xót nghĩ” là như kinh Tam Muội nói: “Tâm chư Phật là đại từ bi. Chỗ duyên của lòng từ bi chính là duyên nơi chúng sanh đang khổ. Lúc thấy chúng sanh chịu khổ não, [chư Phật liền] như bị tên trúng tim, muốn dứt nỗi khổ cho họ”. Bởi thế, người cầu vãng sanh chớ nên suy nghĩ ta xấu ác, rồi nghi ngờ Phật chẳng đến tiếp dẫn. Có ai biết tâm Phật chuyên thực hiện đủ thứ cách cứu độ chúng sanh đang ở trong cảnh trái nghịch, đau khổ. Sao lại tự sanh lòng nghi ngờ, chướng ngại, cam tâm hướng đến đau khổ vậy?

Hỏi: Hai câu “bỏ trốn…” cùng với ý “chuyên quên, dẫu gặp cũng như chẳng gặp” đã nói trong phần trên có sai biệt hay không?

Ðáp: Vừa giống, vừa khác. Giống là nếu chẳng niệm Phật sẽ chẳng thể thấy Phật; dẫu thấy Phật cũng chẳng thể hưởng pháp lợi. Do vậy, cũng giống như bỏ trốn chẳng khác, nhớ kẻ ấy để làm gì? Chỗ khác là trong thí dụ ở phần trước vẫn còn chỉ rõ ý nghĩa: Nếu chúng sanh cũng có lúc niệm, nhưng niệm chẳng khẩn thiết, nhớ chẳng sâu cho nên dẫu có gặp cũng như không gặp thì sự tưởng nhớ chúng sanh của Phật còn có lợi ích. Chứ trong thí dụ này đã nói rõ: Chúng sanh không chỉ quên niệm mà còn báng Phật. Do bất tín nên đọa trong tam đồ, chịu vô lượng khổ ví như chúng sanh đã bỏ trốn, chư Phật nghĩ nhớ vô ích. Đối với sự cảm ứng giữa chúng sanh và Phật thì con ví cho chúng sanh cảm; mẹ ví như Phật ứng. Do đạo giao chẳng hai nên hòa hợp, chẳng trái nghịch.

Từ chữ “do vậy, vào đời Cao Tề” trở đi, hòa thượng bàn rằng: Để vãng sanh Tịnh Độ cần phải có Tín (lòng tin). Một ngàn kẻ tin thì một ngàn kẻ vãng sanh, một vạn kẻ tin thì một vạn kẻ được vãng sanh. Tin tưởng vào danh hiệu của Phật, miệng, ý chẳng lìa [danh hiệu ấy], chư Phật liền cứu, chư Phật liền che chở, tâm thường nhớ Phật, miệng thường xưng danh, thân thường tôn kính thì mới gọi là thâm tín (tin tưởng sâu đậm).
---o0o---

2.5.2.1.2.2.1.2. Hợp lại để giảng pháp
Chánh kinh:

Nhược chúng sanh tâm, ức Phật, niệm Phật, hiện tiền đương lai, tất định kiến Phật.

(Nếu tâm chúng sanh nhớ Phật, niệm Phật, hiện tiền, tương lai, nhất định thấy Phật).


Sớ: Nói “chúng sanh tâm” nhằm loại trừ “miệng niệm nhưng tâm chẳng niệm”. Ức là nhớ giữ chẳng quên. Niệm là tâm thường khăng khăng nghĩ đến. Thêm nữa, lúc đầu ngẫu nhiên miễn cưỡng ghi nhớ thì gọi là Ức. Về sau, lâu ngày thuần thục vượt khỏi duyên niệm thì gọi là Niệm. Lại nữa, Ức là tạm niệm (tạm thời nghĩ tới), nghĩa là một lần nhớ; còn Niệm là nhiều lần nhớ, tức là nói về thường niệm. Nếu là Sự Ức Niệm (ức niệm về mặt Sự) thì là chuyên tâm chú ý, chẳng để cho có mảy may tạp duyên. Nếu là Lý Ức Niệm thì chỉ có giác minh mầu nhiệm chiếu trọn pháp giới.

Phật cũng có hai nghĩa:

- Một là sự tướng, tức là ba thân hay mười thân.

- Hai là lý tánh, chỉ là Nhất Chân pháp giới.

Thêm nữa, trong Sự Ức Niệm Phật và Lý Ức Niệm Phật, mỗi thứ lại có hai loại: Một là hành theo thứ tự (Hạnh Bố), hai là viên dung. Nghĩa là:

1) Trước hết niệm Hóa Thân, Báo Thân, rồi mới niệm Pháp Thân v.v... là thứ tự của Sự Ức Niệm. Nếu ba thân hay mười thân đều cùng tại nhất tâm thì là Sự Ức Niệm trong cùng một lúc (còn gọi là Sự Ức Niệm viên dung).

2) Trước hết là Không, kế đến là Bất Không, cuối cùng là Không Bất Không; đấy là Lý Ức Niệm Phật được hành theo thứ tự. Nếu Phật trong ba Như Lai Tạng tâm được niệm trong cùng một lúc thì là Lý Ức Niệm Phật viên dung vậy.

Hỏi: Nếu ngoài tâm có Phật thì làm sao dung được Lý Niệm? Còn nếu ở ngoài tâm không có Phật, sao lại dùng Sự để thực hiện?

Ðáp: Ngoài tâm có Phật chính là do đức Phật ở trong tâm của ta biến thành vị Phật bên ngoài. Kinh dạy: “Chánh Tri của chư Phật từ tâm tưởng sanh” nên cần phải Lý niệm. Ngoài tâm không Phật nhưng mượn đức Phật ở ngoài tâm nhằm hiển lộ vị Phật trong tâm mình. Kinh dạy: “Lúc tâm tưởng Phật, tâm này làm Phật”, nên phải dùng Sự để niệm. Nếu lìa hai cách niệm Sự và Lý, sao gọi “tâm chính là Phật, Phật chính là tâm” cho được?

Hỏi: Nếu Phật chính là tâm thì chỉ nên niệm tâm, sao lại phải niệm Phật? Lại nữa, tâm chính là Phật thì chỉ nên niệm Phật, cần gì niệm tâm?

Ðáp: Chỉ chấp tâm chính là Phật, chẳng biết chính tâm tánh bổn giác của ta chính là vị Phật giác ngộ rốt ráo kia. Kinh dạy: “Tâm này chính là ba mươi hai tướng của Phật” nên niệm Phật chẳng trở ngại gì. Lại còn chấp tâm này là Phật, chẳng biết đức Phật giác ngộ rốt ráo kia chính là tâm tánh Bổn Giác của ta. Kinh dạy: “Chư Phật vào trong tâm của chúng sanh” nên chẳng ngại niệm tâm. Nếu chỉ niệm riêng tâm hay Phật thì nghĩa [“tâm chính là Phật, Phật chính là tâm”] sẽ chẳng thành.

Hỏi: Nhất Chân pháp giới, Thể không hai tướng, cớ sao có việc niệm Phật ở trong hay ngoài tâm?

Ðáp: Nhất Chân pháp giới vốn chẳng trong hay ngoài, chẳng thuộc nơi tâm hay Phật. Phật tự chứng [Nhất Chân pháp giới] đến cùng cực, biết tâm chúng sanh đều chấp Có liền muốn khiến cho chúng sanh khai ngộ nên chia thành hai nghĩa tâm và Phật. Phật là ngoại cảnh, tâm là nội cảnh. Công phu ức niệm thành tựu sẽ tự nhiên chứng biết “Tâm: không có tâm ở ngoài Phật, Phật: không có Phật ở ngoài tâm!” Duy nhất pháp giới, chứa đựng trọn khắp vô tận.

Hiện tiền thấy Phật”: Chẳng lìa Hiện Ấm44 mà trong Định được thấy, hoặc trong mộng được thấy. “Tương lai thấy Phật” chính là khi báo thân đã chấm dứt, Ngũ Ấm tan hoại, thấy Phật đến đón, hoặc ở trong đài hoa mà thấy Phật.

Nói “nhất định” là vì có hai ý:

1) Một là cảm ứng đạo giao khó thể nghĩ bàn. Tức là tin rằng tâm chính là Phật, chuyên dùng Sự niệm để niệm tướng hảo của Phật nên thấy Quả Báo Phật đi vào trong tâm mình. Kinh dạy: “Tâm này làm Phật. Chư Phật Như Lai vào trong tâm tưởng của hết thảy chúng sanh”.

2) Hai là Thỉ Giác và Bổn Giác khế hợp với nhau, pháp đương nhiên như vậy. Tức là: Tin được Phật chính là tâm, chuyên nơi Lý niệm để niệm đức Phật trong bổn tánh nên thấy Pháp Thân Phật hiện trong tự tâm. Kinh dạy: “Tâm này là Phật, lúc tâm tưởng Phật thì tâm này chính là ba mươi hai tướng”. Trong đoạn này chẳng gộp ý “Phật niệm chúng sanh” vào lời giảng vì chú trọng đến khía cạnh “chúng sanh niệm Phật” vậy.



tải về 0.56 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương