Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương Sớ Sao



tải về 0.56 Mb.
trang5/10
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích0.56 Mb.
#30913
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10

2.2. Tạng nhiếp


Sớ: Hai là xét xem giáo pháp thuộc về thừa nào, tạng nào. Trong ba tạng, [kinh này] thuộc về Khế Kinh Tạng. Trong hai tạng, kinh này thuộc về Bồ Tát Tạng. Trong ba thừa, kinh này thuộc về Đại Thừa. Trong Ngũ Giáo, kinh này thuộc về ba giáo sau.

Sao: Chữ “hai là” để nêu vấn đề. Từ chữ “Trong” trở đi là lời giải thích về tướng. Tam Tạng là:

1) Tu Đa La (Sutra), Hán dịch là Khế Kinh, tức là Kinh Tạng, giảng về Định Học.

2) Tỳ Nại Da (Vinaya), Hán dịch là Ðiều Phục, tức là Luật Tạng, giảng về Giới Học.

3) A Tỳ Ðạt Ma (Abhidharma), Hán dịch là Đối Pháp, giảng về Huệ Học.

Nay kinh này thuộc về Kinh Tạng, từ đầu đến cuối, chuyên nói về Niệm Phật tam-muội.

Hai tạng là:

1) Bồ Tát Tạng: Nói bày lý, hạnh, quả của Bồ Tát.

2) Thanh Văn Tạng: Giảng bày về lý, hạnh, quả của Thanh Văn.

Nay kinh này thuộc về Bồ Tát Tạng; kinh này diễn nói pháp Niệm Phật Viên Thông của hàng Bồ Tát.

Tam Thừa là:

1) Tiểu Thừa Thanh Văn, tức là pháp môn Tứ Đế chuyên chở chúng sanh ra khỏi tam giới đến thành Niết Bàn, thành A La Hán, ví như xe dê.

2) Trung Thừa Duyên Giác, tức là pháp môn [Thập Nhị] Nhân Duyên, chuyên chở chúng sanh vượt khỏi Tứ Không32, ở nhà tịch tĩnh, thành Bích Chi Phật, ví như xe nai.

3) Đại Thừa Bồ Tát, tức là pháp môn Lục Độ, chuyên chở chúng sanh vượt thoát cảnh phàm phu, Tiểu Thừa, thẳng đến Vô Thượng Bồ Đề, bờ kia Đại Bát Niết Bàn, thành tựu Phật quả, ví như xe trâu.

Nay kinh này thuộc về Đại Thừa, do Như Lai nghĩ thương chúng sanh, Thế Chí nhiếp thọ người niệm Phật, khiến cho các thừa được yên vui, độ thoát chín cõi.

Ngũ Giáo là:

1) Tiểu Giáo: Chỉ nói về Nhân Không.

2) Thỉ Giáo: Chỉ luận về Pháp Không, còn gọi là Phần giáo vì chỉ nói đến pháp tướng.

3) Chung Giáo: Do nói về Trung Đạo, còn gọi là Thật Giáo, thường giảng nói nhiều về pháp tánh.

4) Ðốn Giáo: Chỉ luận về chân tánh.

5)Viên giáo: Chỉ nói về pháp giới.

Nay kinh này thuộc về ba giáo sau. Trong đoạn sau của chương kinh này có câu: “Hai người nhớ nhau, hai cái nhớ ấy càng sâu, mẹ con trải qua nhiều đời chẳng cách xa nhau”, đấy chính là Chung Giáo do kể từ lúc niệm dần dần cho đến khi cuối cùng trở thành Phật. Tiếp đấy, kinh lại dạy: “Dùng tâm niệm Phật để nhập Vô Sanh Nhẫn, chẳng cần đến phương tiện”, đấy chính là Đốn Giáo do biết Phật chính là tâm, mau thành Phật đạo! Trong kinh này lại dạy: “Nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm nối tiếp, đắc tam-ma-địa”, đấy chính là Viên Giáo do biết rõ ba thứ này không sai biệt thì pháp giới viên thông. Dựa theo đó sẽ biết giáo nghĩa kinh này sâu rộng, u viễn, chẳng phải là thiển cận!

---o0o---


2.3. Tông thú


Sớ: Ba là tông thú chỉ quy, có Tổng, có Biệt.

Tổng là lấy “nhớ Phật, niệm Phật” làm Tông, “thấy Phật, nhập Nhẫn, tân cảnh viên thông” làm Thú.

Biệt gồm năm cặp:

1) Giáo nghĩa: Lấy giáo thuyết làm Tông, lấy “khiến cho người nghe thấu đạt ý nghĩa” làm Thú.

2) Sự lý: Lấy nêu sự tướng làm Tông, giảng rõ lý làm Thú.

3) Cảnh trí: Lấy ba Phật cảnh làm Tông, lấy hai quán trí làm Thú.

4) Hạnh vị: Lấy Tín, Hạnh, Nguyện làm Tông, lấy nhập Bất Thoái làm Thú.

5) Nhân, quả: Lấy nhân và hạnh làm Tông, lấy chứng đắc quả đức làm Thú.



Sao: Chữ “ba là” dùng để dẫn khởi nhằm giảng giải tông chỉ và chỗ quy thú. Ðiều được kinh này đề xướng thì gọi là Tông, chỗ hướng đến của Tông thì gọi là Thú. Nếu chẳng nhận biết Tông thì biết quy hướng về đâu?

Từ chữ “có Tổng” trở đi là phần giải thích ý nghĩa:

1) “Giáo thuyết” chính là pháp môn Niệm Phật. “Thấu đạt ý nghĩa” là hiểu thông suốt tâm cảnh duyên niệm đã được giảng nói trong giáo pháp, tức là [hiểu thấu đạt] những nghĩa như sự cảm ứng giữa chúng sanh và Phật, nhiễm mùi thơm, chứng nhập Nhẫn, tự, tha, sanh (sanh về cõi Cực Lạc), độ (cõi nước) vậy.

2) “Sự lý” trọn đủ các ý nghĩa, tức là đề cao các chuyện thuộc về mặt Sự như niệm Phật v.v… nhằm ý gì? Chính là vì muốn tỏ rõ lý tột cùng “tự tánh Di Ðà, duy tâm Tịnh Độ” vậy.

3) “Cảnh trí” là những điều được chia chẻ dựa theo mặt Lý. Cảnh chính là cái lý được quán. Trí chính là cái tâm dùng để quán sát [lý ấy]. Ba thân viên dung (Pháp Thân, Báo Thân, Hóa Thân) của Phật (lời Sớ gọi là “ba Phật cảnh”) là chân cảnh. Sự nhất tâm và Lý nhất tâm (lời Sớ gọi là “hai quán trí”) là chân quán.

4) “Hạnh vị” thuận theo trí mà khởi. Tín - Hạnh - Nguyện là ba món tư lương. Bất Thoái là tin Tịnh Độ thoát lìa tam giới, đấy chính là Vị Bất Thoái. Nguyện thấy Phật, niệm cái tâm của Phật, đấy là Niệm Bất Thoái. Hành tịnh nghiệp, nhiếp thọ người niệm Phật, đấy là Hạnh Bất Thoái.

Thêm nữa, tin vào lời dạy của Hóa Phật, vượt khỏi phàm phu, ngoại đạo, đấy là Tín Bất Thoái. Nguyện đắc quả như Báo Thân Phật, vượt khỏi cảnh Nhị Thừa, đấy là Niệm Bất Thoái. Hạnh noi theo Phật lý, vượt khỏi sự tu chứng của địa vị Quyền Giáo, đấy là Hạnh Bất Thoái. Khởi Tín Sớ giảng: “Nói đại lược thì có ba phẩm vị. Một là tín hạnh (những hạnh thuộc địa vị Thập Tín) chưa trọn, chưa thể gọi là Bất Thoái, chỉ vì ở nơi chẳng có duyên gây lui sụt nên gọi Bất Thoái. Hai là tín hạnh đã xong, nhập địa vị Thập Trụ, được thấy Pháp Thân, trụ trong Chánh Định, nên gọi là Bất Thoái. Ba là đã mãn địa vị Tam Hiền33, đã nhập Sơ Địa, chứng Pháp Thân trọn khắp, sanh trong vô biên cõi Phật, nên gọi là Bất Thoái”. Do Tín nên trở thành Tín Bất Thoái. Do Nguyện nên trở thành Trụ Bất Thoái. Do Hạnh nên thành Vị Bất Thoái.

Du Già Sư Địa Luận giảng: “[Thập] Trụ là Chứng Bất Thoái. [Thập] Hạnh là Vị Bất Thoái. [Thập Hồi] Hướng là Hành Bất Thoái. [Thập] Ðịa là Niệm Bất Thoái”. Do Tín nên thành Chứng và Vị [Bất Thoái], do Hạnh nên thành Hạnh Bất Thoái. Do Nguyện nên thành Niệm Bất Thoái.

5) “Nhân quả” là do Bất Thoái mà thành. Nếu nhân chẳng lui sụt thì gọi là Chân Nhân (nhân chân thật). Quả nếu chẳng lui sụt thì gọi là Chân Quả. Tín nguyện cõi Phật, thâu nhiếp các căn, tịnh niệm, chính là nhân hạnh để không bị lui sụt Bồ Đề. Đắc tam-ma-địa, viên thông bậc nhất chính là chẳng lui sụt nơi quả đức Bồ Đề vậy.

Kinh văn của chương Thế Chí Niệm Phật Viên Thông này gồm ba tầng:

1) Nhớ nghĩ đức Phật là nhân, trong hiện tại, tương lai sẽ thấy Phật là quả.

2) Do niệm mà thấy được thân cận Phật là nhân, tâm khai mở, được Hương Quang Trang Nghiêm là quả.

3) Do niệm tâm nên chứng nhập Nhẫn là nhân, nhiếp thọ người [niệm Phật] hướng về Tịnh Độ là quả.

Năm cặp nhân quả như thế, lần lượt làm nhân cho nhau để sanh khởi.

---o0o---



tải về 0.56 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương