Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương Sớ Sao



tải về 0.56 Mb.
trang2/10
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích0.56 Mb.
#30913
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10

I. Thông tự đại ý


(những ý chánh yếu trong phần Thông Tự)

Gồm hai phần:

1. Giải thích rõ tông chỉ, nghĩa thú

2. Lược giải tựa đề kinh

---o0o---

1. Giải thích về tông chỉ, nghĩa thú:


Gồm 3 phần:

1.1. Tông thú4 của pháp niệm Phật

1.2. Nêu bày những điều được giảng giải trong chương kinh này

1.3. Dẫn chứng những sự lợi ích thù thắng để khuyên tu

---o0o---

1.1. Tông thú của pháp niệm Phật


Sớ5: Lớn lao thay, pháp môn Niệm Phật gồm thâu cả Tiểu lẫn Đại, bao trọn lợi căn lẫn độn căn, Sự - Lý viên dung, Tánh - Tướng vô ngại. Phật chính là tâm, không tâm nào chẳng phải là tâm Phật. Tâm chính là Phật, không một Phật nào chẳng phải là Phật tâm. Tâm vừa nghĩ tới, Phật, Phật trọn bày. Vừa xưng danh hiệu Phật, tâm, tâm được hiển lộ ngay. Chẳng có Phật ở ngoài tâm để tâm nhớ tới, mà cũng chẳng có tâm ở ngoài Phật để đức Phật được xưng niệm bởi cái tâm ấy. Chúng sanh niệm Phật: Phật ở ngay trong tâm chúng sanh. Phật niệm chúng sanh: Chúng sanh ở ngay trong tâm Phật. Tâm này làm Phật, nếu tâm chẳng niệm Phật thì chẳng thể làm Phật được! Chính do Phật mà tâm được hiển lộ, nếu chẳng xưng niệm Phật thì tâm chẳng thể hiển lộ được. Cho nên biết rằng: Một môn Niệm Phật quả thật là diệu pháp để kiến tánh thành Phật vậy.

Sao: Từ chữ “lớn vậy thay” trở đi, chia làm hai phần. Trước hết là phần giải thích, lại gồm có ba ý:

1.1.1. [Ý thứ nhất]: Trước hết là trình bày tổng quát về phạm vi bao quát của pháp môn niệm Phật. “Lớn lao thay” chính từ ngữ khen ngợi, cũng là từ ngữ mở đầu [lời nhận định]. Từ chữ “pháp môn Niệm Phật” trở đi, chính là nói về pháp được khen ngợi. Câu đầu tiên nêu lên Thể (bản thể)6: Niệm Phật chính là nói riêng, “pháp môn” là nói chung.

Bốn câu kế tiếp (tức “pháp môn Niệm Phật gồm thâu cả Tiểu lẫn Đại, bao trọn lợi căn lẫn độn căn, Sự - Lý viên dung, Tánh - Tướng vô ngại”) giải thích về Tướng7:

Hai câu đầu nói về Người (tức đối tượng chủ yếu) [được nhiếp hóa bởi pháp môn này]. Nói “Đại, Tiểu” là ước về Thừa (giáo pháp); nói lợi, độn là ước về Căn (căn cơ được tiếp độ).

Gồm thâu” là hướng dẫn, chỉ dạy căn tánh Tiểu Thừa, tức dẫn dắt căn tánh Tiểu Thừa hướng đến Đại Thừa; khuyên lơn, khích lệ căn tánh Đại Thừa hãy bỏ Quyền (phương tiện) hướng đến Thật, khiến cho ba tâm của bậc thượng căn (chí thành tâm, thâm tâm, hồi hướng phát nguyện tâm) được phát khởi trọn vẹn, tiến thẳng vào Vô Sanh, làm cho kẻ hạ căn mười niệm thành công, cũng được sanh về cõi kia (nước Cực Lạc).

Hai câu kế đó nói về Pháp. Sự, Lý là ước về hạnh. Tánh, Tướng là ước về Đế8. “Viên dung, vô ngại”: Kẻ hạ căn ngu độn chấp Sự, mê Lý, người trí nhỏ chấp Lý bỏ Sự. Nay [pháp môn Niệm Phật] khiến cho họ thông suốt cả Sự lẫn Lý. Nương theo Lý để tu liền chứng Chân Đế, thấy được tự tánh Di Ðà. Nương theo Sự để tu liền chứng Tục Đế, sanh vào Cực Lạc tướng độ9.

1.1.2. [Ý thứ hai]: Tiếp đấy, [trong đoạn “Phật chính là tâm, chẳng có tâm nào chẳng phải là tâm Phật. Tâm chính là Phật, không một Phật nào chẳng phải là Phật tâm”] lời Sớ lại đặc biệt chỉ rõ lý Bất Nhị trong ấy:

1.1.2.1. Trước hết là tâm và Phật không hai:

Bốn câu đầu ước theo Tánh để lập luận. Giảng về tâm và Phật, lời Sớ chia ra năm cặp:

- Một: Tâm ở ngoài Phật, Phật ở ngoài tâm.

- Hai: Phật ở trong tâm, Phật chỉ là tâm.

- Ba: Tâm tức là Phật, Phật tức là tâm.

- Bốn: Tâm chẳng phải là Phật, Phật chẳng phải là tâm.

- Năm: Tâm và Phật viên dung, vô chướng, vô ngại.

Đem Ngũ Giáo (Tiểu, Thỉ, Chung, Đốn, Viên) theo thứ tự phối hợp với năm cặp này sẽ hiểu được ý nghĩa. Nay tôi chỉ rõ ý nghĩa của câu thứ ba:

Tâm và Phật ở đây, xét về Thể, sẽ bao quát khắp tất cả, giống như kim loại và đồ vật vậy. Nếu dùng kim loại để thâu nhiếp đồ vật (tức là thấy toàn bộ những món đồ vật đều làm bằng kim loại) thì chẳng bỏ sót một món vật nào. Dùng đồ vật để nhiếp kim loại (tức là tìm kim loại từ nơi đồ vật), không một món nào chẳng bằng kim loại.

1.1.2.2. Tám câu tiếp theo kể từ chữ ‘tâm’ (tức từ câu: “Tâm vừa nghĩ tới…”) trở đi là ước theo phương diện Tu để nói:

Tâm nghĩ tới Phật, Phật được xưng niệm bởi tâm” đều là giảng theo phương diện Tu. Tâm nghĩ tới Phật, Phật liền hiện bày; bởi lẽ, tâm chính là Phật. Xưng niệm Phật thì tỏ rõ được cái tâm, bởi lẽ, Phật chính là tâm. Không có gì để tâm nhớ nghĩ tới nên ngoài tâm không có Phật. Không có gì để xưng niệm Phật, cho nên ngoài Phật không có tâm. Phẩm Hồi Hướng trong kinh Hoa Nghiêm có câu: “Vô hữu trí ngoại Như vi trí sở nhập, diệc vô Như ngoại trí, năng chứng ư Như” (Chẳng có Như ở ngoài trí để được chứng nhập bởi trí ấy, mà cũng không có trí ngoài Như để chứng được cái Như10 ấy) chính là giảng về nghĩa này.

1.1.3. [Ý thứ ba]: Từ chữ “chúng sanh” trở đi, lời Sớ bàn về ba thứ vô sai biệt, tức là: Tâm, Phật, chúng sanh chính là ba thứ vô sai biệt.

Bốn câu đầu [trong tiểu đoạn này] nhằm giảng rõ sự không sai biệt:

1.1.3.1. “Chúng sanh niệm Phật” nghĩa là chúng sanh ở trong tâm chư Phật đang niệm chư Phật ở chính ngay trong tâm chúng sanh. “Phật ở ngay trong tâm chúng sanh” nghĩa là ở ngoài tâm của chúng sanh không có đức Phật nào khác; bởi lẽ, chân tâm của Phật chính là chân tâm của chúng sanh. [Nói cách khác] câu này ngụ ý gồm thâu mọi pháp thuộc về mặt Nhân, không bỏ sót pháp nào. Vì thế mới nói: “Chúng sanh niệm Phật, hiện tiền, tương lai ắt được thấy Phật”. Kinh Hoa Nghiêm cũng dạy: “Hãy nên biết trong tự tâm, trong mỗi niệm thường có Phật thành Chánh Giác. Vì sao vậy? Do chư Phật Như Lai chẳng lìa tâm này để thành Chánh Giác vậy”.

1.1.3.2. “Phật niệm chúng sanh” là chư Phật trong tâm chúng sanh niệm chúng sanh trong tâm của chư Phật. “Chúng sanh ở trong tâm Phật” nghĩa là ngoài chân tâm của Phật chẳng có chúng sanh, nhưng chân tâm của chúng sanh lại chính là chân tâm của Phật. [Nói cách khác] đoạn này gồm thâu các pháp thuộc về mặt Quả chẳng còn sót pháp nào. Do vậy, nói: “Mười phương Như Lai nghĩ thương chúng sanh như mẹ nhớ con”. Phật Tánh Luận chép: “Hết thảy chúng sanh đều ở trong trí của Như Lai, hết thảy chúng sanh quyết định chẳng ra ngoài cảnh Như Như, đều được Như Lai nhiếp trì”.

1.1.3.3. Dựa theo Thanh Lương Sớ11, [tâm, chúng sanh và Phật] lại được chia thành bốn câu như sau:

- Một là ở ngoài tâm của chư Phật, không có chúng sanh nào khác.

- Hai là ở ngoài tâm của chúng sanh, chẳng có Phật nào khác.

- Ba là tâm Phật, tâm chúng sanh, cả hai thứ cùng tồn tại, cùng hiện diện.

- Bốn là tâm chúng sanh và tâm Phật, đoạt lẫn nhau, cùng mất.

Nay tôi bèn dựa theo hai ý đầu [trong bốn câu vừa nêu trên đây] để giải thích lời Sớ như sau:

Bốn câu tiếp theo chữ “Tâm này” (tức các câu: “Tâm này làm Phật, nếu tâm chẳng niệm Phật thì chẳng làm Phật. Chính do Phật mà tâm được hiển, nếu chẳng xưng niệm Phật thì tâm chẳng thể hiển lộ được”) nhằm giảng rõ lại ý nghĩa của đoạn trước:

- Tâm vốn là Phật, do chẳng giác nên Phật ẩn. Nếu muốn làm Phật thì phải niệm tâm. Do vậy, Khởi Tín Luận viết: “Bổn Giác của chúng sanh và Bổn Giác của Phật chẳng có hai Thể. Nếu chẳng niệm tâm, khó thể thành Phật vậy”.

- Phật vốn là tâm, do vô minh nên tâm tăm tối. Nếu muốn tâm được sáng tỏ, phải nên niệm Phật. Do vậy, kinh Hoa Nghiêm dạy: “Phật trí rộng lớn, trọn khắp tâm của chúng sanh. Lời ăn tiếng nói của chúng sanh đều chẳng lìa ngoài pháp luân của Như Lai”. Nếu chẳng xưng niệm Phật, khó thể nào minh tâm được!

Từ chữ “cho nên biết” trở đi là lời kết. Di Ðà tức là tự tánh, Tịnh Độ hoàn toàn chỉ là nhất tâm. Hễ lìa ngoài tâm tánh, sẽ chẳng tìm được mảy may gì! Nếu có thể ức niệm thì đức Phật trong bổn tánh sẽ được hiển lộ. Khởi Tín Luận giảng: “Nhất tướng của pháp giới chính là Pháp Thân bình đẳng của Như Lai. Hễ đức Phật nơi Tánh được hiển lộ, sẽ tự chứng được Phật đạo nơi Quả”. Do đó, ngài Khuê Sơn nói: “Nay biết tâm chính là tâm của Phật, nhất định sẽ thành Phật”, chẳng đúng như thế hay sao? Nếu rời ngoài môn Niệm Phật ra mà muốn mau kiến tánh thành Phật tức là bỏ cái gần, cái dễ để cầu cái xa, cái khó vậy!

---o0o---

1.2. Nêu bày những điều được giảng giải trong chương kinh này


Sớ: Bởi vậy, mười hai đức Như Lai gọi [pháp niệm Phật] là tam-muội; còn Thế Chí Bồ Tát gọi là Viên Thông. Tam-muội bao gồm trọn hết các loại Thiền. [Danh xưng] Viên Thông hàm nghĩa “đầy đủ vạn hạnh”. Nhất tâm tu học Đốn Giáo, Thật Giáo, cũng chẳng đáng nên làm hay sao?

Sao: Từ chữ “bởi vậy” trở đi, chia thành ba đoạn:

1.2.1. Trước hết là phần Chánh Hiển (phần nêu rõ giáo pháp nào sẽ được giảng dạy trong chương kinh này):

Từ ngữ “bởi vậy” là từ ngữ dùng để tiếp nối đoạn trước nhằm khởi đầu đoạn sau.

Mười hai đức Như Lai gọi [pháp niệm Phật] là tam-muội”: Tâm phàm phu nhơ bẩn, đục ngầu như Hoàng hà, còn tâm ngoại đạo vọng tưởng phóng túng như ngựa chạy lồng lên; cho nên gọi pháp Niệm Phật là tam-muội ngõ hầu họ sẽ bỏ nhơ để trở thành tịnh, bỏ tán loạn hòng chứng nhập tịch tĩnh vậy.

Thế Chí Bồ Tát gọi là Viên Thông”: Để đoạn Hoặc, chứng Chân, Tiểu Thừa phải trải qua bảy lần sanh [trong nhân gian], Quyền giáo phải trải qua ba A-tăng-kỳ12 thì nhân mới đầy đủ, quả mới viên mãn được! Do vậy, nói “Viên Thông” là muốn cho họ mau chứng, chóng thành, vượt thoát trọn vẹn, chứng nhập trực tiếp vậy.

1.2.2. Từ “tam-muội bao gồm” trở đi, nêu ra hai tầng phân biệt. Tức là:

a. Tam-muội này bao gồm trọn khắp hết thảy các thứ Thiền Định thế gian lẫn xuất thế gian, khác hẳn các thứ tam-muội khác; giống như một lò nung to lớn đúc thành ngàn món vật.

b. Viên Thông là trọn vẹn tám vạn bốn ngàn hết thảy các thứ Quán Hạnh, khác hẳn những thứ Viên Thông khác, ví như thuốc A Già Ðà13 trị chung vạn bệnh.

1.2.3. Hai câu sau cùng là ba thứ khuyên răn: Tam-muội là điều được giảng giải bởi Thật giáo. Viên Thông là pháp được giảng giải bởi Đốn giáo. Học Đốn Giáo và Thật Giáo là điều đáng nên làm.

Thêm nữa, lời Sớ trong phần trên (tức phần Tông Thú) nhằm chỉ ra ý nghĩa pháp Niệm Phật là Viên, còn lời Sớ trong phần này nhằm nêu thêm ý nghĩa: Pháp môn Niệm Phật cũng là Đốn và Thật.

a. Chúng sanh niệm Phật nhất định sẽ thành Phật, đấy là Thật. Luận Khởi Tín chép: “Chuyên niệm Di Ðà, tu thiện, hồi hướng, nguyện sanh về cõi ấy, cuối cùng được thấy Phật”. Kinh Hoa Nghiêm dạy: “Lúc mạng sắp hết, các căn rời rã, hư hoại, chỉ có nguyện vương này dẫn đường đằng trước, liền được vãng sanh, thấy Phật Di Ðà, được Phật thọ ký, chẳng lâu sẽ ngồi nơi Bồ Đề đạo tràng, thành Ðẳng Chánh Giác”. Chúng sanh nhớ Phật, hiện tiền liền thấy, tức là Đốn (nhanh chóng) vậy.

b. Kinh Phật Tạng dạy: “Không giác, không quán gọi là Niệm Phật. Không có tưởng, không có lời lẽ nào gọi là Niệm Phật”. Kinh Ma Ha Bát Nhã dạy: “Bồ Tát Ma Ha Tát niệm Phật, chẳng dùng Sắc để niệm, chẳng dùng Thọ, Tưởng, Hành, Thức để niệm do tự tánh của các pháp không tịch vậy”. Vì chương kinh này đã giảng kèm thêm các nghĩa Đốn và Thật, do vậy, pháp môn này đáng phải nên học.

---o0o---

1.3. Dẫn chứng lợi ích thù thắng để khuyên tu


Sớ: Nghe nói danh hiệu Phật, Oai Quang14 chứng nhập vô tận, nhớ tưởng cảnh Phật, Ðức Vân đắc nhiều môn giải thoát. Có ích lợi thù thắng như thế ấy, sao lại tự ruồng, tự bỏ, chẳng nguyện, chẳng tu ư?

Sao: Đối với bốn câu từ chữ “nghe nói”, trước hết là phần dẫn nhập. “Nói danh hiệu Phật” là như kinh Hoa Nghiêm chép: Lúc đức Thắng Vân Phật hiện nơi rừng Bảo Hoa, vang ra âm thanh nói danh hiệu của hết thảy chư Phật trong ba đời. Lúc ấy, đức Như Lai đó ở giữa chúng hội, nói kinh Phổ Tập Nhất Thiết Tam Thế Phật Tự Tại Pháp.

Nhập vô tận” là như kinh Hoa Nghiêm đã chép: “Ở nơi Thắng Vân Phật, [thái tử Đại Oai Quang] chứng được Nhất Thiết Chư Phật Công Đức Luân tam-muội, chứng được Nhất Thiết Phật Pháp Phổ Môn Đà-ra-ni, biết rõ biển ‘hiểu quyết định trang nghiêm thành tựu’ của hết thảy chư Phật, biết rõ vô biên biển biến hiện thần thông trước hết thảy chúng sanh của Phật, rõ biết hết thảy pháp vô úy nơi Phật lực. Ở chỗ Thiện Nhãn Phật liền đắc Niệm Phật tam-muội có tên là Vô Biên Hải Tạng Môn. Mười ngàn pháp môn như thế đều thông đạt ”.

Nhớ tưởng cảnh Phật” là như trong kinh Hoa Nghiêm, ngài Ðức Vân bảo Thiện Tài rằng: “Này thiện nam tử! Ta chỉ chứng được pháp môn Nghĩ Nhớ Thấy Trọn Khắp Cảnh Giới Trí Huệ Quang Minh Của Hết Thảy Chư Phật này”.

Nhiều môn giải thoát” là như Kinh Hoa Nghiêm đã liệt kê hai mươi mốt thứ [giải thoát môn] từ Trí Quang Phổ Chiếu Niệm Phật môn cho tới Trụ Hư Không Niệm Phật môn15 v.v...

Từ chữ “có ích lợi” trở đi, gồm hai ý khuyên lơn, để kết thúc tiểu đoạn này:

1. Trước hết là phần Khuyên Nhủ. Các pháp môn khác thì hoặc là nông cạn nên chẳng xứng hợp thượng căn, hoặc sâu xa nên hạ căn tuyệt chẳng có phần. Chỉ có một pháp này là gồm thâu lợi căn lẫn độn căn, giống như Thủy Thanh Châu16 nên đến đâu cũng có ích. Do vậy, hãy nên tin nhận, hành trì. Niệm Phật giống như trồng lúa, tâm mình như ruộng nhà. Đối với Tín, hãy nên tin [chắc chắn] giống như hễ gieo cấy giống lúa ấy sẽ nhất định thu được thóc. Nguyện phải giống như khi biết giống lúa tốt ấy, nhất tâm mong thu hoạch được thóc. Hạnh phải như vui sướng cầu mong có được thóc, ra sức cày bừa.

2. Hai câu kể từ chữ “sao lại” trở đi chính là ý kết luận gồm hai ý trách móc. Nhân quả của mười cõi đều chỉ do tâm biến hiện. Cái tâm trong một niệm nếu nóng giận, tà dâm liền là cõi địa ngục. Nếu keo bẩn, tham lam chẳng bố thí thì là cõi ngạ quỉ. Hễ ngu si tăm tối tức là cõi súc sanh. Nếu ngã mạn kiêu căng liền là cõi Tu La. Giữ vững Ngũ Giới bèn là Nhân pháp giới. Chuyên tu Thập Thiện bèn là Thiên pháp giới. Chứng ngộ Nhân Không là Thanh Văn giới. Biết tánh của duyên vốn rời lìa, đấy chính là Duyên Giác giới. Lục Độ đều cùng tu, đấy là Bồ Tát giới. Lòng Từ bình đẳng chân thật là Phật pháp giới. Nay chương kinh này dạy pháp Niệm Phật là muốn cho hành nhân niệm tự tâm, thành đức Phật của chính ta sẵn có. Sao lại bỏ đức Phật trong tự tâm, phụ bạc lời Phật dạy ư? Như Lai Bất Tư Nghị Cảnh Giới Kinh dạy: “Bồ Tát biết rõ chư Phật cùng hết thảy pháp đều chỉ là do tâm lượng nên đắc Tùy Thuận Nhẫn17, khi xả thân mau sanh về tịnh độ Cực Lạc”.

Chiếu luật sư hỏi:

- Kinh chép: “Tâm này làm Phật, tâm này là Phật”. Tâm đã là Phật, sao lại cần phải niệm đức Phật khác?

Ðáp:


- Chỉ vì tâm vốn là Phật cho nên mới dạy chuyên niệm vị Phật ấy. Kinh Phạm Võng [Bồ Tát] Giới dạy: “Tin biết hết thảy chúng sanh đều có Phật tánh, ta là Phật chưa thành, chư Phật là Phật đã thành”. Vị Phật trong tâm ông là Phật chưa thành, Phật Di Ðà là Phật đã thành. Vị Phật chưa thành chìm đắm trong biển dục đã lâu, trọn đủ các phiền não, khó biết thuở thoát ra. Vị Phật đã thành thì chứng Bồ Đề từ lâu, có đầy đủ oai thần, hay cứu giúp chúng sanh. Do vậy, chư Phật khuyên phải niệm Phật. Tức là dùng vị Phật chưa thành của ta để cầu vị Phật đã thành của người, hầu cứu giúp cho vậy. Chúng sanh nếu chẳng niệm Phật thì thánh - phàm sẽ mãi mãi cách biệt. Cha con chống trái nhau sẽ ở mãi trong luân hồi, cách Phật thật xa. Bởi thế, các vị đại Bồ Tát Văn Thù, Phổ Hiền v.v... đều nguyện niệm Phật vãng sanh, huống hồ bọn phàm phu chúng ta ư? Vả nữa, loài sâu bọ kia nghe lời giáo hóa còn được thành tựu, loài người vẫn chẳng bằng loài trùng hay sao? Đã chẳng nguyện mà còn tự buông bỏ thì là mê lầm quá sức vậy!

---o0o---




tải về 0.56 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương