Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương Sớ Sao


Thích đề mục (giải thích tựa đề kinh)



tải về 0.56 Mb.
trang6/10
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích0.56 Mb.
#30913
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10

2.4. Thích đề mục (giải thích tựa đề kinh)


Sớ: Bốn là giải thích tựa đề, có bốn cặp ý nghĩa:

1. Ý nghĩa Tổng và Biệt, nghĩa là: Ba chữ Lăng Nghiêm Kinh chính là tổng xưng vì nói tới trọn bộ kinh vậy. Bảy chữ “Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương” là danh hiệu riêng, vì chỉ hạn cuộc trong một chương này mà thôi!

2. Giáo nghĩa: Trong phần Biệt Xưng (danh xưng riêng) đã nói trên đây, phân ra thành hai loại giáo nghĩa, tức là: Một chữ Chương chính là giáo pháp nhằm giảng dạy, còn sáu chữ “Thế Chí Niệm Phật Viên Thông” chính là nghĩa được giảng bởi giáo pháp ấy.

3. Quả nhân: Trong nghĩa trên đây, lại tách ra một cặp ý nghĩa như sau: Viên Thông là quả, là cảnh được chứng, Thế Chí Niệm Phật là nhân, vì đấy là chủ thể tu quán.

4. Nhân, pháp: Trong phần nhân vừa được nói ở trên đây, lại chia ra thành một cặp ý nghĩa như sau: Niệm Phật là pháp, tức là pháp được nhận lãnh. Thế Chí là người, tức là người có thể hoằng truyền [pháp ấy].

Căn cứ vào bốn cặp nghĩa này để đặt tên cho chương này vậy.



Sao: Chữ “bốn là’ là chữ để giới thiệu ý nghĩa. Từ chữ “có bốn cặp” trở đi là phần giải nghĩa, câu này dùng để liệt kê [các ý nghĩa]. Câu “một là” để giải thích.

Trong phần Tổng Xưng (tên gọi chung của toàn bộ kinh này) cũng có một cặp ý nghĩa. Lăng Nghiêm là nghĩa hạn cuộc, còn chữ Kinh là giáo pháp, là nghĩa chung; nay chẳng trình bày những nghĩa ấy vì sợ rườm rà. Chương thuộc về chủ thể giảng nói (năng thuyên), nghĩa là: Chương là văn tự viên thông, chương kinh này dạy về pháp Niệm Phật, thuộc về cặp ý nghĩa “quả nhân” mà cũng có thể nói là thuộc về cặp ý nghĩa “cảnh trí” [như trong phần Sớ đã phán định]. Viên Thông là Cảnh, Niệm Phật là Trí; mà cũng có thể phán định là Chân - Tục, Lý - Sự, Tánh - Tu, thuộc về cặp ý nghĩa Tịch Hạnh. Viên Thông là Lý tánh của Chân, vốn lặng lẽ. Thế Chí Niệm Phật là Tục, thuộc về chuyện tu hành trên mặt Sự.

Từ chữ “bốn là” trở đi, trong pháp Niệm Phật nếu niệm Biến Hóa Phật chứ không phải là niệm Thọ Dụng Phật (tức là niệm Hóa Phật) thì là Tiểu Giáo. Niệm Thọ Dụng Phật chứ không niệm Biến Hóa Phật (tức niệm Báo Thân của đức Phật trong tự tâm) thì là Chung Giáo. Niệm cả thân Biến Hóa lẫn thân Thọ Dụng (tức là niệm Năng Báo) thì là Thỉ Giáo. Niệm chẳng phải Thọ Dụng, chẳng phải Biến Hóa Phật (tức là niệm Pháp Thân) thì là Đốn Giáo. Niệm viên thông vô chướng ngại Phật (tức là niệm trọn đủ mười thân của Phật34) thì là Viên Giáo.

Thế Chí là người”: Hễ đắc Ứng Hóa Phật lực thì là Thế Chí trong Tiểu Giáo, đắc Công Đức Phật lực thì là Thế Chí trong Thỉ Giáo, đắc Trí Huệ Phật lực thì là Thế Chí trong Chung Giáo (hai loại này thuộc về Báo Thân Phật) đắc Như Như Phật lực (Pháp Thân Phật) là Thế Chí trong Đốn Giáo, đắc vô tận Phật lực (mười thân Phật) là Thế Chí trong Viên Giáo.

Ở đây cũng chỉ là ước theo giáo để giải thích đại lược, trong những đoạn sau sẽ giải thích tường tận. Qua những điều trình bày trên đây, biết được rằng trong cái tên của kinh này đã nêu bày nhân (người) lẫn pháp, nhân lẫn quả cùng phô bày, lý tận, nghĩa trọn. Do vậy, đem cái tên ấy đặt ở đầu chương kinh này.

---o0o---


2.5. Giải thích kinh văn


Gồm có ba phần:

- Trình bày về Thể để nghĩa lý của kinh được minh bạch.

- Phần thuật bày sở chứng [của Đại Thế Chí Bồ Tát]

- Kết luận để đáp câu hỏi về pháp Viên Thông.

---o0o---

2.5.1. Trình bày về Thể để nghĩa lý của kinh được minh bạch

Chánh kinh: Đại Thế Chí pháp vương tử dữ kỳ đồng luân ngũ thập nhị Bồ Tát, tức tùng tòa khởi, đảnh lễ Phật túc, nhi bạch Phật ngôn.

(Ðại Thế Chí pháp vương tử, cùng với những người cùng hàng với ngài gồm năm mươi hai vị Bồ Tát liền từ tòa ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, bạch Phật rằng)



Sớ: Tiếng Phạn là Ma Ha Na Bát (Mahā-sthāma-prāpta), ở cõi này (Trung Hoa) dịch là Ðại Thế Chí. Kinh Tư Ích35 chép: “Chỗ tôi đặt chân xuống, chấn động tam thiên đại thiên thế giới và cung điện của Ma, nên tên là Ðại Thế Chí”. Quán kinh cho biết: “Lúc vị Bồ Tát này đi, hết thảy mọi thứ trong mười phương thế giới đều chấn động. Lúc Bồ Tát này ngồi, cõi nước bảy báu cùng lúc lay động. Ngài còn có tên là Ðắc Ðại Thế Chí”. Kinh Bi Hoa chép: “Nguyện thế giới của tôi giống như thế giới của Quán Thế Âm chẳng sai khác”. Bảo Tạng Phật36 nói: “Do nguyện của ông nhận lấy khắp cả cõi đại thiên, nay ta sẽ đặt tên cho ông là Ðắc Ðại Thế, cũng gọi là Vô Biên Quang”. Quán kinh chép: “Dùng trí huệ quang chiếu khắp hết thảy, khiến cho chúng sanh lìa tam đồ, được sức vô thượng”.

Nếu dựa theo bản kinh Lăng Nghiêm này thì Ngài có thể niệm vị Phật có thế lực lớn lao, có thể nhiếp phục vọng niệm nơi sáu căn, có thể tiếp độ người niệm Phật, cho nên có tên là Thế Chí vậy. Nhờ vào vị Bồ Tát này phát khởi để biểu thị ý: Pháp môn Niệm Phật có thể phát sanh trí quang, đạt được thế lực lớn lao, lìa khỏi sự khổ trong ba cõi, đạt được sự vui sướng nơi Tịnh Độ.

Do tự tại đối với pháp nên gọi là “pháp vương”. Từ pháp hóa sanh thì gọi là “tử” (con). Kinh Bi Hoa chép: “Trong cái nhân thuở quá khứ, lúc Phật Di Ðà làm Luân Vương, Quán Âm là con trưởng, Thế Chí là con thứ. Nay tại Cực Lạc, [Quán Âm và Thế Chí] ở hai bên đức Phật, giúp Ngài giáo hóa hết thảy. Rồi sẽ kế vị làm Phật nên gọi là Pháp Vương Tử”.

Dữ” (cùng) nghĩa là chung với. “Luân” là loại (cùng loại, giống nhau). Thanh khí tương ứng nên gọi là “đồng loại”

Ngũ thập nhị” (năm mươi hai) là con số nhằm biểu thị một môn Niệm Phật của ngài Thế Chí có phạm vi nhiếp hóa năm mươi hai địa vị thuộc các pháp hạnh như Thập Tín v.v...

Bồ Tát” nói đủ là Bồ Đề Tát Đỏa. Ngài Tăng Triệu giảng: “Bồ Đề là tên của Phật đạo, Tát Đỏa dịch sang tiếng Hán là Đại Tâm Chúng Sanh. Có cái tâm lớn lao để nhập Phật đạo nên gọi là Bồ Đề Tát Đỏa”. Ngài Hiền Ðạo giảng: “Cõi này dịch Bồ Đề là Giác, còn Tát Đỏa được cõi này dịch là Chúng Sanh. Do trên là dùng Trí để cầu Bồ Đề, dưới là dùng Bi để cứu chúng sanh, nên gọi Bồ Đề Tát Đỏa”.

Tùng tòa khởi” (Từ tòa ngồi đứng dậy): Tôn ty thầy trò, danh phận theo thứ tự. Hễ có việc thưa bày, chẳng nên ngồi nói.

Ðảnh lễ Phật túc” (đảnh lễ dưới chân Phật): Dùng đỉnh đầu lễ sát dưới chân Phật nhằm tỏ lòng thành kính tới hết mức. Những điều trên đây (tức từ tòa ngồi đứng dậy và đảnh lễ dưới chân Phật) đều là thân nghiệp.

Bạch Phật”: Người trên nói thì gọi là Cáo (bảo ban), người dưới thưa thì gọi là Bạch. Đây là khẩu nghiệp.

Thân và khẩu cung kính thì sẽ biết ý nghiệp [đương nhiên phải cung kính].



Sao: Từ chữ “tiếng Phạn” trở đi là lời giải thích về tên người.

1) Trước hết, trong phần giảng về danh hiệu của ngài Thế Chí thì:

- Đầu tiên, trong phần xét theo mặt Hạnh thì lời Sớ đã luận về phương diện tu tự hạnh của ngài Thế Chí. Do có oai thế của Trí Đoạn37 nên có thể chấn động hết thảy.

- Từ chữ “còn có tên ” trở đi là ý kế tiếp: Xét theo mặt Nguyện, đức Thế Chí trên cầu Phật đạo. Do có thế lực của tưởng niệm nên có thể giữ lấy, chứng đắc Tịnh Độ.

- Từ chữ “cũng gọi là Vô Biên Quang” trở đi, là ý thứ ba: Xét theo mặt Bi, ngài Thế Chí dưới độ chúng sanh. Do có thế lực hóa độ, dẫn dắt, nên Ngài có thể cứu bạt tam đồ. Hai ý đầu là tự lợi, còn ý này là lợi người.

Nếu y vào bổn kinh này”: Trên đây đã dựa theo các kinh để giải thích danh hiệu của Thế Chí Bồ Tát, còn đến đây chỉ hạn cuộc trong kinh này (tức kinh Lăng Nghiêm) để giải thích. Ba câu từ chữ “có thể niệm” trở đi (tức “có thể niệm vị Phật có thế lực lớn lao, có thể nhiếp phục vọng niệm nơi sáu căn, có thể tiếp độ người niệm Phật”) cũng ước theo ba nghĩa “trên cầu, giữa tu, dưới độ” để giải thích:

- Từ ngữ “đại thế Phật” (vị Phật có thế lực lớn lao) chỉ Phật Di Ðà. Trong thập phương tam thế Phật, Phật Di Ðà là bậc nhất.

- “Có thể niệm”: Chẳng giống như chúng sanh chẳng cầu đại thế Phật và đoạn pháp khổ.

- “Có thể nhiếp”: Chẳng giống như chúng sanh sáu căn nắm níu sáu trần.

- “Có thể tiếp độ”: Chẳng giống như chúng sanh tự lợi, chẳng thể chịu nhọc nhằn thay cho người khác.

Do có ba đức lớn lao như thế ấy nên oai thế đạt đến mức cùng cực. Bồ Tát danh xứng với Thật, chúng sanh không cách nào biết được nổi!

2) Từ chữ “do tự tại đối với pháp” trở đi là ý kế tiếp [nhằm giải thích từ ngữ] “pháp vương tử”:

- Do tự tại nên gọi là Vương, vì vua có nghĩa là tự tại.

- Nghĩa kế tiếp là Ngài sẽ kế vị làm Phật. Trong cõi ấy (tức cõi Cực Lạc), sau Phật Di Ðà, Quán Âm sẽ nối ngôi. Sau Quán Âm, ngài Thế Chí sẽ nối ngôi. Ví như Thái Tử, tạm ở Ðông Cung, sau này ắt sẽ xoay mặt về hướng Nam38, nối ngôi vua vậy.

3) Từ chữ “dữ” trở đi, là ý thứ ba. “Dữ kỳ đồng luân” (Cùng với những vị có cùng hạnh với Ngài). Kinh Dịch có câu: “Ðồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” nên nói “thanh khí tương ứng”. Nếu dựa theo kinh Hoa Nghiêm thì do có tám mươi bốn thứ giống nhau nên gọi là “đồng loại” như đã chép trong quyển bảy mươi ba (bắt đầu là Niệm, Huệ, Thú, Giác, cho đến cuối cùng là Bất Hư, Xuất Ly). Do vậy, ở đây chẳng sao lục chi tiết! Ðạo chẳng đồng thì chẳng thể cùng bàn tính với nhau. Người đồng tâm nói với nhau, thơm tho như hoa lan, cho nên mới bảo là “dữ kỳ đồng luân” (cùng với những người cùng hạnh).

4) Từ chữ “năm mươi hai” trở đi là ý thứ tư, luận về năm mươi hai địa vị:

- Tin “Phật là tâm”, tin “tâm làm Phật” là hạnh thuộc về pháp Thập Tín.

- Trụ trong tam-muội để quán Thật Tướng của Phật là hạnh thuộc về pháp Thập Trụ.

- Tu hành hạnh Niệm Phật, độ người niệm Phật là hạnh thuộc về pháp Thập Hạnh.

- Xoay trở lại niệm đức Phật trong tâm, hướng về tâm của Phật để trụ thì chính là hạnh thuộc về pháp Thập Hướng (Thập Hồi Hướng).

- Tâm địa quán Phật, địa vị giống như địa vị Phật là hạnh thuộc về pháp Thập Địa.

- Nhớ Phật, niệm Phật, cách Phật chẳng xa chính là hạnh thuộc về pháp Đẳng Giác.

- Lúc tâm tưởng Phật, tâm này chính là Phật thì chính là hạnh thuộc về pháp Diệu Giác.

Do vậy, biết rằng: Để siêu phàm nhập thánh, chỉ có pháp Niệm Phật là mầu nhiệm mà thôi!

5) Từ chữ “Bồ Tát” trở đi là ý thứ năm: Giải thích ý nghĩa của chữ Bồ Tát:

- Nghĩa đầu tiên là ước theo tâm để giải thích, tức là nếu có thể nhớ Phật như thế sẽ liền thành đại đạo tâm chúng sanh, nên gọi là Bồ Tát.

- Nghĩa kế tiếp là ước theo cảnh để giải thích, tức là dùng cái tâm niệm Phật để trên cầu sự giác ngộ của Phật, dưới hóa độ hữu tình thì gọi là Bồ Tát.

6) Từ câu “Từ tòa ngồi đứng dậy” trở đi là lời giải thích về sự lễ kính, ý nghĩa dễ nhận biết. Nói cách khác, nếu ý chẳng cung kính thì thân chẳng rời chỗ, miệng chẳng thốt lời. Dùng thân để lễ, dùng miệng để bạch đều do ý làm chủ. Cho nên tam nghiệp đều phải cung kính, nhằm hiển thị: Niệm Phật là pháp hy hữu, hết thảy thế gian khó tin tưởng vậy.

---o0o---

2.5.2. Phần thuật bày sở chứng [của Đại Thế Chí Bồ Tát]

Gồm hai phần:

- Trước hết, dẫn bày rõ ràng sự giáo hóa của cổ Phật.

- Kế đó, lược thuật sự tu hành của chính mình.

---o0o---

2.5.2.1. Dẫn bày rõ ràng sự giáo hóa của cổ Phật.

Gồm hai phần:

- Trước hết, kể rõ tên chư Phật xuất thế

- Tiếp đấy, thuật bày lời dạy dỗ riêng biệt.

---o0o---

2.5.2.1.1. Kể rõ tên chư Phật xuất thế

Chánh kinh:

Ngã ức vãng tích hằng hà sa kiếp, hữu Phật xuất thế, danh Vô Lượng Quang, thập nhị Như Lai tương kế nhất kiếp. Kỳ tối hậu Phật, danh Siêu Nhật Nguyệt Quang.

(Con nhớ trong hằng hà sa kiếp xưa kia, có đức Phật xuất thế tên là Vô Lượng Quang. Mười hai vị Như Lai liên tiếp [xuất hiện] trong cùng một kiếp. Vị Phật cuối cùng tên là Siêu Nhật Nguyệt Quang).



Sớ: Chữ “Ngã” chỉ cho Pháp Thân, chẳng giống với “Ngã” trong cách so đo của phàm tình. Nhớ rõ ràng chẳng quên gọi là “Ức”. Quá khứ thì gọi là “vãng tích”. “Hằng hà sa kiếp” là ước theo số cát trong sông Hằng để tính số kiếp, minh thị thời gian đã rất lâu xa vậy.

Chữ Phật Đà (Buddha) trong tiếng Phạn cõi này dịch là Giác Giả, giác ngộ cho kẻ chưa giác, nêu ra đại lược ba nghĩa:

1) Tự mình giác ngộ Ngã Không, do nghĩa này nên Phật khác với phàm phu, ngoại đạo.

2) Làm cho người giác ngộ Pháp Không (các pháp là Không), do nghĩa này nên Phật khác với Nhị Thừa.

3) Ba là giác mãn đều không, do nghĩa này nên Phật khác với Bồ Tát.

Xuất thế”: Không hợp với căn cơ bèn chẳng hiện, hễ căn cơ thuần thục liền hiện.

Như Lai’: Từ Chân Như khởi đến thành Chánh Giác.

Mười hai”: Theo kinh Ðại Di Ðà (kinh Vô Lượng Thọ), danh hiệu của mười hai vị Phật là Vô Lượng Quang Phật, Vô Biên Quang Phật, Vô Ngại Quang Phật, Vô Ðối Quang Phật, Viêm Vương Quang Phật, Thanh Tịnh Quang Phật, Hoan Hỷ Quang Phật, Trí Huệ Quang Phật, Bất Ðoạn Quang Phật, Nan Tư Quang Phật, Vô Xứng Quang Phật, Siêu Nhật Nguyệt Quang Phật.

Vô Lượng là Thật Trí chiếu Lý chẳng có hạn lượng. Vô Biên là Quyền Trí chiếu Sự chẳng có ngằn mé. Vô Ngại là Từ quang ban vui không chướng ngại. Vô Đối là Bi quang dẹp khổ, không chi có thể chống cự được! Viêm Vương là quang minh lẫn âm thanh ứng hóa tự tại. Thanh Tịnh là trong sạch lìa cấu, tỏa quang minh. Hoan Hỷ là khiến cho người thọ dụng sanh lòng vui mừng lớn lao. Trí Huệ là dùng đại trí huệ để phá các Hoặc (phiền não). Bất Đoạn là ánh sáng thường còn, chẳng đoạn dứt. Nan Tư là bổn quang chẳng thể nghĩ bàn được! Vô Xứng: Tỏa ra trăm ánh sáng báu chẳng thể nêu kể được. Siêu Nhật Nguyệt Quang là phóng hết thảy ánh sáng, vượt trỗi mặt trời, mặt trăng. Mười hai vị danh hiệu này đều có chữ Quang vì trong khi tu nhân, do niệm Bổn Giác Phật mà tâm quang được tỏa rạng. Xét đến khi chứng quả, trở thành Diệu Giác Phật liền hiện khởi thân quang (quang minh nơi thân) vậy.

Thập nhị Như Lai tương kế nhất kiếp” (Mười hai vị Như Lai liên tiếp [xuất hiện] trong cùng một kiếp):

1) Ước theo năng niệm (chủ thể niệm Phật) thì điều này nhằm biểu thị cái hạnh. Trong mười hai thời, tịnh niệm nối tiếp nghĩ nhớ đức Phật trong tự tánh Phật, tạo thành một phiến, chẳng để cho cái tâm nghĩ tới Ngũ Dục của thế gian dẫu chỉ trong khoảng khảy ngón tay thì vô lượng tánh quang tự nhiên tỏa rạng.

2) Nếu luận theo sở đắc thì điều này biểu thị sự chuyển được mười hai loại chúng sanh thành mười hai thánh vị, chuyển mười hai Xứ của vọng tưởng thành mười hai Xứ nơi Phật đức (phẩm đức của Phật).

Nhưng mười hai đức Phật ấy là cổ Như Lai, chứ chẳng phải là Di Ðà ngày nay, mà danh hiệu của họ giống với [các danh hiệu khác của] A Di Ðà Phật là do thầy trò cùng một đạo, xưa nay chẳng khác, giống như Thích Ca, Quán Âm vậy.

Sao: Từ chữ “Ngã” trở đi, gồm hai câu giải thích. Ngã có bốn thứ:

1. Cái Ngã tà vạy chấp vào kiến giải.

2. Cái Ngã ta-người kiêu mạn.

3. Cái Ngã giả dối chỉ tồn tại trên danh tự.

4. Cái Ngã chân thật, tức Pháp Thân.

Người đời có đủ cả hai cái Ngã tà vạy và kiêu mạn. Người học đạo có những cái Ngã tà mạn, giả dối, còn thánh nhân chỉ có Ngã giả dối và cái Ngã chân thật. Nay ngài Thế Chí là bậc Pháp Thân đại sĩ, chẳng giống như Tam Thừa nên chỉ là Chân Ngã.

Hằng hà” còn gọi là sông Căng Già (Gange), cõi này dịch nghĩa là Thiên Đường Lai (từ cõi trời đổ xuống) do sông từ trên cao đổ xuống, từ ao Vô Nhiệt Não39 chảy ra, rộng bốn mươi dặm, cát mịn như bột mì. Đức Phật thuyết pháp ở Kỳ Viên, do giảng đường gần bên sông nên hễ nói tới điều gì nhiều, Ngài thường lấy đó làm thí dụ.

Kiếp”, tiếng Phạn là Kiếp-ba (kalpa), cõi này dịch là “phân biệt thời phần”. Câu Xá Luận giảng: “Phần cực nhỏ của thời gian gọi là sát-na, thời gian cực dài gọi là Kiếp”. Nay lấy cát để ví dụ Kiếp thì dễ thấy là rất dài lâu.

Từ “chữ Phật Đà trong tiếng Phạn” trở đi, gồm sáu câu, [trong ấy] Thỉ Giác và Bổn Giác40 hợp nhất thì gọi là “giác mãn”. Ngã lẫn pháp đều hết sạch nên bảo là “đều không”.

Từ chữ “Ðại Di Ðà” trở đi là phần trích dẫn kinh [Vô Lượng Thọ]. Từ chữ “vô lượng” trở đi là giải thích ý nghĩa [của mười hai danh hiệu]. Danh hiệu chư Phật dùng những ý nghĩa hoặc thí dụ để nêu sự chứng đắc của từng vị Phật chẳng giống nhau: Dùng nhân, hoặc quả, hoặc tánh, hoặc tướng, hoặc bi trí, hoặc nguyện hạnh [để lập danh hiệu]. Mười hai vị Phật này đều dùng Quang để xưng danh.

Quang vốn có hai thứ: Một là trí quang, hai là thân quang. Lại có hai nghĩa: Một là thường quang, hai là phóng quang. Lại có hai nhân: Một là công đức trang nghiêm, hai là bổn nguyện thành tựu. Nay giải thích danh hiệu của mười hai vị Phật, cũng ước theo sáu nghĩa ấy: Hai danh hiệu đầu dựa theo hai trí (tức Thật Trí và Quyền Trí), danh hiệu thứ ba, danh hiệu thứ tư là ước theo hai tâm (Từ và Bi), thuộc về hai nhân [vừa được nói trên đây]. Danh hiệu thứ năm, thứ sáu, thứ bảy, thứ tám, ước theo bốn thân: Danh hiệu thứ năm là Hóa Phật, danh hiệu thứ sáu là Pháp Thân, danh hiệu thứ bảy là Tha Thọ Dụng Thân, danh hiệu thứ tám là Tự Thọ Dụng thân. Tức là như trong kinh Lăng Già [gọi bốn thân này bằng các từ ngữ] Ứng Hóa Phật, Như Như Phật, Công Đức Phật, và Trí Huệ Phật. Danh hiệu thứ chín và thứ mười là thường quang. Danh hiệu thứ mười một và mười hai là phóng quang.

Câu “đức Phật trong tự tánh” ngụ ý: Niệm đức Phật ngay trong tự tánh. “Chẳng để cho cái tâm nghĩ tới ngũ dục của thế gian” là như Quán kinh đã dạy: “Phàm niệm Phật thì chẳng được trong khoảng khảy ngón tay nghĩ tới ngũ dục trong cõi đời”. Câu này hàm ý sự hệ niệm. Nếu có thể vượt thoát [Ngũ Dục] được như thế, không một chút gián đoạn xen tạp nào thì vô lượng Phật quang nơi tự tánh sẽ tỏa rạng hoàn toàn, vượt trỗi cả mặt trời, mặt trăng.

Mười hai loài chúng sanh” chính là Thai Sanh (sanh bằng thai), Noãn Sanh (sanh bằng trứng), Thấp Sanh (sanh nơi ẩm ướt), Hóa Sanh (sanh bằng sự biến hóa, như chư Thiên, địa ngục), có hình sắc (chư thiên thuộc Sắc Giới), không hình sắc (chư Thiên thuộc Vô Sắc Giới), có tâm tưởng, không tâm tưởng, chẳng phải có sắc, chẳng phải vô sắc, chẳng phải có tưởng, chẳng phải vô tưởng.

Mười hai thánh vị” là Càn, Tín, Trụ, Hạnh, Hướng, Noãn, Đảnh, Nhẫn, Thế, Địa, Đẳng Giác, Diệu Giác. “Vô tiệm vị” là như kinh dạy: Từ đây tiệm tu (tu dần dần) tùy theo hạnh đã phát mà an lập thánh vị như trong quyển bảy và tám của kinh Lăng Nghiêm đã giảng rõ.

Mười hai vọng tưởng” là vọng tưởng nơi sáu Căn và sáu Trần. Kinh dạy: “Sáu thứ vọng tưởng rối loạn biến thành nghiệp tánh nên do đây mà lần lượt phân chia thành mười hai thứ”. Vì thế, [sáu trần là] Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp trong thế gian biến thành mười hai thứ, đến cùng tận lại biến chuyển trở lại từ đầu.

Mười hai đức tánh của Phật” chính là công đức của sáu Căn và sáu Trần. Kinh dạy: “Tổng quát từ đầu đến cuối, trong sáu Căn mỗi một Căn đều có công đức, mỗi Căn có một ngàn hai trăm công đức” như quyển thứ tư và quyển thứ bảy của kinh Lăng Nghiêm đã giảng rõ.

Từ chữ “nhưng mười hai đức Phật” trở đi nhằm giải quyết sự chất vấn. Nếu có ai vặn rằng: “Theo như kinh Ðại Bổn (Vô Lượng Thọ) thì mười hai danh hiệu Phật ấy chính là những danh hiệu khác của Vô Lượng Thọ Phật, chỉ có một thân Phật, sao ở đây lại nói có mười hai đức Phật nối tiếp nhau xuất thế?” Cho nên ở đây phải đáp rằng: Chư Phật trùng tên rất nhiều. Do vậy, mười hai đức Phật ở đây là chư Phật trong quá khứ, chứ chẳng phải là vị Phật do ngài Pháp Tạng tu thành trong hiện tại. [Người ta lại vặn tiếp]: Nếu như thế, vì sao gì tên hiện nay lại lạm dùng danh hiệu của cổ Phật vậy? Vì thế, lại phải giải thích như sau: Di Ðà, Thế Chí phát tâm cùng một lúc, đức Phật được hai vị tôn làm thầy cũng cùng là một vị, chẳng khác nhau. Mười hai biệt hiệu hiện thời của Phật Di Ðà giống với danh hiệu [của mười hai vị] cổ Phật nhằm biểu thị rõ ràng: Thầy trò truyền thừa cái đạo “tâm chính là Phật, Phật chính là tâm” giống hệt như nhau. Ví như đức Thích Ca lập hiệu trong hiện tại là phỏng theo danh hiệu của đức cổ Phật Thích Ca. Tên ngài Quán Âm ngày nay cũng là phỏng theo cổ Phật Quán Âm. Vì vậy, kinh Ðại Bổn Di Ðà chép: “Qua vô lượng cõi Phật, những vị Phật có cùng tên là Thích Ca cũng chẳng thể đếm xuể!” Như vậy thì danh hiệu của Vô Lượng Thọ Phật có tới trăm ngàn vạn ức vị Phật chẳng thể cùng tận, há phải chỉ có một vị Phật ư?

---o0o---



2.5.2.1.2. Thuật bày lời dạy dỗ riêng biệt

Gồm hai tiểu đoạn:

- Nêu danh hiệu của pháp Viên Thông

- Giải thích ý nghĩa

---o0o---

2.5.2.1.2.1. Nêu danh hiệu của pháp Viên Thông:

Chánh kinh: Bỉ Phật giáo ngã Niệm Phật tam-muội.

(Các đức Phật ấy dạy con Niệm Phật tam-muội)



Sớ: “Bỉ Phật” (Các đức Phật ấy) là mười hai vị Phật. Dùng lời lẽ để chỉ bày thì gọi là “giáo” (dạy). Nói tới “niệm Phật” là nếu xét theo cách niệm trên mặt Sự thì: Tâm nhớ tưởng sẽ gọi là “niệm”; tam thân tiếp dẫn là Phật. Như vậy thì kẻ niệm là chính mình, đối tượng được niệm là Phật. Nếu xét theo cách niệm trên mặt Lý thì niệm chính là Thỉ Giác, Phật là Bổn Giác. Đem Thỉ hợp với Bổn thì gọi là “niệm Phật”.

Niệm Phật có bốn pháp:

1) Xưng danh, tức là nghe nói danh hiệu Phật, một lòng xưng niệm.

2) Quán tượng, tức là thiết lập tôn tượng, mắt nhìn chăm chú chiêm ngưỡng.

3) Quán tưởng, tức là dùng tâm nhãn của ta để quán tưởng đức Như Lai ấy.

4) Thật tướng, tức là niệm đức Phật trong tự tánh, trong chân thật tướng.

Pháp thứ nhất và thứ hai là Sự Pháp Giới Quán, do tâm chính là Phật vậy. Pháp thứ tư là Lý Pháp Giới Quán, bởi Phật chính là tâm. Pháp thứ ba là Lý Sự Vô Ngại Pháp Giới Quán bởi “tâm này là Phật, Phật này là tâm” vậy.

Thêm nữa, ngài Thanh Lương nói: “Ước theo cái tâm để niệm thì chẳng ngoài năm thứ:



- Một là môn niệm Phật duyên tưởng cảnh giới.

- Hai là môn niệm Phật nhiếp cảnh duy tâm.

- Ba là môn niệm Phật tâm cảnh vô ngại.

- Bốn là môn niệm Phật tâm lẫn cảnh đều tuyệt diệt.

- Năm là môn niệm Phật các thứ vô tận”.

Nay phối hợp với ý tưởng này để nói thì môn thứ nhất gồm hai pháp đầu trong phần trên, tức là Tiểu Thừa Giáo. Môn thứ hai tức là pháp thứ tư vừa được nói trong đoạn trên, tức là Thỉ Giáo. Môn thứ ba tức là pháp thứ ba vừa được nói trong đoạn trên, tức là Chung Giáo. Không có pháp nào đã nói ở trên thuộc về môn thứ tư và thứ năm, tức là Đốn Giáo và Viên Giáo. Nay trong kinh văn này, ước theo lời Phật dạy thì pháp này (tức pháp Niệm Phật Viên Thông của Đại Thế Chí Bồ Tát) trọn đủ cả môn thứ tư và thứ năm. Ước theo căn cơ nhận lãnh thì chỉ hạn cục trong Trì Danh, nhưng pháp Trì Danh này lại bao gồm cả Viên lẫn Đốn, chứ không chỉ hạn cuộc trong Tiểu; [cho nên] cũng tách ra thành năm môn:

1) Môn trì niệm danh hiệu Phật: Do ở ngoài tâm có danh hiệu Phật, đấy chính là Tiểu Giáo, thuộc về Sự Pháp Giới Quán.

2) Môn thâu nhiếp danh hiệu quy về tâm: Danh hiệu Phật chỉ là do tâm hiện, cho nên môn này là Thỉ Giáo, thuộc về Lý Pháp Giới Quán.

3) Môn tâm và danh hiệu Phật đều dung thông: Vì tâm chính là Phật, Phật chính là tâm nên môn này thuộc về Chung Giáo.

4) Môn tâm lẫn danh hiệu đều tuyệt diệt: Vì chẳng phải là tâm, chẳng phải là Phật nên là Đốn Giáo, thuộc về Lý Sự Vô Ngại Pháp Giới Quán.

5) Môn viên thông vô tận: Do tâm trong một niệm, một danh hiệu Phật dung chứa trọn pháp giới chẳng cùng tận nên là Viên Giáo, thuộc về Sự Sự Vô Ngại Pháp Giới Quán.

Tiếng Phạn Tam-muội (Samādhi), cõi này dịch là Chánh Định, cũng dịch là Chánh Tư, Chánh Tâm Hành Xứ. Nhất tâm niệm Phật thì gọi là Chánh Định Tâm. Nếu nghĩ đến điều nào khác thì gọi là Tà Tư Duy. Tam-muội là tên chung của Thiền Quán. Niệm Phật là tên riêng của một hạnh. Pháp Niệm Phật tam-muội này còn gọi là Nhất Hạnh tam-muội, cũng gọi là Chư Phật Hiện Tiền tam-muội, Bát Nhã tam-muội, hay Phổ Đẳng tam-muội.




tải về 0.56 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương