Đại sư Ngẫu Ích toát yếu kinh



tải về 1.17 Mb.
trang2/14
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích1.17 Mb.
#30362
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   14

Phật nói: Đúng thế! Phải biết nhất thiết trí trí không tạo, không tác, tất cả hữu tình cũng không tạo, không tác, Bồ-tát vì việc này mà mặc giáp Đại thừa, do vì các tác giả chẳng thể thủ đắc. Ngã chẳng phải tạo, chẳng phải bất tạo, chẳng phải tác, chẳng phải bất tác vì ngã rốt ráo chẳng thể thủ đắc. Nói rộng ra cho đến tất cả pháp cũng vậy.

Thiện Hiện bạch Phật: Theo như con hiểu nghĩa Phật đã nói vì tất cả pháp, tính vô sở hữu, tính viễn ly, tính tịch tĩnh, tính không, tính vô tướng, tính vô nguyện, tính vô sinh, tính vô diệt, tính vô nhiễm, tính vô tịnh nên đều không có trói buộc, không có giải thoát.

Mãn Từ Tử hỏi: Vì sao sắc, thụ, tưởng, hành, thức không có trói buộc, không có giải thoát.

Thiện Hiện đáp: Sắc… như huyễn, như mộng, như bóng trong gương, như âm vang, như bóng dưới nguồn sáng, như hoa đốm trong hư không, như sóng nắng, như thành Tầm-Hương (Càn-thát-bà), như việc biến hóa, không có trói buộc, không có giải thoát, vì tính vô sở hữu cho đến tính vô tịnh.

Lại nữa, quá khứ, vị lai, hiện tại sắc… thiện, bất thiện, vô ký, có nhiễm, không nhiễm, có tội, không có tội, hữu lậu, vô lậu, tạp nhiễm, thanh tịnh, sắc… của thế gian, xuất thế gian đều không có trói buộc, không có giải thoát, vì tịnh vô sở hữu cho đến tánh vô tịnh. Nói rộng ra, tất cả pháp cũng như vậy.

Bồ-tát đối với pháp môn không có trói buộc, không có giải thoát này dùng vô sở đắc làm phương tiện, phải nên biết đúng như thật, phải nên siêng năng tu học, phải nên trụ nhất thiết tướng trí không có trói buộc, không có giải thoát, phải nên thành thục hữu tình không có trói buộc, không có giải thoát, phải nên nghiêm tịnh cõi nước Phật không có trói buộc, không có giải thoát, phải nên thân cận cúng dường chư Phật không có trói buộc, không có giải thoát, phải nên nghe nhận pháp môn không có trói buộc, không có giải thoát này.

PHẨM THỨ 15: BIỆN GIẢI ĐẠI THỪA
Thiện Hiện bạch Phật: Thế nào là tướng Đại thừa của Bồ-tát? Làm sao mà biết là phát tâm huớng đến Đại thừa? Đại thừa này sinh ra từ đâu và đến trụ ở đâu? Đại thừa này lấy gì làm chỗ trụ? Ai nhờ Đại thừa mà ra khỏi sinh tử của ba cõi?

Phật dạy: Sáu độ là tướng của Đại thừa, phát tâm tương ứng với trí nhất thiết trí thì đại bi đứng hàng đầu. Lấy vô sở đắc làm phương tiện tu hành bố thí… đem căn lành này vì tất cả hữu tình hồi hướng Vô thượng Bồ-đề.

Lại nữa, tướng của Đại thừa là hai mươi không, một trăm năm mươi bảy tam-ma-địa không, vô tướng, vô nguyện, mười một trí, ba vô lậu căn, ba tam-ma-địa có tầm…, mười tùy niệm, bốn tĩnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc, tám giải thoát, tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ, Phật mười lực, bốn vô sở úy, bốn vô ngại giải, đại từ, bi, hỉ, xả, năm nhãn, sáu thông, ba trí, mười tám pháp bất cộng, bốn mươi hai chữ Đà-la-ni môn. Từ một địa tiến lên một địa; đây gọi là phát tâm hướng đến Đại thừa. Sơ địa tu tập mười thứ nghiệp thù thắng. Nhị địa tư duy là tu tập tám pháp. Tam địa phải trụ năm pháp. Tứ địa phải trụ mười pháp. Ngũ địa phải xa lìa mười pháp. Lục địa đầy đủ sáu pháp, phải xa lìa sáu pháp. Thất địa lìa hai mươi pháp, đầy đủ hai mươi pháp. Bát địa phải đầy đủ bốn pháp. Cửu địa phải đầy đủ bốn pháp. Thập địa phải đầy đủ mười hai pháp.

Đại thừa như thế từ trong ba cõi sinh ra cho đến trụ trong trí nhất thiết trí, nhưng vì không hai nên không có ra khỏi, không đạt đến, chẳng phải đã ra khỏi, đã đạt đến, chẳng phải sẽ ra khỏi, sẽ đạt đến, chẳng phải hiện đang ra khỏi , đang đạt đến, vì pháp vô tướng, không có động chuyển.

Đại thừa như thế đều vô sở trụ vì chỗ trụ của các pháp không thể thủ đắc. Nhưng Đại thừa này trụ vô sở trụ. Như tất cả các pháp chẳng phải trụ, chẳng phải bất trụ, Đại thừa cũng như vậy. Hoặc sở thừa được thừa, hoặc người năng thừa do đây vì đây mà được ra khỏi, được đạt đến. Lúc ra khỏi, đạt đến, như vậy tất cả đều vô sở hữu, đều không thể thủ đắc, vì tất cả pháp rốt ráo thanh tịnh nên chẳng phải đã có thể thủ đắc, chẳng phải sẽ có thể thủ đắc, chẳng phải hiện tại có thể thủ đắc. Như vậy Bồ-tát tu hành Bát-nhã tuy quán tất cả pháp đều vô sở hữu, chẳng thể thủ đắc vì rốt ráo thanh tịnh, không nhờ Đại thừa mà ra khỏi, đạt đến. Nhưng lấy vô sở đắc làm phương tiện nhờ Đại thừa ra khỏi sinh tử của ba cõi, đạt đến trí Nhất thiết trí, lợi ích an lạc tất cả hữu tình tận đến đời vị lại thường không đoạn đứt.

PHẨM THỨ 16: NGỢI KHEN ĐẠI THỪA


Thiện Hiện ngợi khen sơ lược, Như Lai ngợi khen rộng nhiều. Bồ-tát trụ tướng ba thời gian bình đẳng siêng năng tu học trí Nhất thiết trí, vì không chấp trước nên chóng đắc viên mãn. Bồ-tát an trụ trong tướng Đại thừa như thế vượt hơn tất cả thế gian.

PHẨM THỨ 17: TÙY THUẬN


Mãn Từ Tử hỏi, Như Lai bảo Thiện Hiện tuyên thuyết Bát-nhã và hỏi vì sao hôm nay lại tuyên thuyết Đại thừa?

Phật đáp: Tất cả thiện pháp đều được bao gồm trong Bát-nhã. Hoặc Đại thừa hoặc Bát-nhã, tính của chúng không hai vì không có hai phần.

PHẨM THỨ 18: VÔ SỞ ĐẮC
Thiện Hiện bạch Phật: Bồ-tát đối với ba thời gian không thể thủ đắc. Vì sắc… vô biên nên Bồ-tát cũng vô biên. Bồ-tát đối với ngay nơi sắc thì vô sở hũu, chẳng thể thủ đắc. Bồ-tát đối với lìa sắc thì vô sở hữu, không thể thủ đắc. Còn đối với tất cả pháp, đem tất cả chủng loại, tất cả thời gian cầu Bồ-tát đều hoàn toàn không thấy, rốt ráo chẳng thể thủ đắc thì làm sao bảo con đem Bát-nhã để giáo hóa các Bồ-tát.

Bạch Thế Tôn! Bồ-tát chỉ có giả danh, như nói ngã… rốt ráo bất sinh, các pháp cũng vậy, đều vô tự tính.

Bạch Thế Tôn! Các pháp sắc… nếu rốt ráo bất sinh thì chẳng gọi là sắc… Con đâu thể dùng Bát-nhã rốt ráo bất sinh giáo hóa các Bồ-tát rốt ráo bất sinh.

Bạch Thế Tôn! Lìa rốt ráo bất sinh cũng không có Bồ-tát tu hành Vô thượng Bồ-đề. Nếu có Bồ-tát nghe nói lời này mà tâm không kinh sợ, không lui sụt, không lo âu, không hối tiếc thì phải biết Bồ-tát này có khả năng hành Bát-nhã.

Xá-lợi Phất hỏi Thiện Hiện: Vì sao nói lời này. Thiện Hiện đáp cặn kẽ bằng cách giải thích.

PHẨM THỨ 19: QUÁN HẠNH


Thiện Hiện bạch Phật: Bồ-tát tu hành Bát-nhã, lúc quán các pháp chẳng thụ, chẳng thủ, chẳng chấp, chẳng đắm nhiễm sắc… cũng chẳng thiết lập là sắc…

Lại nữa, Bồ-tát lúc tu hành Bát-nhã chẳng thấy sắc… vì sắc… tính không, không sinh diệt.

Lại nữa, sắc… bất sinh thì chẳng phải sắc… Sắc… cùng bất sinh không hai, không có hai phần, vì pháp bất sinh chẳng phải một, chẳng phải hai, chẳng phải nhiều, chẳng phải khác, sắc… bất diệt cũng như vậy.

Lại nữa, sắc… không hai thì chẳng phải sắc…

Lại nữa, sắc… đều nhập vào số pháp không hai, không vọng.

Xá-lợi Tử hỏi: Bồ-tát là gì? Bát-nhã là gì? Quán các pháp như thế nào?

Thiện Hiện đáp: Vì loài hữu tình cầu Đại Bồ-đề cũng có Bồ-đề, cho nên gọi là Bồ-tát. Vì có khả năng biết đúng như thật tướng của tất cả pháp mà không chấp trước, cho nên gọi là Ma-ha-tát. Đó là biết đúng như thật tướng của sắc… mà không chấp trước. Có diệu huệ thù thắng xa lìa tất cả kiến chấp phiền não, tất cả lục đạo, tứ sinh, tất cả uẩn, xứ, giới v.v… Có diệu huệ thù thắng đến được thật tính của sắc… cho nên gọi là Bát-nhã ba-la-mật đa. Quán sắc… chẳng phải thường, chẳng phải vô thường, chẳng phải vui, chẳng phải khổ, chẳng phải ngã, chẳng phải vô ngã, chẳng phải tịnh, chẳng phải bất tịnh, chẳng phải không, chẳng phải bất không, chẳng phải hữu tướng, chẳng phải vô tướng, chẳng phải hữu nguyện, chẳng phải vô nguyện, chẳng phải tịch tĩnh, chẳng phải bất tịch tĩnh, chẳng phải viễn ly, chẳng phải bất viễn ly. Đó là quán các pháp.

Xá-lợi Tử hỏi: Vì sao nói sắc… bất sinh thì chẳng phải là sắc…

Thiện Hiện đáp: Sắc…, tính của sắc… không. Trong tính không này không có sinh, không có sắc… cho nên nói sắc… bất sinh thì chẳng phải là sắc…

Hỏi đáp về sắc… bất diệt cũng như vậy.

Hỏi lại: Vì sao nói sắc… không hai thì chẳng phải sắc…?

Đáp: Nếu sắc… hoặc không hai, như vậy tất cả đều chẳng phải tương ưng, chẳng phải bất tương ưng, chẳng phải hữu sắc, chẳng phải vô sắc, chẳng phải hữu kiến, chẳng phải vô kiến, chẳng phải hữu đối, chẳng phải vô đối, đều đồng một tướng, đó là vô tướng, cho nên nói sắc… không hai thì chẳng phải là sắc…

Lại hỏi: Vì sao nói sắc… nhập vào số pháp không hai, không vọng?

Đáp: Sắc… chẳng khác vô sinh diệt, vô sinh diệt chẳng khác sắc…, sắc… tức là vô sinh diệt, vô sinh diệt tức là sắc…, cho nên nói sắc… nhập vào số pháp không hai, không vọng.

PHẨM THỨ 20: VÔ SINH
Thiện Hiện bạch Phật: Bồ-tát tu hành Bát-nhã lúc quán các pháp thấy ngã… vô sinh vì rốt ráo thanh tịnh, thấy sắc… vô sinh cho đến thấy pháp Như Lai vô sinh, vì rốt ráo thanh tịnh.

Xá-lợi Tử hỏi: Nếu như vậy thì lẽ ra lục đạo, tứ sinh phải có sai biệt? Lại nữa, nếu tất cả pháp quyết định vô sinh thì vì sao quả Dự lưu tu đạo đoạn ba kiết sử cho đến vì sao Phật chuyển pháp luân độ các hữu tình?

Thiện Hiện đáp: Chẳng phải ở trong pháp vô sinh thấy có lục đạo, tứ sinh thụ sinh sai biệt cho đến chẳng phải ở trong pháp vô sinh thấy có chư Phật chứng Vô thượng Bồ-đề chuyển pháp luân vi diệu độ vô lượng chúng.

Lại nữa, chỉ tùy theo ngôn thuyết thế gian thiết lập có đắc, có hiện quán, chứ chẳng phải trong thắng nghĩa có đắc, có hiện quán, cho đến lục đạo, tứ sinh sai biệt cũng tùy theo ngôn thuyết thế gian thiết lập cho nên có, chứ chẳng phải thắng nghĩa.

Sắc… là pháp bất sinh, tôi chẳng muốn làm cho sinh vì tự tính không. Lại nữa, sắc… là pháp đã sinh, tôi không muốn làm cho sinh, vì tự tính không. Sinh cùng bất sinh đều chẳng phải tương ưng, chẳng phải bất tương ưng cho đến chẳng phải hữu đối, chẳng phải vô đối, đều đồng một tướng, đó là vô tướng cho nên tôi chẳng muốn làm cho “sinh” sinh, cũng chẳng muốn làm cho “bất sinh” sinh, cho đến đối với pháp bất sinh khởi lên lời nói “bất sinh”. Lời nói “bất sinh” này cũng chẳng sinh, vì sắc… đều bản tính không.

Đệ tử của chư Phật có khả năng tùy theo câu hỏi mà đáp, vì tất cả pháp không có chỗ nương tựa. Sắc… bản tính không, vì nương tựa bên trong, nương tựa bên ngoài, nương tựa chặng giữa đều không thể thủ đắc.

PHẨM THỨ 21: TỊNH ĐẠO
Thiện Hiện nói với Xá-lợi Tử: Bồ-tát tu hành sáu độ phải làm thanh tịnh nhất thiết tướng trí, phải thanh tịnh đạo Bồ-đề. Nói đủ thì mỗi độ trong sáu độ đều có hai thứ: thế gian và xuất thế gian. Nếu lấy hữu sở đắc làm phương tiện chấp ba luân mà thực hành bố thí… thì gọi là thế gian. Ba luân thanh tịnh lấy đại bi làm đầu, công đức tu hành bố thí ban khắp hữu tình, đối với các hữu tình đều vô sở đắc. Tuy vì biết tất cả hữu tình cùng nhau hồi hướng Vô thượng Bồ-đề mà ở trong đó không thấy một chút tướng nào, do vì đều không chấp trước mà thực hành bố thí… thì được gọi là xuất thế gian ba-la-mật-đa.

Lại nữa, hai mươi không, chân như, bốn đế, sáu độ, bốn tĩnh lự, tám giải thoát, bốn niệm trụ, cho đến nhất thiết tướng trí được gọi là đạo Bồ-đề. Công đức như thế đều do thế lực của Bát-nhã mà có được. Như vậy Bát-nhã là mẹ của tất cả thiện pháp, tất cả thiện pháp của ba thừa đều từ đây sinh ra. Như vậy Bát-nhã có khả năng nhiếp thụ tất cả thiện pháp, tất cả thiện pháp của ba thừa đều nương tựa vào đây mà an trụ. Nếu Bồ-tát nghe nói Bát-nhã, tâm không nghi hoặc cũng không mơ hồ, nên biết trụ vào chỗ trụ như thế; tác ý cũng chẳng phải có, vì hữu tình…không thật, vì vô tự tính, vì không, vì viễn ly, vì tịch tĩnh, vì không giác tri nên tác ý cũng không thật cho đến không giác tri.

Phật ấn chứng điều đó, ba nghìn thế giới chấn động sáu cách, Như Lai mỉm cười nói về sự lợi ích của pháp này.

PHẨM THỨ 22: THIÊN ĐẾ


Chư thiên đến tham dự pháp hội, Đế Thích hỏi: Thế nào là Bát-nhã của Bồ-tát? Phải trụ như thế nào? Phải học như thế nào?

Thiện Hiện đáp: Vì để tâm ứng hợp với trí nhất thiết trí nên dùng vô sở đắc làm phương tiện, tư duy uẩn, xứ, giới, xúc, thụ, sáu đại, mười hai nhân duyên đều vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh, không, vô tướng, vô nguyện, tịch tĩnh, viễn ly, như bệnh, như nhọt, như bị tên bắn, như ghẻ lở, nhiệt não bức bách, bại hoại mục nát, biến động chóng diệt, đáng sợ, đáng chán, có tai có nạn, có ôn có dịch, tính chẳng an ổn, không thể tín nhiệm, không sinh, không diệt, không nhiễm, không tịnh, vô tác, vô vi, đó là Bát-nhã.

Lại nữa, vì để tâm ứng hợp với trí nhất thiết trí nên dùng vô sở đắc làm phương tiện quan sát hai mươi không, chân như, vô ngã, ngã sở, vô tướng, vô nguyện, tịch tĩnh, viễn ly, không sinh, không diệt, không nhiễm, không tịnh, vô tác, vô vi, đó là Bát-nhã.

Lại nữa, vì để tâm ứng hợp với trí nhất thiết trí nên dùng vô sở đắc làm phương tiện hành sáu độ, mười hai thiền cho đến tu nhất thiết tướng trí, đó là Bát-nhã.

Lại nữa, quán như thế chỉ có các pháp duyên lẫn nhau, tưới tẩm phát triển đầy khắp không có ngã, ngã sở. Tuy quán các pháp mà không thấy các pháp.

Phật ngợi khen và ấn chứng điều đó.

Thiện Hiện còn đáp: Sắc…, tính của sắc… là không; Bồ-tát, tính của Bồ-tát là không. Nếu tính của sắc… là không, tính của Bồ-tát là không, như vậy tất cả đều không hai, không có hai phần. Bồ-tát đối với Bát-nhã phải nên trụ như thế, chẳng nên trụ sắc…, chẳng nên trụ sắc…, chẳng nên trụ đây là sắc…, chẳng nên trụ sắc… hoặc thường, hoặc vô thường cho đến hoặc hữu nguyện, hoặc vô nguyện vì lấy vô sở đắc làm phương tiện.

Lại nữa, chẳng nên trụ Dự lưu… là tướng vô vi, là phước điền, chẳng nên trụ việc thù thắng của Sơ địa…, chẳng nên trụ tôi sẽ viên mãn sáu độ, mười hai thiền cho đến tôi sẽ thành tựu ba mươi hai tướng, tám mươi tùy hình hảo…

Lại nữa, chẳng nên trụ nguyện tôi sẽ được trong cõi nước Phật thanh tịnh, không có mọi thứ danh tự, âm thanh vì lấy hữu sở đắc làm phương tiện. Tất cả Như Lai lúc đắc Bồ-đề giác ngộ tất cả pháp đều vô sở hữu, danh tự, âm thanh đều chẳng thể thủ đắc.

Xá-lợi Tử thầm nghĩ: Nếu Bồ-tát đối với tất cả pháp chẳng nên trụ thì làm thế nào trụ Bát-nhã?

Thiện Hiện hỏi: Tâm của các Đức Như Lai trụ ở chỗ nào?

Xá-lợi Tử đáp: Tâm của chư Phật đều vô sở trụ, vì sắc… chẳng thể thủ đắc. Tâm của chư Như Lai đối với tất cả pháp đều vô sở trụ cũng chẳng phải chẳng trụ.

Thiện Hiện nói: Bồ-tát tuy trụ Bát-nhã mà đồng Như Lai, đối với tất cả pháp đều vô sở trụ cũng chẳng phải trụ, vì sắc… không có hai tướng, lấy vô sở đắc làm phương tiện Bồ-tát phải học như thế.

PHẨM THỨ 23: CÁC THIÊN TỬ


Có các vị Thiên tử thầm nghĩ: “Ngôn từ, câu chú của các quỷ thần Dược-xoa… tuy ẩn mật nhưng chúng ta còn có thể biết, còn tôn giả Thiện Hiện tuy dùng các thứ ngôn từ trình bày Bát-nhã này, nhưng chúng ta rốt cuộc không thể nào hiểu nổi”.

Thiện Hiện bảo: “Đối với Bát-nhã, tôi chưa từng nói một chữ, các ông cũng chẳng nghe, thì làm sao mà hiểu! Vì sao? Vì Bát-nhã sâu xa siêu việt văn tự ngôn thuyết. Do đó ở trong Bát-nhã, người nghe và người hiểu đều chẳng thể thủ đắc. Tướng của Vô thượng Bồ-đề mà Như Lai đã chứng cũng như vậy, như hóa, như mộng, như âm vang, như huyễn”.

Các vị Thiên tử lại nghĩ: “Tôn giả tuy dùng phương tiện giảng nói để cho dễ hiểu, nhưng ý nghĩa sâu xa lại càng sâu xa, vi tế lại càng vi tế”.

Thiện Hiện nói: “Sắc… chẳng phải sâu xa, chẳng phải vi tế vì tính của sắc… sâu xa, vi tế chẳng thể thủ đắc”.

Các vị Thiên tử lại nghĩ: “Trong pháp của Tôn giả nói, chẳng thiết lập sắc… vì tính của sắc… chẳng thể thủ đắc, cũng chẳng thiết lập văn tự, ngữ ngôn, vì tính của văn tự ngữ ngôn… chẳng thể thủ đắc”.

Thiện Hiện nói: Đúng thế, đúng thế! Các ông phải nên trụ không nói, không nghe, không hiểu. Bát-nhã sâu xa, các ông thường siêng năng tu học, chẳng nên lìa bỏ cho đến tôi hôm nay muốn vì các hữu tình như huyễn, như hóa, như mộng mà nói pháp như huyễn, như hóa, như mộng. Giả sử có pháp nào vượt hơn Niết-bàn ta cũng nói là thấy như huyễn, như hóa, như mộng. Vì sao? Vì việc huyễn, hóa, mộng cùng với tất cả pháp thậm chí Niết-bàn đều không có hai, không có hai phần.

PHẨM THỨ 24: THỤ GIÁO
Các ngài như Xá-lợi Tử… đồng thanh hỏi Thiện Hiện: “Bát-nhã được tuyên thuyết sâu xa như thế, ai có khả năng tin nhận?”

Thiện Hiện đáp: “Bồ-tát trụ Bất thoái địa có khả năng tin nhận sâu sắc, người đã thấy Thánh đế và A-la-hán lậu tận cũng có khả năng tin nhận, người đã trồng căn lành chỗ nhiều Đức Phật, người được các bậc thiện tri thức nhiếp thụ cũng có khả năng tin nhận. Những người như thế không bao giờ dùng không và bất không để phân biệt sắc…, cũng không dùng sắc… phân biệt không và bất không. Vì đối với sắc… nên nói rộng ra đến hữu tướng, vô tướng, hữu nguyện, vô nguyện, sinh, bất sinh, diệt, bất diệt, tịch tĩnh, bất tịch tĩnh, viễn ly, bất viễn ly.

Xá-lợi Tử hỏi: Trong giáo pháp sâu xa Bát-nhã này đâu chẳng nói rộng đến pháp ba thừa?

Thiện Hiện đáp: Đúng như lời ngài nói, giáo pháp sâu xa này có nói đến pháp ba thừa lấy vô sở đắc làm phương tiện, nghĩa là đối với tôi, có hữu tình…, sắc…, xứ… cho đến có hữu vi giới, vô vi giới lấy vô sở đắc làm phương tiện.

Lại hỏi: Bởi vì sao?

Đáp: Do vì nội không, do vì ngoại không cho đến do vì vô tính, tự tính không.

PHẨM THỨ 25: RẢI HOA
Chư Thiên biến hóa ra hoa rải cúng dường, Phật dùng thần lực hợp các hoa thành một đài hoa trùm cả đại thiên thế giới. Thiện Hiện thầm nghĩ: “Hoa này chẳng phải từ cỏ cây trên cạn, dưới nước sinh ra, mà từ tâm hóa ra”.

Thiên Đế Thích nói: Cũng chẳng từ tâm thật có thể hóa ra, chỉ biến hiện mà thôi”.

Thiện Hiện nói: Hoa này chẳng sinh thì chẳng phải hoa.

Đế Thích hỏi: Chỉ có hoa này chẳng sinh hay là các pháp khác cũng vậy?

Thiện Hiện đáp: Sắc cũng chẳng sinh thì chẳng phải sắc, cho đến Vô thượng thừa cũng chẳng sinh thì chẳng phải Vô thượng thừa, vì pháp bất sinh lìa các hí luận, chẳng thể thiết lập thành sắc…

PHẨM THỨ 26: HỌC BÁT NHÃ


Đế Thích thầm nghĩ: “Tôn giả Thiện Hiện trí huệ sâu xa chẳng bỏ giả danh mà nói pháp tính.

Phật liền ấn chứng rằng: “Sắc… là giả danh, giả danh như thế chẳng lìa pháp tính. Thiện Hiện chẳng bỏ giả danh của sắc… như thế mà nói pháp tính của sắc… vì pháp tính của sắc… không có hoại, không có bất hoại, nên điều Thiện Hiện nói cũng không có hoại, không có bất hoại.

Thiện Hiện nói với Đế Thích: “Bồ-tát biết tất cả pháp chỉ là giả danh rồi phải nên học Bát-nhã. Lúc học Bát-nhã thì chẳng học nơi sắc…, chẳng thấy sắc… để có thể học ở trong sắc…

Đế Thích hỏi: Vì sao chẳng thấy sắc…

Thiện Hiện đáp: Vì sắc… và tính của sắc… là không, nên Bồ-tát chẳng thấy sắc…. Vì chẳng thấy sắc… nên chẳng học nơi sắc… Vì sao? Vì chẳng thể sắc… không mà thấy sắc… không, chẳng thể sắc… không mà học nơi sắc không. Nếu Bồ-tát chẳng học về không mới thật là Bồ-tát học về không, vì không có hai phần. Bồ-tát chẳng học về sắc… không mới thật là học về sắc… không, vì không có hai phần. Nếu Bồ-tát học về sắc… không, vì không có hai phần, nên Bồ-tát này có thể học về bố thí, có thể học về nội không, có thể học về chân như cho đến Bồ-tát này có thể học về ba thừa. Vì sao? Vì không có hai phần. Nếu Bồ-tát có thể học về bố thí vì không có hai phần thì Bồ-tát này có thể học vô lượng vô số vô biên Phật pháp thanh tịnh không thể nghĩ bàn. Vì sao? Vì không có hai phần. Nếu Bồ-tát có thể học vô lượng Phật pháp thanh tịnh thì Bồ-tát này chẳng vì sắc… tăng hay giảm mà học, vì sắc… không có hai phần. Nếu Bồ-tát chẳng vì sắc… tăng hay giảm mà học, chẳng vì sắc… nhiếp thụ hoại diệt mà học, vì sắc… không có hai phần.

Xá-lợi Tử hỏi: Bồ-tát chẳng vì sắc… nhiếp thụ tăng hay giảm mà học chăng?

Thiện Hiện đáp: Đúng thế, đúng thế!

Xá-lợi Tử hỏi: Vì sao Bồ-tát chẳng vì sắc… nhiếp thụ hoại diệt mà học?

Thiện Hiện đáp: Bồ-tát chẳng thấy có sắc… để nhiếp thụ và hoại diệt, cũng chẳng thấy có năng nhiếp thụ…, và người hoại diệt, vì sắc… hoặc năng, hoặc sở, trong ngoài đều không, không thể thủ đắc.

Nếu Bồ-tát đối với sắc… cho đến đối với Vô thượng thừa, chẳng thấy là có thể nhiếp thụ và có thể hoại diệt, cũng chẳng thấy có năng nhiếp thụ và người hoại diệt mà học Bát-nhã thì Bồ-tát này thành tựu trí nhất thiết trí. Bồ-tát này chẳng thấy sắc… hoặc sinh, hoặc diệt, hoặc thủ, hoặc xả, hoặc nhiễm, hoặc tịnh, hoặc tụ, hoặc tán, hoặc tăng, hoặc giảm, vì tính của sắc… là không, vô sở hữu, chẳng thể thủ đắc. Bồ-tát này chẳng thấy tất cả pháp hoặc sinh, hoặc diệt… mà học Bát-nhã thì có thể thành tựu trí nhất thiết trí, vì lấy vô sở học, vô sở thành tựu làm phương tiện.

PHẨM THỨ 27: CẦU BÁT NHÃ
Đế Thích hỏi Xá-lợi Tử: Bồ-tát tu hành Bát-nhã nên tìm cầu ở đâu?

Xá-lợi Tử đáp: Nên tìm cầu trong lời tuyên thuyết của Thiện Hiện.

Đế Thích hỏi Thiện Hiện: Lời của ngài Xá-lợi Tử là nương thần lực của ai? Ai là chỗ nương tựa?

Thiện Hiện đáp: Đó là thần lực của Như Lai, Như Lai là chỗ nương tựa.

Đế Thích hỏi: Tất cả pháp không có chỗ nương tựa, tại sao lại nói Như Lai làm chỗ nương tựa?

Thiện Hiện đáp: Đúng thế, đúng thế! Như Lai chẳng phải là chỗ nương tựa cũng vô sở y, chỉ vì tùy thuận thế tục thiết lập mà nói là chỗ nương tựa, chẳng phải lìa không có chỗ nương gá mà Như Lai có thể thủ đắc, chẳng phải lìa chân như không chỗ nương tựa mà Như Lai có thể thủ đắc, chẳng phải lìa pháp tính không có chỗ nương tựa mà Như Lai có thể thủ đắc, chẳng phải lìa không có chỗ nương tựa mà chân như Như Lai có thể thủ đắc, chẳng phải lìa không có chỗ nương tựa mà pháp tính Như Lai có thể thủ đắc, chẳng phải lìa chân như không có chỗ nương tựa mà chân như Như Lai có thể thủ đắc, chẳng phải lìa pháp tính không có chỗ nương tựa mà pháp tính Như Lai có thể thủ đắc.

Lại nữa, chẳng phải trong không có chỗ nương tựa mà Như Lai có thể thủ đắc, chẳng phải trong Như Lai mà không có chỗ nương tựa có thể thủ đắc, chẳng phải trong chân như không có chỗ nương tựa mà Như Lai có thể thủ đắc, chẳng phải trong Như Lai mà chân như không có chỗ nương tựa có thể thủ đắc, chẳng phải trong pháp tính không có chỗ nương tựa mà Như Lai có thể thủ đắc, chẳng phải trong Như Lai mà pháp tính không có chỗ nương tựa có thể thủ đắc, chẳng phải trong không có chỗ nương tựa mà chân như Như Lai có thể thủ đắc, chẳng phải trong chân như Như Lai mà không có chỗ nương tựa có thể thủ đắc, chẳng phải trong không có chỗ nương tựa mà pháp tính Như Lai có thể thủ đắc, chẳng phải trong pháp tính Như Lai mà không có chỗ nương tựa có thể thủ đắc, chẳng phải trong chân như không có chỗ nương tựa mà chân như Như Lai có thể thủ đắc, chẳng phải trong chân như Như Lai mà chân như không có chỗ nương tựa có thể thủ đắc, chẳng phải trong pháp tính không có chỗ nương tựa mà pháp tính Như Lai có thể thủ đắc, chẳng phải trong chân như Như Lai mà chân như không chỗ nương tựa có thể thủ đắc, chẳng phải trong pháp tính không chỗ nương tựa mà pháp tính Như Lai có thể thủ đắc, chẳng phải trong pháp tính Như Lai mà không có pháp tính không chỗ nương gá có thể thủ đắc, nói rộng ra tất cả pháp như sắc… mỗi pháp đều có hai mươi mốt câu cũng như vậy.

Này Kiều-thi-ca! Như Lai đối với sắc… chẳng phải tương ưng, chẳng phải bất tương ưng, đối với chân như của sắc… chẳng phải tương ưng, chẳng phải bất tương ưng, chân như Như Lai đối với sắc… chẳng phải tương ưng, chẳng phải bất tương ưng, đối với chân như của sắc… chẳng phải tương ưng, chẳng phải bất tương ưng, pháp tính Như Lai đối với sắc… chẳng phải tương ưng, chẳng phải bất tương ưng, đối với pháp tính của sắc… chẳng phải tương ưng, chẳng phải bất tương ưng.

Lại nữa, Như Lai đối với lìa sắc… chẳng phải tương ưng, chẳng phải bất tương ưng, theo lối đó mà thành bảy câu. Như ngài Xá-lợi Tử đã nói, là đối với tất cả pháp chẳng phải tức, chẳng phải ly, chẳng phải tương ưng, chẳng phải bất tương ưng. Thần lực của Như Lai, Như Lai làm chỗ nương tựa, vì lấy không có chỗ nương tựa làm chỗ nương tựa.

Thiện Hiện còn bảo Đế Thích: Bồ-tát tu hành Bát-nhã chẳng nên cầu nơi sắc, chẳng nên lìa sắc mà cầu. Vì sao? Vì hoặc ngay nơi sắc…, hoặc lìa sắc…, hoặc Bồ-tát, hoặc Bát-nhã, như vậy tất cả đều chẳng phải tương ưng, chẳng phải bất tương ưng, chẳng phải có sắc, chẳng phải không có sắc, chẳng phải chẳng phải có thấy, chẳng phải không có thấy, chẳng phải có đối đãi, chẳng phải không đối đãi, đều đồng một tướng, đó là vô tướng. Vì sao? Vì Bồ-tát tu hành Bát-nhã chẳng phải sắc…, chẳng phải lìa sắc… Như vậy tất cả đều vô sở hữu, tính chẳng thể thủ đắc, vì thế chẳng nên cầu nơi sắc, chẳng nên lìa sắc mà cầu. Chân như của sắc… nói rộng ra cũng như vậy. Pháp tính của sắc… nói rộng ra cũng như vậy.

PHẨM THỨ 28: KHEN CÁC ĐỨC TÍNH
Đế Thích bạch Thiện Hiện: Bồ-tát tu hành Bát-nhã là đại ba-la-mật-đa, là vô lượng ba-la-mật-đa, là vô biên ba-la-mật-đa, ba thừa đều ở trong pháp này mà đắc quả.



tải về 1.17 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   14




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương