Đại sư Ngẫu Ích toát yếu kinh



tải về 1.17 Mb.
trang4/14
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích1.17 Mb.
#30362
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   14

Thiện Hiện đáp: Bồ-tát học Bát-nhã có phương tiện thiện xảo như thế, tuy chẳng chấp tướng mà có khả năng phát khởi tùy hỉ hồi hướng không rời Bát-nhã.

Di-lặc nói: Chớ nói như thế! Vì trong Bát-nhã, công đức của Phật và căn lành của trời, người đều vô sở hữu, chẳng thể thủ đắc. Thực hiện tùy hỉ, phát tâm hồi hướng cũng vô sở hữu, chẳng thể thủ đắc. Phải nên quán như vầy: Công đức của chư Phật và đệ tử Phật, căn lành của trời, người ở quá khứ, tính đều đã tịch diệt, thực hiện tùy hỉ, phát tâm hồi hướng, tính đều tịch diệt. Thực hiện tùy hỉ, phát tâm hồi hướng, tính đều tịch diệt, nếu phân biệt chấp tướng thì Phật không chấp nhận, vì vọng tưởng phân biệt là thuốc độc, vậy Đại đức nên nói cái gì là tùy hỉ hồi hướng?

Thiện Hiện đáp: Phải nên nghĩ như vầy: Như chư Phật dùng Vô thượng trí biết khắp hết công đức, căn lành, có loại như thế, thể như thế tướng như thế, pháp như thế mà có thể tùy hỉ, tôi cũng tùy hỉ như thế. Lại như chư Phật dùng Vô thượng trí biết khắp, nên dùng phước nghiệp như thế hồi hướng Bồ-đề, tôi cũng hồi hướng như thế thì không phỉ báng Phật, theo lời Phật dạy, theo pháp mà nói không lẫn lộn với các chất độc.

Lại nữa, như sắc… chẳng rơi vào ba cõi, chẳng thuộc ba thời gian, tùy hỉ hồi hướng cũng như vậy, vì tự tính của các pháp là không. Lại biết đúng như thật tự tính của sắc… bất sinh thì vô sở hữu, chẳng thể dùng pháp vô sở hữu ấy tùy hỉ hồi hướng vô sở hữu. Nếu dùng hữu tướng làm phương tiện hoặc hữu sở đắc làm phương tiện phát khởi tùy hỉ hồi hướng thì Phật chẳng khen ngợi, chẳng thể viên mãn các pháp sáu độ…

Khi ấy, Đức Phật ngợi khen và ấn chứng lời ấy. Chư Thiên cũng đều tán thán.

Phật bảo Thiện Hiện: Bồ-tát muốn phát khởi tâm tùy hỉ hồi hướng không điên đảo đối với công đức của chư Phật và hàng ba thừa, phước nghiệp của trời, người trong ba thời gian, phải nên nghĩ như vầy: Như giải thoát, sắc… cũng như vậy cho đến tất cả hữu tình cũng như vậy, tất cả pháp tính cũng như vậy, tất cả tùy hỉ hồi hướng cũng như vậy. Như tính của các pháp không trói, không mở, không nhiễm, không tịnh, không khởi, không tận, không sinh, không diệt, không lấy, không bỏ. Tôi đối với công đức căn lành như thế hiện tiền tùy hỉ hồi hướng Bồ-đề. Tùy hỉ như vậy chẳng phải năng tùy hỉ vì không có sở tùy hỉ. Hồi hướng như vậy chẳng phải năng hồi hướng vì không có sở hồi hướng. Phát khởi tùy hỉ hồi hướng như vậy chẳng phải chuyển động, chẳng phải dừng nghỉ vì không có sinh diệt. Sự tùy hỉ hồi hướng này là tối, là thắng cho đến Vô đẳng đẳng, mau chứng Vô thượng Bồ-đề, công đức không gì sánh bằng.

THỨ 32: NGỢI KHEN BÁT-NHÃ


Xá-lợi Tử hướng về Phật, ngợi khen Bát-nhã. Phật nói tất cả pháp lành đều do Bát-nhã sinh ra. Đế Thích và Xá-lợi Tử hỏi đáp với nhau để hiển bày ý năm độ như người mù, Bát-nhã như người dẫn đường.

Phật giải đáp cho Xá-lợi Tử: Bồ-tát chẳng nên dẫn phát tất cả pháp như sắc… mà nên dẫn phát Bát-nhã, vì tất cả pháp không tạo tác, không đình chỉ, không sinh, không diệt, không thành, không hoại, không lấy, không bỏ, không có tự tính.

Xá-lợi Tử hỏi: Dẫn phát Bát-nhã như vậy thì hợp với pháp nào?

Phật dạy: Chẳng hợp với tất cả pháp vì Bát-nhã như thế vô sở đắc đối với các pháp.

Đế Thích hỏi: Chẳng lẽ cũng không hợp với trí nhất thiết trí ?

Phật đáp: Cũng không hợp, do vì trí nhất thiết trí chẳng thể thủ đắc Bát-nhã. Như vậy hợp được mà không hợp được. Đối với tất cả pháp cũng như vậy, hợp được mà không hợp được.

Thiện Hiện bạch Phật: Nếu Bồ-tát nghĩ như vầy: Bát-nhã hợp với tất cả pháp, Bát-nhã không hợp với tất cả pháp thì đều là vứt bỏ Bát-nhã, xa lìa Bát-nhã.

Phật dạy: Còn có một cách vứt bỏ, xa lìa Bát-nhã nữa, đó là Bồ-tát nghĩ như vầy: Bát-nhã hoàn toàn không có, chẳng phải chân thật, chẳng bền vững, chẳng tự tại thì đều là vứt bỏ, xa lìa Bát-nhã.

Thiện Hiện hỏi: Nếu Bồ-tát tin Bát-nhã thì chẳng tin pháp gì?

Phật đáp: Bồ-tát tin Bát-nhã thì chẳng tin tất cả pháp sắc…, vì lúc tu hành Bát-nhã quán tất cả pháp chẳng thể thủ đắc.

Thiện Hiện bạch Phật: Bát-nhã của Bồ-tát là Đại ba-la-mật.

Phật hỏi: Do ý gì mà nói như thế?

Thiện Hiện bạch Phật: Bát-nhã của Bồ-tát đối với tất cả pháp sắc… chẳng làm lớn, chẳng làm nhỏ, chẳng làm tập hợp, chẳng làm phân tán, chẳng làm hữu lượng, chẳng làm vô lượng, chẳng làm rộng, chẳng làm hẹp, chẳng làm hữu lực, chẳng làm vô lực, do ý này nên nói Bát-nhã là Đại ba-la-mật.

Lại nữa, Bồ-tát mới học dựa vào sáu độ Bát-nhã… khởi nghĩ như vầy: Bát-nhã này đối với tất cả pháp sắc… chẳng làm lớn, chẳng làm nhỏ…; do khởi ý nghĩ này nên chẳng phải tu hành Bát-nhã. Nếu Bồ-tát dựa vào sáu độ khởi nghĩ như vầy: Bát-nhã này đối với tất cả pháp làm lớn, làm nhỏ… Nếu chẳng dựa vào sáu độ khởi nghĩ như vầy: Bát-nhã này đối với tất cả pháp chẳng làm lớn, chẳng làm nhỏ… Nếu chẳng dựa vào sáu độ khởi nghĩ như vầy: Bát-nhã này đối với tất cả pháp làm lớn làm nhỏ. Như vậy tất cả đều chẳng phải hành Bát-nhã, đều chẳng phải quả đẳng lưu của Bát-nhã. Đây là Đại hữu sở đắc, chẳng có thể chứng được Vô thượng Bồ-đề. Vì sao? Vì hữu tình vô sinh, vô diệt, vô tự tính, vô sở hữu, không, vô tướng, vô nguyện, viễn ly, tịch tĩnh, bất khả đắc, bất khả tư nghị, vô giác tri, thế lực bất thành tựu, phải nên biết Bát-nhã cũng vô sinh cho đến thế lực cũng bất thành tựu, tất cả các pháp sắc… mỗi pháp cũng đều như vậy, cho nên gọi là Đại ba-la-mật-đa.

PHẨM THỨ 33: PHỈ BÁNG BÁT NHÃ
Xá-lợi Tử hỏi: Người có khả năng tin hiểu Bát-nhã này từ đâu sinh tới? Phát tâm Bồ-đề khi nào? Cúng dường bao nhiêu Đức Như Lai? Tu sáu độ đã được bao lâu?

Phật đáp: Từ pháp hội của các Đức Như Lai ở khắp mười phương sinh tới đây, đã phát tâm Bồ-đề trải qua vô số kiếp, cúng dường vô số Như Lai, thường tu sáu độ trải qua vô số kiếp.

Thiện Hiện hỏi Phật: Có người nào nghe được, thấy được Bát-nhã thâm diệu chăng?

Phật đáp: Thật không có người nghe được và thấy được, cũng chẳng phải là pháp được nghe, chẳng phải là pháp được thấy. Vì sao? Tất cả pháp sắc… không nghe, không thấy vì các pháp trì độn.

Thiện Hiện lại hỏi: Bồ-tát tích chứa công hạnh bao lâu mới có khả năng tu học Bát-nhã thâm diệu?

Phật đáp: Có Bồ-tát từ lúc mới phát tâm liền tu học được sáu độ, có phương tiện thiện xảo, chẳng phỉ báng các pháp, đối với các pháp bất tăng, bất giảm, thường chẳng xa lìa các hạnh tương ưng sáu độ, cũng thường chẳng lìa chư Phật, Bồ-tát. Có Bồ-tát chưa từng gặp được nhiều Đức Phật, chưa tu tập nhiều về sáu độ vì lấy hữu sở đắc làm phương tiện nên không thể tu học Bát-nhã thâm diệu và tĩnh lự… Bồ-tát này nghe nói đến Bát-nhã thâm diệu liền từ chỗ ngồi đứng dậy bỏ đi, chẳng kính Bát-nhã cũng chẳng kính Phật, đã xả bỏ Bát-nhã cũng xả bỏ chư Phật cho đến tạo thêm nghiệp cảm thiếu thốn chính pháp, đọa vào ba đường ác trong vô số kiếp. Người ngu si hủy báng Bát-nhã vì bốn lý do: Một là bị các tà ma làm mê hoặc, hai là chẳng tin hiểu pháp thâm diệu, ba là không siêng năng tinh tấn, chấp chặt năm uẩn, bị các ác tri thức nắm giữ, bốn là lòng ôm nhiều hờn giận, thích làm điều ác, ngạo mạn khinh người.

PHẨM THỨ 34: KHÓ TIN HIỂU
Thiện Hiện bạch Phật: Người không siêng năng tinh tấn, người chưa gieo trồng căn lành, người bị ác tri thức nắm giữ rất khó tin hiểu pháp Bát-nhã thâm diệu này.

Phật nói: Đúng thế, đúng thế!

Thiện Hiện hỏi: Tại sao khó tin, khó hiểu pháp Bát-nhã thâm diệu này?

Phật dạy: Sắc… chẳng phải trói, chẳng phải mở vì tính vô sở hữu của sắc… là tự tính của sắc… Nói rộng ra sắc… ở ba thời gian cũng vậy. Lại nữa, sắc… thanh tịnh tức quả thanh tịnh. Sắc… này thanh tịnh cùng với quả thanh tịnh không có hai, không có hai phần, không có khác biệt, không có gián cách. Sắc… thanh tịnh cùng Bát-nhã thanh tịnh , nói rộng ra cũng như vậy. Ngã thanh tịnh, hữu tình thanh tịnh, mạng giả thanh tịnh cho đến kiến giả thanh tịnh, mỗi mỗi đối sắc… thanh tịnh, nói rộng ra cũng như vậy.

Lại nữa, vì Ngã thanh tịnh nên sắc… thanh tịnh. Vì sắc… thanh tịnh nên trí nhất thiết trí thanh tịnh. Vì sao? Vì hoặc Ngã thanh tịnh hoặc sắc… thanh tịnh, hoặc trí nhất thiết trí thanh tịnh, không có hai, không có hai phần, không có sai khác, không có gián cách. Hữu tình thanh tịnh cho đến kiến giả thanh tịnh, mỗi thứ nói rộng ra cũng như vậy.

Lại nữa, tham thanh tịnh tức sắc… thanh tịnh, sắc… thanh tịnh tức tham thanh tịnh. Vì sao? Vì tham này thanh tịnh cùng với sắc… thanh tịnh không có hai, không có hai phần, không có sai biệt, không có gián cách. Sân thanh tịnh, si thanh tịnh, nói rộng ra cũng như vậy.

Lại nữa, vì tham thanh tịnh nên sắc… thanh tịnh, vì sắc… thanh tịnh nên nhất thiết trí trí thanh tịnh cho đến không có hai không có hai phần, không có sai khác, không có gián cách. Sân, si nói rộng ra cũng như vậy.

Lại nữa, vì sắc thanh tịnh nên thụ thanh tịnh, vì thụ thanh tịnh nên sắc thanh tịnh, không có hai, không có hai phần, không có sai khác, không có gián cách. Vì thụ thanh tịnh nên tưởng thanh tịnh cho đến vì tất cả hạnh Bồ-tát thanh tịnh nên Vô thượng Bồ-đề của chư Phật thanh tịnh, lần lượt nói rộng ra cũng như vậy.

Lại nữa, vì Bát-nhã ba-la-mật-đa thanh tịnh nên sắc thanh tịnh, vì sắc thanh tịnh nên trí nhất thiết trí thanh tịnh, không có hai, không có hai phần, không có sai khác, không có gián cách. Nói rộng ra cho đến Vô thượng Bồ-đề cũng vậy. Tĩnh lự ba-la-mật-đa thanh tịnh cho đến bố thí thanh tịnh, mỗi thứ nói rộng ra cũng như vậy.

Lại nữa, vì nội không thanh tịnh nên sắc… thanh tịnh, vì sắc… thanh tịnh nên trí nhất thiết trí thanh tịnh, không có hai, không có hai phần, không có sai khác, không có gián cách. Ngoại không thanh tịnh cho đến Vô-tính-tự-tính-không thanh tịnh, mỗi thứ nói rộng ra cũng như vậy. Chân như thanh tịnh cho đến tư nghị giới thanh tịnh, mỗi thứ nói rộng ra cũng như vậy. Khổ thánh đế thanh tịnh cho đến đạo thánh đế thanh tịnh, mỗi thứ nói rộng ra cũng như vậy. Bốn tĩnh lự thanh tịnh cho đến mười biến xứ thanh tịnh, mỗi thứ nói rộng ra cũng như vậy. Bốn niệm trụ thanh tịnh cho đến tám chi thánh đạo, mỗi thứ nói rộng ra cũng như vậy. Ba môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện thanh tịnh, mỗi thứ nói rộng ra cũng như vậy. Mười địa của Bồ-tát thanh tịnh, năm nhãn thanh tịnh, sáu thần thông thanh tịnh, mười lực của Phật thanh tịnh cho đến mười tám pháp bất cộng của Phật thanh tịnh, pháp vô vong thất thanh tịnh, hằng trụ tính xả thanh tịnh, nhất thiết trí thanh tịnh, đạo tướng trí thanh tịnh, nhất thiết tướng trí thanh tịnh, tất cả môn đà-la-ni thanh tịnh, tất cả môn tam-ma-địa thanh tịnh, quả Dự lưu thanh tịnh, quả Nhất lai thanh tịnh, quả Bất hoàn thanh tịnh, quả A-la-hán thanh tịnh, Độc giác bồ-đề thanh tịnh, tất cả hạnh Bồ-tát ma-ha-tát thanh tịnh, Vô thượng chính đẳng bồ-đề của chư Phật thanh tịnh, mỗi thứ nói rộng ra cũng như vậy.

Lại nữa, vì trí nhất thiết trí thanh tịnh nên sắc… thanh tịnh, vì sắc… thanh tịnh nên Bát-nhã ba-la-mật-đa thanh tịnh, không có hai, không có hai phần, không có sai khác, không có gián cách. Đối với tĩnh lự cho đến bố thí ba-la-mật-đa, đối với nội không… cho đến Vô thượng Bồ-đề của chư Phật mỗi thứ nói rộng xa cũng như vậy.

Lại nữa, vì hữu vi thanh tịnh nên vô vi thanh tịnh, vì vô vi thanh tịnh nên hữu vi thanh tịnh, không có hai, không có hai phần, không có sai khác, không có gián cách. Quá khứ, vị lai, hiện tại đối đãi với nhau như vậy.

(Phẩm này có đến 103 quyển, nói đủ tất cả các pháp dung nhiếp lẫn nhau)

PHẨM THỨ 35: NGỢI KHEN THANH TỊNH


Xá-lợi Tử bạch Phật: Sự thanh tịnh như thế rất là thâm diệu.

Phật nói: Đúng thế! Vì rốt ráo thanh tịnh, nói rộng ra vì sắc… mỗi thứ đều rốt ráo thanh tịnh.

Phật còn nói: Rất là rõ ràng chẳng chuyển động, chẳng tiếp nối, vốn không có tạp nhiễm, bản tính trong sáng, không có đắc, không có quán, không có sinh, không có hiển bày, mỗi thứ nói ra cũng như vậy.

Lại sự thanh tịnh như thế chẳng sinh cõi Dục, chẳng sinh cõi Sắc, chẳng sinh cõi Vô sắc, vì tự tính của ba cõi chẳng thể thủ đắc. Lại sự thanh tịnh như thế bản tính vô tri vì bản tính của tất cả pháp là trì độn. Lại, tính của sắc... vô tri tức là thanh tịnh vì rốt ráo thanh tịnh, vì tự tướng không.

Lại, Bát-nhã đối với trí nhất thiết trí không có lợi, không có hại vì rốt ráo thanh tịnh, vì pháp giới thường trụ. Bát-nhã thanh tịnh không chấp nhận tất cả pháp vì rốt ráo thanh tịnh, vì pháp giới bất động.

Lại, Ngã thanh tịnh nên tất cả pháp sắc… thanh tịnh, vì rốt ráo thanh tịnh, vì Ngã vô sở hữu. Tất cả pháp sắc… vô sở hữu là rốt ráo thanh tịnh.

Lại, vì Ngã vô biên nên sắc… vô biên, vì tất cánh không, vô tế không là rốt ráo thanh tịnh. Bồ-tát là tu hành Bát-nhã không trụ bờ bên này, không trụ bờ bên kia, không trụ ở giữa dòng tức là rốt ráo thanh tịnh. Vì pháp tính ba thời gian bình đẳng nên thành đạo tướng trí.

PHẨM THỨ 36:

CHẤP VÀ CHẲNG CHẤP TƯỚNG
Thiện Hiện bạch Phật: Bồ-tát nếu không có phương tiện thiện xảo khởi tưởng Bát-nhã đối với Bát-nhã này, vì lấy hữu sở đắc làm phương tiện nên xả bỏ xa rời Bát-nhã thâm diệu.

Phật nói: Đúng thế! Bồ-tát ấy chấp danh, chấp tướng thế nên xả bỏ xa rời Bát-nhã này, nghĩa là đối với Bát-nhã này mà chấp danh, chấp tướng, say đắm Bát-nhã, hoặc ỷ thị vào Bát-nhã này mà sinh kiêu mạn thì chẳng thể chứng đắc thật tướng Bát-nhã. Nếu Bồ-tát có phương tiện thiện xảo, lấy vô sở đắc làm phương tiện, đối với Bát-nhã này, không chấp danh tướng, không khởi say đắm, không sinh kiêu mạn thì có thể chứng đắc thật tướng Bát-nhã.

Xá-lợi Tử hỏi: “Thế nào là chấp và chẳng thể chấp tướng?”

Thiện Hiện đáp: Nếu không có phương tiện thiện xảo đối với sắc… cho là không, rồi khởi tưởng chấp không. Hoặc đối với sắc… cho là sắc…, rồi khởi tưởng chấp sắc…

Lại, từ lúc mới phát tâm khởi tưởng chấp sáu độ, hai mươi không… thì gọi là chấp tướng. Nếu có phương tiện thiện xảo, đối với sắc… chẳng khởi tưởng không, bất không cho đến chẳng nghĩ rằng: “Tôi hay bố thí cho người kia nhận vật bố thí này và tính bố thí…” Lấy vô sở đắc làm phương tiện, không có tất cả phân biệt vọng tưởng chấp trước. Do khéo thông hiểu nội không cho đến vô tính tự tính không, đây gọi là không chấp tướng.

Đế Thích hỏi: Thế nào là chấp tướng?

Thiện Hiện đáp: Khởi tưởng chấp trước sáu độ, hai mươi không cho đến khởi tưởng chấp trước các căn lành đã được gieo trồng ở chỗ các Đức Phật, khởi tưởng chấp trước hòa hợp hồi hướng Vô thượng Bồ-đề. Đây gọi là chấp trước trong khi tu hành Bát-nhã. Do tưởng chấp trước nên chẳng thể tu hành Bát-nhã vô trước hồi hướng Vô thượng Bồ-đề. Vì sao? Vì chẳng phải bản tính của sắc… có thể hồi hướng.

Lại nữa, dùng ý đúng như thật tướng thị hiện giáo hóa, khích lệ hữu tình, nghĩa là lúc hành sáu độ, hai mươi không… chẳng nên phân biệt ta hay thí xả cho đến ta hay trụ nội không… Nếu được như vậy thì không tổn hại mình, cũng không tổn hại người mà còn xa lìa được tất cả tưởng chấp trước.

Phật ngợi khen và ấn chứng điều đó, và còn nói về sự chấp tướng một cách vi tế, nghĩa là chẳng nên chấp tướng mà nghĩ nhớ đến pháp lành của Phật và các hữu tình đệ tử Phật, vì các tướng bị chấp đều hư vọng cả.

Bát-nhã như thế rất là thâm diệu vì bản tính của tất cả pháp là xa lìa chấp trước, đều nên lễ kính vì công đức nhiều. Nhưng không có tạo tác, không có người năng giác vì tất cả pháp một tính, chẳng phải hai. Một tính của các pháp tức là vô tính; các pháp vô tính tức là một tính. Nếu biết đúng như thật các pháp một tính vô tính, không có tạo tác thì xa lìa được tất cả chấp trước. Bát-nhã như thế khó có thể giác biết vì không có người năng kiến văn giác tri, lìa tướng chứng đắc; không có thể nghĩ bàn, chẳng thể dùng tâm để biết vì lìa tướng của tâm; chẳng thể dùng sắc… để biết, vì lìa tướng của sắc…; không có tạo tác vì sắc… chẳng thể thủ đắc, người tạo tác cũng chẳng thể thủ đắc. Nếu chẳng hành sắc…, chẳng hành sắc… hoặc thường hoặc vô thường cho đến hoặc tịnh hoặc bất tịnh, đó là hành Bát-nhã. Vì sao? Vì tính của sắc… còn vô sở hữu, huống là có sắc… hoặc thường, hoặc vô thường…

Lại nữa, chẳng hành sắc… viên mãn và chẳng viên mãn, đó là hành Bát-nhã. Vì sao? Vì nếu sắc… viên mãn và chẳng viên mãn thì đều chẳng được gọi là sắc… cũng chẳng hành như vậy, đó là hành Bát-nhã.

Lại nữa, chẳng hành sắc… chấp tướng và chẳng chấp tướng, đó là hành Bát-nhã. Lúc hành Bát-nhã như thế, chẳng khởi tưởng chấp trước và tưởng chẳng chấp trước. Pháp tính Bát-nhã thâm diệu như thế hoặc tuyên thuyết hoặc không tuyên thuyết đều chẳng có thêm bớt như hư không kia, cũng như người huyễn hoặc khen hoặc chê cũng chẳng thêm, chẳng bớt.

Thiện Hiện bạch Phật: Bồ-tát tu hành Bát-nhã là việc rất khó nghĩa là hoặc tu hoặc chẳng tu cũng không thêm, không bớt, cũng không thuận, không nghịch mà siêng năng tu học Bát-nhã như thế cho đến Bồ-tát không từng thoái chuyên. Vì sao? Vì như tu hư không đều vô sở hữu. Như không có sắc… có thể thiết lập trong hư không, tu hành Bát-nhã cũng giống như vậy. Chúng tôi đều nên kính lễ vị Bồ-tát mặc giáp đại công đức này.

Trong pháp hội có một vị bí-sô tâm khai ý giải, đựơc Phật ngợi khen và ấn khả.

Đế Thích hỏi Thiện Hiện:


  • Bồ-tát phải học như thế nào?

Thiện Hiện đáp:

  • Phải học như hư không.

Đế Thích bạch Phật:

  • Nếu có người thụ trì Bát-nhã, con phải thủ hộ người ấy như thế nào?

Thiện Hiện hỏi:

  • Ông thấy có pháp để thủ hộ chăng?

Đế Thích đáp:

  • Không.

Thiện Hiện nói:

  • Người nào trụ Bát-nhã thâm diệu như lời Phật tuyên thuyết tức là được thủ hộ, mọi người tìm cách hãm hại đều chẳng thể được. Nếu muốn thủ hộ thì chẳng khác gì thủ hộ hư không.

Đế Thích hỏi:

  • Bồ-tát tu hành Bát-nhã như thế nào, tuy biết các pháp như huyễn, mộng, vang, bóng, sóng nắng, bóng sáng, việc biến hóa, thành Tầm hương mà không chấp là huyễn…, cũng chẳng chấp do huyễn…, cũng chẳng chấp thuộc huyễn…, cũng chẳng chấp y huyễn…

Thiện Hiện đáp:

  • Nếu Bồ-tát chẳng chấp là sắc…, do sắc, thuộc sắc…, y sắc… thì Bồ-tát này tuy biết các pháp như huyễn… mà chẳng chấp là huyễn… cho đến chẳng chấp y huyễn…

PHẨM THỨ 37: NÓI VỀ TƯỚNG BÁT-NHÃ
Do thần lực của Phật mà chư Thiên ở mười phương đều trông thấy nghìn Đức Phật tuyên thuyết Bát-nhã, người đứng đầu thưa thỉnh Phật thuyết pháp đều tên là Thiện Hiện, người đứng đầu đặt câu hỏi đều tên là Đế Thích.

Phật bảo Thiện Hiện: Chư Phật vị lai như Di-lặc… cũng ở nơi này tuyên thuyết Bát-nhã.

Thiện Hiện hỏi Phật:


  • Lúc ngài Di-lặc đắc Bồ-đề, dùng tướng trạng nào tuyên thuyết?

Phật đáp: Dùng sắc… chẳng phải thường, chẳng phải vô thường, chẳng phải vui, chẳng phải khổ, chẳng phải Ngã, chẳng phải vô ngã, chẳng phải tịnh, chẳng phải bất tịnh, chẳng phải tịnh tĩnh, chẳng phải chẳng tịnh tĩnh, chẳng phải xa lìa, chẳng phải chẳng xa lìa, chẳng phải trói, chẳng phải mở, chẳng phải có, chẳng phải không, chẳng phải quá khứ, chẳng phải vị lai, chẳng phải hiện tại, tuyên thuyết Bát-nhã thâm diệu này.

Thiện Hiện hỏi:



  • Lúc Di-lặc đắc Bồ-đề, ngài chứng pháp gì và thuyết pháp gì?

Phật đáp: Ngài chứng sắc… là pháp rốt ráo thanh tịnh. Ngài thuyết sắc… là pháp rốt ráo thanh tịnh.

Thiện Hiện hỏi:



  • Bát-nhã này vì sao thanh tịnh?

Phật đáp:

  • Vì sắc… thanh tịnh, vì vô sinh, vô diệt, vô nhiễm, vô tịnh. Lại nữa, vì sắc… không có nhiễm ô, vì không thể chấp thủ. Lại nữa, vì sắc… chỉ là giả nói như dựa vào hư không mà có tiếng vang, sắc… cũng giống như vậy. Lại nữa, vì sắc… chẳng sinh, chẳng diệt, chẳng nhiễm, chẳng tịnh, rốt ráo không.

Thiện Hiện bạch Phật: Vào sáu ngày trai, người nào đọc tụng, giảng nói Bát-nhã, chư Thiên đến nghe, người đó được công đức vượt trội.

Phật nói: Bát-nhã này được gọi là kho báu lớn.

Bấy giờ chư Thiên rải hoa, vui mừng nói: Hôm nay chúng tôi thấy lần chuyển pháp luân thứ hai.

Phật bảo Thiện Hiện: Pháp luân này chẳng phải chuyển lần thứ nhất, chẳng phải chuyển lần thứ hai,vì tất cả pháp chẳng được chuyển, chẳng được hoàn nên xuất hiện ở thế gian vì vô tính tự tính không.

PHẨM THỨ 38: BA-LA-MẬT-ĐA
Thiện Hiện cùng Phật đối đáp với nhau để tán thán Bát-nhã ba-la-mật.

PHẨM THỨ 39: KHÓ NGHE CÔNG ĐỨC


Đế Thích trong lòng thầm nghĩ là khó được nghe công đức của Bát-nhã thâm diệu.

Xá-lợi Tử nói tin hiểu hay chẳng tin hiểu là do nhân duyên đời trước.

Thiên Đế nói: Lễ kính Bát-nhã tức là lễ kính trí nhất thiết trí .

Phật nói: Vì trí nhất thiết trí được sinh ra từ Bát-nhã cho nên Bồ-tát phải nên học Bát-nhã.

Đế Thích hỏi Phật: Bồ-tát tu hành Bát-nhã trụ sắc… như thế nào? Tập sắc… như thế nào?

Phật đáp: Nếu chẳng trụ, chẳng tập nơi sắc… tức là trụ, là tập sắc…, vì sắc… để trụ, để tập đều chẳng thể thủ đắc.

Lại nữa, nếu chẳng phải trụ, chẳng phải bất trụ, chẳng phải tập, chẳng phải bất tập, ấy là trụ, là tập nơi sắc… vì quán ba thời gian sắc… đều chẳng thể thủ .

Xá-lợi Tử thưa: Bát-nhã hết sức thâm diệu.

Phật nói: Vì sắc… chân như thâm diệu.

Xá-lợi Tử thưa: Bát-nhã khó đo lường.

Phật nói: Vì sắc… chân như khó đo lường.

Xá-lợi Tử thưa: Bát nhã rất là vô lượng.

Phật nói: Vì sắc… chân như vô lượng.

Xá-lợi Tử hỏi: Bồ-tát tu hành Bát-nhã như thế nào?

Phật đáp: Chẳng hành tính thâm diệu của sắc…, đó là hành Bát-nhã vì tính thâm diệu của sắc… chẳng phải là sắc…; chẳng hành tính khó đo lường của sắc…, chẳng hành tính vô lượng của sắc…, nói rộng ra thì mỗi mỗi đều cũng như vậy.

Xá-lợi Tử nói: Chẳng nên ở trước hàng Bồ-tát nới học mà nói pháp Bát-nhã này, bởi họ bỗng được nghe thì họ không thể tin hiểu. Chỉ nên ở trước hành Bồ-tát bất thoái chuyển nói pháp Bát-nhã này.

Đế Thích hỏi: Có thể có Bồ-tát chưa được thụ ký nghe nói pháp Bát-nhã này mà chẳng kinh sợ chăng?

Xá-lợi Tử đáp: Có! Vị Bồ-tát này chẳng bao lâu nữa sẽ được thụ ký Đại bồ-đề.

Xá-lợi Tử thưa với Phật về các thí dụ về cảnh tượng sắp đến thủ đô của vương quốc, cảnh tượng sắp đến biển, thí dụ về cây cối tươi tốt, thí dụ về người mang thai thì thân thể nặng nề… Đức Phật ngợi khen và ấn khả các thí dụ đó.

Thiện Hiện tán thán Phật rất là hy hữu, khéo phó chúc Bồ-tát, nhiếp thụ Bồ-tát.

Phật nói cho các Bồ-tát nghe về các pháp tứ nhiếp nào để chúng được viên mãn?

Phật đáp: Chẳng thấy sắc… hoặc tăng hoặc giảm, chẳng thấy là pháp, là phi pháp, hữu lậu, vô lậu, hữu vi, vô vi, quá khứ, vị lai, hiện tại, thiện, bất thiện, vô ký, Dục, Sắc, Vô sắc cho đến chẳng thấy sáu độ, hai mươi không… Đó là Bồ-tát tu hành Bát-nhã chóng được viên mãn, vì tất cả pháp không có tính tướng, không có tác dụng, không thể lay chuyển, hư vọng dối trá, tính không bền chắc, không được tự tại, không giáo, không thụ, lìa ngã, lìa hữu tình, nói rộng ra cho đến tri kiến.

Thiện Hiện bạch Phật: Điều của Như Lai tuyên thuyết chẳng thể nghĩ bàn.

Phật nói: Đúng thế! Vì sắc… chẳng thể nghĩ bàn. Nếu Bồ-tát chẳng thể khởi ý tưởng chẳng thể nghĩ bàn đối với sắc… mà tu hành Bát-nhã thì chúng được viên mãn. Hoặc Bồ-tát chẳng tư duy phân biệt sắc…, tướng của sắc…, tính của sắc… vì sắc… chẳng thể nghĩ bàn. Do đó biết Bồ-tát này từ lâu đã tu sáu độ, đã trồng căn lành, cúng dường nhiều Đức Phật, phụng sự nhiều thiện hữu tri thức.

Lại nữa, vì sắc… thâm diệu nên Bát-nhã rất thâm diệu. Bát-nhã này là đống trân bảo lớn vì có thể ban cho hữu tình tất cả trân bảo công đức.

Lại nữa, vì sắc… thanh tịnh nên Bát-nhã là đống trân bảo thanh tịnh cho đến phải mau biên chép… nhờ thần lực của Phật khiến cho ma tệ ác không thể nào làm chướng ngại được. Sau khi Phật diệt độ, Bát-nhã sẽ dần dần hưng thịnh ở phương Đông Nam, cho đến năm trăm năm sau Bát-nhã sẽ được truyền bá rộng rãi ở phương Đông Bắc.

PHẨM THỨ 40: MA SỰ
Phật nói cho Thiện Hiện nghe đầy đủ về việc ma làm chướng ngại người tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa.

PHẨM THỨ 41: PHẬT MẪU


Phật dạy: “Này Thiện Hiện! Như mẹ bị bệnh, con đi tìm thầy thuốc trị bệnh, mắt Phật trông nom hộ niệm Bát-nhã thâm diệu cũng giống như vậy. Bát-nhã có khả năng chỉ bày thật tướng các pháp. Các đức Như Lai đều nhờ Bát-nhã mà chứng biết hết thảy tâm hành sai biệt của các hữu tình cho đến nhờ Bát-nhã mà chứng được chân như của tất cả pháp, rốt ráo đắc Vô thượng giác, cho nên nói Bát-nhã có khả năng sinh ra các Đức Phật, là mẹ của các Đức Phật. Tuy Bát-nhã có khả năng sinh ra các Đức Phật, có khả năng hiện bày tướng thế gian nhưng không có sinh, không có hiện bày. Vì chẳng thấy sắc… nên gọi là hiện bày tướng sắc… Do chẳng duyên sắc… mà sinh ra thức. Đây là vì chẳng thấy sắc… nên gọi là hiển bày tướng của sắc…

Lại nữa, Bát-nhã có khả năng vì chư Phật mà hiển bày thế gian không, có khả năng vì chư Phật mà hiển thị sắc… thế gian tướng không, có khả năng vì chư Phật hiển thị sắc… thế gian tướng chẳng thể nghĩ bàn, tướng xa lìa, tướng tịnh tĩnh, tướng tất cánh không, tướng vô tính không, tướng tự tính không, tướng vô tính tự tính không, tướng thuần không, tướng vô tướng, tướng vô nguyện. Do đó có khả năng vì chư Phật mà hiển bày thế gian thật tướng, được gọi là mẹ của các Đức Phật nghĩa là khiến cho chẳng khởi tưởng thế gian này, thế gian khác, vì thật ra không có pháp có thể khởi tưởng thế gian này, thế gian khác.



tải về 1.17 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   14




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương