ĐẠI ĐẠo tam kỳ phổ ĐỘ TÒa-thánh tây-ninh chú giảI



tải về 1.6 Mb.
trang8/10
Chuyển đổi dữ liệu28.07.2016
Kích1.6 Mb.
#8421
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10

CHƯƠNG THỨ MƯỜI SÁU
KINH CẦU BÀ CON THÂN BẰNG

CỐ HỮU ĐÃ QUI LIỄU

I.-KINH VĂN:

KINH CẦU BÀ CON THÂN BẰNG

CỐ HỮU ĐÃ QUI LIỄU
Khi dương thế không phân phải quấy,

Nay Hư linh đã thấy hành tàng.

CHÍ TÔN xá tội giải oan,

Thánh, Thần Tiên, Phật cứu nàn độ căn.

Đã tầng chịu khó khăn kiếp sống,

Định tâm thần giải mộng Nam kha.

Càn khôn để bước ta bà,

Đoạt cơ thoát tục tạo nhà cõi Thiên.

Ơn Tạo hóa tha tiền khiên trước,

Đưa linh phan tiếp rước nguyên nhân.

Tiên phong phủi ngọn phất trần,

Liên đài đỡ gót đến gần Tây phương.

Cửa Cực Lạc đon đường thẳng tới,

Tầm không môn đặng đợi Như Lai.

Hào quang chiếu diệu CAO ĐÀI,

May duyên nay đã gặp ngày siêu sanh.

Trụ nguyên tánh hồn linh nhàn lạc,

Cõi Đào nguyên cỡi hạc thừa long.

Lánh xa trược chất bụi hồng,

Cung Tiên sớm tối vui vòng thung dung.

Nơi cung Ngọc học thông Đạo cả,

Chốn Hư vô Tạo Hóa tìm cơ.

Trên đường Thánh đức lần dò,

Trường sanh mầu nhiệm nơi lò Hóa công.

Khá từ bỏ xa dòng bể khổ,

Diệt trần tình Cam Lộ tẩy nhơ.

Ngân Kiều Bát Nhã qua bờ,

Đưa duyên để bước kịp giờ siêu thăng.

(Tụng Kinh này rồi tiếp tụng DI LẠC CHƠN KINH)

ĐOÀN THỊ ĐIỂM


II.-NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA:
Bài Kinh Cầu Bà Con Thân Bằng Cố Hữu Đã Qui Liễu do Bà Đoàn Thị Điểm, một nữ sĩ nổi danh của Việt Nam và cũng là một vị Tiên Nương nơi Diêu Trì Cung giáng cơ ban cho chúng sanh Đạo Cao Đài.

Bài Kinh này được dùng để đồng nhi tụng đọc khi những người ngoài thân tộc ruột thịt, hay bạn bè tế lễ cho người quá cố (Nghi lễ này gọi là phụ tế).

Chúng ta đã biết, ngoài quan hệ thân tộc, người ta còn nhiều mối quan hệ khác nữa như: Bà con, xóm giềng, bè bạn, đồng nghiệp...Tất cả những mối quan hệ đó được gọi là Bà con thân bằng cố hữu.

Theo quan niệm về đạo lý con người, một nhà có việc tang thì trăm nhà lo giúp (Nhứt gia hữu sự, bá gia ưu 一 家 有 事, 百 家 憂), hoặc lấy câu “thố tử hồ bi 兔 死 狐 悲” để tỏ lòng đau xót cho nhau.

Trong thiên Khúc Lễ, sách Lễ Ký có nói rằng: Trong làng có tang sự thì người giã gạo chẳng đặng hò, có tẫn liệm thì ngoài đường không ca hát (Lân hữu tang, thung bất xướng, lý hữu tẫn bất hạng ca 鄰 有 喪, 舂 不 唱; 里 有 殯, 不 巷 歌). Đây là phép cư xử của người biết đạo lý, nhằm bày tỏ chia buồn cùng tang gia hiếu quyến của thân bằng cố hữu trong cơn hữu sự.

Đức Khổng Tử là người rất nhân hậu, hễ thấy ai đau đớn, buồn rầu, khổ sở thì Ngài động lòng thương xót. Chương Thuật Nhi có kể lại rằng: Phu Tử ngồi ăn bên cạnh người có tang thì ăn không no. Ngày nào có đi phúng điếu về thì suốt cả ngày không đàn hát (Tử thực ư hữu tang giả chi trắc, vị thường bão dã. Tử ư thị nhật, khốc tắc bất ca. 子 食 於 有 喪 者 之 側, 未 嘗 飽 也. 子 於 是 日, 哭 則 不 歌).

Châu Trình ngày xưa lấy gương Đức Khổng Phu Tử điếu tang người đời mà dạy rằng: Khi đến điếu nhà có tang, chẳng nên uống rượu ăn thịt, chẳng đặng phép đàm luận lớn hoặc cười cợt to tiếng (Phàm điếu ư hữu tang giả chi trắc, bất ẩm tửu thực nhục, bất khả cử đàm đại tiếu 凡 弔 於 有 喪 者 之 惻, 不 飲 酒 食 肉, 不 可 舉 談 大 笑), mà phải tỏ vẻ thương xót như thế mới là lẽ phải vậy.

Việc tang sự là cái cảnh buồn đau, bối rối của người ta, mà sự trợ tang là một nghĩa vụ của mọi người chúng ta. Đã là nghĩa vụ, thì khi người gặp cảnh tang biến, có thể giúp được việc gì thì giúp, còn nghĩ gì đến sự ăn uống được, trong lúc tang quyến gặp cảnh đau đớn, còn vui đâu mà thù tiếp. Vậy mà bày cổ bàn thịnh soạn để tiệc tùng, thì than ôi! đâu còn là ý nghĩa của sự điếu tang nữa!

Theo tang lễ của Cao Đài, về thể pháp, người tín đồ nếu có sắm phẩm vật để tế lễ người quá vãng, thiết nghĩ là nên sắm hoa quả, hay trà bánh, đó mới là lễ phẩm để cúng tế; còn về bí pháp, thì phải hết sức thành tâm tụng niệm để cầu rỗi cho vong linh của người quá cố.
III.-CHÚ GIẢI:
Khi dương thế không phân phải quấy,

Nay Hư linh đã thấy hành tàng.

Dương thế 陽 世: Cõi của người sống, tức chỉ cõi trần gian hay cõi thế gian mà nhơn loại đang sống.

Hành tàng 行 藏: Những hành vi hiển hiện hay ẩn kín được gọi là hành tàng. Như câu sau đây:

Hành tàng của mình (tất cả những việc làm thấy rõ, hoặc giấu kín), dù hư dù thực tự nơi nhà mình biết, cái họa phước bởi đâu mà ra, thì phải hỏi làm chi? Hễ lành dữ rốt lại cũng có trả, chỉ trả kíp hay chầy mà thôi (Hành tàng hư thực tự gia tri, họa phúc nhân do cánh vấn thùy? Thiện ác đáo đầu chung hữu báo chỉ tranh lai tảo dữ lai trì 行 藏 虛 實 自 家 知, 禍 福 因 由 更 問 誰? 善 惡 到 頭 終 有 報, 只 爭 來 早 與 來 遲).



Câu 1: Khi còn sống nơi dương thế, vì còn vô minh nên không biết được phải quấy.

Câu 2: Ngày nay, hồn lìa khỏi xác, trở về cõi hư linh mới thấy được mọi hành tàng.

Con người sinh ra ở trên cõi đời này, chưa ai sống quá trăm tuổi, không kể tai nạn, bệnh tật xảy đến thì bất luận già trẻ cũng có thể chết một cách đột ngột, bất ngờ.

Với cuộc sống vô thường như vậy, lẽ ra con người phải sống làm sao cho thân tâm thường an lạc, chẳng nên gây những việc tội tình, khiến phải ăn năn hối hận. Nhưng vì vô minh đã che mờ chân tánh, thất tình lục dục sai sử, làm cho con người khó phân biệt được việc phải quấy trên cõi đời này, làm biết bao tội lỗi, gây ra bao nhiêu là căn nghiệt. Một ngày kia, chẳng may nhắm mắt buông xuôi mọi việc, để trở về cõi vô vi, thì than ôi! “Nay hư linh đã thấy hành tàng”: Nếu hành vi lúc sanh tiền làm những việc phải, tốt thì giờ đây được nhẹ nhàng thảnh thơi; còn nếu lúc trước làm những việc quấy ác thì bây giờ ăn năn hối ngộ đã muộn màng rồi vậy.
CHÍ TÔN xá tội giải oan,

Thánh, Thần Tiên, Phật cứu nàn độ căn.

Xá tội 赦 罪: Tha thứ tội tình.

Giải oan 解 冤: Cổi bỏ oan nghiệt.

Cứu nàn: Hay cứu nạn 救 難, tức là cứu giúp các tai nạn cho người.

Độ căn 度 根: Căn là cái gốc rễ do việc làm thiện hay ác ở kiếp trước, gây ra nghiệp lành hay dữ cho kiếp này. Độ căn là cứu giúp để thoát khỏi những căn nghiệp ác.

Câu 3: Đức Chí Tôn xá tội và cổi bỏ mọi oan nghiệt cho chúng sanh trong kỳ ân xá này.

Câu 4: Chư Thần, Thánh, Tiên, Phật cứu khổ cứu nạn và cứu giúp thoát khỏi các căn nghiệp ác.

Vào thời Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Chí Tôn giáng huyền cơ khai mở nền Đại Đạo, đại ân xá cho các Chơn linh tội lỗi, giải trừ oan khiên nghiệp quả, nhằm mục đích cho chúng sanh dễ bề tu hành, hầu có thể phản bổn huờn nguyên, qui hồi cựu vị. Hơn nữa, đạo Cao Đài là một tôn giáo ra đời nhằm để cứu vớt người có tội lỗi như lời Thánh giáo đã dạy: “Buổi lập Thánh Đạo, Thầy đến độ rỗi kẻ có tội lỗi. Nếu đời không có tội lỗi, đâu nhọc đến công Thầy.



Ấy vậy, các con rán độ kẻ tội lỗi là công lớn làm cho Thầy vui hơn hết”.

Điều cần nhứt của người tu hành, nếu có tội lỗi trước hết phải biết sám hối ăn năn, và sau nữa lo lập công bồi đức để được xá tội hiện tại và tội tiền khiên.

Trong bài Kinh Cầu Hồn Khi Hấp Hối cũng có nói về việc xá tội các Chơn linh:

Chí Tôn xá tội giải oan,

Thánh, Thần, Tiên, Phật cứu nàn độ vong.


Đã tầng chịu khó khăn kiếp sống,

Định tâm thần giải mộng Nam kha.

Đã tầng chịu: Đã từng chịu đựng.

Khó khăn kiếp sống: Cái kiếp sống ở cõi trần khó khăn.

Định tâm thần 定 心 神: Tập trung tâm và thần lại một điểm, tức thu nhiếp tâm và thần cho an định để không bị tán loạn.

Mộng Nam kha: Hay Nam kha mộng 南 柯 夢: Giấc mộng ở cành cây hướng nam. Tên một bài ký của Lý Công Tá 李 公 佐 đời Đường chép rằng:

Thuần Vu Phần 淳 于 焚 chiêm bao thấy mình đi tới nước Hoè An 槐 安 được vị quốc vương nước này cho làm Thái thú và lại gã Công chúa cho, nên được hưởng mọi sự vinh hiển. Sau đó, Thuần Vu Phần được lệnh nhà vua đi dẹp giặc, bị thua trận, ở cung Công chúa cũng bị bệnh chết, khiến nhà vua nghi kỵ, đuổi đi. Chàng chán nãn, buồn rầu, bèn giựt mình tỉnh giấc, thấy mình ngủ dưới gốc cây hoè, lại dưới cành cây phía nam có một tổ kiến, mới chợt tỉnh ngộ là mình chiêm bao.

Về sau, người ta dùng điển “Giấc mộng Nam kha”, “Giấc hoè” để chỉ cuộc đời như giấc mộng, công danh phú quí tỷ như giấc chiêm bao.

Câu 5: Đã từng chịu đựng những nỗi khó khăn trong kiếp sống.

Câu 6: Hãy định tỉnh tâm thần lại mà quán xét để hiểu rõ những mồi vinh hoa phú quí nơi thế gian này, chẳng qua chỉ là một giấc mộng (Nam kha) mà thôi.
Càn khôn để bước ta bà,

Đoạt cơ thoát tục tạo nhà cõi Thiên.

Càn khôn 乾 坤: Trời đất, chỉ Càn khôn Vũ trụ.

Ta bà: Hay Sa bà 娑 婆 do chữ Phạn là Saha, còn gọi là Ta bà thế giới. Thế giới Ta bà là một đại thiên thế giới và địa cầu nơi con người ở chỉ là một nơi rất nhỏ bé trong thế giới Ta bà. Ta bà Hán dịch là kham nhẫn 堪 忍, tức chỉ chúng sanh ở thế giới này phải nhẫn chịu nhiều điều khổ sở, phiền muộn.

Để bước Ta bà: Để bước chân xuống cõi Ta bà, ý muốn nói đầu thai xuống làm người nơi cõi trần.

Thoát tục 脫 俗: Thoát khỏi cõi phàm tục.

Đoạt cơ thoát tục 奪 機 脫 俗: Đoạt được cơ mầu nhiệm của bí pháp thì đắc Đạo. Mà đắc Đạo tức là thoát khỏi cảnh trần tục để được về cõi Thiêng Liêng.

Tạo nhà cõi Thiên: Xây dựng ngôi nhà nơi cõi Thiêng Liêng, ý chỉ tạo lập ngôi vị ở cõi Thiêng Liêng Hằng Sống.

Câu 7 và 8: Trong Càn khôn thế giới, để bước chân lên cõi Ta bà, Chơn linh phải đầu kiếp, hầu có được xác thân hữu hình mà tạo lập ngôi vị nơi cõi Thiêng Liêng, đó là đoạt cơ mầu nhiệm mà đắc Đạo vậy.
Ơn Tạo hóa tha tiền khiên trước,

Đưa linh phan tiếp rước nguyên nhân.

Tha tiền khiên trước: Xóa bỏ các lỗi lầm đã gây ra trong kiếp trước.

Linh phan 靈 幡: Phướn linh, tức cây phướng linh thiêng, cây phướn dìu dẫn Chơn linh nơi cõi Thiêng Liêng.

Nguyên nhân 元 人: Những bậc có Chơn linh được sinh ra từ lúc khai thiên lập địa.

Như ta đã biết, Chơn linh là một Tiểu Linh quang được chiết ra từ khối Đại Linh quang của Đức Chí Tôn, Phật Mẫu mới đem phối hợp với Chơn thần do Ngài tạo ra nơi Kim Bàn để làm thành một thánh hình, hay một hình thể Thiêng liêng: Đó là Nguyên nhân vậy.



Câu 9: Nhờ ân xá kỳ ba, nên Đức Chí Tôn tha thứ các tội lỗi đã gây ra từ nơi kiếp sống trước.

Câu 10: Đưa phướn linh để tiếp rước các bậc nguyên nhân trở về với cõi Thiêng Liêng Hằng Sống.
Tiên phong phủi ngọn phất trần,

Liên đài đỡ gót đến gần Tây phương.

Tiên phong 仙 風: Phong cách của bậc Tiên.

Phủi ngọn: Phất nhẹ cây.

Phất trần 拂 塵: Còn gọi là Phất chủ 拂 麈 là cây dùng để quét bụi.

Theo Tự Điển Thiều Chủ, chủ 麈 là một giống thú thuộc loài nai, như con hươu mà to hơn, lúc đi đàn hươu theo sau, đuôi nó phẩy sạch bụi, ngày xưa thường dùng làm cái phất trần; vì thế nên có khi gọi cái phất trần là chủ vĩ 麈 尾.

Cây phất trần là một bửu vật, có pháp thuật rất huyền diệu của Thái Thượng Lão Quân, nên các Tiên gia thường cầm cây phất chủ và phất chủ tượng trưng cho Đạo Tiên.

Liên đài 蓮 臺: Đài sen hay tòa sen. Ở đây, hoa sen tượng cho chiếc xe Thiêng liêng (Liên Thần) đưa các Chơn linh đắc Đạo vào Tây phương Cực Lạc.

Câu 11: Nhờ các bậc Tiên gia dùng ngọn phất chủ để quét sạch những bụi trần đã thấm nhiễm vào Chơn thần.

Câu 12: Khi Chơn thần được trong sạch, nhẹ nhàng, đài sen sẽ đỡ gót để đưa Chơn linh đến cõi Tây phương Cực Lạc.
Cửa Cực Lạc đon đường thẳng tới,

Tầm không môn đặng đợi Như Lai.

Cửa Cực Lạc: Tức Cực Lạc quan 極 樂 關, cánh cổng dẫn đến Cực Lạc Thế Giới.

Đon đường thẳng tới: Dò đường mà đi thẳng tới.

Tầm 尋: Tìm kiếm.

Không môn 空 門: Cửa không, cửa chùa, hay của Phật.

Giáo lý nhà Phật cho rằng Pháp không, mọi pháp hữu vi đều là không, tức mọi sự vật đều không có thực thể tự tánh sinh khởi, do các nhân duyên giả hợp lại (giả danh) tạo thành.



Ngã không: Không có thực thể độc lập, riêng biệt, thường còn, nên không có ngã.

Sắc không: Sắc không khác với không, không không khác với sắc, sắc là không, không là sắc. Nhờ không mà vạn vật mới hiện hữu được và chính bởi vì cái sự kiện hiện hữu, vạn vật phải là không.

Chính vì chủ trương của Phật giáo là “Vạn pháp giai không 萬 法 皆 空” nên người ta thường gọi cửa chùa hay cửa nhà Phật là Không môn.



Như Lai 如 來: Chữ Như Lai phát xuất từ câu: “Bản giác vi như, kim giác vi lai 本 覺 為 如, 今 覺 為 來”, nghĩa là vốn biết là như, nay biết là lai.

Đây là danh hiệu Đức Phật, chỉ bậc giác ngộ viên mãn.

Theo Kinh Kim Cang, Như lai là bậc không từ đâu mà tới và cũng sẽ không đi tới đâu. Như Lai từ Chân như tới và sẽ đi về Chân như.

Câu 13: Chơn linh phải dò theo nẻo vào Cực Lạc để thẳng đường đi tới.

Câu 14: Tìm đến của Phật mà vào và chờ đợi bái kiến Đức Như Lai.
Hào quang chiếu diệu CAO ĐÀI,

May duyên nay đã gặp ngày siêu sanh.

Hào quang 毫 光: Ánh sáng rực rỡ tỏa ra từ các vật hay các Đấng Thiêng Liêng.

Chiếu diệu 照 耀: Chiếu sáng chói lọi, chiếu rực rỡ.

Cao Đài 高 臺: Chỉ Đức Chí Tôn.

May duyên: Có duyên may mắn.

Siêu sanh 超 生: Tạo cho Chơn linh vượt thoát khỏi phàm tục để lên sống vĩnh viễn nơi cõi Thiêng Liêng.

Câu 15 và 16: Ánh sáng hào quang của Đấng Cao Đài đã chiếu diệu khắp chốn, đó là cơ hội may mắn cho những Chơn linh có duyên phần đặng gặp được ngày siêu thăng lên sống vĩnh viễn nơi Thiêng Liêng Hằng Sống.
Trụ nguyên tánh hồn linh nhàn lạc,

Cõi Đào nguyên cỡi hạc thừa long.

Nguyên tánh 元 性: Hay tự tánh, Thiên tánh là cái tánh ban sơ Trời phú cho con người, cái tánh ấy vốn thiện lành.

Trụ nguyên tánh 住 元 性: Giữ chặt cái nguyên tánh, tức giữ vững tánh thiện lành của mình.

Hồn linh: Tức Linh hồn 靈 魂.

Nhàn lạc 閒 樂: Vui vẻ trong cảnh nhàn hạ.

Cõi Đào nguyên: Cùng nghĩa với Động đào, chỉ cõi Tiên. (Xem chú thích nơi bài Kinh Khi Về).

Hạc 鶴: Một loài chim có chân cao, cổ dài, da đỏ, lông trắng. Hạc là loại chim sống lâu, có thể sống ngoài ngàn năm. Theo Hàn thi ngoại truyện, thì loại hạc vàng có thể bay rất xa, mỗi lần cất cánh thì có thể bay hàng muôn dặm, vì thế những linh hạc được các vị Thần Tiên dùng để cỡi hay kéo xe vân du trong các cõi giới. Trong bài Kinh Niệm Hương có viết:

Xin Thần, Thánh ruổi dong cỡi hạc,

Xuống phàm trần vội gác xe tiên.



Thừa 乘: Cỡi, như thừa xa 乘 車 là cỡi xe, thừa long 乘 龍 là cỡi rồng.

Long 龍: Rồng, một loại thủy tộc có kích thước rất lớn, theo truyện thần thoại thì mình rồng dài trọn một dãy núi và khoanh tròn lấp cả một hố sâu. Khi ẩn thì dấu mình trong mây mù, khi hiện thì nổi sấm chớp trời rung đất chuyển. Rồng có đầu giống đầu đà, sừng giống sừng nai, cổ giống cổ rắn, bụng giống bụng giao long, mắt giống mắt thỏ, tai giống tai bò, chân giống chân cọp, móng giống móng chim ưng và vảy giống vảy cá ly. Rồng có thể sống dưới nước, ở đáy sông đáy biển (có cả một giang sơn riêng gọi là long cung) và cũng có thể bay khắp các tầng Trời, do đó thường được chư Tiên dùng làm vật để cỡi.

Cỡi hạc thừa long: Cỡi chim hạc và cỡi rồng.

Câu 17: Giữ được cái nguyên tánh của mình để Linh hồn sau này được hưởng sự vui vẻ và nhàn hạ.

Câu 18: Và được cỡi chim hạc, cỡi rồng để bay về cõi Thiêng Liêng.

Giáo lý Cao Đài cũng dạy cho con người phải biết tu theo phương pháp hướng nội, tức là phải nhìn vào trong hay nội quán. Nhìn vào trong có nghĩa là nhìn vào nội thân mình để tìm cái nguyên tánh, chơn như, đang bị che mờ bởi thất tình, lục dục, tham, sân, si, phiền não. Nếu bên ngoài người tu dứt trừ được vô minh, bên trong tìm thấy và trụ vững được nguyên tánh thì mới nhẹ nhàng giải thoát khỏi cảnh trần lao giả tạm này, hầu được trở về cõi Phật, Tiên để Chơn linh cỡi hạc thừa long mà tiêu diêu nhàn lạc.


Lánh xa trược chất bụi hồng,

Cung Tiên sớm tối vui vòng thung dung.

Trược chất: Hay trọc chất 濁 質, các chất uế trược, dơ chất bẩn sinh ra.

Bụi hồng: Bụi đỏ. Người ta cho rằng nơi cõi trần này đầy bụi bặm màu đỏ, nên gọi cõi này là hồng trần 紅 塵.

Cung Tiên: Hay Tiên cung 仙 宮, chỉ cõi Tiên, cõi Thiêng Liêng Hằng Sống.

Vui vòng: Vui vẻ trong vòng, vui trong cảnh.

Thung dung 從 容: Thảnh thơi, thong thả.

Câu 19: Chơn linh hãy lánh xa nơi cõi vật chất dơ bẩn và hồng trần uế trược này.

Câu 20: Mà nên sớm tối vui hưởng trong vòng thung dung tự tại nơi cõi Tiên cung.
Nơi cung Ngọc học thông Đạo cả,

Chốn Hư vô Tạo Hóa tìm cơ.

Cung ngọc: Hay Ngọc cung 玉 宮, chỉ nơi cõi Thiêng Liêng.

Học thông 學 通: Học cho thông suốt, học cho biết rõ.

Đạo cả: Do chữ Đại Đạo 大 道: Nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ của Đức Chí Tôn.

Chốn Hư vô: Tức cõi Hư vô hay cõi Hư linh.

Tạo Hóa 造 化: Đấng Tạo Hóa hay Đức Chí Tôn.

Tìm cơ: Tìm cơ mầu nhiệm hay tìm bí pháp của Đức Chí Tôn dạy để đắc Đạo.

Câu 21: Nơi Cung ngọc hãy học cho thông suốt nền Đại Đạo của Đức Chí Tôn.

Câu 22: Hầu tìm ra cơ mầu nhiệm của Tạo Hóa nơi cõi Hư linh.
Trên đường Thánh đức lần dò,

Trường sanh mầu nhiệm nơi lò Hóa công.

Thánh đức 聖 德: Cái đức của bậc Thánh.

Đường Thánh đức: Đường để đạt được bậc Thánh, tức con đường đạo đức.

Trường sanh 長 生: Sống lâu dài.

Mầu nhiệm: Huyền diệu, diệu mầu.

Lò Hóa công: Hay Lò Tạo hóa, do chữ trong bài phú của Giả Nghị có câu: “Thiên địa vi lô hề, Tạo hóa vi công 天 地 為 爐 兮, 造 化 為 工” (Trời đất làm cái lò, mà Đấng Tạo hóa làm thợ để đúc nặn ra muôn vật). Chỉ Đấng Tạo Hóa, hay Đức Chí Tôn.

Câu 23 và 24: Lần dò để đi theo đường Thánh đức thì sẽ được sống vĩnh hằng nơi cõi Thiêng Liêng mầu nhiệm của Đấng Tạo Hóa.
Khá từ bỏ xa dòng bể khổ,

Diệt trần tình Cam Lộ tẩy nhơ.

Xa dòng bể khổ: Lánh xa nơi bể khổ, tức lánh xa nơi cõi trần mà con người đang chìm sâu trong biển khổ.

Diệt trần tình 滅 塵 情: Diệt những tình cảm xấu xa của con người nơi cõi trần.

Theo Phật, trần gian là cõi uế trược, nên những thứ tình cảm của con người đối xử với nhau nơi cõi ấy cũng xấu xa ô trược. Người ta chia tình cảm của con người ra làm bảy thứ, gọi là thất tình. Đó là: Hỷ (nừng), nộ (giận), ái (yêu), ố (ghét), ai (buồn), lạc (vui) và dục (muốn).



Cam lộ 甘 露: Do từ Hán Việt Cam Lộ thủy 甘 露 水 Đây là một thứ nước thiêng liêng, huyền diệu của Đức Quan Thế Âm Bồ Tát luyện ra chứa trong Tịnh bình, dùng để tiêu trừ bệnh chướng, giải tỏa oan nghiệt, cải tử hoàn sanh...

Câu 25: Hãy nên từ bỏ và tránh xa nơi bể khổ.

Câu 26: Diệt những thứ tình cảm xấu xa và nhờ nước Cam lộ tẩy sạch vết nhơ.

Trong Kinh Tận độ của Cao Đài, nội dung thường hay nhắc nhở các Chơn linh người quá cố, khi thoát khỏi được thân phàm xác thịt này rồi thì phải siêu thoát lên một cõi giới cao hơn, nhẹ nhàng hơn, chứ đừng luyến tiếc cõi trần lao tục lụy đầy những khổ đau phiền não này.

Kinh Cầu Hồn Khi Hấp Hối viết:

Cảnh thăng trổi gót cho mau,

Xa vòng tục lự đặng chầu Chí Linh.

Kinh Khi Đã Chết Rồi viết:

Cửa Tây phương khá bay đến chốn,

Diệt trần tình vui hưởng tiêu diêu.

Kinh Tẫn Liệm viết:



Từ từ Cực Lạc an vui,

Lánh nơi trược khí hưởng mùi siêu thăng.

Kinh Hạ Huyệt viết:



Giải thi lánh chốn đọa đày,

Chơn linh trong sạch ra ngoài Càn khôn.

Hai câu Kinh Cầu Bà Con Thân Bằng Cố Hữu trên cũng nhằm nói lên nội dung này:



Khá từ bỏ xa dòng bể khổ,

Diệt trần tình Cam Lộ tẩy nhơ.


Ngân Kiều Bát Nhã qua bờ,

Đưa duyên để bước kịp giờ siêu thăng.

Ngân kiều 銀 橋: Cầu bắt qua sông Ngân.

Ngân Hà 銀 河 là một con sông nơi cõi Thiêng Liêng. Tương truyền, Ngưu Lang, Chức Nữ bị phạt, chia cách tình yêu giữa sông Ngân, mỗi năm chỉ gặp nhau có một lần vào đêm thất tịch, mùng 7 tháng 7 âm lịch, nên đêm này, nước mắt của họ chứa chan, tạo thành những cơn mưa ngâu, vì bởi khóc than một cách đau khổ cho cảnh biệt ly. Vì thế, Ngân Hà được coi như một dòng sông đau khổ.

Theo Đức Hộ Pháp, Ngân Hà là một nhánh của biển khổ, nên là một dòng sông chứa đầy khổ đau. Vì thế trên sông đó, có Đức Quan Âm Bồ Tát vâng mạng lệnh của Di Lặc Vương Phật chèo chiếc thuyền Bát Nhã đi độ sanh, tức là độ những người đầy đủ phước đức.

Trong Thánh Thi Hiệp Tuyển, sông Ngân Hà cũng được nhắc đến như:



Thuyền khơi đợi gió lướt dòng Ngân,

Dẫn khách Nam qua khỏi bến trần.



Bát Nhã 般 若: Do chữ Phạn là Prajna, Hán dịch là Trí huệ (Trí tuệ) 智 慧. Trí huệ là trí sáng suốt nhận biết được chân tướng của mọi sự vật, chứng ngộ được chân lý của vạn hữu, tức là trí đã sáng tỏ khi đã diệt trừ được mọi vô minh, phiền não, có nghĩa là giác ngộ hoàn toàn.

Siêu thăng 超 升: Siêu vượt bay lên cõi Thiêng Liêng Hằng Sống.

Câu 27: Trí huệ của người tu hành tạo nên con thuyền Bát Nhã để bước lên được cầu sông ngân, đến bên kia bờ giác ngộ.

Câu 28: Đưa người có duyên phần bước lên kịp giờ siêu thăng lên cõi Thiêng Liêng Hằng Sống.

CHƯƠNG THỨ MƯỜI BẢY
KINH TỤNG HUYNH ĐỆ MÃN PHẦN

I.-KINH VĂN:

KINH TỤNG HUYNH ĐỆ MÃN PHẦN


Niềm thủ túc đã đành vĩnh biệt,

Càng nhớ nhau càng tiếc tình nồng.

Thân nhau từ buổi lọt lòng,

Chén cơm miếng cá cũng đồng chia nhau.

Câu chọc ruột còn đau đớn bấy,

Huống âm dương hết thấy mặt nhau.

Rẽ phân cốt nhục đồng bào,

Cảnh Thiên cõi tục lẽ nào không thương.

Thương những thuở huyên đường ôm ấp,

Thương những khi co đắp chung mền.

Thương hồi thơ bé tuổi tên,

Thương cơn khôn lớn giữ bền nghĩa nhau.

Rủi Thiên số Nam Tào đã định,

Giải căn sinh xa lánh trần ai.

Khá tua theo bóng CAO ĐÀI,

Nương mây thoát tục ra ngoài Càn Khôn.

Khối tình ái hương hồn dầu nhớ,

Tránh oan gia giải nợ trầm luân.

Viếng thăm hôm sớm .......(1)

Trọn câu thần tỉnh ân cần cung Tiên.

Gởi Tổ Phụ .....(2) hiền cung phụng,

Gởi sắp em còn sống nơi đời.

Rót chung ly biệt lưng vơi,

Mảnh lòng tha thiết đưa người bạn xưa.

ĐOÀN THỊ ĐIỂM
II.-NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA:
Thánh hiền ngày xưa có quan niệm rằng tình nghĩa anh em như là tay chân, tình nghĩa vợ chồng như xiêm áo, trong ca dao Việt Nam có câu:

Anh em như thể chân tay,

Vợ chồng như áo cởi ngay tức thì.

Cổ ngữ cũng có nói: Cái ở thế gian rất khó được là anh em: “Thế gian tối nan đắc giả huynh đệ 世 間 最 難 得 者 兄 弟”. Câu này được trích từ câu chuyện trong sách Bắc Tề như sau: Ông Tô Quỳnh làm quan thái thú huyện Thanh Hà. Dân trong huyện có hai anh em ruột tên là Phổ Minh tranh giành ruộng đất, đã nhiều năm thưa kiện không ngã lẽ, mỗi bên viện cả trăm người để làm chứng. Vụ án được chuyển lên quan thái thú, ông Quỳnh đòi vào mà phủ dụ rằng: Cái khó được trong thiên hạ là anh em, cái dễ được là ruộng đất. Thảng như được ruộng đất mất anh em, bấy giờ trong lòng của hai người thế nào? Nói đến đó, quan thái thú bèn rơi lụy khóc. Anh em Phổ Minh cúi đầu xin về nhà nghĩ lại...Chia rẽ năm năm, rồi sau anh em hòa thuận trở lại.

Xem thế, tình anh em thực là nồng nàn thắm thiết, từ buổi lọt lòng đến lúc trưởng thành, biết bao nhiêu là niềm thương yêu khăng khít. Nếu chẳng may, anh hay chị mãn phần thì phận làm em lại há nỡ chẳng tiếc thương sao!

Đạo Cao Đài thể hiện cái tình anh em khi tử biệt bằng bài Kinh Tụng Huynh Đệ Mãn Phần.
Bài Kinh này được bà Đoàn Thị Điểm là một vị nữ Tiên trong Diêu Trì Cung giáng cơ ban cho toàn chúng sanh trong đạo Cao Đài, dùng để em tế lễ anh chị đã quá cố.

Theo thiển ý, tựa bài kinh “Huynh Đệ Mãn Phần” chỉ thể hiện được một phái nam mà thôi. Lại nữa, tựa “Huynh Đệ Mãn Phần” có thể làm cho một số người đạo ở địa phương hiểu lầm, họ cho rằng người anh (hoặc chị) cũng có thể tế cho em đã mãn phần bằng bài kinh này (vì tựa là huynh đệ mãn phần). Để tránh sự hiểu lầm và đầy đủ nghĩa hơn, chúng tôi kính mong Hội Thánh cho chỉnh lại tựa bài kinh là Kinh Tụng Huynh Tỷ Mãn Phần.


III.-CHÚ GIẢI:
Niềm thủ túc đã đành vĩnh biệt,

Càng nhớ nhau càng tiếc tình nồng.

Thủ túc 手 足: Tay và chơn, chỉ tình anh em ruột thịt.

Trang Tử nói: Anh em như tay chân, vợ chồng như áo quần. Áo quần rách lại may mới được, chân tay đứt thì khó bề nối lại đặng (Huynh đệ như thủ túc, phu thê như y phục; y phục phá thời cánh đắc tân, thủ túc đoạn thời nan tái tục 兄 弟 如 手 足, 夫 妻 如 衣 服; 衣 服 破 時 更 得 新, 手 足 斷 時 難 再 續).



Đã đành: Đã đành phải cam chịu.

Vĩnh biệt 永 別: Ly biệt vĩnh viễn, xa cách mãi mãi.

Tình nồng: Tình cảm nồng nàn.

Câu 1: Niềm thương cảm giữa anh em ruột thịt từ nay đành cam vĩnh biệt.

Câu 2: Bây giờ càng nhớ nhau càng luyến tiếc tình thương yêu nồng nàn.
Thân nhau từ buổi lọt lòng,

Chén cơm miếng cá cũng đồng chia nhau.

Từ buổi lọt lòng: Từ khi mới được mẹ sinh ra.

Chén cơm miếng cá cũng đồng chia nhau: Ý nói từng chén cơm, từng miếng cá cũng cùng chia sớt cho nhau.


tải về 1.6 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương