ĐẠI ĐẠo tam kỳ phổ ĐỘ TÒa-thánh tây-ninh chú giảI



tải về 1.6 Mb.
trang3/10
Chuyển đổi dữ liệu28.07.2016
Kích1.6 Mb.
#8421
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10

KINH KHI ĐI NGỦ

Các vật dục xảy qua một buổi,

Cả hành vi lầm lỗi khôn ngừa.

Sấp mình cúi lạy xin thưa, (lạy)

Ơn Trên Từ Phụ cho chừa tội khiên.

Trong giấc mộng nghỉ yên hồn phách,

Đấng Thiêng Liêng năng mách bảo dùm.

Bồng Lai Cực Lạc chỉ chừng,

Đẩy đưa xác tục dựa gần cõi linh.
II.-CHÚ GIẢI:
Các vật dục xảy qua một buổi,

Cả hành vi lầm lỗi khôn ngừa.

Vật dục 物 欲: Lòng ham muốn về vật chất. Lòng ham muốn này nằm trong năm thứ dục vọng, gọi ngũ dục:


  1. Tài 財: Tiền của và tài sản.

  2. Sắc 色: Sắc đẹp, thuộc về ái dục, tình dục.

  3. Danh 名: Danh vọng, địa vị.

  4. Thực 食: Ăn uống, ham thích cao lương mỹ vị.

  5. Thụy 睡: Ngủ nhiều, ham ngủ.

Ngoài ra, ngũ dục còn được hiểu là năm đối tượng ham muốn của con người ở thế gian này:

a.- Sắc 色: Sắc đẹp. Đối tượng tham dục của mắt, gọi là sắc dục.

b.- Thanh 聲: Âm thanh êm ái. Đối tượng tham dục của tai, gọi là thanh dục.

c.- Hương 香: Mùi hương thơm. Đối tượng tham dục của mũi, gọi là hương dục.

d.- Vị 味: Mùi vị thơm ngon. Đối tượng tham dục của lưỡi, gọi là vị dục.

e.- Xúc 觸: Đụng chạm của da thịt. Đối tượng tham dục của thân, gọi là xúc dục.

Ngũ dục hay vật dục là sợi dây trói buộc bản thân con người. Để dứt trừ được tâm tham nhiễm vật dục, người tu phải nhìn sâu vào thân, tâm, cảnh đều là bất tịnh, khổ, vô thường, vô ngã. Người chưa biết Đạo thì buông lung năm căn, chạy theo mê đắm ngũ dục, còn người biết Đạo rồi thì cố tìm cách xa lìa khỏi nó.

Hành vi 行 為: Việc làm của con người.

Lầm lỗi: Sai lầm tội lỗi.

Khôn ngừa: Không ngăn ngừa được.

Câu 1 và 2: Bao nhiêu điều ham muốn về vật chất đã xảy ra trong ngày, lôi kéo con không ngăn ngừa nổi những hành vi lầm lỗi.

Sanh làm con người, ai cũng như ai, khi trời vừa mới sáng thức dậy thì phải bôn chôn, chen lấn vào giữa chốn giựt giành hầu tìm phương kế mưu sinh. Vì mãn lo tính kiếm lời sợ lỗ mà con người không chừa một hành vi mua gian bán lận nào. Đến chiều tính sổ, tiền lời bảo bọc cho mọi người trong gia đình, còn lỗi lầm thì phải một mình gánh chịu.

Mãi lo cơm áo, mà không tự suy xét lỗi lầm của bản thân mình, nên trong Minh Tâm Bửu Giám, Từ Thần Ông có nhắc nhở: Khi nhàn nhã nên kiểm điểm lại những công việc lúc bình sinh đã làm, Lúc yên vắng hãy xét kỹ lại những việc đã làm trong ngày. Một lòng nắm giữ cho tâm ngay chính, thì tự nhiên Trời đất sẽ soi xét đến cho. (Nhàn trung kiểm điểm bình sanh sự, tĩnh lý tư lương nhựt sở vi. Thường bả nhứt tâm hành chánh đạo, tự nhiên thiên địa bất tương khuy 閒 中 檢 點 平 生 事, 靜 裏 思 量 日 所 為, 常 把 一 心 行 正 道, 自 然 天 地 不 相 虧).

Chúng ta thấy rằng lúc rảnh rang, yên tĩnh không lúc nào bằng ban đêm, lại nữa ban đêm thanh vắng là giờ thích hợp cho Lương tâm của con người tỉnh thức. Do vậy hai câu Kinh trên dạy trước khi ngủ phải xét: Trải qua một ngày vất vã, những ham muốn xúi giục con người, không ngăn ngừa nổi những hành vi lầm lỗi thì đêm về phải biết ăn năn chừa lỗi, Thánh giáo Thầy có dạy: “Lương tâm của các con là một khiếu thiêng liêng của Thầy ban để sửa trị riêng các con trong đường tội lỗi và ban thưởng trong việc nhơn đức. Làm một việc phải tức là do nơi ý Trời, phạm một nét vạy tà là cãi nơi Thiên luật”.

Ngoài ra, trong bài “Khen Ngợi Kinh Sám Hối” cũng có nhắc nhở và dạy như sau:

Ngày ngày tập sửa tánh thành,

Đêm đêm tự tỉnh tu hành ăn năn.

Hằng ngày, con người dù phải mưu sinh, song tánh tình phải giữ cho thành thật, và mỗi đêm phải tự tỉnh 自 省, tức là tự xét lại mình xem thế nào, nếu có lầm lỗi thì sám hối ăn năn:



Người ở thế mấy ai khỏi lỗi,

Biết lạc lầm sám hối tội căn.

Kinh là lời của các Đấng Thiêng Liêng đã dạy rành cho nhiều người tụng đọc, do theo đó mà hành. Thế mà người tụng kinh thì nhiều, hành theo nghĩa đã dạy của Kinh thì chẳng có là bao nhiêu!
Sấp mình cúi lạy xin thưa,

Ơn Trên Từ Phụ cho chừa tội khiên.

Sấp mình cúi lạy: Cúi sát thân mình để lạy.

Ơn Trên Từ Phụ: Xin Đại Từ Phụ ban ơn cho.

Tội khiên 罪 愆: Sai lầm và tội lỗi.

Câu 3 và 4: Con xin kính lạy và kính trình Đức Đại Từ Phụ, xin ban ơn cho con để con chừa bỏ được những điều tội lỗi.
Trong giấc mộng nghỉ yên hồn phách,

Đấng Thiêng Liêng năng mách bảo dùm.

Giấc mộng: Giấc mơ, giấc chiêm bao.

Hồn 魂: Linh hồn hay Chơn linh là một điểm Linh quang được chiết ra từ khối Đại Linh quang của Thượng Đế ban cho chúng sanh. Thể này thiêng liêng linh diệu trong con người, nó vốn vô vi, bất tiêu bất diệt, nên khi xác hoại diệt, Linh hồn nhẹ nhàng sẽ trở về cõi vô vi.

Phách 魄: Hay vía, còn gọi Chơn thần, là một Đệ nhị xác thân. Theo Thánh giáo, đây là một xác thân thiêng liêng do Phật Mẫu dùng nguơn khí tạo thành. Thể này thuộc khí chất, bán hữu hình, vì nó có thể thấy đặng, mà cũng không có thể thấy đặng. Khi ra khỏi xác phàm, thì Chơn thần lấy hình xác phàm như khuôn in rập.

Khi còn sống, Chơn thần không thể xuất ra đặng vì bị xác phàm níu kéo, chỉ bậc chân tu mới có thể xuất Chơn thần đặng.



Năng 能: Thường thường, có thể.

Mách bảo: Chỉ bảo, dạy bảo.

Câu 5: Xin giúp cho hồn phách con được an ổn trong giấc ngủ.

Câu 6: Cầu xin các Đấng Thiêng Liêng chỉ bảo và nhắc nhở con trong giấc mộng.
Bồng Lai Cực Lạc chỉ chừng,

Đẩy đưa xác tục dựa gần cõi linh.

Bồng Lai 蓬 萊: Núi Bồng Lai hay Bồng Sơn.

Tương truyền ở biển Bột Hải 勃 海 có nước rất yếu ớt, không đỡ nổi một hạt cải, nên còn gọi là Nhược Thủy 弱 水. Biển này có ba hòn đảo: Bồng đảo 蓬 島, Doanh đảo 瀛 島 (Doanh châu), Phương đảo 芳 島 (Phương châu).

Trên Bồng đảo có một ngọn núi gọi là núi Bồng lai hay Bồng sơn. Núi này là nơi tu luyện của Bát Tiên.

Cực Lạc 極 樂: Chỉ cõi Cực Cực Lạc Thế Giới, hay Tây Phương Cực Lạc, là một cõi tịnh độ ở phương tây do Đức Phật A Di Đà giáo hóa. Cõi này là nơi hoàn toàn trong sạch, đẹp đẽ, an vui và hạnh phúc nên được gọi là Cực Lạc.

Trong A Di Đà Kinh, Phật có thuyết: “Bỉ độ hà cố danh vi Cực Lạc? Kỳ quốc chúng sanh vô hữu chúng khổ, đản thọ chư lạc, cố danh Cực Lạc”. Nghĩa là: Cõi ấy vì sao tên là Cực Lạc? Chúng sanh trong cõi ấy không có các sự khổ, chỉ hưởng các sự vui, nên gọi là Cực Lạc.

Theo kinh, trong cõi Cực Lạc, hết thảy các thứ thọ dụng và thân tướng mỗi mỗi đều thù thắng, trang nghiêm, chẳng hề có sự khổ não, luôn luôn có vô lượng điều vui, nên Kinh viết: “Đản thọ chư lạc” (Chỉ hưởng những điều vui sướng).

Xác tục: Thân xác phàm tục, còn gọi phàm thân hay nhục thể, là Đệ nhứt xác thân do cha mẹ đào tạo bằng xương thịt. Thể này hữu hình, trọng trược, không thường tồn, dễ bị hoại.

Cõi linh: Cõi Thiêng Liêng Hằng Sống.

Câu 7: Cầu xin Ơn Trên chỉ bảo cho con biết cõi Bồng Lai và cõi Cực Lạc.

Câu 8: Để xác thân phàm tục của con đủ sáng suốt mà tìm về với cõi Thiêng Liêng.



CHƯƠNG THỨ BẢY


KINH KHI THỨC DẬY

I.-KINH VĂN:
KINH KHI THỨC DẬY
Vừa mở mắt giựt mình thức dậy,

Con mang ơn cúi lạy Từ Bi (lạy).

Tử sanh, sanh tử là chi?

Gẫm trong giấc mộng cũng bì như nhau.

Đây tới sáng xôn xao với thế,

Nhẫng đua chen kiếm kế sinh nhai.

Có thân giữa chốn đọa đày,

Đếm ba vạn sáu ngàn ngày khó khăn.

Xin Từ Phụ ra ơn cứu độ,

Tăng huyền linh giác ngộ chí thành.

Rõ phước đức, biết tội tình,

Nắm tâm đắp vững mặt thành Càn Khôn.

Trên nhờ có Chí Tôn che chở,

Thần, Thánh, Tiên, Phật hộ thân hèn,

Đường tu nối bước cho quen,

Xa trần tăm tối cận đèn Thiêng Liêng.


II.-CHÚ GIẢI:
Vừa mở mắt giựt mình thức dậy,

Con mang ơn cúi lạy Từ Bi.

Từ Bi 慈 悲: Từ bi là lòng thương yêu tất cả chúng sanh không vụ lợi, không phân biệt thân hay lạ, không kể sang hèn, lòng thương yêu chân thật phát xuất từ chân tâm mà ra.

Từ bi là hạnh của chư Phật, lòng Đại từ bi là hạnh đặc trưng của Đức Thượng Đế.

Từ Bi theo nghĩa câu Kinh là chỉ Đức Chí Tôn.

Câu 1: Vừa giựt mình tỉnh dậy, sau một giấc ngủ an lành.

Câu 2: Con xin tạ ơn và cúi lạy Đấng Từ Bi.
Tử sanh, sanh tử là chi?

Gẫm trong giấc mộng cũng bì như nhau.

Tử sanh 死 生: Chết và sống.

Mọi chúng sanh, mọi sự hiện hữu trên cõi đời hữu hình này đều phải có sống chết, sinh diệt theo nguyên lý duyên sinh duyên diệt. Cho nên việc sống chết theo quan niệm của Đạo là quá trình chuyển hóa miên viễn, có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc.

Sống chết đối với Tôn giáo là vấn đề chính yếu: “Sinh tử sự đại, vô thường tấn tốc 生 死 事 大, 無 常 進 速” (Sự sinh tử là việc lớn, vô thường đến rất mau chóng). Đức Hộ Pháp cũng có nói: “Ôi! Kiếp sanh tại thế mang xác thịt, hỏi sống được mấy lát? Nội một giấc thức, giấc ngủ là thấy sự chết sống của kiếp con người, mang thi hài bóng dáng nầy là giả. Cảnh thiệt không phải ở đây, mà cảnh thiệt ở nơi chỗ khác kia, sao không tìm cảnh thiệt là cảnh tồn tại, lại chạy theo bóng?” Vì thế, tất cả các Đạo giáo đều dạy thoát ly sanh tử.

Sanh tức là sống, là con đường người khách trần mượn để đi lên, hay nói cách khác con người phải có kiếp sống ở thế gian này, nghĩa là phải đầu thai xuống thế giới hữu hình, có xác thân để được tu hành cho Chơn linh thăng tiến.

Tử là chết. Thế thường, người đời quan niệm chết là hết. Nhưng đối với nhân sinh quan Đạo Cao Đài hay Phật giáo, chết chỉ là một giai đoạn hoại diệt của thân xác hữu hình hay sự đoạn lìa nghiệp trái ở cõi thế, để có một sự sống miên viễn, bất tận nơi thế giới vô vi, thanh tịnh.

Gẫm: Suy gẫm, ngẫm nghĩ.

Cũng bì: Cũng như nhau.

Câu 3: Một kiếp người, sự sống và sự chết là chi? Một quảng đời có nghĩa gì?

Câu 4: Gẫm lại thì kiếp người cũng giống như một giấc mộng mà thôi.
Đây tới sáng xôn xao với thế,

Nhẫng đua chen kiếm kế sinh nhai.

Xôn xao: Rộn rịp.

Với thế: Với cõi đời.

Nhẫng đua chen: Mãi đua nhau chen lấn.

Sanh nhai 生 涯: Sự nghiệp để sinh sống.

Kiếm kế sanh nhai: Tìm kiếm cách để sinh sống, tìm cách mưu sinh.

Câu 5: Bắt đầu sáng, con phải lo làm ăn, rộn rịp với đời.

Câu 6: Luôn luôn đua chen để tìm cách sinh sống.
Có thân giữa chốn đọa đày,

Đếm ba vạn sáu ngàn ngày khó khăn.

Chốn đọa đày: Còn gọi là đọa cảnh 墮 境: Nơi bị đọa. Ở đây chỉ cõi trần gian của con người, vì nơi này là cõi thấp kém, tối tăm, chứa nhiều tội lỗi, ô trược và khổ não...Cõi đọa đày là nơi để trừng phạt các bậc Thánh, Tiên có lầm lỗi bị đọa xuống để lập công chuộc tội.

Thánh giáo Đức Chí Tôn có dạy: “Trần là cõi khổ để đọa bậc Thánh, Tiên có lầm lỗi. Ấy là cảnh sầu để trả xong quả, hoặc về ngôi cũ, hoặc trả không xong quả phải mất cả Chơn linh là luân hồi”.



Ba vạn sáu ngàn ngày: Ba mươi sáu ngàn ngày (36.000 ngày), tức là một trăm năm. Theo Kinh Lễ, một đời người thường sống thọ lắm cũng chỉ lấy trăm tuổi làm kỳ hạn: Nhân thọ dĩ bách niên vi kỳ 人 壽 以 百 年 之 期.

Vì Đạo giáo quan niệm rằng cõi thế gian là chốn đọa đày thì ba vạn sáu ngàn ngày quả là rất lâu đối với con người.

Thói thường, người đời luôn quan niệm rằng ai đặng sống lâu nơi cõi thế gian là được phước, nhưng theo tôn giáo, người sống thọ là người chưa trả hết nghiệp quả ở cõi đời, mà cõi đời là cõi đọa đày, nên kéo dài cuộc sống trong cảnh lão và bệnh thì thực là nghiệp nặng nề khổ sở.

Câu 7: Mang cái xác thân để sống giữa cõi trần đày đọa này.

Câu 8: Sống cho trọn kiếp nguời là trăm năm thực là khó khăn.
Xin Từ Phụ ra ơn cứu độ,

Tăng huyền linh giác ngộ chí thành.

Từ Phụ 慈 父: Hay Đại Từ Phụ, chỉ Đức Chí Tôn.

Tăng 曾: Thêm, tăng thêm.

Huyền linh 玄 靈: Huyền diệu linh thiêng.

Giác ngộ 覺 悟: Tỉnh thức mà hiểu được chân lý.

Giác ngộ còn gọi là chứng ngộ, tức hiểu biết thấu triệt mọi sự vật như thật, thấy biết mọi chân lý Vũ trụ và nhân sinh. Thấy rõ nguyên nhân và nguồn gốc của khổ đau, sanh tử, và biết chọn lựa con đường để giải thoát sanh tử.

Giác ngộ không phải là cái hiểu biết bằng lý luận hoặc phân tích, mà Giác ngộ cốt ở cái thấy biết như thực các sự vật, không vướng ngờ vực, không kẹt kiến thức hoặc kiến chấp.

Chí thành 至 誠: Rất thành thật.

Người có lòng chí thành là người có thái độ rất nghiêm cẩn, thành thật, không dối mình dối người. Điều gì mình không biết thì nhận rằng không biết: Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri dã 知 之 為 知 之, 不 知 為 不 知, 是 知 也.

Người chí thành luôn luôn phải sửa mình, không bỏ một giờ phút nào, lúc nào cũng lo sợ có điều dở mà không sửa đổi, làm việc công khai, không lén lút, không mờ ám.

Khổng Tử là người rất chí thành, lúc nào Ngài cũng giữ lễ: Vật không phải lễ thì không nhìn, việc phi lễ thì không nghe, Điều không phải lễ là không nói, việc không phải thì không làm (Phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động 非 禮 勿 視, 非 禮 勿 聽, 非 禮 勿 言, 非 禮 勿 動).

Mạnh Tử xiển dương đức chí thành, Ông bảo: Thành thật là cái Đạo của Trời, luyện tập để nên thành thật là cái Đạo của người. Hễ chí thành mà không cảm động được thiên hạ thì chưa hề có, không thành thật thì không cảm được ai cả (Thành giả, Thiên chi Đạo dã, tư thành giả, nhân chi Đạo dã. Chí thành chi bất động giả, vị chi hữu dã, bất thành vị hữu năng động giả dã 誠 者, 天 之 道 也, 思 誠 者, 人 之 道 也, 至 誠 而 不 動 者, 未 之 有 也, 不 誠 未 有 能 動 者 也).

Câu 9 và 10: Kính xin Đức Đại Từ Phụ ban ơn cứu giúp cho con, xin Ngài dùng huyền diệu thiêng liêng mở mang trí huệ cho được giác ngộ và chí thành.
Rõ phước đức, biết tội tình,

Nắm tâm đắp vững mặt thành Càn Khôn.

Phước đức 福 德: Những hành động về thân, khẩu, ý đem lại an lạc, hạnh phúc cho mình cho người ở hiện tại và tương lai. Người biết làm phước là người có tâm hướng thiện, nên thường làm những điều thiện để giúp đỡ người khác. Làm phước, làm lành thì được phước báo (phước quả) hay thiện báo (thiện quả).

Phước đức có hai thứ:

- Phước hữu lậu: Phước quả này được an vui tương đối vì còn trong sinh tử luân hồi.

- Phước vô lậu: Quả này được an vui tuyệt đối, thoát ly sanh tử.



Tội tình 罪 情: Tội lỗi, những việc làm dữ, ác, xấu, không hợp đạo lý, có hại cho mình, cho người khác ở hiện tại hay tương lai.

Con người ở thế gian vì vô minh che mờ đi chân tánh và bị thất tình lục dục sai khiến, nên tạo những hành vi hung ác mà gây ra nhiều tội lỗi.



Nắm tâm: Gìn giữ tâm, tức trụ tâm lại.

Theo Nho giáo, tâm là thần minh, là phần chủ tể của con người. Vì phóng túng theo vật dục, tâm thường bị mê mờ. Do vậy, người quân tử phải tồn tâm, tức là giữ cho còn cái bản tâm hư linh của mình, và nuôi nó cho càng ngày càng sáng suốt.

Phật giáo cho rằng “Tâm viên ý mã 心 猿 意 馬”, ấy là tâm ý buông lung, chạy nhảy như vượn và ngựa. Do đó, hành giả cần phải điều phục tâm ý cho được định tỉnh, tập trung không cho tán loạn.

Càn khôn 乾 坤: Quẻ Càn và quẻ Khôn trong bát quái, tượng trưng cho hai quẻ Âm Dương, hay Trời đất. Theo Dịch học, nguyên lý của Âm Dương tức là Đạo vậy.

Câu 11: Biết rõ điều phước đức, biết rõ việc tội tình.

Câu 12: Con nguyện gìn giữ tâm để bồi đắp vững chắc Nền Đạo cho dài lâu.
Trên nhờ có Chí Tôn che chở,

Thần, Thánh, Tiên, Phật hộ thân hèn,

Che chở: Do Hán tự là phú tái 賦 載: Che và chở, tức là Trời che đất chở (Thiên phú địa tái 天 賦 地 載), chỉ ơn bảo dưỡng, ơn hộ trì của Trời đất.

Hộ 護: Giúp đỡ che chở.

Câu 13 và 14: Trên nhờ có Đức Chí Tôn che chở cho con. Và các Đấng Phật, Tiên, Thánh, Thần hộ trì cho tấm thân hèn mọn của con.
Đường tu nối bước cho quen,

Xa trần tăm tối cận đèn Thiêng Liêng.

Đường tu: Con đường tu hành.

Nối bước: Tiếp nối theo bước chân đi, tiếp bước.

Xa trần tăm tối: Xa cõi phàm trần là nơi tăm tối.

Cận đèn Thiêng Liêng: Gần được ánh sáng của ngọn đèn Thiêng Liêng. Ý nói Xa được trần gian là cảnh tăm tối để tìm về cõi sáng sủa nơi Thiêng Liêng.

Câu 15: Xin các Đấng giúp con được tiếp nối trên bước đường tu hành.

Câu 16: Hầu xa lánh được cõi trần ai đầy tăm tối này và gần gũi nơi các Đấng Thiêng Liêng.



CHƯƠNG THỨ TÁM


KINH VÀO HỌC

I.-KINH VĂN:

KINH VÀO HỌC (1)
Đại Từ Phụ xin thương khai khiếu,

Giúp trẻ thơ học hiểu văn từ.

Gần điều nên, lánh lẽ hư,

Nương gươm thần huệ đặng trừ nghiệt căn.

Dò đường Thánh khó khăn chẳng nại,

Tùng khuôn Hồng nhỏ dại lớn khôn.

Buộc yêu thương bạn đồng môn,

Nghĩa nhân vẹn giữ xác hồn trăm năm.

Nguyện tam cang gìn tâm trọn đạo,

Nguyện ngũ thường hiếu thảo làm khuôn.

Nguyện nên hương hỏa tông đường,

Nguyện thương lê thứ trong trường công danh.

Cầu khẩn Đấng Chơn linh nhập thể,

Đủ thông minh học lễ học văn.

May duyên gặp hội Long Vân,

Thuyền thơ ngọn gió Các Đằng xuôi đưa.


II.-CHÚ GIẢI:
Đại Từ Phụ xin thương khai khiếu,

Giúp trẻ thơ học hiểu văn từ.

Khiếu: Cái khả năng thông minh của con người còn tìm ẩn, cái năng khiếu hiểu biết đặc biệt của con người về văn chương, âm nhạc, hội họa, khoa học ..v.v.

Khai khiếu: Khai mở năng khiếu.

Con người ai cũng có những năng khiếu đặc biệt thiên phú còn tiềm ẩn, chưa có điều kiện bộc phát ra. Khi được mở khiếu hay gặp cơ duyên, những khả năng tài giỏi mới được bộc lộ ra ngoài.



Văn từ 文 詞: Văn chương và lời nói. Nghĩa rộng là văn chương chữ nghĩa.

Câu 1 và 2: Kính xin Đức Đại Từ Phụ thương yêu con, khai khiếu thông minh cho con, giúp cho con sáng suốt, học hành mau thông hiểu văn chương nghĩa lý.
Gần điều nên, lánh lẽ hư,

Nương gươm thần huệ đặng trừ nghiệt căn.

Điều nên: Những điều phải, hợp với đạo lý.

Lẽ hư: Lẽ hư xấu, là những điều trái với lẽ phải, lẽ đạo đức.

Nương: Dựa vào, tựa vào.

Thần huệ 神 慧: Trí huệ thần diệu.

Gươm thần huệ: Cây gươm (hay cây kiếm) trí huệ thần diệu.

Trí huệ được ví như một cây gươm hay kiếm sắc bén, có thể chiến thắng được thất tình lục dục và có thể chặt đứt mọi phiền não oan nghiệt.



Nghiệt căn 孽 根: Nghiệt là mầm ác, căn là gốc rễ do hành vi thiện ác trong kiếp sống trước.

Nghiệt căn là những việc làm ác độc trong kiếp sống trước, tạo thành gốc rễ để báo ứng những ác quả trong kiếp sống hiện tại mà con người phải gánh chịu.



Câu 3: Nhờ thông minh đó, con mới hiểu được những điều nên mà con học tập theo, những việc xấu xa để con xa lánh.

Câu 4: Đem cái trí huệ tìm về cõi lành và sử dụng trí huệ như cây gươm thần diệu diệt trừ oan nghiệt đã lưu truyền trong kiếp trước.

Theo Nho giáo, con người sinh ra tính vốn lành, vì tập nhiễm xã hội nên tính của con người trở nên bất thiện. Do vậy người xưa dạy phải xa lánh những điều xấu xa, gần gũi những việc tốt, bởi họ cho rằng: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”.

Ở đây, bài Kinh Nhập Học cũng khuyên học trò “gần điều nên”, tức là thân cận với người lành, việc lành, đặng học hỏi những sở hành hay tánh tình của người thiện; “lánh lẽ hư” tức là tránh xa các thói xấu, trừ bỏ những việc hư tệ. Ông Thái Công dạy rằng: Gần son thì đỏ, gần mực thì đen, gần người hiền thì sáng, gần người tài thì trí, gần kẻ ngây thì dại, gần người lành thì có đức, gần người trí thì thông minh, gần kẻ ngu thì ám muội, gần kẻ nịnh thì bợ đỡ, gần kẻ trộm thì sinh giặc (Cận chu giả xích, cận mặc giả hắc, cận hiền giả minh, cận tài giả trí, cận si giả ngu, cận lương giả đức, cận nịnh giả siểm, cận thâu giả tặc 近 朱 者 赤, 近 墨 者 黑, 近 賢 者 明, 近 才 者 智, 近 癡 者 愚, 近 良 者 德, 近 佞 者 諂, 近 偷 者 賊).

Thánh nhân xưa cũng thường nói: Ở gần với người tốt, như đi giữa đám mù sương, tuy chẳng ướt át mà dầm thấm mát mẻ. Còn ở chung với người không biết lẽ phải, thì cũng như ngồi giữa hàng cá ươn, dầu chẳng dơ áo, mà nghe mùi hôi thúi (Dữ hảo nhân xử như vụ lộ trung hành, tuy bất thấp y, thời thời tư nhuận; dữ vô thức giả xử như bào ngư tứ trung tọa, tuy bất ô y, thời thời văn xú 與 好 人 處 如 霧 露 中 行, 雖 不 濕 衣, 時 時 滋 潤, 與 無 識 者 處 如 鮑 魚 肆 中 坐, 雖 不 污 衣, 時 時 聞 臭).

Trên đời chỉ có hai đường để đi: Lành dữ, tốt xấu để cho con người tùy ý chọn lựa, song muốn con người có tư cách, phẩm hạnh tốt thì phải thi hành theo lẽ phải, lẽ đạo đức.

Ngoài ra, con người cần phải mượn cái trí huệ của mình, làm vũ khí để chiến thắng thất tình lục dục thì mới có thể trừ khử được căn nghiệt, là mối của luân hồi sinh tử.


Dò đường Thánh khó khăn chẳng nại,

Tùng khuôn Hồng nhỏ dại lớn khôn.

: Tìm, dò tìm.

Đường Thánh: Con đường của các bậc Thánh, Hiền đã chỉ dẫn, dạy bảo, ví như đường đạo lý, đường học vấn.

Đây chỉ con đường Nho học của Đức Khổng Tử. Còn được gọi là rừng Nho, biển Thánh để chỉ nền Nho học mênh mông, bát ngát:



Rừng Nho, biển Thánh khôn dò,

Nhỏ mà không học lớn mò sao ra.



Chẳng nại: Không nề hà.

Tùng 從: Tuân theo, tùng theo.

Khuôn hồng: Một dụng cụ to để đúc ra các thứ đồ vật, khuôn thiêng liêng, được ví như Đấng Tạo Hóa đã sản xuất ra vạn vật. Đây chỉ Đức Thượng Đế hay Chí Tôn.

Nhỏ dại lớn khôn: Lúc nhỏ thì khờ dại, khi lớn sẽ khôn ngoan hơn.

Câu 5: Trên bước đường học vấn, dù có khó khăn, gian lao, con cũng chẳng hề nại.

Câu 6: Tuân theo khuôn luật thiêng liêng, từ nhỏ khờ dại, càng lớn con càng khôn ngoan hơn.
Buộc yêu thương bạn đồng môn,

Nghĩa nhân vẹn giữ xác hồn trăm năm.

Buộc yêu thương: Bắt buộc phải thương yêu nhau.

Đồng môn 同 門: Cùng chung một cửa trường. Đây chỉ bạn bè cùng học một trường, học một Thầy.

Nghĩa nhân 義 仁: Hai điều quan trọng trong Nho giáo, cũng là tôn chỉ của Đạo Cao Đài.

Hai chữ Nhơn nghĩa đại ý:

Nhơn là lòng thương người, là từ bi, bác ái.

Nghĩa là công bình chánh trực.

Trước mặt tiền của ngôi Tòa Thánh có đề hai chữ Nhơn Nghĩa, nhằm cho biết đạo lý của con người từ căn bản nhơn nghĩa mà phát huy ra làm cho nhân sinh được thuận hòa, an lạc, xã hội thanh bình, hạnh phúc.

Vẹn giữ: Giữ cho tròn vẹn.

Xác hồn trăm năm: Hồn và xác được trăm năm, ý chỉ một đời người, vì một đời người được coi như sống trăm tuổi.

Câu 7: Với bạn bè cùng học một trường, con buộc phải thương yêu nhau, kính mến nhau.

Câu 8: Trọn một kiếp người, con nguyện phải đối xử nhau cho vẹn nhơn nghĩa.
Nguyện tam cang gìn tâm trọn đạo,

Nguyện ngũ thường hiếu thảo làm khuôn.

Tam cang 三 綱: Cang hay cương là giềng lưới, giềng mối. Tam cang là ba giềng mối trong đạo làm người: Quân thần cang 君 臣 綱 (Đạo vua tôi), Phụ tử cang 父 子 綱 (Đạo cha con), Phu thê cang 夫 妻 綱 (Đạo chồng vợ).

Gìn tâm: Gìn giữ tâm, nghĩa như nắm tâm (Xem chú thích nơi câu 12 bài Kinh Khi Thức Dậy).

Trọn đạo: Vẹn toàn Đạo lý, tức vẹn cách cư xử với đời, hợp lẽ phải và hợp đạo đức.

Ngũ thường 五 常: Thường là hằng có. Ngũ thường là năm đạo thường gồm có: Nhân 仁, Nghĩa 義, Lễ 禮, Trí 智, Tín 信.

Hiếu thảo: Hết lòng phụng dưỡng và yêu kính cha mẹ, ăn ở với cha mẹ hết mực tôn kính và nuôi dưỡng đủ đầy.

Làm khuôn: Làm thành khuôn phép.

Câu 9: Con nguyện giữ Đạo tâm cho trọn vẹn, lấy Tam cang để cư xử với đời.

Câu 10: Nguyện lấy Ngũ thường làm khuôn vàng thước ngọc xử thế và nguyện một mực hiếu thảo với mẹ cha.
Nguyện nên hương hỏa tông đường,

Nguyện thương lê thứ trong trường công danh.

Hương hỏa 香 火: Đốt đèn nhang thờ Thần, Phật hoặc thờ Ông bà tổ tiên. Hương hỏa còn có nghĩa là phần gia tài dành riêng để cúng tổ tiên. Ở câu Kinh này, hương hỏa chỉ đèn nhang cho bàn thờ Ông bà.

Tông đường 宗 堂: Nhà thờ tổ tiên, nhà thờ của dòng họ.

Ngày xưa trong mỗi dòng họ đều có lập một nhà thờ riêng để thờ vị thủy tổ và các vị tổ tiên, tất cả con cháu của dòng họ đó, dù đi làm ăn xa bất cứ nơi đâu, cũng có lệ hằng năm vào ngày kỵ (có nơi gọi nhựt lề) đều phải qui tụ về cúng lạy tổ tiên, nếu người nào vi phạm thì áp dụng tông luật, luật của dòng họ họp nhau đặt ra, xử phạt để răn dạy con cháu sau này.



Lê thứ 黎 庶: Lê là đen, thứ là nhiều, đông. Lê thứ chỉ dân đen, dân chúng. Đồng nghĩa với lê dân.

Công danh 功 名: Có công nghiệp và có danh tiếng trong xã hội. Nghĩa rộng là quan trường, tức làm quan để có tiếng trong xã hội.

Trường công danh: Chỉ con đường làm quan.

Câu 11: Con cũng nguyện tỏ tấc lòng thành kính mà lo hương hỏa để phụng tự tổ tiên ông bà.

Câu 12: Nếu thành đạt về bước đường công danh, con nguyện sẽ lo lắng giúp ích và thương yêu đồng bào máu thịt.
Cầu khẩn Đấng Chơn Linh nhập thể,

Đủ thông minh học lễ học văn.

Cầu khẩn 求 懇: Cầu xin một cách khẩn thiết, tha thiết cầu xin.

Đấng Chơn Linh: Chơn linh 真 靈: Linh hồn của con người, là một điểm Linh quang do khối Đại Linh quang của Đức Chí Tôn chiết ra. Đấng Chơn Linh ở đây tức là Đấng Đại Chơn linh, chỉ Đức Chí Tôn.

Nhập thể 入 體: Nhập vào thể hài của con người, nghĩa là thể hài tiếp nhận ân điễn Thiêng liêng.

Đấng Chơn Linh nhập thể: Cầu xin Đấng Chơn Linh ban cho thể hài con tiếp được điễn huyền diệu thiêng liêng, hay nói cách khác, là tiếp được ân điễn của Đấng Chơn Linh.

Thông minh 聰 明: Thiên tư sáng suốt.

Học lễ học văn 學 禮 學 文: Học lễ nghi, tức học những phép tắc về luân lý đạo đức; học văn là học văn chương chữ nghĩa và khoa học. Tại trường học xưa và nay, thường đề câu thành ngữ như: “Tiên học lễ, hậu học văn 先 學 禮, 後 學 文”, tức là trước học lễ nghĩa, sau học văn từ.

Các Thánh hiền xưa trọng lễ giáo nên mục đích của văn chương đối với các Nho gia là “Văn dĩ tải Đạo 文 以 載 道”: Lấy văn chở Đạo, tức là lấy văn chương chữ nghĩa để dạy và truyền bá về luân lý đạo đức. Vì thế tất cả các sách của Thánh hiền xưa ra đời không ngoài việc giáo hóa con người về lễ và văn: Lễ để trau dồi phẩm hạnh con người, văn để khai hóa kiến thức con người.



Câu 13 và 14: Con cầu khẩn Đấng Chơn Linh ban bố cho thể hài con tiếp được điễn Thiêng Liêng huyền diệu hầu con đủ thông minh để học lễ học văn.
May duyên gặp hội Long Vân,

Thuyền thơ ngọn gió Các Đằng xuôi đưa.

May duyên: Có duyên may mắn.

Long vân 龍 雲 hay Hội long vân 龍 雲 會: Hội rồng mây. Đây là một thành ngữ xuất xứ ở Kinh Dịch: “Vân tùng long, phong tùng hổ 雲 從 龍, 風 從 虎”: Mây theo rồng, gió theo cọp. Ý chỉ thời may vận đỏ để tôi hiền gặp chúa Thánh như rồng gặp được mây.

Thuyền thơ: Hán viết thơ (hay thư) thuyền 書 船: Thuyền chở đầy kinh sách. Ý chỉ thuyền chở người văn tài uyên bác.

Các Đằng: Viết tắt của từ Đằng Vương Các 滕 王 閣: Một cái gác được xây tại Hàng Châu, một nơi danh lam thắng cảnh ở Trung Hoa. Gác này do Đằng Vương Lý Nguyên Anh đã xây dựng, lấy hàm tước vua phong để đặt tên gác: Đằng Vương Các.

Câu Kinh “Thuyền thơ ngọn gió Các Đằng xuôi đưa” do sự tích sau đây:

Vương Bột 王 勃, tự là Tử An 子 安 mới 6 tuổi đã biết làm văn, lớn lên thi đậu cao, nhưng tính khí kiêu căng.

Tương truyền, có một vị đô đốc tên là Diêm Bá Tự ở Hồng Châu đặt tiệc tại Đằng Vương Các, muốn khoe tài chàng rễ mình là Ngô Tử Chương, nên biểu làm trước một bài tự rồi mời hết các nhà quyền quí cùng văn sĩ xa gần lại dự yến và yêu cầu mỗi người làm cho một bài tự ngay trong buổi tiệc.

Vương Bột lúc ấy mới 15 hay 16 tuổi, đang ở nơi xa Đằng Vương Các hơn mấy trăm dặm đường, được một ông cụ cho hay tin và khuyên chàng cứ sửa soạn buồm và chèo đi, tự nhiên sẽ có gió nổi dậy giúp cho. Quả nhiên, đêm đó có gió to, chàng cho thuyền khởi hành và hôm sau tới Đằng Vương Các, vừa kịp lúc vào yến tiệc.

Đô đốc Diêm Bá Tự chê chàng là con nít, nhưng miễn cưỡng cấp giấy bút cho chàng làm bài tự, song sai người đứng bên cạnh chàng, hễ chàng viết được câu nào thì chép lại mang cho ông coi.

Mới đọc mấy hàng đầu, ông đã ngạc nhiên vì lời văn già giặn của Vương, tới câu:

Lạc hà dữ cô vụ tề phi,

落 霞 與 孤 鶩 齊 飛

Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc

秋 水 共 長 天 一 色

(Ráng chiều với cò lẻ cùng bay

Nước thu cùng trời dài một sắc)

Thì ông khâm phục thiên tài của vị thiếu niên ấy.

Từ đó, danh của Vương Bột vang dậy khắp nơi. Song tiếc thay, đương giữa tuổi xuân, trong khi đi thăm cha làm quan ở Giao Chỉ, chàng bị đắm thuyền, chết ở giữa biển.

Do sự tích ngọn gió đưa chiếc thuyền của Vương Bột đến kịp lúc dự yến và làm bài tự nổi danh, nên có câu: “Thời lai, phong tống Đằng Vương Các 時 來, 風 送 滕 王 閣” (Thời tới thì gió đưa đến gác Đằng Vương) để chỉ sự may mắn của người gặp được thời. (1)

Câu 15 và 16: Nếu con có duyên may mắn mà gặp được hội rồng mây để chọn kể anh tài thì con nguyện đem hết tài sức của mình ra thi thố với người mới phỉ dạ.




tải về 1.6 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương