ĐẠI ĐẠo tam kỳ phổ ĐỘ TÒa-thánh tây-ninh chú giảI



tải về 1.6 Mb.
trang10/10
Chuyển đổi dữ liệu28.07.2016
Kích1.6 Mb.
#8421
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10

CHƯƠNG THỨ MƯỜI CHÍN
KINH TỤNG KHI VỢ QUI LIỄU

I.-KINH VĂN:
KINH TỤNG KHI VỢ QUI LIỄU
Tưởng tơ tóc cùng nhau trọn đạo,

Theo tùng phu sửa áo nâng khăn.

Âm dương đôi nẻo chia phân,

Túy sơn vân mộng mới gần đặng nhau.

Khi để bước phòng đào lạnh ngắt,

Mảnh tàn y dường nhắc nghi dung.

Thấy cơn tử biệt não nùng,

Hương thề tắt ngọn lạnh lùng tơ duyên.

Càng nhớ đến lời nguyền buổi trước,

Thẹn non sông chưa ngớt tình nồng.

Phụ phàng chi bấy Hóa công

Lòng nào mà lại cắt lòng không đau.

Nối Tông Tổ biết bao nghĩa trọng,

Cơ nghiệp còn lưu mộng tang du.

Mập mờ nhắn nguyệt đêm thu,

Kẻ còn người mất ai sầu hơn ai?

Vói nhắn khách Dạ đài có tưởng,

Vậy bóng hình để tướng nơi nao?

Hay là lạc bước nguồn Đào,

Để thương cho mặt anh hào đeo mang.

Ngồi quạnh quẽ đèn tàn một bóng,

Chịu góa thân tuyết đóng song thu.

Bước Tiên nàng đã ngao du,

Đoái tình thương kẻ ôm cầu khóc duyên.

Hay nàng đặng nhập miền Cực Lạc,

Đoái tưởng người chưa thoát trầm luân.

Ngước trông níu ngọn phất trần,

Chổi Tiên quét sạch nợ nần oan gia.

Dâng mảnh tâm gọi là của lễ,

Chén ly tình là lệ ái ân.

Dầu chi cũng nghĩa chí thân,

Khối tình còn có một lần đấy thôi.

ĐOÀN THỊ ĐIỂM
II.-NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA:
Bài kinh Tụng Khi Vợ Qui Liễu do Bà Đoàn Thị Điểm, một Nữ sĩ Việt Nam, cũng là một vị Tiên Nương nơi Diêu Trì Cung giáng cơ ban cho chúng sanh trong thời Tam Kỳ Phổ Độ.

Ngoài ra, vào năm 1933, Bà còn giáng cơ ban cho Đạo Cao Đài một tác phẩm rất có giá trị, đó là Nữ Trung Tùng Phận, một cuốn sách nhằm mục đích giáo hóa các nữ tín đồ Cao Đài trở nên người hiền đức, giữ vẹn đạo nhơn luân, theo đúng tôn chỉ Nho tông chuyển thế mà Đức Chí Tôn đã đề ra trong thời Hạ ngươn mạt Pháp.

Theo Bà, đạo vợ chồng là đầu mối của nhơn luân nên phải biết thương yêu nhau, ăn ở nhau có nghĩa thủy chung:

Tình phu phụ biết bao nghĩa trọng,

Đạo nhơn luân gầy sống của đời.



Dầu cho non nước đổi dời,

Còn niềm chồng vợ, còn người còn ta.

Ơn nghĩa của người phụ nữ với chồng con rất sâu nặng, là một giềng mối để kế thừa hương lửa Tổ tông, là khởi đoan của nền nhơn luân đạo đức, nên trong bài Kinh Tụng Cha Mẹ Đã Qui Liễu, bà viết:



Nối hương lửa nhơn luân đạo trọng.

Hay trong bài Kinh Tụng Khi Vợ Qui Liễu bà cũng viết:



Nối Tông tổ biết bao nghĩa trọng

Cơ nghiệp còn lưu mộng tang du.

Trong bài thuyết đạo về Bảo thủ thuần phong mỹ tục, Đức Hộ Pháp cũng cho rằng: Đạo nhơn luân khởi đoan do chồng vợ, có chồng vợ mới có cha con, có cha con mới có dân tộc lập thành quốc gia xã hội. Nhiều gương xưa tích cũ được nêu lên để chỉnh đốn đạo nhơn luân, cốt yếu làm con người biết đạo vợ chồng là trọng, đặng sửa đương cho nhau để lập mình lên bực chí Thánh. Như thời xưa vợ chồng ông Châu Công, Ngài là Tể tướng đầu triều mà bà vợ vẫn lo canh cửi làm ăn nuôi mẹ chồng, một vị mạng phụ phu nhơn mà cư xử được như vậy thật đáng quí.

Chính vì ơn “tùng phu sửa trấp nâng khăn” và ơn “nối Tông tổ” của người vợ quá cố, Bà Đoàn Thị Điểm mới giáng cơ ban cho bài Kinh Tụng khi Vợ Qui Liễu nhằm tỏ lòng tiếc thương và đau khổ của người chồng đã mất đi một vị hiền phụ.


III.-CHÚ GIẢI:
Tưởng tơ tóc cùng nhau trọn đạo,

Theo tùng phu sửa áo nâng khăn.

Tơ tóc: Do thành ngữ “xe tơ kết tóc”, chỉ duyên nợ kết nghĩa nên vợ chồng.

Xe tơ: Buộc sợi tơ vào chơn hai người kết nên vợ chồng.

Lấy tích Vi Cố đi chơi đêm gặp một ông già ngồi dưới bóng cây, có cầm một quyển sách nơi tay và có túi đựng chỉ đỏ. Vi Cố hỏi, thì Ông già ấy đáp: Ta là Nguyệt Lão, sổ này dùng để biên nhơn duyên của người đời, còn chỉ đỏ này để buộc chơn cho nên vợ nên chồng. Vi Cố mới hỏi nữa: Còn nhơn duyên của tôi có biên vô sổ này không? Liền đó Ông dở sổ ra xem, rồi nói: Số nhà ngươi sau này lấy con gái mụ ăn mày, đang ngồi xin ăn trước chợ đó. Vi Cố cho đó là nhục, bèn xách dao ra chợ chém đứa con nhỏ một lát dao, máu chảy dầm dề. Chàng tưởng con bé đã chết, bèn trốn đi ở xứ khác.

Nhưng duyên Trời đã định, chạy đâu cho khỏi. Sau Vi Cố tưởng rằng lấy được con quan, không dè chừng hỏi rõ lại thì cũng là con của mụ ăn mày, trước kia nhờ ông quan tại triều, đi tuần vừa tới đó, gặp đứa bé do mụ ăn mày bỏ, đem về nuôi làm con, sau gả cho Vi Cố.

Vi Cố mới biết rằng duyên vợ chồng, Nguyệt Lão đã xe tơ thì không làm sao trốn đâu cho khỏi đặng.



Kết tóc: Do chữ kết phát 結 髮: Theo tục lệ đời nhà Hớn, trong đêm hợp cẩn, vợ chồng mới cưới thường kết tóc cho nhau. Do vậy, Ông Tô Thức viết hai câu: Kết phát vi phu phụ, ân nghĩa lưỡng bất nghi 結 髮 為 夫 婦, 恩 義 兩 不 宜: Kết tóc làm chồng vợ, ơn nghĩa trọn đôi đường.

Trong truyện Kiều của Nguyễn Du có câu:



Duyên Đằng thuận nẻo gió đưa,

Cùng chàng kết tóc xe tơ những ngày.

Trọn đạo: Vẹn tròn đạo nghĩa.

Tùng phu 從 夫: Theo chồng. Đây là một trong ba đạo của người phụ nữ thời xưa, gọi là đạo Tam tùng 三 從.

Điều này được Đức Khổng Tử dạy như sau: Đàn bà thì nương dựa ở người, cho nên không có phép tự chuyên làm lấy một mình, mà có đạo tam tùng là: Còn ở nhà thì theo lịnh cha, có chồng thì theo chồng, chồng chết thì theo con (Phụ nhân phục ư nhân dã, thị cố vô chuyên chế chi nghĩa. Hữu tam tùng chi đạo: Tại gia tùng phụ, xuất giá tùng phu, phu tử tùng tử 婦 人 伏 於 人 也, 是 故 無 專 制 之 義. 有 三 從 之 道: 在 家 從 父, 出 嫁 從 夫, 夫 子 從 子).



Sửa áo nâng khăn: Chỉnh khăn áo cho chồng, ý nói người vợ có bổn phận lo lắng, săn sóc cho chồng.

Bổn phận người đàn bà xưa còn được gọi là cầm khăn lược, nâng thúng chổi (chấp cân trất, phụng cơ trửu 執 巾 櫛, 奉 箕 帚).



Câu 1 và 2: Tưởng đến việc xe tơ kết tóc cùng nhau nên duyên chồng vợ thì phải sống theo chồng và lo lắng săn sóc cho chồng.
Âm dương đôi nẻo chia phân,

Túy sơn vân mộng mới gần đặng nhau.

Âm Dương đôi nẻo: Hai con đường Âm cảnh, Dương gian của người chết và kẻ còn sống.

Chia phân: Phân ly và chia cách nhau.

Túy sơn vân mộng 醉 山 雲 夢: Là tên một bài phú của một Đấng Thiêng Liêng không đề danh (Vị tường danh thị 未 詳 名 氏) giáng cơ ban cho vào khoảng năm 1930. Nội dung bài phú kể lại của một vị quan vào tiết trung thu tháng tám, năm Long Đức thứ tư, thả thuyền tới chùa Non Nước dạo chơi:

Năm Long Đức thứ tư,

Tiết trung thu tháng tám.

Chàng khi ấy:

Thôi chầu Thiên sứ,

Rảnh việc công sai.



Thinh thinh một chiếc thuyền lan, noi dòng Xích bích,

Nhẹ nhẹ đôi con chèo quế, dực bèn Thương Lang.

Trải hang Nghê qua cửa Thần Phù,

Dựa bãi Hạc tới chùa Non Nước.

Thấy cảnh non xanh nước biếc, khiến lòng chàng bâng khuâng, mượn rượu để giải khuây, rồi ngủ quên dưới mái hiên chùa, liền mộng thấy một nàng con gái:

Rỡ rỡ sen đưa gót ngọc,

Dịu dàng tay hé rèm châu.



Tóc làu làu mây sở mấy từng,

Quần dợn dợn sóng tương đôi lớp.



Mặt hoa ái ngại dường Hớn Tiên Nương tách dặm xuống lầu Tây,

Mày liễu ủ ê tợ Đường Minh Phi đeo sầu ải Bắc.

Chàng hỏi ra mới biết đó là người vợ hiền đã chung sống được năm năm vừa mới chết:



Chừ lâu ta mới hỏi chừng,

Sau trước nàng bèn bày tỏ.

Thiếp hổ thân bồ liễu,

Ngày dựa cửa trâm anh.

Vâng ngọc âm từ chốn Thiên đình,

Xuống hạ giới làm con Tướng quốc.

Tơ đỏ nhờ tay Nguyệt Lão

Cửa vàng trộm sánh Lang quân.

........................................................

Duyên mới vừa thỏ bạc ngang thềm,

Kể đã đặng năm năm ân ái,

Điềm phúc ứng dê xanh qua cửa,

Bỗng rẽ phân hai ngả Sâm thương.

Trong giấc mộng nàng kể lể sự tình, rồi lạy từ tạ để trở về Tiên cảnh, chàng mới biết là:



Động phủ hội tam sinh,

Huỳnh lương thành nhứt mộng.



Máy Trời đất không không có có,

Đạo vợ chồng ái ái ân ân.

Than ôi!

Mộng huyển bào ảnh đồ vi thị xuân,

Không sắc sắc không hà tu thậm giả.

Tuy là rẽ âm dương đôi ngã,

Cũng chẳng qua thành kỉnh một lòng.

Tử như sanh, vong như tồn, lòng kỉnh thành hữu cảm tắc thông

Sanh như ký, tử như qui, tâm ngưỡng vọng hữu cầu tắc ứng.



Bèn đem rượu cúc rót ba tuần,

Rấp mượn bút huê đề nhứt luật.

Tóm lại, “Túy Sơn Vân Mộng” là một bài phú kể lại nỗi niềm thương nhớ của người chồng đối với vợ hiền đã chết, mong cùng gặp gỡ nhau trong giấc chiêm bao.

Câu 3: Hai đường Âm cảnh và Dương gian đã chia phân đôi vợ chồng

Câu 4: Nỗi niềm thương nhớ của người chồng đối với vợ hiền, chỉ còn có thể gặp gỡ nhau trong giấc mộng mà thôi.
Khi để bước phòng đào lạnh ngắt,

Mảnh tàn y dường nhắc nghi dung.

Phòng đào: Hay Đào phòng 桃 房: Phòng của người con gái. Đây chỉ phòng của người vợ.

Trong văn chương, người ta thường ví người con gái có nhan sắc là Hoa đào hay Đào hoa 桃 花 do ở Lệ Tình tập 麗 情 集 có kể lại câu chuyện như sau:

Thôi Hộ 崔 護 là một thi gia đời Đường, nhân ngày lễ thanh minh đi thăm mộ, ghé vào xin chén nước trà của người con gái đương đứng dưới cửa ngõ bên cây đào. Người con gái mời chén trà và có ý nhìn Thôi Hộ bằng một vẻ hữu tình. Năm sau đi lễ thanh minh, lại ghé thì khôngh thấy người con gái ấy. Thôi Hộ bèn đề vào gốc đào một bài thơ:

Khứ niên kim nhật thử môn trung,

去 年 今 日 此 門 中

Nhân diện đào hoa tương ánh hồng.

人 面 桃 花 相 映 紅

Nhân diện bất tri hà xứ khứ,

人 面 不 知 何 處 去



Đào hoa y cựu tiếu đông phong.

桃 花 依 舊 笑 東 風

Dịch

Cửa này năm ngoái thấy bên trong,

Vẻ thắm đào tươi ánh má hồng.



Nay chẳng thấy người đâu đó tá?

Hoa đào còn cợt với gió đông.

Qua năm thứ ba, Thôi Hộ đi thanh minh lại ghé lần nữa, cửa nhà đóng bên trong có tiếng khóc. Hỏi thăm mới được biết rằng người con gái ấy đã vì bài thơ của Hộ đề, mà đau tương tư, nay mới chết và chưa liệm. Hộ xin vào thăm, đến bên tử thi gọi to lên, người chết bèn sống lại.

Vì thế, người ta thường ví người con gái đẹp là Hoa đào hay Đào hoa.

Lạnh ngắt: Rất lạnh lẽo, không còn hơi ấm.

Tàn y 殘 衣: Áo người chết còn để sót lại, ở đây chỉ áo người vợ đã chết.

Khi người vợ chết, người chồng thường thấy lại những kỷ vật của vợ mà khiến lòng thêm đau buồn, nhứt là nhìn lại tấm gương soi hay mảnh tàn y, vua Tự Đức thấy lại những kỷ vật mà khóc Bằng Phi với những câu rất thống thiết như sau:



Đập cổ kính ra tìm lấy bóng,

Xếp tàn y lại để dành hơi.

Nghi dung 儀 容: Dung mạo bề ngoài.

Câu 5: Khi bước chân đến phòng của vợ lòng cảm thấy không khí vắng tanh, lạnh ngắt.

Câu 6: Nhìn mảnh áo còn sót lại dường như nhắc nhở đến bóng dáng và gương mặt của nàng.
Thấy cơn tử biệt não nùng,

Hương thề tắt ngọn lạnh lùng tơ duyên.

Tử biệt 死 別: Ly biệt nhau lúc chết.

Não nùng: Sầu não đớn đau.

Hương thề: Hay Hương thệ 香 誓: Lời thề nguyền trước bàn hương án. Ngày xưa mỗi khi trai gái thề nguyền về nhân duyên hay phối ngẫu với nhau, thường bày hương lửa cúng kính để thề hẹn, cho nên gọi là Hương thề.

Hương thề tắt ngọn: Nhang thề đã tắt, đây chỉ việc đôi vợ chồng có người đã chết.

Câu 7: Cơn ly biệt của người còn kẻ mất thảm não khôn cùng.

Câu 8: Lời thề xưa đã dứt (nhang đã tắt ngọn), nàng chết đi, duyên nợ cam chịu lạnh lùng.
Càng nhớ đến lời nguyền buổi trước,

Thẹn non sông chưa ngớt tình nồng.

Lời nguyền buổi trước: Lời thề nguyền lúc ban đầu, tức là lúc mới thương yêu nhau.

Thẹn non sông: Thẹn với núi và sông.

Thời xưa, trai gái yêu nhau thường “thệ hải minh sơn 誓 海 盟 山” nghĩa là thề non hẹn biển với nhau. Họ chỉ vào núi sông mà thề hẹn.



Lời thề hẹn đó của đôi vợ chồng đã gãy, vì người vợ đa ra đi vĩnh viễn, khiến cho phải thẹn mặt với núi sông.

Chưa ngớt tình nồng: Tình yêu nồng nàn chưa dứt.

Câu 9: Càng nhớ đến những lời thề nguyền buổi trước.

Câu 10: Vì tình yêu thương hãy còn nồng nàn nên phải thẹn mặt với núi sông.
Phụ phàng chi bấy Hóa công?

Lòng nào mà lại cắt lòng không đau.

Phụ phàng: Làm cho đau khổ không chút xót thương.

Chi bấy: Tiếng xưa, cũng như nói chi lắm thế! hay chi nhiều thế!

Hóa công 化 工: Thời xưa người ta cho rằng Trời là một ông thợ tạo ra thế giới vạn vật, nên gọi Trời là Thợ tạo, Tạo hóa, Tạo công.

Câu 11: Phụ phàng chi lắm, Hóa công có hiểu thấu cho không.

Câu 12: Lòng cắt lòng ví như người thương yêu chết đi, làm sao mà không đau đớn, xót xa.
Nối Tông Tổ biết bao nghĩa trọng,

Cơ nghiệp còn lưu mộng tang du.

Nối Tông tổ: Nối dõi Tổ tiên, phụng thờ Từ đường.

Nghĩa trọng 義 重: Ân nghĩa rất nặng nề.

Biết bao nghĩa trọng: Biết bao nhiêu là nghĩa nặng nề.

Cơ nghiệp 基 業: Cơ đồ sự nghiệp.

Tang du 桑 榆: Sách Tàu xưa truyền rằng ở góc biển Tây có cây tang du, mặt trời đến đó thì lặn, nên người ta nói cảnh tượng người già gần chết thì nói “tang du vãn ảnh 桑 榆 晚 影”.

Lạc nhật tang du 落 日 桑 榆: Mặt trời lặn về phương tây (tang du là phương tây), ý chỉ cảnh của người già.

Mộng tang du: Mơ ước sống đến tuổi già.

Câu 13: Người vợ sinh con để kế thừa Tông tổ, thờ phụng Từ đường, ơn nghĩa đó biết bao nhiêu là nặng nề.

Câu 14: Sự nghiệp tạo lập ra còn lưu lại đây là có ý sống cùng nhau đến chuổi ngày già.
Mập mờ nhắn nguyệt đêm thu,

Kẻ còn người mất ai sầu hơn ai?

Mập mờ: Ánh sang trăng mờ mờ.

Nhắn nguyệt đêm thu: Đêm thu nhắn hỏi chị Hằng, chị Nguyệt.

Câu 15: Vào đêm thu, ánh trăng mập mờ soi chiếu, xin nhắn hỏi chị Hằng rằng:

Câu 16: Người còn sống và người mất đi, ai là người sầu não hơn ai?
Vói nhắn khách Dạ đài có tưởng,

Vậy bóng hình để tướng nơi nao?

Dạ đài 夜 臺: Như tuyền đài 泉 臺, âm đài 陰 臺 đều là từ dùng để chỉ cõi Âm, tức Âm phủ.

Khách Dạ đài 夜 臺 客: Người khách ở chốn Âm phủ, chỉ người đã chết.

Có tưởng: Có tưởng nhớ đến.

Tướng 相: Hình tướng, hình dáng bên ngoài.

Câu 17: Người sống ở Dương gian nhắn với khách ở Âm cảnh, có còn tưởng nhớ đến không?

Câu 18: Hình bóng của nàng hiện bây giờ hiển hiện ở nơi nào?
Hay là lạc bước nguồn Đào,

Để thương cho mặt anh hào đeo mang.

Lạc bước: Bước đi lạc, đi lạc đường.

Nguồn đào: Do chữ Đào nguyên 桃 源 hay Đào hoa nguyên 桃 花 源, chỉ cõi Tiên (Xem chú thích ở Kinh Khi Về).

Anh hào 英 豪: Tài giỏi và khí phách hơn nguời. Đây chỉ người đàn ông, tức người chồng.

Đeo mang: Đeo đẳng và mang lấy.

Câu 19: Hay là nàng đã bước vào cõi Thiêng Liêng.

Câu 20: Để lại cho người phải chịu đeo mang nhiều nỗi niềm thương nhớ.
Ngồi quạnh quẽ đèn tàn một bóng,

Chịu góa thân tuyết đóng song thu.

Quạnh quẽ: Hiu quạnh vắng vẻ.

Đèn tàn một bóng: Một mình một bóng trước ngọn đèn sắp tàn.

Trong Cổ thi có câu:



Thời văn tái nhạn thanh tương hoán,

時 聞 塞 雁 聲 相 喚



Sa song chỉ hữu đăng tương bạn.

紗 窗 只 有 燈 相 伴

Nghĩa là: Khi nghe chim nhạn bay ngoài ải gọi nhau,

Là khi nơi song the chỉ có ngọn đèn tàn làm bạn mà thôi.

Đây là tả tình cảnh đêm khuya trước ngọn đèn tàn của người chồng một mình một bóng.

Góa thân: Thân góa bụa. Từ Hán Việt gọi người đàn ông vợ chết gọi là Quan 鰥, người đàn bà chồng chết ở vậy gọi là quả 寡.

Tuyết đóng song thu: Bên cửa sổ vào mùa thu, tuyết lạnh rơi và đóng thành băng.

Câu 21: Một mình một bóng ngồi cô đơn quạnh quẽ bên chiếc đèn tàn leo lét.

Câu 22: Cam chịu cảnh góa thân dưới cánh cửa sổ buồn rầu, tuyết rơi lạnh lẽo.
Bước Tiên nàng đã ngao du,

Đoái tình thương kẻ ôm cầu khóc duyên.

Bước Tiên: Bước vào cõi Tiên.

Ngao du 遨 遊: Đi chơi hay đi dạo khắp nơi.

Đoái tình: Tưởng tình thương yêu.

Ôm cầu: Có hai cách hiểu về điển tích này, nếu ta hiểu:

* Chữ cầu là cây cầu (kiều 橋) thì lấy điển ôm trụ cầu, do tích như sau:

Vĩ Sinh là người nước Lỗ, hẹn với người tình gặp nhau ở dưới cầu. Đúng giờ, Sinh ra chỗ hẹn mà chờ đợi. Nước dưới sông càng lúc càng lớn, mà người tình vẫn không tới, Vĩ Sinh cứ ở dưới cầu, ôm vào trụ cầu mà đợi. Nước ngập thì chịu chết, chớ không chịu tránh chết, bỏ chỗ hẹn với người tình.

Kẻ ôm cầu: Chỉ người chồng giữ mối tình chung thủy.

* Chữ Cầu là trái cầu hay tú cầu 繡 球, tức quả cầu bằng gấm thêu, dùng để các nàng công chúa hoặc con các quan kén chồng.

Vua Vũ Đế nhà Hán, có Công chúa vừa tuổi lấy chồng, vua bèn truyền lịnh các vị vương tôn công tử xa gần, hay các anh hùng hào kiệt khắp mọi nơi biết và tập trung về để Công chúa tuyển lựa phu quân. Người nào nhận được quả tú cầu do Công chúa gieo xuống thì được nhà vua gả Công chúa cho và phong làm Phò mã.

Kẻ ôm cầu chỉ người chồng.

Khóc duyên: Khóc cho mối duyên tình gãy đổ.

Câu 23: Nay bước chơn nàng đã dạo chơi nơi miền Tiên cảnh.

Câu 24: Nàng có đoái tình mà thương nhớ đến người chung thủy với mối duyên bẽ bàng.
Hay nàng đặng nhập miền Cực Lạc,

Đoái tưởng người chưa thoát trầm luân.

Nhập miền: Đi vào cõi.

Cực Lạc 極 樂: Cõi Tây phương Cực Lạc hay Cực Lạc Thế giới còn gọi là Cực Lạc Quốc, An Lạc Quốc là cõi của Đức A Di Đà Phật.

Trầm luân 沉 淪: Chìm đắm trong luân hồi biển khổ.

Câu 25: Hay là nàng giờ đây đặng đi vào miền Cực Lạc.

Câu 26: Nàng có đoái tưởng đến người chồng chưa thoát khỏi trầm luân nơi biển khổ.
Ngước trông níu ngọn phất trần,

Chổi Tiên quét sạch nợ nần oan gia.

Phất trần 拂 塵: Như phất chủ 拂 麈, là một bửu vật có pháp thuật rất huyền diệu của Thái Thượng Lão Quân.

Phất trần là một cây chổi Tiên dùng để quét bụi hồng trần, tức là khử sạch hết tất cả trược khí và phàm tánh của con người để đem con người trở về thiên tánh. Về mặt thiêng liêng, phất chủ được kết thành bởi những điễn khí của các vị Tiên, có năng lực rửa sạch, trau luyện Chơn thần trở nên trong sạch thanh khiết.



Nợ nần oan gia: Các món nợ nần và oan gia nghiệt chướng.

Câu 27 và 28: Ngước trông lên nàng nhờ nắm lấy cây phất trần, đó là một cây chổi Tiên dùng để quét sạch các món nợ nần và oan khiên nghiệt chướng ở cõi phàm trần.
Dâng mảnh tâm gọi là của lễ,

Chén ly tình là lệ ái ân.

Dâng mảnh tâm: Dâng lên tấm lòng.

Của lễ: Lễ phẩm, tức là phẩm vật dùng làm lễ cúng tế.

Ly tình 離 情: Mối tình ly biệt.

Lệ ái ân 愛 恩 淚: Giọt nước mắt khi tưởng nhớ đến lúc vợ chồng yêu thương nhau.

Câu 29: Tấm lòng thành xin dâng lên để làm lễ phẩm cúng tế nàng.

Câu 30: Chén rượu của mối tình biệt ly cũng là dòng nước mắt khóc than vì thương nhớ nàng.
Dầu chi cũng nghĩa chí thân,

Khối tình còn có một lần đấy thôi.

Nghĩa chí thân 義 至 親: Tình nghĩa rất thân thiết.

Khối tình 情 塊: Tình yêu tha thiết giữa trai gái, khi chết đi, tình yêu cũng không tan, nên gọi là khối tình.

Truyện Kiều của Nguyễn Du có câu:



Nợ tình chưa trả cho ai,

Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan.

Theo quyển “Thành ngữ điển tích” của Diên Hương thì từ Khối tình do điển tích sau đây:

Trong tình sử có kể lại một người con gái có tình với một người lái buôn. Anh này đi mãi không về, nàng ở nhà thương nhớ anh, đau tương tư rồi chết. Đem nàng đi táng thì thịt xương sau này đều chảy ra thành nước, duy còn lại một khối, đập không nát. Sau anh lái buôn về, ôm khối đó mà khóc, nước mắt chảy dính vào thì khối đó liền ra nước. Đó là khối tình.

Có sách cũng cho rằng Khối tình lấy từ điển tích trong truyện Trương Chi và Mỵ Nương.

Trong Kiến Văn Lục của Võ Nguyên Hanh (dịch giả Đàm Duy Tạo) có kể lại “TRUYỆN TÌNH Ở THANH TRÌ” giống như điển tích trên và truyện Trương Chi Mỵ Nương:

Nguyễn Sinh ở Thanh Trì, vẽ mặt tuấn tú khác thường, mồ côi cha từ thuở nhỏ. Lúc trẻ, Sinh có đi học, nhưng nhà nghèo, không theo học được đến cùng. Làng ở ven con sông nhỏ, nhà Sinh vốn vẫn làm nghề lái đò, nên Sinh cũng tập chèo chở. Bọn lái đò đều hát hay, Sinh nghe lóm mà bắt chước hát, chỉ vài tháng đã học hết khóe hay của họ. Những khi sớm gió mát, tối trăng trong, Sinh gõ mạn thuyền mà hát lên, ai nghe thấy cũng phải lắng tai.

Phú ông họ Trần, nhà ở trên bờ bên hữu sông, có cô gái chưa chồng, nghe tiếng Sinh hát thích lắm, mới đứng trông cửa sổ dòm trộm, thấy vẻ mặt tuấn tú của Sinh, nàng nhìn mãi không bỏ qua được. Một hôm nàng ngầm sai con ở đưa tặng Sinh một chiếc khăn vuông và giục cho người đến làm mối.

Sinh bàn với mẹ. Mẹ nói: “Nhà mình thì nghèo thế, nhà người ta thì giàu thế, cách nhau xa quá, ước mong càn thế nào được”.

Sinh nói: “Nhưng đó là tự ý cô ta muốn lấy con kia mà!”

Mẹ mới sắm đồ chạm mặt và nhờ bà hàng xóm đi ướm trước với Phú ông, nhưng ông không gả. Bà kia cố nài và khen mãi dung mạo Sinh thật hiếm có. Phú ông giận nói: “Cái anh chàng vừa chèo đò vừa hát luôn miệng ấy chứ gì! Tôi biết lắm rồi! Chỉ nỗi con tôi xấu xí quê mùa lắm, không đáng lấy một người chồng bảnh bao như thế. Vậy xin bà về từ chối dùm cho!”.

Bà kia ra về. Ông quát lên nói theo: “Nhà người ta sang trọng thế nầy, con gái người ta nõn nà thế kia, khi nào lại có thằng rể lái đò! Sao con mụ mối ngu quá thế”.

Bà hàng xóm về kể rõ chuyện. Mẹ Sinh hổ thẹn, mắng con mãi. Sinh nói: “Lão ấy khinh người, chẳng qua chỉ cậy nhiều tiền đó thôi. Ta đây thử bỏ cái nghề lái đò nầy, xem làm được giàu có không!”. Rồi Sinh chào mẹ ra đi.

Cô gái thấy cha không bằng lòng, thất vọng lắm, nhân lúc nhà vắng, lấy ngầm hai trăm lạng vàng, sai người đưa tặng Sinh để làm lễ cưới. Khi được tin Sinh đã tức giận ra đi trước mất rồi, không biết đâu mà tìm, nàng ngấm ngầm đau đớn tâm thần, dần dà thành bịnh, thân thể gầy yếu, trong bụng kết hòn lại như cục đá, thuốc thang chạy chữa mãi không khỏi, được một năm thì chết. Lúc sắp tắt nghỉ, dặn lại cha rằng: Trong bụng con tất có vật gì lạ, sau khi con chết, nên hỏa táng mà xem nó thế nào”. Cha y lời, khi lửa tắt rồi, bới đống tro than, được một vật to bằng cái đấu, đỏ tươi như phấn yên chi, không phải ngọc, không phải đá, trong sáng như gương, dùi nện, búa bổ đều không vỡ, trong có hình anh lái đò tựa mái chèo mà hát. Phú ông nghĩ nhớ lại việc trước, mới ngờ con gái vì tương tư chàng kia mà chết, nhưng hối không kịp nữa, bèn cất khối ấy vào hộp gỗ mà để trên bàn thờ cô.

Hồi trước, lúc Sinh ra đi, trơ trọi một thân lên Cao Bằng, vào nương nhờ quan Trấn Tướng làm người giúp việc trong buồng giấy, vì hát hay, được ngài yêu quí. Được hơn một năm, khi túi đã hơi nhiều tiền, mới tùy vật giá lúc rẻ lúc đắt mà mua chứa hay bán ra để lấy lãi. Sau vài năm nữa, tích tụ được hơn ba trăm lạng vàng, bụng bảo dạ: Số vàng này đủ làm vui lòng cái lão tham tiền ấy rồi!”. Sinh bèn thu xếp về quê.

Về đến nhà, nghe nói cô gái đã chết rồi, Sinh mới sửa lễ sang viếng. Làm lễ xong, Ông mời ngồi, Sinh xin cho xem cục đá, Ông đem hộp giở ra cho coi, Sinh cầm xem mà khóc, nước mắt rơi vào cục đá, cục đá bỗng tan loãng ra, nhỏ xuống đầm đìa cả vạt áo Sinh, loang lổ hóa vết máu tươi. Sinh cảm tình nàng, thề không lấy ai nữa.

Câu 31: Dầu sao vợ chồng chung sống và cư xử với nhau rất nên thân thiết.

Câu 32: Khối tình yêu thương của chàng đối với nàng chỉ còn lại một lần này nữa thôi.



MỤC LỤC


CHƯƠNG THỨ NHỨT

Kinh Thuyết Pháp .........................................

CHƯƠNG THỨ NHÌ

Kinh Nhập Hội ..............................................

CHƯƠNG THỨ BA

Kinh Xuất Hội ...............................................

CHƯƠNG THỨ TƯ

Kinh Ra Đi Đường ........................................

CHƯƠNG THỨ NĂM

Kinh Khi Về ..................................................

CHƯƠNG THỨ SÁU

Kinh Khi Đi ngủ ............................................

CHƯƠNG THỨ BẢY

Kinh Khi Thức Dậy .......................................

CHƯƠNG THỨ TÁM

Kinh Vào Học ..............................................

CHƯƠNG THỨ CHÍN

Kinh Vào Ăn Cơm .......................................

CHƯƠNG THỨ MƯỜI

Kinh Khi Ăn Cơm Rồi .................................

CHƯƠNG THỨ MƯỜI MỘT

Kinh Hôn Phối .............................................

CHƯƠNG THỨ MƯỜI HAI

Kinh Tụng Khi Vua Thăng Hà ....................

CHƯƠNG THỨ MƯỜI BA

Kinh Tụng cho Thầy Khi Qui Vị..................

CHƯƠNG THỨ MƯỜI BỐN

Kinh Cầu Tổ Phụ Đã Qui Liễu.....................

CHƯƠNG THỨ MƯỜI LĂM

Kinh Tụng Cha Mẹ Đã Qui Liễu..................

CHƯƠNG THỨ MƯỜI SÁU

Kinh Cầu Bà Con Thân Bằng

Cố Hữu Đã Qui Liễu.....................................

CHƯƠNG THỨ MƯỜI BẢY

Kinh Tụng Huynh Đệ Mãn Phần .................

CHƯƠNG THỨ MƯỜI TÁM

Kinh Tụng Khi Chồng Qui Vị......................

CHƯƠNG THỨ MƯỜI CHÍN

Kinh Tụng Khi Vợ Qui Liễu ........................

MUC LỤC .............................................................


Đây là bản thảo “Chú Giải Kinh Thế Đạo

của Hiền Tài Quách Văn Hòa, chỉ lưu hành nội bộ.

Khi sửa chữa hoàn chỉnh, bản quyền sẽ được



dâng lên Hội Thánh.

Hiền Tài QUÁCH VĂN HÒA


(1) Trích lời tựa của Hội Thánh trong Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo.

(1) Bài Tựa của Hội Thánh trong quyển Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo.

(1) Vị thuyết pháp và đồng nhi đọc.

(1) Học trò đọc khi nhập học.

(1) Trong Minh Tâm Bửu Giám, Tích hiền có nói rằng: Người biết mệnh Trời thấy lợi không động, gặp chết không oán, được một ngày qua một ngày, được một giờ qua một một giờ. Đi mau đi chậm, tiền đồ cũng chỉ bấy nhiêu đường. Thời mình đến, dù gác Đằng Vương xa gió đưa cũng tới, vận mình đi, dù cái bia Tiến phước, sét cũng đánh hư ngã (Tri mệnh chi nhân kiến lợi bất động, lâm tử bất oán, đắc nhất nhật quá nhất nhật, đắc nhất thời quá nhất thời, khẩn hành mạn hành tiền trình chỉ hữu hứa đa lộ, thời lai phong tống Đằng Vương các, vận khứ lôi oanh Tiến phước bi 知 命 之 人 見 利 不 動, 臨 死 不 怨, 得 一 日 過 一 日, 得 一 時 過 一 時, 緊 行 慢 行 前 程 只 有 許 多 路, 時 來 風 送 滕 王 閣, 運 去 雷 轟 薦 福 碑).


(1) Mười bài Kinh song thất lục bát nầy của Đức Phạm Hộ Pháp đặt ra, có Đức Chưởng Đạo Nguyệt Tâm Chơn Nhơn chỉnh văn lại

(1) Cáo Từ tổ là cáo trình với Từ đường Tổ phụ, hay nói cho dễ hiểu tức là trình thưa với Ông bà Tổ phụ

(1) Song thân, hoặc phụ thân hay mẫu thân đã qui liễu.

(1) Song thân, hoặc phụ hay mẫu thân đã qui vị.

(2) Anh hay chị mãn phần.





tải về 1.6 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương