ĐẠI ĐẠo tam kỳ phổ ĐỘ TÒa-thánh tây-ninh chú giảI



tải về 1.6 Mb.
trang5/10
Chuyển đổi dữ liệu28.07.2016
Kích1.6 Mb.
#8421
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10

Câu 11: Dưới ánh trăng, hai người dù có chuyện trò tìm hiểu nhau trước khi quyết định hôn nhơn, thì người con gái cũng phải giữ gìn tiết hạnh trong sạch.

Câu 12: Khi hai người nên duyên chồng vợ với nhau dù hoàn cảnh nào, giàu sang hay nghèo hèn cũng phải giữ vẹn thủy chung, tựa như Đường Cao Tổ giàu sang tột bực hay Giả Trực Ngôn khổ sở gian lao vậy.
Đường tổ nghiệp nữ nam hương lửa,

Đốt cho nồng từ bữa ba sanh.

Tổ nghiệp 祖 業: Sự nghiệp do tổ tiên ông bà để lại.

Đường tổ nghiệp: Con đường thừa kế sự nghiệp của tổ tiên ông bà.

Hương lửa: Nhang đèn đốt lên trong bàn thờ cho hai vợ chồng thề nguyền buổi trước, hay nghi lễ trong đám cưới mà hai họ cầu nguyện trước bàn thờ tổ phụ.

Ba sanh: Hay tam sanh 三 生:Ba lần sanh tử, ba kiếp sống làm người. Do Tình sử chép: Tam sanh thạch thượng cựu tinh hồn nghĩa rộng là người có duyên nợ với nhau, viết tên lên đá hẹn hò với nhau, thì đến kiếp sau hay là kiếp sau nữa, cũng sẽ gặp nhau.

Hương lửa ba sinh do câu “Tam sanh hương hỏa 三 生 香 火”. Trong truyện Kiều, Nguyễn Du có câu:



Dạy rằng hương lửa ba sanh,

Dây loan xin nối, cầm lành cho ai.


Giữa đền để một tấc thành,

Đồng sanh, đồng tịch đã đành nương nhau.

Giữa đền: Giữa chánh Điện, nơi thờ Đức Chí Tôn.

Tấc thành: Tấc lòng thành thật.

Đồng sanh đồng tịch 同 生 同 席: Do câu: “Sanh đồng tịch đồng sàng, tử đồng quan đồng quách 生 同 席 同 床; 死 同 棺 同 郭” nghĩa là sống thì cùng ăn trên một chiếc chiếu, cùng ngủ trên một chiếc giường; chết thì chôn trong một chiếc hòm.

Câu 15: Nơi chánh Điện thờ Đức Chí Tôn hãy tỏ tấc lòng thành.

Câu 16: Vợ chồng chung sống bên nhau thì phải nương cậy vào nhau, yêu thương nhau suốt đời.

Quì giữa Chánh Điện Đức Chí Tôn, hai vị nam và nữ thành tâm khấn nguyện là vợ chồng với nhau, phải nương cậy vào nhau, giúp nhau suốt đời và sống chết có nhau.

Vị chức sắc hành pháp Hôn phối nhằm “hiệp Tứ dương (nam) và Tứ âm (nữ) của tinh thần đặng cho biến hóa thêm nữa, sản xuất thêm nữa, chẳng phải sinh hình thể của con người mà thôi mà sanh cả hồn phách của chúng nó nữa”.

Hành pháp Hôn Phối được Ngài Đầu Sư Thượng Sáng Thanh trình bày như sau:

Bảo cô dâu và chàng rể phải nắm tay nhau, tay tả của nam nắm tay hữu của nữ, tay hữu của nam nắm tay tả của nữ, thành ra ấn Bát quái, đoạn vị hành pháp ngó ngay Thiên nhãn định thần, lấy con mắt của mình viết chữ (.) trong con ngươi của Thiên nhãn, rồi co chân trái lên viết chữ (.) rồi đạp trên chữ ấy, chân mặt ký chữ (.) vào gót chân trái, gọi là đạp Đinh giáp. Đứng dậy xây một vòng đến trước mặt hai trẻ, biểu chúng cúi đầu, hai đầu giao kề lại. Ngó ngay hai mỏ ác trên đầu hai trẻ, lấy con mắt vẽ chữ (.) trên nê hoàn cung của hai trẻ, nhớ vẽ chữ cho lớn đặng bao trùm cả hai mỏ ác.

Đợi chừng Thiên nhãn giáng ngay Nê hoàn hai trẻ thì chụp truyền thần hai bàn tay xớt hai Thiên nhãn đỡ lên lưng bàn tay cho hiệp hai Thiên nhãn ấy lại kề nhau thì thấy mặt của Chí Tôn hiện tượng, đoạn đỡ hình tượng của Chí Tôn day lại ngay Thiên nhãn mà cho nhập chung vào đó (nhớ đừng lo ra thì mất, mà thành ra nguy hiểm cho hai người nam nữ ấy lắm).

Khi cho nhập rồi thì để hình tượng ấy yên tịnh nơi Thiên nhãn, đứng cầu nguyện giùm cho hai trẻ nương nơi quyền Thiêng Liêng của Chí Tôn đặng tấn hóa trong đường Thánh đức, nối tóc đến già, đồng tịch đồng sàng, đồng sanh đồng tử.

Đoạn định thần, ngó ngay lên Thiên nhãn, trục Thiên tượng ấy ra (nhớ lấy đủ hai con mắt), để lên lưng hai bàn tay như khi nãy. Hai bàn tay xáp lại thành ấn Bát quái, dương nằm trên âm, rồi từ từ day lại hai trẻ, lừa Thiên tượng ấy ngay đầu hai trẻ, trả lại như xưa, tức làm tiêu Thánh tượng.

Đứng ngay giữa đôi đứa, đọc bài thi của Đức Chí Tôn dạy làm phép Hôn phối:

Thiên ân thử nhựt tứ thành hôn,

天 恩 此 日 賜 成 婚

Mãn thế bất ly thể dữ hồn.

滿 世 不 離 體 與 魂

Đạo đức nhứt tâm tu đảo cáo,

道 德 一 心 須 禱 告

Chủ trung thị ngã chí Thiên tôn.

主 中 是 我 至 天 尊

Nghĩa là:

Ngày nay, ơn Trời ban cho đôi trẻ thành hôn.

Suốt đời linh hồn và thể xác không rời xa nhau.

Một lòng đạo đức khá nên cầu xin

Người làm chủ là Ta, là Đấng Đại Thiên Tôn.

Rồi khuyên hai trẻ và dặn rằng: Phải giữ nhơn luân đạo nghĩa và cho biết rằng quyền Hội Thánh định cho không đặng lìa nhau cho đến trọn đời, nếu như đôi lứa phản nhau, sẽ phải sa đọa, Phong đô định tội.

Khi dạy đôi trẻ rồi vị hành pháp vói tay nắm hai tay ngoài của nam và nữ đở đứng dậy sắp hai mặt giao nhau, xây cho hai đứa cặp nhau (đừng day lưng mà khổ cho hai trẻ), còn mình đi chính giữa, nắm tay hai trẻ dìu dắt đưa ra cho khỏi Tòa Thánh, tức nhiên ngoài cửa Hiệp Thiên Đài mới cúi đầu từ tạ trở lại Điện.




CHƯƠNG THỨ MƯỜI HAI
KINH TỤNG KHI VUA THĂNG HÀ

I.-KINH VĂN:
KINH TỤNG KHI VUA THĂNG HÀ
Ơn tấc đất ngọn rau nên nặng,

Đạo quân vương chữ dặn nơi lòng.

Thượng Hoàng sánh đức Chí Công,

Mặc phò lê thứ khỏi vòng lao lung.

Giúp xã tắc tôi trung ra mặt,

Dẫy xe thơ trổi nhặt văn minh.

Giúp dân hưởng chữ thái bình,

Văn ban võ bá triều đình đặc an.

Nay gần đặng Ngọc Hoàng Thượng Đế,

Tìm Chí Linh trị thế cứu đời.

Thiên Tào Thánh ngự an ngôi,

Cầu cho dân chúng khỏi hồi can qua.

Bốn ngàn năm quốc gia đã lập,

Cõi Nam Châu bồi đắp giang sơn.

Trụ tâm nâng đỡ quốc hồn,

Giữ bền đảnh nghiệp vĩnh tồn hậu lai.

Kìa CHÍ TÔN CAO ĐÀI đương ngự,

Rưới hồng ân chặt giữ biên cương.

Sống thì định bá đồ vương,

Qui Thiên dựng lại miếu đường thuở xưa.

ĐOÀN THỊ ĐIỂM
II.-NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA:
Đạo Cao Đài là một nền Đại Đạo có tôn chỉ qui nguyên Tam giáo, hiệp nhứt Ngũ chi, tức là một sự hợp nhứt của tất cả triết lý các tôn giáo. Trong thời Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Chí Tôn dùng Nho tông chuyển thế, cho nên nghi lễ của Đạo dùng nhạc và lễ nhằm mục tiêu phô diễn cái phần hữu tướng, làm cho đàn tế ra vẻ tôn nghiêm và tạo cho người cúng tế có được cái tâm kínhthành.

Vì thế, trong tang lễ của Đạo Cao Đài được thể hiện theo một nghi thức tế lễ long trọng tùy theo mối liên hệ tình cảm và ân nghĩa giữa người quá cố và kẻ sanh tiền.

Những bài Kinh Thế đạo sau đây dùng để tỏ cái ơn nghĩa và tình cảm của người sống với kẻ đã qui liễu như:

- Kinh Tụng Khi Vua Thăng Hà.

- Kinh Tụng Khi Thầy Qui Vị.

- Kinh Cầu Tổ Phụ Đã Qui Liễu.

- Kinh Tụng Cha Mẹ Đã Qui Liễu.

- Kinh Cầu Bà Con Thân Bằng Cố Hữu Đã Qui Liễu.

- Kinh Tụng Huynh Đệ Mãn Phần.

- Kinh Tụng Khi Chồng Qui Vị.

- Kinh Tụng Khi Vợ Qui Liễu.

Bài Kinh Tụng Khi Vua Thăng Hà là một bài Kinh do bà Đoàn Thị Điểm, một vị Nữ sĩ nổi tiếng nhứt của Việt Nam, cũng là một vị Tiên Nương nơi Diêu Trì Cung giáng cơ ban cho chúng sanh Đạo Cao Đài.

Ngày xưa, vào thời quân chủ, người ta thường dùng các từ tôn kính như: “thánh”, “long”, “ngọc”, hay “ngự”... để chỉ về việc có liên quan đến nhà vua, ví dụ: Viết của vua gọi là thánh bút, gương mặt vua gọi là long nhan, ấn của vua gọi là ngọc tỉ, vua ra đi gọi là ngự giá...Cũng như thế, khi một vị vua nước lớn chết, người ta gọi là Thăng hà 升 遐 hay Băng hà 崩 遐, vua nước chư hầu chết, gọi là Hoăng 薨, vua không minh chánh, cướp ngôi hay tiếm vị khi chết được gọi là Tồ 殂 (Theo sách Xuân Thu của Khổng Tử).

Chế độ quân chủ, vua là thiên tử, là người thay mặt cho Trời để trị dân, cho nên vua chỉ phải tuân mệnh Trời, còn nhân dân và quỉ thần ở trong nước đều ở dưới quyền tuyệt đối của nhà vua. Vua là cha mẹ dân, vì vậy tài sản và sinh mệnh của dân, đều cũng là của vua hết. Hay nói cách khác, đất ruộng trong nước đều là của vua, và vua có quyền sinh sát đối với mọi người trong nước.

Vua có nhiệm vụ phải lo lắng, chăm sóc muôn dân, nên khi gặp vị vua hiền minh, nhân dân sẽ được hưởng cảnh thái bình, an cư lạc nghiệp. Xem thế, công đức của vị thánh vương, theo bài kinh, có thể sánh bằng Đấng Chí Công.

Người tín đồ Cao Đài, lấy đạo tam cang làm trọng, nên vua thăng hà, tức đạo quân thần, phải khắc ghi ơn sâu nghĩa nặng của ngọn rau tấc đất mà thể hiện qua lòng thành kính tế lễ cho nhà vua. Do thế, Tiên Nương Đoàn Thị Điểm mới giáng cơ ban cho bài Kinh Tụng Khi Vua Thăng Hà.


III.-CHÚ GIẢI:
Ơn tấc đất ngọn rau nên nặng,

Đạo quân vương chữ dặn nơi lòng.

Ơn tấc đất ngọn rau: Ơn nghĩa của nhà vua ban cho dân chúng từng tấc đất, từng ngọn rau.

Vào thời Quân chủ, vua được coi như là thiên tử, tức con của Trời, có quyền thay Trời để cai trị muôn dân. Chính vì vậy, tất cả đất đai, rừng núi, sông biển đều thuộc quyền sở hữu của nhà vua. Nhà vua mới có chế độ ban cấp đất đai cho dân để làm ăn sinh sống. Như chế độ nhà Chu cấp ruộng đất cho dân theo phép tỉnh điền 井田, tức chia đất ruộng làm 9 khu theo hình chữ tỉnh 井, mỗi khu 100 mẫu, khu giữa là công điền, 8 khu ngoài là tư điền, cấp cho mỗi nhà một khu làm mà thu hoa lợi, song 8 nhà chung quanh phải chung sức lo khu công điền cho nhà nước. Khi thu hoạch công điền bỏ vào kho nhà nước, thu hoạch tư điền thì thuộc về nhân dân.

Chính vì đất đai của nhà vua ban cho, mà người dân được hưởng tấc đất, ngọn rau, nên phải biết ơn quốc vương rất là thâm trọng.

Đạo quân vương: Những phép tắc giữa vua và bề tôi đối xử với nhau cho hợp đạo lý. Đạo này thuộc về một trong ngũ luân là Quân thần cang.

Có người dựa theo câu: “Quân sử thần tử, thần bất tử bất trung, phụ sử tử vong, tử bất vong bất hiếu 君 使 臣 死, 臣 不 死 不 忠; 父 使 子 亡, 子 不 亡 不 孝” mà kết án Nho giáo chủ trương độc tài, độc đoán. Điều đó thật là lầm lẫn, bởi họ chưa thấu hiểu đạo quân thần, đạo phụ tử của Đức Khổng Tử đã dạy: “Quân minh, thần trung; phụ từ, tử hiếu 君 明, 臣 忠; 父 慈, 子 孝”, nghĩa là Vua có sáng, tôi mới trung; cha có hiền, con mới thảo, lại nữa Ngài còn đưa ra thuyết “chính danh định phận” để chủ trương sự công bình trong đạo nghĩa, Ngài nói: “Danh bất chánh tắc ngôn bất thuận, ngôn bất thuận tắc vạn vật bất thành 名 不 正 則 言 不 順, 言 不 順 則 萬 物 不 成”, tức là danh phận đã định thì địa vị của mỗi người, trên dưới có trật tự, trách nhiệm và quyền hành phân minh, trên lấy lễ mà khiến dưới, dưới lấy lòng kính mà thi hành. Vì vậy, Ngài dạy đạo vua tôi, đạo cha con như sau: Quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử 君 君, 臣 臣, 父 父, 子 子, nghĩa là Vua đúng phận vua, tôi giữ đạo tôi; cha theo phận cha, con giữ đạo con, nói chính xác hơn, mỗi người có bổn phận theo danh từ (tên gọi) đã định sẵn mà hành sử.

Xem thế, đạo quân thần và đạo phụ tử trong thời Chu Nho của Khổng Tử chủ trương rất bình đẳng, không độc tài, độc đoán. Câu “Quân sử thần tử, thần bất tử bất trung, phụ sử tử vong, tử bất vong bất hiếu” có lẽ do kẻ hậu học lợi dụng Đạo Nho đặt ra để đem áp dụng vào chính trị chăng?

Câu 1: Ngọn rau tấc đất của nhà vua ban cho thần dân thọ hưởng, nên làm người dân phải biết ơn Quốc vương rất nặng.

Câu 2: Chính vì vậy, là bổn phận một người dân phải căn dặn nơi lòng, lúc nào cũng giữ đạo lý với nhà vua.

Sự sống của con người nhờ ngọn rau tấc đất, thế mà trong xã hội xưa, ngọn rau tấc đất là của vua ban phát cho dân, người thọ hưởng ơn đó phải biết hết lòng với vua, bằng ngược lại thì phải không thọ hưởng điều gì của quốc vương thủy thổ. Câu chuyện kể sau đây cho chúng ta thấy điều đó:

Chuyện kể rằng: Bá Di, Thúc Tề là hai người con của vua Cô Trúc ở cuối đời Thương, đầu đời Chu. Bá Di là anh cả, Thúc Tề là em út. Vua Cô Trúc yêu Thúc Tề, lập di mệnh cho Thúc Tề nối ngôi. Quốc dân theo di mệnh lập Thúc Tề, Thúc Tề không chịu, nhường lại cho Bá Di cho phải lẽ. Bá Di cũng không chịu, nhường lại cho Thúc Tề để tuân lệnh cha. Không ai chịu nhận rồi cả hai trốn vào núi ở ẩn, quốc dân phải lập người con giữa.

Lúc đó Bá Di và Thúc Tề nghe tiếng Ông Tây Bá Xương khéo nuôi người già, muốn tới qui phục. Tới nơi thì Tây Bá đã mất. Vua Võ Vương chở thần chủ (Linh vị) của Tây Bá đem quân qua đông phạt Trụ. Bá Di Thúc Tề dập đầu trước ngựa mà can rằng: Cha mới chết (Tây Bá Xương) mà dấy động can qua thì có đáng gọi là hiếu không? Làm tôi đánh vua có đáng gọi là trung không? Kẻ tả hữu của nhà vua muốn giết, ông Thái Công bảo: Hai người đó là hiền sĩ, bèn đỡ dậy, rồi thả cho đi.

Khi Võ Vương đánh Trụ thắng, lên làm vua xưng hiệu nhà Chu, thiên hạ đều thần phục, chỉ Bá Di, Thúc Tề cho hành vi của Võ Vương là đáng xấu hổ, nên không thờ nhà Chu và giữ nghĩa khí, chẳng chịu ăn lúa nhà Chu, lên ở ẩn trên núi Thú Dương, hái rau vi mà nuôi sống. Có người gặp, chê rằng: Không ăn thóc nhà Chu, đi ăn rau để sống. Vậy chớ ngọn rau tấc đất không phải của nhà Chu là gì? Bá Di, Thúc Tề nghe được câu chuyện đó, bèn nhịn đói mà chết.

Người sau có bài vịnh về Bá Vi Thúc Tề như sau:

Danh chẳng màng bao, lợi chẳng mê,

Ấy gang hay sắt hỡi Di, Tề?

Gặp xe vua Võ tay cầm lại,

Thấy thóc nhà Chu ngoảnh mặt đi.

Cô Trúc hồn về sương mịt mịt,

Thú Dương danh tạc đá tri tri.

Cầu nhân hẳn đặng nhân mà chớ

Cũng chẳng hềm ai chẳng oán chi.


Thượng Hoàng sánh đức Chí Công,

Mặc phò lê thứ khỏi vòng lao lung.

Thượng hoàng: Hay Hoàng thượng 皇 上, tức nhà vua.

Chí công 至 公: Rất công bình. Đây chỉ Đức Chí Tôn.

Mọi việc nơi thế gian đều có tính cách tương đối: Từ luật pháp, luân lý đạo đức, sự ứng xử của con người đối với nhau chỉ có công bình một cách tương đối, vì mọi quan niệm, mọi phán xét đều bị thiên kiến, bị giới hạn của thời gian và không gian. Còn sự công bình nơi Thiêng Liêng thì tuyệt đối, không bị giới hạn bởi thời gian hay không gian, không bị thiên lệch, không bị khuất lấp...Để thể hiện sự công bình tuyệt đối của Thiêng liêng, nơi Toà Thánh Tây Ninh, trên cửa bước vào có đấp một bàn tay sơn màu trắng nắm cán cân, tượng trưng bàn tay Chí Tôn cầm cân công bình đo tội phước của chúng sanh. Do vậy, người ta còn gọi Đức Thượng Đế là Đấng Chí Công.



Mặc phò: Hay mặc phù 默 扶: Im lặng mà giúp đỡ, âm thầm cứu giúp.

Lê thứ 黎 庶: Cũng như Lê dân, tức là Dân đen, chỉ tất cả dân chúng.

Lao lung 牢 籠: Cái chuồng và cái lồng để nhốt súc vật. Nghĩa bóng chỉ sự giam cầm tù tội, sự mất tự do.

Câu 3 và 4: Công đức của vua sánh bằng với ơn Tạo hóa, Ngài âm thầm mà cứu giúp cho dân chúng thoát khỏi vòng tù hãm giữa con người với nhau.

Thực vậy, khi loài người đã biết định cư, là có quan niệm về tư sản, mà đã có tư sản ắt phải có tranh giành, cướp bốc tài sản lẫn nhau để sinh sống.

Vua là một Đấng thiên tử, thay quyền Trời cai trị muôn dân, nên phải dùng hình phạt, binh lực để gìn giữ tài sản và bảo vệ mạng sống của toàn dân. Nếu không có vua đem lại an trị cho dân thì xã hội loài người sẽ xâu xé, cướp giựt lẫn nhau, bộ tộc hay quốc gia sẽ chiến tranh với nhau, khiến nhân dân sống trong cảnh khổ sở, như bị đưa vào vòng tù hãm. Ngoài ra, các vị vua Thánh còn dạy dân làm nhà ở để tránh thú rừng, săn bắn đánh cá hay cấy cày làm ruộng ăn để không bị đói, tìm cây thuốc uống để khỏi bệnh tật.

Vì thế, công đức của các Thánh vương sánh bằng công Tạo hóa, Người đã mang lại cho nhân dân hưởng cảnh thái bình thạnh trị, an cư lạc nghiệp, tức là mặc nhiên cứu giúp cho muôn dân thoát khỏi vòng tù hãm của khổ đau vậy.
Giúp xã tắc tôi trung ra mặt,

Dẫy xe thơ trổi nhặt văn minh.

Xã tắc 社 稷: Đồng nghĩa với Quốc gia, dùng để chỉ nhà nước.

Xã 社: Nơi vua lập ra để tế Thần Hậu thổ hay Thần đất.

Tắc 稷: Nơi vua lập ra để tế Thần nông.

Trong chế độ Quân chủ xưa, nhà vua phải lo đời sống cho nhân dân, cấp cho nhân dân đất làm ruộng và đất ở, nên nhà vua lập nền Xã thờ Thần Hậu thổ để nhân dân sống được yên ổn. Dân phải có lúa ăn, nên nhà vua lập ra nền Tắc để tế Thần nông, cầu cho dân được trúng mùa. Đàn Xã tắc hình vuông ở phía hữu cung thành là nơi đầu mùa xuân vua ngự đế tế Thần đất và Thần lúa.

Khi đất nước mất thì mất nền Xã tắc, do vậy Xã tắc cũng có nghĩa như chữ Quốc gia.

Tôi trung: Do chữ Trung thần 忠 臣, chỉ bề tôi (quan, dân) trung thành.

Xa thơ: Hay thư xa 書 車: Xe chở sách.

Trổi nhặt: Khởi lên để tiến nhanh.

Văn minh 文 明: Theo nghĩa đen là cái tia sáng do đạo đức, lễ nhạc giáo hóa mà có vẻ đẹp đẽ rõ rệt, gọi là văn minh.

Theo nghĩa bóng, văn minh là trình độ phát triển văn hóa về vật chất và tinh thần của một quốc gia hay một dân tộc.



Câu 5: Nhờ đức vua Thánh minh nên các bề tôi trung liệt, giúp cho nền Xã tắc được an trị.

Câu 6: Làm phát triển nền văn hóa dân tộc tiến nhanh đến tầm văn minh.
Giúp dân hưởng chữ thái bình,

Văn ban võ bá triều đình đặc an.

Văn ban 文 n班: Hàng thứ bực của quan văn, tức là những vị quan lớn nhỏ coi về chính trị, văn hóa, giáo dục...

Võ bá 武 百: Trăm quan võ, tức là các quan lo về võ bị , quốc phòng, an ninh trật tự.

Triều đình 朝 廷: Chỗ các quan vào chầu vua, chính phủ nước quân chủ.

Đặc an 特 安: An ổn đặc biệt.

Câu 7: Giúp cho nhân dân hưởng chữ thái bình.

Câu 8: Các vị quan văn võ đều trung can, nên giúp cho triều đình được yên ổn đặc biệt.
Nay gần đặng Ngọc Hoàng Thượng Đế,

Tìm Chí Linh trị thế cứu đời.

Chí Linh 至 靈: Rất Thiêng liêng, Rất Linh hiển. Đây cũng là một Thánh hiệu của chỉ Đức Chí Tôn.

Trị thế 治 世: Cai trị thế gian cho nhân dân được yên ổn.

Câu 9 và 10: Ngày nay nhà vua đã qui Thiên và được gần đặng Ngọc Hoàng Thượng Đế, nên vua mong tìm Đấng Chí Linh cứu giúp cho đời và thế gian được an trị.
Thiên Tào Thánh ngự an ngôi,

Cầu cho dân chúng khỏi hồi can qua.

Thiên tào 天 曹: Như chữ Thiên đình (Theo Từ Điển Việt Hán của Đào Duy Anh).

Trong Bài Kinh Khi Đã Chết Rồi có câu: “Ba mươi sáu cõi Thiên tào”, tức là ba mươi sáu từng Trời, còn gọi là Tam thập lục Thiên.



Thánh ngự 聖 御: Thánh là tiếng tôn xưng đức vua, ngự là tiếng dùng cho các vua chúa để chỉ hành động, ở câu Kinh này ngự là nhà vua an ngự trên ngôi.

Khỏi hồi: Khỏi lúc.

Can qua 干 戈: Hai món binh khí thời xưa: Can là cái mộc hay cái khiên để ngăn đỡ, qua là cái mác hay ngọn giáo dùng để đánh. Can qua chỉ giặc giả, chỉ sự chiến tranh.

Câu 11: Nơi cõi Thiên tào, đức Thánh vương đã an ngự trên ngôi vị.

Câu 12: Cầu xin Thánh hoàng giúp cho nhân dân thoát khỏi việc đao binh.
Bốn ngàn năm quốc gia đã lập,

Cõi Nam Châu bồi đắp giang sơn.

Bốn ngàn năm quốc gia đã lập: Từ ngày lập quốc đến nay, nước Việt Nam ta đã trải qua hơn 4000 năm.

Theo Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim, nước Việt Nam về đời Hồng Bàng, gọi là Văn Lang 文 郎, lập quốc vào năm 2897 trước Tây lịch, trải đến ngày nay thì hơn 4000 năm dựng nước và thay đổi nhiều quốc hiệu, đến đời vua Gia long thống nhất được cả Nam Bắc (1802), lấy lẽ rằng Nam là An Nam 安 南, Việt là Việt Thường 越 裳, nên mới đặt quốc hiệu là Việt Nam.



Nam Châu 南 州: Phía Nam của quận Giao Châu 交 州.

Theo Việt Sử, vua Triệu Đà đánh được An Dương Vương rồi, sáp nhập nước Âu Lạc vào quận Nam Hải, lập thành một nước Nam Việt, lên ngôi là Vũ Vương, đóng đô ở Phiên Ngung.

Đến đời Hán Vũ Đế nước Trung Quốc, đánh thắng được nhà Triệu, lấy nước Nam Việt, rồi cải ra Giao Chỉ bộ 交 趾 部, và chia ra làm 9 quận, trong đó có ba quận thuộc Bắc Việt và mấy tỉnh ở phía bắc Trung Việt, đó là: Giao Chỉ 交 趾, Cửu Chân 九 真, Nhật Nam 日 南.

Đến cuối đời nhà Đông Hán, vua Hiến Đế đổi Giao Chỉ là Giao Châu 交 州.

Như vậy, Nam Châu là phía nam của Giao Châu.

Giang sơn 江 山: Sông và núi, chỉ đất nước.

Câu 13: Từ ngày lập quốc cho đến ngày nay, nước Việt Nam đã trải qua hơn 4000 năm lịch sử.

Câu 14: Ở phương Nam của quận Giao Châu, người dân đã tô bồi nền giang sơn nước Việt.
Trụ tâm nâng đỡ quốc hồn,

Giữ bền đảnh nghiệp vĩnh tồn hậu lai.

Trụ tâm 住 心: Đứng vững cái tâm, tức là đem cái tâm ý vào một chỗ, chuyên chú và một đối tượng, một cảnh, không để tâm bị tán loạn, chạy theo duyên ở quá khứ, hiện tại hay tương lai.

Nâng đỡ: Giúp đỡ để nâng lên.

Quốc hồn 國 魂: Linh hồn của đất nước, chỉ về tinh thần đặc biệt của một quốc gia.

Đảnh nghiệp: Hay Đỉnh nghiệp鼎 業. Đỉnh là cái vạc có ba chân, nghiệp là sự nghiệp. Đảnh nghiệp là cơ nghiệp to lớn, cơ nghiệp của nhà vua.

Vĩnh tồn 永 存: Tồn tại vĩnh viễn, còn mãi mãi.

Hậu lai 後 來: Đến sau, sau này.

Câu 15: Cùng nhau vững tâm mà nâng đỡ hồn của đất nước.

Câu 16: Rán giữ gìn cơ nghiệp to lớn của nhà vua để lưu truyền mãi mãi về sau.
Kìa CHÍ TÔN CAO ĐÀI đương ngự,

Rưới hồng ân chặt giữ biên cương.

Chí Tôn 至 尊: Rất tôn quí, chỉ Đức Thượng Đế.

Cao Đài 高 臺: Một cái đài cao ở Linh Tiêu Điện, Ngọc Hư Cung, là nơi ngự của Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế.

Đức Chí Tôn ban cho bài thi để giải thích hai chữ Cao Đài như sau:



Linh Tiêu nhứt tháp thị Cao Đài

靈 霄 一 塔 是 高 臺



Đại hội quần Tiên thử ngọc giai.

大 會 群 仙 此 玉 階



Vạn trượng hào quang tùng thử xuất

萬 丈 毫 光 從 此 出



Cổ danh bửu cảnh Lạc Thiên Thai.

古 名 寶 境 樂 天 台


Nghĩa là: Linh Tiêu Điện có một tháp gọi Cao Đài.

Đại hội các Tiên họp tại nơi bệ ngọc nầy.

Muôn trượng hào quang từ nơi ấy mà chiếu ra.

Tên khi xưa, cảnh báu đó gọi Lạc Thiên Thai.



Hồng ân 洪 恩: Ơn huệ to lớn. Đây chỉ ơn huệ của Đức Chí Tôn.

Chặt giữ: Gìn giữ một cách chặt chẽ.

Biên cương 邊 疆: Đồng nghĩa với các từ biên cảnh 邊 境, biên thùy 邊 陲 đều có nghĩa là biên giới, nơi bờ cõi tiếp giáp với nuớc khác.

Câu 17: Kìa là Đức Chí Tôn, Ngọc Hoàng Thượng Đế đang ngự trên Cao Đài nơi Ngọc Hư Cung.

Câu 18: Ngài chan rưới ân huệ to lớn xuống cho dân chúng chung hưởng để cùng gìn giữ biên cương chặt chẽ.
Sống thì định bá đồ vương,

Qui Thiên dựng lại miếu đường thuở xưa.

霸: Vua của một nước chư hầu mạnh, thống lãnh các chư hầu nhỏ.

Vương 王: Vua một nước lớn, đứng trên bá.

Đồ 圖: Mưu tính lo liệu.

Định Bá 定 霸: Sắp đặt, lo tính gây dựng nghiệp bá, tức là đánh dẹp và thần phục các nước chư hầu để làm bá chủ.

Nghiệp bá thì dùng bá đạo để trị nước. Bá đạo trọng hình pháp, binh quyền, tín thuật.

Trong thời Xuân Thu đã có năm vị vua dùng bá đạo mà hùng cường một thời, làm minh chủ các nước chư hầu khác, gọi là ngũ bá, tức Tề Hoàn Công, Tấn Văn Công, Tần Mục Công, Tống Tương Công,và Sở Trang Vương. Những vị vua này không phải là bậc tài đức cao, mà chỉ nhờ biết tin dùng người hiền, có chính sách khéo léo làm cho dân giàu, binh mạnh và làm chủ được những chư hầu khác.

Đồ vương 圖 王: Mưu tính tạo dựng nghiệp vương, tức dùng vương đạo để trị nước. Vương đạo áp dụng chính sách nhân trị, nghĩa là dùng đức nhân mà trị dân, dùng lễ nghĩa để giáo hóa dân, đó là sự nghiệp của bậc vương giả. Bậc vương giả là người có đạo đức hoàn toàn, lấy điều công chính nhân nghĩa mà trị thiên hạ.

Mạnh Tử đã định nghĩa nghiệp vương bá như sau: Người dùng sức mạnh mà mượn tiếng làm điều nhân, là bá; người làm bá tất phải có nước lớn. Người lấy đức làm điều nhân là vương; người làm vương không đợi có nước lớn (Dĩ lực giả nhân giả bá; bá tất hữu đại quốc. Dĩ đức hành nhân giả vương; vương bất đãi đại 以 力 假 仁 者 霸, 霸 必 有 大 國. 以 德 行 仁 者 王, 王 不 待 大).



Qui thiên 歸 天: Trở về cõi Trời, Ý chỉ sự chết.

Miếu đường 廟 堂: Đồng nghĩa với thái miếu 太 廟, thế miếu 世 廟, tông miếu 宗 廟, tất cả đều chỉ nơi thờ tự Tổ tiên dòng họ của nhà vua.

Câu 19: Đức vua khi còn sống thi lo tính việc vương bá để giúp cho dân chúng và đất nước.

Câu 20: Khi được qui Thiên rồi về cõi Thiêng Liêng thì gầy dựng lại cái tông miếu của Chơn linh.





tải về 1.6 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương