ĐẠI ĐẠo tam kỳ phổ ĐỘ TÒa-thánh tây-ninh chú giảI



tải về 1.6 Mb.
trang4/10
Chuyển đổi dữ liệu28.07.2016
Kích1.6 Mb.
#8421
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10

CHƯƠNG THỨ CHÍN
KINH VÀO ĂN CƠM

I.-KINH VĂN:
KINH VÀO ĂN CƠM
Giữa vạn vật con người một giống,

Phải uống ăn nuôi sống thây phàm.

Từ Bi ngũ cốc đã ban,

Dưỡng nuôi con trẻ châu toàn mảnh thân.

Công Thần Nông hóa dân buổi trước,

Dạy khôn ngoan học chước canh điền.

Nhớ ơn bảo mạng Huyền Thiên,

Con mong mượn xác đoạt quyền vĩnh sanh.


II.-CHÚ GIẢI:
Giữa vạn vật con người một giống,

Phải uống ăn nuôi sống thây phàm.

Vạn vật 萬 物: Muôn vật, chỉ tất cả các loài sinh vật nơi thế gian.

Một giống: Một loài giống như nhau.

Thây phàm: Thể xác phàm tục.

Câu 1 và 2: Con người cũng như bao sinh vật khác, sống ở thế gian này, cần phải ăn uống để nuôi sống thây phàm.

Vạn vật và con người đều có bẩm thụ một điểm Chơn linh của Chí Tôn phân tánh, song mỗi vật đều có một hình thể hữu hình khác nhau, tùy theo trình độ tiến hóa của từng Chơn linh đó. Con người, so với muôn vật, có tánh linh hơn hết, vì bẩm thụ tam hồn: sanh hồn, giác hồn và linh hồn, vì thế cơ thể loài người cũng tiến hóa hơn loài vật. Cơ thể đó muốn tồn tại và trưởng thành, nó phải mượn vật thực ở thế gian để ăn uống, nuôi dưỡng hằng ngày. Thức ăn vì vậy cũng cao hơn loài vật.

Từ cổ xưa loài người đã biết tìm hoa quả để ăn, sau đó các thánh nhân đã dạy kết cây làm tổ, săn bắt thú rừng, chim cá mà ăn, đây là thời kỳ ngư lạp. Đến khi vua Thần Nông đẽo gỗ chế ra cày bừa, dạy dân làm ruộng và tìm ra ngũ cốc để làm lương thực cho dân, đó là tiến đến giai đoạn nông nghiệp, là giai đoạn con người đã biết dùng cơm, gạo để ăn rồi vậy.
Từ Bi ngũ cốc đã ban,

Dưỡng nuôi con trẻ châu toàn mảnh thân.

Từ Bi 慈 悲: Chỉ Đức Chí Tôn.

Ngũ cốc 五 穀: Năm thứ hạt để làm lương thực: Đạo 稻: Lúa gạo, lương 糧: lúa nếp, thúc 菽: Đậu, mạch 麥: lúa mì, tắc 稷: hạt kê.

Châu toàn 週 全: Vẹn khắp, không có sót hở chỗ nào. Giúp đỡ người khổ.

Câu 3 và 4: Nhờ ơn Đức Thượng Đế đã ban cho con người năm thứ lương thực để nuôi dưỡng thân phàm cho được đầy đủ và vẹn khắp.

Chí Tôn sinh hóa ra con người là một thực thể hữu hình, có mặt trên cõi hồng trần này, không phải tạo nên hình rồi để tự sống, mà Ngài phải khiến các bậc Thánh nhân xuống trần để chỉ dạy con người làm tổ để tự bảo vệ lấy mình, làm lúa để có cơm mà ăn, tìm thuốc để được trị bệnh.

Như trên ta biết, ngoài việc tìm ra lúa khoai để con người nuôi sống thây phàm, vua Thần Nông còn tìm ra các vị thuốc để trị bệnh dân, dạy dân hợp chợ búa để trao đổi hóa vật, dạy dân định cư, xây dựng gia đình tông tộc để tiến đến xã hội nông nghiệp.

Xem thế, lòng của Thánh nhân cũng noi theo lòng từ bi của Đức Thượng Đế. Người tu hành cũng phải trau luyện, giồi mài cho lòng của mình như bậc Thánh nhân, tức là phát huy tư tưởng phục vụ lợi ích cho sanh chúng, đó là tạo công quả trong thời Tam Kỳ Phổ Độ vậy.


Công Thần Nông hóa dân buổi trước,

Dạy khôn ngoan học chước canh điền.

Thần Nông 神 農: Theo sách Thượng Thư Đại Truyện thì Thần Nông là một vị vua thứ ba trong thời Tam Hoàng, đó là Toại Nhân 燧 人, Phục Hy 伏 羲, Thần Nông 神 農.

Thần Nông hiệu là Viêm Đế 炎 帝, là vị vua thời Thượng cổ, trị vì sau vua Phục Hy. Ngài có công dạy dân đẽo gỗ chế ra cày bừa để làm ruộng, hợp chợ búa để dân trao đổi hóa vật, nếm các thứ cây cỏ để làm vị thuốc cho dân trị bệnh.

Đến thời vua Thần Nông con người mới biết định cư, sống hợp quần theo nông nghiệp. Ngài có công lớn trong việc tìm các loại ngũ cốc, khoai củ để làm lương thực cho dân chúng thời bấy giờ, và mãi mãi sau này.

Hóa dân 化 民: Giáo hóa nhơn dân, tức dạy cho nhơn dân từ cách sống cho đến những phép tắc ở đời.

Các vị vua thời Thượng cổ ngoài việc trị dân, cũng là những vị Thánh nhân có công giáo hóa dân, bảo vệ dân.

Trong sách cổ có viết: Hữu Sào dạy dân biết kết cành làm tổ để trú ẩn; Toại Nhân bày cho dân chúng khoang gỗ lấy lửa để nấu chín đồ ăn; Phục Hy dạy dân nuôi thú vật để sai khiến, làm lưới để săn và đánh cá, nuôi tằm, vẽ bát quái chỉ cái lẽ âm dương biến hóa của muôn vật, chế đàn cầm, đàn sắt, dạy dân phép cưới vợ gã chồng, từ đó mới có danh từ gia tộc, Thần Nông chế tạo cày bừa, dạy dân cày cấy, tìm các loại ngũ cốc để thế thịt thú cầm, và nếm cây cỏ tìm vị thuốc để giúp dân trị bệnh.

Canh điền 耕 田: Cày ruộng.

Câu 5: Con xin mang ơn Vua Thần Nông vì Ngài có công dạy dỗ dân chúng buổi trước.

Câu 6: Dạy cho dân chúng được khôn ngoan mà biết cày cấy làm ruộng để tạo ra ngũ cốc cho dân dùng.
Nhớ ơn bảo mạng Huyền Thiên,

Con mong mượn xác đoạt quyền vĩnh sanh.

Bảo mạng: Hay bảo mệnh 保 命: Bảo vệ sanh mạng, bảo vệ mạng sống.

Huyền thiên 玄 天: Chữ Huyền là màu trời. Huyền thiên là chỉ Trời, Đấng Tạo hóa, Đấng Chí Tôn.

Mượn xác: Mượn lấy xác phàm.

Đoạt quyền vĩnh sanh 奪 權 永 生: Đoạt được quyền hằng sống, tức đạt Đạo để về cõi Thiêng Liêng Hằng Sống.

Câu 7: Chúng con nhớ đến ơn các bậc Thánh đã tìm cách bảo vệ mạng sống cho con ví như ơn Tạo Hoá.

Thời Thượng cổ, các Thánh nhân ngoài việc trị dân còn tìm cách giáo hóa, bảo vệ mạng sống của dân, công ơn ấy rất cao dày được ví như ơn Đấng Huyền Thiên, tức ơn Tạo Hóa (Vì Thánh chất của Đấng Tạo Hóa hay Chí Tôn là Bảo sanh).

Sách Hàn Phi Tử viết: Đời Thượng cổ, người thì ít mà cầm thú thì nhiều, nhân dân không thắng được loài chim thú, rồng rắn, nhờ có Đấng Thánh nhân dấy lên, kết cây làm tổ cho dân chúng có chỗ ở để tránh tai hại, nhân dân mang ơn, tôn làm vua thiên hạ, hiệu là Hữu Sào.

Đến đời vua Thần Nông cũng vậy, Ngài dạy dân từ thời kỳ ngư lạp (Săn và đánh cá), tiến đến thời kỳ nông nghiệp, con người bắt đầu sống hợp quần và định cư, biết làm ruộng để lấy lương thực, biết tìm cây cỏ để làm thuốc.

Sách Thương Quân khen đời vua Thần Nông như sau: Đời Thần Nông, con trai cày mà ăn, con gái dệt mà mặc, không dùng hình, chính, mà dân được trị, không dấy binh đao mà làm vua được thiên hạ.

Thực là một đời vua có công rất lớn cho con người thời bấy giờ và mãi mãi về sau.



Câu 8: Con mong mượn cái xác phàm phu này để quyết chí tu hành hầu đoạt vị nơi cõi Thiêng Liêng Hằng Sống.

Thượng Đế tạo lập nên Càn khôn Vũ trụ, hóa sanh vạn vật và ban cho con người một điểm Linh quang, tức là một thực thể vô hình, có tính cách trọn lành. Khi nhập thế, Chơn linh đến từng cõi giới, phải tiếp nhận mỗi cõi một cái vỏ để thích hợp với từng cõi giới đó. Đến cõi hồng trần, Chơn linh khoác lên cái thân xác cuối cùng phù hợp với cõi giới này là hình hài xác thịt.

Để có mặt và tồn tại, con người phải hít thở khí của Trời, uống ăn vật thực của đất, tức là phải thọ biết bao nhiêu ân đức của Đấng Huyền Thiên (Thượng Đế). Vì vậy,con người phải biết báo đền nguồn ân ấy bằng cách giữ vẹn khối Chơn linh cho nhẹ nhàng trong sạch để làm sao Chơn linh ấy có thể phản bổn huờn nguyên, hầu hòa nhập cùng Thượng Đế.

Muốn vậy, con người phải mượn cái thân xác nặng nề, ô trược này lo trau luyện, giồi mài tâm tánh, nghĩa là dẹp bỏ thất tình lục dục, tu dưỡng thân thể tinh khiết bằng cách gìn giữ trai giới, có tư tưởng thanh cao, phát huy bản thể trọn lành của Đức Thượng Đế và thường xuyên lễ bái để tâm thần được thông công, giao cảm với Thiêng Liêng hầu phàm thân trở nên Thánh thể. Lúc ấy Chơn linh mới nhẹ nhàng, trong sạch mà qui nguyên cõi Hằng sống (Vĩnh sanh).



CHƯƠNG THỨ MƯỜI
KINH KHI ĂN CƠM RỒI

I.-KINH VĂN:
KINH KHI ĂN CƠM RỒI
Nguyện nhớ ơn nông canh nhằn nhọc,

Nguyện ơn người lúa thóc giã xay.

Ngậm cơm ơn ngậm hằng ngày,

Nên người con nguyện ra tài lợi sanh.

Con cầu xin mảnh hình tráng kiện,

Giúp nên công xây chuyển cơ Đời.

Trên theo pháp luật Đạo Trời,

Dưới thương sanh chúng một lời đinh ninh.(1)


II.-CHÚ GIẢI:
Nguyện nhớ ơn nông canh nhằn nhọc,

Nguyện ơn người lúa thóc giã xay.

Nông canh: Hay canh nông 耕 農: Cày ruộng, chỉ những công việc của nông nghiệp: Cày, cấy, gieo, gặt...

Nhằn nhọc: Hay nhọc nhằn, vất vả.

Lúa thóc: Các loại lúa gạo.

Giã xay: Xay lúa và giã gạo.

Câu 1: Con nguyện nhớ ơn những người làm ruộng nhọc nhằn, vất vả.

Câu 2: Nguyện nhớ đến công ơn người xay lúa giã gạo cực khổ để làm nên hột cơm nuôi sống con hằng ngày.

Ăn uống là việc hằng ngày của con người buộc ai cũng phải có. Ăn để cung cấp chất dinh dưỡng cơ thể, bổ sung năng lượng cho con người hoạt động. Vật thực tiến theo từng thời kỳ: Thời kỳ hái lượm thì con người ăn rau quả; đến thời kỳ ngư lạp thì con người đánh bắt cá hay săn thú rừng mà ăn thịt; sang đến thời nông nghiệp, con người không có thể tìm kiếm những tài nguyên sẵn có trong thiên nhiên nữa, mà phải tự trồng lấy khoai củ, ngũ cốc. Do vậy, có được lương thực và thực phẩm cho con người ăn phải qua nhiều công sức của con người làm ra.

Người bình dân Việt Nam đã thấy được cái công lao của người nông dân sản xuất ra hạt gạo rất nên nhọc nhằn, nên thường nhắc nhở trong ca dao:

Ai ơi! Bưng bát cơm đầy,

Dẻo thơm một hột, đắng cay muôn vàng.

Còn đối với người hiểu đạo, phải tìm cái lý sâu xa hơn nữa, đó là nguồn gốc của ân đức ấy. Những bậc Thánh nhân xưa, không phải vì mình ở mà kết cây làm tổ để bảo vệ thân mình, không phải vì mình ăn mà tìm ra ngũ cốc để nuôi sống cơ thể mình, không phải vì mình bệnh mà tìm thuốc để chửa trị cho mình. Các bậc Thánh nhân ấy, vì theo lòng thương yêu của Thượng Đế mà chỉ dạy cho con người biết làm nhà để ở, biết trồng lúa để ăn, biết tìm thuốc để trị bịnh. Có hiểu như vậy, người ta mới thấy rằng ân đức của người xưa rất nên sâu nặng, và công sức làm ra hạt gạo thật rất nhọc nhằn.

Trong Bài Ngự chế của vua Thần Tông có nói rằng: Thân mình mặc áo phải nhớ đến khó nhọc của người đàn bà dệt lụa, Cơm ngày ba bữa phải nghĩ đến khổ cực của người cày cấy (Thân phi nhất lũ, thường tư chức nữ chi lao; nhật thực tam xan, mỗi niệm nông phu chi khổ 身 披 一 縷, 常 思 織 女 之 勞; 日 食 三 餐, 每 念 農 夫 之 苦).


Ngậm cơm ơn ngậm hằng ngày,

Nên người con nguyện ra tài lợi sanh.

Ngậm cơm, ơn ngậm: Ngậm một hột cơm để ăn thì phải hiểu như ngậm ơn, tức là mang ơn người làm ra hạt gạo.

Lợi sanh 利 生: Điều lợi ích cho sanh chúng.

Câu 3: Hằng ngày, ăn một hột cơm vào miệng thì mang ơn người làm ra lúa gạo.

Câu 4: Khi nên người, con nguyện đem hết tài sức của mình ra để làm lợi ích cho nhơn loại.

Biết được công đức của Thánh nhân xưa chỉ dạy cho con người làm ra lương thực để sống, biết được công ơn của nhiều người chung góp sức lực nhọc nhằn để tạo ra hạt cơm để con người có độ nhựt, thì người tu học phải có tâm nguyện vay mượn công ơn đó mà đem cái tài sức sẵn có của mình mạnh dạn phục vụ lợi ích cho nhơn sanh, như lời Thánh giáo của Chí Tôn đã dạy: “Vậy Thầy khuyên các con, đứa nào có trí lực bao nhiêu, khá đem ra mà thi thố, chớ đừng sụt sè theo thói nữ nhi, vậy cũng uổng cái điểm Linh quang của Thầy ban cho các con lắm”. Như vậy, ta cũng trả được một phần nào công đức mà ta đã vay mượn của xã hội.


Con cầu xin mảnh hình tráng kiện,

Giúp nên công xây chuyển cơ Đời.

Mảnh hình: Tấm thân hình, thân thể.

Tráng kiện 壯 健: Mạnh khoẻ.

Xây chuyển: Chuyển động xoay vòng, làm cho thay đổi, cái cũ thế cái mới.

Cơ đời: Guồng máy của đời, tức là tất cả các thứ sinh hoạt của con người ở thế gian.

Câu 5 và 6: Con cầu xin cho mảnh thân hình của con được khoẻ mạnh để con có thể giúp công cuộc sửa đổi đời tốt đẹp hơn.
Trên theo pháp luật Đạo Trời,

Dưới thương sanh chúng một lời đinh ninh.

Đạo Trời: Đạo của Đức Chí Tôn, tức là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.

Sanh chúng: Hay chúng sanh 眾 生: Tất cả những loài có sự sinh, đồng nghĩa với vạn vật.

Đinh ninh 叮 嚀: Căn dặn nhiều lần, Gìn một mực không thay đổi.

Câu 7: Con nguyện trên thì gìn giữ theo luật pháp của nền Đạo.

Câu 8: Và nguyện hết lòng thương yêu tất cả sanh chúng, không bao giờ thay đổi.



CHƯƠNG THỨ MƯỜI MỘT


KINH HÔN PHỐI

I.-KINH VĂN:

KINH HÔN PHỐI
Cơ sanh hóa Càn Khôn đào tạo,

Do Âm Dương hiệp đạo biến thiên.

Con người nắm vững chủ quyền,

Thay Trời tạo thế giữ giềng nhơn luân.

Ở trước mặt Hồng Quân định phận.

Đạo vợ chồng đã xứng nợ duyên.

Trăm năm khá nhớ hương nguyền,

Chồng hay trọn nghĩa, vợ hiền trọn trinh.

Đã cùng gánh chung tình hòa ái,

Tua đúc cơm, sửa dải làm duyên.

Dưới trăng bóng ngọc còn nguyên,

Ôm bình, bao tóc sang hèn cũng cam.

Đường tổ nghiệp nữ nam hương lửa,

Đốt cho nồng từ bữa ba sanh.

Giữa đền để một tấc thành,

Đồng sanh, đồng tịch đã đành nương nhau.

NGUYỆT TÂM CHƠN NHƠN
II.-NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA:
Kinh Hôn Phối là một Bài Kinh do Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn giáng cơ ban cho chúng sanh trong thời Tam Kỳ Phổ Độ. Bài Kinh Hôn Phối này được các đồng nhi tụng đọc trong khi vị chức sắc hành pháp hôn phối cho đôi tân lang, tân giai nhân trong chánh Điện tại Tòa Thánh Tây Ninh.

Hôn phối là phối hợp hôn nhân giữa người con trai và người con gái với nhau nên duyên vợ chồng.

Theo triết lý Nho giáo, Trời đất có âm dương, con người có vợ chồng. Sách Lễ Ký viết: Một âm thì không sinh, một dương thì không lớn, cho nên Trời đất phối hợp âm dương; nam dùng nữ lập gia thất, nữ dùng nam tạo gia đình, cho nên nhân sinh sánh đôi bởi vợ chồng (Cô âm tắc bất sinh, độc dương tắc bất trưởng, cố thiên địa phối dĩ âm dương, nam dĩ nữ vi thất, nữ dĩ nam vi gia, cố nhân sinh ngẫu dĩ phu phụ 孤 陰 則 不 生, 獨 陽 則 不 長, 故 天 地 配 以 陰 陽; 男 以 女 為 室, 女 以 男 為 家, 故 人 生 偶 以 夫 婦).

Phàm âm hoặc dương cái gì lẻ một là không sinh được. Phải có cái chẳng đôi để tương đối, tương điều hòa với nhau thì mới có sự sinh hóa. Cơ 奇 là lẻ, ngẫu 偶 là chẳn: Một cái cơ phối hợp với một cái cơ khác để thành ngẫu thì mới sinh được. Vì thế Trời đất lấy âm dương phối hợp cơ ngẫu để sinh hóa ra vạn vật. Cho nên Hệ Từ hạ nói rằng: Đức lớn của Trời đất là sự sinh (Thiên địa chi đại đức viết sinh 天 地 之 大 德 曰 生).

Đạo của Đức Khổng Tử, theo đạo Trời đất, cốt lấy sự sinh làm trọng hơn cả. Ngài cho rằng sự sinh của vạn vật là theo lẽ tự nhiên. Con người cũng là một phần của vạn vật, cũng theo lẽ Trời đất mà biến hóa, nên phải phối ngẫu nam nữ: Trai phải có vợ, gái phải có chồng, phối hợp âm dương mới có sinh trưởng được.

Đạo Cao Đài, một nền tân tôn giáo, có tôn chỉ Nho tông chuyển thế, cho nên thế luật có qui định về đạo nghĩa vợ chồng và được Chí Tôn ban cho bí tích làm phép Hôn phối kết hợp hai cá thể nam và nữ để phối hợp nên chồng, vợ mà ăn ở với nhau yêu thương, hòa thuận trên hai phương diện thể xác và tinh thần, theo đạo nhân luân của Nho giáo, như bốn câu mở đầu bài Kinh Hôn Phối:



Cơ sanh hóa Càn Khôn đào tạo,

Do Âm Dương hiệp đạo biến thiên.

Con người nắm vững chủ quyền,

Thay Trời tạo thế giữ giềng nhơn luân.


III.-CHÚ GIẢI:
Cơ sanh hóa Càn Khôn đào tạo,

Do Âm Dương hiệp đạo biến thiên.

Cơ sanh hóa: Hay sanh hóa cơ 生 化 機: Bộ máy sinh hóa. Chỉ bộ máy sinh hóa của Trời, sinh hóa ra vạn vật.

Càn khôn 乾 坤: Trời đất, hay Âm dương.

Đào tạo 陶 造: Nặn đúc cho thành hình, nhồi nắn tạo ra.

Âm dương 陰 陽: Đạo Cao Đài đã quan niệm sự tạo thành Âm dương cùng sự biến hóa ra Âm dương như sau:

Sau khi ngôi Thái Cực được hình thành thì Đức Chí Tôn đã ngự trên ngôi ấy. Sau đó, ngôi Thái Cực bèn phóng ra một vầng quang minh phân định khí khinh thanh nhẹ nhàng bay lên làm Trời, khí trọng trược nặng nề ngưng giáng xuống làm đất, đó là hai khí Dương và khí Âm (lưỡng nghi).

Hai khí Âm dương quanh lộn, đun đẩy nhau trong khoảng không gian rồi hổn hiệp cùng nhau mà sinh ra Tứ tượng (lưỡng nghi sinh tứ tượng). Tứ tượng mới lăn quay như chong chóng để tạo thành bát quái. Bát quái mới biến hóa vô cùng vô tận để tạo nên Càn khôn Vũ trụ.

Âm dương chính là cơ động tịnh mầu nhiệm của Trời đất. Nếu không có Âm dương, muôn vật sẽ không thể hóa sanh. Nhờ có Âm dương tác động lẫn nhau nên mới tạo ra mọi cuộc biến hóa trên đời, Trời đất và vạn vật cũng nhờ đó mà sinh thành. Nếu chỉ có Âm mà không có Dương, hay ngược lại, có Dương mà không có Âm thì cuộc biến hóa cũng không thành hình, một Âm ấy rồi cũng tiêu, một Dương ấy rồi cũng diệt, vì cô Dương bất sinh, độc Âm bất trưởng 孤 陽 不 生, 獨 陰 不 長. Vậy Âm dương là hai yếu tố đi đôi với nhau, dung hòa nhau, tương phản nhau, bổ túc cho nhau. Chính nhờ sự tương hòa, tương phản nhau như nóng, lạnh, sáng tối, cứng mềm, ngày đêm...mà vạn vật biến chuyển không ngừng. Hệ Từ Thượng viết: Cương nhu tương thôi nhi sinh biến hóa 剛 柔 相 摧, 而 生 變 化 (Cứng mềm đun đẩy nhau mà sinh ra biến hóa).



Hiệp đạo 協 道: Hiệp hai con đường lại.

Biến thiên 變 遷: Sự vật biến hóa thay đổi.

Câu 1: Càn khôn Vũ trụ và vạn vật là do cơ sanh hóa của Đức Chí Tôn đào tạo ra.

Câu 2: Do hai chất khí Âm quang và Dương quang hiệp lại mà biến hóa sinh ra.

Âm dương là hai thể tương đối trong Dịch học, hay hai chất khí Dương quang và Âm quang do Thái Cực hóa sanh, Chí Tôn làm chủ Dương quang, Phật Mẫu làm chủ Âm quang, theo triết lý Cao Đài.

Phàm đã nói biến hóa, thì cái đơn nhất, không biến đổi được, mà phải có hai cái tương đối, tương hòa thì mới sinh hóa được. Hai thể tương đối tương điều hòa như động tĩnh, cứng mềm, mới có thể đun đẩy nhau, điều hòa nhau mà sinh ra thiên hình vạn trạng, cho nên Dịch có nói rằng: Cương nhu tương thôi nhi sinh biến hóa 剛 柔 相 推 而 生 變 化: Cứng mềm đun đẩy nhau mà sinh ra biến hóa.

Trong Kinh Lễ 經 禮 Khí âm hay sinh nhưng phải có khí dương mới sinh được; khí dương hay nuôi vật nhưng nếu không có khí âm thì không lớn được. Cho nên trai phải có vợ, gái phải có chồng, phối hợp âm dương mới có thể sinh trưởng được.


Con người nắm vững chủ quyền,

Thay Trời tạo thế giữ giềng nhơn luân.

Chủ quyền 主 權: Quyền của người làm chủ.

Thay Trời: Do chữ thế thiên 替 天: Thay mặt cho Trời, thay mặt cho Tạo hóa.

Tạo thế 造 世: Tạo lập cõi thế gian.

Giữ giềng: Gìn giữ giềng mối.

Mối giềng là do hai chữ kỷ cương 紀 綱, có nghĩa là xếp dây tơ có mối, tóm dây tơ lại thành nắm mà không rối. Ý nói đâu ra đó, có đầu có đuôi đúng phép.

Nhơn luân 人 倫: Hay nhân luân, là luân thường thứ bực của con người, tức là những qui tắc để con người cư xử với nhau cho hợp lẽ và đạo đức.

Câu 3 và 4: Sanh xuống thế gian để làm con người, được Chí Tôn ban cho cái chủ quyền để thay thế Ngài tạo lập ra cõi thế gian và phải gìn giữ giềng mối đạo làm người.

Vạn vật ở thế gian này sở dĩ có là nhờ có sự sinh của Trời đất. Cho nên Hệ từ của Dịch nói rằng: Đức lớn của Trời đất là sự sinh: Thiên địa chi đại đức viết sinh 天 地 之 大 德 曰 生.

Con người là một phần trong vạn vật, cho nên cũng phải theo lẽ Trời mà biến hóa, nhưng chỉ có cái phần vật chất biến hóa mà thôi, còn cái phần tinh thần là của Trời ban cho con người, thì bao giờ cũng có cái tư cách độc lập, và năng lực tự do để cố gắng trau luyện tiến lên cho đến chí thiện, chí mỹ. Nếu con người biết dụng công phu mà tạo ra một tinh thần tốt đẹp, mạnh mẽ, và khí lực linh hoạt là đã theo đạo Trời đất mà sinh hóa rồi vậy.

Con người hợp với đức sinh của Trời đất là thiện, trái với đức sinh là ác. Do vậy cái quan niệm về sự thiện ác của Khổng giáo là gốc ở sự sinh.

Đạo Trời có bốn đức: Nguyên, hanh, lợi, trinh để bồi dưỡng sự sinh, thì đạo người cũng phải theo đạo Trời nuôi dưỡng bốn đức: Nhân, nghĩa, lễ, trí.

Như vậy, Con người được Trời ban cho một Thiên tánh, và Đất tạo ra hình hài, thay Trời đất thực hiện sự sinh hóa ở cõi thế gian để tạo lập một xã hội loài người, nhưng phần Thiên tánh của Trời ban cũng cần cố gắng trau giồi và gìn giữ mối nhơn luân (tức nhân, nghĩa, lễ, trí) để hợp với sự sinh của Trời đất.


Ở trước mặt Hồng Quân định phận.

Đạo vợ chồng đã xứng nợ duyên.

Hồng quân 洪 鈞: Cái khuôn lớn dùng để nặn ra các đồ vật. Nghĩa bóng chỉ Đấng Tạo Hóa, Đức Chí Tôn.

Định phận 定 分: Định đoạt hay sắp đặt số phận.

Đạo vợ chồng: Qui tắc cư xử cho hợp đạo lý của người vợ lẫn người chồng. Theo Nho giáo, đạo vợ chồng là Phu thê cang.

Đạo vợ chồng được Tào Đại gia dạy như sau: Vợ chồng lấy nghĩa làm thân, lấy ơn để hòa hợp, nếu đánh đập nhau thì còn nghĩa gì nữa, chửi mắng quát tháo nhau thì còn ơn gì nữa. Ơn nghĩa đã tuyệt mà không lìa nhau thì thật hiếm có vậy (Phu phụ dĩ nghĩa vi thân, dĩ ân vi hiệp, nhược hành sở thát nghĩa dục hà vi? Xí mạ sất sá ân dục hà ân? Ân nghĩa ký tuyệt, tiển bất ly hĩ 夫 婦 以 義 為 親, 以 恩 為 合; 若 行 楚 撻 義 欲 何 為? 詈 罵 叱 詫 恩 欲 何 恩? 恩 義 既 絕, 鮮 不 離 矣).



Nợ duyên: Hay duyên nợ, là mối dây ràng buộc do nợ nần tạo ra từ kiếp trước của người vợ lẫn người chồng. Hay nói cách khác, do nghiệp lực của tiền kiếp lôi kéo cho hai người nam nữ phối hiệp nhau để tạo nên hạnh phúc, gọi là duyên, hay đền trả oan trái khổ đau, gọi là nợ.

Câu 5 và 6: Đứng trước luật công bình của Đấng Tạo Hóa, duyên phận cho hai vợ chồng đã được định sẵn, vì vậy phải cư xử với nhau sao cho xứng với nợ duyên.
Trăm năm khá nhớ hương nguyền,

Chồng hay trọn nghĩa, vợ hiền trọn trinh.

Trăm năm: Do câu trong Kinh Lễ: “Nhân thọ dĩ bách niên vi kỳ 人 壽 以 百 年 為 期”: Đời sống của con người lấy trăm tuổi làm kỳ hạn. Chỉ một đời người. Chuyện trăm năm có nghĩa chuyện kết hợp giữa vợ chồng.

Hương nguyền: Đốt hương để thề nguyền với nhau. Ngày xưa trai gái yêu nhau thường lập bàn hương án để cùng thề nguyền. Hoặc chỉ núi và biển để thề với nhau, nên cũng gọi là thề non hẹn biển.

Trọn nghĩa: Giữ tròn vẹn đạo nghĩa, tức cư xử vẹn toàn đạo đức.

Trọn trinh: Giữ trọn vẹn lòng trong sạch và ngay thẳng với người chồng.

Câu 7: Sống với nhau suốt đời phải giữ thủy chung, nghĩa là phải nhớ đến những ngày đầu hai người thề nguyền cùng nhau.

Câu 8: Bổn phận của người chồng tốt thì phải giữ trọn đạo nghĩa, người vợ hiền thì phải giữ trọn trinh.
Đã cùng gánh chung tình hòa ái,

Tua đúc cơm, sửa dải làm duyên.

Đã cùng gánh: Đã cùng nhau gánh vác.

Chung tình: Theo Hán Việt Từ Điển, Đào Duy Anh, có hai nghĩa như sau:

Chung tình 鍾 情: Ái tình rất mật thiết, tựa hình như đúc nên.

Chung tình 終情: Mối tình yêu nhau cho đến phút cuối, tình yêu chung thủy.

Hòa ái 和 愛: Yêu thương và hòa thuận với nhau.

Đút cơm: Đút cơm cho ăn, điển này lấy tích Tống Hoằng đút cơm cho người vợ mù ăn.

Trong “Nữ Trung Tùng Phận” của Bà Đoàn Thị Điểm cũng có nói về truyện Tống Hoằng như sau:



Tống Hoằng chí trượng phu không đổi,

Giữ nhân luân sợ lỗi đạo hằng.



Từ duyên Công chúa giao thân,

Đút cơm vợ quáng ân cần dưỡng nuôi.

Sách Hậu Hán chép: Tống Hoằng có người vợ chẳng may bị mù lòa. Hằng ngày ông vừa phải làm việc quan, vừa phải lo đút cơm và chăm sóc cho vợ. Câu chuyện đến tai Hồ Dương Công chúa, chị của vua Quang Vũ mới góa chồng. Nàng muốn tái giá cùng Tống Hoằng. Vua nghe nói, bèn cùng bàn luận với quần thần để hỏi xem ý của Công chúa thế nào, Công chúa nói: Tống Hoằng oai nghi, lễ giáo, quần thần chẳng ai bì kịp. Vua bảo Hồ Dương Công chúa ngồi sau bình phong, rồi triệu Tống Hoằng vào cung mà hỏi rằng: Giàu đổi bạn, sang đổi vợ, là thường tình không? Tống Hoằng tâu: Bạn bè lúc nghèo hèn chớ nên quên, người vợ lúc tấm mẳn có nhau, chớ khá bỏ (Bần tiện chi giao mạc khả vong, tào khang chi thê bất khả hạ đường 貧 賤 之 交 莫 可 忘, 糟 糠 之 妻 不 可 下 堂).

Hồ Dương Công chúa ngồi núp sau màn nghe vậy thì biết việc không xong rồi, lấy làm hổ thẹn nhưng vẫn có lòng kính trọng Tống Hoằng là người có tình nghĩa.



Dải: Trang phục của quan thời xưa có những dải lụa cột vào áo hay mão thả thòng mối xuống, làm cho vẻ uy nghi.

Sửa dải: Chỉnh sửa những dải lụa trên áo và mão trước khi chầu vua hay ra công đường. Đây chỉ bổn phận của người vợ hiền thời xưa chăm sóc cho chồng theo đạo “sửa túi nâng khăn”.

Sửa dải lấy theo điển tích sau: Châu Công Đán là con của vua Văn Vương, theo phò tá và trợ giúp cho Võ Vương dựng nghiệp nhà Châu trở nên thái bình thạnh trị và chế ra nghi lễ để dạy dỗ nhơn dân được trật tự , đạo đức. Vợ Châu Công là một mạng phụ đảm đang, hiền thục như bà Đoàn Thị Điểm đã tả trong Nữ Trung Tùng Phận:



Vợ Châu Công đình thần mạng phụ,

Ở thôn quê lam lụ làm ăn.

Chồng thì triều nội cao sang,

Vợ lo canh cửi cơ hàn khổ thân.

Thường ngày ngoài việc lo lắng và săn sóc cho chồng, bà còn giúp chồng chỉnh sửa áo mão trước khi Châu Công vào chầu vua; lo tháo dải và xếp cất áo mão khi Châu Công triều bái trở về nhà. Với sự chu toàn về nội trợ của bà, khiến cho Châu Công có thời giờ lo cho triều đình và nhơn dân để trọn đạo hiền thần. Thật là:

Giúp chồng đặng ân cần nhiếp chánh,

Cho nên trang chúa Thánh tôi hiền.

Vợ không tham nhũng bạc tiền,

Chồng lo trọn đạo nắm quyền chăn dân.



Câu 9: Đã cùng yêu thương thắm thiết thì phải có trách nhiệm gánh vác gia đình và giữ tình yêu thương hòa ái cùng nhau.

Câu 10: Nghĩa là phải có bổn phận chăm sóc từ miếng cơm manh áo cho nhau.(Như Tống Hoằng lo cho người vợ và Bà Châu Công săn sóc cho chồng vậy).
Dưới trăng bóng ngọc còn nguyên,

Ôm bình, bao tóc sang hèn cũng cam.

Bóng ngọc: Bóng dáng người ngọc, chỉ bóng dáng người con gái đẹp đẽ.

Dưới trăng bóng ngọc được lấy từ câu: “Nguyệt di hoa ảnh ngọc nhân lai 月 移 花 影 玉 人 來”: Dưới bóng trăng, bóng hoa mà có người đẹp như ngọc đến. Tả cảnh người đẹp ban đêm.



Bóng ngọc còn nguyên: Giữ nguyên vẹn sự trinh tiết của người con gái.

Bình 屏: Ken nhiều bức vẽ làm một mảng gọi là bình như bình đối 屏 對: Là ken mấy bức tranh lại để treo cho kín tường vách. Như vậy bình có nhiều bức vẽ treo kế nhau.

Ôm bình: Ôm bức tranh vẻ hình con chim sẻ. Do điển tích như sau: Xạ tước bình nhi trúng mục, Đường Cao đắc thê 射 雀 屏 而 中 目, 唐 高 得 妻 (Bắn mắt chim sẻ nơi bức hình trúng, Đường Cao Tổ được vợ).

Bộ Đường thư chép: Ông Đậu Nghị có người con gái rất đẹp nết và đẹp người. Ông thường nói với vợ rằng: Con nhỏ nầy có tướng tốt, lại đẹp song toàn, phải lựa người có tài cung kiếm và có đạo đức mà gả nó mới được. Ông bèn cho vẽ một con chim sẻ trên một bức bình (tranh), bảo những người gắm ghé đến cầu hôn bắn một mũi tên, người nào bắn trúng vào mắt con chim sẻ thì được gả con gái cho. Trong số những người đến dự bắn có ông Lý Uyên bắn trúng ngay mắt con chim sẻ. Đâụ Nghị bèn nhận làm rể. Hai vợ chồng bèn lưu bức hình làm kỷ vật cho duyên đôi lứa.

Về sau, Lý Uyên dựng nên cơ nghiệp nhà Đường, xưng là Cao Tổ và phong cho vợ là con gái Đậu Nghị làm Hoàng hậu, gọi là Đậu Hoàng hậu.

Bao tóc: Lấy vải lụa bao tóc lại, thề để bảo vệ lòng trinh tiết.

Trong sách Ấu Học Quỳnh Lâm có câu: “Đổng thị đối phu phong phát, trinh tiết kham khoa 董 氏 對 夫 封 髮, 貞 節 堪 誇” Nàng Đổng Thị đứng trước chồng bao tóc, trinh tiết đáng khen. Câu này hay từ “Bao tóc” là do điển tích sau:

Đường Thư chép: Ông Giả Trực Ngôn là một vị quan, vì có công việc mà phạm tội bị đày đi Lĩnh Nam, bèn từ biệt cùng vợ là bà Đổng Thị rằng: Sự sống chết không thể hẹn kỳ, nay tôi bị tội đày 20 năm, ra đi không biết sống chết thế nào, nàng ở lại nên tái giá để nương tựa tấm thân! Vợ khóc mà không đáp lại, chỉ lấy dây buộc tóc, bao ngoài bằng vải lụa, nhờ Trực Ngôn viết lên rằng: Chẳng phải tay chàng, không mở (Phi quân thủ bất giải 非 君 手 不 解).

Sau đó, Trực Ngôn bị đi đày, Hai mươi năm sau mới được trở về, chữ và lụa trên đầu vợ còn rành rạnh, đến khi đem nước nóng gội tóc, tóc rụng tất cả. Thật là “trinh tiết” đáng khen!



Sang hèn cũng cam: Dầu cho sang hèn cũng cam chịu.


tải về 1.6 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương