ĐẠI ĐẠo tam kỳ phổ ĐỘ TÒa-thánh tây-ninh chú giảI



tải về 1.6 Mb.
trang2/10
Chuyển đổi dữ liệu28.07.2016
Kích1.6 Mb.
#8421
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10
CHƯƠNG THỨ NHÌ


KINH NHẬP HỘI
I.-KINH VĂN:

KINH NHẬP HỘI
Trên Bạch Ngọc Chí Tôn cao ngự,

Giữa Tây phương nắm giữ Thiên điều.

Dưới Ngọc Hư, kể bao nhiêu,

Thiêng Liêng các Đấng lập triều trị dân.

Một nuôi nấng tinh thần tinh khiết,

Hai dạy răn cho biết tội tình.

Ba lo trị thế thái bình.

Cộng chung Pháp luật Thiên Đình chí công.

Các con vốn trong vòng Thánh thể,

Phép tu vi là kế tu hành.

Mở đường tích cực oai linh,

Cậy phương thuyết giáo vẽ thành kinh chơn.

Đại Từ Phụ ra ơn dìu dẫn,

Diệt trí phàm: Hờn, giận, ghét, ganh.

Để tâm dưới ánh Chí linh,

Soi tường chơn lý chỉ rành chánh văn.

Cơ chuyển thế khó khăn lắm nỗi,

Mượn Thánh ân xây đổi cơ Đời.

Thuận nhơn tâm ắt thuận Trời,

Câu kinh Vô Tự độ người thiện duyên.

Nguyện Ơn Trên cho yên trí não,

Nguyện Phật, Tiên dạy bảo Chơn linh.

Mạng danh Hội Thánh đã đành,

Nâng tay nhục thể xây hình Chí Tôn.


II.-NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA:
Kinh Nhập Hội cũng là một bài Kinh do Đức Hộ Pháp soạn ra, có nhờ Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn chỉnh văn lại.

Kinh Nhập Hội là một bài Kinh dành cho chủ tọa đoàn và tất cả các người tham gia vào cuộc họp, cùng với đồng nhi tụng đọc trước khi bắt đầu phiên hội nghị, để cầu cho cuộc hội được thành công tốt đẹp.

Hội họp là một sinh hoạt thường xuyên trong tôn giáo Cao Đài, nhằm mục đích thảo luận chương trình hành đạo, tổng kết việc đạo cuối năm...

Ngoài ra, Đạo Cao Đài còn có tổ chức những phiên nhóm họp lớn như: Hội Nhơn Sanh, Hội Thánh và Thượng Hội, đây là ba hội lập quyền vạn linh, nhằm mục đích lập pháp, sửa đổi luật, kiểm soát các cơ quan Cửu Trùng Đài, tìm phương giúp Hội Thánh điều hành nền Đạo, mỗi ngày một phát triển tốt đẹp hơn.

Vì vậy, trước mỗi phiên nhóm đều có tụng đọc bài Kinh Nhập Hội này nhằm để cầu nguyện các Đấng Thiêng Liêng ban cho phiên họp được thành công tốt đẹp.
III.-CHÚ GIẢI:
Trên Bạch Ngọc Chí Tôn cao ngự,

Giữa Tây phương nắm giữ Thiên điều.

Bạch Ngọc: Bạch Ngọc Kinh, là nơi ngự của Đức Chí Tôn. (Xem chú thích ở câu 11 bài Kinh Thuyết pháp).

Chí Tôn cao ngự 至 尊 高 御: Đức Chí Tôn, Ngọc Hoàng Thượng Đế ngự trên cao là tòa Bạch Ngọc Kinh nơi cõi Thiêng liêng.

Tây Phương 西 方: Cực Lạc Thế Giới là một cõi do Phật A Di Đà chưởng quản. Cõi này ở về phía Tây đối với Ta Bà Thế giới, nên còn được gọi là Tây Phương Cực Lạc 西 方 極 樂.

Thiên điều 天 條: Luật pháp của Trời.

Câu 1: Đức Chí Tôn ngự trên tòa Bạch Ngọc Kinh cao vọi trên cõi Thiêng liêng.

Câu 2: Ở giữa là cõi Cực Lạc Thế Giới, có chư Phật nắm giữ Thiên điều.
Dưới Ngọc Hư, kể bao nhiêu,

Thiêng Liêng các Đấng lập triều trị dân.

Ngọc Hư: Tức Ngọc Hư Cung 玉 虛 宮: Nơi ngự triều của Đức Chí Tôn, Ngọc Hoàng Thượng Đế. Ngọc Hư Cung cũng là nơi các Đấng Thiêng Liêng Thần, Thánh, Tiên, Phật đến chầu lễ Đức Chí Tôn và hội họp điều khiển cả Càn Khôn Thế giới. Nói cách khác, Ngọc Hư Cung là Thiên triều, là triều nghi của Đức Chí Tôn.

Lập triều trị dân 立 朝 治 民: Xây dựng triều nghi để cai trị toàn thể Càn Khôn Thế Giới và tất cả chúng sanh.

Câu 3 và 4: Nơi Cung Ngọc Hư, các Đấng Thiêng Liêng họp triều đình để nắm quyền điều khiển Càn Khôn Thế Giới.
Một nuôi nấng tinh thần tinh khiết,

Hai dạy răn cho biết tội tình.

Nuôi nấng: Nuôi dưỡng.

Tinh Thần 精 神: Trái với thể chất, tinh thần là phần sáng suốt, Thiêng liêng trong con người. Nhờ nó người ta mới hiểu được điều phải trái, việc hay dở, nhờ có nó người ta mới linh hơn cả vạn vật và có một địa vị cao quí trong Vũ trụ.

Tinh thần được người ta gọi bằng nhiều tên, Đạo Cao Đài gọi Thiên lương 天 良, là cái phần sáng suốt tự nhiên do Chí Tôn ban cho con người; Nho giáo gọi Minh đức 明 德, hay Lương tri 良 知, hay Trực giác 直 覺, tức là cái khiếu tri giác rất mẫn tiệp, có thể đạt ngay đến chân lý của các sự vật. Cái khiếu tri giác ấy do ở trong tâm của con người, là cái thần minh làm chủ tể tất cả những tư tưởng, tình cảm và những hành vi của con người.



Tinh khiết 精 潔: Trong sạch, sạch sẽ.

Tinh thần tinh khiết 精 神 精 潔: Tinh thần trong sạch.

Tinh thần là cái phần sáng suốt Thiêng liêng sẵn có trong con người chúng ta, tự nó đã thuần nhiên trong sạch, nhưng bởi nhập vào thể xác phàm phu, bị lôi cuốn vào đường nhơn dục, nên vọng động, mê mờ, trở thành ô trược không tinh khiết.

Muốn tinh thần tinh khiết, phải có một tư tưởng tinh khiết. Để cho tư tưởng tinh khiết thì phải giữ tâm hư tĩnh, không để cho vật dục che mờ cái phần sáng suốt tự nhiên, nên khi có việc gì cảm đến là ứng ngay được và biết rõ hết mọi lẽ.

Lòng của con người hư tĩnh bao nhiêu, thì trực giác càng mẫn huệ bấy nhiêu. Chính Hệ từ thượng trong Dịch đã nói lên điều đó: Không nghĩ gì, không làm gì, im lặng không động, đến lúc cảm thì thông suốt được mọi duyên cớ trong thiên hạ. (Vô tư dã, vô vi dã, tịch nhiên bất động, cảm nhi toại thông thiên hạ chi cố 無 思 也, 無 為 也, 寂 然 不 動, 感 而 遂 通 天 下 之 故).

Tâm hư tĩnh tức là không để tư tâm tư ý xu hướng về lợi hại, thiệt hơn, cầu lấy thú vui riêng mình, mà làm cho cái phần Thiêng liêng là Thiên lương bị mê mờ, không thấy rõ cái Thiên lý lưu hành trong Vũ trụ.

Để cầu xin các Đấng ban bố cho những điễn quang thiêng liêng để nuôi nấng tinh thần tinh khiết thì trước nhứt chúng ta phải giữ cái xác thân trong sạch.

Trong Phương luyện kỷ của Đức Hộ Pháp đặng vào con đường thứ ba Đại Đạo có dạy về luyện thân và luyện trí như sau:


  • Ẩm thực tinh khiết.

  • Tư tưởng tinh khiết (trình bày ở trên).

  • Tin tưởng mạnh mẽ nơi Chí Tôn, Phật Mẫu.

  • Thương yêu vô tận.

  • Ấy là chìa khóa mở của Bát Quái Đài tại thế.

Dạy răn: Dạy dỗ theo đường đạo lý và răn cấm những hành vi tội ác.

Tội tình 罪 情: Những việc làm trái đạo lý, phạm pháp, bị pháp luật trừng trị. Những hành vi hung ác, tạo nhiều tội lỗi, sẽ thọ ác nghiệp.

Câu 5: Các Đấng Thiêng Liêng trong Ngọc Hư Cung có nhiệm vụ thứ nhứt là dìu dắt chúng sanh theo đường đạo đức để nuôi nấng cái tinh thần được tinh khiết.

Câu 6: Nhiệm vụ thứ hai là dạy dỗ con người nên người đạo đức và răn cấm những hành vi tội lỗi.

Tâm là phần sáng suốt, nhưng vì ngoại vật làm nhiễu loạn ngũ quan của con người, cho nên cái tâm bị mờ tối đi, không biết rõ các vật, bởi thế thường sinh ra sai lầm, tội lỗi.

Tội tình càng gây ra bao nhiêu, càng tạo nhiều nghiệp báo bấy nhiêu, nên khiến cho con người phải đắm chìm trong luân hồi sanh tử mãi.

Vì thế, các bậc Thánh nhân hay các Tôn giáo đều tìm cách ngăn ngừa những hành vi hung ác, gây nên các tội tình.

Theo Cao Đài, con người vì vô minh, bị thất tình lục dục sai khiến, mới gây ra nhiều hành vi tội ác, nên có thể nói thế gian là nơi chứa nhiều tội lỗi.

Đức Chí Tôn vốn là Đấng Từ bi bác ái, thương yêu sanh chúng, nên xá tội cho muôn loài trong thời mở nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ này.

Người tu hành phải biết điều nào có phương hại cho người, tạo thành tội ác mà luật ngăn cấm hay các Đấng dạy răn không nên làm. Nếu lỡ như có tội, phải biết ăn năn chừa lỗi, cải tà qui chánh, lo tu tâm sửa tánh thì Chí Tôn sẽ tha thứ hết các thứ tội tình và oan nghiệt như Kinh Giải Oan viết:

Chí Tôn xá tội giải oan,

Thánh, Thần, Tiên, Phật cứu nàn độ vong.

Ngoài ra, trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Thầy cũng có nói: “Thầy lại nói, buổi lập Thánh Đạo, Thầy đến độ rỗi hết kẻ có tội lỗi. Nếu đời không có tội lỗi, đâu nhọc đến công Thầy.

Ấy vậy, các con rán độ kẻ tội lỗi là công lớn làm cho Thầy vui hơn hết”.
Ba lo trị thế thái bình.

Cộng chung Pháp luật Thiên Đình chí công.

Trị thế 治 世: Trị đời, tức là làm cho đời được yên ổn.

Thái bình 太 平: Rất bình yên. Đời rất yên ổn và đất nước thạnh trị.

Pháp luật 法 律: Những điều khoản của một nước hay một Tôn giáo định ra để làm qui tắc hành vi cho con người.

Đạo Trời đất hay đạo người thường dùng lễ để sửa cải thiên hạ, song nếu có những người hay ương ngạnh, không chịu theo giáo hóa thì tất nhiên phải có pháp luật để răn cấm, ngăn ngừa những kẻ gây việc bạo ngược. Điều này Tuân Tử có viết như sau: Phàm hình pháp là cái gốc của thiên hạ, ngăn cấm điều bạo ngược, ghét bỏ điều ác là để răn những điều chưa xảy ra. (Phàm pháp hình, nhân chi bản, cấm bạo ố ác, thả trưng kỳ mạt dã 凡 法 刑, 人 之 本, 禁 暴 惡 惡, 且 徵 其 末 也).



Thiên đình 天 廷: Triều đình ở Thiêng Liêng, hay chỉ cõi Thiêng Lieng Hằng Sống.

Chí công 至 公: Rất ngay thẳng, rất công bình.

Mọi hành vi, mọi sự việc ở nơi thế gian đều có tính cách tương đối: Từ pháp luật, luân lý đạo đức, sự ứng xử của con người đối với nhau chỉ có công bình một cách tương đối, vì phán xét bị thiên kiến, bị giới hạn của thời gian và không gian. Còn sự công bằng nơi cõi Thiêng Liêng mới thực sự là tuyệt đối. Chính vì thế, nơi Tòa Thánh Tây Ninh, vừa bước vào cửa có đấp một bàn tay sơn màu trắng nắm cán cân, tượng trưng bàn tay Chí Tôn cầm cân công bình đo tội phước chúng sanh. Do vậy, Đức Chí Tôn được gọi là Đấng Chí Công.



Câu 7: Nhiệm vụ thứ ba của các Đấng Thiêng Liêng nơi Ngọc Hư Cung là tạo cảnh thái bình thạnh trị ở thế gian.

Câu 8: Nơi Thiên đình thi hành pháp luật rất nên công bình.
Các con vốn trong vòng Thánh thể,

Phép tu vi là kế tu hành.

Vốn trong vòng: Nguyên ở trong phạm vi.

Thánh thể 聖 體: Hình thể Đức Chí Tôn, tức là Hội Thánh Cửu Trùng Đài.

Vi 微: Nhỏ nhít, rất nhỏ.

Phép tu vi: Hay tu vi pháp 修 微 法, phương pháp tu sửa từ những điều xấu, ác nhỏ nhặt nhứt, không bỏ bất cứ một lỗi nhỏ nào.

Thói thường, người ta thường khinh dể những điều nhỏ nhít: Việc nhỏ nhặt người ta thường không thèm để ý đến, hay không muốn làm đến, tỷ như việc làm phước, thấy điều nhỏ không đáng làm, nên bỏ qua; còn việc dữ, tưởng lỗi mọn, vẫn cứ làm. Điều này Kinh Sám Hối có dạy khuyên ta như sau:



Việc lành chẳng khá bỏ qua,

Tuy là nhỏ nhít cũng là công phu.

Hoặc:

Thấy lỗi mọn chớ nghi chẳng hại,

Thường dạn làm tội lại hằng hà.

Vì chưng tích thiểu thành đa,

Họa tai báo ứng chẳng qua mảy hào.

Vua Chiêu Liệt đời nhà Hán có dạy con là vua Hậu Chủ như sau: Dù cho những việc thiện nhỏ cũng chớ nên bỏ qua mà không làm, dù cho những việc ác nhỏ cũng chớ làm.(Vật dĩ thiện tiểu nhi bất vi, vật dĩ ác tiểu nhi vi chi 勿 以 善 小 而 不 為 ,勿 以 惡 小 而 為 之).

Câu 9: Các con vốn ở trong vòng thánh thể của Đức Chí Tôn.

Câu 10: Phương thức tu sửa cho nên người tốt đẹp là từ những việc nhỏ, đó là kế của người tu hành.
Mở đường tích cực oai linh,

Cậy phương thuyết giáo vẽ thành kinh chơn.

Tích cực 積 極: Làm việc gì mà vụ tiến thủ thì gọi là tích cực, trái lại thì gọi tiêu cực.

Oai linh: Hay uy linh 威 靈: Oai nghiêm và linh hiển.

Cậy phương: Dựa vào phương thức, nhờ vào phương cách.

Thuyết giáo 說 教: Thuyết giảng giáo lý, hay giảng giải giáo pháp.

Kinh chơn: Hay chân kinh 真 經, kinh ghi chép đúng theo chơn lý của chư Phật, Tiên. Chân kinh còn có nghĩa Chơn giáo, Chánh giáo.

Câu 11: Khai mở ra con đường tích cực và oai nghiêm linh hiển.

Câu 12: Nhờ vào phương thức thuyết giảng về chơn lý, truyền bá mối Đạo Trời để độ nhơn sanh qui về chánh Đạo.

Đức Chí Tôn mở Đạo trong thời hạ nguơn mạt Pháp này bằng huyền diệu cơ bút. Lúc đầu tiên, Ngài đến với các thiên sứ bằng văn chương thi phú, lần hồi Ngài dìu dắt vào đường đạo đức và dẫn đển khai nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ với tôn chỉ qui Tam giáo, hiệp Ngũ chi.

Đức Chí Tôn là cha chung của chúng sanh và chủ của chư Thần, Thánh, Tiên, Phật. Vì vậy những giáo pháp của các Đấng, Ngài qui lại thành một mối để chính mình Ngài mở Đạo cứu đời trong thời Tam Kỳ Phổ Độ, như lời Thánh giáo đã dạy: “Thầy nhứt định đến chính mình Thầy độ rỗi các con chẳng chịu giao chánh giáo cho tay phàm nữa và qui nguyên phục nhứt Ngũ chi Đại Đạo là Nhơn Đạo, Thần Đạo, Thánh Đạo, Tiên Đạo, Phật Đạo”.

Những Kinh Luật, Giáo lý của nền Đại Đạo đều do các Đấng Thiêng Liêng giáng cơ ban cho:

- Luật Pháp: Có Tân luật và Pháp chánh truyền.

- Thánh giáo của Đức Chí Tôn và các Đấng Thiêng Liêng được tuyển tập thành Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.

- Kinh gồm Thiên Đạo và Thế Đạo Kinh.

Như vậy, Giáo pháp và Kinh luật của nền Đại Đạo này đều do Chí Tôn và các Đấng Thiêng Liêng giáng cơ ban cho chúng sanh, đó thực là một nền Chơn giáo, có đầy đủ Chơn pháp và Chơn kinh.


Đại Từ Phụ ra ơn dìu dẫn,

Diệt trí phàm: Hờn, giận, ghét, ganh.

Đại Từ Phụ 大 慈 父: Đấng cha lành lớn hơn hết.

Đây là một từ mà các tín đồ Cao Đài dùng để gọi Đức Chí Tôn, Đấng có công sanh hóa ra muôn loài vạn vật, có lòng thương yêu chúng sanh vô bờ bến, nuôi nấng và dìu dẫn một cách đồng đều, tựa như một vị cha lành có lòng tha thiết, chắt chiu lo cho các con còn bé nhỏ: “Các con ôi! Thầy lấy đức háo sanh mà dìu dắt các con, chẳng khác nào như kẻ làm cha nâng niu dạy dỗ một trẻ bé trông cho mau trưởng thành, hầu lưu danh truyền nghiệp cho có tên tuổi với đời”(Thánh Ngôn Hiệp Tuyển).



Dìu dẫn: Dẫn dắt, tức là Chí Tôn dùng Thánh giáo để dạy dỗ chúng sanh biết đường chơn lý và theo đó mà dẫn dắt về cõi Thiêng Liêng Hằng Sống.

Diệt 滅: Tiêu diệt, làm cho mất đi.

Trí phàm: Hay phàm trí 凡 智: Trí của người phàm phu, tức là trí tầm thường của kẻ chưa dứt phiền não, còn luyến ái tham dục, chìm đắm trong đường danh nẻo lợi, chưa giác ngộ.

Câu 13: Cầu xin Đại Từ Phụ ra ơn dẫn dắt cho con.

Câu 14: Được sáng suốt để diệt những thói hờn giận ghét ganh trong trí não phàm tục của con.

Thánh trí là cái trí sáng suốt phát ra từ Thiên tánh mà Chí Tôn ban cho con người. Người có Thánh trí là người đã dứt được vô minh, phiền não, hết mê lầm, tức là cái trí của chư Phật, Tiên và chư Bồ Tát.

Thánh trí sở dĩ bị mê mờ là bởi phàm trí che lấp, nếu chúng ta diệt được phàm trí thì đương nhiên Thánh trí sẽ hiện rõ, mà Phật gọi là trí bát nhã, nhờ đó làm nên con thuyền để đưa con người đến bờ giác ngộ.
Để tâm dưới ánh Chí linh,

Soi tường chơn lý chỉ rành chánh văn.

Tâm 心: Tâm không phải là khối thịt. Phàm chỗ nào có tri giác, ấy là tâm, như tai mắt: biết trông, biết nghe, biết đau, biết mỏi, cái tri giác ấy được gọi là tâm.

Trần Hi Di Tiên Sinh nói về chữ tâm như sau:



Tam điểm như tinh tượng,

三 點 如 星 象

Hoành câu tự nguyệt tà;

橫 鉤 似 月 斜

Phi mao tùng thử đắc,

披 毛 從 此 得

Tố Phật dã do tha.



做 佛 也 由 他

Nghĩa là:



Trên có ba chấm như hình ba vì sao,

Nét cong phía dưới giống như hình vòng cung của mảnh trăng tà.

Vạch lông ra thì thấy được tâm,

Thành Phật cũng bởi tại tâm ấy mà nên.

Theo Dương Minh, người là tâm của Trời đất muôn vật. Tâm là chủ của Trời đất muôn vật. Tâm tức Trời, nói tâm là nói cả Trời đất muôn vật rồi (Nhân giả thiên địa vạn vật chi tâm dã, tâm giả thiên địa vạn vật chi chủ dã. Tâm tức thiên, ngôn tâm tắc thiên địa vạn vật giai cử chi hĩ 人 者 天 地 萬 物 之 心 也, 心 者 天 地 萬 物 之 主 也, 言 心 則 天 地 萬 物 皆 舉 之 矣).

Theo Cao Đài, Tâm hay Lương tâm là khiếu Thiêng liêng của Đức Chí Tôn ban cho con người, như lời Thánh giáo đã dạy: “Lương tâm của các con là một khiếu thiêng liêng của Thầy ban để sửa trị riêng các con trong đường tội lỗi và ban thưởng trong việc nhơn đức”.

Tâm này sáng suốt thanh tịnh tuyệt đối, thường trụ bất biến và bao trùm vũ trụ. Cái tâm ấy đồng với bản thể vũ trụ, nên có tính bất nhị: không có sự phân chia nhĩ ngã, nội ngoại, đó là các tâm đại bình đẳng của Chí Tôn mà bên Phật gọi là tâm Bát nhã hay tâm chân như. Bởi thế, Đức Diêu Trì Kim Mẫu hằng khuyên chúng sanh cố gắng trau giồi chữ Tâm:



Gắng sức trau giồi một chữ Tâm,

Đạo đời muôn việc khỏi sai lầm.



Tâm thành ắt đạt đường tu vững,

Tâm chánh mới mong mối Đạo cầm.



Tâm ái nhơn sanh an bốn biển,

Tâm hòa thiên hạ trị muôn năm.



Đường tâm cửa thánh dầu chưa vẹn,

Có buổi hoài công bước Đạo tầm.

(Thánh Ngôn Hiệp Tuyển)

Trái với tâm Phật là tâm chúng sanh, một loại tâm đầy ô nhiễm, bất tịnh, phiền não và tham dục. Tâm chúng sanh được phát sinh ra từ tư duy chấp ngã, khiến trở nên vô minh, mê loạn, nhân đó mới bị đau khổ trong luân hồi sanh tử.



Chí linh 至 靈: Rất linh thiêng, linh hiển cùng cực. Đây chỉ Đức Chí Tôn.

Tường 詳: Rõ, biết.

Chơn lý 真 理: Cái lẽ chơn thật, cái lẽ tự nhiên, xác thật, không biến đổi theo thời gian và không gian.

Chánh văn 正 文: Văn chương, nghĩa lý ngay thẳng, chơn thật.

Mục đích của văn chương đối với cổ nhân là “văn dĩ tải Đạo” (文 以 載 道 Lấy văn chở Đạo). Vì thế, tất cả các sách của Thánh hiền xưa đều viết ra một cách ngay thẳng, chơn thật, không ngoài việc giáo hóa cho con người trở nên chơn chất hiền lương.



Câu 15: Con xin hướng trọn tâm theo ánh Thiêng liêng của Đức Chí Tôn.

Câu 16: Nhờ ánh Thiêng liêng ấy soi tỏ cho con rõ biết chơn lý và thấu suốt lẽ ngay thật.

Để tâm theo Đức Chí Tôn tức là hướng tâm theo đường tu niệm. Hễ tu thì phải học, tu và học là cái thể và cái dụng của việc tu. Cầu kinh, lễ bái, niệm Phật là cái thể, cố tâm học tập, thực hành theo lời dạy của Chí Tôn dạy trong Kinh, ấy là cái sở dụng.

Tu là thực tập theo lời Kinh đã dạy mà áp dụng vào công phu tu tập để chuyển hóa tự thân, xa lìa khổ não. Do vậy người tu cần phải tìm hiểu, học hỏi nghĩa lý của Kinh như sách xưa có dạy rằng: Tụng kinh giả minh Phật chi lý 誦 經 者, 明 佛 之 理: Tụng kinh là cần hiểu rõ giáo lý của Phật mà đem ứng dụng vào cuộc sống hằng ngày của mình, rồi tự tháo gỡ mọi phiền não, kiến chấp đang trói buộc tâm tư của mình, đem lại sự an lạc ngay trong hiện tại và giải khổ trong tương lai.

Trực ngôn quyết trong Nho giáo cũng có dạy rằng: Tạo chúc cầu minh, độc thư cầu lý: Minh dĩ chiếu ám thất, lý dĩ chiếu nhơn tâm 造 燭 求 明, 讀 書 求 理: 明 以 照 暗 室, 理 以 照 人 心. Đốt đuốc để soi sáng, đọc sách là cầu đạo lý: Ánh sáng để soi nhà tối, đạo lý để soi lòng người.

Tóm lại, muốn soi tường chơn lý chỉ rành chánh văn, hành giả phải cố công tìm hiểu, học hỏi ý nghĩa trong kinh sách hầu có một nhận thức sáng suốt trên đường tu học.
Cơ chuyển thế khó khăn lắm nỗi,

Mượn Thánh ân xây đổi cơ Đời.

Cơ chuyển thế 轉 世 機: Chuyển thế là thay đổi, xoay chuyển lại đời. Cơ chuyển thế là một thời kỳ hay một cơ quan làm thay đổi thế giới, từ loạn lạc ra thạnh trị, từ xấu xa ra tốt đẹp.

Thời Tam Kỳ Phổ Độ là thời Hạ nguơn mạt Pháp, con người vì danh lợi mà đua tranh giành giựt, tương tàn tương sát lẫn nhau, tội ác dẫy đầy không kể luân thường đạo lý. Đạo Cao Đài khai mở, đem công bằng và thương yêu ban rải khắp mọi nơi và lấy tôn chỉ Nho tông chuyển thế để đem những tinh hoa của Nho giáo xây dựng một cảnh đời đạo đức, thanh bình và an lạc. Đó là thực hiện cơ chuyển thế của Đức Chí Tôn.



Thánh ân 聖 恩: Ân huệ của Đức Chí Tôn.

Xây đổi: Xây chuyển và biến đổi.

Cơ đời: Một bộ máy của thế gian.

Sự sinh hoạt nơi thế gian giống như một bộ máy, nó chuyển điều hòa về tinh thần vật chất thì bộ máy hoạt động được dài lâu, nếu nó rối loạn thì bộ máy phải bị ngừng, phải chuyển đổi lại cho thích hợp. Bộ máy đời (cơ đời) hiện nay đang hướng về nền văn minh vật chất, quên đi đạo đức tinh thần, đưa nhơn loại vào vòng tranh đấu, giành giựt, sắp đến chỗ diệt vong. Vì thế, Đức Chí Tôn mới mở Đạo kỳ ba này lấy Nho tông để chuyển thế, nhằm đem lại một thế giới Đại đồng thánh đức.



Câu 17: Cơ chuyển thế trong thời kỳ này gặp nhiều nỗi khó khăn.

Câu 18: Nhờ ân huệ của Đức Chí Tôn thương xót chúng sanh mà xoay chuyển cho cơ đời để đưa nhơn loại vào đời Thánh đức.

Thực vậy, nếu cơ đời chỉ vì văn minh vật chất, không có tinh thần đạo đức để kềm chế thì nhơn loại sẽ bị đưa đến nạn diệt vong. Trong Đại Thừa Chơn Giáo có viết: “Đến Hạ ngươn, sự tranh đấu ngày càng ráo riết, dữ tợn gớm ghê thì nhơn loại lại chê sức mạnh mà dùng não cân, nên mới bày ra chước quỉ mưu tà, kế sâu bẫy độc, thiệt là khốc liệt phi thường. Song đó cũng lẽ tự nhiên, càng tranh đấu mới càng tấn hóa. Ngặt càng tranh đấu lắm lại càng ác liệt lắm, nếu tranh đấu thét phải đến ngay thời kỳ tiêu diệt”.

Trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Thánh giáo Đức Chí Tôn cũng có dạy: “Nào nhân xưa, nào đức trước, nào sách Thánh, nào lời Hiền, trải qua chưa trăm năm mà cuộc cờ đời đã rữa phai hạnh đạo. Thế thì nhơn loại, nếu chẳng có mối huyền vi để nhắc chừng tâm tánh, sẽ vì mồi danh lợi, miếng đỉnh chung mà cắn xé giựt giành, giết hại lẫn nhau cho đến buổi cùng đường, rồi vì hung bạo ấy mà cõi dinh hoàn này chẳng còn sót dấu chi của nhân vật cả”.

Mối huyền vi của Đức Chí Tôn tức là nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ vậy.


Thuận nhơn tâm ắt thuận Trời,

Câu kinh Vô Tự độ người thiện duyên.

Thuận nhơn tâm 順 人 心: Thuận theo lòng người.

Thuận Trời: Tức thuận Thiên lý, thuận theo lòng Trời.

Thuận nhơn tâm ắt thuận Trời: Phương ngôn thường nói: Ý dân là ý Trời, như vậy thuận theo lòng dân tức là thuận theo lòng Trời, hay nói cách khác, thuận nhân tâm ắt thuận Trời. Theo Mạnh Tử: Thuận theo lẽ Trời thì được còn, mà nghịch với lẽ Trời thì phải mất (Thuận Thiên giả tồn, nghịch Thiên giả vong 順 天 者 存, 逆 天 者 亡).

Kinh Vô tự: Hay Vô tự Kinh 無 字 經: Kinh không có chữ. Trong bài Kinh Đệ Ngũ Cửu có câu:

Lần vào Cung Ngọc Diệt Hình,

Khai Kinh Vô tự đặng nhìn quả duyên.

Vô tự là một quyển Kinh ở Cung Ngọc Diệt Hình, trong quyển kinh ấy không có chữ viết. Khi Chơn hồn đối diện với quyển kinh thì sẽ hiện rõ ra tên họ, cùng với những hành vi thiện ác trong kiếp sanh của Chơn hồn nơi cõi thế gian.

Ở đây, Kinh Vô tự hiểu theo nghĩa bóng như là những lời thuyết giáo, thuyết pháp.

Trong thời Hạ nguơn, nhơn loại mãi đua theo văn minh vật chất, nên con người có xu hướng trọng thực tiển, ít để tâm đến đạo đức tinh thần trong kinh sách. Vì vậy, khi đạo Cao Đài khai mở, Chí Tôn thường dạy các bậc tiền khai hãy đem lời Thánh giáo Chí Tôn truyền đạt cho sanh chúng bằng những đàn thuyết đạo. Ngài nói: “Dầu cho sắt đá cỏ cây mà nghe Thánh ngôn của Thầy nơi con nói ra cũng hoan nghinh, huống lựa là người”. Đây là Vô tự kinh trong thời Tam Kỳ Phổ Độ, một phương cách rất thuận lợi cho việc phổ độ thời bấy giờ.

Thiện duyên 善 緣: Duyên lành, duyên may, duyên phần.

Người có duyên lành (duyên may) là người gặp được một thời kỳ đại ân xá của Đức Chí Tôn, và mở ra nền Đại Đạo. Đức Lý Đại Tiên có dạy: “Mở một mối Đạo chẳng phải là thường tình, mà sanh nhằm đời đặng gặp mối Đạo cũng chẳng phải dễ”.

Trong Thánh thi cũng có câu:

Hạnh ngộ Cao Đài truyền Đại Đạo,

幸 遇 高 臺 傳 大 道

Hảo phùng Ngọc Đế ngự trần gian.

好 逢 玉 帝 御 塵 間

Nghĩa là:



May mắn gặp được Cao Đài truyền nền Đại Đạo,

Duyên lành gặp lúc Ngọc Đế ngự xuống trần gian.

Sở dĩ chúng ta được hưởng cái duyên lành (tức có duyên phần) là do kết quả của việc làm đạo đức từ trong kiếp trước. Do vậy, kiếp nầy ta cũng lo tạo lập công đức để dành cho kiếp lai sinh. Thánh giáo Chí Tôn dạy: “Thầy vì đức háo sinh, nên chẳng kể bực Chí Tôn cầm quyền thế giới, đến lập Đại Đạo Tam Kỳ trong lúc hạ nguơn nầy mà vớt sinh linh khỏi vòng khổ hải. Ai biết Đạo tức là có duyên phần, ai vô Đạo tức là số chịu hình khổ luân hồi”.

Câu 19: Thuận theo lòng người thì ắt là thuận theo lòng Trời.

Câu 20: Lời thuyết đạo như Vô tự kinh có thể cứu giúp cho những người đầy đủ duyên lành.
Nguyện Ơn Trên cho yên trí não,

Nguyện Phật, Tiên dạy bảo Chơn linh.

Ơn Trên: Đồng nghĩa với Thiên ân, ơn Trời. Đây chỉ Đức Chí Tôn.

Yên trí não: Trí não được an ổn, không lo lắng, không phiền muộn, không giận hờn...

Chơn linh 真 靈: Một Linh hồn, một điểm Linh quang của Chí Tôn ban cho con người và muôn vật.

Câu 21: Cầu xin Đức Chí Tôn giúp cho con trí não được an ổn.

Câu 22: Nguyện cầu chư Phật Tiên dạy bảo Chơn linh của chúng con.
Mạng danh Hội Thánh đã đành,

Nâng tay nhục thể xây hình Chí Tôn.

Hội Thánh 聖 會: Một chánh thể của Đạo Cao Đài, gồm các chức sắc đối phẩm hàng Thánh, tức là từ Giáo Hữu hoặc tương đương trở lên.

Trong bài thuyết Đạo của Đức Hộ Pháp ngày 5/3/1928 có định nghĩa Hội Thánh như sau: “Hội Thánh tức là đám Lương sanh của Thầy tom góp lại làm một. Cả Lương sanh ấy, Thầy đã dùng quyền thiêng liêng dạy dỗ, trước un đúc nơi lòng một khiếu từ bi cho tâm địa có mảy mún tình ái vật ưu sanh theo Thánh đức háo sanh của Thầy, dùng làm lợi khí phàm tục để độ rỗi người phàm tục”.



Nhục thể 肉 體: Cơ thể bằng xương thịt.

Hình Chí Tôn: Hình thể tại thế của Chí Tôn, đó là Hội Thánh của Đạo Cao Đài.

Trong bài thuyết Đạo của Đức Hộ Pháp nêu trên cũng có giải thích như sau: “Những Lương sanh ấy phải thế nào hội hiệp lại nhau làm một, mà làm ra một xác thân phàm của Thầy thì Thầy mới có hình thể trong lúc Tam Kỳ Phổ Độ nầy, hầu tránh cho khỏi hạ trần như mấy kỳ trước vậy”.

Hình thể Chí Tôn tại thế này, ấy là Hội Thánh vậy.

Câu 23-24: Mệnh danh là chức sắc Hội Thánh thì phải xây lưng đâu cật, chung tay phàm mà xây dựng nên hình Chí Tôn hay Chánh thể của nền Đại Đạo.




CHƯƠNG THỨ BA
KINH XUẤT HỘI
I.-KINH VĂN:
KINH XUẤT HỘI
Nhờ Chí Tôn dạy khôn lẽ Đạo,

Phật, Thánh, Tiên nhỏ máu nhiệt thành.

Vạn linh đã hiệp Chí Linh,

Hội xong cậy sức công bình Thiêng Liêng.

Đã gầy dựng nên quyền Tạo Hóa,

Phòng hiệp vầy trọn cả nguyên nhân.

Vẹn toàn phàm thể Thánh thân,

Tùng theo Chơn pháp độ lần chúng sanh.

Các con cúi đầu trình sư phụ (cúi đầu)

Gìn từ tâm khuyến nhủ tăng đồ.

Đạo hư vô, Sư hư vô,

Reo chuông thoát tục, phất cờ tuyệt sinh.

Cứ nương dưới máy linh cơ Tạo,

Gươm huệ đưa trị xảo trừ tà.

Cửa Địa ngục, chóng lánh xa,

Mượn hình Thánh thể cất nhà cõi Thiên.


II.-NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA:
Kinh Xuất Hội là một bài Kinh của Đức Hộ Pháp đặt ra có nhờ Đức nguyệt Tâm Chơn Nhơn giáng cơ chỉnh văn lại.

Kinh Xuất Hội dùng để đồng nhi và toàn thể những người tham dự hội tụng đọc trước khi hội nghị đã kết thúc thành công tốt đẹp và bế mạc.

Kinh Xuất Hội có nội dung nhắc nhở những thành viên trong hội nghị từ đây phải giữ vẹn thánh thân để đem nền Chơn pháp dạy dỗ toàn thể chúng sanh và độ dẫn tất cả nguyên nhân về hội hiệp cùng Thầy, phải đem lòng thương mến dạy dỗ tăng đồ cho biết lẽ mầu nhiệm của nền Chánh giáo, hầu giúp cho Đạo được hoằng khai, càng lan rộng khắp mọi nơi mọi chốn.
III.-CHÚ GIẢI:
Nhờ Chí Tôn dạy khôn lẽ Đạo,

Phật, Thánh, Tiên nhỏ máu nhiệt thành.

Lẽ đạo: Do từ chữ Đạo lý 道 理 mà ra, nghĩa là những phép tắc ứng xử có đạo lý, hay những giáo lý của tôn giáo.

Nhỏ máu: Chỉ sự hy sinh làm việc.

Nhiệt thành 熱 誠: Lòng thành thật và sốt sắng. Như chữ nhiệt tâm 熱 心.

Câu 1 và 2: Nhờ Đức Chí Tôn dạy cho con biết mối Đạo Trời và chư Phật, Tiên, Thánh tận tình giúp đỡ cho con hiểu được lẽ Đạo, khiến lòng con sáng suốt thêm.
Vạn linh đã hiệp Chí Linh,

Hội xong cậy sức công bình Thiêng Liêng.

Vạn linh 萬 靈: Muôn Chơn linh, tức là tất cả chúng sanh bao gồm bát phẩm chơn hồn: Kim thạch hồn, thảo mộc hồn, thú cầm hồn, nhơn hồn, Thần hồn, Thánh hồn, Tiên hồn, Phật hồn.

Chí Linh 至 靈: Rất linh hiển. Chỉ Đức Chí Tôn.

Vạn linh đã hiệp Chí Linh: Tức là quyền chúng sanh đã hiệp cùng quyền của Đức Chí Tôn.

Quyền vạn linh: Là tất cả những điều luật mà chúng sanh đã quyết nghị và chấp thuận.

Quyền vạn linh này được Chí Tôn chấp thuận ngang bằng quyền Chí Tôn. Trong Đạo Cao Đài, quyền vạn linh được thể hiện qua ba hội: Hội nhơn sanh, Hội Thánh và Thượng Hội.

Những điều luật do ba Hội đã quyết nghị, đó là quyền vạn linh, được ngang bằng với quyền Chí Tôn.

Công bình thiêng liêng: Sự công bình nơi cõi Thiêng Liêng, tức là sự công bình của Chí Tôn và chư Thần, Thánh, Tiên, Phật. Sự công bình này có tính cách tuyệt đối.

Thế gian là nơi chứa đầy những sự bất công, chính vì vậy mà nền Đại Đạo mới được khai sinh, đem đạo Nho ra để giáo hóa tất cả chúng sanh, hầu mang lại một xã hội công bằng, Thánh đức. Đức Chí Tôn có nói rằng: “Ngày nào các con còn trông thấy một điều bất bình ở đời này thì Đạo chưa thành vậy”.



Câu 3: Quyền của vạn linh đã hiệp cùng quyền của Chí Tôn.

Câu 4: Nhờ sự công bình thiêng liêng đã dạy chúng con, làm cho phiên họp được kết thúc tốt đẹp.
Đã gầy dựng nên quyền Tạo Hóa,

Phòng hiệp vầy trọn cả nguyên nhân.

Gầy dựng: Tức xây dựng nên.

Giáo hóa 教 化: Dạy dỗ, dẫn dắt từ xấu trở nên tốt, từ hung dữ trở thành hiền lương.

Quyền giáo hóa 教 化 權: Quyền dạy dỗ. Trong Đạo Cao Đài, các chức sắc Cửu Trùng Đài từ phẩm Giáo Hữu (hàng Thánh) trở lên họp lại làm thành Hội Thánh, được Chí Tôn ban cho quyền giáo hóa để phổ độ nhơn sanh.

Phòng 防: Dự phòng, dự bị sẵn.

Hiệp vầy: Sum vầy, sum họp lại.

Nguyên nhân 元 人: Những bậc có Chơn linh được sinh ra từ lúc khai Thiên lập địa. Những Chơn linh này do Chí Tôn, Phật Mẫu sai xuống có nhiệm vụ độ rỗi chúng sanh. Khi đầu kiếp xuống thế, họ mê luyến hồng trần, nên Chí Tôn đem Phật tánh phổ hóa cho họ, nhờ vậy mà họ có thể trở về ngôi xưa vị cũ.

Đức Phật Mẫu cho xuống trần 100 ức nguyên nhân, Phật độ đặng 6 ức, Tiên độ đặng 2 ức, còn lại 92 ức vẫn đọa lạc nơi cõi trần. Bài kinh Phật giáo nói lên điều đó: “Khai cửu thập nhị tào chi mê muội 開 九 十 二 曹 之 迷 眛”, nghĩa là khai hóa chín mươi hai ức nguyên nhân còn đang mê muội.

Đến Tam Kỳ Phổ Độ, Phật Mẫu đến giáo hóa, định đem hết về cõi Thiêng Liêng Hằng Sống như lời trong Phật Mẫu Chơn Kinh đã viết: “Phục nguyên nhơn huờn tồn Phật tánh 復 元 人 還 存 佛 性”, tức là Đức Phật Mẫu hoàn trả Phật tánh lại cho các nguyên nhân và sẽ đem họ về với ngôi xưa vị cũ.

Câu 5: Chí Tôn xây dựng nên Hội Thánh, rồi ban cho quyền giáo hóa chúng sanh.

Câu 6: Đại Đạo ra đời cũng là để dự bị đem tất cả các nguyên nhân về hội hiệp cùng Đức Chí Tôn.
Vẹn toàn phàm thể Thánh thân,

Tùng theo Chơn pháp độ lần chúng sanh.

Phàm thể 凡 體: Thân thể phàm tục. Đây có ý chỉ toàn thể chúng sanh.

Thánh thân 聖 身: Như Thánh thể, chỉ Hội Thánh.

Chơn pháp 真 法: Chơn (chân) 真 là thực, không giả dối, không hư ảo, chân chính, ngay thực; pháp 法 là pháp luật, lễ giáo, đạo lý, phép nhiệm mầu. Chơn pháp là Giáo pháp chơn chánh, ngay thực, bất di, bất dịch.

Câu 7: Con cầu xin cho phàm thể tức nhơn sanh, Thánh thân tức Hội Thánh được hòa hiệp nhau và toàn vẹn.

Câu 8: Tùy theo giáo pháp chơn truyền của Chí Tôn, Hội Thánh sẽ độ lần lần tất cả chúng sanh.
Các con cúi đầu trình Sư Phụ,

Gìn từ tâm khuyến nhủ tăng đồ.

Sư Phụ 師 父: Tức là Thầy.Thầy là chỉ Đức Chí Tôn.

Trong thời mở Đạo kỳ ba này, Đức Chí Tôn không giáng Chơn linh như những lần trước, mà chính Ngài dùng huyền diệu Thiêng liêng để giáng cơ khai Đạo. Ngài là Đấng Thiên Đế trong Càn khôn Vũ trụ, lại là Giáo chủ của nền Đại Đạo, mà hạ mình xưng là Thầy và gọi chư tín đồ là môn đệ. Vì thế, mọi tín đồ của Đạo Cao Đài đều coi Ngài như Sư Phụ, và gọi bằng Thầy.



Từ tâm 慈 心: Lòng thương yêu tất cả chúng sanh không vụ lợi, không điều kiện, không phân biệt lạ quen hay sang hèn. Lòng thương yêu này, phát xuất từ lòng thương yêu chân thật, lòng bình đẳng, không đòi hỏi bất cứ một sự đền đáp nào.

Khuyến nhủ: Khuyên bảo.

Tăng đồ 僧 徒: Tăng là người xuất gia tu hành, nói chung là các Thầy tu. Tăng đối với Đạo Cao Đài chỉ những chức sắc, chức việc hiến thân hành Đạo. Đồ là chỉ tất cả các tín đồ.

Tăng đồ cũng như tăng chúng, là từ chỉ chư tăng và chư tín đồ, tức là các hàng chức sắc và tín đồ của một Tôn giáo.



Câu 9: Các con cung kính cúi đầu trình với Sư Phụ.

Câu 10: Chúng con nguyện giữ lòng từ bi để khuyên dạy các tín đồ.
Đạo hư vô, Sư hư vô,

Reo chuông thoát tục, phất cờ tuyệt sinh.

Đạo hư vô 道 虛 無: Đạo không sắc tướng, Đạo không không.

Hiểu theo Hình nhi hạ của Nho giáo, Đạo là đường lối, phép tắc đối nhân xử thế của con người, đó là Nhân đạo.

Đến thời Lão Tử, một Đạo gia đầu tiên của Trung Quốc đưa ra thuyết bản căn của Vũ trụ và đề xướng Đạo luận. Từ đó Đạo được hiểu với nghĩa Hình nhi thượng, tức là Thiên đạo.

Theo Lão tử, Đạo là bản căn của Càn khôn Thế giới, là nguyên lý từ đó mà vạn vật được sinh ra, muôn loài noi theo, là cái qui luật chi phối sự sinh thành biến hóa của Trời đất và muôn vật. Như vậy Đạo là hư vô, Đạo tức Hư vô chi khí, Đạo vốn không hình sắc, nhưng muôn vật có hình thể lại do Đạo sinh ra.

Như vậy, về thể, Đạo là hư vô, không hình tướng; về mặt dụng, Đạo là có, vì là nguồn gốc sinh ra muôn vật. Hay nói cách khác, khi Đạo còn ở trạng thái hư vô, thanh tĩnh thì Đạo là không, khi Đạo đã sinh ra vạn vật thì Đạo là có.

Sách Hoài Nam Tử có viết: Cái không có hình sắc là gốc đầu tiên của mọi vật (Phù vô hình giả, vật chi đại tổ dã 夫 無 形 者, 物 之 大 祖 也).

Trong Đạo Đức Kinh, Lão Tử cũng nói: Không, là tên cái đầu tiên của Trời đất, có là tên gọi mẹ muôn vật (Vô danh thiên địa chi thủy, hữu danh vạn vật chi mẫu 無 名 天 地 之 始, 有 名 萬 物 之 母).

Tóm lại, cái có hình là từ cái không hình mà sinh ra (Hữu hình xuất vu vô hình 有 形 出 于 無 形). Đạo hư vô sinh ra Vũ trụ và vạn vật là cái hữu hình.



Sư hư vô 師 虛 無: Thầy cũng hư vô.

Thực vậy, trong thời Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Chí Tôn không giáng trần như những lần trước, chỉ dùng huyền diệu Thiêng liêng để giáng cơ khai nền Đại Đạo, Ngài xuống xưng là Thầy của vạn linh. Vì vậy, Thầy của tất cả chúng sanh trong Đạo Cao Đài là Chí Tôn, không có xác thân trong cõi hữu hình, nên nói là Sư hư vô.



Reo chuông thoát tục: Tiếng chuông của Đạo đánh lên ngân vang cho chúng sanh nghe để giục lòng họ sớm thức tỉnh, mà quay về với đường đạo đức, lo tu hành hầu thoát khỏi cảnh phàm tục đầy phiền não và đau khổ này.

Tuyệt sinh 絕 生: Dứt đường sinh ra, nói khác đi là chấm dứt con đường sinh tử.

Đường sinh tử do từ Hán Việt “Sinh tử lộ 生 死 路”, tức chỉ con đường luân hồi, nghĩa là sinh ra rồi chết, chết rồi lại chuyển kiếp để được sinh ra...Cứ thế mà tạo nên con đường sinh tử.

Tuyệt sinh là chấm dứt đường sinh tử luân hồi, tức là thoát tục vậy.

Phất cờ tuyệt sinh: Phất cao ngọn cờ Đạo để dìu dắt chúng sanh lần vào chơn pháp của Đạo mà tu hành hầu tuyệt dứt nẻo luân hồi sinh tử.

Câu 11: Đạo là hư vô, Thầy cũng là hư vô.

Câu 12: Đánh lên tiếng chuông , phất cao ngọn cờ Đạo để cảnh tỉnh và dìu dẫn chúng sanh thoát cảnh trần tục hầu dứt tuyệt luân hồi.

Đức Chí Tôn giáng cơ mở Đạo, mượn chức sắc Hội Thánh làm nên hình thể của Ngài nơi thế gian. Vì thế, chức sắc Hội Thánh phải là người đạo đức, có tâm ái vật ưu sinh theo Thánh đức háo sanh của Ngài mà gióng lên tiếng chuông Đạo, giương cao ngọn cờ cứu khổ để thức tỉnh và dẫn dắt chúng sanh vào đường Chơn đạo hầu thoát khỏi trầm luân, trở về với ngôi xưa vị cũ.


Cứ nương dưới máy linh cơ Tạo,

Gươm huệ đưa trị xảo trừ tà.

Nương dưới: Nương tựa vào.

Máy linh cơ tạo: Bộ máy linh hiển của Đấng Tạo hóa. Tức là sự xếp đặt, an bài một cách thiêng liêng của cơ Tạo.

Gươm huệ: Cây gươm hay cây kiếm trí huệ.

Trí huệ được ví như một lưỡi gươm (lưỡi kiếm) sắc bén, có thể chiến thắng được giặc thất tình lục dục, và có thể cắt đứt hết mọi phiền não trói buộc vào con người.



Trị xảo trừ tà 治 巧 除 邪: Trừng trị xảo trá, diệt trừ tà mị.

Câu 13: Cứ nương tựa theo sự biển chuyển của cơ Tạo hóa (Đức Chí Tôn).

Câu 14: Con xin dùng cây gươm trí huệ để trừng sự xảo trá, và tiêu trừ tà mị.
Cửa Địa ngục, chóng lánh xa,

Mượn hình Thánh thể cất nhà cõi Thiên.

Địa ngục 地 獄: Nơi u tối nặng nề khổ sở dùng để giam cầm và trừng trị các tội hồn, gây nhiều ác nghiệp khi còn sống nơi dương thế.

Chóng lánh xa: Mau tránh ra xa.

Thánh thể 聖 體: Hình thể Đức Chí Tôn tại mặt thế, đó là những vị chức sắc từ phẩm giáo hữu trở lên họp lại thành Hội Thánh. Nếu hiểu Thánh thể là chức sắc, phẩm tước của Hội Thánh từ phẩm Giáo Hữu trở lên thì quá hẹp, vì còn những bậc tu chơn hay hàng tín đồ có chơn linh cao trọng cũng có thể tu mà đạt pháp đặng. Như vậy Thánh thể phải hiểu theo nghĩa rộng, là hình thể của nền Chơn đạo, đó là những giáo pháp nhằm đưa chúng sanh về cõi Thiêng Liêng Hằng Sống.

Mượn hình Thánh thể: Mượn con đường Chơn Đạo lo tu tâm dưỡng tánh, lập công bồi đức mà đạt ngôi vị.

Cất nhà cõi Thiên: Xây dựng tòa nhà ở cõi Thiên. Ý nói tạo lập ngôi vị nơi cõi Thiêng Liêng Hằng Sống.

Câu 15: Mau xa lánh khỏi cửa vào Địa ngục.

Câu 16: Mượn con đường chơn đạo tu hành theo sự dẫn dắt của Chí Tôn để đạt ngôi vị nơi cõi Thiêng Liêng Hằng Sốn


CHƯƠNG THỨ TƯ
KINH RA ĐI ĐƯỜNG

I.-KINH VĂN:

KINH RA ĐI ĐƯỜNG
Thân vận động trong trường thế sự,

Đạo nhơn luân cư xử cùng đời.

Đòi phen lúc biến khi dời,

Thân như bèo bọt giữa vời linh đinh.

Dòm thấy cuộc kinh dinh dưới mắt,

E trở tâm tánh bắt đổi thay.

Con xin nương bóng Cao Đài,

Bước ra một bước cảm hoài căn tu.

Gót chơn đưa rủi như sát mạng,

Vật hữu linh phàm nhãn khôn soi,

Xin tha họa gởi tai rơi,

Hồn linh nhờ có ơn Trời chứng minh.

Đại Từ Phụ oai linh bảo hộ,

Những chông gai quét ngõ ven đường.

Đi an khương, về an khương,

Cõi Thiên, cảnh Tục cũng dường chung nhau.


II.-NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA:
Theo Nho giáo, Trời phú tính cho con người có một cái đức sáng để hiếu biết nhơn nghĩa, đạo lý, ta cố gắng rèn luyện sao cho sáng cái đức sáng ấy để đạt đến chí thiện. Sách Trung Dung có nói rằng: Trời phú cho gọi là tính, theo tính gọi là đạo, sửa đạo gọi là giáo (Thiên mệnh chi vị tính, suất tính chi vị đạo, tu đạo chi vị giáo 天 命 之 謂 性, 率 性 之 謂 道, 修 道 之 謂 教).

Như vậy, Đạo là theo Thiên lý, mà Thiên lý với cái bản tính của người ta vốn là một, vậy thì Đạo là cốt sửa cái tính của người cho hợp Thiên lý, cho nên trong Trung Dung, Khổng Tử nói rằng: Đạo không xa cái bản tính của người ta, nếu theo Đạo để cho xa cái bản tính của người ta thì không phải là Đạo (Đạo bất viễn nhân, nhân chi vi Đạo nhi viễn nhân, bất khả dĩ vi Đạo 道 不 遠 人, 人 之 為 道 而 遠 人, 不 可 以 為 道). Như thế Đạo không phút giây nào xa lìa con người được, nếu xa lìa ra được không phải là Đạo: Đạo giả dã, bất khả tu du ly dã, khả ly phi Đạo dã 道 者 也, 不 可 須 臾 離 也, 可 離 非 道 也.

Đức Chí Tôn cũng mong muốn các môn đồ dầu là chức sắc hay tín đồ đều phải giữ cho Đạo không xa rời bản tính của con người, cho nên mới ban cho những bài kinh Thế đạo, hầu nhắc nhở mọi người trong sự sinh hoạt hằng ngày, những bài Kinh đó là:

- Kinh Đi Ra Đường.

- Kinh Khi Về.

- Kinh Khi Đi Ngủ.

- Kinh Khi Thức Dậy.

- Kinh Vào Học.

- Kinh Vào Ăn Cơm.

- Kinh Khi Ăn Cơm Rồi.

Những bài Kinh này đều là do Đức Hộ Pháp viết ra có nhờ Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn giáng cơ chỉnh văn lại.

Những bài kinh Thế Đạo này thường bị lãng quên hay nếu có gần như chỉ áp dụng cho các em đồng nhi hoặc các trẻ nhỏ mà thôi (Ví dụ như đồng nhi phải đọc kinh khi ăn cơm, khi ăn cơm rồi, học sinh phải đọc bài kinh Khi Vào Học...). Điều nầy thực là lầm lẫn, vì Đức Hộ Pháp có dạy rằng: “Không có một điều gì mà Chí Tôn định trong chơn giáo của Ngài, dầu Bí pháp, dầu Thể pháp mà vô ích đâu. Đấng ấy là Đấng tưng tiu, yêu ái con cái của Ngài lắm, thảng có điều gì không cần ích mà con của Ngài nói rằng không muốn, Ngài cũng bỏ nữa đa. Từ ngày khai Đạo, Kinh kệ, lễ bái, sự chi sắp đặt về đạo đức cũng chính Chí Tôn tạo thành, không phải do các Đấng khác. Ngài buộc mình làm, tức có cần yếu, hữu ích chi chi đó, Ngài mới bó buộc”.

Như vậy, những bài Kinh này dành cho mọi người dầu chức sắc hay tín đồ, dầu người lớn hay trẻ nhỏ đều phải tụng, niệm trong những trường hợp như: Ra đường, trở về nhà, đi ngủ, thức dậy, vào học, ăn cơm, ăn cơm rồi. Những sinh hoạt thường nhựt này buộc mọi tín đồ tụng, niệm nhằm mục đích như nhắc nhở bên tai người tín đồ hằng lúc, hằng ngày vậy. Nếu từng khoảnh khắc chúng ta tâm niệm những bài Kinh này, tức là thường nhắc nhở ta những điều lành, thì những điều ác, điều xấu đâu còn nằm trong tư tưởng của ta nữa. Nếu nhiều khoảnh khắc như vậy thì kể như suốt ngày ta đều có những tư tưởng thiện, ấy là kim chỉ nam hướng dẫn lần lần thân phàm xác tục luôn luôn hướng về những việc thiện lành. Ông Trang Tử nói: Nếu một ngày mà chẳng tưởng đến việc lành thì mọi sự dữ sẽ dấy lên (Nhất nhật bất niệm thiện, chư ác giai tự khởi 一 日 不 念 善, 諸 惡 皆 自 起).

Ngoài ra, khi tụng, niệm những bài Kinh Thế Đạo thuộc loại sinh hoạt hằng ngày này cũng nhằm mục đích buộc tâm thần của người tín đồ luôn luôn hướng về Đức Chí Tôn, dù đang làm bất cứ công việc gì. Lòng chí thành và tư tưởng lành của người tín đồ là những điển lực gởi đến các Đấng Thiêng Liêng những lời cầu nguyện chân thành. Những điển lực này từ những thực thể hữu hình sẽ được cảm ứng với các Đấng vô vi làm cho mối tương giao hằng ngày giữa hai thực thể hữu và vô được nối kết, khiến Chơn thần của người tín đồ càng trong sạch, nhẹ nhàng và Thiêng liêng hơn. Chính vì thế, trong bài Kinh Đi Ra Đường có nhắc nhở người tín đồ Cao Đài lúc nào cũng phải:



Con xin nương bóng Cao Đài,

Bước đi một bước cảm hoài căn tu.


III.-CHÚ GIẢI:

Thân vận động trong trường thế sự,

Đạo nhơn luân cư xử cùng đời.

Vận động 運 動: Hoạt động để làm việc.

Trường 場: Sân, nơi tụ họp đông người.

Thế sự 世 事: Sự việc ở trên đời.

Trường thế sự: Trường đời.

Nhơn luân 人 倫: Đường lối cư xử của con người với nhau cho đúng theo luân lý đạo đức.

Theo Nho giáo, đạo nhơn luân của con người gồm có Ngũ luân 五 倫 và Ngũ thường 五 常.

Ngũ luân gồm: Quân thần 君 臣 (Vua tôi), Phụ tử 父 子 (Cha con), Phu phụ 夫 婦 (Chồng vợ), Huynh đệ 兄 弟 (Anh em), Bằng hữu 朋 友 (Bạn bè).

Ngũ thường gồm có: Nhân 仁, Nghĩa 義, Lễ 禮, Trí 智, và Tín 信.



Câu 1: Con người lấy tấm thân hoạt động mưu sự sống trong trường đời.

Câu 2: Phải học Đạo nhơn luân để đem ra cư xử cùng đời.

Con người sinh ra ai cũng được Chí Tôn ban cho một điểm Linh quang rất Thiêng liêng, Thánh thiện, nhưng vì thân xác con người có xu hướng theo vật chất, nên thất tình, lục dục là những tên giặc hằng ở bên con người tìm cách sai khiến, xúi giục tâm chạy theo dục vọng. Vì thế, những bậc Thánh nhân, hiền triết hay các tôn giáo đều đem những phép tắc hay giáo điều dạy cho con người phải biết cách cư xử với nhau cho hợp nhơn luân, đạo đức trong trường thế sự.

Chính ngày xưa Mạnh Tử cho rằng Thánh nhân với nguời thường cũng không khác nhau. Có người bảo ông rằng: Vua nước Tề sai người đi dò xem ông có điều gì khác hơn người không. Ông nói rằng: Ta có gì khác người đâu, các bậc vua Thánh như Nghiêu, Thuấn cũng như mọi người vậy. (Hà dĩ dị ư nhân tai, Nghiêu Thuấn dữ nhân đồng nhĩ 何 以 異 於 人 哉, 堯 舜 與 人 同 耳). Thực vậy, vua Nghiêu, Thuấn cũng là người như chúng ta, đều bẩm thụ một lý, một khí, cùng một tâm như mọi người cả, chỉ có điều là những bậc ấy khéo lấy cái bản tâm thiện lành để cư xử trong gia đình, xã hội. Nếu ai cũng giữ được như thế thì chắc là chẳng khác gì những bậc ấy.
Đòi phen lúc biến khi dời,

Thân như bèo bọt giữa vời linh đinh.

Đòi phen: Nhiều lần, nhiều phen.

Biến, dời: Đổi thay, xê dịch.

Bèo bọt: Cánh bèo và bọt nước.

Thân như bèo bọt: Thân phận con người sống ở thế gian tựa như cánh bèo lênh đênh trên sông nước, không biết đi về đâu, và lại không bền lâu, dễ tan vỡ như bọt nước.

Giữa vời: Ở giữa vùng sông nước, giữa khơi.

Linh đinh 伶 仃: Một mình cô độc, còn có nghĩa là lênh đênh, tức trôi nổi ở giữa dòng, không bám víu vào đâu được, hoặc nay đây mai đó.

Câu 3: Con người khi thì biến lúc thì dời, phải chịu nhiều phen thay đổi.

Câu 4: Thân phận con người ví như cánh bèo, bọt nước: lênh đênh, trôi nổi ngoài khơi vùng sông suối, không đâu là bờ bến và dễ vỡ tan thành bọt nước.
Dòm thấy cuộc kinh dinh dưới mắt,

E trở tâm tánh bắt đổi thay.

Kinh dinh 經 贏: Trù hoạch để làm việc, sửa sang.

E: Sợ, e sợ.

Trở Tâm: Lòng thay đổi, tâm biến đổi.

Tâm tu của con người thường bị thay đổi là do không vững đức tin. Đức tin là điều kiện trước nhứt cho người tu hành, dù gặp hoàn cảnh khó khăn nào, dù bị sự lay chuyển nào, nếu đức tin vững chắc thì tâm cũng không bao giờ thay đổi.



Câu 6: Con nhìn thấy những cuộc kinh dinh xảy ra trước mắt.

Câu 7: Sợ lòng con ham mê vật chất, rồi bị lôi cuốn theo đời mà khiến tâm tánh bắt đổi thay.

Đối với hai câu Kinh trên thực là những lời nhắc nhở quí giá cho những người bước chân đi vào con đường đạo đức phải nên cân nhắc thận trọng.

Thực thế, làm con người, ai cũng muốn sang giàu, ăn ngon mặc đẹp. Những cái xa hoa phù phiếm, cái hào nhoáng bên ngoài như nhà lầu, xe hơi...hằng ngày đập vào mắt, làm cho con người thèm thuồng, mơ tưởng. Chính cái lòng ham muốn này, nó mới rù quến, xúi dục tâm của con người đang yên tĩnh, thiện lành, bỗng dấy lên lòng ham muốn, tham lam.

Con người nếu không biết cách tồn tâm thì sẽ bị đắm đuối vào con đường vật chất. Còn nếu con người có tu hành thì phải có một đức tin vững chắc vào Chí Tôn, Phật Mẫu thì mới có thể không bị lay chuyển hay thay đổi cái tâm tu đặng.


Con xin nương bóng Cao Đài,

Bước ra một bước cảm hoài căn tu.

Xin nương: Xin nương dựa vào, xin sự che chở.

Bóng Cao Đài: Ánh sáng của Đức Chí Tôn, nhờ Chí Tôn soi rọi, dẫn dắt.

Cảm hoài 感 懷: Trong lòng có điều cảm khái, tức cảm xúc nhớ nhung trong lòng.

Căn tu: Hay tu căn 修 根: Có cái gốc tu hành, nói theo Đạo là người có căn duyên tu hành.

Câu 7: Con xin nương tựa vào Đức Chí Tôn, nhờ Đấng cha lành giúp cho con đầy đủ đức tin.

Câu 8: Để khi bước ra đường một bước, lòng lúc nào cũng cảm nhớ đến căn duyên tu hành của mình.

Nương theo bóng Cao Đài có nghĩa là nương tựa vào Đức Chí Tôn, mà nương vào Chí Tôn, không chỉ là nhập môn vào Đạo thôi, mà lúc nào cũng phải niệm danh hiệu Ngài, tức là luôn luôn tưởng nhớ đến đức hạnh tròn lành, quyền năng vô thượng, và nguyện cố gắng noi theo những Thánh đức của Ngài.

Sở dĩ hằng ngày chúng ta phải niệm danh hiệu Đức Chí Tôn là vì chúng ta muốn phát triển sáng tỏ cái lương tri lương năng đang bị che mờ bởi vật dục.

Lòng dục của con người làm cho cái tâm như con ngựa hay vượn, luôn luôn chạy nhảy, không bao giờ ở yên một chỗ. Bởi thế, nếu ta không biết kềm giữ, chế ngự thì tâm ý của ta cũng không bao giờ yên định được. Niệm danh hiệu Chí Tôn nhằm nhắc nhở tâm ý nghĩ đến những điều đẹp, điều tốt, có những ý tưởng thuần lương, những hành động trong sáng, nhờ vậy những tư tưởng xấu xa đen tối sẽ không bao giờ manh nha được.

Tóm lại, chúng ta nương theo bóng Cao Đài là dù bước đi đường một bước, lòng lúc nào cũng tưởng nhớ đến Chí Tôn, đến căn duyên tu hành của ta vậy.
Gót chơn đưa rủi như sát mạng,

Vật hữu linh phàm nhãn khôn soi,

Gót chân đưa: Đưa bước chân đi, chân bước đi.

Sát mạng: Hay sát mệnh 殺 命: Giết chết mạng sống.

Vật hữu linh 有 靈 物: Vạn vật đều bẩm thụ Chơn linh của Đức Chí Tôn phân tính ra, nên các loài vật đều có linh tánh. Tánh linh này tùy trình độ tiến hóa của mỗi loài, trong đó, con người là có tánh linh hơn hết.

Phàm nhãn 凡 眼: Con mắt của người phàm, tức là mắt của thân thể xác thịt, gọi là mắt phàm.

Khôn soi: Không thấy, không soi thấu.

Câu 9 và 10: Khi bước chân ra đi rủi như có đạp chết những sinh vật có tánh linh, ấy là vì mắt phàm xác thịt nên không soi thấu.

Con người khi bước vào đường tu, các tôn giáo đều đưa ra những giới cấm để người tu phải thực hành theo. Cũng như Phật giáo, Đạo Cao Đài lấy ngũ giới cấm làm phương châm tu tập. Trong ngũ giới cấm, điều giới sát đứng đầu tiên dành cho người thọ giới phải hành trì một cách nghiêm nhặt, song thường người ta chỉ tránh sát mạng con người hay các loài cầm thú, còn những loại như côn trùng, ong, kiến, người ta ít quan tâm tới, vì coi nó là một sinh vật nhỏ bé. Nhưng theo triết lý Cao Đài, mọi vật dù lớn nhỏ đều có một điểm Chơn linh của Đức Chí Tôn phân tánh, nên đều có tánh linh như nhau. Vì vậy, muôn Chơn linh đều được Thượng Đế thương đều nhau, trong Kinh Sám Hối có viết:



Lòng Trời đất thương đều muôn vật,

Đức háo sanh Tiên, Phật một màu.



Thượng cầm hạ thú lao xao,

Côn trùng thảo mộc loài nào chẳng linh.



Nó cũng muốn như mình đặng sống,

Nỡ lòng nào tuyệt giống dứt nòi.

Chính vì mọi vật đều hữu linh, đều được Chí Tôn thương đồng đều như nhau, nên người tu hành, khi bước chân ra đường lỡ như đạp chết những sinh vật nhỏ bé thì vô tình cũng phạm phải giới cấm sát sinh. Do vậy, khi bước chân đi chúng ta có niệm Kinh Ra Đi Đường thì coi như một lời sám hối, một lời cầu xin Ơn Trên tha thứ tội tình cho chúng ta vậy.


Xin tha họa gởi tai rơi,

Hồn linh nhờ có ơn Trời chứng minh.

Họa gởi tai rơi: Những tai họa bất ngờ đưa đến.

Hồn linh 魂 靈: Vong hồn linh hiển.

Ơn Trời: Ơn Thượng Đế, ơn Đức Chí Tôn.

Chứng minh 證 明: Chứng thật rõ ràng, chứng chiếu.

Câu 11 và 12: Xin tha cho những tai họa mang đến bất ngờ. Cầu xin hồn linh và nhờ ơn Trời chứng minh đến lòng thành thật này.
Đại Từ Phụ oai linh bảo hộ,

Những chông gai quét ngõ ven đường.

Đại Từ Phụ 大 慈 父: Đấng Cha lành, chỉ Đức Chí Tôn.

Oai linh: Hay uy linh 威 靈: Quyền uy linh hiển.

Bảo hộ 保 護: Che chở và gìn giữ.

Câu 13 và 14: Cầu xin Đức Đại Từ Phụ dụng uy linh bảo cho con tránh được những chông gai ở ven đường ngoài ngõ.
Đi an khương, về an khương,

Cõi Thiên, cảnh Tục cũng dường chung nhau.

An khương: Hay an khang 安 康: Yên ổn, vui vẻ và mạnh khoẻ.

Cõi Thiên: Cõi Trời, cõi Thiêng Liêng Hằng Sống.

Cảnh tục: Cảnh nơi cõi phàm tục, cảnh trần gian.

Cũng dường chung nhau: Dường như cũng giống nhau.

Câu 15: Xin giúp cho con khi ra đi và khi trở về đều được an khang.

Câu 16: Cầu cho những con đường ở thế gian đều được bình an như đường nơi Thiên cảnh.

CHƯƠNG THỨ NĂM
KINH KHI VỀ

I.-KINH VĂN:

KINH KHI VỀ
Cảm tạ ơn trên đầu dìu đỡ,

Từ khi đi khi trở lộn về.

Đặng xong phận sự mọi bề,

Tâm tu lại vững chẳng hề lảng xao.

Nhẫng nhớ bước động Đào buổi trước,

Nhẫng nhớ khi Hớn rước Diêu Trì.

Căn Ta Ca đỡ bước đi,

Ra thành Phật Tổ gặp kỳ ly cung.

Dẫy xe trâu Côn Lôn trổi bánh,

Lý Lão Quân mong lánh phong trần.

Núi Ô Li Vê để dấu chân,

Gia Tô Giáo Chủ giải phần hữu sanh.

Con nguyện xin khuôn linh giúp sức,

Bước Ta bà giục thức huệ quang,

Lòn thân dưới phép sầu than,

Tìm phương cứu khổ mở đàng giải căn.


II.-CHÚ GIẢI:
Cảm tạ ơn trên đầu dìu đỡ,

Từ khi đi khi trở lộn về.

Cảm tạ 感 謝: Cảm kích và tạ ơn.

Ơn trên đầu: Ơn đức của Chí Tôn.

Dìu đỡ: Dìu dắt đỡ nâng.

Câu 1 và 2: Con xin cảm tạ ơn đức của Chí Tôn đã dìu dắt và nâng đỡ cho con từ khi ra đi đến lúc trở về.
Đặng xong phận sự mọi bề,

Tâm tu lại vững chẳng hề lảng xao.

Phận sự 分 事: Việc về phần mình phải làm.

Lảng xao: Hay xao lảng, ý chỉ sự bỏ bê, không lo tới, không nghĩ tới.

Câu 3: Công việc phải làm của con đã xong xuôi, tốt đẹp mọi bề.

Câu 4: Và cái tâm tu hành của con vẫn vững bền, không chút nào xao lảng.
Nhẫng nhớ bước động Đào buổi trước,

Nhẫng nhớ khi Hớn rước Diêu Trì.

Nhẫng nhớ: Mãi nhớ tới.

Động Đào: Tức Đào nguyên động 桃 源 洞, hay Đào hoa nguyên 桃 花 源: Suối hoa đào. Chỉ nơi Tiên ở.

Do bài “Đào hoa nguyên ký 桃 花 源 記” của Đào Uyên Minh hay Đào Tiềm đời nhà Tấn, Trung Quốc. Bài Ký đó được kể lại một người quê ở Võ Lăng làm nghề đánh cá, theo dòng khe mà chèo thuyền đi, quên mất đường về, nên chèo lạc vào một cái động trồng đầy hoa Đào. Trong động ấy, có một nhóm người đang sinh sống, mà trước đây tổ tiên của họ trốn loạn đời nhà Tần, đến đó ở biệt lập hẳn với người đời bên ngoài động đã từ lâu rồi.

Sau khi tìm cách ra khỏi động Đào nguyên, người đánh cá trở về quê có kể lại sự tình cho viên Thái thú. Viên Thái thú sai người đánh cá trở lại, tìm những chỗ trước đã đánh dấu, nhưng không tìm được lối vào nữa.

Do vậy, Động đào, Nguồn đào, Đào nguyên, hay Suối hoa đào đều được dùng để chỉ nơi Tiên ở, hay động Tiên.



Hớn rước Diêu Trì: Vua Hớn Vũ Đế tiếp rước Đức Diêu Trì Kim Mẫu. Do Điển tích như sau:

Trong ngày lễ khánh thọ, vua Vũ Đế nhà Hớn có sở nguyện muốn cầu Đức Diêu Trì Kim Mẫu đến chứng lễ. Có một vị Tiên là Đông Phương Sóc biết được ý nhà vua, nên Ông tình nguyện đến triều bái Phật Mẫu để tỏ mọi điều. Phật Mẫu hẹn đêm Trung thu sẽ giáng lâm xuống Hoa Điện, là ngôi đền do vua Vũ Đế lập ra.

Vào nửa đêm Trung thu, bổng có chim thanh loan bay đậu trước sân, ông Đông Phương Sóc cho biết đó là tin của Đức Phật Mẫu sắp đến, rồi sau đó Đức Diêu Trì Kim Mẫu và Cửu Vị Tiên Nương cũng giáng lâm xuống Hoa Điện và ban cho vua Vũ Đế bốn quả Đào Tiên.

Do sự tích này, ở chánh điện Báo Ân Từ tại Tòa Thánh Tây Ninh, có hình ngôi Hoa Điện, trên có Đức Phật Mẫu và Cửu Vị Tiên Nương cỡi chim thanh loan, đứng bên có Đông Phương Sóc đang tiếp rước Phật Mẫu. Trước sân Hoa Điện là Đức Thượng Phẩm quì nghinh giá.



Câu 5: Nhẫng nhớ đến chuyện động Đào nguyên khi xưa.

Câu 6: Và chuyện vua Hớn Vũ Đế tiếp rước Đức Diêu Trì Kim Mẫu tại Hoa Điện.
Căn Ta Ca đỡ bước đi,

Ra thành Phật Tổ gặp kỳ ly cung.

Căn Ta Ca: Phiên âm từ Phạn ngữ Kantaka, Hán dịch là Càn Trắc (hay Kiền Trắc), là con ngựa của Thái tử Tất Đạt Đa (Sĩ Đạt Ta), lúc nửa đêm chở Ngài cùng với quan giữ ngựa là Xa Nặc, bỏ cung vàng điện ngọc để đi đến nơi thâm sơn cùng cốc mà tu hành. Sau đó, Ngài bảo ông Xa Nặc dẫn con ngựa Kiền Trắc trở về hoàng thành. Về đến thành, con Kiền Trắc liền bỏ ăn rồi chết.

Phật Tổ 佛 祖: Tổ sư của Đạo Phật.

Khi Thái tử Tất Đạt Đa tu thành Phật, lấy hiệu là Thích Ca Mâu Ni, sáng lập ra Đạo Phật và làm Giáo chủ Phật giáo, nên gọi là Phật Tổ.



Gặp kỳ: Gặp lúc.

Ly cung 離 宮: Rời khỏi hoàng cung, tức là lìa khỏi cung ngự của Thái tử Tất Đạt Đa để xuất gia tu hành, tìm đường giải thoát cho chúng sanh.

Câu 7 và 8: Lại nhớ đến ngựa Kiền Trắc của Thái tử Tất Đạt Đa, nửa đêm Ngài lìa khỏi hoàng cung, tìm đường giải thoát cho chính mình và chúng sanh. Ngài thành Phật, lập nền Phật giáo.
Dẫy xe trâu Côn Lôn trổi bánh,

Lý Lão Quân mong lánh phong trần.

Dẩy: Đẩy, cất lên, khởi động lên.

Xe trâu: Chiếc xe kéo bằng con trâu, gọi là độc giác thanh ngưu (con trâu xanh một sừng) của Đức Lão Tử.

Tương truyền Đức Lão Tử thường cỡi chiếc xe độc giác thanh ngưu để đi phổ độ người đời. Theo bài Kinh Tiên Giáo, Ngài cỡi xe trâu đến ải Hàm Cốc để truyền Kinh Đạo Đức cho quan lệnh Doãn Hỷ rồi sau đó, qua các vùng sa mạc phía Tây vực, đem Đạo Vô vi để tế độ cho chúng sanh nơi ấy. Trong Kinh Tiên Giáo có viết:



Tử khí đông lai, quảng truyền Đạo Đức

紫 氣 東 來, 廣 傳 道 德

Hoặc:

Lưu sa Tây độ.

流 沙 西 度


Côn Lôn 崑 崙: Núi Côn Lôn, một dãy núi ở Tân Cương, Trung Quốc.

Trổi bánh: Bánh xe khởi lăn tới.

Lý Lão Quân 李 老 君: Tức Lão Tử.

Theo sử ký Tư Mã Thiên, Lão Tử là người nước Sở 楚, huyện Khổ 苦, làng Lệ 厲, xóm Khúc nhân 曲 仁, ở tỉnh Hồ Nam bây giờ.

Ngài họ Lý 李, tên là Nhĩ 耳, tự là Bá Dương 伯 陽, thụy là Đam 聃. Ngài làm quan giữ Tàng thất (Kho sách) ở Kinh đô Lạc Dương của nhà Châu.

Về gia thế thì sử sách không có nói đến, nhưng theo truyền thuyết thì nói rằng mẹ của Lão Tử mang thai Ngài có đến 80 năm mới sinh Ngài do hông bên trái dưới cội cây lý. Khi Ngài được sinh ra thì râu tóc dài và bạc trắng, mới gọi Ngài là Lão Tử. Lão Tử chỉ cây lý mà bảo rằng đó là họ của Ngài.

Khi đến Kinh Đô nhà Châu, gặp Lão Tử hỏi lễ, lúc về Khổng Tử bảo với các đệ tử rằng: Chim ta biết nó bay như thế nào, cá ta biết nó lội làm sao, thú ta biết nó chạy cách nào. Thú chạy, thì ta có thể lưới bắt nó, cá lội, thì ta có dây câu ví nó, chim bay, thì ta có bẫy gài nó. Chí như con rồng, thì ta không biết nó theo mây theo gió mà bay luyện như thế nào. Nay ta thấy Lão Tử như con rồng! (Ngô kim kiến Lão Tử kỳ do long da! 吾 今 見 老 子 其 猶 龍 耶!).

Ở tại Lạc Dương phía đông nhà Châu một thời gian lâu, sau thấy nhà Châu suy, nên Lão Tử cỡi trâu đi về hướng tây, khi đi đến cửa ải Hàm Cốc, quan lệnh là Doãn Hỷ 尹 喜. Biết Lão Tử là một Thánh nhân nên quan Doãn tôn Ngài làm Thầy để xin theo học Đạo.

Lão Tử ở lại Hàm Cốc dạy Đạo cho Doãn Hỷ và soạn ra bộ sách nói về Đạo Đức, sách phân làm hai thiên, gồm có trên 5000 chữ. Sau này, quyển sách đó được gọi là “Đao Đức Kinh”.

Rồi từ đó, Lão Tử cỡi trâu đi về hướng tây mất dạng, người ta không biết Ngài đi về đâu.

Đức Lão Tử được vua Đường Cao Tông nhìn là thủy tổ, nên truy phong cho Ngài “Huyền Nguyên Hoàng Đế”.

Lão Tử là chơn linh của Đức Thái Thượng Đạo Quân hóa sinh ra, là giáo chủ của Đạo Tiên.



Phong trần 風 塵: Gió và bụi, chỉ cảnh vất vả, gian nan và uế trược ở cõi trần.

Câu 9: Nhớ đến chuyện Đức Lão Tử ngồi trên xe trâu qua ải Hàm Cốc, truyền Đạo cho ông Doãn Hỷ.

Câu 10: Và sau đó, Ngài vượt qua núi Côn lôn qua Sa mạc phía Tây (tức miền Tây vức), để đem Đạo Vô vi độ chúng sanh nơi ấy, hầu lánh xa cõi trần bụi bậm này (Kinh Tiên giáo có câu: Lưu sa Tây độ).
Núi Ô Li Vê để dấu chân,

Gia Tô Giáo Chủ giải phần hữu sanh.

Núi Ô Li Vê: Đọc từ âm chữ Pháp Mont des Oliviers, chỉ một ngọn núi ở gần thành Jérusalem của Do Thái. Nơi ngọn núi này Đức Chúa Jésus Christ đã từng tiên tri về thành Jérusalem sau này sẽ bị tàn phá và về sự tái sinh của Ngài. Trước khi Ngài chết để chuộc tội cho loài người, Ngài có lên núi Ô Li Vê (Mont des Oliviers) để cầu nguyện Đức Thượng Đế tha tội cho nhơn loại.

Để dấu chân: Đặt dấu chân đến.

Gia Tô Giáo Chủ 嘉 蘇 教 主: Đức Chúa Jésus Christ, Giáo chủ Thiên Chúa giáo, Công giáo, hay Gia Tô giáo.

Da Tô 耶 蘇 được người Tàu dịch âm từ Jésus, đầy đủ hơn là Jésus Christ, là Đấng Chúa Cứu Thế ở Do Thái.

Long vị thờ Đấng Chúa Cứu Thế tại Đền Thánh được viết là Da Tô Giáo Chủ 耶 蘇 教 主 (thay vì Gia Tô Giáo Chủ 嘉 蘇 教 主).

Ngài sanh vào đêm 25 tháng 12 tại thành Bethléem. Mẹ của Ngài là Maria, một nữ tu tại đền thờ Jérusalem. Cha Ngài là Joseph. Hai ông bà rất mộ đạo, tuy bà đang có thai, gần ngày sanh, nhưng hai người vẫn cố gắng tới Đền thờ để chầu lễ. Vì vậy, đúng 12 giờ đêm Noel bà chuyển bụng sanh ra Chúa Jésus nơi máng cỏ trong chuồng chiên.

Năm 30 tuổi, Ngài được Thánh Jean Baptiste làm lễ giải oan tại bờ sông Jourdain. Từ đó, Ngài khởi sự giảng Thánh Kinh ngay trong xứ Galilée và Jérusalem, lập nên đạo Thánh ở Do Thái, rồi truyền bá mạnh mẽ sang Châu Âu. Uy quyền bọn vua quan phong kiến bị lung lay, nên chúng tìm cách giết Ngài.

Bọn chúng mua chuộc một tông đồ của Ngài là Yuda, phản lại Ngài vu cáo cho Ngài mưu việc phản loạn, rồi bắt Ngài lên án tử hình và đóng đinh trên thập tự giá.

Cái chết của Đức Chúa Jésus thật là cao cả, Ngài chuộc tội cho loài người bên xứ Châu Âu, trở thành một vị Chúa Cứu Thế cho nhơn loại.

Giải phần hữu sanh 解 份 有 生: Giải về phần có sự sống, nghĩa là Giáo lý của Đấng Chúa Cứu Thế dạy về Thế đạo, tức về phần đời của nhơn loại.

Câu 11: Trên núi Ô Li Vê ở Do Thái, là nơi đặt dấu chân của Đức Chúa Jésus Christ.

Câu 12: Đức Gia Tô Giáo Chủ giải về phần đời sống của con người, tức là giải về lý của kiếp sanh.
Con nguyện xin khuôn linh giúp sức,

Bước Ta bà giục thức huệ quang,

Khuôn linh: Cái khuôn thiêng liêng, chỉ Đấng Tạo hóa, hay Đức Chí Tôn. Đồng nghĩa với Khuôn thiêng, Khuôn hồng.

Ta Bà: Còn gọi là Sa Bà 娑 婆, tiếng Phạn Saha, Hán dịch là Kham nhẫn 堪 忍. Đây chính là một cõi Tam thiên Đại thiên thế giới, thuộc phạm vi hóa độ của Đức Thích Ca Mâu Ni Phật. Sở dĩ dịch là Kham nhẫn, hàm ý: Chúng sanh trong cõi Sa Bà cam lòng chịu đựng những nỗi khổ sở do ngũ trược gây ra, chẳng biết kiêng sợ. Dù các Tôn giáo đem giáo pháp đến chỉ dạy, vẫn ít kẻ chịu tu hành để thoát ly khổ cảnh, cam tâm vùi đắm mãi trong trói buộc, nên gọi là Kham nhẫn.

Cõi chúng ta đang sinh sống thuộc về Thế giới Ta Bà.



Bước Ta Bà: Bước đi cùng khắp.

Giục thức: Thúc giục cho thức tỉnh.

Huệ quang 慧 光: Ánh sáng của trí huệ. Ánh sáng chiếu tan sự tối tăm ở thế gian, trí huệ cũng vậy, có công năng phá tan sự vô minh đen tối của chúng sanh.

Câu 13: Con nguyện xin Đức Chí Tôn dùng huyền diệu thiêng liêng giúp cho con.

Câu 14: Và đánh thức cái huệ quang, cái Đạo tâm của con được sáng suốt để con có thể đi hành Đạo khắp mọi nơi.
Lòn thân dưới phép sầu than,

Tìm phương cứu khổ mở đàng giải căn.

Lòn thân: Lấy cái thân lòn cúi vào, đem tấm thân đặt vào nơi.

Phép: Cái pháp 法, theo Phật, pháp là tất cả những gì có thể dùng giác quan nhận biết được và luôn tất cả những gì có thể ý niệm được như nhận thức cảm giác, hay có thể dùng đến ngôn ngữ luận đàm được.

Sầu than: Sự buồn rầu, đau khổ, sự phiền não, lầm lạc...

Phép sầu than: Đó là cái pháp tướng của cõi thế giới Ta Bà, đầy ác trược và uế trược. Đó là những thứ khổ hình, trược chất mà con người phải nhận lấy, phải cam chịu ở cõi thế gian.

Căn 根: Cái gốc rễ. Do gốc rễ của hành vi thiện ác mà kiếp sống hiện tại con người phải thọ lãnh cái nghiệp, nếu kiếp trước làm những điều thiện, thì tạo căn lành cho kiếp sống hiện tại, nếu bây giờ ta làm những việc ác, thì tạo ác căn cho kiếp lai sinh. Như vậy, căn hay cái gốc rễ tạo thành cái nghiệp cho con người, vì thế người ta thường gọi căn quả hay căn nghiệp.

Giải căn 解 根: Cởi bỏ tất cả các oan khiên nghiệt chướng của kiếp trước.

Câu 15: Lấy cái thân chịu đựng trong cảnh nhằn nhọc, khổ sở và phiền não này.

Câu 16: Để tìm phương cứu giúp cho chúng sanh và mở ra con đường giải trừ oan nghiệt cho con người.



CHƯƠNG THỨ SÁU


KINH KHI ĐI NGỦ

I.-KINH VĂN:




tải về 1.6 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương