ĐẠI ĐẠo tam kỳ phổ ĐỘ TÒa-thánh tây-ninh chú giảI



tải về 1.6 Mb.
trang6/10
Chuyển đổi dữ liệu28.07.2016
Kích1.6 Mb.
#8421
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10

CHƯƠNG THỨ MƯỜI BA
KINH TỤNG CHO THẦY QUI VỊ

I.-KINH VĂN:

KINH TỤNG CHO THẦY QUI VỊ
Đường công danh càng nhìn quảng đại,

Nghĩa thầy trò nghĩ lại khó quên.

Vái cùng Sư Phụ linh thiêng,

Chứng lòng đệ tử đáp đền ơn xưa.

Dầu hoạn lộ chưa vừa sở nguyện,

Dầu cửa quyền trọng tiếng chăn dân.

Ơn cha sanh hóa ra thân,

Ơn thầy huấn giáo cũng gần như nhau.

Khoa võ môn dầu nhào qua khỏi,

Trương vi rồng học hỏi nơi ai.

Đẹp mình với vẻ cân đai,

Công thầy tô điểm từ ngày ấu xuân.

Cõi hư vô nay gần phước Thánh,

Xin châu toàn đường hạnh môn sinh.

Cõi Thiên xin gởi chút tình,

Rót chung ly hận gật mình đưa thương.

ĐOÀN THỊ ĐIỂM
II.-NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA:
Bài Kinh Tụng Khi Thầy Qui Vị do Bà Đoàn Thị Điểm là một nữ sĩ Việt Nam, là một tác giả quyển dịch Chinh Phụ Ngâm Khúc nổi danh và cũng là một vị Tiên Nương nơi Diêu Trì Cung giáng cơ ban cho chúng sanh Đạo Cao Đài.

Bài Kinh này dùng để đồng nhi tụng đọc trong nghi lễ học trò tế thầy đã qui vị.

Được sinh ra làm con người nơi cõi thế gian này, ai cũng phải học, dù đó là học nghề nghiệp, học chữ nghĩa hay học đạo lý. Mạnh Tử nói rằng: Người ta tuy có đạo lý, nhưng cứ ăn no mặc ấm, ngồi rồi mà không dạy dỗ, thì gần như giống cầm thú: (Nhân chi hữu đạo dã, bão thực noãn y, dật cư nhi vô giáo, tắc cận ư cầm thú 人 之 有 道 也, 飽 食 煖 衣, 逸 居 而 無 教, 則 近 於 禽 獸). Thánh nhân đời trước lấy làm lo điều đó, nên xem việc giáo hóa là hàng đầu cho con người. Do vậy, Thầy dạy học được coi là người có ơn nghĩa rất lớn đối với học trò. Ơn nghĩa của thầy được Nho giáo xếp đứng vào hàng thứ nhì sau ơn của vua và trước ơn của cha mẹ (Quân, sư, phụ).

Tại sao ơn của thầy được coi trọng như vậy? Bới vì, việc học của cổ nhân không phải như sự học của bao nhiêu người ngày nay vẫn hiểu. Cổ nhân học là cốt học đạo của Thánh hiền để hiểu nghĩa lý, biết phải trái mà sửa mình cho thành người có đức hạnh. Chính thầy Tử Lộ đã xác định điều đó: Người quân tử học để hiểu rõ cái đạo (Quân tử học dĩ trí kỳ đạo 君 子 學 以 致 其 道), để biết cách cư xử cho phải phép, để có cái phẩm hạnh đạo đức hơn người thường.

Ơn cha mẹ tạo ra hình hài xác thịt, ơn của thầy giáo hóa cho nên người và ơn ngọn rau tấc đất là ba cái công ơn rất sâu dày: Một đàng tạo cái hình chất, một đàng khai hóa tinh thần và một đàng có vật thực để nuôi dưỡng cho con người. Chính vì thế, Loan Cung Tử mới nói rằng: Người ta ở đời có ba người phải thờ kính như một là cha sinh, thầy dạy, vua nuôi; không có cha thì không có ai sinh, không có nuôi thì không có lớn được, không có dạy thì không thể nên được người vậy (Dân sinh ư tam sự chi như nhứt, phụ sanh chi, sư giáo chi, quân tự chi; phi phụ bất sanh, phi tự bất trưởng, phi giáo bất tri, sanh chi tộc dã 民 生 於 三 事 之 如 一, 父 生 之, 師 教 之, 君 食 之, 非 父 不 生, 非 食 不 長, 非 教 不 知, 生 之 族 也).

Xét thấy ơn của Thầy cũng như ơn vua và ơn sinh thành của cha mẹ rất cao trọng như vậy, nên Đấng Tiên Nương Đoàn Thị Điểm đã giáng cơ ban cho chúng sanh đạo Cao Đài bài Kinh Tụng Khi Thầy Qui Vị để dành những người học trò tế những vị thầy kính yêu hầu trả được phần nào ân sâu nghĩa nặng của sự giáo huấn cho nên người.


III.-CHÚ GIẢI:
Đường công danh càng nhìn quảng đại,

Nghĩa thầy trò nghĩ lại khó quên.

Công danh 功 名: Có công nghiệp và có danh tiếng, tức là sự nghiệp tạo dựng được và tiếng tăm vinh hiển.

Quảng đại 廣 大: Rộng lớn.

Câu 1 và 2: Đường công danh càng nhìn lại càng thấy lớn lao rộng rãi. Bây giờ đây, nghĩ lại mới thấy tình nghĩa thầy trò thật là khó quên được.

Con người sống ở đời, nhờ có cha mẹ sinh ra mình, lại phải nhờ có thầy dạy cho mình, thì mình mới khôn, mới biết việc này việc nọ, mới nên con người, cho nên làm người học trò đối xử với thầy cũng như con ở với cha mẹ, phải lấy lòng tôn sư trọng đạo, phải lấy sự quí mến, kính trọng đối với thầy. Đó cũng là mối luân thường của người Á Đông ta vậy.

Cái công dạy dỗ, cái ân đức giáo hóa nhuần thấm của thầy, chúng ta không nên quên, mà lúc nào cũng phải nhìn lại thân mình được cao sang, sung sướng như ngày hôm nay là nhờ ai? Nếu “không thầy đố mầy làm nên” tục ngữ chẳng phải nói như vậy sao?
Vái cùng Sư Phụ linh thiêng,

Chứng lòng đệ tử đáp đền ơn xưa.

Sư phụ 師 父: Thầy dạy chữ, thầy dạy học.

Linh thiêng: Linh hiển và thiêng liêng.

Đệ tử 弟 子: Học trò.

Câu 3 và 4: Con xin nguyện vái cùng sư phụ, có linh thiêng chứng cho lòng của đệ tử thành tâm lạy thầy để đền đáp ơn xưa.
Dầu hoạn lộ chưa vừa sở nguyện,

Dầu cửa quyền trọng tiếng chăn dân.

Hoạn lộ 宦 路: Con đường làm quan.

Sở nguyện 所 願: Cái điều mình đang mong ước.

Cửa quyền: Tức là cửa quan, nơi tập trung quyền hành thế lực.

Trọng tiếng: Cái danh tiếng được kính trọng.

Chăn dân: Cai trị dân, tức là bảo vệ và giáo hóa dân chúng.

Câu 5: Dầu cho đường làm quan chưa được vừa với điều sở nguyện.

Câu 6: Dầu nơi của quan được uy quyền và kính trọng là người chăn dân.
Ơn cha sanh hóa ra thân,

Ơn thầy huấn giáo cũng gần như nhau.

Sanh hóa 生 化: Sinh ra, nuôi dưỡng và giáo hóa.

Huấn giáo 訓 教: Dạy bảo.

Câu 7: Công ơn của người cha đào tạo ra mảnh thân và nuôi dưỡng cho đến lớn.

Câu 8: Cùng với công ơn của thầy đã giáo hóa nên người, hai công ơn ấy cũng gần như nhau.

Trong xã hội hiện thời, thầy được xem như người truyền thụ kiến thức lại cho con em, do vậy tình thầy trò không thấy gì thấm thiết. Ơn thầy xem như ơn hướng dẫn kiến thức, chứ không như thầy học xưa có trách nhiệm khai tâm, khai hóa một con người.

Theo quan niệm xưa, công ơn của cha mẹ đào tạo ra hình hài thể xác thì to lớn như trời biển, song đã có tấm thân mà không có thầy khai hóa thì con người chỉ như một khối thịt tùng theo vật dục mà hành động, không có tri giác, không hiểu lễ giáo. Vì vậy người xưa cho rằng công lao thầy đào tạo nên người bằng công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, nên lập thành cái đạo: Đạo thầy trò, và xếp trước đạo cha con, sau đạo vua tôi, ấy là đạo: Quân, sư, phụ.

Đời Tống một triết gia Trung Quốc là Chu Đôn Di mới lập Sư đạo (Đạo của thầy trò), ông cho rằng: Cái đạo của Thánh nhân rất quí, nhưng phải có thầy dạy mới biết được. Ông đặt vấn đề: Làm sao khiến cho thiên hạ đều thiện cả? Rằng phải có thầy dạy, tức là kẻ tiên giác dạy kẻ hậu giác, kẻ mờ tối học kẻ sáng suốt, như thế thì đạo thầy được thành lập vậy.

Theo ông, người ta sợ nhứt là không có ai bảo mình biết điều lỗi, và sợ không biết thẹn “Nhân chi sinh, bất hạnh bất văn quá, đại bất hạnh vô sỉ 人 之 生, 不 幸 不 聞 過, 大 不 幸 無 恥” (Người ta sinh ra, cái không may là không được nghe điều lỗi của mình, cái không may lớn hơn cả là vô sỉ). Vậy nên phải có sỉ thì thầy mới dạy được, và có nghe điều lỗi lầm của mình thì mới tiến được.

Chính vì người xưa xem đạo thầy trò cao trọng như vậy, nên khi Khổng Tử mất, các môn đồ của Ngài phải để tâm tang ba năm (Bằng tang cha mẹ), mãn tang họ họp nhau lần cuối cùng ở trước mộ để khóc Ngài, rồi mới chia tay nhau mỗi người đi mỗi nơi. Riêng Tử Cống còn ở lại trong một căn nhà lá để giữ mộ cho thầy thêm ba năm nữa.

Tiên Nương Đoàn Thị Điểm, trong tác phẩm Nữ Trung Tùng Phận cũng cho rằng ơn nghĩa của thầy dạy học cũng sánh bằng với công sanh thành dưỡng dục của cha mẹ. Bà viết:

Con nhờ thầy công danh mới toại,

Như nhờ cha mới giỏi hình dung.

Hai ơn ấy gẫm so đồng,

Nghĩa kia như hiếu, mặn nồng cả hai.


Khoa võ môn dầu nhào qua khỏi,

Trương vi rồng học hỏi nơi ai.

Võ môn: Hay vũ môn 禹 門 Một cái cửa núi ở thượng du sông Trường giang nước Trung Hoa, thuộc tỉnh Tứ Xuyên, chân núi có cái vực rất sâu, tương truyền đến mùa thu nước lớn thì cá đua nhau tới đó nhảy thi với nhau, con nào vượt qua vũ môn thì hóa ra rồng. Sách Tàu có câu: “Vũ môn tam cấp lãng 禹 門 三 級 浪”, nghĩa là Cửa Vũ có ba bực sóng, dùng để chỉ việc thi cử, tuyển lựa người tài giỏi.

Nước Việt Nam huyện Hương Khê tỉnh Hà Tỉnh và Nghệ An, trên chót núi cũng có một cái hồ ba bực, không khác gì nơi sông Trường giang.



Trương vi rồng: Tức giương cái kỳ của con rồng. Cá vượt qua được Vũ môn biến thành rồng, giương kỳ vi thấy oai nghi lẫm liệt, tỷ như sĩ tử thi đậu quan cao, áo mão, dù lộng vua ban làm tăng phần vinh hiển.

Câu 9 và 10: Được thành công trên đường khoa cử, công danh hiển đạt với đời vậy học hỏi nơi ai?
Đẹp mình với vẻ cân đai,

Công thầy tô điểm từ ngày ấu xuân.

Cân đai: Cái khăn bịt đầu và sợi dây đai vòng ngang bụng của các vị quan thời xưa. Cân đai chỉ áo mão, phẩm phục của các quan trong triều đình.

Tô điểm: Chấm vẽ từng nét cho đẹp đẽ thêm.

Ấu xuân 幼 春: Tuổi còn niên thiếu, tuổi còn nhỏ.

tấm bé cho đến khi thành danh, ơn ấy không biết ngần nào mà kể. Sau này học trò càng rạng rỡ cân đai áo mão



Câu 11 và 12: Áo mão cân đai làm cho thân người đẹp đẽ chính là nhờ cong ơn của thầy dạy dỗ từ thời ấu thơ.

Công thầy dạy dỗ bao nhiêu thì công ơn của thầy sâu nặng bấy nhiêu. Thế mà có nhiều người không suy xét điều đó, khi nên danh phận, họ quên mất nguồn ơn là nhờ thầy dìu dắt mới có ngày nay.

Chính vì thế mà bộ Lã thị Xuân Thu có nêu danh để khen tặng các vị Thánh, Hiền tôn sư trọng Đạo. Sách viết: “Thập Thánh, lục Hiền, tôn sư bất đãi 十 聖, 陸 賢 尊 師 不 怠”. Nghĩa là mười bực Thánh, sáu bực hiền trọng thầy không bao giờ khinh trễ. Cũng theo sách đó, các vị : Vua Thần Nông, vua Huỳnh Đế, vua Chuyên Húc, vua Đế Khốc, vua Nghiêu, vua Thuấn, vua Vũ, vua Thang, vua Võ vương và Châu Công Đán là mười bậc Thánh; Tề Hoàn Công, Tấn văn Công, Tần Mục Công, Sở Trang Công, Ngô Hạp Lư, Việt vương Câu Tiển là sáu bực hiền. Các vị này là bậc vua chúa, cao sang, chưa có vị nào chẳng tôn sư trọng đạo bao giờ.
Cõi hư vô nay gần phước Thánh,

Xin châu toàn đường hạnh môn sinh.

Cõi Hư vô: Hay Hư vô cảnh 虛 無 境: Một cõi giới trống không vắng lặng, bao quát vô cùng tận, thường còn và không biến đổi. Cõi không thực thể, nhưng là điều kiện căn bản sinh ra mọi pháp.

Châu toàn 週 全: Làm một cách trọn vẹn, chu đáo, không có sơ sót.

Phước Thánh 福 聖: Phước đức của bực Thánh.

Đường hạnh: Con đường của đạo hạnh.

Môn sinh 門 生: Học trò.

Câu 13: Ngày nay thầy được về cõi Hư vô gần với chư Thánh mà hưởng phước đức.

Câu 14: Xin ra ơn dìu dắt các con theo đường đạo hạnh cho tròn vẹn con người.
Cõi Thiên xin gởi chút tình,

Rót chung ly hận gật mình đưa thương.

Cõi thiên: Cõi Trời, tức cõi Thiêng Liêng Hằng Sống.

Ly hận 離 恨: Xa cách một cách thống hận

Chung ly hận: Chung rượu ly biệt thương yêu một cách thống thiết.

Gật mình: Cúi mình lạy.

Đưa thương: Đưa tiễn đi với tấm lòng thương nhớ.

Câu 15: Con xin gửi chút tình của người môn đệ đến cõi Thiêng Liêng.

Câu 16: Xin rót chung rượu thương tiếc kính lạy thầy một lần cuối với tấm lòng nhớ thương.

Ân nghĩa và tình cảm đối với người đã khuất được Nho giáo thể hiện những nỗi niềm bi thống bằng cách chế định các hạng tang phục. Song chế độ tang phục chỉ định cho những người vốn có quan hệ thân thuộc, còn giữa thầy trò, hoàn toàn không có bất kỳ quan hệ thân thuộc nào, thế nhưng tấm lòng thương yêu dạy dỗ của người thầy đối với học trò thì vô cùng sâu nặng. Nhứt là đối với người xưa, thầy và trò đã từng sống chung lâu ngày (như Khổng Tử và các học trò) tình cảm càng thắm thiết sâu đậm.

Chuyện kể lại, khi Khổng Tử qua đời, để tỏ lòng tưởng nhớ công ơn dạy dỗ chăm sóc của thầy, các học trò của Khổng Tử đều muốn biểu lộ lòng thương tiếc một cách cụ thể. Thế nhưng chế độ tang lễ lại không có qui định học trò nên biểu thị thế nào với thầy dạy học.

Trong buổi tang lễ cho thầy, Tử Cống đã đưa ra một ý kiến rất hay: Lúc trước khi Nhan Hồi mất, thái độ bày tỏ lòng thương tiếc của thầy đối với Nhan Uyên giống như là nỗi khổ mất đi một đứa con ruột thịt của mình, nhưng thầy không mặc bất kỳ loại tang phục nào; sau nầy Tử Lộ mất cũng như vậy. Ngày nay thầy đã mất đi, chúng ta học trò cũng phải có một thái độ báo đáp tương ứng. Chúng ta mất thầy, ai điếu cho thầy cũng phải có nỗi đau khổ như đã mất đi chính người cha thân yêu của mình vậy, mà không phải mặc bất kỳ loại tang phục nào.

Nguyên văn trong Đàn Cung Thượng: “Khổng Tử chi tang, môn nhân nghi sở phục. Tử Cống viết: Tích giả Phu tử chi tang Nhan Uyên, nhược tang tử nhi vô phục; tang Tử Lộ diệc nhiên. Thỉnh tang Phu tử, nhược tang phụ nhi vô phục 孔 子 之 喪, 門 人 宜 所 服. 子 貢 曰: 昔 者 夫 子 之 喪 顏 淵, 若 喪 子 而 無 服; 喪 子 路 亦 然. 請 喪 夫 子, 若 喪 父 而 無 服”.



CHƯƠNG THỨ MƯỜI BỐN


KINH CẦU TỔ PHỤ ĐÃ QUI LIỄU

I.-KINH VĂN:

KINH CẦU TỔ PHỤ ĐÃ QUI LIỄU
Giọt máu mủ lưu truyền tại thế,

Con nhẫng mong truyền kế lửa hương.

Nguyện cùng Thất Tổ xin thương,

Cho bền gan tấc noi đường thảo ngay.

Xưa chẳng đặng phước may gặp Đạo,

Nay phò trì con cháu tu tâm.

Dâng gươm huệ kiếm xin cầm,

Chặt lìa trái chủ đặng tầm ngôi Thiên.

Dầu tội Chướng ở miền địa giái,

Dầu oan gia ở ngoại Càn Khôn.

Dầu mang xác tục hay hồn,

Nhớ cầu Từ Phụ CHÍ TÔN cứu nàn.

Dầu đoạt vị ở an Thiên cảnh,

Dầu tái sanh mở cảnh siêu phàm.

Nương thuyền Bát Nhã cho an,

Dìu chừng con cháu vào đàng nghĩa nhân.

Kìa lố bóng hồng ân bao phủ,

Cả thế gian đầy đủ đạo mầu.

Âm Dương đôi nẻo như nhau,

Cửu Huyền Thất Tổ giữ câu thọ trì.

Chốn Tây phương đường đi thong thả,

Cõi Diêm cung tha quả vong căn.

Tiêu diêu định tánh nắm phan,

Do theo Cực Lạc đon đàng siêu thăng.

Nhớ nỗi hiếu khó ngăn nét thảm,

Tưởng nguồn ân đốt nắm tâm hương.

Tấc lòng đòi đoạn đau thương,

Chơn mây vái với hương hồn hiển linh.

ĐOÀN THỊ ĐIỂM

(Tụng tiếp Kinh Cứu Khổ)


II.-NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA:
Bài Kinh Cầu Tổ Phụ Đã Qui Liễu do Bà Đoàn Thị Điểm một nữ sĩ nổi danh của Việt Nam và cũng là một vị Tiên Nương nơi Diêu Trì Cung giáng cơ ban cho chúng sanh Đạo Cao Đài.

Theo lời chú thích trong sách Lễ Ký có nói rằng: Toàn thể vạn vật nương nhờ căn bản nơi Trời là Đấng tạo Thiên lập Địa, còn toàn thể nhơn loại nương nhờ căn bản nơi Tổ tiên là bậc khai sáng ra dòng giống (Vật bản hồ Thiên, nhân bản hồ Tổ 物 本 乎 天, 人 本 乎 祖). Triết lý Cao Đài cũng cho rằng nguồn cội của con người gồm hai phần, phần hữu hình, gần gũi nhứt là cha mẹ, ông bà đã sinh ra hình hài xác thịt; phần vô vi, không thấy được, phải suy luận mới nhận biết, đó là Đức Thượng Đế đã ban cho một Chơn linh để con người có sự sống, sự hiểu biết và sự khôn ngoan.

Người bình dân Việt Nam cũng tưởng nhớ đến ông bà qua câu ca dao sau đây:

Con người có tổ có tông,

Như cây có cội, như sông có nguồn.

Khi nhớ đến công ơn sanh thành dưỡng dục rộng lớn như trời biển của cha mẹ ông bà, người tu hành phải chăm lo phụng dưỡng khi các người còn sanh tiền, và bố thí, lễ bái để hồi hướng công đức đến người đã quá vãng.

Do vậy, thờ cúng Tổ tiên hay Tổ phụ là nhằm thể hiện lòng tưởng cây cội nước nguồn, nhớ đến ân sâu nghĩa nặng, tức là tỏ lòng biết ơn và thương kính đối với những Chơn linh người thân đã đào tạo nên cơ thể hữu vi cho con cháu ngày nay.

Sự thờ kỉnh Tổ tiên Ông bà cũng là một cách để duy trì nền luân lý đạo đức, nhứt là trong những ngày kỵ lạp, tế lễ để con cháu có dịp qui tụ về hầu nhắc nhở cho nhau sự tưởng nhớ nguồn cội, công đức của Ông bà.

Vì thế, bất cứ một nghi lễ nào của Cao Đài về phần thế đạo như: Thành phục phát tang, chánh tế, di quan hay tiểu đại tường đều phải có cáo Từ tổ 告 祠 祖 trước. Đó là cái lễ của Nho giáo (1) .

Thực hiện lễ cáo Từ tổ con cháu hay tang gia hiếu quyến quì tế Tổ tiên, phải có lòng thành kính để tưởng nhớ đến Ông bà Tổ phụ như lời Đức Khổng Phu Tử dạy: Thờ cha mẹ mới chết dường như sống, thờ Ông bà tuy mất cũng như còn, mới gọi rằng chí hiếu vậy (Sự tử như sự sanh, sự vong như sư tồn, hiếu chi chí dã 事 死 如 事 生, 事 亡 如 事 存, 孝 之 至 也). Ngoài ra, sự thành tâm của con cháu cũng nhằm để cầu nguyện cho Chơn linh của Cửu Huyền Thất Tổ được siêu thăng Tịnh độ.


III.-CHÚ GIẢI:
Giọt máu mủ lưu truyền tại thế,

Con nhẫng mong truyền kế lửa hương.

Máu mủ: Con người bởi tinh cha huyết mẹ tạo nên hình hài, do vậy con cháu cũng từ huyết thống (máu mủ) của Tổ tiên lưu truyền lại. Chỉ huyết thống của dòng họ.

Giọt máu mủ: Chỉ người con kế truyền của dòng họ cùng huyết thống.

Lưu truyền 流 傳: Truyền đi khắp nơi, tựa như dòng nước chảy khắp chốn.

Truyền kế 傳 繼: Truyền lại cho đời sau kế tục.

Lửa hương: Do chữ hương hỏa 香 火, tức nhang và đèn, chỉ sự thờ cúng tổ tiên.

Câu 1: Những người con của dòng họ (huyết thống) được từ tổ tiên lưu truyền lại trên cõi đời này.

Câu 2: Con hằng mong tiếp nối phụng tự để hương khói cho tổ tiên ông bà.

Nho giáo rất trọng việc phụng tự hương hỏa nơi từ đường, phong tục Việt Nam cũng sùng thượng sự thờ cúng tổ tiên. Việc phụng tự tổ tông là một việc tốt đẹp đáng quí trọng, nên coi là một nghĩa vụ của con người, vì nó thể hiện tính “Uống nước nhớ nguồn”, nói lên cái lòng bất vong bản.

Nhưng “truyền kế lửa hương” nhằm tỏ cái lòng chí thành chí kỉnh Tổ tiên, chứ không phải cúng tế vật phẩm thịnh soạn để phụng dưỡng Ông bà, vì vậy, nên thể hiện cách nào cho ngụ được cái lòng ấy đủ rồi, không nên bày biện tiệc tùng quá đáng, hay rượu chè nhậu nhẹt, để gọi là trả nợ miệng thế gian, làm mất đi cái ý nghĩa của sự kính thành. Đức Khổng Phu Tử có nói: Tế Tổ tiên, phải kính như Tổ tiên tại đó, tế Thần phải kính như Thần ở đó (Tế như tại, tế Thần như Thần tại 祭 如 在, 祭 神 如 神 在).
Nguyện cùng Thất Tổ xin thương,

Cho bền gan tấc noi đường thảo ngay.

Thất tổ 七 祖: Bảy vị Tổ của dòng họ.

Trong sách Lễ Ký có nói rằng: Tổ là đấng có công khai sáng dòng giống buổi đầu tiên. Tông là đấng kế chí, noi theo chí người xưa lập nền tảng cho người đời sau để truyền kế lửa hương.

Theo Việt Nam Phong Tục, Phan Kế Bính có nói về cách thờ phụng Ông bà Tổ tiên của người xưa như sau:

Bao nhiêu con cháu dòng dõi trong một họ lập chung một nhà thờ Thủy Tổ, gọi là mỗ tộc từ đường, ví như Trần tộc, Nguyễn tộc...Nhà thờ ấy chỉ thờ riêng một Thủy Tổ, và khi tế tự thì lấy các Tổ tông biệt chi, biệt phái mà phối hưởng. Có họ không có nhà thờ thì xây cái bàn lộ thiên, dựng bia đá ghi tên thụy các Tổ tiên để khi tế tự thì ra tại đó mà tế.

Nhà thường dân không có nhà thờ riêng thì thờ tại nhà mình ở. Dẫu nghèo cũng có một bàn thờ Ông bà.

Trên bàn thờ Tổ tiên của nhà phú quí có đủ thần vị bốn đời thờ Cao, Tằng, Tổ, Khảo, đặt trong một cái khám sơn son thếp vàng, gọi là Long khám, khi nào cúng tế mới đem ra. Hễ đến năm đời thì lại đem thần chủ Cao tổ đi mà nhắc lần Tằng, Tổ, Khảo lên một bực, rồi đem ông mới mất mà thế vào thần chủ Khảo, gọi là “Ngũ đại mai thần chủ 五 代 埋 神 主”.

Theo bản đồ Thất Tổ Miếu thì Thất tổ gồm:

7. Thất Tổ: Thủy Tổ 始 祖 Tỷ khảo

6. Lục Tổ: Viễn Tổ 遠 祖 Tỷ khảo

5. Ngũ Tổ: Tiên Tổ 先 祖 Tỷ khảo

4. Tứ Tổ: Cao Tổ 高 祖 Tỷ khảo

3. Tam Tổ: Tằng Tổ 曾 祖 Tỷ khảo

2. Nhị Tổ: Hiển Tổ 顯 祖 Tỷ khảo


  1. Nhứt Tổ: Hiển Tỷ khảo 顯 妣 考 (Cha mẹ)

Gan tấc: Hay tấc gan, chỉ tấc ý chí mạnh mẽ.

Thảo ngay: Lòng hiếu thảo và ngay thẳng.

Câu 3: Cầu nguyện cùng Thất tổ, xin thương cho con cháu.

Câu 4: Giữ vẹn ý chí cho thật bền vững để noi theo đường hiếu đạo và giữ tấm lòng ngay thẳng.
Xưa chẳng đặng phước may gặp Đạo,

Nay phò trì con cháu tu tâm.

Xưa chẳng đặng: Ngày xưa không được như vậy.

Phước may: Có phước được may mắn.

Gặp Đạo: Gặp được mối Đạo, tức gặp được Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ hay Đạo Cao Đài.

Người có nhiều duyên phần lắm mới gặp gỡ được thời kỳ mà Đức Chí Tôn giáng cơ mở một mối Đạo, như lời Thánh giáo đã dạy: “Đạo Trời dìu bước nhơn sanh, đường Thánh dẫn người phàm tục. Sanh nhằm lối duyên may mắn đặng gặp một Đạo Chánh, nếu chẳng lo dưỡng tánh trau mình, để bước vào đường Cực Lạc, thoát đọa Tam đồ, một mai cảnh ủ bông tàn, rốt lại ăn năn vô ích”.

Thật vậy, trong hằng hà sa số kiếp luân hồi sinh tử, chúng ta có duyên may mới gặp được thời Đức Chí Tôn vì thương xót sanh linh, đại ân xá kỳ ba để mở cơ tận độ, giải thoát chúng sanh khỏi luân hồi, đưa các Chơn linh trở về ngôi xưa vị cũ. Đây có thể nói là rất may duyên mới gặp được Đạo, Đức Lý Đại Tiên cũng đã nói: “Mở một mối Đạo chẳng phải là sự thường tình, mà sinh nhằm đời đặng gặp mối Đạo cũng chẳng dễ”.

Phò trì: Hay phù trì 扶 持: Giúp đỡ và gìn giữ.

Tu tâm 修 心: Sửa lòng, sửa cái tâm tốt đẹp, ý nói có lòng tu hành.

Câu 5: Tổ tiên Ông bà thuở xưa không có phước để được duyên may gặp nền Đại Đạo.

Câu 6: Ngày nay xin phò trì cho con cháu có lòng tu hành.
Dâng gươm huệ kiếm xin cầm,

Chặt lìa trái chủ đặng tầm ngôi Thiên.

Huệ kiếm 慧 劍: Cây kiếm hay cây gươm trí huệ.

Xin cầm: Xin nắm lấy, xin cầm lấy.

Chặt lìa: Chặt cho đứt lìa ra.

Trái chủ 債 主: Chủ nợ của oan nghiệt.

Nếu mình gây ra tội ác cho người, sẽ tạo nên món nợ oan nghiệt: Mình là con nợ, người bị hại là chủ nợ hay trái chủ. Theo luật nhân quả, thiếu nợ đương nhiên phải đền trả, còn người chủ nợ chờ ngày đòi món nợ oan nghiệt đó. Vì vậy, nợ nần trở thành dây oan nghiệt buộc ràng người chủ lẫn kẻ thiếu nợ với nhau, gọi là oan gia trái chủ.



Tầm ngôi Thiên: Tìm kiếm ngôi vị ở cõi Thiêng Liêng.

Câu 7 và 8: Xin hãy cầm lấy cây kiếm trí huệ để chặt đứt những món nợ oan trái hầu có thể trở về cõi Thiêng Liêng đặng tìm lại ngôi xưa vị cũ.
Dầu tội Chướng ở miền địa giái,

Dầu oan gia ở ngoại Càn Khôn.

Tội chướng 罪 障: Những chướng ngại do hành vi tội lỗi gây ra từ kiếp trước.

Địa giái 地 界: Chỉ cõi địa cầu chúng ta đang sống, tức cõi địa cầu 68.

Oan gia 冤 家: Người có thù hận với mình.

Ở ngoại Càn khôn: Ở ngoài cõi Trời đất, tức là ở một cõi giới nào đó, không phải cõi trần gian.

Câu 9: Dầu cho có gây ra tội chướng ở nơi cõi địa giới.

Câu 10: Dầu cho có gặp oan gia nghiệt chướng ở ngoài Càn khôn (ngoài cõi Trần).
Dầu mang xác tục hay hồn,

Nhớ cầu Từ Phụ CHÍ TÔN cứu nàn.

Xác tục: Thân xác phàm tục.

Từ Phụ 慈 父: Đấng cha lành, chỉ Đức Chí Tôn.

Từ Phụ Chí Tôn: Đức Chí Tôn là đấng cha lành của chúng sanh nên được gọi là Từ Phụ Chí Tôn.

Cứu nàn: Cứu giúp cho thoát khỏi tai nạn.

Câu 11: Dầu cho còn mang thân xác phàm tục hay đã chết đi, chỉ còn Chơn hồn.

Câu 12: Phải nhớ cầu nguyện Đấng Đại Từ Phụ để Ngài cứu giúp cho thoát khỏi những tai nạn.
Dầu đoạt vị ở an Thiên cảnh,


tải về 1.6 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương