ĐẠI ĐẠo tam kỳ phổ ĐỘ TÒa-thánh tây-ninh chú giảI


Dầu tái sanh mở cảnh siêu phàm



tải về 1.6 Mb.
trang7/10
Chuyển đổi dữ liệu28.07.2016
Kích1.6 Mb.
#8421
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10

Dầu tái sanh mở cảnh siêu phàm.

Đoạt vị 奪 位: Đoạt được ngôi vị.

Thiên cảnh 天 境: Cõi Trời, tức cõi Thiêng Liêng Hằng Sống.

Tái sanh 再生: Được sanh lại một lần nữa, nói rõ hơn là đầu thai xuống thế gian lại một lần nữa hay tái kiếp.

Siêu phàm 超 凡: Vượt lên khỏi cái tầm thường, vượt lên khỏi phàm nhân.

Câu 13: Dầu cho có đoạt được phẩm vị và ở yên nơi cõi Thiêng Liêng.

Câu 14: Dầu cho có tái sanh để mở cảnh siêu phàm ở cõi thế gian này.
Nương thuyền Bát Nhã cho an,

Dìu chừng con cháu vào đàng nghĩa nhân.

Nương thuyền Bát nhã: Nương tựa vào chiếc thuyền Bát nhã, tức là nhờ vào trí huệ để làm chiếc thuyền thoát khỏi biển khổ để về cõi Thiêng Liêng Hằng Sống, hay nói cách khác là thuyền Đạo.

Đàng nghĩa nhân: Con đường nhân nghĩa, tức là con đường đạo đức.

Câu 15: Xin nhờ vào trí huệ để làm chiếc thuyền đưa qua bên kia bờ giác ngộ cho yên ổn.

Câu 16: Và dìu dẫn cho con cháu vào con đường nhân nghĩa đạo đức.
Kìa lố bóng hồng ân bao phủ,

Cả thế gian đầy đủ đạo mầu.

Lố bóng: Lộ ánh sáng ra.

Hồng ân 洪 恩: Ơn huệ to lớn, tức ân huệ của Đức Chí Tôn.

Đạo mầu: Đạo pháp nhiệm mầu.

Câu 17 và 18: Kìa là hồng ân của Đức Chí Tôn như vầng ánh sáng lộ ra bao phủ khắp thế gian chứa đầy đủ đạo pháp nhiệm mầu.
Âm Dương đôi nẻo như nhau,

Cửu Huyền Thất Tổ giữ câu thọ trì.

Âm Dương đôi nẻo: Hai nẻo đường Âm Dương, tức chỉ cõi Âm và cõi Dương, chỉ cõi người chết: Âm quang, và chỉ cõi người sống: Dương gian.

Cửu Huyền Thất Tổ 九 玄 七 祖: Đây là một thành ngữ dùng để chỉ Ông bà Tổ tiên. Thờ cúng Ông bà Tổ tiên, nhiều gia đình xưa thờ Tiên Linh 先 靈,Truy viễn 追 遠 hay Cửu Huyền Thất Tổ 九 玄 七 祖.

Thờ Cửu Huyền Thất Tổ, cũng giống như thờ Tiên Linh hay Truy Viễn vậy, tức là thờ các vị Tổ tiên Ông bà chung từ xa xưa đến nay. Chữ Huyền chỉ về đời, Tổ chỉ hàng ông nội trở lên.

Có thuyết cho rằng Cửu Huyền cũng là Cửu tộc, kể từ Cao Tổ nhỏ xuống đến cháu huyền tôn là chín đời.

Sách Ấu Học Quỳnh Lâm giải thích về Cửu tộc như sau: “Hà vị Cửu tộc? Cao, Tằng, Tổ, Khảo, Kỷ thân, Tử, Tôn, Tằng, Huyền 何 謂 九 族? 高, 曾, 祖, 考, 己 身, 子, 孫, 曾, 玄” (Cửu tộc là gì? Ông sơ, ông cố, ông nội, cha, bản thân, con, cháu, chắt, chít).

Như vậy từ bản thân kể lên bốn đời, và đếm xuống bốn đời, cộng chung lại là chín đời, gọi là Cửu tộc:

1 Cao Tổ 高 祖 (Ông Sơ)

2 Tằng Tổ 曾 祖 (Ông Cố)

3 Tổ Phụ 祖 父 (Ông Nội)

4 Phụ thân 父 親 (Cha)

5 Kỷ thân 己 身 (Bản thân)

6 Trưởng tử 長 子 (Con trưởng)

7 Đích tôn 嫡 孫 (Cháu nội)

8 Tằng tôn 曾 孫 (Cháu chắt)

9 Huyền tôn 玄 孫 (Cháu chít)

Nếu thờ Cửu Huyền mà lấy Cửu tộc ra thờ thì chỉ thờ được bốn đời trên bản thân mình, tức từ phụ thân đến cao tổ, còn bốn đời sau là con cháu thì sao lại thờ được?

Như vậy, theo thiển ý, Cửu Huyền là một danh từ dùng để chỉ chung Tổ tiên Ông bà nhiều đời trước mà thôi, giống như thờ Tiên linh hay Truy viễn, nghĩa là từ cha mẹ đã chết đến Tỵ tổ (không kể số lượng là chín).



Thọ trì 授 持: Nhận lấy và gìn giữ.

Câu 19: Cõi Âm của người chết và cõi Dương của người sống, là hai đường không khác gì nhau.

Câu 20: Cầu xin Cửu Huyền Thất Tổ nhận lấy và gìn giữ những giáo pháp nền Đại Đạo của Đức Chí Tôn
Chốn Tây phương đường đi thong thả,

Cõi Diêm cung tha quả vong căn.

Chốn Tây phương: Cõi Tây phương Cực Lạc, tức Cực Lạc Thế Giới.

Thong thả: Thảnh thơi, nhàn hạ.

Diêm cung 閻 宮: Cõi Âm phủ, cõi Địa ngục.

Tha quả vong căn: Tha thứ căn quả.

Căn là cái gốc rễ của việc làm ác từ kiếp trước, gây ra tai họa cho kiếp này phải đền trả.

Do gốc rễ đó mà kiếp sống của con người phải thọ lãnh cái nghiệp quả: Nếu kiếp trước làm điều lành thì kiếp này nhận được thiện quả; nếu kiếp trước làm những điều hung ác thì kiếp này phải lãnh ác căn. Như vậy, căn tạo thành cái quả cho con người phải thọ nhận, nên người ta thường gọi căn quả hay căn nghiệp.

Câu 21: Đường về cõi Tây phương Cực Lạc thì rất thong thả nhàn hạ.

Câu 22: Chí Tôn đại ân xá kỳ ba nên cõi Diêm cung các Chơn linh điều được tha thứ tất cả căn quả.
Tiêu diêu định tánh nắm phan,

Do theo Cực Lạc đon đàng siêu thăng.

Tiêu diêu 逍 遙: Thảnh thơi, nhàn hạ.

Tánh 性: Theo Phật, tánh là một thực thể sẵn có nơi mọi chúng sanh, là tự thân của thực tại vạn hữu. Tánh là cái tướng thực của muôn pháp, mà cũng là cái tâm tánh thực của chúng sanh. Phật và chúng sanh không khác gì nhau, cùng một tánh, đó là Phật tánh. Nhưng Phật là bậc giác ngộ nên tánh sáng suốt trong lặng, còn chúng sanh vì bị vọng tưởng phiền não che lấp nên chưa thấy được tánh.

Theo Nho, điểm tánh là Trời phú cho con người, tánh là bản thể của tâm.Vậy tánh với tâm, tuy hai danh từ, song vốn một thể. Trong kinh sách có khi người ta gọi tánh, có lúc người ta gọi tâm. Như vậy chúng ta phải hiểu tâm với tánh chỉ là một thôi (theo Vương Dương Minh).



Định tánh 定 性: Cũng như định tâm, tập trung tâm vào một nơi, không để cho tâm bị tán loạn. Định tánh hay định tâm là thu nhiếp tánh hay tâm vào một chỗ, chuyên chú vào một đối tượng, một cảnh, không để tâm tánh bị tán loạn. Tâm tánh có định thì mới giúp cho con người sáng suốt, sống tỉnh thức, không còn đeo đuổi vọng niệm.

Phan 幡: Cây phướn, một cây tựa như lá cờ, bề ngang hẹp, có chiều dài, trong lá phướn có ren lụa thêu rũ xuống. Trong Đạo Cao Đài có nhiều loại phướn như: Phướn Thượng sanh, phướn Thượng phẩm, phướn Truy hồn hay phướn Tiêu diêu.

Theo Cao Đài, khi một người chết thì Chơn linh phải có cây phướn để dẫn dắt đường đi. Về thể pháp, nểu người chết từ phẩm Lễ sanh trở xuống chức việc, đạo hữu thì Chơn linh người chết được hướng dẫn bằng cây phướn Thượng sanh, nếu người chết từ phẩm Giáo hữu trở lên thì Chơn linh được dìu dẫn bằng cây phướn Thượng phẩm. Về bí pháp, nơi cõi Thiêng Liêng mỗi Chơn linh đều được dẫn dắt bằng phướn Tiếp dẫn hay phướn Tiêu diêu.

Phướn Tiếp dẫn thì do Tiếp Dẫn Đạo Nhơn hay Tiếp Dẫn Phật cầm để dẫn dắt các Chơn linh đắc Đạo về cõi Tây Phương Cực Lạc, Kinh Cầu Hồn Khi Hấp Hối có câu:

Tây phương Tiếp Dẫn Đạo Nhơn,

Phướn linh khai mở nẻo đường Lôi Âm.

Còn phướn Tiêu diêu hay phướn Truy hồn là của Lục Nương Diêu Trì Cung nắm giữ, Kinh Tán Tụng Công Đức Diêu Trì Kim Mẫu có viết:



Lục Nương phất phướn Truy hồn,

Tang thương nay lúc bảo tồn chúng sanh.

Đon đàng: Dò đường mà đi.

Siêu thăng 超 升: thăng lên cao, tức vượt lên cõi Thiêng Liêng.

Câu 23: Chơn linh được thảnh thơi nhàn hạ thì hãy định tâm tánh để níu theo phướn mà đi.

Câu 24: Và lần theo cõi Tây phương Cực Lạc thẳng đường siêu thăng.
Nhớ nỗi hiếu khó ngăn nét thảm,

Tưởng nguồn ân đốt nắm tâm hương.

Nỗi hiếu: Nỗi niềm hiểu thảo.

Nét thảm: Nét lộ bên ngoài có vẻ sầu thảm.

Nguồn ân: Ân huệ của Tổ phụ. Do Tổ phụ là nguồn cội của con cháu, nên ân Tổ phụ là nguồn ân của con cháu.

Tâm hương 心 香: Hương lòng, tức là lấy cái lòng thành (tâm) để làm hương dâng cúng.

Câu 25: Nhớ đến nỗi niềm hiếu thảo mà lòng khó ngăn được sầu thảm.

Câu 26: Tưởng đến ơn nghĩa của Tổ phụ, con xin thành tâm dâng lên nén hương lòng.
Tấc lòng đòi đoạn đau thương,

Chơn mây vái với hương hồn hiển linh.

Tấc lòng: Do chữ thốn tâm 寸心, tức chỉ tấm lòng.

Đòi đoạn: Nhiều đoạn, nhiều khúc, chỉ sự đau đớn như ruột bị cắt từng đoạn. Như đoạn trường đứt ruột.

Chơn mây: Ý chỉ ở dưới chân trời.

Hiển linh 顯 靈: Hiển hiện ra một cách thiêng liêng.

Câu 27: Tấm lòng thương tiếc của các con cháu đối với Ông bà Tổ phụ vô cùng đau thương.

Câu 28: Chúng con nguyện vái với hương hồn Tổ phụ nơi tận chơn mây có hiển linh xin chứng cho lòng con.

Được may duyên thọ trì nền Chánh Đạo của Đức Chí Tôn, chúng ta những người con cháu đối với Ông bà Tổ phụ, không phải chỉ với tấm lòng thương tiếc, không phải chỉ việc thờ phụng hay lấy lòng tưởng niệm là đủ, mà chúng ta phải lấy câu: “Nhất nhân hành Đạo Cửu huyền thăng 一 人 行 道 九 玄 升” làm phương châm trau giồi hiếu đạo. Con cháu muốn làm hiếu, không gì hơn là chí tâm tu hành, lập công bồi đức để hồi hướng công đức cho Ông bà Tổ phụ. Thánh giáo Đức Chí Tôn có dạy: “Người dưới thế này muốn giàu có phải kiếm phương thế mà làm ra của. Ấy là phần về xác thịt. Còn Thần, Thánh, Tiên, Phật muốn đắc Đạo phải có công quả”.

Như vậy, công quả mới thực sự là một món quà trân trọng nhất để thể hiện lòng hiếu thảo của con cháu dâng cúng Cửu Huyền Thất Tổ thọ hưởng.



CHƯƠNG THỨ MƯỜI LĂM


KINH TỤNG CHA MẸ ĐÃ QUI LIỄU

I.-KINH VĂN:

KINH TỤNG CHA MẸ ĐÃ QUI LIỄU
Ơn cúc dục cù lao mang nặng,

Lỡ thân côi mưa nắng khôn ngừa.

Âm Dương cách bóng sớm trưa,

Thon von phận bạc không vừa hiếu thân.

Đầu cúi lạy.......(1) linh hiển,

Lễ muối dưa làm miếng hiếu tâm.

Ven Trời gởi chút tình thâm,

Động lòng thương nhớ tuôn dầm lệ sa.

Xin có tưởng ruột rà màu mủ,

Cõi Hư linh bao phủ ân hồng.

Cảnh Thiên noi bước Hóa Công,

Nắm phan Tiếp Dẫn vào vòng Như Lai.

Chốn Hư linh chờ ngày hội hiệp,

Dầu căn xưa quả kiếp dường bao.

Thà cam vui chốn động Đào,

Đừng vì nhớ trẻ trở vào phàm gian.

Nuốt tiếng than đôi hàng lã chã,

Tưởng đến điều nhơn quả mà đau.

Xem thân tuổi hạc càng cao,

E ra tử biệt Thiên Tào định phân.



(1)
Nối hương lửa nhơn luân đạo trọng,

Con gìn câu chết sống trọn nghì.

Sấp mình cúi lạy Từ Bi,

Tiền khiên phụ mẫu Tam Kỳ xá ân.

Xin ..........(1) định thần định tánh,

Noi khuôn linh nẻo Thánh đưa chơn.

Thong dong cõi thọ nương hồn,

Chờ con lập đức giúp huờn ngôi xưa.

Chung ly biệt con đưa tay rót,

Mối thương tâm chưa ngớt đeo sầu.

Cha ở đâu, mẹ nơi đâu?

Tâm tang kính gởi một bầu lệ châu.

ĐOÀN THỊ ĐIỂM
II.-NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA:
Bài Kinh Tụng Cha Mẹ Đã Qui Liễu do Bà Đoàn Thị Điểm một nữ sĩ nổi danh trên văn đàn Việt Nam và cũng là một vị Tiên Nương nơi Diêu Trì Cung giáng cơ ban cho chúng sanh Đạo Cao Đài. Bà cũng có giáng cơ ban cho nữ phái quyển Nữ Trung Tùng Phận.

Ở cõi thế gian này, bất cứ một tôn giáo nào cũng đều dạy con người phải hiếu thảo với cha mẹ, ông bà. Nho giáo được xem như là một Đạo dạy về nhơn luân đạo đức, hay nói cách khác, là một đạo thờ cúng Tổ tiên ông bà, lấy hiếu làm đầu trong trăm nết (Hiếu vi bách hạnh chi tiên 孝 為 百 行 之 先).

Sách Hiếu Kinh cũng viết: Hiếu là Đạo thường của Trời, lẽ phải của Đất (Hiếu giả Thiên chi kinh dã, địa chi nghĩa dã 孝 者, 天 之 經 也, 地 之 義 也).

Ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ sâu nặng như vậy, người con hiếu thảo phải ở với cha mẹ hết lòng tôn kính, nuôi cha mẹ thì hết lòng vui vẻ, cha mẹ đau ốm thì hết lòng lo, cha mẹ mất, cư tang thì phải hết lòng xót thương, khi tế tự thì nghiêm trang hết mực (Hiếu tử chi sự thân, cư tắc trí kỳ kính, dưỡng tắc trí kỳ lạc, bệnh tắc trí kỳ ưu, tang tắc trí kỳ ai, tế tắc trí kỳ nghiêm 孝 子 之 事 親, 居 則 致 其 敬, 養 則 致 其 樂, 病 則 致 其 憂, 喪 則 致 其 哀, 祭 則 致 其 嚴).

Ngoài ra, Mạnh Tử cũng nói rằng: “Con đối với cha mẹ, sự phụng dưỡng khi cha mẹ còn sống, không đủ gọi là việc lớn, duy chỉ việc chôn cất khi cha mẹ chết mới gọi được là việc lớn” (Dưỡng sinh giả bất túc dĩ đương đại sự, duy tống tử khả dĩ đương đại sự 養 生 者 不 足 以 當 大 事, 惟 送 死 可 以 當 大 事).

Khi cha mẹ mất, người tín đồ Cao Đài nên giữ chay lạt và thành tâm để lo cúng tế, không bày biện hình thức phí phạm, hao tốn, chỉ chú trọng ai bi mà cư tang, thành kỉnh mà tế tự, ấy là căn bản của lễ nghi vậy. Điều cần nhứt trong tang lễ của Đạo là hiếu quyến phải thành tâm cầu xin Đức Chí Tôn, Phật Mẫu, các Đấng Thiêng Liêng Địa Tạng Vương Bồ Tát, Thất Nương Diêu Trì Cung cứu độ cho Chơn linh phụ mẫu được siêu thăng thoát hóa.

Sau lễ tang, những người con hiếu thảo phải khắc cốt ghi tâm đến lời trong Kinh Tụng Cha Mẹ Đã Qui Liễu có nhắc nhở mà chính mình quì tế lễ thì mặc nhiên như một lời hứa hẹn với hai đấng thân thương đã quá cố:

Thong dong cõi thọ nương hồn,

Chờ con lập đức giúp hườn ngôi xưa.

Có nhớ đến lời hứa hẹn mới quyết tâm lo tu thân lập đức để lấy công quả của chính mình mà hồi hướng cho cha mẹ.


III.-CHÚ GIẢI:
Ơn cúc dục cù lao mang nặng,

Lỡ thân côi mưa nắng khôn ngừa.

Cúc dục: Bồng bế nuôi nấng, chỉ công ơn của cha mẹ đối với con cái.

Cù lao 劬 勞: Cù 劬 là siêng năng, lao 勞 là khó nhọc. Cù lao: Chỉ công cha mẹ nuôi dưỡng con cái khó khăn nhọc nhằn.

Thường người ta hay dùng thành ngữ “Cửu tự cù lao 九 字 劬 勞” hay “Cù lao chín chữ” để chỉ chín cái công ơn khó nhọc của cha mẹ đối với con cái. Chín công ơn đó là: Sinh 生 (cha sinh), cúc 鞠 (nâng đỡ), phủ 撫 (vỗ về), dục 育 (nuôi lớn khôn), cố 顧 (trông nôm), phục 復 (quấn quít), phủ 俯 (nâng nhắc), phúc 腹 (bồng bế).



Thân côi: Tấm thân côi cúc, tức mồ côi không cha không mẹ.

Khôn ngừa: Không phòng ngừa trước.

Câu 1: Ơn sinh dưỡng và nuôi nấng của cha mẹ rất nên sâu nặng.

Câu 2: Tấm thân của con côi cúc không thể nào phòng ngừa được khi mưa khi nắng.

Từ ngàn xưa không biết bao nhiêu thi ca, kinh sách và các nhà Tôn giáo nói về công lao sinh dưỡng của cha mẹ. Ca dao Việt Nam nói về công đức cao dày ấy như sau:



Công cha như núi Thái sơn,

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu cũng nói lên công Trời biển đó:

Thương thay chín chữ cù lao,

Ba năm nhũ bộ biết bao nhiêu tình.

Gia Huấn Ca của Nguyễn Trãi cũng viết:

Cù lao đội đức cao dày,

Phải lo hiếu kính đêm ngày khăng khăng.

Kinh Thi cũng nói rằng: “Phụ hề sinh ngã, mẫu hề cúc ngã, ai ai phụ mẫu, sinh ngã cù lao, dục báo thâm ân, hạo thiên võng cực 父 兮 生 我, 母 兮 鞠 我, 哀 哀 父 母 生 我 劬 勞, 欲 報 深 恩, 昊 天 罔 極”, tức là cha sinh ta, mẹ nuôi ta. Thương thay cha mẹ sinh ta khó nhọc, muốn báo ơn sâu, công ơn ấy như Trời cao mênh mông không thể nào trả hết được.

Nhờ cha sinh mẹ dưỡng, nếu lỡ như cha mẹ không còn thì tấm thân con cái phải cam chịu cảnh côi cúc một mình, vật chất đã đành thiếu thốn, mà tinh thần cũng lạnh lẽo cô đơn. Ca dao Việt Nam có cực tả cảnh đau buồn của người con mồ côi như sau:



Có cha có mẹ thì hơn,

Không cha, không mẹ như đờn đứt dây.

Hoặc:

Còn cha, nhiều kẻ yêu vì,

Một mai cha thác, ai thì yêu con.

Hoặc:

Còn cha, gót đỏ như son,

Một mai cha chết gót con lấm bùn.

Như thế mới thấy rằng cha mẹ rất cần thiết cho con cái: Là cây cao bóng mát để che chở, là chiếc nôi để đùm bọc cho con cái yêu thương. Có hiểu được cái công đức sinh thành dưỡng dục của cha mẹ là to lớn thế nào, người tu học mới rán giữ sao cho trọn bề hiếu đạo của một người con.
Âm Dương cách bóng sớm trưa,

Thon von phận bạc không vừa hiếu thân.

Âm Dương 陰 陽: Cõi Âm, tức Âm phủ nơi của người chết nghỉ; cõi Dương, tức Dương gian chỗ của người sống ở.

Thon von: Héo hắt quạnh quẽ.

Phận bạc: Hay bạc phận 薄 分 Số phận mỏng manh.

Hiếu thân 孝 親: Hiếu thảo với cha mẹ.

Câu 3: Cõi Dương gian và cõi Âm phủ cách nhau, khiến cho hằng ngày sớm trưa đều không thấy bóng được nhau.

Câu 4: Con chịu cảnh quạnh quẻ một mình, bởi số phận con mỏng manh, nên không tròn chữ hiếu với cha mẹ.

Thế thường, khi cha mẹ còn sống ở nhân gian, có nhiều người không thương tưởng, quan tâm đến, một mai cha mẹ qui thiên rồi thì mới thấy thiếu vắng, thương tiếc.Ví như bảo vật còn cầm trong bàn tay chưa thấy là quí, đến khi vuột khỏi tầm tay thì mới biết là quí thì than ôi! vật đã không còn nữa. Sách có câu: Mộc dục tĩnh nhi phong bất tức, tử dục dưỡng nhi thân bất tồn 木 欲 靜 而 風 不 息, 子 欲 養 而 親 不 存 (Cây muốn lặng mà gió không ngừng, con muốn nuôi mà cha mẹ không còn nữa).


Đầu cúi lạy............ linh hiển,

Lễ muối dưa làm miếng hiếu tâm.

Phụ thân 父 親: Cha (Nếu cha chết).

Mẫu thân 母 親: Mẹ (Nếu mẹ chết).

Song thân 雙 親: Hai thân, tức cha mẹ (Nếu cha mẹ chết hết).

Linh hiển 靈 顯: Linh thiêng hiển hiện ra.

Lễ muối dưa: Lễ cúng muối và dưa, chỉ cuộc lễ cúng đơn sơ, đạm bạc.

Hiếu tâm 孝 心: Lòng hiếu thảo.

Câu 5: Con xin thành tâm cúi lạy (Phụ thân, mẫu thân hay song thân) linh hiển.

Câu 6: Và xin dâng muối dưa đạm bạc để làm lễ cúng hầu tỏ lòng hiếu đạo của con.

Lòng hiếu thảo của con cái không đợi đến lúc cha mẹ mãn phần, rồi tỏ vẻ buồn thương, khóc lóc, tổ chức tang lễ một cách long trọng, bày mâm cao cỗ đầy để cúng tế, mới gọi là hiếu, mà phải hiếu kính, lo phụng dưỡng cha mẹ từ khi người còn sống, điều này người bình dân đã từng châm biếm thói người đó qua những câu ca dao sau:



Sống thời con chẳng cho ăn,

Chết thời xôi, thịt làm văn tế ruồi.

Hoặc:

Sống thì chẳng cho ăn nào,

Chết thì cúng, giỗ mâm cao cỗ đầy.

Đạo hiếu là đầu mối trước nhứt của Nho giáo, nên trong sự giáo hóa, Khổng Tử lấy Hiếu Đễ là một nết rất quan trọng trong trăm nết. Ngài dạy rất kỹ lưỡng về việc hiếu với cha mẹ, ông bà. Theo Ngài, người có hiếu không phải nuôi dưỡng cha mẹ là đủ, mà còn phải có lòng kính. Điều nầy Ngài dạy Tử Du như sau : Cái hiếu ngày nay, người ta cho rằng chỉ có thể nuôi dưỡng cha mẹ, đến như loài chó ngựa đều có người nuôi, nuôi mà không kính thì lấy gì để phân biệt ? (Kim chi hiếu giả, thị vị năng dưỡng, chí ư khuyển mã, giai năng hữu dưỡng, bất kính hà dĩ biệt hồ? 今 之 孝 者, 是 謂 能 養, 至 於 犬 馬, 皆 能 有 養, 不 敬 何 以 別 乎).

Ngoài việc phụng dưỡng cha mẹ, Ngài còn dạy chi ly về việc hiếu như phải quan tâm, lo lắng cha mẹ, làm vui lòng cha mẹ, không đi chơi xa khi cha mẹ còn sống, có đi xa phải cho cha mẹ biết chỗ đi: “Phụ mẫu tại, bất viễn du, du tất hữu phương 父 母 在, 不 遠 遊, 遊 必 有 方”. Ngoài ra làm người con hiếu cũng phải biết nối chí của cha mẹ, khéo noi theo việc làm của cha mẹ: “Phù hiếu giả thiện kế nhân chi chí, thiện thuật nhân chi sự giả dã 夫 孝 者 善 繼 人 之 志, 善 述 人 之 事 者 也”. Qua câu này, Ngài lấy chữ thiện là khéo để dạy rằng hễ điều hay của cha mẹ thì nên theo, điều dở nên bỏ, chứ không phải theo một cách mù quán.
Ven Trời gởi chút tình thâm,

Động lòng thương nhớ tuôn dầm lệ sa.

Tình thâm: Hay thâm tình 深 情: Mối tình sâu đậm.

Động lòng: Lòng cảm động.

Tuôn dầm: Tuôn rơi giọt nước mắt dầm dề.

Lệ sa: Lệ 淚 là nước mắt. Lệ sa là rơi nước mắt.

Câu 7: Nơi ven trời xa xôi, con xin gởi đến mối tình thương yêu sâu đậm.

Câu 8: Lòng cảm thấy nhớ thương nên nước mắt tuôn rơi dầm dề.
Xin có tưởng ruột rà màu mủ,

Cõi Hư linh bao phủ ân hồng.

Ruột rà : Quan hệ ruột thịt.

Máu mủ: Quan hệ cùng huyết thống.

Hư linh 虛 靈: Cõi Hư vô thiêng liêng.

Ân hồng: Hay Hồng ân 洪 恩: Ơn huệ to lớn, chỉ ơn huệ của Đức Chí Tôn.

Câu 9: Xin có tưởng đến tình thương yêu ruột rà máu thịt.

Câu 10: Hồng ân của Đức Chí Tôn bao phủ khắp mọi nơi cõi Thiêng Liêng.
Cảnh Thiên noi bước Hóa Công,

Nắm phan Tiếp Dẫn vào vòng Như Lai.

Cảnh thiên: Hay Thiên cảnh 天 境: Cõi Trời, tức cõi Thiêng Liêng Hằng Sống.

Noi bước: Bước đi theo.

Hóa Công 化 工: Thợ tạo hóa, còn gọi Tạo công, Tạo hóa, Hóa công...

Phan Tiếp dẫn: Hay Tiếp dẫn phan 接 引 幡, tức cây phướn Tiếp dẫn của Tiếp Dẫn Chơn Nhơn, là một vị Phật có nhiệm vụ hướng dẫn các Chơn linh đắc Đạo về cõi Tây Phương Cực Lạc.

Trong truyện Tây Du Ký, có nói về Tiếp Dẫn Đạo Nhơn như sau: Bốn thầy trò Đường Tam Tạng, sau khi đi thỉnh kinh về, đến bến Lăng Vân, thì không thể qua bên kia bờ sông được, còn đang bối rối, thời may có Tiếp Dẫn Đạo Nhơn chèo chiếc thuyền không đáy tới rước để đưa qua sông. Tam Tạng sợ quá, không dám xuống thuyền, Tề Thiên Đại Thánh bèn xô Thầy té xuống nước. Tiếp Dẫn Đạo Nhơn đỡ Tam Tạng ngồi vào thuyền và chèo đưa qua bên kia sông. Khi đến giữa sông, mọi người thấy có một xác người trôi lờ đờ, nhìn kỹ, đó là xác phàm của Tam Tạng. Thế là Tam Tạng đã bỏ xác phàm mà thành Phật.

Trong kinh Cầu Hồn Khi Hấp Hối có câu nói về Tiếp Dẫn Phật như sau:

Tây phương Tiếp Dẫn Đạo Nhơn,

Phướn linh khai mở nẻo đường Lôi Âm.



Như Lai 如 來: Theo Kinh Kim Cang, Như Lai là bậc không từ đâu mà tới và cũng sẽ không đi tới đâu. Như Lai từ Chân như tới và sẽ đi về Chân như.

Như Lai là một trong mười danh hiệu Phật để chỉ bậc giác ngộ viên mãn.



Vào vòng Như Lai: Vào thế giới của Đức Phật, tức đi vào cõi Tây Phương Cực Lạc.

Câu 11: Về cõi Thiêng Liêng Hằng Sống, xin noi theo bước của Đức Chí Tôn mà đi.

Câu 12: Và níu theo cây phướn Tiếp dẫn mà về cõi Cực Lạc cùng với Tiếp Dẫn Đạo Nhơn.
Chốn Hư linh chờ ngày hội hiệp,

Dầu căn xưa quả kiếp dường bao.

Chốn Hư linh: Cõi hư vô linh hiển, chỉ cõi Thiêng Liêng.

Chờ ngày hội hiệp: Đợi chờ ngày đoàn tụ, chờ ngày hiệp mặt cùng nhau.

Căn xưa: Gốc rễ do tội phước gây ra của kiếp trước, hay căn nghiệt do tiền kiếp tạo ra.

Quả kiếp 果 劫: Cái quả báo trong kiếp sống hiện tại phải thọ lãnh do nhân tạo ra từ kiếp trước.

Dường bao: Cho dù nhiều thế nào đi nữa.

Câu 13: Nơi cõi Hư linh (hay Thiên cảnh), xin chờ đợi ngày đoàn tụ để cùng hội hiệp với nhau.

Câu 14: Cho dù căn nghiệp xưa và quả kiếp có nhiều đi chăng nữa.
Thà cam vui chốn động Đào,

Đừng vì nhớ trẻ trở vào phàm gian.

Thà cam: Đành phải cam chịu, thà rằng cam chịu.

Động đào: Hay Đào nguyên động 桃 源 洞: Nơi động có Tiên ở. (Xem chú thích ở bài Kinh Khi Về).

Phàm gian 凡 間: Cõi phàm trần, cõi nhơn gian.

Câu 15: Đành phải cam chịu vui hưởng thảnh thơi nơi cõi Thiêng Liêng.

Câu 16: Chớ vì sự thương nhớ con cái mà phải trở vào chốn phàm gian nữa.

Khi nghiệp quả của một đời người vừa dứt thì Chơn linh sẽ được nhẹ nhàng trở về cõi Thiêng Liêng. Nhưng lúc xuống đầu kiếp hay khi trở về Chơn linh thường bị Chơn thần, là tạng chứa dục vọng, xui khiến mà nhiễm theo thất tình lục dục làm cho Chơn linh ham mê, luyến tiếc nơi cõi phàm trần. Câu Kinh “Thà cam vui chốn Động đào” nhằm nhắc nhở cho con cái biết rằng tình thương của cha mẹ rất sâu đậm và mạnh mẽ, có thể vì tình cảm mà Chơn linh cha mẹ hướng về phàm gian chăng? Bổn phận con cái có hiếu đạo nên cầu xin Chơn linh cha mẹ thà rằng cam chịu dứt tình thân ái, không nên lưu luyến cõi trần gian để Chơn linh được hưởng nhẹ nhàng, tiêu diêu nơi miền Cực Lạc.

Tương tự như vậy, trong bài Kinh Tẫn Liệm cũng từng nhắc nhở Chơn linh người quá cố:

Đừng gìn thân ái nghĩa nhân,

Xôn xao thoát khổ xa lần bến mê.


Nuốt tiếng than đôi hàng lã chã,

Tưởng đến điều nhơn quả mà đau.

Nuốt tiếng than: Dằn nén đau thương để khỏi buông lời than thở, tức kềm chế sự đau khổ trong lòng.

Đôi hàng lã chã: Hai hàng nước mắt chảy ròng ròng.

Tưởng đến điều: Nghĩ đến việc.

Nhơn quả 因 果: Nguyên nhân và kết quả.

Nhân 因: Là hạt giống, cái mầm, có năng lực tác động.

Quả 果: Là trái, kết quả, là sự hình thành.

Mỗi hiện tượng đều có nguyên nhân của nó. Hễ có nguyên nhân , tất nhiên sẽ có kết quả tương thích với nguyên nhân ấy, đó là luật nhân nào quả nấy.

Luật nhân quả không bị hạn chế bởi thời gian, có khi nhanh, cũng có khi chậm. Có nhiều loại nhân quả:

Nhân quả hiện tại gọi là Hiện báo 現 報: Nghiệp nhân trong đời này đưa đến quả báo ở hiện kiếp.

Nhân quả trong hai đời gọi là Sanh báo 生 報: Đời trước tạo nhân đời nay mới thọ quả. Đời này gây nhân đời sau nhận quả.

Nhân quả trong nhiều đời gọi là Hậu báo 後 報: Từ rất nhiều đời trước gây nhân, đời nay mới gặt quả, hoặc đời này tạo nhân nhưng mãi nhiều đời sau mới thọ quả.



Câu 17: Lòng đau thương cố dằn nén để khỏi buông tiếng than thở mà hai dòng nước mắt cứ tuôn rơi lã chã.

Câu 18: Nghĩ đến những việc nhân quả mà thêm đau khổ.
Xem thân tuổi hạc càng cao,

E ra tử biệt Thiên Tào định phân.

Xem thân: Thân 親: Cha hoặc mẹ. Xem thấy cha hoặc mẹ.

Tuổi hạc: Tuổi tác, sống lâu.

Hạc là loài chim có chân cao, cổ dài, da đỏ, lông trắng cánh đen (cũng có loại hạc cánh mun hay cánh xanh).

Theo sách Thi Sớ của Lục Cơ nói rằng hạc là một loài chim sống lâu, sống đến ngàn sáu trăm năm và chỉ cần uống không cần ăn cũng sống được. Người ta thường mong muốn cha mẹ sống thọ nên tuổi cha mẹ được gọi là tuổi hạc.

Tử biệt 死 別: Chết mà phải cách biệt với nhau, nên gọi là tử biệt.

Thiên tào 天 曹: Theo Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh, Thiên tào cũng như Thiên đình.

Câu 19 và 20: Thấy tuổi thọ của cha mẹ càng ngày càng cao, con e rằng sẽ có ngày ly biệt, song việc chết sống là do nơi Thiên tào định phân.

Làm người con hiếu, ngoài việc phụng dưỡng cha mẹ một cách chu toàn, còn phải nắm vững tuổi tác và biết rõ sức khỏe, đó là có sự quan tâm đến cha mẹ, là hiếu thảo với cha mẹ.

Đức Khổng Tử có nói: “Phụ mẫu chi niên bất khả bất tri giả: Nhất tắc dĩ hỉ, nhất tắc dĩ cụ 父 母 之 年, 不 可 不 知 者, 一 則 以 喜, 一 則 以 懼”: Cha mẹ có tuổi rồi, đạo làm con chẳng nên chẳng biết: Một là để mừng khi cha mẹ còn mạnh, hai là sợ khi sức lực cha mẹ đã suy. Câu chuyện hiếu sau đây nói lên điều đó:

Bá Du người đời Hớn rất hiếu thảo. Ngày kia có lỗi, mẹ đánh. Bá Du vùng khóc lớn. Người mẹ hỏi: “Thường mẹ đánh con, con không khóc, sao bây giờ con lại khóc?” Bá Du khóc mà thưa rằng: “Trước mẹ đánh con đau mà con không khóc là con mừng mẹ còn mạnh. Nay mẹ đánh con không đau mà con khóc, là vì con thấy sức mẹ đã suy yếu rồi”. Quả là người con chí hiếu vậy.


Nối hương lửa nhơn luân đạo trọng,

Con gìn câu chết sống trọn nghì.

Nối hương lửa: Kế tục hương hỏa, tức là tiếp nối phụng sự Tổ tiên.

Nhơn luân 人 倫: Những qui tắc cư xử của con người với nhau cho hợp với luân lý, đạo đức.

Đạo trọng 道 重: Cái đạo lý rẩt quan trọng cho con người.

Chết sống: Hai biến cố rất quan trọng của con người:

Chết: Theo quan niệm của người đời chết là hết. Nhưng theo triết lý của Phật giáo hay Cao Đài, chết chỉ là một giai đoạn hoại diệt của thân xác hữu hình hay sự đoạn lìa nghiệp trái ở cõi thế, để có sự sống miên viễn, bất tận của Linh hồn nơi thế giới vô vi, thanh tịnh.

Sống: Là một giai đoạn của thân xác con người, kể từ được sinh ra cho đến lúc bị hoại diệt. Theo Cao Đài, để sự sống có ý nghĩa thì con người phải mượn thể xác hữu hình để làm phương tiện trau giồi về phần tâm linh, hay nói rõ hơn, lợi dụng cuộc sống của mình để vừa trả nghiệp quả, vừa lo lập công bồi đức hầu chuẩn bị con đường phản bổn huờn nguyên cho Chơn linh.

Trọn nghì: Vẹn nghĩa, trọn vẹn đạo nghĩa.

Chết sống trọn nghì: Dù chết dù sống cũng giữ trọn đạo nghĩa, tức là dù bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải giữ gìn cho vẹn nghĩa.

Câu 21: Trong sự tíếp nối thờ phụng Tổ tiên, cái đạo nhơn luân rất nên quan trọng.

Câu 22: dù cho bất cứ gặp cảnh ngộ nào, con cũng phải gìn giữ cho trọn đạo nghĩa.

Làm con người, chúng ta phải biết cha mẹ lấy tinh huyết mà tạo ra cho chúng ta cái thân hình này và nuôi nấng cho đến lớn khôn, khổ cực biết dường nào, ấy là cái ơn rất lớn. Vậy bổn phận làm con phải nhớ đền bồi công ơn ấy, đó là làm việc hiếu vậy.

Còn nếu là người biết tu hành thì càng nên trọng chữ hiếu, bởi lẽ Nho giáo có dạy: “Vật hữu bổn mạt, sự hữu chung thủy, tri sở tiền hậu, tắc cận Đạo hỹ 物 有 本 末, 事 有 終 始, 知 所 前 後, 則 近 道 矣” Nghĩa là Vật có gốc ngọn, việc có trước sau, nếu mình biết gốc ngọn trước sau, thì gần được Đạo vậy, tức là mình phải biết nguồn gốc sinh thành ra chúng ta đây để lo đền đáp công ơn ấy.

Người con chí hiếu, không vì danh lợi, tiền tài mà quên đi điều hiếu đạo, dù bất cứ gặp hoàn cảnh nào, cũng phải giữa vẹn đạo nghĩa để kế thừa hương lửa Tổ tông, là mối giềng quan trọng của đạo nhơn luân vậy.


Sấp mình cúi lạy Từ Bi,

Tiền khiên phụ mẫu Tam Kỳ xá ân.

Sấp mình cúi lạy: Rạp mình để cúi lạy xuống.

Từ Bi 慈 悲: Từ là sự thương tưởng, sự lo lắng giúp ích cho mọi người, cho chúng sanh, làm lợi ích cho họ, làm cho họ an lạc, vui vẻ; bi là lòng trắc ẩn, thương xót trước cảnh khổ não của mọi người, của chúng sanh và lúc nào cũng muốn cửu vớt họ thoát khỏi các tai nạn, các nỗi ưu sầu.

Từ bi là lòng lành, thương xót, yêu thương mọi người. Ở đây, Từ Bi dùng để chỉ Đức Chí Tôn.



Tiền khiên 前 愆: Tội lỗi gây ra trong kiếp trước.

Tam Kỳ xá ân 三 期 赦 恩: Ân xá kỳ ba.

Đạo Cao Đài hay Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là một nền Đại Đạo được Đức Chí Tôn, Ngọc Hoàng Thượng Đế dùng huyền diệu thiêng liêng của cơ bút khai sáng tại miền Nam nước Việt, mở ra một thời kỳ đại ân xá cho toàn cả chúng sanh và các đẳng Chơn hồn, nên những oan khiên, nghiệp báo chất chồng từ muôn đời ngàn kiếp được Chí Tôn xá tất cả những tội lỗi tiền khiên để rảnh mình lo tu hành, lập công bồi đức, nếu biết ngộ một đời tu, đủ trở về cùng Chí Tôn đặng.



Câu 23 và 24: Con thành tâm cúi mình lạy Đức Chí Tôn, cầu xin vào thời kỳ đại ân xá, tha thứ những tội lỗi trong tiền kiếp của cha mẹ con.
Xin ................định thần định tánh,

Noi khuôn linh nẻo Thánh đưa chơn.

Khuôn linh: Như khuôn hồng hay khuôn thiêng, chỉ đấng Tạo hóa. (Xem chú thích Bài Kinh Nhập Học)

Nẻo Thánh: Con đường Thánh, tức là con đường đi vào cõi Thiêng Liêng Hằng Sống.

Câu 25 và 26: Xin cha, hay mẹ hoặc cha mẹ hãy định thần định tánh, hầu noi theo bước của Đức Chí Tôn mà vào cõi Thiêng Liêng Hằng Sống.
Thong dong cõi thọ nương hồn,

Chờ con lập đức giúp huờn ngôi xưa.

Thong dong: Hay thung dung 從容, tức thảnh thơi, nhàn hạ.

Cõi thọ: Cõi có sự sống lâu dài, hay cõi sống của Chơn linh, tức là cõi Thiêng Liêng Hằng Sống.

Lập đức 立 德: Làm những việc có công đức. Đây là một trong Tam lập: Lập công, lập ngôn, lập đức.

Lập đức là làm những việc lành, việc thiện nhằm đem lại phước đức cho mình và cho người khác. Những việc như bố thí, in kinh, làm chùa, ăn chay, lễ cúng hay ủng hộ những người tu hành chân chính là những việc làm tạo nên công đức. Đây là một yếu tố quan trọng trong việc tu hành vào thời Tam Kỳ Phổ Độ.

Thực vậy, vào thời hạ nguơn mạt Pháp, chúng sanh sống trong cảnh khổ đau của chiến tranh, thiên tai và bệnh tật, nên rất cần thiết có những tấm lòng, những bàn tay để xoa dịu những nỗi đau của sanh chúng. Lại nữa, Đức Chí Tôn mở Đạo lần này là lập một trường thi công quả. Thánh giáo dạy: “Người tu hành, nếu chưa trường trai trì giới nổi đặng thì hãy lo lập đức, bồi công để làm nền móng vững chắc cho việc luyện Đạo tương lai, chớ dục vọng mong sớm luyện Đạo để làm Tiên, Phật mà thiếu phần công quả, âm chất.Vì Thầy lập Đạo kỳ này là mở một trường thi công quả. Các con phải đi tại cửa này mới đến đặng Cực Lạc mà thôi”.

Phần nhiều, người tu hành thường thiếu công quả, mà công quả cũng là một phần của việc lập đức, vậy cần phải chuyên tâm lo về phần này, nên Chí Tôn thường nhắc nhở: “Người dưới thế này muốn giàu có phải kiếm phương thế mà làm ra của. Ấy là về phần xác thịt. Còn Thần, Thánh, Tiên, Phật muốn cho đắc Đạo, phải có công quả”.



Huờn: Hay hoàn 還: Trở về.

Ngôi xưa: Ngôi vị cũ nơi cõi Thiêng Liêng.

Sao gọi là ngôi xưa vị cũ nơi cõi Thiêng Liêng? Bởi vì mỗi chúng sanh đều là một điểm Linh quang, chiết ra từ khối Đại Linh quang của Đức Chí Tôn. Theo luật tiến hóa, các Chơn linh phải đầu kiếp xuống phàm trần là vật chất, từ tinh hoa vật chất, mới tiến lên đến kim thạch, thảo mộc, thú cầm, nhơn loại, rồi còn phải tu nhiều kiếp nữa mới tiến lên ngôi Thần, Thánh, Tiên, Phật và cuối cùng trở về ngôi vị cũ là khối Đại Linh quang của Thượng Đế.



Câu 27: Con cầu xin Linh hồn của (Cha, mẹ hay cha mẹ) được thong dong tự tại nơi cõi thọ.

Câu 28: Chờ con lo lập công bồi đức hồi hướng đến (cha, mẹ hay cha mẹ) để giúp cho được trở về ngôi xưa vị cũ.

Trong nghi thức tang lễ của đạo Cao Đài, khi người con quì cúng tế cho cha, mẹ, đồng nhi tụng đến hai câu Kinh này, chúng ta nghĩ đó là lời nguyện vái, hứa hẹn của người con hiếu trước bàn linh của cha, mẹ.

Từ trước đến nay, có biết bao người con đầu chít khăn tang, đã từng khóc lóc, quì cúng lạy cha, mẹ, nguyện thực hiện như lời Kinh đã dặn dò, song khi nắm xương cha, mẹ vừa vùi sâu vào lòng đất lạnh, than ôi! sau đó, người con bẳng đi lời kinh tiếng kệ để chạy theo tiền tài, danh lợi, mê đắm vinh hoa, ham mồi phú quí, quên rằng nơi cõi thọ cha, mẹ đang “chờ con lập đức giúp huờn ngôi xưa” một cách mòn mỏi, tuyệt vọng.

Nếu như người con hiếu đạo quyết thực hiện lời Kinh đã dạy thì phải biết tu thân, lập đức, nhất là phải thực hành công quả, để lấy đó mà dâng hiến lên cha, mẹ. Cha, mẹ nhờ công đức do con cháu tạo ra, làm hành trang để trở về ngôi xưa vị cũ.


Chung ly biệt con đưa tay rót,

Mối thương tâm chưa ngớt đeo sầu.

Ly biệt 離 別: Sự xa cách, sự chia ly.

Chung ly biệt: Chung rượu để tiễn biệt.

Thương tâm 傷 心: Mối đau thương ở trong lòng.

Chưa ngớt đeo sầu: Chưa giảm bớt mối sầu.

Câu 29: Chung rượu ly biệt con kính cẩn đưa tay rót để dâng lên cho cha mẹ.

Câu 30: Mối thương tâm chất chứa trong lòng và cũng chưa ngớt cơn sầu khổ.
Cha ở đâu, mẹ nơi đâu?

Tâm tang kính gởi một bầu lệ châu.

Tâm tang 心 喪: Cái tang ở trong lòng.

Lệ châu 淚珠: Nước mắt như giọt châu dầm dề rơi xuống.

Giọt châu hay châu sa đều chỉ giọt nước mắt rơi xuống long lanh như hạt ngọc.Truyện Kiều có câu:



Lòng đâu sẵn mối thương tâm,

Thoát nghe Kiều đã đầm đầm châu sa.

Do tích như sau: Nguyên thời xưa có loài giao long hóa thành người, gọi là giao nhân 蛟人, sống trên thế gian lấy vợ, lấy chồng và buôn bán với loài người. Nhưng đến cuối năm lại phải về thủy phủ để chầu vua. Lúc từ biệt gia đình, họ khóc rất thảm thiết, mà khóc bao nhiêu thì nước mắt hóa thành những hạt châu bấy nhiêu. Nên có câu: “Sái giao nhân chi châu lệ 洒 蛟 人 之 珠 淚”, nghĩa là người giao nhân khóc, nước mắt sa xuống thành hạt châu.

Câu 31: Bây giờ cha ở đâu? Mẹ ở nơi đâu?

Câu 32: Cái tang trong lòng con (tâm tang) đau đớn cùng với hai hàng lệ châu tuôn rơi lã chã.

Người xưa chế định tang phục cho những người vốn có quan hệ thân thuộc, còn giữa thầy trò vì ân nặng, nghĩa sâu, tình cảm thắm thiết, thường bày tỏ bi thống bằng tâm tang, tức là tang trong lòng mà không thọ phục.

Ở câu Kinh này, tâm tang không có thể hiểu nghĩa như trên, bởi vì con để tang cho cha, mẹ phải dùng trảm thôi hay tư thôi, nghĩa là áo tang rộng, sau lưng có tấm vải vuông gọi là phụ bản, ý nghĩa gánh vác sự đau buồn, trên đầu bao trùm cái khăn, đội lên cái mũ bạc, giữa lưng có thắt sợi dây rơm (Do tích Đằng Văn Công làm quan, hằng ngày không lìa áo mão và sợi dây ngọc đái. Khi gặp tang cha mẹ, ông dùng mũ bạc thế cho mão, dây rơm thế ngọc đái: Nhằm tỏ dấu hướng về triều đình).

Tang phục nhằm bày tỏ hình thức bên ngoài, còn tâm tang (tang trong lòng) thì tùy tâm của mỗi người con hiếu.

Xét về phong tục xưa, người ta hay quan niệm cha, mẹ mất con cái phải đau buồn, khóc lóc, càng sầu thảm bao nhiêu, càng thể hiện lòng hiếu bấy nhiêu, thậm chí có gia đình nhờ người khóc hộ. Ta cũng nên biết, sự thương yêu cốt ở trong lòng, lại nữa, như hai câu Kinh:



Thà cam vui chốn Động đào,

Đừng vì nhớ trẻ trở vào phàm gian.

cho chúng ta hiểu rằng dù thảm khổ đến đâu, làm người con hiếu thảo, phải dằn nén nỗi đau thương và thành tâm cầu nguyện cho Chơn linh cha, mẹ đừng nên quyến luyến tình thân ái nơi chốn trần gian, mà quên tìm về ngôi xưa vị cũ.




tải về 1.6 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương