Hà Nội Điện Biên Phủ trên không


Kỳ 3: Sóng dậy trong lòng nước Mỹ



tải về 1.12 Mb.
trang11/18
Chuyển đổi dữ liệu26.07.2016
Kích1.12 Mb.
#6077
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   ...   18

Kỳ 3: Sóng dậy trong lòng nước Mỹ


11/12/2012

Nước Mỹ đã nhanh chóng bị chìm ngập trong làn sóng thịnh nộ đang dâng lên trước cuộc ném bom kéo dài 12 ngày, Kissinger viết trong hồi kí.

Drenkowski, trong "Thảm kịch của cuộc hành quân Linebacker 2" đăng trên tạp chí của lực lượng không quân Mỹ không ngần ngại khẳng định: "Trong chiến tranh Việt Nam, ít có cuộc hành quân nào gây nhiều xúc động mạnh mẽ, thậm chí bi thảm hơn chiến dịch ném bom kéo dài 12 ngày mang tên "Hành quân Linebacker 2".

Cuộc hành quân này nhằm vào các mục tiêu ở khu vực Hà Nội - Hải Phòng và lần đầu tiên được thực hiện bằng máy bay ném bom hạng nặng B.52 để buộc Bắc Việt Nam phải ký kết hiệp định hòa bình Paris. Chiến dịch hầu như hoàn toàn do Bộ chỉ huy không quân chiến lược Hoa Kỳ (Strategic Air Command - SAC) thực hiện là một thảm họa cho những người lái và phục vụ trên máy bay và là một tiền lệ nguy hiểm cho tương lai.

Hậu quả của cuộc hành quân Linebacker 2 là một số lớn máy bay B.52 bị bắn hạ một cách không cần thiết và những nhân viên lái và phục vụ trên máy bay này bị thương tật, chết hoặc bị bắt".



Nước Mỹ nói gì?

Cuộc leo thang bắn phá miền Bắc Việt Nam bắt đầu dữ dội từ ngày 18, nhưng đỉnh điểm là ngày 26/12, sau ngày nghỉ Giáng sinh, như Nixon thừa nhận, chính ông ta là người ra lệnh trận tấn công này với 116 lần xuất kích của B.52. Mỗi "con quái vật điện tử" B.52 với 8 máy phản lực, có thể mang theo khoảng 30 tấn bom từ 500-700 cân Anh mỗi chuyến, có thể ném bom từ độ cao 17.000m, thực sự là một sát thủ trong việc rải thảm các mục tiêu lớn.

Tuy nhiên, điều Nixon nhận được là sự kiên cường chịu đựng của Hà Nội trong mưa bom bão đạn; là các con số thống kê thiệt hại B.52 tăng lên mỗi ngày, vượt ngưỡng 10% sức chịu đựng của Mỹ mà tướng Võ Nguyên Giáp đã tính toán; và làn sóng phẫn nộ dâng cao trong lòng nước Mỹ.

New York Times, tờ báo chính trị-xã hội uy tín của Mỹ lên tiếng đanh thép vào ngày 25/12/1972: "Cùng trong tuần các phi công vũ trụ Mỹ, từ quỹ đạo mặt trăng, phóng tên lửa đưa con tàu của họ trở về trái đất, thì các phi công Mỹ lại ném bom một nước nông nghiệp châu Á. Nước Mỹ của trí tuệ và nước Mỹ của trả thù đều đã đánh một đòn mạnh.

Hàng triệu nhân dân các nước trên khắp thế giới trong thế kỷ này đều đã bị bom ném từ trên trời xuống. Nhân dân Mỹ thì không bao giờ bị cả. Trong mùa suy ngẫm theo tôn giáo và đi đến những quyết định bản thân này (mùa Giáng sinh - NV), nước Mỹ và nhân dân Mỹ đang bị phán xét về việc chính phủ của chúng ta đang làm với nền kỹ thuật hùng hậu của mình...?

Đâu là nước Mỹ thật? Bây giờ không còn là vấn đề trước mắt nhân dân thế giới chúng ta đang bị phán xét như thế nào nữa rồi, phán xét đó đã rõ ràng. Vấn đề là chúng ta, nhân danh dân tộc, phán xét chúng ta như thế nào và đến ngày phán xét thì chúng ta bị kết tội gì?".

Trước đó, vào ngày 20/12, chính New York Times cáo buộc Tổng tư lệnh tối cao của nước Mỹ "quay về sức mạnh thô bạo (...) tàn bạo (...) chà đạp lên những nguyên tắc của chủ nghĩa nhân đạo (...).

Đến ngày 7/1/1973, New York Times không ngần ngại dùng từ "khủng bố" trong xã luận của tờ báo nổi tiếng này: "Khi Tổng thống đưa máy bay B.52 đi đánh phá Hà Nội, ông đã không phải chỉ làm có việc thay đổi chiến thuật trong một cuộc chiến tranh không tuyên chiến, mà ông còn đặt ra một tiền lệ khủng khiếp.

Nixon đã sử dụng các công cụ khủng bố không phải để bảo vệ nước Mỹ hoặc lính Mỹ chống lại một cuộc chiến tranh, mà là để ép buộc đối phương phải chấp nhận những điều kiện của ông tại bàn thương lượng".

Trong khi đó, nói với hãng tin Mỹ UPI ngày 1/1/1973, tướng Mỹ J.Taylor mô tả: "Chúng tôi đã thấy cảnh tàn phá, đau thương và chết chóc với quy mô làm cho tất cả chúng tôi đau đớn và kinh hoàng không lời nào tả xiết. Chúng tôi đã thấy những bệnh viện, nhà cửa, khu dân cư bị tàn phá và san bằng, những ga xe lửa và sân bay bị phá hỏng".

Hội xúc tiến khoa học Mỹ trong nghị quyết ngày 30/12/1972 lên án dữ dội: "Là những nhà khoa học, chúng tôi không thể im lặng được trong khi Mỹ đang dùng những phương tiện khoa học hiện đại để can thiệp bằng cách hủy diệt vào các cơ sở của những nước nghèo và ở cách xa Mỹ".

Từ Hà Nội, 30 phi công Mỹ bị bắt giữ khi tham gia tấn công tháng 12/1972 khẩn thiết: "Chúng tôi kêu gọi mạnh mẽ các nghị sỹ Quốc hội sử dụng mọi quyền lực hợp pháp và tinh thần để đem lại hòa bình. Chúng tôi hiểu rằng chiến tranh kéo dài chỉ làm tăng thêm nỗi đau khổ, kéo dài sự giam cầm của chúng tôi và tăng thêm những tổn thất của nước Mỹ".



"Cho phép tôi xin lỗi"

Ngày 26/12/1972, từ California, ông Andrew Caster gửi thư cho đài Tiếng nói Việt Nam: "Bốn năm trước, Nixon đã hứa chấm dứt chiến tranh và đến nay chiến tranh vẫn chưa chấm dứt. Hơn nữa qua Henry Kissinger, Nixon nói với chúng tôi rằng: Hòa bình đã ở tầm tay. Vậy mà, họ đang giội bom xuống các bạn nặng nề hơn bao giờ hết.

Những cuộc ném bom này và toàn bộ sự xâm lược là vô nghĩa. Nó cần phải được chấm dứt ngay. Một lần nữa cho phép tôi xin lỗi các bạn về những tổn thất do bom đạn Mỹ gây ra. Không bao giờ có thể giành lại được cuộc sống cho những người dân thường đã bị bom Mỹ giết hại. Nước Mỹ quả thật đã sai lầm" (trích).

Cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger, về sau trong hồi ký của ông ta cũng thừa nhận: "Nước Mỹ đã nhanh chóng bị chìm ngập trong làn sóng thịnh nộ đang dâng lên trước cuộc ném bom được tiếp tục từ ngày 18/12 kéo dài 12 ngày... Tôi nhận được những bức thư lời lẽ gay gắt không thể tưởng tượng được của những người xưa kia đã từng là bạn bè, của những công dân đầy giận dữ (không một ai trong số họ viết thư cho tôi sau này, hồi tháng Giêng, khi hiệp định đã đạt được).

Những lời lẽ buộc tội như "phi đạo đức", "lừa bịp" được tung ra bừa bãi; "dã man" là những tính từ được ưa dùng. Có vẻ như người ta cho rằng điều tất nhiên là Bắc Việt Nam không có tội tình gì cả và chúng tôi thì đang lao vào con đường tiêu diệt dân thường...".

Trong khi đó, Hội đồng giáo hội toàn quốc Mỹ ra tuyên bố: "Các cuộc ném bom (Bắc Việt Nam) là phi đạo đức và độc ác, vượt phạm vi của bất kỳ sự lựa chọn nào đối với đất nước và những người lãnh đạo chúng ta (Mỹ). Hội dồng giáo hội toàn quốc Mỹ kêu gọi chính phủ và nhân dân Mỹ sám hối để cho đất nước Mỹ không bị ghê sợ và ghét bỏ vì việc sử dụng sức mạnh quân sự vô trách nhiệm chống một nước nông nghiệp".

41 thủ lĩnh tôn giáo ở Mỹ tuyên bố "Việc ra lệnh ném bom hủy diệt ở miền Bắc Việt Nam là phản bội nhiệm vụ hòa bình. Là những người Mỹ, chúng tôi từ chối không phục tùng tính chất tất yếu của sự điên rồ này".

Còn 15 giáo sư, 200 chuyên gia ở đại học Havard kêu gọi quốc hội Mỹ: "Không có quyền lợi nào của Mỹ hoặc triển vọng nào ở Đông Dương có thể biện bạch cho việc dùng đến những hành động điên cuồng này. Quốc hội Mỹ phải lên án chính phủ Mỹ về hành động dã man này và ngăn chặn không để hành động này tái diễn bằng cách bỏ phiếu cắt đứt chi phí cho cuộc chiến tranh Đông Dương".

"Trong cuộc ném bom vừa qua ở miền Bắc Việt Nam, thế giới thấy rõ Mỹ đã dùng vũ lực một cách vô trách nhiệm. Không có mục đích nào dù chính trị hay quân sự có thể biện bạch cho việc tàn sát hàng loạt dân thường châu Á".

Không tha thứ

Cựu Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Robert Clark khẳng định: "Tôi tin rằng những cuộc ném bom này không nhằm đánh các mục tiêu quân sự mà nhằm trước hết hủy diệt dân thường".

15 hạ nghị sỹ Mỹ tuyên bố với Tổng thống Nixon: "Nếu ngài không thể hoặc không muốn đưa chúng tôi ra khỏi Việt Nam thì Quốc hội sẽ phải thi hành nghĩa vụ của mình để làm việc đó. Người ta không thể nói với nhân dân Mỹ và các đại diện của họ tại Quốc hội 2 tuần trước ngày bầu cử Tổng thống rằng: "Hòa bình ở trong tầm tay" rồi, sau đó 2 tháng lại nói rằng "Một hành động quân sự ồ ạt là cần thiết".

Hạ nghị sỹ Mỹ D.Regan thẳng thừng: "Những ai ở đất nước này cảm thấy bị phản bội hãy tập hợp nhau lại để biểu thị bằng sự có mặt của chúng ta rằng, chúng ta không tha thứ sự lừa dối về chính trị ở Mỹ".

Phía Thượng viện, hàng loạt Thượng nghị sỹ (TNS) đồng loạt lên tiếng về vấn đề này. "Hơn bao giờ hết, giờ đây là trách nhiệm của cả hai Đảng trong quốc hội là dùng quyền lập pháp của mình để cắt hết kinh phí nhằm chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Nixon đã phát động một chiến dịch ném bom khủng bố chưa từng có xuống Hà Nội và Hải Phòng làm chết hàng trăm, thậm chí hàng nghìn dân thường Việt Nam".

TNS. William Saxbe thì gọi những tuyên bố của Nixon là "những lời biện bạch quanh co và lập luận giả dối", gọi quyết định ném bom Hà Nội của Nixon thể hiện "thái độ ngang ngược và vô trách nhiệm".

Còn TNS. Kaiser thì thẳng thừng: "Nếu cuộc ném bom vẫn tiếp diễn thì Quốc hội, trong phiên họp ngày 3/1/1973 sẽ có nghĩa vụ phải làm cho sự dính líu của Mỹ phải hoàn toàn chấm dứt, nếu cần thiết thì bằng cách cắt hết ngân sách dành cho cuộc chiến tranh này".

Giữa khi đó, tại 2 căn cứ Guam và U-tapao (Thái Lan), tinh thần lính Mỹ đã xuống dốc không phanh...




Kỳ 4: Cuộc chiến trong lòng không quân Mỹ

12/12/2012



Mười sáu phi công gửi đơn khiếu nại lên Bộ chỉ huy xin không bay; 45 gia đình gửi thư chất vấn về trạng thái tinh thần phi công.

Mỗi chiếc B.52 sử dụng 6 nhân viên phi hành đoàn, gồm 1 lái chính, 1 phụ lái, 1 sỹ quan điện tử, 2 hoa tiêu và 1 hạ sỹ quan giữ súng máy ở cuối máy bay nhằm mục đích chống MIG truy đuổi khi đánh vào Hà Nội. Hà Nội tuyên bố bắt sống 30 giặc lái Mỹ, nhưng chưa từng tuyên bố bắt giữ đủ nguyên phi hành đoàn của một chiếc B.52 nào.

B.52, “con quái vật điện tử” được xem là “bất khả xâm phạm” rụng ngày một nhiều khi vào bầu trời miền Bắc Việt Nam.

Binh biến

Tạp chí Amed Forces Journal tường thuật: “Từ 22-24/12 (1972), tại các căn cứ B.52 tinh thần phi công khủng hoảng đến mức suy sụp. Trở về căn cứ họ bắt đầu đấu tranh đòi thay đổi chiến thuật đang sử dụng.

Một số phi công bịa ra, hoặc thổi phồng các lý do để biện bạch cho việc không hoàn thành nhiệm vụ (ném bom không chính xác). Một số nhân viên phi hành đoàn cáo ốm.

Các buổi thuyết trình về các phi vụ trong ngày trở thành cơ hội để các phi công tức giận, chế diễu, hoài nghi, thất vọng, mỉa mai hoặc cười hay nói kháy các sỹ quan điểm tin, các nhân viên của SAC (Bộ chỉ huy không quân chiến lược Hoa Kỳ - Strategic Air Command) vốn không chịu lắng nghe ý kiến phản đối của các phi công.

C


Phi công Mỹ bị bắt trong chiến dịch Linerbacker 2. Ảnh tư liệu

ác câu lạc bộ sỹ quan ở Guam, U-tapao là nơi để phi công thổ lộ các nỗi thất vọng và bực tức, vì con số thiệt hại ngày một tăng lên. Đầu tiên là 3 chiếc B.52, rồi 6 chiếc bị bắn rơi một ngày. Vậy mà SAC vẫn khăng khăng không chịu thay đổi chiến thuật.

Một số lớn phi công đã xin rút khỏi diện bay vì “lý do sức khỏe”. Các bác sĩ theo dõi phi công dùng chữ “binh biến” để mô tả tình hình ở 2 căn cứ. Một số phi công đã đi gặp nghị sĩ bảo trợ của họ hoặc không chịu bay. Người ta phải đưa ra tòa án binh xử một phi công đã tiếp xúc với giới báo chí rồi thải hồi anh ta để đe dọa”.

Phi công “bị đưa ra tòa án binh rồi thải hồi để đe dọa” mà Amed Forces Journal nhắc tới tên là Micheal Hayden. Nói với hãng tin Mỹ ngày 11/1/1973, Hếch khẳng định: “Không những riêng việc ném bom miền Bắc Việt Nam mà ngay cả ở miền Nam Việt Nam đã có đủ sự đau khổ để bênh vực việc chấm dứt chiến tranh. Việc ném bom ồ ạt miền Bắc là bước xô đẩy tôi vào vực thẳm…

Tôi đi đến chỗ nhận định rằng bất cứ cuộc chiến tranh nào (do Mỹ tiến hành) cũng gây ra tai họa to lớn hơn rất nhiều bất cứ vì lý do gì, ngay cả quyền tự quyết của Nam Việt Nam. Những mục tiêu ném bom là không biện bạch được cho việc hủy diệt và giết chóc hàng loạt. Việc đó chia rẽ đất nước chúng ta”.

Việc “hủy diệt và giết chóc hàng loạt” mà Hayden nhắc tới, được trung úy, phụ lái B.52 bị bắt ở Hà Nội xác nhận: “Không có lời nào tả được sự xúc động của tôi khi được đến tận nơi nhìn thấy cảnh tàn phá ấy. Nhiều thường dân đã chết. Từ khi bị bắt, tôi mới được biết rõ về người Việt Nam. Những cuộc ném bom chỉ làm rắn chắc thêm quyết tâm chiến đấu của họ”.

Còn trung tá William Conli, sỹ quan điều khiển điện tử B.52, cũng bị Hà Nội bắt sống, thừa nhận: “Tôi có thể khẳng định rằng nếu B.52 còn vào nữa thì còn bị bắn rơi nhiều nữa. Các ông chiến đấu dũng cảm, mưu trí, có chính nghĩa. Tôi tin chắc rằng nhất định các ông sẽ thắng vì lịch sử ở phía các ông, đạo lý ở phía các ông”.



Hoảng loạn

Trong khi đó, “ở sân bay U-tapao bên bờ biển Thái Lan, không khí bao trùm là lo lắng và sợ hãi. Từ đêm 18/12, Liên đoàn 307 chúng tôi ai nấy đều chán ngán. Không nói to, không cười đùa, không chạm cốc, mặc dù đó là ba điểm vốn rất quen thuộc của căn cứ. Không có một ai cười, dù sắp đến Noel và năm mới. Chưa bao giờ ở căn cứ này lại có không khí nặng nề đến như vậy.

Bởi vì, chúng tôi phải đi vào những nơi nguy hiểm nhất. Bởi vì, cứ thế này thì ai cũng sẽ đến lượt sẽ chết. Chết trong đêm tối. Chết bi thảm. Chết vì một mục đích không thể hiểu nổi”, đó là lời khai của John Harry Iunin, trung tá lái chính, chỉ huy một tổ B.52.

Iunin may mắn không chết, nên đã bị bắt, và được trao trả sau hiệp định Paris. Còn số phận nhiều người trong phi hành đoàn của anh ta thì không may mắn như vậy.

“Sân bay Andersen ở đảo Guam là căn cứ chính của Tập đoàn không quân số 8 thuộc Bộ chỉ huy không quân chiến lược. Tập đoàn này do tướng không quân Johnson chỉ huy.

Từ đêm 18/12, chúng tôi rất kinh ngạc vì phải đi ném bom vùng châu thổ Bắc Việt Nam. Chúng tôi hoàn toàn bất ngờ. Ai cũng lo, vì được biết, vùng đó được bảo vệ rất mạnh. Chúng tôi được biết rằng ngay từ chuyến đầu bay vào Hà Nội, nhiều máy bay B.52 bị bắn rơi, không trở về căn cứ.

Trước hôm tôi tham gia chuyến bay cuối cùng, trên báo quân đội Mỹ “Sao và vạch” có đưa tin một số B.52 đã bị bắn rơi từ 18 đến 24/12. Chuyến bay nào cũng có máy bay không trở về. Thật là đáng sợ!.

Không khí bao trùm căn cứ Andersen là căng thẳng. Không cười, không đùa, không nói to. Ai nấy đều lo lắng. Không khí căng thẳng này tăng lên từng ngày”, James Corden (38 tuổi), thiếu tá không quân hoa tiêu ra-đa B.52 khai với Hà Nội.

Trong một chuyến bay của B.52, người giữ vị trí hoa tiêu ra-đa là người phụ trách việc ném bom rải thảm, căn cứ vào những tọa độ đã đánh dấu sẵn trên bản đồ bay sau khi đã tính toán khớp với đường bay, hướng bay, vị trí đang bay bằng ra-đa. Vị trí này được gọi là nghề “bấm nút thả bom mà không cần quan sát mục tiêu”.

Còn thiếu tá hoa tiêu B.52 Richard E.Johnson, có 16 năm bay, với 6.000 giờ bay trên B.52, từng bay 250 phi vụ ở Lào và 250 phi vụ ở miền Nam Việt Nam, thú nhận: “Là một phi công đã hoạt động khá lâu ở Đông Nam Á, cho nên tôi đã được nghe kể nhiều về lưới lửa phòng không ghê gớm của Bắc Việt, nhất là ở khu vực châu thổ Sông Hồng. Kể ra, chỉ có một số ít bọn nhóc mới ra trường chẳng hiểu quái gì cả thì còn hung hăng đôi chút. Chứ lũ chúng tôi, càng lái nhiều càng lo…”.

Richard từng bay trên máy bay huấn luyện T.29 khoảng 200 giờ, sau đó chuyển sang loại ném bom hạng nặng B.47 khoảng 200 giờ nữa, rồi rốt cuộc chung thân với việc “chuyên môn cưỡi pháo đài bay B.52”, chuyến đầu tiên bay ra ném bom Hà Nội thì bị bắn rơi, bắt sống.

Đại úy, phi công Drenkowski, trong “Tấn bi kịch của Linebacker 2” (tạp chí “Quân lực Mỹ”) giải thích về sự sợ hãi leo thang này: “Đến 25/12, người ta ước tính tỷ lệ thiệt hại lên tới 10% hoặc 12% số 200 chiếc B.52 đang tham gia trận tập kích. Bạn đồng ngũ ra đi không quay lại. Số này ngày càng đông, tinh thần các nhân viên phi hành càng tan rã. Họ bắt đầu phản kháng không chịu bay, viện đủ cớ máy bay không được bảo quản kỹ, lý do sức khỏe và các lý do khác.

Những buổi giao nhiệm vụ bay trở thành các phiên họp căng thẳng. Hoa tiêu cáo bệnh, y sĩ nhận xét là các nhân viên phi hành nào cũng có lý do để khỏi phải bay. Ngồi đâu họ cũng châm biếm, chế nhạo, tỏ thái độ chán chường, thất vọng. Gặp sỹ quan tham mưu là họ vặn vẹo, gây sự.

16 phi công gửi đơn khiếu nại lên Bộ chỉ huy xin không bay. 45 gia đình gửi thư chất vấn về trạng thái tinh thần phi công. Họ gặp các hạ nghĩ sỹ đại biểu cho họ để thông báo sự tình bằng thư. Họ nhờ cả báo chí thông báo tình hình cho công luận. Ba phi công trong đó có đại úy Drenkowski phát đơn kiện Bộ chỉ huy Mỹ.

Bộ chỉ huy không quân phải quyết định dùng các B.52 ở Thái Lan tham gia chiến dịch Linebacker 2. Các kíp lái ở Guam quay sang ném bom ở Nam Việt Nam, đỡ nguy hiểm hơn. Đó là cách giải quyết lặng lẽ để đối phó với vấn đề tinh thần nghiêm trọng trong toàn bộ nhân viên phi hành ở các B.52D và gia đình họ.

Trước lễ Giáng sinh, ít nhất có 11 chiếc B.52 bị bắn rơi, nhiều chiếc khác bị thương.

Các máy bay B.52G dễ bị bắn rơi được điều đi ném bom Thái Nguyên và Hải Phòng. Tuy vậy, tên lửa Hà Nội vẫn bắn rơi 2 chiếc, một rơi ngay ở Hà Nội, một ở gần căn cứ U-tapao. Sở dĩ có sự thay đổi này không phải là do Bộ chỉ huy Mỹ đáp lại đề nghị của các phi công, mà là do 3 tướng Mỹ có trách nhiệm ngồi ở căn cứ nghĩ rằng “nếu để B.52 tổn thất ở mức này thì hai tuần sau sẽ không còn chiếc B.52 nào ở Đông Nam Á.

… Linebacker 2 là một chiến dịch do Nixon tiến hành đã buộc Hoa Kỳ phải trả giá đắt mà không đạt mục đích. Không quân Mỹ chỉ thông báo với báo chí là mất 17 chiếc B.52. Sau đó họ lại hạ mức xuống nói với Quốc hội là chỉ mất 13 chiếc, còn 9 chiếc khác về tới U-tapao nhưng bị hỏng nặng.

Nhân viên phi hành có cách đếm của họ. Đếm các kíp bay thiếu mặt bạn bè, họ tính ra là mất 27 chiếc B.52. Bắc Việt Nam nói họ bắn rơi 32 chiếc B.52. Nhân viên phi hành bảo nhau rằng: “17, 22 hay 32 thì chỉ có Chúa trời mới biết!”. Hẳn Chúa cũng biết tiếp sau chiến dịch ném bom tội lỗi đó thì ngày 29/3/1973 đã xảy ra cuộc tháo chạy của người Mỹ chúng ta khỏi Việt Nam.

Chỉ những nhân viên phi hành trên các B.52 thoát chết trong cuộc thiêu thân trước lưới lửa phòng không tại thung lũng sông Hồng mới thấy rõ chiến dịch Linebacker 2 là một chiến dịch thảm bại”.



Kỳ 5: Chặn đứng “pháo đài bay”



Tỷ lệ B.52 bị bắn rơi mức độ nào thì Nhà Trắng rung chuyển, mức độ nào thì Mỹ không chịu nổi, phải thua?’ - Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng đặt câu hỏi.

Nỗi ám ảnh SAM 2 ở Hà Nội

Ngày 8/1/1973, báo Tuần tin tức (News Week) của chua chát với chính quyền Nixon bằng câu bình luận về chiến dịch Linebacker 2: “Nếu B.52 ra Bắc Việt Nam và chịu đựng thiệt hại như mức độ vừa qua thì chẳng cần phải là một thiên tài toán học cũng thấy được rằng cuối cùng Mỹ sẽ hết nhẵn B.52”.

Trong khi đó, từ ngày 28/12/1972, Thượng nghị sỹ Mỹ McGovern đã tuyên bố thẳng thừng: “Việc ném bom Bắc Việt Nam cần phải ngừng vì lý do thuần túy quân sự là số thiệt hại về máy bay quá lớn.

…Sẽ không thể có hòa bình và tù binh Mỹ không được về nước chừng nào việc ném bom chưa chấm dứt. Ném bom không mang lại hòa bình, nó chỉ làm cho chiến tranh lan rộng hơn và đẫm máu hơn. Không quân Mỹ chỉ có 400 máy bay B.52, thế mà trong 2 tuần qua đã mất 11 chiếc ở Bắc Việt Nam (11 chiếc là con số mà Mỹ thừa nhận đến ngày 26/12-NV). Chỉ riêng điều đó, chính sách ném bom là vô nghĩa”.

Người Mỹ, đặc biệt là các cựu quân nhân Mỹ, những chỉ huy của quân đội Mỹ, những nhà nghiên cứu quân sự… đã đi tìm kiếm rất lâu câu trả lời tại sao Hà Nội lại có thể “xơi” B.52 một cách “ngọt” như thế trong 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không”?

Sai lầm về chiến thuật?

Charles Barrows, đại úy hoa tiêu B.52 bị bắt Hà Nội bắt làm tù binh đặt vấn đề ngay khi còn ngồi ở Hỏa Lò: “Hệ thống điện tử trên máy bay B.52 rất tinh vi và đắt tiền nhưng vẫn không gây nhiễu nổi ra-đa Bắc Việt.

Siêu pháo đài bay B.52 đã cải tiến nhiều lần, máy móc rất tốt… Các phi công B.52 được huấn luyện công phu, thành thạo các chiến thuật hiện đại và B.52 được bảo vệ dày đặc, nhưng vẫn bị bắn rơi vì đạn phòng không… Không quân chiến lược của Mỹ không thể chịu đựng nổi tỷ lệ tổn thất về B.52 trên bầu trời Hà Nội”.

Câu hỏi này của Charles Barrows đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặt ra theo hướng ngược lại với các cán bộ tham mưu tác chiến của Quân chủng Phòng không VNDCCH từ tháng 5/1972: “Tỷ lệ B.52 bị bắn rơi mức độ nào thì Nhà Trắng rung chuyển, mức độ nào thì Mỹ không chịu nổi, phải thua?”.

Cho đến lúc đó các phương án đánh B.52 trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng đều đã có những yêu cầu về hiệu suất chiến đấu từng trận, từng ngày nhưng chưa nói đến chỉ tiêu về tỷ lệ bắn rơi B.52. Đại tướng Tổng tư lệnh đã phát hiện ra thiếu sót đó.

Sau mấy tuần vật lộn với những con số, câu trả lời đã được đưa ra:

• N1 - tỷ lệ Mỹ chịu đựng được là 1 -2% (trên tổng số B.52 tham chiến của Mỹ);

• N2 - tỷ lệ làm Nhà Trắng rung chuyển là 6 - 7%;

• N3 - tỷ lệ buộc Mỹ thua cuộc là trên 10%.

Câu hỏi tiếp theo của Tổng tư lệnh với Quân chủng Phòng không là: Quân chủng chọn tỷ lệ nào? Câu trả lời lần này có ngay lập tức: Chúng tôi loại trừ N1, quyết tâm đạt N2 và vươn tới N3.

Đại tướng chỉ thị: Muốn vậy quân chủng phải làm tốt hai việc: Khẩn trương hoàn thành kế hoạch đánh B52 bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng để dựa vào đó hoàn tất mọi công tác chuẩn bị; gấp rút hoàn chỉnh các tài liệu về cách đánh B.52 để lấy đó mà huấn luyện cho bộ đội thật thành thạo.

Quân chủng Phòng không đã thực hiện xuất sắc chỉ thị đó, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu N3. Trong 12 ngày đêm mùa đông năm 1972, tỷ lệ B.52 bị bắn hạ là 17,6% (34/197 chiếc). Hà Nội góp công trong đó 23 chiếc.

Đại úy phi công lái B.52 Robert E. Wolff, cũng bị bắt tại Hà Nội, lại có phân tích khác (trên tờ Air Force Magazine năm 1979): “Khi bay hướng Bắc về phía Trung Quốc, chúng tôi lắng nghe máy bay chiến đấu bắn phá và máy bay gây nhiễu ngăn cản hệ thống phòng thủ của Hà Nội hoạt động. Các máy bay F.111 hoàn thành được nhiệm vụ của chúng, một vài máy bay MIG vẫn cất cánh được.

Máy bay chiến đấu càn quét của chúng tôi gặp khó khăn trong việc liên lạc với tàu hải quân Hoa Kỳ hoạt động trong vịnh Bắc Bộ, làm nhiệm vụ phối hợp chặn máy bay đối phương. Các phi công của máy bay hộ tống chúng tôi không thể khai hỏa nếu không nhận được sự cho phép vì chúng tôi không muốn có một sai lầm nào trong việc nhận định địch - bạn.

Viên phi công Mỹ còn nhớ, “ở đây chúng tôi đã có một suy nghĩ. Nhiều phi công trong toán bay tưởng rằng đoạn bay trong lúc bắn phá của phi vụ sẽ là đoạn nguy hiểm nhất. Nhưng trên thực tế, giai đoạn rời khỏi mục tiêu cũng khó khăn không kém. Chúng tôi phát hiện ra là các ác tên lửa SAM đạt hiệu suất cao nhất khi các máy bay B.52 đổi hướng lần cuối cùng để rời mục tiêu, vì lúc này ra-đa của đối phương thu nhận được hình ảnh tối đa của máy bay”.

Người ta đã bàn luận nhiều về khía cạnh đó của chiến dịch. Mâu thuẫn gay gắt nhất giữa các tay súng và Bộ tham mưu chiến dịch là về “thế đi của đàn voi con”. Đội hình kéo dài nhiều dặm, các máy bay cùng theo một đường, một độ cao, một hướng. Cả 36 máy bay đến một điểm nhất định rồi lần lượt đổi hướng thì chẳng cần tài giỏi gì phe phòng thủ cũng biết nhằm vào đâu để bắn chiếc 37”.

Đại úy phi công Drenkowski tán thành quan điểm này, nhưng đặt thêm những vấn đề cũng trên tạp chí Air Force: “Tên lửa, pháo phòng không bắn lên dày đặc. B.52 thực hiện các thao tác né tránh, tuy biết rằng né tránh cũng chẳng mang lại kết quả gì. Kẻ thù của B.52 là tên lửa SAM. Trong khi bay từng tốp 3 chiếc, kẻ thù của B.52 còn là những vụ đụng vào nhau ở trên trời. Lúc này, vũ khí đáng sợ nhất với B.52 lại là một chiếc B.52 khác đang bay gần cạnh nó. Các nhân viên phi hành bối rối khi thấy ở phía trước lại có B.52 bị bắn rơi, trong khi đạn pháo phòng không vẫn nổ tới tấp bốn phía xung quanh.

Trong đêm 19/12, người ta biết chắc chắn là đã có một số B.52 bị bắn rơi. Cả 2 chiếc B.52G này đều bị trúng tên lửa đúng lúc ngoặt để bay ra khỏi mục tiêu, và rơi gần Hà Nôi. Các toán B.52 tiếp sau cũng bị SAM bay lên đón đánh dữ dội. Một B.52 khác bị thương bay về đến Lào thì rơi. Đến ngày 20/12, 6 chiếc B.52 bị bắn rơi trong 9 giờ.

Vậy là 3 ngày, 300 lần B.52 xuất kích, bị bắn rơi 9 chiếc, tỷ lệ tổn thất tới 3%, một tỷ lệ không thể nào chấp nhận. Những máy bay B.52 bị bắn rơi lại là những B.52G đã được trang bị khí tài gây nhiễu rất mạnh…

Các kíp lái cho rằng tổn thất B.52 quá lớn là do việc vạch kế hoạch tồi, chiến thuật kém. Họ thấy cần thu hẹp vòng ngoặt để nhanh chóng thoát khỏi mục tiêu, bay ra vịnh Bắc Bộ. Họ muốn được phép làm các động tác cơ động né tránh, bay theo các đường đan chéo nhau, thu ngắn đội hình, từ nhiều hướng tiếp cận các mục tiêu, độ cao khác nhau thay đổi liên tục không theo quy luật để đối phương khó đối phó. Nhưng như vậy lại vẫn tăng thêm nguy cơ là chính B.52 đâm phải nhau trên không”.



Sự ám ảnh SAM2

Tên lửa SAM 2, vẫn được xem là kẻ thù của B.52, vì được thiết kế bắn tới độ cao B.52 thường sử dụng, vốn được Hà Nội gọi tên là “rồng lửa Thăng Long”, trong chiến dịch 12 ngày đêm bảo vệ vùng trời Thủ đô là mối đe dọa lớn nhất, trở thành nối ám ảnh cho bất cứ kíp bay B.52 nào nhận nhiệm vụ mang bom ra vùng châu thổ Sông Hồng.

Tuy nhiên, nghệ thuật điều khiển SAM của lực lượng phòng không - không quân Hà Nội lại là cái khiến người Mỹ phải nghiêng mình.

Trên tạp chí “Không quân Mỹ”, John L.Frisbee viết: “Trong thời kỳ chiến tranh thế giới 2, tổn thất máy bay ném bom bị phòng không hay máy bay chiến đấu đối phương bắn hạ tại hai chiến trường chính yêu đượ ước tính trung bình: cứ 64 phi xuất thì có 1 chiếc bị bắn hạ và lúc ấy chưa có tên lửa SAM hữu hiệu. Trái lại, trên không phận Hà Nội và Hải Phòng thì cứ 49 phi xuất lại có một B.52 bị SAM bắn rơi”.

Cựu Phó Tham mưu trưởng không quân Mỹ khi trả lời tạp chí AirForce vào tháng 6/1973 cũng thừa nhận: “Bắc Việt Nam rõ ràng là có nhiều kinh nghiệm bắn tên lửa SAM cũng như các loại súng phòng không khác. Họ cũng có nhiều kinh nghiệm trong việc phát hiện máy bay từ các đài điều khiển mặt đất… Không quân Mỹ đã tiến hành chiến tranh điện tử trên quy mô lớn, nhưng các máy bay vẫn dễ bị tổn thương.

…Bắc Việt đã bắn hạ hàng chục B.52 bằng cách ngắm bắn bằng mắt thường. Chúng tôi cho rằng Bắc Việt Nam đã phát triển được các lực lượng phòng không dày dạn kinh nghiệm nhất thế giới. Rõ ràng họ có kinh nghiệm hơn bất cứ nước nào trong việc phóng tên lửa SAM lên để hạ máy bay”.

Cũng Drenkowski, trong “Về chiến dịch Linebacker 2”, phân tích: “Những người điều khiển tên lửa SAM khôn ngoan đã quan sát ngay chiếc B.52 đi đầu ngoặt khỏi mục tiêu. Họ phóng lên một quả SAM để tên lửa bay theo đường đạn 45 giây tới gần chỗ B.52 phải ngoặt. Họ dùng 5-10 giây điều khiển quả tên lửa “khóa” vào điểm ngoặt, sao cho khi tên lửa đến đó vừa đúng lúc chiếc B.52 tiếp theo vừa bay tới. Thật ngon xơi!”.

John T. Greenwood, trong cuốn “Chiến tranh Việt Nam” (Vietnam War) chỉ rõ: “Để lợi dụng khả năng có gió mạnh thổi từ hướng Tây Bắc, các máy bay bao giờ cũng từ phía Tây Bắc bay vào các mục tiêu lớn ở Hà Nội. Ngay sau khi trút bom, máy bay phải lượn vòng rất lớn ra phía sau mục tiêu để thoát ra ngoài tầm bắn của tên lửa đất đối không càng nhanh càng tốt.

Theo quy định, các tốp trong đội hình tiến công của B.52 chỉ được bay ở các độ cao và hướng khác nhau rất nhỏ. Các tốp phải bám chặc đội hình để làm giảm khả năng dễ bị tổn thương vì tên lửa đổi phương, để tăng hiệu quả bảo vệ của các phương tiện gây nhiễu điện tử trong đội hình và giữa các tốp, để giữ đội hình trong hành lang có thả sợi nhiễu.

Vì các phi công thuộc Bộ tư lệnh không quân chiến lược ít khi bay trong các đội hình lớn vào ban đêm và vì vùng trời Hà Nội chật hẹp sẽ đông đặc máy bay, nên các phi công được lệnh tránh va chạm bằng cách càng ít thực hiện động tác cơ động càng tốt.

Những chiếc B.52 đầu tiên trong đêm 18/12 ném bom các sân bay Hòa Lạc, Kép và Phúc Yên. Một máy bay MIG bị bắn rơi, chiếc đầu tiên được xác định do B.52 bắn rơi trong chiến dịch Linerbacker 2 và trong cả cuộc chiến tranh.

Sau đó, Kinh Nỗ và Yên Viên bị ném bom. Chiếc máy bay mang mật danh “Than củi” dẫn đầu 9 chiếc B.52 cất cánh từ Guam khi đánh vào nhà kho Yên Viên, Ai Mỗ bị 2 tên lửa SAM bắn trúng trước khi kịp trút bom và rơi xuống phía tây bắc Hà Nội. Đó là chiếc B.52 đầu tiên bị hỏa lực phòng không Hà Nội bắn rơi trong chiến dịch và là chiếc thứ 2 bị bắn rơi trong cuộc chiến tranh.

Đến nửa đêm, 30 máy bay cất cánh từ Guam oanh tạc Hà Nội một lần nữa. Một chiếc B.52 khác bị thương nặng vì tên lửa SAM khi đang ngoặt ra khỏi mục tiêu và rơi ở Thái Lan sau khi tổ lái đã nhảy dù. 5 giờ sau, đợt thứ 3 bay vào, thêm một B.52 bị bắn rơi…

Những điểm yếu nghiêm trọng trong việc vạch kế hoạch thực hiện, bộc lộ trong những cuộc oanh tạc ngày thứ nhất đã trở nên rõ nét một cách bi thảm trong những ngày sau. Các chiến thuật áp dụng trong chiến dịch ném bom mang tên Arefight (Đèn hồ quang) ở miền Nam Việt Nam không thích hợp với khu vực Hà Nội, nơi có hỏa lực phòng không mạnh. 5 phi vụ tiến hành hồi tháng 4, đặc biệt là trận oanh tạc Hải Phòng đã dẫn các nhà vạch kế hoạch Mỹ tới những nhận định sai lầm.

Ba đợt, mỗi đêm gây khó khăn cho việc rải sợi nhiễu, hay trấn áp tên lửa đất đối không, đồng thời giúp cho hệ thống phòng không đối phương (Hà Nội – NV) có thời gian hồi phục và chuẩn bị đối phó với đợt tiến công mới.

Gió thổi mạnh giúp cho các máy bay ném bom bay nhanh tới mục tiêu, nhưng đồng thời cũng thổi bạt sợi nhiễu khiến cho các máy bay B.52 phải dựa vào thiết bị gây nhiễu của chính mình để tránh bị ra-đa phát hiện.

Hơn nữa, khi ra khỏi mục tiêu, các máy bay B.52 phải ngoặt trở lại bay ngược chiều gió mạnh 100 hải lý nên tốc độ rút lui chậm lại quá nhiều, và hướng gây nhiễu bị chệch, khiến cho ra-đa của các trận địa tên lửa SAM lên cận có thể lọt qua những chỗ yếu trong màn nhiễu.

Thêm nữa, đội hình máy bay ném bom quá dài và việc quy định một điểm ngoặt độc nhất cho các máy bay khi ra khỏi mục tiêu đã giúp cho đối phương nhằm đúng điểm ngoặt sau khi những tốp đầu bay qua”.

Đại úy phi công Drenkowski ngao ngán bình luận: “Những thay đổi về chiến thuật sau Noel không phải để đáp ứng đề nghị của phi công… mà vì 3 viên tướng chịu trách nhiệm về chiến dịch này ngồi ở Mỹ chợt nhận ra rằng nếu tốc độ rơi máy bay cứ diễn ra như hiện tại thì chỉ trong 2 tuần nữa sõ không còn chiếc B.52 nào ở Đông Nam Á” (“Tấn bi kịch của Linebacker 2”, tạp chí Armed Forces Journal, tháng 7/1997).

1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   ...   18




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương