Danh sách nhóm nghiên cứU III danh sách các từ viết tắT IV


Những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và mối đe dọa đối với doanh nghiệp nông lâm nghiệp trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế



tải về 1.92 Mb.
trang13/17
Chuyển đổi dữ liệu14.07.2016
Kích1.92 Mb.
#1703
1   ...   9   10   11   12   13   14   15   16   17

2.3. Những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và mối đe dọa đối với doanh nghiệp nông lâm nghiệp trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế




2.3.1. Những điểm mạnh

- Đa số các chủ doanh nghiệp nông lâm nghiệp có thời gian công tác trong ngành khá lâu đã tạo cho việc tích luỹ kinh nghiệm sản xuất kinh doanh cũng như bạn hàng lâu dài. Đặc biệt đối với ngành nông nghiệp thì yếu tố này rất quan trọng vì sản xuất nông nghiệp phụ thuộc khá nhiều vào yếu tố tự nhiên (thời tiết, khí hậu) cũng như yếu tố sinh vật của cây trồng vật nuôi (sâu bệnh và dịch hại) và tính mùa vụ của sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu nông lâm sản đã hoạt động với thời gian dài, trên nhiều thị trường khác nhau và trải qua nhiều thời kỳ có nhiều kinh nghiệm trên thương trường đảm bảo cho việc hội nhập thành công. Điều này đặc biệt có ý nghĩa với những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong các ngành hàng mang tính chiến lược như lúa gạo và cà phê. Những kinh nghiệm trong sản xuất đã tạo cho các giám đốc doanh nghiệp những quyết định đầu tư hợp lý nhằm phát triển các ngành hàng trong thời gian qua.

- Phần lớn các doanh nghiệp nông lâm nghiệp có giá bán hợp lý đối với những nhóm thị trường và phẩm cấp nhất định có thể cạnh tranh được trên thị trường thế giới. Sản phẩm gạo của Việt Nam có ưu thế trong những sản phẩm cấp phổ thông đáp ứng thị hiếu và nhu cầu của phần đông khách hàng trên thế giới. Chính vì vậy mà lượng xuất khẩu hàng năm của Việt Nam vẫn giữ vững qua các năm đối với những nước nhập khẩu truyền thống như Philippines hay Indonesia. Cà phê robusta của Việt Nam không những giữa vững được thị phần trên trường quốc tế mà còn đang thâm nhập các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản hay Châu Âu cũng như những thị trường ngách khác không những với sản phẩm hạt nhân mà còn các sản phẩm chế biến.

- Đội ngũ cán bộ trong doanh nghiệp có năng lực tiếp thu nhanh những kiến thức mới về quản lý, công nghệ và kỹ thuật. Tay nghề và kỹ năng của cán bộ ngày càng được nâng cao đáp ứng kịp thời những yêu cầu của hội nhập.

- Mạng lưới khách hàng của các doanh nghiệp tương đối rộng lớn (cả trong và ngoài nước) là điều kiện cho sự phát triển và cạnh tranh của doanh nghiệp, nhất là các thị trường truyền thống. Các sản phẩm nông sản của Việt Nam đã được dân chúng ở nhiều nước biết đến và có tiếng. Với những biện pháp xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm trong tương lai mạng lưới này chắc chắn sẽ được mở rộng và củng cố. Nó đảm bảo cho các doanh nghiệp chiếm được thị phần lớn thông qua việc cải tiến chất lượng sản phẩm và phương thức dịch vụ.

- Sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua các chương trình phát triển ngành hàng và phát triển nông nghiệp nông thôn trong khuôn khổ cho phép của cam kết quốc tế (WTO, Hiệp định nông nghiệp, v.v...) sẽ giúp các doanh nghiệp có thêm điều kiện để hội nhập có hiệu quả. Tuy nhiên, để chủ động hội nhập các doanh nghiệp cần phải khắc phục những hạn chế đang tồn tại.


2.3.2. Những điểm yếu

- Tuy đội ngũ cán bộ doanh nghiệp tương đối năng động trong sản xuất kinh doanh nhưng còn hạn chế về những hiểu biết và kỹ năng của kinh tế thị trường như: tiếp thị, marketing và nhất là những kiến thức về luật pháp quốc tế trong quan hệ thương mại và kinh tế. Điều này đặc biệt cần thiết khi các doanh nghiệp mở rộng quan hệ vào những thị trường khó tính như Hoa Kỳ hay châu Âu. Các cuộc trao đổi với cán bộ phòng ban trong doanh nghiệp được phỏng vấn cho thấy nhu cầu đào tạo về khung pháp lý của hội nhập kinh tế quốc tế chiếm tỉ lệ cao nhất trong các câu trả lời của các cán bộ trong doanh nghiệp, tiếp đó là vấn đề về toàn cầu hóa và tự do thương mại, các rào cản thương mại, kỹ năng đàm phán/dự báo thị trường/xúc tiến thương mại, v.v...

Công tác nghiên cứu thị trường của các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế và yếu kém. Nhiều thị trường tiềm năng chưa được khai thác, nhiều doanh nghiệp đã phải chịu nhiều thua lỗ không nhỏ và mất thị trường do không đi vào nghiên cứu. Việc lựa chọn thị trường mục tiêu của doanh nghiệp dựa phần lớn vào cách phản ứng lại với thị trường, thấy cơ hội của đoạn thị trường nào hấp dẫn thì tập trung vào đoạn thị trường đó chứ không chủ động tiếp cận để chọn ra thị trường mục tiêu và từ đó có kế hoạch thâm nhập, giữ vững hay mở rộng (hay nói cách khác việc kinh doanh phần nhiều còn mang tính chộp giật nhỏ lẻ). Đội ngũ cán bộ chuyên môn trong các doanh nghiệp còn thiếu tính chuyên nghiệp cũng như thiếu các nghiệp vụ thương mại tiến tiến. Đặc biệt khả năng phân tích dự báo thị trường còn nhiều hạn chế thiếu tính chủ động trong xây dựng chiến lược kinh doanh, nhất là chiến lược dài hạn.

- Năng lực tài chính của các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, đặc biệt các doanh nghiệp Nhà nước, chưa thoát khỏi cơ chế “xin - cho”. Đây sẽ là những hạn chế lớn của các doanh nghiệp khi hội nhập kinh tế quốc tế. Các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu nông sản như lúa gạo, cà phê, v.v... ít khi có đủ lượng vốn để dự trữ đủ lượng hàng cho chế biến và xuất khẩu cho những hợp đồng với khối lượng lớn. Tình trạng phổ biến là ký hợp đồng song mới tiến hành thủ tục huy động vốn (vay ngân hàng, các quỹ) để thu gom nguyên liệu nên rất bị động và tất nhiên hiện tượng tranh mua tranh bán tự tiện tăng giá mua là khó tránh khỏi. Tất cả những điều này đều dẫn đến sự tăng chi phí sản phẩm đầu ra. Đó là chưa kể đến việc đảm bảo tốt (đúng hạn, đúng khối lượng và chất lượng) hợp đồng đã ký với khách hàng nước ngoài. Những hỗ trợ trực tiếp và mang tính bao cấp của Chính phủ sẽ phải hạn chế đảm bảo những luật lệ và các cam kết cũng như sự thiếu vắng một thị trường vốn hoạt động hiệu quả hiện nay.

- Mối quan hệ khách hàng và sự liên kết trong kinh doanh là điểm yếu thứ hai của các doanh nghiệp nông lâm nghiệp. Đa số các doanh nghiệp hiện nay tập trung vào sản xuất sản phẩm/cung cấp dịch vụ theo điều kiện sẵn có mà chưa chú ý vào khía cạnh của thị trường (giá cả hay cung cầu) thể hiện qua mối quan tâm tới việc đã có hay chưa doanh nghiệp nào đang làm việc tương tự và chi phí giá bán là bao nhiêu, v.v... Hiện tại việc tham gia hiệp hội của các doanh nghiệp còn mang tính hình thức. Hiệp hội chỉ có vai trò nhất định nào đó khi có những sự kiện lớn như tranh chấp, kiện cáo, v.v... chứ chưa trở thành trung tâm điều hành phối hợp mang tính nghiệp đoàn giữa các thành viên. Thực tế cho thấy các hiệp hội hoạt động mang tính chất hết sức lỏng lỏi chưa có sự gắn kết quyền lợi của các doanh nghiệp với những tổ chức ngành hàng này. Các hiệp hội ngành hàng đều phàn nàn về hiệu quả của các quyết định của hiệp hội trong việc điều phối chung để đảm bảo lợi ích chung còn hạn chế. Hiện đang tồn tại một thực tế không hay là khi có khách đến mua hàng các thành viên trong hiệp hội cũng có giá chào rất khác nhau. Điều đó chỉ có lợi cho khách nước ngoài và làm hại đến lợi ích của doanh nghiệp và của xã hội. Theo nhóm nghiên cứu thì điểm yếu này phải đặc biệt quan tâm vì trong xu thế hội nhập và thực hiện những điều khoản cam kết thì sự can thiệp và hỗ trợ trực tiếp của Chính phủ sẽ phải cắt giảm nhiều và hiệp hội sẽ là nơi đảm bảo tốt hơn cả lợi ích của doanh nghiệp. Các hình thức hỗ trợ của Nhà nước sẽ được tái điều chỉnh thông qua các hộp xanh trong đó hình thức hiệp hội là một ví dụ.

- Năng lực quảng cáo và khuyến mại của các doanh nghiệp còn kém, chỉ giới hạn ở địa bàn nhỏ hẹp. Việc sử dụng công cụ tiếp thu qua quảng cáo, hội chợ đối với các doanh nghiệp chưa được sử dụng có hiệu quả, nhất là việc sử dụng các công cụ marketing tiên tiến. Việc quảng cáo tiếp thị của các doanh nghiệp còn ở trình độ thấp, giản đơn không mang lại hiệu quả và dừng ở mức in ấn và phát hành các tờ rơi giới thiệu về doanh nghiệp

- Phần lớn các doanh nghiệp điều tra chưa có chứng chỉ quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế. Trong các doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ vai trò của thương hiệu và nhãn hiệu, chưa có chiến lược thương hiệu rõ ràng và hiệu quả.



- Bao bì và nhãn mác sản phẩm của các doanh nghiệp chưa được chú ý đầu tư thích đáng phần nào đã làm giảm sự chú ý của khách hàng cũng như quan niệm chưa tốt đối với sản phẩm/dịch vụ. Yếu tố mang tính gia tăng cao này cũng như những yếu tố khác như thị hiếu, tâm lý của khách hàng chưa được các doanh nghiệp sử dụng một cách có hiệu quả.

- Tốc độ đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp còn chậm thể hiện ở chỗ phần lớn các công nghệ đang sử dụng lạc hậu so với mức trung bình của thế giới 2-3 thế hệ và hơn 80% công nghệ là công nghệ nhập. Đặc biệt rất nhiều doanh nghiệp ngoài Nhà nước đang tận dụng những máy móc thiết bị mà các doanh nghiệp nước ngoài đã thải ra. Nhiều nghiên cứu cho thấy mức độ thiết bị hiện đại chỉ ở mức 10%, trung bình 38% còn lại lạc hậu và rất lạc hậu là 52%. Trong khi đó các doanh nghiệp của ta đầu tư đổi mới công nghệ ở mức thấp dưới 1% so với 5% của Ấn Độ và 10% của Hàn Quốc. Mức độ lạc hậu này lại ít được các doanh nghiệp đổi mới làm cho tình trạng công nghệ ngày càng tụt hậu so với mức trung bình của thế giới và khu vực chưa kể đến tính đồng bộ của các dây chuyền công nghệ.

- Dịch vụ sau bán hàng là điều cần khắc phục đối với các doanh nghiệp vì nó đảm bảo uy tín của doanh nghiệp đối với khách hàng cũng như thúc đẩy mối quan hệ tốt giữa doanh nghiệp và khách hàng trong quá trình chiếm lĩnh thị phần sản phẩm và xây dựng thương hiệu. Hạn chế về qui mô doanh nghiệp phần nào hạn chế tầm hoạt động và mạng lưới phân phối của các doanh nghiệp. Đa số các doanh nghiệp hiện nay vẫn sử dụng hình thức các kênh phân phối qua các trung gian thương mại nên chưa thiết lập được hệ thống phân phối hàng hóa đến đại lý hoặc người tiêu dùng, do đó mà không thể kiểm soát được quá trình phân phối và tiêu thụ sản phẩm của họ cũng như nắm bắt trực tiếp những thông tin phản hồi từ thị trường. Việc xác lập hiện nay còn mang tính chất “phi vụ” nhiều hơn là kênh phân phối chuẩn.

- Sử dụng những dịch vụ tư vấn kinh doanh trong xã hội là điều cần được phát triển trong các doanh nghiệp như một công cụ đắc lực cho chiến lược đi tắt đón đầu và giảm rủi ro trong sản xuất kinh doanh.

- Công tác quản lý rủi ro chưa được các doanh nghiệp đầu tư thích đáng. Thực tế những năm qua cho đòi hỏi các doanh nghiệp cũng như các cấp quản lý phải có những biện pháp cụ thể nhằm giảm thiểu những thiệt hại về kinh tế cũng như xã hội do những biến động lớn trong sản xuất và kinh doanh nông sản. Đây là một biện pháp hiệu quả và mang tính bền vững hơn là những trợ cấp về giá của Nhà nước.

Những điểm mạnh, yếu cần được phát huy và khắc phục đảm bảo cho doanh nghiệp có thể tận dụng một cách có hiệu quả những cơ hội mà hội nhập kinh tế quốc tế đem lại.



2.3.3. Những cơ hội

Toàn cầu hoá nói chung, hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng sẽ đem lại cho các doanh nghiệp nông lâm nghiệp những cơ hội sau:

- Tiếp cận được những thị trường rộng lớn hơn với những ưu đãi thương mại (giảm thuế quan và phi thuế, quy chế tối huệ quốc, đối sử quốc gia...) để tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ và cung ứng được nguồn nguyên, nhiên liệu, thiết bị với giá cạnh tranh.

- Tình trạng công nghệ đang ở mức thấp sẽ là điều kiện tốt cho các doanh nghiệp trong ngành có khả năng đầu tư tốt hơn nhằm nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, đặc biệt là những công nghệ chế biến sâu nhằm khai thác những sản phẩm có giá trị gia tăng cao sử dụng hiệu quả những tiềm năng về điều kiện tự nhiên cũng như những lợi thế so sánh khác. Đây cũng là cơ hội cho việc tiếp thu công nghệ mới, phương thức quản lý tiên tiến để nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh thông qua việc phát triển quan hệ đối tác với nước ngoài.

- Tiếp cận tốt hơn các nguồn tài chính, tín dụng đa dạng cả ở trong lẫn ngoài nước để tăng đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.

- Thông qua cọ xát, cạnh tranh, học hỏi và tích luỹ kinh nghiệm, tri thức, rèn luyện nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ nhân lực.

-Các doanh nghiệp sẽ được hưởng nhiều lợi ích quan trọng từ quá trình tự do hoá và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng thuận lợi và cạnh tranh bình đẳng hơn.

Bên cạnh đó, quá trình hội nhập cũng sẽ đem lại cho các doanh nghiệp không ít những thách thức.



2.3.4. Những mối đe dọa

- Sự hội nhập kinh tế quốc tế của các doanh nghiệp nông nghiệp trong khung cảnh nhiều bất lợi như chưa có lợi thế cạnh tranh, sức ép từ quốc tế lớn (áp dụng ngay các biện pháp cắt giảm); cải cách hành chính cũng như sắp xếp lại các doanh nghiệp Nhà nước quá chậm trong khi doanh nghiệp tư nhân còn non yếu.

- Bên cạnh sức ép về cắt giảm thuế, mở cửa thị trường, các biện pháp kỹ thuật liên quan đến thương mại ngày càng tăng lên đối với các nước xuất khẩu nông sản. Nhiều nước nhập khẩu như EU, Hoa Kỳ đề ra những tiêu chuẩn kỹ thuật rất cao đối với hàng nhập khẩu như về dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc kháng sinh, v.v... với mục tiêu hạn chế nhập khẩu của các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam. Như vậy thay vì những rào cản về thuế quan cao trước đây, các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với những rào cản mang tính kỹ thuật mà vượt qua nó còn khó hơn nhiều do thiếu phòng thí nghiệm, thiếu sự quản lý chất lượng theo mô hình “từ trang trại đến bàn ăn”.

- Nguy cơ phá sản hoặc chuyển đổi sản xuất kinh doanh do năng lực cạnh tranh kém. Nhiều doanh nghiệp của ta phải đối mặt với thách thức nghiêm trọng này, bởi vì phải cạnh tranh trong điều kiện rất khó khăn cả từ phía bản thân các doanh nghiệp (quy mô nhỏ, thiếu vốn, công nghệ lạc hậu, quản lý kém, hàng hoá sản phẩm thiếu sức cạnh tranh...) lẫn từ phía Nhà nước (môi trường chính sách vĩ mô, hệ thống luật pháp, việc thực thi và năng lực của đội ngũ cán bộ còn nhiều bất cập).

- Bất cập giữa năng lực quản lý và trình độ cán bộ và tính thích ứng linh hoạt phù hợp với thị trường của doanh nghiệp sẽ rất lớn khi nền kinh tế thị trường có nhiều biến động và tính cạnh tranh ngày càng cao, trong khi việc đào tạo và đào tạo lại chưa thể đáp ứng ngay cộng thêm sự chảy máu chất xám từ các doanh nghiệp trong nước sang các doanh nghiệp liên doanh hay doanh nghiệp nước ngoài.

- Chi phí về giao dịch, tư vấn, tiếp thị, quảng cáo, đào tạo... tăng nhanh. Do điểm xuất phát thấp nên các doanh nghiệp phải có sự đầu tư rất lớn về những vấn đề này để có thể theo kịp các đối thủ cạnh tranh nhất là các đối thủ nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp mặc dù nhận thức rất rõ lợi thế của việc xây dựng thương hiệu hay quản lý chất lượng nhưng do bất cập về mặt tài chính và nhân lực phải chấp nhận mượn thương hiệu hay gia công hàng cho các doanh nghiệp khác với mức lợi nhuận hết sức hạn chế.

- Rủi ro nhiều hơn khi hoạt động trên thị trường nước ngoài, nhất là trong điều kiện không hiểu rõ chính sách, luật lệ, thủ tục và cách thức làm ăn tại thị trường đó và các đối tác nước ngoài (khả năng bị lừa đảo, xử bất lợi trong các vụ tranh chấp...).
Tóm lại, hội nhập KTQT là cần thiết và tất yếu để phát triển trong một thế giới toàn cầu hoá. Đây là một quá trình đan xen của những cơ hội và thách thức. Các doanh nghiệp cần nhận thức rõ về quá trình này, nắm bắt kỹ các cam kết và lộ trình hội nhập của ta để chuẩn bị vào cuộc một cách chủ động.



tải về 1.92 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   9   10   11   12   13   14   15   16   17




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương