DỰ thảO 1 (Ngày 12/11/2014)


II. MỤC TIÊU, YÊU CẦU, QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG ĐỀ ÁN



tải về 2.44 Mb.
trang3/17
Chuyển đổi dữ liệu11.08.2016
Kích2.44 Mb.
#17384
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   17

II. MỤC TIÊU, YÊU CẦU, QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

2.1. Mục tiêu đề án

2.1.1. Mục tiêu chung


Để nắm được tình hình dịch bệnh nhằm xây dựng và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên tôm kịp thời, hiệu quả, góp phần nuôi tôm an toàn dịch bệnh và đẩy mạnh xuất khẩu tôm, sản phẩm tôm Việt Nam.

2.1.2. Mục tiêu cụ thể


a) Về đào tạo nguồn nhân lực thực hiện giám sát

- Ở cấp Trung ương: Đến hết tháng 12/2015, 100% cán bộ làm công tác thú y thủy sản được đào tạo, tập huấn chuyên sâu về giám sát dịch bệnh thủy sản; từ năm 2016 trở đi, tiếp tục cập nhật về giám sát cho các cán bộ này.

- Ở cấp địa tỉnh: Đến hết tháng 12/2015, trên 70% cán bộ làm công tác thú y thủy sản được đào tạo, tập huấn chuyên sâu về giám sát dịch bệnh thủy sản; năm 2016 – 2020 là 100%.

- Ở cấp huyện: Đến hết tháng 12/2015, trên 50% cán bộ làm công tác thú y thủy sản được đào tạo, tập huấn cơ bản về giám sát dịch bệnh thủy sản; năm 2016 là 80%; năm 2017 - 2020 là 100%.

- Ở cấp xã: Đến hết tháng 12/2015, trên 30% cán bộ làm công tác thú y thủy sản được đào tạo, tập huấn cơ bản về giám sát dịch bệnh thủy sản; năm 2016 là 50%; năm 2017 là 70%; năm 2018 - 2020 là 100%.

b) Về phòng thử nghiệm

- Về đầu tư nâng để phòng thử nghiệm đạt chuẩn và được Bộ NN&PTNT chỉ định theo Thông tư số 16/2011/TT-BNNPTNT hoặc ISO 17025: Đến hết tháng 12/2015, 50%; năm 2016, 80%; và từ năm 2017 – 2020: 100%.

- Về hoàn thiện và sử dụng chung quy trình xét nghiệm: Đến hết tháng 12/2015, 50% phòng thử nghiệm thống nhất sử dụng chung quy trình chẩn đoán xét nghiệm bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy và, hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu); năm 2016: 80%; từ năm 2017 - 2020: 100%.

c) Về tổ chức giám sát đối với các cơ sở sản xuất tôm giống

- Đến hết tháng 12/2015, trên 90% cơ sở sản xuất tôm giống tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và Bạc Liêu được giám sát một số bệnh quan trọng trên tôm (gồm các bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp, hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu) và ít nhất 20% cơ sở của các tỉnh còn lại được giám sát.

- Đến hết tháng 12/2016, 100% cơ sở sản xuất tôm giống tại 3 tỉnh (Ninh Thuận, Bình Thuận) và ít nhất 50% cơ sở của các tỉnh còn lại được giám sát.

- Từ năm 2017 - 2020, 100% cơ sở sản xuất tôm giống trên phạm vi cả nước được giám sát.



d) Về tổ chức giám sát đối với các cơ sở sản ương tôm giống

- Đến hết tháng 12/2015, trên 50% cơ sở ương tôm giống được giám sát một số bệnh quan trọng trên tôm (gồm các bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp, hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu).

- Đến hết tháng 12/2016, trên 70% cơ sở ương tôm giống được giám sát.

- Từ năm 2017 - 2020, trên 90% cơ sở ương tôm giống được giám sát.



đ) Về tổ chức giám sát đối với các cơ sở nuôi tôm thương phẩm theo hình thức thâm canh, bán thâm canh

- Đến hết tháng 12/2015, trên 20% cơ sở nuôi tôm thương phẩm theo phương thức thâm canh, bán thâm canh được giám sát một số bệnh quan trọng trên tôm (gồm các bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp, hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu và các bệnh theo yêu cầu của nước nhập khẩu).

- Đến hết tháng 12/2016, trên 50% cơ sở nuôi tôm thương phẩm theo phương thức thâm canh, bán thâm canh được giám sát; và từ năm 2017 - 2020, là trên 70% cơ sở nuôi tôm.

e) Hàng năm, 100% các địa phương trọng điểm về nuôi tôm có kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thủy sản, bao gồm cả dịch bệnh trên tôm và tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả cho phù hợp với từng vùng nuôi, từng phương thức nuôi tôm và từng bệnh.

2.2. Yêu cầu


- Trên cơ sở Đề án này, các địa phương có hoạt động sản xuất tôm giống, nuôi tôm thương phẩm xây dựng Dự án cụ thể và tổ chức thực hiện nhằm đạt được các mục tiêu nêu trên.

- Các bệnh đốm trắng , bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm, bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô phải được giám sát thường xuyên, liên tục từ năm 2015 - 2020.


2.3. Quan điểm


a) Đề án giám sát một số bệnh quan trọng trên tôm nuôi từ năm 2015 – 2020 phải được xây dựng và triển khai xuyên suốt tại tất cả các tỉnh trọng điểm về nuôi tôm, từ cơ sở sản xuất, ương nuôi tôm giống đến cơ sở nuôi tôm thương phẩm làm cơ sở:

* Đối với cơ sở sản xuất tôm giống đã được công nhận an toàn dịch bệnh được hưởng các quyền lợi theo quy định về cơ sở an toàn dịch bệnh.

* Đối với cơ sở sản xuất tôm giống chưa được công nhận an toàn dịch bệnh được sử dụng kết quả giám sát làm căn cứ để xét cấp Giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh thủy sản, để làm cơ sở cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thủy sản giống lưu thông trong nước, tiến tới không tổ chức kiểm dịch theo từng lô hàng, không kiểm dịch lại ở vùng nuôi, gây phiền hà cho các tổ chức, cá nhân khi vận chuyển thủy sản giống đi tiêu thụ.

b) Nâng cao năng lực giám sát dịch bệnh thủy sản

* Đội ngũ cán bộ làm công tác thú y thủy sản ở cấp Trung ương và địa phương được đào tạo, tập huấn đạt chuẩn về giám sát dịch bệnh thủy sản.

* Các phòng thử nghiệm được đầu tư, nâng cấp và đạt chuẩn theo quy định tại Thông tư số 16/2011/TT-BNNPTNT hoặc đạt chuẩn ISO 17025.

III. NỘI DUNG THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

3.1. Bối cảnh thực hiện đề án

3.1.1. Tình hình nuôi tôm

3.1.1.1. Diện tích nuôi và sản lượng tôm


- Tính đến thời điểm 31/10/2014 (Bảng 1 và Hình 1), cả nước đã thả nuôi 675.830 ha (đạt 100,9 % kế hoạch và bằng 103,6% so với cùng kỳ 2013), trong đó diện tích nuôi tôm sú là 582.514 ha, tôm chân trắng là 93.316 ha (đạt 133,3 % kế hoạch năm 2014, bằng 146,4 cùng kỳ năm 2013). Sản lượng thu hoạch 568.668 tấn (đạt 103,4% kế hoạch năm 2014 và bằng 105,1% so với cùng kỳ 2013), trong đó sản lượng tôm sú đạt 240.937 tấn, tôm chân trắng 327.731 tấn.

- Năm 2013, theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, cả nước có khoảng 29 tỉnh/thành nuôi tôm nước lợ, với tổng diện tích thả nuôi 652.612 ha, sản lượng đạt 475.854 tấn. Trong đó, khu vực ĐBSCL chiếm 92,5% diện tích và 79,8 % sản lượng của cả nước.

- Năm 2009 - 2013, tốc độ tăng trưởng bình quân 0,9 %/năm. Diện tích nuôi tôm sú vân chiếm tỷ trọng lớn ừong tổng diện tích nuôi với 558.795 ha, chiếm 92,6% tồng diện tích nuôi tôm nước lợ của vùng và chiếm 94,9% tổng điện tích nuôi tôm sú của cả nước. Tuy nhiên, diện tích nuôi tôm sú có xu hướng giảm dần trong giai đoạn 2009 - 2013 với tốc độ giảm bình quân 0,84%/năm.

- Nuôi tôm chân trắng mới bắt đầu nuôi trong năm 2008 và phát triển nhanh trong vài năm gần đây. Diện tích nuôi năm 2009 mới đạt 3.398 ha, chiếm tỷịlệ nhỏ khoảng 0,58% tổng diện tích nuôi tôm nước lợ của vùng, nhưng đến năm 2013 diện tích nuôi tôm chân trắng đã tăng lên 44.601 ha chiếm 7,4% diện tích nuôi tôm nước lợ của vùng và chiếm 70%.

- Trong giai đoạn 2009-2013, diện tích nuôi tôm nước lợ vùng ĐBSCL tăng bình quân 0,9 %/năm sản lượng nuôi lại tăng bình quân 8,7%/năm (tăng từ 308.855 tấn lên 431.569 tấn), điều này cho thấy mức độ áp dụng khoa học công nghệ trong nuôi tôm nước lợ.

3.1.1.2. Những khó khăn, tồn tại, bất cập trong quản lý nuôi tôm


Về quy hoạch vùng nuôi: Hiện nay, tại một số địa phương, công tác quản lý quy hoạch phát triển nuôi tôm nước lợ chưa tốt, vẫn còn tình trang nuôi tự phát ngoài quy hoạch.

V sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ nuôi: Cơ sở hạ tầng (hệ thống thủy lợi, điện, giao thông) phục vụ nuôi tôm nước lợ thời gian qua chưa được đầu tư thích đáng; hiện nay hạ tầng được đầu tư chủ yếu là đầu tư hệ thống thủy nhằm phục vụ cho trồng lúa là chính; hầu hết các vùng nuôi chưa cỏ hệ thống cấp, thoát nước riêng biệt, chưa có hệ thống xử lý nước thải, hệ thống giao thông và điện chưa được đầu tư. Dẫn đến nguồn nước không đảm bảo, gây ô nhiễm môi trường, dễ làm phát sinh và lây lan dịch bệnh.

Về giống tôm nước lợ: Tính đến cuối năm 2013, cả nước có khoảng trên 2.000 cơ sở sản xuất giống tôm, với sản lượng hàng năm sản xuất ước đạt 70 tỷ con giống. Phần lớn các cơ sở sản xuất giống đã đạt yêu cầu, chỉ có một số trại giống tôm có quy mô nhỏ, trang thiết bị lạc hậu, chưa đảm bảo điều kiện sản xuất giống, chất lượng thấp và một vài cơ sở sản xuất tôm chân trắng sử dụng tôm F1 làm bố mẹ gây ảnh hưởng tới chất lượng tôm giống. Tình trạng cơ sở cung ứng giống cỡ nhỏ không đạt tiêu chuẩn và còn một lượng giống trôi nổi không kiểm soát chất lượng, không được kiểm dịch. Công tác kiểm dịch nhiều nơi còn mang tính hình thức, chỉ kiểm bằng cảm quan, không xét nghiệm phát hiện mầm bệnh trong con giống.

Công tác kiểm tra, giám sát tình hình sản xuất và tiêu thụ giống tôm sú, tôm chân trắng còn nhiều hạn chế. Một số địa phương chưa thống nhất giao nhiệm vụ thú y thủy sản cho Chi cục Thú y theo quy định hiện hành, cũng như chi đạo của Bộ NN&PTNT, do đó chưa huy động được nguồn nhân lực cơ sở để triển khai các hoạt động giám sát, thống kê và khai báo dịch bệnh. Ngoài ra, do nhu cầu con giống tăng nhanh, nhiều cơ sở sản xuất chạy theo lợi nhuận, sản xuất số lượng lớn, chưa coi trọng chất lượng làm cho thị trường tôm giống khó kiểm soát. Nhiều cơ sở sản xuất con giống sử dụng tôm bố mẹ không dõ nguồn gốc nhập từ các nước, sử dụng tôm đẻ nhiều lần trong năm dẫn tới tôm giống mang nhiều mầm bệnh nguy hiểm, chậm lớn, tỷ lệ sống, khả năng chống chịu với môi trường và dịch bệnh giảm.

Công tác quan trắc cảnh báo môi trường phục vụ nuôi thủy sản chưa được đầu tư, chưa triển khai thường xuyên, do đó công tác cảnh báo cho người nuôi áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh còn nhiều hạn chế.



Hệ thống văn bản quản lý: Đã ban hành hệ thống các văn bản về tiêu chuẩn chất lượng giống, thức ăn; vệ sinh môi trường cơ sở sản xuất giống; quy định điều kiện vùng nuôi, cơ sở sản xuất giống; quy chế kiểm tra cấp giấy chứng nhận, tuy nhiên hệ thống văn bản quản lý chưa đồng bộ và nhiều văn bản chưa được rà soát chỉnh sửa cho phù hợp; các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức trong nuôi, chế biến còn thiếu hoặc được soạn thảo nhưng chưa được ban hành; nhiều quy trình kỹ thuật sau khi được phổ biến và qua thực tế áp dụng đã tiến bộ hơn nhiều nhưng lại chưa được tổng kết nhân rộng kịp thời.

3.1.2. Tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi

3.1.2.1. Tình hình dịch bệnh đốm trắng trong 3 năm (2012 – 2014)


- Năm 2012, dịch bệnh đốm trắng xuất hiện tại 120 xã thuộc 54 huyện của 19 tỉnh, thành làm tổng diện tích bị bệnh là 8.734 ha (Bảng 2).

- Năm 2013, dịch bệnh đốm trắng xuất hiện tại 282 xã thuộc 94 huyện của 28 tỉnh, thành làm tổng diện tích bị bệnh là 8.734 ha (Bảng 2). So với năm 2012, dịch bệnh đốm trắng tăng 3.617 ha, tương đương khoảng 1,4 lần (Hình 2). Số lượng xã, huyện, tỉnh có dịch cũng tăng so với cùng kỳ năm 2012 (Bảng 2 và Hình 2).

- Năm 2014, trong 9 tháng đầu năm, dịch bệnh đốm trắng xuất hiện tại 233 xã thuộc 65 huyện của 21 tỉnh, thành làm tổng diện tích bị bệnh là 18.321 ha. So với cả năm 2013, phạm vi dịch đã xuất hiện gần tương đương, nhưng diện tích bệnh lại cao hơn 1,5 lần, khoảng 5.970 ha (Bảng 2 và Hình 2). So với năm 2012 thì tăng hơn rất nhiều. Như vậy có thể thấy dịch bệnh đốm trắng có chiều hướng gia tăng mạnh qua các năm.

- Tóm tắt đặc điểm dịch tễ trong 9 tháng đầu năm 2014:

+ Dịch đốm trắng xuất hiện ở hầu hết các tháng trong năm, nhưng tập trung vào các tháng 4-9 (Hình 4 và Hình 5). Nguyên nhân là do khoảng thời gian này là mùa nuôi tôm chính vụ. So với số liệu cùng kỳ năm 2012 cho thấy tổng số lượng xã và tổng diện tích có dịch trong năm 2013 và 9 tháng đầu năm 2014 là cao hơn, số liệu ghi chép cũng có sự phân bố theo thời gian, không có khoảng thời gian dịch bệnh tăng đột biến (do ghi chép hoặc báo cáo chưa chính xác trong năm 2012).

+ Dịch xuất hiện ở hầu hết ở các vùng nuôi tôm. Trong đó, các vùng nuôi tôm trọng điểm tại vùng đồng bằng sông Cửu Long bị thiệt hại nặng nhất (Hình 2, Bảng 2).

+ Dịch xuất hiện trên cả hai đối tượng nuôi chính là tôm chân trắng và tôm sú. Cụ thể, diện tích tôm chân trắng mắc bệnh trong năm 2013 chiếm 37,51% trong tổng số diện tích mắc bệnh; diện tích tôm sú mắc bệnh chiếm 62,49%. Tỷ lệ này có khác so với năm 2012 (tôm chân trắng mắc bệnh chiếm 15,39%, tôm sú mắc bệnh chiếm 87,61%). Nguyên nhân là do trong năm 2013, diện tích nuôi tôm chân trắng tăng lên đáng kể.

3.1.2.2. Tình hình dịch bệnh hoại tử gan tụy cấp trong 3 năm (2012 – 2014)


- Năm 2012, dịch bệnh HTGT xuất hiện tại 192 xã thuộc 52 huyện của 16 tỉnh, thành làm tổng diện tích bị bệnh là 28.005 ha (Bảng 2).

- Năm 2013, dịch bệnh HTGT xuất hiện tại 199 xã thuộc 59 huyện của 19 tỉnh, thành làm tổng diện tích bị bệnh là 5.875 ha (Bảng 2). So với năm 2012, dịch bệnh HTGT tăng chút ít về phạm vi có dịch, nhưng tổng diện tích chỉ bằng khoảng 21% (Bảng 2 và Hình 3).

- Năm 2014, trong 9 tháng đầu năm, dịch bệnh HTGT xuất hiện tại 224 xã thuộc 59 huyện của 22 tỉnh, thành làm tổng diện tích bị bệnh là 5.119 ha. So với cả năm 2013, dịch đã xuất hiện ở phạm vi nhiều hơn, nhưng diện tích bệnh lại chỉ bằng 87%, khoảng 5.119 ha (Bảng 2 và Hình 3). So với năm 2012, phạm vi có dịch bệnh xuất hiện nhiều hơn, nhưng tổng diện tích bị bệnh chỉ bằng khoảng 18%. Như vậy, diện tích bị bệnh HTGT có chiều hướng giảm sau 3 năm.

- Tóm tắt đặc điểm dịch tễ trong 9 tháng đầu năm 2014:

+ Dịch dịch bệnh hoại tử gan tụy cấp xuất hiện ở hầu hết các tháng trong năm, nhưng tập trung vào các tháng 4-8 (Hình 5). Nguyên nhân do khoảng thời gian này là mùa nuôi tôm chính vụ. So với cùng kỳ năm 2012, dịch dịch bệnh hoại tử gan tụy cấp xuất hiện sớm hơn khoảng 01 tháng, do người nuôi thả tôm sớm hơn

+ Dịch xuất hiện ở hầu hết ở các vùng trọng điểm nuôi tôm. Trong đó, các vùng nuôi tôm trọng điểm tại ĐBSCL bị thiệt hại nặng nhất.

+ Dịch xuất hiện trên cả hai đối tượng nuôi chính là tôm chân trắng và tôm sú ở độ tuổi sau khi thả chủ yếu dưới 35 ngày. Cụ thể, diện tích tôm sú mắc bệnh trong năm 2013 chiếm 56,76% tổng số diện tích nuôi tôm mắc bệnh, diện tích tôm chân trắng mắc bệnh chiếm 43,24%. Tỷ lệ này có khác so với năm 2012 (tôm sú mắc bệnh chiếm 92,36% và tôm chân trắng mắc bệnh chiếm 7,64%). Nguyên nhân là do trong năm 2013, diện tích nuôi tôm chân trắng tăng lên đáng kể.

3.1.2.3. Tình hình dịch bệnh bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô trong 3 năm (2012 – 2014)


- Năm 2012, dịch bệnh bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô (IHHNV) xuất hiện tại 3 xã thuộc 2 huyện của 2 tỉnh, thành làm tổng diện tích bị bệnh là 1.35 ha (Bảng 2).

- Năm 2013, dịch bệnh IHHNV xuất hiện tại 24 xã thuộc 8 huyện của 4 tỉnh, thành làm tổng diện tích bị bệnh là 786 ha (Bảng 2).

- Năm 2014, trong 9 tháng đầu năm, dịch bệnh IHHNV xuất hiện tại 24 xã thuộc 10 huyện của 5 tỉnh, thành làm tổng diện tích bị bệnh là 1.1208 ha. So với cả năm 2013, dịch đã xuất hiện ở phạm vi nhiều hơn và diện tích bệnh tăng gần gấp 2 lần.

3.1.3. Hệ thống thú y

3.1.3.1. Cấp Trung ương


- Cục Thú y đóng tại Hà Nội, có các phòng chuyên môn như Thú y thủy sản, Kiểm dịch thủy sản, Quản lý thuốc thú y, Thú y Cộng đồng, Kế hoạch, Quản lý thuốc thú y, Thanh tra - Pháp chế. Tổng số cán bộ làm công tác thú y thủy sản thuộc Cục Thú y và các đơn vị trực thuộc là 58 người, trong đó 42 trong biên chế, 16 người là hợp đồng; 12 người có trình độ tiến sỹ, 23 thạc sỹ, 23 trình độ đại học, còn lại là cao đẳng, trung cấp. Các đơn vị trực thuộc Cục Thú y gồm có:

+ 07 Cơ quan Thú y vùng, có 03 phòng chức năng (Dịch tễ; Kiểm dịch thủy sản và kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y; và Trạm chẩn đoán xét nghiệm bệnh thủy sản) đảm bảo việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn trong lĩnh vực phòng chống dịch bệnh và giám sát dịch bệnh thủy sản.

+ 03 Chi cục Kiểm dịch thủy sản vùng đóng tại các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn và Quảng Ninh: Chịu trách nhiệm kiểm dịch thủy sản, sản phẩm thủy sản nhập khẩu.

+ 05 Trung tâm kỹ thuật chuyên ngành trong lĩnh vực Chẩn đoán bệnh thủy sản, Kiểm nghiệm thuốc thú y và Kiểm tra vệ sinh thú y. Trong đó Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương và Cơ quan Thú y vùng VI là phòng thí nghiệm chẩn đoán đầu ngành, được trang bị đầy đủ trang thiết bị để đáp ứng được nhiệm vụ trong chẩn đoán, giám sát các dịch bệnh thủy sản quan trọng, bao gồm cả các dịch bệnh trên tôm nuôi.

- Tổng Cục Thủy sản.

- Các Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản.

- Các trường Đại học Thủy sản, Khoa Thủy sản của Học viện Nông nghiệp Việt Nam tham tham gia đào tạo và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực thú y.

3.1.3.2. Cấp địa phương


- Ở cấp tỉnh có 63 Chi cục Thú y (riêng tỉnh Bình Phước là Chi cục Chăn nuôi - Thú y) và có các phòng chuyên môn kỹ thuật để thực hiện các nhiệm vụ (tổng hợp, báo cáo và dự báo dịch bệnh, chẩn đoán, xét nghiệm bệnh thủy sản, kiểm dịch thủy sản, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y, thanh tra). Hiện nay, đã có 20 Chi cục Thú y thành lập trạm chẩn đoán, xét nghiệm bệnh thủy sản. Ở cấp huyện có các Trạm Thú y trực thuộc Chi cục Thú y, tuy nhiên một số tỉnh đã chuyển Trạm Thú y về Ủy ban nhân dân huyện quản lý (Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Hậu Giang).

- Hiện nay, tại 63 Chi cục Thú y các tỉnh, hiện có tổng số 5.382 cán bộ tại Chi cục Thú y và các Trạm Thú y cấp huyện, trong đó: Tiến sỹ thú y (12), Thạc sỹ Thú y (136), Thạc sỹ khác (15), Bác sỹ thú y (2.841), Đại học khác (441), Cao đẳng thú y (146), Cao đẳng khác (127), Trung cấp thú y (1.459), Trung cấp khác (205), (các trình độ khác bao gồm chăn nuôi thú y, chuyên ngành chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản).

- Hiện tại, các tỉnh, thành phố đều đã có mạng lưới thú y cấp xã được triển khai theo văn bản số 1569/TTg-NN của Thủ tướng Chính phủ và Nghị định số 92/2009/NĐ-CP, nhiều nơi xây dựng được mạng lưới thú y đến tận thôn, bản. Đến nay cả nước có 6.878/10.087 xã, phường có nhân viên thú y với tổng số 24.796 người (tính trung bình, mỗi xã nông nghiệp có 3 nhân viên thú y). Thực tiễn hoạt động cho thấy, lực lượng này có vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản trên địa bàn xã.

3.1.4. Công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản

3.1.4.1. Công tác xây dựng văn bản


- Ngày 20/6/2014, Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư số 17/2014/TT-BNNPTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh cho động vật thủy sản nuôi.

- Ngày 03/6/2014, Bộ NN&PTNT có Công văn số 1730/BNN-TY gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi.

- Ngày 15/5/2014, Bộ NN&PTNT có Công văn số 1540/BNN-TY gửi UBND các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng và Bạc Liêu về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản.

- Để hoàn thiện thủ tục, ngày 22/5/2014 Bộ NN&PTNT có văn bản số 1618/BNN-TY gửi lấy ý kiến của Bộ Tư pháp về dự thảo Thông tư quy định trình tự, thủ tục đăng ký, chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh thủy sản.

- Chuẩn bị, triển khai xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về giám sát, điều tra và ứng phó dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ.

- Cục Thú y ban hành nhiều văn bản đôn đốc các địa phương triển khai công tác phòng chống, kiểm dịch con giống, quản lý thuốc thú y, kiểm tra và chấn chỉnh công tác báo cáo dịch bệnh.


3.1.4.2. Công tác kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo phòng chống dịch bệnh


- Lãnh đạo Bộ NN&PTNT đặc biệt quan tâm và đã trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản. Cụ thể, Bộ trưởng đã chỉ đạo và giao cho Cục Thú y tổ chức kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản tại các địa phương trọng điểm về nuôi trồng thủy sản. Trên cơ sở đó, từ tháng 1 - 7/2014, Cục Thú y đã thành lập các Đoàn công kiểm tra thực tế tại 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: Quảng Ninh, Khánh Hòa, Ninh Thuận, TP. Hồ Chí Minh, Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Ngày 20/5/2014 Bộ đã ban hành văn bản số 2394/TB-BNN-VP thông báo kết luận của Thứ trưởng Vũ Văn Tám tại Hội nghị sơ kết công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản.

- Ngoài ra, lãnh đạo Cục Thú y, các Cơ quan Thú y vùng thường xuyên đi kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch tại các tỉnh trọng điểm về nuôi trồng thủy sản. Trong quá trình kiểm tra, các Đoàn công tác đã phát hiện nhiều tồn tại, bất cập trong công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản (thống kê, báo cáo, khai báo, xét nghiệm, chẩn đoán bệnh, quản lý kiểm dịch thủy sản giống,…); các Đoàn công tác đã góp ý, hướng dẫn, cung cấp các tài liệu cho cơ quan liên quan của địa phương để có giải pháp khắc phục những tồn tại, bất cập.


3.1.4.3. Công tác kiểm dịch thủy sản


Trong 6 tháng đầu năm 2014, các cơ quan thú y kiểm dịch nhập khẩu trên 24 triệu con giống, tăng khoảng 3 lần so với cùng kỳ năm 2013. Các loài thủy sản nhập khẩu gồm tôm càng xanh (chiếm khoảng 18 triệu con), cá rô phi (4 triệu con), tôm thẻ chân trắng bố mẹ (700 nghìn con), cá mú khoảng 600 nghìn con, tôm hùm giống khoảng 500 nghìn con và các loài khác.

Tuy nhiên, việc kiểm dịch và xét nghiệm giống thủy sản nội địa vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là việc nhập giống tại các cơ sở nuôi trồng thủy sản nhỏ lẻ thường không có giấy kiểm dịch, không lấy mẫu xét nghiệm, chất lượng con giống không đảm bảo dẫn đến phát sinh dịch bệnh sau khi thả.


3.1.4.4. Công tác quản lý thuốc thủy sản


- Thực hiện lộ trình triển khai áp dụng thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP) trong sản xuất thuốc thú y theo Thông tư số 07/2012/TT-BNNPTNT ngày 13/02/2012 của Bộ NN&PTNT để đảm bảo chất lượng thuốc thú y, thuốc thú y thuỷ sản sản xuất trong nước.

- Tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra và giám sát chất lượng trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc thú y thủy sản, đặc biệt là việc sử dụng thuốc kháng sinh, chế phẩm sinh học,… tại các cơ sở nuôi trồng thủy sản; tổ chức khảo sát, đánh giá tình sử dụng kháng sinh tại 4 tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng và Bạc Liêu.

- Tổ chức Đoàn công tác đề xuất và triển khai các biện pháp kiểm soát sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản. Trong đó, bao gồm việc khảo sát tình hình kinh doanh và sử dụng kháng sinh Oxytetracycline tại cơ sở kinh doanh thuốc thú y và cơ sở nuôi trồng thủy sản tại các tỉnh: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bến Tre, Trà Vinh theo công văn số 1111/TY-QLT ngày 02/7/2014; tổng hợp báo cáo kết quả và dự thảo văn bản gửi UBND các tỉnh, thành.

3.1.4.5. Dự trữ quốc gia về hóa chất cho phòng chống dịch bệnh thủy sản


- Trong 7 tháng đầu năm 2014, Cục Thú y đã báo cáo Bộ trình Chính phủ cấp trên 300 tấn hóa chất phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản tại các tỉnh và hiện đang trình Chính phủ hỗ trợ cho một số địa phương khác.

- Do còn nhiều tồn tại, bất cập trong công tác báo cáo, thống kê diện tích thả, diện tích bị bệnh, cũng như việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng hóa chất hỗ trợ của các địa phương, Cục Thú y đã tổ chức kiểm tra, báo cáo đề xuất Bộ NN&PTNT có văn bản chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, bất cập.


3.1.4.6. Về đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn thú y thủy sản


Cục Thú y đã tổ chức 05 lớp tập huấn về giám sát, điều tra ổ dịch và phân tích số liệu dịch bệnh cho 138 cán bộ của 28 tỉnh, thành phố trọng điểm về nuôi trồng thủy sản. Đồng thời đã tổ chức tập huấn cho cán bộ dịch tễ của các Chi cục Thú y, Chi cục Nuôi trồng thủy sản, Chi cục Thủy sản đảm bảo đủ năng lực triển khai công tác thú y thủy sản.

Tiến hành tổ chức 3 lớp tập huấn về công tác thú y thủy sản (bao gồm dịch tễ thủy sản, quản lý thuốc thú y thủy sản, kiểm dịch thủy sản, phổ biến thông tư 17/2014/TT-BNNPTNT, hướng dẫn xử lý số liệu dịch bệnh và vẽ bản đồ dịch tễ) cho 117 cán bộ thuộc 38 tỉnh/thành phố nuôi trồng thủy sản, 6 Cơ quan Thú y vùng, Vụ Nuôi trồng thủy sản – Tổng cục Thủy sản, Ban quản lý dự án CRSD


3.1.4.7. Về hợp tác quốc tế trong thú y thủy sản


Được sự đồng ý của Bộ NN&PTNT, Cục Thú y hiện đang phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước để tổ chức hai hội nghị về công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản:

- Phối hợp với Mạng lưới các Trung tâm Nuôi trồng thủy sản Châu Á Thái Bình Dương (NACA) để tổ chức Hội nghị lần thứ 9 về bệnh thủy sản khu vực châu Á, dự kiến sẽ diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 11/2014;

- Phối hợp với Tổ chức Thú y thế giới (OIE) để tổ chức Hội nghị toàn cầu về thú y thủy sản, dự kiến được tổ chức tại Việt Nam vào tháng 1/2015.

3.1.4.8. Thống nhất quản lý nhà nước về công tác thú y thủy sản


- Ngày 04/04/2014, Bộ NN&PTNT ban hành Quyết định số 666/QĐ-BNN-TCCB quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Thú y; trong đó, Bộ NN&PTNT tiếp tục phân công cho Cục Thú y nhiệm vụ về phòng chống dịch bệnh thủy sản, kiểm dịch thủy sản và quản lý thuốc thú y thủy sản.

- Căn cứ các quy định hiện hành, Cục Thú y tiếp tục đề xuất với Bộ NN&PTNT có văn bản (Công văn số 1730/BNN-TY ngày 03/6/2014; Công văn số 1540/BNN-TY ngày 15/5/2014) đề nghị các tỉnh, thành phố thống nhất giao nhiệm vụ thú y thủy sản cho các Chi cục Thú y để đảm bảo toàn hộ hệ thống hoạt động xuyên suốt, ngày càng hiệu quả hơn.


3.1.4.9. Chấn chỉnh những tồn tại, bất cập trong công tác thú y thủy sản


- Ngày 12/5/2014, Cục Thú y tổ chức họp rà soát các tồn tại, bất cập trong phòng chống dịch bệnh trên tôm hùm nuôi theo kết luận chỉ đạo của Thứ trưởng Vũ Văn Tám tại Thông báo số 2163/TB-BNN-VP ngày 05/5/2014. Đặc biệt đã phân công các đơn vị thực hiện 3 nội dung quan trọng gồm (1) chỉnh sửa, bổ sung Thông tư quy định về phòng, chống dịch bệnh cho đông vật thủy sản nuôi, trong đó có nội dung phù hợp cho tôm hùm; (2) phối hợp với Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III, Đại học Nha trang để xây dựng kế hoạch tiếp tục nghiên cứu phác đồ điều trị bệnh trên tôm hùm; (3) đề xuất đưa vào Thông báo kết luận số 2394/TB-BNN-VP ngày 20/5/2014 của Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương rà soát, điều chỉnh, bổ sung hoặc xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh thủy sản, bao gồm cả kế hoạch phòng chống dịch bệnh trên tôm hùm nuôi;

- Ngày 14/5/2014, Cục Thú y tổ chức họp để rà soát các tồn tại, bất cập trong phòng chống dịch bệnh thủy sản (Thông báo kết luận của Cục trưởng tại văn bản số 792/TB-TY-VP ngày 16/5/2014).

- Ngày 16/5/2014, Cục Thú y có Quyết định số 287/QĐ-TY-TS về việc thành lập Tổ công tác xây dựng và triển khai kế hoạch hành động khắc phục các tồn tại, bất cập trong công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản; dự thảo kế hoạch hành động khắc phục những tồn tại, bất cật; và ngày 22/5/2015 Tổ công tác đã họp để phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên trong tổ. Hiện nay các đơn vị đang hoàn thiện và tổ chức triển khai kế hoạch khắc phục những tồn tại, bất cập trong công tác thú y thủy sản.

- Ngày 30/6/2014, Cục Thú y ban hành Công văn số 1090/TY-TS ngày 30/6/2014 về việc thống nhất sử dụng biểu mẫu báo cáo dịch bệnh thủy sản theo quy định tại Thông tư 17/2014/TT-BNNPTNT ngày 20/6/2014 của Bộ NN&PTNT.

- Ngày 30/6/2014, Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định số 1479/QĐ-BNN-TY về việc thành lập Tổ công tác đề xuất và triển khai các biện pháp kiểm soát sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản kèm theo kế hoạch khắc phục tồn tại, bất cập và tăng cường quản lý sử dụng kháng Oxytetracycline. Triển khai Quyết định này, Cục Thú y đã tổ chức Đoàn khảo sát, đánh giá hiện trạng sử dụng kháng sinh Oxytetracycline, trên cơ sở kết quả đánh giá, Cục Thú y đã tham mưu trình Bộ ban hành văn bản số 6247/BNN-TY ngày 6/8/2014 về tăng cường công tác quản lý, kiểm tra thuốc thú y thủy sản.

3.1.4.10. Chẩn đoán, xét nghiệm


a) Hệ thống các phòng xét nghiệm bệnh thủy sản

- Hiện nay, các cơ quan quản lý chuyên ngành về thú y thủy sản từ Trung ương (Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương và các Cơ quan Thú y vùng) đến địa phương (các Chi cục Thú y, Chi cục Nuôi trồng thủy sản, Chi cục Thủy sản) có 32 phòng thử nghiệm bệnh thủy sản. Trong đó, 27 phòng thử nghiệm được trang thiết bị để thực hiện các phản ứng PCR và Real time PCR; 3 phòng thử nghiệm (Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương, Cơ quan Thú y vùng VI và Chi cục Thú y thành phố Hồ Chí Minh) có trang thiết bị tiến hành xét nghiệm mô bệnh học để chẩn đoán bệnh hoại tử gan tụy cấp; 16 phòng thử nghiệm có thể tiến hành được các loại xét nghiệm vi khuẩn; 7 phòng thử nghiệm được trang bị thiết bị đo các chỉ tiêu môi trường. Hầu hết các đơn vị đều có kính hiển vi để kiểm tra phát hiện các loại ký sinh trùng thông thường ở thủy sản. Số liệu thống kê các đơn vị đã được công nhận các chỉ tiêu xét nghiệm bệnh thủy sản được trình bày tại Phụ lục 1.

- Các phòng thử nghiệm thuộc Cục Thú y đã có đủ năng lực chẩn đoán, xét nghiệm tất cả 12 bệnh bắt buộc phải công bố dịch (theo Thông tư số 38) và hầu hết các bệnh thủy sản quan trọng khác bằng các kỹ thuật cơ bản, cũng như các kỹ thuật tiên tiến như PCR và giải trình tự gien (Cơ quan Thú y vùng VI đang sử dụng và Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương); các phòng thử nghiệm của Cục Thú y đã được thẩm định, thiết lập và hiện đang áp dụng quy trình xét nghiệm bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm và bệnh đốm trắng bằng phương pháp PCR; Cơ quan Thú y vùng VI đã tham gia và được đánh giá cao về độ thuần thục trong xét nghiệm bệnh thủy sản do Trung tâm mạng lưới nuôi trồng thủy sản Châu Á Thái Bình Dương (NACA) tổ chức hàng năm.

- Các phòng thử nghiệm thuộc các Chi cục có khả năng xét nghiệm các loại dịch bệnh thông thường để phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh tại các địa phương.



b) Nguồn nhân lực thực hiện xét nghiệm bệnh thủy sản

- Hiện nay, cả nước có tổng số 188 cán bộ làm công tác chẩn đoán xét nghiệm bệnh thủy sản tại 32 phòng thử nghiệm, gồm: 20 cán bộ có trình độ thạc sỹ; 65 bác sỹ thú y, 51 kỹ sư nuôi trồng thủy sản, 14 kỹ sư bệnh học thủy sản, 13 kỹ sư chăn nuôi, 14 cán bộ đại học các chuyên ngành khác và 14 cán bộ cao đẳng và trung cấp (Phụ lục 2). Như vậy, nhân lực làm công tác chẩn đoán, xét nghiệm bệnh thủy sản còn ít so với yêu cầu.

- Số năm kinh nghiệm làm công tác chẩn đoán xét nghiệm của các cán bộ trung bình là 5,3 năm. Trong đó:

+ Chi cục Thú y Đà Nẵng có số năm kinh nghiệm trung bình cao nhất là 12 năm. Tuy nhiên, đơn vị này chỉ có duy nhất một cán bộ thực hiện nhiệm vụ chẩn đoán xét nghiệm bệnh thủy sản;

+ Cơ quan Thú y vùng III có kinh nghiệm trung bình là gần 10 năm (gồm 8 bác sỹ thú y và 2 thạc sỹ thú y);

+ Chi cục Nuôi trồng thủy sản Bến Tre: 9 năm kinh nghiệm;

+ Chi cục Thú y Thừa Thiên Huế và Vĩnh Long với 7-8 năm kinh nghiệm;

+ 11 đơn vị có kinh nghiệm trung bình là 5-7 năm gồm Chi cục Thú y Thái Bình, Quảng Bình, Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Trà Vinh, Bạc Liêu, Trung tâm chẩn đoán Thú y TW, Cơ quan Thú y vùng I, vùng II, vùng IV, vùng VII;

+ 11 đơn vị có kinh nghiệm dưới 5 năm là Chi cục Thú y Lào Cai, Hà Giang, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Nam Định, Ninh Bình, Ninh Thuận, Bình Định, Kiên Giang, Sóc Trăng, Cơ quan Thú y vùng VI.

Do nhiệm vụ thú y thủy sản được chuyển sang Cục Thú y từ năm 2008 nên nhiều cán bộ tại phòng thử nghiệm đều là bác sỹ thú y, ít có kinh nghiệm về chẩn đoán bệnh thủy sản. Vì vậy, hàng năm Cục Thú y đã tổ chức các lớp tập huấn về chẩn đoán bệnh thủy sản để nâng cao chuyên môn cho các cán bộ chẩn đoán tại các Cơ quan Thú y vùng cũng như các đơn vị địa phương (Phụ lục 3).




tải về 2.44 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   17




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương