Căn cứ Nghị định số 188/2007/NĐ-cp ngày 27 tháng 12 năm 2007 và Nghị định số 22/2010/NĐ-cp ngày 09/3/2010 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ y tế


VI. THEO DÕI VÀ CHĂM SÓC SAU PHẪU THUẬT



tải về 1.77 Mb.
trang14/18
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích1.77 Mb.
#30046
1   ...   10   11   12   13   14   15   16   17   18

VI. THEO DÕI VÀ CHĂM SÓC SAU PHẪU THUẬT

- Cần theo dõi chảy máu sớm trong 24 giờ và chảy máu muộn do bong vảy ngày thứ 5 - 7 sau cắt amidan.

- Trong 2 ngày đầu người bệnh phải uống sữa, 3 ngày tiếp theo ăn cháo loãng, từ ngày thứ 7 trở đi có thể ăn cơm nhão, sau ngày thứ 10 có thể ăn uống bình thường. Nhìn chung, thời gian hậu phẫu cần tránh thức ăn, nước uống có chua, cay, mặn, nóng và cứng.

- Trong trường hợp có chảy máu sau cắt amidan thì nhanh chóng đến cơ sở y tế có chuyên khoa để kiểm tra và can thiệp kịp thời.



VII. TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ

Chảy máu có thể xảy ra trong quá trình cắt và sau khi cắt. Xử trí là cầm máu hố amidan bằng ép bông cầu có tẩm oxy già, cặp buộc chỗ chảy hay đặt gạc khâu trụ, thắt động mạch cảnh ngoài nếu chảy máu nhiều và khó cầm. Ngoài ra, cần cảnh giác một số biến chứng khác hiếm gặp như sốt, tắc nghẽn đường thở và phù phổi, chấn thương vùng họng do phẫu thuật, dị ứng thuốc vô cảm muộn.


PHẪU THUẬT CẮT AMIDAN BẰNG COBLATOR

I. ĐẠI CƯƠNG

Cắt amidan bằng Coblator là phương pháp dùng sóng năng lượng tần số radio cao tần để phá hủy mô amidan. Cắt amidan bằng máy Coblator II có ưu điểm lớn là vừa cắt, vừa hút, vừa tưới nước ở nhiệt độ 67oC nên không gây bỏng.



II. CHỈ ĐỊNH

- Amidan có nhiều đợt viêm cấp: 5 đợt/1 năm, trong 2 năm liền.

- Amidan quá to ảnh hưởng tới chức năng: thở, ăn, phát âm.

- Amidan viêm mạn tiềm tàng. Đã có biến chứng tại chỗ, gần và xa.



III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

1. Tạm thời

- Đang viêm cấp, nhiễm khuẩn cục bộ hay toàn thân.

- Đang có bệnh mạn tính, chưa ổn định.

- Đang có dịch ở địa phương.

- Phụ nữ đang thời gian có thai, có kinh nguyệt.

2. Tuyệt đối

Trong các bệnh: tim mạch, rối loạn về máu, suy giảm miễn dịch toàn thân, đái đường, Basedow, hen, lao đang tiến triển.



IV. CHUẨN BỊ

1. Người thực hiện

Bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng.



2. Phương tiện

- Máy Coblator II với chức năng cắt amidan, nạo V.A, đốt cuốn mũi, chỉnh hình vòm họng và phẫu thuật điều trị ngáy...

- Đầy đủ dụng cụ và các thiết bị đi kèm.

3. Người bệnh

- Được giải thích rõ ràng về bệnh và cách thức phẫu thuật.

- Bồi phụ máu, nước, điện giải...

- Nhịn ăn, uống ít nhất 6 giờ trước khi phẫu thuật.



4. Hồ sơ bệnh án

Làm đầy đủ các xét nghiệm cơ bản đánh giá được chức năng tim, gan, thận, phổi, bệnh về máu của người bệnh như: công thức máu, máu chảy máu đông, chức năng gan, thận, Xquang phổi, điện tâm đồ, siêu âm tim...



V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

1. Kiểm tra hồ sơ bệnh án

2. Kiểm tra người bệnh

3. Kỹ thuật

3.1. Tư thế

- Người bệnh nằm ngửa, đầu cao 15-20o so với ngực.

- Máy Coblator II và dụng cụ mổ đặt bên phải của người bệnh.

- Máy gây mê đặt bên trái của người bệnh.

- Phẫu thuật viên và trợ thủ viên đứng hoặc ngồi phía trên đầu của người bệnh.

3.2. Vô cảm

Gây mê toàn thân.



Thì 1: Đặt banh miệng tự hãm.

Thì 2: Dùng đầu dò chuyên dụng cắt amidan bằng nhiệt vừa tưới nước và hút dịch cùng với mảnh vụn, đồng thời đốt các điểm chảy máu.

Thì 3: Kiểm tra lại hốc amidan đã cắt.

VI. THEO DÕI VÀ CHĂM SÓC SAU PHẪU THUẬT

- Người bệnh không được la hét lớn và nằm viện thêm nửa ngày để theo dõi.

- Ngoài ra, trẻ cần có chế độ ăn uống đặc biệt: kiêng các thức ăn cứng, nóng, chua, cay. Nên ăn các thức ăn: lỏng, nguội, mềm trong vòng 15 ngày đầu để tránh chảy máu sau mổ.

- Người bệnh có thể về nhà trong ngày làm việc và học tập trở lại bình thường sau một tuần.



VII. TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ

Chảy máu là biến chứng thường gặp nhất. Dùng kẹp dài và spongel đè ép lên hố amidan đang chảy máu. Nhúng spongel vào epinephrin hoặc bột thrombin có thể đem lại hiệu quả. Nếu thất bại, người bệnh cần được đưa vào phòng mổ để thắt động mạch. Các biến chứng khác bao gồm:

- Đau (ví dụ: viêm họng, đau tai).

- Mất nước (thường gặp ở trẻ em do đau nên bỏ ăn).

- Sụt cân (thường gặp ở trẻ em do đau nên bỏ ăn).

- Sốt (ít gặp, thường do nhiễm trùng tại chỗ).

- Tắc nghẽn đường thở sau phẫu thuật (do phù nề lưỡi gà, tụ máu, sặc hít).

- Amidan còn sót lại sau cắt.

- Chấn thương tâm lý, chứng hoảng sợ về đêm, hoặc trầm cảm.

Tùy thuộc vào từng loại biến chứng, thầy thuốc Tai Mũi Họng và gây mê sẽ có biện pháp xử trí thích hợp và hiệu quả nhất.


PHẪU THUẬT LẤY ĐƯỜNG RÒ LUÂN NHĨ

I. ĐẠI CƯƠNG

Phẫu thuật nhằm lấy bỏ toàn bộ đường rò luân nhĩ bẩm sinh. Lỗ rò thường nằm ở vùng trước tai, ống rò chạy vào trong và kết thúc bằng túi rò sát vùng sụn gờ luân nhĩ.



II. CHỈ ĐỊNH

Các loại rò bẩm sinh vùng tai.



III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Chống chỉ định tương đối:

- Đường rò bẩm sinh đang viêm tấy, áp xe: nên chích rạch dẫn lưu mủ, khi ổn định sẽ phẫu thuật lấy đường rò.

- Các chống chỉ định phẫu thuật nói chung.



IV. CHUẨN BỊ

1. Người thực hiện

Bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng.



2. Phương tiện

- Bộ dụng cụ tiểu phẫu thêm 1 que thăm dò đầu tù, 1 kìm cặp kim và kim khâu, 1 kim đầu tù.

- Thuốc: xylocain 2%, xanh methylen.

3. Người bệnh

Cạo tóc bên tai phẫu thuật. Có thể phẫu thuật cả hai bên nếu người bệnh bị rò hai bên.



4. Hồ sơ bệnh án

Làm các xét nghiệm cơ bản và hoàn chỉnh hồ sơ bệnh án theo quy định chung.



V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

1. Tư thế người bệnh

Nằm trên bàn mổ, đầu nghiêng về bên đối diện.



2. Vô cảm

Gây mê hoặc gây tê tại chỗ (bằng xylocain 2%). Dùng que thăm dò xác định hướng đường rò. Bơm xanh methylen vào đường rò hoặc không bơm tùy theo khả năng của phẫu thuật viên.



3. Kỹ thuật

- Rạch da hình quả trám dọc ôm lấy miệng lỗ rò. Bóc tách đường rò theo chỉ thị màu của xanh methylen. Lấy toàn bộ đường rò.

- Khâu vết mổ và chỉnh hình sẹo xấu nếu có.

- Băng ép.



VI. THEO DÕI VÀ CHĂM SÓC

- Thay băng 2 ngày một lần.

- Kháng sinh 5 - 7 ngày.

VII. TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ

- Trong phẫu thuật: không có tai biến gì đáng kể.

- Sau phẫu thuật: có thể viêm tấy bục đường khâu.

- Viêm sụn vành tai.

- Nếu lấy không hết chân đường rò, rò và viêm nhiễm sẽ tái phát, phải phẫu thuật lại để lấy hết chân đường rò.
PHẪU THUẬT LẤY ĐƯỜNG RÒ CẠNH CỔ

I. ĐẠI CƯƠNG

Rò cạnh cổ là một dị tật bẩm sinh, bao gồm rò khe túi mang 1, 2, 3, 4. Biểu hiện với lỗ rò ngoài da dọc theo bờ trước cơ ức đòn chũm. Lỗ rò bên trong nằm ở ống tai ngoài, hố amidan, hoặc ở xoang lê.

Phẫu thuật này nhằm lấy toàn bộ đường rò.

II. CHỈ ĐỊNH

Có đường rò cạnh cổ.



III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

- Khi đang áp xe hoặc đang viêm tấy.

- Chống chỉ định chung của phẫu thuật.

IV. CHUẨN BỊ

1. Người thực hiện

Bác sĩ chuyên khoa cấp I Tai Mũi Họng trở lên.



2. Phương tiện

- Như phẫu thuật mở cạnh cổ.

- Thêm que thăm dò, kim đầu tù, xanh methylen, bộ soi thực quản (để kiểm tra xoang lê).

3. Người bệnh

- Như chuẩn bị chung: xét nghiệm cơ bản

- Chụp đường rò có bơm thuốc cản quang (không bắt buộc).

- Soi kiểm tra xoang lê trước khi mổ.



4. Hồ sơ bệnh án

Theo quy định chung.



V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

1. Vô cảm

Gây mê toàn thân.



2. Kỹ thuật

Thì 1: Rạch da

- Có thể bơm xanh metylen vào đường rò.

- Có hai cách rạch da:

+ Rạch da theo đường mổ tuyến mang tai đối với rò khe mang I.

+ Rạch ngang cổ (theo nếp lằn cổ).

Thì 2: Bộc lộ đường rò

- Rạch qua lớp cân cổ nông, bóc tách bộc lộ đường rò một cách cẩn thận.

- Tiếp tục phẫu tích lên trên đến tận cùng đường rò.

Thì 3: Cắt bỏ đường rò

- Đối với rò túi mang IV (rò xoang lê), nên phối hợp với nội soi để xác định miệng lỗ rò xoang lê, dùng kẹp không mấu kẹp bịt miệng lỗ rò. Kiểm tra qua ống soi, thấy đường rò đã được bịt kín.

- Đóng đường rò bằng chỉ không tiêu.

- Cắt bỏ đường rò.

- Khâu vùi miệng cắt.

Thì 4: Khâu phục hồi đường rạch

- Đặt dẫn lưu.

- Đóng hốc mổ 2 lớp.

- Băng ép.



VI. THEO DÕI VÀ CHĂM SÓC

- Kháng sinh.

- Băng ép, theo dõi chảy máu.

- Sau 48 giờ, rút ống dẫn lưu.

- Cắt chỉ sau 7 ngày.

Chú ý: nếu đường rò lớn, tổn thương vùng xoang lê nhiều: cho ăn qua ống xông trong 5- 7 ngày.



VII. TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ

- Tụ máu vùng cổ: cần theo dõi để phát hiện sớm.

- Nhiễm khuẩn vùng cổ: kháng sinh.

- Tổn thương thần kinh thanh quản quặt ngược, thần kinh thanh quản trên thần kinh VII.

- Tái phát: vì không lấy hết đường rò, đặc biệt khi đường rò đã bị áp xe hoặc còn nhánh phụ.
PHẪU THUẬT RÒ KHE MANG I

I. ĐẠI CƯƠNG

Rò khe mang I thuộc nhóm dị tật rò bẩm sinh vùng cổ bên, đường rò chạy từ vùng tam giác Poncet (đỉnh là phần dưới ống tai ngoài, đáy là cạnh nối đỉnh cằm và bờ trên xương móng) đến phần ống tai ngoài chỗ tiếp nối giữa sụn và xương.

Phẫu thuật nhằm lấy bỏ toàn bộ đường rò.

II. CHỈ ĐỊNH

Rò khe mang I.



III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

- Đường rò đang viêm tấy, áp xe.

- Các chống chỉ định phẫu thuật nói chung.

IV. CHUẨN BỊ

1. Người thực hiện

Bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng đã được đào tạo phẫu thuật đầu cổ.



2. Phương tiện

- Các dụng cụ phẫu thuật thông thường.

- Kéo nhỏ, kẹp phẫu tích nhỏ không mấu, banh, bay nhỏ.

- Dao điện, đông điện lưỡng cực.

- Ở các cơ sở lớn có thể trang bị thêm máy theo dõi dây VII, kính lúp hoặc kính hiển vi.

3. Người bệnh

- Giải thích kỹ về nguy cơ bị tổn thương dây VII.

- Làm các xét nghiệm cơ bản cho phép phẫu thuật.

- Siêu âm tuyến mang tai, nếu cần chụp cắt lớp tuyến mang tai có bơm thuốc cản quang đường rò.



4. Hồ sơ bệnh án

Hoàn thành hồ sơ bệnh án theo quy định.



V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

1. Vô cảm

Gây mê toàn thân.



2. Tư thế

- Nằm đầu nghiêng tối đa về bên lành và có đệm gối dưới vai.

- Thầy thuốc đứng phía bên phẫu thuật.

- Người phụ đứng bên đối diện và phía trên đầu.



3. Kỹ thuật

Thì 1: Rạch da theo đường mổ tuyến mang tai, bóc tách vạt da ra phía trước.

Thì 2: Bóc tách bộc lộ bờ sau tuyến mang tai, phần dưới sụn ống tai (ngón tay chỉ), bờ trước cơ ức đòn chũm, bụng sau cơ nhị thân.

Thì 3: Tìm thân dây thần kinh số VII theo hướng ngón tay chỉ và trên bình diện của cơ nhị thân, tiếp tục bộc lộ các nhánh dây VII.

Thì 4: Bóc tách đuổi theo ống rò cho đến kết thúc ở ống tai ngoài, xác định ống rò đi trên hay đi dưới hay đi xuyên qua các nhánh dây VII, cắt bỏ toàn bộ đường rò mà không làm tổn thương dây VII.

Thì 5: Khâu bít lỗ trong của ống rò ở ống tai ngoài.

Thì 6: Đóng da sau khi đặt dẫn lưu kín, hút chân không.

VI. THEO DÕI VÀ CHĂM SÓC

- Hút dịch hằng ngày, thay băng, băng ép.

- Rút ống dẫn lưu sau 48 giờ.

- Cắt chỉ sau 7 ngày.

- Điều trị chống viêm, chống phù nề.

VII. TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ

- Liệt mặt ở các mức độ do tổn thương các nhánh dây VII.

- Chảy máu.

- Nhiễm trùng vết mổ.

- Di chứng: hội chứng Frey.
PHẪU THUẬT LẤY NANG RÒ KHE MANG II

I. ĐẠI CƯƠNG

Phẫu thuật lấy nang và rò khe mang II là phẫu thuật lấy bỏ toàn bộ đường rò khe mang II để tránh viêm tấy và áp xe vùng cổ tái phát.



II. CHỈ ĐỊNH

Nang và rò khe mang II.



III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

1. Chống chỉ định tuyệt đối

Các bệnh lý nội khoa nặng, mất bù như: suy thận, các bệnh lý về máu.



2. Chống chỉ định tương đối

- Đang có viêm tấy hoặc áp xe đường rò.

- Người bệnh từ chối phẫu thuật.

IV. CHUẨN BỊ

1. Người thực hiện

Các bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng từ chuyên khoa I trở lên được đào tạo về phẫu thuật đầu cổ.



2. Phương tiện

- Bộ dụng cụ phẫu thuật phần mềm.

- Thuốc tê (lidocain + adrenalin 1/10.000).

3. Người bệnh

- Khám nội soi tai mũi họng, làm xét nghiệm đầy đủ:

+ Công thức máu.

+ Đông máu cơ bản.

+ Chức năng gan, thận.

- Được chụp phim cắt lớp vi tính vùng mang cổ 2 tư thế coronal và axial.

- Khám trước mổ: bác sĩ gây mê hồi sức.

- Giải thích về cách thức phẫu thuật, tai biến có thể xảy ra.



4. Hồ sơ bệnh án

Hoàn thiện hồ sơ bệnh án theo như quy định chung.



V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

1. Kiểm tra hồ sơ

2. Kiểm tra người bệnh

3. Vô cảm

Phẫu thuật thực hiện dưới gây mê toàn thân.



4. Tư thế

- Người bệnh nằm ngửa, có gối độn vai, đầu ngửa tối đa.

- Phẫu thuật viên chính đứng bên cần phẫu thuật, người phụ đứng bên đối diện và trên đầu.

5. Kỹ thuật

- Tiêm tê dưới da theo đường ngang cổ quanh miệng lỗ rò bằng Medicain (Octocain) 1%.

- Rạch da qua lớp cơ bám da, bóc vạt da lên trên và xuống dưới theo bình diện dưới cơ bám da cổ.

- Bóc tách quanh lỗ rò tìm đường rò chạy trong máng cảnh, đường rò chạy lên ngang mức xương móng sẽ vào sâu nên thường phải rạch da đường thứ 2 ngang mức sừng lớn xương móng cùng bên để dễ lấy hết đường rò.

- Đường rò chạy vào sâu đến amidan ở bờ trên sừng lớn xương móng, nên bóc tách đường rò đến bình diện sâu hơn sừng lớn xương móng thì kẹp và buộc thắt đường rò. Thắt đường rò bằng chỉ không tiêu 2-0 hoặc 3-0.

- Một số tác giả khuyến cáo có thể cắt amidan bên có đường rò.

- Đặt dẫn lưu kín, khâu da hai lớp.

VI. THEO DÕI VÀ CHĂM SÓC SAU MỔ

- Rút dẫn lưu sau 48 giờ.

- Thay băng hàng ngày.

- Cắt chỉ sau 5-7 ngày.



VII. TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ

- Chảy máu: cần theo dõi vết mổ và bình dẫn lưu để phát hiện chảy máu. Nếu chảy máu nhiều cần mở lại hốc mổ để kiểm tra.

- Nhiễm trùng: kháng sinh toàn thân.
PHẪU THUẬT RÒ XOANG LÊ (RÒ TÚI MANG IV)

I. ĐẠI CƯƠNG

Rò túi mang IV thuộc nhóm dị tật rò bẩm sinh vùng cổ bên, đường rò chạy từ vùng cổ dưới, bờ trước cơ ức đòn chũm, chạy lên trên đi sát bao tuyến giáp, đến bờ sau cánh sụn giáp, tận hết ở vùng đáy xoang lê.

Phẫu thuật nhằm lấy bỏ toàn bộ đường rò.

II. CHỈ ĐỊNH

Rò xoang lê



III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

- Đường rò đang viêm tấy, áp xe.

- Các chống chỉ định phẫu thuật nói chung.

IV. CHUẨN BỊ

1. Người thực hiện

Bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng đã được đào tạo phẫu thuật đầu cổ.



2. Phương tiện

- Các dụng cụ phẫu thuật thông thường.

- Cần thêm: kéo nhỏ, kẹp phẫu tích nhỏ không mấu, banh, bay nhỏ.

- Dao điện, đông điện lưỡng cực.



3. Người bệnh

- Làm các xét nghiệm cơ bản cho phép phẫu thuật.

- Soi hạ họng - xoang lê xác định lỗ rò trong, nếu cần chụp cắt lớp vùng cổ có bơm thuốc cản quang đường rò.

4. Hồ sơ bệnh án

Hoàn thành hồ sơ bệnh án theo quy định.



V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

1. Vô cảm

Gây mê toàn thân.



2. Tư thế

- Nằm đầu ngửa, nghiêng về bên lành và có đệm gối dưới vai.

- Thầy thuốc đứng phía bên phẫu thuật.

- Người phụ đứng bên đối diện và phía trên đầu.



3. Kỹ thuật

Thì 1: Rạch da đường ngang cổ tương ứng vị trí nang rò, vòng quanh lỗ rò.

Thì 2: Bóc tách qua các lớp, bộc lộ bờ trước cơ ức đòn chũm, vào sâu đến bao tuyến giáp, dùng ecarter kéo bó mạch cảnh ra ngoài.

Thì 3: Bộc lộ bờ sau sụn giáp, cắt phần dưới cơ khít họng dưới để bộc lộ xoang lê. Bóc tách túi rò, tiếp tục đuổi theo ống rò lên phía trên.

Thì 4: Bóc tách đuổi theo ống rò cho đến kết thúc ở đáy xoang lê.

Thì 5: Khâu bít lỗ trong của ống rò ở đáy xoang lê.

Thì 6: Đóng da sau khi đặt dẫn lưu kín, hút chân không.

VI. THEO DÕI VÀ CHĂM SÓC

- Hút dịch hằng ngày, thay băng, băng ép.

- Rút ống dẫn lưu sau 48 giờ.

- Cắt chỉ sau 7 ngày.

- Điều trị chống viêm, chống phù nề.

VII. TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ

- Liệt dây hồi quy.

- Chảy máu.

- Nhiễm trùng vết mổ.


PHẪU THUẬT NANG RÒ GIÁP LƯỠI

I. ĐẠI CƯƠNG/ĐỊNH NGHĨA

Phẫu thuật nang rò giáp lưỡi là phẫu thuật lấy bỏ nang rò kèm theo đường rò giáp lưỡi đi từ nang dính vào mặt sau thân xương móng và đi tới lỗ tịt.



II. CHỈ ĐỊNH

Các nang vùng cổ trước dính vào xương móng di động theo nhịp nuốt.



III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Không thấy hình ảnh tuyến giáp trên siêu âm vùng cổ.

Các chống chỉ định do bệnh lý toàn thân không thể gây mê hay gây tê và phẫu thuật được.

IV. CHUẨN BỊ

1. Người thực hiện

- Bác sỹ chuyên khoa I Tai Mũi Họng trở lên, được đào tạo về phẫu thuật đầu cổ.

- 01 Bác sĩ Tai Mũi Họng trợ giúp.

- 01 Bác sĩ Gây mê hồi sức.

- 01 Kĩ thuật viên Gây mê hồi sức.

- 01 Điều dưỡng trợ giúp.



2. Phương tiện

Bộ dụng cụ phẫu thuật vùng cổ.

Kéo cắt xương móng, máy hút, đông điện.

3. Người bệnh

Được thăm khám và giải thích về quy trình và các tai biến của phẫu thuật.



4. Hồ sơ bệnh án

Các xét nghiệm cơ bản cho phẫu thuật.

Siêu âm vùng cổ hoặc chụp cắt lớp vi tính vùng cổ để xác định vị trí, kích thước, mật độ khối u cũng như tình trạng tuyến giáp lạc chỗ.

Làm bệnh án theo mẫu.



V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

1. Kiểm tra hồ sơ

Kiểm tra các bước thăm khám, kết quả xét nghiệm cơ bản, siêu âm vùng cổ.



2. Kiểm tra người bệnh

Thăm khám toàn thân và tại chỗ, đánh giá vị trí, kích thước, mật độ khối u và tìm hiểu các bệnh lý toàn thân có liên quan (nếu có).



3. Thực hiện kỹ thuật

3.1. Vô cảm

Gây mê nội khí quản, gây tê trong trường hợp người bệnh không có khả năng gây mê.



3.2. Tư thế người bệnh

Người bệnh nằm ngửa, kê gối vai.



3.3. Kỹ thuật

Rạch da vùng cổ trước ngang mức khối phồng, đường rạch đi từ bờ trước cơ ức đòn chũm bên này sang bờ trước cơ ức đòn chũm bên kia. Rạch tiếp tục qua lớp mỡ dưới da và lớp cơ da, bóc tách vạt da bộc lộ mặt trước của các cơ dưới móng cho đến tận bờ trên xương móng.

Rạch đường trắng giữa, bóc tách khối u nang ra khỏi các lớp cơ dưới móng cho đến tận chỗ bám của khối vào thân xương móng.

Bóc tách chỗ bám của các cơ trên móng và dưới móng vào thân xương móng. Cắt thân xương móng.

Tiếp tục bóc tách đường rò đến lỗ tịt. Kẹp buộc và cắt bỏ đường rò ở sát lỗ tịt.

Khâu đáy lưỡi, khâu cơ trên móng và dưới móng, đặt dẫn lưu, khâu phục hồi các lớp cơ da và da theo bình diện giải phẫu.



VI. THEO DÕI

Cho kháng sinh 5 ngày.

Rút dẫn lưu (nếu có) trong vòng 48 giờ.

VII. TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ

Nhiễm khuẩn vết mổ.

Chảy máu hình thành khối máu tụ vùng cổ, đôi khi gây khó thở cần mở lại vết mổ, lấy sạch máu đọng, cầm máu.

Thủng hạ họng trong quá trình bóc tách lấy bỏ khối u cần được khâu phục hồi.


PHẪU THUẬT LẤY BỎ U NANG VÙNG HỐ LƯỠI THANH THIỆT

I. ĐẠI CƯƠNG

Phẫu thuật lấy bỏ u nang vùng hố lưỡi thanh thiệt là phẫu thuật lấy bỏ khối u nang qua soi treo thanh quản trực tiếp.



II. CHỈ ĐỊNH

Khối u nang nằm ở vùng hố lưỡi thanh thiệt.



III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

- Không có chống chỉ định đặc biệt.

- Chống chỉ định chung như các phẫu thuật gây mê khác.

IV. CHUẨN BỊ

1. Người thực hiện

Bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng từ chuyên khoa I trở lên có kinh nghiệm.



2. Phương tiện

- Bàn mổ có bộ phận thay đổi tư thế đầu (nếu có).

- Bộ dụng cụ soi thanh quản treo.

- Bộ dụng cụ vi phẫu thuật thanh quản.

- Đông điện.

- Máy hút và ống hút nhỏ dài.



3. Người bệnh

- Được khám để xác định vị trí kích thước khối u nang.

- Được giải thích về phẫu thuật.

- Điều trị phối hợp ngăn ngừa phản xạ trào ngược dịch dạ dày (nếu có), để tránh dịch dạ dày gây nhiễm khuẩn vết mổ làm cho vết mổ lâu lành.



4. Hồ sơ bệnh án

- Các xét nghiệm cơ bản cho phẫu thuật.

- Chụp phim cổ nghiêng, cổ thẳng.

- Siêu âm tuyến giáp, chụp xạ hình tuyến giáp nếu nghi ngờ tuyến giáp lạc chỗ.



V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

1. Vô cảm

Gây mê nội khí quản, trường hợp khối u nhỏ, đáy lưỡi không quá dày có thể gây tê tại chỗ. Nếu u to, có khó thở, cần chọc hút giảm thể tích trước khi gây mê.



2. Tư thế người bệnh

Người bệnh được đặt theo tư thế nằm, đầu ngửa, có kê gối dưới vai.



3. Kỹ thuật

- Dùng bộ soi thanh quản treo bộc lộ rõ hố lưỡi thanh thiệt.

- Dùng dụng cụ vi phẫu lấy bỏ khối u.

- Kiểm tra và cầm máu kỹ bằng đông điện đơn cực hoặc lưỡng cực.



VI. THEO DÕI VÀ CHĂM SÓC

- Cho kháng sinh 5 ngày.

- Chú ý điều trị hiện tượng trào ngược dạ dày nếu có.

VII. TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ

- Nhiễm khuẩn vết cắt.

- Chảy máu: nếu chỉ chảy máu các mạch nhỏ, cho các thuốc cầm máu, ngậm đá lạnh, nếu chảy nhiều phải mổ lại cầm máu.
CẮT PHANH LƯỠI

I. ĐẠI CƯƠNG

Phanh lưỡi hay còn gọi là hãm lưỡi đi từ sàn miệng đến mặt dưới của lưỡi. Khi phanh lưỡi quá ngắn làm lưỡi bị kéo xuống gây hạn chế di động của lưỡi gây nói khó, nói ngọng thì phải phẫu thuật cắt phanh lưỡi.



II. CHỈ ĐỊNH

Khi phanh lưỡi quá ngắn ảnh hưởng tới vận động của lưỡi.



III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Không.


IV. CHUẨN BỊ

1. Người thực hiện

- Bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng hoặc Răng Hàm Mặt.

- Điều dưỡng trợ giúp.

2. Phương tiện

- 01 kéo sim nhỏ.

- 02 kẹp phẫu tích cầm máu, không màu.

- Gạc nhỏ hoặc củ ấu.

- Đông điện (nếu có).

- Thuốc tê xịt (lidocain 10%).



3. Người bệnh

- Giải thích kỹ cho người bệnh hoặc bố mẹ (nếu người bệnh là trẻ nhỏ).

- Có đầy đủ xét nghiệm: máu chảy, máu đông, HIV..

V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

- Người bệnh ngồi, há miệng, lưỡi cong lên (nếu là bệnh nhi phải bó chặt trẻ trong một tấm vải trải giường to, mở miệng để trẻ không cắn hàm lại được).

- Gây tê tại chỗ bằng xịt hoặc đặt bông thấm Lidocain.

- Kẹp hãm lưỡi sát mặt dưới của lưỡi bằng kẹp phẫu tích cầm máu không lưỡi, kéo nhẹ ra trước lên trên căng phanh lưỡi ra.

- Dùng kéo nhỏ cắt phanh lưỡi ngay dưới kẹp phẫu tích cầm máu, cắt từ trước ra sau đến sát chân lưỡi.

- Bỏ kẹp phẫu tích kẹp ra thông thường không có chảy máu. Nếu có chảy máu cầm máu bằng đông điện hoặc đặt thuốc co mạch tại chỗ.



Каталог: quy-trinh
quy-trinh -> Căn cứ Nghị định số 63/2012/NĐ-cp ngày 31/8/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ y tế
quy-trinh -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam trưỜng đẠi học kinh tế tp. Hcm độc lập Tự do Hạnh phúc
quy-trinh -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam trưỜng đẠi học kinh tế tp. Hcm độc lập Tự do Hạnh phúc
quy-trinh -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam trưỜng đẠi học kinh tế tp. Hcm độc lập Tự do Hạnh phúc
quy-trinh -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam trưỜng đẠi học kinh tế tp. Hcm độc lập Tự do Hạnh phúc
quy-trinh -> Khoa công nghệ thực phẩm bài tiểu luậN

tải về 1.77 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   10   11   12   13   14   15   16   17   18




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương