Chương 2 CÁc lĩnh vực bảo hộ SỞ HỮu trí tuệ


Các điều khoản mẫu điển hình trong một hợp đồng franchising



tải về 1.27 Mb.
trang23/33
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích1.27 Mb.
#28841
1   ...   19   20   21   22   23   24   25   26   ...   33

Các điều khoản mẫu điển hình trong một hợp đồng franchising


2.579 Các điều khoản của một hợp đồng franchising điển hình phải tuân theo luật pháp hiện hành quốc gia, và quy định các quyền và nghĩa vụ của cả bên cấp franchising và bên nhận franchising.

2.580 Về phía bên cấp franchising, các nghĩa vụ có thể bao gồm việc cung cấp tài liệu hướng dẫn hoạt động kinh doanh, đào tạo, hỗ trợ khai trương cơ sở được nhận franchising, và trợ giúp thường xuyên. Về phía bên nhận franchising, có nghĩa vụ thanh toán phí, làm đúng theo yêu cầu về kiểm tra chất lượng, tuân thủ mức độ bảo mật và độc quyền đã thỏa thuận, và có thể lập kế hoạch từng bước phát triển franchising. Các điều khoản tổng quát hơn có thể có như trong các loại hợp đồng khác, chẳng hạn như các quy định về vi phạm hợp đồng, chuyển nhượng và chấm dứt hợp đồng cũng có áp dụng cụ thể giữa bên cấp franchising và bên nhận franchising.

2.581 Với mục tiêu kinh doanh trong từng bối cảnh cụ thể của một hợp đồng franchising, để đạt được mối quan hệ công bằng và thỏa đáng giữa các bên, cần có được sự tư vấn của chuyên gia có thẩm quyền.

Kinh doanh hình ảnh, tên tuổi nhân vật

Khái niệm nhân vật


Định nghĩa

2.582 Theo nghĩa rộng, từ “nhân vật” bao hàm cả những nhân vật hư cấu (ví dụ Tarzan hoặc Jame Bond), hoặc những nhân vật nhân cách hóa (vịt Donald hoặc chú thỏ Bugs) và người thực (chẳng hạn những nhân vật nổi tiếng trong lĩnh vực điện ảnh, âm nhạc hay vận động viên thể thao).

2.583 Trong lĩnh vực kinh doanh hình ảnh, tên tuổi nhân vật, điều quan trọng là các cá tính, đặc trưng căn bản nhất của nhân vật được công chúng nói chung dễ dàng nhận biết ra được, ví dụ các đặc điểm đó là tên gọi, hình ảnh, dáng vẻ bên ngoài, giọng nói của nhân vật hay các dấu hiệu, biểu tượng cho phép nhận biết các nhân vật đó.

Nguồn gốc và mục tiêu sử dụng nguyên thủy các nhân vật

2.584 Nguồn gốc chính của các nhân vật hư cấu là:

  • Những tác phẩm văn học (như nhân vật Pinocchio của Collodi hoặc Tarzan của E.R Burroughs);

  • Những truyện tranh hài (như Tintin của Herger hoặc Asteris của Uderzo và Gosciny);

  • Các tác phẩm nghệ thuật (như tác phẩm hội họa, tranh Mona Lisa của Leonardo da Vinci) hay các bức vẽ, ví dụ gấu trúc là biểu tượng của Quỹ thiên nhiên hoang dã thế Giới (WWF));

  • Các tác phẩm điện ảnh (như cá sấu Dundee, King Kong, Rambo hoặc E.T trong các tác phẩm điện ảnh, McGyver và Columbo trong các bộ phim truyền hình nhiều tập hay Bambi trong các phim hoạt hình).

2.585 Cần lưu ý rằng trên thực tế, trong các tác phẩm điện ảnh, thông thường nhân vật có thể có nguồn gốc từ một tác phẩm văn học (như nhân vật Oliver Twist của Charler Dickens) hoặc một truyện tranh hài (như nhân vật Batman).

2.586 Đối với mục tiêu sử dụng nguyên thủy một nhân vật hư cấu, trong hầu hết các trường hợp, mục tiêu sử dụng nguyên thủy có thể xem như có “chức năng giải trí”. Một nhân vật như vậy có thể xuất hiện trong một tiểu thuyết, một câu truyện kể hoặc một truyện tranh hài hước (như nhân vật Tarzan trong tiểu thuyết có tựa đề “Tarzan, chúa tể rừng xanh”, nhân vật Ông Brown trong truyện có tựa đề “Chú sóc Nutkin” hay các nhân vật James Bond hoặc TinTin) và thành công đạt được từ các tác phẩm về các nhân vật này thường đưa đến việc ra đời những câu chuyện tiếp mới. Mục đích sử dụng nguyên thủy ban đầu sẽ do người sáng tạo nhân vật quyết định, song khi nhân vật đã trở nên nổi tiếng và tác giả đã chết, nếu có những người thừa kế hoặc người nắm giữ các quyền xuất bản có thể quyết định việc “hồi sinh” của nhân vật trong những câu chuyện mới dựa trên các hợp đồng (như các cuốn sách về James Bond sau khi Ian Fleming qua đời). Trái lại, các tác giả khác có thể mong muốn nhân vật mà họ sáng tạo ra sẽ không được phép đưa vào những câu chuyện mới sau khi mình chết (như Herge - tác giả của TinTin). Tình huống hơi khác đi đối với các tác phẩm điện ảnh, hiếm khi tác giả của một nhân vật ( người sáng tạo các hình vẽ hoặc các kịch bản gốc) là người định đoạt mục đích sử dụng ban đầu ngoại trừ nhân vật “người đàn ông bé nhỏ” do Charlie Chaplin sáng tạo ra.

2.587 Trong các trường hợp khác, mục đích sử dụng ban đầu một nhân vật hư cấu đôi khi có thể được xem như là “các chức năng giới thiệu quảng cáo và nhận biết”. Chẳng hạn như các nhân vật bị ràng buộc chặt chẽ với một công ty nào đó (như “Michelin Man”, con hổ Exxon (Esso) hoặc con sư tử Peugeot), với một sản phẩm nào đó (như nhân vật Johnnie Walker với rượu Scotch whisky) hay với một sự kiện (như những con vật mang lại may mắn được làm biểu tượng cho các thế vận hội, hay giải bóng đá thế giới). Các nhân vật này được tạo ra với ý định quảng bá những pháp nhân, các sản phẩm hay các dịch vụ và các hoạt động. Thông thường mục đích sử dụng ban đầu sẽ không bắt nguồn từ tác giả của nhân vật, người được giao nhiệm vụ sáng tạo ra nhân vật.

2.588 Khi nhân vật là một người có thực, các nguồn chính là ngành kinh doanh giải trí, điện ảnh và các hoạt động thể thao. Trong trường hợp những con người có thực, người ta sẽ nói về “hoạt động chính” nhiều hơn là “mục đích sử dụng ban đầu”. Chẳng hạn như khó khăn đối với những con người thực là diễn viên đó có thể có được sự nổi tiếng ở trong cả con người thực (diễn viên) cũng như trong nhân vật (vai diễn) mà họ thể hiện trong một bộ phim hay phim truyền hình. Trong một số trường hợp, con người thực chỉ có thể được nhắc đến bằng tên của nhân vật trong phim (xem các trình bày sau đây về các kiểu kinh doanh hình ảnh, tên tuổi nhân vật).



Khái niệm kinh doanh hình ảnh, tên tuổi nhân vật

Định nghĩa

2.589 Việc kinh doanh hình ảnh, tên tuổi nhân vật có thể được định nghĩa như việc khai thác thứ phát hoặc có điều chỉnh cho thích ứng các nét đặc trưng cá tính căn bản của nhân vật (như tên, hình ảnh hoặc hình dáng bên ngoài) gắn với các loại hàng hoá và các dịch vụ bởi tác giả của một nhân vật hư cấu hoặc một con người thực hoặc bởi một hay một vài bên thứ ba được sự cho phép, nhằm tạo nơi những người tiêu dùng tiềm năng mong muốn có được những hàng hoá đó và/hoặc dịch vụ đó do họ yêu thích nhân vật đó.

2.590 Điều cần nhấn mạnh ở đây là cá nhân hay pháp nhân sẽ tổ chức hoạt động kinh doanh (doanh nhân) sẽ hiếm khi là tác giả của nhân vật hư cấu hoặc con người thực liên quan. Các quyền kinh tế hay các quyền nhân thân khác nhau của nhân vật sẽ là đối tượng của hợp đồng (như hợp đồng chuyển nhượng, hợp đồng li-xăng, hoặc các hợp đồng cho phép bảo lãnh sản phẩm hay dịch vụ được mang tên) cho phép một hay một số bên thứ ba được coi như những người sử dụng nhân vật được cho phép.

2.591 Có thể đưa ra những ví dụ về kinh doanh hình ảnh, tên tuổi nhân vật như sau:



  • đồ chơi là sản phẩm tái tạo ba chiều nhân vật chú chuột Mickey;

  • áo phông mang tên hoặc hình ảnh của một nhân vật tưởng tượng;

  • nhãn hiệu của một lọ nước hoa mang tên một diễn viên nam hoặc nữ;

  • một chiến dịch phim quảng cáo cho đồ uống có hình ảnh một ngôi sao nhạc pop đang uống đồ uống đó;
Lịch sử vắn tắt về kinh doanh hình ảnh, tên tuổi nhân vật

2.592 Việc kinh doanh nhân vật thành một cách hệ thống và có tổ chức khởi phát và có nguồn gốc từ Hoa Kỳ vào những năm 30 tại xưởng phim Walt Disney tại Burbank (California). Khi công ty này sáng tạo ra những nhân vật hoạt hình của mình (Mickey, Minnie, Donald), một trong số các nhân viên của Walt Disney, Key Kamen, đã thành lập một bộ phận chuyên việc khai thác kinh doanh thứ phát các nhân vật này, và thật đáng ngạc nhiên là đã thành công trong việc cấp được một lượng li-xăng quan trọng để sản xuất và phân phối hàng hóa cho thị phần giá rẻ và đại chúng (áp phích, áo phông, đồ chơi, khuy áo, huy hiệu, đồ uống).

2.593 Tất nhiên, ý tưởng khai thác lại danh tiếng của một nhân vật đã có từ trước thế kỷ 20, nhưng không phải vì mục đích thương mại. Chẳng hạn, tại Đông Nam Á trong nhiều thế kỷ, các nhân vật mang tính chất tôn giáo trong tác phẩm “Ramayana” như hoàng tử Rama, Vishnu và Sita từ lâu đã được thể hiện trong tác phẩm điêu khắc, các con rối hay đồ chơi. Hơn nữa, trong thời gian cận đại (cuối thế kỷ 19), một số nhà công nghiệp có ý định quảng bá hàng hóa mà họ sản xuất, đã quyết định tạo ra các nhân vật hư cấu làm biểu tượng cho hàng hóa, bao bì, hay bất cứ vật dụng, tài liệu nào và sẽ được sử dụng cho việc khai thác thứ phát cho các hàng hóa hữu dụng hoặc hàng hóa trang trí như những chiếc đĩa trang trí, quần áo, đồng hồ, con rối….ví dụ như ở Pháp, nhân vật Pierrot Gourmand (một nhãn hiệu kẹo que nổi tiếng) hay nhân vật Michelin Man của nhà sản xuất lốp xe.

2.594 Hiện tượng này đã phát triển một cách nhanh chóng trong suốt thế kỷ 20. Vào những năm 50, các nhân vật trong giới chính trị, điện ảnh và kinh doanh giải trí đã cho phép đưa tên hay hình ảnh của mình trên các loại quần áo (được gọi là “sự liên kết quảng cáo”).

2.595 Các loại hàng hoá hay các dịch vụ được “kinh doanh hình ảnh, tên tuổi” đã mở rộng đáng kể trong thế kỷ 20, chẳng hạn tại Hoa Kỳ, việc kinh doanh có liên quan đến ít nhất 29 trong số 42 nhóm theo bảng phân loại quốc tế hàng hóa và dịch vụ theo Thỏa ước Nice.


Các hình thức kinh doanh hình ảnh, tên tuổi nhân vật

2.596 Từ góc độ thương mại hay marketing, kinh doanh hình ảnh, tên tuổi nhân vật có thể thuộc một hình thức duy nhất. Tuy nhiên, theo quan điểm pháp lý, việc phân biệt các đối tượng trong kinh doanh là khá quan trọng, bởi phạm vi và thời hạn bảo hộ về mặt pháp lý có thể thay đổi tuỳ theo từng đối tượng có liên quan.

2.597 Hai hình thức chính được phân biệt dựa trên việc kinh doanh liên quan tới sử dụng các nhân vật hư cấu hay những người nổi tiếng có thực (thường được gọi là “kinh doanh hình ảnh, tên tuổi nhân vật nổi tiếng”). Còn hiện hữu một loại hình lai ghép thứ ba giữa hai loại này thường được gọi là “kinh doanh hình ảnh”.



Kinh doanh các nhân vật hư cấu

2.598 Đây là loại hình kinh doanh lâu đời nhất và phổ biến nhất. Loại hình này liên quan đến việc sử dụng những đặc tính cá nhân căn bản (như tên, hình ảnh...) của các nhân vật hư cấu trong quảng cáo và/hoặc marketing hàng hoá hoặc dịch vụ.

2.599 Ban đầu, như một hệ thống quảng cáo có tổ chức, thực tiễn kinh doanh nhân vật phát triển như một phương thức khai thác sự nổi tiếng được mến mộ của các nhân vật hoạt hình, hình vẽ các nhân vật hấp dẫn và những đối tượng tương tự. Các nhân vật hoạt hình đó có nguồn gốc từ:


  • một tác phẩm văn học được chuyển thể thành thể loại hoạt hình (có thể là một bộ phim hay một truyện tranh hài hước) như nhân vật Pinocchio hay Alice ở xứ sở diệu kỳ;

  • một tác phẩm vốn được sáng tạo ra như một nhân vật hoạt hình, đầu tiên là từ các bộ phim (chuột Mickey, vịt Donald, Pluto) hay từ các truyện tranh hài hước (Tintin, Snoopy, Asterix, Batman);

  • một nhân vật trong phim ảnh, sau đó được sử dụng lại trong hay chuyển thể thành phim hoạt hình để quảng cáo và kinh doanh (nhân vật Zorro hoặc thậm chí cả một sinh vật có thật như con cá mập trong bộ phim “Jaws” (Hàm cá mập));

  • nhân vật hoạt hình được tạo ra chủ yếu nhằm mục đích kinh doanh và lúc ban đầu không nhằm mục đích sử dụng trong một bộ phim hay truyện tranh hài hước (ví dụ, một loạt các con vật thiêng được tạo ra và sử dụng trong các sự kiện khác nhau chẳng hạn như tại các cuộc thi đấu thể thao);

  • một nhân vật con rối hay búp bê được thiết kế cho một bộ phim hay phim truyền hình (ví dụ, nhân vật E.T., Gremlins hay Muppets).

2.600 Việc kinh doanh hình ảnh, tên tuổi các nhân vật hoạt hình liên quan chủ yếu tới việc sử dụng tên, hình ảnh và hình dáng bên ngoài của nhân vật. Hình dáng bên ngoài có thể liên quan tới tái tạo hai chiều (tranh vẽ, nhãn dính có hình (sticker)...) hay tái tạo ba chiều (các con búp bê, các vòng xâu chìa khoá...).

Kinh doanh hình ảnh, tên tuổi các nhân vật nổi tiếng

2.601 Hình thức kinh doanh mới này liên quan tới việc sử dụng các thuộc tính đặc trưng chính (tên, hình ảnh, giọng nói, các nét đặc trưng khác) của những con người thực (nói cách khác, đó là đặc điểm nhận dạng thực sự một cá nhân) trong việc maketing và/hoặc quảng cáo hàng hoá và dịch vụ. Nói chung, thuộc tính đặc trưng của con người thực được “thương mại hoá” phải được số đông công chúng biết tới. Đây là lý do giải thích vì sao hình thức kinh doanh này đôi khi được gọi là “kinh doanh danh tiếng”. Trên thực tế, theo quan điểm thương mại, những doanh nhân tin rằng lý do chính để một người mua hàng bình dân với giá rẻ (những chiếc cốc, khăn quàng, huy hiệu, áo phông...) không phải vì bản thân hàng hoá đó mà bị cuốn hút bởi tên tuổi hay hình ảnh của những người nổi tiếng được gắn với sản phẩm.

2.602 Hình thức này có thể chia thành hai loại. Loại thứ nhất bao gồm việc sử dụng tên, hình ảnh (hai hoặc ba chiều) hay biểu tượng của một người có thật. Hình thức này liên quan chủ yếu tới các nhân vật nổi tiếng trong nền công nghiệp điện ảnh hoặc âm nhạc. Tuy nhiên, những nhân vật trong các lĩnh vực hoạt động khác cũng được quan tâm (ví dụ như các thành viên trong một gia đình hoàng tộc). Như đã nêu ở trên, thực sự người tiêu dùng không quan tâm lắm đến sản phẩm mà thực ra chỉ quan tâm đến tên tuổi hay hình ảnh gắn trên sản phẩm đó chính là phương tiện tiếp thị và quảng cáo chính. Loại hình thứ hai liên quan đến các chuyên gia trong một số lĩnh vực đặc biệt, chẳng hạn như các ngôi sao thể thao hoặc âm nhạc xuất hiện trong chiến dịch quảng cáo gắn với hàng hóa hoặc dịch vụ đó. Sức cuốn hút những người tiêu dùng tiềm năng chính là ở việc các nhân vật nổi tiếng tán đồng, xác nhận chất lượng hàng hóa hoặc dịch vụ đó và họ được xem như là chuyên gia. Ví dụ, một nhà vô địch quần vợt quảng cáo cho giầy hoặc vợt tennis , một vận động viên chạy việt dã quảng cáo cho nước uống tăng lực, một ngôi sao nhạc pop quảng cáo cho các thiết bị nghe nhìn Hi-fi và các nhạc cụ.

Kinh doanh hình ảnh

2.603 Đây là loại hình kinh doanh mới nhất. Loại hình này liên quan tới việc sử dụng các nhân vật hư cấu trong phim hoặc nhân vật truyền hình do các diễn viên thực thụ đóng nhằm mục đích marketing và quảng cáo hàng hoá hay dịch vụ. Trong những trường hợp này, đôi khi công chúng khó phân biệt được giữa diễn viên (con người thực) với vai diễn của họ (nhân vật trong phim). Tuy nhiên, đôi khi cũng có một sự kết hợp hoàn toàn và con người thực được biết đến dưới tên gọi của nhân vật. Khái niệm này có thể được minh họa qua những ví dụ sau đây: trong nền công nghiệp điện ảnh, Lauren và Hardy, Anh em nhà Marx, quái vật Frankenstein do Boris Karloff đóng và nhân vật Tarzan qua sự thể hiện của Jonny Weissmuller; từ những bộ phim truyền hình nhiều tập với nhân vật Columbo do Peter Falk đóng, hoặc nhân vật Mc Gyver với diễn xuất của Richard Dean Anderson. Trong trường hợp của nhân vật Mc Gyver, áo phông mang hình ảnh R.D Anderson đã được xem như một “chiếc áo phông Mc Gyver”, trong khi các bao bì hàng hoá mang hình ảnh của R.D Anderson thực ra lại là mang danh Mc Gyver, việc mua những sản phẩm như vậy đem lại cơ hội trúng thưởng những sản phẩm thứ cấp “Mc Gyver” như áo phông hoặc túi du lịch.

Các hình thức bảo hộ pháp lý

Bản quyền tác giả

2.604 Trong phạm vi bản quyền tác giả, các khía cạnh liên quan nhiều nhất tới việc kinh doanh hình ảnh, tên tuổi nhân vật hư cấu và kinh doanh hình ảnh là các cuốn sách, các cuốn sách mỏng và các tác phẩm viết khác, các tác phẩm điện ảnh, các tác phẩm đồ họa, vẽ và nhiếp ảnh. Đối với việc kinh doanh hình ảnh, tên tuổi các nhân vật nổi tiếng, sự liên quan tới bản quyền tác giả chủ yếu trong lĩnh vực các tác phẩm nhiếp ảnh.

2.605 Hơn nữa, chuyển thể là một khái niệm rất quan trọng. Điều 2(3) Công ước Berne quy định như sau:

Các tác phẩm dịch, chuyển thể, chuyển nhạc và các chuyển thể khác từ một tác phẩm văn học hoặc nghệ thuật đều được bảo hộ như các tác phẩm gốc, miễn không phương hại đến bản quyền tác giả của tác phẩm gốc”.

2.606 Hiện nay, sự đa dạng của các phương tiện truyền thông đã tạo rất nhiều cơ hội cho việc chuyển thể (các tác phẩm phái sinh). Rất nhiều bộ phim chuyển thể có lẽ còn nổi tiếng hơn so với tiểu thuyết hay truyện ngắn nguyên bản (ví dụ, các phim hoạt hình Pinocchio và Cinderella của xưởng phim Walt Disney hầu như được trẻ em biết tới nhiều hơn là các truyện nguyên bản của các tác giả Collodi và Charles Perrault). Một số bức tranh nghệ thuật nổi tiếng đã được kinh doanh rộng rãi ngay khi các bức tranh đó trở thành sở hữu công cộng. Đối với một số hàng hoá và dịch vụ, một nhân vật hư cấu có thể là đối tượng của độc quyền (thông qua việc bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá) nhưng thông thường nó có thể bị bất kỳ người nào khai thác. Ví dụ bức tranh nổi tiếng Mona Lisa (La Gioconda) của Leonardo da Vinci đã và đang bị sử dụng trên các loại hàng hoá khác nhau hay bao bì của chúng (bưu thiếp, thẻ trò chơi, búp bê, các đồ uống có cồn, sôcôla hay các hộp hoa quả, nước khoáng, sản phẩm bơ, sữa); bức tranh này cũng là đối tượng của nhiều hình thức chuyển thể khác (phim hoạt hình, tranh biếm hoạ, ảnh biếm nhại...).

2.607 Các bức vẽ hay phim hoạt hình (các tác phẩm hai chiều) có thể được bảo hộ độc lập nếu chúng thoả mãn những yêu cầu về nội dung của bảo hộ bản quyền tác giả. Đối với vấn đề này, cũng cần nhấn mạnh rằng một tác phẩm nguyên bản không nhất thiết phải mới vì một chuyển thể đồ họa của một nhân vật văn học đã tồn tại trước đó (cho dù nhân vật đó đã thuộc về sở hữu công cộng hay chưa) có thể được bảo hộ bản quyền tác giả (ví dụ các nhân vật văn học Pinocchio hay Cinderella được công ty Walt Disney chuyển thể thành phim hoạt hình). Nguyên tắc này cũng được áp dụng tương tự với các bức vẽ một loài sinh vật thông thường (ví dụ như nhân vật hoạt hình chú vịt Donald). Hơn nữa, cần lưu ý rằng, đối với các truyện tranh hài và phim hoạt hình, bản quyền tác giả bảo hộ từng khung ảnh với các tư thế khác nhau của nhân vật.

2.608 Các tác phẩm ba chiều (chủ yếu là các tác phẩm điêu khắc, búp bê, các con rối hay robot), các tác phẩm này có thể là các tác phẩm nguyên bản hoặc chuyển thể nguyên bản của các nhân vật hai chiều hay các nhân vật nghe nhìn được hư cấu, thường được hưởng bảo hộ bản quyền tác giả một cách độc lập với tác phẩm ở đó các nhân vật được thể hiện nếu các nhân vật được tạo ra như vậy thoả mãn một số tiêu chuẩn quy định.

2.609 Các tác phẩm nghe nhìn gồm cả các nhân vật hư cấu (các bộ phim, trò chơi video, các bức ảnh, các ảnh phim hoặc ảnh về cảnh trong phim), nói chung (cả hình ảnh và nhạc phim) sẽ được hưởng bảo hộ bản quyền tác giả nếu chúng thoả mãn một số tiêu chuẩn quy định. Điều này sẽ càng có khả năng là đúng khi các nhân vật hư cấu nghe nhìn thường sẽ có “cuộc sống lúc đầu” ở dạng các bản vẽ (truyện tranh hay các truyện tranh hài hước) hay được miêu tả trong một tác phẩm văn học. Bảo hộ bản quyền tác giả có thể mở rộng đối với các thuộc tính ngoại hình riêng biệt hoặc với đặc điểm bề ngoài về thân thể hay diện mạo (trang phục, quần áo cải trang hoặc mặt nạ) của nhân vật hư cấu.

2.610 Mức độ thích hợp của việc bảo hộ bản quyền tác giả đối với trường hợp kinh doanh hình ảnh, tên tuổi các nhân vật nổi tiếng là có hạn chế, bởi bản quyền tác giả không thuộc về người thực mà thuộc về những người sáng tạo ra tác phẩm trong đó thể hiện những nét cá tính đặc trưng của con người thực. Ví dụ, đối với một tác phẩm tiểu sử thì bản quyền tác giả thuộc về tác giả, đối với một tác phẩm điêu khắc, hình vẽ hay bức tranh một con người thực thì bản quyền tác giả thuộc về họa sỹ, đối với trường hợp một bộ phim hay phim truyền hình, bản quyền tác phẩm thuộc về người tạo điều kiện để tác phẩm được sản xuất ra và thuộc về người giám sát và chỉ đạo các diễn viên - tác giả đạo diễn hoặc nhà sản xuất phim. Tuy nhiên, trong ví dụ về phim hay phim truyền hình, giống như người biểu diễn, một diễn viên có một số quyền nếu luật pháp quốc gia nơi mà họ là công dân có quy định các quyền cho những người biểu diễn, hoặc quốc gia đó là thành viên của Công ước Rome ngày 26, tháng 10, năm 1961 về Bảo hộ Người biểu diễn, Nhà sản xuất bản ghi âm và các Tổ chức phát sóng.

2.611 Vấn đề gây tranh cãi nhiều hơn cả là vấn đề liên quan tới các tác phẩm nhiếp ảnh. Câu trả lời sẽ phụ thuộc vào việc ai là chủ sở hữu bản quyền tác giả. Trong hầu hết các trường hợp, tác giả của bức ảnh (hay chính xác hơn là của phim âm bản) sẽ sở hữu bản quyền tác giả. Nếu một bức ảnh được đặt hàng vì mục đích cá nhân hay riêng tư, người đặt hàng thường có quyền ngăn cấm việc nhân bản bức ảnh hoặc trưng bày tại nơi công cộng. Một vấn đề khác liên quan đến trường hợp người đặt làm tác phẩm không phải là người là chủ đề trong bức ảnh. Trong bất kỳ trường hợp nào, các hình thức bảo hộ khác ngoài hình thức bảo hộ bản quyền tác giả cũng có tồn tại cho các bên hữu quan để kiểm soát việc sử dụng thương mại các tác phẩm nhiếp ảnh.



Nhãn hiệu hàng hoá và Nhãn hiệu dịch vụ (nhãn hiệu)

2.612 Các đặc điểm cá tính tiêu biểu của nhân vật hư cấu, dưới một số điều kiện nhất định (chủ yếu về mặt nội dung) có thể được đăng ký như các nhãn hiệu. Vấn đề này dường như gây tranh cãi nhiều hơn đối với các đặc điểm cá tính tiêu biểu của một con người có thực, chủ yếu liên quan tới hình ảnh (chân dung). Trong lĩnh vực kinh doanh, xu hướng chung là các tên gọi, danh xưng trong hoạt động nghề nghiệp và các hình ảnh tượng trưng/logo được nhân cách hoá có thể được đăng ký dễ dàng hơn (ví dụ, trong lĩnh vực nhạc pop, tên ban nhạc như Beatles và Rolling Stones với các logo tương ứng “quả táo”, “lưỡi và môi”). Một con người thực có thể bảo hộ tên của mình thông qua đăng ký biệt danh mà anh ta được biết tới.

2.613 Tuy nhiên, tại các nước mà quyền chỉ có được từ đăng ký, trở ngại chính là thời gian cần thiết để có được đăng ký, bởi trong lĩnh vực kinh doanh, thời hạn tiến hành thủ tục đăng ký phải càng ngắn càng tốt vì công chúng phải nhận biết nhiều nhân vật khác nhau và sự nổi tiếng của các nhân vật này thường bị hạn chế theo thời gian. Tuy nhiên, vẫn có một số ngoại lệ như các nhân vật hoạt hình của Walt Disney hay các nhân vật văn học của Beatrix Potter.

2.614 Một số điều kiện về mặt hình thức mà một nhãn hiệu phải thoả mãn khi là đối tượng của đơn đăng ký sẽ có tác động quan trọng tới bối cảnh kinh doanh. Một trong các điều kiện hiện hữu ở một số nước là mối quan hệ giữa hàng hoá hoặc các dịch vụ sử dụng nhãn hiệu và hoạt động kinh doanh của chủ sở hữu nhãn hiệu. Nhìn chung, cả đại diện thương mại hay tác giả của nhân vật đều không trực tiếp tham gia vào việc sản xuất hay marketing các sản phẩm thứ phát, do vậy họ rất khó nhận được các quyền nhãn hiệu hàng hoá đối với một nhân vật hư cấu vì bản thân họ không kinh doanh hàng hoá hoặc các dịch vụ đó. Hơn nữa, hoạt động được thực hiện bởi bên nhận li-xăng sẽ không được xem như là hoạt động kinh doanh của người li-xăng, trừ khi sau đó người li-xăng trở thành đồng sở hữu chủ với người nhận li-xăng trong hoạt động kinh doanh.

2.615 Tuy nhiên, hiện đã xuất hiện một xu hướng mới có thuận lợi hơn bởi người ta đang ngày càng thừa nhận một cách rộng rãi rằng một nhãn hiệu có thể được nộp đơn xin đăng ký bảo hộ cho một khối lượng hàng hoá hoặc cho các dịch vụ không hạn chế về chủng loại, độc lập hoàn toàn với hoạt động thực sự của người nộp đơn, miễn sao không được bỏ qua các quy định về việc không sử dụng một nhãn hiệu đã đăng ký.

2.616 Tại nhiều quốc gia, dưới ảnh hưởng của học thuyết “chức năng thẩm mỹ” (chủ yếu trong lĩnh vực đồ chơi hoặc búp bê) hoặc “chức năng cơ bản” của hình dạng bên ngoài của hàng hoá thì các hình dạng ba chiều của hàng hoá (khi nộp đơn đăng ký bảo hộ được thể hiện qua các mẫu trình bày hai chiều) về mặt nguyên tắc không được chấp nhận đăng ký như các nhãn hiệu hàng hoá, trừ khi nhãn hiệu hàng hoá đạt được ý nghĩa thứ hai khi gắn với hàng hoá.

2.617 Một số điều kiện khác là quy định về mặt nội dung. Hay nói cách khác, một trong những điều kiện chủ yếu là một nhãn hiệu sẽ phải có khả năng phân biệt, không phải là đặc tính chung hoặc mang tính mô tả các hàng hoá hoặc các dịch vụ dùng nhãn hiệu đó. Hơn nữa, một nhãn hiệu phải không mang tính lừa dối (làm công chúng nhầm lẫn) hoặc trái với đạo đức và trật tự công cộng.

2.618 Tuy nhiên, tại một số nước, chỉ riêng việc có khả năng phân biệt vẫn chưa đủ và các đặc điểm cá tính tiêu biểu của nhân vật hư cấu chỉ có thể được đăng ký như nhãn hiệu chỉ khi chúng có được ý nghĩa phái sinh. Tại các quốc gia khác, việc có được ý nghĩa phái sinh có thể bù đắp sự thiếu hụt về khả năng phân biệt của đặc điểm cá tính của một nhân vật hư cấu.

2.619 Một số nước khác có cách tiếp cận có thuận lợi hơn, đó là hầu hết tất cả tên, dáng vẻ bên ngoài của các nhân vật hư cấu đều được coi là kết quả sáng tạo ngẫu hứng không có thực và do vậy hoàn toàn độc đáo.

2.620 Gần đây, ở một số nước, các điểm đặc trưng chủ yếu của nhân vật có thật, cá nhân đó hoặc pháp nhân có quyền hành động nhân danh nhân vật đó có thể đăng ký cho tên hoặc hình dáng bên ngoài của nhân vật này như một nhãn hiệu. Tuy nhiên, nếu một tên họ (có thể đồng thời là tên thương mại) được đăng ký như một nhãn hiệu, thì độc quyền của chủ thể nắm giữ quyền có thể bị hạn chế, bởi những người khác cũng mang tên họ đó, với một số điều kiện nhất định, vẫn có thể tiếp tục sử dụng tên đó, trừ khi nhãn hiệu đã đăng ký liên quan tới một nhân vật và/hoặc tên thương mại nổi tiếng, và những người khác có ý định lợi dụng ăn bám theo danh tiếng của nhãn hiệu đã đăng ký đó.



2.621 Tại các nước yêu cầu cung cấp bằng chứng về việc sử dụng để được quyền hưởng bảo hộ, việc sử dụng do những người được cho phép thực hiện, như người được li-xăng hay các doanh nhân kinh doanh hình ảnh, tên tuổi nhân vật được coi như việc sử dụng nhãn hiệu do chủ thể quyền thực hiện. Quy định này là phù hợp nhất cho các chủ thể quyền giao kết các chương trình kinh doanh hình ảnh, tên tuổi nhân vật.
Kiểu dáng công nghiệp

2.622 Việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp chủ yếu chỉ liên quan đến các nhân vật hoạt hình được thể hiện trong các kiểu dáng có tính mỹ thuật cho các vật phẩm ba chiều chủ yếu thuộc về lĩnh vực đồ chơi, đồ phụ trang dùng kèm với quần áo, đồ trang sức (ví dụ, búp bê, robot, con rối, các nhân vật hành động, trâm gài tóc, kẹp, cặp, ghim) mà thường có nguồn gốc từ các phim hoạt hình, nhưng đôi khi cũng là hình ảnh của những con người có thực. Sự xác đáng của việc bảo hộ kiểu dáng sẽ đặc biệt quan trọng khi việc bảo hộ bản quyền tác giả bị loại trừ hay hạn chế, chủ yếu khi một nhân vật được sáng tạo ra với mục đích khai thác công nghiệp. Hơn thế, bởi bảo hộ kiểu dáng thường là đối tượng của đăng ký nên đơn đăng ký kiểu dáng sẽ có ích để thiết lập các chứng cớ ban đầu về quyền sở hữu từ ngày nộp đơn đăng ký, mặc dù việc bảo hộ có hiệu lực sẽ chỉ bắt đầu từ ngày đăng ký kiểu dáng.
Các hình thức bảo hộ khác

2.623 Nhiều nước ban hành những quy định hoặc theo luật chung (như Hiến pháp, Bộ luật Dân sự...) hoặc theo các đạo luật cụ thể cho phép một người có thực được bảo vệ chống lại việc khai thác kinh doanh hoặc quảng cáo trái phép sử dụng những đặc điểm cá tính tiêu biểu của mình (tên, bút danh, tên hiệu, hình ảnh, các logo...) hoặc người có thực có thể nhận biết ra thể hiện vai một nhân vật bất chấp việc cấm không được sử dụng các đặc điểm cá nhân căn bản của nhân vật được thể hiện qua vai đóng vào mục đích kinh doanh hay quảng cáo. Nói chung, các quyền này sẽ bổ sung sự bảo hộ thuộc phạm vi sở hữu trí tuệ theo nghĩa rộng nhất (gồm cả nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp, bản quyền tác giả, cạnh tranh không lành mạnh). Việc bảo hộ như vậy có thể đạt được thông qua các quy định về hành vi làm phương hại đến danh dự, nói xấu hoặc bôi nhọ cá nhân, các quyền riêng tư và nhân phẩm hoặc quyền đối với đời tư.

Kiểu dáng công nghiệp và mạch tích hợp

Kiểu dáng công nghiệp

Каталог: images -> 2007
2007 -> Hồ sơ ngành hàng rau quả
2007 -> Căn cứ Pháp lệnh Cán bộ, công chức ngày 26 tháng 02 năm 1998
2007 -> Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn Trung tâm Tư vấn Chính sách Nông nghiệp
2007 -> QuyếT ĐỊnh số 46/2007/QĐ-bnn, ngày 28 tháng 5 năm 2007 Ban hành Quy định về việc xác định rừng trồng, rừng khoanh nuôi thành rừng
2007 -> Trung tâm phát triển nông thôN
2007 -> Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn Trung tâm Tư vấn Chính sách Nông nghiệp
2007 -> §å hép rau qu¶ Ph­¬ng ph¸p x¸c ®Þnh hµm l­îng vitamin c (axit ascobic) tcvn 4715 89
2007 -> Tiªu chuÈn ViÖt nam §å hép rau qu¶ Ph­¬ng ph¸p thö tcvn 4712-89
2007 -> Iso 9000: 2000 Thuật ngữ và định nghĩa hệ thống quản lý chất lượng Thuật ngữ liên quan đến chất lượng

tải về 1.27 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   19   20   21   22   23   24   25   26   ...   33




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương