Chương 10 quảng bình dưỚi triều nguyễN (Từ năm 1802 đến năm 1885)



tải về 0.54 Mb.
trang5/7
Chuyển đổi dữ liệu31.07.2016
Kích0.54 Mb.
#11547
1   2   3   4   5   6   7

Năm Ất Sửu, niên hiệu Tự Đức năm thứ 18 (1865), mở đại khoa, lấy đỗ 3 tiến sĩ, 12 phó bảng. Quảng Bình đỗ 3 phó bảng. Hà Văn Quan được bổ vào các chức như Tri huyện, Thị độc, quản đạo Hà Tĩnh, được cử làm Phó sứ đi Trung Quốc… Nguyễn Tích được bổ vào chức Đồng Tri phủ phủ Vĩnh Tường sau lĩnh chức Lang trung. Lê Lượng được bổ vào chức Bố chánh, sau bị giáng.

Năm Ất Sửu, Tự Đức năm thứ 18 (1865), mở khoa nhã sĩ, lấy đỗ 5 tiến sĩ. Quảng Bình đỗ 1 vị tiến sĩ. Phạm Duy Đôn được bổ vào chức Tri phủ.

Năm Mậu Thìn, Tự Đức năm thứ 21 (1868), mở đại khoa, lấy đỗ 4 tiến sĩ, 12 phó bảng. Quảng Bình có ông Lê Doãn Thành được bổ vào chức Án sát.

Năm Kỷ Tỵ, niên hiệu Tự Đức năm thứ 22 (1869), mở ân khoa, lấy đỗ 5 tiến sĩ, 4 phó bảng. Quảng Bình đỗ 1 vị tiến sĩ. Lê Đại được bổ vào chức Bố chánh Hà Tĩnh.

Năm Đinh Sửu, niên hiệu Tự Đức năm thứ 30 (1877), mở đại khoa, lấy đỗ 4 tiến sĩ, 3 phó bảng. Quảng Bình đỗ 2 vị phó bảng. Nguyễn Quang được bổ vào chức Tư nghiệp Quốc Tử giám, Đốc học. Hoàng Côn (Huỳnh Côn) được bổ vào chức Tri phủ phủ Thừa Thiên, sau làm đến chức Thượng thư.

Năm Kỷ Mão, niên hiệu Tự Đức năm thứ 33 (1879), mở đại khoa, lấy đỗ 4 tiến sĩ, 3 phó bảng. Quảng Bình đỗ 1 vị phó bảng. Nguyễn Lê Kháng được bổ vào chức Ngự sử.

Năm Giáp Thìn, niên hiệu Kiến Phúc năm thứ 1 (1884), mở ân khoa, lấy đỗ 3 tiến sĩ, 14 phó bảng. Quảng Bình đỗ 1 vị phó bảng. Trần Khánh Hội được bổ vào chức Chưởng ấn.

Năm Kỷ Sửu, niên hiệu Thành Thái năm thứ 1 (1889), mở đại khoa, lấy đỗ 12 tiến sĩ, 10 phó bảng. Quảng Bình đỗ 1 tiến sĩ, 1 phó bảng. Phan Văn Khải đậu Cử nhân khoa Giáp Thân 1844, khoa Kỷ Sửu (1889) đỗ Tiến sĩ. Hoàng Thụy đỗ phó bảng, được bổ vào chức Tri phủ Triệu Phong.

Năm Nhâm Thìn, niên hiệu Thành Thái năm thứ 4 (1892), mở đại khoa. Quảng Bình đỗ 1 vị tiến sĩ. Tạ Hàm người xã La Hà, tổng Thuận Thị, huyện Tuyên Chánh, phủ Quảng Trạch (nay là thôn La Hà, xã Quảng Văn, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) đậu Cử nhân khoa Tân Mão (1891), 36 tuổi, đậu Tiến sĩ năm Nhâm Thìn (1892) khi ông 37 tuổi, giữ chức Tham tán Nội các (chính Tham tán Nội các Tạ Hàm đã ký quyết định đề ngày mồng 6 tháng 6 năm 1906 tức là ngày 15 tháng 4 năm Bính Ngọ năm Thành Thái thứ 18, tấn bổ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này làm quan Kiểm thảo của Lại bộ)122.

Năm Mậu Tuất, niên hiệu Thành Thái năm thứ 10 (1898), mở đại khoa. Quảng Bình đỗ 1 vị phó bảng là Nguyễn Duy Thắng, làm quan đến chức Tả Trực kỳ Chưởng ấn.

Năm Tân Sửu, niên hiệu Thành Thái năm thứ 13 (1901), mở đại khoa, lấy đỗ 9 tiến sĩ, 13 phó bảng. Quảng Bình đỗ 2 tiến sĩ và 1 phó bảng. Trần Văn Thống đỗ Đệ tam giáp Tiến sĩ xuất thân, được bổ vào chức Tuần phủ Quảng Trị. Nguyễn Duy Tích đỗ Tiến sĩ, được bổ làm Tri phủ huyện Triệu Phong (Quảng Trị), tiếp làm Án sát rồi Bố chánh Thanh Hóa, Bố chánh thủ hiến tỉnh Bình Thuận, làm Quan Tri bộ Binh. Hoàng Đại Bỉnh đỗ Phó bảng, được bổ dụng vào chức Án sát Khánh Hòa.

Năm Đinh Mùi, niên hiệu Thành Thái năm thứ 19 (1907), mở đại khoa, lấy đỗ 7 tiến sĩ, 6 phó bảng. Quảng Bình đỗ 2 vị: Nguyễn Duy Phiên đỗ Hoàng giáp, được bổ dụng vào chức Tả Lý bộ Học. Ông Lê Chí Tuân đỗ Đệ tam giáp Tiến sĩ xuất thân, được bổ dụng vào chức Thị lang bộ Binh.

Năm Canh Tuất, niên hiệu Duy Tân năm thứ 4 (1910), mở đại khoa. Quảng Bình đỗ 2 vị: Nguyễn Duy Thiệu đỗ Phó bảng được bổ chức Tri huyện huyện Tuyên Hóa, sau thăng Chủ sự Viên Ngoại, rồi Lang trung bộ Công, cuối cùng làm Kinh kỳ đạo Chưởng ấn. Hoàng Trọng Đài đỗ Phó bảng được bổ làm Tri phủ Anh Sơn (Thanh Hóa).

Năm Bính Thìn, niên hiệu Khải Định năm thứ nhất (1916) mở đại khoa, lấy đỗ 6 tiến sĩ, 7 phó bảng. Quảng Bình có ông Nguyễn Ngọc Toản đỗ Đệ tam giáp Tiến sĩ xuất thân, được bổ dụng vào chức Tri phủ Diên Khánh.

Năm Kỷ Mùi, niên hiệu Khải Định năm thứ 4 (1919), mở đại khoa lấy đỗ 7 tiến sĩ, 17 phó bảng. Quảng Bình có ông Võ Khắc Triễn đỗ Đệ tam giáp Tiến sĩ xuất thân. Nguyễn Đăng Cư đỗ Phó bảng được bổ dụng vào chức Thừa phái viện Cơ Mật.

Trong sách “Quốc triều khoa bảng lục”, Cao Xuân Dục đã thống kê được trong 39 khoa thi Hội cả nước có 558 người thi đỗ đại khoa thì sĩ tử Quảng Bình thi đỗ 44 người. Trong đó:



Huyện Quảng Trạch 15 vị đại khoa, trong đó: La Hà 6 vị, Cảnh Dương 2 vị, Lộc Điền 2 vị, Lũ Phong 1 vị, Mỹ Hòa 1 vị, Di Luân 1 vị, Đan Sa 1 vị, Thổ Ngọa 1 vị.

Huyện Lệ Thủy 12 vị, trong đó: Phù Chánh 2 vị, Hoàng Công 1 vị, Hòa Luật 1 vị, Tuy Lộc 1 vị, Thạch Bàn 1 vị, Phan Xá 1 vị, Thạch Xá 1 vị, Đại Phong 1 vị, Tả Thắng 1 vị, Xuân Lai 1 vị, Mỹ Lộc 1 vị.

Huyện Bố Trạch 8 vị đại khoa, trong đó: Lý Hòa 5 vị, Cao Lao 2 vị, Quy Đức 1 vị.

Huyện Quảng Ninh 5 vị đại khoa, trong đó: Văn La 1 vị, Vĩnh Tuy 1 vị, Lộc Long 1 vị, Phú Nhuận 1 vị, Cổ Hiền 1 vị.

Huyện Tuyên Hóa 2 vị đại khoa: Thanh Thủy 1 vị, Lâm Xuân 1 vị.

Đồng Hới 2 vị đại khoa: Trung Bính 1 vị, Tiền Thiệp 1 vị .123

Theo các tác giả sách “Khoa cử và các nhà khoa bảng triều Nguyễn”, trong số các bậc đỗ đại khoa thì Quảng Bình duy nhất có 1 vị đỗ hàm Tiến sĩ võ. Đó là Lê Văn Trực (Lê Trực), người làng Thanh Thủy, tổng Thuận Lễ, huyện Minh Chính, phủ Quảng Trạch. Năm Mậu Thìn, Tự Đức năm thứ 21 (1868), Lê Văn Trực đỗ Cử nhân võ, qua được sát hạch ở Võ Học đường, tham gia hội thí thi Hội đỗ thứ nhì hạng Thứ trúng cách, khi vào thi Đình đỗ thứ ba, được ban chức Đệ tam giáp Võ Tiến sĩ xuất thân.

Ngoài ra còn có 20 vị đỗ Phó bảng ngạch võ, trong đó, Quảng Trạch 4 vị, Bố Trạch 4 vị , Quảng Ninh 3 vị, Lệ Thủy 9 vị 124.

Cao Xuân Dục thống kê trong 47 khoa thi Hương ở Việt Nam dưới triều Nguyễn, từ năm 1807 đến năm 1919, cả nước có 5.232 người thi đỗ Cử nhân, trong đó Quảng Bình đã có 270 cử nhân. Trong 33 khoa thi Hương dưới các đời vua từ Gia Long đến Tự Đức, tỉnh Quảng Bình có 200 người đỗ. Trong đó, với 3 khoa thi đời vua Gia Long, tỉnh Quảng Bình có 10 người đỗ. Đời Minh Mạng với 8 khoa thi, Quảng Bình đỗ được 41 người, qua đời Thiệu Trị với 5 khoa thi thì Quảng Bình đỗ 42 người. Dưới thời Tự Đức với 17 khoa thi, Quảng Bình đỗ 107 người. Tính trung bình mỗi khoa tỉnh Quảng Bình có 6 người đỗ.

Với 39 khoa thi Hội, thi Đình và 47 khoa thi Hương đã lấy đỗ được 558 tiến sĩ, phó bảng và 5.232 người thi đỗ cử nhân, nhà Nguyễn đã đào tạo cho đất nước không ít nhân tài. Trong đó ở Quảng Bình đã có 44 vị tiến sĩ, phó bảng và 270 vị cử nhân, qua đó cho thấy giáo dục Quảng Bình thời kỳ này số lượng học sinh đỗ đạt rất cao. Đây cũng là địa phương đạt được những thành tựu giáo dục đáng kể. Quảng Bình đã tạo ra được một hệ thống trường lớp đa dạng và phong phú. Một đội ngũ giáo viên đông đảo có tài năng, đầy nhiệt huyết với nghề. Một đội ngũ quan lại thanh liêm có lòng yêu nước, thương dân. Và cũng chính trên mảnh đất này đã tạo nên bao thế hệ học sinh vượt mọi khó khăn, gian khổ trong cuộc sống để đến trường với hy vọng là “học để làm người”. Điều này, cho thấy người dân Quảng Bình có truyền thống hiếu học125.

Từ trong truyền thống hiếu học, học giỏi và thành đạt trong khoa cử và hoạn lộ có sự chắt chiu từ trí tuệ, công sức, mồ hôi, nước mắt và kể cả máu của nhân dân các làng quê, trong đó có nhiều làng danh tiếng, bề dày văn hóa. Ngược lại, những vinh quang mà các bậc khoa bảng giành được và những đóng góp của họ cho đất nước cũng làm vẻ vang thêm truyền thống của những làng quê với bề dày truyền thống lâu đời. Đó là các làng Lệ Sơn, La Hà, Cảnh Dương, Thổ Ngọa, Lý Hòa, Cao Lao, Văn La, Võ Xá, Cổ Hiền, Kim Nại, Phú Chánh, Hòa Luật, Lộc An, Mỹ Lộc và rất nhiều làng quê khác không thể kể hết. Đây thực sự là những cái nôi khoa bảng của Quảng Bình.

Làng Lệ Sơn (nay thuộc xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa) được mệnh danh là “đất học”, người dân nơi đây lấy việc học làm thước đo sự thành đạt, trưởng thành. Những chủ trương lệ làng đặt ra như: “Khuyến học, khuyến tài”,“khuyến điền”, dành những thửa ruộng tốt cho ai đỗ đạt cao, thực sự khuyến khích người người, nhà nhà học chữ. Tuy người khai canh của làng là Lê Văn Hành cũng là Quốc Tử giám sinh nhưng với tinh thần trọng người tài, chính ông lại thỉnh Đại học sĩ Trần Cảnh Huống, một người mà ông cho là tài năng hơn mình về dạy cho con em trong làng. Nghĩa cử đó nêu một gương sáng về trọng tài, trọng học và tạo nên truyền thống học hành, khoa cử của làng. Vì vậy, dưới triều Nguyễn, làng Lệ Sơn đã có 26 vị cử nhân, 70 vị tú tài. Nhiều người trong số đó đã được triều đình bổ dụng làm quan các nơi như Lê Thời Tập, Án sát Quảng Nam thời Minh Mạng (1828); Lê Huy Côn được giao làm Hàn lâm viện Thị giảng; Lê Huy Dân làm Bố chính sứ Nam Định, rồi làm Án sát tỉnh Thanh Hóa; Lương Duy Chí làm Tri phủ Vĩnh Tường (Phú Thọ); Lương Ngọc Nhị, từng làm Đốc học tỉnh Quảng Bình; Lê Phổ Thông làm Bố chánh tỉnh An Giang; Lê Huy Đính giữ chức Hàn lâm viện Thị giảng; Lương Khắc Khoan làm Tri phủ Hoài Nhơn; Lê Ngọc Uẩn làm Bố chính tỉnh Nam Định và rất nhiều vị quan lại khác.

Nếu so về bậc học và đỗ đạt thì làng Lệ Sơn không có nhiều người đỗ cao trong các khoa thi, không có nhiều người ra làm quan to trong triều đình như một số làng khác nhưng làng Lệ Sơn lại là nơi tinh thần hiếu học, truyền nhiều thế hệ như một truyền thống nổi bật của làng nên thời nào làng Lệ Sơn cũng giữ được trình độ dân trí rất cao. Thời phong kiến. Một tỷ lệ rất cao nam, phụ, lão, ấu của làng tinh thông Tam tự kinh và Minh tâm bảo giáo.

Làng La Hà (hiện nay thuộc xã Quảng Văn, huyện Quảng Trạch) là một trong những cái nôi khoa bảng của Quảng Bình từ xưa cho tới nay. Mặc dù trong làng xã không có trường lớp, nhưng do truyền thống hiếu học mà một số gia đình đã tự thuê thầy ở nơi khác về dạy, hoặc gửi con em của làng đi học nơi khác. Đến đầu thế kỉ XIX, với chính sách khuyến học của các triều vua nhà Nguyễn thì việc học hành thi cử của làng mới bắt đầu phát triển thuận lợi. Mặc dù làng La Hà tọa lạc trên một vùng cách sông trở đò, giao thông đi lại liên vùng rất khó khăn nhưng nhờ biết vượt khó và chăm học, hiếu học, dùi mài kinh sử mà các thế hệ người dân La Hà đã có nhiều người học giỏi và thành đạt. Con cháu các dòng họ nay vẫn lưu truyền đức tính hiếu học của cha ông mình như các bậc tiến sĩ, cử nhân: Tạ Hàm, Phạm Nhật Tân, Trần Chuẩn, Trần Văn Hệ…

Qua các kỳ thi triều Nguyễn, Quảng Trạch có 15 vị đỗ đại khoa, riêng La Hà có 6 vị, chiếm nhiều nhất trong huyện. Lịch sử “lều chõng” Quảng Bình dưới triều Tự Đức năm thứ 4 (1851), trong kỳ thi Hội năm Tân Hợi đã ghi nhận một bảng vàng rực rỡ nhất cho Quảng Trạch là cả Quảng Bình chỉ có 3 Tiến sĩ thì Quảng Trạch chiếm trọn cả 3, trong đó làng La Hà chiếm 2 vị. Đó là hai thầy trò cùng đi thi với nhau một lần, cùng đậu với nhau một khóa, điều mà các triều đại phong kiến ngày xưa cho là quý hiếm. Thầy là Phạm Nhật Tân, năm ấy 41 tuổi, còn trò là ông Trần Văn Hệ, mới 24 tuổi. La Hà cũng là quê hương của Tham tán Nội các, Tiến sĩ Tạ Hàm, người đã phát hiện và tấn bổ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc từ Nghệ An vào triều đình làm quan Kiểm thảo Lại bộ126.

Làng Cảnh Dương (thuộc xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch), là một làng có truyền thống khoa bảng từ xưa cho tới nay. Người khai khoa cho làng là cụ Nguyễn Đức Huy, đỗ Cống sinh, tương đương Cử nhân. Cụ làm quan tại triều đình Lê, Trịnh. Nguyễn Như Kim là vị quan võ của làng cũng ở triều đình Lê, Trịnh. Đến các đời vua từ Minh Mạng trở về sau thì người trong làng mới có nhiều người đỗ đạt. “Qua các bia chí khắc đời Thành Thái, Duy Tân và các gia phả dòng họ, làng ta có trên 100 vị đỗ từ Tiến sĩ đến Tú tài (2 Tiến sĩ, 14 Cử nhân, 128 Tú tài)”. Cụ Phạm Chân là vị khai đại khoa đầu tiên cho làng và cả cho Quảng Bình dưới triều Nguyễn. Cụ Nguyễn Phùng Dực nổi tiếng là người tài hoa liêm chính, đậu Tiến sĩ năm Kỷ Dậu (1849). Truyền thống học hành, khoa bảng Cảnh Dương được xây dựng trên một nền giáo dục địa phương. Trong hương ước của làng có ghi “khoa cử đỗ đạt liền liền, thật là một nơi vạn vật thắng địa của châu Bố Chính”127. Hương ước của làng rất coi trọng nền tảng giáo dục, khuyến khích việc học hành đỗ đạt, tạo ra một môi trường giáo dục lành mạnh từ làng xã đến từng gia đình, từ nhà trường đến xã hội, ở đâu cũng khuyến khích việc học hành khoa bảng. Từ hương ước của làng tạo cho mọi thành viên làng xã, từ những quy định khen thưởng cụ thể cho người đỗ đạt đến những việc làm tôn vinh người đỗ đạt tất cả làm nên nền tảng giáo dục cho con em trong làng.

Làng Thổ Ngọa (xã Quảng Thuận, huyện Quảng Trạch), là một làng mà tương truyền có mộ phần 18 Quận công. Ở huyện Quảng Trạch ngày nay vẫn còn lưu truyền câu:

Thập bát Quận công tam Tể tướng

Bách dư công sĩ nhị Trạng nguyên”

Nghĩa là: một vùng đất có 18 Quận công, 3 Tể tướng, hàng trăm Cống sĩ (tức Cử nhân), với hai vị Trạng nguyên. Theo Cao Xuân Dục trong sách “Quốc triều hương khoa lục” thì dưới triều Nguyễn qua 47 khoa thi Hương, làng Thổ Ngọa có 15 người đỗ Cử nhân gồm các vị: Nguyễn Khắc Biểu, Nguyễn Nhân Lý, Nguyễn Ba, Nguyễn Khánh, Trần Doãn Thăng, Nguyễn Như Diệm, Nguyễn Hải, Nguyễn Xuân Hào, Trần Văn Tốn, Trần Tiến Ích, Nguyễn Xuân Trạch, Nguyễn Nhiếp, Nguyễn Xuân Nhiếp, Nguyễn Bá Dinh, Nguyễn Văn Huệ… Đặc biệt, có Trần Doãn Thăng 25 tuổi đỗ Cử nhân, 30 tuổi đỗ Phó bảng làm đến chức Án sát.

Như vậy, từ bao đời nay Thổ Ngọa là đất học, dân làng vốn có truyền thống hiếu học, có nhiều người học hành và đỗ đạt cao.

Làng Lý Hòa (thuộc xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch) nằm trên một dải đất như chiếc bánh lái của một con thuyền mà xưa Lê Quý Đôn gọi là “khoảnh bình sa”. Trong sách “Phủ biên tạp lục”, Lê Quý Đôn viết: “Lý Hòa châu Nam Bố Chính, đất ấy là dư khí của núi Lệ Đệ rủ xuống thành một bãi cát bằng, nổi cao, mở rộng, dân cư ở ngang bãi trông về hướng Nam, đuôi bãi từ bên tả ôm lấy, sông Thuận Cô từ bên hữu chảy lại làm tiền đường, một dãi cồn cất thôn Thuận Cô làm án cho nên nhân đinh thịnh vượng hơn nghìn người 128.

Mặc dù làng Lý Hòa do dân di cư từ xứ phía Bắc vào lập làng muộn hơn so với các làng xã khác trong vùng nhưng với lợi thế địa dư và truyền thống văn hóa, việc học hành khoa cử trong làng phát triển rất mạnh mẽ và thành đạt. Trong làng không có trường học nhưng dân làng đã mời các thầy đồ về lập trường tư, mỗi năm 3-4 lớp, mỗi lớp 30 đến 40 học trò. Thầy học lúc đầu phải mời từ Thanh Khê, Ba Đồn, thậm chí ra mời cả ngoài xứ Nghệ, dần dần xuất hiện nhiều nho sinh của làng, trưởng thành làm nghề dạy học như Hồ Đạt, Nguyễn Tô, Nguyễn Trang, Nguyễn Văn Giao, Hoàng Mão, Hồ Phương... Năm Minh Mạng thứ 8, làng cho lập đền Văn Thánh thờ Đức Khổng Tử để lấy cái đạo học mà phát triển văn hóa làng. Nhờ vậy, làng Lý Hòa nhanh chóng nổi tiếng trong vùng không chỉ ở sự thịnh vượng kinh tế mà còn nổi tiếng trên khoa bảng và hoạn lộ. Đặc biệt, trong làng có dòng họ Nguyễn Duy nổi tiếng cả nước về tài cao học rộng, nhiều đời cha con, ông cháu nối nghiệp dành vị trí danh dự trên bảng vàng khoa cử triều Nguyễn với 4 tiến sĩ và rất nhiều cử nhân. Dưới triều Nguyễn, huyện Bố Trạch có 8 người đỗ đạt thì riêng Lý Hòa đã có 5 người trong một gia tộc. Trong đó, ông nội là Tiến sĩ khai khoa (Nguyễn Duy Cần), một cháu nội là Đình Nguyên Hoàng Giáp (Nguyễn Duy Phiên), một cháu nội tiến sĩ (Nguyễn Duy Tích), 2 cháu nội là Phó bảng (Nguyễn Duy Thắng và Nguyễn Duy Thiệu). Cả 4 cháu nội là hậu duệ của ông Nguyễn Duy Miễn. Chính vì thế mà họ Nguyễn Duy ở Lý Hòa được công nhận là dòng họ khoa bảng, nên làng Lý Hòa được công nhận là làng văn hiến (thời Nguyễn ở Quảng Bình có 2 làng được công nhận là làng văn hiến gồm làng Lý Hòa và làng An Xá). Với truyền thống hiếu học đó làng Lý Hòa đã trở thành một trong những cái nôi khoa bảng của Quảng Bình.

Làng Cao Lao Hạ (thuộc xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch) là một địa danh nổi tiếng từ nhiều đời trước với dấu tích thành cổ Cao Lao và một khu “ruộng phố” mà đến nay vẫn còn là một tồn nghi về lịch sử văn hóa. Vùng đất có bề dày văn hóa lâu đời này đã sản sinh ra nhiều những người con ưu tú “danh hiền duyệt cổ kim” mà tên tuổi và sự nghiệp của họ vẫn trường tồn với thời gian. Người thành đạt sớm nhất về khoa cử của làng là ông Hồ Cống và con là Hồ Tán đều là Giám sinh dưới thời Lê. Dưới triều Nguyễn, làng đã nối tiếp truyền thống cha ông, định lệ khuyến khích việc học hành khoa cử để vừa lập thân, vinh danh cho bản thân, vừa làm rạng rỡ cho truyền thống của làng. Nhờ vậy, đã có nhiều thế hệ người Cao Lao chiếm được vị trí cao trong khoa bảng và được bổ làm quan lại ở nhiều địa phương trong cả nước như Đặng Văn Thái, Lưu Văn Bình đỗ Phó bảng năm 1843; Lưu Lượng, Lê Khoan Hoành, Lê Văn Giản, Nguyễn Ngọc Thành, Nguyễn Đức Thụ, Nguyễn Văn Khu đều đỗ Cử nhân, được bổ đi làm thư lại ở trong triều và nhiều địa phương. Riêng gia đình họ Lưu từ ông tổ Lưu Văn Bình đến mấy đời con cháu đều được triều đình bổ nhậm cai quản nhiều xứ, khi tuổi già về hưu lại tổ chức dạy học để truyền cái chí và trí cho các thế hệ trong làng.

Làng Văn La (thuộc xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh), là làng có nhiều người thành đạt, chiếm được vị trí cao trong xã hội qua con đường học hành, khoa cử. Từ xa xưa làng đã có hội tư văn, đây thực sự là một tổ chức văn hóa giáo dục, lễ nghi có nhiều tác dụng trong việc xây dựng nên nền tảng văn hóa của làng. Làng Văn La đã tự mình lập một trường học riêng để đào tạo con em và những người hiếu học trong làng lấy đình làng làm trường dạy học, thầy giáo là những vị đồ Nho trưởng thành từ chính những nho sinh trong làng. Từ nền học vấn lâu đời ấy hình thành nên trong làng một tầng lớp khoa cử đỗ đạt đáng tự hào mà mãi về sau này các thư tịch địa chí, lịch sử ở quê hương đều nhắc đến sự kiện này một cách trân trọng.

Ở làng từ lâu đã lưu truyền một câu danh ngôn thể hiện truyền thống của một số dòng họ: “Việc quan họ Hoàng, việc làng họ Đỗ”. Xuất phát từ một thực tế là họ Hoàng có tam đại làm đến Đông các Đại học sĩ, hai đời Thượng thư dưới triều Nguyễn. Hai Hiệp biện Đại học sĩ là Hoàng Kim Xán và Hoàng Trọng Vĩ, một Đông các Đại học sĩ là Hoàng Kế Viêm. Dòng họ Hoàng trong làng Văn La nổi tiếng với mấy đời kế nghiệp từ Hoàng Kim Xán, Hoàng Kế Viêm đến Hoàng Trọng Vĩ, Hoàng Kế Diệu, Hoàng Trọng Đài... không chỉ thành đạt trong học hành, khoa cử mà còn cả trong sự nghiệp chống ngoại xâm, xây dựng quê hương, đất nước. Gia phả họ Hoàng ghi nhận: “Ông là vị tổ đời thứ 5 của dòng họ, con của Hoàng Văn Hoán, từ thuở thiếu thời ông nổi tiếng thông minh, hiếu học, thi đỗ Cử nhân, ra làm quan triều Gia Long, năm 1803 ông khảo hạch trúng cách, sơ thụ Tri huyện Lệ Thủy, thăng Hình bộ Thượng thư, sung Nam Định Kinh lược sứ, trở về triều ông vẫn giữ chức vụ, làm Tổng đốc Định - An và mất tại quán sở129.

Với công trạng to lớn của mình, cả ba đời cha, con, cháu của dòng họ Hoàng đều được triều đình phong tặng “Vinh lộc đại phu”. Chẳng những làm rạng danh cho dòng họ mà còn góp phần làm rạng rỡ truyền thống khoa bảng của làng Văn La.

Làng Võ Xá (thuộc xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh), cũng là một làng có truyền thống văn hóa, là địa bàn có nhiều dấu ấn lịch sử của Quảng Bình. Về khoa cử mặc dù không thấy có người đỗ đại khoa nhưng số đỗ cử nhân thì Võ Xá chiếm nhiều nhất huyện Quảng Ninh. Đó là các ông Nguyễn Văn Tịnh đỗ Cử nhân năm 1841, Nguyễn Văn Thận con trai ông Tịnh đỗ Cử nhân 1856, Nguyễn Thúc Khẩn, Nguyễn Thúc Úy… Đặc biệt, có ông Phạm Sĩ đỗ Cử nhân võ, làm Chưởng vệ tại triều đình Huế, được tặng nhị phẩm. Cả làng Võ Xá có 17 vị đỗ Tú tài Hán học.

Trong số những người thành đạt của làng Võ Xá phải kể đến vị Thống tướng Lê Sĩ nổi tiếng một thời về sự can trường và những công lao mà ông đã đóng góp cho đất nước dưới những triều đầu tiên của nhà Nguyễn. Cũng như những nhà trí thức khác, với quan niệm làm quan là gánh vác việc đời, thực thi việc nghĩa, Lê Sĩ đã rất quả cảm trên đường hoạn lộ. Trong cuộc đời làm quan 40 năm, trải 4 triều vua Thiệu Trị, Tự Đức, Dục Đức, Hiệp Hòa, ông từng kinh qua nhiều chức vụ quan trọng bậc nhất trong triều đình bấy giờ như Chưởng quản hữu dực và tả dực Doanh vũ Thống chế, Đô thống phủ Đô thống, được triều đình đặc phái cai quản, đứng đầu hàng chục tỉnh. Ông còn đảm nhận một số sứ mệnh quan trong trong triều như Giám khảo thi Đình ngạch võ quan, thay vua thực hành các nghi lễ xã tắc... Ông là người ghi được những chiến công oanh liệt trong buổi đầu kháng Pháp130.

Địa bàn làng Võ Xá còn là nơi hội tụ anh hùng, hào kiệt, đã từng in dấu chân trấn thủ của Tiết chế Thuận Nghĩa hầu Nguyễn Hữu Tiến, Đốc chiến Chiêu Vũ hầu Nguyễn Hữu Dật, hai ông đã từng đem quân ra Bắc đánh chiếm được hai huyện thuộc Nghệ An. Cũng chính ở đạo Lưu Đồn con trai Nguyễn Hữu Dật là Hào Lương hầu Nguyễn Hữu Hào từng kéo quân đi chinh phạt Chân Lạp rồi thắng trận trở về trấn nhậm ở đây và sáng tác ra tác phẩm “Song Tinh Bất Dạ”, một truyện thơ trữ tình, được đánh giá là truyện thơ dài nhất trong thi đàn nước ta thời bấy giờ.

Làng Cổ Hiền (thuộc xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh), xưa thuộc tổng Trung Quán, huyện Phong Lộc, nay thuộc xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh. “Cổ Hiền là đất học, có 2 trong 7 vị đỗ đại khoa của toàn huyện Quảng Ninh (huyện chứ không phải là phủ Quảng Ninh xưa), 11 vị đỗ Tú tài, không có vị Cử nhân nào cả”131. Hai vị Tiến sĩ đó là ông Lê Hữu Đệ và ông Lê Đại. Truyền thống học hành khoa cử của làng vẫn truyền đến các lớp người sau và do đó làng Cổ Hiền tự hào được nhân dân tôn là làng “Hương hội khoa trường” cùng với nhiều làng xã danh tiếng khác của quê hương Quảng Ninh.

Tuy nhiên, khác với một số làng khác, làng Cổ Hiền là một trong số ít làng mở trường học từ rất sớm. Nhiều gia đình ba đời từ ông đến cháu, học rồi không đi thi hoặc thi lấy lệ rồi về mở trường dạy học, lấy việc đào tạo các thế hệ mai sau cho con em trong làng là nghiệp cứu đời. Cụ Lê Văn Quy sức học không ai sánh kịp nhưng không đi thi mà ở nhà mở trường dạy học, học trò của cụ rất nhiều người là giám sinh, cống sĩ... Con cụ là Lê Văn Sinh, thi đậu trường tỉnh rồi cũng ở nhà dạy học; cháu là Tú tài Lê Duy Hàn cũng nối nghiệp cha anh, mở lớp truyền dạy cho con em trong làng. Nhiều thế hệ con em làng Cổ Hiền có được truyền thống học hành và điều kiện thuận lợi cho học tập nên có học vấn để vào đời.

Làng Cổ Hiền có nhiều vị tham gia văn quan qua các triều đại (từ thơ lại trở lên) như Lê Hữu Đệ - Giám sát Ngự sử, Lê Đại - Bố chánh Hà Tĩnh, Lê Đức Hiệp - Án sát Hải Dương, Trương Đình Lịch - Thế Lộc hầu, Lê Đức Huy - Vinh Lộc đại phu, Lê Đức Nhuận - Tư Thiện đại phu, Trương Đình Đỉnh - Phụng Nghi đại phu, Trương Đình Trị - Phụng Nghi đại phu, Trương Đình Khoan - Hình hộ Thị lang, Trương Đình Hòe - Tri phủ An Hòe, Nguyễn Viết Tuấn - Hộ bộ Tri vụ, Nguyễn Công Đao - Nội thị Nội triều Nguyễn, Lê Đức Vi - Lê triều Tri bộ, Nguyễn Viết Đỉnh - Lễ bộ thơ ký, Trương Đình Phổ - Thơ lại bộ Công132.

Làng Kim Nại (thuộc xã An Ninh, huyện Quảng Ninh), thời Mạc có tên là Đỉnh Nại, thời Nguyễn có tên là Kim Đỉnh, rồi đổi ra Kim Nại. Thời nhà Nguyễn, tại phủ Quảng Ninh duy nhất có 2 làng có lập đền Văn Thánh, trong đó có Kim Nại. Văn Thánh làng Kim Nại khá quy mô, xây bằng đá, lợp ngói liệt, khung nhà được làm bằng gỗ tốt, có 3 gian, cao 2 lớp mái. Dân làng gọi đây là Đình Thánh, làm nơi vừa thờ Khổng Tử, vừa là chốn sinh hoạt văn hóa của làng, cũng là nơi hội tụ của tao nhân, mặc khách trong vùng. Trong làng tuy không có trường học nhưng dân làng đón thầy về mở lớp cho con cháu mình học, rồi xóm giềng đưa con cháu đến gửi. Vì vậy, mà nền khoa bảng ở làng Kim Nại mới bắt đầu phát triển. Năm Tự Đức thứ 14 (1861), ông Lê Công Bảng đỗ Cử nhân khoa Tân Dậu, làm quan được phong Cao thụ Tư thiện Đại phu Chính trị thượng khanh. Ông Lê Đàn đỗ Cử nhân khoa Quý Dậu (Tự Đức thứ 26 (1873). Ông Lê Công Lương tước Cao thụ Trung thuận Đại phu tư thị Doãn Lang trung bộ Lại, sung Thuận An tấn bang Biện chư sự vụ. Ông Lê Nhiếp, đỗ Cử nhân, là một vị quan thanh liêm, tài cao đức rộng, vua cử làm Tổng đốc Hải Dương, sau tăng Thượng thư bộ Lễ, Hiệp tá Đại học sĩ. Làng Kim Nại thật xứng đáng là một trong những “Tứ danh hương” của huyện Quảng Ninh, đúng là:



Kim Nại lư vàng nghiệp cổ kim

Tam long chung ngự núi Thần Đinh

Một làng mình gối cao đầu hạc


tải về 0.54 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương