Chương 10 quảng bình dưỚi triều nguyễN (Từ năm 1802 đến năm 1885)



tải về 0.54 Mb.
trang2/7
Chuyển đổi dữ liệu31.07.2016
Kích0.54 Mb.
#11547
1   2   3   4   5   6   7

Huyện Bình Chính28

Phía Bắc huyện Bình Chính giáp đèo Ngang, Nam giáp huyện Bố Trạch, phía Đông giáp biển, phía Nam giáp sông Gianh và huyện Bố Trạch, Đông Tây cách nhau 12 dặm, Nam Bắc cách nhau 45 dặm. Địa bàn huyện được chia làm 3 tổng, 44 xã, thôn, phường, ấp, giáp.



- Tổng Thuận Bài có 16 xã, thôn, phường, giáp, gồm: xã Thuận Bài, xã Cảnh Dương, xã Thổ Ngọa, xã Đan Sa, xã Tiểu Đan, thôn Phan Long, thôn Tượng Sơn, thôn Chính Trực, thông Nghĩa Nương, thôn Lương Trình, xã Tú Loan, xã Di Lộc, xã Diên Phúc, thôn Xuân Kiều, giáp Mỹ Hòa Thượng, phường Ngoại Hải.

- Tổng Thuận Hòa có 20 xã, thôn, phường, trang, gồm: xã Tòng Chất, xã Hòa Lạc, thôn Tòng Lý, xã Kiêm Long, thôn Minh Linh, thôn Phú Lộc, thôn Quảng Châu, thôn Liêu Sơn, thôn Phúc Kiều, thôn Hùng Sơn, xã Vĩnh Sơn, xã Thọ Sơn, thôn Bắc Hà, phường Trừng Hải, phường Võng Nhi, ấp Di Luân, trang Thủy Vực, trang Xuân Hòa, giáp Hòa Bình, giáp Hưng Lộc.

- Tổng Lũ Đăng có 12 xã, thôn, phường, gồm: xã Lũ Đăng, xã Vân Lôi, phường Lộc Điền Thượng, xã Hậu Lộc, thôn Phù Ninh, xã Trung Ái, xã Tô Xá, xã Phù Lưu, xã Văn Tập, xã Đông Dương, xã Pháp Kệ, xã Hướng Phương 29.

Huyện Minh Chính30

Huyện Minh Chính thuộc phủ Quảng Trạch, do phủ kiêm lý, không đặt huyện lỵ31. Dân cư trên địa bàn phân bố tại 3 tổng, 76 xã, thôn, ấp, phường, giáp.

- Tổng Thuận Thị có 18 xã, thôn, phường, gồm: xã La Hà, xã Biểu Lễ, xã Phù Trạch, xã Lâm Xuân, xã Văn Phú, xã Thọ Linh Thượng, thôn Vĩnh Lộc, thôn Vĩnh Phúc, thôn Hòa Ninh, xã Minh Lễ, thôn Diên Trường, thôn Hạ xã Tiên Lễ, thôn Trung xã Tiên Lễ, thôn Thượng xã Tiên Lễ, thôn Thọ Linh Hạ, thôn Giáp Tam, thôn Nội Hà, phường Cao Lao.

- Tổng Thuận Lễ có 24 xã, thôn, phường, gồm: xã Tiên Lễ Thượng, xã Tiên Lương, xã Tiên Lang, xã phù Kênh, xã Lâm Lang, xã Thanh Thủy, xã Cổ Cảng, xã Lệ Sơn Thượng, trang Lệ Sơn Hạ, xã Xuân Mai, xã Thanh Sơn, xã Cương Gián, thôn Thanh Thủy, thôn Hà Công, phường Cao Mại, phường Mỹ Cương, trang Minh Trừng, trang Uyên Trừng, phường Đại Đan, trang Lạc Giao, xã Kênh Thanh, xã Kênh Nhuận, xã Kênh Trừng, phường Lạc Sơn32.



Huyện Minh Hóa33

Huyện Minh Hóa thành lập năm Tự Đức 27 (1874), vốn là đất cũ của huyện Minh Chính tách ra, tạm thời mở rộng đồn tuần ở phường Đồng Lê làm lỵ sở. Huyện Minh Hóa nằm ở phía Đông huyện Minh Chính, phía Tây giáp Lào, phía Nam giáp huyện Bố Trạch, phía Bắc giáp với Trại Bái huyện Hương Khê (Hà Tĩnh). Toàn huyện có 1 tổng, 20 xã, thôn, phường, 2 nguồn, 7 sách.



- Tổng Thượng Lưu có 20 xã, thôn, phường, gồm: xã Cao Trạch, xã Thạch Sơn, xã Thiết Sơn, phường Đồng Giang, phường Thượng Phú, phường Đồng Ái, phường Bảo Thế, phường Đại Hòa, phường Sảo Phong, phường Huyễn Nĩu, phường Minh Cầm Ngoại, phường Minh Cầm Nội, phường Đồng Ca, phường Xuân Canh, phường Đồng Lê, phường Đồng Bang, phường Bà Tâm, phường Tam Đăng, phường Đồng Nạp, trang Minh Cầm.

- Nguồn: có hai nguồn là nguồn Kim Linh, nguồn Cơ Sa.

- Sách: có 7 sách là sách Kim Lũ, sách Thanh Lãng, sách Sâm Sâm, sách Ma Năng Thượng, sách Ma Năng Hạ, sách Hung Đặng, sách Hung Ốc 34.

Để quản lý đất nước, nhà Nguyễn định ra lệ cứ 5 năm một lần lập sổ đinh bạ. Trong mỗi làng, từ chức sắc cho đến thường dân đều phải khai báo vào sổ. Nhà nước quản lý sổ đinh từ 18 tuổi đến 59 tuổi để thực hiện các nghĩa vụ sưu thuế, lao dịch và đăng lính, còn lại giao cho tổng, xã quản lý.

Năm Gia Long thứ 18 (1819) số đinh ở Quảng Bình là 13.500 người 35. Theo số liệu thống kê trong bộ “Đồng Khánh dư địa chí” thì đến trước khi thực dân Pháp bắt đầu xâm lược nước ta, số đinh lên tới 16.996 người, hàng ngũ chức sắc có 6.297 người36. Số liệu trên đây cho thấy từ đầu thế kỉ đến gần cuối thế kỉ thứ XIX (từ triều Gia Long đến triều Đồng Khánh) chỉ tăng có 3.000 đinh, trong đó chủ yếu chỉ tăng trong khoảng 3 triều Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, đến khi xảy ra chiến tranh với thực dân Pháp thì hầu như dân số không tăng (triều Tự Đức kê khai 16.889 đinh, 40 năm sau, đến thời Đồng Khánh chỉ có 16.996 đinh, chỉ tăng gần 100 đinh). Tỷ lệ tăng số đinh ở Quảng Bình rất thấp như đã thống kê trên đây chứng tỏ dưới triều Nguyễn, tình hình dân cư đã bắt đầu ổn định, không còn tình trạng nhập cư từ các nơi đến Quảng Bình và những hệ lụy từ cuộc chiến tranh xâm lược với thực dân Pháp cũng góp phần đáng kể vào việc kìm hãm dân số.

Sau khi Gia Long lên ngôi, đất nước qua 3 triều vua đầu nhà Nguyễn đã có một thời gian thái bình. Vì thế, nhà Nguyễn đã thực hiện chính sách cắt giảm binh bị để giảm bớt gánh nặng cho ngân sách và tăng cường lực lượng lao động ở nông thôn nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp, huy động nhân công vào việc xây dựng các công trình kiến thiết. Ngoài việc cho giải ngũ những người quá tuổi binh dịch, nhà Nguyễn đã căn cứ vào vị thế của từng địa phương trong nước mà định tỷ lệ tuyển quân. Phép giãn binh được định lệ như sau: “Lệ định các trấn tự Quảng Bình vào đến Bình Thuận thì cứ 3 tên đinh lấy một tên lính; tự Biên Hòa trở vào thì cứ 5 tên đinh kén lấy 1 tên lính; từ Hà Tĩnh trở ra đến 5 nội trấn ở Bắc Thành thì cứ 7 tên đinh kén lấy 1 tên lính; còn 6 ngoại trấn... thì cứ 10 tên đinh kén lấy 1 tên lính 37. Như vậy, có thể thấy trong định lệ binh bị, vùng đất Quảng Bình nằm ở vị trí “Hữu Kinh sư”, được coi là trọng trấn, có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ sự an nguy của triều đình và kinh thành nên nhà Nguyễn đã chú trọng hơn về mặt quân sự. Định lệ của nhà Nguyễn đã được duy trì suốt tất cả các triều vua, cho đến khi nước ta rơi vào tay thực dân Pháp mới có thay đổi.

Theo thống kê thời Đồng Khánh thì trước khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, binh ngạch tại Quảng Bình có 3.282 người, trong đó quân đồn trú gồm có 2 hạng là lính kinh và lính tỉnh (ngoài ra còn có quân dự bị là lính mộ). Toàn tỉnh Quảng Bình có 2.165 lính kinh, 1.117 lính tỉnh, ngoài ra còn lính mộ 192 người. Phủ Quảng Ninh có 1.631 lính kinh, lính tỉnh có 190 người, trong đó huyện Phong Lộc có 547 lính kinh, 118 lính tỉnh; huyện Phong Đăng có 441 lính kinh, 8 lính tỉnh; huyện Lệ Thủy có 673 lính kinh, 64 lính tỉnh. Phủ Quảng Trạch có 534 lính kinh, 927 lính tỉnh, trong đó huyện Bình Chính có 162 lính kinh, 300 lính tỉnh; huyện Minh Chính có 101 lính kinh, 347 lính tỉnh; huyện Bố Trạch có 267 lính kinh, 240 lính tỉnh; huyện Minh Hóa có 4 lính Kinh, 40 lính tỉnh 38.

Bên cạnh quân thường trực đồn trú tại địa phương, triều đình nhà Nguyễn còn bố trí các vệ quân cơ động sẵn sàng ứng phó với những biến cố chính trị, quân sự trong vùng như chống ngoại xâm, chống nổi dậy, đàn áp các băng đảng đối nghịch... Lực lượng quân đội cơ động của triều đình ở Quảng Bình có quân bộ binh của triều đình gọi là kinh binh gồm 5 vệ, mỗi vệ 10 đội, mỗi đội 50 người, có suất đội và đội trưởng cai quản đóng giữ ở các đồn ải. Ngoài ra có cơ binh là đội quân của riêng tỉnh, cũng chia làm cơ đội và đội tượng binh có 15 con voi.

Ở các cửa biển (tấn) như tấn Nhật Lệ, tấn Linh Giang, tấn An Náu, tấn Lý Hòa, tấn Nhật Lệ... đều có các vệ thủy binh coi giữ. Sau này khi tình hình yên ổn, một số tấn bãi bỏ lực lượng thủy binh chỉ cử một số người trong coi, bỏ chức tấn thủ, quản thủ chỉ có quan thủ ngự như Tuần Quảng, An Náu, Lý Hòa, Hùng Sơn.

Lực lượng quân đội của nhà Nguyễn được bố trí chốt giữ các vị trí đầu nguồn (biên phòng) như nguồn Cẩm Lý (trước gọi là Thổ Lý), ở huyện Phong Lộc có thuyền (đơn vị) Bình Sơn; nguồn An Náu phía Tây Bố Trạch có sở Tuần thú; Nguồn Kim Linh ở phường Cao Mại, Bố Trạch có đặt sở Tuần thú, đồn trú. Sau này một số đồn trú và sở Tuần thú miền núi được bãi bỏ39.

Như vậy, có thể nói nhà Nguyễn đã xây dựng được trên địa bàn tỉnh Quảng Bình một hệ thống chính quyền tương đối hoàn chỉnh. Hệ thống này vừa đảm bảo phát huy quyền lực nhà nước phong kiến tập quyền, vừa tạo điều kiện cho chính quyền địa phương nắm chắc tình hình, chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội trên địa bàn. Quá trình thiết lập hệ thống chính quyền địa phương ở Quảng Bình dưới triều Nguyễn đã tạo sự thống nhất về mặt cơ cấu hành chính, đặc điểm dân cư, sắc thái văn hóa và điều kiện kinh tế, xã hội phù hợp với từng vùng, từng địa phương. Nhờ đó, các địa phương trên địa bàn Quảng Bình có thuận lợi để khai thác thế mạnh của mình trong phát triển kinh tế - xã hội.

Sau khi hoàn thành việc điều chỉnh, sắp xếp lại hệ thống hành chính và tổ chức chính quyền, nhà Nguyễn tiếp tục xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, thiết chế quân sự và giao thông, công chính nhằm phục vụ cho công việc cai quản của chính quyền và phát triển kinh tế.

Đầu tiên, các vua nhà Nguyễn cho khôi phục và nâng cấp hệ thống thành lũy quân sự mà trung tâm là hệ thống lũy Thầy.

Lũy Thầy là hệ thống lũy được xây dựng dưới thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên, do Đào Duy Từ chủ trì cùng với Nguyễn Hữu Dật xây dựng đồ thức (bản vẽ thiết kế) từ năm 1630, công việc xây dựng đã được kéo dài tới 32 năm (từ năm 1630 đến năm 1662) mới hoàn thành. Đào Duy Từ đã cùng cộng sự thân tín của mình là Nguyễn Hữu Dật chỉ huy xây dựng những lũy chính. Sau khi ông mất, Nguyễn Hữu Dật cùng Nguyễn Hữu Tiến tiếp tục hoàn thành những chiến lũy còn lại. Năm 1775, sau khi quân Trịnh đánh bại các chúa Nguyễn, chiếm Thuận Hóa, tướng Trịnh là Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc đã cho phá hủy hệ thống lũy Thầy để đề phòng người xứ Nam Hà lại nổi lên cát cứ. Năm 1786, sau khi Quang Trung - Nguyễn Huệ mở chiến dịch tấn công ra Bắc, đẩy lùi quân Trịnh ra khỏi Hoành Sơn, Nguyễn Huệ đã định phục hồi lại hệ thống lũy này nhưng không thực hiện được do phải hành quân thần tốc ra Bắc. Nguyễn Huệ mất sớm, thời gian tại vị quá ngắn nên triều Tây Sơn không có cơ hội phục hồi hệ thống lũy thành này. Sau khi đánh bại Tây Sơn, các vua đầu của triều Nguyễn đã nghĩ ngay đến việc phục hồi hệ thống lũy thành này. Điều đó cho thấy hệ thống lũy Đào Duy Từ có giá trị rất lớn về mặt quân sự, phản ánh tư duy quân sự kiệt xuất của nhà lý luận quân sự Đào Duy Từ, đồng thời hệ thống này cũng ghi nhận công sức và trí tuệ của nhân dân Quảng Bình trong quá trình xây đắp lũy thành. Những công trình nổi bật được xây dựng ở Quảng Bình dưới triều Nguyễn bao gồm việc phục nguyên hệ thống lũy Thầy, xây dựng thành Quảng Bình, cửa Quảng Bình, cửa Vũ Thắng, cầu Quảng Bình và nhiều công trình dân dụng khác.



Trùng tu lũy Thầy

Thấy được tầm quan trọng của hệ thống lũy Thầy, Gia Long vừa mới lên ngôi đã cho đắp lại lũy Nhật Lệ là hệ thống lũy chính kéo dài từ chân núi Đầu Mâu đến cửa Nhật Lệ, bằng đất vững chắc hơn 40. Theo ghi nhận trong bộ “Đồng Khánh dư địa chí” thì trong lần trùng tu này, hệ thống lũy được nối với thành tỉnh Quảng Bình từ hai phía tả, hữu “xây theo kiểu trường lũy, đều xây bằng gạch, đá. Lũy dài bên hữu chu vi 833 trượng 5 thước, kế sát với bờ biển. Lũy dài bên tả chạy thẳng đến bờ sông Nhật Lệ dài 300 trượng, 6 thước, 4 tấc. Các lũy đều có đặt cửa để người qua lại có thể thông ra đường cái. Qua cầu, đi về phía bờ Nam, men theo sông lại đắp tiếp lũy đất chạy thẳng đến núi Đầu Mâu, dài 3.966 trượng, 2 thước. Dưới chân núi có một đường nhỏ, mở một cửa, gọi là Vũ Thắng41.



Xây thành Quảng Bình

Cùng với việc trùng tu và phục nguyên các lũy chính của hệ thống lũy Đào Duy Từ, nhà Nguyễn cho xây thành Quảng Bình (sau này quen gọi là thành Đồng Hới) làm lỵ sở của tỉnh Quảng Bình. Thành Quảng Bình nguyên xưa thuộc địa phận hai xã Động Hải và Phú Ninh thuộc huyện Phong Lộc. Dưới thời các chúa Nguyễn nằm trong lũy Trấn Ninh, chúa Trịnh lấy lại đất này đặt là “Đồn Động Hải” 42. Đến năm Gia Long thứ 10 (1811), thành mới được chính thức khởi dựng bằng đất “theo kiểu cánh hoa hồi, chu vi 460 trượng 9 thước 5 tấc. Mặt thành rộng 3 thước, chân thành dày 4 thước, thân thành cao 1 trượng, phía trong đắp thêm đất cao 3 trượng, có 3 cửa là cửa tả, cửa hữu và cửa hậu. Hào rộng 7 trượng, sâu 7 thước43.



Minh Mạng lên ngôi lại tiếp tục sự nghiệp của cha, tiếp tục củng cố hệ thống lũy thành ở Quảng Bình. Sách “Đại Nam thực lục” cho biết vào tháng 3 năm Giáp Thân (1824), vua Minh Mạng đã cho làm 3 việc sau đây tại Quảng Bình, một là xây thành Quảng Bình, hai là sửa lũy Nhật Lệ, ba là đặt tên cho cửa lũy là “Quảng Bình quan44.

Sách “Đại Nam thực lục” của Quốc sử quán triều Nguyễn viết: “Xây đắp thành Quảng Bình, chung quanh 4 mặt thành dài 468 trượng (khoảng 1.872m), trên rộng 3 thước (khoảng 1,2m), dưới rộng 4 thước 6 tấc (1,84m), cao 11 thước 5 tấc (4,60m), chân móng sâu 1 thước rưỡi (0,60m), có 3 cửa tả, hữu, hậu. Lấy hơn 3.700 người các quân Bắc Thành và Thanh Nghệ cùng lính các đội Chấn Uy và Trấn Thành làm việc, mỗi tháng mỗi người cấp tiền 3 quan, gạo 1 phương. Sai Phó Đô thống, Chế tả dinh quân Chân Sách là Nguyễn Văn Tri trông nom công việc... Thành xây xong lại sửa đắp lũy dài (từ Đầu Mâu đến cửa biển Nhật Lệ), cửa lũy cho tên “Quảng Bình quan”. Ngoài cửa có cầu cũng gọi là “cầu Quảng Bình45.

Qua thời Thiệu Trị, nhà vua cũng đã cho xây dựng ở Quảng Bình nhiều công trình quan trọng. Năm Thiệu Trị thứ 2 (1842), nhà vua đã ra lệnh cho Thượng thư Bộ Công và các quan trong tỉnh tu sửa ở khắp những nơi thấy cần thiết. Thượng thư Bộ Lễ phải lo các cuộc tế lễ để dâng lên cho các chiến sĩ đã bỏ mình vì đất nước thời đương triều cũng như cho quá khứ. Cuối cùng ở cửa Nhật Lệ và ở khắp trong tỉnh, người ta phải tập luyện các đội thủy quân để cho quen với địa thế của xứ sở... Cái tên lũy Đồng Hới được thay thế bằng cái tên “Định Bắc trường thành” 46.

Công lao của những bậc tiền nhân đã vận dụng tri thức quân sự truyền thống của tổ tiên, sáng tạo đồ thức, chỉ đạo thi công xây dựng và trùng tu, tôn tạo đã làm cho hệ thống tòa thành và chiến lũy trở thành một chứng nhân sinh động, ghi dấu những chặng đường lịch sử bi hùng của người dân Quảng Bình. Năm 1842, khi ngự giá qua Quảng Bình, nhìn cảnh gợi nhớ chiến trường đẩm máu thuở xưa, Nguyễn Phúc Miên Tông (阮福綿宗) - Thiệu Trị đã xúc động làm 3 bài thơ về hệ thống chiến lũy này, bài thơ mang tên Định Bắc trường thành hoài cổ tác tam thủ”47:

BÀI 1


Thần công thánh đúc tại giang sơn

Cảm mộ hà cùng triệu tạo gian

Lĩnh biểu hải tần bình địa tái

Vân phong thiên hiểm vệ Nam quan

Vạn thiên sa mạc Tần thành ngoại

Bách nhị hào hàn Hán quận gian

Hổn nhất xa thư quy chương ác

Vô tư bất phục liệt khi hoàn.

(Nghĩa là: Công đức như thần thánh ở sự xây dựng non sông / Cảm mến vô cùng công đức xây dựng đầy gian nan / Biên giới, núi biển đều bình an / Núi sông hiểm trở cùng bảo vệ bờ cõi phía Nam / Ngàn vạn dãy sa mạc ngoài thành nước Tần / Vài trăm hầm hào quận huyện nước Hán / Văn minh (xe sách) đều quy về một mối trong bàn tay / Không còn lo thiên hạ không quy thuận trên vùng đất trải bày rộng lớn này).

BÀI 2

Phu tai tác thất niệm gian nan

Vị vũ trù mâu vĩnh điện an

Phát nỗ hưng công thời kế cửa

Thứ dân tử thúc nhạt nhi hoàn

Tăng quan tiền liệt chiêu thiên cổ

Khải lựu lai côn thống vạn ban

Bảo thái trì doanh tư thiệu thuật

Bách vi thần chính lịch chu quan.

(Nghĩa là: Nhớ đến sự gian khổ khi làm nhà nhiều tai hoạ / nên phải tính đến sự an toàn khi chưa mưa / Từ lúc khởi công đã có mưu cơ lâu dài / Dân thương, con cố sức gắn bí, lại có ngày thành công / Ngàn năm thêm sáng công lao của cha ông oanh liệt / Muôn lớp con cháu về sau khai mở và hợp nhau lại / Lo việc giữ gìn việc lớn để nối tiếp truyền đời về sau / Trăm lần chính nghĩa trải ra khắp mọi nơi quan ải.

BÀI 3

Thiên thu như kiến tử phong trù

Khái tưởng linh nhân điếu cổ sầu

Bích huyết dư lưu quan Nhật Lệ

Hoàng trần viện chướng nhiễm Đầu Mâu

Đồng thành thiết lũy sơn hà túng

Nghĩa sĩ trung thần sự nghiệp lưu

Tứ hải nhất gia kim tích biệt

Thâm nhân hậu trạch tại kỳ chu.

(Nghĩa là: Ngàn năm như trù tính công ơn gánh vác việc giữ nước / Thăm chốn chiến trường cũ buồn nhớ người tài trí / Dòng Nhật Lệ đầy máu xương chiến sĩ vẫn xanh biếc sáng chói / Núi Đầu Mâu nhuốm bụi vàng càng rõ là bình phong vững / Thành đồng lũy sắt, non sông vững vàng phóng khoáng / Nghĩa sĩ trung thần lưu truyền sự nghiệp / Bốn biển chung lại một nhà, nay đã khác trước / Ơn dày, nghĩa nặng ở khắp mọi miền đất nước nhà vua) 48.

Những bài thơ của nhà vua đã hết lời ca ngợi phong cảnh hữu tình của Quảng Bình và bày tỏ tấm lòng tôn kính và ngưỡng vọng đối với người xưa đã có công xây đắp nên hệ thống lũy thành, là chứng nhân lịch sử một thời bi hùng của vùng đất Quảng Bình.

Q

“Quảng Bình quan” sau khi trùng tu.

(Ảnh Tư liệu)
uảng Bình quan
(Cửa ngự tiền thành Quảng Bình) nằm ở phía Đông “Định Bắc Trường thành”, được xây bằng đá. Theo ghi chép trong “Đại Nam thực lục” thì từ tháng 3 năm 1824, Minh Mạng đã cho xây “Quảng Bình quan” (là một trong 3 việc lớn ông cho làm ở Quảng Bình). Vì vậy, tên gọi “Quảng Bình quan” đã có từ năm 1824, nhưng phải đến năm 1825 (Minh Mạng thứ 6), “Quảng Bình quan” mới được khởi công xây dựng. Sách “Đại Nam thực lục” viết: “Cửa quan dài 2 trượng 1 thước (8,40m), ngang 2 trượng 5 thước (10m), trong lòng cửa cao 10 thước 8 tấc (4,32m), rộng 8 thước 1 tấc (3,60m)... bảo đài dài 14 trượng 6 thước (8,40m), cao 3 thước (1,20m). Sai dinh thần lấy các vệ Chấn Uy và Trấn Thành làm việc,... theo quy ước cửa và cầu của Kinh thành mà làm”49. Như vậy, cứ theo ghi chép của Quốc sử quán triều Nguyễn trong “Đại Nam thực lục” thì “Quảng Bình quan” không chỉ thuần túy là một cửa cổng đi qua lũy thành mà với một bảo đài được xây dựng uy nghi, án ngự trước cổng thì Quảng Bình quan còn là một pháo đài quân sự kiên cố. Vì thế, hình ảnh “Quảng Bình quan” được khắc vào Cửu đỉnh của triều đình Huế đúc năm Minh Mạng thứ 17 (1836).

Võ Thắng quan

“Võ Thắng quan” vốn ban đầu gọi là “Lý Chính Đại quan môn”, một cửa mở lối từ thượng đạo xuống đường thiên lý nên còn có tên gọi là Cổng Thượng. Tên gọi Lý Chính là bắt nguồn từ hai tên làng mà tòa quan môn này tọa lạc là làng Chính Thỉ (tức làng Trung Nghĩa, xã Nghĩa Ninh ngày nay) và làng Minh Lý (tức làng Thuận Lý, xã Lý Ninh)50. Trước thời Gia Long, “Chính Lý Đại quan môn” chỉ là một quan ải, nơi hội tụ hai con đường thiên lý và thượng đạo tồn tại dưới các đời Lý, Trần, Hồ, Lê, Nguyễn và Tây Sơn, đường thượng từ phía Bắc phải đi qua đây để đi tiếp vào Đàng Trong.

Năm Minh Mạng thứ 8 (1827), nhà vua cho xây “Võ Thắng quan” bằng đá ở vị trí phía Tây Định Bắc Trường thành. Sau khi xây xong “Quảng Bình quan”, vua chỉ dụ cho bộ máy quan lại đã thi công tiếp tục lấy đồ thức của “Quảng Bình quan”, chiếu y như vậy để xây “Võ Thắng quan”. Vì vậy, “Võ Thắng quan” có tổ chức kiến trúc tương ứng như “Quảng Bình quan”.

Cầu Quảng Bình

C


Phế tích Hoành Sơn quan. (Ảnh Tư liệu)
ông trình “Cầu Quảng Bình” cũng nằm trong danh mục các công trình mà nhà Nguyễn cho xây dựng ở Quảng Bình từ rất sớm. Cầu Quảng Bình nằm ở vị trí phía Nam thành Quảng Bình và Quảng Bình quan, là đầu mối liên kết các tuyến đường liên thông giữa lũy Nhật Lệ với lũy Trấn Ninh, án ngữ phía Nam đường vào thành Đồng Hới. Sách “Đại Nam nhất thống chí”, mục “Kiều lương” cho biết cầu Quảng Bình còn có tên là cầu Dài, được vua Gia Long cho xây dựng năm 1811. Đến năm Minh Mạng thứ 6 (1825), nhà vua cho tu sửa, chỉnh trang, cầu dài 20m, mặt cầu rộng 6,40m,51 nhịp giữa cao 4,80m, hai đầu đều cao 3,20m. Bên cạnh cầu Dài còn có một cầu nhỏ gọi là cầu Ngắn, dài 7 trượng52. Đến thời Tự Đức, một trận lụt lớn vào tháng 5 năm Canh Ngọ (1870) đã cuốn trôi chiếc cầu này 53.

Hoàng Sơn quan

Hoành Sơn quan” (cửa Hoàng Sơn) ở đèo Ngang phía Bắc huyện Bình Chính (Quảng Trạch) được xây đắp từ năm Minh Mạng thứ 14 (1833), cửa được xây bằng đá, dài 11 trượng 8 thước, cao 5 thước; khoảng giữa là cửa quan, phía tả và hữu đắp tường dài 75 trượng, cao 4 thước, phía sau thành được đắp phụ thêm dài 12 trượng 2 thước” 54.

Hoành Sơn quan được coi là cửa ải trông ra phía Bắc, hợp với Hải Vân quan trấn giữ địa bàn kinh thành với hai vùng trực kỳ, do vậy, từ khi xây dựng Hoành Sơn quan, chính quyền địa phương ở Quảng Bình đã quản lý và sử dụng nơi đây làm trạm kiểm soát tuyến đường thiên lý từ phía Bắc vào kinh thành và cũng là pháo đài Bắc vọng của triều Nguyễn do Quảng Bình quản lý. Trên đỉnh Hoành Sơn hiện còn dấu tích nền móng nhà bia nơi từng có bút đề do Thiệu Trị trong một chuyến vi hành đến đất này.

Cảm tác với cảnh quan khi đến thăm Hoành Sơn quan, lịch sử nơi biên ải một thời, vua Thiệu Trị đã đề thơ, khắc lưu lại trên một phiến đá đặt trước quan ải 55. Bài thơ mang tiêu đề “Quá Hoành Sơn quan” (Đi qua Hoành Sơn):



Nhất đái niên hoành hạn tiệt san

Uyển duyên khởi phục hải tân gian

Vệ Nam củng Bắc phân nghiêm tấn

Lịch cổ lai kim tác hiểm quan

Tối lũy bất tu bình vãng sự

Trùng loan tín khả nhậm cao phan

Tiếp thiên nham thụ thanh nhi thúy

Bán lĩnh phi vân khứ phục hoàn.

(Nghĩa là: Một dãy núi như dải lụa chắn ngang/ Nhấp nhô trùng điệp, uốn khúc bên bờ biển/ Giữ phương Nam, chầu phương Bắc, phân chia biển rạch ròi/ Các thời đại từ xưa đến nay đặt nơi đây làm cửa quan hiểm trở/ Đồn lũy đã hoang tàn, thôi đừng bàn chuyện xưa nữa/ Núi cao, rừng rậm trùng điệp, rất dáng lên cao để ngắm/ Tận lưng trời cây cối xanh um chen lẫn với lèn đá xanh thẩm, cheo leo cao vút/ nửa chừng núi mây bay đi lại bay về) 56.

Các công trình thành lũy được xây dựng ở Quảng Bình dưới thời nhà Nguyễn “có những phương sách đáng sợ như thế... nhưng sau đó không dùng đến một lần nào cả57.

Song song với việc xây dựng các thiết chế hành chính - quân sự, nhà Nguyễn đã quan tâm phát triển hạ tầng giao thông nhằm đảm bảo cho hoạt động quản lý địa phương của quan lại, việc điều hành binh bị và tăng cường giao thương giữa các khu vực.

Ngay từ khi mới giành được quyền làm chủ đất nước, Gia Long đã nhận thức được vị trí quan trọng của Quảng Bình ở trong vùng đất kề cận kinh thành, lại án ngữ trên điểm hiểm yếu nên nhà Nguyễn đã quan tâm xây dựng và bảo vệ tuyến giao thông huyết mạch đi qua địa bàn này. Nhà Nguyễn quan tâm mở rộng hệ thống giao thông quốc gia (gọi là quan lộ), đặt các dinh trạm để thông tin, liên lạc, cho đào sông, khơi ngòi, đắp đê điều chống lụt, chống hạn, giúp dân phát triển sản xuất.

Gia Long đã cho tu sửa lại đường sá, định lệ sai quan các doanh, các trấn sửa sang đường quan lộ. Bắt dân ở các địa phương đắp đường, làm cầu, cứ 15.000 trượng thì cấp phát cho 10.000 phương gạo và cứ 4.000 trượng phải làm một nhà trạm ở cạnh đường quan lộ để cho khách đi lại nghỉ ngơi.

Gia Long cho xây dựng các con đường từ các phủ lỵ đến các khu vực dân cư và thiết lập các trạm giao thông liên lạc trong vùng. Trên vùng đất Quảng Bình có con đường quan lộ xuyên Việt phía Nam từ trạm đầu địa giới Quảng Trị ra phía Bắc đến cửa ải Hoành Sơn trạm Tinh Thần đầu địa giới giáp Hà Tĩnh, tất cả có 6 trạm, dài 195 dặm. Một con đường nhỏ ven bờ sông Gianh đi qua phủ lỵ Quảng Trạch chạy đến huyện lỵ Minh Hóa, đi bộ mất một ngày rưỡi, rồi từ huyện lỵ đi theo Khe Ve lên biên giới nước Lào. Một tuyến đường biển phía Nam từ tấn Cửa Luật giáp Quảng Trị, đến cửa sông Nhật Lệ dài 123 dặm. Một con đường từ cửa Gianh đến cửa Roòn dài 22 dặm, từ cửa Roòn đến cửa Tấn khẩu giáp Hà Tĩnh 60 dặm, tổng cộng 129 dặm, ghe thuyền đi mất một ngày rưỡi.

Tại phủ Quảng Trạch có nhiều tuyến giao thông nội địa và liên thông với bên ngoài. Trục đường chính (đường quan báo) từ Hoành Sơn qua sông Gianh đến địa giới huyện Lệ Thủy; một đường nhỏ đi từ phủ lỵ lên miền núi, đi bộ quanh co mất khoảng 5 ngày đường; một đường nhỏ từ phủ lỵ theo cửa tấn Hùng Sơn, xuyên núi đi tắt qua khe Nạp đến Kỳ Anh dài khoảng 42 dặm; một đường nhỏ quanh co từ phủ lỵ theo đường đồn Khe Cạn, qua Khe Mộc Miên đến địa giới huyện Kỳ Anh, đi bộ mất hơn một ngày.

Tại phủ Quảng Ninh có một đường giao thông chính là quan lộ từ phủ lỵ đến Quảng Bình quan nối với huyện Bố Trạch, từ phủ lỵ đi sang phía Đông đến bến đò Văn La và từ phủ lỵ đi qua hai trạm Quảng Xá, Quảng Lộc vào Hồ Xá thuộc Quảng Trị 58.

Nhà Nguyễn đặt ở Quảng Bình 6 trạm giao thông, liên lạc để phục vụ khách di chuyển theo tuyến, chuyển tuyến, nghỉ ngơi và đưa nhận thông tin.

Trạm Quảng Lộc ở xã Đặng Lộc, huyện Lệ Thủy, phía Nam là trạm Thừa Lập, phủ Thừa Thiên cách 24 dặm, phía Bắc là trạm Quảng Xá cách 24 dặm.

Trạm Quảng Xá ở xã Thạch Xá, huyện Lệ Thủy, phía Bắc đến trạm Quảng Ninh 35 dặm.

Trạm Quảng Ninh ở xã Phú Ninh, huyện Phong Lộc, phía Bắc đến trạm Quảng Cao cách hơn 32 dặm.

Trạm Quảng Cao ở xã Đông Cao, huyện Bố Trạch, phía Bắc đến trạm Quảng Khê cách 33 dặm.

Trạm Quảng Yên ở xã Minh Lộc, huyện Minh Chính, phía Bắc đến trạm An Thuần, tỉnh Nghệ An cách 32 dặm.

Trạm Tinh Thần ở cuối địa giới huyện Bình Chính, giáp với Hà Tĩnh.

Ngoài chức năng là một trạm dừng chân của khách bộ hành, một số trạm còn là căn cứ quân sự (trạm binh) có lính trạm canh giữ như trạm Quảng Lộc ở Lệ Thủy có đến 100 lính và mỗi trạm được cấp 3 con ngựa 59. Các tuyến trạm đi qua thành Quảng Bình phải qua 3 cửa Võ Thắng quan, Thủ Ngự môn qua cửa Nhật Lệ và Quảng Bình quan.



Theo sách “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn thì hành trình từ Đàng Ngoài vào Đàng Trong, vượt núi Hoành Sơn,... đến làng Lũ Đăng thì tới sông Gianh... đến xã Thanh Hà, châu Nam Bố Chính, theo bờ biển đi qua chân núi Lệ Đệ, đến xã Lý Hòa, qua cầu Lý Hòa 138 gian đến thôn Thuận Cô, lại đến đường lớn chợ Đón, đó là đường giữa. Đường thượng thì đi từ Cao Lao vào... Đường dưới thì đi từ Lý Hòa vào, đều hợp ở đây, tiếp tục đi qua các xã đến trước chùa Phúc Tự mà vào. Nếu sang sông Động Hải để vào huyện Khang Lộc, Lệ Thủy, thì một đường cái đi mãi về phía tả, đồng bằng rộng rãi. Nếu không sang sông Động Hải mà đi về phía hữu (tức là theo đường thượng) một vài dặm, đến núi Ông Hồi, qua Trường Dục để đi dinh Trạm...60 Theo hành trình này, muốn vào lỵ sở Quảng Bình phải đi theo con đường thiên Lý hoặc thượng đạo, vào cửa Võ Thắng, qua kiểm soát tại “Quảng Bình quan” rồi mới rẽ ra phía Bắc để vào cửa Nam của thành, hoặc từ phía Bắc theo đường thiên lý qua cửa Thủ Ngự kiểm soát để vào thành từ cửa Bắc hoặc cửa Đông 61.

Về hạ tầng giao thông công chính, ngoài công trình cầu Quảng Bình được nhà Nguyễn cho xây dựng trong tổng thể thiết chế hạ tầng tỉnh lỵ Quảng Bình, nhà Nguyễn còn cho xây dựng và sửa chữa hàng loạt cầu cống khắp các địa phương trong tỉnh. Theo “Đại Nam nhất thống chí”, toàn tỉnh có 24 cầu, 14 cống hình bán nguyệt, 3 cống 3 cửa 4 cống hai cửa, 4 cống nằng và 87 cống đơn. Cầu Lý Hòa ở huyện Bố Chính (Bố Trạch) dài 62 trượng được xây dựng từ thời Gia Long (1811), năm Minh Mạng thứ 14 (1833) có tu sửa lại. Các nơi chưa bắc cầu được đều có bến đò như bến đò Di Luân (Roòn), Linh Giang (sông Gianh), Hà Cừ ở Phong Lộc (nay là Bảo Ninh, Đồng Hới), Yên Thạch ở Lệ Thủy,…

Cùng với hệ thống giao thông đường bộ, các vua đầu triều Nguyễn đã cho nạo vét các sông ngòi, vừa kết hợp phát triển giao thông, vừa khai thác lợi thế nguồn nước để xây dựng các công trình tưới tiêu, chống hạn úng, kết hợp vận chuyển nguyên vật liệu, sản phẩm, tăng cường giao thương giữa các vùng.

Có thể nói, sau khi giành được quyền làm chủ giang sơn, thống nhất đất nước, nhà Nguyễn, đặc biệt là các vua đầu triều đã có công rất lớn trong việc điều chỉnh lại hệ thống hành chính địa phương phù hợp với điều kiện địa lý, đặc điểm kinh tế, xã hội, sắc thái văn hóa, đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, tạo thuận lợi cơ bản để thúc đẩy phát triển kinh tế, cải thiện đời sống xã hội.




tải về 0.54 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương