Chương 10 quảng bình dưỚi triều nguyễN (Từ năm 1802 đến năm 1885)


Về giáo dục, học hành và khoa bảng 100



tải về 0.54 Mb.
trang4/7
Chuyển đổi dữ liệu31.07.2016
Kích0.54 Mb.
#11547
1   2   3   4   5   6   7

Về giáo dục, học hành và khoa bảng 100

Thời nhà Nguyễn lấy Nho giáo làm nền tảng tư tưởng quân chủ nên rất chú trọng phát triển giáo dục, khuyến khích học hành và tiến thân bằng con đường khoa bảng. Cũng như các triều đại phong kiến trước đây, luật pháp của vương triều Nguyễn và phong tục xã hội dưới thời nhà Nguyễn không cấm đoán người bình dân tham gia hoạn lộ. Cơ hội nắm giữ những chức quyền cao trong xã hội đều có thể mở ra cho mọi người qua con đường khoa cử. Nhà nước quân chủ dành cho người có tài, có học được công nhận qua các khoa thi để biết chắc đó là những người có hiểu biết vững vàng về giáo lý và thế thái nhân tình (qua văn chương), hội đủ tiêu chuẩn làm tròn nhiệm vụ của một quan lại của triều đình.

Khi Gia Long lên ngôi, “thời bấy giờ nhờ có võ công mới dựng nên cơ nghiệp, cho nên lúc ấy các quan đầu triều đều là quan Ngũ quân đô thống và quan Tổng trấn Nam Bắc hai thành đều là quan võ cả”,101 trong khi, thời thái bình thịnh trị lại cần quan văn để quản lý, xây dựng chính quyền, trông coi việc phát triển kinh tế, xã hội. Vì thế, vừa mới lên ngôi, Gia Long đã cho di dời Quốc Tử giám từ Thăng Long vào Phú Xuân để làm nòng cốt cho việc học hành, khoa bảng trong nước, chiêu nạp con cái quan lại và học trò ở các địa phương vào học: “Xét trong hạt không cứ con em thổ quan hay con em nhà dân, cũng không cứ học đủ văn thể ba trường, ai là người tuấn tú, thông minh, chọn ra đưa vào kinh giao quan Quốc Tử giám dạy cho học tập102. Năm Đinh Mão (1807), Gia Long xuống chiếu ghi rõ “nước nhà muốn tìm người tài tất phải do khoa cử, khoa cử trong các đời trước, đời nào vũng có tổ chức. Trước đây vì ngụy Tây trộm nước nên phép xưa bị phế bỏ, sĩ khí đều mất. Nay thiên hạ đã yên, Nam Bắc thống nhất, đúng là lúc khôi phục, mở mang chính trị giáo hóa103. Thời Gia Long chỉ tổ chức thi Hương đầu tiên vào năm 1807, chia làm 4 kỳ (gọi là trường), trường nhất thi Kinh nghĩa, trường nhì thi Chế (Tứ lục), trường ba thi thi Phú (thơ Đường), trường bốn thi Văn sách, ai đỗ tam trường gọi là Sinh đồ, ai đỗ tứ trường gọi là Hương cống, nay đổi Sinh đồ là Tú tài, sinh cống gọi là Cử nhân.

Năm Mậu Thìn (1808), Gia Long định tổ chức thi Hội nhưng bất thành, đến năm Minh Mạng thứ 3, Nhâm Ngọ (1822), Thánh tổ mới cho tổ chức thi Hội, thi Đình để lấy Tiến sĩ, đến năm Minh Mạng thứ 10 (1829) lại lấy thêm Phó bảng. Trước đây cứ 6 năm mới có một khoa thi, đến năm Minh Mạng thứ 13 (1832) mới định lệ cứ 3 năm mở một khoa thi Hương vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu thi Hội và thi Đình vào các năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi 104.

Chính sách tuyển mộ quan lại, tìm người tài ra làm việc nước đã kích thích tinh thần hiếu học của nhân dân. Để đáp ứng nhu cầu đó, năm 1807, Gia Long ban hành chỉ dụ về lập các trường học, khẳng định rằng “Học hiệu là nơi chứa nhân tài tất phải giáo dục có căn bản thì mới có thể thành tài. Trẫm muốn bắt chước người xưa, đặt nhà học, nuôi học trò, ngõ hầu văn phong dấy lên, hiền tài đều nổi để cho nhà nước dùng105. Các vua triều Nguyễn kế vị đã cho mở rộng hệ thống trường công, khuyến khích các làng xã mời thầy mở trường tư để đảm bảo nhu cầu học tập trong nhân dân. Ở các phủ, huyện đều có trường học, nhằm dạy dỗ, rèn luyện cho học trò đạt được trình độ đi thi Hương. Năm Canh Thìn, niên hiệu Minh Mạng năm thứ 1 (1820), tháng 7: “Đặt nhà học ở dinh, trấn, châu, huyện, chọn những bậc lão sư, túc nho làm trợ giáo. Phàm học trò trước hết phải đến châu, huyện học tập, trợ giáo phải xét tài năng, khí độ mà dạy. Khi đã khơi thông kinh sách và biết làm văn thì cho đến dinh, trấn để Đốc học giảng dạy106. Để trông coi việc học, triều Nguyễn đặt ra các chức học quan chuyên trách về việc học tập ở các địa phương như quan Đốc học. Trông coi việc giáo dục thi cử ở tỉnh lớn thường có học vị Tiến sĩ, Huấn đạo, Giáo thụ. Trông coi việc học hành thi cử ở một phủ, huyện, châu thường là Cử nhân và Tú tài. Năm 1803, Gia Long xuống chỉ: “Đặt chức Đốc học khắp các trấn, trợ giáo đều một viên để luyện tập học trò107. Năm 1822, vua Minh Mạng bỏ chức Đốc học các dinh, trấn, đặt chức Giáo thụ ở cấp phủ hàm chánh thất phẩm, giúp việc có 4 thuộc viên; chức Huấn đạo ở huyện làm chánh bát phẩm có 3 thuộc viên. Vua Minh Mạng biết việc học và thi cử ở nước ta là chỉ học theo lối “câu nệ, hủ sáo, khoe khoang lẫn nhau, biệt lập mỗi nhà mỗi lối… học như thế thì trách nào nhân tài mỗi ngày một kém đi”, nhưng xét vì định lệ thi học hành, thi cử đã có từ các tiền triều, “thói quen lâu ngày khó bỏ”,108 rất muốn thay cái lệ ấy đi mà không làm được nên việc thi cử vẫn giữ nguyên như cũ nhưng việc học thì có chấn chỉnh lại. Đầu tiên, nhà nước chú trọng việc định lệ để nâng cao chất lượng người thầy. Đối với giáo viên hương thôn, nhà nước xét chọn và cấp bằng để giảng tập. Mỗi tổng chọn 2 đến 3 người có học lực khá, tuổi từ 50 trở lên, làm đơn trình huyện, phủ và trấn xem xét kỹ lưỡng và cấp bằng để dạy bậc sơ học ở các xã, thôn, phường.

Từ năm 1824, để nâng cao trình độ giáo chức, vua Minh Mạng thường xuyên tổ chức sát hạch đội ngũ này để sàng lọc, thuyên chuyển hoặc cho nghỉ. Minh Mạng thứ 6 (1825), định rằng: “Thi hạch xong xét sỉ số nhiều hay ít để phân biệt học quan tốt hay xấu109.

Như vậy, với việc đặt ra những chức quan phụ trách việc giáo dục cùng những chính sách thưởng phạt nghiêm khắc đủ để thấy được đến đây nền giáo dục triều Nguyễn đã đi vào thế ổn định. Dưới triều Nguyễn có một đội ngũ giáo chức hùng mạnh năng lực và loại bỏ được những cá nhân yếu kém. Cũng giống như các triều đại khác, dưới triều Nguyễn phụ nữ bị xếp ngang với trẻ con, coi là trí óc non nớt, không được bàn đến việc quốc gia đại sự nên việc thi cử chỉ dành riêng cho nam giới, nữ giới thường được học đến 13, 14 tuổi thì phải chuyển sang học nữ công.

Chính sách mở mang trường công để đào tạo nguồn nhân lực đã làm cho hệ thống trường công dưới triều Nguyễn phát triển rất mạnh mẽ. Đến cuối thế kỉ thứ XIX, cả nước có 31 tỉnh thành nhưng đã có tới 158 trường công ở các phủ và huyện, châu110. Trường công ở Quảng Bình vốn đã có từ thời Lê nhưng số lượng không đáng kể, đến thời nhà Nguyễn thì trường công ở Quảng Bình mới thành hệ thống quy cũ.

Sách “Đại Nam nhất thống chí” cho biết khu vực lỵ sở Quảng Bình có trường công ở “địa phận hai phường Kiêm Bính và Cảnh Dương về phía Đông tỉnh thành, trước ở địa phận xã Phú Ninh về phía Tây Bắc tỉnh thành, dựng từ năm Minh Mạng thứ 8; đến năm Tự Đức thức 5 dời đến chỗ hiện nay” 111.

Ở phủ Quảng Ninh, trước đời Tự Đức, trường ở xã Trung Trinh (phía Đông phủ lỵ). Đời Minh Mạng thứ 8 (1827) đến Minh Mạng thứ 21 (1840), bỏ trường phủ ở Trung Trinh chỉ để trường huyện, “năm Tự Đức thứ 4 bỏ trường huyện lại đặt trường phủ, bèn dỡ lấy vật liệu đem dựng trường phủ ở đây”. huyện Lệ Thủy chỉ có một trường ở xã Cổ Liễu, về phía Đông huyện lỵ, được xây dựng từ năm Minh Mạng thứ 8 (1827). Trường học huyện Bố Trạch ở địa phận xã Mỹ Lộc, phía Nam huyện lỵ, dựng từ năm Minh Mạng thứ 8 (1827). Trường học phủ Quảng Trạch ở xã Phan Long, về phía tả phủ lỵ, trước là trường học của huyện Bình Chính, năm Minh Mạng thứ 18 (1837) đặt lỵ sở của phủ Quảng Trạch ở đây nên chuyển thành trường phủ.

Cơ sở trường lớp ban đầu rất đơn sơ, làm bằng lá, gồm một gian hai chái, nhưng dưới thời vua Minh Mạng trường được xây dựng theo quy thức ba gian hai chái. “Nhà học ở phủ huyện gồm một tòa giảng đường 3 gian 2 chái, lòng nhà dọc ngang đều 6 thước, 4 tấc, cột cái cao 10 thước, 5 tấc, 1 tòa nhà vuông 1 gian hai chái, lòng nhà dọc ngang đều 7 thước, cột cái cao 10 thước, 5 tấc. Nhà học ở huyện gồm một tòa 3 gian 2 chái, dài 3 trượng, 9 thước, rộng 2 trượng, 6 thước, 4 tấc, cột cái cao 10 thước, 5 tấc, không có nhà vuông”112. Từ thời vua Thiệu Trị trở đi cho phép xây dựng bằng gạch ngói theo quy thức 3 gian, 2 chái, kinh phí do triều đình cấp. Mặc dù có định lệ như vậy nhưng do điều kiện kinh tế thời bấy giờ mà hệ thống trường công ở Quảng Bình không có nơi nào được xây dựng khang trang theo quy thức. Trong trường công cũng chỉ có một số ít học sinh trường công thuộc gia đình khá giã, còn lại phần lớn là nhà nghèo nhưng nhờ hiếu học và nhờ chăm chỉ học hành mà thành đạt.

Song song với hệ thống các trường công, nhà Nguyễn cho phép các làng xã chọn các ông đồ trong làng xã hoặc mời các các nho sĩ không làm quan mở trường tư dạy học. Bất cứ người nào có học lực kha khá đều có thể mở trường tư thục để dạy học. Mỗi làng có vài ba lớp tư thục, hoặc ở nhà thầy, hoặc ở nhà những người giàu có nuôi thầy cho con học và cho con các nhà lân cận đến học. Một số làng đưa việc học vào hương ước, khuyến cáo con em mọi gia đình cố gắng học hành. Hương ước làng Cổ Hiền (nay thuộc xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh) quy định “thanh niên đến 18 tuổi được hưởng phần ruộng quân cấp của làng, mà không biết chữ mặc dù là con cái ai cũng phải đi làm xâu, phục dịch cho ban hương chức trong làng xã. Ai có đi học tối thiểu cũng phải đọc được những thông báo thông thường mới được nhận là học sinh và được hưởng miễn lệ làm xâu…”113. Chính từ chính sách mở mang học hành khoa cử của triều đình nhà Nguyễn và sự quan tâm của làng xã đã làm cho việc học ở Quảng Bình dưới thời nhà Nguyễn khá phát triển.

Về hệ thống trường tư ở Quảng Bình, căn cứ lời tựa đề của Dương Văn An trong sách “Ô châu cận lục” viết vào giữa thế kỉ XVI: “Tôi sinh ra và lớn lên ở xứ này, theo đòi nghiệp học, thấm nhuần giáo hóa, kể đã nhiều năm…”114 cho thấy trường tư ở Quảng Bình có từ rất lâu đời. Cho đến nay, thư tịch mới chỉ ghi nhận người Quảng Bình đỗ đạt sớm nhất là nho sinh Trương Xán, người làng Hoành Bồ, huyện Hoành Sơn (Bố Chính) dưới thời vua Trần Thái Tông năm 1256, chí ít cũng đã tám thế kỉ. Tuy nhiên, phải đến cuối triều Lê, cùng với các cuộc di dân theo từng làng, từng dòng họ ở miền Bắc vào Quảng Bình và sự phát triển của khoa cử dưới triều Nguyễn, trường tư mới bắt đầu phát triển mạnh.

Cũng như ở các địa phương khác trong cả nước, hệ thống trường tư ở Quảng Bình được chia làm hai loại, một là trường làng, hai là lớp học của gia sư. Trường làng do Hội đồng hào lý làng xã định lệ và quản lý, dạy học cho con em trong làng không phân biệt giàu, nghèo, địa vị xã hội. Mỗi năm làng lấy từ tiền thuế ruộng trích chi cho việc lo ăn ở và phí học cho thầy, cũng chỉ vừa đủ cho thầy sinh hoạt. Học trò chỉ đóng một ít tiền cho thầy, gia đình nào không có tiền thì đóng thóc tùy theo khả năng của từng gia đình mà đóng thầy không bắt buộc. Những dịp tết phụ huynh thường đi lễ vật cho thầy. Thầy nhất định không nhận lễ vật của học trò nghèo. Trường (hay lớp) của gia sư do các gia đình hay một nhóm nhỏ gia đình tự tổ chức và mời thầy về dạy học cho con em mình, thường phải là những gia đình khá giả mới mời gia sư về mở lớp. Các gia đình tự lo chi phí sinh hoạt cho thầy. Cũng như trường làng, hầu hết gia sư cũng đều có phẩm chất thanh cao, dạy học tận tụy, nhiệt tình và trách nhiệm nhưng cuộc sống thì đạm bạc.

Trong khi điều kiện kinh tế của người dân Quảng Bình dưới thời nhà Nguyễn cũng rất khó khăn nhưng các bậc phụ huynh vẫn cố gắng cho con em mình đi học không phải chỉ để làm quan mà mong muốn dạy con về đạo hiếu, đạo làm người. “Lấy đạo lý cái nếp gia phong mà răn dạy con cháu, giáo dục con cháu, phải lấy đạo hiếu làm trọng. Ngoài chữ hiếu thông thường mọi người hiểu là phụng dưỡng cha mẹ, lại cần phải cần cù lao động, tiết kiệm, siêng năng, học hành trau dồi đức hạnh, khiêm tốn không kiêu căng có lòng từ thiện, bác ái giữ nếp sống thanh bạch”115.

Những làng có điều kiện kinh tế phát đạt rất chăm lo việc đào tạo cho con em của họ. Hàng năm, cứ vào dịp đầu xuân, sau lễ hạ nêu (mồng 7 tết), một số làng lại tổ chức thi thố văn thơ, chữ nghĩa cho hạng ấu học, có mờ thầy giỏi làm chủ khảo mục đích làm quen với việc thi cử để sau này ứng thí vào các kỳ thi Hương, thi Hội.

Trong điều kiện kinh tế có khó khăn, phần lớn các làng đều tận dụng khuôn viên của các thiết chế văn hóa, tín ngưỡng trong làng như đình làng, đền chùa để làm nơi học hành, dạy dỗ. Học trò cũng không quản ngại khó khăn, tìm mọi cách để học. Đơn cử như ở làng Lộc Điền cho biết vào đời vua Minh Mạng thứ 19 (1828), người Phường Thượng mới mua được mảnh đất tư thổ của người trên bờ rồi cả ba phường cùng nhau góp sức, góp của xây nên một ngôi đình làng, vừa làm nơi thờ thành hoàng, thần linh, vừa làm nơi giảng văn sách cho con em học tập 116.

Hiện nay, vẫn chưa có tài liệu nào thống kê về số lượng học sinh Quảng Bình trong giai đoạn này nhưng qua đội ngũ giáo viên cơ sở trường lớp và tình hình đỗ đạt của học sinh thời bấy giờ có thể thấy được dưới thời phong kiến học sinh Quảng Bình đi học rất đông.

Dưới chế độ phong kiến nói chung, triều Nguyễn nói riêng, người đỗ đạt không được bổ làm quan lại ở tại chính quán (để tránh bản vị trong hành xử việc quan) nên hầu hết quan lại cũng như thầy giáo trường công ở Quảng Bình là những người đỗ đạt từ các tỉnh khác được triều đình điều bổ về lo việc giáo dục trên địa bàn (Đốc học, Huấn đạo và Tổng giáo). Trong khi đó, người Quảng Bình đỗ đạt ra làm quan đều được giữ lại làm việc ở trường Quốc Tử giám, hoặc dạy cho hoàng thân, quốc thích ở trong cung hoặc được triều đình cử đi làm giáo chức ở các địa phương khác trong nước.

Thầy Nguyễn Đăng Tuân là một trong số người mở đầu sự nghiệp cũng từ làm thầy và kết thúc sự nghiệp cũng từ làm thầy như vậy. Dưới thời vua Gia Long, Nguyễn Đăng Tuân được cử vào viện Hàn lâm, sung chức Tư giảng ở công phủ, lại đổi làm Thị giảng ở cung Chấn Hanh. Năm Minh Mạng thứ nhất (1820), ông được bổ làm Thiêm sự ở bộ Lễ; năm Minh Mạng thứ 8 (1827), thăng bổ làm Hộ tào Bắc Thành, rồi chuyển sang Bình tào, vào làm Hữu Tham tri bộ Lễ. Năm thứ 11, vua sai quan sửa chữa luật lệ, ông được cử làm phó Tổng tài; năm sau (1831), về hưu với Tham tri bộ Lễ; đến năm thứ 16 (1835), vua lại cử ông vào kinh dạy hoàng tử học, một lòng tin tưởng vào sự giáo dục các hoàng tử cho ông. Thầy Nguyễn Duy Cần (sau đổi tên là Huân), người làng Lý Hòa, huyện Bố Trạch, đậu Tiến sĩ dưới thời vua Thiệu Trị năm thứ 2 (1842), được triều đình chọn vào chức Giáo tập Tôn Học Đường, là một trường học chuyên dạy con vua, lại được cử sung cả chức Tế tửu Quốc Tử giám;117 con ông là cụ Nguyễn Duy Miễn cũng làm Tế tửu Quốc Tử giám, sau về hưu, chuyên dạy học. Thầy Nguyễn Đăng Đạo người làng Kiêm Bính, tổng Võ Xá, phủ Quảng Ninh (nay thuộc khu phố Hải Đình, thành phố Đồng Hới), sinh ra trong một gia đình nhiều đời cha con thi đỗ đồng khoa, nhiều đời là công thần nhà Lê, dạy ở trường Quốc Tử giám. Thầy Bùi Bá Đốc, người làng Di Luân, huyện Quảng Trạch, “được phong tặng Thị tộc, sau lại phong tặng Thị giảng học sĩ”118. Thầy Nguyễn Trường Tiến, chánh quán xã Phan Xá, huyện Phong Đăng, Quảng Bình (nay là làng Phan Xá, xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy) đậu Phó bảng khoa Đinh Sửu, Tự Đức thứ 30 (1877), làm quan Tư nghiệp, đổi bổ chức Đốc học. Thầy giáo Lê Văn Hy, người làng Lộc An, huyện Lệ Thủy, làm quan đến Tư nghiệp Quốc Tử giám, phụ dạy hoàng tử, ông viết trong lời bạt gia phả dòng họ Lê Văn (làng Lộc An) rằng: “… Trải qua nhiều đời, họ ta sinh sôi, dần dần phồn thịnh, có phân ra các phái: Lê Công… Lê Gia… Lê Hữu… và Lê Văn… Tổ tiên xưa đức nghiệp, nay nghe truyền lại, điều được điều mất… không tra khảo được. Nhưng nói chung, đều lấy đức, nghĩa làm nền tảng. Cho nên con cháu không được tha hóa, không ai không dùng điều thiện để giáo dục119. Con trưởng Lê Văn Hy là Lê Văn Nguyên, bạn học với vua Tự Đức hồi còn nhỏ, nên được vua đặt tên cho là Lê Văn Duyên.

Dưới triều Nguyễn, có những người Quảng Bình trong đạo làm thầy đã tỏ rõ phẩm giá “đạo cao, đức trọng, đa văn, quảng kiến” khiến triều đình tin cẩn và nể trọng đến mức lấy sự nghiệp của họ làm mẫu mực cho việc giáo thụ ở triều đình. Đó là trường hợp thầy Ngô Đình Giới, người huyện Phong Đăng (nay là Lệ Thủy), năm Gia Long thứ 16 (1817) được sung chức Tư giảng, giáo đạo các hoàng tử; năm Minh Mạng thứ 1 (1820), bổ làm Cần chính điện học sĩ; năm Minh Mạng thứ 2 (1821), lại lấy chức ấy sung làm Giáo đạo, gọi là Ngô Tiên Sinh, khi mất truy thọ Binh bộ Thượng thư.

Nhiều người Quảng Bình sau khi đỗ đạt theo lệ của triều đình, đã được bổ dụng đi làm các chức quan giáo dục ở các tỉnh khác. Trong số đó có những thầy nổi tiếng như thầy Nguyễn Thúc Khẩn, người làng Võ Xá xưa thuộc huyện Phong Lộc, nay thuộc xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, đỗ Cử nhân năm 1892, làm Đốc học Khánh Hòa. Thầy giáo Nguyễn Duy Tích, sinh năm Kỷ Mão (1879), tự Lập Chi, hiệu Hòa Giang, đậu Tiến sĩ năm Tân Sửu, đời vua Thành Thái thứ 13 (1901), lúc mới 23 tuổi, từng giữ chức Tri phủ, Đốc giáo Bố Chánh, sau về kinh thành làm Tham tri bộ Binh, khi mất được truy thọ Lễ bộ Thượng thư lúc ông mới 42 tuổi. Thầy Nguyễn Quốc Uyên (thân sinh là cụ Nguyễn Quốc Hoan), người làng Lộc Điền, huyện Bình Chánh (nay là xã Quảng Thanh, huyện Quảng Trạch), thi đậu Cử nhân cùng khoa với anh trai là Nguyễn Quốc Thành, người ta gọi là “huynh đệ đồng khoa” (anh em cùng đậu một khoa), nhưng vì phải ở nhà phụng dưỡng ông nội nên không thi tiếp và cũng không ra làm quan, mãi đến khi ông Hoan mất, ông Nguyễn Quốc Uyên mới đi làm giáo chức ở huyện Nam Chân.

Bên cạnh những thầy giáo trường công do nhà nước bổ dụng thì có những người thầy, sau khi làm quan trở về quê tự mở lớp dạy học cho con em mình, trở thành thầy giáo trường tư ở quê nhà như thầy Lê Văn Điển, người làng Lộc An, huyện Lệ Thủy, là con trai út ông Tư nghiệp Quốc Tử giám Lê Văn Hy, thường được nhân dân gọi là ông huyện Lê vì ông có thời làm tri huyện. Thầy Trần Tiến Ích người làng Thổ Ngọa (huyện Quảng Trạch ngày nay), là một nhà nho hay chữ nhất vùng, thi đậu Cử nhân năm Kỷ Mão, niên hiệu Tự Đức thứ 32 (1879), người trong làng thường gọi thầy là cụ nho Ích, hay cụ đầu xứ Ích và thủ khoa Ích, thầy cáo quan, về làng mở trường đào tạo nhân tài. Võ Ninh cũng là nơi có nhiều người trưởng thành nhờ học hành khoa cử và lập nên sự nghiệp như Lê Sĩ, sau này là Thống tướng phủ Đô thống, Phạm Sĩ phụng sự 4 đời vua đầu triều Nguyễn được ban hàm Lãnh binh, trông coi nhiều xứ ở Nam Kỳ. Thầy Nguyễn Văn Tịnh người làng Võ Xá, nay là xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, đỗ Cử nhân năm Tân Sửu, niên hiệu vua Thiệu Trị thứ nhất (1841), được bổ làm Tri huyện, sau về làng mở trường dạy học.

Không chỉ các cụ đồ lỡ đường công danh về làng mở trường tư mà nhiều quan viên ưu thời, mẫn thế cũng về an trí mở trường dạy học giáo hóa cho dân. “Đỗ Đức Huy là người thông minh đặc biệt, chuyên việc học thành đạt, ứng thi khoa Bính Tý (1756), đậu Sinh đồ, bèn mở trường học rộng rãi trước văn miếu của xã ta, dạy sinh đồ. Người đến học nhiều người thành đạt. Về sau có người đậu đến Hương cống120. Ở Quảng Bình không ít người học chỉ mong muốn thi đỗ học vị cao để không thua bạn bè, đồng môn, không phụ lòng gia đình, dòng họ nhưng không ra làm quan mà lại lui về quê dạy học, lấy nghề gõ đầu trẻ làm nghiệp, coi đó là thiêng liêng, mong muốn truyền đạt kiến thức cho đời sau. Trong số những người đó có thầy giáo Nguyễn Thúc Úy, người làng Võ Xá, nay thuộc Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, thi đỗ Cử nhân năm Tân Mão, niên hiệu vua Thành Thái thứ 3 (1891), nhưng không ra làm quan mà về quê mở trường dạy học, học trò theo học rất đông. Có nhiều gia đình ba đời cha truyền con, con truyền cháu nối tiếp nhau làm nghề dạy học như gia đình cụ Lê Văn Quy ở làng Cổ Hiền, nay thuộc xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, không đi thi để lấy bằng cấp mà chuyên dạy học, học trò nhiều người đỗ đạt. Con cụ là Lê Văn Sính, cháu cụ Lê Duy Hàn đều đậu đầu trường, cũng chẳng ra làm quan về nhà nối nghiệp dạy học, duy trì trường ốc của ông cha lập ra. Học trò của các thầy rất đông, các làng xã xung quanh làng Cổ Hiền cũng có nhiều người tìm đến thụ giáo và có rất nhiều người thành đạt. Cũng có những gia đình có truyền thống truyền dạy trong chính dòng tộc, cha dạy con, ông dạy cháu mà tất cả đều đỗ đạt cao. Dòng họ Nguyễn Duy ở làng Lý Hòa, huyện Bố Trạch, nay là xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, chỉ trong nội thân truyền dạy cho nhau mà từ khi mở khoa thi đầu tiên năm Minh Mạng thứ 3 (1822) cho đến khoa thi cuối cùng 1919, đã có tới 5 vị đỗ đại khoa. Gia phả dòng họ Nguyễn Duy ở làng Lý Hòa ghi nhận “Đời thứ 5 có ông Nguyễn Khâm (con cố Luật), ngài làm thầy thuốc bắc,... được mời vào triều làm thuốc, chữa bệnh và dạy học, do có nhiều tài đức nên khi chết được truy tặng Thị giảng Y học sĩ. Ông sinh hai người con trai là Nguyễn Duy Cần và Nguyễn Duy Đức. Nguyễn Duy Cần là người mở đầu cho thi cử đỗ đạt vinh hiển cho dòng họ mình, là Tiến sĩ đầu của dòng họ, là cha của nhiều Cử nhân, là ông của 4 Tiến sĩ”121. Con cụ Nguyễn Duy Cần là cụ Nguyễn Duy Miễn đậu Cử nhân năm Mậu Dần, đời vua Tự Đức thứ 31 (1878), làm Tế tửu trường Quốc Tử giám như cụ thân sinh, nhưng sau cáo lão xin về hưu chuyên dạy con học.

Cùng với việc đẩy mạnh việc xây dựng trường lớp, tổ chức cho con em trong tỉnh học hành, quan lại và nhân dân các địa phương trong tỉnh khuyến khích các thế hệ nho sinh tham gia các khoa thi do nhà Nguyễn mở nhằm mục đích kén chọn người tài cho đất nước.

Dưới thời Nguyễn, mãi đến khoa Mậu Tuất, Minh Mạng thứ 19 (1838), Quảng Bình mới có 3 vị đỗ đại khoa. Ông Nguyễn Cửu Trường, huyện Lệ Thủy thi đậu Hoàng Giáp, được bổ chức “Cơ Mật viện hành tẩu”; Ông Phạm Chân người làng Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, đỗ Tiến sĩ, được bổ Nội các thừa chỉ, sau bổ làm Tri phủ, thăng chức Lang trung; Ông Tạ Kim Vực, người làng La Hà, huyện Quảng Trạch đỗ Phó bảng năm 34 tuổi, được sử dụng vào chức Bố chánh Hải Dương.

Năm Tân Sửu, niên hiệu Thiệu Trị năm thứ nhất (1841), mở đại khoa, lấy đỗ 11 học vị tiến sĩ, 4 học vị phó bảng, trong đó Quảng Bình đỗ 1 tiến sĩ, 1 phó bảng. Hồ Văn Trị đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Ông được bổ dụng vào chức Tri phủ. Phạm Xuân Quế đỗ Phó bảng, được bổ dụng vào chức Lang trung, giữ chức Sử quán, Toản tu.

Năm Nhâm Dần, Thiệu Trị năm thứ 2 (1842), mở đại khoa, lấy đỗ 13 vị tiến sĩ, 6 vị phó bảng, trong đó Quảng Bình đỗ 2 tiến sĩ. Ngô Khắc Kiệm được bổ vào chức Án sát. Nguyễn Duy Cần được bổ vào chức giáo tập Tôn Học Đường, phủ Tôn Nhơn, sau làm chức Tế tửu Quốc Tử giám.

Năm Quý Mão, Thiệu Trị năm thứ 3 (1843), mở ân khoa, lấy đỗ 7 tiến sĩ và 2 phó bảng, trong đó Quảng Bình đỗ 1 tiến sĩ, 1 phó bảng. Đặng Văn Thái đỗ Phó bảng được bổ làm chức Đồng Tri phủ. Nguyễn Dương Huy làm quan tới chức Án sát.

Năm Mậu Thân, Tự Đức năm thứ nhất (1848), mở ân khoa, lấy đỗ 8 tiến sĩ, 14 phó bảng. Quảng Bình đỗ 4 người, trong đó có 3 tiến sĩ, 1 phó bảng. Nguyễn Đăng Hành sau khi đỗ Tiến sĩ được bổ vào Tập Hiền viện Biên tu rồi tăng lên Thị Độc lĩnh Án sát tỉnh Quảng Ngãi. Võ Xuân Xán được bổ vào các chức như Thái thường tự Hiếu Khanh, Tham biện các vụ. Lê Hữu Đệ được bổ vào các chức Ngự sử. Trần Ngọc Diêu đỗ Phó bảng, làm chức Đồng Tri phủ.

Năm Kỷ Dậu, Tự Đức năm thứ 2 (1849), mở đại khoa, lấy đỗ 12 tiến sĩ, 12 phó bảng. Quảng Bình đỗ 1 tiến sĩ. Nguyễn Phùng Dực đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, làm chức Đốc học Vĩnh Long.

Năm Tân Hợi, Tự Đức năm thứ 4 (1851), mở đại khoa, lấy đỗ 10 tiến sĩ và phó bảng, trong đó Quảng Bình đỗ 3 tiến sĩ. Nguyễn Quốc Thành bổ vào chức Tri phủ Ứng Hòa. Trần Văn Hệ bổ vào chức Tri huyện, làm Hàn lâm viện Biên tu, Thăng Tập Hiền viện Thị độc, lãnh chức Nội các Thị độc, Thị giảng học sĩ, Tham biện Nội các sư vụ, Bố chánh Hà Nội, Thương biện tỉnh vụ Quảng Bình. Phạm Nhật Tân bổ vào chức Chưởng ân.

Năm Quý Sửu, Tự Đức năm thứ 6 (1853), mở đại khoa, lấy đỗ 7 tiến sĩ, 6 phó bảng. Quảng Bình đỗ 2 vị phó bảng. Lưu Văn Bình bổ chức Tri phủ, Hình bộ, Viên Ngoại lang. Trần Doãn Thăng bổ chức Án sát Bình Thuận.

Năm Nhâm Tuất, niên hiệu Tự Đức năm thứ 15 (1862) mở đại khoa, lấy đỗ 6 tiến sĩ, 5 phó bảng. Quảng Bình đỗ 1 tiến sĩ. Trần Văn Chuẩn bổ vào các chức như: Tập Hiền viện Biên tu, Tri phủ Thái Bình, Án sát Thanh Hóa, Phó sứ đi sang nhà Thanh (Trung Quốc), Thị độc Học sĩ, Tham biện Nội các sư vụ, chức Khâm phái đi kiểm xét tình hình Quảng Bình, Tuần phủ Hưng Yên, Tham tán Quân vụ Ninh - Thái - Lạng - Bằng.



tải về 0.54 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương