Chương 10 quảng bình dưỚi triều nguyễN (Từ năm 1802 đến năm 1885)



tải về 0.54 Mb.
trang1/7
Chuyển đổi dữ liệu31.07.2016
Kích0.54 Mb.
#11547
  1   2   3   4   5   6   7
Chương 10

QUẢNG BÌNH DƯỚI TRIỀU NGUYỄN

(Từ năm 1802 đến năm 1885)

10.1. Triều Nguyễn ra đời và việc thiết lập hệ thống chính trị - hành chính ở Quảng Bình

Sau khi Quang Trung Nguyễn Huệ qua đời, triều đình Tây Sơn bất hòa, phân chia đất nước để cai quản, triều thần nhiễu loạn, Nguyễn Ánh lại có cơ hội khôi phục lực lượng để tiếp tục giành lại quyền làm chủ phía Nam. Được sự giúp đỡ của nước Xiêm và nước Pháp, Nguyễn Ánh tập hợp lực lượng tấn công Gia Định, lấy lại vùng Nam Bộ. Tháng 5 năm Tân Dậu (6/1801), lợi dụng lúc Trần Quang Diệu và Vũ Văn Dũng vây đánh Quy Nhơn, Nguyễn Ánh tấn công Phú Xuân. Quân của Quang Toản thua chạy ra Bắc, lập lại niên hiệu Bảo Hưng (寶興), mưu việc khôi phục nhà Tây Sơn nhưng không thành công.

Sau khi lấy được thành Phú Xuân, để khẳng định quyền vị của mình, tháng 5 năm Nhâm Tuất (6/1802), Nguyễn Ánh lập đàn tế trời đất, tuyên cáo thiết triều để lên ngôi hoàng đế, đặt niên hiệu Gia Long (嘉隆). Năm 1804, cho đổi tên nước là Việt Nam. Xét thấy Phú Xuân từng là trọng trấn của nhiều thời đại, đã từng được chọn làm vương phủ xứ Đàng Trong, “là nơi miền núi, miền biển đều hợp về, đứng giữa miền Nam, miền Bắc, đất đai cao ráo, non sông phẳng lặng; đường thủy thì có cửa Thuận An, cửa Tư Hiền; đường bộ thì có ải Hoành Sơn, Hải Vân chặn ngăn; sông lớn ngăn phía trước, núi cao giữ phía sau, rồng cuốn, hổ ngồi, hình thế vững chãi”, vậy nên quyết định lấy Phú Xuân làm kinh đô cho nhà nước Việt Nam thống nhất1.

Sau khi giành được quyền làm chủ đất nước, các triều vua đầu tiên của nhà Nguyễn từ Gia Long (1802-1819), Minh Mạng (Minh Mệnh - 明命:1820-1840), Thiệu Trị (紹治:1841-1847) đến Tự Đức (嗣德: 1848-1883) kế tục nhau xây dựng một thể chế nhà nước phong kiến tập quyền và đạt được những tiến bộ đáng kể.

Chính quyền nhà Nguyễn ra đời đã thừa hưởng được những thuận lợi hết sức cơ bản của các triều đại trước. Sau khi triều Tây Sơn tiêu diệt 3 tập đoàn phong kiến Trịnh - Nguyễn - Lê và đánh bại quân xâm lược Mãn Thanh, giang sơn về trong một mối, kẻ thù bị đánh đuổi ra khỏi bờ cõi, nhà Nguyễn có cơ hội thái bình để xây dựng đất nước.

Ngay từ sau khi nắm quyền làm chủ giang sơn, nhà Nguyễn đã bắt tay ngay vào việc xây dựng bộ máy nhà nước phong kiến tập quyền. Về tên nước, năm 1804, Gia Long đặt tên nước là Việt Nam (越南),2 sau do phản ứng của nhân dân nên Gia Long lại đặt là Đại Việt (大越). Sau khi Minh Mạng lên kế vị, đến năm 1839 cho đặt lại tên nước là Đại Nam (大南), hàm ý chỉ một nước Nam hùng cường (tên nước này tồn tại đến năm 1945 3.

Về chính quyền Trung ương, nhà Nguyễn vẫn giữ nguyên hệ thống thể chế của các triều đại phong kiến Việt Nam trước đây. Nhà vua đứng đầu vương triều, điều hành đất nước theo hình thức quân chủ chuyên chế. Trực tiếp giúp việc cho vua có một cơ quan hành chính là Thị thư viện, đến thời Minh Mạng đổi thành Văn thư phòng, sau đó lại đổi thành Nội các. Đảm trách trọng sự quốc gia có Tứ trụ đại thần (gồm 4 viên đại thần hàm Đại học sĩ), đến năm 1843 thì dựa trên cơ sở Tứ trụ đại thần để thành lập Cơ Mật viện. Cơ Mật viện là cơ quan tối cao của triều đình giúp vua điều hành và quyết định những công việc hệ trọng của đất nước. Sau khi Cơ Mật viện ra đời, các vua nhà Nguyễn sợ uy quyền của Cơ Mật viện sẽ chi phối quyền lực hoàng tộc nên thành lập một cơ quan dành riêng cho hoàng thân, đứng ngang hàng với Cơ Mật viện, đó là Phủ Tông nhân. Về danh nghĩa, Phủ Tông nhân chỉ đặc trách công việc của Hoàng gia nhưng trong thực tế thì Phủ Tông nhân cũng tham gia chi phối các công việc trọng đại của đất nước không khác gì Cơ Mật viện.

Dưới Cơ Mật viện là hệ thống lục bộ (gồm các bộ Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công), đứng đầu các bộ là các viên Thượng thư lo các công việc của đất nước theo từng lĩnh vực và một cơ quan chuyên trách quân sự gọi là Ngũ quân đô thống phủ. Tham mưu cho triều đình còn có các cơ quan chuyên trách (tư vấn) như Đô sát viện (tức Ngự sử đài) phụ trách thanh tra, Hàn lâm viện phụ trách sắc dụ, Nội vụ phủ phụ trách kho tàng, Quốc Tử giám phụ trách giáo dục, Thái y viện phụ trách thuốc thang, chữa bệnh và một số ty, cục đảm trách các công việc chuyên môn cụ thể.

Để đảm bảo cho quyền lực tuyệt đối tập trung vào tay nhà vua, ngay từ thời Gia Long đã đặt ra lệ “Tứ bất” (nhưng không ban hành thành văn bản mà chỉ quy ước trong nội triều) là không đặt tể tướng, không lập hoàng hậu, không lấy trạng nguyên qua thi cử, không phong tước vương cho người ngoài hoàng tộc.

Về chính quyền địa phương, nhà Nguyễn cho kiểm lại các đơn vị hành chính cũ, đặt quan chức cai quản. Dưới thời Gia Long, bộ máy hành chính địa phương gần như giữ nguyên theo cách tổ chức cũ của các chúa Nguyễn ở miền Nam và của triều Lê - Trịnh ở miền Bắc. Đất nước được chia làm 27 doanh, trấn, trong đó, miền Trung và miền Nam chia thành các doanh, là đơn vị hành chính có từ thời các chúa Nguyễn, miền Bắc vẫn giữ nguyên các đơn vị hành chính dưới triều Lê - Trịnh là trấn. Đứng đầu mỗi doanh là Lưu thủ, có các chức Cai bạ, Ký lục giúp việc. Đứng đầu mỗi trấn là Trấn thủ có các chức Hiệp trấn, Tham hiệp giúp việc.

Mỗi trấn, doanh gồm nhiều phủ, mỗi phủ chia thành 4 đến 7 huyện, mỗi huyện chia thành 8 đến 14, 15 xã. Mỗi phủ có Tri phủ, mỗi huyện có Tri huyện, tại mỗi xã có Xã trưởng giữ việc cai trị.

Trong 27 doanh, trấn cả nước, Gia Long phân chia địa hạt quản lý như sau: Triều đình trung ương trực tiếp nắm đất Kinh kỳ gồm 4 dinh (doanh): Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức, Quảng Nam và 7 trấn là Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Bình Khương.

Căn cứ vào vị thế quan trọng của khu vực cực Bắc và cực Nam của đất nước để gộp 11 trấn Bắc Thành (tương đương với Bắc Bộ ngày nay) thành một Tổng trấn gọi là Bắc Thành (gồm 5 nội trấn: Sơn Nam Thượng, Sơn Nam Hạ, Kinh Bắc, Sơn Tây, Hải Dương và 6 ngoại trấn: Thái Nguyên, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Cao Bằng, An Quảng, Hưng Hóa); gộp 5 trấn cực Nam (bao gồm các trấn: Phiên An, Biên Hòa, Vĩnh Thanh, Định Tường và Hà Tiên) hợp thành một Tổng trấn gọi là Gia Định Thành. Giúp việc cho các trấn này là một bộ máy khá cồng kềnh chẳng khác gì một triều đình thu nhỏ.

Đến thời Minh Mạng cho rằng việc chia đặt hệ thống hành chính ra làm nhiều cấp trực thuộc như vậy sẽ gây khó khăn cho việc quản lý và làm giảm uy quyền triều đình, ông cho đó là giải pháp tạm thời “quyền nghi tạm đặt” của vua cha nên đã quyết định sắp xếp lại theo cơ chế nhất thể hóa. Năm 1826, Minh Mạng cho xóa các phiên hiệu hành chính là dinh hay đạo, thay vào đó đơn vị hành chính địa phương trực thuộc triều đình gọi là trấn. Trừ phủ Thừa Thiên, cả nước lúc đó có 26 trấn. Bắc Thành gồm 11 trấn; miền Trung 10 trấn và Thừa Thiên phủ đặt dưới sự quản lý trực tiếp của triều đình. Năm 1831-1832, vua Minh Mạng tiến hành một cuộc cải cách hành chính, sắp xếp lại hệ thống chính quyền địa phương, xóa bỏ hai Tổng trấn, chia đất nước ra làm 30 tỉnh và một thủ phủ kinh thành là phủ Thừa Thiên4. Dưới tỉnh có phủ, huyện, châu rồi đến tổng, xã. Theo thống kê của triều đình, đến năm 1840 cả nước có 90 phủ, 20 phân phủ, 379 huyện, 1.742 tổng, 18.265, thôn, phường, ấp, số lượng này ổn định cho đến cuối thời nhà Nguyễn. Đơn vị hành chính địa phương được thiết lập và cùng với thiết chế là tổ chức bộ máy quản lý được hình thành có tổ chức chặt chẽ hơn. Các đơn vị hành chính cấp trực thuộc tỉnh được củng cố với hệ thống từ phủ, huyện, tổng đến cơ sở là các làng xã, thôn, ấp, trang phường… Tình hình kinh tế - xã hội đã có bước phát triển so với các thời kỳ trước đó.

Bộ máy quan lại cai quản hệ thống hành chính ở địa phương được Minh Mệnh đặt thêm một cấp trung gian làm đầu mối giữa tỉnh và triều đình là cấp Tổng đốc. Thường là 2 hay 3 tỉnh đặt dưới quyền của một Tổng đốc, trường hợp tỉnh lớn thì Tổng đốc trực tiếp cai quản thay luôn chức đứng đầu hàng tỉnh là Tuần phủ. Tổng đốc vừa là quan cao nhất tại địa phương, lại vừa có tư cách như một thành viên của chính quyền trung ương được đặc phái về cai trị tại địa phương. Viên quan Tổng đốc có trách nhiệm chuyên hạt (chuyên chủ công việc trong hạt mình) một tỉnh và kiêm hạt (kiêm lý công việc một hạt ngoài hạt mình) một tỉnh khác. Trong cả nước, trừ Thanh Hóa là đất “thang mộc” của nhà Nguyễn được đặt riêng một viên Tổng đốc còn chia ra 14 liên tỉnh dưới đây:

1. Bình - Trị: Quảng Bình - Quảng Trị.

2. An - Tĩnh: Nghệ An - Hà Tĩnh.

3. Hà - Ninh: Hà Nội - Ninh Bình.

4. Định - Yên: Nam Định - Hưng Yên.

5. Hải - An: Hải Dương - Quảng Yên.

6. Ninh Thái: Bắc Ninh - Thái Nguyên.

7. Lạng - Bình: Lạng Sơn - Cao Bằng.

8. Sơn - Hưng - Tuyên: Sơn Tây - Hưng Hóa - Tuyên Quang.

9. Bình - Phú: Bình Định - Phú Yên.

10. An - Biên: Phiên An - Biên Hòa (năm 1833 tỉnh Phiên An đổi thành Gia Định thì liên tỉnh được gọi là Định - Biên).

11. Long - Tường: Vĩnh Long - Định Tường.

12. An - Hà: An Giang - Hà Tiên.

13. Nam - Ngãi: Quảng Nam - Quảng Ngãi.

14. Thuận - Khánh: Bình Thuận - Khánh Hòa.

Tổng đốc ở tỉnh nào kiêm luôn Tuần phủ tỉnh đó.

Từ sau cuộc cải cách hành chính dưới thời Minh Mạng, các quan chức đứng đầu mỗi tỉnh gồm có Tổng đốc giữ việc cai trị quân và dân, trông coi cả quan văn lẫn quan võ, khảo hạch các quan lại; Tuần phủ (đối với những tỉnh không có Tổng đốc quản hạt) giữ việc tuyên bố ân đức của nhà vua, phủ dụ yên dân, trông coi việc hành chính, giáo dục, chấn hưng việc có lợi và trừ bỏ hủ tục. Giúp việc cho chính quyền hàng tỉnh có hai cơ quan là Bố chính sứ ty (Phiên ty) coi việc thuế má, tiền của, đinh điền, tuyên đạt các chức việc của triều đình và chính quyền cho dân chúng biết; Án sát sứ ty (Niết ty) giữ việc hình phạt trong tỉnh, phát dương kỷ cương, phong tục, xem xét việc quan lại trị dân và kiêm việc bưu chính truyền đi trong hạt; Viên quan trông coi về quân sự gọi là Lãnh binh chuyên cai quản việc binh lính theo lệnh quan Tổng đốc. Mỗi cơ quan đều có các viên thơ lại gọi là Thông phán và Kinh lịch phụ tá.

Cùng với việc sắp xếp lại hệ thống hành chính và bộ máy quan lại cấp tỉnh, các vua đầu triều Nguyễn cũng ban hành những quy định nhằm ổn định hệ thống hành chính cấp dưới là phủ, huyện và làng, xã. Sau khi lên ngôi, Gia Long vẫn duy trì thể chế hành chính có từ thời Lê, phân chia đơn vị hành chính dưới doanh, trấn thành nhiều phủ, mỗi phủ có nhiều huyện, mỗi huyện có nhiều xã; mỗi phủ, huyện đều có các viên tri phủ, tri huyện cai quản, tùy công việc và quy mô mà bộ máy hành chính giúp việc có các viên thơ lại và nhân viên thừa hành, ít nhiều không nhất định. Năm 1827, Minh Mạng xuống chỉ ban bố nghị chuẩn chia phủ, huyện được chia thành 4 loại: Tối yếu khuyết (rất nhiều việc); Yếu khuyết (nhiều việc); Trung khuyết (việc vừa); Giản khuyết (ít việc) để cho đặt 1 viên Tri phủ ở những phủ số đinh chưa đến 2 vạn suất, số ruộng chưa đến 4 vạn mẫu; 1 viên Tri huyện ở những huyện số đinh chưa đến 5 nghìn suất, số ruộng chưa đến 2 vạn mẫu, nơi nào nhiều việc thì bên cạnh Tri phủ có thêm Đồng Tri phủ và Tri huyện có thêm Huyện thừa.

Hệ thống quan lại dưới thời nhà Nguyễn hưởng lương theo phẩm hàm, không có ruộng lộc mà nhà nước đứng ra phát lương cho quan lại bằng tiền và lúa gạo.

Trong bối cảnh chung đó, hệ thống chính trị - hành chính trên địa bàn Quảng Bình dưới các triều đầu của nhà Nguyễn đã có những thay đổi.

Dưới thời Gia Long, Quảng Bình là một doanh thuộc đất Kinh kỳ chịu sự quản lý trực tiếp của triều đình Trung ương.

Năm Minh Mạng thứ 7 (1826), các dinh Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam được gọi là trấn. Từ đây trở đi, toàn quốc không còn đơn vị hành chính là “dinh” (doanh) hay “đạo” nữa. Trong 2 năm 1831 và 1832, Minh Mạng tiến hành một cuộc cải cách hệ thống chính quyền địa phương và phiên hiệu hành chính cả nước, xóa bỏ các dinh trấn, xóa cả hai đặc khu Bắc Thành và Gia Định Thành, chia đất nước ra thành 30 tỉnh và 1 phủ kinh kỳ.

Từ tháng 10 năm Minh Mạng thứ 12 (1831), dinh Quảng Bình đã được chuyển đổi thành tỉnh Quảng Bình, với tư cách là một đơn vị hành chính trực thuộc chính quyền Trung ương5. Để định lệ tài chính công mà nhà nước phải chu cấp hàng năm, triều đình định ra làm 3 loại tỉnh là tỉnh lớn (11 tỉnh), tỉnh vừa (11 tỉnh), tỉnh nhỏ (8 tỉnh). Quảng Bình nằm trong nhóm tỉnh vừa.

Theo quy chế hành chính của triều Minh Mạng, hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị có bộ máy chính quyền riêng của mỗi tỉnh nhưng có một viên Tổng đốc trông coi và được cử chuyên hạt Quảng Bình, kiêm hạt Quảng Trị. Quan hàm Tổng đốc trông coi hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị được ghi là: “Binh bộ Thượng thư kiêm Đô sát viện Hữu Đô ngự sử, Tổng đốc Quảng Bình, Quảng Trị đẳng xứ địa phương, Đô đốc quân vụ, kiêm lý lương thưởng, lãnh Quảng Bình Tuần phủ sự”6. Như vậy do Tổng đốc trực tiếp quản hạt Quảng Bình nên tỉnh Quảng Bình không có chức Tuần phủ (chỉ Quảng Trị do Tổng đốc kiêm lý nên đặt thêm chức Tuần phủ) 7.

Bộ máy quan lại của tỉnh Quảng Bình năm 1831 như sau:

- Quan Tổng đốc (Bình - Trị): Thống chế Đào Văn Trường.

- Quan Bố chánh Quảng Bình: Hiệp trấn Nguyễn Công Thiện.

- Quan Án sát Quảng Bình: Tham hiệp Võ Thân.

- Quan Lãnh binh Quảng Bình: Vệ úy Võ Văn Thuyên.

Tháng 5 năm Minh Mạng thứ 15 (1834), triều đình ra chỉ dụ phân bố các tỉnh thuộc các khu vực trong toàn quốc gồm: Kinh Sư, Tả Trực, Hữu Trực, Tả Kỳ, Hữu Kỳ, Nam Kỳ, Bắc Kỳ. Quảng Bình cùng với Quảng Trị là tỉnh Hữu Trực (nằm phía hữu Kinh Sư - Phủ Thừa Thiên).

Việc Minh Mạng bố trí lại phân vùng hành chính, sắp xếp lại hệ thống và phiên hiệu hành chính địa phương và quy định bộ máy quan lại cai quản các cấp chính quyền trong nước đã giúp cho triều đình quản lý lãnh thổ quốc gia một cách có hiệu quả hơn.

Trải qua gần một thiên niên kỉ với bao nhiêu thăng trầm, biến động của lịch sử, vùng đất Quảng Bình có lúc chia nhỏ thành nhiều đơn vị hành chính trực thuộc, mang nhiều danh xưng khác nhau như Bố Chính, Địa Lý, Lâm Bình, Tân Bình, Tây Bình, Tiên Bình, Thuận Chính, để đến năm 1604 mới chính thức mang tên gọi thiêng liêng “Quảng Bình”. Cùng một vùng đất nhưng theo dòng lịch sử, Quảng Bình đã mang các phiên hiệu hành chính khác nhau như châu, phủ, lộ, trấn, tỉnh... Cùng một địa bàn Quảng Bình có khi lại được thống nhất trong một đơn vị hành chính trực thuộc triều đình như ở cuối triều Trần, đầu triều Hồ (1397) mang danh xưng Tây Bình và đời Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (1469) mang danh xưng phủ Tân Bình, lại có lúc bị chia đôi thành hai địa phương trực thuộc hai chính thể Bắc Hà và Nam Hà như dưới thời Trịnh - Nguyễn phân tranh (từ 1600-1774). Vì thế, cuộc cải cách hành chính của Minh Mạng năm 1931-1832 với việc xóa bỏ các phiên hiệu hành chính cũ để lập phiên hiệu hành chính tỉnh Quảng Bình đã đánh dấu một bước ngoặc quan trọng trong quá trình khai thiết của một vùng đất đầy biến động.

Dưới triều Minh Mạng, bộ máy hành chính địa phương ở Quảng Bình được tổ chức chặt chẽ, đảm nhận chức năng quản lý hành chính, hành pháp, kinh tế, quân sự đã có một bước tiến so với dưới các triều đại trước đây và được duy trì ổn định suốt chế độ phong kiến nhà Nguyễn. Hệ thống các đơn vị hành chính địa phương của Quảng Bình đã được các triều vua đầu đời nhà Nguyễn điều chỉnh như sau:

T
Phủ lỵ Đồng Hới thời nhà Nguyễn. (Ảnh Tư liệu)


riều Nguyễn xác định lại phạm vi giới hạn hành chính Quảng Bình, Nam Bắc cách nhau 206 dặm, Đông Tây cách nhau 126 dặm. Phía Nam Quảng Bình giáp với địa giới huyện Minh Linh tỉnh Quảng Trị, phía Bắc giáp với địa giới huyện Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) ở cửa Hoành Sơn, vùng rừng núi thượng du lại giáp với địa giới huyện Hương Khê; phía Đông giáp bờ biển, phía Tây men theo núi8.

Tỉnh lỵ Quảng Bình đặt ở địa phận hai ấp Tiền Thiệp, Phú Ninh thuộc hai tổng Võ Xá và Minh Lý. Nhà Nguyễn đã cho xây nơi đây một tòa thành để làm trụ sở hành chính của cơ quan chính quyền cấp tỉnh và cũng là nơi đồn trú của lực lượng binh lính bảo vệ lỵ sở tỉnh Quảng Bình. Số liệu điều tra dưới thời Đồng Khánh ghi nhận tỉnh Quảng Bình quản hạt 16.996 đinh, trong đó chức sắc (thuộc diện miễn sai dịch) là 6.297 người.

Diện tích ruộng toàn tỉnh Quảng Bình 33.079 mẫu, đất 5.357 mẫu9.

Tỉnh Quảng Bình có 2 phủ ,7 huyện, 24 tổng, 324 xã, thôn, phường, ấp, giáp, trang, ở đầu nguồn thì có 2 nguyên (nguồn) và 7 sách. Các đơn vị hành chính trên địa bàn Quảng Bình được xác lập từ cuộc cải cách hành chính của Minh Mạng năm 1931, 1832, tồn tại đến cuối thời Nguyễn10.



Phủ Quảng Ninh11

Địa giới phủ Quảng Ninh phía Nam giáp huyện Minh Linh, tỉnh Quảng Trị, phía Bắc giáp huyện Bố Trạch, thuộc phủ QuảngTrạch.

Phủ Quảng Ninh có 3 huyện Lệ Thủy, Phong Lộc, Phong Đăng, với 13 tổng, 161 xã thôn ấp. Phủ lỵ của huyện Quảng Ninh đặt tại xã Trung Trinh, thuộc tổng Long Đại (nay là xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình). Bộ máy chức sắc trong phủ 3.715 người, quân đồn trú của triều đình 1.631 người, quân phủ 190 người.

Trị sở phủ Quảng Ninh thời Gia Long ở xã Yên Cư, năm Minh Mạng thứ 7 mới đặt làm lỵ sở của phủ ở Trung Trinh, sau đó dời về Quán Hàu.

Tri phủ Quảng Ninh trực tiếp quản hạt huyện Phong Lộc và kiêm lý hai huyện Lệ Thủy, Phong Đăng.



Huyện Lệ Thủy12

Huyện Lệ Thủy nằm ở phía Đông Nam tỉnh Quảng Bình, phía Đông giáp biển, phía Nam giáp huyện Minh Linh (Quảng Trị), phía Tây giáp huyện Phong Đăng, phía Bắc giáp huyện Phong Lộc13. Huyện Lệ Thủy lúc này có 5 tổng, 55 xã, thôn, phường, ấp, giáp. Đến đời Thành Thái thứ 13 (1901) có cắt 8 thôn chuyển cho huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị 14.

Toàn huyện có 5 tổng, 52 xã, thôn, phường, ấp.

- Tổng Mỹ Trạch có 11 xã, thôn, phường, ấp, gồm: xã Cổ Liễu, xã Quy Hậu, xã Uẩn Áo, xã Dương Xá, xã Liêm Ái, xã Mỹ Thổ, xã Tâm Duyệt, phường Thuận Trạch, thôn Mỹ Trạch Thượng, thôn Mỹ Trạch Hạ, ấp Luật Sơn.

- Tổng Thủy Liên có 20 xã, thôn, phường, giáp, gồm: xã Phù Chính, xã Đặng Lộc, xã Thủy Liên Thượng, xã Thủy Liên Hạ, giáp Nam xã Thủy Liên, giáp Đông xã Thủy Liên, xã Thủy Tú, phường Thủy Tú, xã Hoàng Công, xã Thủy Trung, xã thủy Cần, xã Thử Luật, thôn Tây xã Thử Luật, xã Liêm Luật, xã Thượng Luật, xã Trung Luật, giáp Nam xã Hòa Luật, giáp Bắc xã Hòa Luật, giáp Đông xã Hòa Luật, thôn Trung Lực.

- Tổng Thạch Xá có 12 xã, thôn, phường, gồm: xã Thạch Xá Thượng, xã Thạch Xá Hạ, thôn Bắc xã Thạch Xá, xã An Định, xã Phụ Việt, xã Ba Nguyệt, thôn Thượng xã Mỹ Duyệt, thôn Trung xã Mỹ Duyệt, thôn Hạ xã Mỹ Duyệt, thôn Chấp Lễ, thôn Mỹ Hương, phường Bối Sơn.

- Tổng Đại Phong Lộc có 5 xã , thôn, gồm: xã Đại Phong Lộc, xã Tuy Lộc, xã An Xá, thôn Hạ xã An Xá, thôn Mỹ Phúc (Phước).

- Tổng Thượng Phong Lộc có 4 xã, thôn, gồm: xã Thượng Phong Lộc, xã Xuân Hồi, xã Phú Thọ, phường Xuân Hồi 15.

Huyện Phong Đăng16

Huyện Phong Đăng nằm giữa huyện Lệ Thủy và Phong Lộc. Phía Đông huyện Phong Đăng giáp huyện Lệ Thủy, phía Nam và phía Tây men theo núi, phía Bắc giáp huyện Phong Lộc; Đông Tây cách nhau 27 dặm, Nam Bắc cách nhau 47 dặm. Năm Tự Đức thứ 4 (1851), bỏ tri huyện, công việc của huyện do phủ Quảng Ninh kiêm nhiệm.

Hệ thống chính quyền trong huyện được chia làm 4 tổng, 48 xã, thôn, phường, ấp, giáp.

- Tổng Xuân Lai có 11 xã, gồm: xã Xuân Lai, xã Mai Hạ, xã Mai Xá Thượng, xã Cái Xá, xã Quảng Cư, xã Phan Xá, xã Mai Xá, xã Chu (Châu) Xá, xã Lê Xá, xã Thạch Bàn Thượng, xã Hoàng Giang, xã Xuân Bồ.

- Tổng Mỹ Lộc có 7 xã, phường, gồm: xã Mỹ Lộc, xã Phú kỳ, xã Lộc An, xã Văn Xá, xã Quy Trình, xã Phú Hòa, phường Lương Thiện.

- Tổng Thạch Bàn có 13 xã, gồm: xã Thạch Bàn, xã Lộc Xá, xã Ngô Xá, xã Thượng Xá, xà Hoàng Viễn, xã Hoàng Đàm, xã Tân Lệ, xã Phú Vinh, xã Trung Tính, xã Phú Lộc, xã Xuân Hòa, xã Lại Xá, xã Mỹ Đức.

- Tổng Hoành Phổ có 17 xã, phường, gồm: xã Hoành Phổ, xã Thù Thừ, xã Vạn Xuân, phường Mỹ Lệ, xã Hữu Lộc, xã Gia Cốc, xã Phú Lương, phường Phú Bình, xã Đại Hữu, xã Cao Xuân, xã Kim Nại, xã Đại Phúc, xã Thế Lộc, xã Nguyệt Áng, xã Vinh Lộc, xã Phúc Nhĩ, phường Chiêu Tính 17.



Huyện Phong Lộc18

Phía Bắc huyện Phong Lộc giáp huyện Bố Trạch, phía Nam giáp Phong Đăng và Lệ Thủy; Đông Tây cách nhau 61 dặm, Nam Bắc cách nhau 41 dặm. Phía Đông giáp biển, phía Tây men theo núi giáp với nước Lào, phía Nam giáp hai huyện Phong Đăng và Lệ Thủy, phía Bắc giáp huyện Bố Trạch. Hệ thống tổ chức chính quyền huyện Phong Lộc được chia làm 4 tổng, 59 xã, thôn, châu, phường, ấp.



- Tổng Long Đại có 16 xã, phường, thôn, ấp, gồm: xã Long Đại, xã Lệ Kỳ, ấp Tả Tiệp19, phường Dục Thị, ấp Hữu Hùng, xã Vĩnh Tuy, xã Phúc Duệ, xã Trung Trinh, xã Văn La, xã Lương Yến, xã Trung Nghĩa, phường Diêm Điền, xã Phương Xuân, châu Đồng Tư, phường Bình Phúc, ấp Hữu Hậu.

- Tổng Trung Quán có 13 xã, thôn, gồm: xã Trung Quán, xã Hiển Vinh, xã Lộc Long, xã Phúc Long, xã Đặng Xá, xã Trần Xá, xã Hiển Lộc, xã Hữu Phan, thôn Bính, xã Trường Dục, xã Xuân Dục, xã Mỹ Xá, xã Cổ Hiền.



- Tổng Minh Lý có 10 xã, phường, thôn, gồm: xã Minh Lý, xã Đức Phổ, xã Phú Ninh, thôn Lộc Đại, xã Phú Xá, phường Mỹ Cương, phường Mỹ Cai, xã Phúc Mỹ, xã Phú Vinh, xã Phú Quý.

- Tổng Vũ Xá (Võ Xá) có 20 xã, phường, ấp, gồm: xã Võ Xá, phường Trung Bính, xã Hữu Đăng, phường Cảnh Dương, thôn Hà, thôn Cừ, phường Trúc Đăng, phường Phú Hội, thôn Động Hải, phường Phú Mỹ, ấp Tráng Tiệp, ấp Tiền Tiệp, phường Kiên Bính, phường Hữu Bính, xã Hàm Nhược, xã Diên Trường, xã Tả Phan, phường Mỹ Hội, phường Phú Nhuận, xã Chính Cung 20.



Phủ Quảng Trạch21

Phủ Quảng Trạch nằm ở phía Bắc tỉnh Quảng Bình, phía Tây men theo núi (biên giới với nước Lào), phía Đông giáp biển, phía Bắc giáp địa giới huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), phía Nam giáp huyện Phong Lộc, phủ Quảng Ninh. Địa bàn phủ Quảng Trạch Đông Tây cách nhau 55 dặm, Nam Bắc cách nhau 102 dặm22.

Trong địa hạt phủ Quảng Trạch có 534 lính đồn trú của triều đình, 927 lính tỉnh. Phủ lỵ phủ Quảng Trạch đặt ở thôn Phan Long, tổng Thuận Bài, huyện Bình Chính.

Lúc này phủ Quảng Trạch kiêm lý hai huyện Bình Chính và Minh Chính. Toàn phủ có gồm 11 tổng, 184 xã, thôn, phường, ấp, giáp.

Ba huyện của phủ Quảng Trạch là huyện Bố Trạch, huyện Bình Chính và huyện Minh Chính; sau tách huyện Minh Chính mà lập thêm huyện Minh Hóa 23.

Huyện Bố Trạch24

Huyện Bố Trạch ở phía Nam sông Gianh, phía Đông ra đến biển, phía Tây men theo núi, phía Bắc giáp huyện Bình Chính và Minh Chính, phía Nam giáp huyện Phong Lộc. Địa bàn huyện Bố Trạch Đông Tây cách nhau 45 dặm, Bắc Nam cách nhau 45 dặm. Trị sở huyện Bố Trạch thời Gia Long dựng ở phường Phúc Tự; năm Minh Mạng thứ 3 dời đến Mỹ Lộc sau này là Hoàn Lão (chợ Đón).

Dân cư trên địa bàn huyện có 5 tổng, 55 xã, thôn, phường, ấp, giáp 25.

- Tổng Hoàn Lão có 10 xã, thôn, trang, phường, gồm: xã Hoàn Lão, thôn Mỹ Lộc, thôn Lý Nhân, thôn Phúc Tự, trang Nam Phúc, thôn Phúc Lộc, trang Vũ Thuận, trang Hòa Duyệt, phường Chánh Hòa, xã Phúc Lộc.

Tổng Liên Hương 26 có 14 xã, thôn, trang, phường, gồm: xã Liên Hương, thôn Trung xã Phương Liên, thôn Thượng xã Phương Liên, xã Đông Thành, xã Câu Hợp, xã Dã Tịch, trang Lộc Thọ, xã Hoàng Kênh, phường Gia Lộc Nội, phường Gia Lộc Ngoại, phường Đình Xá, xã Lâm Trạch, xã Hoàng Trung, thôn Hạ xã Phương Liên.



- Tổng Hoàn Phúc có 9 xã, thôn, trang, gồm: thôn Hoàn Phúc, thôn Thiên Lộc, thôn Phú Lễ, trang Điển Lộc, thôn Cự Nẫm, thôn Hỷ Duyệt, trang Thuận Phú, trang Đồng Cao, xã Khương Hà

- Tổng Cao Lao có 17 xã, thôn, trang, phường, gồm: thôn Hạ xã Cao Lao, xã Tiến Ba, xã Đặng Đề, xã Bồ Khê, thôn Trung xã Cao Lao, thôn Thượng xã Cao Lao, xã Phú Mỹ, xã Phú Kênh, xã Hà Môn, trang Thanh Lăng, trang Gia Chiêu, trang Xuân Sơn, trang Phong Nha, xã Câu Lạc, xã Hữu Cung, phường Tân Châu, phường Bồng Lai.

- Tổng Hà Bạc có 6 thôn, phường, gồm: thôn Nam xã Lý Nhân, thôn Bắc xã Lý Nhân, phường Hiển Sơn, thôn Quy Đức, thôn Lý Hòa, thôn Thanh Hà 27.




tải về 0.54 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương