Chương 3 quảng bình thời kỳ thuộc lãnh thổ VƯƠng quốc champa



tải về 326.19 Kb.
trang1/4
Chuyển đổi dữ liệu14.08.2016
Kích326.19 Kb.
#18976
  1   2   3   4
Phần II

QUẢNG BÌNH TRONG THỜI KỲ ĐẤU TRANH

CHỐNG BẮC THUỘC VÀ THỜI KỲ CÁC NHÀ NƯỚC

PHONG KIẾN ĐỘC LẬP



Chương 3

QUẢNG BÌNH THỜI KỲ THUỘC LÃNH THỔ

VƯƠNG QUỐC CHAMPA

3.1. Cỗi nguồn và vị thế Quảng Bình trong vương quốc Champa1

Vương quốc Champa (占婆) hình thành và phát triển trên dải đất miền Trung trải dài từ Hoành Sơn, ranh giới cực Bắc tỉnh Quảng Bình đến tận phía Bắc sông Dinh, Hàm Tân (tỉnh Bình Thuận ngày nay). Chủ nhân của vương quốc này là người Chăm,2 nói tiếng Malayo - Polynesian3. Khi nghiên cứu về cấu trúc xã hội của vương quốc Champa, giới học thuật đã nêu lên và luận bàn không ít những giả thiết không cùng quan điểm:

- Đó là một vương quốc thống nhất với một biên niên sử liên tục (ngoại trừ một vài thời điểm không kết nối được, bởi mất hẳn dấu tích và sử liệu), như chủ trương của một số nhà nghiên cứu phương Tây thời thuộc Pháp4.

- Vương quốc Champa có cấu trúc phù hợp với mô hình mandala (sự tồn tại đồng thời của các tiểu quốc) phổ biến ở Đông Nam Á cổ đại5.

- Vương quốc Champa được điều hành theo mô hình liên bang6.

Những luận thuyết nghiêng về dạng cấu trúc tồn tại đồng thời các mandala (tiểu quốc - lãnh địa - “Circle of Kings”), hay mô hình liên bang ở vương quốc Champa cổ, ngày càng có cơ sở thuyết phục và được giới học giả hiện đại thảo luận nhiều hơn.

Nhìn trên toàn cảnh từ Bắc đến Nam miền Trung, có thể hình dung mọi hoạt động mang tính kết nối về mặt kinh tế - văn hóa - xã hội từng hiện hữu trên vùng đất này, đều liên quan đến nhiều tộc người trong lịch sử (Katuic7, Bahnaric8, Việt Mường9, Malayo - Polynesie)10. Và, các cộng đồng ấy vẫn tiếp tục tồn tại cho đến hôm nay.

Charles Wheeler khi nhận định về những mô thức phổ quát ở một quốc gia duyên hải như Việt Nam, đã nhấn mạnh đến mô hình quần đảo (Archipelago) đặc trưng ở miền Trung. Đó là sự đan xen của những rặng núi chồng chất lên nhau, phân tán và cô lập địa hình thành những túi đất cách biệt11. Chính sông và núi ở đây, đã tạo ra những điều kiện thuận lợi cho bất cứ thế lực nào muốn chiếm lĩnh, phòng thủ, cát cứ, trên những dạng “túi duyên hải” ấy mà Quảng Bình là một địa hình đặc trưng như vậy.

Tiếp thu ảnh hưởng trong bối cảnh chung của các quốc gia cổ đại vùng Nam Ấn và Đông Nam Á; miền Trung Việt Nam trong điều kiện biển núi cận kề, các tiểu quốc nơi đây đã tiếp nhận văn hóa Ấn thông qua con đường hải thương. Từ đó, họ gia nhập vào mạng lưới trao đổi, mua bán, trên một địa bàn rộng lớn xuyên quốc gia (Lào, Campuchia, Thái, Myanmar…), liên quan đến đời sống nhiều tộc người có nguồn gốc khác nhau. Tính chất, quy mô, đặc điểm của hoạt động này thay đổi theo từng thời kỳ lịch sử, những tuyến lưu thông bao giờ cũng vậy. Các cửa sông, cảng biển từ Bắc Trung Bộ cho đến Nam Trung Bộ Việt Nam, vẫn luôn là các cửa ngõ quan trọng và độc quyền ở khu vực này trong các hoạt động giao thương với những quốc gia bên ngoài thời bấy giờ (Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản, và các vương quốc ở Đông Nam Á hải đảo…).

Trong điều kiện ấy, những người làm chủ duyên hải, làm chủ của sông và cảng thị, sẽ là kẻ nắm vận mệnh của vùng đất và lãnh địa liên quan đến nó. Đây là nguyên nhân gây nên sự phân lập cương vực của những tiểu quốc Champa trong nhiều thế kỉ ở vùng đất này.

Mỗi tiểu vương quốc/Mandala được thành lập thường dựa trên cấu trúc tư tưởng, tinh thần, hay những yếu tố địa lý mang tính tâm linh như núi thiêng (tượng trưng thần Siva); sông thiêng (tượng trưng nữ thần Ganga, vợ Siva); cửa biển thiêng (cảng thị, nơi giao dịch buôn bán, trung tâm thương mại); thành phố thiêng (nơi cư ngụ của vua, hoàng tộc, trung tâm vương quyền); đất thiêng (nơi thờ tự thần linh và tổ tiên, trung tâm tín ngưỡng)12.

Do địa hình không thuận lợi cho kinh tế nông nghiệp, các cộng đồng nơi đây lại có cơ hội tiếp xúc sớm với con đường hải thương liên quốc gia từ đội ngũ thương nhân Ấn và các vương quốc ảnh hưởng Ấn ở Đông Nam Á, nên vai trò các cảng thị ở miền Trung thời bấy giờ trở thành quan trọng và quyết định sự hiện hữu, vị thế và sức sống của các tiểu quốc13. Vì vậy, hệ thống sông ngòi ở đây là thủy lộ huyết mạch, nối kết thị trường sản vật phong phú (hương liệu, dược liệu, gia vị, nô lệ…) từ miền núi và cao nguyên phía Tây, tham gia vào hoạt động hàng hải liên quốc gia thông qua các cửa sông14. Chính hoạt động này làm nên sức mạnh mọi mặt cho các tiểu quốc thống lĩnh địa bàn nơi chúng đi qua. Những dòng chảy lớn, nhỏ, đổ từ Tây sang Đông đảm đương chức năng thương lộ, vô hình dung, đã trở thành chiếc cầu nối kết trong hoạt động giao lưu về mặt ngôn ngữ, văn hóa, phong tục, tín ngưỡng… giữa cư dân miền xuôi và miền ngược; giữa đội ngũ thương nhân, thương lái ven biển với cư dân nông nghiệp phía núi.

Bên cạnh hệ sông Thu Bồn với cảng thi Hội An ở miền Trung, sông Ba đối với địa bàn Nam Trung Bộ đã từng đóng một vai trò quan trọng và điển hình, cùng với những con sông lớn ở phía Bắc địa bàn của người Chăm như Linh Giang (sông Gianh), sông Nhật Lệ và các cửa Roòn, Dinh, Lý Hòa, qua đó, có thể nhận diện nhiều vấn đề liên quan đến lịch sử - kinh tế - văn hóa vùng đất miền Trung Việt Nam.

Trên cương vực thường được gọi là vương quốc Champa / nước Chiêm Thành, thống thuộc từ đèo Ngang đến Nam Bộ trong nhiều thế kỉ, thực ra, chưa từng được vận hành chính danh với tư cách là một bộ máy thống nhất từ Nam chí Bắc, hay mô hình liên kết các tiểu quốc / lãnh địa / mandala / vùng... một cách hoàn chỉnh bên cạnh Đại Việt15.

Trước khi bàn đến vùng đất Quảng Bình thời Champa, cần phân biệt rạch ròi ở đây sự khác nhau giữa các tiểu quốc trong cộng đồng vương quốc Champa với người Chăm (hàm nghĩa tộc người: ethnic group). Địa bàn sinh tụ của người Chăm trên bản đồ phân bố tộc người hiện nay ở Việt Nam, là từ phía Nam Bình Định trở vào. Từ Quảng Ngãi đến Quảng Bình (địa bàn cũ của các tiểu quốc Amaravati và Indrapura ở phía Bắc, chỉ có khả năng tồn tại những nhóm thiểu số Ấn, hoặc nhóm Malayo - Polynesie ở tầng lớp quý tộc, tăng lữ và thương nhân); đại bộ phận cư dân sinh sống trên đất này là những tộc người nói ngôn ngữ Mon - Khmer và không loại trừ dấu vết của người Hoa và nhóm Việt - Mường đồng cư, trước khi người Việt có mặt chính thức trên vùng đất này.

Ở đây, có thể gặp sự đồng tình của Bernard Gay16. Tác giả này nhấn mạnh “không phải tính chất tổ chức xã hội, bộ máy tổ chức nhà nước như là hiệp bang, lại phản đối việc coi Champa như một xứ sở đơn nhất (unitary country) mà là một nhà nước liên hiệp với tính chất đa sắc tộc (a federal state, the multiethnic character of its population)”17.

Sự xáo trộn địa bàn cư trú của nhiều tộc người trong lịch sử là một hiện tượng phổ biến. Nhưng, tính cố kết của những đơn vị làm nông nghiệp ở đây: từ ruộng nước cho đến nương rẫy luân canh vốn đã có trong chiều sâu lịch sử. Điều ấy khó có khả năng tạo nên sự hoán vị hay biến mất cộng đồng bản địa, chủ nhân tạo nên sự cố kết ấy trên bản đồ tộc người. Thực tế này, có thể nhìn thấy khá rõ trên không gian phân bố tộc người qua nhiều thế kỉ, khi chưa có sự can thiệp sâu về mặt hành chính của chính quyền trung ương, vẫn là người bản địa18. Chính vì vậy, cư dân sinh sống ở miền Trung Việt Nam từ Nam đèo Ngang trở vào đến Quảng Ngãi trên cương vực Amaravati và Indrapura của Champa, trước khi nơi đây thuộc về người Việt chủ yếu là điạ bàn sinh tụ của những tộc người nói ngôn ngữ Mon - Khmer và Việt - Mường (Chứt, Việt, Bru, Katu, Pacoh - Tà Ôi, Cadong, Cor...)19.

Như vậy vấn đề ngữ nghĩa của một số từ gọi bấy lâu liên quan đến cư dân vùng đất này cần xác định lại như sau:

- Champa: Liên quan đến sự tự gọi của những người bản địa nhằm chỉ định cương vực của các tiểu quốc phân ly hay liên kết trên một lãnh thổ nhất định, chủ yếu xuất hiện trên một số văn bản và bi ký của các đối tượng này từ thế kỉ thứ VII trở về sau.

- Chiêm hay Chiêm nhân: Là từ Hán Việt để chỉ cư dân cư trú trên vùng lãnh thổ được gọi là Chiêm Thành, hay viết tắt từ tên gọi Chiêm Thành. Đây cũng là từ Hán Việt xuất hiện trong các văn bản Trung Quốc và Việt Nam khá muộn sau khi người Trung Quốc không còn gọi nơi này Lâm Ấp hay Hoàn Vương nữa.

- Chàm: Là từ Chiêm hay được Nôm hóa, do người Việt sử dụng để chỉ người Chiêm.

- Chăm: Là tộc danh tự gọi hoặc được sử dụng để chỉ những nhóm người nói ngôn ngữ Nam Đảo (Malayo-Polynesie) đang sinh sống ở Nam Trung Bộ (Phan Rang) và một bộ phận ở Tây Nam Bộ (An Giang, Châu Đốc) hiện nay.

- Lồi, Hời...: Chỉ những di tích, di vật hay hình tượng (tượng Lồi, thành Lồi, ma Hời...) liên quan đến chủ nhân tiền trú trong mắt người Việt khi đến tiếp quản vùng đất mới.

Một trong số những tiểu quốc ảnh hưởng Ấn Độ giáo qua tấm bia chữ Phạn được phát hiện sớm nhất ở Đông Nam Á ở làng Võ Cạnh (xã Vĩnh Trung - Thành phố Nha Trang20 có niên đại khoảng thế kỉ III-IV sau CN) đã nhắc đến một nhân vật có tôn hiệu là Sri Mara sáng lập. Thời điểm này tương ứng với một số tài liệu của Trung Quốc khi đề cập nhà nước Lâm Ấp ở quận Nhật Nam do một vị vua có tên là Khu Liên đứng đầu (cuối thế kỉ thứ II (năm 192) sau CN). Nhưng vấn đề ở đây là những nhà nghiên cứu về Champa không thống nhất khi cho rằng Sri Mara chính là Khu Liên21. Trên thực tế, dấu ấn lưỡng phân trong lịch sử Champa22 cũng như những sự xuất hiện vào đương thời nhiều tiểu quốc trên mảnh đất miền Trung (Lâm Ấp, Đường Ninh, Phù Nam, vương quốc của người Tây Đồ...);23 chẳng hạn trong tác phẩm viết về nước Phù Nam, P.Pelliot đã trích dẫn sử liệu Trung Quốc vào năm 208, Đào Hoàng (陶璜)24 là quan cai trị ở Giao Châu đã than phiền rằng: “Vương quốc này về phía Nam giáp với Phù Nam. Hai nước gồm rất nhiều bộ lạc và liên kết với nhau. Lợi dụng núi non hiểm trở, họ không chịu quy phục”25.

Tất cả những gì chúng ta đề cập về nhà nước Lâm Ấp đều liên quan đến một địa bàn khảo cổ học đó chính là Sa Huỳnh. Thật khó để có thể phủ nhận nhà nước Lâm Ấp (giai đoạn khởi phát và tồn tại của cương vực vương quốc Champa mà chúng ta nhắc đến sau này) tồn tại trên địa bàn cư trú của chủ nhân nền Văn hóa Sa Huỳnh, nhưng cũng không phải vì thế mà các nhà khoa học đã chứng minh một cách thuyết phục nhà nước Lâm Ấp chính là sự tiếp nối của một dạng nhà nước sơ khai Sa Huỳnh trước đó.

Ngô Văn Doanh cho rằng: "Thế là, vào cuối thế kỉ II, tại vùng trung tâm của nền văn hóa kim khí Sa Huỳnh đã ra đời một nhà nước - nhà nước Lâm Ấp hay nhà nước của Khu Liên”. Vậy, người Lâm Ấp là ai? Đến nay, bằng những phát hiện mới phong phú của khảo cổ học, các nhà khoa học Việt Nam có đủ tài liệu để khẳng định người Lâm Ấp chính là người Sa Huỳnh, hay nói như giáo sư Trần Quốc Vượng - người chủ biên công trình “Những di tích thời tiền sử và sơ sử ở Quảng Nam - Đà Nẵng”: Nhà nước của Khu Liên ở cuối thế kỉ thứ II trong sách cổ Trung Hoa (Thủy Kinh chú) có lẽ chỉ là sự tái sinh hay hồi sinh của nhà nước cổ Sa Huỳnh"26.

Nhiều nguồn thư tịch và bi ký hiện còn lưu giữ được đủ cơ sở để khẳng định trong suốt hơn 5 thế kỷ (từ cuối thế kỉ II cho đến ít nhất là thế kỉ VIII) vùng đất bắc miền Trung hiện nay đã từng tồn tại một nhà nước chưa mang tên Champa, mà chỉ được sử sách Trung Quốc gọi là Lâm Ấp quốc, mà theo R.A Stein27 xác định thủ đô Lâm Ấp là Sinhapura. Vì vậy, trong giai đoạn đầu tiên này của lịch sử Champa, các tiểu quốc phía Bắc, đặc biệt là Lâm Ấp, giữ vai trò chủ đạo. Vì thế, có thể gọi giai đoạn đầu của lịch sử Champa là lịch sử nhà nước Lâm Ấp. Cũng theo Stein biên giới phía Bắc của Lâm Ấp ở tận bờ Nam sông Gianh nơi còn nhiều vết tích thành cổ. Sách “Đại Nam nhất thống chí”, phần về tỉnh Quảng Bình có ghi rằng: “Phế thành Lâm Ấp, ở xã Trung Ái, huyện Bình Chính, từ núi Thành Thang chạy dài đến các xã Tô Xá, Vân Tập, Phù Lưu, vượt quanh khe đều có ụ đất, đứt từng đoạn; tương truyền đó là nền cũ của thành Lâm Ấp. Trong sử cũ có nói thành Khu Túc của Lâm Ấp ở phía Nam có sông Linh Thủy; nghi đây là Khu Túc hoặc lũy cũ của Hoàn Vương28.

Như vậy, những khoảng tối trong việc nhìn nhận sự hình thành vương quốc Champa có địa giới từ phía cực Bắc Quảng Bình vào đến Bình Thuận đã có thể nhận diện cả trên phương diện cương giới lẫn thành phân tộc người chủ nhân của nó. Địa bàn Quảng Bình chính là phần lãnh thổ phía Bắc đã hiện diện trong không gian chính trị - văn hóa Chăm qua gần một thiên niên kỉ, đã góp một giá trị quan trọng làm nên chuỗi phát triển liên tục của dòng chảy lịch sử vùng đất Quảng Bình trong thiên niên kỉ thứ nhất.

3.2. Diễn trình lịch sử và dấu ấn văn hóa29

Năm 111 trước công nguyên, sau khi lật đổ nhà Triệu, nhà Tây Hán tiến hành cuộc chiến tranh xâm chiếm các nước phía Nam, thống trị nước Âu Lạc. Đồng thời với sự tan rã của quốc gia cổ Việt Thường, vùng đất phía Nam cũng rơi vào tay của nhà Tây Hán. Ngoài hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân có từ thời nhà Triệu, nhà Hán lấy đất Nam Hoành Sơn đặt làm quận Nhật Nam,30 chia làm 5 huyện là Tây Quyển (西捲), Tỷ Cảnh (比景),31 Chu Ngô (), Lô Dung (盧容) và Tượng Lâm (象林), vùng đất Quảng Bình nằm trong hai quận Tây Quyển và Tỷ Cảnh. Sau khi chiếm cứ vùng đất phía Nam Hoành Sơn, xét thấy đây là vùng đất mới, dân cư lại đa sắc tộc và chưa từng bị các thế lực phong kiến phương Bắc xâm lược nên nhà Tây Hán đã thi hành một chính sách cai trị hết sức tàn bạo để đề phòng sự nổi dậy của cư dân khu vực này. Ngoài hai viên Thứ sử (đứng đầu quận Nhật Nam) và viên Thái thú trông coi việc thu phú cống, viên Đô úy chỉ huy binh lính do người Hán trực tiếp đảm trách, ở mỗi huyện, nhà Tây Hán chiêu dụ người bản địa, đặt các chức quan cai trị và dành những đặc quyền cho họ để thực hiện chính sách “dùng người Việt, trị người Việt”, lấy mô hình bộ máy nhà Triệu đã áp đặt ở quận Giao Chỉ và Cửu Chân trước đây để thiết lập hệ thống cai quản ở các quận mới phía Nam Hoành Sơn. Đứng đầu các huyện Tây Quyển và Tỷ Cảnh là một viên Huyện lệnh được chọn trong tầng lớp tù trưởng địa phương. Đây là một chính sách khôn khéo và thâm độc, vừa tránh được những xung đột trực tiếp giữa người dân bản địa với người Hán, nhưng vẫn đảm bảo việc quản lý xã hội, thực hiện vơ vét các nguồn tài nguyên, bóc lột sức lao động của nhân dân.

Sau 16 năm bị gián đoạn, đến năm 25 sau công nguyên, nhà Đông Hán lên nắm quyền đã thực hiện chính sách thống trị hà khắc hơn trước32. Khác với nhà Tây Hán, nhà Đông Hán đã tăng cường số quan lại người Hán trực tiếp nắm quyền cai trị xuống tận cấp huyện. Bộ máy quản lý ở quận Nhật Nam được nhà Đông Hán () thiết lập khá độ sộ gồm Thứ sử,33 Đô úy (chức ngang Quận thừa), Đô úy thừa (giúp việc cho Đô úy), các Tòng sự giúp việc như Công tào tòng sự (coi việc tuyển bổ quan lại), Binh tào tòng sự (coi việc binh bị)... Chúng cho Thứ sử được quyền tùy nghi tình hình trong quận và của từng huyện mà đặt các chức quan trông coi các lĩnh vực kinh tế, xã hội như canh nông quan (trông coi nông nghiệp), thủy quan (trông coi việc đánh cá), diêm quan (trông coi nghề làm muối), công quan (trông coi thủ công nghiệp), thiết quan (trông coi nghề rèn đúc), các viên úy và thừa giúp việc cho huyện lệnh... để nắm chắc tình hình sản xuất của dân, từ đó mà thi hành chính sách vơ vét, bóc lột.

Cùng với việc thiết lập hệ thống cai trị, nhà Hán thi hành chính sách “tận thu” đối với các vùng đất đã xâm chiếm ở phía Nam, nhất là vùng đất mới phía Nam Hoành Sơn. Thông qua bộ máy chính quyền và hệ thống tay sai mà chúng tuyển mộ được trong địa phương, chúng ráo riết bắt thanh niên trai tráng đi phu để mở đường khai thác các tài nguyên rừng, bắt dân khai thác gỗ quý, các loại sản vật quý hiếm trên rừng, dưới biển đem về làm giàu cho quan lại và tầng lớp quý tộc bên chính quốc. Lợi dụng đặc quyền do bọn thống trị ban cho, một số thổ hào địa phương cũng nhân cơ “đục nước béo cò” đã bao chiếm ruộng đất, thao túng các ngành nghề thủ công, chèn ép và bóc lột người lao động một cách thậm tệ. Trong hoàn cảnh đó, không chỉ cuộc sống người dân ở hai huyện Tây Quyển và Tỷ Cảnh bị đẩy đến bần cùng mà tính mạng của họ cũng bị coi rẻ. Họ bị cưỡng bức lao động, đánh đập, tra tấn, thậm chí bị giết chóc dã man mà không được ai can thiệp, bảo vệ. Lệ làng, tục bản đều bị xâm phạm và vô hiệu hóa. Phong tục, tập quán văn hóa truyền thống không được tôn trọng, thậm chí bị cấm đoán.

Không chịu được sự thống trị, bóc lột tàn bạo của nhà Hán và sự lộng hành của bọn hào trưởng can tâm làm tay sai cho ngoại bang, nhân dân khắp nơi trong cả ba quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam đã đứng lên đấu tranh chống lại chúng. Mùa Xuân năm 40, Hai Bà Trưng đã đứng lên phất cờ khởi nghĩa ở huyện Mê Linh. Cuộc khởi nghĩa nhận được sự hưởng ứng của nhân dân trong vùng và lan rộng ra toàn quận Nhật Nam. Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng là một đòn đánh mạnh vào ách thống trị của nhà Hán, khiến cho chúng phải nhượng bộ, điều chỉnh một số chính sách thống trị để xoa dịu tình hình phản kháng của nhân dân. Mặc dù cuộc khởi nghĩa đã bị đàn áp nhưng tinh thần bất khuất của những người lãnh đạo và nghĩa quân trong cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng đã khơi dậy tinh thần dân tộc trong nhân dân cả 3 quân Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam.

Chỉ ít lâu sau khi phong trào khởi nghĩa của Hai Bà Trưng ở phía Bắc bị đàn áp thì ở Nhật Nam lại nổi lên hàng loạt cuộc khởi nghĩa, mở đầu là khởi nghĩa nổ ra năm 100 của nhân dân Tượng Quận, thu hút hơn 2.000 người tham gia. Nhà Đông Hán đã phải điều quân từ các huyện trong khu vực đến đàn áp, nhưng sau đó nhà Hán buộc phải phát chẩn cho dân nghèo ở quận Nhật Nam, “tha tiền lao dịch, tô ruộng, thuế cỏ khô trong hai năm cho dân Tượng Lâm để xoa dịu sự bất bình của họ, đồng thời nhà Hán đặt thêm chức Binh trưởng sứ ở Tượng Lâm để đề phòng, sẵn sàng đàn áp mọi hành động phản kháng34.

Năm 138 (đời Hán Vĩnh Hòa thứ 3), nhân dân Nhật Nam lại nổi dậy khởi nghĩa, đánh huyện Tượng Lâm, “đốt thành và chùa, giết Tưởng lại”35. Nhà Hán phải cho Thứ sử Giao Châu là Phàn Diễn cấp tốc điều hơn 1 vạn binh lính của hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân vào đàn áp. Trên đường hành binh vào Nam, đạo quân này đã bị nhân dân hai huyện Tây Quyển và Tỷ Cảnh chặn đánh nhiều nơi, một số phải bỏ trốn về quê, một số quay lại hợp tác với nhân dân Tây Quyển và Tỷ Cảnh quay sang đánh phá quận trị, làm phá sản kế hoạch chi viện cho quân đô hộ của nhà Hán ở Tượng Quận36.

Cuộc khởi nghĩa của nhân dân Tượng Quận cùng với sự hợp tác đắc lực của nhân dân hai huyện Tây Quyển và Tỷ Cảnh đã tác động mạnh mẽ đến triều đình nhà Hán khiến chúng phải vội vàng tìm cách đối phó. Theo ghi chép trong sách “Hậu Hán thư” ”(後漢書), Hán Thuận đế (/126-144) đã phải họp bách quan, công khách và duyên thuộc 4 phủ lại trong triều để bàn kế sách giải nguy37. Các quan đều bàn nên sai tướng giỏi phát 4 vạn quân của 4 châu Kinh, Dương, Duyện, Dự đi đánh. Tuy nhiên, nhiều quan lại trụ cột của triều đình nhà Hán nhân thấy việc đối phó với cuộc khởi nghĩa của nhân dân Nhật Nam tiềm ẩn rất nhiều khó khăn, trở ngại nên không dám động binh. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” (大越史記全書) chép: “Quận Nhật Nam cách hơn 9 nghìn dặm, phải ba trăm ngày mới đến, tính lương mỗi người ăn mỗi ngày 5 thăng thì phải dùng đến 60 vạn hộc gạo, đó là không kể lương thực của tướng lại và lừa ngựa. Đặt quân ở đấy chết chóc rất nhiều, đã không đủ quân chống giặc, lại phải bắt thêm. Thế là xẻo cắt lòng bụng để chắp vá chân tay”. Kế sách đưa quân từ chính triều sang đối phó với khởi nghĩa của nhân dân Nhật Nam không thực hiện được, nhà Hán quay sang dùng thủ đoạn “chiêu mộ người Man Di khiến họ đánh lẫn nhau. Chuyển vận hàng lụa để cấp cho, kẻ nào có thể phản gián, dụ hàng thì cắt đất phong cho38. Do phải lúng túng tìm cách đối phó với nhân dân Nhật Nam đã tranh thủ thời cơ đem lực lượng khởi nghĩa tấn công vào các phủ lỵ, nơi ở của quan lại nhà Hán và nơi đồn trú của quân Hán khiến chúng bị tổn thất thương vong rất nhiều. Mãi đến hơn một năm sau, quân Hán đang chiếm đóng ở Nhật Nam không chống đỡ nỗi quân khởi nghĩa nên nhà Hán cử Chúc Lương (祝梁) sang làm Thái thú quận Cửu Chân để tìm cách đối phó. Chúc Lương đã dùng quỷ kế, chiêu mộ bọn phản loạn gây mâu thuẫn nội bộ nghĩa quân, làm suy yếu lực lượng, dẫn đến thất bại39.

Năm 144 (Hán Kiến Khang (漢建康) năm thứ nhất), nhân dân hai huyện Tây Quyển và Tỷ Cảnh (quận Nhật Nam) lại nổi lên khởi nghĩa chống lại ách thống trị của nhà Hán. Lần này, cuộc khởi nghĩa của nhân dân Nhật Nam có sự phối hợp chặt chẽ với nhân dân ở các huyện phía Bắc Hoành Sơn thuộc quận Cửu Chân. Quân khởi nghĩa đã tập hợp được hàng nghìn nghĩa quân đã đánh phá các huyện trị Tây Quyển và Tỷ Cảnh, tấn công ra phía Bắc Hoành Sơn, đánh chiếm một số thành ấp, đồn trại của quan quân nhà Hán. Thứ sử Hà Phương phải huy động binh lính từ Giao Chỉ vào mới giải nguy được cho quân Hán ở Cửu Chân và Nhật Nam.

Năm 157 (Hán Hoàng đế Lưu Chí (漢桓帝-劉志) - Nguyên Gia (元朝) năm thứ nhất), nhân dân Cửu Chân dưới sự chỉ huy của Chu Đạt đã nổi lên khởi nghĩa, đánh chiếm quận trị Cửu Chân, giết chết tên Thái thú tàn bạo Nghê Thức. Để cứu nguy cho bọn chiếm đóng, nhà Hán đã cử Ngụy Lang sang làm Đô úy đem quân đội từ Quảng Tây sang đàn áp cuộc khởi nghĩa một cách tàn khóc, giết chết hơn 2.000 người. Các chủ tướng và nghĩa quân đã phải rút qua đèo Ngang vào nương náu tại hai huyện Tây Quyển và Tỷ Cảnh. Nhân dân ở đây đã cưu mang, đùm bọc nghĩa quân và cùng chuẩn bị lực lượng sẵn sàng đối phó với địch. Thấy vùng đất Nam Hoành Sơn có sự phòng bị, quân nhà Hán không dám truy kích nghĩa quân mà chỉ đóng giữ ở Hoành Sơn. Nhân dân hai huyện Tây Quyển vả Tỷ Cảnh nhân đà đó phát triển lực lượng (có lúc lên tới trên 2 vạn người) tiếp tục cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Hán kéo dài trong 3 năm (từ năm 157 đến năm 160) mới tan rã40.

Trong gần 2 thế kỉ dưới ách thống trị của nhà Triệu và nhà Hán nhân dân cả nước nói chung, cộng đồng các dân tộc sinh sống trong vùng đất Nam Hoành Sơn nói riêng đã kiên trì và bền bỉ tiến hành cuộc kháng chiến chống lại ách đô hộ của ngoại bang. Mặc dù tất cả các cuộc đấu tranh cuối cùng đều thất bại nhưng tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất và ý chí đấu tranh giành độc lập vẫn được nhân dân nuôi dưỡng để mỗi khi có cơ hội thuận lợi lại tiếp tục bùng lên một cách mạnh mẽ. Chính những yếu tố đó đã tạo điều kiện thuận lợi, là sự chuẩn bị về mặt tinh thần cho sự bùng phát của cuộc khởi nghĩa của nhân dân Nhật Nam dẫn tới sự ra đời của quốc gia phong kiến Champa độc lập vào cuối thời Đông Hán.

Cuối thế kỉ thứ II, nhân lúc chính quyền phong kiến Trung Quốc rơi vào khủng hoảng, đất nước loạn lạc, các thế lực phong kiến cầm quyền ở Trung Quốc đang phải lo nội trị, cùng lúc này, nhân dân hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân cũng đang đứng lên khởi nghĩa, chống lại ách thống trị hà khắc của nhà Đông Hán, năm 192, nhân dân Nhật Nam dưới sự lãnh đạo của Khu Liên đã chớp lấy cơ hội hết sức thuận lợi đó để đứng lên khởi nghĩa41. Trong cuộc khởi nghĩa này, nhân dân huyện Tượng Lâm (象林) ở địa bàn xa nhất, có nhiều thuận lợi nên đã giành thắng lợi trước tiên. Từ Tượng Lâm, nghĩa quân phát triển thanh thế, mở rộng địa bàn và đánh dần ra các huyện phía Bắc. Sau khi đánh chiếm hai huyện Tây Quyển và Tỷ Cảnh, mở rộng vùng giải phóng ra tận Linh Giang, quân khởi nghĩa đã quyết định thành lập nhà nước độc lập lấy tên là Lâm Ấp42.

Như vậy, tất cả những cuộc nổi dậy của nhân dân Nhật Nam, Cửu Chân và đặc biệt là cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng vào năm 40 ở Giao Chỉ đã làm cho ách đô hộ của nhà Hán ở cả 3 quận suy yếu và tạo điều kiện tốt cho sự ra đời của nhà nước Lâm Ấp... Sách “Thủy Kinh chú” giải thích: Lâm Ấp (林邑) chính là huyện Tượng Lâm (象林), sau bỏ chữ Tượng (象林), còn chữ Lâm (林), gọi Lâm Ấp43.

Từ sau khi nước Việt Thường tan rã thì Lâm Ấp là nhà nước độc lập đầu tiên ở phía Nam Hoành Sơn được xây dựng trên nền tảng văn hóa bản địa. Sách “Tấn thư” đã mô tả cộng đồng cư dân và vùng đất mà Khu Liên đã giành được quyền làm chủ và thành lập nhà nước độc lập:“ nơi đây bốn mùa ấm áp, không có sương tuyết. Người đều ở trần, đi chân, lấy da màu làm đẹp. Nữ quý, nam hèn, cưới nhau trong họ, đàn bà phải sắm sính lễ trước. Lúc con gái làm lễ cưới mặc áo ca bàn, một bức vải rộng may ngang, đầu đội hoa quý. Cư tang thì cắt tóc gọi là hiếu, thiêu xác giữa đồng gọi là chôn. Vua đội mũ triều thiên, đeo đủ thứ tua dải, mỗi khi triều chính, con em bầy tôi hầu cận không được đến gần44.

Sự ra đời của nhà nước Lâm Ấp sau cuộc khởi nghĩa do Khu Liên lãnh đạo đã khởi đầu cho diễn trình lịch sử Champa trên đất Quảng Bình. Trong suốt những thế kỉ ấy, Quảng Bình đã đóng một vai trò tiền tiêu quan trọng. Sự hiện diện của hàng loạt những phế tích thành lũy quân sự, đã chứng minh tính hiểm yếu của một vị trí mà những vị vua đầu trong thời kỳ xây dựng nước Lâm Ấp đã nỗ lực bảo vệ trước sự phản công của Trung Quốc từ phía Cửu Chân và Giao Chỉ. Và không chỉ có thế, lực lượng quân sự của nhà nước Lâm Ấp cũng nhiều lần tấn công những vùng đất phía Bắc sông Gianh để mở rộng cương vực cho mình. Trong suốt mấy trăm năm từ thế kỉ thứ II đến thế kỉ thứ VII là những cuộc chiến tranh liên tục, phần lớn do sự lãnh đạo của các vị vua của Lâm Ấp, từ căn cứ ở hai huyện Tây Quyển và Tỷ Cảnh, tổ chức tấn công không ngơi nghỉ để giành phần đất Cửu Chân. Không ít những quan trấn nhậm Giao Châu (交州) của Trung Quốc nhiều lần khốn đốn.

Chính trong thời kỳ này, nhà nước Lâm Ấp vừa phát triển lực lượng quân sự để đối phó với các cuộc tấn công từ phía Bắc của nhà Hán, vừa hoàn chỉnh hệ thống hành chính cùng những thiết chế hành chính / quân sự để cai quản, thực hiện nhiệm vụ trị vì. Đó có thể là căn nguyên lý giải sự xuất hiện của những tòa thành mà cấu trúc và quy mô ở trong tầm mức một thiết chế hành chính / quân sự. Dấu tích để lại trong hai tòa thành Cao Lao Hạ và Ninh Viễn đã nói lên điều đó.

Thành Cao Lao Hạ45 được xây dựng trên dải đất cao, thoáng, trải dài theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, nay thuộc địa phận xã Hạ Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình). Con đường giao thông liên xã tách ra từ thiên lý nối liền xã Hạ Trạch với Bắc Trạch được mở đi ngang qua lũy thành46. Tòa thành có dạng hình chữ nhật, các lũy thành cao thấp không đều nhau.


Dấu tích thành Cao Lao tại xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch

(Ảnh Phân viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật miền Trung tại Huế)




- Lũy thành hướng Đông - Bắc dài 197m, rộng 5,6m, cao 2,5m, rộng chân 10,5m. Bên ngoài lũy thành là cánh đồng Phố, sát chân thành là một bờ đất rộng 5,8m mà dân địa phương gọi là thành giai (?) và dấu tích hào nước. Dọc lũy thành hiện vẫn còn rất nhiều mảnh gốm (từ gốm Chăm xương dày, thô mộc; loại nung đến sành; kể cả đồ da lươn; céladon...) và rất nhiều gạch vỡ, trong đó viên còn nguyên có kích thước (18cm x 10cm x 40cm). Ngay giữa lũy thành có chỗ bị cắt ngang rộng 3,5m có tên là cửa Sát Cấm, cũng chính là nơi mật tập nhiều gạch vỡ, bên ngoài là dấu tích hói Hạ chảy chếch về hướng Nam nối liền Sát Cấm với sông Gianh. Có thể xưa kia, con hói này được đào làm thủy lộ từ tòa thành ra sông Gianh.

- Lũy thành hướng Đông - Nam dài 255m, rộng 5,5m, cao 2,2m, rộng chân 11,3m. Bên ngoài lũy thành là cánh đồng Phố và khu mộ táng (ở khu mộ táng, gần đường giao thông có một nền gạch cũ, gọi là nền Chùa), sát lũy thành là bờ đất rộng 5m và dấu tích của hào nước. Chỗ cắt thành được dân địa phương gọi là cửa Chùa.

- Lũy thành hướng Tây - Nam dài 197m, rộng 6,8m, cao 2,7m, rộng chân 11,7m. Bên ngoài lũy thành cũng là bờ đất rộng 7m, trên đó có nhiều mộ táng hình nón cụt (11 ngôi), kế đến là ruộng lúa rộng 15m. Có thể những thửa ruộng này, trước kia là hào nước, bị bồi lấp mà thành.

- Lũy thành hướng Tây - Bắc dài 255m, rộng 6m, cao 1,8m, rộng chân 11,7m. Bên ngoài là cánh đồng Lạc, bờ đất rộng 9m ngay sát chân lũy, xa hơn nữa là sông Son. Trong quá trình canh tác, dân địa phương thu nhặt được ở đây rất nhiều xỉ sắt, mảnh gốm sứ và những mảnh vỡ hình bán cầu bằng đá hoặc sành, đây có thể là đạn đá.

Lũy thành được đắp bởi hai lớp đất (loại đất sét vàng có đặc tính liên kết khá lỏng lẽo, một số đoạn được đắp bồi bởi đất Feralit màu xám đỏ), ở giữa có lớp gia cố bằng đá cuội (loại cuội vừa giống ở thành Hóa Châu -化州) và gạch vỡ (không xác định được kích thước). Lớp đất bên dưới dày khoảng 1,2m, lớp trên khoảng 1,5m, lớp gia cố ở giữa khoảng 35-40cm. Lối cấu trúc này chúng ta cũng bắt gặp ở thành Lồi, Hóa Châu (Thừa Thiên Huế) hoặc ở một số thành Chăm khác. Tuy nhiên, ở thành Lồi hay Hóa Châu, lớp gạch, đá gia cố giữa lũy thành có vẻ quy chỉnh hơn.

Nhìn tổng thể, qua khảo sát có thể tòa thành được mở ra ba cửa: cửa Sát Cấm, hai cửa còn lại là chỗ con đường giao thông cắt ngang. Qua khảo sát, được biết chỗ bị san bạt ở lũy thành hướng Đông - Nam được dân địa phương gọi là Cửa Chùa do bên ngoài lũy thành, trong khu mộ táng có vị trí được gọi là nền Chùa và cũng để dễ phân biệt với cửa còn lại. Nhà khảo cứu Nguyễn Phước Bảo Đàn khi tiếp cận cấu trúc tòa thành đã phát hiện rằng, nếu đặt tòa thành trong bối cảnh khu vực trên bờ Nam sông Gianh thì cửa chính tòa thành sẽ là sát cấm và hỗ tương cho nó là một số cửa phụ được mở về hướng núi, tạo thế liên hoàn thủy bộ cho tòa thành47.

Qua sử liệu và thực tế khảo sát, bằng những phép tính cụ thể, học giả Đào Duy Anh cho rằng thành Cao Lao Hạ chính là huyện thành Tây Quyển - một trong năm huyện của quận Nhật Nam thời thuộc Hán và cũng là thành Khu Túc - thành Lâm Ấp buổi quốc sơ48. Nếu giả thuyết này đứng vững (trong khi đang có nhiều ý kiến nghi ngờ về quy mô của nó) thì bấy giờ thành Cao Lao Hạ (Khu Túc ?) và vùng phụ cận đã trở thành một vùng dân cư phát triển, kinh tế sầm uất. Đó không chỉ là một tòa thành được xây dựng theo đồ thức của một lỵ phủ với lâu đài phố xá và cả khu thương mại thông thương ra biển, không loại trừ tồn nghi là một cảng thị (hiện nay còn mang địa danh là “Ruộng Phố”). Sách “Thủy kinh chú” viết: “Thành ấy bao quát cả hai dòng sông, ba mặt là núi, mặt Nam, mặt Bắc nhìn sông nước, mặt Đông, Tây là bến sông, khe suối chảy dào dạt dưới thành. Thành phía Tây bẻ ra góc, chu vi 6 dặm 100 bộ, phía Đông - Tây đo được 650 bộ, thành gạch xây cao 2 trượng, mở ra vuông vức, có chỗ trống. Trên gạch gác ván, trên ván là 5 tầng điện, gác trên là gác nhà, trên nhà dựng lầu, lầu cao bảy, tám trượng, thấp thì năm, sáu trượng. Thành mở ra 13 cửa, phàm cung điện đều mở mặt về phía Nam. Nhà cửa gồm hơn 2.100 gian, phố chợ bao quanh. Núi ngăn đất hiểm nên binh khí, chiến cụ ở Lâm Ấp đều để tại Khu Túc49.

Như vậy, có cơ sở để có thể xác định thành Cao Lao Hạ thời bấy giờ đã là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của nhà nước Lâm Ấp ở phía Bắc và đồng thời cũng là nơi đồn trú của lực lượng quân đội Lâm Ấp làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biên viễn phía Bắc.

Cũng nằm trên một hệ tuyến phòng thủ theo các triền sông, lấy một mặt sông làm thế che chắn một thành, người Chăm đã xây dựng một tòa thành thứ hai - Thành Ninh Viễn, cũng với chức năng hành chính / quân sự, có thể đó cũng là phủ lỵ của huyện Tỷ Ảnh.

Tòa thành nằm trong phạm vi làng Uẩn Áo (nay là xã Liên Thuỷ, huyện Lệ Thủy), phía Bắc giáp làng Cổ Liễu, phía Nam giáp làng Trạm (xã Mỹ Trạch, Thuận Trạch), phía Tây giáp sông Kiến Giang. Tòa thành xây dựng trên vùng đất bằng, không bị phụ thuộc vào địa hình mà hoàn toàn có thể chủ động trong việc thiết kế quy mô, cấu trúc thành. Không gian của tòa thành có ba mặt giáp sông và cánh đồng lúa nước: phía Tây Bắc là sông Bình Giang (Kiến Giang), phía Đông Nam là cả một vùng đồng trũng rộng lớn (trước là đầm nước, tục gọi là xứ Đầm), phía Đông Nam là hói (sông) chợ Mai. Kích thước ở vị trí cầu bắc qua hói dẫn vào thành là 22m; lũy Tây Nam được dựng lên trong thế dựa vào núi (tục gọi là Xóm Rậy [xóm núi]). Ô châu cận lục mô tả “một mặt dựa núi ba mặt cách sông” là vậy.

Thành có dạng chữ nhật không cân, theo trục Tây Nam - Đông Bắc. Kích thước đo được ở lũy thành hướng Đông Nam khoảng 370m, và Đông Bắc (ở lũy thành Đông Bắc) là 480m (Có ý kiến cho rằng đây chính là thành cũ xưa nhất xây toàn bằng đá ong). Thành có hình chữ nhật, ngang khoảng 300m, dọc khoảng trên 100m. Người già cho biết rằng, ngày xưa giữa thành có một tháp Champa, trước 1945 nền đất chân tháp còn khá cao, cùng với những khung nền xung quanh có thể là di tích các dinh thự). Ngoài cửa thành phía Nam theo như mô tả của Đại Nam nhất thống chí (大南ー統志) và một số tư liệu cổ có 4 chữ: “Ninh Viễn trấn thành”. Hướng chính mở ra sông chính Bình Giang, giao thông thuận lợi; án ngự ở khúc ngoặt con sông, cửa ngõ dẫn vào - ra - lên - xuống vùng huyện lỵ Lệ Thuỷ qua cửa biển Nhật Lệ: “chảy quanh về Tây Bắc qua xã Cẩm La hợp với sông Nhật Lệ mà ra biển”, đây chính là con đường “thủy vận” từ Động Hải đến bến Dâu.



- Lũy thành Đông - Nam: có mặt cắt ngang thành dạng cổ chai, có thể phân biệt hai tầng khá rõ, tầng dưới rộng 24m, cao 3,5-4m; tầng trên rộng 13m, cao 1,5-2m.

- Lũy thành Tây - Bắc: có dấu tích kè đá ở mặt ngoài của lũy thành. Đá để xây thành có nhiều kích thước (20cm x 25cm x 40cm; 40cm x 50cm x 80cm; 40cm x 60cm x 120cm...), dạng tự nhiên hoặc được đẽo gọt, để kè sân, làm hàng rào, bậc cấp, bậc kê ở bến nước, xây dựng các công trình phụ khác... Dọc theo lũy thành Tây - Bắc, có một số gạch với kích thước như gạch ở thành Cao Lao Hạ (10cm x 18cm x 40cm), đó chính là gạch Chăm50. Đặt tòa thành trong không gian địa lý - lịch sử của Tây Quyển và Tỷ Cảnh bấy giờ, nhà nghiên khảo cứu Lê Anh Tuấn cho rằng, đây có thể là tòa thành được xây dựng vừa làm lỵ sở huyện Tỷ Cảnh, vừa là một căn cứ quân sự, nơi đồn trú của quân đội làm nhiệm vụ bảo vệ lãnh thổ và trị an trong vùng nên đã có thời vùng đất này mang tên huyện Ninh Viễn (

tải về 326.19 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương