Chương 10 quảng bình dưỚi triều nguyễN (Từ năm 1802 đến năm 1885)


Tình hình kinh tế - xã hội ở Quảng Bình dưới thời nhà Nguyễn



tải về 0.54 Mb.
trang3/7
Chuyển đổi dữ liệu31.07.2016
Kích0.54 Mb.
#11547
1   2   3   4   5   6   7

10.2. Tình hình kinh tế - xã hội ở Quảng Bình dưới thời
nhà Nguyễn

Về mặt kinh tế, sau khi giành được chính quyền, thống nhất đất nước, nhà Nguyễn tiến hành tổng điều tra các nguồn lực để phục vụ cho việc ban hành các chính sách phát triển kinh tế đất nước.

Cũng như những nhà nước phong kiến Việt Nam trước đây, nhà Nguyễn tập trung cao nhất cho việc quản lý ruộng đất và chính sách phát triển nông nghiệp, lấy đó làm nền tảng để xây dựng đất nước. Ngay từ triều vua đầu tiên của nhà Nguyễn là Gia Long “công việc điều tra ruộng đất, chí ít là trên phạm vi toàn miền Bắc, đã lập sổ địa bạ để quản lý ruộng đất một cách thống nhất và chặt chẽ, đã được tiến hành một cách quy mô và vượt xa bất cứ triều đại nào trước đó”62. Năm 1803, vua Gia Long đã ban hành các quy chuẩn về thước đo các loại, chuẩn lại cách thức đo ruộng, ban hành thước quy chuẩn của triều đình (thước có ghi 12 chữ: “Ban hành đạc điền cựu kinh xích, công bộ đường khâm tạo” chuyên dụng cho việc đo ruộng”63. Theo quy chuẩn đó, nhà Nguyễn cho tiến hành tổng đo đạc ruộng đất, lấy đó làm cơ sở để lập hệ thống điền bạ toàn quốc. Triều đình giao cho các tổng, xã lập thống kê đầy đủ diện tích cách tác cả hai vụ chiêm, vụ mùa của từng địa phương để hàng năm và 5 năm một lần tra xét tình hình sản xuất, tô thuế... Sau khi lên nắm chính quyền, vua Gia Long xét thấy tình hình sở hữu ruộng đất của các triều trước không chặt chẽ, nhiều nơi lợi dụng đem công điền đổi ra tư điền, chiếm hữu ruộng đất thuộc sở hữu của nhà nước. Có người sau khi chuyển công điền thành tư điển lại đem bán đi, khiến nhà nước không nắm được thực tế ruộng đất, triều đình mất một nguồn thu thuế ruộng đất rất lớn. Sách “Đại Nam thực lục” ghi nhận “có người đổi ruộng công làm ruộng tư, cũng có kẻ tạ sự việc công mà cầm bán ruộng công64. Vì thế, ngay từ khi mới lên ngôi, Gia Long đã ban hành lệ “cấm việc mua bán công điền, công thổ, chỉ trừ khi nào có lý do chính đáng, tức là cần tiền mở mang công ích, rõ việc mới được quan trên cho phép điển cố một thời hạn 3 năm mà thôi. Ai giữ ruộng quá hạn này sẽ coi là phạm pháp65.

Năm 1804, Gia Long ban hành phép quân điền, từ hoàng thân, quốc thích đến thứ dân đều căn cứ theo thứ bậc mà chia ruộng. Vương tôn quý tộc trong vương triều được chia 18 phần, quan lại theo thứ bậc (cửu phẩm) được chia từ 15 phần đến 4 phần. Dân thường được chia 3 phần. Đến thời Minh Mạng, việc thực hiện chính sách quân điền vẫn được thực hiện như thời Gia Long nhưng khi áp dụng trong thực tế có những điều chỉnh theo xu hướng tiến bộ. Nhận thấy ruộng đất công của nhà nước quá ít ỏi mà nông dân thì thiếu ruộng cày nên nhiều quan viên đã xin thôi dự cấp. Năm 1839, Minh Mạng chấp nhận đề nghị đó, “chỉ gia ân chiếu lệ chia cấp ruộng đất khẩu phần cho các viên đã hưu trí...”. Đến năm 1840, một lần nữa Minh Mạng lại sửa phép chia ruộng, cho tất cả mọi người đều được hưởng phần như nhau, riêng lão nhiêu, tàn tật được nửa phần. Võ Xuân Cẩn, một vị nguyên lão của triều đình (quê ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) xét thấy “ruộng tư đều bị hào phú chiếm cả, người nghèo không nhờ cậy gì” nên có tờ tấu đề nghị “phàm ruộng tư định hạn 5 mẫu, ngoài ra lấy làm ruộng công cả, chia cấp chi binh dân để làm ruộng lương, ruộng khẩu phần66. Như vậy, những triều vua đầu thời Nguyễn đã có những điều chỉnh chính sách ruộng công phù hợp với nguyện vọng nhân dân, tạo điều kiện cho mọi người dân ở làng xã đều có ruộng cày cấy.

Bên cạnh ruộng công làng xã, nhà Nguyễn đã áp dụng một số chính sách nhằm tăng diện tích ruộng đất bằng cách cho khai hoang lập đồn điềndoanh điền 67. Nhờ có chính sách này mà nhiều vùng đất hoang hóa đã được khai phá, nhiều đồn diền, doanh điền sau khi khai phá xong được lập thành các làng xã, ruộng đất do xã quản lý và thu thuế cho nhà nước.

Đi đôi với việc ban hành chính sách quản lý và khuyến khích khai hoang, phục hóa, mở rộng diện tích ruộng đất, nhà Nguyễn tiếp tục ban hành những chính sách phát triển kinh tế nông nghiệp.

Trước hết, để đảm bảo cho diện tích đất nông nghiệp được tận dụng đưa vào cày cấy ổn định trong cả hai vụ chiêm - mùa, hạn chế được tổn thất do thiên tai, lũ lụt, hạn hán, hầu hết các triều vua của nhà Nguyễn đều rất chăm lo trị thủy. Riêng thời Gia Long, triều đình đã 11 lần cấp tài chính cho việc xây dựng và tu sửa đê điều, đặt các chức Tổng lý và Tham lý đê chính để lo việc trị thủy. Thời Minh Mạng lại thành lập Nha Đê chính, nhưng xét thấy Nha Đê chính không thể kiểm soát được tình hình cả nước nên giao cho quan lại hàng tỉnh chăm lo đê điều kèm theo những quy định chặt chẽ của triều đình.

Nhờ những thuận lợi do chính sách quản lý ruộng đất dưới các triều đầu của nhà Nguyễn đã làm cho nền kinh tế nông nghiệp tương đối phát triển. Chỉ riêng dưới hai triều Gia Long và Minh Mạng, nông dân đã nhân giống thêm 65 loại lúa tẻ, 27 loại lúa nếp, trong đó có những loại lúa ngắn ngày (3, 4 tháng), lúa mới gạo thơm, trắng, dẽo, vừa cung cấp cho đời sống, vừa có thể bán buôn ra ngoài vùng, tăng thu nhập cho nông dân.

Bên cạnh mặt thành công về chính sách ruộng đất và nông nghiệp, nhà Nguyễn cũng gặp phải những khó khăn, bất cập trong quản lý. Vì thế nên hào lý, địa chủ ở các phủ huyện thường lợi dụng sơ hở của triều đình, bao chiếm ruộng đất, bóc lột nông dân. Quốc sử quán triều Nguyễn ghi nhận “ruộng công màu mỡ thì cường hào cưỡng chiếm, còn thừa chỗ nào thì hương lý bao chiếm, dân chỉ được phần xương xẩu mà thôi 68.

Với những chính sách khuyến nông tiến bộ, kinh tế nông nghiêp dưới thời nhà Nguyễn (nhất là trong những triều vua đầu) một mặt vừa khai thác được nhưng ưu điểm trong phương thức quản lý và tổ chức sản xuất có tính truyền thống, mặt khác khuyến khích mở mang, đa dạng hóa các loại giống cây trồng, vật nuôi, hình thức canh tác. Nhiều giống lúa, giống màu mới được nhập ngoại và trở thành cây chủ lực trong nông nghiệp như các giống lúa mới (hơn 80 giống mới), các loại hoa màu như khoai, sắn ngô, kê, các loại đậu, các loại cây công nghiệp như dâu, bông, đay, thuốc lá, mía, cói, trong đó có những loại nhập ngoại như cà phê, hồ tiêu, nho, đậu Hà Lan, xà lách..., có khả năng bù đắp cho nhau trong một niên kỳ thu hoạch.

Đến khi thực dân Pháp chiếm được nước ta, do thiên tai và quan trọng hơn là nguồn nhân lực nông nghiệp bị huy động phục vụ chiến tranh nên diện tích sản xuất nông nghiệp bắt đầu bị bỏ hoang hóa. Thời Tự Đức, diện tích đất sản xuất theo sổ điền bạ là 48.159 mẫu, đến thời Đồng Khánh, tổng diện tích ruộng đất nông nghiệp toàn tỉnh sụt xuống 38.437 mẫu, trong đó ruộng lúa 33.079 mẫu, đất 5.357 mẫu.

Phủ Quảng Ninh có 17.811 mẫu ruộng, 3.003 mẫu đất. Trong đó, huyện Lệ Thủy có 6.569 mẫu ruộng, 1.153 mẫu đất; huyện Phong Đăng quản lý 6.882 mẫu ruộng, 981 mẫu đất, huyện Phong Lộc có 4.358 mẫu ruộng, 868 mẫu đất.

Phủ Quảng Trạch cai quản 15.268 mẫu ruộng, 2.354 mẫu đất. Trong đó, huyện Bố Trạch có 3.904 mẫu ruộng, 867 mẫu đất; huyện Bình Chính có 5.578 mẫu ruộng, 506 mẫu đất; địa bàn huyện Minh Chính có 4.489 mẫu ruộng, 556 mẫu đất; huyện Minh Hóa quản lý 1.296 mẫu ruộng, 423 mẫu đất 69.

Đi kèm với tình trạng sụt giảm ruộng đất là chính sách tăng thuế để bù đắp cho những thiếu hụt trong chi tiêu của triều đình và quan lại. Triều đình quy định theo tình hình từng địa phương và tình hình mùa vụ mà định việc thu thuế. Ở Quảng Bình mỗi năm thu một vụ thuế khởi đầu từ tháng 4 đến tháng 7. Hàng năm tùy theo kết quả sản xuất mà quan lại ở các phủ huyện cho người xuống làng xã cùng hào lý địa phương định mức thuế. Nếu thực tế bị mất mùa do thiên tai (đại hạn hay lũ lụt), sâu bệnh (hoàng trùng) mà có xét việc giảm thuế. Nếu mất 4/10 thì giảm 5/10 phần thuế, mất 3/10 giảm 4/10 thuế… thiệt hại hết thì giảm cả. Các địa phương không có ruộng mà có sản vật thì phải đóng thuế sản vật. Ở nguồn Sa Cơ và Kim Linh thuộc phường Cao Mại, huyện Minh Chính mỗi năm phải đóng sáp ong 229 cân 13 lạng, mật ong 30 chĩnh, vải hoa 1 tấm, ngà voi 4 chiếc…



Thuế điền (ruộng đất) chia làm ba hạng: hạng nhất đẳng điền mỗi mẫu nộp 20 thăng, nhị đẳng điền nộp 15 thăng, tam đẳng điền nộp 10 thăng; ruộng mùa thì nhất loạt nộp 10 thăng.

Ngoài thuế điền, thuế sản vật người dân còn phải đóng thuế đinh gồm ba loại: thuế thân 1,2 quan tiền, thuế mân tiền 1 tiền, thuế cước mễ 2 bát (gạo).

Đến thời Tự Đức, diện tích canh tác ở Quảng Bình theo sổ điền bạ có 48.159 mẫu, số thuế phải nộp là 26.494 hộc thóc, 29.610 quan tiền, 110 lạng bạc70. Đến triều vua Đồng Khánh, mặc dù diện tích đất canh tác đã giảm sút xuống hơn 1 vạn mẫu (từ 48 vạn thời Tự Đức xuống còn 38 vạn thời Đồng Khánh) nhưng nghĩa vụ nộp thuế lại không giảm. Sách “Đồng Khánh dư địa chí” cho biết thuế tỉnh Quảng Bình vào thời đó, nộp bằng tiền là 29.265 quan, nộp bằng thóc là 29.638 hộc 71.

Nghĩa vụ nộp thuế của phủ Quảng Ninh hàng năm bằng tiền là 14.334 quan, bằng thóc 13.685 hộc. Trong đó, huyện Lệ Thủy nộp thuế bằng tiền 6.093 quan, bằng thóc 5.166 hộc; huyện Phong Đăng nộp thuế bằng tiền 4.611 quan, nộp bằng thóc 5.297 hộc; huyện Phong Lộc nộp thuế bằng tiền 3.597 quann và bằng thóc 3.240 hộc 72.

Toàn phủ Quảng Trạch phải nộp thuế hàng năm bằng tiền 14.931 quan, bằng thóc 11.952 hộc. Trong đó, huyện Bình Chính nộp bằng tiền 4.535 quan, nộp bằng thóc 4.617 hộc; thuế của huyện Minh Chính phải nộp 4.892 quan tiền, nộp bằng thóc 3.631 hộc; huyện Bố Trạch nộp thuế hàng năm 40.402 quan tiền và thóc 2.777 hộc; huyện Minh Hóa có nghĩa vụ nộp thuế hàng năm 1.101 quan tiền và 905 hộc thóc 73.

Sự sụt giảm diện tích canh tác và tình hình lạm thu thuế nộp cho triều đình hàng năm để bù cho những khoản chi tiêu phục vụ cuộc sống vương giả của triều đình và quan lại đã phản ánh tình trạng suy thoái của các triều vua cuối của nhà Nguyễn, nhất là từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta. Tình hình đó làm cho nông nghiệp ở Quảng Bình càng đình đốn. Kèm theo đó là tình trạng nông dân mất ruộng hoặc bỏ ruộng phiêu tán, đi làm thuê ở các dinh điền, trang trại hay vào thành phố tìm mọi cách để sinh nhai.

Trong khi nông nghiệp đã dần dần đi vào suy thoái thì người dân phải bám vào các ngành nghề phi nông nghiệp, nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống và các nghề phụ khác. Các ngành nghề này vốn là các ngành nghề truyền thống ở các địa phương, là cứu cánh cho người dân mỗi khi nông nghiệp gặp khó khăn.

Quảng Bình có lợi thế bờ biển dài, lại có nhiều vùng ngập mặn, đầm phá ven biển, cửa sông, nguồn lợi hải sản của Quảng Bình rất phong phú, nhiều nhất là cá thu, cá ngừ, cá hồng, cá dỡ, cá đối, cá nhám, cá chim, cá mực, cá trích,... nên nghề cá dưới thời Nguyễn tiếp tục có điều kiện phát triển. Sách “Đại Nam nhất thống chí” ghi nhận một số đặc sản biển Quảng Bình đã được khai thác như cá long trích làm nước mắm ngon hơn cả, gọi là nước mắm hàm hương, sò cửu khổng (cửu khổng quyết minh - sò 9 lỗ), hàu ở Vũng Từ (Vũng Chùa, Quảng Trạch), tôm hùm ở Roòn (Quảng Trạch), Động Hải (Đồng Hới)… Đặc biệt, ở vùng Di Luân nhân dân địa phương nuôi nhiều sò huyết 74. Một số làng nghề ngư nghiệp nổi tiếng từ các triều đại trước như Di Luân (Quảng Trạch), Thanh Hà (Bố Trạch), Động Hải (Phong Lộc), Liêm Luật (Lệ Thủy)…tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong đánh bắt và cung cấp hải sản cho các chợ đầu mối trong vùng và cung cấp nguyên liệu chế biến các loại mắm và nước mắm.

Nghề làm muối đã có bước phát triển mới. Thời các chúa Nguyễn sách “Phủ biên tạp lục” nói đến phương thức làm muối là người ta phải nấu nước mặn trong các chảo lớn, nhưng giờ đây người ta đã biết làm ruộng muối với việc phơi nước mặn dưới nắng nóng, cho nước bóc hơi lấy muối. Các ruộng muối tập trung nhiều ở huyện Bình Chính (Quảng Trạch) và Phong Lộc (vùng Đồng Hới ngày nay).

Dưới triều Nguyễn, các ngành công nghiệp, thủ công nghiệp cũng được các vị vua đầu triều quan tâm phát triển. Công nghiệp nhà nước gồm các ngành nghề như đóng thuyền, đóng xe, đúc súng, đúc thuyền, khai mỏ, dệt vải, gốm sứ, kim hoàn,... giữ một vị trí hết sức quan trọng trong việc cung cấp sản phẩm cho triều đình, phương tiện hoạt động và sinh hoạt cho hệ thống quan lại, lực lượng quân đội và kích thích sự trao đổi, buôn bán nội vùng và mở rộng giao thương với nước ngoài.

Các nghề thủ công tư nhân ở nông thôn và thành thị cũng có cơ hội mở mang hơn trước. Các nghề làm gốm, sành sứ, dệt vải, rèn đúc, thợ mộc, thợ nề, nghề in, làm tranh dân gian, làm nón, sản xuất các đồ thủ công mỹ nghệ, công cụ sản xuất và sản phẩm gia dụng phát triển khắp nơi, số lượng thợ thủ công tăng lên nhanh chóng.

Nhờ vào nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, nhân dân Quảng Bình đã khai thác làm sản vật trao đổi, dùng làm nguyên liệu cho các ngành nghề thủ công để cung cấp cho triều đình, cung ứng cho đời sống hàng ngày của nhân dân và đưa đi trao đổi buôn bán với các địa phương khác. Sách “Đồng Khánh dư địa chí” viết: “Trong tỉnh, miền ven núi, miền dưới biển, cho nên kiêm có cả nguồn lợi núi, biển. Nguồn lợi núi thì có ngà voi, sừng hươu, gỗ, mây, tre các loại... Nguồn lợi biển thì có mắm, muối, tôm, cá, ốc, sò,... Các loại khoai, đậu, rau, củ, dưa quả thì tùy theo mùa, tùy chỗ mà gieo trồng xen vào, nhờ thế mà dân đắp đổi cũng đủ ăn, không vì thế mà đói khổ... Các sản phẩm tơ bông, chăn nuôi gia súc tuy không dư dật lắm nhưng cũng đủ để tự cung cấp. Những sản vật quý nhất thì ở núi có ngà voi, sừng tê giác, ở biển có tổ yến, ốc cửu khổng (bào ngư)... Thứ đến có Bình sâm,75 dưa hấu, đậu tương, bột hoàng tinh, rượu dâu, trám đen cũng khá nổi tiếng 76.

Về thương mại, thời kỳ nhà Nguyễn đã kế tiếp được những thành tựu về giao thương vốn đã được mở mang từ thời các chúa Nguyễn. Sau khi chiến tranh với Tây Sơn kết thúc, đất nước thống nhất, bình yên, những con đường cái quan được mở, nhiều sông ngòi, kênh rạch được đào và chỉnh tu, giao thông thuận lợi thì các trung tâm buôn bán trong nước bắt đầu hồi phục.

Để kích thích phát triển buôn bán và trao đổi hàng hóa, sản vật trong và ngoài nước, nhà Nguyễn đã thi hành một loạt biện pháp mới như cho đúc tiền đồng, tiền kẽm, đúc vàng nén, bạc nén, vàng lượng, bạc lượng dùng làm cơ sở giá trị trao đổi, tạo thuận tiện thúc đẩy phát triển giao thương.

Hàng hóa lưu thông hai miền chủ yếu là gạo từ Gia Định chuyển ra Bắc và hàng thủ công từ miền Bắc chuyển vào Nam.

Nhờ có thời gian phát triển trong thái bình nên trong thời kỳ đầu của triều Nguyễn, hầu hết các địa phương trong 3 phủ, 7 huyện của tỉnh Quảng Bình đều huy động được nguồn lao động nông nhàn, lên rừng khai thác những sản vật quý và nuôi trồng nhiều giống cây quả quý hiếm, đặc sản địa phương đem trao đổi trên thị trường nội địa và trong nước.

Sách “Đồng Khánh dư địa chí” ghi nhận thời bấy giờ ở phủ Quảng Ninh có các sản vật chính là dưa hấu, bột hoàng tinh, đậu tương, lụa trắng, muối trắng, mẫu lệ, nước mắm. Trong đó, huyện Lệ Thủy và Phong Đăng có các sản vật trao đổi như “bột hoàng tinh nhiều nơi trong huyện đều có trồng, nước mắm các xã Thử Luật, Liêm Luật, Thượng Luật, Trung Luật, Hòa Luật đều có”... Ở huyện Phong Lộc có “dưa hấu phường Hữu Cai có lệ cống nộp, đậu tương ấp Tráng Tiệp có lệ nộp cống, bột hoàng tinh cũng có xã trồng, xưa có lệ nộp cống, lụa trắng ở xã Vũ Xá, muối trắng ở phường Diêm Điền, Mẫu Lệ (vỏ hàu) ở xã Văn La77.

Ở phủ Quảng Trạch có các sản vật như sâm nam, sừng tê giác, ngà voi, sáp ong, mật ong, tre, mây, gỗ lạt, củ nâu, yến sào, ốc cửu khổng, vải thô, son, rượu dâu, trầm, giấy nam, cá mực, muối trắng... Trong đó, ở huyện Bình Chính có “muối trắng ở xã Di Lộc, muối mèm, hạt nhỏ, sáng trắng, màu vị đều ngon, tốt hơn muối nơi khác, có nộp thuế; sâm nam (Bình sâm, còn gọi là Bố sâm)78 trồng ở xã Trung Ái, trên núi Thành Thang cũng có loại sâm này, lá có lông nhỏ, hoa giống hoa cây quỳ đông, dân xã Phù Lưu vào khoảng tháng giêng, tháng hai lên núi đào lấy củ, chất của nó cứng mà không giòn, khô mà không ẩm, cũng được như sâm Thanh, sâm Nghĩa 79. Người nào khí lực phát tiết ra ngoài thì không dùng nổi thứ sâm này. Yến sào sẵn ở vùng biển Ô Tôn, dân biển sở tại bắc thang trèo lên để lấy, rất gian nan, nguy hiểm. Hàng năm lấy tổ vào tháng tư và tháng mười hai... Vải thô ở các xã La Hà, Tiên Lễ, Lũ Đăng, Tô Xá đều có... Ốc cửu khổng sinh sản ở biển Ô Tôn... Dân xã Vĩnh Sơn có lệ bắt cửu khổng để cống nộp...”. Sản vật ở huyện Bố Trạch “rượu dâu sản xuất ở Hoàn Lão, vị thơm ngon... có lệ cống, quả trám đen sản xuất ở tổng Hoàn Lão, om cho chín để ăn, có lệ cống, giấy Nam sản xuất ở thôn Hoàn Lão, cá mực ở thôn Lý Hòa, Lý Nhân đều có”. Sản vật ở huyện Minh Hóa chủ yếu là “sừng tê, mật ong, sáp ong, tre, mây, gỗ,...” 80

Sản vật khai thác được từ tài nguyên thiên nhiên, nông sản và hàng thủ công truyền thống được nhân dân đem trao đổi buôn bán tại các trung tâm thương mại, các chợ đầu mối và các chợ làng trong tỉnh. Trong quá trình mua bán, trao đổi hàng hóa, đã hình thành những nhóm người tiêu thụ và nhóm người phân phối hàng hoá và nhóm người chuyên nghề vận chuyển (chủ yếu trong nội địa là sức gồng gánh, trâu, bò kéo trên bộ, rồi đến ghe, thuyền, bè trên sông và vùng ven biển).

Buôn bán nội địa chủ yếu vẫn là sự trao đổi hàng hóa giữa hai khu vực miền núi (có sản vật) và miền xuôi, dân cư đông đúc có nhu cầu tiêu thụ), cũng gọi là đầu nguồnhạ bạn. Thường đầu nguồn là nơi cung cấp sản vật, còn hạ bạn là nơi tiếp nhận và phân phối sản vật đi xa theo nhu cầu của từng địa phương. Đây là những tụ điểm buôn bán, còn rất hạn chế về mặt tổ chức và hàng hoá, một mô hình kinh tế đơn giản, nhưng rất căn bản, cung cấp những nhu yếu phẩm thiết yếu cho nhân dân trong vùng. Sự trao đổi buôn bán giữa các vùng đồng bằng và trên các cửa biển, nơi có các sông lớn đổ nước ra biển, tạo thành những trung tâm thương mại, nơi thu nhận và phân phối sản vật sâu vào vùng nông thôn. Hàng từ miền xuôi chở lên là muối, mắm, cá khô, đồ gốm, sành sứ, đồ sắt, đồng, bạc, vàng xuyến… lên đổi lấy trâu, bò, lúa nương, sáp ong, mật ong, vỏ cây dó, sừng tê giác, voi, hươu, nai, thịt thú rừng khô... rồi thuê người gánh ra bến thuyền chở về.

Bộ sách địa chí đầu tiên của triều Nguyễn “Hoàng Việt nhất thống dư địa chí” do Mẫn Chính hầu - Lê Quang Định81 viết từ đầu thời Gia Long đã cho biết ngay từ đầu triều Nguyễn, mạng lưới buôn bán ở Quảng Bình đã rất phát triển82. Từ phía Kinh thành Huế ra phía Bắc có “chợ Hòa Luật, tục gọi là chợ Kẻ Hòa, mỗi ngày đông vào buổi chiều,... chợ An Định mỗi ngày đông vào buổi sáng,... chợ Thạch Xá Hạ tục gọi là chợ Trà có bán nhiều nấm đất và khoai sọ,... chợ thôn An Xá, tục gọi là chợ Cồn Bói, chợ Thạch Xá Thượng, tục gọi là chợ Dâu, dân trong thôn sống bằng nghề trồng dâu nuôi tằm,... chợ Dinh Mười đông cả sáng lẫn chiều,... chợ Võ Xá đông vào buổi sáng, phía Bắc chợ này thời tiên triều có đặt phủ, gọi là phủ Trạm,... chợ bến Động Hải đông hai phiên sáng chiều, bán nhiều tôm cá, càng về chiều càng nhiều cho nên dân tôn này có câu ca rằng:

Gió Đông Nam ban chiều thổi lại



Cá câu về tràn bãi chợ Hôm”.

Từ thành tỉnh đi ra phía Bắc“đến chợ xã Phú Xá, tục gọi là chợ Quán Chẻ, chợ đông chỉ buổi sáng, mặt ngoài chợ bán nhiều loại lưới, hai bên chợ có quán xá có thể nghỉ lại được,... chợ Dinh Ngói, đông vào buổi chiều, bán nhiều tôm, cá, rau quả, bên chợ có quán xá, khách đi đường có thể nghỉ lại,83... chợ thôn An Lão, tục gọi là chợ Đón,84 chợ đông vào buổi sáng,... chợ Lý Hòa đông cả sáng lẫn chiều, bên chợ có quán xá, có thể nghỉ chân,.. .chợ Thổ Ngọa đông vào buổi sáng, bán nhiều tôm cá,... chợ Phan Long,85 tục gọi là chợ Phiên cứ 10 ngày 1 phiên, đông cho đến tối, bán nhiều mặt hàng như vải lụa, tôm, cá rau ráng,... chợ Lộc Điền, còn gọi là chợ Điền, bán nhiều tôm cá,...”. phía Tây Ba Đồn còn có một chợ gọi là “chợ Cống, cứ 3 ngày nhóm một phiên vào buổi sáng,... đầu địa giới trấn Nghệ An đến chợ Xuân Kiều, tục gọi là chợ Phiên, chợ có quán xá có thể nghỉ lại, cứ 10 ngày họp một phiên,... chợ Di Lộc, tục gọi là chợ Roòn, cứ 10 ngày họp một phiên,người buôn bán đông đúc cho đến chiều tối, họ bán nhiều cá và muối...”86

Việc buôn bán với bên ngoài vốn đã bắt đầu hình thành từ thời chúa Nguyễn mở mang Đàng Trong nhưng do Quảng Bình là đất tranh chấp nên bấy giờ không có điều kiện mở rộng. Khi nhà Nguyễn đánh bại được Tây Sơn, thiết lập được thái bình trong những triều đầu của nhà Nguyễn thì buôn bán với bên ngoài mới bắt đầu được tiếp nối.

Các vua đầu triều Nguyễn đã kế thừa được những thành tựu giao thương xứ Đàng Trong nên sau khi thống nhất đất nước thì thương mại theo chiều Bắc Nam có cơ sở để phát triển. Tuyến buôn bán đường bộ từ chợ Ba Đồn và các chợ kề cận Hoành Sơn cũng có những chuyến hàng qua đường bộ đến với xứ Nghệ ở phía Bắc. Từ Ba Đồn kết nối với các chợ phiên trong vùng để lưu chuyển hàng hóa nội địa ra phía Bắc và từ chợ Cổ Hiền (chợ Côộc), lên chợ Cổ Liễu (chợ Tréo), kết nối với chợ Hồ Xá để đưa hàng hóa qua đường bộ vào phía Nam.

Về đường biển, địa bàn Quảng Bình thời bấy giờ chưa có những thương cảng thuận lợi như ở phía Nam nhưng do nhu cầu trao đổi sản vật nên thuyền buôn của các địa phương phía Nam, nhất là Quảng Nam đã cập bến cửa Nhật Lệ, Lý Hòa, cửa Gianh và Roòn. Nguyễn Kinh Chi trong sách “Du lịch Quảng Bình” cho biết “Làng Cảnh Dương ở gần biển, cư dân trù mật, giàu có, họ chỉ sinh nhai nghề biển. Nước mắm của họ ngon có tiếng, mỗi năm chở ra buôn bán ngoài Bắc thu về trên 10 vạn bạc87. Dân vùng cửa Roòn, Lý Hòa và Thanh Hóa vốn đã từng đem thuyền vào Nam mua sản vật về bán lại cho các chợ đầu mối ở Quảng Bình và mua sản vật ở Quảng Bình trao đổi với các địa phương phía Nam. Trong sách “Địa lý - Lịch sử Quảng Bình”, Lương Duy Tâm cho biết hàng hóa nhập vào trong tỉnh bao gồm “một số nguyên liệu như dầu tây và các loại sắt, đồng cũ của Vinh, Hà Nội hoặc Sài Gòn, các thức ăn như gạo của Nam Định, đường của Quảng Ngãi, muối biển của Quảng Ngãi và của Quy Nhơn, các thức uống như chè tàu, rượu vang, rượu trắng... những công nghệ phẩm như vải Nam Định, đồ gốm Thanh Hóa, Quảng Nam và hàng nghìn đồ vật khác bán ở các cửa hàng và chợ búa. Phần lớn các hàng hóa ấy đều mua ở Vinh, ở Nam Định và ở Huế.

Hàng xuất ra ngoài tỉnh chủ yếu là hàng hải sản và lâm sản... như nước mắm, mắm cá và mắm tôm vào Huế và Nam Định, đồ mộc, mây ra Nam Định và Hải Phòng, nón lá ra Nam Định và Hà Nội, đồ gỗ và các đồ chạm trỗ bằng gỗ gần khắp mọi nơi, xuất cảng gạo đỏ, ngô, trứng vịt, cau tươi và cau khô 88.

Như vậy, có thể nói dưới triều Nguyễn, thương mại Quảng Bình đã có một bước tiến khá dài so với thời các chúa Nguyễn và Tây Sơn, nối tiếp được nền tảng phát triển thương mại đã có dưới thời Lê.

Sau buổi đầu chấn hưng thương mại, không hiểu vì lý do gì mà các triều sau đó (nhất là từ Tự Đức trở đi) nhà Nguyễn lại thực hiện chính sách ức thương, ban hành chế độ “bế quan, tỏa cảng”, kiểm soát và thuế má nặng nề, trong đó bao gồm cả nội thương và ngoại thương khiến cho thương mại cuối thời nhà Nguyễn trở nên đình đốn, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của quốc gia và đời sống nhân dân. Vì thế, vào những năm cuối của triều Nguyễn tình hình giao thương trên địa bàn Quảng Bình cũng không còn phát triển mạnh mẽ như thời kỳ đầu nữa.

Về mặt văn hóa, xã hội, trước xu thế phát triển văn hóa, giáo dục của các nước trong khu vực và sự thâm nhập của văn minh phương Tây, nhà Nguyễn đã có những chính sách cởi mở để cải thiện nền văn hóa, giáo dục đất nước. Bên cạnh việc duy trì truyền thống giáo dục Nho học, nhà Nguyễn đã tạo điều kiện mở rộng giao tiếp với văn minh phương Tây, cho dịch và phổ biến những sách báo phổ biến kiến thức về địa lý, nông điền, thủy lợi, quân sự và quản lý hành chính quốc gia như “Khung Giang phác vật đồ chí”, “Đại Pháp kỳ đăng hiệu”, “Thuế lệ và binh thuyền”, “Cổ kim võ bị”, “Thao luyện kỵ mã binh luật pháp thư”, “Bác vật tân biên”...(89)

Về văn hóa tinh thần, nhà Nguyễn vẫn kế tục truyền thống của các chúa Nguyễn, lấy Nho giáo làm rường cột tư tưởng quốc gia và thước đo giá trị, trật tự xã hội nhưng cũng không cấm đoán sự phát triển của Phật giáo. Nho giáo vẫn chiếm vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân. Đạo đức xã hội vẫn được xây dựng trên cơ sở tam cương (quân thần cương, phụ tử cương, phu thê cương) ngũ thường (nhân, lễ, nghĩa, trí, tín). Vì thế, trong chế độ quân chủ Nho giáo, hệ thống quan lại và bộ máy chính quyền thường được đào tạo công phu và có kỷ luật nghiêm minh. Người thừa hành sứ mệnh trị quốc an dân, phải thông suốt lịch sử, vì “những bộ sử Thực Lục, chính là kho tích lũy kinh nghiệm, được tường thuật lại theo thứ tự thời gian, kèm lời phê của các sử quan được nhà vua chỉ định, cho nên mọi việc đều được phân định tốt xấu, làm mẫu mực cho các quan lại đối chiếu với bổn phận thừa hành của mình, hầu tránh sai lầm và vi phạm luật pháp của quốc gia90. Dưới thời phong kiến nói chung, thời Nguyễn nói riêng, kho tàng tri thức đó chỉ được đào tạo qua hệ thống Nho giáo.

Chính vì vậy, một số địa phương ở Quảng Bình có lập văn miếu để thờ đức Khổng Tử và răn dạy việc học. Đền văn miếu của tỉnh được sách “Đại Nam thực lục chính biên” nói đến, được xây dựng từ năm Gia Long thứ 17 (1818) ở huyện Phong Đăng. Năm Minh Mạng thứ 19 (1838), nhà vua lại cho xây dựng văn miếu ở Động Hải, phía Tây Nam thành Quảng Bình, đến đời Thiệu Trị cho sửa chữa lại. Ngoài văn miếu trung tâm lại lỵ sở ra thì nhiều làng, nhân dân và chính quyền sở tại cũng lập văn miếu để khuyến học; 8 làng cổ Sơn, Hà, Cảnh, Thổ, Văn, Võ, Cổ, Kim và nhiều làng văn vật khác đều có xây dựng văn miếu. Hàng năm, vào tháng tư âm lịch, các quan viên, học sinh trong các địa phương theo học chữ Hán đều tổ chức nghi lễ dâng hương đức Khổng Tử rất trang trọng để tỏ cái đức và cái tâm của người học trò cửa Khổng, sân Trình.

Về tôn giáo, mặc dù từ cuối thời Trần, đầu thời Lê, Phật giáo không còn được đề cao như thời Lý nhưng ở vùng đất biên viễn Quảng Bình, Phật giáo vẫn được nhân dân sùng tín. Sang thời các chúa Nguyễn và Tây Sơn, Phật giáo ở Quảng Bình không những không bị cấm đoán mà còn được chính quyền quan tâm duy trì. Đến thời nhà Nguyễn, triều đình đã cho phép nhân dân nhiều nơi sửa chữa, tôn tạo các thiết chế Phật giáo khang trang hơn. Nhân dân trên địa bàn Quảng Bình bấy giờ vẫn coi Phật giáo là một phần trong đời sống tinh thần của họ. Đa số làng đều có lập chùa làng, dù chỉ là ngôi nhà bằng tranh tre nhưng không khí sùng tín Phật giáo không vì thế mà suy giảm. Ngoài chùa làng, trong từng vùng có các ngôi chùa lớn như chùa Phúc Kiều ở Quảng Tùng (thờ phật Bà bằng đá); Chùa Kim Phong trên núi Thần Đinh, không biết dựng từ năm nào nhưng năm Minh Mạng thứ 6 được làm bằng tranh đến năm thứ 10 được người địa phương là Lê Văn Túc quyên tiền tu bổ lợp ngói; Chùa Cảnh Tiên, ở ấp Tráng Tiệp, huyện Phong Lộc do Khai quốc công thần Nguyễn Hữu Dật dựng, được chúa Nguyễn ban biển ngạch sắc tứ “Cảnh tiên tự”, trải qua loạn lạc chùa bị hư hỏng nặng, năm Minh Mạng thứ 8 (1827), Thiệu Trị thứ 2 (1842) cho trùng tu lại; Chùa Hoằng Phúc (còn gọi là Kính Thiên) thời chúa Sãi Nguyễn Phúc Chu đã cho sửa chữa và đề tặng bức hoành phi “Vô song phúc địa” cùng nhiều câu đối, đến đời vua Minh Mạng và Thiệu Trị nhiều lần cho tu sữa thêm; Chùa Linh Quang ở Bố Trạch, sau chiến tranh dân địa phương bỏ nhiều công sửa chữa, năm Minh Mạng thứ 21 (1840) lại trùng tu lớn; Chùa Đại Phúc ở địa phận hai xã Đại Phúc và Tuy Lộc, huyện Lệ Thủy được xây dựng từ thời các chúa Nguyễn, đến triều Nguyễn đã được trùng tu, tôn tạo thành chùa lớn trong vùng; Chùa Hóa ở địa phận xã Hữu Bổ huyện Phong Lộc, tương truyền rất linh thiêng, dưới thời Nguyễn đã bị xuống cấp, hư hại nhưng dân trong vùng vẫn thường xuyến đến vãn cảnh, dâng lễ vật cúng bái, cẩn cầu 91.

Cùng với sự phục sinh của Phật giáo thì Thiên Chúa giáo sau một thời gian gián đoạn do không nhận được sự ủng hộ của chính quyền các chúa Nguyễn, Tây Sơn và các triều đầu của nhà Nguyễn, khi thực dân Pháp xúc tiến những cuộc thăm dò và sau đó gây chiến tranh xâm lược nước ta thì Thiên Chúa giáo đã tranh thủ cơ hội mở rộng phạm vi hoạt động trên cả nước nói chung và Quảng Bình nói riêng, và đã tìm mọi cách len lõi vào đời sống xã hội. Đến nửa cuối thế kỉ thứ XVIII, cơ sở Thiên Chúa giáo tại Động Hải bắt đầu nhen nhóm hoạt động trở lại, đổi tên từ giáo xứ Họ Lũy thành xứ đạo Sáo Bùn với khoảng 200 nóc nhà và 1.200 giáo dân92. Việc khôi phục họ đạo quanh khu vực Động Hải, Phú Hải đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng dân cư trong khu vực, trong đó có cộng đồng Phật giáo và những người không theo tôn giáo mà chỉ thờ phụng gia tiên theo truyền thống dân tộc. Để tăng cường thế lực cho Thiên Chúa giáo, cuối năm 1886, dựa vào chính quyền thực dân Pháp, cố đạo Claude Bonin cho lập một giáo xứ mới ở làng Lệ Mỹ bên sông Nhật Lệ, xây dựng ở đó một thánh đường, một tu viện dòng Mến Thánh giá và một viện Dục Anh, giao cho các linh mục Mathêo Nguyễn Văn Thăng (1858-1951) và Phêrô Nguyễn Văn Bảng (1878-1953) chủ trì. Tuy nhiên, do thời kỳ này khu vực Động Hải dân cư đang thưa thớt, quân lính triều đình cũng không đồn trú quanh các thành lũy nữa nên việc lập xứ đạo Tam Tòa vào thời điểm này cũng chỉ là tập hợp được một số ít cư dân đánh cá ven sông là chủ yếu, không có cơ hội phát triển rộng ra địa bàn cư dân nông nghiệp trong vùng.

Cũng vào thời gian cuối thế kỉ XIX, sau khi thành lập giáo xứ Tam Tòa, giáo hội Thiên Chúa giáo Việt Nam lại tăng cường lực lượng linh mục đến Quảng Bình để thành lập tiếp một số các xứ đạo như Mỹ Phước, Mỹ Hương, Đại Phong, Trung Quán, Sáo Cát, Kẻ Hạc, Kẻ Sen, Kẻ Bàng rồi từ đó lan rộng ra nhiều làng xã trong vùng như Hướng Phương, Lũ Đăng, làng Ngang, Cồn Nâm (Bình Chính), Bồ Khê, Chánh Hòa, Cù Lạc, Kẻ Lái (Bố Trạch), Quán Hàu, Trần Xá, Vạn Xuân (Quảng Ninh), Ba Ngoạt, Hòa Luật Nam, Mỹ Đức, Xuân Bồ... và một số nơi khác.

Hầu hết dân xứ đạo đều là nông dân chân chất, vốn là người lao động cần cù, có tinh thần yêu nước, lại sống đan xen trong các cộng đồng tôn giáo và không tôn giáo nên bên cạnh việc hành đạo, các giáo dân đã tích cực tham gia các hoạt động xây dựng quê hương, đất nước, đồng hành cùng các tầng lớp nhân dân địa phương trong sự nghiệp kháng chiến chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tôn giáo để chia rẽ, gây mất đoàn kết giữa các cộng đồng tôn giáo, không tôn giáo và các tín ngưỡng.

Một khía cạnh khác trong đời sống văn hóa tâm linh, đó là những sinh hoạt cộng đồng hình thức lễ hội cộng đồng hay hội lễ cúng tế, bái vọng để tỏ lòng biết ơn, tưởng nhớ và khẩn cầu sự phù hộ, che chở các vị thần phù hộ độ trì cho cuộc sống dân chúng, những người đã có công dẹp giặc, những vị tiền nhân có công khai khai sơn phá thạch cho con cháu an cư lạc nghiệp vùng đất mới.

Ở mỗi làng xã trên địa bàn Quảng Bình, không phân biệt giàu nghèo, dân sở tại hay dân di cư, ngụ cư, hầu như làng nào, xã nào cũng có đủ hệ thống tam nguyên là đình làng, miếu thờ thành hoàng (phối thờ tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai canh), và chùa làng. Nghiên cứu qua thư tịch cổ như “Đại Nam nhất thống chí”, “Đại Nam thực lục chính biên”, “Hoàng Việt nhất thống chí” và qua điều tra thực địa cho thấy trên địa bàn tỉnh Quảng Bình được xây dựng rất nhiều công trình văn hóa tâm linh, trong số đó phân bố tập trung nhất ở chung quanh lỵ phủ Quảng Bình ở Phong Lộc, một số ít phân bố rải rác trong vùng. Những thiết chế lớn, tồn tại khá lâu và được cộng đồng cư dân chăm sóc, thường xuyên tổ chức nghi lễ cúng bái, thờ phụng như đàn Xã Tắc dựng đời Minh Mạng thứ 14 (1833) ở địa phận huyện Phong Lộc, phía Tây Bắc thành Quảng Bình (thành phố Đồng Hới ngày nay) thờ thần Xã tắc bản tỉnh; Đàn Tiên Nông dựng đời Minh Mạng thứ 14 (1833), ở địa phận huyện Phong Lộc, về phía Đông Nam tỉnh thành, thờ thần Tiên Nông (thần Nông); Đàn Xuyên Sơn nằm ở phía Tây Nam thành, dựng đời Tự Đức thứ 5 (1851) thờ thần Xuyên Sơn (thần Sông Núi); Văn miếu ở địa phận huyện Phong Lộc, phía Tây Nam tỉnh thành, thờ tiên sư Khổng Tử được Gia Long (năm thứ 17) cho xây dựng ở huyện Phong Đăng, sau Minh Mạng (năm thứ 19 - 1831) cho dời về ở Tây Nam tỉnh thành (thuộc huyện Phong Lộc), đến đời Thiệu Trị (năm thứ 7) cho trùng tu; Miếu Hội Đồng được dựng từ năm Minh Mạng thứ 2 (1821) ở phía Đông Nam thành thờ Thần kỳ bản cảnh, năm thứ 15 sửa chữa lại; Miếu Tam Tòa ở phía Tây Bắc thành, dựng từ năm Minh Mạng thứ 2 (1821). Theo các cụ bô lão ở Đồng Hới thì miếu Tam Tòa thờ “Đại càn quốc gia Nam hải, tam tòa tứ vị thánh nương”. Hàng năm, dân làng Động Hải tổ chức lễ Xuân thủ kỳ yên tổ chức rước thần từ miếu Tam Tòa về đình làng, quan Tuần vũ thường đến đây làm lễ tế; Miếu Long Vương ở động cát Phú Ninh (nay là Bàu Tró) thờ thần Long Vương, gặp hạn hán, cầu đảo ứng ngay 93. Ở địa bàn phía Bắc hiện vẫn còn dấu tích của các thiết chế tín ngưỡng như miếu đôi Thổ Ngọa, Tam tòa tứ miếu ở Phù Trịch, miếu Nam Lãnh ở Quảng Phúc...

Đền thờ những người có công với nước, với quê hương, với nhân dân phân bố khá rộng trên địa bàn Quảng Bình với nhiều quy mô khác nhau. Có thể nói không làng nào là không có vài ngôi đền miếu, trong số đó có nhiều đền miếu có ảnh hưởng lớn, vượt ra khỏi phạm vi làng xã, được nhân dân trong cả vùng biết đến và thờ phụng như đền Hoằng Quốc Công thờ Khai quốc công thần Đào Duy Từ đặt ở phía trong Võ Thắng quan; Đền Tĩnh Quốc Công thờ Khai quốc công thần Nguyễn Hữu Dật ở xã Vạn Xuân, huyện Phong Lộc; Đền Anh Quốc Công ở ấp Tráng Tiệp, huyện Phong Lộc, thờ Khai quốc công thần Nguyễn Hữu Tiến; Đền Vĩnh Yên (Vĩnh An) ở xã An Ninh thờ Khai quốc công thần Nguyễn Hữu Kính (Cảnh); Đền Mai Công thờ xã trưởng Thủy Liên (xã Sen Thủy) Mai Văn Bản; Đền Song Trung thờ công thần triều Lê - Hoàng Vĩnh Tộ và con là Vĩnh Dụ; Đền Thủy Lan thờ Mai Văn An…94

Cùng với việc tổ chức xây dựng các thiết chế văn hóa là các sinh hoạt văn hóa cộng đồng để tái hiện một phần đời sống lao động, sản xuất, sinh hoạt, mô phỏng diễn trình lịch sử, văn hóa kết hợp dâng tiến, cúng bái các đền chùa, đình miếu (sau này gọi là lễ hội) và các nghi thức hành lễ thờ phụng, cúng bái có tính chất tập thể cộng đồng (sau này các nhà nghiên cứu gọi là hội lễ).

L
Lễ hội đua thuyền ở huyện Lệ Thủy. (Ảnh Tư liệu)
ễ hội lớn nhất, có quy mô toàn vùng là lễ hội đua thuyền ở Lệ Thủy đã được ghi nhận từ thời Lê Mạc là một hội xuân: “
sang xuân mở hội đua bơi, lụa là chen chúc 95. Đến thời Nguyễn, lễ hội này dần dần được gắn với nghi lễ cầu đảo và trở thành lễ hội cầu mưa của cư dân nông nghiệp, thường tổ chức vào tháng 7 hàng năm 96. Lễ hội đua thuyền Lệ Thủy là một lễ hội lớn, hàng năm thu hút hàng vạn người trong và ngoài vùng đến xem đua thuyền, tham gia các trò chơi dân gian như đánh cờ, cướp cù, chơi đu, thi nấu nướng, hò khoan giã gạo,... Dấu ấn về lễ hội đua thuyền Lệ Thủy in đậm trong các tầng lớp nhân dân, tồn tại qua nhiều thời đại và trở thành một sinh hoạt văn hóa vùng nổi tiếng cả nước. Có thể nói, lễ hội đua thuyền Lệ Thủy là một bằng chứng sinh động về sự thụ ứng văn hóa phương Nam một cách hết sức mạnh mẽ của cồng đồng di dân từ phía Bắc trong gần cả một thiên niên kỉ.

Sau lễ hội đua thuyền Lệ Thủy thì phổ biến nhất có lẽ là các lễ hội liên quan đến văn hóa làng biển, trong đó hội lễ cầu ngư diễn ra ở các làng xã ven biển Phong Lộc, Bố Chính và Bình Chính như Bảo Ninh, Phú Hội, Lý Hòa, Thanh Khê, Cảnh Dương,... Trong hình thức hội lễ văn hóa làng biển thường có sự kết hợp giữa lễ cầu mùa (mùa cá) với tục thờ cá voi để thành một hội lễ chung và chuyển thành lễ hội97. Có những hội lễ có quy mô lớn, được tổ chức thường xuyên với nhiều hình thức vui chơi, giải trí dân gian, dần dần chuyển hóa từ nghi thức tín ngưỡng theo kiểu hội lễ thành lễ hội sinh hoạt cộng đồng như lễ hội bơi trải của các làng Động Hải, Hà Thôn, Phú Hội, Cửa Thôn, Lệ Mỹ, Hướng Dương, Trung Bính, Kiên Bính,... diễn ra 6 năm một lần nên gọi là lễ “lục niên cạnh độ”, thu hút đông đảo dân trong vùng tham gia. Hội lễ cầu ngư ở Cảnh Dương cũng được tổ chức hàng năm có sự kết hợp của tục thờ cá voi (cá Ông) đã trở nên nổi tiếng, dần dần được chuyển hóa thành lễ hội, truyền qua nhiều đời. Ở miền núi huyện Minh Hóa có lễ hội Rằm tháng Ba cũng là môt hình thức lễ hội có sự kết hợp giữa tín ngưỡng thờ thần Sơn Xuyên qua một câu chuyện truyền thuyết với một hội xuân của đồng bào dân tộc kết hợp với tín ngưỡng hội mùa. Lễ hội thu hút sự tham gia của các dân tộc sống xen cư trên địa bàn, thu hút cả người Việt dưới xuôi lên tham gia lễ hội. Lễ hội đập trống của người Ma Coong tổ chức vào ngày 16 tháng Giêng hàng năm cũng là một dạng hội xuân chứa đựng yếu tố văn hóa phồn thực, phản ánh khát vọng về một năm làm ăn thuận lợi, may mắn của đồng bào dân tộc ít người.

Trên đây chỉ là những lễ hội chính, điển hình cho 3 vùng văn hóa của cư dân nông nghiệp, ngư ngiệp và cư dân miền núi trong số hàng trăm lễ hội lớn nhỏ khác, tạo nên không khí sinh hoạt văn hóa cộng đồng lành mạnh cho cộng đồng dân cư.

Cùng với lễ hội thì rất nhiều hội lễ đã được kết hợp đan xen vào lễ hội để thực hiện các nghi thức cúng tế, cẩn cầu,... Những nghi thức hội lễ phổ biến nhất là lễ tế thần Thành hoàng và các vị khai canh khai cư của làng xã98. Dưới thời Nguyễn, việc tế Thành hoàng và cúng thần khai khẩn, khai canh, khai cư thường được tổ chức chung và phối thờ trong cùng một điện thần chung. Hầu như làng nào cũng tổ chức lễ này kết hợp với hội làng để thành một hội lễ của làng. Nhiều nơi ở Quảng Bình hình ảnh vị thần bảo hộ cho làng xã là Thành hoàng không còn dấu ấn đậm nét trong tính ngưỡng làng xã mà đã hòa trộn với việc tôn phù thần Khai khẩn, Khai canh với Thành hoàng làm một. Đó là làng Thượng Phong thờ Hoàng Hối Khanh, vị Khai canh của làng được thờ với thần danh là Thành hoàng làng. Tương tự như vậy, làng Lũ Phong ở Bình Chính cũng thờ vị Khai canh Phạm Xuân Quế trong vị trí tôn phù là thần bảo hộ Thành hoàng,...

Ngoài ra, trong cộng đồng làng xã ở Quảng Bình dưới thời Nguyễn còn có hàng trăm các loại lễ hội và nghi thức cúng tế của cư dân nông nghiệp cư dân ngư nghiệp và các dân tộc ở miền núi như lễ cúng đồng, lễ cúng mùa, lễ khai hạ, lễ tết trâu,... ở đồng bằng; lễ lấp lỗ, lễ cơm mới,... ở miền núi,... Những loại hình lễ hội, hội lễ và nghi thức tín ngưỡng cộng đồng đã góp thêm cho bức tranh văn hóa làng xã sinh động, góp phần tô đẹp đời sống tinh thần lành mạnh của nhân dân.

Mặc dù còn nhiều hạn chế nhưng những cố gắng trong chính sách phát triển văn hóa, xã hội của triều đình nhà Nguyễn (đặc biệt là dưới thời Minh Mạng) đã tạo ra một giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Nhận xét về đời sống tinh thần của nhân dân Quảng Bình, sách “Đại Nam nhất thống chí” viết: “Hàng năm các tiết: thượng tiên, trừ tịch, chính đáng, đoan dương, tam nguyên và tứ quý, nhà nào cũng sửa lễ cúng bái tổ tiên; tháng 6 tế thần cầu phúc, phần nhiều bày tiệc hát xướng, gọi là tàng cưu; tháng 7 lễ tiên tổ phần nhiều dùng đồ mã, gọi là tuần chay; lễ cưới, lễ tang, lễ mừng, lễ viếng cũng hay giúp đỡ nhau 99.

Có thể nói, vào thời kỳ đầu của triều Nguyễn, những hoạt động văn hóa tinh thần ở khía cạnh tâm linh, trong đó bao gồm Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Đạo giáo, đạo gia tiên, thờ thần linh, thờ phụng và tôn vinh các vị tiền nhân có công với nước, với quê hương, các vị tiền nhân khai khẩn, những lễ hội và hội lễ, những nghi thức văn hóa làng xã đã góp phần tạo nên đời sống văn hóa đa dạng của người Quảng Bình thời bấy giờ.




tải về 0.54 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương