Nnc trần văn chưỜNG



tải về 43.74 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu29.07.2016
Kích43.74 Kb.
#9518
NGUYỄN HỮU DẬT (1603-1680)

MỘT DANH TƯỚNG VĂN VÕ SONG TOÀN



NNC. TRẦN VĂN CHƯỜNG

Cán bộ hưu trí tại Quảng Bình

Nguyễn Hữu Dật, vị danh tướng trải 4 đời các chúa Nguyễn, là người trải qua 52 năm (1620-1672) trong thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh ác liệt nhất. Ông nguyên quán ở ngoại trang làng Gia Miêu, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, Thanh Hóa; sinh năm 1603 ở Thăng Long, theo cha là tham tướng Triều Văn hầu Nguyễn Triều Văn vào Nam năm 1608, “nhập tịch ở Phong Lộc” (theo Đại Nam nhất thống chí), định cư ở làng Vạn Toàn, tổng Hoành Phổ, huyện Khang Lộc, phủ Quảng Bình, sau đổi là làng Vạn Xuân, nay là thôn Bến, xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.

Mới 16 tuổi, Nguyễn Hữu Dật đã được chúa Nguyễn Phúc Nguyên chọn làm văn chức, nhưng do còn xốc nổi nên chúa sai Triều Văn đưa về rèn cặp để sau dùng vào việc lớn.

Năm 1620, quân Trịnh có thư nội gián đã kéo vào Nhật Lệ. Nội gián bị lộ, quân Trịnh rút lui. Cuộc chiến lần thứ nhất do quân Trịnh phát động không thành. Nguyễn Phúc Nguyên quyết chí đoạn tuyệt với Đàng Ngoài, tích cực thực hiện chiến lược phòng thủ để cát cứ Đàng Trong.

Năm 1626, Nguyễn Hữu Dật được Phúc Nguyên cho gọi vào cung làm quan văn. Năm 1627, quân Trịnh gây cuộc chiến lần hai. Quân Nguyễn do Phúc Vệ chỉ huy, Hữu Dật làm giám chiến, chỉ đóng nơi hiểm yếu, bất ngờ đánh mấy trận lớn. Hữu Dật lại cho gián điệp ra Bắc tung tin ở Thăng Long có biến loạn. Quả nhiên, Trịnh Tráng phải rút quân. Vị giám chiến Nguyễn Hữu Dật 24 tuổi lần đầu ra trận, bằng mưu kế phản gián lừa địch đã bộc lộ tài năng góp phần giành thắng lợi nhanh chóng mà ít tổn thất xương máu. Sau trận thắng, Nguyễn Hữu Dật được phong tước Chiêu Vũ tử.

Vừa kết thúc trận chiến, được gặp vị danh sư ra phò chúa Nguyễn là Đào Duy Từ, Nguyễn Hữu Dật, vị tướng trẻ như diều được gió. Nguyễn Hữu Dật thường xuyên đàm đạo với quân sư, tham gia cùng Đào Duy Từ đốc thúc việc đắp lũy Trường Dục năm 1630, lũy Đầu Mâu - Nhật Lệ năm 1631.

Cuối năm 1633, đầu 1634, quân Trịnh gây trận chiến lần thứ ba ở cửa Nhật Lệ, Chiêu Vũ tử Nguyễn Hữu Dật được cử làm Đốc thị. Chuẩn bị cho cuộc chiến, ông đã hiến kế cắm cọc gỗ chắn cửa Nhật Lệ, đắp lũy cát Trường Sa để phòng thủ. Trận chiến Trịnh - Nguyễn lần thứ ba kết thúc. Quân Trịnh thất bại rút chạy. Đôi bờ sông Gianh trở thành chiến tuyến của 2 tập đoàn phong kiến cát cứ: Trịnh ở Đàng Ngoài, Nguyễn ở Đàng Trong. Âm mưu thôn tính lẫn nhau càng sâu sắc; hoạt động chuẩn bị cho cuộc chiến tiếp tục phát động tích cực hơn.

Hệ thống chiến lũy theo ý đồ thiết kế của Đào Duy Từ mới xây dựng thì cuối năm 1634 quân sư Đào Duy Từ qua đời; năm 1635 chúa Nguyễn Phúc Nguyên qua đời, Phúc Lan kế vị. Kế thừa một cách sáng tạo tư tưởng chiến lược của Đào Duy Từ, Nguyễn Hữu Dật trở thành “Khổng Minh” của các chúa Nguyễn. Ông cùng cha là tham tướng Nguyễn Triều Văn dốc tài dốc trí phò chúa Nguyễn.

Bắc Bố Chính có Hiền Tuấn hầu Nguyễn Khắc Tôn là kẻ gian manh được chúa Trịnh ban quốc tính thành Trịnh Bách. Bằng mưu kế ly gián của Nguyễn Hữu Dật, Hiền Tuấn bị rơi đầu theo lệnh của Trịnh Tráng năm 1640.

Cùng cha tham gia trận chiến khốc liệt lần thứ tư với quân Trịnh năm 1648, tham tướng Triều Văn hầu lãnh thủy binh; đốc chiến Chiêu Vũ hầu lãnh bộ binh. Trên hệ thống chiến lũy Trường Dục, Đâu Mâu - Nhật Lệ, lũy cát Trường Sa, chiến sự diễn ra vô cùng ác liệt. Quân Trịnh tràn chiếm vùng Võ Xá, đã bị quân Nguyễn dùng voi chiến xua xuống đầm lầy Võ Xá. Kết quả, quân Nguyễn đã chiến thắng trong trận chiến lần thứ tư. Dân gian lưu truyền rằng: Nhất sợ ma lũy Thầy; Nhì sợ đầm lầy Võ Xá.

Hai mươi tám năm, 4 lần quân Trịnh vào Quảng Bình đều thất bại trên hệ thống phòng tuyến dọc sông Nhật Lệ cho thấy vị trí phòng thủ chiến lược của hệ thống lũy Đào Duy Từ.

Nguyễn Triều Văn qua đời ở tuổi ngoài 75, sau thắng lợi của trận chiến 1648, cho thấy lòng trung thành với chúa Nguyễn của cha con ông.

Nguyễn Phúc Lan qua đời (1648), Nguyễn Phúc Tần kế nghiệp ngôi chúa. Nguyễn Hữu Dật được thăng chức Cai cơ, tước Chiêu Vũ hầu, làm Ký lục dinh Bố Chính. Mưu kế giả trang quân Trịnh để đánh quân Trịnh của ông bị Tôn Thất Tráng dèm tấu. Hữu Dật bị chúa Nguyễn tống ngục năm 1650. Tập “Hoa Vân cáo thị” viết ở trong ngục đã bày tỏ tâm chí của ông. Chúa Hiền đọc tác phẩm đã cảm kích nói rằng: “Chiêu Vũ vin vào cốt truyện để nói lên tấm lòng thành của mình. Những kẻ dèm pha là bởi tỵ hiềm với tài năng của Chiêu Vũ!” (theo Vĩnh Nguyên - Danh nhân Quảng Bình, Tập 2).

Được trả tự do và chức tước, được trọng dụng theo sự mách bảo tâm linh của chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần: “Tiên kết nhân tâm thuận; Hậu thi đức hóa chiêu; Chi diệp kham thôi lạc; Căn bản dã nan dao.” (Trước liên kết lòng người thuận; Sau thi hành ơn đức giáo hóa cho sáng tỏ; Lá cành có thể xô gãy rụng; Nhưng gốc rễ khó lung lay). Chữ Thuận ứng với Thuận Nghĩa hầu Nguyễn Hữu Tiến, con rể Đào Duy Từ; chữ Chiêu ứng với Chiêu Vũ hầu Nguyễn Hữu Dật. Từ đó, hai người càng được chúa Nguyễn trọng dụng. Ông cùng Tiết chế Thuận Nghĩa hầu Nguyễn Hữu Tiến phò chúa Nguyễn và tung hoành ngang dọc từ Quảng Bình ra đến sông Lam xứ Nghệ.

Với kế dụng binh linh hoạt, với mưu ly gián tài tình ông đã bày kế mai phục bắn bị thương Hàn Tiến, lại viết thư ly gián buộc Hàn Tiến phải chết. Cùng Tiết chế Thuận Nghĩa hầu, đốc chiến Chiêu Vũ hầu đã tiến quân chiếm cứ nam sông Lam từ 1655 đến 1660 và đẩy mạnh hoạt động tình báo, móc nối hậu phương quân Trịnh chuẩn bị cho ý đồ chiến lược rộng lớn, lâu dài. Tài thao lược và bút chiến của vị tướng “văn túc mưu vương, võ kham bát loạn” (Sắc phong của Gia Long ban cho Nguyễn Hữu Dật) đã phát huy đến đỉnh cao trong thời kỳ này.

Năm 1660, quân Trịnh phản công, quân Nguyễn rút về cố thủ nam sông Gianh. Được giao trấn thủ châu Nam Bố Chính, Chiêu Vũ cho đắp lũy An Náu trên tự Đèo Heo, dưới đến An Náu.

Cuối năm 1661 đầu năm1662, quân Trịnh vượt sông Gianh lần thứ sáu. Chiêu Vũ được sai cố thủ Động Hồi (lũy Trường Dục). Lợi dụng sơ hở, chểnh mãng của đối phương, Chiêu Vũ bí mật ban đêm ra cướp trại phá tan quân Lê Thời Hiến. Quân Trịnh phải rút lui về.

Mùa đông năm 1662, theo hiến kế của Chiêu Vũ hầu, Phúc Tần sai đắp lũy Trấn Ninh để làm thế đỡ nhau với lũy Động Cát. Kế tục sự nghiệp của Đào Duy Từ, Nguyễn Hữu Dật đã tham mưu cho chúa Nguyễn hoàn chỉnh hệ thống thành lũy trên đất Quảng Bình để phòng thủ và phát huy thế trận trong trận chiến thứ bảy năm 1672, trận huyết chiến cuối cùng trên hệ thống lũy Thầy, chính thức phân ranh Đàng Ngoài, Đàng Trong. Hệ thống lũy Thầy bao gồm:

- Lũy Trường Dục, xây dựng năm 1630.

- Lũy Đâu Mâu - Nhật Lệ, xây dựng năm 1631.

- Lũy cát Đại Trường Sa, xây dựng năm 1633.

- Lũy An Náu, xây dựng năm 1661.

- Lũy Trấn Ninh, xây dựng năm 1662.

Về đời tư, Nguyễn Hữu Dật khi đã 40 tuổi, tam phu nhân Nguyễn Thị Thiện mới sinh hạ các con trai để kế nghiệp văn võ song toàn của ông phò chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Những con trai của ông là Nguyễn Hữu Hào sinh 1642, Nguyễn Hữu Trung sinh năm 1646, Nguyễn Hữu Cảnh sinh năm 1650, Nguyễn Hữu Khắc… Ông gánh vác việc quân, việc chúa rất nặng nề, nhưng vẫn luôn chăm lo việc giáo dục rèn luyện các con để gánh vác trọng trách với giang sơn xã tắc.

Ở vào giai đoạn cuối của chiến tranh Trịnh - Nguyễn, trong trận kịch chiến 1672 tại thành Động Hải, lũy Trấn Ninh, Nguyễn Hữu Dật cùng các con trai của ông vào tuổi trưởng thành đã cùng tham chiến và rèn luyện bản lĩnh của những vị tướng trẻ để sau này trở thành những bậc công hầu khanh tướng tiếp tục sự nghiệp mở cõi và được liệt vào hàng khai quốc công thần buổi đầu của chúa Nguyễn.

Sắc phong của vua Gia Long biểu dương công trạng của Nguyễn
Hữu Dật:

Dĩ chi tiên tổ Tiết chế Chiêu Quận công,



Văn túc mưu Vương,

Võ kham bát loạn.

Vu Trấn Ninh dĩ chiến tắc thắng, dĩ thủ tắc cố, cần lao quốc sử huân danh”.

Dịch: Buổi đầu mở nghiệp của tiên tổ, Chiêu Quận công là vị chỉ huy các quân, văn đủ mưu cơ giúp chúa; võ đủ tài dẹp loạn mọi nơi… Ở lũy Trấn Ninh, đã đánh là thắng, đã cố thủ là không lay chuyển, công lao khó nhọc ấy sử sách nêu gương sáng mãi.

Nguyễn Hữu Dật là một vị tướng văn - võ song toàn, giàu lòng nhân ái và đức độ. Trong chiến trận, ông không muốn dùng gươm đao mà muốn dùng ngọn bút, dùng mưu kế để thu phục đối phương. Với một bản lĩnh, một trí tuệ xuất chúng, nắm vững binh pháp, nắm vững “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để tham mưu kịp thời cho các chúa Nguyễn thực hiện được ý đồ giữ vững đất đứng chân để mở rộng biên cương xứ Đàng Trong. Điều đó đã được các con cháu của ông kế tục một cách xuất sắc.

Ngày mồng 3 tháng 3 năm Canh Thân (1680), Tiết chế thủy bộ chư dinh trấn Thuận Hóa Chiêu Vũ hầu Nguyễn Hữu Dật từ trần tại chánh dinh đạo Lưu Đồn (nay là Tráng Tiệp - Dinh Mười, Gia Ninh), thọ 78 tuổi. Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần truy tặng ông là: Tán Trị Tĩnh nạn Công thần Đặc tấn Phụ quốc Thượng tướng quân Cẩm y vệ, Tả quân Đô đốc Chưởng phủ sự Chiêu Quận công, thụy là Cần Tiết.

Sinh thời, ở Dinh Mười, Nguyễn Hữu Dật cho dựng chùa Cảnh Tiên, một thắng cảnh nhà Phật được lưu truyền nhiều thế hệ. Dấu tích chùa Cảnh Tiên nay chỉ còn cây gạo cổ thụ, khuôn viên khu nhà tập thể đội giao thông và tấm bia đá được họ Hoàng đưa về bảo vệ ở khuôn viên nhà thờ. Đền thờ ông được dựng ở Vạn Toàn, nay ở thôn Bến, Vạn Xuân, Vạn Ninh, đối diện chùa Vạn Xuân. Đền bị quân Pháp ở đồn Vạn Xuân đốt năm 1948.

Ba câu đối ở đền thờ sưu tầm được cho thấy người xưa đã ngợi ca Nguyễn Hữu Dật và gia tộc Nguyễn Hữu:

Châu điện thử lưu tuân bá võ;

Vệ kỳ trúc ái vũ công phong.

Dịch: Như điện nhà Chu hiện về, nơi tụ hội văn võ bá quan;

Cờ nước Vệ tung bay như rừng trúc reo mừng võ công oanh liệt.

Chân chân công tộc lân chi dốc;

Kiển kiển vương thần hổ tại sơn.

Dịch: Rõ ràng dòng tộc công hầu oai phong như lân đứng đỉnh dốc;

Hiển hiện danh thần phò chúa dũng mãnh như hổ giữa rừng.

Tiết lệ băng sương phò xã tắc;

Công thùy trúc bạch biểu trung lương.

Dịch: Chẳng quản xông pha sương tuyết, gánh vác giang sơn đất nước;

Công lao to lớn sử trúc khó ghi hết để biểu dương lòng trung thành của bậc lương tướng.

Các vua Nguyễn liệt ông vào hàng Công thần Khai quốc, truy tặng tước Chiêu Đồ công đến Tĩnh Quốc công, thờ ở Thái Miếu; cử một đội vệ lăng có 1 cai 12 lính làm nhiệm vụ chăm sóc đền thờ, lăng mộ của dòng tộc là sự tri ân với Nguyễn Hữu Dật và các danh tướng Nguyễn Hữu ở Vạn Xuân.

Gia phả họ Nguyễn Hữu ghi:

"Ngũ nam: Lưu Đồn đạo suất đội, Chiêu Đồ Công"

"Lịch đại Hán tự Thanh thái tượng thất công thần Đại phụ quốc, Thượng tướng quân Cẩm y vi trung quân Đô đốc, trung đại Đô đốc Chưởng phủ sứ lãnh Thuận Hoá thủy bộ chư dinh Tiết chế Chiêu Quận công, tặng phong Khai Quốc Công thần Thái tổ Tĩnh Quốc công, huý viết Cần Triết kinh Võ thị thần. Kỵ nhật 3/3. Mộ táng tại Động Phú Xứ"

Văn tế lễ giỗ ông tại đền thờ có viết:



"Cao tổ

Văn năng vĩ quốc

Trí túc mưu vương

Bắc địa dương hổ hám chi thanh

Binh cơ thần xuất một;

Nam Kinh điện long bàn chi thế

Đức nghiệp bí hinh hương;…”

Dịch: Cao tổ

Văn đủ tài cao phụng sự quốc gia;

Trí thông mưu lược giúp đời phò chúa.

Đất Bắc diễu hổ dương oai dậy tiếng

Tài dùng binh xuất quỹ nhập thần;

Cung Nam rồng múa phượng chầu thế bày

Lo công nghiệp đức lưu hương tỏa.

Mộ phần ông từ xưa đặt ở Động Phú xứ, phía đông nam núi An Mã, thuộc địa giới làng Vạn Toàn (Vạn Xuân) huyện Khang Lộc, phủ Quảng Bình; từ Km11 Đường 10 lên phía tây 300m. Năm 1930, Đại thần Nguyễn Hữu Bài cho xây lăng bằng gạch đặt bia theo nghi thứ triều táng.

Mặt trước bia có nội dung phiên âm là:

Nguyễn triều sơ trấn Thuận Hóa Khai Quốc công thần thượng cấp - TĨNH QUỐC CÔNG NGUYỄN HỮU DẬT CHI MỘ - Quý hương nhân sinh công thần Vĩnh An hầu Nguyễn Hữu Cảnh”.

Mặt sau bia có nội dung phiên âm là:

Bảo Đại ngũ niên, thất nguyệt, thập lục nhật, hậu duệ Cơ mật viện Viện trưởng Đại thần Thái tử Thái phó Võ Hiển điện Đại học sĩ Phúc Môn bá Nguyễn Hữu Bài, huề tử Hữu Giải, nữ Thị Dương cung yết thụ bi - cẩn chí!”

Dịch nội dung mặt trước của bia:

“ĐÂY LÀ MỘ CỦA TĨNH QUỐC CÔNG NGUYỄN HỮU DẬT; Vị thượng cấp liệt vào hàng Khai Quốc công thần ở trấn Thuận Hóa từ buổi đầu triều Nguyễn; Là người Quý hương - cùng quê, cùng họ với chúa - đã sinh ra Công thần Vĩnh An hầu Nguyễn Hữu Cảnh”.

Dịch nội dung mặt sau của bia:

“Ngày 16 tháng 7 triều Bảo Đại năm thứ năm (1930), hậu duệ là Đại học sỹ Phúc Môn bá Nguyễn Hữu Bài chức vụ Đại thần Thái tử Thái phó điện Võ hiển kiêm Viện trưởng viện Cơ mật, cùng con trai là Hữu Giải, con gái là Thị Dương cung kính lập bia này kính dâng lên”.

Trải bao biến động, năm 1992, hậu duệ đưa di hài ông về cát táng ở Lòi Lăng (Áng Sơn) bên cạnh mộ ba con trai và cháu đích tôn giữa đồi cây hoang dại cách tường phía nam nhà máy xi măng Áng Sơn khoảng 100m.



Nguyễn Hữu Dật, sự nghiệp và đức độ đi vào lịch sử dân tộc và sống mãi trong lòng dân, được dân trong vùng tôn xưng Bồ Tát Phật, được người đời ví như Khổng Minh tái thế. Ông là danh nhân văn hóa trong lịch sử trường tồn của dân tộc.

tải về 43.74 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương