GS. ts. Nguyễn quang ngọC



tải về 59.43 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu30.07.2016
Kích59.43 Kb.
#10739
THÁI BẢO QUỐC CÔNG TRƯƠNG PHÚC PHAN

NGƯỜI QUẢNG BÌNH TIÊN PHONG MỞ CÕI NAM BỘ



GS.TS. NGUYỄN QUANG NGỌC

Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển

Trương Phúc Phan là một trong những anh hùng mở cõi Nam Bộ thời kỳ chúa Nguyễn xứ Đàng Trong, vốn thuộc dòng dõi võ tướng lẫy lừng công danh của miền đất lửa Quảng Bình.

Cụ nội của Trương Phúc Phan là Trương Công Da1 (sau được ban chữ “Phúc” thành Trương Phúc Da), người huyện Tống Sơn, Thanh Hóa, khi đương chức Điện tiền Đô Kiểm điểm Lương Quận công đời vua Lê Anh Tông (1556-1573), được tin Nguyễn Hoàng vào Nam dựng nghiệp đã đem cả gia đình đi theo. Trương Phúc Da được giao làm Trấn thủ Quảng Bình đầu tiên dưới thời chúa Nguyễn Hoàng2. Ông dựng nhà ở gần lũy Trấn Ninh, nay là làng Trường Dục, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình3 và trở thành thủy tổ của dòng họ Trương Phúc ở đây.

Ông nội của Trương Phúc Phan là Trương Phúc Phấn sinh ra và lớn lên ở Quảng Bình “võ nghệ, tài lược hơn người, theo cha làm quan đến chức Cai cơ. Năm Hy Tông hoàng đế thứ 17 (1630) lập dinh Bố Chính, lấy Phấn làm Trấn thủ”4. Trương Phúc Phấn, Trấn thủ đầu tiên của dinh Bố Chính (dinh Ngói), với những kỳ công giữ vững lũy Trường Dục và đánh tan các cuộc tấn công quy mô lớn của quân Trịnh những năm 1640, 1648 đã được xếp vào hàng thứ hai của bậc Khai quốc công thần nhà Nguyễn.

Cha đẻ của Trương Phúc Phan là Trương Phúc Cương cũng có nhiều công lao trên chiến lũy Trấn Ninh và năm 1689 được phong đến chức Trấn thủ Cựu Dinh. Bác ruột của Trương Phúc Phan là Trương Phúc Hùng “kiêu dũng, thường đi trước hãm trận, đi đến đâu giặc dạt ra đến đó”, từng được phong làm Trấn thủ dinh Bố Chính, Trấn thủ dinh Quảng Bình, Đốc chiến quân cơ, công thần khai quốc hạng hai5.

Trương Phúc Phan sinh ra trên chiến lũy Trấn Ninh vào những năm cuối cùng của cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn, lớn lên trong tình thế đất nước bị chia cắt. Nhưng về khách quan, Đàng Trong lại có điều kiện hơn để tập trung nguồn lực đẩy nhanh công cuộc khai phá vùng đất Nam Bộ, mở rộng khai chiếm các vùng biển đảo ngoài biển Đông và vịnh Thái Lan, hoàn thành công cuộc mở cõi và định cõi đã được đặt ra ngay từ thời vua Lý Thánh Tông lần đầu tiên tích hợp vùng đất Quảng Bình vào lãnh thổ Đại Việt.

Trương Phúc Phan hầu như không còn cơ hội thi thố và khẳng định tài năng trên chiến lũy quê hương như các thế hệ ông cha trước đây. Nhân có cha là bầy tôi thân cận của chúa Nguyễn Phúc Trăn (1687-1691), được chúa đặc biệt tin dùng, nhiều lần cất nhắc vào hàng quan chức cao cấp6 mà Trương Phúc Phan đã tìm được mối cơ duyên “lấy con gái thứ ba của Anh Tông hoàng đế là công chúa Ngọc Nhiễm”7 làm vợ. Tuy thế, trong hơn 4 năm trị vì của chúa Nguyễn Phúc Trăn, chưa từng thấy sử chép đến hoạt động của Trương Phúc Phan. Công nghiệp của Trương Phúc Phan dường như chỉ nổi lên trong thời trị vì của chúa Nguyễn Phúc Chu (1692-1725).

Tháng 2 năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu sai Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh (người đồng hương Quảng Bình với Trương Phúc Phan) vào kinh lược vùng đất Đồng Nai. Tại đây, Nguyễn Hữu Cảnh tiến hành “Chia đất Đông Phố, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phúc Long (nay thăng làm phủ), dựng dinh Trấn Biên (tức Biên Hòa ngày nay), lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình (nay thăng làm phủ), dựng dinh Phiên Trấn (tức Gia Định ngày nay), mỗi dinh đều đặt các chức Lưu thủ, Cai bạ, Ký lục và các cơ đội thuyền thủy bộ tinh binh và thuộc binh. Mở rộng đất được nghìn dặm, được hơn 4 vạn hộ, bèn chiêu mộ những dân xiêu dạt từ Bố Chính trở về Nam đến ở cho đông. Thiết lập xã thôn, phường ấp, chia cắt giới phận, khai khẩn ruộng nương, định lệnh thuế tô dung, làm sổ đinh điền. Lại lấy người Thanh đến buôn bán ở Trấn Biên lập làm xã Thanh Hà, ở Phiên Trấn lập làm xã Minh Hương. Từ đó, người Thanh ở đây buôn bán đều thành dân hộ (của ta)”8.

Huyện Tân Bình ở phía tây sông Sài Gòn, bao gồm khu vực tương đương với thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Ninh, Tiền Giang, Long An hiện nay do dinh Phiên Trấn quản lý. Huyện Phước Long ở phía đông sông Sài Gòn, gồm các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu hiện nay do dinh Trấn Biên quản lý. Sự kiện này là một cột mốc quan trọng nhất của toàn bộ quá trình hình thành, xác lập và thực thi chủ quyền của chúa Nguyễn đối với vùng đất Nam Bộ. Chúa Nguyễn Phúc Chu giao cho Trương Phúc Phan làm Trấn thủ dinh Trấn Biên là địa bàn căn bản, cửa ngõ mở lối cho đoàn quân Nam tiến dọc theo dải ven biển nhanh chóng làm chủ toàn bộ đất Hà Tiên rồi đi sâu vào trung tâm đồng bằng sông Cửu Long theo lối “tằm ăn dần”9, đồng thời vươn ra chiếm lĩnh các đảo, quần đảo phía nam biển Đông và vịnh Thái Lan.

Trong những đoàn quân được Nguyễn Hữu Cảnh chiêu tập vào Nam khai hoang mở đất, có một lực lượng hùng hậu là những người giỏi đi thuyền và thạo nghề khai thác biển ở Bố Chính, Quảng Bình, Cảnh Dương mà dấu chân của họ in đậm dọc dài theo các cù lao, giồng cát Long Xuyên, Bạc Liêu, Cà Mau, Rạch Giá, Hà Tiên, kéo sang cả Cần Vọt, Lũng Kỳ, Hương Úc (nay thuộc Campuchia), Côn Lôn, Phú Quốc, Thổ Chu ngoài biển khơi... Năm 1700, Nguyễn Hữu Cảnh đột ngột qua đời ở Rạch Gầm, những người đồng hương quả cảm của ông như có sự chuẩn bị từ trước đã gửi gắm và phó thác cả vận mệnh của gia đình, tộc họ mình vào Trấn thủ Trương Phúc Phan - người giữ sứ mệnh đại diện cho chính quyền chúa Nguyễn trên quê hương mới của họ.

Năm 1708, trước sự phát triển nhanh chóng của vùng đất Gia Định, Mạc Cửu đã đem toàn bộ vùng đất đang cai quản dâng cho chúa Nguyễn Phúc Chu. Đến đây, chủ quyền của Đàng Trong đã chính thức bao gồm cả Hà Tiên, mũi Cà Mau và gồm cả các hải đảo ngoài biển Đông và vịnh Thái Lan. Tháng 4 năm 1711, Mạc Cửu đến cửa Khuyết tạ ơn chúa Nguyễn, lại được chúa Nguyễn Phúc Chu hậu thưởng và sai đi đo đạc bãi cát Trường Sa (Trường Sa hải chử) dài, ngắn, rộng, hẹp bao nhiêu10 phục vụ cho việc khai thác và quản lý.

Lúc này, bên cạnh đội Hoàng Sa trấn giữ các quần đảo giữa biển Đông đã được thiết lập và duy trì hoạt động từ thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1614-1635)11, chúa Nguyễn Phúc Chu (1692-1725) còn đặt ra đội Bắc Hải hoạt động chủ yếu ở khu vực Trường Sa, Côn Đảo và vịnh Thái Lan. Lê Quý Đôn cho biết: “Họ Nguyễn lại đặt đội Bắc Hải, không định bao nhiêu suất, hoặc người thôn Tứ Chính ở Bình Thuận, hoặc người xã Cảnh Dương12, ai tình nguyện thì cấp giấy sai đi, miễn cho tiền sưu cùng các tiền tuần đò, cho đi thuyền câu nhỏ ra các xứ Bắc Hải, cù lao Côn Lôn và các đảo ở Hà Tiên tìm lượm vật của tàu và các thứ đồi mồi, hải ba, bào ngư, hải sâm, cũng sai đội Hoàng Sa kiêm quản”13.

Như thế, chỉ sau hơn một thập kỉ thành lập các dinh Trấn Biên và Phiên Trấn, lãnh thổ Việt Nam đã được mở rộng gần như ngày nay. Đây là công lao của cả một thế hệ dấn thân mở cõi, trong đó có vai trò tổ chức và thúc đẩy của Trấn thủ Trấn Biên Trương Phúc Phan.

Đồng thời với việc thiết lập chủ quyền, ngay từ những ngày đầu trứng nước này, chính quyền dinh Trấn Biên đã phải đi đầu tổ chức đấu tranh bảo vệ sự toàn vẹn của chủ quyền lãnh thổ, mà tiêu biểu hơn cả là chiến công đánh đuổi quân Anh ra khỏi đảo Côn Lôn.

Theo sách Đại Nam thực lục tiền biên, vào mùa thu, tháng 8 năm 1702 có 8 chiếc thuyền của người Man An Liệt (người Anh) do Nhất ban Tô Thích Già Thi chỉ huy cùng các sĩ quan Nhị ban, Tam ban, Tứ ban, Ngũ ban và khoảng hơn 200 lính đánh chiếm đảo Côn Lôn “kết lập trại sách, của cải chứa đầy như núi, bốn mặt đều đặt đại bác”14. Khi đó đảo Côn Lôn thuộc quyền cai quản của dinh Trấn Biên, vẫn theo sách Đại Nam thực lục tiền biên, “Trấn thủ dinh Trấn Biên là Trương Phúc Phan (con Chưởng dinh Trương Phúc Cương, lấy công chúa Ngọc Nhiễm) đem việc báo lên chúa (Nguyễn Phúc Chu) sai Phúc Phan tìm cách trừ bọn ấy”15.

Vào mùa đông, tháng 10 năm sau (1703), Trương Phúc Phan tuyển mộ được 15 người Chà Và16 (tức là người Java sinh sống ở dinh Trấn Biên, dưới quyền cai quản của Trương Phúc Phan), “sai làm kế trá hàng đảng An Liệt (quân Anh) để thừa chúng sơ hở thì giết. Bọn An Liệt không biết. Ở Côn Lôn hơn một năm không thấy Trấn Biên xét hỏi, tự lấy làm đắc chí. Người Chà Và nhân đêm phóng lửa đốt trại, đâm chết Nhất ban, Nhị ban, bắt được Ngũ ban trói lại; còn Tam ban, Tứ ban thì theo đường biển trốn đi. Phúc Phan nghe tin báo, tức thì sai binh thuyền ra Côn Lôn, thu hết của cải bắt được dâng nộp. Chúa (Nguyễn Phúc Chu) cho trọng thưởng người Chà Và và tướng sĩ theo thứ bực”17.

Đây là trang lịch sử vẻ vang mở đầu cho truyền thống bảo vệ chủ quyền biển đảo của quân dân ta ở Nam Bộ.

Sau chiến công này, Trương Phúc Phan cho tổ chức lại lực lượng bảo vệ đảo chặt chẽ hơn nhưng vẫn theo phương thức tổ chức nửa dân sự, nửa quân sự giống như đội Hoàng Sa từ nhiều thập kỷ trước. Theo Trịnh Hoài Đức trong Gia Định thành thông chí thì: “Dân ở đảo tự kết lại làm binh sĩ, gọi là Tiệp Nhất, Tiệp Nhị, Tiệp Ba đội, trực thuộc đạo Cần Giờ, có đủ khí giới để giữ gìn đất ấy phòng quân cướp hung dữ Đồ Bà, không cần kêu gọi chỗ khác đến giúp. Dân lính ở đây thường lấy yến sào, đồi mồi, vích, quế hương, mắm, ốc tai tượng, rồi theo mùa mà dâng nộp; còn lại thì đánh bắt hải sản như cá tôm để sinh sống...”18.

Cùng với Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Hữu Hào (anh ruột của Nguyễn Hữu Cảnh), Trương Phúc Phan và lớp tinh hoa của Quảng Bình những thập kỉ ngay sau chia cắt Đàng Trong, Đàng Ngoài đã được chúa Nguyễn khéo đưa vào tổ chức khai phá đất đai, xác lập và thực thi chủ quyền trên đất Nam Bộ. Họ thực sự giữ vai trò tiên phong, hết mực dấn thân mở cõi và định cõi để chỉ mấy thập kỉ sau đó, Việt Nam có một lãnh thổ rộng dài như ngày hôm nay. Công việc “khai sơn, phá thạch” thật muôn vàn khó khăn thử thách, nhưng công cuộc bảo vệ và gìn giữ chủ quyền còn gian lao, vất vả hơn nhiều, thậm chí có khi giữ vai trò quyết định cả những thành tựu mở cõi và định cõi. Trong bối cảnh các thế lực phong kiến phương Đông và chủ nghĩa tư bản phương Tây luôn lăm le xâm lấn và cướp phá, nền độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ đang còn hết sức mong manh lại bị đe dọa nghiêm trọng từ nhiều phía, thế hệ những anh hùng mở cõi không thể không tự mình vươn lên thực hiện sứ mệnh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Người khai mở và tiêu biểu cho truyền thống đấu tranh bảo vệ chủ quyền Nam Bộ và chủ quyền biển đảo phương Nam chính là Trương Phúc Phan với chiến công năm Quý Mùi (1703) đánh đuổi quân Anh ra khỏi đảo Côn Lôn, bảo vệ toàn vẹn vùng biển đảo phía Nam của Tổ quốc.

Trương Phúc Phan có 3 người con. Con gái là Hoàng hậu đời Túc Tông Nguyễn Phúc Chu (1726-1738) và là Mẫu hậu của Thế Tông Nguyễn Phúc Khoát (1739-1765). Con trai cả là Trương Phúc Thông tiếp nối truyền thống gia đình làm quan tới chức Chưởng dinh, có nhiều đóng góp cho vương triều và cho đất nước. Con trai út là Trương Phúc Loan “nhờ ông cha nhiều đời làm quan” mà sớm được trọng dụng, dàn xếp việc triều chính, trở thành Quốc phó quyền khuynh thiên hạ dưới triều Duệ Tông Nguyễn Phúc Thuần (1766-1775)19.

Không thấy sử chép cụ thể Trương Phúc Phan mất năm nào, chỉ biết khi ông qua đời chúa Nguyễn (Phúc Chu?) phong tặng ông là Thái bảo Phan Quốc công. Tư liệu về Trương Phúc Phan quá ít ỏi, nhưng chỉ với chừng ấy thôi cũng có thể hình dung về một con người, một sự nghiệp cao cả, rạng ngời, trọn vẹn và sống mãi với quê hương, đất nước.



1 Sách Đại Nam liệt truyện tiền biên lại chép tên ông là Trương Phúc Gia người gốc xứ Thanh: “Buổi đầu là họ Trương Công, sau được đổi ban cho chữ “phúc”, bèn đổi thành họ Trương Phúc” (Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam liệt truyện tiền biên, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1995, tr.184).

2 Sách Đại Nam liệt truyện tiền biên chép “Giáp Thìn, năm thứ 47 (1604)… đổi phủ Tiên Bình làm phủ Quảng Bình” (Sđd, tr.36). Sách Đại Nam nhất thống chí cũng cho hay: “Bản triều Gia Dụ hoàng đế năm Giáp Thìn thứ 47 (1604) đổi phủ Tiên Bình làm phủ Quảng Bình, sau đặt là dinh Quảng Bình; Hy Tông Hiếu Văn hoàng đế lúc mới lấy được đất Nam Bố Chính đặt dinh Bố Chính…” (Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam nhất thống chí, Tập 2, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1970, tr.7). Như vậy có thể hiểu cả tên phủ Quảng Bình và dinh Quảng Bình đều xuất hiện vào những năm đầu thế kỉ XVII dưới thời chúa Nguyễn Hoàng. Tuy thế không biết dựa vào đâu mà Phan Khoang lại cho rằng “đến đời chúa Hy Tông (tức chúa Nguyễn Phúc Nguyên) thì đặt thêm dinh Quảng Bình” (Phan Khoang: Việt sử xứ Đàng Trong 1558-1777, Nhà sách Khai Trí, tr.461).

3 Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam liệt truyện tiền biên, Sđd, tr.184.

4 Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam liệt truyện tiền biên, Sđd, tr.184.

5 Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam liệt truyện tiền biên, Sđd, tr.185-186.

6 Sách Đại Nam thực lục tiền biên hai lần chép đến việc Trương Phúc Cương được thăng chức trong 4 năm trị vì của Anh Tông Nguyễn Phúc Trăn: Lần thứ nhất vào tháng 4 năm 1687 và lần thứ hai vào tháng 7 năm 1689 (Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, Tập 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2002, tr.96 và 101).

7 Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam liệt truyện tiền biên, Sđd, tr.187. Phần “Công chúa liệt truyện” sách chép rõ Anh Tông có 3 người hoàng nữ, trong đó 2 người khuyết tên, còn “Hoàng nữ Ngọc Nhiễm, gả cho Chưởng dinh Trương Phúc Phan. Mùa thu năm Quý Hợi (Cảnh Hưng thứ 4 nhà Lê - 1743) mất, được tặng Tống Sơn quận quân Thục phu nhân” (tr.121).

8 Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, Tập 1, Sđd, tr.111.

9 Nguyễn Cư Trinh giữa thế kỉ XVIII đã tổng kết: “Đời trước lập Gia Định, tất trước mở xứ Mô Xoài, rồi mở xứ Đồng Nai, để cho quân dân hoàn tụ, rồi mới mở xứ Sài Gòn, thế là lấy ít đánh nhiều, lấn dần như tằm ăn” (Lê Quý Đôn toàn tập, Tập 1, (Phủ biên tạp lục), Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1977, tr.124).

10 Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, Tập 1, Sđd, tr.126

11 Tham khảo: Nguyễn Quang Ngọc: Đội Hoàng Sa, cách thức thực thi chủ quyền độc đáo của Việt Nam trên các vùng quần đảo giữa biển Đông thế kỉ XVII-XIX, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 2 (143) 2012, tr.3-15.

12 Ở Bình Thuận vẫn theo ghi chép của Lê Quý Đôn còn có các thuộc Cảnh Dương, thôn Cảnh Dương (Lê Quý Đôn toàn tập, Tập 1 (Phủ biên tạp lục), Sđd, tr.182) và khảo sát thực địa chúng tôi thấy các địa danh này gắn với “Roòn” và dân gian cho hay đều từ vùng Roòn Quảng Bình đưa vào.

13 Lê Quý Đôn toàn tập, Tập 1 (Phủ biên tạp lục), Sđd, tr.120. Lê Quý Đôn cho biết thêm: Bên cạnh các đội Hoàng Sa, Bắc Hải còn có đội Thanh Châu khai thác yến sào ở vùng biển phủ Quy Nhơn; đội Hải Môn khai thác yến sào, hải vật, hóa vật của tàu ở Côn Lôn, Cù lao Khoai ngoài biển phủ Bình Thuận… (tr.116).

14 Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, Tập 1, Sđd, tr.115.

15 Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, Tập 1, Sđd, tr.115.

16 Người Chà Và (nhiều tài liệu phiên thành người Java để chỉ người gốc của đảo chính Java thuộc Indonesia hiện nay. Tuy nhiên, trong dân gian vẫn có phân biệt Chà Và Châu Giang, Chà Và Mã Lai và Chà Và Nam Dương... Ở đây chúng tôi không có điều kiện nghiên cứu kỹ từng nhóm cụ thể này. Tuy nhiên trong sách Gia Định thành thông chí Trịnh Hòa Đức có chú thích và qua đó biết được người Chà Và ở đây có gốc từ đảo Malacca.

17 Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, Tập 1, Sđd, tr.117.

Sách Đại Nam nhất thống chí chép: “Khoảng năm Khang Hy thứ 46 (1707)(?), người Hồng Mao (người Anh) lại mưu chiếm Côn Lôn, nhưng không dám ở gần núi, đến ven biển mà dựng phố xá. Vì Côn Lôn là chỗ bốn bề thông với các biển, nên chúng thèm nhỏ dãi không thôi. Có thuyền Trung Quốc chở gạch ngói đến đổi lấy hàng hóa của Hồng Mao, vì vốn ít mà lãi nhiều. Ban đêm quây tròn với nhau ngủ ở bãi cát thì cứ lẳng lặng mà thấy người mất dần đi. Sau rình mới biết là bị cá sấu lên bờ nuốt mất, bèn chặt cây làm rào mới hơi yên. Ban đêm nghe trong núi có tiếng giục về đi. Người Hồng Mao vì không phục thủy thổ chết rất nhiều, lại bị người thổ phiên cướp giết, chết hết chỉ còn đất không” (Tập 5, Sđd, tr.147). Đây là lối giải thích dân gian các hình thức tiêu diệt quân Anh của người địa phương, dưới sự tổ chức của Trấn thủ Trấn Biên Trương Phúc Phan.



18 Trịnh Hoài Đức: Gia Định thành thông chí, bản dịch Nxb Tổng hợp Đồng Nai, 2006, tr.50. Lưu ý người Đồ Bà trong đoạn dẫn này cũng là người Java (hay Chà Và), nhưng vẫn còn là dân nước họ và là người ngoại quốc đến cướp phá đảo Côn Lôn. Họ hoàn toàn khác với những người Chà Và thần dân của chúa Nguyễn Đàng Trong có công đánh tan quân Anh, bảo vệ đảo Côn Lôn mà chúng tôi dẫn ở trên.

Trên cơ sở lực lượng nửa quân sự, nửa dân sự đã được tổ chức khá chặt chẽ từ thời Trấn thủ dinh Trấn Biên Trương Phúc Phan và tiếp tục được duy trì cho đến đầu thời Nguyễn, năm 1836, vua Minh Mệnh cho xây dựng đồn bảo và pháo đài Thanh Hải ở Côn Lôn, cử một đội quân và 50 lính, cấp cho thuyền và khí giới đến đóng giữ. “Như thế, có lính để phòng thủ, có ruộng để cày cấy, giặc biển không dám đến, thuyền buôn ngày một đông nhiều, sau vài năm tất thành một nơi vui vẻ, mà việc phòng giữ mặt biển sẽ bền vững được” (Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, Tập 4, Sđd, tr.873). Đây phải được coi là một thành công nổi bật của nhà Nguyễn trong bảo vệ chủ quyền biển đảo, mà thành công này được bắt đầu từ kinh nghiệm tổ chức lực lượng bán quân sự của Trương Phúc Phan từ đầu thế kỉ XVIII.



19 Chính Quốc phó Trương Phúc Loan đã xô đẩy chính quyền chúa Nguyễn Phúc Thuần chao nghiêng và đổ sụp trước cuộc tấn công của phong trào Tây Sơn. Trương Phúc Loan bị lên án gay gắt là điều hiển nhiên, nhưng không phải vì thế mà không nhận ra ở ông một nhân vật lịch sử hết sức đặc biệt của một thời nhiễu loạn. Quốc sử quán triều Nguyễn xếp Trương Phúc Loan vào mục “Nghịch thần gian thần liệt truyện” (truyện thứ 219) và khi viết về Trương Phúc Phan trong “Chư thần liệt truyện” (truyện thứ 160) thì chỉ có một đoạn dẫn rất ngắn “Loan thì xem ở truyện Gian thần”. Đây chỉ thuần túy xác nhận mối quan hệ cha con giữa Trương Phúc Phan và Trương Phúc Loan, mà không hề quy trách nhiệm cho người cha về tội lỗi của người con gây ra. Theo chúng tôi, xử lý như thế là khách quan, trung thực và có phần tế nhị nữa.


tải về 59.43 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương