Nnc trần văn chưỜNG



tải về 54.4 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu04.08.2016
Kích54.4 Kb.
#12663
HOÀNG KẾ VIÊM (1820-1909)

MỘT CUỘC ĐỜI, MỘT NHÂN CÁCH



NNC. TRẦN VĂN CHƯỜNG

Cán bộ hưu trí tại Quảng Bình

Hoàng Kế Viêm, tự Nhật Trường, hiệu Tùng Viên, sinh ngày 21 tháng 7 Canh Thìn - Minh Mạng nguyên niên, (dương lịch là ngày 29 tháng 8 năm 1820) tại dinh trấn quan Cai bộ Hoàng Kim Xán, trấn thủ tại trấn Bình Hòa, nay là tỉnh Khánh Hòa. Quê quán xã Văn La, tổng Long Đại, huyện Phong Lộc, phủ Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, nay là thôn Văn La, xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình; từ trần ngày 8 tháng 4 năm Kỷ Dậu (1909) tại quê nhà, thọ 90 tuổi.

Tròn 100 năm sau ngày ông qua đời (1909-2009), mới có cuộc hội thảo khoa học ở tỉnh Quảng Bình với mong muốn nhìn nhận, đánh giá khách quan thân thế, sự nghiệp của Hoàng Kế Viêm đối với lịch sử dân tộc trong thế kỉ XIX đầy biến động.

Hoàng Kế Viêm sinh ra trong một gia đình khoa bảng, quan lại triều Nguyễn. Cha là Hoàng Kim Xán, đậu cử nhân, là quan thanh liêm, đức độ, luôn nêu gương trung hiếu; chức vụ Thượng thư bộ Hình, sung Nam Định Kinh lược sứ, cải thọ Hiệp biện Đại học sĩ, hàm Tòng Nhất phẩm.

Năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), Hoàng Kế Viêm thi đổ Cử nhân, được vua gã công chúa Hương La, con thứ 5 vua Minh Mạng (em vua Thiệu Trị), trở thành Phò mã, vào hàng quý tộc ở hậu cung. Theo luật lệ triều Nguyễn, Phò mã không được đi thi, không được ra làm quan, chỉ khi nước nhà nguy biến mới được vua cử đi lo việc nước.

Chỉ một năm sau, công chúa Hương La qua đời khi bà còn mang thai. Vị Phò mã được trao chức quan nhỏ trong triều có hàm Quang Lộc tự thiếu khanh.

Năm 1846, được thăng Lang trung Lại bộ. Năm 1847, vua Thiệu Trị qua đời. Tự Đức lên ngôi ngày 4 tháng 11 năm 1847. Hoàng Kế Viêm gắn bó cuộc đời chìm nổi của mình với triều Tự Đức và dân tộc suốt nửa cuối thế kỉ XIX.

Năm 1850 về quê chịu tang mẹ. Năm 1852 chưa hết hạn cư tang, vua Tự Đức đã triệu Hoàng Kế Viêm vào kinh và cử đi làm Án sát Ninh Bình. Lúc này, nội tình triều đình nhiều phe phái tranh giành; nạn đói và nạn tham quan ô lại xảy ra tràn lan. Tham tri bộ Công là Trương Quốc Dụng tấu với vua Tự Đức đề nghị “Cấp tốc túc thanh quan lại” (nhanh chóng làm trong sạch quan lại) và “Cố kết nhân tâm làm gốc rễ”. Các đại thần được vua sai cầm cờ tiết đi ngay ra Bắc để “Hưng lợi trừ tệ, trừng thanh quan lại, vỗ yên nhân dân” (bài trừ tệ nạn, đem lại lợi ích cho dân, trừng trị quan tham, làm sạch quan lại, vỗ yên nhân dân).

Năm 1854, kinh đô xảy ra âm mưu lật đổ của Hồng Bảo. Hoàng Kế Viêm được điều vào làm Bố chánh Thanh Hóa.

Năm 1859, lũ lụt xảy ra và hậu quả vỡ đê sông Hồng, ông được điều ra làm Tuần vũ Hưng Yên. Với chức quan đầu tỉnh, ông tấu trình vua xin trích ngân khố và lương thực trả công cho người đắp đê thay cho huy động công ích để dân có ăn qua cơn đói và huy động được nhân dân kịp thời chống nạn vỡ đê, hạn chế thiên tai lâu dài, thu thập dân binh phiêu tán.

Đất nước trước họa xâm lăng của phương Tây. Ngày 31 tháng 8 năm 1958, Pháp nổ súng tấn công cửa Hàn (Đà Nẵng). Ngày 18 tháng 2 năm 1859, Pháp tấn công Sài Gòn - Gia Định. Năm 1862, triều Tự Đức ký hiệp ước công nhận chủ quyền của Pháp ở 3 tỉnh Gia Định, Định Tường, Biên Hòa và đảo Côn Lôn.

Năm 1863, Hoàng Kế Viêm được vua điều vào Tổng đốc An - Tĩnh. Công trình đào kênh Thiết Cảng thông thương thủy bộ Thanh - Nghệ, một công trình mà Cao Biền thời Đường và Hồ Quý Ly đầu thế kỉ XV đã huy động bao công sức nhưng đành bó tay khi qua dãi Thần Vũ (giữa Diễn Châu và Nghi Lộc, Hưng Nguyên). Thành công của công trình là nhờ sự sâu sát chỉ huy, lắng nghe trong dân gian và mời người tài giỏi như Nguyễn Trường Tộ, cùng hiến trí hiến mưu nên kết quả thắng lợi.

Có thể nói, đây là điểm sáng, là đỉnh cao của cuộc đời Hoàng Kế Viêm trong thời kì làm quan với tài “kinh bang tế thế”, “tí quốc hộ dân” được phát lộ.

Ngẫm trong lời ông viết thư mời Nguyễn Trường Tộ và lời Nguyễn Trường Tộ khi tiếp kiến Hoàng Kế Viêm mà thấy tấm lòng yêu nước, thương dân và thái độ trọng hiền tài của ông: “Tôi ngày đêm suy nghĩ, thấy rằng phải có người hiểu biết như tiên sinh thì việc phá cảng, đào kênh mới giảm được phí tổn và thành công… Hiện tôi đang thị sát công việc tại xã Kim Khê, xin mời tiên sinh đến đây cùng nhau xem xét, bàn luận… Được biết tiên sinh đau chân, tôi đã bảơ Tri phủ Hưng Nguyên điều động phu cáng để tiên sinh đỡ vất vả…”.

Gặp Hoàng Kế Viêm tại công trường đào sông Thiết Cảng, Nguyễn Trường Tộ bày tỏ: “Ngài đã tìm thấy mối lợi lớn cho nhân dân và hết lòng lo toan làm lợi cho dân, cho nước, lẽ nào tôi lại không giúp một tay, không góp một phần công sức nhỏ mọn của mình vào công việc…” (theo tiểu thuyết “Nguyễn Trường Tộ” của Thanh Đạm, nhà xuất bản Nghệ An 1991, trang 191).

Hai đoạn trích trong tiểu thuyết, tuy chưa thể là cứ liệu lịch sử để minh chứng cho một nhân vật lịch sử nhưng ở đây ta tìm gặp một sự đồng cảm của nhà tiểu thuyết lịch sử Thanh Đạm khi nêu bật nhân cách của một vị quan tận tâm tận lực vì nhiệm vụ, vì nước, thương dân.

Một nhân cách lớn, một thái độ mẫn cán của một vị trọng thần được giao trọng trách với vai trò rường cột mà vua Tự Đức tin tưởng, trọng dụng càng được khẳng định qua ghi chép của “Đại Nam thực lục chính biên” quyển 29, trang 91: “Năm 1864, khi triều đình tâu vua: Hoàng Kế Viêm là người mẫn cán, lâm cơ bàn cãi có thể khiến người nghe theo. Xin triệu về cho tư đi nói chuyện, kiêm thương thuyết cả việc đi sứ nữa. Vua đáp: dân tỉnh Nghệ An lương giáo ghét nhau rất gay gắt, không thể giải hòa được (…) Vả lại, triều đình làm việc cốt phải hợp lòng dân, tất phải có viên quan giỏi dẫn bảo vài ba năm mới có thể làm cho dân hồi tâm bỏ lòng ngờ hoặc…”.

Nhân cách lớn của Hoàng Kế Viêm còn biểu hiện ở thái độ ngay thẳng, cương trực và lòng dũng cảm, giám dâng sớ can gián vua khi trở về kinh năm 1870. Trong “Sớ Gián chi cần du”, ông đã không ngần ngại phân tích tác hại của việc ham thích thú vui chơi săn bắn của vua Tự Đức với thái độ phê phán: “Nến cứ bốn năm ngày một lần đi chơi, vài ba hôm xông phu mưu sương sóng gió, xa thì nên nghĩ đến việc Lê Văn Thịnh (thời Lý), gần thì việc biến Đoàn Trưng, đều đáng đề phòng! Huống chi, Nam Kỳ như thế, Bắc Kỳ như thế, hạn hán, lụt lội, thiên tai mất mùa chẳng nơi nào không có, vui săn bắn chim chóc mà khuây khỏa được chăng?… Mỗi lần xa giá vua đi đâu, đằng trước đằng sau dân phải trốn tránh, đã hại việc buôn lại, hại việc nông, quân sĩ theo hầu, đói phải rên, rét sinh ốm, làm lụy đến đức, há chẳng nhiếu rồi ư! Há chẳng người nói không đáng lo, trời ra tai họa không đáng sợ sao? (…) chăm lo nhiều thì việc được chỉnh đốn, việc được chỉnh đốn thì trời theo, nước thịnh, dân yên, họa ngoại xâm không đáng lo ngại nữa…” (dẫn theo “Hoàng Kế Viêm” của Nguyễn Tú, trang 33-34). Qua đó, ông đã tỏ bày tấm lòng lo nước thương dân và ý thức trách nhiệm của mình.

Vào tuổi 50, khi giặc nước Nam Bắc điên đảo, Tây, Tàu hổn loạn, sự nghiệp quan văn của vị Phò mã được điều sang ngạch võ và tài cầm quân của vị tướng Thống đốc Quân vụ đại thần quản xứ Lạng - Bằng - Ninh - Thái kiêm lãnh quân thứ Tam Tuyên đã khẳng định tài văn võ của Hoàng Kế Viêm.

Thanh gươm vàng và ba lá cờ lệnh vua ban cho Hoàng Kế Viêm năm 1870 đi dẹp “giặc cờ” bình ổn phên dậu nơi biên giới phía Bắc là sự tin cậy của vua khi trao toàn quyền cầm binh xử trí vùng biên viễn cho ông. Đây là việc mà các vị quan tiền nhiệm không hoàn thành được.

Phẩm chất đa mưu túc trí và lòng khoan dung độ lượng của ông đã cảm hóa được Lưu Vĩnh Phúc, tướng cầm đầu “Cờ Đen”. Từ đó, Lưu Vĩnh Phúc và đội quân “Cờ Đen” trở thành đội quân xung kích dưới trướng vị Thống đốc Quân vụ Bắc Kỳ để bình yên giặc “Cờ Vàng” (1875), giặc “Cờ Trắng” (1876). Sớ tâu xin vua ban hành 9 điều cần phải làm nơi biên giới, thể hiện một tầm nhìn chiến lược của nhà quân sự và tư tưởng “lấy dân làm gốc” sức mạnh giữ nước của ông. Nhân cách hết lòng lo nước cứu dân của ông lại tiếp tục tỏa sáng trong cương vị một vị tướng nơi biên viễn. Đó cũng là khát vọng hòa bình của ông.

Từ khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta ở cửa Hàn (Đà Nẵng) ngày 31 tháng 8 năm 1958, tấn công vào Gia Định ngày 18 tháng 2 năm 1959, chiếm ba tỉnh miền Đông, 1862, rồi 3 tỉnh miền Tây, Nam Bộ sa vào tay giặc. Sĩ phu yêu nước và nhân dân Nam Bộ kháng chiến thì triều đình Tự Đức lại bạc nhược cắt đất cầu hòa và ra lệnh triệt thoái binh bị, với một nhận thức ấu trĩ là tỏ lòng thành thực hiện hòa ước, trở thành kẻ tiếp tay cho quân xâm lược.

Ngày 11 tháng 10 năm 1873, tên côn đồ thực dân Franxi Gácnie đưa 180 quân ra Bắc và tấn công Hà Nội. Ngày 20 tháng 11năm 1873, thành Hà Nội thất thủ, Nguyễn Tri Phương và con Nguyễn Lâm là những tấm gương nghĩa liệt chống thực dân Pháp lần đầu chúng tấn công Hà Nội.

Triều đình cầu hòa thì Hoàng Kế Viêm đứng về phía văn thân kháng lệnh vua, chỉ huy các lực lượng chống Pháp. Trận thắng ở Cầu Giấy lần thứ nhất năm 1873, chỉ huy Pháp F-Gác-ni-e bị giết, quân Pháp bị hoảng loạn. Đó là chiến công vang dội khích lệ tướng sĩ, nhân dân. Chiến công đó có vai trò tổng chỉ huy của Hoàng Kế Viêm và trực tiếp thi hành trận đánh là đội quân của Lưu Vĩnh Phúc có yểm trợ của đại quân Hoàng Kế Viêm. Trước đây các sử gia chỉ nhấn mạnh công lao của Lưu Vĩnh Phúc mà chưa thấy vai trò tổng chỉ huy của vị Thống đốc Quân vụ chủ chiến chống Pháp - Hoàng Kế Viêm. Trong khi quân địch hoảng loạn, thì triều đình Huế lại ra lệnh Hoàng Kế Viêm triệt binh rút lên Sơn Tây, điều động quân Lưu Vĩnh Phúc lên miền ngược và lệnh án binh bất động toàn quân để ký hòa ước Giáp Tuất (1874) - một hòa ước bạc nhược, một sự đầu hàng nhục nhã. Hoàng Kế Viêm tìm mọi cách chống Pháp ở Bắc Kỳ, triều đình và vua lại tìm mọi cách thi hành hiệp ước cản trở phái chủ chiến. Hoàng Diệu và Hoàng Kế Viêm xin đưa quân về phòng bị Hà Nội thì Tự Đức cho là: “Giữ địch, phòng địch không phải lúc”. Đến khi Rivière chiếm thành lại lệnh Hoàng Kế Viêm lui binh, sai Trần Đình Túc, Nguyễn Chính giải tán các đoàn dũng.

Bị buộc lui về Tam Tuyên, Hoàng Kế Viêm tích cực chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống ngoại xâm lâu dài. Vừa lo chống quân Pháp xâm lược, vừa lo đối phó 2 vạn quân Trung Quốc do Lý Dương Tài cầm đầu tràn sang biên giới phía Bắc. Chủ trương tập hợp lực lượng tiến bộ trong văn thân để xây dựng lực lượng chính qui của triều đình, xây dựng thành lũy ở đồn Đò Vàng; thành lập các đoàn dũng ở các địa phương và chăm lo xây dựng khối đoàn kết toàn dân là chủ trương mang tính chiến lược của một nhà quân sự mẫn cán. Hoàng Kế Viêm trở thành đối thủ đáng sợ của quân Pháp. Báo cáo của Công sứ Pháp ở Huế gửi Thống sứ Pháp ở Sài Gòn có nhận xét: “con số những người muốn chống đối về sự mất độc lập của đất nước Việt Nam là rất ít. Chỉ một số người rất nhỏ có ảnh hưởng đến khả năng khơi động một phần đất nước, tôi không biết có ai khác ngoài Hoàng Kế Viêm mà ảnh hưởng được dựa trên một đạo quân” (Theo Tsuboi trong “Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa”).

Nhưng mỗi lần bứt phá đem lại thắng lợi có ý nghĩa chiến lược là mỗi lần vòng kim cô của triều đình xiết chặt làm ông bất khả kháng. Từ trận Cầu Giấy lần thứ nhất năm 1873 đến trận Cầu Giấy lần thứ hai, giết chỉ huy quân Pháp là Heri Rivière ngày 19 tháng 5 năm 1883 đều có vai trò tổng chỉ huy của Hoàng Kế Viêm. Và mỗi lần thắng trận, ông lại một lần bị triều đình nhà Nguyễn khiển trách, nhà vua buộc lui binh. Lần này cũng vậy, không phát huy đà thắng lợi, triều đình Huế và vua Tự Đức nuôi ảo vọng nghị hòa với Pháp, hy vọng hảo về sự giúp đỡ của nhà Thanh.

Triều đình của vua Tự Đức bạc nhược đã ghi rõ tội danh của Hoàng Kế Viêm “Trái lệnh vua, không thể chối cãi được”. Nguyên nhân của việc khép tội Hoàng Kế Viêm được sáng tỏ trong lời của Tự Đức: “Hôm nay xin đánh, hôm mai xinh đánh, đánh mà không thắng, lúc con trẫm lấy đất đâu mà nương tựa”. Lời tỏ bày sự của Hoàng Kế Viêm giúp chúng ta thấy được cốt cách và nhân cách của một vị tướng hết lòng vì nước vì dân, dám đối lập việc đất nước nhân dân với ngai vàng và quyền lợi của nhà vua và hoàng gia: “Vua ta sợ giao chiến với Pháp nên không thấy thắng ra mất cả giang sơn, lo sợ không còn đất đai cho hoàng gia sinh sống. Chúng ta có quyền tự hỏi: tại sao nhà vua không bổi lại rằng toàn dân sẽ ở vào đâu?”.

Toàn dân sẽ ở vào đâu khi đất nước bị mất? Đó là tư tưởng thương dân, than dân trong nhân cách Hoàng Kế Viêm, một nhân cách ngời sáng không hề vụ lợi.

Tinh thần quyết chiến và thái độ kháng mệnh vua để cùng quân dân kháng chiến ở Bắc Kỳ của Hoàng Kế Viêm tiếp tục phản đối việc vua Hiệp Hòa triệu hồi ông về kinh khi chiến sự đang có cơ hội thuận lợi cho sự nghiệp kháng Pháp. Nguyễn Trọng Hợp tâu về triều “lựa chọn một trong hai điều họa thời nên chọn điều họa nào nhẹ hơn. Xin triệu Hoàng Kế Viêm về kinh, để mặc quân Pháp tự liệu lý mới mong được việc”.

Như vậy, là nội bộ triều Nguyễn bạc nhược đã xem Hoàng Kế Viêm là cái gai trước mắt, nhổ mà không nhổ được vì cốt cách kiên cường của ông.

Đối với quân xâm lược Pháp, Hoàng Kế Viêm luôn thấy đó là kẻ thù không đội trời chung. Vì thế, mặc dù bọn cáo già thực dân rất cay cú với ông, nhưng buộc chúng phải thừa nhận: “trong thực tế, ông là người quan trọng nhất ở Bắc Kỳ, và là người thứ ba của cả nước. Ông ấy rất thù địch với chúng ta”. (Báo cáo của Công sứ Hà Nội cho Thống đốc Sài Gòn ngày 4/7/1879).

Báo cáo của Công sứ Hải Phòng ngày 15 tháng 6 năm 1883 càng nói rõ bản lĩnh, uy tín và khả năng tổng hợp lực lượng kháng chiến của Hoàng Kế Viêm: “Tôi cho rằng, người Bắc Hà sẽ dửng dưng với sự sụp đổ của triều đình Huế bô tôn của triều đình Nguyễn và các đại diện của họ ở Bắc Kỳ. Nhưng chắc chắn lúc này, Tổng chỉ huy Hoàng Kế Viêm có thể thu lượm được, từ xứ sở đả được trao cho ông bảo vệ, tất cả những gì mà cả xứ sở này có thể cho ông ấy, ông sẵn sàng nghênh chiến; các chánh tổng vừa được lệnh của ông phải chuẩn bị cung cấp cho quân đội mọi thức cần thiết, phải để lương thực vào nơi cơ mật, phải cảnh giác hơn nữa, và phải hoàn thành việc võ trang. Tất cả những ai còn khỏe mạnh phải trang bị giáo mác.” (HKV - trang 45).

Triều đình giáng chức, cách chức, triệu hồi. Thực dân Pháp tìm mọi cơ hội tập trung tổng lực tấn công. Hoàng Kế Viêm vẫn chỉ huy chống Pháp và khi thất trận, về theo lệnh triệu hồi, ông lại mở đường thượng đạo để tránh gặp mặt quân Pháp, kẻ thù mà ông rất căm phẩn; đồng thời trên con đường thượng đạo mà ông rút quân, ông đang khảo sát những vùng đất đứng chân để chuẩn bị cho một phương án kháng chiến lâu dài khi có cơ hội.

Là Phò mã trong cung, là mệnh quan triều đình, là Thống đốc Quân vụ nhưng khi triều đình vì lợi ích riêng của hoàng tộc bỏ rơi vận mệnh quốc gia thì việc chống lệnh triều đình là thể hiện nhân cách lớn của một vị quan, một vị tướng yêu nước thương dân, căm thù xâm lược và quyết chống trả quân xâm lược.

Nếu chỉ đến đó thí chắc chắn lịch sử khỏi phải bàn cải. Điều dễ gây bất đồng quan điểm khi đánh giá Hoàng Kế Viêm là việc vua Đồng Khánh sau khi bất lực không phủ dụ được Cần Vương, từ Đồng Hới trở về đã chịu áp lực của Tòa Khâm sứ, buộc cử Hoàng Kế Viêm đi làm An Phủ sứ hữu trực kỳ ở tuổi ngoài 65.

Trong thời kỳ làm An Phủ sứ, lịch sử chính biên và cả lưu truyền trong dân gian, trong dã sử, chưa có một tài liệu nào nói về việc ông tổ chức các cuộc truy lùng, vây ráp hoặc tìm cách gây trở ngại cho phòng trào Cần Vương trên đất Quảng Bình. Thậm chí trụ sở của vị An Phủ sứ hữu trực kỳ, hàm Đông các Đại học sĩ lại đặt tại tư dinh, chẳng có quan quân dưới trướng tiền hô hậu ủng như Đồng Khánh đi kinh lý mà chỉ có ông già hơn 65 tuổi với vài công sai hộ vệ.

Như vậy, thực chất ông đã về an trí. An trí mà vẫn bất an vì mang danh công vụ nên ông phải đi lại trong vùng, phải có báo cáo với triều đình. Báo cáo có liệt kê trăm này, chục nọ, nhưng đó là thời kỳ khó khăn của phong trào Cần Vương. Ngay cả Lê Trực một dũng tướng của Cần Vương, khi thoái trào cũng đành dẫn hơn trăm quân với vũ khí về đồn Thuận Bài đầu hàng để được yên thân và bảo tồn lực lượng, thì việc An Phủ sứ của Hoàng Kế Viêm có kể vài trăm lính, vài chục đề đốc, lãnh binh ra quy thuận, thiết nghĩ đó không phải là hành trạng để quy kết ông phản dân hại nước. Thậm chí con số đó như một số tài liệu của người Pháp cho là lạm kê cho có báo cáo mà không phản ánh đúng sự thật.

Trái lại, những việc ông làm thực như: gửi công văn cho bọn chỉ huy Pháp, đến các đồn quân Pháp đóng để phản đối bọn thực dân san mồ mã của dân làng để làm nhà thờ, phản đối việc lính các đồn gây phiền nhiễu với nhân dân; công khai bảo lãnh một số lãnh tụ nghĩa quân bị Pháp bắt ở trong vùng để giải thoát họ khỏi sự giam cầm, tra tấn, hạ sát… đó không phải là những việc mà ông đã dựa vào tước vị để chống thực dân, bảo vệ dân, bảo vệ Cần Vương hay sao?

Như vậy, Hoàng Kế Viêm không đầu hàng! Ông có thỏa hiệp là buộc nhận chức An Phủ sứ vì tình khi bị thực dân và triều đình ép buộc, nhưng dù bị ép buộc, ông không làm tay sai để chống kháng chiến mà lợi dụng chức vụ quyền hạn để đấu tranh buộc bảo vệ lợi ích dân chúng.

Khâm sứ Hector từ Huế gửi điện cho Toàn quyền Đông Dương ngày 24 tháng 8 năm 1887, nội dung có đoạn: “…Hoàng Kế Viêm đề nghị tôi phải rút bỏ nhiều đồn bốt ở Quảng Bình với lý do là những đồn này đã quấy rầy nhân dân, bắt bớ, khảo cung, tra tấn, treo cổ nhiều người tình nghi. Mặc dầu tôi đã cho rút một số đồn rồi mà ông ta vẫn tỏ ra bất bình và phẩn nộ với quân lực quân sự (của chúng ta - Pháp) đã xóa sạch tất cả” (theo HKV của Nguyễn Tú, trang 76).

Nhân cách Hoàng Kế Viêm không bị hoen ố. Thực dân Pháp muốn hạ bệ thần tượng Hoàng Kế Viêm nhưng không khuất phục được ông buộc phải cho ông nghỉ hưu.

Ông về hưu 1889 khi đương chức An Phủ sứ ở tại quê. 24 năm làm văn quan, 19 năm làm võ tướng, mang hàm Đông các Đại học sĩ, nhưng khi được ban ruộng lộc điền, ông lại xin cấp vùng đất cồn hoang Thế Lộc và xin khẩn hoang làm ruộng tự điền quanh cồn Thế Lộc, một cồn đất nước mặn 4 bề, cách hói, cách sông.

Bởi một điều giản dị là ông không muốn ai bị mất đất canh tác vì lợi ích lộc điền vua ban cho mình. Ông chọn vùng đất để ở tuổi 70 không phải “lão giả an chi” mà tiếp tục là “lão nhân ích tráng” thực hiện công cuộc khẩn hoang, dẫn thủy nhập điền tạo việc làm cho con cháu và nông dân trong làng có nơi canh tác dài lâu.

Là vị quan có học vị cử nhân, ông nối nghiệp cha lo sửa sang gia phong trong gia định, họ tộc, làng xã, viết lời bạt và khắc bia “Hoàng Thị gia huấn” của cha nhằm đề cao hiếu hạnh cần kiệm nhân nghĩa.

Khi đã nghỉ hưu về quê, tên Công sứ Quảng Bình vốn là con của tên thực dân chỉ huy bị ông và đội quân kháng chiến của ông giết chết ở Cầu Giấy muốn diện kiến ông nên đã có công văn gọi ông thì ông cũng từ chối, cho con về trả công văn cáo ốm.



Hoàng Kế Viêm, một cuộc đời đầy sóng gió thử thách, là một văn quan mẫn cán thân dân, một võ tướng Tổng chỉ huy quân vụ Bắc Kỳ tài thao lược và chủ chiến, dám kháng lệnh triều đình vì giang sơn xã tắc lâm nguy, không hợp tác đến cùng với quân xâm lược. Ở ông tỏa sáng nhân cách của một bậc chính nhân quân tử theo khuôn mẫu trong xã hội phong kiến thời loạn: “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” (giàu có không tham lam, nghèo khó không thay đổi, vũ lực không khuất phục). Ở vào thời kì bế tắc của lịch sử dân tộc cuối thế kỉ XIX, cuộc đời đầy sóng gió của Hoàng Kế Viêm là cuộc đời đầy bi tráng của một danh nhân trong đêm tối của lịch sử khi chưa có ánh sáng cách mạng soi rọi. Tuy vậy, ở ông vẫn tỏa sáng một nhân cách lớn của một nhân vật lịch sử chân chính trước vận mệnh quốc gia, dân tộc lâm nguy, dẫu phản kháng nhưng lực bất tòng tâm. Đó là bi kịch cuộc đời một con người mang dấu ấn bi kịch lịch sử một dân tộc.

tải về 54.4 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương