ThS. nguyễn thị thùy nhung khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Huế Vài nét về thôn Văn La và dòng họ Hoàng



tải về 65.19 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu31.07.2016
Kích65.19 Kb.
#11856
THÂN THẾ, SỰ NGHIỆP VÀ ĐÓNG GÓP

CỦA DANH THẦN HOÀNG KIM XÁN (1776-1832)



ThS. NGUYỄN THỊ THÙY NHUNG

Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Huế



1. Vài nét về thôn Văn La và dòng họ Hoàng

Hoàng Kim Xán sinh ra ở thôn Văn La (xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình). Văn La ở vào thế đất “thượng sơn hạ thủy, rồng chầu hổ phục”. Đây là một trong bốn làng có tiếng về văn hóa: Văn, Võ, Cổ, Kim1 ở huyện Quảng Ninh, một huyện ở phía Nam tỉnh Quảng Bình. Là một trong những Bát danh hương của tỉnh, làng Văn La có tiếng về học hành khoa cử. Từ xa xưa, làng đã có hội tư văn, đó là nơi tập hợp những người đỗ đạt, những nhà nho cựu trào, những nho sinh… để bàn luận văn chương, chuyện đời. Hội tư văn với những hoạt động phong phú đã thu hút được nhiều con em trong vùng tham gia.

Văn La còn nổi lên với một điểm khá độc đáo. Mặc dù ở rất xa kinh thành, nhưng Văn La lại có trường học riêng để đào tạo con em và những người hiếu học trong làng. Thầy giáo cũng chính là các bậc túc nho trong làng đứng ra để dạy bảo con cháu. Dưới chế độ phong kiến không phải làng nào cũng tự lập được trường học riêng cho mình vì muốn thế phải có một lực lượng học sinh đông đảo, có nhiều cụ đồ nho tâm huyết với nghề dạy chữ và đặc biệt phải có một truyền thống hiếu học lâu đời. Điều này cách đây gần 500 năm, sách Ô châu cận lục của Dương Văn An trong mục Phong tục - Tổng luận đã từng đánh giá “Văn Yến, Văn La sẵn tay văn sĩ”2. Từ nền học vấn rộng rãi và lâu đời ấy đã hình thành nên trong làng một tầng lớp khoa cử đỗ đạt đáng tự hào mà mãi về sau này các thư tịch, địa chí, lịch sử quê hương đều nhắc đến như một sự kiện trọng đại.

Sơn kỳ thủy tú biết bao

Địa hình nhơn kiệt, kém nào phồn hơn

Song Hiệp biện Văn La nổi tiếng

Tứ Thượng thư Trung Bính chẳng thua

Với phong thổ và nếp đất ấy, Văn La đã sản sinh ra những dòng họ nổi tiếng như họ Hoàng, họ Đỗ. “Việc quan họ Hoàng, việc làng họ Đỗ” là cách nói ví von để ca ngợi truyền thống hiếu học và khoa cử của những dòng họ này3.

Gốc tích sâu xa của tổ tiên dòng họ Hoàng đến nay vẫn chưa thật rõ ràng. Năm 1611, Nguyễn Hoàng đánh Chiêm Thành, chiếm đất Phú Yên, lập ra phủ Phú Yên gồm hai huyện Đồng Xuân và Tuyên Hòa (tức Tuy Hòa). Vì vậy, từ năm 1611 trở đi mới có sự di dân từ Đàng Ngoài vào Phú Yên để lập nghiệp, trong đó có các bậc tiền nhân của dòng họ Hoàng. Đời thứ ba của dòng họ này thuộc triều chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) mới chuyển về đất Cẩm La.

Từ đời thứ nhất và đời thứ tư, chữ lót của các đời là “Văn”, đời thứ năm chữ lót là “Kim”, đời thứ sáu là “Kế”..., tuần tự các chữ lót lấy chữ trong một bài thơ nhan đề là “Trung hiếu”:

Văn kim kế tự chánh tư phồn,

Đức nghiệp duy tư miễn tử tôn.

Trung hiếu đôn cung khiêm tố lý,

Quốc ân gia trạch vĩnh trường tồn”.

Tuy nhiên, về sau vì những lý do khác nhau mà con cháu sau này có lúc không thực hiện đúng trình tự như bài thơ đã đề ra.

Trong hai đời đầu tiên, dòng họ Hoàng chỉ biết làm ruộng, lao động chân tay. Sang đời thứ 3 đã bắt đầu có học hành và đã có làm thầy dạy học trong thôn. Đến đời thứ 4, học hành có những thành tựu rõ rệt, nên đến triều đại vua Lê Hiến Tôn (1740-1786), Hoàng Văn Hoán được làm quan với chức “Đông cung văn chức” (tức là chức quan phục vụ cho Thái tử chuẩn bị lên ngôi sau khi vua mất). Đời thứ 5 là Hoàng Kim Xán làm đến chức Hiệp biện Đại học sĩ. Đời thứ 6 là danh thần Hoàng Kế Viêm đã từng giữ chức Tiết chế quân vụ đại thần, Tổng đốc An - Tĩnh. Đến đời thứ 7 có Hoàng Tự Xước, con của ông Hoàng Kế Thản được tập tước hàm tứ phẩm; Hoàng Trọng Vỹ con ông Hoàng Kế Nhiệu (Diệu) học rất giỏi, đỗ cử nhân, ra làm quan giữ chức vụ Tuần vũ Quảng Yên, sau thăng chức Hiệp biện Đại học sĩ hàm tòng nhất phẩm và được nhà vua tặng là “Vinh Lộc Đại Phu”4.

Các con cháu đời sau tiếp tục kế thừa truyền thống của cha ông và có nhiều đóng góp trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và xây dựng đất nước.

Có thể nói, mảnh đất địa linh nhân kiệt Văn La là một nhân tố quan trọng tạo nên truyền thống tốt đẹp của nhiều dòng họ, trong đó có họ Hoàng. Chính dòng họ đó đã sản sinh ra một người con ưu tú - danh thần Hoàng Kim Xán.

Trong lịch sử vẻ vang của dòng họ Hoàng, danh thần Hoàng Kim Xán nổi lên với nhiều công lao không chỉ đối với quê hương, dòng họ mà còn đối với dân tộc. Bắt đầu từ đời ông, họ Hoàng đã giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình. Cũng từ những việc làm ích nước, lợi dân của ông mà con cháu đã được hưởng những ưu đãi của nhà nước phong kiến đương thời.



2. Thân thế, sự nghiệp và đóng góp của danh thần Hoàng Kim Xán (1776-1832)

Hoàng Kim Xán tên tự là Đĩnh Chính, tên thụy là Văn Ý, sinh ngày 10 tháng 10 năm Bính Thân (tức ngày 20/11/1776), mất ngày 20 tháng 1 năm Nhâm Thìn (tức ngày 21/2/1832), thọ 57 tuổi. Ông là con của Hoàng Văn Hoán, hậu duệ đời thứ tư của dòng họ Hoàng. Hoàng Văn Hoán từng làm Văn chức ở Đông cung, sau lánh loạn Tây Sơn, ẩn cư dạy học và được nhiều sĩ tử theo học. Nhờ những ảnh hưởng từ người cha và tư chất thông minh, Hoàng Kim Xán học rất giỏi. “Khi còn bé đĩnh ngộ, lên 5 tuổi, bèn đi dạy học. Mỗi khi thấy sách của các học trò, tất hỏi từng chữ từng câu. Có người chỉ bảo thì đọc một lần liền nhớ ngay...; lên 10 tuổi có thể làm được văn... Tới khi 20 tuổi, Văn Hoán đã tuổi già, đem học trò vẫn dạy trao cho, Kim Xán không từ chối được. Rồi ngày đêm dùi mài, nghiệp học cả tiến lên”5.

Năm 1801, vua Gia Long lấy lại được kinh thành Phú Xuân, Hoàng Kim Xán mới vâng mệnh cha, có chí cố gắng đỗ đạt ra làm quan. Đến năm Gia Long thứ 3 (1804), ông được trúng bổ làm Tri huyện Lệ Thủy. Đây là bước mở đầu trong con đường hoạn lộ của Hoàng Kim Xán. Sách Đại Nam thực lục còn ghi lại việc này như sau: Vua thấy chức huyện lệnh là rất gần dân, muốn xét kẻ giỏi người không để xem thành tích, bèn triệu tri huyện các huyện ở Quảng Đức, Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định là bọn Hoàng Kim Xán, Nguyễn Ngọc Nhân, Lê Đại Cương hơn 20 người về kinh, sai quan ba bộ Lại, Lễ, Hình họp, xét rồi chia làm ba hạng giáp ất bính tiến lên. Vua đều cho trúng cách, ban cho y phục rồi cho về. Dụ rằng: “Vâng theo chính lệnh mà tuyên truyền đức hóa, đó là công việc của các ngươi, đều nên cố gắng”6.

Hoàng Kim Xán làm quan thanh đạm, liêm khiết, được dân chúng tin yêu nên được thăng dần lên các chức Thiêm sự bộ Lễ rồi Cai bạ trấn Bình Hòa. Năm Minh Mạng thứ 5 (1824), thăng làm Biện lý bộ Công, Hữu Tham tri Công bộ, kiêm luôn công việc Hình bộ. Minh Mạng năm thứ 7 (1826), ông được bổ làm Hữu Tham tri Hình bộ, đến tháng 5 thì được phong làm Thượng thư Hình bộ. Năm 1827, ông còn được nhà vua tín nhiệm giao cho đi Kinh lược sứ ở Nam Định, về sau làm Tổng đốc Định An. Minh Mạng năm thứ 10, Hoàng Kim Xán còn kiêm luôn công việc bộ Lễ7. Cuối cùng, được thăng lên hàm tòng nhất phẩm, chức là Hiệp biện Đại học sĩ trong quan chế triều Minh Mạng.

Với những chức vụ cao như vậy, Hoàng Kim Xán đã cống hiến hết mình cho quê hương, dòng họ và đất nước.

2.1. Đối với gia đình, dòng họ: Hoàng Kim Xán luôn là một người con hiếu thảo, một người cha, người ông hết lòng thương yêu, dạy dỗ con cháu. Cũng nhờ ông mà con cháu được hưởng nhiều đặc ân của triều đình. Sách Đại Nam chính biên liệt truyện ghi lại: Phong Công (tức là bố đẻ được phong tặng) cùng Thái phu nhân khi còn sống thích ăn các quả như chuối, mít, Kim Xán suốt đời không dám ăn đến. Khi để tang ăn cơm chay, gối bằng rơm, làm nhà ở mộ để ở 3 năm, mỗi khi đối diện với người nói, chưa từng thấy răng... Dạy người thì lấy đức hạnh làm trước, từng làm lời dạy để răng con cháu, thường lấy hiếu để khiêm kính làm nghiệp thường của nhà8.

Theo gia phả họ Hoàng, Hoàng Kim Xán có 3 người vợ và 3 người thiếp. Ông có đến 13 người con, trong đó, Hoàng Kế Thảng (Thản) thuộc nhánh bá, Hoàng Kế Nhiệu (Diệu) thuộc nhánh trọng, Hoàng Kế Viêm thuộc nhánh quý, còn lại không rõ. Sau này ba người con của ông đều theo nghiệp học hành và gặt hái được nhiều thành tựu. Con trưởng Hoàng Kế Thảng được ấm thụ, được bổ làm Viên ngoại lang bộ Hình hàm Chánh nhất phẩm. Con thứ Hoàng Kế Nhiệu tư chất tốt, học giỏi, tính tình điềm đạm, không ra làm quan nhưng vì con được quý hiển nên được phong là Hàn lâm thị độc, nhiều lần được tặng đến chức Hữu phó Đô ngự sử trong Đô sát viện. Con út Hoàng Kế Viêm lấy làm ấm tử vào nhà Giám và do học giỏi, đỗ cử nhân, đặc cách sơ bổ Tư vụ Quang lộc tự khanh hàm tam phẩm, thăng lên chủ sự rồi lấy công chúa, sau là Phò mã Đô úy cải bổ lang trung, còn được cất nhắc làm Khâm sai Thống đốc quân vụ Tiết chế Bắc Kỳ, phong là Địch trung tử, lấy hàm Đông các Đại học sĩ lúc về hưu.

Sau khi Hoàng Kim Xán mất đi (năm Tự Đức thứ 13 (1860)), cháu của ông còn được tổ ấm vào học trường Quốc tử giám, đó là Hoàng Kim Chiều và Hoàng Kim Dực. Trong khi trước đây, chỉ có ấm tử (con) mới được vào học Quốc tử giám, còn ấm tôn thì chưa có nghị định. Bởi vậy, đây được xem là ân điển đặc biệt.

Hoàng Kim Xán là người hiếu đạo, luôn ghi nhớ công đức của các thế hệ đi trước. Ông từng biên soạn cuốn “Gia phả họ Hoàng” vào năm 1831, tuy nhiên ngày nay không còn nữa. Dựa trên các bản sao chép lại, cuốn gia phả của Hoàng Kim Xán đã ghi lại đức tính của các ngài đi trước nhằm mục đích làm gương và răn dạy con cháu, cụ thể là:

Ngài đời thứ nhất: được mọi người ngưỡng mộ, thương mến (Mộ đức phủ quân).

Ngài đời thứ hai: khoan dung, có độ lượng (Dụ đức phủ quân).

Ngài đời thứ ba: được mọi người tôn trọng (Long đức phủ quân), được nhà vua tặng “Trung thuận đại phu”, tức là một ông quan trung thực và hòa thuận, sau khi từ trần còn được tặng tên thụy là “Lương mục phủ quân” tức là một người tốt, hòa hợp, kính mến.

Ngài đời thứ tư: có đức hạnh trong văn học (Văn đức phủ quân), được nhà vua tặng “Gia nghị đại phu”, tức là một ông quan biết bàn bạc, suy xét chính chắn, đồng thời lại được đặt tên thụy là “Ôn mục phủ quân”, tức có đức tính hiền lành, hòa nhã, được kính mến.

Có thể nói, học tập, noi gương các đức tính tốt của cha ông, Hoàng Kim Xán đã rèn luyện, phấn đấu để làm rạng danh gia đình và dòng họ. Không những thế, ông còn là người có trách nhiệm trong việc dạy dỗ con cháu và các thế hệ sau. Điều này thể hiện ở bài văn “Hoàng thị gia huấn” tức “Gia huấn họ Hoàng”. Đây là một bài văn có “khí cao như lửa thiêng gương báu”, lấy “đạo hiếu” làm gốc để giáo dục con cháu. Nhưng đạo hiếu theo Hoàng Kim Xán là rất rộng, không chỉ nằm trong khuôn khổ phụng dưỡng cha mẹ mà còn phải: Cần cù lao động, tiết kiệm; siêng năng học hành; trau dồi đức hạnh, khiêm tốn, không kiêu căng, có lòng từ thiện bác ái; giữ nếp sống thanh bạch, giữ phong độ của một dòng họ truyền thống, bất kỳ trong hoàn cảnh nào9. Bài văn này sau được Hoàng Kế Viêm dịch và thêm phần phụ chú.

Như vậy, Hoàng Kim Xán là tấm gương sáng cho con cháu đời sau noi theo. Bắt đầu từ đời ông, dòng họ Hoàng trở thành một dòng họ nổi tiếng về học giỏi và đỗ đạt. Con cháu họ Hoàng được giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình mà chính Hoàng Kim Xán là người có công mở đầu cho những thành tựu vẻ vang đó.



2.2. Đối với đất nước và nhân dân: Hoàng Kim Xán luôn là một vị quan thanh liêm, chính trực, có nhiều đóng góp to lớn. Ông luôn giữ phẩm giá trong sạch, được dân thương mến nên đã được nhà vua phong tặng “Vinh lộc đại phu”, tức là một vị quan có phúc đức và vẻ vang.

Năm Quý Mùi, Minh Mệnh thứ 4 (1823), lúc đang giữ chức Cai bạ trấn Bình Hòa, phụng mệnh nhà vua, Hoàng Kim Xán đã làm việc với tất cả tâm huyết, lập công trong lần duyệt tuyển dân đinh của triều đình. Khi tổng sách dâng lên, số đinh của trấn Bình Hoà đã trội thêm 660 người. Vua bảo bộ Hộ rằng: “Duyệt tuyển là chính sách lớn, cốt cho quân bình, vốn không lấy thừa thiếu làm ưu liệt. Duy số đinh ở hai trấn ấy (Phú Yên và Bình Hòa) ngày một đông thêm mà sổ tuyển cũng không thiên về nhẹ nặng, phải nên nghị thưởng… Tuyển quan ở Bình Hoà là Mai Gia Cương và Hồ Tiến Hiệu, Trấn thần là Hoàng Kim Xán, đều thưởng một lần kỷ lục”10.

Ở chức vụ nào, Hoàng Kim Xán cũng cố gắng làm tốt chức trách của mình, ông luôn có những ý kiến xác đáng đối với các công việc trị nước được vua giao cho. Bằng uy tín và khả năng của mình, Hoàng Kim Xán cũng chính là viên quan thân cận được nhà vua hỏi ý kiến trong nhiều công việc của triều đình. Ví như việc phân bổ các Cống sinh, Giám sinh giữ các chức quan ở địa phương hay vẫn để lại ở bộ để học hỏi việc chính sự (vào năm Minh Mệnh thứ 7 (1827)). Đặc biệt, năm Minh Mạng thứ 8 (1828), thổ phỉ Nam Định là Phạm Vành, Đỗ Bang hung hăng chống với quan quân. Hoàng Kim Xán đã cùng với Trần Lợi Trinh, Trần Văn Tính, Nguyễn Đăng Tuân dâng sớ tâu nhằm xin chọn hai viên đại tướng chia nhau cầm quân thủy bộ tiến đánh, cho nhân dân phương ấy khỏi chịu lầm than11.

Sau khi dẹp yên được thổ phỉ, để vỗ về nhân dân, vua sai Hoàng Kim Xán cùng Phó đô thống chế Tả dinh quân thần sách lĩnh Trấn thủ Nghệ An là Nguyễn Văn Hiếu và Thị lang bộ Binh là Thân Văn Duy đi kinh lược hai trấn Sơn Nam, Nam Định. Khi Hoàng Kim Xán vào từ biệt, vua bảo rằng: “Quan hại là sâu mọt hại dân, giặc cướp nổi lên là bởi đó cả, trẫm rất lấy làm chán ghét… Chuyến đi này có quan hệ đến việc lớn của nhà nước, trẫm tạm bảo một vài điều thôi, cần phải tùy nghi mà xếp đặt, không nên coi thường, cũng không nên câu nệ, trong khoảng hai điều ấy mà làm là được. Nhân cho 150 lạng bạc rồi cho đi”12.

Hoàng Kim Xán và các quan Kinh lược sứ đã không phụ lòng mong mỏi của triều đình và nhân dân. Kinh lược sứ là bọn Nguyễn Văn Hiếu, Hoàng Kim Xán đến Nam Định, đi thăm các huyện ấp, xét hỏi nỗi đau khổ của dân, tâu xi phàm các xã dân bị giặc đốt phá thì cấp cho mỗi nhà 2 quan tiền, 1 hộc thóc; nhà nào phái viên ở thành đã phát chẩn thóc rồi thì cấp cho 2 quan tiền; người nào có nhà cửa mà của cải mấy hết thì cấp 1 hộc thóc; người nào đánh nhau với giặc bị giết chết thì lượng cấp tiền tuất. Sơn Nam cũng theo như thế mà làm. Vua y theo lời tâu13.

Các ông đi đến đâu, việc xét xử kiện tụng được minh bạch, công khai đến đó, kẻ gian, quan lại không ai là không sợ hãi. Quan lại địa phương có người mang lễ đến tặng, ông nhất quyết không nhận, chỉ sai họp phụ lão để bảo ban đức ý của triều đình và xét hỏi sự đau khổ của nhân dân. Lúc này, ở Nam Định, Cai án Phạm Thanh và Thư ký là Bùi Khắc Kham nổi tiếng tham lam, hung ác, nghe tiếng các quan Kinh lược sứ, chúng bỏ chức trốn đi trước. Sau truy bắt được, đem chém ngang lưng và tịch thu tài sản để chia cho dân nghèo. Đối với những quan lại tham nhũng đều tâu trình để cách chức, những quan lại không làm nổi chức vụ thì bãi đi. Thừa ty hai trấn và lại dịch ở phủ huyện bị bắt tra xét và trốn tránh phải đến vài trăm người. Những học trò trong vùng đã từng đỗ nhất, nhị trường, có học hạnh thì xem xét tuyển chọn để bổ sung vào những chỗ khuyết ấy. Với những việc làm hợp ý vua, lòng dân đó, Hoàng Kim Xán cùng các quan Kinh lược sứ đã được vua Minh Mạng khen ngợi và ban thưởng. Hoàng Kim Xán được bổ làm Thượng thư Hình bộ, thưởng gia thêm 1 cấp14.

Năm Minh Mạng thứ 10 (1829), ông được sung chức Chủ khảo trường thi Hội. Trong kỳ thi này đã tuyển ra được những danh sĩ nổi tiếng học giỏi lúc bấy giờ như Nguyễn Đăng Huân, Bùi Ngọc Quỹ, Trương Quốc Dụng, Ngô Thế Vinh, Phạm Thế Hiển để ra giúp việc nước.

Đến năm Minh Mạng thứ 11 (1830), Hoàng Kim Xán được sung chức Tổng tài luật lệ. Ông đã có nhiều đóng góp trong việc hiệu chính luật lệ, đưa ra những điều nên sửa đổi, nên di chuyển, bỏ đi hoặc soạn thảo thêm. Những ý kiến đó đã được vua phê duyệt và cho thi hành15.

Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), Hoàng Kim Xán được đổi sang làm Thượng thư bộ Binh kiêm Tổng đốc Định Yên và Tuần phủ Nam Định vì những công lao mà ông đã lập được trong lần đi kinh lược Nam Định trước đây. Khi đến lỵ sở Nam Định, Hoàng Kim Xán đã dâng sớ trình bày 17 điều lợi, trừ mối hại, nhưng chưa làm được. Năm Minh Mạng thứ 13 (1832), ông xin thôi công việc ở tỉnh vì bệnh nặng. Ngày bị bệnh, ông còn họp cả Bố chính, Án sát, Tham tán, dặn phải hết lòng vì dân, báo đáp ơn nước. Khi sớ dâng lên, vua ban cho 10 phiến quế thanh và cho con là Hoàng Kế Thảng đến thăm nom, hầu hạ. Sau đó, Hoàng Kim Xán mất ở chỗ làm quan lúc mới 57 tuổi. Được tin Hoàng Kim Xán mất, vua bảo bộ Lại: “Hoàng Kim Xán từng trải làm việc ở trong kinh và ngoài trấn, khó nhọc đã lâu. Nay được tin Xán mất, lòng ta cảm động rớt nước mắt, rất thương tiếc. Vậy gia tặng cho Xán làm Hiệp biện Đại học sĩ, thưởng cho bạc 100 lạng, gấm Tống 3 cây, vải và lụa 10 tấm, tế 1 tuần. Con là Tư vụ Hoàng Kế Thảng được gia ơn tập ấm cho làm Viên ngoại lang”16.

Sau khi ông mất, quan viên thân sĩ không ai là không rỏ nước mắt. Án sát Hà Tĩnh là Nguyễn Sĩ Bảng còn làm văn tế để kính tế. Trong đó có câu: “Than ôi! Tỉnh Nam Định ta sau khi đau khổ tàn phá rồi, có thể được yên vui một chút. Nhờ Hoàng thượng ta soi khắp không cùng, chọn dùng người hiền lành, mong để chữa sự đau khổ của dân ta, để đem lại điềm tốt. Đáng thương cho sứ ấy, phúc tinh vừa soi bỗng thu sáng lại ngay, ai là người nối sau, lại hay gây phúc cho một phương ấy… Từ nay về sau không lại được thấy nét mặt ông Tử Chi (ví Hoàng Kim Xán như ông Nguyễn Đức Tú đời Đường) khiến cho người quên lòng bĩ lậu”17.

Trong văn tế của triều đình lại có đoạn: “Tài mưu để làm rường, làm cột, vấn vọng như ngọc khuê, ngọc chương, vâng mệnh giúp chỉnh đốn ban lục khanh; rõ ràng tin đúng kính giữ cân tam điển. Đi kinh lược ở biên phương, lấy bỏ xứng mệnh lệnh mưu hỏi, làm tổng tài sửa luật lệ, xét định câu nặng nhẹ tùy nghi”18.

Hoàng Kim Xán mất đi đã để lại trong lòng vua tôi và nhân dân niềm tiếc thương vô hạn. Điều đó cho thấy công lao cũng như sự trọng dụng của nhà vua và triều đình đối với ông là vô cùng to lớn. Với tài năng, tâm huyết và học thức của mình, Hoàng Kim Xán đã cống hiến suốt đời cho sự hưng thịnh của triều đại và đất nước. Ông mãi được nhớ đến như một vị quan có công lớn giúp triều Nguyễn trong chính sách trị nước, yên dân. Đến năm Tự Đức thứ 11 (1858), tưởng nhớ tài đức và công lao của ông, Hoàng Kim Xán được đưa vào thờ một cách trang nghiêm ở đền Hiền Lương. Ngày nay, các thế hệ nhân dân Việt Nam mãi mãi ghi ơn một người con của quê hương Quảng Bình - danh thần Hoàng Kim Xán.



1 Tức làng Văn La (xã Lương Ninh), Võ Xá (xã Võ Ninh), Cổ Hiền (xã Hiền Ninh), Kim Nại (xã An Ninh) thuộc huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.

2 Vô Danh Thị (1961), Ô châu cận lục, Dương Văn An nhuận sắc, tập thành, Bùi Lương dịch, Văn hóa Á châu xuất bản, tr.54.

3 Nguyễn Thị Hương (2004), Tìm hiểu nhân vật lịch sử Hoàng Kế Viêm (1820-1909), Khóa luận Tốt nghiệp cử nhân sử học, chuyên ngành Lịch sử Việt Nam, khóa 2000-2004, tr.15-16.

4 Hoàng Tư Giáp (1989), Gia phả họ Hoàng, bản viết tay, tr.4-7.

5 Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (1993), Đại Nam chính biên liệt truyện, Nhị tập (Quyển đầu - Quyển 25), Nxb Thuận Hóa, Huế, tr.306-307.

6 Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (2007), Đại Nam thực lục, Tập 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.616.

7 Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (2007), Đại Nam thực lục, Tập 2, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.361, 485, 505, 790.

8 Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (1993), Đại Nam chính biên liệt truyện, Nhị tập (Quyển đầu - Quyển 25), Nxb Thuận Hóa, Huế, tr.309-310.

9 Hoàng Tư Giáp (1989), Gia phả họ Hoàng, bản viết tay, tr .3,14.

10 Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (2007), Đại Nam thực lục, Tập 2, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.257, 258.

11 Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (2007), Đại Nam thực lục, Tập 2, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.578.

12 Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (1993), Đại Nam chính biên liệt truyện, Nhị tập (Quyển đầu - Quyển 25), Nxb Thuận Hóa, Huế, tr.308.

13 Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (2007), Đại Nam thực lục, Tập 2, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.604.

14 Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (2007), Đại Nam thực lục, Tập 2, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.635.

15 Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (2007), Đại Nam thực lục, Tập 3, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.44.

16 Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (2007), Đại Nam thực lục, Tập 3, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.276.

17 Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (1993), Đại Nam chính biên liệt truyện, Nhị tập (Quyển đầu - Quyển 25), Nxb Thuận Hóa, Huế, tr.311.

18 Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (1993), Đại Nam chính biên liệt truyện, Nhị tập (Quyển đầu - Quyển 25), Nxb Thuận Hóa, Huế, tr.309.


tải về 65.19 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương