HỮu quâN ĐÔ thống lê SĨ (1816-1883)



tải về 54.2 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu04.08.2016
Kích54.2 Kb.
#12318
HỮU QUÂN ĐÔ THỐNG LÊ SĨ (1816-1883)

VĨNH NGUYÊN

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế

Vè “Thất thủ Thuận An” có 746 câu, vè “Thất thủ kinh đô” có 1.210 câu đều nhắc đến cái chết oanh liệt của Lê Sĩ cùng các quan võ trấn thủ thành Thuận An:

“…Nào quan chưởng vệ Nguyễn Trung



Vì trung mà đã theo cùng nước non

Quan thống Lê Chuẩn chẳng còn

Quan hậu Lê Sĩ theo đồn tan hoang

Thương quan Tham tán Lâm Hoằng

Tuẫn theo quốc nạn sử vàng còn ghi…”

Bất lực, quân ta chỉ biết kêu trời than thở:

Nhân dân kêu khóc than van



Trời ơi! Trời giúp chi đoàn lâu la?”

Lật lại trang sử nước nhà, chúng ta thấy vùng đất này trước 1402 chưa hề có cửa Thuận An. Ba con sông lớn đổ về phá Tam Giang rồi ra biển với cửa Tự Dung (cửa Tư Hiền ngày nay). Nhưng thiên nhiên đã kiến tạo một cơn địa chấn, phá vỡ gờ cát dài từ cửa Việt Yên (Cửa Tùng) đến cửa Tư Dung phát ra một tiếng nổ dữ dội, mở ra một cửa biển mới gọi là cửa Eo (còn có tên Hải Nhuyễn). Mãi sau này, Gia Long mới sai đổi thành cửa Thuận An (1813).

Nhà Hồ lên, cho xây đắp cửa Eo để bố phòng nhưng đắp rồi lại lở nên không được.

Mãi đến năm Giáp Thìn 1904, một cơn lũ lấp kín cửa Eo (Thuận An cũ) mà mở ra cửa Sứt (Thuận An mới) cho đến bây giờ.

Năm Mậu Dần, tháng 2 năm 1878, bờ cát cửa biển Thuận An bị sóng gió phá khuyết nhiều chỗ. Vua Tự Đức làm bài văn cáo cầu thần Nam Hải Long Vương phù trợ bờ biển. Lời văn như sau: “Cửa biển Thuận An là cửa ngõ của kinh sư, mà trấn Hải Thành lại là bức phên dậu của cửa biển Thuận An vậy”.

Thật vậy, làm sao triều đình khỏi lo lắng bởi trước kia, từ cửa Tư Dung lên kinh thành Huế thì khá xa, lại phải vượt qua phá Tam Giang hiểm trở. Còn bây giờ, Thuận An với kinh đô chỉ 12 cây số.

Vì vậy, dọc theo bờ sông Hương từ Phú Thanh, Phú Mậu, Tân Mĩ (Phú Vang) hoặc về mạn Bao Vinh xuống tận biển Thái Dương Hạ (Hương Trà) là những chốt đồn trú có pháo đài bố phòng vững chắc.

R. Morineau - thuộc Hội Truyền giáo Paris - đã ghi lại: “đồn và pháo đài” thành bản tham luận có tựa đề “Di tích lịch sử vùng dưới Bao Vinh” đọc ở cuộc họp của Hội tại Paris ngày 26/08/1914 mà sau đó linh mục thừa sai truyền giáo Léopold Cardière, người đời tôn vinh ngài là Đức Cha Cả Cardière, và sau đó ngài là chủ bút tờ Bulletin des amis du vieux Hué (BAVH) in lại. (Nxb Thuận Hóa năm 1997 ấn hành lại với tựa đề: “Những người bạn cố đô Huế”. Tài liệu trên có trong tập 1, năm 1914, trang 235).

Chúng tôi xin trích dẫn vài đoạn trong bản tham luận ấy:

“…Các pháo đài, đều tập trung hai bờ sông để phòng thủ từ cửa Thuận An đến Triều Sơn, gần Huế; tôi thấy tốt nhất là nên xem xét dần dần các nhóm không bỏ sót một vài chiếc pháo đài nằm riêng lẻ”.



Từ ngày 21 tháng 8 năm 1883, khi qua khỏi eo biển Thuận An, các pháo hạm “Vipère” và “Lynx” nhìn bên phải là pháo đài Bắc và các công trình phòng thủ mà hoả lực đã tắt, nhưng còn bị hoả lực của pháo đài Nam của tất cả các khẩu đội lân cận nả vào bên sườn. Và cả của pháo đài Hàng Dừa chỉ huy trực tiếp vào họng. Cũng may là lính An Nam hoảng sợ trước một kho thuốc súng trên đảo Dừa, họ đâm đầu thoát ngay sau khi đã vòng quanh eo biển để ngược các dòng sông, các pháo hạm Pháp lẽ ra sẽ vất vả chống trả với các pháo đài ấy có cơ bắn xả vào họ, trong khi đó thì pháo đài Tân Mĩ cũng có thể bắn vào ngang hông, còn pháo đài Hi Du cũng có thể bắn trực diện nếu pháo hạm Pháp vượt qua đập sông đầu tiên. Tình hình nguy ngập đối với pháo hạm Pháp vẽ ra cho thấy địa điểm của các ụ phòng thủ ở cảng và vũng Thuận An.

Chúng ta xem xét từng pháo đài riêng lẻ.

Đầu tiên là pháo đài Bắc, là Hải Đài trên bãi của làng Thái Dương Hạ. Pháo đài này, gồm một pháo đài trong bằng cát và đất, và một lô cốt giữa bằng gạch. Chiếc ngòi có một luỹ thành hình chữ nhật bằng cát đắp đất và một hào mà nay chỉ còn phía Bắc thôi.

Luỹ này có 4 đồn ải bằng đất có góc hướng Đông Bắc - Đông Nam và Tây Nam. Luỹ thành có 4 cổng vào, mỗi cái ở mỗi mặt. Chỉ còn lại mặt phía Bắc với cái hào đã bị cát lấp nửa và đi qua bằng một cái cầu nhỏ bằng gạch lát xi măng xây từ khi Pháp chiếm, không xa đồn Tây Bắc.

Mặt Tây đã san bằng từ khi người An Nam đóng và có vườn nhỏ trồng cây. Mặt Nam đã bị mưa gió phá huỷ. Tôi phải nhờ các vị lão thành An Nam chỉ dẫn và mặt Đông đã bị mất hẳn.

Luỹ thành, ngoài hình chữ nhật ở các mặt Đông và Tây là 163m và 198m các mặt Bắc và Nam. Phía trong thành ấy, phía Bắc, có hai kho thuốc súng xây dưới hầm của các góc và gần sau kho, người ta có xây một cái bể để đựng nước uống cho đồn ải. Về phía Nam, xiên về góc Đông Nam là pháo đài trong, hình rất tròn, có ghi trong bản đồ các sĩ quan chiếc “Favorite” vẽ năm 1831 mà tôi đã nói trên. Pháo đài này còn giữ nguyên vẹn, hoàn toàn bằng gạch có bao quanh một hào vuông, chiều rộng độ 6 đến 8m. Bên ngoài là tường gạch thẳng đứng dày độ 0,7m và ngoài có đắp bờ cát dày đến 5,6m. Tường ấy có chu vi đo được 292m.

Chiều sâu của hào cũng còn độ 4m; tường luỹ thành của pháo đài chính bằng gạch xây cao lên trên mặt hào đến 3,5m. Luỹ thành ấy lại được đắp thêm bằng cát và đất.

Pháo đài trong chỉ có một cửa vòm hướng Tây. Bên trái khi vào trong, dưới các luỹ thành có hai kho thuốc súng khác. Các kho thuốc súng ấy và cái giếng là công trình người Pháp xây thêm.

Đối diện với cổng đi vào, phía bên phải có một biệt thự cho ông Khâm sứ, bên trái là các thông hành địa dịch của Khâm sứ. Người ta đi qua hào bằng con đường đắp đất hướng ra biển. Biệt thự của ông Khâm sứ xây ở vị trí cột cờ cũ mà sau khi chiếm Thuận An đến năm 1900 dùng để đánh tín hiệu.

Phía sau pháo đài phía Bắc, đối diện với phá có hai ngôi nhà là nơi vua tắm có một thành bằng gạch bao quanh, bốn góc đều có vọng gác. Cái thành ấy còn ở mặt Bắc, Đông và Nam. Phía giữa mặt Đông có cửa vòm để vào. Các ngôi nhà vua đã thay bằng bưu điện và đến năm 1900 thì bị bỏ đi.

Chỗ vua tắm, đi ra phía biển, có một dãy giao thông hào đến các khẩu đội đã chiến đấu anh dũng ngày 20 và 21 tháng 8 năm 1883. Hai bên bờ của giao thông hào, người An Nam đã chôn một số lượng lớn chông tre, theo họ, có thể đâm vào chân những kẻ tấn công!!

Các giao thông và các khẩu đội pháo phòng thủ ấy ngày nay chẳng còn dấu vết gì nữa ở giữa nghĩa địa An Nam dựng nên từ cuộc di tản ở Thuận An.

Phía Bắc, trên một đụn cát có cột cờ mà năm 1883 có một khẩu đội phòng thủ. Sau này đụn cát ấy để căng dây cáp và che gió cho nghĩa địa Pháp. Năm 1900, sóng biển ngày 15/10/1897 cuốn thành eo biển mới, đã cuốn đi một phần đụn cát và nghĩa địa mà các hài cốt người Pháp nhặt nhạnh được đều chuyển đến pháo đài Nam.

Tất cả các công trình phòng thủ ấy tôi vừa nêu trên đều ở địa phận làng Thái Dương Hạ, tổng Vĩnh Trị, huyện Hương Trà.

Chưa ra khỏi làng ấy nhưng về phía Nam của pháo đài Bắc và phía dưới eo biển xưa, chúng ta thấy một cồn cát và đất, trên đó người An Nam có bố trí hoả lực bắn sát đến đánh đắm các thuyền đổ bộ quân.

Chúng ta đi qua bãi cát đã lấp eo biển xưa đó và tiến vào làng Trưng Hà mà tên thường gọi là Eo. Chúng ta đã đi bên trái, phía ngoài biển, một hòn núi gọi là Thổ Sơn, trên đỉnh người An Nam đặt một khẩu đội để phòng thủ trấn áp một cuộc đổ bộ quân về phía Nam của eo. Chỉ còn là một đụn cát nhưng cây phủ xanh hơn một chút so với vùng khác.

Chỉ đi vài phút nữa là chúng ta đến nơi tàn lụi của một pháo đài mà người An Nam cho là đáng sợ nhất về phía Nam, gọi là pháo đài Hà Nhuận. Pháo đài này hướng Đông Bắc - Tây Bắc, các giao thông hào phía ngoài, luỹ thành có đồn bốt, trang bị phòng thủ xem như là quan trọng nhất của Thuận An để giữ Eo và chỉ huy chỗ Eo.

“…Chúng ta thấy cửa sông được bố trí hoả lực chéo và các sĩ quan An Nam chắc chắn tính rằng chỉ có một kẻ thù quá mạo hiểm mới đột nhập thình lình Eo nhưng không sao tránh được sự can thiệp kịp thời của các pháo đài và các khẩu đội cửa phía Bắc và phía Nam. Và hơn nữa, họ lợi dụng bãi cát bồi lên khi nước hạ nằm đối diện với Eo và đúng tầm súng để hoả lực phát huy tốt tác dụng”.

“…Khi ngược dòng sông lên Huế và trước khi rẽ sang phía Tây Bắc giữa làng Quy Lai và Thuận Hoà, đoạn sông ấy rất rộng nhưng không sâu, tàu thuyền trọng tải lớn phải biết Eo. Các vị quan võ có lý khi nghĩ rằng các pháo hạm phải thăm dò đường nên chậm tốc độ lại nên họ nghĩ đến cách cụm một số pháo đài và giao thông hào ở tại đây”.

“…Gần một cây số phía Bắc, bên phải bờ sông và trên địa phận làng Quy Lai, ở chỗ Bàu Hà Xứ, người ta gặp một giao thông hào hình bán nguyệt hướng về Đông, dài 90m và rộng độ 9m. Và sau đó lại có một giao thông ngang đối diện với hướng Đông có chiều dài 295m và rộng 9m. Hai hệ thống đó đã được san bằng để trồng trọt và đặt nghĩa địa An Nam ở đó”…

Qua mấy đoạn trích mà báo “Những người bạn cố đô Huế” của Cardière miêu tả trên đây cho ta thấy, pháo đài Thuận An - phên giậu kinh thành Huế quan trọng đến nhường nào.

Ngày 17 tháng 7 năm 1883, lợi dụng vua Tự Đức băng hà, quân Pháp cho 7 chiến hạm bao vây cửa Thuận An. Sau 3 ngày giao tranh, ngày 20 tháng 7 năm 1883 thì số phận của Huế đã định đoạt, Thuận An thất thủ.

Một đại uý hải quân Pháp là Picard Destelan đã tường thuật trận đánh trên và sự hi sinh cao cả của các pháo thủ Việt Nam như sau: “Hai bên lối lên của cửa biển là hai dãy pháo đài mà từ 10 năm nay, những người lính Việt Nam đã tốn nhiều sức lực, làm việc không biết mệt mỏi, củng cố cho vững chắc, đưa đến một số khẩu pháo lớn, hoả lực đáng kể… có cả những khẩu pháo cũ của quân Pháp được giao cho vua Tự Đức theo Hiệp ước 1874 để bảo vệ cửa biển. Những người pháo thủ Việt Nam đã chịu đựng dũng cảm 3 ngày bắn phá tới tấp của các tàu chiến Pháp. Nếu họ biết điều chỉnh chính xác hơn nòng pháo thì chúng ta (quân Pháp) sẽ bị tổn thất nhiều hơn. Những người pháo thủ Việt Nam không thiếu khéo léo và can đảm, nhưng không may cho họ, điều này không phải tranh cãi gì nữa, là nếu để những khẩu pháo của ta bên cạnh pháo của họ (Việt Nam) ta sẽ thấy các khẩu pháo của họ chưa được cải tiến và rất lạc hậu. Họ vẫn còn dùng mồi lửa để châm thuốc nổ và không có máy ngắm. Tuy vậy, những người pháo thủ bảo vệ cửa Thuận An đã chiến đấu rất dũng cảm chống lại chúng ta và tôi thấy mình có nghĩa vụ phải ghi lại những dòng này để tưởng nhớ đến tinh thần chiến đấu hi sinh của họ”1.

Hữu quân Đô thống Lê Sĩ sinh năm 1816 tại làng Võ Xá, huyện Phong Lộc, nay là xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, xuất thân từ gia đình võ quan ở các triều đại trước. Ông nội là Phấn Dõng tướng quân cấm binh, Phó vệ uý. Cụ thân sinh được tặng Hùng oai tướng quân cẩm y vệ dưới thời Minh Mạng, Thiệu Trị, triều Nguyễn2.

Thời niên thiếu, được hấp thụ một nền giáo dục Nho phong lẫn mã thượng (quân sự), bản chất ông lại hiếu học, thông minh nên giỏi cả văn lẫn võ.

Do dòng dõi võ tướng nên ông sớm chuyên về binh nghiệp. Chưa đầy 20 tuổi, ông đã tinh thông binh pháp, điêu luyện cả thập bát ban võ nghệ (18 môn võ) và đã được gửi đến trường võ bị Anh Danh ở kinh thành, sau đó được phái đi theo Trấn Tây quân vụ.

Năm Thiệu Trị thứ 3 (1837), ông được bổ Suất đội trong đội quân Hổ Uy Hữu Vệ, có nhiều công lao nên được thăng lên chức Thành Thủ uý, sung tả cơ Hiệp quản tỉnh Quảng Nam.

Năm Tự Đức nguyên niên (1848), ông được bổ làm tả bảo Phó vệ uý, thuyên chuyển mãi Lãnh binh tỉnh Lâm Bình.

Năm Tự Đức thứ 12 (1859), sung Đốc binh Quân thứ tỉnh Quảng Nam, khi triều đình xét công trạng quân thứ, được bổ làm Binh Vệ uý.

Năm Tự Đức thứ 14 (1861), sung Phó Đề đốc tỉnh Biên Hoà, tổ chức đồn trú, trù định việc chuyển vận quân lương cho các tỉnh Biên Hoà, Gia Định và Định Tường để đề phòng giặc Pháp đang lăm le xâm lược nước ta. Sau đó triều đình triệu về kinh, giữ chức quyền Chưởng vệ, quyền chưởng công việc Vũ lâm dinh Tả Dực, kiêm Chưởng vệ kinh tượng.

Năm Tự Đức thứ 16 (1863), lĩnh Tuần vũ tỉnh Thuận Khánh.

Năm Tự Đức thứ 17 (1864), bổ quyền Chưởng cơ, quyền chưởng Vũ lâm dinh Hữu Dực.

Mùa thu năm Tự Đức thứ 19 (1866), ở kinh thành xảy ra vụ chính biến do anh em Đoàn Trưng và đồng đảng phò hoàng tôn Đinh Đạo kéo cờ đề 4 chữ “Ngũ đại hoàng tôn” kéo vào thành nội định lật đổ ngai vàng. Lê Sĩ, theo lệnh vua, đưa quân bản bộ chặn bắt, lập được công. Sau đó, ông được thăng chức Vũ Lâm Thống chế, tước Kiên Dũng Nam và thưởng kim bài với hai chữ “Tưởng Trung”, giữ chức quyền Hữu quân, kiêm quản Thượng Tứ viện.

Năm Tự Đức thứ 20 (1867), lĩnh chức quyền Đô thống hữu quân.

Năm Tự Đức thứ 36 (1883), vua cho thực thụ chức Đô thống hữu quân, Đô thống Chưởng phủ sự, cầm quân giữ thành Trấn Hải cửa Thuận An.

Lúc này, tình hình an nguy đất nước đang đứng trước nguy cơ rất nghiêm trọng:

Ở ngoài Bắc, trận Cầu Giấy, quân ta đã giết chết Henri Rivière, tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Bắc Kỳ ngày 19/5/1883 khiến cho bè lũ thực dân Pháp lúc bấy giờ rất hoang mang và khiếp sợ. Toàn bộ người Pháp ở khu nhà thờ lớn Hà Nội đã tản cư. Tại Nam Định, Hòn Gai, quân Pháp được lệnh rút chạy nếu bị công kích. Giống như 10 năm trước, khi Francis Garnière bị chém đầu cũng ở Cầu Giấy này, quân Pháp cũng hoang mang dao động đến cực độ. Đáng lẽ, triều đình Huế và vua Tự Đức phải thừa thắng xông lên quét sạch quân thù ra khỏi đất Bắc, nhưng ngược lại, Tự Đức vẫn tiếp tục nuôi ảo tưởng thương lượng, nghị hoà, cũng như hi vọng hão huyền về sự giúp đỡ của nhà Thanh.

Trong khi đó, sĩ khí nhân dân khắp nơi sôi sục chống Pháp xâm lược, làm cho mọi âm mưu mở rộng chiếm đóng nhanh chóng của giặc Pháp ra xung quanh Hà Nội không thể thực hiện được.

Ngày 17 tháng 7 năm 1883, Tự Đức băng hà.

Nội bộ triều đình Huế lủng củng.

Dục Đức lên ngôi được 3 ngày (20/7 đến 23/7/1883), chưa đặt niên hiệu đã bị phế truất. Hiệp Hoà, em út Tự Đức được đưa lên làm vua thay Dục Đức. Trong triều rối loạn.

Nhân cơ hội này, quân Pháp quyết định cùng một lúc đánh thẳng vào trung tâm chính trị nước Đại Nam là kinh đô Huế, một mặt đánh vào trung tâm quân sự của Hoàng Kế Viêm ở Sơn Tây, phá vỡ sức mạnh chống đối người Pháp của cả nước mà Hoàng Kế Viêm đang là đại diện.

Do đó, tại Huế đã có hiện tượng quân Pháp sẽ đánh vào Trấn Hải đài ở cửa biển Thuận An.

Ngày 16 tháng 8 năm 1883, 7 chiến hạm Pháp đánh từ ngoài khơi cửa Thuận An tiến vào, chĩa thẳng nòng pháo vào phòng tuyến Thuận An. Đó là thiết giáp hạm Bayard và Atalante, tuần dương hạm Drac và Chateau, pháo thuyền Lynx và Vipère, vận tải hạm Annamite. Bộ chỉ huy của họ đặt trên tàu Bayard là một thiết giáp hạm hiện đại lúc bấy giờ.

Dàn xong thế trận, tướng Courbet cho phái viên đi xuồng nhỏ đem tối hậu thư cho chỉ huy Trấn Hải đài buộc phải giải giáp đầu hàng và giao nộp tất cả đồn luỹ duyên hải ở cửa Thuận An cho quân Pháp, hạn cuối cùng là chiều 16/6/1883.

Chiều ngày 16 tháng 8, lúc 4 giờ 30 phút, hạn phúc đáp của Nam triều đã hết, các hạm đội Pháp đồng loạt nổ súng vào Trấn Hải đài. Quân ta bắn trả lại nhưng đạn pháo của ta ngắn tầm, thao tác nặng nề, không kịp với vận động của hạm đội Pháp nên phần lớn bắn không trúng đích. Tuy vậy, thiết giáp hạm Bayard và pháo hạm La Vipère do coi thường pháo của ta, áp sát vào bờ, đã bị trọng thương đáng kể.

Mặc dù vũ khí của ta kém thua họ nhiều, nhưng tinh thần “vì nước quên thân” của chiến sĩ ta rất kiên cường làm cho cuộc tấn công trực diện của họ cần tốc chiến tốc thắng (đánh nhanh thắng nhanh) không thành, họ phải đổi kế hoạch.

Sau ba ngày đánh vỗ mặt không được, ngày 20 tháng 8, đô đốc Courbet xua quân lên bờ, đi vòng phía sau, đánh úp đồn phía Bắc, hai pháo hạm Vipère và Lynx xông vào chính diện, và một đội quân Pháp nữa vòng xuống đường Thái Dương. Ở đó, quân của Trương Văn Để thua chạy, quân Pháp thừa thắng xông lên, thành thử Trấn Hải đài bị hãm cả 4 mặt.

Đạn pháo từ các hạm tàu Pháp khác càng tới tấp rót vào thành. Quân ta đã tổ chức nhiều cuộc phản công cục bộ, nhưng bị thương vong quá nhiều, thành giữ không nổi.

Thống chế Lê Chuẩn bị trúng đạn tử trận. Chưởng vệ Nguyễn Chung cũng hi sinh. Hữu quân Đô thống Lê Sĩ, tuy bị thương nặng, nhưng vẫn anh dũng chỉ huy chiến đấu, cho đến khi kho đạn của thành Trấn Hải bị cháy, ông mới tắt thở.

Toàn bộ phòng tuyến cửa Thuận An bị quân Pháp chiếm đóng. Tham tri Lâm Hoằng nhảy xuống sông tự vẫn.

Hài cốt của Hữu quân Đô thống Lê Sĩ được đưa về Huế và an táng tại làng Võ Xá, quê hương ông. Đám tang của ông, trên đường về, qua làng xã nào, nhân dân cũng lập hương án tế lễ tiễn đưa. Triều đình xuống lệnh cho các tỉnh tế lễ một tuần và truy tặng ông tước Kiên Dũng Tử, đưa vào thờ ở Trung Nghĩa đền ở kinh đô.

Nhà thờ Hữu quân Đô thống được triều đình Huế cho xây cất rất lớn ở thôn Tiền, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Nhà thờ nằm đúng vị trí nhà ông Lê Bổn (đời thứ 12) đang ở hiện nay đã bị quân Pháp đốt, san bình địa năm 1950.

Khu lăng mộ Lê Sĩ, được UBND tỉnh Quảng Bình cấp kinh phí xây dựng khang trang tại nguyên quán thôn Tiền, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh. Bia mặt trước khắc bốn chữ Lê Gia Văn Phái, và bia mặt sau khắc tên ông cùng tước hiệu của ông.





1 Nguyễn Thế Long dịch nguyên văn từ cuốn “Lịch sử Đông Dương” của Phillipe Héduy - Tạp chí Huế xưa và nay, số 8/1994, tr.46.

2 Theo Đại Nam liệt truyệnThân thế sự nghiệp của Lê Sĩ ở Ban Quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh Quảng Bình.

tải về 54.2 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương