BÁo cáo tổng hợp kinh nghiệm nưỚc ngoài a. Nhận xét chung



tải về 0.51 Mb.
trang4/7
Chuyển đổi dữ liệu04.08.2016
Kích0.51 Mb.
#12935
1   2   3   4   5   6   7

II. BỘ LUẬT DÂN SỰ ĐỨC

1. Cấu trúc Bộ luật dân sự Đức

Bộ luật dân sự Đức gồm 5 quyển, cụ thể: Quyển 1 là những quy định chung; Quyển 2 là những quy định về trái quyền; Quyển 3 là những quy định về vật quyền; Quyển 4 là những quy định hôn nhân và gia đình; Quyển 5 là những quy định thừa kế. Trong đó, mỗi quyển chia thành phần, chương, mục.



2. Một số quy định cụ thể

a) Phần Quy định chung

* Vai trò giải thích pháp luật của Tòa án ở Đức

Ở Đức, khi đi học, những học viên đã phải học kỹ năng giải thích pháp luật. Hiến pháp quy định người thẩm phán làm việc luôn phải gắn chặt với pháp luật. Nếu cảm thấy trường hợp nào vi hiến thì người thẩm phán phải giải thích trường hợp đó ở Tòa án Hiến pháp. Phán quyết cuối cùng của vụ việc sẽ được Tòa án Hiến pháp đưa ra. Thẩm phán không được hỏi ý kiến Tòa Hiến pháp mà chỉ được cho là đúng hoặc không đúng. Thẩm phán dựa vào cách thức thiết kế luật, dựa vào biên bản của nhà lập pháp để giải thích luật. Ngoài ra ở Đức còn có phương pháp khác để giải thích luật, quan điểm của phương pháp này là người thẩm phán không được lấy quan điểm riêng của mình để giải thích luật mà phải lấy quan điểm các nhà lập pháp. Ngoài ra, ở Đức, hướng dẫn và giải thích luật là khác nhau. Bên cạnh đó, còn có 1 quyển cẩm nang có toàn bộ các vụ án đã xét xử để làm mẫu (án lệ) và thẩm phán tham khảo thì không mất tiền. Đức và Việt Nam có điểm giống nhau là nhiệm vụ của Tòa án tối cao kiểm tra, để cho cách vận dụng luật thống nhất.

Như vậy, việc giải thích pháp luật của Tòa án đáp ứng yêu cầu của thực tiễn công tác áp dụng pháp luật. Thực tiễn đã chứng minh rằng, công tác hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật của Tòa án có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với công tác xét xử của ngành Tòa án bởi những lý do sau: do sự không đầy đủ của văn bản quy phạm pháp luật, văn bản luật, pháp lệnh thường ở dạng khung, do đó nếu không có sự can thiệp, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật kịp thời của Tòa án nhân dân tối cao thì có thể gây sự chồng chéo, mâu thuẫn trong việc áp dụng pháp luật và có thể dẫn tới sự không công bằng trong cách giải quyết.  

* Áp dụng tập quán trong hoạt động xét xử các vụ việc dân sự

Ở Đức, tập quán cũng có thể là nguồn của pháp luật ngay cả khi nó không phải là các cơ quan lập pháp lập ra. Tuy nhiên, tập quán đó phải được mọi người nhất trí và tin tưởng áp dụng. Khi mức độ tin tưởng càng cao thì khả năng được áp dụng càng lớn. Nếu đã có luật điều chỉnh thì việc áp dụng tập quán lại càng ở mức hạn chế. Ở Đức, vấn đề nào có luật điều chỉnh thì phải áp dụng luật. Ngoài ra, ở Đức, bên cạnh BLDS, còn có Luật phổ biến luật. Luật này quy định thời điểm bắt đầu có hiệu lực thi hành của các luật, và có quy định công nhận tập quán là nguồn của luật. Luật tập quán không là văn bản chính thức nên đó không thể được coi là nguồn pháp luật ưu tiên áp dụng. Ở Đức ngoài luật tập quán còn có luật thói quen. Bởi lẽ có nhiều nguồn của luật như vậy vì luật pháp không thể điều chinh tất cả các mặt của cuộc sống. Do vậy, thói quen thương mại (được ghi nhận trong luật thói quen) được đề cao và được áp dụng trong thương mại. Ở Áo quy định luật tập quán trong Bộ luật dân sự. tuy nhiên, ở Đức không quy định luật tập quán trong luật Dân sự. Trên thế giới, luật tập quán càng ngày càng đóng vai trò quan trọng.



* Chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự

Chương thứ nhất trong Quyển thứ nhất về phần Quy định chung của Bộ luật dân sự Đức quy định về chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự, đó là thể nhân và pháp nhân. Pháp nhân ở đây là các hội, đoàn, tổ chức, công ty hay các doanh nghiệp, kể cả nhà nước cũng được coi là pháp nhân (Điều 89 Bộ luật dân sự Đức). Ngoài ra có một chủ thể không được quy định trong luật dân sự Đức, tuy nhiên trên thực tế lại tồn tại đó là công ty thương mại.

Phần quy định chung của BLDS Đức cũng đưa ra nhiều định nghĩa (định nghĩa về cá nhân, người tiêu dùng, hội đoàn). Sau đó, quy định về các Quỹ, đây là hình thức tương đối đặc trưng ở Đức. Quỹ là một chủ thể nhà nước phải cho phép mới được thành lập, còn Hội, đoàn thì không. Bên cạnh đó, còn quy định về quyền tự do của các chủ thể. Một pháp nhân của Đức chỉ có thể được thành lập khi được đăng ký, khi có điều lệ.

* Năng lực hành vi dân sự của cá nhân

Theo BLDS Đức, người chưa thành niên là người dưới 18 tuổi, người đã thành niên là người từ đủ 18 tuổi trở lên.

Về giám hộ, ở Điều 1157 trong Luật gia đình ở Đức có quy định chỉ có trường hợp vợ chồng cùng nuôi một đứa trẻ và đứa trẻ đó chưa đủ 18 tuổi là trường hợp nhiều người giám hộ một người (2 vợ chồng cùng giám hộ) còn ngoài ra, đối với một người đã trên 18 tuổi mà người đó mất năng lực hành vi dân sự thì sẽ có người trợ tá. Quy định này ở Đức mới có khoảng 20 năm nay. Trước đó thì ở Đức cũng có người giám hộ cho người trên 18 tuổi mất năng lực hành vi dân sự. Một người trợ tá có thể trợ tá cho nhiều người và ở Đức có hẳn một nghề như vậy.

Ở Đức không cho phép việc người giám hộ đem tặng cho tài sản của người được giám hộ và được quy định ở Điều 1804 BLDS Đức. Có một ngoại lệ nhỏ là trong trường hợp đồ tặng có tính chất ngoại giao, tính chất lịch sự thì được chấp nhận vì đây là chuyện thông thường.



* Pháp nhân

Bộ luật dân sự Đức quy định, pháp nhân là tổ chức mà nhiều người theo đuổi một mục đích chung và không vì mục đích lợi nhuận. Mô hình đầu tiên của Bộ luật dân sự Đức liên quan đến pháp nhân như vậy là Công ty luật dân sự. Công ty này không quy định ở phần chung của Bộ luật dân sự mà quy định ở phần trái quyền. Công ty kết thúc khi mục đích đã đạt được. Công ty luật dân sự không phải là pháp nhân, nó chỉ là tổ chức của một nhóm người cùng theo đuổi 1 mục đích và không vì lợi nhuận. Khác với công ty luật dân sự thì Hiệp hội tồn tại lâu dài và không phụ thuộc vào sự thay đổi thành viên.

Ngoài hiệp hội, nếu một người tạo nên một khối tài sản và khối tài sản đó độc lập thì tổ chức của những người liên quan đến khối tài sản đó cũng được coi là pháp nhân. Cơ cấu đó được thể hiện cụ thể bằng những Quỹ. Mô hình đó có thể hiểu, một người lập ra một cái quỹ và mô hình hóa lên để trở thành một pháp nhân. Quỹ này cũng có Hội đồng quản trị và điều hành Quỹ theo đuổi mục đích đã đặt ra. Trước đây, những người giàu có thường tách khối tài sản của mình thành những Quỹ để thành lập pháp nhân, hướng tới các mục tiêu phát triển về nghệ thuật, âm nhạc, văn học... Các quỹ này không bị chấm dứt vì khi người lập ra các quỹ này chết đi thì quỹ cũng không phải là di sản thừa kế.

Ngoài ra, Hiệp hội ở Đức có đặc điểm là sẽ tồn tại lâu dài và những thành viên của Hiệp hội cũng theo đuổi một mục đích chung. Hiệp hội được cơ cấu thành một pháp nhân. Hiệp hội phải có tên và được đại diện thông qua một người được Hội đồng quản trị cử. Hiệp hội phải được đăng ký trong danh bạ Hiệp hội. Điều lệ của Hiệp hội cũng phải đáp ứng những yêu cầu nhất định: mục đích, tên, trụ sở, điều kiện trở thành thành viên hiệp hội, điều kiện ra khỏi hiệp hôi, ai là người đại diện của hiệp hội. Hiệp hội có hai cơ quan là Hội đồng quản trị và hội đồng thành viên. Hội đồng quản trị có trách nhiệm điều hành các giao dịch của Hiệp hội, phải tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng thành viên. Hàng năm Hội đồng quản trị phải triệu tập hội đồng thành viên và báo cáo về những hoạt động của mình. Trong luật không quy định Hiệp hội phải có 1 khối tài sản nhất định nào đó, đây là sự khác biệt đối với công ty. Những quy định của BLDS Đức liên quan đến Hiệp hội được áp dụng đối với pháp nhân công. Như vậy, mô hình của tổ chức pháp luật công thì theo mô hình Hiệp hội, tuy nhiên về tổ chức nội bộ của họ thì theo pháp luật cụ thể của từng lĩnh vực. Những tổ chức độc lập theo pháp luật công (pháp nhân công) thì không phải đăng ký.

Theo cách hiểu của người Đức thì nhà nước Cộng hòa liên bang Đức là một pháp nhân, cũng như công ty cổ phần và cũng tham gia vào các quan hệ pháp luật dân sự. Điều 89 của BLDS Đức quy định về những hiệp hội liên quan đến những tổ chức công. Ví dụ: các trường đại học là pháp nhân và hiệu trưởng là người đứng đầu pháp nhân. Ngân hàng của các bang cũng là pháp nhân công. Những tổ chức do nhà nước tạo ra và được quy định trong luật dân sự là pháp nhân công.

Ngoài ra, đối với pháp nhân tư thì phải đăng ký trong danh bạ hiệp hội và nói rõ về hình thức tổ chức pháp lý của mình là gì. Theo quy định của pháp luật Đức, việc đăng ký vào danh bạ hiệp hội là điều kiện tiên quyết để thành lập nên pháp nhân đó. Dựa vào danh bạ hiệp hội để biết ai là người đại diện của Hiệp hội. Nếu người đó tham gia giao dịch mà không nói ra việc đại diện cho hiệp hội thì phải chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình.

Chi nhánh là một bộ phận của pháp nhân, không phải là một pháp nhân độc lập. Việc thành lập các chi nhánh là công ty trách nhiệm hữu hạn hoạt động độc lập để tránh cho việc phải sử dụng tài sản của hãng tại Đức. Ở Đức trước khi đăng ký pháp nhân vào danh bạ hiệp hội thì nhóm người thành lập nên pháp nhân đã có những hoạt động kinh doanh nhất định. Nếu công ty được thành lập, thì công ty sẽ thực hiện quyền và nghĩa vụ của các giao dịch đó. Nếu công ty vì một lý do không được thành lập, những người tham gia vào thành lập công ty chịu trách nhiệm với những nghĩa vụ phát sinh theo tính chất hình thức công ty dân sự được quy định ở phần trái quyền.

Về chấm dứt pháp nhân, theo quy định phần chung của Bộ luật dân sự, khi hiệp hội chấm dứt thì hội đồng quản trị phải hoàn tất các giao dịch (trả các khoản nợ, hoặc thu lãi để chia tiền cho các thành viên hiệp hội). Đối với pháp nhân hoạt động trong lĩnh vực kinh tế thì có các quy định khác. Việc mua lại một doanh nghiệp không có nghĩa là doanh nghiệp này chấm dứt, mặc dù đã có sự chuyển dịch phần vốn trong doanh nghiệp. Việc sáp nhập của hai doanh nghiệp là việc tài sản của doanh nghiệp này sáp nhập vào khối tài sản của doanh nghiệp kia. Hai doanh nghiệp này về mặt pháp lý vẫn tồn tại cho đến khi doanh nghiệp không còn tài sản xóa đăng ký trong sổ danh bạ, thì lúc đó doanh nghiệp không còn tài sản mới chính thức chấm dứt. Khi xóa thì trong danh bạ sẽ ghi lại việc sáp nhập đó. Về thực chất thì doanh nghiệp được sáp nhập được coi là doanh nghiệp kế thừa của doanh nghiệp bị sáp nhập, có nghĩa là phải chịu mọi quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bị sáp nhập. Bên cạnh sự sáp nhập thì cũng có sự chia tách doanh nghiệp. Ngoài ra cũng có thể có sự chuyển đổi hình thức pháp lý doanh nghiệp. Ở Đức không có phân biệt giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Quan điểm của người Đức cho rằng một thị trường tốt cần có sự đối xử bình đẳng với tất cả các doanh nghiệp.

Về tên gọi pháp nhân, nếu tên pháp nhân không đặt theo chữ cái Đức thì sẽ tuân thủ những quy định của Luật phiên âm (tất cả chữ viết nước ngoài đều phải phiên âm thành chữ Latinh). Việc đặt tên chỉ được tiến hành khi đã phiên âm tiếng nước ngoài thành chữ latinh, sau đó mới được đăng ký. Ở Đức, mỗi pháp nhân có quyền tự quyết định địa điểm đặt trụ sở và phải ghi vào Điều lệ, kể cả các cơ quan không mang tính chất kinh tế như Hội đoàn. Khi nộp Điều lệ này thì các thông tin sẽ được ghi vào danh sách đăng ký. Việc đăng ký có ý nghĩa rất lớn với các ngân hàng. Ở Đức, pháp nhân phải có tên gọi và không được trùng lặp, mang ý nghĩa của doanh nghiệp đó và gọi là Sự thật về doanh nghiệp. Loại hinh công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần là hai loại hình phổ thông và quan trọng nhất ở Đức. Một loại hình mới là loại hình trước khi lập công ty trách nhiệm hữu hạn. Một công ty trách nhiệm hữu hạn ở Đức chỉ được thành lập khi có 25 nghìn euro và khi đi đăng ký phải chứng minh được về tài chính. Việc đăng ký được thực hiện ở Tòa án sơ thẩm địa phương. Về loại hình mới, áp dụng cho người chưa có đủ 25 nghìn euro và được hoạt động cho đến khi đủ số tiền này đi đăng ký thì được chính thức thành lập công ty.

* Đại diện

Về người đại diện, người chưa thành niên hoặc người mất năng lực hành vi dân sự cũng có thể tham gia vào các quan hệ dân sự trong đời sống hàng ngày thông qua người đại diện. Người đại diện có thể tham gia trong hai trường hợp, thứ nhất đối với thể nhân là người không có năng lực hành vi còn đối với pháp nhân, thì các hoạt động thông qua người đại diện. Đại diện là một người hành động cho người khác với danh nghĩa của người đó và được sự đồng ý của người đó. Không phải giao dịch pháp lý nào cũng có thể thông qua người đại diện, đặc biệt là những giao dịch liên quan đến cá nhân. Trong quan hệ đại diện, các nhà làm luật phải tính đến các lợi ích của những người có liên quan. Ở Đức, người đại diện đi mua ô tô cần phải thông báo cho người bán biết mình đại diện cho ai trong giao dịch, vì người bán cũng cần biết thông tin chính xác của người mua, trong trường hợp người đại diện không có tiền thì người bán xác định được người có nghĩa vụ trả tiền. Trong trường hợp người đại diện hành động vượt quá thẩm quyền cho phép và người giao dịch biết về việc vượt quá thẩm quyền đó thì người giao dịch sẽ gánh chịu rủi ro. Vì vậy, trong những trường hợp giao dịch giữa người đại diện với bên thứ ba thì cần có giấy ủy quyền. Nếu giấy ủy quyền đã hết thời hạn mà người đại diện vẫn dùng giấy đó đi giao dịch thì hành động đó không thuộc thẩm quyền đại diện. Trong trường hợp nếu người đại diện vượt quá thẩm quyền trong giao dịch mà người được đại diện vẫn chấp nhận và không ảnh hưởng đến lợi ích của người được đại diện thì giao dịch đó được chấp nhận. Tuy nhiên, nếu sự vượt quá đó ảnh hưởng đến lợi ích người được đại diện và người được đại diện không chấp nhận thì sự rủi ro thuộc về người đại diện. Về vấn đề người đại diện toàn bộ (đại diện cho pháp nhân hoặc cha mẹ đại diện cho con cái), nếu được ghi vào danh bạ thương mại thì bên giao dịch phải biết rằng giám đốc điều hành công ty được đại diện cho công ty đó cũng như trường hợp bố mẹ đại diện cho con. Trong trường hợp người đại diện vượt quá thẩm quyền trong giao dịch thì giao dịch vẫn có hiệu lực với người thứ ba, tuy nhiên người đại diện đó phải chịu trách nhiệm với pháp nhân.



b) Phần Vật quyền

Quy định vật quyền sẽ tăng cường tính ổn định của pháp luật, đồng thời bảo vệ các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. Pháp luật Đức chia vật quyền thành 2 loại: vật quyền về nội dung và vật quyền về hình thức. Vật quyền về nội dung được quy định tại BLDS và các đạo luật khác nữa, ví dụ: Luật về sở hữu căn hộ; Luật về xây dựng trên đất của người khác và một số luật liên quan phát sinh do quá trình thống nhất nước Đức. Luật về vật quyền hình thức có nhiều cấp bậc, như Luật về đăng ký bất động sản là đạo luật của liên bang và Luật liên quan đến thủ tục định đoạt bất động sản hướng dẫn thi hành Luật về đăng ký bất động sản và chế độ bất động sản được quy định chi tiết hơn do Bộ Tư pháp liên bang được Quốc hội giao quyền ban hành và một số Luật của các bang điều chỉnh vật quyền hình thức.

BLDS Đức không có khái niệm tài sản vì có rất nhiều loại hình tài sản khác nhau theo sự phát triển của xã hội mà pháp luật không thể điều chỉnh kịp, dẫn đến mất tính bền vững của BLDS. Trong phần Vật quyền, BLDS Đức chỉ đưa ra khái niệm vật.

* Một số nguyên tắc chính về pháp luật vật quyền

- Nguyên tắc trừu tượng và tách biệt: Đây là đặc trưng của pháp luật Đức mà hệ thống pháp luật các nước khác không có. Ví dụ, liên quan đến hợp đồng mua bán, trong giao dịch trái quyền, người mua thỏa thuận sẽ có nghĩa vụ giao tiền cho người bán, người bán thoả thuận sẽ có nghĩa vụ giao vật cho người mua. Con trong giao dịch vật quyền, các bên thoả thuận, quyền sở hữu vật sẽ chuyển dịch cho bên mua, việc chuyển dịch này được pháp luật vật quyền điều chỉnh riêng. Trừu tượng ở đây là tách giao dịch vật quyền khỏi trái quyền. Trong một số trường hợp, trái quyền có vô hiệu nhưng vật quyền vẫn có hiệu lực, ví dụ: một hợp đồng mua bán sau khi đã được ký kết với phát hiện ra một bên không có năng lực hành vi. Hợp đồng vô hiệu nhưng giao dịch vật quyền (chuyển xong quyền sở hữu) vẫn có hiệu lực.

- Nguyên tắc công khai: Giao dịch vật quyền đòi hỏi có sự thống nhất với nhau về chuyển quyền sở hữu từ người này sang người kia và có sự chuyển giao vật trực tiếp. Ở đây có sự khác trong việc chuyển dịch quyền sở hữu giữa động sản và bất động sản. Đối với động sản, thỏa thuận chuyển giao vật được cụ thể hóa bằng hành vi giao vật. Đối với bất động sản, thời điểm đăng ký vào sổ địa bạ được coi là thời điểm giao vật. Đó là cách thức công khai hoá về chuyển dịch thực tế quyền sở hữu.

Pháp luật quy định nhiều hình thức chiếm giữ khác nhau, ví dụ: trường hợp người mua (người thụ đắc) đã có vật trong tay thì việc chuyển dịch quyền sở hữu giữa người mua với người bán không nhất thiết phải có bước thứ hai là chuyển giao vật mà chỉ cần có sự thoả thuận. Trong trường hợp vật nằm trong tay người thứ ba thì việc chuyển giao vật từ người bán sang người mua được thực hiện theo hình thức chuyển quyền yêu cầu đòi người thứ ba chuyển giao vật sang người mua. Để an toàn cho giao dịch pháp lý thì phải có sự công khai, thể hiện qua việc chuyển giao vật (đối với động sản).



- Nguyên tắc tuyệt đối: Mục đích để chống lại tác động, gây rối loạn của người khác đối với vật.

* Vật quyền bảo đảm nghĩa vụ

Một trong những biện pháp bảo đảm nghĩa vụ theo pháp luật Đức là thế chấp và nợ điền địa. Nợ điền địa là việc dùng một mảnh đất để bảo đảm cho một nghĩa vụ. Nội dung của quyền này được điều chỉnh bởi một thỏa thuận giữa chủ sở hữu đất và ngân hàng, theo đó, mảnh đất đảm bảo cho khoản nợ được chỉ rõ. Thoả thuận này ghi nhận, thửa đất đảm bảo cho quyền yêu cầu.

Sự khác biệt cơ bản giữa thế chấp và nợ điền địa là: trong trường hợp thế chấp, sự tồn tại của thế chấp luôn phụ thuộc vào sự tồn tại của quyền yêu cầu. Quyền thế chấp phát sinh trên cơ sở quyền yêu cầu, khi bên thế chấp đã trả hết nợ thì quyền yêu cầu mới mất đi và khi đó thế chấp cũng mất đi. Đối với nợ điền địa, khi đã ghi trong sổ địa bạ thì nợ điền địa luôn tồn tại bất luận khoản nợ đã thanh toán hay chưa, nếu thanh toán rồi thì các bên có thể thoả thuận để bảo đảm cho một khoản nợ khác thay thế, từ đó cho thấy nợ điền địa tồn tại không phụ thuộc vào quyền yêu cầu. Ví dụ, chủ sở hữu thế chấp mảnh đất cho ngân hàng A bảo đảm cho một khoản nợ tồn tại trong 5 năm, tuy nhiên nếu trong 2 năm bên thế chấp đã trả hết nợ thì thế chấp cũng chấm dứt. Nếu 5 năm sau chủ sở hữu mảnh đất lại cần một khoản tín dụng khác tại ngân hàng A thì có thể thế chấp lần nữa. Nếu trong khoảng thời gian 3 năm sau khi đã trả khoản nợ tại ngân hàng A, người vay lại thế chấp ở một ngân hàng B để vay một khoản tiền khác thì thứ tự ưu tiên đối với khoản nợ của ngân hàng A (vay sau 5 năm) sẽ thấp hơn so với khoản nợ vay tại ngân hàng B. Như vậy, thứ tự ưu tiên xếp sau thì quyền bảo đảm cũng sẽ xếp sau. Như vậy, nếu mảnh đất bị cưỡng chế bán đấu giá thì rõ ràng thứ tự ưu tiên trước sẽ có lợi hơn. Còn nếu đăng ký theo “nợ điền địa” thì khoản nợ bảo đảm bằng nợ điền địa sẽ không bị mất đi nếu trong giữa chừng quyền yêu cầu chấm dứt.

- Quyền địa dịch: là một vật quyền của chủ sở hữu bất động sản đối với bất động sản lân cận. Quyền địa dịch có thể là: (1) Quyền được sử dụng thửa đất lân cận trong một số quan hệ nhất định (Quyền được đi qua; quyền mắc đường dây tải điện, điện thoại, dẫn nước), có thể thỏa thuận việc sử dụng này, hoặc (2) Cam kết không thực hiện một số hành vi nhất định có khả năng gây ảnh hưởng đến bất động sản lân cận (cam kết khi xây dựng công trình trên đất sẽ dành một khoảng cách nhất định đối với mảnh đất khác), hoặc (3) chủ sở hữu bất động sản không được thực hiện một số hành vi nhất định ngay cả trong phạm vi bất động sản thuộc sở hữu của mình, ví dụ: gây tiếng động quá lớn, để cành cây chìa sang bất động sản lân cận…

Quyền địa dịch phát sinh khi có thỏa thuận và được đăng ký vào sổ địa bạ. Điểm này rất quan trọng khi người khác thụ đắc mảnh đất, họ sẽ biết về các quyền và nghĩa vụ cụ thể của mình đối với mảnh đất và người mua có thể đánh giá giá trị của mảnh đất. Địa dịch cũng sẽ chuyển dịch sang người mua. Tuy nhiên, cũng có trường hợp quyền địa dịch được xác lập cho một số người nhất định thì khi bất động sản được bán cho người khác thì người mua không phải chịu nghĩa vụ đó, trường hợp không xóa vật quyền trong sổ địa bạ thì đương nhiên nghĩa vụ vẫn còn tồn tại. Ví dụ: quyền đi qua chỉ xác lập cho A là chủ sở hữu mảnh đất. Nếu chủ sở hữu là ông A bán cho ông C thì ông C không được hưởng địa dịch từ mảnh đất đó. Ông A phải đến cơ quan địa chính xóa đăng ký đó đi.



c) Phần Trái quyền

* Trách nhiệm dân sự

Theo BLDS Đức, có thể hiểu trách nhiệm dân sự do các hành vi vi phạm nghĩa vụ diễn ra khi một bên đương sự có những hành vi không phù hợp với những thoả thuận ban đầu. Cần phân biệt giữa vi phạm nghĩa vụ với hành vi có lỗi. Hiện nay, hầu như các thông lệ quốc tế đều quy ước như vậy, ví dụ Công ước Viên về hợp đồng mua bán cũng dựa trên cơ sở vi phạm nghĩa vụ (vi phạm khách quan). Dự thảo Luật dân sự Liên minh Châu Âu, hay quy định của Unidroit cũng dựa trên nguyên tắc vi phạm nghĩa vụ một cách khách quan. Pháp luật Đức trước đây quy định rất phức tạp nhưng từ năm 2000 trở lại đây đã có thay đổi và tuân thủ theo nguyên tắc vi phạm nghĩa vụ. Một số dạng vi phạm nghĩa vụ: không thi hành nghĩa vụ (hoàn tòan không thực hiện nghĩa vụ phải làm), chậm thực hiện nghĩa vụ. Còn trong trường hợp bên có nghĩa vụ thực hiện trước thời hạn đã thoả thuận và được bên có quyền chấp nhận thì coi như bên có nghĩa vụ đã thực hiện xong nghĩa vụ của mình (việc chậm thực hiện cũng tương tự). Ngoài ra, trường hợp chỉ thực hiện một phần nghĩa vụ thì phức tạp hơn. Theo pháp luật Đức, con nợ không được thực hiện một phần nghĩa vụ. Tuy nhiên các toà án Đức lại căn cứ vào nguyên tắc trung thành, tin tưởng lẫn nhau. Người có quyền không được từ chối một phần nghĩa vụ đã được thực hiện.

Bên cạnh đó, đối với trường hợp vi phạm nghĩa vụ phụ, pháp luật Đức có một quy định chung: trong trường hợp này thì người vi phạm cũng phải chịu trách nhiệm.

* Hậu quả pháp lý của vi phạm nghĩa vụ

Một số dạng cơ bản của hậu quả pháp lý khi vi phạm nghĩa vụ bao gồm:

- Khả năng rút lui khỏi quan hệ đó và bồi thường thiệt hại.

Theo pháp luật của Đức, trong một số hoàn cảnh điều kiện nhất định, người có quyền có thể rút lui khỏi quan hệ hợp đồng nếu người có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của họ. Chế định đơn phương huỷ bỏ quan hệ hợp đồng là một chế định mạnh. Tuy nhiên, lợi ích nền kinh tế không khuyến khích việc huỷ bỏ quan hệ hợp đồng này. Vì vậy, quy định của pháp luật Liên minh Châu Âu về mua bán hàng tiêu dùng bổ sung thêm quy định người có nghĩa vụ phải thực hiện đúng nghĩa vụ của mình trong một thời hạn nhất định, sau thời hạn đó mà người có nghĩa vụ vẫn không thực hiện được thì người có quyền mới đơn phương chấm dứt quan hệ hợp đồng. Tính chất đơn phương thể hiện ở tuyên bố đơn phương chấm dứt hợp đồng, thời điểm tính từ khi phía bên kia nhận được tuyên bố đó.

Ngoài ra, bên có quyền không được phép đơn phương chấm dứt nếu chính họ là người có lỗi trong việc để cho bên kia không thực hiện được hợp đồng đó.

- Huỷ bỏ hợp đồng và đơn phương chấm dứt hợp đồng: Thực tế ở Đức, việc sử dụng hai khái niệm này chưa thống nhất dẫn đến sự hiểu nhầm hai biện pháp này là như nhau. Trong trường hợp huỷ bỏ hợp đồng, như đã nêu, quan hệ hợp đồng được huỷ bỏ nhưng chuyển hoá thành quan hệ trả lại cho nhau những gì đã nhận được từ hợp đồng đó. Trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng có hậu quả pháp lý khác: quan hệ hợp đồng được chấm dứt từ thời điểm đơn phương tuyên bố (chứ không phải huỷ bỏ hợp đồng) và tương lai không tồn tại quan hệ này nữa. Những gì đã thực hiện trong quá khứ không thay đổi. Việc đơn phương chấm dứt không chỉ hạn chế trong quan hệ hợp đồng mà còn được áp dụng trong những quan hệ khác như cầm cố, nợ điền địa. Từ thời điểm đó, các quan hệ đó sẽ không tiếp tục tồn tại, nhưng những gì đã thực hiện trong quá khứ thì vẫn tồn tại.

- Tuyên bố vô hiệu hợp đồng: Chế định này làm cho hợp đồng vô hiệu từ thời điểm ban đầu. Căn cứ của nó là những thiếu sót ngay trong thời điểm ký kết hợp đồng.

- Bồi thường thiệt hại: BLDS Đức quy định rất chung chung. Khác với chế định huỷ bỏ hợp đồng (không nhất thiết phải có lỗi của người có nghĩa vụ), bồi thường thiệt hại yêu cầu yếu tố lỗi của người có nghĩa vụ. Tuy nhiên, định nghĩa “lỗi vô ý” theo pháp luật Việt Nam và pháp luật Đức có điểm khác nhau. Theo luật Việt Nam, lỗi vô ý là việc người gây thiệt hại không biết trước hoặc vì lý do nào đó không biết trước được thiệt hại sẽ xảy ra. Ở Đức định nghĩa này tương đối khác: một người nào đó không thực hiện được những yêu cầu cần thiết về sự cẩn tắc trong giao dịch thì được coi là vô ý. Tuy cách quy định khác nhau nhưng giải quyết hậu quả thì đều như nhau. Quy định của BLDS Việt Nam đi theo hướng công ước Viên về mua bán hàng hoá. Liên quan đến thiệt hại, pháp luật Đức và Việt Nam đều đề cập đến thiệt hại thực tế phát sinh, thiệt hại tinh thần.



* Về hợp đồng

- Nội dung hợp đồng không được vi phạm đạo đức xã hội. Nguyên tắc này được quy định rõ trong Luật bảo vệ người tiêu dùng. Tự do hợp đồng là phải tạo điều kiện cho các bên được hưởng các lợi ích từ đó chứ không phải chỉ để cho bên có nhiều ưu thế, điều kiện được hưởng. Các phán quyết của các toà án phải đảm bảo sự công bằng về lợi ích của các bên. Chẳng hạn, nếu một ngân hàng cho vay với lãi suât cao hơn 100% (gấp đôi) thì bị coi là bắt chẹt và giao dịch này là vô hiệu. Ngân hàng không có quyền yêu cầu trả lãi mà chỉ được yêu cầu trả khoản gốc.

- Hợp đồng không được vi phạm điều cấm của pháp luật.

* Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Ở Đức, trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng được hiểu là trách nhiệm do xâm phạm trái phép vào quyền, tài sản, thân thể người khác. Việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được áp dụng trên nguyên tắc bồi thường do có lỗi: người nào do cố ý hoặc vô ý gây hại cho người khác thì phải bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, một số trường hợp chịu trách nhiệm do nguồn nguy hiểm thì không phụ thuộc yếu tố lỗi. Ví dụ, chịu trách nhiệm do ô nhiễm môi trường, hạt nhân nguyên tử, hay kể cả lĩnh vực giao thông cũng được coi là ẩn chứa nhiều nguồn nguy hiểm cao độ. Do đó, nếu gây tai nạn theo phương thức này cho người khác thì phải chịu trách nhiệm dù cho không có lỗi. Nguyên tắc chịu trách nhiệm do nguồn nguy hiểm vẫn có trường hợp ngoại lệ là trường hợp bất khả kháng.

Bộ luật dân sự Đức quy định rõ những trường hợp cụ thể phải bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (3 trường hợp cơ bản):

+ Người nào gây thiệt hại đối với tài sản cá nhân của người khác (vật quyền) (tương đương Điều 604 của BLDS Việt Nam) (khoản 1 Điều 823);

+ Chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp chủ thể vi phạm quy phạm pháp luật bảo vệ một chủ thể khác, ví dụ vi phạm các quy định của BLHS (khoản 2 Điều 823);

+ Cố ý hoặc vô ý làm trái đạo đức gây thiệt hại cho người khác thì cũng phải chịu trách nhiệm bồi thường (Điều 826).



Каталог: DuThao -> Lists -> DT TAILIEU COBAN -> Attachments
Attachments -> BỘ TƯ pháp số: 151 /bc-btp cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> Phần thứ nhất ĐÁnh giá TÌnh hình tổ chức thực hiện luật hợp tác xã NĂM 2003
Attachments -> BỘ NÔng nghiệp và phát triển nông thôn cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> Danh mỤc LuẬt/NghỊ đỊnh thư cỦa các quỐc gia/khu vỰc đưỢc tham khẢo trong quá trình xây dỰng DỰ thẢo luật tài nguyên, môi trưỜng biỂn và hẢi đẢo
Attachments -> CHÍnh phủ CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> CHÍnh phủ CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> BỘ giao thông vận tải cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> 1- tình hình gia nhập công ước quốc tế về an toàn – vệ sinh lao động
Attachments -> BỘ TƯ pháp số: 104/bc-btp cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam

tải về 0.51 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương