Ba Mươi Bảy Phẩm Trợ Đạo Giác Ngộ



tải về 1.5 Mb.
trang15/28
Chuyển đổi dữ liệu08.05.2018
Kích1.5 Mb.
#37804
1   ...   11   12   13   14   15   16   17   18   ...   28

37 PHÁP HÀNH BỒ TÁT ĐẠO


Trích từ Phật học

Nam mô Quán Tự Tại Bồ Tát

***


Sau đây là một bản dịch khác bằng văn xuôi:

Con đem thân khẩu ý chí tâm đảnh lễ vị đạo sư vô thượng và (thủ hộ chủ) ngài Quán Tự Tại Bồ Tát. Trong khi quán chiếu sự bất lai bất khứ của vạn pháp, ngài chuyên tâm nỗ lực đem lại lợi lạc cho chúng sinh.

Chư Phật toàn giác, cội nguồn của tất cả an vui hạnh phúc, là nơi phát sanh sự thành tựu các giáo lý tối thắng. Đấy là nhờ do sự hiểu biết các pháp hành đạo, bởi vậy tôi sẽ giảng giải về pháp hành Bồ tát đạo.

1. Đã được thân người quý hiếm đầy đủ sự tự do và may mắn, vậy hãy chuyên cần lắng nghe, suy tư và thiền quán bất kể ngày đêm để giải thoát cho chính mình và chúng sanh khỏi biển khổ luân hồi - Đấy là pháp hành Bồ tát đạo.

2. Vì quyến luyến người thân, ta bị khuấy động như sóng nước. Vì hận ghét kẻ thù, ta bị thiêu đốt như lửa cháy. Bởi vậy trong bóng tối của sự hỗn độn, ta quên bẵng những gì nên làm và những gì không nên làm. Hãy từ bỏ bản ngã - Đấy là pháp hành Bồ tát đạo.

3. Xa lánh các đối tượng xấu, phiền não sẽ dần giảm thiểu. Gìn giữ không để thất niệm, các pháp thiện sẽ tự nhiên trong sáng, đức tin ở giáo lý sẽ phát khởi. Hãy tu tập thanh tịnh - Đấy là pháp hành Bồ tát đạo.

4. Thân bằng quyến thuộc lâu năm vẫn sẽ phải chia tay. Tài sản tạo dựng bằng mồ hôi nước mắt cũng sẽ phải bỏ lại. Thần thức, khách trọ trong căn nhà thân xác, rồi sẽ phải ra đi. Đừng bám víu vào kiếp sống này - Đấy là pháp hành Bồ tát đạo.

5. Liên hệ với ác tri thức/bạn xấu sẽ làm tam độc gia tăng trong những lúc ta học hỏi, suy tư và tu tập. Họ sẽ làm tâm từ bi của ta thối thất. Hãy tránh xa ác tri thức/bạn xấu - Đấy là pháp hành Bồ tát đạo.

6. Nương cậy nơi đạo sư/thiện tri thức, lỗi lầm của ta sẽ tiêu trừ, và đức hạnh ta sẽ viên mãn (tiến triển như trăng tròn). Hãy quý trọng các vị đạo sư hơn cả thân xác của mình - Đấy là pháp hành Bồ tát đạo.

7. Bị trói buộc trong ngục tù của luân hồi sanh tử, làm sao những vị trời phàm tục có thể mang lại sự hộ trì cho ta được? Bởi vậy có quy y thì hãy quy y nơi Tam bảo, nơi nương tựa chân thật - Đấy là pháp hành Bồ tát đạo.

8. Đấng Toàn Giác từng nói tất cả những nỗi thống khổ không thể tả trong ba đường ác đều là hậu quả của ác nghiệp. Bởi vậy dù có mất mạng, ta quyết không làm điều ác [gây nghiệp xấu] - Đấy là pháp hành Bồ tát đạo.

9. Như giọt sương trên đầu ngọn cỏ, lạc thú trong ba cõi chỉ trong thoáng chốc rồi tan biến. Hãy phấn đấu đạt đến trạng thái tối thượng của giải thoát - Đấy là pháp hành Bồ tát đạo.

10. Khi những bà mẹ từng yêu thương ta từ vô thỉ đang chịu khổ đau, thì hạnh phúc của riêng mình có ích lợi gì? Bởi vậy muốn cứu độ vô lượng chúng sanh phải đào luyện chí hướng vị tha - Đấy là pháp hành Bồ tát đạo.

11. Tất cả khổ đau đều do sự ước muốn hạnh phúc cho bản thân, trong khi chư Phật toàn giác xuất phát từ tâm vị tha. Bởi vậy hãy đánh đổi hạnh phúc của ta lấy sự khổ đau của chúng sanh - Đấy là pháp hành Bồ tát đạo.

12. Mặc dù có kẻ vì lòng tham khôn cùng, thúc đẩy hắn trộm cắp hoặc bảo kẻ khác tước đoạt tài sản của ta, hãy tha thứ/hiến cho hắn thân thể, của cải và công đức ta đã góp nhặt, trong quá khứ, hiện tại và tương lai - Đấy là pháp hành Bồ tát đạo.

13. Mặc dù có kẻ muốn chặt đầu ta trong khi ta không hề làm điều gì sai trái, hãy phát tâm từ bi thọ nhận tất cả tội ác của họ - Đấy là pháp hành Bồ tát đạo.

14. Mặc dù có kẻ tuyên cáo cho cả ngàn thế giới những chuyện xấu xa về ta, hãy lấy tâm từ bi hoàn trả lại bằng cách tuyên dương những đức tính của họ - Đấy là pháp hành Bồ tát đạo.

15. Mặc dù có kẻ phỉ báng chế nhạo ta giữa công cộng trước đám đông, hãy cúi lạy và tôn kính họ, xem họ như một vị đạo sư - Đấy là pháp hành Bồ tát đạo.

16. Mặc dù kẻ mà ta chăm sóc thương yêu như con xem ta như kẻ thù, hãy đối xử với họ như một bà mẹ hiền yêu thương đứa con bệnh hoạn - Đấy là pháp hành Bồ tát đạo.

17. Nếu có kẻ ngang hàng hoặc thấp kém hơn ta, chỉ vì kiêu mạn, lại đi gièm pha ta, hãy đặt họ lên đỉnh đầu với sự tôn kính như ta làm đối với vị bổn sư - Đấy là pháp hành Bồ tát đạo.

18. Mặc dù sống trong nghèo khó và thường xuyên bị khinh miệt, mắc bệnh hiểm nghèo và bị tà ma quấy rối, nhưng ta không chút sờn lòng. Hãy gánh nhận tội ác và khổ đau của chúng sanh - Đấy là pháp hành Bồ tát đạo.

19. Dù ta có nổi tiếng và được mọi người trọng vọng, cũng như giàu có tương đương với Tỳ sa môn Thiên Vương [vị trời chủ về của cải], hãy nhận rõ sự phù phiếm của danh lợi, chẳng có gì đáng để tự phụ - Đấy là pháp hành Bồ tát đạo.

20. Khi mà sân hận là kẻ thù chính [nội ma] chưa thể khống chế được, thì dù có chinh phục được những kẻ thù bên ngoài, cũng chỉ làm cho chúng [kẻ thù bên trong ta] gia tăng mà thôi. Bởi vậy ta hãy điều phục tâm bằng hai đạo quân Từ và Bi - Đấy là pháp hành Bồ tát đạo.

21. Dục lạc cũng như nước muối, càng uống càng thèm khát. Hãy buông bỏ ngay những gì gây ra tham ái - Đấy là pháp hành Bồ tát đạo.

22. Vạn pháp đều do tâm tạo. Từ khởi thủy, bản tánh tâm không hề bị chấp trước trong các biên kiến [vọng tưởng cực đoan]. Hãy hiểu biết điều này như thế, và đừng để tâm bị lôi cuốn vào vòng nhị nguyên [chủ thể và đối tượng] năng sở đối đãi - Đấy là pháp hành Bồ tát đạo.

23. Khi đối diện với các đối tượng hấp dẫn, dù thấy chúng đẹp đẽ như cầu vồng giữa hạ, hãy biết rằng chúng không có tự tánh và hãy xả bỏ luyến ái chấp thủ - Đấy là pháp hành Bồ tát đạo.

24. Mọi hình thức khổ đau đều như mộng ảo (tựa cái chết của đứa con trong giấc ngủ của bà mẹ). Chấp các huyễn ảnh là thật có sẽ làm nhọc tâm ta. Bởi vậy khi gặp nghịch cảnh, hãy xem chúng như ảo huyễn - Đấy là pháp hành Bồ tát đạo.

25. Kẻ tầm cầu giác ngộ có khi phải xả bỏ cả thân mạng, vậy cần gì phải để ý đến vật chất bên ngoài. Hãy bố thí mà không cầu mong sự đền đáp - Đấy là pháp hành Bồ tát đạo.

26. Nếu không giữ giới, ta không thể gặt hái được thành quả gì, đừng nói chi đến ước muốn làm lợi ích chúng sanh, điều này thật đáng buồn cười. Bởi vậy hãy trì giới mà không có sự mong cầu của thế gian - Đấy là pháp hành Bồ tát đạo.

27. Đối với những vị Bồ tát muốn vun bồi công đức, thì những kẻ làm hại họ lại là những bảo vật quý báu. Bởi vậy hãy tập nhẫn nhục với tâm không hận thù - Đấy là pháp hành Bồ tát đạo.

28. Ngay như hàng Thanh văn và Độc giác, chỉ mong cầu tự giác, cũng gắng công tu tập miên mật như đang khẩn trương dập tắt lửa cháy trên đầu. Bởi vậy nỗ lực tinh tấn để lợi lạc cho chúng sanh là căn nguyên của mọi thiện căn - Đấy là pháp hành Bồ tát đạo.

29. Nên biết rằng các phiền não đều bị tiêu trừ bởi thiền chỉ và thiền quán. Hãy luyện tập chú tâm để siêu việt bốn cõi vô sắc - Đấy là pháp hành Bồ tát đạo.

30. Có năm Ba la mật mà thiếu Trí tuệ ba la mật thì không thể dẫn đến đạo quả. Bởi vậy hãy tập luyện các phương tiện thiện xảo cùng với trí tuệ để khỏi lạc vào ba cõi - Đấy là pháp hành Bồ tát đạo.

31. Nếu không chịu tự quán xét lỗi lầm, tức là ta chỉ mang danh là hành giả mà không có thực hành. Bởi vậy, hãy luôn luôn quán xét và loại trừ lỗi lầm của mình - Đấy là pháp hành Bồ tát đạo.

32. Nếu vì sự thôi thúc của phiền não mà ta vạch lỗi lầm của người khác, thì chính ta tự hại mình. Bởi vậy đừng khơi dậy lỗi lầm của những hành giả khác - Đấy là pháp hành Bồ tát đạo.

33. Danh lợi chỉ gây ra sự tranh chấp, làm cho sự học hỏi, suy tư và tu tập suy thoái. Bởi vậy hãy từ bỏ đừng dính mắc đến thân quyến bạn hữu, những mối tương quan, thí chủ, v.v… - Đấy là pháp hành Bồ tát đạo.

34. Ác khẩu làm xáo động tâm trí kẻ khác và làm hư hoại Bồ tát hạnh. Bởi vậy hãy tránh những lời lẽ khắc nghiệt gây ra sự bất an cho kẻ khác - Đấy là pháp hành Bồ tát đạo.

35. Phiền não khi đã được huân tập thì thật khó ngăn chận bằng các pháp đối trị. Hãy trang bị bằng các vệ binh chánh niệm và tỉnh giác, diệt trừ những phiền não như tham ái - Đấy là pháp hành Bồ tát đạo.

36. Nói tóm lại, bất luận đang làm gì, ta phải tự hỏi “Tâm ta đang ở trạng thái nào?” Hãy luôn giữ chánh niệm và tỉnh giác để lợi lạc cho chúng sanh - Đấy là pháp hành Bồ tát đạo.

37. Giải trừ nỗi thống khổ của vô lượng chúng sanh, thấu suốt sự thuần tịnh của ba cõi. Hãy dùng công đức của những nỗ lực này để hồi hướng đến giác ngộ - Đấy là pháp hành Bồ tát đạo.


---o0o---
Tôi đã soạn ba mươi bảy Pháp Hành Bồ Tát Đạo cho tất cả những ai muốn đi trên con đường Bồ tát, theo lời giảng giải ý nghĩa kinh điển, mật điển và luận điển của chư vị tổ sư.

Vì trí tuệ kém cõi cũng như sự hiểu biết thiếu sót nên lời lẽ tôi không được văn hoa hấp dẫn đối với các học giả, tuy nhiên tôi đã dựa trên kinh điển và lời giáo huấn của các bậc tổ sư nên tôi nghĩ rằng các pháp hành Bồ tát đạo này không có gì sai trái.

Tuy nhiên, đại hạnh của chư vị Bồ tát thật khó lường cho những người tâm trí thô thiển như con. Con cúi xin các ngài lượng thứ cho những khuyết điểm của con, chẳng hạn như sự mâu thuẫn và những ý nghĩa thiếu mạch lạc.

Công đức này nguyện chúng sanh đạt được Bồ đề tâm (chí hướng vị tha, chân đế lẫn tục đế) và nhờ đó sẽ trở thành Bồ tát Quán Tự Tại, vị Bồ tát thoát khỏi hai kiến chấp (chấp thế gian và chấp an lạc xuất thế gian).

Bài này được soạn ra bởi tỳ kheo Thogme, một luận sư về kinh điển và lý giải trong một hang động ở Ngulchu Rinchen để tự lợi và lợi tha.

Từ trang web:

http://www.forum.tangthuphathoc.com/showthread.php?t=155

Chuyển kệ được trich từ bải giảng của GESHE TSULTIM GYELTSEN

Do Linh Thụy chuyển ngữ từ trang web:

http://tinhdo.net/sachdao/309-yeugiai37phaphanhbotatdao


---o0o---

BA PHƯƠNG DIỆN CHÍNH CỦA CON ĐƯỜNG GIÁC NGỘ

Tác giả: Tổ sư Tông Khách Ba


Lược giải: Đức Đạt Lai Lạt Ma
Anh ngữ: Dr. Alexander Berzin
Chuyển kệ: Hồng Nhu
Chuyển ngữ: Tuệ Uyển
---o0o---

01 - GIỚI THIỆU


Khi chúng ta hiện diện ở đây, chúng ta phải thiết lập một động cơ đặc biệt: Tâm giác ngộ (tâm bồ đề) nhằm hướng đến giác ngộ vì lợi ích của tất cả chúng sinh. Điều này cần  một sự chân thành hoàn toàn. Đức Phật đã đạt được sự giác ngộ của Ngài bởi năng lực của xu hướng trong sạch của tâm giác ngộ (tâm bồ đề) của Ngài. Tất cả những phẩm chất và những sự đạt được của Ngài tùy thuộc vào động cơ giác ngộ ấy. Để đạt được cùng sự chứng ngộ của Ngài, chúng ta cần phải nguyện cầu để phát triển một tâm niệm như thế của chính mình nhiều tối đa và để có sự tăng trưởng chưa từng có của điều ấy.

Những ngày cuối cùng này chúng ta phải nâng cao một số năng lực tích cực (công đức) qua những giáo huấn này. Chúng ta hãy tiếp tục bây giờ trong ngày hôm nay với Ba Phương Diện Chính Yếu của Con Đường của Tổ Sư Tông Khách Ba. Ba điều này liên hệ đến sự viễn ly, tâm giác ngộ, và nhận thức đúng đắn về tính không.

1- Sự viến ly căn cứ trên thái độ mà chúng ta chuyển tâm niệm chúng ta hoàn toàn khỏi tất cả những ao ước khát khao của cõi luân hồi, sự lưu chuyển không thể kiểm soát của vòng sinh tử. Sự đạt đến giải thoát tùy thuộc trên việc có một sự viễn ly hay từ bỏ như thế.

2- Tâm giác ngộ (tâm bồ đề) là thái độ hay khuynh hướng đạt đến giác ngộ để làm lợi ích cho vô lượng chúng sinh .

3- Quan điểm đúng đắn về tính không là sự nhận thức về tính bản nhiên bất động thật sự của thực tại.

Lưu tâm đến nhận thức đúng đắn hay thông hiểu về tính không của thực tại, của sự tồn tại không cố hữu, nếu nó được thủ hộ giữ gìn bởi một tâm niệm viễn ly, nó sẽ mang đến giải thoát. Nó đem đến giải thoát bởi sự trừ khử những ám chướng ngăn cản sự giải thoát, ấy là những cảm xúc và thái độ quấy nhiễu. Những nhân tố tinh thần đã kềm hãm chúng ta giới hạn trong sự tồn tại dưới khống chế bởi nghiệp quả và những xúc tình và thái độ quấy nhiễu của vòng luân hồi. Nếu sự thông hiểu nhận thức đúng đắn về tính không được thủ hộ giữ gìn bởi một tư tưởng của tâm giác ngộ (tâm bồ đề), nó cũng tiêu trừ những ám tối đối với tất cả những vấn đề có thể nhận thức được, và những điều ngăn trở toàn giác toàn trí... - ấy là, những thói quen dính mắc về phía sự tồn tại cố hữu và chân thực. Loại trừ chúng đi đem đến sự đạt đến giác ngộ. Do thế, một quan điểm đúng đắn về tính không là đối thủ chính sẽ phá hủy hai bộ phận của ám chướng (sở tri chướng và phiền não chướng), và nó được hỗ trợ bởi hoặc là sự viễn ly hay cả sự viễn ly và tâm giác ngộ (tâm bồ đề).

Giáo huấn Tiểu thừa đòi hỏi sự viễn ly và nhận thức đúng đắn về tính không nhầm đạt đến mục tiêu của họ là giải thoát. Đại thừa thêm vào tâm giác ngộ (tâm bồ đề) để tiêu trừ tất cả những sự ám tối một cách hoàn toàn. Do vậy, ba phương diện chính yếu của con đường – sự viễn ly hay từ bỏ, tâm giác ngộ hay tâm bồ đề, và tính không – hiệp nhất căn bản thiết yếu của tất cả những giáo huấn của Tiểu thừa và Đại thừa.

Mật điển Tantras nổi tiếng của chúng ta có một chủ đề vững chắc về thân thể vi tế, năng lượng khí, năng lượng kinh mạch, và năng lượng hạt, có như nền tảng của nó là cùng giống ba phương diện của con đường – viễn ly, khuynh hướng cực kỳ mạnh mẽ của tâm giác ngộ (tâm bồ đề) và một sự thông hiểu hoàn toàn về tính không như được truyền dạy bởi Long Thọ và hai người con tinh thần của ngài. Thêm vào những điều này, trong Mật điển Tantra chúng ta thiết lập niềm hãnh diện hay chân giá trị của chúng ta trên khả năng của điều mà chúng ta có thể đạt đến từ khí và tâm thức vi tế. Trong cách này, chúng ta giữ gìn chân giá trị của hoặc một Sắc Thân hay hay một Pháp Thân Tĩnh Thức Sâu Sắc của một vị Phật, hay của cả hai điều này. Mặc dù, chúng ta không thực sự có những thân Phật vào lúc chúng ta thực tập, tuy thế căn cứ trên khuynh hướng mạnh mẽ của tâm giác ngộ (tâm bồ đề) nhằm đạt đến trạng thái giác ngộ này để lợi ích cho vô lượng chúng sinh, chúng dần dần trở nên có thể đạt được những thân thể như thế. Chúng ta có thể đạt được những thân thể ấy qua sự thực tập và duy trì chân giá trị của những thân Phật này.

Do thế, ba phương diện của con đường là căn bản của toàn bộ những con đường kinh điển Hiển giáo và Mật giáo Tantra. Trong bất cứ trường hợp nào, chúng ta phải luôn luôn cố gắng theo đuổi một sự thực tập phối hợp của phương  pháp và tuệ trí, cố gắng để hỗ trợ kẻ khác, xây dựng nên năng lực tích cực, v.v và v.v….

Luận giải đặc biệt này là rất ngắn, chỉ vài đoạn. Chúng tôi học với Tagtra Rinpoche lần đầu tiên và sau này với nhiều vị khác nhau kể cả Trijang Dorjechang. Chúng ta cần thiết lập một động cơ rõ ràng để lắng nghe giáo huấn này. Nếu chúng ta thiết lập một tâm niệm ân cần như động cơ của chúng ta, điều này sẽ là nguồn cội của tất cả mọi an lạc. Nếu chúng ta thiếu một tâm niệm như thế, và thay vào đấy là sự tự hào kiêu căng, v.v…, điều này chỉ đem đến bất hạnh và bất an. Những hiệu quả trong những đời sống tương lai hoặc là chúng ta sẽ là một người có tu dưỡng, tế nhị hay một chúng sinh thô tục, bạo tàn sẽ được thấy trong hình thức những hạnh kiểm của chúng ta trong đời sống này. Thậm chí nếu chúng ta không thừa nhận sự hiện hữu của những đời sống tương lai, tuy vậy, có một lòng hảo tâm, hay trên một phương diện khác là thô tục cộc cằn, sẽ mang đếnhoặc là hạnh phúc hay bất hạnh tùy theo nhân đã gieo hiện tại.


---o0o---


tải về 1.5 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   11   12   13   14   15   16   17   18   ...   28




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương