BỘ giao thông vận tảI 1/ Cử tri tỉnh Đắk Lắc kiến nghị



tải về 4.74 Mb.
trang17/67
Chuyển đổi dữ liệu18.07.2016
Kích4.74 Mb.
#1917
1   ...   13   14   15   16   17   18   19   20   ...   67

Trả lời:

Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tài chính đã có hướng dẫn việc thực hiện thu, chi và quản lý học phí ở các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân tại Thông tư liên tịch số 54/1998/TTLT/BGDĐT-BTC ngày 31/8/1998. Trong Thông tư này, khoản 5.3.1 quy định rõ nguồn học phí được sử dụng cho việc tăng cường cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy học tập như sửa chữa, cải tạo cơ sở vật chất hiện có, xây dựng nhỏ các phòng học, phòng thí nghiệm, xưởng thực tập, thư viện, ký túc xá học sinh, sinh viên … Như vậy, nguồn học phí có thể được sử dụng vào việc sửa chữa hư hỏng nhỏ của trường học.



32/ Cử tri tỉnh Nghệ An kiến nghị: Trong các cơ sở giáo dục mầm non, các trường nội trú… không có biên chế cho công tác y tế học đường. Đề nghị Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ liên quan nghiên cứu quy định biên chế về cán bộ y tế trong các trường học để đảm bảo yêu cầu chăm sóc sức khoẻ cho các học sinh.

Trả lời:

Ngày 23/8/2006, Bộ Giáo dục và Đào tạo – Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư liên tịch số 35/2006/TTLT-BGDĐT-BNV hướng dẫn định mức biên chế viên chức ở các cơ sở giáo dục phổ thông công lập, trong đó điểm c, khoản 1,2,3 mục II của Thông tư quy định biên chế viên chức làm công tác văn phòng:

- Trường Tiểu học hạng 1: được bố trí 3 biên chế: 01 văn thư và thủ quỹ, 01 kế toán, 01 y tế trường học;

Trường Tiểu học hạng 2, hạng 3: được bố trí 2 biên chế: 01 kế toán và văn thư, 01 y tế trường học và thủ quỹ.

- Trường Trung học cơ sở: mỗi trường được bố trí 03 biên chế: 01 văn thư và thủ quỹ, 01 kế toán, 01 y tế trường học; Trường có từ 40 lớp trở lên được bố trí thêm 01 biên chế.

- Trường Trung học phổ thông: mỗi trường được bố trí 03 biên chế: 01 văn thư và thủ quỹ, 01 kế toán, 01 y tế trường học; Trường có từ 40 lớp trở lên được bố trí thêm 01 biên chế.

Ngày 28/11/2007, Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư liên tịch số 71/2007/TTLT-BGDĐT-BNV Hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, trong đó khoản 3, mục II của Thông tư này có quy định như sau: a) Nhà trẻ, trường mẫu giáo và trường mầm non hạng I được bố trí: 1 kế toán, 1 cán bộ y tế học đường và 1 văn thư; b) Nhà trẻ, trường mẫu giáo và trường mầm non hạng 2 được bố trí: 1 kế toán và 1 cán bộ y tế học đường; ...Các nhân viên trên ngoài việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ theo chức danh còn phải kiêm nhiệm các công việc khác do hiệu trưởng phân công như quy định tại khoản 5 mục I của Thông tư này.

Tuy nhiên, đúng như ý kiến cử tri quan tâm, hiện nay chưa có quy định về biên chế viên chức làm công tác văn phòng (trong đó có biên chế làm công tác y tế) đối với trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Dự kiến trong tháng 9/2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn định mức biên chế viên chức ở các trường chuyên biệt, trong đó quy định rõ về biên chế y tế học đường đối với các loại hình trường nói trên; đầu tháng 10/2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ban hành Quy định về hoạt động y tế trong các trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ, nhóm trẻ và lớp mẫu giáo độc lập. Các quy định cụ thể trên sẽ góp phần đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe cho học sinh.



32/ Cử tri tỉnh Nghệ An kiến nghị: Hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục mầm non công lập không đủ điều kiện đón các cháu dưới 12 tháng tuổi, trong lúc các nhóm trẻ gia đình chưa được quản lý chặt chẽ, nhất là chất lượng nuôi dạy trẻ, đã gây không ít khó khăn cho một số nữ lao động. Theo quy định đối với phụ nữ chỉ được nghỉ chế độ thai sản trong thời gian 4 tháng. Sau thời gian nghỉ sinh 4 tháng, người mẹ phải đi làm nhưng các trường lại không nhận trẻ. Đề nghị ngành giáo dục đào tạo phối hợp với các ngành chức năng có giải pháp tổ chức các cơ sở giáo dục mầm non, bố trí các lớp học đón trẻ dưới 12 tháng để cho phụ nữ có điều kiện thuận lợi yên tâm công tác.

Trả lời:

Hiện tại có những khó khăn đối với việc nhận trẻ dưới 12 tháng tuổi như cử tri đã nêu. Để giải quyết khó khăn này, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng các địa phương để thực hiện: công tác qui hoạch và phát triển mạng lưới trường lớp, đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của nhân dân; tuyên truyền, xã hội hoá giáo dục để động viên các tổ chức, cá nhân tham gia mở trường xây dựng cơ sở vật chất trường học mầm non; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đảm bảo về số lượng, từng bước nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiếp nhận và nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ của các cơ sở giáo dục mầm non; tăng hợp lý ngân sách giáo dục cho cấp học mầm non; thu học phí hợp lý để tăng kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị và đảm bảo trả lương cho giáo viên trong các trường mầm non và trong dự án của các doanh nghiệp đặt trên địa bàn cần dành quĩ đất và kinh phí xây dựng trường mầm non để thu hút trẻ là con của người lao động.

Trong điều kiện kinh phí còn hạn hẹp, chúng ta chủ trương đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục để phát triển mạng lưới trường lớp, tăng cường thu hút trẻ em tuổi mầm non đến trường, phối hợp chăm sóc tại gia đình, nhất là trẻ em nhỏ tuổi. Đồng thời chỉ đạo phối hợp giữa ngành Giáo dục và Đào tạo với các ban ngành, đoàn thể thực hiện truyền thông phổ biến kiến thức đến các gia đình để người trông trẻ tại gia đình có thêm kiến thức chăm sóc, giáo dục trẻ.

34/ Cử tri các tỉnh Nghệ An và Lai Châu kiến nghị: Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường quan tâm chất lượng giáo viên, đề nghị cần phải kiểm tra, đánh giá lại đội ngũ giáo viên để sàng lọc và có cơ chế đối với những giáo viên không đủ năng lực, cần thiết cho nghỉ chế độ, để có điều kiện tuyển dụng lực lượng đã tham gia giảng dạy, nhưng đang hợp đồng ngắn hạn tại các trường và sinh viên tốt nghệp, đại học, cao đẳng có đủ tiêu chuẩn để nâng cao chất lượng dạy và học.

Trả lời:

Năm học 2006-2007 tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn theo quy định ở mầm non là 90%; tiểu học là 97,8%; trung học cơ sở là 98,6%; trung học phổ thông là 97,5%. Tuy vậy, tỷ lệ giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học ở cấp tiểu học là 23,8%; giáo viên chưa đạt yêu cầu về tư tưởng chính trị đạo đức nghề nghiệp ở trung học cơ sở còn 2,7% và trung học phổ thông còn 3,8%; chưa đạt yêu cầu về năng lực sư phạm ở trung học cơ sở là 19,9% và trung học phổ thông là 21,1%.

Một bộ phận giáo viên còn có biểu hiện vi phạm quy định về đạo đức nhà giáo, vi phạm quy định về chuyên môn trong việc thực hiện nhiệm vụ giảng dạy; chưa nhận thức đầy đủ về yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông, chưa có ý thức tìm tòi đổi mới phương pháp dạy học, không đủ năng lực để sử dụng thiết bị và hướng dẫn thực hành; khả năng sử dụng ngoại ngữ và ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy còn hạn chế, chưa có sự gắn kết giữa giảng dạy, nghiên cứu khoa học với thực tiễn đời sống, sản xuất.

Khắc phục những hạn chế yếu kém trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp tích cực:

- Đã xây dựng và ban hành Chuẩn nghề nghiệp giáo viên các bậc học: Mầm non, Tiểu học; đang xây dựng và triển khai thí điểm Chuẩn nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở và trung học phổ thông, trên cơ sở Chuẩn nghề nghiệp giáo viên các bậc học, các cấp quản lý giáo dục có yêu cầu cụ thể với đội ngũ giáo viên phấn đấu rèn luyện theo chuẩn để nâng cao chất lượng đội ngũ, nâng cao chất lượng giảng dạy, giáo dục, đồng thời có những hoạch định về công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đáp ứng được yêu cầu của công cuộc đổi mới giáo dục phổ thông; cũng trên cơ sở chuẩn nghề nghiệp giáo viên các cấp quản lý giáo dục có cơ sở để đánh giá, phân loại và sàng lọc đội ngũ;

- Bộ Giáo dục và Đào tạo có Công văn số 1013/TCCB ngày 29/9/2003 hướng dẫn các địa phương thực hiện Nghị quyết 09/2003/NQ-CP ngày 28/7/2003 về sửa đổi Nghị quyết số 16/2000/NQ-CP ngày 18/10/2000 của Chính phủ về tinh giản biên chế trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trong ngành: Các sở giáo dục và đào tạo phải xây dựng đề án chi tiết sắp xếp, bố trí và phân loại giáo viên để đảm bảo vừa nâng cao chất lượng vừa có đủ giáo viên đứng lớp theo quy định. Để giải quyết những khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện Công văn số 354/BNV-TCBC ngày 20/02/2004 của Bộ Nội vụ về thực hiện Nghị quyết 09/2003/NQ-CP ngày 28/7/2003 về sửa đổi Nghị quyết số 16/2000/NQ-CP ngày 18/10/2000 của Chính phủ về tinh giản biên chế và thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 15/6/2004 của Ban Bí thư về việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã làm việc với Bộ Nội vụ để kiến nghị sửa đổi những quy định cho phù hợp với ngành giáo dục và đào tạo, đồng thời kiến nghị trình Chính phủ cho kéo dài thời gian thực hiện đối với ngành giáo dục không dừng lại vào năm 2005, sau đó Chính phủ đã ban hành Nghị định 132/2007/NĐ-CP ngày 08/8/2007 của Chính phủ về tinh giản biên chế đối với các cơ quan hành chính nhà nước và các đơn vị sự nghiệp.

Bộ Giáo dục và Đào tạo có Công văn số 12865/BGDĐT ngày 07/12/2007 chỉ đạo các địa phương, cơ sở trong toàn ngành thực hiện tốt Nghị định 132/2007/NĐ-CP ngày 08/8/2007 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế đối với cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp. Kết quả tất cả các sở giáo dục và đào tạo, các đơn vị trong toàn ngành đã nghiêm túc triển khai thực hiện đối với các giáo viên có sức khoẻ yếu, năng lực chuyên môn hạn chế nghỉ hưu trước tuổi, sắp xếp bố trí những người có năng lực và trình độ hạn chế đi bồi dưỡng, đào tạo lại hoặc bố trí việc khác.

Khắc phục tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã kịp thời có Chỉ thị số 8077/CT-BGDĐT ngày 21/12/2007 về việc tập trung kiểm tra, chấn chỉnh vi phạm đạo đức nhà giáo, trong đó có những nội dung sau: xử lý kịp thời, triệt để và đúng quy định của pháp luật, nhanh chóng khắc phục hậu quả; rà soát các cơ sở giáo dục mầm non tư thục, có biện pháp xử lý thích hợp các cơ sở không có giấy phép hoạt động; tập trung triển khai kế hoạch bồi dưỡng giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo, kiên quyết không để giáo viên, nhân viên không qua đào tạo sư phạm trực tiếp làm công tác nuôi dạy trẻ; tăng cường sinh hoạt tư tưởng chính trị, kết hợp thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và cuộc vận động “Hai không”. Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT ngày 16/4/2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về đạo đức nhà giáo, trong đó đã quy định rõ trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, các sở giáo dục và đào tạo đảm bảo cho nhà giáo thực hiện tốt Quy định về đạo đức nhà giáo (Quyết định đã được đăng Công báo ngày 04/5/2008, đã được gửi tới các Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các sở giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục trong cả nước để quán triệt và triển khai thực hiện).

Định kỳ 3 tháng một lần, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức giao ban “Hai không” với các Giám đốc sở giáo dục và đào tạo theo 07 vùng trong cả nước để nắm bắt và chỉ đạo toàn diện các hoạt động giáo dục và đào tạo, trong đó có nhiệm vụ quan trọng là kiểm điểm thực hiện cuộc vân động “Hai không” ở khu vực cũng như ở mỗi tỉnh. Mặt khác Lãnh đạo Bộ yêu cầu các cơ quan hữu quan thuộc Bộ (như: Văn phòng, Thanh tra, Vụ Tổ chức cán bộ, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục...) thực hiện tốt việc chỉ đạo các địa phưong thực hiện cuộc vận động “Hai không” trong đội ngũ nhà giáo, phát hiện và chỉ đạo xử lý kịp thời đúng quy định của pháp luật các vụ việc vi phạm đạo đức nhà giáo.

35/ Cử tri thành phố Hải Phòng và Nghệ An kiến nghị: Xem xét đưa Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam và Đại học Vinh vào danh sách các trường đại học trọng điểm quốc gia vào năm 2010 và tăng cường đầu tư để trường thực sự trở thành trung tâm đào tạo nhân lực, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ phục vụ chiến lược phát triển kinh tế biển của đất nước theo Nghị quyết Trung ương 4 của Đảng.

Trả lời:

Ngày 06/9/2004, Thủ tướng Chính phủ đã ký Công văn số 1269/CP-KG về việc tiếp tục hoàn thiện mạng lưới các trường đại học, cao đẳng, theo đó Thủ tướng Chính phủ đồng ý xây dựng 14 trường đại học trọng điểm quốc gia, gồm: ĐHQG HN, ĐHQGTP.HCM, ĐH Thái Nguyên, ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng, Trường ĐHSPHN, Trường ĐHSP TP.HCM, Trường ĐH Bách Khoa HN, Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội, Trường ĐHKTQD, Trường ĐH Y HN, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, Trường ĐH Y Dược TP.HCM và Trường ĐH Cần Thơ.

Ngày 31/01/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ký Công văn số 177/CP-KG bổ sung trường trọng điểm, theo đó Thủ tướng đồng ý bổ sung Học viện Kỹ thuật Quân sự vào mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai xây dựng tiêu chí trường đại học trọng điểm quốc gia, dự kiến các điều kiện và tiêu chí cơ bản là:

- Đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục đại học: đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu; có phẩm chất đạo đức, lương tâm nghề nghiệp; có trình độ chuyên môn cao, phong cách giảng dạy và quản lý tiên tiến; bảo đảm tỉ lệ không quá 20 sinh viên/1giảng viên. Đến năm 2010 đạt 100% giảng viên đứng lớp có trình độ thạc sĩ trở lên, trong đó có ít nhất 25% đạt trình độ tiến sĩ, đến năm 2015 tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ là 30-35%; mỗi tổ bộ môn có ít nhất 1 Giáo sư.

- Đổi mới chương trình đào tạo theo hướng liên thông giữa các cấp học, đảm bảo nội dung gắn kết chặt chẽ với thực tiễn nghiên cứu khoa học và phát triển khoa học công nghệ và nghề nghiệp trong xã hội, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành, từng lĩnh vực, tiếp cận với trình độ tiên tiến của thế giới. Tập trung xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo theo hướng nghiên cứu, các chương trình tiên tiến. Đổi mới quy trình đào tạo, triển khai đào tạo theo hệ thống tín chỉ.

- Nghiên cứu khoa học: đảm bảo trường có Viện nghiên cứu khoa học và trung tâm đào tạo, nghiên cứu chuyển giao công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng và địa phương. Đảm bảo đến 2020 các tổ bộ môn đều có cán bộ đầu đàn giỏi, có các hướng nghiên cứu mũi nhọn, có đủ khả năng đảm đương các nhiệm vụ khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ trọng điểm với chất lượng cao.

- Hợp tác quốc tế: duy trì và mở rộng quan hệ hợp tác với các Viện, trường đại học nước ngoài. Các khoa trong trường có liên kết đào tạo, nghiên cứu khoa học với các đối tác nước ngoài và Việt kiều; tổ chức du học tại chỗ; mở rộng quy mô đưa người đi đào tạo nước ngoài; khuyến khích du học tự túc; phát huy chương trình đào tạo bán phần; tăng cường trao đổi thông tin, tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế.

- Cơ sở vật chất trang thiết bị, thư viện: đảm bảo về tiêu chuẩn xây dựng theo chuẩn thiết kế trường học, đến 2010 đảm bảo chỉ tiêu bình quân 4m2/chỗ học tập, năm 2015 đạt 6m2/chỗ học tập. Xây dựng thư viện thành trung tâm thông tin thư viện đạt mục tiêu nâng cao năng lực ứng dụng thông tin, tạo ra sản phẩm thông tin đa dạng, có chất lượng; mở rộng loại hình phục vụ đối tượng và liên thông với các thư viện trong nước và nước ngoài. Thư viện được xây dựng ở vị trí đảm bảo tiêu chuẩn không gian theo qui định không chỉ phục vụ cán bộ, giảng viên, sinh viên của trường mà còn cho các trường trong khu vực địa phương.

Như vậy, để trở thành trường đại học trọng điểm, các trường cần tuyên bố sứ mạng, chiến lược phát triển, mục tiêu xây dựng và phấn đấu để đáp ứng các điều kiện và tiêu chí cơ bản của trường đại học trọng điểm quốc gia. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức hội nghị về các trường trọng điểm quốc gia để đánh giá các hoạt động và các tiêu chí cụ thể, cũng như các điều kiện của một trường đại học trọng điểm quốc gia.

Đối với Trường Đại học Hàng Hải: Trường cần báo cáo với Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Giáo dục và Đào tạo để xin ý kiến chỉ đạo về chủ trương xây dựng trường đại học trọng điểm. Nếu được hai Bộ thống nhất và trường hội đủ các điều kiện đảm bảo các tiêu chí trường đại học trọng điểm thì cần xây dựng đề án trình Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bộ Giáo dục và Đào tạo tiến hành thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Đối với Trường Đại học Vinh: Theo Thông báo số 46/TB-VPCP ngày 27/2/2008 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn trường Đại học Vinh xây dựng đề án “Đề nghị công nhận trường Đại học Vinh là trường đại học trọng điểm quốc gia khu vực Bắc Trung Bộ”. Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tiến hành thẩm định đề án và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.



36/ Cử tri thành phố Hải Phòng kiến nghị: Hiện nay, nhiều sinh viên ngành kỹ thuật khi đến thực tập tại các nhà máy, xí nghiệp đã không được quan tâm, hỗ trợ pháp lý; do đó sinh viên thường phải tự tìm hiểu trong quá trình thực tập và gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp thu công nghệ mới. Đề nghị cần có những giải pháp để hỗ trợ sinh viên thực tập đạt hiệu quả tốt hơn.

Trả lời:

Hiện nay, việc thực tập nghề nghiệp của các sinh việc ngành kỹ thuật tại các nhà máy, xí nghiệp gặp không ít khó khăn và không được quan tâm, hỗ trợ như trước đây như kiến nghị của cử tri là chính xác. Một trong những nguyên nhân là từ khi đất nước chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, các nhà máy, xí nghiệp cũng chuyển hướng kinh doanh, sản xuất theo cơ chế thị trường, nên mọi hoạt động kể cả việc nhận sinh viên về thực tập đều được cân nhắc tính toán đến hiệu quả kinh tế của đơn vị. Chính vì vậy, gần đây nhiều nhiều nhà máy, xí nghiệp vốn là những địa chỉ truyền thống các trường đại học, cao đẳng gửi sinh viên đến thực tập nghề nghiệp, nay đã không nhận hoặc nhận với số lượng rất khiêm tốn, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đào tạo, đặc biệt là kỹ năng nghề nghiệp của sinh viên ngành kỹ thuật. Nhất là ở những nhà máy, xí nghiệp được trang bị các máy móc, thiết bị, các phương tiện kỹ thuật tiên tiến, các dây chuyền công nghệ hiện đại, đáng lẽ sinh viên cần được tiếp cận thực tập với công nghệ- kỹ thuật mới, những đơn vị này thường không muốn nhận sinh viên về thực tập do sợ ảnh hưởng sản xuất và hư hỏng thiết bị máy móc. Ngược lại, một số nhà máy, xí nghiệp có nhận sinh viên đến thực tập thường bố trí làm những công việc giản đơn, máy móc, trang thiết bị, dây truyền công nghệ cũ, lạc hậu, không đúng mục đích thực tập nghề nghiệp.

Để khắc phục những bất cập trên, trong gần hai năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức tổ chức 7 Hội thảo quốc gia đào tạo nhân lực theo nhu cầu xã hội, trong đó có 4 Hội thảo chuyên ngành về Tài chính - Ngân hàng, Công nghệ Thông tin - Truyền thông, Đóng tàu và Du lịch. Thành phần tham dự Hội thảo bao gồm: các Bộ chủ quản của các ngành sản xuất kinh doanh (Bộ Công thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, vv...), các đơn vị có sử dụng nhân lực ở trình độ đại học, cao đẳng và các trường đại học, cao đẳng nơi đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực trên.

Thông qua các Hội thảo này, các trường đại học, cao đẳng tiếp thu được các yêu cầu của “khách hàng” về “sản phẩm” mình đào tạo, từ đó chỉnh sửa, bổ sung chương trình đào tạo phù hợp, đáp ứng được thực tế sản xuất. Ngược lại các “khách hàng” qua Hội thảo cũng thấy được trách nhiệm của mình đóng góp vào quá trình đào tạo “sản phẩm” mà mình sẽ được sử dụng, hưởng lợi từ chất lượng của sản phẩm đó, trong đó có việc tiếp nhận và tạo điều kiện thuận lợi cho các sinh viên đến thực tập. Chính vì vậy, tại các Hội thảo, các trường đại học, cao đẳng và các “khách hàng” đã ký trên 250 hợp đồng thoả thuận về trách nhiệm mỗi bên trong quá trình đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực qua đào tạo nhằm đáp ứng theo nhu cầu xã hội, trong đó các doanh nghiệp có trách nhiệm tiếp nhận sinh viên đến thực tập.

Ngoài những Hội thảo quốc gia nói trên do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, nhiều trường đại học, cao đẳng cũng đứng ra tổ chức các Hội nghị khách hàng với mục tiêu tương tự và ký kết nhiều hợp đồng trách nhiệm, trong đó có việc tiếp nhận và tạo điều kiện cho sinh viên đến thực tập nghề nghiệp, rèn luyện kỹ năng, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

37/ Cử tri tỉnh Bình Dương kiến nghị: Bộ Giáo dục và đào tạo nên công bố sớm các môn thi tốt nghiệp ở cấp Trung học phổ thông để học sinh, thầy giáo và gia đình có điều kiện chủ động dành nhiều thời gian chuẩn bị cho các môn thi tốt nghiệp. Vì trong những năm gần đây, tỷ lệ thi đỗ tốt nghiệp rất thấp một phần do thời gian chuẩn bị cho các môn thi của học sinh rất ít, rất gần đến ngày thi tốt nghiệp mới công bố các môn thi (trong năm nay là đầu tháng 3). Cử tri kiến nghị nên công bố các môn thi tốt nghiệp vào dịp đầu năm học để học sinh có thời gian đầu tư và cũng có thể lấp những lỗ hổng kiến thức đối với các môn thi tốt nghiệp.

Trả lời:

Quy chế thi tốt nghiệp THCS và THPT, Quy chế thi tốt nghiệp bổ túc THCS và bổ túc THPT áp dụng từ năm 2002 đến năm 2007 và Quy chế thi tốt nghiệp THPT ban hành kèm theo Quyết định số 08/2008/QĐ-BGDĐT ngày 06/3/2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đều quy định: “Môn thi tốt nghiệp được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố chậm nhất vào ngày 31 tháng 3 hằng năm”.

Đối với cấp THPT, ngoài các điều kiện về học lực và hạnh kiểm theo quy chế quy định, trong các kỳ thi tốt nghiệp thí sinh phải thi 6 môn. Ngoài các môn cố định cho tất cả các năm (đối với giáo dục THPT là Văn, Toán và Ngoại ngữ; đối với GDTX là Văn và Toán), các môn còn lại do Bộ quy định hằng năm.

Việc thực hiện quy định trên chính là nhằm góp phần đảm bảo mục tiêu giáo dục toàn diện, ngăn chặn và hạn chế tối đa các biểu hiện tiêu cực, lệch lạc trái với mục tiêu này như chạy theo thành tích, dạy học cắt xén chương trình, học tủ, học lệch...

Chủ trương đổi mới thi cử của Bộ Giáo dục và Đào tạo là: tổ chức thi an toàn, nghiêm túc, đảm bảo cho kết quả thi phản ánh đúng chất lượng dạy và học, tác động tích cực đến việc thực hiện các mục tiêu giáo dục, đảm bảo sự công bằng, giảm bớt phiền hà, tốn kém. Trong các văn bản hướng dẫn tổ chức thi hằng năm, Bộ Giáo dục và đào tạo đều yêu cầu các địa phương, đơn vị chỉ đạo, kiểm tra các trường THPT, các cơ sở giáo dục thường xuyên và các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình THPT (gọi chung là trường phổ thông) trong việc thực hiện kế hoạch thời gian năm học, tổ chức ôn tập tốt nghiệp THPT cho người học theo các văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tỷ lệ tốt nghiệp THPT của các địa phương, đơn vị là kết quả của quá trình dạy học trong toàn cấp học; hoàn toàn không phải và không thể là kết quả của việc tập trung cho các môn thi tốt nghiệp ở lớp 12 của học sinh và giáo viên theo hướng chạy theo thành tích. Vì vậy, không thể công bố môn thi tốt nghiệp THPT ngay từ đầu năm học như đề nghị của cử tri.



38/ Cử tri tỉnh Phú Yên kiến nghị: Hiện nay các ngành khác được học cao học sau khi tốt nghiệp Đại học, trong khi đó bác sỹ muốn học lên cao học phải có bằng chuyên khoa I và chuyên khoa II. Đề nghị Chính phủ và các bộ ngành quy định việc đào tạo sau đại học ngành y như các ngành khác.

Trả lời:

Theo quy định của Quy chế đào tạo sau đại học hiện hành và dự thảo Quy chế đào tạo thạc sĩ chuẩn bị ban hành, việc đào tạo trình độ thạc sĩ đối với ngành Y được quy định tương tự như các ngành khác, không có sự phân biệt, nghĩa là các bác sĩ sau khi tốt nghiệp đều được dự thi tuyển đào tạo thạc sĩ mà không yêu cầu phải có bằng chuyên khoa I và chuyên khoa II như cử tri phản ánh.

Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế đã có Thông tư liên tịch số 30/2003/TTLT-BGD&ĐT-BYT ngày 01/7/2003 hướng dẫn việc chuyển đổi giữa các văn bằng và trình độ đào tạo sau đại học trong lĩnh vực y tế.

39/ Cử tri tỉnh Phú Yên kiến nghị: Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép Trường Đại học Phú Yên trực thuộc Bộ và được phép tuyển sinh trong cả nước. Đề nghị đầu tư xây dựng và nâng cấp Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hoà thành trường Đại học công nghiệp Phú Yên.

Trả lời:

a. Về cho phép Trường đại học Phú Yên được phép tuyển sinh trong cả nước

Trường Đại học Phú Yên được thành lập theo Quyết định số 112/QĐ-TTg, ngày 24/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở trường Cao đẳng Sư phạm Phú Yên và trường Trung học Kinh tế - Kỹ thuật Phú Yên.

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì: Trường đại học Phú Yên là cơ sở đào tạo đại học trực thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh Phú Yên và chịu sự quản lí nhà nước về giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo; là đơn vị sự nghiệp; có tư cách pháp nhân; có con dấu và tài khoản riêng theo quy định của pháp luật; trụ sở đặt tại thành phố Tuy hoà, tỉnh Phú Yên; hoạt động theo Điều lệ trường đại học ban hành kèm theo Quyết định số 153/2003/QĐ-TTg ngày 30/7/2003 của Thủ tướng Chính phủ.

Vì vậy, theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trường đại học Phú Yên trực thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh Phú Yên với nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương là chủ yếu, trên cơ sở nguồn ngân sách của địa phương. Việc mở rộng vùng tuyển sinh là quyền của trường; tuy nhiên, trường cần báo cáo với Uỷ ban nhân dân tỉnh Phú Yên xem xét, trước khi trường quyết định về việc mở rộng vùng tuyển sinh.



b. Về đề nghị đầu tư xây dựng và nâng cấp Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hoà thành trường Đại học công nghiệp Phú Yên

Việc thành lập trường đại học, cao đẳng phải tính đến nhiều yếu tố, trong đó có việc tính đến nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực của địa phương và khu vực, điều kiện bảo đảm chất l­ượng (đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất trang thiết bị), cơ cấu ngành nghề, phân bố trường theo vùng, miền.

Để đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Phú Yên, năm 2007 Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định thành lập Trường Đại học Phú Yên. Do vậy, trước mắt đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh Phú Yên tạo mọi điều kiện thuận lợi, tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng Trường Đại học Phú Yên thành cơ sở đào tạo có chất lượng.

40/ Cử tri tỉnh Bình Phước kiến nghị: Đối với ngành Giáo dục, hiện nay kinh phí phụ đạo cho học sinh yếu kém và cho học sinh thi tốt nghiệp lần 2, theo quy định ngoài nguồn ngân sách địa phương hỗ trợ còn có nguồn ngân sách của Trung ương. Tuy nhiên đến nay ngành Giáo dục của tỉnh vẫn chưa nhận được nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương. Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, cấp kinh phí để thuận lợi cho việc giảng dạy của ngành giáo dục trong tỉnh.


Каталог: content -> vankien -> Lists -> DanhSachVanKien -> Attachments
Attachments -> KỲ HỌp thứ TÁm quốc hội khoá XII (20/10/2010 26/11/2010)
Attachments -> Đa dạng sinh họC Ở việt nam
Attachments -> PHẦn I các bộ, ngàNH, CƠ quan thuộc chính phủ trả LỜi cáC Ý kiếN, kiến nghị CỦa cử tri
Attachments -> CHÍnh phủ Số: 62/bc-cp cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc Hà Nội, ngày 5 tháng 5 năm 2008 BÁo cáO
Attachments -> QUỐc hội khóa XI uỷ ban về các vấn đề xã hội
Attachments -> QUỐc hội số: CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> 210/bc-btnmt cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> KỲ HỌp thứ TÁm quốc hội khoá XII (20/10/2010 26/11/2010) TẬp hợP Ý kiếN, kiến nghị CỦa cử tri
Attachments -> Ủy ban thưỜng vụ quốc hội số: 365/bc-ubtvqh12
Attachments -> BỘ NÔng nghiệp và phát triển nông thôn số: 1588

tải về 4.74 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   13   14   15   16   17   18   19   20   ...   67




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương