An Mai Đỗ O. Cist



tải về 0.63 Mb.
trang20/21
Chuyển đổi dữ liệu26.12.2017
Kích0.63 Mb.
#35092
1   ...   13   14   15   16   17   18   19   20   21

12.CĂN TÍNH


Nếu hiểu căn tính là nguồn gốc và bản chất của con người thì chúng ta chỉ có câu trả lời trong Thiên Chúa. Thánh Phaolô đã khẳng định rằng: “Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ…Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử…” (Ep 1,4-5) Do tình thương, Thiên Chúa đã cho ta hiện hữu và làm nghĩa tử của Người.

Thật thế, mỗi chúng ta được Thiên Chúa sinh ra hai lần: lần trước, từ muôn thưở, trong trí năng của Người; lần sau, Người cho ta hiện hữu trong thời gian. Do đó, chúng ta có nguồn gốc thần linh. Bản tính của sự thiện là trào tràn và tình yêu là thông ban, chúng ta cũng được sinh ra từ đó. Chúng ta được rút ra từ vinh quang của Người. Thế nên, chúng ta cũng được mời gọi sống để làm vinh danh Chúa ngay chính trong hoàn cảnh hiện tại của mình.

Là tu sĩ, với ý thức nguồn gốc thần linh của mình, tôi khao khát sống đời hoàn thiện như Thiên Chúa là Đấng Hoàn Thiện. Tôi là một tia sáng phát từ vinh quang Người. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nhắc nhở rằng: “Các con hãy sống trọn cuộc hiến dâng cho Chúa, để thế giới này đừng mất đi một tia sáng chiếu ngời vẻ đẹp của Thiên Chúa trên đường đời nhân loại”.(56) Mỗi người đều có nét độc đáo và duy nhất không thể thay thế trong chương trình của Chúa. Vì thế, mọi nỗ lực xây dựng nhân cách đời tu phải được xây dựng trên nền tảng này là Thiên Chúa sinh ra tôi trong tình thương vô biên của Người. Và việc tôi hiện hữu trên đời là dấu chứng của tình Chúa yêu tôi. Khi thiết lập tương quan liên vị thân tình với Thiên Chúa dần dà tôi sẽ nhận ra tiếng nói yêu thương của Người trong gió hiu hiu hầu có thể tiếp tục dấn thân triệt để trong tư cách là nghĩa tử của Người.

Như chúng ta đã biết, câu Kinh Thánh làm tiền đề cho mọi suy tư thần học về con người là: “Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh Ngài”. Theo truyền thống các Giáo Phụ, lý trí và tự do của con người là hai phẩm tính tạo nên việc con người giống hình ảnh Thiên Chúa. Thiển nghĩ, câu nói này còn mang ý nghĩa biểu tượng.

Thật vậy, con người giống hình ảnh Thiên Chúa, con người này trước tiên được hiểu là Đức Kitô như lời thánh Phaolô đã nói: “Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình” (Cl 1,15). Con giống Cha, ấy là điều hợp lẽ tự nhiên. Nếu Đức Kitô là con Chúa Cha theo bản tính thì con người cũng được nhận làm con do ân sủng Đức Kitô mang lại.

Cũng từ câu Kinh Thánh này, con người nhận ra những ơn huệ Thiên Chúa ban hầu giúp họ sống và làm sáng tỏ hình ảnh của Người trong cuộc sống mình. Thật vậy, như lời thánh Phaolô khẳng định: “…những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người (Rm 8,29). Chúng ta cần dừng lại ý nghĩa của câu nói này để hiểu rõ hơn mặc khải của Thiên Chúa khi nói: Ta dựng nên con người giống hình ảnh Mình. Đúng thế, khi Người biết từ trước tiền định, nghĩa là Người đặt để lòng khát khao nơi con người muốn nên đồng hình đồng dạng với Con của Người (giống hình ảnh Thiên Chúa).

Như thế, chỉ từ câu Kinh Thánh trong sách Sáng Thế, ngay từ đầu Thiên Chúa đã muốn mặc khải căn tính của con người để từ đó, với ý thức là nghĩa tử, mỗi người sống trọn vẹn ơn gọi của mình ở trần gian để mỗi ngày phác họa rõ nét hình ảnh của Thiên Chúa trong cuộc sống mình.

Vậy chúng ta hiểu sao khi có người nói đến việc các tu sĩ phải giữ căn tính đời tu của mình ? Từ những gì vừa trình bày, chúng ta nhận ra rằng con người có chung một căn tính, nghĩa là có nguồn gốc từ Thiên Chúa. Còn bản chất của mỗi người sẽ tạo nên sự khác biệt của mỗi nhân vị.

Đúng thế, căn tính ở đây, được giải thích là nguồn gốc bản chất. Nếu xét theo nguồn gốc thì con người chỉ có chung một nơi phát xuất. Còn xét theo bản chất, thì mỗi người cũng đều mang hình ảnh Thiên Chúa trong mình, chỉ có khác là cách thể hiện ra bên ngoài, điều này tùy thuộc vào khí chất, di truyền, ý chí, hoàn cảnh…tạo nên một con người điển hình. Nói cách khác, chính nhân cách của mỗi người tạo nên sự khác biệt, độc nhất, duy nhất trong tổng hòa của nhân vị đó. Từ cách hiểu này, nhân cách nói chung và nhân cách đời tu nói riêng, phải đặt dưới nền tảng căn tính này. Vì mỗi người phải nhận ra: bản thân hiện hữu nhờ đâu, rồi từ đó, khả dĩ xây dựng nhân cách của mình. Một nhân cách không dựa trên căn tính của mình là một nhân cách “hời hợt”.

Xét cho cùng, căn tính đời tu chỉ hiểu theo một nghĩa rất giới hạn trong bản chất của con người. Ngày nào các tu sĩ con chăm chú, ý thức giữ vững những lời khuyên Phúc Âm, ngày đó, họ còn giữ được căn tính đời tu của mình. Ngày nào các tu sĩ còn sống trung thành và sáng tạo theo đặc sủng của Dòng, ngày đó, họ còn sống theo tinh thần Về nguồn của công đồng Vatican II. Khi ấy, nhân cách đời tu của họ cũng được phát huy và đời sống cộng đoàn nơi họ sống cũng được triển nở.


13.NHÂN CÁCH ĐIỂN HÌNH

13.1.Thánh Phanxicô thành Assisi


Tuổi thơ của cậu được sự bao bộc của người mẹ và sự giáo dục nghiêm khắc của người cha. Cậu nhận được lòng bao dung, sự nhạy bén của người mẹ; đồng thời, cậu nhận được sự tự lập và tính quyết đoán của người cha. Đó là ưu thế giúp cậu phát triển nhân cách lành mạnh. Cộng thêm, hoàn cảnh gia đình giàu có, cậu ít khi bị tự chối một nhu cầu chính đáng nào. Thế nên, cậu dễ dàng sống với những ý nghĩ của bản thân, ít bị dồn nén trong đời sống nội tâm. Ngoài ra, với tư chất vốn hướng ngoại và trực giác, cậu dễ dàng sống hài hòa với mọi tương quan. Với những ưu thế đó, cậu lớn lên trong tình thương của mọi người.

Tuy nhiên, từ khi đón nhận tiếng Chúa tại nhà nguyện Damiano, chàng thanh niên Phanxicô đã quyết định chọn con đường dấn thân triệt để cho Thiên Chúa. Quyết định này đòi buộc việc từ bỏ gia đình. Hơn nữa, chàng phải cự tuyệt với cha do không thực hiện ước nguyện của cha là trở thành một thương gia. Nhờ quyết tâm sống trọn cho Thiên Chúa mà nhân cách của chàng đã định hình trong đời tu. Chàng biết rằng khi quyết định chọn đời tu là phải đặt Thiên Chúa trên tình cảm gia đình. Chính khi chấp nhận thực tế đó, chàng chọn sống tự lập. Ấy là một lợi thế giúp chàng định hình nhân cách.

Sống trong thời đại mà Giáo hội lẫn xã hội đều phồn thịnh, xa hoa, điều này đã tạo trong tâm khảm chàng một sự trống rỗng, vô vị của những tiện nghi vật chất. Từ đó, chàng đã quyết định sống với thao thức thuộc trọn về Chúa bằng cách từ bỏ mọi sự, kết duyên với Bà Chúa Nghèo. Chắc hẳn, không phải dễ dàng mà ngài quyết định như thế, ngài đã phải trải qua một sự giằng co khốc liệt trong tâm hồn để có thể tìm ra cho mình một linh đạo vui sống nghèo và lấy Bà Chúa làm lẽ sống. Với mảnh áo mỏng manh trên người, chàng hát khúc ca yêu đời, đồng thời, cảm tạ hồng ân của Chúa vì được sống hạnh phúc và thanh thoát trong cảnh nghèo. Tấm áo lấm bụi đường không làm phai nhạt tư cách người hành khất, trái lại, còn làm nổi bật thái độ từ bỏ triệt để nơi chàng. Từ đây, khúc ca yêu đời như lời mời gọi mọi người sống nghèo để chiếm trọn tình yêu của Thiên Chúa.

Nhân cách lành mạnh ấy cũng lôi kéo một nhóm người đi theo mình. Từ đó, ngài bắt đầu nghĩ ra những qui tắc hướng dẫn đời sống họ. Vì người ta không phải sống nghèo để bần cùng hóa nhân loại nhưng sống thanh thoát với tất cả tình yêu hiến dâng. Để cuối cùng, họ chiếm đoạt Chúa là hạnh phúc đích thực đời mình.

Bề ngoài, do tư chất lạc quan, ngài cởi mở với mọi tương quan. Thiên nhiên trở thành người anh, người chị, nghĩa là chiếm một chỗ đứng quan trọng trong đời sống bản thân. Điều này được chứng thực qua Bài ca tạo vật. Còn với mọi người, ngài trở thành người hòa giải; thế nên, ngài được mệnh danh là sứ giả hòa bình. Thật vậy, vào những ngày cuối đời nằm trên giường bệnh, ngài không ngừng thao thức để Đức Giám Mục và ông thị trưởng ở Assisi làm hòa với nhau. Thiện chí ấy đã được Chúa chúc lành. Như thế, ngài đã thêm vào nhân cách mình nét đẹp của một người bao dung, muốn ôm trọn mọi hiện hữu trong tình yêu của Thiên Chúa. Điều này thể hiện phần nào chiều sâu nội tâm của con người ngài.

Đúng thế, ngài thiết lập một tương quan liên vị thân tình với Chúa. Những thị kiến ngài nhận được là bằng chứng xác thực cho một tâm hồn thuộc trọn về Chúa. Và gần hai năm cuối đời, ngài được phúc nhận năm dấu thánh, được chia sẻ những đau khổ của Đức Kitô trên đồi Calvê. Đồi này trở thành điểm hẹn thường xuyên giữa Chúa và linh hồn ngài. Nỗi đau trên thân xác và bản thân bị mù lòa không cướp đi niềm vui của một con người lạc quan yêu đời, trái lại, chính khi bản thân chịu nhiều đau đớn và cả cái chết gần kề lại là cơ hội giúp ngài thể hiện ý chí anh hùng, một nhân cách cao thượng.

Ngoài ra, với một ý thức lớn lao trong đời sống tính dục, ngài đã thiết lập một tình bạn thắm thiết với thánh Clara để cùng nhau đưa nhiều linh hồn đến gần Chúa. Đó là dấu hiệu tích cực của một nhân cách đích thực. Thật vậy, một nhân cách lành mạnh luôn ý thức căn tính của mình, đồng thời, sống hài hòa với mọi tương quan.

Tóm lại, nhân cách nơi thánh Phanxicô mang đậm niềm vui của một người đã được giải thoát khỏi mọi của cải vật chất và những hào nhoáng bên ngoài. Chính tình yêu của Đấng chịu đóng đinh đã thúc bách ngài sống một cuộc đời tràn ngập niềm vui. Chính niềm hy vọng vào Đấng Phục sinh đã củng cố cho cuộc từ bỏ triệt để nơi ngài. Có thể nói, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân, gặp lại chính nhân cách đích thực của mình trong Đấng Phục sinh.




tải về 0.63 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   13   14   15   16   17   18   19   20   21




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương