An Mai Đỗ O. Cist



tải về 0.63 Mb.
trang13/21
Chuyển đổi dữ liệu26.12.2017
Kích0.63 Mb.
#35092
1   ...   9   10   11   12   13   14   15   16   ...   21

7.TRƯỞNG THÀNH ĐỜI TU


Có nhiều cách tiếp cận trong việc thực hành trưởng thành đời tu: sống triệt để các lời khuyên Phúc Âm hoặc tập những nhân đức cần thiết cho việc tăng trưởng đời tu…Đó là lối tiếp cận theo tu đức, điều này rất ích lợi nhưng xem ra còn mang tính truyền thống cao, có thể còn đấy những giới hạn mà ngành tâm lý học đã vạch ra. Thật vậy, những động lực từ trong vô thức có thể chi phối những hành vi đạo đức của chúng ta. Nó vạch ra những điểm tối mà đời sống tâm linh phải đối diện. Thiết tưởng, chúng ta sẽ khởi đi từ những năng lực tinh thần trong con người: cảm xúc, lý trí ý chí. Những nội lực này chi phối toàn bộ đời sống thể lý, tâm lý và tâm linh của con người.

7.1.Cảm xúc


Có thể nói, cảm xúc đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình trưởng thành đời tu. Một tu sĩ trưởng thành đòi buộc phải biết làm chủ cảm xúc của mình. Có hai loại cảm xúc: tiêu cực tích cực.

Có nhiều tu sĩ cho rằng cần dồn nén và che giấu những cảm xúc tiêu cực. Thực tế cho thấy, họ trở thành những người thô bạo hay vô cảm. Thật vậy, mỗi người có một nhân sinh quan riêng được tạo nên do cá tính, di truyền, môi trường, văn hóa…cần được người khác lắng nghe và tôn trọng. Nhưng một khi nó bị tổn thương cách nào đó khiến chủ thể phải dồn nén do tính nhân bản đòi hỏi. Do không được hóa giải kịp thời, có thể gây ra sự chống đối ngầm trong cộng đoàn làm rạn nứt tình huynh đệ. Vì biết mình yếu thế, họ lại lôi kéo các liên minh tạo nên một làn sóng chống đối. Họ đi từ cảm xúc tiêu cực này đến tình trạng nô lệ khác. Đến một lúc nào đó, họ trở nên vô cảm trước mọi lời nói và hành động của tha nhân. Đây là một mối đe dọa lớn làm cản trở việc hình thành nhân cách. Chứng dồn nén và vô cảm này có thể giữ lại dấu vết trên thể lý như ung nhọt, hen suyễn, viêm khớp, huyết áp cao hay suy tim.(41)

Ngoài ra, chúng ta cần ghi nhận những hệ lụy của một giai đoạn đào tạo ứng sinh linh mục hay các tu sĩ. Họ dồn nén cảm xúc vì nghĩ rằng bước vào đời tu, họ không được sống với những cảm xúc của mình. Dần dà, họ như những “thiên thần” không biết cảm thương, như những pharisêu không biết rung cảm trước những nỗi khổ của người khác. Cuối cùng, họ trở thành những người ‘độc thân khó tính”. Hậu quả là họ trở thành những người bù trừ trong rượu chè hay hành vi tính dục…(42)

Như thế, chúng ta phải hiểu việc làm chủ cảm xúc tùy thuộc thái độ đối diện với chính mình. Bạn là mẫu người nào ? Cần trang bị những gì để đối diện với tình huống này, tình thế kia ? Giai thoại về thánh Clêmentê sẽ mang lại cho bạn nhiều điều thú vị: Một hôm, thánh nhân quyết đi khắp thành phố để kêu gọi mọi người thương giúp đỡ những đứa trẻ bụi đời. Ngài đến một quán nhậu và cũng như mọi khi ngài mời gọi họ ủng hộ. Nhưng thay vì họ mở hầu bao để giúp đỡ lại khạc nhổ vào mặt ngài. Thánh nhân bình tỉnh lấy khăn ra để lau mặt và nói: “Đó là phần anh dành cho tôi, còn phần của những đứa bé bụi đời thì sao ?”

Qua đó, chúng ta thấy rõ chính thiện chí của thánh nhân giúp bản thân tự chủ trước những cảm xúc tiêu cực của người khác. Còn những cảm xúc tích cực thì có những đòi hỏi khác.

Thật vậy, đôi khi vì chúng ta phấn chấn khi dâng trào những cảm xúc yêu thương mà không làm chủ những hành vi của mình. Cũng cùng một cảm xúc tích cực nhưng hai người lại có những biểu hiện khác nhau tùy khả năng nhận thức mỗi người: niềm vui của một bác nông dân chắc hẳn khác biệt với niềm vui của một nhà tri thức; sự hồ hởi, phấn khởi của bác nông phu khác với niềm vui của bậc quân tử. Có những người vui quá mất khôn như vua Hêrôđê vì quá khích mà hứa cho cả nửa nước. Cuối cùng, ông phải đánh đổi hủ cốc của thánh Gioan Tẩy Giả (x. Mc 6,21-29).

Như thế, một người có khả năng làm chủ cảm xúc không có nghĩa là giữ mức “trung dung”, một vừa hai phải, nhưng là phải có khả năng đọc được những dấu chỉ trong từng biến cố và nhờ sự hiểu biết bản thân và tha nhân phần nào mà họ có thể thành công.

Ngoài ra, như chúng ta đã khẳng định cảm xúc thuộc nội lực tinh thần nên nó là thước đo của chiều sâu đời sống nội tâm. Nhờ cảm xúc, chúng ta có thể lắng nghe sự trao đổi giữa Thiên Chúa và bản thân. Nghĩa là chúng ta lắng nghe ân sủng đang hoạt động trong mình. Và khi đón nhận ân sủng ấy, chúng ta có thể đáp lại cảm nghĩ và cảm xúc của mình bằng một hành vi thích hợp.(43) Có thể nói, khi biết lợi dụng cảm xúc như những dòng nước tuôn trào, chúng ta có thể quét đi và dẹp bớt những phiền muộn, đồng thời gia tăng và phát huy những niềm vui trong cuộc sống. Cảm xúc có thể chóng qua nhưng hiệu quả của nó vẫn còn âm ỉ và khắc ghi trong từng kinh nghiệm của kiếp nhân sinh.

Tóm lại, dù là cảm xúc tiêu cực hay tích cực, nếu biết tận dụng tối đa, nó sẽ là những cơ hội giúp bản thân thánh hóa ngày sống trong cộng đoàn nhờ tác động của Chúa Thánh Thần. Thật vậy, biết làm chủ cảm xúc giúp ta thăng hoa cuộc sống. Những cảm xúc kết nối thành những mắc xích kéo dài ngày sống diễn tả những hoa quả của Thần Khí: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, và tiết độ ( Gl 5, 22-23).

7.2.Lý trí


Lý trí bao gồm khả năng hiểu biết của con người. Hiểu biết thì vô cùng, tuy nhiên, không phải sự hiểu biết nào cũng giúp cá nhân hình thành nhân cách. Mọi quá trình phát triển đều xuất phát từ bản thân, thế nên, biết mình là điểm tựa cho mọi hiểu biết. Theo Carl Jung, biết mình là một yếu tố quan trong đối với sức khỏe của linh hồn, cho nên phải xem việc biết mình như một nhiệm vụ tôn giáo.(44) Như thế, hiểu biết phải nhắm đến đối tượng là Sự Thật mà nó đã được mặc khải tiệm tiến trong từng kinh nghiệm bản thân trong từng khoảnh khắc cuộc sống. Trong tập sách nhỏ Đất bỗng hóa tâm hồn, chúng tôi đã trình bày cách khám phá bản thân theo quan điểm của nhà tâm lý học C.Jung. Ở đây, chúng ta bàn đến chủ đề biết mình để nhằm trả lời cho vấn nạn của con người thời đại đặt ra: biết mình, yêu mình là một cách sống của những người ích kỷ ?

Như chúng ta đã biết những người ích kỷ là những người yêu mình quá đáng và qui mọi sự về cho mình. Còn yêu mình hiểu theo nghĩa đúng đắn nhất thì nó là nhu cầu chính đáng trong đời sống con người. Như thế, đâu là giới hạn và chuẩn mực để đánh giá việc yêu mình đúng đắn. Nếu yêu mình để rồi co cụm trong bản thân mình thì đó là những người theo chủ nghĩa tự kỷ; còn những ai biết mình, yêu mình ngỏ hầu mở ra với mọi tương quan thì đó là một nhu cầu chính đáng.

Yêu mình, trước tiên là đánh giá tích cực về bản thân mình. Tất nhiên, là người, ai cũng có những ưu thế và những hạn chế nào đó. Những ưu thế có thể là những dữ kiện chính xác giúp bản thân tự đánh giá tích cực về bản thân. Trong khi đó, làm sao những hạn chế, hơn nữa, là những yếu đuối sa ngã lại được đánh giá tích cực ? Phải chăng đó là một ảo tưởng hay là sự tự lừa dối ? Thật ra, những bóng tối trong cuộc sống luôn tồn tại nhưng chỉ những ai dám đối diện với thực tại đau thương ấy và tìm cách chữa lành thì nó sẽ trở thành những kinh nghiệm tích cực giúp xây dựng nhân cách lành mạnh. Thật vậy, chỉ những người bản lĩnh mới dám thốt lên “tội hồng phúc”. Như thế, trong mọi hoàn cảnh, chúng ta luôn có thể nhìn mọi sự với một nhãn giới lạc quan yêu đời.

Kế đến, yêu mình là sống tự tin, tin tưởng vào bản thân mình. Có những người thiếu thực tế, họ đặt ra những mục tiêu quá cao khiến bản thân không đạt được như ý nguyện; cuối cùng, họ chán nản thất vọng. Thật ra, chính những cọ xát trong kinh nghiệm đời sống mà con người dễ vượt qua và chinh phục những đỉnh cao. Sự tự tin được xây dựng từ những thành công nhỏ. Mỗi thành công nhỏ là một bước vượt qua nhỏ. Mỗi bước vượt qua nhỏ là đạt được một cuộc chinh phục nhỏ. Mỗi cuộc chinh phục nhỏ là một khám phá mới giúp bạn tự chủ và sáng tạo bản thân. Sự tự tin của bạn cũng từ đó được thành hình. Đôi khi, bạn cần tự thưởng mình sau những chặng đường vượt qua. Vì đó là lối thoát của những căng thẳng và là cách tái lập sự tự tin.

Xét trên bình diện thể lý, yêu mình được thể hiện qua việc chúng ta chăm sóc bản thân. Khi có một dấu hiệu bệnh tật bên ngoài hoặc bên trong, ấy là lúc ta chưa yêu mình đủ. Thật vậy, nếu bệnh tật phần lớn do thức ăn thì việc bạn ăn uống không đúng cách khiến vương hại đến sức khỏe bản thân. Điều này qui kết cho việc bạn chưa hiểu biết đủ về những nhu cầu của bản thân. Bạn cần biết rằng phần lớn một nhân cách lành mạnh được triển nở nơi một thân thể cường tráng. Ngoài ra, nguyên nhân bệnh tật còn do những sinh hoạt thất thường, những cố tật thiếu lành mạnh làm mất thăng bằng trong nhịp sống hằng ngày. Chẳng hạn, như việc ăn nhậu thâu đêm suốt sáng, cờ bạc, ma túy…Những đam mê quá độ và lệch lạc này, một cách trực tiếp hủy hoại bản thân. Tất nhiên, những hành vi hủy hoại thân thể như thế ảnh hưởng trực tiếp đên tiến trình hình thành nhân cách. Nếu như thể lý còn đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách thì yếu tố tâm lý lại càng mang tính hệ trọng hơn.

Thật vậy, nhắc đến chiều kích tâm lý, người ta nghĩ ngay đến đời sống cảm xúc. Chúng ta cần lắng nghe những thông điệp phát ra từ bản nhạc cảm xúc của mình. Vì mỗi tư tưởng hình thành trong đầu bạn đều kèm theo một cảm xúc nào đó. Suy nghĩ của bạn tích cực dễ sinh ra những cảm xúc tích cực và một khi được diễn tả qua thân xác, nó truyền thông một sứ điệp nào đó giúp xây dựng đời sống nhân cách của mình, đồng thời, làm đẹp cuộc sống quanh ta. Trái lại, những tư tưởng và cảm xúc tiêu cực sẽ làm rối loạn và lệch lạc nhân cách bản thân.

Ngoài ra, phải kể đến trí tưởng tượng trong đời sống tâm lý. Bạn có tin rằng những điều bạn tưởng tượng trong đầu lại là những thực tại bạn phải đối diện không ? Thật vậy, Denis Waitley thật chí lý khi nói: “Trí tưởng tượng của bạn là tiền cảnh về những điều hấp dẫn của cuộc đời sắp đến”. Một số người có trực giác ấy, họ rất tự tin vì đã lường trước phần nào sự thể xảy ra. Trái lại, những người thiển cận, họ trở nên lúng túng và ngỡ ngàng vì những gì xảy ra quá mới mẻ với họ. Như thế, có thể nói trí tưởng tượng gắn liền với một ký ức đã qua và nhờ những kinh nghiệm cọ xát trong quá khứ, họ chủ động hơn trong mọi tình huống. Hơn nữa, trí tưởng tượng còn vẽ ra trong bạn những hình ảnh lý tưởng và nhờ bản lĩnh cộng thêm năng lực bản thân mà bạn dễ dàng đạt đến nhân cách toàn vẹn. Để tránh tình trạng ảo tưởng, chúng đòi buộc bạn phải hiểu biết bản thân đúng và đủ hầu lượng giá xem điều gì hữu ích và thích hợp cho mình, rồi cứ thế mà triển khai nhờ các cơ hội xảy đến trong cuộc sống. Chắc hẳn, những gì chúng ta đã trình bày trong phần này sẽ được bổ sung từ chiều kích tâm linh.

Tâm linh, ở đây, được hiểu là một đời sống có Chúa và thuộc về Người. Có thể nói, Chúa chính là tác giả trong việc hình thành nhân cách tôn giáo và đời tu. Thật vậy, chúng ta chỉ có thể giải thích về nhân phẩm, nhân vị, nhân cách và ngay cả căn tính của mình trong Đức Kitô. Chính Người đã lấy máu mình mà chuộc lại hình ảnh của Thiên Chúa nơi chúng ta. Thánh Augustinô thật có lý khi cầu nguyện: xin cho con biết con và xin cho con biết Chúa. Hai sự hiểu biết này đều qui về đời sống tâm linh. Đúng thế, tự sức chúng ta cũng không có thể đi vào chiều sâu của bản thể mình nói gì đến việc dò thấu tình yêu dài rộng cao sâu của Thiên Chúa. Quả thật, chính Người là tác giả thanh luyện chúng ta trong hành trình tâm linh. Chính Người là tác giả nhào nắn toàn diện con người của chúng ta trong tiến trình hình thành nhân cách đích thực.

Tóm lại, ba chiều kích thể lý, tâm lý và tâm linh, phải được phát triển trong toàn bộ sinh hoạt của mỗi người. Nhờ việc biết tự chủ tạo thế quân bình trong đời sống mà càng ngày bản thân tự tin hơn và đánh giá tích cực về hình ảnh chính mình. Có thế, lý trí được phát huy tối đa nhằm đạt đến Chân Lý, là đích điểm của mọi nhân cách thành toàn.



tải về 0.63 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   9   10   11   12   13   14   15   16   ...   21




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương