An Mai Đỗ O. Cist


NHỮNG THÁCH ĐỐ CHO ĐỜI TU NGÀY NAY



tải về 0.63 Mb.
trang2/21
Chuyển đổi dữ liệu26.12.2017
Kích0.63 Mb.
#35092
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   21

1.NHỮNG THÁCH ĐỐ CHO ĐỜI TU NGÀY NAY


Đọc lịch sử linh đạo các dòng tu, chúng ta nhận ra rằng mỗi thời đều mang đặc nét riêng mà đòi hỏi người đương thời phải đọc ra được dấu chỉ thời đại nhằm thích ứng, hội nhập và đảm nhận chính đời sống mình, để trong mọi thời luôn có những tâm hồn tận hiến phục vụ cho Nước Trời. Nhưng không tránh được những thách đố do yếu tố ngoại tại và nội tại tác động đến đời tu, chung qui, nó bao gồm 3 điểm: Danh, lợi thú. Ba mối thị dục này luôn đeo bám con người nhưng nó lại mặc những hình thức mới. Đây là điều cần chúng ta làm sáng tỏ.

1.1.Danh


Danh được hiểu là danh tiếng, như việc được mọi người biết đến. Có bao nhiêu người thì cũng có bấy nhiêu cách thể hiện mình để mọi người biết đến. Ở đây, chúng ta chỉ đưa ra những mẫu số chung khi dựa vào những lập trường của một số nhóm đang thịnh hành mà chúng tạo nên làn sóng này, làm nên những thách đố cho con người ngày nay. Trước tiên, chúng ta bàn đến nhóm chủ trương vô thần.

1.1.1.Chủ nghĩa vô thần


Chủ nghĩa vô thần được hiểu là những người không tin có Thượng Đế hay thần thánh nào. Khi họ không tin rằng có một ai trên họ thì cách mặc nhiên họ là thượng đế cho chính mình. Từ đó, họ tạo uy thế và dùng mọi cách kể cả thủ đoạn để gây ảnh hưởng trong cộng đồng họ đang sống. Thái độ trịch thượng này cũng đi vào dòng tu với một hình thức đầy thánh thiện. Thật vậy, nhân danh sự thánh thiện, họ thể hiện hết tài năng mình có để phục vụ cộng đoàn nhưng trên thực tế, họ muốn mọi người nhìn nhận khả năng xuất chúng của họ và họ nghĩ rằng không có mình thì chẳng có việc gì thành.

Người theo chủ nghĩa vô thần chỉ đánh giá con người dựa trên những gì người khác làm được và chiếm hữu, thế nên, phẩm giá con người chỉ dựa vào tầm ảnh hưởng mà họ tạo nên. Với cách đánh giá ấy, họ đã tạo nên sự ngăn cách giữa người với người vì tôi là một người nổi tiếng, còn anh chỉ là dân nghèo. Lối sống ấy cũng xâm nhập vào cộng đoàn dòng tu như một cách thức đánh giá con người: tôi xuất thân từ gia đình đạo đức truyền thống, còn anh chỉ là tên đạo theo. Như thế, họ tìm mọi cách để nâng mình lên khi dựa vào những yếu tố ngoại tại mà quên rằng mọi người đều đáng tôn trọng vì mang hình ảnh Thiên Chúa. Ngoài ra, vì những tu sĩ này trông chờ sự đánh giá cao của mọi người nên không ngừng làm việc như thể đó là cách giúp họ khẳng định bản thân.

Một trong những hệ quả rút ra từ chủ trương này: sự tự do. Vì không tin có Thiên Chúa nên họ đưa con người đến tột đỉnh, tự do con người là tuyệt đối. Trong khi không tin có Thiên Chúa, họ lại tìm giết Ngài để con người hoàn toàn tự do. Đó là mâu thuẫn của những người chủ trương vô thần. Vả lại, thực tế cuộc sống cho thấy, con người hữu hạn không thể có tự do vô hạn. Bằng chứng là con người chết trong khi những dự phóng chưa được hoàn thành…Thế mà những nghịch lý ấy lại đi vào trong dòng tu với một logic nhân danh nhân vị con người. Tôi phải thực sự sống tự do theo tư duy của bản thân tôi. Đó là cách duy nhất tôn trọng nhân vị con người. Chẳng ai ép tôi đi tu, nghĩa là tôi hoàn toàn tự do chọn đời sống này. Cứu cánh của tự do là nhằm đạt đến hạnh phúc mà họ không hạnh phúc là do đâu ? Tại bản thân hay tại cộng đoàn dòng tu ? Đây là một trong những thách đố lớn nhất của các tu sĩ thời nay.

Ngoài ra, ngày nay một số tu sĩ nhân danh cộng đoàn, để “đánh bóng” cái tôi của mình; họ nhân danh sự thánh thiện để loại trừ người anh em. Còn nói mạnh như cha Anthony de Mello: họ nhân danh Thiên Chúa để giết chết Thiên Chúa.

Tóm lại, danh, danh dự, danh tiếng… là những thách đố luôn đặt ra cho mỗi tu sĩ mọi thời cách riêng thời đại chối từ Thiên Chúa. Chúng ta cần ghi nhận lời quả quyết của Đức Bênêdictô XVI: “ Chủ thuyết nhân bản loại Thiên Chúa là một chủ thuyết phi nhân bản”.(3)

1.1.2.Quyền lực


Nếu danh tiếng giúp tạo tầm ảnh hưởng cho bản thân thì quyền lực là phương tiện họ dùng để thống trị. Quyền lực là lời phán quyết từ trên cao, thế nên, nó kèm theo một thái độ tự cao tự đại. Người cầm quyền trở thành trung tâm vũ trụ, trung tâm quyền lực mà không một đối thủ nào không chịu khuất phục. Điều này làm cho người dưới quyền tỏ thái độ “bằng mặt hơn bằng lòng”. Thái độ giả dối này có thể dần dà làm băng hoại một tập thể tự bên trong. Nếu thói cậy quyền lại áp dụng trong một dòng tu thì cộng đoàn ấy không tránh những bất hoà chia rẽ. Thật vậy, khi quyền lực được ban bố cho một số kẻ kém tài yếu đức thì họ sẽ lạm quyền và hành quyền trên người khác vì chủ đích riêng của họ. Thay vì, dùng quyền để làm đấng trung gian giúp mọi thành viên trong cộng đoàn nhận ra ý muốn của Chúa, họ lại tìm mọi cách để khẳng định bản thân. Như thế, quyền lực trở thành một phương tiện giúp người ta “sống trên” kẻ khác.

Có thể nói, quyền lực là nỗi ám ảnh của mọi cộng đoàn. Do truyền thống gia trưởng, các cộng đoàn nam dễ bị cám dỗ về quyền lực hơn. Thay vì dùng quyền lực để phục vụ mọi người, họ lại nghĩ đến quyền lợi mà chức vụ mang lại nhiều hơn. Điều này khiến cộng đoàn thiếu sự hiệp nhất của một “đầu”. Thay vì dùng quyền lực để giúp người khác lớn lên, bề trên lại dùng những “chiếc roi hà khắc” giáng mạnh trên đàn chiên. Như thế, sự sợ hãi đã làm thui chột phần nào tài năng của mọi người, và dần dà cộng đoàn mất đi tính sáng tạo và dấn thân triệt để.

Ngoài ra, một hình thức biểu dương quyền lực khác nằm nơi cửa miệng của những kẻ ngụy biện. Họ lấy ba tấc lưỡi mà lèo lái người khác theo ý riêng của họ. Họ vui thích vì sự thán phục của người khác mà không chút quan tâm sự tiến triển của cộng đoàn. Xét cho cùng, quyền lực chỉ là phương tiện giúp họ khẳng định “cái tôi”.

1.2.LỢI

1.2.1.Chủ nghĩa duy vật


Với chủ trương mọi sự đều từ vật chất mà ra, điều này kéo theo chủ trương con người sẽ tìm được hạnh phúc đích thực trên thế gian này (thiên đàng trần thế). Từ đó, con người ra sức tìm thoả mãn nơi vật chất vốn chóng qua. Chúng ta không khẳng định rằng họ đang đi tìm hạnh phúc giả trá nhưng hạnh phúc của họ chóng qua và vô thường như bản chất vốn có của sự vật vậy. Đúng thế, chúng ta chỉ cần đưa ra một lý luận đơn giản để thấy rằng sự bất tương xứng giữa hạnh phúc thực sự và bản chất của vạn sự hữu hình. Thật vậy, hạnh phúc thuộc giá trị tinh thần và nó chỉ tương xứng với khát vọng thuộc về tinh thần. Bởi đó, vật chất có cao cả đến đâu cũng không sao thoả mãn thích đáng cho khát vọng của con người. Ngay cả con người là tạo vật ưu việt nhất cũng không thể mang đến hạnh phúc đích thực cho con người. Như thế, chúng ta đã rõ chủ nghĩa duy vật đã nguỵ biện hầu xoa dịu những khát vọng sâu xa của con người bằng những sự đời này. Hậu quả là đã có những người tự vẫn trên chính đóng vàng kết xù của mình, bởi vì không tìm được hạnh phúc thực sự và ý nghĩa cuộc đời.

Quan sát kỹ trong các dòng tu, chúng ta cũng dễ nhận ra những người mặc nhiên theo chủ trương này khi họ lấy vật chất làm đủ và cảm giác an toàn khi được sống một ngày bình yên trong cộng đoàn. Sự an toàn tạm bợ này sẽ được vạch trần khi mà cộng đoàn không còn khả năng đáp ứng cho những yêu sách của họ nữa ! Họ tiếp tục ra đi để kiếm một nơi chốn với những con người nhiệt tình phục vụ cho những yêu sách của họ. Có những tu sĩ về già do thiếu đức tin, họ đi tìm sự an toàn trong vật chất. Mặc dù, bề trên không để họ thiếu sự gì hầu giúp họ sống sung mãn đời tu, nhưng sự nghèo đói của tuổi thơ vẫn đeo bám họ.

Cũng từ lập luận trên, khi coi mọi sự đều từ vật chất mà ra, những người chủ trương duy vật xác quyết rằng chỉ có thiên đường ở trần gian. Thật vậy, nếu vật chất có thể làm thoả mãn khát vọng hạnh phúc của con người thì cần gì đến đời sau. Bởi đó, người ta chỉ có một thiên đường tại thế. Lập luận đó, đã kéo trì họ trong sự tù túng của thế gian này. Và rồi họ cảm thấy bất lực khi đối diện với những vấn đề gai góc của cuộc sống như đau khổ, sự chết…Thái độ này chúng ta cũng nhận thấy nơi một số tu sĩ khi họ không khát khao Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài mà chỉ quay quắt trong sự hào nhoáng của thế gian. Đối với họ, khát khao nên hoàn thiện là một điều xa xỉ mà người ta chỉ trang điểm cho đẹp mắt người khác thôi ! Khi cộng đoàn gặp khó khăn họ sẽ là người tiên phong trong cuộc tìm kiếm một vùng đất mới khả dĩ thoả mãn những yêu sách của họ.

Xét cho cùng, không nơi nào là hạnh phúc cho người chủ trương duy vật vì thế gian là thiên đàng mộng tưởng.


1.2.2.Chiếm hữu


Hạnh phúc của người đam mê chiếm hữu là tìm kiếm những sự khác thường. Những gì thế gian có, tôi cũng có, ấy là lẽ thường. Thế nên, họ tìm mọi cách để thu quén vì đối với họ: cái lợi lớn nhất là được lời lãi cả thế gian này. Họ tin rằng giá trị của con người tuỳ thuộc những gì họ chiếm hữu được và hạnh phúc hệ tại ở việc được người khác đánh giá là người hữu dụng. Vì thế, họ chạy theo thành tích và làm việc không biết mỏi mệt. Những người có khuy hướng này bước vào đời tu với một khí thế lớn lao vì đây là môi trường thuận lợi giúp họ khẳng định bản thân và thể hiện chính mình là người hữu dụng. Những việc phục vụ bên ngoài đã choán hết giờ để họ có thể sống đời nội tâm và cầu nguyện. Họ sống như một người giáo dân bình thường vì đã mất dần căn tính đời tu, mọi sự qui hướng về Chúa và lấy Chúa làm lẽ sống cho mình.

Hơn nữa, người đam mê chiếm hữu còn muốn chiếm trọn trái tim con người bằng cách chinh phục người khác từ những gì mình sở hữu. Họ sống cho người khác nhiều hơn là cho mình. Xét cho cùng, họ phục vụ người khác để mặc nhiên trục lợi cho mình. Tình yêu vị kỷ này đôi khi giúp họ cảm nhận phần nào yên ổn trong tâm hồn. Một lần nữa, chúng ta nhận ra thái độ này nơi một số tu sĩ chỉ biết tìm kiếm những thuận lợi nhất cho bản thân và sống chết mặc bay. Đôi khi họ tỏ ra cao thượng như một người sẵn sàng xả kỷ nhưng kỳ thực họ muốn chiếm hữu trái tim người khác và điều khiển người khác theo đường hướng của mình.

Tắt một lời, khả năng chiếm hữu là ưu thế của những người này và cái lợi lớn nhất của họ là được lời lãi cả thế gian.



tải về 0.63 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   21




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương