An Mai Đỗ O. Cist



tải về 0.63 Mb.
trang5/21
Chuyển đổi dữ liệu26.12.2017
Kích0.63 Mb.
#35092
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   21

2.4.Cái tôi hình thức


Chúng ta biết rằng hình thức và nội dung là hai mặt bổ sung không thiếu trong một thực tại hữu hình. Nhưng thực tế cho thấy, có những tu sĩ quá chú trọng hình thức đến nỗi quên đi phần nội dung là điều làm nên ý nghĩa của một hiện hữu. Có những tu sĩ tỏ ra dị ứng với những gì thuộc thiêng liêng. Họ thích trau chuốt bộ cánh bề ngoài để thu hút người khác bằng sự đạo mạo của mình. Khuynh hướng này cũng ảnh hưởng đến cách họ đánh giá người khác theo hình thức bên ngoài, thế nên khi hợp tác trong việc mục vụ, tổ chức… họ không thể khám phá ra nội lực của người khác. Xét cho cùng, ngày từ đầu họ là những người hời hợt, không khám phá và đánh giá bản thân đúng mức nên lòng tự trọng của họ dễ bị tổn thương.

Trong cộng đoàn dòng tu, chúng ta cũng thường nghe nói tình trạng một số tu sĩ nín thở qua cầu. Nghĩa là gò mình theo khuôn phép luật lệ nhà dòng trong giai đoạn đào tạo để được người khác đánh giá cao. Có nhiều nguyên nhân giúp giải thích tình trạng này, nhưng ở đây, chúng ta muốn nhấn mạnh đến thái độ hình thức của họ. Họ cố gắng gồng mình theo nhịp sống chung của cộng đoàn mà không biết mình đi đâu; không ước muốn gì hơn là được tồn tại trong cộng đoàn. Họ chịu đựng, dồn nén cho đến khi đạt mục đích là trở thành thành viên chính thức trong cộng đoàn, khi đó, họ bắt đầu đối diện với một cuộc sống vô nghĩa. Quả thật, sống hình thức dần dà dẫn con người đến tình trạng sống không mục đích, mất dần cảm thức siêu nhiên.

Ngoài ra, sợ hãi cũng mang đậm nét thói vụ hình thức. Thật vậy, “bệnh sợ đưa đến thái độ giữ đạo hình thức và tính toán hơn thiệt đối với Chúa. Bệnh sợ cũng làm thui chột năng lực của con người”.(8) Khi nỗi sợ hãi càng trầm trọng, họ càng tạo một uy thế hùng mạnh bên ngoài nhằm bù đắp những yếu đuối bên trong.

Như thế, với mẫu người này, hình thức trở thành thước đo hầu đánh giá bản thân và người khác. Đối với họ, giá trị bản thân được định vị trên những gì người ta làm được và những gì người ta chiếm hữu được. Hình thức là thành phần tuỳ phụ lại trở nên chính yếu, vì với họ, vẻ bề ngoài mang lại thành công cho bản thân.


2.5.Cái tôi tích cực


Có thể nói, đây là một trong những mẫu người có nhiều lợi thế để đạt đến cái tôi đích thực. Nhưng thực tế, cuộc sống luôn phức tạp, biến động và ngoài dự đoán của con người; nếu bản thân không rèn luyện sự nhạy bén trong việc đọc ra dấu chỉ của thời đại cũng khó dẫn đến thành công.

Người sống tích cực luôn nhìn đời bằng cặp mắt màu hồng lý tưởng nên không tránh khỏi những ảo tưởng trong thực tế. Họ bước vào đời tu với một xác tín lớn lao về hình ảnh của những thầy dòng thánh. Nhưng khi sống và va chạm thực tế, họ nhận ra một sự thật phũ phàng: các thầy dòng cũng như những con người khác đang trên đường tu thân, sửa mình và tiến đến sự hoàn thiện.

Nhờ sống tích cực và lạc quan, những người này dễ khám phá và thán phục những nét đẹp, tích cực nơi người khác. Chính sự tự tin và biết mình đúng mức, nó sẽ là lợi thế giúp họ dấn thân không mệt mỏi và dễ dàng kêu gọi sự hợp tác của người khác. Một tu sĩ tích cực luôn mang lại nét yêu đời trong cuộc sống chung; họ hài hước một cách tinh tế và dí dỏm một cách tài tình. Ngoài ra, họ còn là những người tiên phong trong những công việc lớn nhằm giúp xây dựng cộng đoàn. Xét cho cùng, người tích cực dễ dàng thành công trong mọi việc nhờ sự tự tin và biến báo kịp thời; cơ hội là dịp giúp người tích cực thể hiện bản thân.

2.6.Cái tôi tiêu cực


Trái lại, cũng có những người mang mặc cảm tự ti, thấy mình thấp bé, vô tích sự…Họ tự đánh giá thấp về hình ảnh bản thân. Bất cứ sự gì xảy ra, họ đều nhận định theo chiều hướng tiêu cực. Vô hình trung, họ làm méo mó thực tại. Những vấn đề thông thường trong cuộc sống lại được họ thổi phồng lên khiến tình thế trở nên trầm trọng. Điều này đã khiến họ bị phân tán nội lực, mất đi sức tập trung vào những vấn đề hệ trọng liên quan đến ý nghĩa cuộc sống.

Tâm trạng thường xuyên của người tiêu cực là không hài lòng với bản thân mình; từ đó, trở nên khép kín, né tránh tham gia sinh hoạt chung, dần dà dẫn đến tình trạng trầm cảm. Chưa hết, do mang hình ảnh bản thân nghèo nàn, họ mất đi lòng tự trọng vốn có của người lạc quan, yêu đời. Chắc hẳn, người đánh mất đi lòng tự trọng, hành động của họ mang tính phá hủy nhiều hơn xây dựng, và những gì xem ra thành công cũng nhúm màu đen tối.

Ngoài ra, đôi khi họ có xu hướng tự tôn, tự thổi phồng mình lên để che lấp những mặt yếu kém của mình, để bù đắp cho những lần bị dồn nén…Như thế, tình trạng tiêu cực của bản thân lại càng làm họ trống rỗng nội tâm hơn. Họ là những người sống thiếu niềm hy vọng.

2.7.Cái tôi tự ái


Yêu mình và chăm sóc bản thân cách đúng đắn không có gì đáng trách mà còn là chuẩn mực để yêu thương tha nhân, vì thương người như thể thương thân. Nhưng khi lòng tự trọng bị tổn thương, con người sinh ra tự ái. Tự ái là căn bệnh kinh niên của người nghèo. Người nghèo ở đây được hiểu là những người chưa được thoả mãn nhu cầu bản thân cách nào đó. Mỗi lứa tuổi có một nhu cầu khác nhau như của ăn, cái mặc, cảm xúc, tình yêu…Một khi những nhu cầu này không được thỏa mãn thì con người ta trở nên nghèo nàn và mặc cảm. Những lệch lạc hay thiếu thốn của tuổi thơ chưa được đối diện và chữa lành, sẽ làm cho chúng ta dễ tổn thương. John Bradshaw thật chí lý khi nói: “Mỗi người chúng ta mang trong mình một đứa trẻ bị tổn thương”.(9)

Tóm lại, những mặt nạ vừa được trình bày không bao hàm hết mọi mẫu người trong thực tế. Ngày nay, các nhà tâm lý còn bàn đến: cái tôi cứng đọng, cái tôi phân tán, cái tôi thực tế… Qua đó cho thấy cuộc sống vốn muôn mặt và con người thì “nhiệm mầu”. Ở đây, chúng ta đã đề ra chủ đích rằng, những mặt nạ trên giúp ta khám phá ra khuynh hướng chủ đạo của mỗi người. Chẳng hạn, tôi thuộc mẫu cái tôi hình thức, thế nên, tôi có khuynh hướng đánh giá bản thân và người khác từ những thành công hay hiệu quả bên ngoài. Đó là cái nhìn thiển cận của con người tôi; từ ý thức đó, tôi sẽ bắt đầu để ý hơn về những suy nghĩ, lời nói và việc làm của mình. Và một khi bạn điều chỉnh nó bằng cái nhìn từ bên trong (nội dung, ý nghĩa của thực tại…), bạn còn phải để ý đến những cơ chế tự vệ của mình; để khám phá ra những thái độ ngụy biện, lố lăng, kệch cỡm… của bản thân mà điều hướng kịp thời.

Để kết thúc phần này, xin dẫn chứng gương của thánh Inhaxiô thành Loyola, Tổ Phụ dòng Tên. Thánh nhân thuộc mẫu người cái tôi vĩ đại. Với khả năng chinh chiến, ngài có đủ tư cách để tham vọng những chiến công lớn trong đường sự nghiệp công danh. Tuy nhiên, do tự tin quá đáng (cậy vào sức mình), chàng đã trải qua một giai đoạn khủng hoảng về ơn gọi và sứ vụ của mình. Trong khi đang say men chiến thắng vì chiếm được nhiều thành, chàng đã bị trọng thương ở một bên chân phải. Biến cố này đã cắt đứt mọi dự phóng của chàng trong việc chinh phục các thành.

Như chúng ta đã biết, sau khi đọc qua các cuốn Hạnh các thánh Cuộc đời Chúa Giêsu, chàng đã chuyển hướng, qui mọi sự về Đức Kitô. Thay vì thực hiện thao thức của một con người vĩ đại theo cách hiểu người đời, chàng đã chọn Chúa là Đấng vĩ đại khả dĩ giúp chàng sống trọn ơn gọi là một tu sĩ, chiến sĩ của Chúa để thu phục các linh hồn.

Xem ra, việc chúng ta đối diện với những mặt nạ được diễn tả qua những cái tôi, chưa được giải quyết thỏa đáng, chúng ta cần tiến bước nữa trong việc khám phá ra những cơ chế tự vệ còn ẩn kín trong tâm hồn. Những cơ chế này khuất ẩn bên trong nhưng những hậu quả của chúng để lại những dấu vết trong đời sống thực tiễn. Đó là một lợi thế giúp ta đi tiếp cuộc hành trình khám phá bản thân.



tải về 0.63 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   21




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương