An Mai Đỗ O. Cist


SỐNG TRONG CHÚA THÁNH THẦN



tải về 0.63 Mb.
trang16/21
Chuyển đổi dữ liệu26.12.2017
Kích0.63 Mb.
#35092
1   ...   13   14   15   16   17   18   19   20   21

10.SỐNG TRONG CHÚA THÁNH THẦN


Có thể nói, cuộc sống của mỗi người từ khởi sự đến hoàn thành đều sống trong Chúa Thánh Thần. Thật vậy, hiện hữu của tôi được khởi đi từ tác động của Người. Mỗi người họa lại cách nào đó biến cố Truyền Tin. Nghĩa là mỗi người cũng được Thần Khí bao phủ như chính kinh nghiệm của Ngôi Lời Nhập Thể. Nếu như Chúa Thánh Thần luôn hoạt động trong Đức Kitô thì toàn thể đời sống chúng ta: thể lý, tâm lý và tâm linh đều thấm đượm tình yêu Thần Linh.

10.1.Hiện hữu.


Kinh Thánh dạy rằng Thiên Chúa đã yêu thương ta bằng một mối tình muôn thuở. Lý do nào khiến Người yêu thương ? Chỉ có một câu trả lời duy nhất: vì Người là Tình Yêu. Nếu bản tính Người là Tình Yêu mà khi không còn yêu nữa, Người không còn là Thiên Chúa. Đó là kinh nghiệm của các ngôn sứ, các tông đồ… Còn tôi thì sao ? Tình yêu là một kinh nghiệm cá vị giữa tôi với Chúa tôi. Có thể nói, bài học yêu thương là bài học trước nhất, khó nhất, đắt nhất và kéo dài suốt đời tôi.

Mỗi một cuộc đời, người ta làm chứng cho một tình yêu riêng tư đó. Thiên Chúa không bao giờ lên tiếng một cách trực tiếp trong cuộc đời tôi. Thế nên, tôi một đời tìm kiếm Người trong chính hiện hữu của tôi. Hiện hữu của tôi là một ân ban. Nếu như khuynh hướng tự nhiên của tự do con người là tìm đến điều thiện hảo thì việc Thiên Chúa tự do đưa tôi vào hiện hữu, há chẳng phải xác thực rằng tôi là một thiện hảo của Thiên Chúa ? Thiện hảo (hiện hữu của tôi) đó đến từ Thiên Chúa là một ân ban. Người ta có thể phải trả giá một đời để chứng minh cho chân lý ấy: Tôi là tác phẩm của Thiên Chúa tình yêu.

Cũng thế, mỗi ơn gọi là một lời đáp trả tình yêu. Thiên Chúa không lên tiếng; Người chỉ gõ nhẹ cửa hồn và chỉ những ai tỉnh thức mới lắng nghe và mở cửa mời Người ngự vào nơi cung thánh lòng mình thôi !

Chắc hẳn, lời đáp trả tình yêu không phải là một tác động đã hoàn thành trong một khoảnh khắc nào đó nhưng nó kéo dài đến suốt đời. Như lời đáp tiếng “xin vâng” của Đức Maria khởi đi từ biến cố Truyền Tin kéo dài đến đồi Calve và như thế cứ sống động trong suốt cuộc đời của mẹ, lời đáp trả của chúng ta phải được sống cả trong những biến cố đau thương, bi đát nhất với một xác tín: Đấng chúng ta tin vào, Người đã phục sinh. Cái giá phải trả cho việc sống lời đáp trả này có thể đổi bằng máu thì các tu sĩ sẽ nhận được phần thưởng xứng đáng là chính Đấng Phục Sinh. Quả thật, hằng giây phút Người muốn ban mình cho họ qua tác động của Chúa Thánh Thần.

Sống đúng đắn và trọn vẹn ơn gọi của mình, bạn sẽ hoàn thành định mệnh đời bạn nhờ Chúa Thánh Thần. Thật vậy, Thiên Chúa đã ban cho mỗi người những năng lực hết sức phong phú và riêng biệt để mỗi người nhờ tác động của Thần Khí mà phô diễn vẻ đẹp của Thiên Chúa. Điều này chúng ta nhận thấy rõ nét nơi cuộc đời thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Vào thời trẻ, nhờ sớm khám phá bản thân với khả năng diễn xuất, ngài muốn trở thành một diễn viên sân khấu. Cho đến khi, ngài nhận ra ơn gọi làm linh mục cho Chúa và đạt đến đỉnh điểm là ngôi Giáo Hoàng, ngài đã thực sự trở thành người của công chúng. Thành công của một diễn viên sân khấu là chinh phục được nhiều người hâm mộ thì thành công của một Ngôi Giáo Hoàng là trở thành người phục vụ cho mọi người, nhất là người nghèo khổ. Vẻ đẹp của vị mục tử này còn in đậm trong tâm trí chúng ta.

Đến đây, chúng ta cần ghi nhận tác động phong nhiêu của Chúa Thánh Thần. Vào thời trung cổ, khi Giáo hội đạt đến đỉnh cao của quyền lực và tiền tài thì Chúa Thánh Thần giới thiệu cho thế giới gương mặt điển hình là thánh Phanxicô thành Assisi. Vào thời hiện đại, khi con người đạt đến đỉnh cao của tri thức nhân loại, họ hưởng thụ mọi sự ngay cả trên thân xác con người thì Thần Khí gởi đến một Têrêsa nhỏ nhắn nhưng có một tâm hồn lớn lao, như cảnh báo cho con người biết, họ đã chà đạp đồng loại và cướp đi hình ảnh Đức Kitô nơi những người cùng khốn… Mỗi người một vẻ là phản ánh vinh quang Thiên Chúa. Điều con người có thể làm là cộng tác với ơn Chúa, trung thành với sự soi động của Chúa Thánh Thần hầu biến đổi mỗi ngày nên giống Đức Kitô hơn. Bước đầu thực hiện điều này là lắng nghe sứ điệp từ thân xác bạn.


10.2.Thể lý


Thể lý, ở đây, được hiểu là hoạt động thân xác và các giác quan.

Kinh nghiệm thực tế cho thấy, thân xác là nơi biểu lộ tình yêu. Nếu yêu là bài học kéo dài suốt đời thì con người phải tìm mọi cách để biểu lộ tình yêu nơi thân xác mình. Đến như Thiên Chúa qua Đức Giêsu cũng dùng thân xác để diễn tả tình yêu cứu độ thì con người không thể khinh thường thân xác như một phế vật. Tình yêu càng chân thành, thân xác càng rất mực khiêm cung. Những bắt tay, âu yếm của thân xác làm tăng mức độ yêu thương thế nào thì toàn thân cũng được hưởng nhờ thế ấy. Hiểu một nghĩa nào đó, Gabriel Marcel có lý khi nói: tôi là thân xác tôi.

Thánh Phaolô khẳng định rằng: thân xác anh em là đền thờ Chúa Thánh Thần. Như thế, mọi thái độ, cử chỉ đều là một hành vi thờ phượng đích thực. Điều này áp dụng cho đời sống thánh hiến rất thích hợp. Vì tất cả cuộc đời của tu sĩ là một chuỗi tâm tình thờ phượng. Đó là lý do vì sao khi một tu sĩ phạm tội lại kèm theo lỗi đức thờ phượng.

Nếu bạn đã hiến toàn thân cho Chúa và bạn là nơi Người ngự thì cần để Chúa tẩy uế bằng cách dùng roi đuổi sạch mọi tâm tình bất chính. Những hành vi hưởng thụ quá đáng đều xúc phạm đến cung thánh này. Như thế, chăm sóc thân xác là một nghệ thuật và việc Chúa Thánh Thần ở lại đây là một ân ban.

Thật vậy, sức khỏe thể lý là một biểu hiện và biểu dương sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Sức mạnh ấy được ban cho không ngoài mục đích phục vụ cho ơn cứu độ bản thân và nhân loại. Còn những người ốm đau, bệnh tật, phải chăng không có sức mạnh của Người ? Chắc hẳn, sức mạnh ấy được diễn tả cách sâu xa hơn qua thái độ chấp nhận và kiên trì chịu đựng tất cả với niềm hy vọng lớn lao. Mọi hành vi dâng hiến dù nhỏ mọn đến đâu đều được hợp cùng của lễ với Chúa Giêsu để dâng cho Chúa Cha nhờ tác động của Chúa Thánh Thần.

Cũng vậy, mọi giác quan đã được Thần Khí chạm đến đều qui về ơn cứu độ. Những gì đi vào con người qua giác quan một cách bất chính, đều xúc phạm và làm buồn lòng Chúa Thánh Thần. Thật vậy, mỗi giác quan nắm một vai trò quan trọng nhằm phục vụ ơn cứu độ. Mắt để chiêm ngắm và hướng lòng về những thực tại trên Trời. Miệng để ca tụng Chúa và nói những lời xây dựng làm ích cho người nghe…Mọi sự nói chung cũng như các giác quan nói riêng, đều nhắm làm vinh danh Chúa. Như thế, khi biết dùng giác quan để phục vụ Nước Trời, chúng ta sống trọn vẹn hiệu năng của Bí Tích Rửa tội.

Ngoài ra, khi bàn đến đời sống thể lý, chúng ta không thể quên những bản năng tồn tại nơi con người. Ở đây, chúng ta chỉ nhắc đến bản năng sinh tồn và tính dục.

Sự sinh tồn và bảo tồn nằm sâu trong bản thể con người. Nó được diễn tả qua sự chăm sóc của chủ thể. Có thể khi còn trẻ, còn sung sức, người ta có thể lãng quên mà phung phí sức lực. Đến khi sức lực hao mòn dần, họ tìm cách để duy trì sự sống. Có thể nói, duy trì và phát triển sự sống là cách biểu hiện đẹp nhất ý muốn suy phục Thiên Chúa. Thánh Irênê thật chí lý khi nói: vinh quang Thiên Chúa là con người được sống. Xét cho cùng, chính Chúa Thánh Thần hằng tái tạo và bổ sức cho con người giúp họ vững bước tiến về quê Trời trong thân xác như thân xác phục sinh của Đức Kitô.(49)

Nếu bản năng sinh tồn giúp con người sống chiều kích hiện hữu thì bản năng tính dục thể hiện chất lượng cuộc sống. Quả thật, qua hành vi tính dục hai vợ chồng nên một với nhau trong thân xác. Chính trong thái độ tôn trọng và yêu thương nhau, họ cùng sống chiều kích đền thờ Chúa Thánh Thần nơi chính thân xác mình. Còn những người có lời khấn sống độc thân vì Nước Trời thì sao ? Đâu là biểu hiện chất lượng của cuộc sống họ qua đời sống này ?

Nếu như trong đời sống vợ chồng, họ đến với nhau rồi mở ra cho mọi người và Thiên Chúa thì các tu sĩ dồn hết năng lực sống hướng về tha nhân. Họ là người thuộc về mọi người và về Chúa. Như thế, bản năng tính dục đã được chuyển hướng và thăng hoa. Nếu như yếu tính của hành vi tính dục là truyền sinh sự sống mới thì các tu sĩ sống chiều kích này một cách sâu xa như lời khẳng định của thánh Phaolô: Tôi quặn đau sinh ra anh em một lần nữa cho đến khi Đức Kitô được thành hình trong anh em (x. Gl 4,19). Bản năng tính dục đã được nâng lên trong chiều kích siêu nhiên.

Tóm lại, đời sống thể lý chỉ thực sự triển nở trong ý muốn của Chúa khi chủ thể tiếp nhận Chúa Thánh Thần như sức mạnh nội tại giúp tái tạo và phát huy mọi quan năng. Trong đó, thân xác mạnh khỏe, các giác quan thuần khiết và các bản năng đạt đến cứu cánh tính mà Thiên Chúa đã đặt để từ trước.

Để có được đời sống thể lý lành mạnh như ý Chúa muốn, đòi buộc chúng ta phải thanh luyện đời sống tâm lý bên trong.




tải về 0.63 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   13   14   15   16   17   18   19   20   21




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương